Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 20 ): Vào Tụ Lạc

14/06/2018 | Lượt xem: 3994

ĐĐ. Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt

20. Vào Tụ Lạc

“Không có việc chi cần thiết thì đừng vào tốt hơn.”

Ở thiền viện mà đi ra chợ, vào thôn xóm, không có việc chi cần thiết thì đừng đi tốt hơn. Chẳng hạn, quý thầy đã ở Thiền viện Trúc Lâm một hai năm rồi, hôm nào có duyên đi đâu xa thì khi trở về quý thầy tu ít lắm cũng bốn, năm ngày mới lại công phu. Cho nên có việc cần lắm chẳng hạn như đi khám bệnh, tri khố đi chợ v.v… thì không sao. Còn không có việc gì, ở yên đây là tốt hơn.

Có phước duyên được ở yên trong nội viện rất là dễ tu, quý thầy phải ráng tu ráng học, mai kia ra làm việc thì sự tu bị giảm rất nhiều. Bây giờ cho tôi vào nội viện tu mà làm hành đường, trị nhật, quét cầu tiêu v.v… tôi thấy còn hạnh phúc hơn là làm ở nhà khách, đủ thứ chuyện trên đời. Giải quyết không rồi thì Hòa thượng rầy, mà rầy suốt thì mình cũng tổn phước.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Như không có việc cần thiết không được xông vào tụ lạc làm nhơ lục căn hoặc bị người hiếp đáp.”

Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua xứ Trung Hoa, ban đầu ngài dạy thiền thôi chớ không dạy võ thuật. Nhưng chư tăng mỗi lần đi chợ là bị cướp giựt, bị đánh. Chúng Tăng ngồi thiền bị hôn trầm nên ngài dạy phương pháp để bớt hôn trầm, và cách đỡ, gạt hoặc chạy khi bị đánh, khi bị người hiếp đáp, chẳng hạn phương pháp Thập Bát La Hán Quyền.

Thời nay ít, vào thời Sơ Tổ qua xứ Trung Hoa thì anh hùng hảo hán rất nhiều, chùa ở xa thành thị, một lần xuống núi là phải đi năm sáu người chứ đi một hai người là bị cướp. Tổ thương xót chúng tăng nên chỉ ra những phương pháp đó.

Ngài Hàn Sơn nói:

Người xuất gia đời sau,

Sát, tình, si nhập cốt.

Xưa nay cầu giải thoát,

Bỏ ấy nhận rong tìm.

Trọn dạo nơi nhà tục,

Lễ niệm làm oai nghi.

Tiền nhiều mua rượu uống,

Khách trở lại thành con.

Ngài Hàn Sơn thương xót mình ngài nói, người xuất gia đời sau (tức là mình đó), sát tình si nhập cốt. Xưa nay cầu giải thoát mà bỏ cái giải thoát nhận cái sự rong tìm. Rong tìm nghĩa là đi đến nhà thế tục. Để làm gì? Người ta cúng dường, tiền nhiều không biết làm gì rồi sanh tật, tiền nhiều mua rượu uống thôi chứ có làm gì đâu, rồi khách trở lại thành con.

Kinh Phật Thoại dạy:

“Tỳ-kheo ở tụ lạc dầu thân khẩu nghiệp tinh tấn, chư Phật thường lo. Tỳ-kheo ở núi rảnh việc nằm không, chư Phật đều mừng.”

Một hôm Đức Phật dẫn Tôn giả A-nan đi ngang qua một khu rừng nọ, thấy một thầy Tỳ-kheo nằm ngủ ngáy, Phật cười. Đi một đoạn, xuống tụ lạc thấy thầy Tỳ-kheo ngồi thiền, Phật nhíu mày. Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn thấy thầy Tỳ-kheo ngủ dưới gốc cây mà Thế Tôn cười vui, còn thầy này ngồi thiền rất tinh tấn Thế Tôn lại nhíu mày?

Phật nói:

- Thầy Tỳ-kheo ở núi ở rừng ngủ dậy thì có thể ngồi thiền, nếu không ngồi thiền thì cũng đi lẩn quẩn trong núi trong rừng thôi chứ không biết đi đâu. Còn thầy Tỳ-kheo ở tụ lạc ngồi thiền rất tinh tấn nhưng xả thiền ra có khi đi bậy nữa, cho nên Như Lai nhíu mày.

Mình chưa chứng quả Thánh mà. Cho nên Cổ Đức nói:

Tăng ở thành đô Phật Tổ rầy,

Chư hiền đều ẩn chốn am mây.

Non cao suối chảy về hạ thế,

Trong vắt y nguyên hóa đục nhầy.

