Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 7): Thính pháp

11/01/2018 | Lượt xem: 3623

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt

7. Thính Pháp

Sa Di Học Xứ ghi:

“Pháp có năng lực trợ đạo nên cần phải nghe. Tâm tông của chư Phật đầy khắp trong Pháp tạng, dù tự tánh vốn thông ắt cần phải nhờ thầy truyền dạy. Cho nên lúc giảng pháp, giảng Tỳ-ni ắt cần phải lắng nghe và tư duy nghĩa lý mới có thể khai phát tâm địa được.”

Trong bài Thính Pháp này, Tổ Tuyên Luật Sư dạy: Pháp có năng lực trợ đạo nên cần phải nghe. Nếu nghĩ mình thông minh, trí huệ đầy đủ rồi không cần nghe pháp nữa thì trật.

Có những người đọc kinh, nghe pháp tự nhiên xúc động họ khóc. Hòa thượng Trúc Lâm khi coi đến chỗ “thất xứ chơn tâm”, bảy lần Phật gạn tâm cho tôn giả A-nan thì ngài xúc động khóc. Như vậy biểu thị điều gì? Giống như người xa nhà đã lâu, một hôm về quê gặp lại cha mẹ thì rất xúc động. Người đọc kinh Phật xúc động mà khóc, là chủng duyên người này rất sâu. Nhớ lại ngày xưa mình đã xem qua đoạn này, bây giờ nó tác động lại những hạt giống từ vô lượng kiếp làm cho nẩy mầm và trưởng thành. Nhờ năng lực này, quý thầy ở trong đạo không bao giờ khởi niệm ra đời. Cho nên nói, Pháp có năng lực trợ đạo, nên cần phải nghe pháp, học hỏi Phật pháp.

Tâm tông của chư Phật đầy khắp trong pháp tạng. Có những lúc, tu mà tự nhiên thấy buồn buồn, thấy thiếu thiếu cái gì đó, quý thầy lật quyển kinh ra xem thì bớt phiền não. Hoặc có người gặp phiền não, khổ đau, vượt qua không được, nhưng khi đem kinh Phật ra xem, thì họ lại vượt qua được những nghịch cảnh khốn khổ đó.

“Dù tự tánh vốn thông ắt cần yếu phải nhờ thầy truyền dạy. Cho nên lúc giảng pháp, giảng Tỳ-ni ắt cần phải lắng nghe và tư duy nghĩa lý mới có thể khai phát tâm địa được.”

Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy:

“Thí như ám trung bảo,

Vô đăng bất khả kiến,

Phật pháp vô nhân thuyết,

Tuy huệ mạt năng liễu.”

Nghĩa:

“Như viên ngọc quý giữa đêm dày,

Không đèn soi sáng có ai hay,

Cũng vậy, Phật pháp không người nói,

Thông minh cũng khó hiểu nghĩa này”

Hồi còn ở ngoài đời đâu biết vô thường, khổ, vô ngã, Thập nhị nhân duyên là gì. Vào đây nhờ Hòa thượng, nhờ Thầy Trụ trì giảng, mình hiểu phải tu thế nào, phải giữ giới, thực hành ra sao, đều nhờ người Thầy truyền lại.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát Văn Thù chọn nhĩ căn viên thông, ngài nói kệ:

Tôi nay bạch Thế Tôn,

Phật xuất cõi Ta-bà,

Phương này, chơn giáo thể,

Thanh tịnh tại nghe thanh.

Muốn vào Tam-ma-đề,

Thật do cái nghe nhập.

Nhiều khi quý thầy nghe, tư duy nghĩa lý tự nhiên thâm nhập vào cảnh giới thiền định. Thâm nhập vào cảnh giới thực tại đó là nhờ nghe pháp. Bồ-tát Long Thọ nói, có mười tám điều kiện thuận lợi, cần thiết cho việc thực hành nghe pháp, mà chỉ có loài người mới có đầy đủ các điều kiện thù thắng này. Mười tám pháp đó là gì, mà ngài dạy phải luôn quán chiếu thật sâu sắc, thì nghe pháp không có nhàm chán?

1- Thoát khỏi cõi địa ngục.

Đời này, mình may mắn thoát khỏi cõi địa ngục. Cảnh giới địa ngục rất đau khổ, nghe pháp không được, không bao giờ hiểu được nghĩa lý của một câu kinh.

2- Thoát khỏi cõi quỷ đói.

Trong kinh diễn tả quỷ đói nhìn đâu cũng đều thấy khô cạn hoặc lửa cháy. Chẳng hạn cây hồng, cây bơ đầy trái, nhưng quỷ nhìn không thấy có trái nào hết, nhìn xuống dòng nước thì cạn khô, rất đói khát. Kêu niệm Phật cũng niệm không được huống gì nghe kinh. Bồ-tát Long Thọ dạy, phải nương Giới - Định - Tuệ của mình. Dầu cho có tu, mà còn tâm niệm keo kiệt, ích kỷ và tật đố, khi chết cũng đọa làm quỷ đói rất khổ.

Quý thầy được trị nhật, hành đường, nghe pháp, tụng kinh, sám hối, phải nói là có cái duyên thù thắng. Quý thầy vào thiền viện thấy có đầy đủ Phật pháp, thấy ai cũng tu nên nghĩ rằng bây giờ tu nhiều, học chánh pháp nhiều, nhưng thật ra người hiểu và thực hành thánh pháp được rất ít. Thực hành pháp ở đây là gì? Là quán chiếu sâu sắc mình được thoát khỏi cõi quỷ đói. Mình nghe pháp nhiều quá thấy nhàm, chứ Phật tử khao khát giống như đất khô hạn mà gặp mưa vậy.

3- Thoát khỏi cõi thú vật.

May mắn thoát khỏi cảnh giới súc sinh, không bị làm thân trâu, bò, heo, chó…

4- Thoát khỏi cõi chư thiên sống lâu.

Trong kinh diễn tả, chư thiên khi sắp mất thì họ thấy năm tướng suy:

- Hoa trên đầu héo.

- Mồ hôi chảy nách.

- Không thích ngồi chỗ ngồi của chính họ nữa.

- Quần áo dính bụi.

- Hào quang tắc hết.

Khi thấy những tướng suy này, họ quán chiếu để biết sanh về đâu. Nếu thấy rớt vào cõi địa ngục thì họ đau khổ gấp nghìn lần so với người ở cảnh giới Ta-bà chết vào địa ngục. Đang ở cảnh giới sung sướng mà rơi vào cảnh giới xấu nên rất khủng hoảng, lo sợ.

