Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 9): Vào chùa am

13/01/2018 | Lượt xem: 3612

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt

9. Vào Chùa Am

“Phàm vào cửa chùa chẳng được đi chính giữa, phải theo hai bên mà đi. Theo bên trái chân trái bước trước, theo bên phải chân phải bước trước. Trong Tây Quốc Tự Đồ có ghi: Trong khi ra vào đều day mặt ngó Phật hoặc kính lạy Tam bảo, thường tưởng Tam bảo chỉ đồng một thể.”

Không đi chính giữa mà đi hai bên. Mình học oai nghi mình đi người ta nhìn là biết.

Hôm nọ có một số người đến đây mượn chỗ thi ngồi thiền. Lúc đó Hòa thượng và Thầy Trụ trì đều đi vắng, họ đến gặp tôi nói khi ngồi thiền mặt sẽ ngó ra hồ, lưng xây lại tượng Phật. Tôi không đồng ý, tôi nói tất cả những người muốn đến đây mượn chỗ học ngồi thiền thì mặt phải hướng về Phật. Thứ nhất là mình tôn kính Đức Phật, thứ hai là những hình ảnh này đưa lên phim, người xem sẽ biết đây là Thiền Viện Trúc Lâm. Họ nhất định không chịu, nói Ban Giám Khảo đã quyết định như vậy. Tôi nói thẳng anh đến đây anh là khách, tụi tôi là chủ, nếu anh không chấp nhận thì anh ra đi, chứ ở đây không cho phép. Cuối cùng họ phải chấp nhận. Cho nên sau này quý thầy ra làm trụ trì mình phải có lập trường, có chỗ đứng của mình. Ở ngoài anh là quân vương, nhưng đến đây Pháp vương là tôn quý.

Vua Triệu hỏi thiền sư Triệu Châu:

- Quân vương quý hay Pháp vương là quý?

Thiền sư Triệu Châu nói:

- Ở quân vương thì quân vương quý. Ở Pháp vương thì Pháp vương là tôn quí.

Người ta đến chùa mình, mình phải nêu ra cho người ta hiểu vấn đề đó.

Theo Đại Thừa Nghĩa Chương quyển Mười:

Thứ nhất là Biệt tướng Tam bảo: Nghĩa là Phật, Pháp, Tăng mỗi mỗi đều khác nhau. Đầu tiên Phật thành đạo ở cội bồ đề chỉ thị hiện thân trượng sáu, và lúc nói kinh Hoa Nghiêm đặc biệt hiện thân Lô-xá-na Phật nên gọi là Phật bảo. Các kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa được Phật nói trong năm thời gọi là Pháp bảo. Hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát lãnh thọ giáo pháp của Phật tu nhân đắc quả thì gọi là Tăng bảo.

Hướng về Tam bảo, mình chỉ nhớ Tam bảo đồng một thể thôi. Ở đây chia ra, thứ nhất là Biệt tướng Tam bảo: Phật thành đạo là Phật bảo, những quyển kinh Phật nói ra là Pháp bảo, và các thầy Tỳ-kheo tu chứng quả là Tăng bảo.

Thứ hai là Nhất thể Tam bảo: Tam bảo Phật, Pháp, Tăng tuy có ba tên nhưng thể tính chỉ là một, chỉ là một thể tính linh giác của Đức Phật thôi.

- Thứ ba là Trụ trì Tam bảo: Tức là tượng Phật, Kinh Phật và Tăng già.

Đại Luật ghi:

“Chẳng nên nhổ nước miếng nơi đất chúng Tăng. Hoặc thấy cỏ rác, đồ dơ bất tịnh mau phải dọn dẹp.”

Quý thầy có khi nào khạc nhổ nước miếng trên đất chúng tăng không? Không khạc đờm đã đành nhưng ở đây không cho mình khạc nhổ nước miếng lên đất chúng tăng luôn. Nếu không học oai nghi phép tắc chúng ta dễ phạm lắm.

Kinh Bộ Bản Di có ghi:

Xưa tại thành Xá Vệ có một cô gái thân tướng rất trang nghiêm nhưng lại làm kỹ nữ. Tôn giả A-nan đến thưa với Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, cô gái này thân tướng rất đẹp, đúng ra làm Hoàng hậu, nhưng tại sao làm kỹ nữ?