Ý nói dầu cho thanh tịnh cách mấy, tu tinh tấn cách mấy thì một thời gian: trong vắt y nguyên cũng đục nhầy, bị thế tục làm cho nhơ nhiễm. Có những người ngày xưa rất tinh tấn, nhưng về chốn đô thị tu một thời gian rồi lên thăm, tôi thấy khác xưa rất là rõ.

Nếu sau này không đủ duyên tu ở tùng lâm nữa, thì quý thầy phải tìm núi non nào tu, đừng có về thành phố, rất khó tu. Tôi hay lên chùa thành phố, như đi trị bệnh, ở một hai ngày tôi chịu cũng không nổi, quý thầy biết sao không? Nhà dân sát bên, chiều lại họ nấu cơm hay xào món gì đó, khói bốc thơm lừng, rồi sao ngồi thiền? Nội cái trược đó không cũng khó ngồi thiền. Rồi có những trường hợp, đứng trên lan can nhìn xuống nhà kế bên mình thấy hết luôn rồi hỏi làm sao tu? Mà ở đời người ta nói, tai nghe không bằng mắt thấy, tai nghe nói chuyện gì thì tối mình quên nhưng mắt thấy thì năm sáu ngày, có khi cả tháng trời cũng chưa hết. Rất là khó.

Theo Lăng Già Sư Tử Truyện, có một vị Tăng hỏi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn:

Kẻ học đạo tại sao không nên ở xóm làng, thành thị mà phải ở trên núi tu?

Tổ đáp:

- Cây gỗ để dựng nhà lớn vốn từ rừng sâu mà ra chớ không có nơi nhân gian. Do ở xa con người nên không bị dao búa chặt đẽo thương tổn, sau khi đã thành cây to mới kham nổi dùng làm rường cột. Do đó mới biết rằng gởi thân ở hang sâu là xa lánh bụi bặm, còn dưỡng tánh nơi núi cao thì tránh xa thế tục. Trước mặt không có vật gì thì tâm tự an ổn, từ đó cây đạo trổ bông, rừng thiền ra trái vậy.

Có nghĩa là cây gỗ lớn muốn được làm rường cột thì mình phải ở núi, ở hang sâu rừng thẳm tu một thời gian.

Bên Tây Tạng , có một người tu mười hai năm liên tục trong tu viện không được bước ra ngoài. Khi chuẩn bị đi làm Phật sự, thì vị Đạt-lai Lạt-ma thứ mười bốn cho vị đó nhập thất ba năm. Tùy theo phương thức nhập thất, chẳng hạn người nhập thất mà muốn không nhìn thấy ai hết thì người ta làm cái nhà lửng chôn xuống, chừa cái lỗ để đưa cơm vào. Đến ngày thứ bảy mà thấy cơm vẫn còn thì một vị Lạt-ma, một vị trưởng lão sẽ đục cái lỗ nhìn vào coi thử người nhập thất ngồi thiền hay làm gì. Nếu thấy ngồi thiền yên thì sẽ vào coi thử nhập định hay không (nếu người này chết rồi, thì lấp chôn thành cái mồ luôn). Đúng ba năm sau mở thất ra, nghĩ lúc này là trưởng dưỡng thành tựu rồi thì mới cho làm Phật sự.

Nhiều vị tu cũng có tiến chứ không phải không, nhưng mà mới có hườm hườm, đi làm là thua! Bị gì? Bụi bặm thế tục trần gian nó làm nhiễm rồi từ đó mất công phu.

Cho nên trong bài Khuyến Trụ Tùng Lâm của Thiền sư Lai Quả có ghi:

“Tăng sĩ khắp thế gian lênh đênh lưu lạc không có chỗ cố định, thật đáng thương xót. Phải biết tùng lâm là hang pháp hoằng đạo lợi sanh, là đạo tràng của minh tâm kiến tánh, như áo có bâu, như lưới có giềng, thân tâm an lạc, ăn uống điều hòa. Người có đạo thì khuyến khích họ dụng công sâu thêm, người không có đạo thì cảnh sách họ tiến lên. Như tre đầy rừng tranh nhau mọc cao, như cây tùng của rừng lớn thi nhau hùng dũng vươn lên, chẳng phụ bốn ơn, làm quang vinh ba cõi, thật là đất Tăng bảo của Tăng sĩ vậy.”

Thiền sư Lai Quả cảm thán được chỗ này, ngài nói Tăng sĩ bây giờ đi lang thang khắp nơi, không có nơi cố định. Cho nên ngài khuyên, còn nhỏ phải trụ tùng lâm một thời gian thật dài để trưởng dưỡng đạo tâm. Thấy được đạo rồi, càng dụng công sâu thêm, chưa thấy đạo thì cảnh sách học giới luật, học oai nghi phép tắc.

