Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 5): Tùy chúng thực
27/12/2017 | Lượt xem: 4168
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt
5.Tùy Chúng Thực
“Nghe tiếng kiềm chùy phải sửa sang y phục”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Tùy chúng nghĩa là người xuất gia nên phải mỗi mỗi theo chúng. Cổ Đức nói: Tùy chúng được giải thoát, mà có tám giải thoát.”
Nếu không ở trong chúng thì không biết việc tùy chúng. Tiếng kiềm chùy tức là tiếng bảng đánh “cốc, cốc”. Phải sửa sang y phục, chuẩn bị lên ăn cơm chứ không phải ngồi ở tăng đường nói chuyện nữa. Tổ nói, nếu theo chúng thì được tám pháp giải thoát. Quý thầy ở thất riêng thì không được tám pháp này, chỉ ở trong tùng lâm lớn mới được.
1- Nghe tiếng bảng liền đến, chẳng có giải đãi.
Nghe tiếng bảng quý thầy đi lên liền, tức là tâm mình không giải đãi. Đó là pháp giải thoát thứ nhất.
Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi:
Trong hội của Thiền sư Qui Sơn, buổi trưa nọ khi nghe ba tiếng bảng bỗng có một vị tăng vỗ tay cười lớn. Thiền sư Qui Sơn ngồi trong Pháp đường nghe tiếng vỗ tay ngài nói: “Hôm nay trong chúng có sự việc xảy ra như thế sao?
Bởi nghe tiếng bảng vỗ tay là biết “nhĩ căn viên thông”, ngộ nhập rồi.
Ngài mừng lắm, sai thị giả xuống kêu vị tăng vỗ tay lên gặp ngài. Ngài hỏi vị tăng:
- Hồi nãy vừa nghe tiếng bảng ông vỗ tay liền, ông nghe gì mà ông vỗ tay?
- Bạch Hòa thượng, sáng con ăn cháo đói quá giờ nghe tiếng bảng con mừng con vỗ tay chứ không có gì hết.
Ngài Qui Sơn thôi không nói gì.
Quý thầy thấy thiền ngữ trong đó chưa? Ở đây ngầm cái gì trong này? Quý thầy đừng chấp trên văn tự. Người xưa nghe tiếng bảng hay bất cứ tiếng gì, các ngài đều trở về phản quan lại tự tánh của các ngài, tức là trở về chỗ tri kiến như thật, chỉ trong những chuyện hằng ngày, chuyện bình thường nhất. Ta đừng nghĩ thành Phật, tác Tổ là ở trên trời, trên non, hay dưới biển mà toàn là trong việc ăn cháo, ăn cơm, uống nước, ngoài ra không có gì khác. Sáng ăn cháo, trưa ăn cơm, ngay trong giờ phút thực tại đó mà thấu tột được thì thành Phật, tác Tổ. Cho nên Qui Sơn liền thôi. Nếu ngay đó Tổ Qui Sơn có cái gì để nói nữa là thêm. Các ngài nói là ngay gấm thêm hoa, ngay tuyết thêm sương, ngay đầu mà thêm đầu. Trật! Vị tăng nói vậy, ngay đó là chấm dứt, ngay chỗ đó là thiền.
Cũng trong Ngũ Đăng Hội Nguyên:
Tăng hỏi Thiền sư Vân Môn:
- Xin Thầy chỉ cho con một con đường ngộ nhập.
Thiền sư Vân Môn nói:
- Ăn cơm, ăn cháo đi.
Đó là con đường ngộ nhập, là bí yếu của thiền. Các ngài chỉ ra, mình thấy dễ quá rồi bỏ qua chỗ này. Trong lúc ăn cơm, uống nước quý thầy chịu khó nghiền ngẫm thì chính chỗ đó là đạo lý.
2- Cúng dường hiện thành được tỉnh lực.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Thành tựu ngay trong hiện tại tức chân lý tuyệt đối tự nhiên hiện bày. Tỉnh lực, năng lực của thiền định, năng lực này có công năng đoạn trừ các phiền não.”
Trong lúc quý thầy lên cùng ăn cơm với đại chúng, thì sự cúng dường nó hiện thành được tỉnh lực, được sức mạnh. Người xưa nói trong lúc ăn cơm quả đường, công phu miên mật hơn ngồi thiền hai tiếng đồng hồ. Bởi vì bữa nào có thức ăn ngon, tự nhiên quý thầy khởi niệm thèm, trong giờ phút thực tại đó, nếu biết cách chuyển cái tâm niệm thèm muốn này, thì chính chỗ đó là công phu đắc lực nhất.
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi:
Thiền sư Chơn Tịnh ở trong thất hỏi vị tăng:
- Xong hay chưa?
Tăng thưa:
- Chưa xong.
Thiền sư hỏi tiếp:
- Ông ăn cháo hay chưa?
- Bạch Hòa thượng, ăn xong rồi.
Thì Thiền sư nói:
- Sao nói chưa xong?
Trong lúc ăn cháo ông rõ ràng biết. Nếu ông là người chết, sao ông ăn? Ăn cháo, ăn cơm ông rõ biết, sao nói chưa xong?
Thiền sư lại hỏi:
- Ngoài cửa có tiếng gì?
- Tiếng mưa rơi.
Thiền sư nói:
- Sao nói chưa xong? Trước mặt là cái gì?
- Bình phong.
Thiền sư nói tiếp:
- Sao nói chưa xong?
Sư lại hỏi:
- Hiểu chưa?
Tăng nói:
- Chưa hiểu!
Sư đọc một bài kệ:
Tùy duyên sự sự liễu,
Nhật dụng hà khiếm thiểu.
Nhất thiết đản tầm thường,
Tự nhiên bất điên đảo.
Có nghĩa là:
Theo duyên mọi việc xong,
Hằng ngày dùng đâu thiếu.
Tất cả đều tầm thường,
Tự nhiên dứt điên đảo.
Tất cả là việc bình thường hằng ngày, ăn cháo, ăn cơm, mặc áo, đi tiểu tiện… mà rõ biết hết, đó là dứt điên đảo.
3- Tác quán bình đẳng không có nhân, ngã.
Khi ăn uống chung trong chúng, chẳng hạn người ta cúng dường bốn trái cam thì chia đều bốn người. Lúc đó quý thầy không khởi niệm ai cúng hay ở đâu có. Còn ở thất riêng, người ta đến cúng là quý thầy khởi niệm người này cúng tôi, người khác cúng tôi, có nhân ngã. Pháp giải thoát thứ ba là tác quán bình đẳng không có nhân, ngã.
4- Dứt các hý luận, luôn giữ chánh niệm.
Chỉ tùng lâm lớn mới có. Tôi đến chùa khác, chẳng hạn chùa quê tôi, không có mặc áo hậu ăn cơm như mình mà mặc áo ngắn ăn cơm. Rồi nói chuyện thời sự, nói đủ thứ chuyện, không phải như các thiền viện của Hòa thượng, tụng kinh rồi ăn uống im lặng giữ chánh niệm.
Cho nên Kinh Di Giáo Phật dạy:
“Tỳ-kheo các ông, các thứ hý luận làm cho tâm mình mờ tối, dù đã xuất gia vẫn chưa được giải thoát. Thế nên Tỳ-kheo phải mau dứt bỏ loạn tâm hý luận.”
Có câu chuyện:
Hai vợ chồng ngồi ăn cơm, người chồng luôn im lặng giữ chánh niệm. Bữa nọ người vợ chịu hết nổi:
- Ông này ăn mà im lặng không biết lo xa nghĩ ngợi gì hết.
Hôm sau người chồng ngồi ăn cơm vừa nói:
- Không biết bên Mỹ mưa hay bão gì đó.
Người vợ nói:
- Ông có khùng không? Ngồi đây mà nghĩ bên Mỹ làm chi.
- Bà bảo tôi lo xa thì tôi lo xa chứ sao.
Câu chuyện đơn giản, nhưng không khéo mình đang ăn cơm mà nghĩ chuyện bên Mỹ, bên Pháp, bên Tàu là trật, là không giữ trong chánh niệm. Cho nên các thiền sư dặn mình trong lúc ăn, uống, làm việc đều luôn giữ trong chánh niệm, đó là pháp giải thoát thứ tư.
Trong Đại Thừa Huyền Luận quyển Hai có nói:
“Hý luận là tên giả mượn để thí dụ, đối với đạo không có lợi ích, như đứa bé nói đùa mà thôi.”
Kinh Tối Thắng Vương quyển Một nói:
“Tánh thật tế không có hý luận. Chỉ riêng Đức Phật chứng được hý luận hằng dứt gọi là Niết-bàn.”
Chỉ có Phật mới chứng được chỗ này thôi, mình dứt không được. Chẳng hạn mình lên quả đường ăn thì im lặng chứ ăn giữa buổi thì không im lặng được. Phải nói chuyện gì đó cho vui, chuyện dưới rẫy, chuyện ở đâu, ở đâu… Đức Phật chứng được chỗ này thì hý luận mới dứt được. Chỉ có Đức Phật thôi. Rất là khó.
Trong Luận Du Già Sư Địa quyển Chín mươi mốt ghi:
“Những lời nói dẫn đến sự tư duy phân biệt gọi là hý luận. Vì sao? Vì những lời nói ấy không thể làm tăng thêm chút pháp lành nào và cũng không thể làm giảm đi pháp ác.”
Có nghĩa là điều ác luôn tăng trưởng mà pháp lành thì mất.
Luận Phật Tánh quyển Ba ghi:
“Hý luận có ba, một là tham ái, hai là ngã mạn, ba là kiến chấp.”
Nếu chúng ta hý luận thường xuyên thì sanh ra thứ nhất là tham ái, thứ hai ngã mạn, thứ ba là kiến chấp.
Kinh Trung Bộ Tập Một Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo! Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo! Ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”
Đây là tinh thần của Tứ Niệm Xứ, không phải tinh thần Tổ Sư Thiền. Tuy nhiên quý thầy thực tập cũng có lợi ích. Chẳng hạn đi quý thầy rõ biết, hơi thở ra vào đều rõ biết, ăn uống cũng luôn luôn tỉnh giác chế ngự cái tham, sầu khổ, nóng giận, đều tỉnh giác. Chứ không thôi quý thầy nói bây giờ tôi tu tới giai đoạn trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật. Nhưng chưa được pháp này mà lại đi đến con đường hý luận khác. Còn ở đây Phật đưa xuống một cấp độ là luôn luôn chánh niệm, quán thân trên thân.
“Sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Tăng-già-lê, mang bình bát, mang y biết rõ việc mình đang làm; khi ăn uống, nhai nếm biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện biết rõ việc mình đang làm; khi đi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm. Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân.”
Nghĩa là làm việc gì biết rõ việc đó, mà rõ biết được như thế thì quý thầy vào thất có một sự đột biến lớn trong thân tâm. Quý thầy dở cách mấy mà biết rõ ràng mình có mặt trong giờ phút thực tại này, thì cái tâm lang bang vọng tưởng ngay tức khắc không có mặt nữa, mà luôn luôn an trú trong giờ phút thực tại đó. Như vậy thì những lúc quý thầy vào thất mới gọi là đột biến thân tâm, chứ thiền không phải dễ nhảy vô đâu.
Người mà giỡn cười suốt ngày, không có chánh niệm tỉnh giác, thu thúc sáu căn mà nói ngộ đạo thì Thiền sư nói, đây là Di-lặc trời sanh, Thích-ca tự nhiên. Quý thầy hiểu chỗ này không? Có ai mà Di-lặc trời sanh không? Xem trong sử, Di-lặc tu bao nhiêu kiếp, bây giờ tới kiếp cuối cùng mới thành Phật. Như vậy là các ngài cũng luôn luôn nhiệt tâm tỉnh giác, cuối cùng mới thành Phật. Rồi có Phật Thích-ca nào mà tự nhiên đâu, ngài cũng phải tu vô lượng kiếp, cũng tỉnh giác, chánh niệm, rồi cuối cùng bốn mươi chín ngày đêm mới thành Phật. Không bao giờ hô biến tự nhiên nói ông này ngộ đạo, mà toàn giỡn cười, đi chơi, ngắm trăng, ngắm sao rồi thành Phật. Không bao giờ có chuyện đó!
Cho nên Khổng Tử nói:
“Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị.”
Nếu tâm không ở trong cảnh giới thực tại này thì nhìn sẽ không thấy, tai nghe mà không rõ, miệng ăn mà không biết mùi vị.
