Quan Niệm Về Hạnh Hiếu của người con Phật

15/08/2024 | Lượt xem: 440

HT.Thích Nhật Quang

Hôm nay nhân ngày lễ Vu Lan, chúng tôi sẽ trình bày một vài quan niệm về hiếu đạo của người con Phật. Là Phật tử, chúng ta phải làm sao thực hiện được hiếu đạo đúng theo tinh thần Phật dạy.  Thông thường hiếu đạo được chia ra hai phần: Một là vật chất, hai là tinh thần. Hai phần này chúng ta phải suy nghiệm, tìm hiểu và áp dụng.

 

Về phần vật chất, đối với cha mẹ, chúng ta phải hết lòng cung phụng. Cung phụng đúng pháp và đúng nghĩa, hợp đạo và tránh chiều theo thị hiếu xấu, làm tổn hại chúng sanh. Làm được như vậy là thể hiện được tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Trên phương diện này tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, phúc duyên mà ta có để thực hiện. Không nên ngược xuôi, dong ruổi theo hình thức bề ngoài. Chủ yếu ở lòng chúng ta, làm sao để ta có thể thực hiện hiếu đạo mà không có những cắng đắng trong gia đình. Bởi vì trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta ít khi nào gặp được điều như ý, hoàn toàn thuận lợi như mong muốn của mình. Thường thì mười phần chỉ được hai ba thôi.

Như sử nước ta có kể Trịnh Kiểm hồi còn hàn vi, nghèo khó có một mẹ già. Ông bươn chải kiếm sống vất vả nhưng cuối cùng nghèo vẫn cứ nghèo. Một hôm mẹ ông đau yếu, thèm ăn thịt gà. Trịnh Kiểm không tìm đâu ra được, cũng không có tiền mua. Vì quá thương mẹ, ông đã trộm gà của người về cho mẹ ăn. Khi ấy Nguyễn Kim, một vị đại thần nhà Lê bất mãn triều đình nên chiêu tập trai tráng mạnh khỏe để gầy dựng sự nghiệp riêng. Biết được hoàn cảnh và lòng hiếu thảo của Trịnh Kiểm. Ông liền đem về trong gia trướng của mình. Từ đó Trịnh Kiểm trở thành một người tâm phúc và sau trở thành con rể của Nguyễn Kim.

Nguyễn Kim là người gầy dựng triều đình nhà Nguyễn. Còn Trịnh Kiểm là vị chúa đầu tiên trong thời vua Lê, chúa Trịnh. Thiết nghĩ nếu Trịnh Kiểm không gặp được Nguyễn Kim thì làm gì có được ngày sau rực rỡ huy hoàng như vậy. Nhưng thật ra rất hiếm trường hợp gặp người tốt như Nguyễn Kim. Thường kẻ trộm thì bị pháp luật, bị gia hình, chớ không được tìm hiểu và thông cảm hoàn cảnh như Trịnh Kiểm.

Trong đạo cũng vậy. Có những thiền Tăng đủ khả năng để phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng cũng có những vị như thiền Tăng Nhật Thông, vì phụng dưỡng mẹ già mà phải rời Thiền viện, cất một am tranh ở vùng quê hẻo lánh, ông viết kinh sách để có tiền nuôi nấng mẹ già. Nhưng ngặt nỗi mẹ ngài không ăn chay được. Vì vậy thầy phải vào chợ mua cá thịt đem về, rồi tự tay nấu nướng dâng cho mẹ. Mà tuyệt nhiên không có một thái độ hay một lời lẽ, cử chỉ khó chịu gì cả. Hai mẹ con sống thật hạnh phúc. Thời gian sau bà nói: Bây giờ mẹ có thể ăn chay được rồi. Lòng hiếu thảo của ngài đã cảm hoá được mẹ già. Chúng ta thấy Trịnh Kiểm gặp Nguyễn Kim. Thiền Tăng Nhật Thông gặp một bà mẹ như thế đã giúp cho hai vị làm tròn hiếu đạo của mình trong một hoàn cảnh khó khăn.