Thi nhau hùng dũng vươn lên chẳng phụ bốn ơn, làm quang vinh ba cõi. Nghĩa là không ở chốn núi rừng được thì phải ở trong tùng lâm. Người có phúc duyên được hai cái thù thắng, thứ nhất là mình được ở trong tùng lâm lớn, thứ hai là được ở chốn núi rừng.

“Người tham thiền ở tùng lâm cùng chúng tăng làm bạn đồng kham giúp ích lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau.”

Còn ở một mình thì rất khó. Quý thầy ở một mình mà chưa thấy đạo, nhiều khi nghĩ đi, đứng, ngồi, nằm gì cũng thiền. Rồi nằm mà nói, thôi ngày mai ráng tu rồi mình luôn. Hoặc buồn buồn đi Yên Tử, đi vịnh Hạ Long, hay Tây Thiên gì đó. Tôi thấy nhiều thầy nói ra nhập thất mà thiệt ra đi chơi. Có những thầy ở tùng lâm tu rất miên mật, sau nói về nhập thất ba năm, mà mới có một năm bắt đầu thầy đi lang thang, đi đầu này đầu nọ chứ không bao giờ trụ được, bởi chưa kiến tánh mà.

“Sự trọng yếu của tùng lâm rất sâu, rất lớn, là ngọn đèn sáng của đời ô trược, là chỗ trụ của Tam bảo. Đại chúng Tăng lữ ở đó tu hành tuân theo qui củ của tùng lâm, tất cả chức sự và thanh chúng quên lao nhọc, thích hành đạo,người nào cũng có thể tu đến kiến tánh thành Phật, các chùa tư không có thể so bằng. Thật là cột trụ vững chắc của dòng đời ô trược vậy.”

Thiền sư Lai Quả cảm được chỗ này, ngài nói sự trọng yếu của tùng lâm rất sâu, rất lớn, là ngọn đèn sáng của đời ô trược. Quả thật, nếu thời không có Hòa thượng Trúc Lâm ra đời, sáng lập những tùng lâm này thì bảo đảm quý thầy không biết tu ở đâu, không biết dụng công thế nào, mà cũng không có môi trường tu nữa. Hôm tôi tiếp phái đoàn ở Đài Loan qua, họ nói môi trường có nội viện, ngoại viện như Trúc Lâm là bên đó cũng không có.

Hòa thượng chia ra nội viện, ngoại viện. Ngoại viện là để khách tham quan họ cúng dường, mình mới có ăn. Nếu không có ngoại viện thì ai biết mà cúng dường, rồi sau đó họ đến học hỏi Phật pháp nữa. Cho nên chỉ có nội viện hoặc chỉ có ngoại viện không thì không được. Những người ở ngoại viện, người ta hy sinh, để ở trong nội viện yên ổn tu học. Hòa thượng có cái nhìn rất xa nên mới được như vậy.

Là chỗ trụ của Tam bảo, tức là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Tùng lâm lớn như thế mới có Thiên long bát bộ, Long thần, Hộ pháp hộ trì cho quý thầy, chớ tu một mình rất khó.

Đại chúng Tăng lữ ở đó tu hành tuân theo qui củ tùng lâm, tất cả chức sự và thanh chúng quên lao nhọc, thích hành đạo, người nào cũng có thể tu đến kiến tánh thành Phật, các chùa tư không có thể so bằng. Chùa tư là chùa gì? Là chùa chỉ có một hai đệ tử. Một ông thầy có một đệ tử thì khó lắm. Tụng kinh cũng một mình, rồi tri sự cũng mình, tri khố cũng mình, hương đăng, thủ bổn cũng mình, cái gì cũng mình hết, sao mà tu.

Cho nên thật là cột trụ vững chắc của dòng đời ô trược vậy. Nhờ vậy thì Phật tử họ mới thấy, mới kính, mới biết được có Tam bảo còn thường trụ ở thế gian này. Mình ở trên núi trên non cũng không phải là chuyện đơn giản.

Nếu chúng ta không học qua những pháp này thì không biết.

Trong Kinh A Hàm, Kinh số 21 Phật dạy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà ông Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Này các thầy Tỷ-kheo! Người thực hành năm pháp có thể sống an ổn ở trên núi, trong tùng lâm, trong các vùng đầm ao, nằm ngồi trên nệm cỏ. Những gì là năm?

Phải có năm pháp thù thắng mới tu được. Những gì là năm?

1- Siêng năng trì giới luật, không vi phạm những học giới đã thọ trì.

Thọ mười giới thì giữ mười giới, thọ giới bao nhiêu giữ bấy nhiêu thì được yên ổn trên núi.

2- Siêng năng thu nhiếp các căn, giữ gìn mọi hành động.