Ăn mà biết mùi vị thì thiền sư nói đó là phàm phu, không biết thì là gỗ đá. Nghe vậy mình làm sao? Mình phải thực tập công phu chứ. Các ngài dạy, uống ngọt biết ngọt, ngay đây chấm dứt không thêm cái gì nữa hết. Chứ uống ly nước lợt lợt, quý thầy bực trong bụng: Ông này pha ly nước sao kỳ quá, không ngọt bằng hôm qua. Đem quá khứ đến! Trật! Ngọt biết ngọt, ngon biết ngon mà ngay trong giờ phút thực tại này chấm dứt, dừng! Dừng trong giờ phút thực tại này, cái đó mới khó, nhà thiền mình đòi hỏi vậy.
Muốn được như vậy, quý thầy phải dùng phương pháp nhất tọa nhất thực, tức là một khi ngồi, ăn xong bước xuống thì dừng, không bỏ gì vô miệng nữa, rất là đơn giản, chính chúng tôi làm được và cảm thấy rất an lạc.
Làm được điều đó thì đối với thức ăn, quý thầy coi như không, chuyện ăn uống không dính dáng gì đến quý thầy nữa, ăn cũng được, nhịn cũng được. Người ta đến cúng dường, chẳng hạn một bịch bánh, quý thầy cũng biết ơn tín thí nhưng không khởi niệm gì hết. Ai đến cúng dường bánh là tôi đem cho, không ăn được, vì ăn là trật cái “nhất tọa nhất thực” rồi. Quý thầy mà sống được chỗ đó một thời gian, thì ăn uống đều nằm trong cảnh giới thực tại, không còn thèm muốn gì nữa. Một lúc nào đó, quý thầy được ở yên nhập thất sẽ có kết quả rất lớn.
5- Như pháp quán tưởng nên thâm nhập nghĩa lý.
Quý thầy quán tam đề ngũ quán, thâm nhập rồi thì tự nhiên khế hợp chân lý.
6- Chẳng ăn mích chúng nên dứt tiệt nghi báng.
Ăn mích chúng là sao? Chẳng hạn chúng ăn hai cái bánh ít, quý thầy ăn bốn cái! Ăn trên quả đường, tri khố dọn mỗi người một cái, làm sao mích? Quý thầy ăn ở đâu đó, chúng họ nghi, mà nghi thì cái đức mình bị tổn, không được pháp giải thoát.
7- Cam khổ đồng thọ, không có kén chọn.
Hôm nào có cúng, có giỗ thì đồng hưởng, mai đây một dĩa rau muống luộc, một chén nước tương thì cùng thọ. Cam khổ đồng thọ thì pháp giải thoát thứ bảy có mặt.
8- Đi đứng oai nghi nên chẳng phóng dật.
Nếu chẳng theo chúng thì tám pháp giải thoát, chẳng có thể thành tựu được. Cho nên cần phải ở trong chúng lâu là vậy.
Mới đây có một thầy chưa học oai nghi phép tắc mà nhất định đi, tôi nói ráng ở năm, ba năm rồi về cất cốc cũng được. Đi rồi bây giờ hối hận, điện thoại lên xin nhập chúng tu lại, chứ về không ai chứa. Đau bệnh hay bất cứ chuyện gì mà còn nằm trong chúng thì ai cũng giúp đỡ, nuôi bệnh, ai cũng muốn tìm cách cúng dường để quý thầy trị bệnh. Nhưng một khi quý thầy ra khỏi đây thì không ai ngó ngàng tới. Mình ở trong chúng lâu năm, tích chứa công đức, thành tựu Phật pháp, trang bị Phật pháp cho nhiều thì đi đến đâu người ta cũng thỉnh, cũng mời. Cho nên, Tổ Tuyên Luật Sư nói ở trong chúng mới được tám pháp giải thoát. Không ở trong chúng thì tám pháp giải thoát này, chẳng có thể thành tựu được. Vì vậy, khuyến khích mình ở trong chúng là có lý do.
“Nghe tiếng kiềm chùy phải sửa sang y phục.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Đây chính là phương pháp vân tập đại chúng, chẳng đợi nói mà tự đi.”
Đến giờ ăn cơm, vị hành đường gõ ba tiếng bảng, không mời mà quý thầy cũng tự đi. Nếu gõ bảng mình không đi, hoặc nghe tiếng kiểng chuẩn bị ngồi thiền hay tụng kinh mà cứ ngồi nói chuyện đông, chuyện tây, tức là mình không tùy thuận pháp hạnh trong đại chúng, trong tùng lâm. Nghe tiếng kiểng, tiếng bảng mình tùy thuận đi tọa thiền, tụng kinh hoặc đến trai đường, thì những hạt giống đó đều được ghi trong tàng thức. Có những người lúc ở ngoài đời, nghe tiếng chuông, tiếng trống tự nhiên họ được đánh thức, là biết trong thời quá khứ, họ đã từng có những hạt giống này ghi trong tàng thức.
Cho nên Kinh Phật nói:
“Người xuất gia tu học chỉ cần ở trong tùng lâm một ngày, một đêm bằng ở ngoài đời một trăm năm.”
Ngày xưa, đọc đến đây tôi không hiểu, tôi nghĩ rằng mình ở trong tùng lâm được thời gian tu học nhiều hơn cư sĩ tại gia, nên thời gian được tính dài ra. Nhưng hồi hôm lúc ngồi thiền, tôi thấy có một số cư sĩ đến làm công quả, những vị này đi đạo tràng cũng mười mấy năm rồi và có tu tập pháp môn thiền, nhưng họ khạc, họ nhổ trước chánh điện, họ hỉ mũi, họ làm đủ thứ. Nghĩa là pháp hành chánh niệm oai nghi họ không có, bởi vì họ chưa từng học qua.
Cho nên bài Oai Nghi này tôi lấy tựa đề: “Oai Nghi - Con Đường Của Sự Tỉnh Thức”. Sở dĩ chúng ta tu một ngày, mà hơn người đời một trăm năm là bởi mình có pháp trợ đạo. Pháp trợ duyên này là Oai Nghi, là mình luôn sống trong tỉnh thức.
Còn người không có oai nghi phép tắc, sống buông thả phóng túng, hoặc khạc nhổ, hạ phong trong thiền đường, thì người này tuy cũng đầu tròn áo vuông, xuất gia như những người khác nhưng trong luật các vị Tổ nói, họ không khác gì người đời, tức là xuất gia uổng. Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ hết tất cả vào đây mà mình không có sự oai nghi, phép tắc, không có giới luật để câu thúc tâm của mình lại thì chư Tổ nói người này giống như người thế tục.
Cho nên học luật, học oai nghi, là hơn người đời chỗ đó. Người đời tuy họ tu tập nhiều pháp môn nhưng họ chưa từng kinh qua con đường oai nghi này. Họ không biết pháp đến chùa phải như thế nào cho nên họ vẫn khạc nhổ, hạ phong... mà không biết tội phước ra sao. Còn ở Tùng lâm, chúng ta học pháp oai nghi này, là pháp duyên trợ đạo thù thắng nhất.
Ở đây Tổ Tuyên Luật Sư nói: phương pháp vân tập đại chúng chẳng đợi nói mà tự đi, có nghĩa là quý thầy nghe tiếng kiềm chùy, những hạt giống này ghi trong tàng thức nó không mất, mà đợi đủ nhân. Đủ duyên nó tác động, có những lúc chúng ta đột biến thân tâm và con đường ngộ nhập cũng đi từ con đường này.
Thanh qui Tổ Bách Trượng dạy, nghe tiếng kiềm chùy, mình chắp tay lại thầm tưởng niệm:
Phật sanh Ca-tỳ-la,
Thành đạo Ma-kiệt-đà,
Thuyết pháp Ba-la-nại,
Nhập diệt Câu-thi-na.
Phật sanh Ca-tỳ-la… Ngài là một vị Đông cung Thái tử, khi trưởng thành ngài thấy cuộc đời là vô thường, ảo mộng nên buông bỏ hết tất cả để vào rừng tu. Chắp tay tưởng niệm công đức của ngài để tăng trưởng những niệm thù thắng, nhờ năng lực này mà giữ được oai nghi phép tắc. Thành đạo Ma-kiệt-đà, thuyết pháp Ba-la-nại…Mình tưởng niệm giờ phút Phật thuyết pháp cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Nhập diệt Câu-thi-na, nghĩa là dù Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì cũng đến ngày vô thường, đến ngày hoại diệt, huống chi là cái thân của mình, cho nên thúc đẩy mình nỗ lực tinh tấn tu.
Luận Kiền Độ nói:
“Nghe tiếng kiềm chùy liền phải đắp y, mang bát giống như nhạn đi.”
Chim nhạn bay rất có thứ tự, một con dẫn đầu, rồi con kế tiếp, kế tiếp...
“Đi đến trai đường theo thứ tự mà ngồi, chớ khiến lộn xộn chẳng đúng như pháp.”
Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi:
Thiền sư Thạch Thê một hôm hỏi thị giả:
- Ông đi đâu?
Thị giả thưa:
- Con đi lên trai đường.
Thiền sư bảo:
- Ta đâu không biết ông đi lên trai đường.
Thị giả thưa:
- Ngoài việc này ra, riêng nói cái gì?
Thiền sư bảo:
- Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ông thôi.
Thị giả thưa:
- Nếu hỏi việc bổn phận của con thì thật là con đi lên trai đường.
Sư bảo:
- Ông quả thật là thị giả của ta.
Các vị thiền sư một khi khai thị cho đệ tử thì không ngoài việc: “Bổn phận của ông là gì?”
Hôm trước, có phái đoàn mười nước gồm Lào, Mã Lai, Indonesia, Singapore, Campuchia, Thái Lan… đến thăm thiền viện. Trong đó có một vị người Singapore hỏi Hòa thượng một câu mà ông cho rằng rất trừu tượng: “Mục đích của con người là gì?” Câu này cũng không khác gì câu hỏi: “Việc bổn phận của ông là gì?” Tôi đã từng tiếp một phái đoàn mười giáo sư miền Bắc và hai linh mục nhà thờ cũng hỏi chúng tôi như vậy. Các tôn giáo bạn như Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo cũng luôn luôn tìm hiểu mục đích của con người là gì.
Thật ra câu hỏi này không trừu tượng, bởi mục đích của con người thì chư Phật, chư Tổ đã làm rồi. Mục đích mà con người muốn hướng đến không phải tài, sắc, danh, thực, thùy mà là chuyển hóa thân tâm. Đời này chưa xong thì đời kế tiếp, hoặc năm này không xong thì năm kế tiếp nữa. Mục đích này không nằm trong trạng thái biện luận hay lý giải trừu tượng, không bằng cách học trung cấp, cao đẳng rồi tiến sĩ. Dầu cho quý thầy có mười cái bằng tiến sĩ, cũng không khám phá mục đích này được.
Hòa thượng nói, trả lời câu hỏi này phải nói rất dài, ở đây Hòa thượng chỉ nói vắn tắt, mục đích là đi đến con đường của Giới - Định - Tuệ, Giác ngộ và Giải thoát. Hay nói ngắn gọn hơn, mục đích của con người là nhận ra được con người bất tử.
Sau khi Thái tử Sĩ-đạt-đa nhận chân được mục đích con người là gì, tại sao mình sanh ra cõi đời này, sau khi già chết mình sẽ đi về đâu, mình sống ở đời để làm gì, ngài buông hết tất cả. Năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh; cuối cùng, bốn mươi chín ngày đêm mới khám phá ra được mục đích của con người là gì.
Một vị Đạt-lai Lạt-ma nói: Người sống mà không có mục đích, không biết chuyển hóa thân tâm thì giống như sống say, chết mộng. Sống say ở đâu? Sống say trong ngũ dục, trong tham ái. Chết thì trong mộng mị. Quý thầy tuy xuất gia vào đây gặp Hòa thượng rồi, được Hòa thượng dạy phương pháp thù thắng mà tu lơ là ngày tháng, không chịu sám hối, tọa thiền, suốt ngày đi chơi, tán dóc… thì đây cũng là người sống không có mục đích.
Trong Bảo Cảnh Tam Muội có ghi:
Như thị chi pháp,
Phật Tổ mật phó,
Nhữ kim đẳng chi,
Như thiện bảo hộ.
