Phật tử muốn cầu bình an, phải tu tập như thế nào để đạt được kết quả

14/10/2011 | Lượt xem: 4508

ĐĐ Thích Tâm Thuần giảng tại Chùa Bằng

Kính thưa quý phật tử, hôm nay nhân dịp Đạo tràng chùa Bằng A tổ chức khóa lễ tụng kinh Dược Sư cầu an, Quý Thầy xin chia sẻ cùng quý phật tử đề tài: “ Phật tử muốn cầu bình an phải tu tập như thế nào để đạt được kết quả”. Để cầu được bình an chúng ta phải nắm vững các yếu tố xây dựng bình an. Trong các yếu tố xây dựng bình an mà các chư tổ và chư tôn đức đã hướng cho chúng ta gồm


1.    Tụng Kinh
2.    Lễ Phật
3.    Sám hối
4.    Phát nguyện
5.    Hồi hướng
Cơ bản là 5 việc trên, cuối cùng là tu tập 3 nghiệp thanh tịnh để xây dựng bình an.
Quý Thầy sẽ giải thích lần lượt từng đề mục một cho quý phật tử hiểu và ứng dụng thực hành để được lợi lạc:
Trước tiên là tụng kinh: Với tinh thần và lợi ích của buổi lễ tụng Kinh các phật tử nên nhớ có hai việc cần thiết đó là sự thiết tha nhiếp tâm chánh niệm trong lúc tụng, giữ gìn ba nghiệp cho được chuyên nhất, thân trang nghiêm, miệng tụng đọc rõ ràng và ý nhiếp tâm. Và việc quan trọng thứ hai trong lúc tụng kinh là luôn chiêm nghiệm từng lời từng ý trong kinh để thấu hiểu những lời răn dạy của Phật. Vì có thấu hiểu được nghĩa lý Kinh và thực hành được lời dạy của Phật trong Kinh chúng ta mới cảm nhận được sự an lạc giải thoát, mới cảm nhận được hương vị an lạc giải thoát thật sự. Do chúng ta thấy được giá trị và tầm vóc quan trọng của sự tụng niệm nên mới để hết được tâm huyết của mình trong khi tụng Kinh. Nếu có thể trong lúc tụng đọc bằng vào sự lắng lòng chiêm nghiệm một cách sâu sắc lời kinh Phật dạy,  chúng ta có thể hiểu biết thêm hoặc khám phá ra những phương tiện vi diệu giúp chúng ta vượt thoát phiền não và cảm nhận được sự an lạc.

Thứ hai là lễ Phật: Thông thường các Phật tử lễ Phật chưa cảm nhận được sự mầu nhiệm vi diệu giúp mình an lạc trong lễ Phật vì chúng ta chưa hiểu kỹ về giá trị cũng như phương pháp thực hành trong khi lễ Phật. Vậy muốn thực hiện được việc làm này đúng nghĩa và đạt được kết quả tốt đẹp các phật tử nên lưu ý hai việc:
Trước nhất là chúng ta lễ Phật phải chánh niệm tỉnh giác và luôn cảm nhận rõ ràng rằng Chư Phật, chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng đang hiện hữu và luôn có long thiên hộ pháp xung quanh chứng minh cho chúng ta lễ Phật. Vì nghĩ Chư Phật và chư Bồ tát đang hiện hữu nên chúng ta dễ nhiếp tâm chánh niệm trong lúc lễ và sẽ thực hiện được thân tâm cung kính lễ.
Tiếp theo chúng ta phải luôn lễ Phật bằng chánh quán lễ, chánh quán lễ nghĩa là gì? Tức là chúng ta lễ Phật luôn quán tưởng đến bốn đức hạnh cao cả của Phật đó là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và soi rọi lại lòng mình xem mình đã phát huy được phần nào đức hạnh cao cả ấy của Phật. Được như vậy mỗi lần lễ Phật chúng ta có thêm một ấn tượng sâu sắc về công hạnh cao cả của Phật. Chúng ta tư duy kỹ về những đức hạnh này để có thể thực tập và phát huy được tâm từ bi hỷ xả.
Tóm lại lễ Phật có hai việc, đó là luôn thấy rằng Chư Phật, Bồ Tát, chư hiền thánh tăng đang hiện hữu,  hai là luôn quán niệm về bốn đức hạnh cao cả của Phật để giúp cho chúng ta học tập được theo gương hạnh của Phật và phát huy được ở nơi chính mình, đem lại sự an lạc cho mình và mọi người.