Nghĩa là thanh qui, đường hướng của Hòa thượng đưa ra mình giữ đúng vậy thì mình tu sẽ được an ổn.

3- Siêng năng tu hành tinh tấn, có sức mạnh của sự tinh tấn, không từ bỏ chí nguyện của sự tinh tấn cho đến khi đắc đạo.

Hôm nào mệt quá không muốn dậy ngồi thiền, phải nhớ tự răn nhắc bản thân. Nhờ có chí nguyện của tinh tấn nên sống trong tùng lâm rất vững, rất mạnh.

4- Đã thọ giới luật của Phật tự hiểu rõ.

5- Nghe kinh pháp đã hiểu đúng.

Nếu hành giả thọ trì năm pháp này như trên đã nói thì có thể sống an ổn trên núi hay trong chốn đầm ao.

Nghe kinh học pháp cần hiểu rõ, hiểu đúng rồi thực hành sẽ được an ổn.

Chẳng được đi mau.”

Tổ Tuyên Luật sư dạy, Sa Di Học Xứ ghi:

“Như ngựa chạy trốn, chưa thấy đi nhanh mà có bước tốt, nên cất bước phải từ từ thong thả, chẳng gấp, chẳng nhanh, chẳng chậm, bước đi thong thả an ổn. Cho nên người xưa nói: Tọa như sơn mà hành thì như thủy.

Có những người đi nhanh giống như ngựa chạy trốn, Tổ nói chưa thấy đi nhanh mà có bước tốt, nên cất bước phải từ từ thong thả. Nghe nói như thế, quý thầy đi từng bước từng bước cũng không đúng. Chẳng gấp, chẳng nhanh, chẳng chậmbước đi thong thả an ổn, tọa như sơn hành như thủy, tức là đi trầm hùng an ổn thì đúng pháp oai nghi.

“Đi như hạc trắng ở trong ruộng cỏ linh chi, như sư tử chúa đi trong hang đá, mây tụ trong rừng sâu, cho nên chim ẩn nấp mà chẳng sợ. Thuyền đi thuận nước, cá bơi đều theo dòng mà không có ngại. Kẻ sĩ có chí phải nghĩ sâu về việc này.”

Đi tới đâu mà chim bay ào ào tới đó thì biết mình đi như bão. Cho nên phải đi từ tốn an ổn. Đi từ tốn an ổn là có pháp chánh niệm. Người tu mà đi nhanh thấy kỳ lắm.

Thiền Sư Trung Hoa Tập I có ghi về Thiền sư Mã Tổ: “Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Thuở nhỏ Sư dung mạo lạ thường, đi thì như trâu mà nhìn thì như cọp.”

Như vậy là trong thời quá khứ ngài gieo một hạt giống rất tốt, rất thù thắng, cho nên tướng đi của ngài trầm hùng, an ổn. Quý thầy thấy Hòa thượng không? Đi từng bước như sư tử đi vậy.

Ca dao tục ngữ có nói:

Những người chưa nói đã cười,

Chưa đi đã chạy là người vô duyên.

Một thầy Tỳ-kheo mà chạy thấy kỳ lắm, Sa-di cũng vậy chứ đừng nói Tỳ-kheo. Cho nên phải đi từ từ, gọi là pháp chánh niệm. Theo tinh thần Lão Tử, người đi mà trầm hùng, an ổn là hàm dưỡng chí khí. Hàm dưỡng chí khí là thiền định, mà sở tập tri khí tức là làm các việc thiện pháp. Người đi mà trầm mà ổn thì có chánh niệm, có chánh niệm rồi thì rất dễ đi vào con đường thiền định.

Chẳng được đi đánh đàng xa.”

Đánh đàng xa nghĩa là hai tay đánh tới trước, đánh ra sau, như vậy cũng mất oai nghi. Nhìn vào là biết vị thầy này chưa học oai nghi.

Pháp Uyển Châu Lâm có ghi:

“Ngũ ấm che tâm, cửa thiền đã đóng, sáu trần tại niệm, loạn tưởng thường rong tìm, giống như voi cuồng mà không có móc, tợ như vượn giỡn trên cây.”

Đi mà đánh đàng xa, vừa đi vừa chạy vừa cười, các ngài nói đó là bị ngũ ấm che tâm tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức che cái tâm của mình. Cửa thiền đã đóng, sáu trần tại niệm, loạn tưởng thường rong tìm giống như voi cuồng mà không có móc, tợ như vượn giỡn trên cây thì rất khó coi.

Chẳng được thường thường liếc ngó nhơn vật mà đi.”

Trong Bộ Hành Hộ có nói:

“Phép đi thường phải ngó tới, ngó đất cách bảy bước, chớ đạp chết loài trùng kiến.”