Mình may mắn thoát khỏi cõi chư thiên sống lâu, được làm người, được nghe Phật pháp. Trong kinh diễn tả, vào đời mạt pháp người nào được nghe, tin tưởng vào pháp Thiền tông, thì chủng tử người đó rất sâu dày, nên bây giờ mới biết con đường này tu tập, hành pháp. Nếu không có căn duyên về thiền nhiều, khi nghe rồi không tin mà còn phỉ báng.

Quý thầy nghe Hòa thượng hoặc Thầy Trụ trì giảng mà cảm thấy rung động, có một cái gì đó tác động vào là biết mình có căn duyên nhiều kiếp về thiền, con đường thiền này mình phải đi.

5- Thoát khỏi làm một người tà đạo.

Các vị thiền sư nói, thà ngàn năm không ngộ còn hơn một ngày đi lệch đường. Những người tà đạo không có chánh kiến. Họ chấp thường, chấp đoạn, chấp vào những chỗ thấy. Như những người hiện bây giờ chết vì đạo mà niệm si, niệm sân, niệm tham có đủ hết, thì làm sao tái sanh vào cảnh giới an lành được. Chỉ có con đường từ bi, hỉ xả, tình thương, và hiểu biết, thì mới tái sanh vào cảnh giới lành. Quý thầy được phúc duyên thoát khỏi làm một người tà đạo, biết Phật pháp, biết tu pháp môn thiền.

6- Thoát khỏi làm một người hoang dã.

Là người sống nơi biên địa. Có những người sống trong rừng, không mặc quần áo, họ cầm gậy, mác đi săn. Những người này làm sao biết Phật pháp, biết chuyển hóa? Rớt vào cảnh giới này rất là khổ, không có cuộc cách mạng nào chuyển hóa nội tâm họ được. Không có thiện tri thức gần bên làm sao chuyển hóa?

7- Thoát khỏi làm một người ngu đần.

Tôi thấy quý thầy, ai cũng mặt mũi sáng láng, thông minh, trí tuệ là có phúc duyên rồi.

8- Ở nơi không có giáo pháp của một Đức Phật.

Quý thầy ở đây là đã có giáo pháp của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni để lại, có lịch sử, có chứng tích, có bài bản rõ ràng, thì mình rất có phước.

9- Tái sanh làm người.

10- Tái sanh ở vùng trung tâm, nơi có Tăng chúng ở.

Quý thầy sanh ra trong cuộc đời này gặp chư Tăng, tuy nhiên có nhiều nơi không có chư Tăng.

11- Có những cơ quan lành lặn.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều lành lặn.

12- Thoát khỏi những hành động xung đột về pháp.

Vào thiền viện Trúc Lâm, tin tưởng pháp của Hòa thượng dạy, con đường này là con đường chuyển hóa nội tâm mình phải đi, tin tưởng thì tu mới có kết quả và không có xung đột về pháp. Nghĩa là quý thầy đã có túc duyên sâu mới tin tưởng vào Thầy của mình.

Thiền sư Đại An, ba mươi năm ở núi Qui, ăn cơm núi Qui, uống nước núi Qui, làm cái gì cũng núi Qui, mà chỉ chăn con trâu. Còn quý thầy vào đây, ăn cơm Trúc Lâm, uống nước Trúc Lâm mà hành pháp khác, không tin tưởng pháp này mà vào chốn này, thì xung đột về pháp. Vào đây mà đi theo con đường khác là không đúng, kiếp sau không gặp được pháp này nữa.

13- Có lòng tin vào thánh pháp.

14- Có sự đản sanh của một Đức Phật trong thế giới.

15- Có giáo pháp của một tôn giáo thanh tịnh.

16- Có sự tồn tại và vững chắc của một tôn giáo thanh tịnh.

17- Là người tin và theo lời dạy của Đức Phật.

Mình tin lời Phật dạy là đúng, là thù thắng.

18- Có lòng từ bi với những người khác.

Có lòng thương đến người khác là biết mình được mười tám pháp mà Bồ-tát Long Thọ chỉ.

Kinh Phó Pháp Tạng Phật dạy:

“Tất cả chúng sanh muốn ra khỏi biển khổ sanh tử ắt phải mượn con thuyền thánh pháp mới được độ thoát. Pháp là nước mát trừ lửa dục phiền não. Pháp là thuốc hay có năng lực trừ các thứ bệnh.”

Nghe pháp, học pháp, tu pháp thì vượt thoát sanh tử. Mượn con thuyền thánh pháp này thì mới được độ thoát. Pháp là nước mát trừ lửa dục phiền não. Bữa nào quý thầy phiền não, về lật quyển kinh ra xem, Phật nói phiền não bị gì, sân hận bị gì, thì nhờ pháp mà chuyển hóa được. Pháp là thuốc hay có năng lực trừ các thứ bệnh. Chẳng hạn bệnh tham thì dùng thuốc bố thí, sân dùng thuốc từ bi. Bệnh hay khởi niệm dục, thèm muốn đủ thứ chuyện thì dùng thuốc bất tịnh.

Trong kinh Tăng Chi Bộ quyển 2, chương 4, phẩm Các Căn Phòng Bệnh, trang 86, Phật dạy:

Một thời Thế Tôn trú ở Sa-va-thi tại vườn ông cấp Cô Độc, gọi các Tỷ-kheo:

Này các Tỷ-kheo! Có hai loại bệnh. Thế nào là hai? Bệnh về thân và bệnh về tâm. Này các Tỷ-kheo! Chúng ta thấy có chúng sanh tự nhận mình không có bệnh về thân được một năm, được năm năm, được mười năm, được năm chục năm cho đến một trăm năm. Nhưng này các Tỷ-kheo! Rất khó tìm được ở đời là những chúng sanh tự nhận mình không có bệnh về tâm dù chỉ trong một khoảnh khắc, trừ những bậc Thánh đã đoạn trừ các lậu hoặc.”

Chiều ngồi thiền, quý thầy nghiệm đi. Có khoảnh khắc nào, mình không phiền não - khổ đau - phiền muộn - tật đố - ích kỷ, không có một niệm nào khởi lên, chỉ trong một tích tắc thôi, có không? Thiền sư Đạo Nguyên nói, một người chỉ cần trong tích tắc, không có những thứ bệnh trên, thì người này là đệ nhất tối thượng giữa loài người. Dẫu có người bố thí, cúng dường đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới,thì công đức cũng không bằng. Phật khẳng định, có một kho báu vô giá, mà chỉ có người tu thiền mới chiêm nghiệm được chỗ này.

