Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 17): Đến chùa cô Ni
10/04/2018 | Lượt xem: 3435
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Đà Lạt
17.Đến Chùa Cô Ni
Đến chùa Ni, phải đi hai người, đừng tự do xông xáo, tình sanh rồi trí cách.
“Có chỗ ngồi riêng mới ngồi, không chỗ ngồi riêng thì không nên ngồi.”
Có những vị thầy, nhiều khi cũng xộc vào phòng riêng của Ni nhìn ngó, khiến các vị Ni khó nói.
“Ni là gì? Trong Luật Thiện Kiến ghi: Là nữ chẳng xưng là nữ mà xưng là Ni để khác với người tục, lại khiến người đời kính tín tôn trọng. Nếu trở lại đồng người thế tục, xưng nữ thì người tục khinh mỏng, chẳng có thể sanh tín kính.”
Người xuất gia không được gọi người nam, người nữ. Phải gọi là Tăng, là Ni để cho người đời tín kính.
Trong Hội Chánh Ký có ghi:
“Như Lai thành đạo, mười bốn năm sau Di Mẫu Đại Ái Đạo cùng năm trăm dòng họ Thích cầu độ xuất gia, Phật chẳng hứa nhận vì diệt chánh pháp năm trăm năm.”
Phật thành đạo, mười bốn năm sau vua Tịnh Phạn băng hà. Lúc này Di mẫu Đại Ái Đạo cùng năm trăm dòng họ Thích chân không mang dép, đầu không đội nón để cầu Phật xuất gia. Với Phật nhãn, Phật thấy nếu cho những người nữ này xuất gia thì chánh pháp diệt năm trăm năm. Di mẫu bèn nhờ Tôn giả A-nan cầu xin Phật cho được xuất gia.
“Tôn giả A-nan ba lần thưa thỉnh, Như Lai thương xót vì kia chế Bát Kỉnh Pháp, nếu hay hành trì ưng độ xuất gia. A-nan y giáo truyền lại, Di mẫu Đại Ái Đạo ba lần đáp “có thể giữ” nên hứa cho xuất gia.”
Bát Kỉnh Pháp:
1- Tỳ-kheo Ni dầu cho một trăm tuổi hạ, khi thấy vị Tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng lên tiếp đón lễ bái và trải tọa sạch mời ngồi.
Không phải đối với Sa-di, mà đối với thầy Tỳ-kheo dù mới thọ giới, Tỳ-kheo Ni một trăm tuổi hạ cũng phải mời ngồi.
Mới thọ giới Tỳ-kheo gọi là tân Tỳ-kheo, được người một trăm tuổi hạ mà lại chứng quả vị A-la-hán lễ, có bị tổn phước không? Ngày xưa tôi rất e ngại chuyện này, nhưng khi soạn đến đoạn này, tình cờ tôi thấy trong kinh Trung Bổn Khởi quyển Hạ, trang 811 có ghi:
Sau khi Di mẫu Ni Đại Ái Đạo nghe dạy là Tỳ-kheo Ni dầu cho một trăm tuổi hạ khi thấy vị Tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng lên tiếp đón lễ bái và trải tọa sạch mời ngồi, bà về dạy năm trăm Tỳ-kheo Ni ráng tu để chứng quả rồi thì khỏi cần lễ lạy. Năm trăm Tỳ-kheo Ni và bà Đại Ái Đạo về tu đúng ba tháng thì chứng quả vị. Chứng quả vị xong bà đến nói với Tôn giả A-nan:
- Thưa Tôn giả A-nan! Các thầy, các Tỳ-kheo Ni, trưởng lão đều tu tập phạm hạnh đã lâu và đều đã thấy chân lý, tức là chứng quả vị A-la-hán rồi thì tại sao lại phải đảnh lễ các vị Tỳ-kheo Tăng nhỏ tuổi mới thọ đại giới?
Tôn giả A-nan nói:
- Chuyện này tôi không dám quyết định, để tôi trình Đức Thế Tôn có nên lễ lạy nữa hay không?
Ngài A-nan đến bạch Phật, Phật nói:
- Này Tôn giả A-nan! Hãy thôi đi, ông đừng nói như thế. Này A-nan! Hãy thận trọng, ông không được nói lời ấy, chỉ vì hiểu biết của ông không như tri kiến của Như Lai. Nếu ta không cho phép người nữ xuất gia làm Sa-môn trong đạo của ta, tất cả Phạm chí, dị học, ngoại đạo và cư sĩ sẽ lấy y trải trên mặt đất và khẩn cầu các Sa-môn như thế này: “Này hiền giả! Hiền giả là bậc giới hạnh thanh tịnh cao tột, xin ngài hãy bước lên trên tấm y này để cho chúng con được phước báu lâu dài về sau.”