Đi phải ngó tới trước, không phải vừa đi vừa ngó qua ngó lại thì mất oai nghi.

“Chẳng được cùng Sa-di và trẻ em vừa nói, vừa cười, vừa đi.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nếu cùng Sa-di và trẻ em vừa nói vừa cười mà đi thì thứ nhất là tán loạn thân tâm, thứ hai là khiến người thấy không sanh lòng kính tín.”

Ở đây nói về Sa-di và chú tiểu nhỏ, quý thầy dắt đi đường mà vừa nói vừa cười giỡn nhìn cũng khó coi lắm.

Bộ Thanh Qui có nói:

“Chẳng được nắm tay đồng đi luận nói việc đời phải và quấy. Chẳng được cùng người nữ trước sau đắp đổi mà đi.”

Bữa nọ tôi từ ở dốc đi lên tôi thấy một ông thầy chở một cô cư sĩ, cô này mặc áo đầm. Tôi định chận lại hỏi mà xe thầy chạy nhanh quá chận không kịp. Tôi dặn mấy người bảo vệ lần sau thấy như vậy là không cho vô gửi xe. Cái đó là phá kiến chúng sanh. Trong luật có nói, phạm giới còn nhẹ hơn là phá kiến chúng sanh, làm chúng sanh mất Bồ-đề tâm. Quả tình có một số Phật tử người ta nói liền: “Sao thầy tu lại chở cư sĩ nữ như thế, kỳ quá!” Hôm trước, tôi đi thành phố cũng thấy hai thầy chở hai cư sĩ nữ! Cho nên trong luật không cho cùng người nữ trước sau đắp đổi mà đi, hà huống là chở. Học bài này rồi, phải rút kinh nghiệm.

“Chẳng được cùng với các Ni cô trước sau đắp đổi mà đi.

Cũng không được đi cùng các Ni cô.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Cùng người nữ, Ni cô trước sau đắp đổi mà đi dễ động khẩu nghiệp nơi chợ búa ồn ào. Nếu Tăng hình mà tạp nhạp chẳng có khỏi nghi báng, nên phải tránh xa.”

Tổ Tuyên Luật Sư nói, đi cùng người nữ, cùng Ni cô thì dễ động khẩu nghiệp nơi chợ búa, thấy là người ta nói liền. Dầu cho chị ruột, em gái ruột hay con gái mình cũng không được. Ai mà biết. Trong luật có nói là mẹ mình cũng không được luôn. Người ta không biết người ta sẽ thị phi.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói:

“Nếu Tỳ-kheo sợ danh ác thời khỏi các tội lỗi nhẫn đến không gần người huỳnh môn, cùng người nữ chung đi một đường.”

Theo Đại Minh Tam Tạng Pháp số 27:

“Sáu ham muốn của con người dấy lên đối với người khác giới tính hoặc nam, hoặc nữ tức có nghĩa là sắc dục.”

Mình thấy một người nữ đi trước mà đẹp thì mình cũng khởi tâm loạn tưởng, rất khó ngồi thiền. Nếu không có thì bệnh: Hình mạo dục, oai nghi dục, ngôn ngữ âm thinh dục, tế vật dục, nhân tướng dục. Hình mạo dục, oai nghi dục nghĩa là thấy người đi đứng nghiêm trang mình cũng dấy niệm, tâm niệm sanh thì rất khó tu.

Vào thời Đức Phật, có một thầy Tỳ-kheo tu hành rất tinh tấn, thầy tên Quật-đa, là bạn thân của Tôn giả A-nan. Trên đường đi khất thực, thầy gặp một cô thôn nữ, sau đó thầy mắc bệnh tương tư, tu không được nên xin hoàn tục. Tôn giả A-nan tha thiết thỉnh cầu Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo để nhiếp thọ. Đức Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Quật-đa:

- Tại sao ông đòi hoàn tục?

Tỳ kheo Quật-đa thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn! Vì thân và ý của con hưng phấn mạnh mẽ (tức là tâm dục lẫy lừng) không thể thực hiện việc tu hành phạm hạnh thanh tịnh nữa.

Lúc này Phật dùng phương tiện thiện xảo để nhiếp phục Tỳ-kheo Quật-đa. Ngài nói về sự tai hại của dục, dục là thực khổ không vui, giống như lửa đốt thân vậy. Sau khi nghe Phật dạy, Tỳ-kheo Quật-đa tư duy thiền quán chứng đắc quả vị A-la-hán, xin Thế Tôn nhập Niết-bàn.