Có một Thiền sư nói, sáng sớm ngài bước từ cái ghế này qua cái ghế kia ngài thấy hai mươi bảy niệm, tức là từ cái khoảnh khắc này qua cái khoảnh khắc kia ngài thấy hai mươi bảy cái niệm nhỏ vi tế. Mình thì cho đi luôn, không thấy gì hết. Bởi vậy mới nói dứt trừ lậu hoặc không phải chuyện dễ, đến mức độ Phật nói chừng nào chứng quả vị A-la-hán rồi thì mới tin tâm mình. Ở đây nói rất rõ là bệnh về tâm ai cũng có, muốn dứt bệnh này phải uống thuốc nghe pháp.

“Pháp là chơn thiện tri thức của chúng sanh, làm lợi ích lớn cứu giúp các khổ não. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh trí tánh không có cố định, theo chỗ tập nhiễm, gần thiện thì thiện, gần ác thì ác. Nếu gần bạn ác liền tạo nghiệp ác, lưu chuyển trong sanh tử không có bờ mé. Nếu gần bạn lành khởi tâm cung kính, nghe nhận diệu pháp ắt có năng lực khiến xa lìa tam đồ khổ não. Do đó công đức thọ cái vui tối thắng thù diệu trong cuộc đời này tức là nghe pháp.”

Quý thầy vào thiền viện Trúc Lâm, ai cũng mang tâm niệm thiện, phát tâm tu, nhưng mà trí tánh chưa ổn định, nếu gặp bạn ác thì bị dẫn dắt theo chỗ tập nhiễm. Những chủng tử ác chuẩn bị ngủ rồi, nhưng có người rủ tối đi chơi, nhớlại ngày xưa tối thường đi ngắm trăng, ngắm sao nên đồng ý đi liền. Ở đây Phật dạy, nếu gần bạn ác thì liền tạo nghiệp ác lưu chuyển trong sanh tử không có bờ mé. Còn gần thiện thì tự nhiên thiện, gần bạn lành là khởi tâm cung kính. Nhờ thầy tốt, bạn lành nhắc nhở, mình bỏ lần những tập nhiễm, biết bố thí, cúng dường, sám hối, ngồi thiền, tụng kinh, từ đó phước đức tăng trưởng. Mai kia có chết, công đức thiện pháp này cứu mình, nhờ năng lực thiện pháp này đưa đến cảnh giới lành.

Như câu chuyện, mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà dạy con. Lần đầu ở gần nhà giết heo, bà thấy con về cũng chơi trò thọc huyết, làm heo. Bà sợ quá dọn nhà đến gần nghĩa địa, thì thấy con chơi làm đám ma, cúng kiến, thổi kèn. Lần thứ ba bà dọn nhà đến gần trường học, thấy con bắt chước khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ. Bà nói đây mới là chỗ ở cho con ta.

“Nghe nhận diệu pháp ắt có năng lực khiến xa lìa tam đồ khổ não.”

Nghe diệu pháp thôi là có thể chuyển được trong kiếp này. Pháp Hòa thượng Trúc Lâm dạy là pháp thù thắng tối thượng, quý thầy nghe, tin nhận là không phải chuyện đơn giản.

Thành Phạm nói:

“Phàm tâm học đạo của Sa-di phải như đất hạn ao hồ cạn hết, chẳng nhàm chán nghe nhiều.”

Tâm học đạo của Sa-di phải như đất hạn, nghe nhiều cũng không nhàm chán, như ao hồ khô cạn, rót bao nhiêu cũng được.

“Chẳng để thì giờ trôi suông. Nếu gặp pháp sư trên pháp tòa giảng nói kinh luận, Thánh pháp liễu nghĩa, phải để tâm rỗng không mà lắng nghe. Đối với người nói pháp tưởng như cha mẹ, thầy, tổ. Đối với chỗ nghe pháp như đói mà được nhận thức ăn, tưởng như chết khát mà gặp được nước.”

Gặp người giảng nói kinh luận, Thánh pháp liễu nghĩa thì phải để tâm rỗng không lắng nghe đón nhận những lời pháp, không suy nghĩ một niệm nào hết, thì được tăng trưởng công đức. Đến pháp đường cung kính pháp, thì sau này quý thầy ra làm Phật sự hướng dẫn người sẽ được lại quả báo. Còn nghe mà có tâm khinh nhờn thì bị nhân quả.

Khổng Tử nói: “Sáng nghe đạo lý, chiều chết cũng cam.” Sáng quý thầy nghe pháp rồi chiều trúng gió chết hoặc đi ngang bụi cây, bụi cỏ bị con rắn nhảy ra cắn chết thì đừng sợ. Nghe diệu pháp rót vào chủng tử tàng thức rồi, thì chết sanh về cõi lành liền. Bởi vì trong giờ phút thực tại đó không có niệm thứ hai.

Chư Phật, chư Tổ nói cho chúng ta biết muốn đạt đến chỗ giác ngộ giải thoát, đến quả vị cuối cùng (quả vị Phật), thì trước chúng ta phải tạo phước. Kế đến là tu huệ. Cổ đức nói: “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật.” Nghĩa là phước huệ song toàn thì mới thành Phật, tác Tổ được. Để có phước thường mình nghĩ là phải bố thí cúng dường, nhưng những người không có tiền thì làm sao bố thí cúng dường? Như vậy có tạo phước được không? Hoặc những người bị bệnh về thân, không làm trị nhật, hành đường hay công tác cho chúng được, thì có tạo phước được không?

Theo tinh thần của thiền, Bồ-tát Long Thọ dạy, nghe pháp mà lắng thần nghe với tâm lành thì được phước đức. Nghe xong về chúng ta hành, đó gọi là công đức.

Có một vị Tăng hỏi một Thiền sư:

- Bạch Hòa thượng, trong kinh thường diễn tả chúng ta tu hành như thế nào để giống như chim đại bàng. Nhưng con chim đại bàng sải cánh một ngày bay ngàn dặm, mà mình không có khả năng như thế.

Thiền sư nói:

- Nhưng con chim không bay qua được bến bờ sanh tử, chỉ có những người nghe pháp, hành pháp, thì mới bay qua được bến bờ sanh tử.

Chúng tôi làm nhà khách, có lần tiếp bốn cô sinh viên Đại học Đà Lạt. Họ thưa rằng, trước đây rất tin vào đạo Phật, nhưng một thời gian thì những người trong gia đình thường hay xung đột, sống không hòa thuận. Mỗi lần xung đột, đến chùa xin Phật cứu khổ, cứu nạn nhưng xung đột trong gia đình vẫn không chấm dứt, từ đó họ không tin đạo Phật nữa.