Nhưng mà có Ni xuất gia thì điều này không xảy ra.
Đức Phật lại bảo Tôn giả A-nan:
- Nếu ta không cho phép người nữ xuất gia làm Sa-môn trong đạo của ta, mọi người trong đời đều trải tóc xuống đất cầu xin các Sa-môn: “Này hiền giả! Hiền giả là bậc có đầy đủ giới, văn, tuệ, hành. Xin ngài hãy bước lên trên tóc này để chúng con được phước báu lâu dài về sau.”
- Nếu ta không cho phép người nữ xuất gia làm Sa-môn trong đạo của ta, người trong thiên hạ đều chuẩn bị đầy đủ y phục, trai phẩm, giường nằm, thuốc men chữa bệnh và mời thỉnh xin các vị Sa-môn nhận lấy tùy ý đem về mà dùng.
- Nếu ta không cho phép người nữ xuất gia làm Sa-môn trong đạo của ta thì nhân dân ở khắp nơi sẽ kính thờ Sa-môn như thờ mặt trời, mặt trăng, như thờ thiên thần, còn hơn cả bậc tối cao của các vị dị học ngoại đạo
Tức là Phạm thiên.
- Nếu ta không cho phép người nữ xuất gia làm Sa-môn trong đạo của ta, thì chánh pháp của Như Lai sẽ được hưng thịnh cả ngàn năm.
Đức Phật lại dạy Tôn giả A-nan:
- Vì người nữ xuất gia làm Sa-môn nên làm cho giáo pháp của ta suy vi hết năm trăm năm, là vì sao vậy? Này A-nan! Vì người nữ có năm ngôi vị không thể đạt được, năm ngôi vị ấy là gì?
- Thứ nhất, người nữ không thể đạt được quả vị Như Lai tối chân Chánh đẳng, Chánh giác.
Muốn thành Phật thì phải chuyển thành nam tử. Giống như Long nữ, sau khi dâng hạt châu cho Phật thì tức khắc sanh về nước Vô Cấu ở Phương Nam. Chuyển qua thân nam thành bậc Chánh Giác.
Lý này là lý thiền, trao hạt ngọc là tất cả mọi người ngay tức khắc nhận được, nhận được là phải trở về phương Nam. Phương Nam tượng trưng cho cung Ly, Ly tượng trưng cho hỏa, hỏa chỉ cho tâm. Nhận ra tâm chân thật rồi nhưng phải một phen chuyển hóa, sanh về nước Vô cấu, nước đó bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, không phàm không Thánh. Còn phải một phen chuyển từ thức mà thành trí thì mới thành được. Cho nên, mười phương Đức Như Lai ra đời có khi nào thị hiện nữ nhơn không? Không có! Phật phải thị hiện nam tử, đó là bậc đại trượng phu.
- Thứ hai, người nữ không đạt được ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương.
- Thứ ba, người nữ không thể đạt được ngôi vị Đế Thích, vua tầng trời Đao Lợi thứ hai.
- Thứ tư, người nữ không thể đạt được ngôi vị vua cõi Thiên ma thứ sáu.
- Thứ năm, người nữ không thể đạt được ngôi vị Phạm thiên vương ở cõi trời thứ bảy.
Năm ngôi vị ấy trên chỉ có bậc trượng phu mới đạt được. Bậc trượng phu ở trong đời thành tựu Phật quả được làm Chuyển Luân Thánh Vương, được làm trời Đế Thích, được làm vua cõi Thiên Ma, được làm Phạm Thiên Vương, này Tôn giả A-nan!
Ở đây nói, bậc trượng phu mới đạt được. Là thân nam tử mà không phải bậc trượng phu cũng không được thành tựu năm ngôi vị này. Một người Ni mà có tâm trượng phu họ cũng thành tựu quả vị A-la-hán trong đời này. Nghĩa là họ tu hành cũng đắc đạo, không phải là Tăng tu hành mới đắc đạo.
Câu chuyện Thiền sư Triệu Châu:
Có bà già đến gặp Thiền sư nói:
- Con bây giờ chán thân nữ, nhờ Hòa thượng khai thị cho con để con chuyển hóa kiếp sau thành người nam.
Thiền sư nói:
- Bà lên chánh điện tôi khai thị cho, tức khắc bà thành thân nam chứ không cần đợi kiếp sau.
