Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 6): Phép Lễ Bái
08/01/2018 | Lượt xem: 3740
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt
6. Phép Lễ Bái
Theo Thích Môn Qui Kính có ghi:
“Đầu mà tiếp xúc với chân Phật là nghi thức chính của lễ bái. ‘Đầu diện lễ túc’ hoặc ‘đảnh lễ Phật túc’ có nghĩa là cái đầu mình lễ dưới chân Phật. Vì chỗ cao nhất trong thân thể ta là đỉnh đầu, chỗ thấp nhất trong thân thể của người là chân, cho nên đem chỗ cao nhất của ta tôn kính chỗ thấp nhất của người để biểu thị sự lễ kính cao tột.”
Ngày xưa bên Ấn Độ, người ta rất tôn kính Đức Phật. Khi đảnh lễ họ cúi xuống ôm hai chân Phật, rồi họ hôn chân Phật để tỏ lòng cung kính.
Phép lạy của mình thì úp hai bàn tay xuống. Theo tinh thần nhà thiền, trong giờ phút thực tại đó, quý thầy phải dùng tâm quán chiếu, tưởng như có một vị Phật đang đứng trước mặt mình.
Theo Đại Đường Tây Vực Ký, ở Ấn Độ có chín cách lễ bái gọi là “Thiên Trúc Cửu Nghi”:
1- Dùng lời thăm hỏi
2- Cúi đầu tỏ vẻ cung kính.
Mình gặp quý thầy lớn hơn chút xíu, mình cúi xuống cũng là lễ bái.
3- Giơ tay cung kính vái chào.
4- Chắp tay ngang ngực.
5- Co đầu gối.
6- Quỳ thẳng.
7- Hai tay và hai đầu gối đều sát đất.
8- Năm luân, hai khuỷu tay, hai ống quyển, trán đều co lại.
9- Năm vóc như trên gieo sát xuống đất.
Học Kinh Viên Giác, có đoạn “Hồ quỳ hiệp chưởng” nhiều khi mình dịch là quỳ gối chắp tay. Nhưng tôi tra trong tự điển Huệ Quang, Hồ là người Ấn Độ. “Hồ quỳ hiệp chưởng” nghĩa là: Người Ấn Độ quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật.
Người Tây Tạng lạy không phải như mình, họ lạy toàn thân nằm xuống sát đất. Rồi làm một cái mạn-đà-la lớn bằng cát trong mười ngày, làm xong họ xóa bỏ hết. Hồi còn ở Canada, tôi có hỏi một vị thầy Tây Tạng, tại sao làm mười ngày rất cực mà sau đó lại xóa hết, thầy nói đó là biểu thị cho sự vô thường, khổ, không, vô ngã. Còn lạy nằm sát đất là buông xả toàn thân, hướng về một bậc giác ngộ tối thắng.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, sớ Hai mươi bảy, ngài Trừng Quán nói về Tam lễ:
“Thứ nhất là Đại bi lễ, thứ hai là Tổng nhiếp lễ, thứ ba là Vô tận lễ.”
Đại bi lễ là lễ với tâm đại bi thù thắng từ trong chơn tâm ra. Vô tận lễ là lễ vô tận khắp mười phương. Có người nói tu thiền không cần lễ lạy, lễ chỉ cho có lễ thôi, nói vậy quý thầy thấy đúng không?
Thiền thoại có ghi:
Đời nhà Đường, Hoàng đế Tuyên Tông lúc chưa lên ngôi, vì lánh nạn nên ẩn cư chốn tùng lâm làm thư ký cho Thiền sư Diêm Quang. Bấy giờ có một vị Thiền sư rất nổi tiếng là Thiền sư Hoàng Bá, ngài đảm nhiệm chức thủ tọa trong chùa, sáng nào ngài cũng dậy sớm hơn chúng tăng, đảnh lễ trước Phật rất thành kính và tha thiết. Một hôm Hoàng đế Tuyên Tông thấy Thiền sư Hoàng Bá lễ Phật liền hỏi:
- Lúc trước Thầy dạy trong chúng không chấp Phật để cầu, không chấp Pháp để cầu, không chấp Tăng để cầu. Bây giờ Thầy lại chí thành lễ bái như thế, vậy Thầy mong cầu cái gì?