Người con Phật lúc nào cũng sáng suốt và gan dạ. Những ân nghĩa hay nợ nần gì đã vay thì bây giờ phải trả, không bao giờ có niệm trốn tránh. Vì vậy trong tất cả hoàn cảnh, người con Phật luôn giữ hiếu hạnh tròn đầy. Trong nhà Phật, tấm lòng thành là quý nhất.

Có câu chuyện nói về tâm chí thành như thế này. Một em bé ăn mày, mồ côi cha mẹ. Tuy nghèo đói, nhưng em lại kính tin Tam Bảo. Vì vậy em gắng dành dụm được ít tiền và mua muối, cúng dường chư Tăng. Hôm đó Hòa thượng đường đầu biết được quả phúc của em bé nghèo khó này, nên buổi sáng em đến dâng muối cúng dường, Hòa thượng tuyên bố cho tăng chúng biết hôm nay có đại thí chủ cúng dường. Chư Tăng đúng giờ phải y hậu chỉnh tề lên điện Phật thiết lễ và hồi hướng công đức cho vị đại thí chủ. Chư tăng vâng lệnh đắp y nghiêm chỉnh, lên điện Phật. Nhưng đến giờ mà không thấy thí chủ nào mũ lọng xe cộ có vẻ quan trọng như đại chúng vẫn nghĩ, chỉ thấy có một em bé ăn mày lủi thủi vào cửa chùa, rồi len lén lên chánh điện. Em thưa trong giọng xúc động: “Con có chút ít phẩm vật này xin cúng dường cho đại Tăng. Thỉnh cầu Hòa thượng và đại Tăng chứng minh nạp thọ để toàn thể đều dùng được phẩm vật cúng dường của con”. Thưa xong, em lại rụt rè trở ra. Chư Tăng chờ vị đại thí chủ mãi mà chẳng thấy. Các thầy nói với nhau không biết bữa nay Hòa thượng già có lẫn lộn không? Sự việc ấy bẵng đi, thời gian sau em bé ăn mày trở lại trong ngôi vị một hoàng hậu. Cô cũng thiết đại lễ cúng dường, và tìm đến đảnh lễ Hòa thượng, nhắc lại nhân duyên ngày xưa của mình. Hòa thượng nói rõ đó là quả lành hiện đời của cô do lòng chí thành cúng dường chư Tăng lúc nghèo khó. Rõ ràng nếu chúng ta có một quyết tâm tạo chủng tử lành, thì nhất định chúng ta sẽ có quả phúc tốt, điều đó không nghi.

Tóm lại, về vật chất chúng ta thể hiện hiếu đạo phụng dưỡng cha mẹ trong phạm vi, trong hoàn cảnh và phúc duyên của mình. Cốt ở tâm thành chớ không vì những hình thức tiếng tăm bên ngoài. Phật tử phải hiểu và áp dụng tinh thần này vào hoàn cảnh riêng của mình, để vượt khó và làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ.

Về phần tinh thần. Người Phật tử phụng dưỡng cha mẹ bằng tinh thần như thế nào? Tức ngay nơi sự tu học, sự hiểu biết về Phật pháp và thể hiện Phật pháp trong đời sống. Bởi vì nếu trong dòng họ có một người tu hành đắc đạo thì cửu huyền được an lạc, gia đình được chuyển hóa tốt đẹp. Trong tập thể nào có được người Phật tử tâm đạo chân chính thì tập thể đó sẽ được chuyển hóa tốt đẹp. Trở lại gia đình. Nếu trong gia đình không luận là người chồng hay vợ, nếu gặp chánh pháp, được sự hướng dẫn và áp dụng đúng chánh pháp thì gia đình đó sẽ được chuyển hóa. Tuy nhiên có Phật tử nói rằng con đi chùa mà tại sao trong gia đình cứ xảy ra việc nọ, việc kia. Hay đêm nào con cũng tụng kinh, ngồi thiền mà tại sao con của con không nghe lời, cứ quậy phá. Thật ra đây là những thử thách để chúng ta rèn luyện việc tu học của mình. Vẫn bình thản tiếp tục việc tu tập của mình tức là vững tiến, đã chiến thắng những trở ngại chung quanh. Từ thành tựu này Phật tử mới có thể cảm hóa những người thân trong gia đình mình.

