Pháp Yếu Tu Thiền

30/03/2023 | Lượt xem: 1320

HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay sắp bước vào mùa An cư năm Kỷ Mão - 1999, tất cả Tăng Ni đã câu hội về Thường Chiếu xin tôi nhắc nhở những pháp yếu để tu hành. Hôm nay tôi sẽ nói về pháp yếu tu thiền, kế đó là khuyến thích quý vị trong mùa An cư, phải cố gắng tinh tấn. Đó là hai điểm chính yếu trong buổi nói chuyện hôm nay. 

Điểm thứ nhất, tôi nói rõ về pháp yếu mà hiện nay Tăng Ni ở các thiền viện đang ứng dụng tu. Có người đặt câu hỏi, tôi dạy tu pháp “Biết vọng không theo”, pháp này còn năng còn sở, nên chưa phải cứu cánh. Vọng là cái bị biết tức sở, cái hay biết vọng là năng. Hai pháp đối đãi rõ ràng, làm sao đi đến cứu cánh? Đó là nghi vấn nhiều người đặt ra.

Tất cả người tu, dù pháp môn nào bước đầu cũng có năng sở đối đãi, không bao giờ ngay bước đầu mà không có năng sở được. Chúng ta thấy vọng dấy lên biết nó là vọng hư dối, không chạy theo. Vọng này lặng thì vọng khác lại dấy lên, cứ liên miên ngày này tháng nọ, mình biết hoài mà không hết. Như vậy sự tu có kết quả gì? Đó là nghi vấn thứ hai.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy ngài A-nan và đại chúng, nếu cho tâm suy nghĩ là mình, cứ đuổi theo nó hoài, đến khi nó lặng thì hoảng hốt tưởng như mất mình. Chấp tâm suy nghĩ loạn tưởng là mình như thế rất lầm lẫn. Phật đưa ra ví dụ, chàng Diễn-nhã-đạt-đa một buổi sáng soi gương, thấy đầu mặt rõ ràng đẹp đẽ cho là đầu mặt thật. Khi rời gương không thấy đầu mặt nữa, Diễn-nhã-đạt-đa liền ôm đầu chạy la: “Tôi mất đầu rồi! Tôi mất đầu rồi!”. Nhìn vào gương thấy bóng của đầu mặt, lầm bóng cho nó là mình, đó là người điên.

Cũng vậy, nơi chúng ta, hằng ngày hằng giờ hằng phút tâm chân thật đều có mặt đầy đủ, vậy mà chúng ta cứ cho cái phân biệt, tưởng tượng là tâm mình. Khi tâm đó dừng lại thì hoảng hốt cho là mất mình rồi, có giống Diễn-nhã-đạt-đa không? Tâm suy nghĩ phân biệt là cái bóng, chợt dấy lên rồi mất chứ không thật, nhận bóng là mình thì rất mê. Khi mất cái bóng hư ảo liền hoảng hốt la lên “Mất mình rồi!”, nhưng thật tình người đang la đang chạy đó là mình, đâu phải người nào khác.

Khi chúng ta đã lầm tâm suy nghĩ phân biệt là mình thì không bao giờ biết được cái chân thật hiện hữu. Trên đường tu chúng ta phải nhận rõ cái gì là thật mình, cái gì không thật. Muốn biết cái thật là mình thì trước tiên phải biết cái không thật. Cũng như Diễn-nhã-đạt-đa, phải biết rõ bóng trong gương không thật thì mới biết cái đầu thật. Nếu cho bóng trong gương là đầu mặt thật thì không bao giờ biết được cái đầu thật.

Chúng ta biết được vọng tưởng là cái nghĩ tưởng dối. Thiền sư Vô Nghiệp ở Trung Hoa, ai đến hỏi đạo bất cứ câu gì, ngài chỉ trả lời: “Chớ vọng tưởng!”. Vọng tưởng hư dối không thật, cũng như bóng trong gương. Biết rõ nó chúng ta mới không lầm nó là mình, không cho nó lôi mình đi. Không lầm, không theo bóng thì lúc đó cái chân thật hiện tiền.