Thiền sư Hoàng Bá khai thị:
- Không chấp Phật để cầu, không chấp Pháp để cầu, không chấp Tăng để cầu, cần phải như thế mà cầu, ông có hiểu chăng?
Lễ mà không chấp trước, lễ mà không mong cầu. Chính không có chỗ chấp trước, ngay chỗ tam luân không tịch đó thì mới gọi là lễ Phật chơn chánh. Lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng là chí thành đảnh lễ, đạt đến chỗ vô tận mà lễ.
Tuyên Tông nghe xong nói:
- Đã như thế Thiền sư lễ bái có tác dụng gì?
Thiền sư Hoàng Bá nghe xong dùng sức tát vô mặt Tuyên Tông thật mạnh. Tuyên Tông nói:
- Thầy là người tu đạo, sao thô bạo như thế?
Thiền sư Hoàng Bá nói:
- Cho ông một tát nữa mới được, ngay chỗ này mà ông nói thô với tế.
Ngay chỗ này ông nói thô với tế là ông còn mắc kẹt rồi. Về sau vị này lên làm Hoàng đế, cho mời ngài Hoàng Bá đến khen thưởng, rằng ngày xưa nhờ ngài khai thị hai bạt tai mà tôi tỉnh ngộ.
Một câu chuyện khác ngược lại câu chuyện trên:
Thiền sư Triệu Châu thấy thị giả là Văn Viễn đang lễ Phật, ngài dùng gậy đánh lên lưng một cái, hỏi:
- Ông đang làm gì?
- Đang lễ Phật.
Triệu Châu quở:
-Phật cũng cần lễ sao?
Văn Viễn thưa:
- Lễ Phật cũng là việc tốt.
Triệu Châu nói:
- Việc tốt không bằng vô sự.
Phật đã giác rồi, chúng ta ngồi thiền mà tìm lại cái giác ngộ nữa, là tìm cái vọng tưởng. Vọng tưởng mà tìm lại thành ra vọng. Ngay trong giờ phút thực tại đó, vọng lên, vọng xuống biết rõ hết, là đang trong cảnh giới vô sự, không thêm, không bớt gì nữa. Ở đây ngầm chỉ cái vi diệu hơn, việc tốt không bằng vô sự, chớ không phải bác sự lễ bái.
Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển Hai mươi bốn ghi:
“Người cung kính lễ bái Như Lai do thấy tướng hảo, rồi phát tâm vui mừng sinh lòng khát ngưỡng, xưng niệm danh hiệu, tán hoa, đốt đèn, bố thí, cúng dường thì đời sau được năm thứ công đức thù thắng:
1- Xinh đẹp
Thường lễ bái Đức Phật mà quán tưởng sâu sắc thì kiếp sau tướng hảo, ai nhìn thấy cũng phát Bồ-đề tâm.
2- Giọng nói hay
Người có giọng nói sang sảng là người rất hào hiệp. Người có giọng ấm, giọng như chuông thì tệ lắm cũng làm quan, làm tướng. Còn nói không ra hơi là cái tâm thức, cái khí của người đó không ổn.
Kinh Tạp Bảo Tạng có ghi:
Vua Ba-tư-nặc đi ngang một tinh xá, nghe một vị Tỳ-kheo tụng Kinh giọng du dương trầm bổng nên phát tâm cúng dường. Ông thưa với Phật ông muốn thỉnh vị Tỳ-kheo này ra để ông đảnh lễ và cúng dường mười ngàn lượng vàng. Phật bảo đưa Phật giữ trước rồi Phật mới kêu vị Tỳ-kheo này ra. Vì Phật biết nếu vua gặp mặt thầy Tỳ-kheo thì sẽ không phát tâm nữa. Vua Ba-tư-nặc rất ngạc nhiên nhưng cũng gửi cúng. Sau khi gặp Thầy Tỳ-kheo, vua nghĩ phải chi hồi nãy đừng cúng! Vua hỏi Phật tại sao một thầy Tỳ-kheo có giọng nói hay như thế mà khi thấy mặt thì không phát tâm được.