Tinh thần thứ ba trong nền tảng xây dựng bình an đó là tinh thần Sám Hối: tinh thần sám hối là một tinh thần rất cao cả trong Đạo Phật. Vì tất cả chúng ta chưa là Thánh thì ai cũng có lỗi  lầm, ai cũng đều có nghiệp chướng và ai cũng có gieo những nhân xấu dở chắc chắn sẽ gặt hái nhưng quả báo không tốt. Vậy người đệ tử Phật muốn không gặt hái những quả báo xấu do mình đã lỡ gây tạo thì phải làm gì? Đó chính là phát lồ sám hối. Tinh thần sám hối là một phương tiện thiết yếu trong giải trừ oan kiên nghiệp báo. Sám là ăn năm hổ thẹn những tội lỗi đã lỡ gây tạo, thề xin chừa bỏ, không dám tái phạm; hối là hối cải và phát nguyện chừa bỏ không phạm phải những lỗi trước đó đã gây ra nữa. Muốn sám hối nghiệp chướng giải trừ oan khiên nghiệp báo không phải chúng ta chỉ xướng lời suông mà phải thực hành những lời hứa nguyện. Điều có thể giải trừ tội nghiệp được tốt nhất chúng ta nên phát 3 nguyện lớn:
1. Con nguyện trước Tam Bảo chứng minh kể từ ngày nay tất cả chúng sinh nào đã từng làm khổ con, đã từng giết hại con trong đời này và nhiều đời trước, ngày hôm nay học hạnh từ bi hỷ xả của Phật, Bồ tát, con xin nguyện hỷ xả tất cả.
2. Vì vô minh mê lầm chấp ngã con đã lỡ tạo bao nhiêu tội lỗi làm khổ tất cả các chúng sinh, ngày nay con thành tâm sám hối mong nguyện tất cả vì lòng từ bi thương xót mà hỷ xả cho con.
3. Con nguyện kể từ ngày nay về sau con không nghĩ điều gì làm tổn hại mình và chúng sinh, làm khổ mình và khổ tất cả chúng sinh. Không nói lời gì và không làm điều gì để làm phiền não chúng sinh. Con xin nguyện dốc lòng tạo mọi sự thuận lợi tốt đẹp đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sinh nhất là những người xung quanh con.