Bây giờ mình phải trả lời thế nào để những người này có niềm tin với chánh pháp? Tôi nói, ví dụ mấy cô có cây viết, dùng hai tay bẻ gãy không? Bẻ gãy. Nếu dùng một tay bẻ gãy không? Họ nói không thể nào bẻ gãy được. Tôi nói, cũng vậy, ở đây pháp Phật chỉ rất rõ, chẳng hạn chị cô chửi cô, cô chửi lại thì có xung đột. Còn chị cô chửi hay nói nặng lời mà cô im lặng không trả lời thì không còn xung đột, như vậy rõ ràng là Phật cứu khổ. Sau đó, họ về thực hành, rồi công nhận đạo Phật thật là vi diệu.

Quý thầy ở đây là đệ tử của Hòa thượng Tôn sư, hoặc Hòa thượng Thường Chiếu hay là đệ tử của Thầy Trụ trì Trúc Lâm, nhưng thật ra đều là đệ tử Phật. Phật đã nhập Niết-bàn, giáo lý truyền đạt lại cho chư tăng là đại diện. Phật tử đến thưa hỏi, mình nói pháp cho họ nghe thì trong giờ phút thực tại đó họ tăng trưởng được phước đức thù thắng. Về nhà, trong cuộc sống giữa đời thường, họ thực hành có kết quả là họ được công đức.

Trong kinh diễn tả, Tôn giả A-nan nhờ chuyên huân tập những hạt giống về pháp, được Phật thọ ký: “Tôn giả A-nan giáo hóa hai mươi ngàn vạn ức hằng hà sa Bồ-tát mà chỉ dùng đại pháp nhiếp hóa thuần nhất không có pha tạp.”Nghĩa là sau này tôn giả A-nan thành Phật không dùng pháp nào khác, chỉ thuần nhất truyền tải pháp âm vi diệu của Phật.

“Quốc Độ tên là Thường Lập Thắng Phan thường dùng chánh pháp phá bỏ tà kiến, kiếp tên là Diệu Âm Biến Mãn. Pháp âm cảm xúc lòng người, thọ mạng không thể tính đếm. Chánh pháp ở đời còn lâu hơn thọ mạng, tức là phù hợp với pháp tánh thường trụ.”

Phật thọ ký tôn giả A-nan là đệ nhất đa văn, chỉ nghe ròng về pháp thôi. Cho nên sau này Tôn giả A-nan thành Phật rồi nói pháp thì cảm xúc lòng người, tác động đến người nghe rất mạnh. Nhờ vô lượng kiếp nghe pháp, thực hành về pháp nên người nào phiền não, sầu khổ chỉ cần nghe ngài nói một câu thì bớt sầu khổ. Tỳ-kheo hoặc các vị Sa-di mới xuất gia mà buồn bực không muốn tu hành nữa, một khi nghe pháp âm của Tôn giả A-nan thì tự nhiên phấn chấn trên đường tu. Mà vào thời Đức Phật, Tôn giả A-nan chỉ mới kiến đạo thôi, chưa chứng Thánh. Phật nói trong vô lượng kiếp, Tôn giả A-nan rất thích thú về pháp và rất thích thú đi nghe pháp.

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ Phật dạy:

“Nếu người có thể dùng tâm lành nghe pháp, đây là phước đức đệ nhất.”

Đến Pháp đường, lắng tâm nghe với tâm thiện chứ không phải tâm ác, thì đây là phúc đức đệ nhất.

“Vì mục đích đi nghe pháp, dù chỉ bước một bước, phước báu có thể sanh lên cõi trời Phạm Thiên.”

Vào thời Đức Phật, những vị tu mà muốn đạt đến tầng trời Phạm Thiên thì tu Tứ Vô Lượng Tâm, là đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả.

“Người nghe pháp do thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp lành nên sanh trong cõi trời, cõi người được hưởng phước báu hạnh phúc bậc nhất, mạng sống lâu dài, cuối cùng được Niết-bàn. Tất cả những công đức lớn này đều chỉ nhờ nghe pháp mới có được. Cho nên nghe pháp là an ổn bậc nhất.”

Nghe pháp là thân làm lành, không tạo nghiệp sát sanh, trộm cướp, dâm dục. Miệng không nói lời ác, ý luôn được thanh tịnh, cho nên trong giờ phút thực tại đó, chúng ta đều tạo nghiệp lành. Kinh Chánh Pháp Xứ Phật dạy rất rõ, nghe pháp rồi thực hành pháp là phước đức bậc nhất. Nhờ năng lực phước đức này, nhờ những hạt giống này, cuộc sống rất an ổn.

Theo tinh thần Duy Thức, trong vô lượng kiếp chúng ta tạo ác rất nhiều, mà những nghiệp ác này không mất. Theo lý, nó như bóng, như huyễn, nhưng về sự thì nó hình thành trong tàng thức rất nhiều. Bình thường mình không sân, mà đụng chuyện tự nhiên sân xuất hiện. Nghĩa là những hạt giống sân hay tham đã nằm trong tàng thức rồi, đụng chuyện thì nó nẩy mầm, phát tác lên. Nhờ nghe pháp, những lời pháp tác động đến, từ từ những hạt giống ác không còn nẩy mầm được nữa, và chết lần lần. Duy thức diễn tả giống như xe không đổ xăng, thì xe không chạy được. Hạt giống pháp đánh bạt những hạt giống phiền não, xấu ác. Chúng ta có túc duyên sâu, nên mới chịu lắng tâm nghe pháp. Có những người không chịu nghe pháp, hoặc chỉ ngồi ngủ gục không nghe được gì.

Trong kinh Bản Duyên, quyển thứ Năm có kể câu chuyện:

Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm có bốn thương gia giàu có đến thưa với Ngài A-nan rằng, muốn nghe, học hiểu và thực hành về pháp. Tôn giả A-nan bạch Phật, Phật gọi bốn vị thương gia vào thuyết pháp cho họ nghe. Sau khi Phật thuyết pháp xong, Tôn giả A-nan thưa với Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, bài pháp Thế Tôn nói hôm nay thật là mầu nhiệm, vi diệu. Nếu hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Sa-di, Sa-di Ni hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di được nghe bài pháp này, con chắc rằng trong pháp hội sẽ có người chứng quả. Vậy mà trong lúc Thế Tôn nói pháp, con nhìn thấy một người ngó lên trời không nghe pháp, một người thì ngồi gõ ngón tay, người thứ ba thì ngủ gục. Chỉ có một người chăm chú nghe bài pháp.

Phật nói:

- Trí của ông thì không thấy tột được. Với Phật trí của ta, ta thấy người mà ngó lên trời, năm trăm kiếp quá khứ làm nhà chiêm tinh chuyên nhìn trời, nhìn sao. Hạt giống đó bây giờ vẫn còn, nên ta nói pháp mà người đó cứ nhìn lên trời. Người thứ hai, ta nói pháp mà gõ ngón tay, năm trăm kiếp trong thời quá khứ làm con chim gõ kiến. Người ngủ gục thì thời quá khứ đã làm rắn năm trăm kiếp. Còn người chăm chú nghe pháp thì năm trăm kiếp họ làm chú thuật, chuyên đọc những bài chú nên bây giờ có tâm thành kính về pháp, mới lắng thần nghe pháp được.