Phật kể:

- Vào thời Phật Ca-diếp, có một số cô gái đi vào một ngôi Tinh xá, một cô trong số đó thấy một bãi phân chó nên hốt dọn, trong khi các bạn không phụ gì cả. Cô mệt nên nổi sân nói: “Mấy con kỹ nữ này sao không hốt giùm.” Nhờ hốt dọn phân trước Tinh xá nên cô được tướng tốt đẹp, nhưng cái khẩu nói bạn mình là mấy con kỹ nữ, chỉ bao nhiêu đó thôi mà qua kiếp sau cô thành kỹ nữ.

Quý thầy thấy không? Cái miệng của mình nguy hiểm lắm, quý thầy làm việc tốt nhưng hay càm ràm, nói ra nói vô gì đó thì cũng bị nhân quả.

Trong kinh “Năm Trăm Vị Đại Đệ Tử Của Phật”, Phật nói về bổn khởi có nghĩa là nói về nguyên nhân của việc gì đó.

Có một thầy Tỳ-kheo đã chứng quả vị A-la-hán, thân tướng thanh tịnh và trong suốt như lưu ly. Phật hỏi nguyên nhân nào thân tướng con được đẹp đẽ như vậy. Thầy Tỳ-kheo nhìn về thời quá khứ rồi nói bài kệ:

Xưa con đi đến chùa,

Thấy đất chùa không sạch,

Bèn cầm lấy chổi quét,

Dọn sạch các rác nhơ.

Xong thấy chùa thanh tịnh,

Trong lòng rất sướng vui.

Nguyện lòng không trần cấu,

Trong sạch như chùa này.

Ngài nhớ ngài kể lại, vào thời Đức Phật Ca-diếp, ngài đến một ngôi Tinh xá, thấy đất chùa không sạch ngài cầm chổi quét. Quét xong ngài phát nguyện lòng được trong sạch, cho nên trải qua vô số kiếp đều được thân tướng như vậy.

Có một số quý thầy không chịu quét sân, kiếp sau mang thân tướng xấu rồi đổ thừa cha mẹ. Chúng tôi làm nhà khách không quét sân cũng được, không ai bắt buộc, công việc quét sân tuy nhỏ nhưng được phước đức thù thắng.

Bởi nhờ công đức này,

Bất cứ sanh ở đâu,

Sắc mặt luôn hòa ái,

Đoan chánh không ai bằng.

Con nhờ phước dư đó,

Ở thân mạng sau cùng,

Được cha mẹ yêu quý,

Đặt tên là Tịnh Trừ.

Con ở trong thân tộc,

Lúc sống cũng trong lành,

Mọi người đều kính yêu,

Ngắm mãi không nhàm chán.

Nhờ gặp Bậc Chánh giác,

Bậc Đạo Sư tối thượng,

Nên thành A-la-hán.

Ngài sanh ra nơi nào sắc mặt cũng đẹp, mọi người ngắm ngài không chán. Trong kinh kể lại, người nào ngắm ngài thì tự nhiên phát tâm Bồ-đề, phát tâm xuất gia liền. Còn người ta ngắm mình mà chạy luôn, là mình tự biết nghiệp rất xấu.

Thanh lương mà diệt độ,

Chính nhờ chí nguyện ấy,

Khiến lòng con vắng lặng,

Chứng La-hán vô cấu,

Hành nghiệp đều vô lậu.

Giả sử quét dọn hết,

Khiến thế gian trong sạch,

Không bằng lìa dục ái.

Quét dọn chỗ kinh hành,

Như quét sạch thiên hạ,

Và nơi đi kinh hành,

Không bằng tại Tinh xá.

Quý thầy quét ngoài đường, quét cho hết cả thiên hạ luôn không bằng một cây chổi quý thầy quét Tinh xá, quét chùa, quét Thiền viện. Ngài nói quét sạch hết luôn cũng không bằng quét tại Tinh xá mình. Ở đây có hai nghĩa, cái gì quý thầy cũng biết hết không bằng một niệm quý thầy phủi sạch hết những trần cấu, quét sạch ngôi đất tâm của mình.

Giả sử quét dọn sạch,

Tinh xá khắp thế gian,

Không bằng tại Phật đường,

Quét sạch một tấc đất.

Có nghĩa là không bằng mình quét ngôi già lam của mình.

Tự thân đã tạo phước,

Nhờ đó biết diệu kỳ,

Ngay khi quét nền chùa,

Trong lòng rất hân hoan,

Theo đó nên biết rõ,

Đức của Phật cao thâm,

Nên cúng thờ chùa Phật,

Được vô lượng phước đức.

Nay con tự nhớ lại,

Việc thiện xưa đã làm,

Quả ấy đều viên thành,

Phật khả ý an lạc.

Cho nên với chùa Phật,

Tịnh tâm vui hiến cúng,

Nhân giả đó đệ nhất,

Phước điền không ai bằng.