Những người đa dục không dùng chỉ mà dùng quán mới thành tựu. Chỉ là định, là dừng lại. Người mà dục lẫy lừng thì phải dùng tư duy thiền quán, để chuyển hóa những hạt giống này. Cho nên đi tu là việc rất khó, chư Phật chư Tổ thường nhắc đến vấn đề này. Trong oai nghi phép tắc, trong giới luật cũng răn nhắc. Bởi từ trong cửa dục mà có thân này. Trong lúc cha mẹ giao hợp là dục đã lẫy lừng, mình thọ thân vào thì tiếp tục cái dục nữa. Cho nên dục rất là nặng, không nên xem thường.

Vào thời Đức Phật có một vị Tỳ-kheo tên là Tượng Xá-lợi-phất (trùng tên chứ không phải là Tôn giả Xá-lợi-phất). Ngài chứng được ngũ thông, có biện tài vô ngại đến nỗi trời Đế Thích xuống, Đức Phật gọi ngài ra để biện luận với chư thiên. Nhưng một hôm trên đường đi khất thực ông thấy một cô gái, sau đó về ông xin hoàn tục. Tôn giả A-nan lo lắng khóc với Phật:

- Bạch Thế Tôn, Tượng Xá-lợi-phất đã chứng ngũ thông, mà ngày xưa ông nói ông chứng A-la-hán nữa. Ông còn có biện tài vô ngại, tất cả cõi Diêm phù đề này ai cũng biết. Bây giờ ông xin hoàn tục thì đạo mình bị mang tiếng.

Với Phật nhãn, Đức Phật biết ông hoàn tục bảy ngày sẽ vô tu lại, Ngài nói:

- Ông đừng lo, sau bảy ngày Tỳ-kheo Tượng Xá-lợi-phất hưởng đủ ngũ dục rồi thì vào tu sẽ chứng quả vị A-la-hán.

Sau khi hưởng hết ngũ dục ông xin Đức Thế Tôn xuất gia lại lần thứ hai, đúng bảy ngày sau thì Tôn giả Tượng Xá-lợi-phất chứng quả vị A-la-hán.

Sau khi chứng quả vị A-la-hán, trên đường đi khất thực ngài gặp một vị ngoại đạo Ni-kiền-tử. Vị này nói, mấy ông Sa-môn đầu trọc nói chứng A-la-hán rồi sao cũng ra đời, mà ra rồi vô như đi chợ vậy. Tượng Xá-lợi-phất biết rằng nếu ngài không thị hiện thần biến thì vị ngoại đạo Ni-kiền-tử này, chiều nay cái đầu bể thành bảy mảnh và sa đọa trong chốn địa ngục vì phỉ báng bậc Thánh. Cho nên ngài bay lên hư không, biến ra mười tám phép thần biến. Ngài nói, bây giờ mới thật sự chứng A-la-hán, còn ngày xưa ngài chưa, mới có được ngũ thông thôi.

Ngũ thông gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông và túc mạng thông. Có ngũ thông nhưng lậu tận thông chưa đủ, những hạt giống tham ái nhỏ nhiệm chưa dứt thì cũng rớt. Như Uất-đầu-lam-phất đã chứng ngũ thông cũng chưa chắc ăn, chừng nào lậu tận thông rồi mới đúng.

Cho nên tại sao Đức Phật hay nhắc chuyện này. Tu phải nhớ đừng có ỷ lại.

Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có ghi:

Thôi Triệu Công ở Tào Khê hỏi Thiền sư Quốc Nhất:

- Đệ tử nay muốn xuất gia có được không?

Thiền sư đáp:

- Xuất gia là chuyện của bậc đại trượng phu, không phải việc tướng văn, tướng võ mà làm được.

Công nghe vậy tỉnh ngộ.

Xuất gia là dám bỏ hết tất cả, mà bỏ chuyện này rất khó. Bởi vì mình sanh từ cửa đó ra, bây giờ đoạn tuyệt, dứt khoát không phải là chuyện đơn giản. Tướng văn, tướng võ làm cũng không được, phải là bậc đại trượng phu mới làm được.

Những người túc duyên sâu, xuất gia nhiều đời nhiều kiếp thì các ngài mới đi hết con đường cuối cùng. Còn duyên mỏng thì rất khó, phải cẩn thận, phải sám hối, tu tập nhiều lắm chứ không đơn giản.

Trong Dị Kịch Đức Truyền Đăng Lục có ghi:

Thiền sư Trí Nham ở núi Ngưu Đầu lúc thiếu niên trí dũng hơn người, thân cao bảy thước. Thời Tùy niên hiệu Đại Nghiệp, ngài làm Lang tướng, tức là nhiều lần theo đại tướng đi chinh chiến lập nhiều chiến công. Niên hiệu Võ Đức đời Đường, Sư 40 tuổi, nhàm chán việc đời rồi xin xuất gia. Ngài vào núi Hoàn Công ở Thư Châu làm đệ tử Thiền sư Bửu Nghiệp.