Nghĩa:
Pháp ấy như thị,
Phật Tổ thầm trao,
Nay ông được đó,
Nên khéo giữ gìn.
Trong lúc đi lên trai đường, thiền đường, chúng ta luôn tỉnh giác, luôn ý thức để chuyển hóa toàn vẹn thân tâm. Đó chính là mục đích của con người. Chư Phật, chư Tổ đã làm được, các Thiền sư đã làm được, bây giờ đến phiên chúng ta cũng phải làm. Nên mục đích của con người là khám phá ra con người bất tử, ngoài ra không có gì khác hết.
“Đến khi ăn, chú nguyện đều phải cung kính.”
Sa Di Học Xứ ghi:
Trong Đại Luật có ghi lại, vào thời Đức Phật, có một số cư sĩ thỉnh chư Tăng đến thọ trai cúng dường. Các ngài đến im lặng ăn, ăn xong rồi đi cũng im lặng, không có chú nguyện. Các vị cư sĩ cơ hiềm, bạch Phật:
- Các Thầy Tỳ-kheo ăn chẳng biết tốt xấu, cùng chẳng biết ít nhiều.
Phật dạy:
- Từ nay trở đi, lúc ăn nên biểu hiện ý thí. Trước khi ăn là niệm tưởng cúng dường, xướng Tăng bạt rồi sau mới ăn. Tụng kệ, chú nguyện, chỗ pháp hành đều phải khởi tâm cung kính, chẳng được tán tâm phóng túng khinh thường, tổn đức còn chiêu cảm quả khổ.
Xướng Tăng bạt là nêu lên cái pháp bình đẳng. Trong tích có ghi:
Ông Thi-lợi-cù-đa nghi Phật không có nhất thiết chủng trí, nên làm cơm độc rồi thỉnh Phật và chư Tăng đến. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, ông thức tỉnh nên đề nghị đổ bỏ hết cơm và thức ăn. Phật nói cơm này muốn ăn mà không độc thì phải xướng Tăng bạt, chú nguyện rồi mới ăn.
Khi bưng bát cơm lên, mình đừng có khinh thường, phóng túng mà tổn đức, còn chiêu cảm quả khổ. Ở thiền viện nọ, ngày xưa tôi chứng kiến một thầy rất hảo tướng mà mới chừng hai mươi mấy tuổi thôi. Thầy bưng chén cơm lên mà nói chuyện phi pháp, thầy nói để coi có nhân quả hay không! Quả tình bốn năm sau thầy ra đời, hiện giờ rất khổ, chạy cơm, chạy nước, làm đầy tớ cho người ta. Nghe nói thầy lấy vợ, một hai năm sau thì người vợ qua đời.
Ở trong tùng lâm mình đừng có khinh thường, nói coi thử có nhân quả không là bảo đảm chiêu cảm quả khổ liền. Lúc xướng Tăng bạt rồi, ăn phải cung kính, thành tâm, không khởi một ý niệm khinh thường nào hết thì phước đức tăng trưởng.
“Cơm xuất sanh chẳng quá bảy hột, bún chẳng quá một tấc, bánh man đầu cỡ chừng một móng tay, không nên nhiều, không nên ít. Vì sao vậy? Nhiều thời là tham, ít thời là sẻn. Ngoài ra các món như là rau, cải, đậu, mè không được xuất sanh.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Phàm đồ ăn những thức bột gạo làm ra mới xuất sanh được, còn như rau cải là những vật quỷ thần không ăn, nếu xuất sanh trở thành vật bỏ. Còn xuất sanh bảy hột rất ít quỷ thần làm sao no đủ? Bởi nhờ sức chú nguyện hay khiến quỷ thần no đủ.”
Bảy hột làm sao quỷ thần no đủ được, nhưng trong kinh diễn tả: Nhờ sức chú nguyện nên lúc này, bảy hột cơm biến khắp hằng sa cõi nước thì chúng quỷ thần đều no đủ. Muốn sức chú nguyện có năng lực thù thắng, thì quý thầy phải giữ giới luật thanh tịnh.
Luận Đại Trí Độ ghi:
“Phàm lúc thọ thực trước phải cúng Tam bảo, kế là đến đại chúng, sau mới thí bốn loài. Để yên nơi tay trái, tay phải hướng trên tịnh vật, mặc niệm kệ chú: ‘Nhữ đẳng quỷ thần chúng, ngã kim thí nhữ chúng.’ Nghĩa là nương sức chú Phật triệu thỉnh tên đó mà thí pháp thực. Thức ăn này biến khắp mười phương, tất cả quỷ thần cùng chung hưởng. Nghĩa là các chúng quỷ thần mỗi mỗi tán ra mười phương mà chú thực này cũng biến khắp mười phương, khiến các quỷ thần kia cùng hưởng pháp vị đều được no đủ, dùng cái tâm Phật mà thấy bình đẳng.”
Quý thầy đừng ỷ lại. Chẳng hạn, sau này trụ trì một phương nào đó, rồi quý thầy nghi, nói thôi bây giờ mình khỏi cần chú nguyện hay cúng thí thực gì hết. Được không?
Một thầy ở Vũng Tàu kể lại, hồi còn là Sa-di, thấy các chùa Tịnh Độ thờ vong rất nhiều, thầy nghĩ: “Cúng vậy ai ăn.” Cho nên khi Bổn sư thầy đi vắng, thầy bỏ không cúng ba ngày. Đến ngày thứ tư, sau khi tụng kinh tối, thầy thấy toàn là vong linh, người cụt tay, cụt chân, người đui mắt… Sợ quá thầy lết ra khỏi chánh điện. Thầy trình lại với Thầy Bổn sư, Thầy Bổn sư dạy là có những cõi vô hình họ đến thọ thực. Từ đó về sau, thầy rất cung kính phương pháp chú nguyện này. Kinh Xuất Diệu ghi, nhờ sức chú nguyện của mình, quỷ thần mới được ăn no đủ, trong đó có dòng họ bà con, có khi có cha mẹ mình nhiều đời nhiều kiếp nữa.
Kinh Xuất Diệu ghi:
Tôn giả Mãn Nguyện, đến giờ đắp y ôm bát vào thành Ca-la khất thực thì thấy một con quỷ đứng dựa cửa. Quỷ nói:
- Chồng con vào thành đến giờ vẫn chưa thấy ra, con đứng đây đợi.
Thầy Tỳ-kheo hỏi:
- Chồng ngươi vào thành để làm gì?
Quỷ nói:
- Trong thành này có một vị trưởng giả mắc bệnh ung thư lâu ngày, bữa nay ung nhọt nó vỡ, mủ máu chảy đầm đìa, chồng con dắt theo hai ngạ quỷ con, đến đó ăn uống máu mủ mà sống.
Thầy Tỳ-kheo lại hỏi:
- Chồng ngươi đến thành này bao lâu rồi?
- Bảy lần xây lên, bảy lần đổ xuống.
Trong kinh Tạp Bảo Tạng có ghi: Nghiệp quỷ rất là khổ. Chẳng hạn rồng phun nước làm mưa, nước rơi lên chư thiên thì thành bảy báu, rơi lên người thì thành nước mát, còn rơi lên mình ngạ quỷ thì thành lửa đốt cháy rất đau đớn, khổ sở. Loài ngạ quỷ lại chuyên ăn máu mủ của người bệnh. Cảm thương các loài quỷ này, Phật chế ra pháp thù thắng, dạy Thầy Tỳ-kheo ở nơi nào đều phải cúng thí thực, để cho loài ngạ quỷ được thọ hưởng.
Bộ Căn Bản Bổn Luật có ghi:
“Mẹ con loài quỷ theo Phật thọ bất sát. Phật dạy trong châu Nam Thiệm Bộ này, chỗ nào có đệ tử Phật, mỗi khi bữa ăn thí cho các loài ăn. Vậy ở sau chỗ chúng Tăng ngồi ăn phải lập một bàn xuất sanh, kêu tên quỷ mẹ và năm trăm quỷ con cho ăn no đủ. Và chúng sanh hiện tại như loài ở suối, ở sông, ở núi, ở biển, tất cả quỷ thần đều đem lòng thương xót và cho ăn no đủ. Phàm cơm xuất sanh để trong lòng bàn tay bên trái, tưởng niệm bài kệ rằng: Các ngươi chúng quỷ thần, ta nay cúng thí cho ngươi cơm này khắp đủ mười phương, tất cả chúng quỷ thần đều chung hưởng.”
Phàm tới bữa ăn phải tưởng năm phép quán, tức là tam đề ngũ quán. Nếu trong giờ phút thực tại này, phép tưởng tam đề ngũ quán mà thù thắng thì tự nhiên có năng lực lớn. Chính năng lực này hay đi đến con đường thiền định. Vào thời đức Phật, có những thầy Tỳ-kheo lúc thọ thực cúng dường của tín thí mà tưởng mạnh, là chứng đạo luôn.
Trong Kinh Tạp Thí Dụ có ghi:
Thuở xưa, trên bờ biển ở Nam Thiên Trúc có một nước tên là Tư-ha-khiết, có một bà lão tên là A Long. Bà rất nghèo, nhưng khi hay tin sáng nay có sáu mươi thầy Tỳ-kheo đến vùng của bà ở để khất thực, bà nghĩ: “Mình sẽ bán thân để có tiền cúng dường.” Bà làm nô lệ được một số tiền, bà đến đảnh lễ và cúng dường các thầy Tỳ-kheo.
Biết được bà lão này bán thân để cúng dường một bữa trai tăng, chúng tăng nói với nhau: “Chúng ta cũng là thân năm ấm đi khất thực, nhưng bữa thọ trai hôm nay chính là ăn thịt người. Vậy nên phải định ý để đền đáp công đức cúng dường của bà lão này.”
Để đền đáp công đức cúng dường, các ngài nhất tâm định ý nhập vào thiền định. Nhập tám bối xả, tinh tấn cảm ứng vượt qua định và con đường sắc giới, đắc được siêu hình, thần túc oai linh. Nhờ quán tưởng sâu sắc và định tâm, sáu mươi thầy Tỳ-kheo đều chứng quả vị A-la-hán. Lúc đó cả khu vực của các ngài đều chấn động. Vua đang ngồi trên ngai vàng, ngạc nhiên thấy đất trời rung chuyển. Sau khi tìm hiểu biết được nguyên nhân, nhà vua tôn bà lão làm quốc sư. Kinh nói, bà lão này chính là tiền thân của Đức Phật.
Có những người bán máu lấy tiền cúng dường. Hoặc có người rất nghèo, cúng dường chỉ nửa ký gạo, nhưng theo tinh thần nhà Phật, nửa ký gạo đó mà họ thành tâm cúng dường, thì cũng bằng một tấn gạo của thí chủ giàu có. Bởi vì nửa ký gạo đó là rút từ máu, thịt của người nghèo khổ. Cho nên Phật dạy, khi ăn phải quán tưởng sâu sắc chớ không được phóng túng. Vì vậy, phương pháp thọ thực là phương pháp thù thắng nhất để kiểm lại tâm của mình.
Luận Đại Trí Độ nói:
“Ăn là gốc của sự hành đạo.”
Hàng A-la-hán, trong giờ phút thực tại, họ làm việc họ tu không được. Cho nên họ phải ẩn vào trong A-lan-nhã, núi sâu, rừng thẳm để tu. Nhưng đặc biệt, hàng Bồ-tát trong lúc làm việc, trong lúc ăn uống, các ngài đều tu tập được, mà tu tập rất có kết quả. Sở dĩ tôi nói quý thầy phải học chữ Hán, vì chữ Hán rất hay. Chẳng hạn chữ hạnh, trong chữ Hán, chữ hạnh có thêm một âm khác là hành, nghĩa là hạnh nguyện chính, là con đường hành đạo của hàng Bồ-tát. Còn những vị, trong thời quá khứ đã từng đi vào con đường A-la-hán, nếu phải làm tri khố, tri khách, làm thư ký, làm trụ trì, phó trụ trì… thì các ngài tu không được. Ngược lại, những người trong thời quá khứ đã từng gieo hạt giống Bồ-tát đạo lớn, thì ngay chỗ hạnh nguyện đó tức là hành đạo.
Ăn là gốc của sự hành đạo, Luận Đại Trí Độ nói về tinh thần trí tuệ của Bát-nhã. Đại Trí Độ Luận là trí tuệ lớn mà chỉ có hàng Bồ-tát mới đảm nhận được. Tinh thần ở đây muốn nói, chính khi thọ thực phải phát ba lời nguyện lớn, đó là đi trên con đường Bồ-tát đạo, chứ không còn đi trên con đường Thanh Văn đạo nữa. Mà Bồ-tát đạo này là gì?