Phật nói pháp mà người nghe còn như thế, huống chi mình. Khi nào quý thấy có đủ túc duyên ra hướng dẫn Phật tử, mà thấy người ta ngủ lên ngủ xuống, hoặc khi quý thầy đang giảng, có người cười rồi đứng dậy bỏ đi không chịu nghe thì cũng đừng buồn.

Cho nên Thiền sư Vĩnh Minh nói:

“Chẳng cần của báu đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, chỉ nguyện ưa nghe một câu Phật pháp chưa từng được nghe.”

Bây giờ quý thầy nghe nhiều quá, thấy thường. Nhưng vào thời Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ nghe hai câu kệ mà chứng quả, kiến đạo, pháp nhãn thanh tịnh liền được mở.

“Các pháp từ duyên sanh,

Cũng từ duyên mà diệt.”

Tôn giả Xá-lợi-phất theo đạo Bà-la-môn, chấp có một tự ngã. Nhưng với Phật trí, Phật thấy được các pháp do duyên sanh, cũng từ duyên mà diệt. Một câu Phật pháp ngài chưa từng nghe, nhưng nghe hai câu này, ngay tức khắc ngài chứng được quả vị Tu-đà-hoàn, tức là bước vào dòng Thánh.

Đối với thiền sư, mình đến hỏi Phật pháp các ngài không nói nhiều, chỉ giải thích ngắn gọn.

Thiền sư Thiện Hội ở với thầy ba năm, mà thầy không dạy gì. Một hôm ngài đến thưa với thầy:

- Bạch Hòa thượng, con ở với Hòa thượng lâu mà Hòa thượng không chỉ dạy gì hết, suốt ngày bắt con nấu cơm, chẻ củi. Thôi bây giờ con xin đi hành cước, học Phật pháp chỗ khác.

Vị thầy nói:

- Trước khi ông lên đường tôi cũng có một câu Phật pháp tặng ông. Ông lại gần đây tôi nói nhỏ.

Thiền sư Thiện Hội đến gần, vị thầy nói:

- Trời lạnh! Ông đi đường vui vẻ.

Ngay tức khắc Thiện Hội ngộ đạo.

Một câu Phật pháp chưa từng được nghe, “Trời lạnh! Ông đi đường vui vẻ” thì liền ngộ đạo. Thấy không có gì, nhưng ở đây ngầm ý rất sâu, tự quý thầy về chiêm nghiệm chỗ này, thiền mà giải thích mất hay. Mình đừng tưởng ngộ đạo dễ, trong ba năm đó ngài luôn chánh niệm, thu thúc sáu căn, thì trong giờ phút thực tại này, pháp mầu nhiệm của vị Thầy có năng lực lớn nó tác động đến.

Quý thầy nghe Hòa thượng hoặc Thầy Trụ trì giảng pháp dễ thâm nhập hơn, còn người tuổi đạo nhỏ, không có năng lực thù thắng thì không tác động mạnh bằng những người có năng lực lớn. Các ngài có năng lực lớn, các ngài phổ vào mình, tự nhiên mình rung động.

Cho nên kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Ai sống một trăm năm

Không thấy pháp tối thượng,

Tốt hơn, sống một ngày

Thấy được pháp tối thượng.

Ở Thiền viện, mình được học hỏi Phật pháp nhiều, nên thấy dư. Ngày xưa, nghe được một câu Phật pháp rất quý. Vì vậy, người xưa học Phật pháp là luôn luôn chăm chú về pháp, thực hành về pháp nên mới thành tựu đạo quả được. Do đó Bàng Long Uẩn nói:

Người đời quý trân bảo,

Ta quý sát-na tịnh.

Báu nhiều loạn lòng người,

Tịnh nhiều thấy Phật tánh.

Với cặp mắt thiền, ông Bàng Long Uẩn thấy người đời thích tiền, của, thích làm cho có tiền. Còn đối với ông, một khoảng sát-na thanh tịnh thì quý báu hơn. Của báu nhiều làm tâm thức con người bị loạn, ví như câu chuyện trong thiền thoại:

Có anh nông dân ra ruộng cuốc cỏ tình cờ đào lên được một tượng A-la-hán. Về nhà, anh buồn khổ mất ăn, mất ngủ. Bà vợ ngạc nhiên nói:

- Ngày xưa ông nghèo cho nên ông buồn khổ không ngủ được đã đành, bây giờ ông được tượng A-la-hán rất quý, bán được rất nhiều tiền mà sao ông lại buồn?

Anh nông dân nói:

- Không biết mười bảy tượng La-hán kia bây giờ nằm ở đâu?!

Hòa thượng, quý Thầy lớn không cho mình giữ tiền là có lý. Nếu trong túi có mười triệu, thế nào cũng suy nghĩ: Không biết mình mua gì, hay là cúng dường đại chúng cái gì. Suy nghĩ nhiều làm loạn tâm. Cho nên trong thiền viện, Hòa thượng không cho giữ tiền, ai đau bệnh hay cần gì, thì lên xin tiền Thầy Trụ trì.

Luận Khởi Tín nói:

“Phật pháp có nhân, có duyên, nhân duyên đầy đủ mới được thành tựu. Như tánh lửa ở trong cây là chánh nhân của lửa, nếu không có người biết chẳng nhờ phương tiện mà có thể tự thiêu đốt cây thì thật không có điều đó. Chúng sanh cũng thế, tuy có sức huân tập của chánh nhân nhưng nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ-tát, thiện tri thức để làm duyên mà có thể tự mình đoạn dứt phiền não, vào nơi Niết-bàn thì thật không có điều đó.”

Thiền sử hay kinh Pháp Hoa nói, tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật, ai cũng có Phật tánh. Nhưng ở đây, nếu không nhờ sức huân tập của pháp, không nhờ chánh nhân của pháp, hay nói khác hơn, nếu không gặp Phật, Bồ-tát, thiện tri thức giáo hóa thì không bao giờ mình dứt được phiền não.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói:

“Nghe một câu kinh ngấm vào lòng, trải qua nhiều kiếp vẫn không tiêu mất. Một điều lành nhập tâm, muôn đời cũng chẳng quên.”

Như Lục Tổ Huệ Năng, Ngài đã từng học về pháp, tu về pháp, hành về pháp, cho nên một hôm chỉ cần nghe đoạn kinh: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm” thì chứng đạo. Ở Tây Tạng có nhiều vị tái sanh, mới hai tuổi mà cầm quyển kinh đọc.Chứng tỏ quá khứ đã từng biết, từng đọc.