Quá khứ hay cúng dường,

Nay an ổn vô lượng,

Phá trừ sạch hoàn toàn,

Dâm nộ si ngã mạn.

Có nghĩa là mình phải luôn luôn cung kính quét chùa, quét đất tháp. Quý thầy được cắt lên bảng quét chùa mà không quét thì ngày đó tổn một ít phước. Cho nên nói:

Cần tảo già lam địa,

Thời thời phước huệ sanh.

Mình quét chùa nhưng phải nhớ quét đất tâm của mình nữa.

“Chẳng được vô cớ lên chốn đại điện dạo chơi. Chẳng được vô cớ lên tháp.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Tháp là tướng tràng phan của trời người. Không có tượng, xá lợi Phật còn chẳng nên lên huống nữa là có ư? Nếu chẳng vì cúng dường hoa quả, hương đàn mà vào điện tháp đều đắc tội khinh thường.”

Chẳng được lên tháp của Phật hay là lên chánh điện dạo chơi.

Vào điện tháp phải quanh bên hữu, chẳng được quanh bên tả.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Lễ tháp Phật phải quanh bên hữu như mặt trời, trăng sao quanh bên hữu núi Tu-di, chẳng được chuyển bên tả. Như Lai giáng sanh du hành bảy bước cũng từ bên Nam qua bên Tây, cho nên vào điện tháp phải từ bên nam mà qua bên Tây, từ Tây qua bên Đông. Lại nữa, người mà nhiễu bên hữu là biểu thị cho cái trí vâng thuận. Phàm là việc vâng thuận thì tất cả thảy đều thành tựu.”

Quý thầy đi nhiễu phải biết, phải nhớ.

“Đi nhiễu tháp hoặc ba vòng, bảy vòng nhẫn đến mười vòng, một trăm vòng, phải biết số mấy vòng.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Ba vòng là biểu thị cho thanh tịnh ba nghiệp.”

Đi một vòng là biểu thị thân nghiệp, vòng thứ hai là khẩu nghiệp, vòng thứ ba là ý nghiệp. Nhiễu tháp ba vòng là tiêu biểu thanh tịnh ba nghiệp được trong sạch, được vắng lặng.

“Ba vòng là biểu thị cho cúng dường Tam bảo, tức là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.”

Ba vòng, tất cả đều tiêu biểu cho đức tướng của Đức Phật. Sau này nếu đủ túc duyên quý thầy được cư sĩ mời đi Ấn Độ quý thầy phải nhớ, đi nhiễu trật người ta nói rước ông thầy này đi uổng tiền. Mình bắt Phật tử đi nhiễu ba vòng, Phật tử hỏi đi ba vòng có ý nghĩa gì mình nói không biết là không được. Sẵn dịp mình thuyết một bài pháp luôn, ba vòng tiêu biểu cho thân, khẩu, ý…

“Chẳng được hỉ, khạc trong điện hoặc tháp.”

Kinh Thí Dụ có ghi:

Thuở xưa có một vị quốc vương rất quý về đạo đức, thường kinh hành nhiễu tháp Phật. Hôm ấy, trong lúc ông đi kinh hành chưa đủ một trăm vòng, một vị vua nước láng giềng nghe tin ông đi nhiễu tháp thì bất ngờ đem binh đến đánh để chiếm đoạt nước. Các quan cận thần vô cùng hoảng sợ, báo lại và xin quốc vương tạm thời dừng nhiễu tháp, lễ kính để tiện chế ngự cường địch. Quốc vương đáp: “Cứ để cho chúng đánh sang, ta quyết không dừng nhiễu tháp.” Do tâm ý kiên định, nhà vua không dừng nhiễu tháp, kết quả quân địch tự tan rã.

Qua câu chuyện này quý thầy thấy có ý nghĩa gì? Về sự, mình thấy năng lực mười phương chư Phật là bất khả tư nghì. Về lý, trong lúc đi nhiễu tháp tâm ta luôn chánh niệm, luôn thu thúc lục căn thì giặc tan rã. Giặc ở đây là giặc tham dục, giặc sân hận, giặc tật đố, ích kỷ, nếu chúng ta chánh niệm liên tục thì tự nhiên nó tan rã.

Trong Kinh Đề-Vi, một vị trưởng giả bạch với Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Rải hoa, đốt hương, thắp đèn, lễ Phật ấy là cúng dường được phước phải rồi, còn nhiễu Phật được phước như thế nào?

Phật dạy nhiễu tháp có năm phước đức thù thắng:

1- Đời sau được thân tướng đoan chánh.