“Muỗng thứ nhất nguyện dứt tất cả ác.”
Trong Sa Di Học Xứ, ngài khẳng định, nguyện dứt tất cả ác là không điều dữ nào mà chẳng dứt, tức là mình buông xả hết. Đây là nguyện thứ nhất. Nguyện này đi trên lộ trình Bồ-tát đạo. Ngài Thiên Thai Trí Giả nói:
“Có cái ác trong giới, cái ác ngoài giới là các lầm kiến tư, trần sa, vô minh. Khi mới để muỗng thứ nhất xuống, hãy phát nguyện đời này có những ba nghiệp thân, khẩu, ý và tất cả pháp chẳng lành, đều khiến dứt hết.”
Ở đây ngài nói lầm kiến tức là cái thấy mê lầm, lầm tư là cái suy nghĩ mê lầm, rồi trần sa hoặc, vô minh hoặc. Lúc ăn muỗng thứ nhất, mình phải phát nguyện ba nghiệp thân, khẩu, ý và tất cả các pháp chẳng lành đều khiến dứt hết. Mình ráng cố gắng, vậy là đi trên con đường Bồ-tát đạo.
“Muỗng thứ hai nguyện tu tất cả thiện.”
“Không điều lành nào chẳng tu. Khi để muỗng xuống, hãy nguyện đời này bao nhiêu pháp lành đều được chăm tu, tức là những pháp do Như Lai nói ra như ba học Giới, Định, Tuệ và ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cho đến trăm nghìn tam muội vô lượng diệu nghĩa pháp môn đều tu, đều học hết.”
Đây là nguyện thứ hai.
Trong mười tám pháp bất cộng của Đức Phật, có một điều gọi là “dục vô giảm”, là lòng mong muốn làm các điều lành, không bao giờ giảm. Dù đã thành tựu quả vị Phật rồi, nhưng Phật nói, ta trong vô lượng kiếp đều gom góp tất cả các việc thiện pháp. Chẳng hạn việc Phật giúp Ngài A-na-luật xỏ kim. Tôn giả A-na-luật nói, Phật đã thành tựu mười tám pháp bất cộng, tứ vô sở ý, thành tựu trăm ngàn diệu nghĩa pháp môn rồi, bây giờ đâu cần làm công đức nữa. Phật nói, Như Lai thành tựu quả vị Phật nhanh hơn các vị Bồ-tát khác là nhờ Như Lai gom góp tất cả các việc thiện pháp.
Cho nên quý thầy đừng ỷ lại. Mình nói bây giờ mình chỉ chuyên tu rồi học thôi, không làm gì hết. Ai làm gì mặc kệ, ta cứ tu, ta cứ học. Nghĩ như thế thì phải nhìn lại, trong đời này quý thầy thấy có những người họ không làm, nhưng việc gì cũng thành tựu. Hoặc huynh đệ tu một lượt với mình mà họ thành tựu, còn mình không được gì hết. Quý thầy đừng chấp trước, là vì trong vô lượng kiếp họ đã từng làm, còn mình thì chưa, cho nên bây giờ mình phải gom góp hết tất cả, việc lành nào mình cũng làm, mà việc ác thì buông.
Lúc mới xuất gia ở Thường Chiếu chúng tôi làm hết tất cả việc, rồi lên Trúc Lâm cũng làm rất nhiều việc. Phải làm thôi chứ mình đừng nói buông xả hết. Nhờ việc làm này, nhờ năng lực này, nhờ thành tựu tri kiến này thì tùy thuận các pháp lành, mà quý thầy tu có kết quả.
Cho nên “nguyện tu tất cả thiện” là không điều thiện nào mà chẳng tu. Tu tức là hành, hành tức là cái hạnh đi đến, hạnh này chỉ có Bồ-tát đạo mới làm được. Những vị đi trên con đường A-la-hán đạo, sau này ra làm Phật sự không có ai trợ duyên, giúp đỡ, bởi vì vị ấy đã gieo những hạt giống này. Còn những người gieo hạt giống Bồ-tát đạo, họ ra làm Phật sự thì được mọi người ủng hộ.
Chẳng hạn như Hòa thượng, đời đời kiếp kiếp ngài đã tu lộ trình Bồ-tát đạo này, nên Hòa thượng cần gì là chúng đệ tử làm hết, Hòa thượng chỉ đạo, cố vấn thôi. Quý thầy cứ thui thủi tu một mình cũng tốt, nhưng chỉ nhập diệt vào cảnh giới Niết-bàn thôi, ra làm Phật sự thì không ai trợ duyên giúp đỡ cho mình hết.
Có vị thầy ngày trước tu ở Chơn Không, Hòa thượng cắt làm tri sự thầy nhất định không làm, thầy xuất chúng về cốc tu. Bây giờ thầy kể thầy ra làm Phật sự không ai trợ duyên cho, chỉ có một mình thui thủi. Các đệ tử mà thầy nhận xuất gia bỏ đi gần hết. Đến nỗi bây giờ lớn tuổi thầy phải tự giặt áo, nấu cơm. Hiện thầy có bốn đệ tử mà sáng thầy phải dậy sớm, nấu cơm cho họ ăn. Chính thầy lên nhà khách kể lại với chúng tôi, nói ngày xưa thầy không chịu làm, ai kêu làm thị giả cũng không chịu. Bây giờ thầy nói đúng là nhân quả, thị giả không có, làm cái gì cũng không suôn sẻ.
Sở dĩ Thầy Trụ trì ở đây cần cái gì cũng có thị giả, ai cũng muốn làm thị giả cho Thầy vì ngày xưa Thầy làm thị giả cho Hòa thượng rất là tôn trọng và cung kính, việc gì làm ra việc đó nên bây giờ được nhân quả thù thắng. Bồ-tát đạo đi trên con đường Phật quả là phải như thế, phải phát nguyện kết duyên tất cả các việc thiện pháp trong đại chúng, thì đúng là thành tựu. Mình đừng nghĩ tu một đời là xong, có nhiều khi đời này xả thân cho đại chúng thì đời sau người ta giúp mình lại.
“Muỗng thứ ba thệ độ tất cả chúng sanh.”
Không một chúng sanh nào mà chẳng độ, như Tôn giả A-nan phát nguyện: “Như một chúng sanh nào chưa thành Phật, trọn chẳng ở đây chứng Niết-bàn.”
Về sự là phải thệ độ tất cả chúng sanh. Tu một thời gian mà có năng lực lớn, không những quý thầy độ loài hữu hình mà loài vô hình như rồng, hay ma quỷ gì cũng độ hết. Như Hòa thượng Tuyên Hóa, ngài độ rồng, quỷ thần, thần núi, thần cây, thần sông, tà ma, quỷ quái gì đều độ và cho quy y hết. Chẳng những phải có năng lực lớn, mà còn phải có duyên với những cảnh giới đó thì mới độ được. Muốn thành tựu con đường Bồ-tát đạo này, thì sau khi vượt thoát ba cõi rồi, phải quay trở lại chớ không thể bỏ. Mà trở lại ba cõi là lúc đó đã thành tựu, đã tự tại rồi nên không còn ngán ngại, không còn dính mắc nữa.
“Khi để muỗng xuống, hãy phát nguyện những căn lành tu trong đời này, đều thí cho tất cả chúng sanh cùng nên Phật đạo. Hai muỗng trước là tự lợi, muỗng thứ ba là lợi tha, tức là bốn thệ nguyện lớn vậy.”
Chỉ cần một bữa ăn thôi, là mình đã thành tựu con đường Bồ-tát đạo. Hai muỗng trước là tự lợi, là dứt các điều ác, làm các việc lành, muỗng thứ ba phát nguyện độ hết chúng sanh là lợi tha.
Khi ăn, ai cũng đều phát nguyện, đó là con đường tự lợi và lợi tha thành tựu. Thành tựu trong tư tưởng chứ không phải thành tựu về thân, vì mình chưa giáo hóa được ai. Nhưng trong giờ phút thực tại này, mình thành tựu trong tư tưởng, thành tựu được chủng trí Bát-nhã, thấy được đúng như thật rồi, thì tự nhiên các việc đến quý thầy không còn ngăn ngại nữa. Mình làm, xả thân cho đại chúng mình thấy rất vui, rất an ổn. Vừa làm vừa tu được, thì quý thầy đã có nhiều đời nhiều kiếp gieo trồng thiện căn, đi trên con đường Bồ-tát đạo.
Luận Khởi Tín nói:
“Một là trực tâm niệm pháp chân như, hai là thanh tâm ưa nhóm các hạnh lành, ba là bi tâm muốn nhổ cái gốc khổ cho chúng sanh, cũng tức là ba phương tiện.”
Bồ-tát Mã Minh nói, muỗng thứ nhất là trực tâm niệm pháp chân như. Theo tinh thần thiền tông, niệm pháp chân như là trở về pháp chân như, không phóng niệm ra mà trở về, là đoạn tất cả điều ác. Tư tưởng quý thầy có các điều ác tật đố, điều ác ích kỷ nào đến cho huynh đệ là phải phát nguyện nhổ gốc đó liền, tức là trở về pháp chân như, không phóng niệm ra nữa. Quý thầy thấy, thiền tông rất siêu đẳng nhưng làm rất khó, đúng không? Hai là thanh tâm ưa nhóm các hạnh lành, ba là bi tâm muốn nhổ cái gốc khổ cho chúng sanh, cũng tức là ba phương tiện đi vào cuộc đời hành đạo này.
“Phương tiện hay dứt, dứt tất cả các pháp ác. Phương tiện phát khởi, phát tất cả căn lành. Phương tiện nguyện lớn, nguyện độ tất cả chúng sanh. Cổ đức nói, ba tâm chưa trọn thì giọt nước cũng khó mà tiêu.”
Cổ đức nói, ba tâm chưa thấu thoát thì giọt nước cũng không tiêu, huống chi sáng quý thầy dùng hủ tíu, trưa cà ri bánh mì. Ở đây nói phương tiện hay dứt, dứt tất cả pháp ác, chẳng hạn một niệm khởi tật đố huynh đệ, quý thầy chuyển hóa liền, thì ngay trong giờ phút thực tại này quý thầy tiêu một ngàn lượng vàng chư Tổ nói cũng xong. Ngay trong giờ phút đó mình phóng niệm, mà cứ theo niệm rồi tạo tác, hành động, thì người này chắc chắn bị đọa ba đường ác. Học luật, học oai nghi, mình thấy phương pháp hành trì tuy khó nhưng thật ra không khó, bởi vì kiểm tâm từng giờ từng phút.
Tưởng năm phép quán:
1- Kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ: Xét xem thức ăn này từ đâu đến, công lao của người nhiều hay ít.
Phép quán thứ nhất, bưng bát cơm ngang ngực, thành kính quán thức ăn này từ đâu đến, công lao người nhiều hay ít. Đúng pháp là bát cơm bưng ngang ngực, không cao mà cũng không thấp. Để thấp xuống dưới, người xưa gọi người này là “mục hạ vô nhơn”, tức là biểu hiện tính cống cao ngã mạn, dưới con mắt mình không ai ra gì hết.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Chánh niệm tư duy tức là chiếu tột vào nghĩa lý đó.”
Trong giờ phút thực tại này, quý thầy phóng niệm chân như vào pháp quán thứ nhất, nghĩa là một tâm niệm chiếu tột năm pháp, khiến chánh niệm thọ thực. Một là quán một bát cơm đầy, đều là mồ hôi, máu và nước mắt của hành nhơn, tức là cư sĩ. Nên nói kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ, có nghĩa là công lao này rất nhiều chớ không phải đơn giản. Bát cơm này mình ăn là mồ hôi, máu và nước mắt của cư sĩ. Phải quán kỹ như vậy.
Luận Đại Trí Độ nói:
“Tưởng cơm trong một bát này chẳng phải là dễ. Xét gốc có ra từ gieo cấy, gặt hái. Nhà nông dãi nắng dầm mưa, trời hạn, nước lụt, cuốc, cày, bừa, trục cho đến vo nấu. Người làm mồ hôi như xối, cơm ít mồ hôi nhiều, công nặng như thế.”