Ngài dạy bà lão:
- Bà phải phát nguyện như thế này: Con nguyện thân hèn mọn của con trầm luân trong ba đường ác, còn tất cả chúng sanh được sanh về cung trời Đâu Suất.
Bà lão ngạc nhiên:
- Sao chuyển kỳ vậy? Ý con muốn là chuyển thân người nữ thành người nam.
Thiền sư nói:
- Bà chịu trầm luân, tức là cái thân trượng phu vào cuộc đời này nhiếp hóa chúng sanh. Còn phát nguyện tùy hỉ cho tất cả ai tu tập đều sanh lên cảnh giới cao hơn, hướng thượng hơn, thì tức khắc bà thành thân nam.
Tôi có quen một Ni sư, vị này phát nguyện, đời đời kiếp kiếp hiện làm thân Ni để độ cho những người Ni. Đó là tâm Bồ-tát rồi, đâu phải là nữ nữa. Bậc đại trượng phu mới dám phát nguyện vào cuộc đời này.
2- Tỳ-kheo Ni không được chê bai, mắng nhiếc Tỳ-kheo.
Thời này hiếm lắm. Tôi có quen một thầy, bây giờ thầy ở Chân Không. Ngày xưa thầy đến một ngôi chùa Ni, thầy gõ mõ sai hay sao đó, bị cô Ni cầm cái dùi mõ đánh, xịt máu! Bây giờ Bát Kỉnh Pháp mất rồi. Báo Giác Ngộ đăng, bên Đài Loan bây giờ họ nói Tăng, Ni đều bình đẳng, bỏ Bát Kỉnh Pháp luôn.
Tỳ-kheo Ni mà giữ đúng Bát Kỉnh Pháp thì lợi ích rất nhiều, cái ngã hạ xuống. Sư bà Hải Triều Âm giữ Bát Kỉnh Pháp rất nghiêm, mà giữ chừng nào thì Tăng cúng dường nhiều chừng nấy.
3- Tỳ-kheo Ni không được cử tội, nói lỗi của Tỳ-kheo, ngược lại Tỳ-kheo được quyền nói lỗi của Tỳ-kheo Ni.
Có nghĩa là nội bộ Tăng thì Ni không được xen vô.
4- Thức-xoa-ma-na học giới xong, đương sự nên theo Chúng Tăng cầu thọ đại giới.
5- Tỳ-kheo Ni mà phạm tội Tăng tàn thì phải trong mỗi nửa tháng ở trong hai bộ Tăng hành pháp ma-na-đỏa.
6- Tỳ-kheo Ni nên trong mỗi nửa tháng theo Tỳ-kheo cầu thụ học.
7- Tỳ-kheo Ni không được an cư ở nơi không có Tỳ-kheo.
8- Tỳ-kheo Ni an cư kiết hạ xong nên ở trong chúng Tỳ-kheo cầu xin ba việc để tự tứ sám hối.
Luật Tứ Phần Tỳ-kheo Ni ghi:
“Như vậy đó, này A-nan! Ta nay đã nói Tám Kỉnh Pháp, suốt đời tôn trọng không được tái phạm, nếu người nữ nào thực hành được thì tức là đã thọ giới, cũng ví như có người muốn qua dòng nước lớn phải bắc cầu mà đi qua.”
Chư Ni muốn qua dòng sông sanh tử này là phải bắc cầu Bát Kỉnh Pháp, nếu không bắc cầu thì thuyền chìm trong dòng sông sanh tử luôn.
Hồi tôi ở Thường Chiếu, các vị Ni có người nói thiền, nói đạo rất hay, nhưng mà đêm tối ăn trộm nó đến là phải cầu tụi tôi qua. Các cô hoảng chạy vô phòng núp, đóng cửa lại hết không dám ra! Còn tụi tôi thì chưa biết đạo gì nhưng cũng xông xáo, không biết sợ gì hết. Cái tâm trượng phu, cái tâm muốn che chở người khác của mình nó sống dậy, có cái tâm đó mới gọi là Tăng.
“Chiếc cầu lợi ích qua dòng sông sanh tử đó ai muốn bỏ vì thấy ràng buộc thì tùy, nhưng hãy nên nhớ một điều, nếu không có tám pháp cung kính đó thì không có giáo hội Tỳ-kheo Ni và cũng không có ai là Tỳ-kheo Ni.”