Người đời thường hay nói “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là tội báo” câu nói này cũng đáng để suy ngẫm. Kinh Nhân Quả nói rõ ràng, quan hệ gia đình, huyết thống là nợ nần nhiều đời nhiều kiếp. Nên có đời làm cha, có đời làm chồng, có đời làm mẹ, có đời làm vợ… Nếu hưởng thụ quá phần sẽ bị nợ nần trở lại với con, với những người trong gia đình thì đời sau phải trở lại làm đầy tớ để trả nợ cho xong. Nhân quả phải như vậy.

Cho nên nói đến gia đình là nói đến nhân quả tuần hoàn, nghiệp báo trả vay. Nhẹ thì làm chủ, nặng thì làm tớ. Có nhiều câu chuyện, nhất là trong bản hạnh của đức Thế Tôn cũng như tất cả những vị đại Thánh đều cho chúng ta thấy rằng trong quan hệ nhân quả nếu thiếu tỉnh táo, sáng suốt, không nhận định chân chính, thiếu trí tuệ thì chúng ta sẽ oan oan tương báo không có ngày cùng.

Người Phật tử muốn trả hiếu cha mẹ, không có gì tốt hơn là hướng cha mẹ đến với Tam Bảo. Muốn hướng cha mẹ đến với Tam Bảo, ta phải làm sao? Ví dụ như trong gia đình, cô con gái lớn hâm mộ Phật pháp, đi chùa học Phật, tu tập. Cô muốn hướng cha mẹ đến với Phật pháp để thể hiện hiếu hạnh của mình thì cô phải tu tập cho đàng hoàng. Như nói đi chùa thì đi chùa chứ không đi chỗ khác, nói học đạo là học đạo chớ không làm việc khác. Phải gầy dựng được niềm tin đối với cha mẹ, đối với gia đình và khẳng định việc làm, vị trí của chúng ta trong gia đình. Được vậy khi đủ duyên, chúng ta mời cha mẹ đi chùa thì cha mẹ tin lời và nghe theo mình. Tới chùa cha mẹ lễ Phật với lòng thành, từ đó được gặp thầy, gặp pháp, phát tâm quy y rồi tu tập.

Nói về tinh thần, không có gì hơn là hướng cha mẹ, người thân của mình về Tam Bảo. Vì đây là nơi quy hướng của tất cả chúng sinh. Từ đây, tu hành các công đức mới hết khổ, được vui.

Tất cả chúng ta đều biết, tu tập những công đức thì thu được những kết quả tốt đẹp, đó là điều tất yếu. Dù chỉ một niệm xấu ác, không xứng đáng trong cuộc sống thì quả báo của niệm xấu đó cũng sẽ đến không mất bao giờ. Tùy theo tâm niệm của chúng ta mà có những quả báo tương ứng. Giống như vang theo tiếng, như bóng theo hình. Bởi vì nhân quả là đạo lý chắc thực mà Phật đã từng chỉ dạy chúng ta. Biết vậy nên người con Phật luôn luôn tu tập từng tâm niệm của mình. Khi tu, đồng thời chúng ta hướng những người thân của mình quay về Tam Bảo, từng niệm, từng niệm tu tập.

Phật dạy: Những người xuất gia, thọ giới cụ túc, sống đời không nhà, khi muốn cúng dường Tam Bảo, cúng dường chúng sinh hay phụng dưỡng cha mẹ thì phải làm sao?