Cổ Đức nói:
Cuốc ruộng lúc đang ngọ,
Mồ hôi nhỏ xuống mạ,
Ai biết cơm trên mâm,
Mỗi hột đều cay khổ.
Cuốc ruộng lúc đang ngọ… nghĩa là mười hai giờ trưa, có những nông dân vẫn cuốc, vẫn cày mồ hôi dầm dề. Mồ hôi nhỏ xuống mạ…Từng giọt mồ hôi nhỏ xuống. Bây giờ khoa học chứng minh, chẳng hạn mười giọt mồ hôi là ba, bốn giọt máu kết tụ lại. Ai biết cơm trên mâm, mỗi hột đều cay khổ. Cơm trên mâm sáng mình ăn, trưa mình ăn đều là cay khổ, tủi nhục của chúng sanh.
Nên Thiền sư Lợi Am nói:
Tăng vật mười phương nặng núi non,
Nghìn đời muôn kiếp khó hoàn toàn,
Miệng vàng nói rõ người chưa tính,
Thành sắc ngày kia khó phóng buông.
Thiền sư Lợi Am cảm khái chỗ này quá, nên ngài nói Tăng vật mười phương nặng núi non… Rất là nặng. Trong Kinh A Hàm, vì muốn thị hiện nên Phật bảo Tôn giả A-nan giặt y. Làm cách gì y cũng không chìm, kể cả bỏ bốn cục đá to lên trên. Tôn giả trình với Phật, Phật bảo lấy bốn hạt cơm bỏ bốn góc, quả thật y chìm xuống. Lúc này Phật nói kệ:
“Hạt cơm của tín thí,
Nặng như núi Tu-di,
Nếu người không liễu hội,
Mang lông, đội sừng trả.”
Nghe đến chỗ này, Tôn giả La-hầu-la xin hoàn tục. Tu khó mà còn đọa địa ngục nữa, xin ra đời cho rồi, làm vua, làm chúa sung sướng. Phật quở: “Ông bệnh nặng ông phải cần thuốc. Nếu không thọ hưởng của tín thí làm sao tu đạo được.” Phật nói giống như mình đang đi trên sa mạc, khát nước quá mà tìm nước không có, tính nằm luôn chịu chết, nhưng thấy đằng xa có con cọp chạy tới. Phật hỏi, mình có chạy không, phải chạy thôi! Phật nói mình ăn hạt cơm của tín thí cũng giống như đi trên sa mạc mà bị cọp rượt vậy. Tín thí cúng nhiều chừng nào, mình phải ráng tu nhiều chừng đó, chứ không có nói chuyện, nói nhảm mà thành tựu đạo nghiệp.
Nghìn đời muôn kiếp khó hoàn toàn, miệng vàng nói rõ người chưa tính, thành sắc ngày kia khó phóng buông. Quý thầy học đạo, thành tựu được tri kiến như thật. Sau này đi giảng pháp độ sanh mà có nhân duyên với tín thí, thì quý thầy cũng trả được phần nào cơm áo ngày xưa mình mượn lúc còn là Sa-di. Bây giờ mình đang mượn, mình phải ráng tu, ráng học mai kia mới trả được nợ. Chẳng hạn như Phật tử ở đâu xa thật xa, họ nghe một, hai cái đĩa của chúng tôi, họ về đây gặp, mình có căn duyên với họ, họ kể cả gia đình họ được chuyển hóa. Hoặc có những người uống rượu, chích xì ke không biết cách gì để chuyển hóa, tự nhiên nghe được đĩa quý thầy giảng, họ lại chuyển hóa hết. Đó là mình đang trả nợ cho tín thí. Có khi đi trên một đoạn xe, một chuyến đò, quý thầy dìu dắt được một, hai người thì cũng là trả ơn cho tín thí. Nhờ năng lực mà lúc còn Sa-di quý thầy học, tu, rồi kết duyên với tất cả việc thiện pháp nữa thì lúc này quý thầy mới trả duyên.
Kinh Tỳ-Ni Mẫu nói:
“Nếu không ngồi thiền, tụng kinh, không lo việc của Tam bảo mà nhận vật của người đem đức tín hiến cúng là bị đồ cúng dường ấy làm cho đọa lạc trong ba đường ác.”
Phải ngồi thiền, tụng kinh, phải lo việc cho đại chúng thì mới tiêu được của cúng dường.
2- Thỗn kỷ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng: Nghĩ kỹ đức hạnh mình đủ hay thiếu mà nhận sự cúng dường này.
Ngài Trí Khải nói:
“Không luận của khất thực hay ăn của chúng Tăng, đều phải tưởng phép quán. Nếu không quán tưởng thời mắc quả báo trong đường sanh tử.”
Có vị Lạt-ma (không phải Đạt-lai Lạt-ma, vì bên đó có rất nhiều chi nhánh) đã chứng thần thông, lúc đang ngồi thiền, tự nhiên ngài chạy xuống núi, gặp cô thiếu nữ đang ngồi giặt đồ, ngài đè xuống hãm hiếp. Cô gái sợ quá, xô ngài té xuống sông. Về nhà cô kể với người mẹ, mẹ cô nghe tả hình dáng thì biết đó là vị Lạt-ma đã tu chứng đạo. Bà nghĩ không có lý nào, chắc phải có nguyên nhân gì đó.
Bà đến gặp vị Lạt-ma để hỏi sự tình. Ngài kể, trong lúc đang ngồi thiền ngài thấy đệ tử của ngài chết. Thần thức vừa ra khỏi thân thì chuẩn bị gá sanh vào bụng con lừa, vì lúc đó con lừa đang giao hợp. Ngài liền chạy nhanh xuống núi, định hãm hiếp cô gái cho xẹt ra lửa âm dương để thần thức người đệ tử chui vào, nhưng vì nghiệp của người đệ tử nặng quá, nên ngài không thực hiện được ý định.
Vị Lạt-ma này kể lại, do người đệ tử từ ngày lên làm trụ trì thì buông lung tâm ý, ăn cơm không có tam đề ngũ quán, cho nên thần thức vừa ra khỏi thân là đi thọ thai. Ngài thấy rất là rõ, nên chạy xuống núi liền nhưng không kịp.
3- Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông: Đề phòng tâm ý, lìa sự lỗi lầm mà tham, sân, si là chủ yếu.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Tất cả phiền não đều tham, sân, si mà khởi. Ta ở trong ấy, chẳng nên sanh tâm nhiễm trước, nên nói: Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông.
Tức là khi ăn phải đề phòng sự tham đắm, sự lỗi lầm từ miếng ăn này.
Đại Luật nói:
“Một hạt gạo, trăm công lao vào miệng liền thành bất tịnh, chốc lát biến thành đại tiện gớm không muốn thấy. Ta nếu tham đắm phải đọa địa ngục nuốt hoàn sắt nóng, ra rồi làm loài súc sanh đền nợ trước cho người. Xét tưởng như vậy, tâm sanh nhàm chán mới nên thọ thực.”
Chẳng hạn, thấy trên bàn ăn bốn người mà hành đường quên, chỉ dọn hai miếng đậu hủ, hay chỉ có hai hũ sữa chua, mà quý thầy khởi niệm hoặc tham, hoặc sân, hoặc si gì đó thì trong giờ phút thực tại đó mình đọa lạc trong ba đường ác. Còn nếu mình quán tưởng: “A! Huynh đệ quên, thôi thì ăn rồi cũng mất, vào bụng rồi nó cũng thành đồ bất tịnh” thì công đức tăng trưởng và pháp lành hiện khởi. Trong Đại Luật ghi rất rõ.
4- Chánh sự lương dược, vị liệu hình khô: Chính vì lấy thức ăn làm thuốc tốt để trị liệu cái thân hình gầy yếu này.
Ăn là để trị bệnh thôi.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nếu chẳng nhờ thức ăn này thì khí lực khô kiệt, nên nói: Chánh sự lương dược, vị liệu hình khô.”
Nghĩa là, ăn uống đầy đủ chỉ để trị bệnh đói khát để tu đạo.
Trong Minh Liễu Luận Sớ có nói, ăn có ba trường hợp:
+ Với đồ ăn ngon thì nổi tham, nên lìa bốn việc:
Chẳng hạn bữa nào đám giỗ, đám cúng, thức ăn nhiều, quý thầy khởi lòng tham thì mắc nhân quả. Cho nên ở đây nói: Với đồ ăn ngon thì nổi tham, nên lìa bốn việc:
- Thứ nhất: Lìa lỗi hóa hỷ lạc, tham trước hương vị, thân tâm ưa thích phóng túng theo sở thích của mình.
Có nghĩa là trong giờ phút thực tại này mình ăn uống, phóng túng theo đồ ăn thôi chớ không có tu tập.
- Thứ hai: Lìa lỗi ăn no say, vì ăn rồi thân tâm có sức mạnh, không thể kể đến người khác.
Vì ăn uống no say rồi thì thân tâm có sức mạnh, bị kích dục rồi, tự nhiên mình tạo những nhân duyên khác. Cho nên, đây nói ăn uống cầm chừng thôi chứ không được no đủ nhiều. Ăn sung sướng quá, hoặc ăn những chất kích thích thì không tốt, giới luật dạy rất rõ, nghiên cứu kỹ quý thầy sẽ thấy.
- Thứ ba: Lìa lỗi cầu nhan sắc đẹp, ăn rồi vui hơn sự vui trong sáng lúc thường, không nên có tâm này.
Không ăn thì khuôn mặt sầu khổ, mà ăn rồi thì hớn hở vui cười, nói chuyện tào lao. Như thế không được, phải lìa cái lỗi thứ ba này.
- Thứ tư: Lìa lỗi mong trang sức cho thân vì người ăn thích được sung mãn, béo tròn.
Ăn vừa đủ thôi không tẩm bổ nhiều.
+ Với đồ ăn dở lại sanh tâm hiềm giận, phần nhiều rơi vào ngạ quỷ vĩnh viễn không thấy thức ăn.
Chẳng hạn, bữa nay dọn trên bàn ăn quý thầy chỉ thấy rau luộc, nước tương mà khởi niệm sân hận thì rơi vào chốn ngạ quỷ.
Sư huynh ngài An Thế Cao hôm nào đi khất thực mà đồ ăn dở là ông nổi giận. Ngài An Thế Cao nói: “Sư huynh thuyết pháp rất hay, dịch kinh rất giỏi, biện luận rất cao siêu, nhưng thức ăn dở mà sư huynh nổi sân là chắc chắn đọa vào con đường súc sanh hoặc ngạ quỷ.” Cho nên lỡ hôm nào huynh đệ nấu cơm nhão hoặc cơm sống, cơm khô thì quý thầy ráng, chớ mà khởi niệm giận lên là rớt vào trong loài ngạ quỷ liền, vĩnh viễn không thấy thức ăn.
+ Với đồ ăn vị trung bình thì không muốn ngó tới, phần nhiều nổi si bỏ đi, khi chết đọa trong loài súc sanh, làm những loài trùng thích ăn phân.
Đối với đồ ăn bình thường, chẳng hạn sáng quý thầy thấy nấu cháo lỏng: “Dở quá mà ăn gì!” rồi bỏ về Tăng đường nằm, chắc chắn kiếp sau rơi vào loài súc sanh thích ăn phân.
Kinh Đại Bảo Tích, Phật dạy Tỳ-kheo Kiên Lao nói kệ:
Sinh tử không đoạn tuyệt,
Vì ham thích tham dục.
Nuôi oán vào gò trũng,
Chịu nhiều sự đắng cay.
Thân thúi như thây chết,
Chín lỗ chảy đồ dơ,
Như trùng cầu thích phân,
Ngu tham thân không khác.
Nhớ tưởng vọng phân biệt,
Tức là gốc năm dục,
Người trí không phân biệt,
Năm dục thì đoạn diệt.
Tà niệm sanh tham đắm,
Tham đắm sanh phiền não,
Chính niệm không tham đắm,
Phiền não khác cũng hết.
Người không lo tu tập, không thu thúc lục căn, không giữ chánh niệm, suốt ngày cứ lo ăn uống thì sẽ bị sanh tử lôi kéo. Tôi thấy, người nào chạy theo thức ăn nhiều thì không bao giờ ở trong tùng lâm lâu, không sớm thì muộn, giỏi lắm được mười năm, dở thì năm bảy năm cũng ra đời hoàn tục. Thứ nhất là hết phước, thứ hai là bị kích dục. Trong sự tu hành, phải thâm nhập đạo lý vô thượng thì mới chán ghét thức ăn. Còn không lo tu tập mà chỉ lo ăn uống, mặc, ngủ nghỉ, bao nhiêu đó thôi thì làm sao hành đạo. Người này nếu không hoàn tục, ở trong đạo thì cũng chạy theo lợi dưỡng. Từ cái danh dự lợi dưỡng nó sanh ra những chuyện khác.