Khi biết vọng tưởng, lúc đó chúng ta đang mê hay tỉnh? Nếu mê thì lầm bóng là mình, bây giờ biết bóng là bóng thì hết mê. Diễn-nhã-đạt-đa biết cái đầu trong gương là bóng thì hết điên. Khi chúng ta biết vọng tưởng là vọng tưởng không thật thì lúc đó đang tỉnh. Tuy rằng vọng tưởng còn, cái này lặng cái khác khởi liên miên, nhưng biết nó là vọng tưởng thì chúng ta hết mê. Vọng tưởng có trăm ngàn thứ. Biết vọng tưởng là giác là tuệ, vọng tưởng lặng xuống là định, định tuệ đồng thời.

Tuy sức định này không dài lâu nhưng đó là công phu vừa định vừa tuệ. Định là chỉ, tuệ là quán, định tuệ đồng thời là đường lối tu của Lục Tổ. Dấy niệm khởi lên biết là vọng tưởng, đó là tuệ quán, vọng tưởng dừng là định, hai cái đồng thời không cách ly. Pháp tu này thật sự là còn đối đãi, vì có vọng để quán sát, có năng có sở. Nhưng giai đoạn đầu, pháp tu nào cũng còn năng sở. Như niệm Phật, niệm Nam Mô A Di Đà Phật, niệm là sở, khởi niệm là năng. Lâu dần đi tới nhất niệm, rồi nhất tâm, niệm tới vô niệm mới hết năng sở.

Người tu thoại đầu cũng vậy. Đặt câu thoại đầu rồi theo dõi câu thoại đầu. Câu thoại đầu là sở, theo dõi câu thoại đầu là năng. Khi câu thoại đầu thành khối, khối nghi tan vỡ, lúc đó mới hết năng sở. Không phải người tu ngẫu nhiên hết năng hết sở.

Khi tổ Huệ Khả thưa tổ Bồ-đề-đạt-ma: “Tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Ngài bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Tổ Huệ Khả tìm lại coi tâm đó ở đâu. Tâm không an là sở, tìm tâm là năng. Ngài tìm không được nên nói: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Khi nào sở mất, năng không còn thì đó là an tâm.

Chúng ta bước qua lĩnh vực của người tu theo mười mục chăn trâu. Giai đoạn đầu người chăn là năng, trâu là sở. Giai đoạn tìm trâu bắt trâu ở bốn mục ban đầu thì năng sở giằng co nhau, không dễ dàng thấy trâu rồi leo lên cỡi. Cũng vậy, người tu ban đầu biết vọng tưởng là sở, tâm biết vọng tưởng là năng nhưng phải giằng co. Biết nó là vọng tưởng nhưng nó không dừng. Như chú mục đồng nắm bắt được trâu nhưng nó lung lăng chạy tứ tung, phải nhọc nhằn mệt mỏi, dày công chăn dắt mới trị được. Muốn trị được con trâu phải có dây mũi, có roi. Xỏ được mũi nó rồi phải có roi đánh, ngừa không cho nó chạy nữa, lôi đầu nó trở lại. Con trâu hoang với thằng chăn, ai mạnh hơn? Người chăn yếu sẽ bị con trâu lôi chạy theo. Có nhiều người tu biết vọng tưởng nhưng vẫn phải chạy theo nó một chút rồi mới dừng được. Cái biết vọng tưởng còn yếu, thói quen của vọng tưởng thì mạnh, nó lôi dẫn một lúc mới dừng.

Từ thằng chăn yếu đó khôn ngoan một chút xỏ mũi được con trâu. Cột được dây dàm vô lỗ mũi nó, tuy nó mạnh mình yếu nhưng mình đã có thế, nhắm mũi kéo, bị kéo mũi đau nên nó không giật chạy, thì đó là thế mạnh của mình. Có cái roi sẵn, khi nào nó lung lăng thì đánh nó. Chúng ta có thế mạnh ở chỗ, vọng tưởng là giả là hư dối, chúng ta là người chăn, đang ở gần với chỗ chân thật. Biết nó là giả, là cuồng loạn hư dối nên chúng ta quở rầy, dần dần nó giảm. Giảm vọng tưởng, giảm cường độ lôi kéo thì từ từ mình làm chủ được. 

Như vậy, tu phải năm năm, mười năm, hai ba mươi năm mới làm chủ được, không phải mới một hai năm mà làm chủ được liền. Như thằng chăn đâu phải chỉ gặp trâu là làm chủ được nó, phải qua một thời gian mới leo được lên lưng, sau đó thảnh thơi thổi sáo. Chúng ta cứ bền chí, biết vọng tưởng đều không theo. Nếu nó mạnh phải quở trách, dùng phương tiện giới luật để kềm chế. 