Cho nên nghe một câu Kinh ngấm vào lòng, trải qua nhiều kiếp vẫn không mất, vẫn còn nằm trong tiềm thức. Trong lúc nghe kinh, học pháp, đủ nhân đủ duyên tác động, tự nhiên ngộ đạo. Những hạt giống pháp nằm trong tàng thức rồi, muốn làm ác cũng không làm được.

Nhà tôi có năm anh em trai, một người anh hay làm việc bất thiện. Ngược lại, một người em cũng xuất gia như tôi. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, người em này không bao giờ làm việc ác, mà biết bố thí, cúng dường, biết tạo những việc phước điền, tuy lúc đó chưa biết Phật pháp gì hết. Bây giờ mình mới hiểu rằng, người có chủng duyên về Phật pháp, từng biết, từng tu Phật pháp thì bây giờ tuy chưa biết Phật pháp, nhưng chủng duyên đó đã sống dậy trong tiềm thức của mình. Cho nên nghe Phật pháp rất lợi ích.

Kinh Pháp Cú Phật dạy rất rõ:

Ai sống một trăm năm

Ác giới không thiền định,

Tốt hơn, sống một ngày

Trì giới tu thiền định.

Phật nói, người cúng dường bảy báu đầy khắp tam thiên, đại thiên thế giới không bằng người giữ giới thanh tịnh chỉ một ngày. Huống chi quý thầy vào đây phát nguyện giữ giới thanh tịnh trọn đời, mà thực hành về pháp nữa thì phước đức rất thù thắng. Cho nên năng lực đại chúng rất sung mãn. Trong Kinh Phật dạy, những bậc căn cao đức lớn cũng không được khinh dễ đại chúng.

Có chú bé mỗi ngày gia đình cho năm ngàn ăn sáng, chú ăn ba ngàn thôi, còn hai ngàn chú bỏ ống heo. Khi con heo đầy tiền, chú đem cúng dường Hòa thượng ở Thường Chiếu. Hòa thượng nói, tôi không gánh nổi, đem xuống đại chúng chứng minh. Như vậy chúng ta thấy phước chúng như hải, chính là nhờ quý thầy chẳng những học về pháp, hành về pháp, mà còn giữ giới luật thanh tịnh. Phật nói kể cả năng lực của Phật cũng không cứu được mẹ ngài Mục-kiền-liên (bà Thanh-đề), mà phải thỉnh các vị A-la-hán. Đại chúng huân tập, năng lực huân tập này tác động đến làm bà thức tỉnh.

“Phàm gặp bảng treo trên nhà giảng đường phải sớm lên nhà giảng đường, chớ đợi trống pháp đánh reo mới đến.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Trên giảng dường nói pháp chính là việc pháp môn tối tôn tối thắng. Nghe pháp, người cũng sanh cái duyên cực đại.”

Ở thiền viện gõ ba tiếng kiểng, còn ngày xưa trong Thanh qui Bách Trượng có ghi, chư Tổ các ngài đánh trống pháp rất lớn để vân tập đại chúng lên pháp đường. Trên giảng đường nói pháp chính là việc pháp môn tối tôn tối thắng,chứ không phải chuyện đơn giản. Người nghe pháp cũng sanh cái duyên cực đại, có duyên lắm mới được nghe pháp. Có một lúc nào đó, hai lỗ tai mình không nghe được, hai con mắt không còn nhìn thấy, khi đó hết học pháp luôn!

Kinh Nhật Ma Ni Bảo có nói:

“Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp: Ta quán sát chúng sanh, tuy họ trải qua mấy ngàn muôn ức kiếp vẫn ở trong ái dục, bị tội ác che đậy. Nếu nghe kinh Phật vừa xoay đầu lại phát khởi niệm lành, thì tất cả tội ác đều tiêu diệt.”

Luận Đại Trí Độ nói:

“Khi Như Lai thành đạo, có mười cách mỉm cười mà quán sát thế gian. Có nhân nhỏ quả lớn, duyên nhỏ báo lớn như cầu Phật đạo, tán thán một bài kệ, xưng một câu Nam-mô Phật, dâng một nén hương ắt đều thành Phật.”

Phật đến pháp hội, thường không cười, nhưng khi Phật mỉm cười là do có nhân duyên gì đó.

Một hôm, thấy Phật mỉm cười, A-nan đến hỏi:

- Bạch Đức Thế Tôn, nguyên nhân nào mà hôm nay Thế Tôn cười?

Phật nói:

- Hôm nay trong pháp hội này có một người nghe Thế Tôn giảng pháp tán thán bài kệ, Như Lai biết chắc chắn người này sẽ thành Phật.

“Huống gì nghe biết thật tướng của các pháp không sanh không diệt, chẳng phải không sanh, chẳng phải không diệt, mà nhân duyên hạnh nghiệp cũng không thiếu, vì thế nên Đức Phật mỉm cười.”

Chỉ cần tán thán một bài kệ, xưng một câu Nam-mô Phật, hoặc dâng một nén hương lên Đức Phật, Phật cũng thọ ký cho thành Phật. Huống nữa có những người nghe, biết thật tướng của các pháp, mà thật tướng của các pháp là từ nơi tự tâm. Như tôi đã nói, quý thầy nghe pháp thì được phước đức, rồi thực hành pháp thì được công đức, huống nữa quý thầy biết thật tướng của các pháp không sanh không diệt thì thành Phật rất mau.

Tổ Tuyên Luật Sư nói:

“Bảng treo ấy là thanh qui lệnh bảo đại chúng, người học phải biết, phải sanh tâm vui mừng, quán tưởng nhân duyên khó gặp.”

Chẳng hạn, sáng nay đi hành đường, trị nhật, nhìn lên bảng thấy ghi chiều nay học kinh Viên Giác do Thầy Trụ trì giảng, quý thầy cảm thấy chiều nay giống như mình được ăn một bữa rất ngon. Nói khác hơn như đang đói gặp thức ăn, đang khát được uống nước, thì ngay trong giờ phút đó, lỡ quý thầy chết sanh về cõi trời liền. Chứ còn nhiều khi đi qua nhìn thấy bình thường, chiều lên ngồi cũng vậy thôi, thì không sanh tâm gì hết.

Vào năm 1998, nửa tháng Hòa thượng dạy một lần. Tới ngày Hòa thượng giảng pháp chúng tôi rất háo hức, chẳng hạn sáng mai Hòa thượng giảng, thì tối hôm trước có nhiều thầy vui ngủ không được luôn. Hoặc khi Thầy Trụ trì, hồi xưa là Thầy Quản chúng, giảng pháp chúng tôi rất vui mừng. Ở đây nói, người học phải nên sanh tâm vui mừng, quán tưởng nhân duyên này rất thù thắng, rất khó gặp.