Người có tâm kiên định nhiễu tháp đời sau sinh ra được tướng thù thắng, được người kính tín.

2- Được tiếng tốt đồn khắp.

3- Được sanh lên cõi trời.

4- Được sanh trong nhà vương hầu.

Được sanh trong nhà quý tộc và được gặp Phật pháp.

5- Được đạo Niết-bàn.

Sử sách ghi lại những vị Tổ phần nhiều thị hiện vô nhà vương hầu, do năng lực thù thắng, do nghiệp cảm duyên khởi. Còn thị hiện vào nhà nghèo rất ít. Sanh trong nhà vương hầu được thiện pháp thù thắng cho nên các ngài tu đạo chứng quả nhanh hơn người nghèo khổ. Đồng ý rằng Phật tánh là bình đẳng, nhưng những người sanh trong nhà quý tộc, vương hầu đa phần thiện pháp thù thắng hơn những người bình thường. Còn mình sanh trong gia đình nghèo khổ là mình biết nghiệp duyên mình cũng hơi xấu, thì mình vào đây công quả, làm tất cả các việc thiện pháp để những chướng duyên trên đường tu mình ít gặp.

“Chẳng được lấy nón, gậy các món dựng vào vách chùa.”

Chẳng hạn mùa mưa, đi tụng kinh quý thầy cầm cây dù, quý thầy dựng vách hay là bỏ xuống đất?

Cách đây hai tuần có một đoàn nhà báo đến vào một buổi chiều trời hơi mưa, tôi vào thỉnh Thầy Trụ trì ra Chánh điện để họ phỏng vấn. Thầy cầm cây dù để xuống đất. Tôi để ý nhiều lần như thế, không bao giờ Thầy dựng bên vách chùa. Tuy mình thấy những vị lớn ít nghiên cứu về oai nghi, giới luật nhưng khi vào chùa các ngài đã thực hành từ lúc nhỏ rồi, đã thâm nhập vào tàng thức rồi cho nên các ngài hành động ra là có oai nghi phép tắc.

Trong Sử 33 Vị Tổ, Tổ thứ 20, Tổ Xà-dạ-đa trong kiếp quá khứ được Thầy Bổn sư nói không bao lâu nữa ông chứng quả Tư-đà-hàm. Nhưng Tổ nghe có Bồ-tát Quang Minh ra đời nên đi đảnh lễ Bồ-tát. Khi về thì Thầy Nguyệt Tịnh nhìn khuôn mặt Tổ nói rằng:

- Ông mất quả vị của ông rồi.

Tổ hỏi tại sao thì Thầy nói:

- Ông khinh cha trọng con.

Khinh cha là sao? Khinh cha là khinh Đức Phật mà trọng con là trọng Bồ-tát. Bồ-tát dù sao đi nữa cũng là con của Phật. Bồ-tát hiện thân ra đời bằng sắc thân ngũ uẩn này nhưng cũng thua hình tượng của Đức Thế Tôn. Khi ngài đến đảnh lễ Bồ-tát, ngài dựng cây gậy bên vách chùa có thờ hình tượng Đức Thế Tôn, tức là dựng gậy vào mặt Phật cho nên ngài mất quả vị.

Kinh Bửu Vương có ghi:

Một vị hiền giả trên mặt tự nhiên xuất hiện chữ quốc vương. Một người giỏi coi tướng nhìn thấy định gả con gái cho vị hiền giả này. Vị này nói trước khi cưới vợ ông phải đến chùa lễ Phật. Khi đến chùa ông dựng gậy vào vách già lam. Vì sanh tâm kiêu mạn nên mất chữ quốc vương mà còn đọa trong địa ngục lớn.

Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta điều gì? Chúng ta học oai nghi phép tắc của nhà Phật phải kinh nghiệm chỗ này. Nhiều khi mình nghĩ luật nói vậy chứ chắc gì có. Quý thầy có dám về dựng thử gậy không? Khi vừa khởi niệm như vậy là có tâm kiêu mạn, mà trong giờ phút thực tại khởi tâm kiêu mạn đó thì cửa ngõ ác đạo sẽ mở ra cho mình, nên trên bước đường tu mình gặp chướng duyên rất nhiều. Mà những cảnh giới này gọi là bất khả tư nghì, hàng phàm phu mình không biết được. Kinh Hoa Nghiêm Phật nói chỉ có Phật mới biết thôi.

Qua bài Vào Chùa Am, quý thầy thấy được rằng nếu chúng ta chịu khó học oai nghi phép tắc thì việc tu hành rất mau tiến.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 06018
  • Online: 42