Phật kể, vào thời Phật Ca-diếp, vị này là quan đại thần, sau khi Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, thiêu có rất nhiều xá lợi, người ta xây tháp để cúng dường, mọi người đều hoan hỷ, riêng quan đại thần này nổi niệm sân: “Mất rồi mà còn phải bỏ tiền của ra làm chi”. Do nghiệp sân đó nên bây giờ khuôn mặt ông ai nhìn cũng thấy sợ. Tuy nhiên sau khi tháp xây xong, ông thấy trang nghiêm thanh tịnh nên phát khởi tín tâm, đến trước tháp sám hối, rồi treo lên tháp một cái linh cúng dường. Nhờ cúng dường linh nên bây giờ ông có giọng nói hay, và nhờ thành tâm sám hối nên gặp Phật tu chứng đạo, nhưng gương mặt xấu xí vì khởi niệm sân với một bậc toàn giác. Cho nên phải khiêm cung đầy đủ hết. Quý thầy siêng lễ Phật, siêng tụng kinh mà đụng một chút nổi sân, nổi phiền não lên thì trật hết.
3- Nhiều của báu
4- Sinh vào nhà quý tộc
5- Sinh về cảnh giới an lành.”
Kinh Bản Duyên nói:
Nếu với tâm tin sâu,
Kính lễ dưới chân Phật,
Người này đối sinh tử,
Chẳng còn vướng lâu nữa.
Cúng dường tạo nhân duyên,
Ắt được quả báo lớn.
Với tâm kính tin dù
Cúng đất vào bát Phật,
Cũng được có quả báo.
Vào thời Đức Phật, có một chú bé, tiền thân của vua A Dục, cúng dường một chút cát thôi mà Phật thọ ký sau này sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương.
“Lễ bái chẳng được đứng chính giữa chùa, ấy là để nhường cho vị trụ trì vậy.”
Trước tượng Phật, quý thầy đứng một bên lễ, chính giữa để nhường cho vị trụ trì.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Sao gọi là trụ trì? Nghĩa là động tịnh chẳng dời gọi là trụ, xưa nay chẳng trái gọi là trì, chính là người hoằng dương chánh pháp, tức là thiện tri thức vậy. Song Phật pháp phương Đông thấm nhuần bốn trăm năm có hơn, mà Đạt-ma Tổ sư mới đến lại truyền tám đời mới đến Thiền sư Bách Trượng. Ở trước chỉ lấy tướng đạo giáo thọ, chỗ ở núi non, hang cốc, chưa có tên trụ trì. Thiền sư Bách Trượng nhân người tu xưa nay xếp hàng vân tập hỏi đạo, chẳng phải vị trí tôn kính thì Pháp sư chẳng tôn, mà tên trụ trì từ đây mới bắt đầu.”
Trụ trì là do thanh qui Thiền sư Bách Trượng đưa ra chớ xưa thì không có.
“Lại nữa, trụ trì là tu Giới, Định, Tuệ. Vì dùng tư chất trì pháp nắm giữ đức hạnh chúng Tăng, là vì đầy đủ trì pháp, tư chất đầy đủ điều thiện, khả dĩ trì mà trụ.”
Thiền sư Mật Am nói:
“Trụ trì có ba cái không:
- Thứ nhất là việc rắc rối đến chẳng có kinh sợ.
Quý thầy sau này muốn ra làm trụ trì phải nhớ câu này. Việc rắc rối đến, người ta quậy, phá, phải bình thản, không được kinh sợ. Hoặc trong chúng có chuyện gì cũng không động tâm thì mới làm trụ trì được. Cho nên làm trụ trì rất khó, không phải dễ.
- Thứ hai là vô sự không tìm.
- Thứ ba là thị phi không biện.”
Đạt ba không này mới có thể gọi là trụ trì được.
Thiền Lâm Bảo Huấn ghi:
Đời nhà Tống, Thiền sư Phật Quả sắp đi trụ trì chùa Thái Bình. Thiền sư Pháp Diễn, Sư phụ của ngài tặng cho ngài bốn câu răn nhắc, gọi là Pháp Diễn tứ giới:
1- Có thế lực không nên sử dụng hết.
Làm trụ trì, làm người lớn là mình có thế lực ở trên rồi, không nên sử dụng hết. Mười phần, sử dụng năm hoặc ba thôi chớ xài hết thì tổn âm đức của mình. Trong chúng có những người làm trái thanh qui, nhiều khi chúng phụ tá Thầy Trụ trì không chịu được, mà tại sao có những lúc Thầy Trụ trì bỏ qua, là có thế lực không nên sử dụng hết, dụng một nửa thôi, dụng hết thì chúng ở không được.
2- Có phước không nên hưởng hết.