Trong kinh Tuyển Tạp Thí Dụ kể câu chuyện:

Vua A Dục nhờ cúng dường Phật cát nhuyễn nên được phước đức thù thắng làm Chuyển Luân Thánh Vương. Ông cho xây một cung điện lớn rất đẹp, sai các quan cận thần đi khắp Ấn Độ tuyển họa sĩ về vẽ cảnh thật để trang trí cung điện. Có một vị họa sĩ từ Nam Ấn Độ đến, trên đường đi, ngang qua một hồ sen, ông thấy một cô thiếu nữ rất đẹp đang hái sen, nên ông vẽ hình cô gái hái sen này trang trí cung điện. Nhìn cô thiếu nữ đẹp như tiên giáng trần, vua A Dục sửng sốt, hỏi họa sĩ người và cảnh này có thật hay tưởng tượng. Biết là người thật, vua sai quần thần đi tìm về để đưa lên làm chánh cung hoàng hậu.

Gặp cha cô gái, biết là cô đã có chồng, quân lính tìm đến nhà người chồng. Chồng cô là một vị Ưu-bà-tắc, biết Phật pháp, đã quy y Tam bảo, ông quán tưởng thế gian vô thường, thân mình còn không thật huống chi vợ mình, nên ông nhường vợ mình cho vua A Dục.

Trong cung vua, một hôm, người vợ đang cắm một lọ hoa rất thơm thì lọ hoa rớt bể, mùi hương bay lên sực nức. Cô ôm mặt khóc, vua hỏi tại sao, cô nói mùi thơm làm cô nhớ đến chồng, chồng cô ngày xưa thân thể lúc nào cũng tỏa mùi hương trầm rất thơm. Vua nghe vậy rất bực tức, nói, nếu sự thật chồng cũ cô không có mùi thơm như vậy thì hai người sẽ bị giết. Vua sai người tìm người chồng đem về cung điện.

Sau khi nhường vợ cho vua A Dục, vị cư sĩ này chán ngán cuộc đời phát tâm xuất gia. Trải qua nghịch cảnh cuộc đời nên ông cố gắng tu tập, sau ba tháng chứng quả vị A-la-hán. Chứng quả rồi thì mùi thơm còn nhiều hơn ngày xưa. Bị bắt về đến cung điện, vua bắt ông phải tắm nước nóng để tẩy cho hết mùi thơm, nhưng càng tắm mùi thơm càng xông khắp cung điện. Vua thắc mắc về hiện tượng này, vị A-la-hán nói bây giờ ông có thể nhìn xa tám mươi bốn vạn kiếp về trước. Trong một kiếp nọ, khi đi ngang qua một cái thành, ông nghe một thầy Tỳ-kheo giảng pháp với tâm kính tín sung mãn nên ông muốn cúng dường. Ông ra chợ mua một miếng trầm đốt lên cúng dường vị pháp sư. Do nhân duyên đó mà trải qua chín mươi mốt kiếp, kiếp nào cũng được mùi hương thanh tịnh.

“Sửa sang y phục, nhìn ngay, thẳng tới. Ngồi phải đoan nghiêm chẳng được nói bậy.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Khẩu nghiệp không có sai lầm, huống nữa trong Pháp đường chính là trời, người tụ tập, phàm thánh qua lại tham kiến thời chẳng phải là chỗ nói bậy.”

Quý thầy đừng nghĩ ngồi nghe pháp trong giảng đường chỉ có ba, bốn chục người, mà còn có Long thần, Hộ pháp.

Trong Cao Tăng Dị Truyện kể:

Có vị Tăng một hôm đi trên núi lạc vào một ngôi chùa, thấy trong chánh điện chư Tăng ngồi hội họp rất đông. Một lát lại thấy một vị đến sau cùng, các vị đến trước trách là hẹn sáng nay chín giờ họp mà sao bây giờ mới đến. Vị Tăng đến sau nói, ngài đi ngang một ngôi chùa, nghe vẳng bên tai một bài pháp nên đến Pháp đường đó để nghe, thì thấy một Tỳ-kheo rất trẻ nhưng biện (tức là giản trạch) về chỗ tánh không Bát-nhã nên lắng tai nghe vị phàm nhân này giảng pháp, vì thế quên đường về.

Lúc này vị Tăng đi lạc mới biết đây là chư vị Bồ-tát. Ông nghỉ ở chùa một lát rồi xuống núi. Ba ngày sau lên núi tìm lại ngôi chùa đó thì không thấy. Hỏi thăm thì dân làng nói người nào có duyên lắm thì ngôi chùa mới xuất hiện, chùa đó toàn là những bậc Thánh lui tới.

Quý thầy thấy không? Đã là Bồ-tát mà nghe có người nói về tướng không của Bát-nhã liền dừng lại để lắng thần nghe.

Ngoài ra còn những cõi vô hình, chẳng hạn loài ngạ quỷ, súc sanh chết nhưng có duyên về pháp cũng đến nghe. Cho nên, pháp đường chính là trời, người tụ tập, phàm thánh qua lại tham kiến, chẳng phải là chỗ nói bậy. Lên pháp đường mà nói bậy là tổn phước. Thiền viện mình không có, nhưng quý thầy khác kể lại, có những chỗ khác đến dạy rất nản, vì chúng tăng ngồi ở dưới nói chuyện gì đâu đâu không, nói xe, nói cộ, nói hồi hôm đi đâu…

“Chẳng được ho khan lớn tiếng. Thứ nhất là động chúng, thứ hai là nhơ đất, thứ ba là mắc tội không phải nhỏ.”

“Phàm nghe pháp, phải nghe mà nhớ, nhớ mà tu.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nếu nghe mà không nhớ như cày ruộng không xuống hạt giống. Nhớ mà không tu như có giống nhưng không tưới nước và làm cỏ.”

Trong kinh Tương Ưng Bộ, Phật nói, có ba thứ trí huệ:

1- Trí huệ lộn ngược:

Phật nói có những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Sa-di, Sa-di Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đến nghe Phật nói pháp, vừa ra khỏi pháp đường là quên hết, không biết hồi nãy Thế Tôn nói gì.

2- Trí huệ bắp vế:

Phật nói, có những người đến nghe Phật nói pháp, về nửa đoạn đường thì quên. Phật ví như người ăn bánh để trên bắp vế, đứng dậy là rớt hết.

Có vị Sa-di đọc bài kệ như thế này:

Ai sống một trăm năm

Mà không thấy con cò,

Tốt hơn, sống một ngày

Mà được thấy con cò!