Còn là Sa-di, mình phải tìm cách chuyển hóa những hạt giống này. Nếu không chuyển hóa được, mai kia không ai ở được với mình hết. Thầy Trụ trì Trúc Lâm ăn uống rất đơn giản, trang nghiêm thanh tịnh, không bao giờ đắm nhiễm vào thức ăn, thức uống. Vì vậy Thầy ở đâu, chúng quy tụ đến đó.
Vì còn nhỏ, thân quý thầy đòi hỏi thức ăn, điều này đúng, mình không ép nó; nhưng mà phải cẩn thận, vừa chừng thôi không nên quá. Ăn uống có chừng mực, có tiết độ thì đạo mới đến. Còn đắm nhiễm vào thức ăn để nuôi lớn sắc thân, mình nghĩ là tẩm bổ cho khỏe để tu nhưng mà ngược lại, tu không được. Chẳng hạn chiều nay quý thầy ăn một gói rưỡi mì, thêm vài cọng boa rô, quý thầy tu được không? Những hạt giống tham dục tiềm ẩn bắt đầu khởi dậy, làm sao tu? Mà ngồi thiền không bao giờ vô chánh định được.
Nếu không tham đắm thì phiền não dần dần nó hết. Ăn uống có tiết độ thì tu lại tiến, rất dễ vào thiền định. Chính tôi kinh nghiệm, làm nhà khách bề bộn công việc nhưng tu có kết quả, ngồi thiền yên hơn ngày xưa tôi ăn ngày ba buổi, mà ăn tạp nhạp, tuy ở yên trong chúng nhưng lại tu không được. Nghiệm lại, Phật nói, ăn uống, ngủ nghỉ nên cẩn trọng, vì liên hệ ảnh hưởng rất nhiều đến con đường đạo.
5- Vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực: Vì thành tựu đạo nghiệp nên mới nhận thức ăn này.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Vì tu chánh nhân tam thừa mới thọ thức ăn này, nên nói: Vị thành đạo cố phương thọ thử thực.”
Trong Ma Đắc Lặc Già Luận có nói:
“Nếu lúc được ăn, mỗi miếng tác niệm. Nếu chẳng như thế ấy gọi là rỗng tiêu của tín thí.”
Lúc ăn, mình phải quán niệm thật kỹ.
Sách Hành Sự Sao có nói:
“Vì trừ bệnh tật, vì sự đói khát không trị thì e phế bỏ đạo nghiệp. Vì không để sinh bệnh mới nên ăn uống có tiết độ và không ăn buổi chiều tối.”
Kệ Tạp Bảo Tạng có nói:
Thân này như xe,
Tốt, xấu không chọn.
Dầu thơm, mỡ hôi,
Trơn nhờn như nhau.
Ngon, dở gì cũng như nhau, chỉ nuôi cái thân ghẻ lở này.
Sách Hành Sự Sao có nói:
Quán nghiệp thành đạo có ba loại:
- Thứ nhất: Vì muốn cho thân trụ lâu ở đời, nên phải mượn đoàn thực là thức ăn của cõi dục, nếu không thì không được trụ lâu ở đời, và đạo duyên không có chỗ nương nhờ.
Vì muốn dìu dắt chúng sanh nên phải mượn đoàn thực là thức ăn của cõi dục như bún, cơm, cháo,...
- Thứ hai: Vì thọ mạng tương tục nên mượn thân mệnh này tạm để thành tựu pháp thân huệ mạng.
Nếu không ăn thì dứt thân, mạng làm sao tu, và đạo nghiệp sẽ không thành tựu cho nên phải mượn thức ăn này.
- Thứ ba: Vì tu Giới - Định - Tuệ, hàng phục, diệt trừ phiền não nên mượn thức ăn này.
Nhờ thức ăn này mới tu Giới, tu Định, tu Tuệ được. Chớ nhịn ăn hết thì tu không được, mà cũng không thành tựu được Giới - Định - Tuệ, không thành tựu được huệ mạng pháp thân.
Kinh Tăng Nhất A Hàm Phật dạy:
Ăn nhiều sanh bệnh khổ,
Ăn ít khí lực suy.
Hãy ăn uống vừa phải,
Như cân không cao thấp.
Sách Tư Trì Ký có nói:
“Cái họa hoạn của miệng, bụng làm hại rất là sâu; thích ý nửa giờ chiêu tai ương nhiều kiếp. Nên biết tam độc tức là tam đồ, nên đối với mọi việc phải đề phòng tâm ý, chẳng phải đến chỗ có vực sâu chân mới đạp nhẹ.”
Phật dạy cái họa của miệng, bụng làm hại rất là sâu. Học luật, mình phải nghiệm, chẳng hạn trong giới luật nói chiều đừng ăn phi thời. Hoặc canh tối chín, mười giờ là không được ăn, giờ đó là giờ của ngạ quỷ, Phật nói mình ăn vô giống như mình giết bà con dòng họ của mình. Nhưng cái miệng thèm quá chịu không nổi, bỏ hai, ba hột đậu phộng vô nhai, thấy có gì đâu, nhai xuống tới bụng thì sa đọa trong ba đường ác. Chính cái miệng, cái bụng của mình nó hại mình, phải không?
Rồi thích ý nửa giờ chiêu tai ương nhiều kiếp, chẳng hạn khi Thầy Trụ trì đi vắng, chín, mười giờ tối quý thầy tụm năm, tụm bảy ăn vài cái bánh hay một, hai gói mì, huynh đệ chơi vui nửa giờ thôi chứ đâu có nhiều, nhưng mà chiêu tai ương nhiều kiếp, ra đời rất khó gặp Tam bảo nữa. Phật dạy mình phải tin, quý thầy học giới luật một thời gian, sẽ thấy Phật dạy rất là rõ. Mà Phật dạy là dạy từ Phật nhãn, Phật thấy chứ không phải Phật hý luận, trừu tượng.
Nên biết tam độc tức là tam đồ, nên đối với mọi việc phải đề phòng tâm ý, chẳng phải đến chỗ có vực sâu chân mới đạp nhẹ. Phật nói, ăn uống như vậy sẽ bị sa đọa, nhưng mình lại nghĩ: Chắc gì sa đọa! Phật dạy mình phải cẩn thận, phải phòng hộ trước.
Sách Nghiệp Sớ có nói:
“Bậc đại trượng phu đã không tạo lỗi lớn há vì một miếng ăn mà tự đưa mình vào chỗ chìm đắm ư?”
Phật dạy rất kỹ. Bậc đại trượng phu, đã không tạo lỗi lớn như không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu,... mà há vì một miếng ăn mà tự đưa mình vào chỗ chìm đắm?
Sách Tư Trì Ký có nói:
“Quán khi ăn tuy có năm nhưng gom chung lại là ba: Thứ nhất là quán thức ăn, thứ hai là quán thân, thứ ba là quán tâm.”
Nói tuy nhiều nhưng chỉ có ba phần.
“Chớ chê đồ ăn ngon, dở. Chẳng được lấy đồ ăn chung cho riêng, hoặc quăng cho chó.”
Chẳng hạn, quý thầy đang ngồi ăn thấy con Mến hay con Mực đi ngang ngoe nguẩy đuôi. Quý thầy thấy tội, bẻ miếng bánh đang ăn cho nó. Mình thấy đâu là gì, nhưng trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư nói, mình phạm giới rồi.
Tổ Tuyên Luật Sư nói:
“Chê đồ ăn ngon, dở nghĩa là trong lúc thọ thực hiềm hận thô tế. Song khen ngon thì sanh tham, chê dở thì sanh sân, đều thuộc nghiệp si. Nghĩa là ba tâm chưa trọn, giọt nước khó tiêu nên phải ngăn dừng.”
Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư trích một đoạn trong kinh Tạp Thí Dụ, kể rằng:
Xưa có một vị Sa-di, trên đường đi khất thực đến một dòng sông, nơi này vị Sa-di hay bị trợt té, thì thấy sóng cuộn lên. Vị Sa-di này về trình lại Thầy, là một vị A-la-hán ở trong núi tu đạo hạnh. Vị Thầy nói không phải sóng cuộn, mà do Long vương mến dung mạo dễ thương của Sa-di nên giỡn vậy thôi. Con rồng tức là Long vương có thần thông nghe được, một hôm rồng biến thành người lên thỉnh vị Thầy về dưới biển để thọ thực cúng dường. Vị La-hán dùng xong, đưa bình bát cho thị giả rửa. Thị giả khi rửa thấy còn dính vài hạt cơm rất là thơm, nên sanh tâm tham đắm.
Một hôm, Thầy đang ngồi thiền, vị Sa-di biết Thầy ngồi thiền xong sẽ xuống Long cung thọ thực nên đi theo Thầy. Sau khi thọ thực, Thầy dạy vị Sa-di: Đồ ăn trăm vị của loài rồng, khi ăn vào miệng liền hóa thành cóc nhái. Nếu họ khởi ác ý liền mửa ra rồi phải ăn lại, đó là nỗi khổ thứ nhất của con rồng. Nỗi khổ thứ hai, tuy Long Nữ đoan chánh không ai sánh bằng, nhưng khi dục tâm sanh khởi liền phải biến thành hai con rắn giao nhau chứ không có gì đẹp đẽ. Nỗi khổ thứ ba là loài rồng có vảy mọc ngược, cát đá nằm ở trong đó, đau nhức thấu tâm can. Cho nên ông đừng tham đắm.
Nhưng ông Sa-di nhất định muốn thành rồng ở Long cung để hưởng thụ, bất chấp lời dạy bảo của Thầy, vì ông thấy cung tần mỹ nữ nơi đó đẹp quá. Cuối cùng, không biết ông tu tập pháp gì mà xuống được Long cung, giết Long vương để chiếm ngôi. Sau khi chiếm ngôi, ông sống một thời gian thì đọa vào đường ác.
Thiền thoại cũng có ghi câu chuyện một vị Sa-di, tâm thường ưa thích váng sữa, sau khi mạng chung đọa làm con trùng trong bình sữa. Thầy của vị Sa-di này đã chứng quả vị A-la-hán, sau khi chú nguyện nói rằng: Con trùng này chính là đệ tử thị giả của tôi, nó thèm váng sữa nên đầu thai vào đây.
Nên Tổ Tuyên Luật Sư dạy:
“Người xưa y xấu che lạnh, ăn gạo xấu đỡ đói vì cần cầu học đạo. Nếu phải lúc đại chúng thọ thực chê đồ ăn ngon, dở thì tổn phước chẳng ít. Hoặc gặp duyên bệnh chẳng có thể ăn gạo thô xấu cũng phải giữ im lặng.”
Nói hôm nay tôi bệnh, sao mà gạo cứng quá, xấu quá. Nói như thế thì tổn phước của mình.
“Chẳng được lấy đồ ăn chung cho riêng. Nghĩa là vật thực thuộc Tăng già ăn không có thiên đảng. Nếu thuận tình cho riêng thì cùng đồng với tội trộm.”
Tức là cho người thân của mình.
“Hoặc quăng cho chó nghĩa là trong lúc thọ thực phải chánh giới tác quán khiến người cúng dường sanh tâm cung kính. Đại chúng ăn chưa xong mà quăng cho chó ấy là việc làm phi pháp, là mắc tội.”
Đang ăn mà thấy con Mực, con Phèn hay con Nghiệp… quý thầy bẻ cái bánh liệng xuống là không được.
Trong Đại Luật có ghi, xưa có một vị đàn việt rất là thành kính, thiết trai cúng dường Phật và chư Tăng. Có một con chó vẫy đuôi, hình dạng rất là đói khát, một thầy Tỳ-kheo thương xót lấy phần ăn của mình cho con chó đói ăn. Vị cư sĩ không vui, đến bạch Phật: “Con cúng dường Phật và chư Tăng rất thành kính, Phật và chúng Tăng đang ăn, thầy Tỳ-kheo này cũng đang ăn mà ông lấy thức ăn đem cho chó.” Cho nên Phật mới chế luật là từ đây trở đi, Tỳ-kheo hoặc Sa-di không được lấy thức ăn đem cho chó lúc đang thọ thực.