Làm trụ trì, người ta cúng dường nhiều mà bỏ túi đi chơi, ăn uống hay làm chuyện gì đó thì tổn phước. Người ta cúng dường mình phải chia đều cho đại chúng.
3- Qui củ không nên hành hết.
4- Lời nói hay không nên nói hết.
“Có người lễ Phật ta chẳng được đứng gần và đi ngang qua trước đầu người lạy. Thứ nhất là mất vẻ tôn kính, thứ hai là loạn phép quán của người. Đụng đầu mặt người khiến kia sanh tâm phiền não, mắc tội thật không phải là nhẹ.”
Có người đang lễ Phật thì không được đi ngang qua, đụng đầu mặt người ta, lại mất vẻ tôn kính.
“Phàm chắp tay chẳng được mười ngón so le, chẳng được bọng chính giữa, chẳng được nhét ngón tay trong mũi. Phải bằng ngực, cao thấp vừa chừng.”
Chắp tay ngang ngực là đúng. Tôi thấy có những vị chắp tay không bằng ngực, hoặc bọng chính giữa, hoặc đụng vô lỗ mũi, thậm chí cạy mũi! Có người còn nhịp theo tiếng tụng Bát-nhã nữa. Các vị thầy ở miền Trung khó lắm, thường khi tụng kinh, các thầy cầm cây thước đi ngang, ai làm sai là bị gõ thẳng vô mười ngón tay luôn. Người ta nhìn quý thầy tụng kinh là biết có học oai nghi phép tắc hay không.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Chắp tay là biểu thị một về tất cả, tất cả về một, chứ không có hai.”
“Chẳng được lễ bái phi thời, bằng muốn lễ phi thời thì phải chờ khi người vắng. Thầy lạy Phật chẳng được cùng Thầy đồng lạy, phải theo sau xa Thầy mà lạy. Thầy xá người, không phép đồng Thầy cùng xá. Ở trước Thầy chẳng được cùng người đồng bậc lạy nhau. Ở trước Thầy chẳng được chịu cho người lạy mình. Tay cầm kinh, tượng chẳng được vì người mà xá.”
Chẳng được lễ bái phi thời. Ở Chánh điện mình lễ phi thời không được. Chẳng hạn chín giờ mà quý thầy đắp y, hậu ra chánh điện lễ là sai. Trên thiền đường, lễ lúc chín, mười giờ thì cho phép, vì chỉ có một mình mình, không có Phật tử, cũng không có chúng lễ.
Thầy lạy Phật chẳng được cùng Thầy đồng lạy. Khi đi với Thầy Trụ trì hoặc quý Thầy lớn, Thầy lễ Phật trước rồi quý thầy lễ sau, chứ không phải Thầy lễ rồi cùng lễ theo là không đúng pháp.
Ở trước Thầy chẳng được chịu cho người lạy mình. Quý thầy thị giả phải kinh nghiệm chuyện này. Người ta đến lạy Hòa thượng, quý thầy đang đứng kế bên Hòa thượng thì phải tránh qua một bên, mình đâu được hưởng cái lạy đó, tổn phước mình.
Tay cầm kinh, tượng chẳng được vì người mà xá. Cầm kinh, tượng mà xá là trật pháp. Dầu cho là Hòa thượng hay Thầy Trụ trì, mình cũng không cầm kinh tượng mà xá các ngài. Bởi vì sao?
Sa Di Học Xứ ghi:
“Kinh, tượng chính người, trời còn phải tôn kính. Tay cầm kinh, tượng tức là Phật ở trong tay. Phàm gặp tôn trưởng, lão túc đều chẳng có lễ bái, chỉ nói kinh, tượng ở trên tay chẳng dám lễ bái. Nếu cầm mà lễ bái, ấy là người điên đảo.”
Quý thầy đang đi trên đường, tay cầm quyển kinh hoặc tượng Đức Phật, gặp Hòa thượng thì cũng không lễ, mà phải nói: “Bạch Hòa thượng, trên tay con cầm kinh, cầm tượng không lễ bái được.” Hoặc quý thầy gật đầu một cái thôi chứ cầm cuốn kinh xá xuống là trật. Kinh, tượng trời, người đều phải tôn kính. Tay cầm kinh, tượng tức là Phật ở trong tay. Nhiều người không biết phép cầm kinh nên có khi kẹp nách, làm trái oai nghi, tổn phước.
