Quên mình theo vật
22/03/2023 | Lượt xem: 1576
HT.Thích Thanh Từ
Đề tài buổi nói chuyện hôm nay là Quên mình theo vật. Nhắc lại gốc tích, năm 1951 tôi học tại chùa Phật Quang tức là Phật học đường ở Bang chang, Trà Ôn. Thầy tôi dạy kinh Lăng Nghiêm đến chỗ thất xứ trưng tâm, ngài A-nan hỏi Phật: Thế nào là tâm của con? Bảy chỗ Phật hỏi, A-Nan nói đều sai. Ngài lúng túng không biết cái gì là tâm của mình, nên Phật chỉ tâm cho A-nan biết.
Ngày xưa tôi đọc đến đây, học kỹ trong lúc thầy dạy, tối lại 2 giờ đêm thức dậy đốt đèn, ngồi ở cái bàn trong nhà lá, đọc đi đọc lại đoạn đó tôi xúc động khóc. Sáng ra tôi bạch với Thầy: Con đọc đoạn đó sao xúc động quá, con khóc. Thầy nói: Tốt. Vậy thôi. Từ đó về sau thấm sâu tận xương tủy mà tôi không quên được. Bây giờ kể lại chư Tăng nghe rõ coi thấm bao nhiêu?
Trong đoạn kinh đó, khi được Phật hỏi, A-nan chỉ tâm đều không đúng, nên ngài hỏi lại Phật: Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm, xin chỉ cho con. Phật đưa tay lên hỏi A-nan: Ông thấy không? A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, con thấy. Phật để tay xuống hỏi: Ông thấy không? A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, không thấy. Ngài A-nan bị Phật quở.
Bây giờ tôi đưa tay lên, hỏi thấy không thì trăm người như một đều nói thấy. Tôi để tay khuất xuống, hỏi thấy không thì nói không thấy. Đó là chuyện bình thường của phàm tình. Nhưng đức Phật muốn chỉ cho A-nan biết cái gì là tâm của mình, nên đưa tay lên để hỏi thấy không, lúc đó vừa nhìn thấy tay Phật, đương nhiên trả lời là thấy; nhưng để tay xuống hỏi thấy không thì nói không. Ai cũng trả lời như vậy thôi.
Nhưng Phật quở, khi ta đưa tay lên ông thấy là thấy tay của ta. Khi để tay xuống, nói không thấy. Như vậy ông cho thấy cái tay là thấy hay cái tay là cái thấy của ông? Cái tay là cái bị thấy, đưa tay lên ông nói thấy, để tay xuống ông cũng thấy, nhưng thấy không có tay. Đưa lên hỏi thấy không nói thấy để xuống khuất thì nói không thấy. Sự thật mình lầm to.
Tay Phật đưa lên thì thấy tay Phật, tay Phật để xuống là thấy không tay Phật, nhưng cái thấy mình cũng vẫn thấy, thấy mà không có tay Phật đưa lên. Như vậy, khi đưa tay lên Phật hỏi thấy không mình nói thấy, khi Phật để tay xuống hỏi thấy không thì mình phải trả lời sao cho hợp lý? Nghĩa là mình thấy không có tay ở vị trí đó, chứ không phải không có cái thấy của mình. Tay Phật đưa lên thấy có, khi tay để xuống thấy không, là quên cái hay thấy của mình mà chỉ nhớ vật bị thấy. Nhận vật bị thấy mà quên cái hay thấy của mình. Tay đưa lên để xuống là vật bên ngoài, còn cái hay thấy là cái của mình. Tay đưa lên thấy, để xuống nói không thấy là quên mình theo vật.
Người đời không bao giờ hiểu được lẽ đó, họ chỉ thấy hình ảnh sự vật cho là thấy, còn không thấy hình ảnh sự vật cho là không thấy. Nhưng sự vật hình ảnh là vật ở ngoài, còn cái thấy là chính của mình. Cái thấy không thiếu vắng lúc nào mà mình quên nó, chỉ nhớ cảnh có cảnh không mà nói có thấy thông thấy. Nhận cảnh là mình, quên mất mình, đó là điều hết sức sai lầm. Ở thế gian ít khi nghe được những lời này, không ai chỉ cho mình biết, vào trong đạo rồi đức Phật chỉ mới thâm trầm làm sao, sâu sắc làm sao!