Nếu bỏ tám pháp cung kính thì không có Tỳ-kheo Ni. Tu cho vui vậy thôi chứ cũng không được lợi ích gì. Quý thầy nào có em hay chị xuất gia, nhớ nhắc dùm. Nói rằng Bát Kỉnh Pháp rất lợi ích, phải giữ mới được chứng đạo. Bởi vì cống cao ngã mạn thì làm sao chứng đạo. Cho nên thấp mình thì tự nhiên tâm hướng thượng đi lên. Muốn được như thế thì phải giữ Bát Kỉnh Pháp.
“Chẳng được vì thuyết pháp phi thời, hoặc lúc về chùa chẳng được nói hình sắc cô Ni này đẹp, cô Ni này xấu. Chẳng được thư từ qua lại hoặc cậy mượn cắt may cùng giặt nhuộm. Chẳng được tay vì cạo tóc.”
Chẳng hạn, quý thầy qua bên viện Ni lấy đồ, về nói cô đó tôi thấy mập quá, mập mà thấp người nữa! Rồi thầy khác nói không phải, tôi thấy cô đó đen quá, cô kia mới đẹp, thì nó trật! Tổ biết nên Tổ dạy mình.
Chẳng được vì thuyết pháp phi thời. Như gặp cô Ni nào xá quý thầy, quý thầy nói: “Cô xá vậy không đúng, oai nghi phép tắc là phải xá như thế này.” Đó là thuyết pháp phi thời. Quý thầy nói chuyện dễ thương, nhu nhuyến thanh tịnh thì tội người ta, tu không được, tối về người ta nhớ, thành ra tránh giùm. Thọ giới Tỳ-kheo rồi, nếu nắm tay người nữ mà có cảm thọ thì phạm giới Tăng tàn, còn Ni mà nắm tay người nam có cảm thọ thì phạm Ba-la-di. Bởi vì Ni không làm chủ được cảnh giới đó, chỉ có Tăng mới làm chủ, mới dừng được.
Lúc về chùa chẳng được nói hình sắc cô Ni này đẹp xấu, chẳng được thư từ qua lại. Hòa thượng Trúc Lâm rất sợ chuyện này. Ngày xưa, lúc dạy ở Huệ Nghiêm, Ngài nói Tăng, Ni hay thư từ qua lại. Một thời gian Hòa thượng bắt được, trong thư toàn nói chuyện tình cảm.
Chẳng được cậy mượn cắt may cùng giặt nhuộm. Tại sao không cho nhờ Ni giặt nhuộm? Vào thời Đức Phật, ông Ca-lưu-đà-di gặp cô Ni Thâu-lan-đà, hai người nhìn qua nhìn lại ông xuất bất tịnh. Y hạ ông đem nhờ cô đó giặt, trong luật nói rất rõ, cô đó về lấy cái bất tịnh của ông, bỏ vô chỗ kín rồi thụ thai. Nên Phật chế ra oai nghi phép tắc là không được cậy nhờ giặt nhuộm áo quần. Học luật phải học cho kỹ. Ở trong chúng thì không lo, nhưng sợ sau này quý thầy trụ trì một chùa, hoặc cốc nhỏ, có cô Ni bên cạnh xa xa rồi quý thầy đến nhờ.
Hồi xưa, tôi có một sư đệ, xuất gia một lượt với tôi. Ông không chịu tu ở Thường Chiếu mà ra ngoài đảo tu. Có cô Ni đang học trường cao cấp, cái duyên sao không biết mà cũng ra đó tu. Cô tu ở trên, ông tu ở dưới. Tu được ba tháng, một hôm ông bị trúng gió nên nhờ cô Ni đó cạo gió. Cạo lần thứ nhất không sao, lần thứ hai, lần thứ ba cả hai ra đời. Lấy nhau có đứa con, hai người rất là khổ, đánh lộn rồi uống rượu suốt luôn.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nghĩa là lìa trần thoát tục, phẩm cách cao xa. Trong pháp xuất thế Tăng thể phải trọng, nếu thân cận tay vì Ni cạo tóc thì Ni ngồi mà Tăng đứng thì bại hoại pháp môn, trọn thành kẻ tục.”
Hòa thượng Minh Thông, nói học luật nhiều khi phải nói trắng ra để mình tránh, Ni thì ngồi mà Tăng thì đứng giống như người tục vậy, kỳ lắm, cho nên ở đây cấm luôn không cho phép.
Thiên Thành Phạm nói:
“Cũng chẳng được cầm đồ dạy thức cạo.”
Không cạo mà mình dạy cách thức cạo cũng không được.
“Chẳng được xuống nhà bếp dạy cách làm đồ ăn ngon.”