Ngày xưa tôi cũng không biết điều này. Chẳng hạn bữa nay ăn bánh mì, mình thấy con chó vẫy đuôi thương quá. Thức ăn của mình thì mình cho chó chứ có gì đâu, nhưng tín thí họ làm khổ cực, họ đến cúng dường cho mình chớ không phải đem cho con chó ăn. Chừng nào, quý thầy ăn xong dọn xuống còn dư thì cho chó ăn không có lỗi. Đang ăn trên quả đường thì trong Luật dạy không được quăng cho chó.
“Đem thêm đồ ăn chẳng nên nói không dùng. Như no rồi phải lấy tay nhường xá mà lui.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nói không dùng là mất phép khiêm nhường, thốt lời lại động niệm đại chúng. Khiêm nhường đó thời được cung kính mà đúng pháp.”
Ở đây mình hay mắc phải. Chẳng hạn quý thầy ăn hết tô canh rồi, huynh đệ bưng tô canh khác đến, quý thầy nói “không cần” là sanh tâm ngã mạn, người ta mất vui. Không ăn mình cũng im lặng xá một cái, ăn không hết thì lát nữa dọn xuống. Cái này rất là hay, mà nằm trong oai nghi phép tắc của Tổ Tuyên Luật Sư dạy. Chớ nói không dùng là mất phép khiêm nhường, động niệm đại chúng, mà làm mất tín tâm của người đem đồ ăn lên, làm cho họ mất vui.
“Đang ăn chẳng được gãi đầu khiến bay bụi trong bát của người gần.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Ăn một mình còn không được gãi đầu huống nữa ăn cùng với đại chúng. Thứ nhất là động niệm đại chúng, thứ hai là mất oai nghi, thứ ba là nhơ tay, nhơ bát mắc tội.”
Thứ nhất là động niệm đại chúng: “Ông này chắc không học oai nghi phép tắc gì hết, tôi thấy ông ba, bốn ngày chưa tắm bây giờ gãi, gàu, đất, bụi… bay vào bát tôi.” Người ta khởi niệm gớm không muốn ăn. Thứ hai là mất oai nghi, thứ ba là nhơ tay, nhơ bát.
“Chẳng được vừa ngậm cơm vừa nói chuyện.”
Trên quả đường thì không có, nhưng không phải giờ ăn quả đường thì có không? Chẳng hạn đang trị nhật hành đường mà nhai nhai, huynh đệ hỏi: “Sáng nay ông làm gì?” Mình vừa nhai vừa trả lời: “Lặt rau.” Kỳ lắm, mất oai nghi! Quý thầy ở trong chúng không thấy gì, nhưng khi đến chùa khác, thầy ở đó nói: “Trời! ông thầy này chắc không học oai nghi phép tắc gì hết!” Hỏi ra quý thầy mười tuổi hạ, mười lăm, hai mươi tuổi hạ. Chết luôn!
“Thứ nhất là lời nói chẳng rõ ràng.”
Ngậm cơm làm sao nói?
“Thứ hai là phạm phi oai nghi. Dẫu có người hỏi cũng chẳng trả lời, phải nuốt miếng cơm rồi mới đáp.”
Nuốt cơm rồi đáp thì không mắc lỗi.
“Như ngậm cơm mà nói ấy là tán tâm. Vả lại nhà nho có lời giáo huấn chẳng trong lăng tẩm mà ăn, huống nữa là Thích tử ư?”
Nhà Nho còn kỵ chuyện này, huống nữa mình là Thích tử.
“Chẳng được nói cười bậy bạ.”
Sa Di Học Xứ ghi Tổ Qui Sơn dạy:
“Chẳng biết nghĩ của ấy từ đâu đem lại, lại còn bảo phép phải như thế. Ăn rồi dụm đầu bàn phiếm, chỉ nói chuyện tạp thế gian. Nếu tâm giữ năm pháp quán thì không có cái lỗi ấy.”
Tổ Qui Sơn dạy, vừa ăn vừa cười nói bậy bạ thì không đúng pháp. Trên quả đường thì không có, nhưng ngặt một điểm là quý thầy ăn giữa buổi. Ăn giữa buổi, hoặc ăn dưới trai đường hay bị trường hợp này, vừa ăn vừa nói chuyện Iraq, Afghanistan… Nói một hồi chạy theo mất luôn. Không còn biết mình đang ăn gì, mùi vị ra sao, cũng không biết thức ăn này từ đâu đến. Nếu có người hỏi “Sao ông ăn mà nói chuyện vậy?” Có khi còn trả lời “Ăn mà nói chuyện mới tiêu!”
Bây giờ học oai nghi phép tắc rồi, các thầy ở nơi khác đến sẽ không ngờ Thiền viện Trúc Lâm cũng học Luật Oai Nghi. Xưa người ta đồn, tu thiền không cần cái này, nhưng con đường của sự tỉnh thức để đi đến giác ngộ giải thoát là cũng nhờ con đường oai nghi phép tắc. Có phước nhiều lắm, quý thầy học kỹ một thời gian sẽ thấy.
“Chẳng được nhai cơm có tiếng, phàm nhai cơm phải mím môi lại. Bánh trái cũng phải cắt nhỏ mà ăn. Cũng chẳng được húp canh húp cháo có tiếng rột rột.”
Có thầy Tỳ-kheo mười lăm tuổi hạ rồi mà nhìn thầy ăn, húp rột rột là biết thầy chưa từng học oai nghi. Mỗi lần thầy ăn canh là đại chúng nhìn sững. Tôi nói, “Thầy ơi! Thầy kỹ lại, húp cháo kêu rột rột, Sa-di họ nhìn.” Bánh trái cũng phải cắt nhỏ. Quý thầy ra miền Trung, lên quả đường, chẳng hạn ăn chuối phải bẻ ra làm hai, lấy muỗng xắn từng miếng ăn, chứ không phải lột ra rồi cắn ăn là mấy vị Hòa thượng miền Trung không cho phép.
“Như muốn xỉa răng lấy tay áo mà che miệng lại.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Theo chúng thọ thực chẳng có thể phô bày cái răng, đợi ăn xong đến chỗ vắng mà phô bày cái răng. Nếu gấp muốn phô bày nên dùng y mà che miệng lại, việc ô uế chẳng hướng đến người. Như chẳng có che lại, một thì tự mất oai nghi, hai thì khiến người khác khởi cái tâm chán ghét. Dẫu ở trước mặt đệ tử mình cũng phải gìn giữ.”
Ỷ là thầy rồi mình xỉa răng mà không che lại thì kỳ lắm, đệ tử nghĩ thầy kỳ quá, dạy một đường làm một nẻo. Cho nên trước mặt huynh đệ hay đệ tử mình cũng phải giữ gìn.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Trong cơm hoặc có sâu bọ phải kín che giấu, đừng để người ngồi gần thấy mà sanh lòng nghi ăn không được. Phàm hành nhơn tạo thức ăn uống, thảy đều muốn dùng sự tinh khiết mà cúng phụng. Khoảng giữa đó hoặc có trùng, sâu vào trong thức ăn, người thấy phải kín che giấu, nếu khiến người kia thấy họ sanh tâm nghi ngại đến nỗi mửa, ói không ăn được nữa, thì đàn việt chẳng có thể có phước như ý được.”
Chẳng hạn, trong đại chúng năm chục hay tám chục người, mà bữa đó một người nhờm gớm ói mửa thì tín thí không tròn phước được. Cho nên phải giấu mấy con đó không cho người kế bên thấy.
“Phải ngồi một chỗ mà ăn. Chẳng được ăn rồi, khỏi chỗ ngồi lại ngồi ăn nữa.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nghĩa là rửa bát đứng dậy, sợ lúc ăn qua rồi có việc chánh thì khai.”
Ăn trên quả đường xong, xuống nhà bếp hoặc ra nhà tròn ăn một lần nữa là không được. Tuy nhiên, quý thầy có công việc chẳng hạn như quay phim; hoặc thầy tri sự có việc cần, đang ăn nửa chừng có công việc, ngồi lại ăn lần thứ hai thì được. Ở đây nói có việc chánh thì khai.
“Chẳng được ăn rồi lấy ngón tay vét trong chén bát mà ăn.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nghĩa là lấy ngón tay vét trong chén bát thì đồng như ngạ quỷ, chẳng phải đạo phẩm của người xuất gia. Cũng chẳng được lấy lưỡi mà liếm.”
Ăn xong còn chất đường hay chất gì dính trong bát, quý thầy lấy ngón tay vét lên liếm là không được, ở đây nói đồng như ngạ quỷ, chẳng phải đạo phẩm của người xuất gia.
“Như đổ cơm trên bàn phải lượm bỏ vào bát rồi mới ăn.”
Hột cơm rớt trên bàn, lượm bỏ vô miệng thì không đúng pháp, phải bỏ vào bát của mình rồi mới tiếp tục ăn.
“Phàm ăn chẳng được ăn mau lắm, mà cũng chẳng được ăn lâu lắm.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Mau thì lỗi phép tắc, mà lâu thì động chúng.”
Ăn mau cũng không được mà ăn lâu quá thì động chúng. Nhiều khi chúng ăn hết rồi, còn có một mình mình. Mọi người đều nhìn đồng hồ, rồi nhìn mình, kỳ lắm!
“Đem đồ ăn chưa đến chẳng được sanh phiền não.”
Đang ăn, cơm hết hoặc thức ăn hết mà hành đường trị nhật chưa kịp đem đến, mình sanh tâm phiền não là không đúng.
Sa-Di Học Xứ ghi:
“Người hành đường tức là luôn luôn làm lợi ích cho người ăn.”
Quý thầy hành đường làm món gì, cũng luôn luôn mong mỏi đại chúng ăn hết. Bữa nào ăn không hết thì bốn thầy hành đường đều buồn.
“Nếu tâm giữ đúng năm pháp quán, thường sanh lòng hổ thẹn thì phiền não tự nhiên chẳng sanh. Nếu một người phiền não thì bốn người ngồi chẳng an, trai đường biến thành nhà phiền não.”
Trong mâm bốn người ngồi, mà có một người phiền não thì ba người kia cũng không an ổn.
Nên Cổ Đức nói:
Ngai ngai tứ cố khởi tham sân,
Niệm thực, thôn tâm, khái thấu tần.
Lục chúc, xiến canh bao mãn khẩu,
Khai đơn, chuyển bát, hướng như long.
Nghĩa:
Ngó trông bốn phía khởi tham sân,
Nghĩ ăn, nuốt miếng, ho khạc rần.
Húp cháo, lua canh đầy tràn miệng,
Mở đơn, khua bát, tiếng vang rân.
Chẳng hạn đang ăn, canh hết, đồ xào hết, cơm nhiều khi cũng thiếu. Ngó qua ngó lại, khởi tham sân liền: “Ông hành đường đi đâu mà giờ này chưa đem cơm canh lên cho mình.” Cho nên ở đây nói: Ngó trông bốn phía khởi tham sân. Ngày xưa, chúng tôi đã mắc phải. Ai vào đây tu mà chưa học oai nghi phép tắc đều dính hết.
Có một thầy nói rằng ngày xưa thầy ở chùa quê, chưa từng học qua giới luật, oai nghi. Bây giờ đủ duyên lên Thiền viện Trúc Lâm, được học oai nghi, thầy mới thấy rằng ngày xưa làm chuyện phi pháp rất nhiều. Có những trường hợp, sanh tâm phiền não mà mình tưởng là đúng, học oai nghi rồi bây giờ mới biết mình sai!
Trong quyển Sư Tử Tuyết Bờm Xanh có kể chuyện:
Thầy Geshé Ben cùng đi với một số thầy đến nhà tín thí thọ trai. Khi chủ nhà rót sữa, đến phiên thầy thì sữa hết, nên thầy khởi niệm sân. Khi tín thí tiếp tục đem sữa lên rót cho thầy thì thầy nói đã uống rồi. Tín thí ngạc nhiên thì thầy giải thích: Khi thầy khởi lên ý niệm tham, sân, si thì trong giờ phút đó thầy đã uống sữa rồi!
Nghĩ ăn, nuốt miếng, ho khạc rần. Rồi mình bắt đầu tằng hắng, cốt ý cho huynh đệ nghe. Tằng hắng mà không ai nghe thì buồn.