Thí dụ như thấy cái gì đẹp bị nó lôi, thì chúng ta dùng giới luật nhắc nhở: “Người tu không được nhiễm sắc trần”; “Muốn xuống địa ngục hay sao mà còn chạy theo những cái tệ xấu đó?”. Vừa nhắc như vậy thì nó dừng. Nhắc đi nhắc lại, dần dần nó hoảng sợ. Đó là sợi dây mũi. Như vậy, khéo điều phục nội tâm mình, từ từ sẽ được an ổn. 

Giai đoạn đầu thật là công phu khổ nhọc, tới giai đoạn thứ tư thứ năm, tuy còn trâu còn chăn nhưng mục đồng bắt đầu lên lưng thổi sáo. Có khi thả nó ăn cỏ, thằng chăn ngồi chơi hoặc ngủ dưới cội cây. Tuy còn năng sở nhưng vẫn được thảnh thơi. Không phải khi làm chủ thì năng sở hết liền, tới khi không còn trâu không còn chăn, năng sở mới dứt bặt.

Luận Thiền Đốn Ngộ, ngài Huyền Giác có nói, nếu người nào vọng hết rồi mà cứ chăm chăm nhìn vào chỗ vọng tưởng lặng thì cũng còn năng còn sở. Ngài thí dụ như cái tay cầm cây như ý hoặc cây viết, tay còn cầm cây viết thì tay là năng, cây viết là sở. Nhìn chỗ vọng tưởng lặng, thì chỗ lặng là sở, nhìn là năng. Tuy không còn tướng mạo nhưng vẫn còn bóng dáng của năng sở trong đó. Cho nên, tiến lên một bước nữa thì không còn nhìn chỗ lặng của vọng tưởng, nhưng còn nhớ giữ cái biết của mình.

Có nhiều người không thấy vọng tưởng, ngồi một hồi sợ rơi vào vô ký. Nhớ cái biết, giữ cái biết thì chưa tự tại. Ngài ví dụ, tay không còn cầm cây viết nhưng nắm tay lại thì cái tay có tự tại chưa? Chưa. Vì tay còn nắm. Khi còn giữ cái biết nghĩa là còn nắm tay lại. Bây giờ buông cả giữ cái biết. Khi không nhìn chỗ vọng tưởng lặng, không giữ cái biết thì sao? Không còn cầm viết, không còn nắm tay lại thì lúc đó cái tay tự do, chứ không phải không có tay. Chỗ này hết sức thâm thúy. Người tu đến chỗ này mà không hiểu không nắm vững thì dễ lầm.

Chúng ta tu có những phút giây ngồi thiền vọng tưởng lặng, tâm an nhiên. An nhiên thì được rồi, nhưng sợ mất cái biết. Nhớ mình còn cái biết, nhớ mình đang biết là nắm tay lại. Lúc đó phải buông luôn cái nhớ, thản nhiên tự tại, mắt thấy tai nghe, tất cả đều biết, không cần giữ cái biết chỗ này. Như vậy mới là thảnh thơi tự tại. Cái biết đó mới là cái biết hợp với thể tánh chân thật của chính mình. 

Niết-bàn có ba đức: Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát. Tịch diệt là Pháp thân. Lặng lẽ hết vọng tưởng là sống với Pháp thân. Nếu sống với Pháp thân lặng lẽ mà thiếu hằng tri hằng giác thì không được. Bát-nhã là lặng lẽ mà hằng tri hằng giác, đó là Pháp thân và Bát-nhã đầy đủ. Có hằng tri hằng giác nhưng cái gì đến lại dính, lại nhiễm thì không được, cho nên phải có giải thoát. Giải thoát là không dính không nhiễm. Như vậy, Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát là một thể, nhưng công dụng có khác. Như vậy, mới gọi là chỗ chân thật tịch diệt, tri giác, không dính không nhiễm. Chúng ta tu cầu giải thoát là sáu căn đối sáu trần không dính không nhiễm. Không dính không nhiễm mà tâm vẫn lặng lẽ là Pháp thân và Giải thoát. Lặng lẽ không dính không nhiễm mà hằng giác hằng tri là đủ Bát-nhã.

Nơi chúng ta có đủ ba nhân: Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát. Đó là chỗ chân thật khi tu có được. Có đủ ba nhân này rồi sẽ được ba quả là: Đoạn đức, Trí đức và Ân đức. Đến được chỗ này là thành Phật.