Một lần nọ, ngài đang ngồi thiền thì bỗng nhiên thấy một vị Tăng Ấn độ, thân cao hơn trượng, thần thái sảng bạc nói với Sư:

- Ông phải tinh tấn tu đạo chớ không được thối chuyển, bởi vì ông xuất gia đã tám mươi đời rồi.

Từ đó về sau ngài mới tinh tấn phát khởi tín tâm tu. Quả tình, tu đúng một năm sau ngài triệt ngộ bản tâm.

Có hai người bạn thân của Sư ngày xưa làm tướng ở trong quân ngũ, nghe Sư ẩn dật cùng nhau vào núi tìm kiếm. Họ nói với ngài:

- Lang tướng có điên không, sao lại ở chỗ này?

Ngài nói:

- Ta sắp tỉnh rồi, còn các ông thì đang phát điên. Ôi! Mê đắm thanh sắc, tham vinh hám lợi, phải trôi nổi trong sanh tử sao còn không thoát ra đi!

Hai người nghe hiểu thở dài mà ra về.

Khi tôi làm nhà khách, có một cô ở miền Bắc vào. Cô khóc kể rằng con trai cô bỏ nhà ra đi đã sáu năm, để lại lá thư nói là bỏ hết tất cả để đi tu. Gia đình dòng tộc của cô nói, người con đó điên rồi nên mới đi con đường này. Tôi nói cho cô hiểu, gia đình mà có một người đi tu thì được phước thù thắng. Lúc này cô tỉnh, cô xin hai cuốn sách và nói nếu đủ duyên thì xin vào thiền viện tu học, bởi vì cô không thể sống với gia đình chồng được nữa.

Lăn lộn ở ngoài đời là bị thanh sắc, bị danh lợi, trôi nổi trong đường sanh tử. Còn được xuất gia tu đạo là sắp tỉnh, có tỉnh mới tu, quý thầy đều có trí tuệ, có trí tuệ mới đi tu. Cho nên người lớn làm gì người nhỏ biết hết. Mai này quý thầy làm chức sự, làm gì đó là phải cẩn thận, đừng có nói mấy người mới vào tu không biết gì, phải tỉnh lắm mới vô chùa chứ, đúng không? Những người đang học hành, đang làm việc mà bỏ đi tu là tỉnh rồi, tỉnh mới dám bỏ, không tỉnh sao bỏ được.

“Chẳng được cùng người say, người điên trước sau đi gần. Chẳng được đi sau cố ngó người nữ.”

Trong Luận Đại Trí Độ, Phật nói:

“Thà lấy một miếng đồng nóng đỏ đặng chà tròng con mắt chớ đừng lung lòng vấy ngó nữ sắc. Chẳng được nhướng mắt liếc ngó nữ nhơn.”

Phật Tổ nói nhiều về chuyện này để mình tránh.

Kinh Thập Giới nói:

Đóng chặt sáu tình, không ngó sắc đẹp. Mắt chẳng liếc ngó, tâm chẳng nghĩ dâm, miệng không nói chơi, dấu chân chẳng tìm nhau và không đồng đi một thuyền, gặp giữa đường cũng không hỏi. Nếu kia cầm vật lạ cũng đừng dòm ngó.”

Không được nói chơi với người. Dấu chân chẳng tìm nhau, là họ đi trước, quý thầy đi theo dấu chân, ướm thử cũng không được. Không đồng đi một thuyền, chẳng hạn, trên một chiếc xe mà hẹn nhau đi, cũng phải tránh chớ không được đi chung.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 49, Phật dạy:

Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại nước Xá Vệ trong vườn Kỳ Thọ Ông Cấp Cô Độc, bấy giờ Thế Tôn nói với các thầy Tỷ-kheo:

“Chẳng thà cứ thường hay ngủ nhiều chớ đừng trong khi thức mà tư duy loạn tưởng để rồi thân hoại mạng chung sanh vào nẻo dữ. Chẳng thà để cho dùi sắt đang rực cháy in vào mắt chứ không để nhìn sắc mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ-kheo khởi tưởng như vậy bị bại hoại bởi thức. Tỳ-kheo bị bại hoại bởi thức sẽ rơi vào ba nẻo dữ: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Điều ta muốn nói là như vậy.”