Hồi nãy chúng tôi có tiếp một người Úc theo Thiên Chúa giáo nhưng rất thích Phật giáo và thích tìm hiểu về con đường thiền. Ông nói không những ông mà người nước ngoài như người Mỹ, Pháp, Úc rất thích tìm hiểu và nghiên cứu đạo Phật. Theo ông, đạo Phật hay ở tinh thần quán chiếu. Chẳng hạn, mình đang sống sung sướng nhưng không chấp thủ vào cảnh giới sung sướng đó, mà quán chiếu là có những người khác đang đau khổ. Ông thấy đạo Phật vi diệu, cao siêu nên ông tìm hiểu. Bây giờ, thế giới nói chung và những đạo giáo khác mà có thiện tâm, họ cũng tìm đến con đường thiền. Con đường thiền là con đường quán chiếu. Chẳng hạn, bữa nay mình ăn cơm có canh, có rau đầy đủ, nếu quán chiếu những sự khổ đau của chúng sanh khác, thì có thiếu hụt tự nhiên mình không còn sanh tâm phiền não nữa, bởi vì có tinh thần quán chiếu đó.
Cho nên Đại sư Ấn Quang dạy:
Cơm rau đỡ dạ đói,
Nhà cỏ che gió sương.
Người đời nếu biết đủ,
Phiền não chẳng còn vương.
Bốn câu này, hấy đơn giản mà tu cả đời chưa được. Ví như có dịp, quý thầy đi đâu đó trên một chiếc xe đò, mà người ta cho một ổ bánh mì nguội, quý thầy ăn bình thản thì phiền não không dính. Còn mình khởi nghĩ, ở tùng lâm ăn đầy đủ mà hôm nay sao phải ăn khổ cực thế này, thì phiền não đến.
Bồ-tát Long Thọ nói, trong giờ phút thực tại đó, nếu chúng ta chánh niệm là tăng trưởng công đức. Nhớ chánh niệm là nhớ sự quán chiếu. Ở đây quý thầy đừng nghĩ, nhớ chánh niệm là đi, đứng, nằm, ngồi, thu thúc lục căn mà phải quán chiếu sự khổ, có những người khổ hơn mình rất nhiều. Sáu tỉnh miền Trung bị bão lụt liên tục, người dân phải ăn mì gói sống, không có nước để uống. Dầu bữa nay ăn dở hơn ngày thường nhưng nếu dùng tâm quán chiếu, ngay trong giờ phút thực tại đó, mình ăn mà biết đủ thì phiền não dứt mà công đức tăng trưởng. Còn mình quên chánh niệm, không thấy được đúng như sự thật thì thêm lớn vô minh.
Bồ-tát Long Thọ nói, sau khi chết mình không thể nương tựa ai kể cả cha mẹ, Thầy Tổ, bạn bè. Mà trong giờ phút thực tại đó, chỉ một cái duy nhất nương tựa được, đó là con đường thánh thiện, con đường của Giới - Định - Tuệ, con đường của chánh niệm. Con đường này không nhờ ai được hết mà phải tự lực vươn lên. Muốn được như thế thì trong cuộc sống tu tập, quý thầy phải tăng trưởng con đường thiện pháp, con đường thánh thiện.
Bữa trước có một Phật tử hỏi:
- Bạch Thầy, con xem Kinh Áo Nghĩa Thư có nói, chơn thường của ngoại đạo, vậy chơn thường của ngoại đạo khác với chơn thường của đức Phật như thế nào?
Trong Áo Nghĩa Thư họ cũng nói con đường thánh thiện, vĩnh cửu, con đường Niết-bàn. Theo tinh thần kinh Lăng Già, tôi trả lời thế này:
- Chơn thường của ngoại đạo là có một đấng Thượng đế ở bên ngoài, họ chấp thủ, nghĩ mình là tiểu ngã, còn Thượng đế là đại ngã. Sau khi chết thể nhập vào cái chơn thường đại ngã này.
- Chơn thường của Đức Phật là tự giác thánh trí, là chuyển từ Như Lai Tàng. Trong Như Lai Tàng chứa thiện ác, phải quấy, những tật xấu ích kỷ, tật đố…, bây giờ một phen chuyển hóa hết. Là một phen phải chuyển hóa nội tâm. Theo tinh thần nhà Phật, đến như hàng Thanh Văn, bậc Duyên Giác cũng chưa thấy được chỗ này, chỉ có những người đi theo đúng lộ trình của Bồ-tát đạo, hoặc nói khác hơn là lộ trình của Thiền tông mới thấy được điểm này. Muốn chuyển hóa, trở về tự tánh Như Lai Tàng, trở về cái tự giác thánh trí của chư Phật là chúng ta đói thì ăn, khát vẫn uống nhưng đều nằm trong bình diện Giới - Định - Tuệ. Bồ-tát Long Thọ nói, chúng ta đi trên con đường hoàn thiện này, thì phải luôn luôn chánh niệm để tăng trưởng công đức. Trong giờ phút thực tại, chúng ta nhớ chánh niệm để tăng trưởng công đức đó, là chuyển hóa trong Như Lai Tàng, là dừng vọng tưởng điên đảo.
“Hoặc có cần dùng, yên lặng chỉ trao đừng nên cao tiếng nói lớn đại chúng động niệm. Chẳng được khua chén bát thành tiếng.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nếu đầy đủ oai nghi thọ thực, cầm bát tự nhiên không có tiếng. Cầm bát mà có tiếng vì nhân thô tháo. Một người thô tháo đã chẳng chịu nghe, nhiều người lại như vậy mà trai pháp song chẳng chấp hành.”
Ăn mà khua chén bát thì phước đức của tín thí cúng dường buổi trai phạn ấy không thành tựu được.
“Chẳng được ăn rồi đứng dậy trước.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Vào trai đường thọ trai cần yếu là từ đầu chí cuối ăn xong đứng dậy. Có đầu mà không đuôi thì trái lời Phật dạy, khinh mạn đại chúng, trừ có công việc thì khai.”
Đang ăn nửa chừng đứng dậy đi ra ngoài, là khinh mạn đại chúng, coi thường Phật, Tổ, trái lời dạy của Phật Tổ. Trừ có công việc thì khai ra cho phép đi.
Trong Đại Luật có ghi:
Vào thời Đức Phật có một thầy Tỳ-kheo, sau khi thọ thực im lặng mà đi. Các đàn việt nói: “Chẳng biết thầy Tỳ-kheo kia ăn đủ hay chẳng đủ.” Phật dạy: “Từ nay nên vì đàn việt nói một câu kệ rồi mới đi.”
Chẳng hạn có dịp nào về thành phố, tín thí mời quý thầy đến nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, quý thầy phải nói một bài pháp ngắn hay một câu kệ ngắn, rồi chúc phúc cho họ thêm lớn công đức này, thì tín thí họ tăng trưởng niềm tin với Tam bảo.
“Hoặc có lỗi, chúng Tăng nghe tiếng bạch chùy chẳng được kình chống chẳng chịu.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Bạch chùy là gì? Là phép cử tội. Hoặc mình không chịu, sanh sân trái phép lục hòa tức chẳng phải là bậc hảo tăng.”
Ngày xưa, chốn Tùng lâm rất nghiêm khắc. Chẳng hạn, sáng nay có thầy Tỳ-kheo nào phạm tội thì vị duy-na, hay quản chúng đánh kiềm chùy lớn tiếng, giống như đánh ba hồi trống Bát-nhã, vân tập đại chúng lại để cử tội vị Tỳ-kheo phạm tội. Những vị làm chức tri sự hay quản chúng đều là những người có tài có đức, đa số là tướng trong triều đình, mà võ tướng rất nhiều, như ngài Huệ Minh dưới hội của Ngũ Tổ, là tướng tứ phẩm.
Một hôm, ngài Tiệm Nguyên đánh ngài Đạo Ngộ, ngài Đạo Ngộ nói: “Thôi ông đi đi, đừng về, ông tri sự hay được thì mệt.” Thiền sư thì không sân nhưng tri sự chưa chứng đạo thì sân, sân thì đánh. Ngày xưa có những chùa, chẳng hạn cử quý thầy làm tri khố mà quý thầy không làm, là tri sự nọc xuống (bắt nằm sấp) đánh vào mông trước đại chúng. Quý thầy coi hành trạng của Thiền sư Hư Vân, được cử chức tri sự mà không làm là bị đánh mấy trăm roi.
Tri sự ngày xưa có uy lắm, người có tài có đức, được cử làm tri sự là nắm hết, gồm thâu hết cả đại chúng. Một bài báo kể: Bên Tây Tạng, có trường gồm hai ngàn năm trăm sáu chục vị Tăng, có một chú Sa-di phạm lỗi bị tri sự bắt nằm sấp xuống đánh vào mông, máu, da thịt dính liền theo cái roi. Bởi vì đông quá, không nghiêm thì chúng loạn.
Cho nên, ở đây nói bạch chùy là phép cử tội, nếu mình không chịu ra, mà nổi sân thì không phải là bậc hảo tăng. Người xưa các ngài ra liền.
“Cổ Đức nghe nói lời thiện thì bái, có chỉ lỗi thì vui, ấy là khí tượng của bậc Hiền Thánh, sao ta không bắt chước?”
Cổ Đức mà nghe chỉ lỗi thì rất là vui. Thời nay không có bạch kiềm chùy, mà có thỉnh nguyện mỗi tháng. Mình có lỗi gì, quý Thầy lớn hoặc huynh đệ nêu ra, mình bước ra nhận lỗi rồi sám hối. Sám hối rồi, là khí tượng của bậc Hiền Thánh chứ không phải dở. Trên đời này ai cũng có lỗi, biết sám hối, biết cải đổi thì là người tốt. Vậy nói sao ta không bắt chước?
“Trong cơm có thóc lột vỏ mà ăn.”
Sa Di Học Xứ ghi:
Thiền sư Chí Phùng, một hôm ngài ngồi yên trong tịnh thất thì có một vị thần quỳ trước mặt. Sư hỏi ai thì thần đáp:
- Con là thần hộ giới.
Thiền sư nói:
- Ta lo tội phước chưa xong, ngươi có biết ư?
Thần nói:
- Sư không có tội gì hết, chỉ có một lỗi nhỏ.
- Lỗi gì?
Thần nói:
- Phàm là nước tráng bát cũng là vật người thí chủ, Sư thường hắt đổ, chẳng phải phép như vậy.
Nói rồi ẩn mất. Sư từ đó đều uống hết.
Hồi mới chùa chưa học qua pháp này, ăn xong tôi tráng rồi súc miệng ra ngoài. Thầy tôi đánh tôi một bạt tai chúi nhủi. Các Thầy ở miền Trung rất là khó, đánh chứ không nói chuyện như mình. Đánh xong Thầy chỉ tại chỗ, nói là tráng bát xong nước đó phải uống, không được bỏ.
Tổ Tuyên Luật Sư nói: “Mạng nhờ ăn uống mà sống, đạo do ăn mà còn, cho nên phải yêu tiếc, chớ nên khinh bỏ.”
“Chẳng được thấy món ngon sanh lòng tham luôn miệng mà ăn. Chẳng được ăn mích chúng.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Chẳng cùng chúng mà ăn, nghĩa là mười phương tập hợp cơm cháo đồng ăn, hoặc tăng mích chúng định giá thành tội. Ăn mích chúng là người không biết hổ thẹn. Tăng chưa ăn chẳng được hưởng trước, trừ người làm việc ăn không có lỗi.”
Chẳng hạn quý thầy có công việc phải đi, đáng lẽ mười một giờ rưỡi ăn, mà quý thầy xuống ăn trước thì không có lỗi. Còn đang hành đường, trị nhật, mà xắt cái gì ngon ngon bỏ vô miệng ăn thì định giá thành tội trộm. Ăn như thế gọi là mích chúng, là người không biết hổ thẹn. Tăng chưa ăn chẳng được hưởng trước, đây mình hưởng trước Phật luôn.
Các bài mới
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 4): Nhập chúng - 23/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 3): Theo Thầy ra đi - 23/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 2): Phép thờ Thầy - 19/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 1): Kính Bậc Đại Sa môn - 15/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức: Dẫn nhâp - 11/12/2017
Các bài đã đăng
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm - 24/06/2015
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm: Chương 1 - Dẫn nhập - 23/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 1 - Tảo giác - 22/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu - 22/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 2 - Minh chung ( Thỉnh chuông) - 21/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90891
- Online: 19