Thiền thoại có ghi:
Mẹ của vua Tuyên Tông sau khi mất về báo mộng muốn thỉnh Thánh tăng độ cho bà siêu thoát, còn mách bảo muốn chọn Thánh tăng thì chôn quyển Kinh Kim Cang dưới cổng chùa. Vua đến một ngôi chùa có gần một ngàn chúng Tỳ-kheo, gần hết các vị tăng trong chùa ai cũng bước qua cổng chùa mà không biết dưới cổng chùa có chôn quyển kinh. Chỉ có vị Tăng mà trong chùa ai cũng coi thường, bắt phải gánh đồ làm thị giả cho đại chúng là không dám bước qua mà lộn nhào lên hư không, nói: “Không dám giẫm đạp lên Đức Như Lai”. Vua biết đây là Thánh tăng.
“Phàm kính lễ phải tin thành quán tưởng. Kinh có dạy bảy phép lạy, chẳng khá chẳng biết.”
Chú: Bảy phép lạy là gì? Sa Di Học Xứ ghi:
“Thứ nhất là lạy ngã mạn, thứ hai là lạy cầu danh, thứ ba là thân tâm cung kính mà lễ.”
Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói:
“Nếu có người vì lạy Phật một lạy thì từ đầu gối xuống đến lớp kim cương, một hạt bụi là một ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, được mười loại công đức:
Chỉ cần lạy một lạy, kiếp sau quý thầy làm một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Mà một ngày quý thầy lạy bao nhiêu lạy? Có những vị vào thất chuyên sám hối, lạy Phật, rất là tốt. Ngày xưa chúng tôi vào thất, ở Thường Chiếu rất nóng mà sám hối một ngày bốn lần, chuyên lạy Phật, lạy Tổ.
1- Được sắc thân vi diệu.
2- Lời nói được người tin tưởng.
3- Ở trong đại chúng không có sợ sệt.
Nghĩa là đứng trước đại chúng, đứng trước số đông mà tâm rất bình tĩnh, không run sợ. Ai hỏi gì, quý thầy rõ hết người đó muốn nói. Phải lễ Phật thành kính mới được cái pháp thù thắng này. Có những người kể rằng, họ học pháp giảng sư nhưng đứng trước Phật tử số đông họ rất sợ. Vì sao? Vì họ không thực tập phương pháp này.
Ở Phú Khánh có một thầy viết văn rất hay, nhưng mỗi lần lên giảng thầy run lắm. Một vị Hòa thượng nói, thầy run thì cầm xâu chuỗi vừa lần vừa giảng. Bữa nọ thầy đang lần thì xâu chuỗi đứt dây xà xuống. Thầy nói, thôi từ đây viết sách chứ không bao giờ giảng nữa.
Được cái pháp thù thắng, đứng trước đại chúng không sợ sệt là do mình thành tâm lễ Phật. Năng lực thù thắng này phát xuất từ bên trong chứ không phải ở đâu hết.
4- Được chư Phật bảo hộ ghi nhớ.
5- Đầy đủ oai nghi lớn.
6- Mọi người thân cận và nương tựa.
Quý thầy lễ Phật một thời gian sẽ thấy. Nhờ phép lễ Phật này, tự nhiên người ta thích gần gũi với mình, nói gì họ cũng nghe. Sau ra làm Phật sự, nhiều người muốn nương tựa. Nương tựa đây là họ đến học pháp, mình chia sẻ đường đi nước bước, hoặc san sẻ những nghịch cảnh trong cuộc đời, để họ chiêm nghiệm thực hành thì quý thầy được phước, mà người ta cũng bớt khổ. Còn nương tựa về chuyện khác là trật.
7- Được chư thiên kính mến.
8- Đầy đủ phước báu lớn.
9- Lúc mạng chung sanh về cõi Phật.
10- Mau chóng chứng đắc Niết-bàn.”
Các bài mới
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 5): Tùy chúng thực - 27/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 4): Nhập chúng - 23/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 3): Theo Thầy ra đi - 23/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 2): Phép thờ Thầy - 19/12/2017
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 1): Kính Bậc Đại Sa môn - 15/12/2017
Các bài đã đăng
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức: Dẫn nhâp - 11/12/2017
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm - 24/06/2015
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm: Chương 1 - Dẫn nhập - 23/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 1 - Tảo giác - 22/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu - 22/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90890
- Online: 17