Có một thầy tôi quen tên cũng dạy kiểu như vậy, dạy một thời gian hoàn tục luôn! Quý thầy nấu ăn ngon thấy ai nấu ăn dở mình hay xuống nhà bếp chỉ, bỏ tiêu, bỏ hành, bỏ thứ gì đó, rồi bỏ mình luôn! Cho nên đây dạy mình không được làm những chuyện đó.
“Bằng không phải thầy sai, dù đi ngang qua trước cửa chùa cô Ni cũng chẳng có nên ghé.”
“Chẳng được chỗ khuất mà ngồi chung nói chuyện.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Có hai nghĩa, dần dần thì sanh tâm nhiễm trước, thứ hai là khiến người khác ngờ vực và nhạo báng.”
Tức là phá kiến chúng sanh.
“Không được đi cùng xe, không được đi cùng đò mà hẹn với nhau.”
Dầu cho xe đò hay xe taxi gì cũng bị phạm giới, chứ không phải xe 2 bánh mới phạm, nghĩa là không được đi cùng đường.
Tình cờ, quý thầy bước lên xe đò mà có cô Ni ngồi đằng sau thì quý thầy không có lỗi, vì họ đi mình không biết. Còn hẹn hò, nhắn tin, hoặc điện thoại: “Hôm nay thầy đi xuống Sài gòn, cô có đi không? Đi xe Thành Bưởi.” là quý thầy bị phạm giới, dầu cho đi xe lớn cũng vậy. Hẹn qua cùng một chiếc đò cũng là phạm giới, cho nên cấm hết.
Đại sư Liên Trì kể, Pháp sư Linh Dụ ở chùa Diễn Không triều nhà Tùy, người Định Châu. Sư tu hành rất miên mật, Sư từng phát thệ là không độ Ni. Chỉ khi giảng kinh thuyết pháp mới cho Ni vào giảng đường mà nghe. Khi bắt đầu giảng mới cho Ni vào sau, kết thúc buổi giảng cho Ni ra trước. Phòng Sư ở tuyệt đối không có cho Ni vào.
Cái này mình học phép người xưa. Đủ năng lực, đủ pháp thù thắng, pháp tối thượng của Phật Tổ rồi mới được độ Ni, còn không thôi đừng có độ.
“Không hai người, một mình không nên tới, và cũng đừng kia đây sắm lễ đưa qua lại. Chẳng được cậy mượn mấy cô đi tới nhà giàu xin và thỉnh tụng kinh bái sám. Chẳng được cùng mấy cô kết nguyền làm cha, làm mẹ, làm chị, làm em, đạo bạn.”
Tu nhờ đại chúng, nhờ Hòa thượng thì thấy không có gì, nhưng ra ngoài làm việc sẽ có những trường hợp này, chính chúng tôi ra làm việc tôi biết. Ni đến cúng dường quý thầy, cúng một thời gian nói: “Con thấy con có duyên với thầy, chắc nhiều đời nhiều kiếp làm cha, làm mẹ.” Họ nói lần đến, quý thầy phải chặt liền! Đừng có kết nguyền gì hết.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Có hai nghĩa: Thứ nhất là bị người đời nghi báng, thứ hai là kết thêm khổ đường sanh tử, thật trái hành vi của trang Thích tử ra khỏi đời vậy.”
Cổ Đức nói:
“Cha mẹ chẳng thân lại thân ai? Chơn tâm mê tối bái cha người.”
Hàn Sơn nói:
“Lìa thân làm xuất gia, xuất gia lại kết bái.”
Mình lìa cha, lìa mẹ, lìa hết tất cả đi xuất gia. Vào đây lại kết bái cha, mẹ, anh chị em thì không đúng.
Qua bài “Đến Chùa Cô Ni”, chúng ta phải rất cẩn thận, nếu không khéo tu tập, không khéo chánh niệm thúc liễm thân tâm thì mình tránh vỏ dưa gặp cái gì? Mình sợ người nữ ở ngoài đời mình tránh rồi, không khéo rồi cũng gặp. Có những người đi trước đã từng vấp phải điều này.
Các bài mới
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 16): Phép ở trong liêu phòng - 27/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 15): Phép quanh lò hơ lửa - 27/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 14): Phép nằm ngủ - 17/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 13): Vào nhà xí - 12/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 12): Vào Nhà Tắm - 02/02/2018
Các bài đã đăng
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 11): Giữ Làm Việc Chúng Tăng - 31/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 10): Vào thiền đường phải tùy chúng - 14/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 9): Vào chùa am - 13/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 8): Tập học Kinh điển - 12/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 7): Thính pháp - 11/01/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05861
- Online: 23