Ở đây có câu chuyện Tổ Nhẫn:

Tổ Nhẫn tu hành rất miên mật, biết mình sắp từ giã cõi đời, đêm đó ngài đi dạo quanh bờ hồ. Đang đi ngài nhìn qua bên kia bờ hồ thì thấy một cô thiếu nữ đang cởi đồ ra tắm. Vừa mống niệm một chút là ngài biết rồi, về họp đại chúng lại, ngài nói:

- Mai đây thầy tịch rồi, các con phải qua nhà bên đó tìm cách mua cái quần. Thầy thác sanh làm con rệp, các con mua quần về rồi chú nguyện mà đốt cho thầy thì thầy mới siêu thoát được.

Khi cận tử nghiệp đến, quý thầy vừa dấy niệm là rớt ba đường ác liền. Chỉ dấy một niệm nhỏ thôi đã bị rớt rồi. Sau khi Tổ Nhẫn tịch, các đệ tử cố gắng mua cho được cái quần đó, quả tình thấy trên bâu quần có một con rệp nhỏ. Ngài để lại di chúc là chôn chứ không xây tháp, mà chôn ngay bên đường đi để các đệ tử khi xuống núi, dẫm lên ngài mà nhắc nhở mình là không được nhìn ngó nữ sắc.

Người kia chẳng thà cứ thường hay ngủ chứ đừng khi thức mà tư duy loạn tưởng, thà lấy dùi báng đâm vào lỗ tai cho nó hư hoại chứ không để vì nghe tiếng mà nổi lên loạn tưởng, Tỳ-kheo nổi lên loạn tưởng sẽ bị bại hoại bởi thức.”

Ở đây Phật nói trong sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình phải chánh niệm tư duy thật kỹ.

“Chẳng thà thường hay ngủ chứ đừng để trong khi thức mà có ý nghĩ muốn phá hoại Thánh chúng. Đã phá hoại Thánh chúng đọa tội ngũ nghịch thì dù có đến ức ngàn Chư Phật cũng không thể cứu chữa. Những ai gây đấu loạn giữa chúng, người ấy sẽ bị đọa tội không thể cứu chữa. Vì vậy ở đây ta nói chẳng thà cứ hay ngủ chứ đừng để trong khi thức mà có ý muốn phá hoại Thánh chúng chịu tội không thể cứu chữa, cho nên Tỳ-kheo hãy gìn giữ sáu tình chớ để sai sót. Như vậy Tỳ-kheo hãy học điều này.”

Phá hoại Thánh chúng, là phá hoại, chia rẽ Tăng đoàn. Đi chỗ này nói xấu người này, đi chỗ khác nói xấu người khác thì phạm tội ngũ nghịch. Phật nói phạm tội này, ngàn ức Chư Phật cứu cũng không được. Cho nên nói chẳng thà cứ ngủ chứ đừng để trong khi thức mà phá hoại Thánh chúng.

“Hoặc gặp các bậc Tôn túc hay bà con quen biết đều phải đứng lại một bên đường, trước tính hỏi thăm. Hoặc gặp những việc thí hiển ly kỳ quái quái đều chớ nên coi, cứ vững mình thẳng đường mà đi. Hoặc gặp chỗ nước hầm lở chẳng được nhảy qua. Có đường hãy đi quanh, không đường người đều nhảy qua, ta cũng nhảy thời được.”

Đi đường gặp hố nước thì không được nhảy, nhảy là mất oai nghi phép tắc.

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư có kể câu chuyện:

Tỳ-kheo Vô Trước đã chứng quả A-la-hán, trên đường đi có một cư sĩ tín tâm thỉnh ngài thọ trai và muốn cúng dường ngài một cái y tốt. Giữa đường gặp một hầm nước, cư sĩ thấy ngài ba lần do dự chẳng muốn nhảy qua thì khởi niệm không muốn cúng cái y nữa. Thầy Tỳ-kheo đã chứng tha tâm thông, biết ý cư sĩ chỉ muốn cúng bữa ăn chứ không còn muốn cúng y, nên ngài không chùn bước nữa mà nhảy qua hầm nước. Cư sĩ hỏi, ngài tại sao ba lần chùn bước mà bây giờ mới nhảy qua. Ngài đáp, ta nếu lại do dự sợ mất phần ăn. Cư sĩ kinh sợ, biết đây là đạo nhân, tức là người có mắt đạo thấy được tâm niệm của ông nên trở lại cúng dường. Vì thế Tổ nói người có đạo mà còn như thế huống nữa lại là phàm phu ư.

Người vừa chạy vừa giỡn cười vừa la, làm sao chánh định được, loạn tưởng rồi, trong kinh gọi là thân trạo cử. Thân trạo cử từ đâu ra? Từ tâm, tâm ứng ra thân. Nhìn là biết người này thân trạo cử. Vừa cười vừa giỡn vừa nói là khẩu trạo cử. Giữ gìn chuẩn mực oai nghi phép tắc thì đến con đường chánh định, giải thoát rất nhanh.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90223
  • Online: 29