Tinh thần sám hối để giải trừ oan khiên nghiệp báo cao cả nhất chính là chúng ta phát huy được lòng từ bi trọn vẹn. Trong bộ Lương Hoàng Sám đã cho chúng ta thấy từ bi đạo tràng sám pháp, chư Tổ đã khẳng định lòng từ bi ở đâu chính là đạo tràng sám hối nghiệp chướng ở đấy. Như chuyện bà Hy Thị mà trong Kinh Lương Hoàng Sám có nhắc đến, bà là hoàng hậu của vua Lương Võ Đế. Vì được vua yêu quý nên lòng đố kỵ của bà ngày càng lên cao; Hy Thị ganh tị các cung phi, độc ác với mọi người và hủy báng Tam Bảo. Trong Triều ngoài Quận ai cũng biết Bà Hy Thị là một “quái phi”. Vì quá độc ác nên chết rồi đọa làm rắn mãn xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy đều bị sâu trùng rúc rỉa nhức nhối không thể chịu được. Hòa thượng Chí Công là một cao tăng đắc đạo đương thời, thể theo lời thỉnh cầu của nhà Vua, ngài liền triệu tập các danh tăng soạn ra Sám Pháp, lập Ðàn tràng làm lễ sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị. Do cảm được lòng từ bi qua sự hướng dẫn của chư Tổ mà bà đã xả bỏ được tham sân nặng mà thoát kiếp mãng xà, vãng sanh lên đao lợi thiên cung.
Trong Từ Bi Thủy Sám muốn giải trừ được oan kiên nghiệp báo của Viên Áng giết nhầm Tiều Thố cũng nhờ nước từ bi của Tôn giả Ca Nặc Ca hướng cho Ngộ Đạt quốc sư mà giải trừ được oan nghiệp này. Vì vậy tinh thần sám hối rất cần thiết nhưng lâu nay chúng ta sám hối phần nhiều chỉ trên mội miệng mà không tư duy và chiêm nghiệm thật kỹ từng câu từng lời sám hối phát nguyện để từng bước thực hành những lời hứa nguyện ấy, cho nên không cảm nhận được sự mầu nhiệm trong sám hối, sự an lạc trong thực hành pháp sám hối này.

Thứ tư là phát nguyện:  Chư Phật, chư tổ, chư bồ tát đều có những đại nguyện nhưng những đại nguyện có thể bao gồm hết những đại nguyện đó chính là tứ hoằng thệ nguyện. Bốn đại nguyện này các phật tử chúng ta nếu phát bằng tâm chí thành chí thiết, chiêm nghiệm từng lời từng câu và phát nguyện thực hành chính là đang xây dựng sự bình an hạnh phúc cho mình và mọi người.
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ:  Những người đáng độ nhất là ai? Ví dụ các phật tử thấy một người sắp sửa bị chìm xuống nước, một người còn đang bơi trên mặt nước, một người đang ngã trên bờ thì người nào đáng là người được cứu trước, chắc chắn là người chuẩn bị chìm. Người chuẩn bị chìm dưới nước là ai chính là nhũng người xấu ác cùng cực, họ sắp bị đọa vào địa ngục chẳng biết bao giờ ra, vào kiếp ngạ quỷ vô cùng vô tận, còn nếu có làm súc sinh thì muôn kiếp khó được làm người. Do vậy với tinh thần từ bi của người tu phật chúng ta cần phát khởi tâm thương xót,  tận tâm cứu giúp những người xấu ác dù họ đang làm khổ mình vì biết rằng họ làm ác phải nhận lấy hậu quả không tốt. Có được cái nhìn này chúng ta đã phát huy được phần nào đức hạnh từ bi của Phật và cởi mở được phần nào những oan khiên nghiệp báo đã gây ra. Những người mà chúng ta đã lỡ tạo những nghiệp duyên không tốt với họ chúng ta khẳng định lòng từ bi có nghĩa là oán thân bình đẳng, kẻ oán người thân đều một lòng thương xót cứu giúp.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Phiền căn bản tức tham sân si lâu xa không cùng tận, ngày nay chúng ta nguyện dứt trừ bằng vào thực tế chúng ta thực tập, có một tâm niệm phiền não nào, có một sự tham chấp ích kỷ kiêu căng tật đố gì ngay đây chúng ta liền dùng trí tuệ quán chiếu để thấy rõ không có gì là mình và của mình để dứt trừ các tập nghiệp phiền não ấy khi nhớ đến lời phát nguyện phiền não vô tận tân thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Lời nguyện này chúng ta chiêm nghiệm thật kỹ và bằng vào tâm nguyện chớ không chỉ hứa suông. Bằng cách mỗi ngày ta nhất tâm học một câu pháp cú, một lời dạy của Phật tổ cho thuộc nhuần nhuyễn và tư duy tìm hiểu nghĩa lý để thực tập chứng nghiệm sự an lạc giải khổ qua pháp Phật sâu mầu này. Đó là chúng ta thực hành lời thệ nguyện không phải chỉ đọc suông hứa suông. Làm được điều này khi nào chúng ta cảm nhận được sự vi diệu của pháp Phật có thể quý hơn tất cả những gì quý nhất trên thế gian.  Do vậy học pháp Phật bằng tâm lơ là khác, học pháp Phật bằng sự tò mò khác, học pháp Phật để tìm hiểu nghĩa lý khác, học pháp Phật bằng vào sự say mê chân quý và nhiệt tâm sẽ cảm nhận được giá trị của pháp Phật.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: Chỗ rốt ráo mà chư Phật, chư tổ, chư tôn đức đã hướng cho chúng ta dù làm việc lành thiện gì, công phu tu tập pháp môn nào cuối cùng đều hướng cho chúng ta phát nguyện mình và tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Và đây cũng không phải là lời nguyện suông mà tất cả chúng ta phải chiêm nghiệm kỹ, phải hứa nguyện thiết tha và phải thực hành tích cực với lời nguyện cao cả này. Ví dụ như chúng ta phát nguyện thành Phật như trong kinh Phật nói  phải trải qua 3 a tăng kỳ kiếp, tu tất cả các hạnh lành, thực hành bồ tát đạo rốt ráo mới thành tựu được quả vị Phật. Như vậy chúng ta thực hành lời thệ nguyện này như thế nào để không phải là lời hứa suông? Và đây là lời thệ nguyện cao cả rốt ráo cũng như lời hồi hướng trong các việc phật sự trong khi tu học “Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.
Điều này chúng ta nên thực hành như thế này: Vì Phật là bậc giác ngộ giải thoát trọn vẹn, nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần giác ngộ giải thoát. Vậy để thực tập lời hứa nguyện trên chúng ta nên tập tâm giải thoát trong các hoàn cảnh, trong các xử sự với tất cả mọi duyên. Việc gì đến chúng ta cũng hỷ xả, mỗi niệm hỷ xả là chúng ta đang gieo một hạt nhân giải thoát, niệm niệm hỷ xả là niệm niệm trưởng thành đạo giải thoát. Một phiền não nào dấy khởi, một tham chấp gì vướng bận chúng ta hỷ xả được chính là chúng ta đang trưởng dưỡng tâm bồ đề, gieo sâu chủng tử Phật và đang đi trên con đường Phật đi, đang thực tập hạnh Phật sống. Làm được như vậy thì lời thệ nguyện kia không còn là lời nguyện suông nữa.