Giả như có một trận mưa to, vị tu sĩ đang tu tập trong trượng thất, muốn cúng dường cho chúng sinh phải làm sao? Phải dùng tâm thanh tịnh, hướng đến Tam Bảo, mong được sự phù trì, khiến cho tất cả nước mưa rơi xuống trần gian đều là những giọt nước cam lồ, cho tất cả chúng sanh đói khổ được mát mẻ trong lòng và đều phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm giác ngộ giải thoát. Hành trì như vậy trong suốt thời gian mưa to. Người tu tập cúng dường thì phải ngồi nghiêm chỉnh, tâm thành khẩn và thân thể trang nghiêm, đúng pháp. Cầu lực từ bi của chư Phật, chư Bồ tát hỗ trợ cho tâm nguyện của mình được thành tựu. Bằng tất cả lòng thành, chúng ta sử dụng bất cứ phương tiện nào để hướng về Tam Bảo, mục đích chủ yếu nhắm vào lợi ích của chúng sanh được an lạc, được hết khổ là đúng pháp.

Trong kinh nói rằng người tham lam, bỏn xẻn nhiều đời sẽ thác sinh vào loài quỷ đói ngàn muôn năm. Loài này khi nghe đến thức ăn thì trong cổ họng lửa bốc cháy. Như chuyện bà Thanh Đề. Do lòng keo xẻn, tham lam, ích kỷ nhiều đời nên đọa vào loài quỷ đói.

Chúng ta thấy bản thân Tôn giả Mục Kiền Liên là một vị A la hán, thần thông bậc nhất, nhưng không thể cứu được mẹ, phải nhờ đến lòng từ bi của chư Phật, các vị đại Thánh, chư Tăng, các vị tu hành thanh tịnh tập trung hướng nguyện cho lòng tham lam bỏn xẻn của bà được mở ra, tất cả chúng sinh trong chốn ấy cũng mở rộng lòng mình. Nhờ thế mới thoát khỏi kiếp quỷ đói. Qua đó chúng ta thấy khổ cũng từ tâm mình, hết khổ cũng từ tâm mình mà ra. Cho nên chúng ta hỗ trợ, động viên, khuyến khích làm sao cho những người thân của mình hướng về Tam Bảo, mở rộng lòng ra, tu tập theo chánh pháp. Đó là phần hiếu đạo về tinh thần.Những việc làm này phải được thực hiện ngay khi cha mẹ sinh tiền. Chớ để mất đi rồi than: “Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng. Con muốn làm việc hiếu mà cha mẹ đã khuất”. Như vậy có lợi ích gì?

Trước khi kết thúc, tôi xin dẫn một câu chuyện hiếu hạnh thế này. Có một anh chàng nhà nghèo. Mẹ anh chuyên đi vớt bèo nuôi heo để lo cho con ăn học. Được sự giáo dục tốt, con bà thi đậu làm quan. Sau khi đỗ làm quan, anh trở về vinh qui bái tổ. Trên đường về tiền hô hậu ủng, chiêng trống rền vang. Mẹ anh không hay vì đang vớt bèo. Người láng giềng chạy tới báo tin, nhưng bà vẫn thản nhiên tiếp tục vớt bèo. Bà nói con tôi thi đậu làm quan đó là điều đáng mừng nhưng không biết nó còn nhớ cảnh vớt bèo nuôi lợn này không? Vị tân quan nghe được như thế vội xuống võng, cởi áo lụa ra, chạy xuống ao với mẹ, cùng mẹ vớt bèo. Vớt đầy thúng, hai mẹ con mới về nhà làm lễ tổ tiên. Gương người xưa còn sáng mãi đến bây giờ. Nhờ mẹ như thế nên con mới được như thế, mới giữ vững được gia phong, gia tộc của mình.

Chuyện hiếu đạo rất nhiều. Ở đây tôi không muốn nói những điều cao xa, những điều nằm ngoài tầm cuộc sống, mà chỉ muốn nói những việc thông thường trong cuộc sống. Những điều đó chúng ta có thể nhận hiểu và áp dụng được, tạo được những lợi lạc thiết thực trong hiện đời.

Mong rằng tất cả chúng ta là những người con hiếu hạnh, vui vẻ, phấn khởi với pháp tu của mình, không sai với sự chỉ giáo của đức Phật, của các vị đại Thánh. Như Phật dạy hạnh hiếu là hạnh Phật, hiếu đạo là Phật đạo. Đó là những điều mà chúng tôi muốn trình bày và hy vọng Phật tử sẽ thực hiện được.

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88930
  • Online: 39