Toàn chúng ở đây, mười mục chăn trâu, quý vị được mục thứ mấy rồi? Chắc lật bật mấy năm nay cũng còn thứ một thứ hai gì đó. Như vậy, con đường của mình gần hay xa? Nói thẳng ra là còn xa lơ xa lắc. Mười mục mà chúng ta chỉ giỏi tới mục hai mục ba, còn giằng co nắm mũi, còn dùng roi chưa buông được. Chúng ta biết mình đến đâu để đừng lầm nhận, được ít mà tưởng nhiều. Mình tới đó thì biết là tới đó, phải nỗ lực cố gắng thì sự tu hành mới tới chỗ cứu cánh được. Mình chưa tới đâu mà hài lòng tự mãn thì không bao giờ tới cứu cánh.

Tôi nhắc cho quý vị thấy. Chúng ta tu là đi trên đường giải thoát, là con đường diệu vợi. Đi một ngày mệt thì ghé trạm nghỉ, ngày thứ hai đi tiếp. Một ngày đó tôi ví dụ là một đời. Có đi là có tiến, đi chậm thì tiến chậm, đi mau tiến mau. Đi mãi cho tới cứu cánh mới thôi, đừng tính ngày tháng, đừng tính năm này năm nọ, cứ một đường đó mà chăm bẵm đi mãi thì có ngày sẽ đến. Đức Phật đâu không bảo chúng ta rằng, Ta tu đã vô số kiếp. Nếu nói đơn giản là vô số kiếp, nói đủ là ba a-tăng-kỳ, tức số kiếp không thể tính hết. Chúng ta có hơn Phật không?

Khi nói đốn ngộ chỉ là ngộ được lý đạo. Biết mình có Pháp thân, biết mình có Bát-nhã, biết mình có Giải thoát, nhưng gỡ bỏ những trần tục đang dính nhiễm này phải rất lâu. Đời của mình loanh quanh là qua một ngày, nhớ đi nhớ lại một ngày ngồi chỉ có mấy tiếng đồng hồ, mà mấy tiếng đó cũng không xong, ngồi đó mà dằn vặt với nó, cũng chưa được thảnh thơi. Dù chưa tới đâu nhưng luôn luôn cố gắng nỗ lực, chưa đến đích cũng vẫn cứ đi, đi mãi rồi có ngày sẽ đến. Chỉ sợ lười không chịu đi thì không đến thôi.

Ba tháng an cư của Tăng Ni là ba tháng tu hành miên mật, chín chắn. Thời gian này, Phật tử đem hết tâm hướng về Tăng Ni. Trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực, không tiến nhiều cũng tiến ít, không thể lơ là được. Tu chẳng những lợi ích cho mình mà còn gầy dựng niềm tin cho Phật tử. Nếu nói an cư mà cũng như những ngày bình thường, tu hành lơ là cho qua ngày đoạn tháng, nhận đồ cúng dường của Phật tử, đó là việc xấu hổ đáng buồn. 

Tất cả Tăng Ni ở thiền viện hay các am thất xung quanh phải nhớ, chúng ta không tu thì thôi, tu thì phải thực hành cho đúng. Nói cái gì phải làm cho được cái đó. Nói ba tháng an cư thanh tịnh tu hành, thì chúng ta phải cố gắng thanh tịnh cố gắng tu hành. Đừng vì lấy lệ an cư nhận Phật tử cúng dường mà không chịu nỗ lực tu hành thì đó là điều không tốt, không xứng đáng. 

Tôi nghĩ rằng quý vị đã từng an cư, thì từ đây về sau nên cố gắng miên mật hơn. Làm sao qua một mùa an cư chúng ta có những bước tiến rõ ràng, khác với khi chưa vào an cư. Được như vậy mới xứng đáng với lòng trông đợi của Phật tử, cũng xứng đáng tăng thêm một tuổi đạo, là một tuổi công đức. Mong tất cả Tăng Ni có mặt hôm nay đều phải nỗ lực tinh tấn, tiến được những bước đáng mừng, xứng đáng là người tu hạnh giải thoát, tự giác cho mình, giác tha cho người. 

Đây là lời tôi nhắc nhở toàn thể Tăng Ni. 

Các bài mới

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23518
  • Online: 74