Tôn giả A-nan đi ngang qua nghe được, ngài nói vị Sa-di đọc sai rồi. Vị Sa-di cãi lại nói, thầy tôi dạy như vậy. Về bạch lại với thầy, hồi nãy con đọc bài kệ thầy dạy, Tôn giả A-nan đi ngang qua nói con đọc sai. Thầy của vị Sa-di nói, ngày xưa tôi nghe rất là rõ, Phật dạy rõ ràng!

Nhớ lời pháp không phải để biện luận, lý thuyết, nhưng cần phải nhớ. Bữa nào mà quý thầy nghe như thế, Phật tử đến hỏi mình giải thích như thế, là trí huệ lộn ngược, trí huệ bắp vế. Còn ở đây Phật dạy mình sao?

3- Trí huệ của hàng Sa-môn, hàng Tỳ-kheo:

Là trí huệ rộng lớn, nghe đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối về suy nghiệm, tu tập thì có công đức lớn.

Kinh Tạp Bảo Tạng, quyển 3 có ghi:

Có một vị trời đến đảnh lễ Đức Phật, Phật hỏi:

- Ngươi thọ thân trời được vui vẻ, an lạc chăng?

Vị trời bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, tuy con sanh ở trời nhưng trong tâm thường sầu não.

- Vì sao vậy?

- Con nhớ vào thời quá khứ, tuy con đối với cha mẹ, sư trưởng, sa-môn, bà-la-môn có tâm trung hiếu, cung kính lễ bái, cũng có cúng dường tọa cụ, thức ăn uống đầy đủ nhưng mà con không chịu đi nghe pháp. Bây giờ lên cõi trời nhưng phước không bằng các vị trời khác.

Không phải vị trời nào cũng giống nhau. Những vị trời có cúng dường, chịu nghe pháp thì phước đức thù thắng hơn những vị trời khác.

Vị trời thứ hai có nhan sắc thù diệu hơn, Phật hỏi:

- Ngươi thọ thân trời được vui vẻ, an lạc chăng?

- Bạch Đức Thế Tôn, tuy con sanh ở trời nhưng trong tâm thường sầu não. Con nhớ trong thời quá khứ, tuy con cúng dường cha mẹ, sư trưởng, sa-môn, bà-la-môn cung kính lễ bái, nhưng nghe pháp mà không hiểu nghĩa Phật pháp, cho nên lên đây nhưng con rất buồn khổ, bởi vì cái phước không được thù thắng như các vị trời khác.

Phật hỏi vị trời thứ ba:

- Ngươi thọ thân trời được vui thích, an lạc chăng?

- Bạch Đức Thế Tôn, ngày hôm nay con sanh lên cõi trời được cái vui thù tột, được cái vui sung mãn, tự vui sướng với ngũ dục, cần vật gì nghĩ đến liền có, hết sức khoái lạc, không có các khổ não.

- Vì sao vậy?

- Vì đời trước lúc tu nhân, con cúng dường đầy đủ, nghe pháp hiểu nghĩa, y lời dạy mà tu hành, cho nên bây giờ rất là đầy đủ, sung mãn.

Tuy chưa giải thoát, mà sanh về cõi nào cũng được nhân duyên thù thắng.

“Chẳng được chuyên nhớ lời hay để giúp câu văn lý luận.”

Có nghĩa là học kinh cho nhiều, rồi chuyên nhớ lời hay, để lý luận, hoặc là đem ra biện bác.

Vào thời Đức Phật, có hai thầy Tỳ-kheo, thầy Tỳ-kheo lớn tuổi đã đắc quả vị A-la-hán, cho nên không cần học nhiều. Thầy Tỳ-kheo trẻ học rất nhiều nhưng chưa đắc quả vị. Một hôm có một cư sĩ đến hỏi vị Tỳ-kheo già:

- Thế nào là muối?

Thầy trả lời:

- Muối.

Ông cư sĩ không hài lòng, đem câu hỏi đó đến hỏi thầy Tỳ-kheo trẻ. Vị thầy này giải thích, lý luận rất nhiều. Ông cư sĩ khen hay, đến thưa với Phật thầy trẻ chắc chứng đạo, còn thầy Tỳ-kheo già chưa chứng đạo. Phật nói:

- Tuy nhiên vị Tỳ-kheo già đắc quả vị A-la-hán rồi.

Hễ mà nói muối là muối thôi, chứ còn dài dòng chi nữa. Tinh thần thiền nằm trong này rõ ràng, nhưng thầy Tỳ-kheo trẻ chưa đắc quả thì nói trên trời dưới biển đủ thứ. Trong đại chúng có những vị nói pháp rất hay, biện bác rất giỏi, chia chẻ đủ hết, nhưng nghe xong mình không biết tu pháp gì, thực hành pháp gì. Còn như Hòa thượng hay quý Thầy lớn trong Tông môn nói ra là người ta biết tu ra sao, phải tránh con đường nào, phải đi con đường nào.

Cho nên Phật dạy:

Không phải vì nói nhiều,

Mới xứng danh trì pháp.

Những ai tuy nghe ít,

Nhưng thân hành đúng pháp,

Không phóng túng chánh pháp.

Kinh Pháp Luật Tam Muội nói, người học Phật có bốn việc phải đọa lạc:

1- Học không biết quyền hay chước khéo, khinh dễ thầy bạn, không có nhứt tâm, ý hay dời đổi.

Tức là bị sa đọa. Nghĩa là ỷ mình học giỏi rồi khinh dễ thầy bạn, không có nhứt tâm.

2- Học chỗ hầu thầy không chịu khổ, vừa được kha khá, bươn bả cống cao.

Học với thầy, thấy mình hiểu, tưởng giỏi hơn thầy nên bươn bả, cống cao ngã mạn, không chịu khó, chịu khổ.

3- Học văn chải chuốt, không có thực hành, chỉ ham danh dự, trông người kính trọng.

Ham nói để người ta kính trọng, thì cũng bị đọa lạc.

4- Ưa học sách ngoại đạo, lại đem nghề lạ sánh với kinh cao của Phật, nói ngoại đạo đồng bậc. Những ác kiến như đây lấm hơn thuốc độc, có hại cho pháp thân huệ mạng.

“Chẳng được chưa tỏ ngộ nói mình tỏ ngộ, vào tai ra miệng. Ông Sa-di tuổi nhỏ giữ giới chưa chắc lại phải học luật, chớ nên sớm tới trường giảng kinh luận.”

Tổ dạy rất rõ, chưa ngộ đạo mà vỗ ngực xưng là: Tôi ngộ đạo rồi thì không đúng.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90894
  • Online: 38