Điều thứ 5 là hồi hướng: Chúng ta tu tập có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bệnh khổ, muốn thật hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu.Chúng ta hồi hướng tất cả công đức lành của chúng ta tu tập hướng cho mình và chúng sinh đều được trọn thành viên mãn Phật quả.
Cuối cùng để đạt được những hạnh lành trên được viên tròn thì chúng ta phải luôn luôn không dừng nghỉ tu tập giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh. Ba nghiệp chúng ta được thanh tịnh thì thời thời đều bình an.
Tóm lại muốn cầu sự bình an qua sự hướng dẫn của chư tôn đức, trên Thượng tọa đã tạo điều kiện tốt đẹp cho tất cả các phật tử chúng ta trong những ngày qua như tụng kinh Dược Sư, thực tập chánh niệm, lễ Phật chí thành, sám hối nghiệp chướng. Lời phát nguyện dũng mãnh đã giúp cho toàn thể đạo tràng chúng ta xây dựng được nhân tố quan trọng trong công việc, giúp cho thế giới này được thêm phần an lạc thanh tịnh, giúp cho đất nước, giúp cho gia đình dòng họ, giúp cho bản thân chúng ta được nhiều sự bình an và xây dựng con đường an vui giải thoát. Mong toàn thể đạo tràng cùng phát tâm tinh tiến và thiết tha trong tất cả các thời tụng kinh lễ Phật sám hối phát nguyện và giữ gìn 3 nghiệp được trang nghiêm thanh tịnh.

 

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 24430
  • Online: 27