Như vậy, cái thấy là cái thường hằng của mình, còn cảnh vật thì đổi thay, khi có khi không. Không thể nào đem cái hay thấy của mình ném đi, chỉ nhận cảnh vật bên ngoài là mình, đó là một sai lầm lớn. Trong đoạn kinh này, Phật chỉ cái hay thấy là tâm A-nan. Tại sao cái hay thấy là tâm? Bởi vì thấy là biết, tâm là cái biết. Cái thấy đó là tâm của mình mà mình quên.
Đến đoạn kinh thứ hai, Phật bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, rồi hỏi A-nan: Ông nghe không? - Dạ nghe. Tới khi tiếng chuông bặt dứt, Phật hỏi: Ông nghe không? - Không nghe. Phật cho đánh chuông lần thứ hai rồi hỏi, ông cũng trả y như vậy. Phật quở: Ông quên mình theo vật.
Như vậy, khi đánh tiếng chuông “boong” mình nghe, tiếng chuông bặt là nghe hết tiếng chuông, nhưng vẫn nghe. Nếu không nghe thì làm sao biết bặt không có tiếng chuông? Bặt tiếng chuông nói không nghe thì cái nghe bay theo tiếng chuông mất rồi!
Tiếng chuông là âm thanh bên ngoài, cái hay nghe là tâm mình ở trong. Khi đánh chuông mình nghe được âm thanh của tiếng chuông, khi tiếng chuông bặt rồi mình nghe không có tiếng chuông chứ không phải không nghe. Lâu nay chúng ta quen có âm thanh thì nói có nghe, không âm thanh thì nói không nghe. Mình có cái hay nghe, mà hay nghe thì có biết. Nghe tiếng chuông biết tiếng chuông, nghe tiếng trống biết tiếng trống, sao không biết được?
Cái tâm sẵn của mình ở tai mà mình không biết, nhận cái khác làm tâm, bỏ quên cái thường hằng. Phật quở A-nan lần thứ hai là quên mình theo vật. Cuối cùng A-nan đầu hàng không biết nói sao cho đúng. Cho nên Phật mới chỉ tột lý cho A-nan.
Bây giờ xét thật kỹ thói quen của mình đang lầm như vậy. Muốn biết tâm mình có hiện tiền hay không thì nhờ ở mắt ở tai. Vừa có tiếng động là nghe, vừa có cảnh là thấy, nghe thấy không đợi suy nghĩ. Cái sẵn nghe là biết, thấy đó là biết, là tâm không sanh diệt của mình. Nghe rồi khởi phân biệt, thấy rồi khởi suy nghĩ. Cái phân biệt suy nghĩ đó là cái sau, cái giả. Còn cái thật đi trước sẵn sàng hết mà mình bỏ quên.
Người xuất gia tu là để giải thoát sanh tử luân hồi. Nhưng cái gì giải thoát đây? Mình tu rồi có chết không? Người tu cũng chết là tử, chết rồi sanh lại là sanh. Như vậy mình đặt mục tiêu cho cả cuộc đời là thoát ly sanh tử, mà không biết cái gì thoát ly sanh tử là điều tệ hại trong giới tu sĩ.
Phật muốn chỉ ngay nơi mình, có cái tạo nghiệp để luân hồi sanh tử, có cái sẵn có hằng giác hằng tri mà không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp cho nên ra khỏi sanh tử. Chính mình ra khỏi sanh tử, không phải ai đem mình đi.
Khi suy nghĩ thì chúng ta suy nghĩ cái gì? Suy nghĩ hai bên hay dở, tốt xấu, phải quấy, hơn thua. Nếu suy nghĩ cái hay thì mình thích, cái dở thì mình không ưa, cái tốt thì mình chịu, cái xấu thì mình không bằng lòng. Vừa khởi suy nghĩ thì tâm thương ghét buồn giận khởi lên. Như vậy thương thét buồn giận là cái gì mà nó dẫn mình đi? Tâm thương ghét buồn giận đó là tâm tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì dẫn mình đi trong sanh tử. Vậy cái hay thấy hay nghe này tạo nghiệp gì? Thấy thì thấy, nghe thì nghe, mà không khởi suy nghĩ phân biệt thì đâu có tạo nghiệp? Tâm đó là tâm chân thật của mình, còn tâm kia là tâm hư dối tạo nghiệp. Từ đây cho tới lúc nhắm mắt mà cứ tạo thương ghét buồn giận hoài thì bảo đảm đi trong lục đạo luân hồi. Nếu giảm bớt được tâm đó, làm tăng trưởng tâm không sanh diệt thì mình đã sống với tâm giải thoát.
Không cần tìm giải thoát ở đâu, giải thoát là không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp thì không dẫn mình đi luân hồi sanh tử. Tạo nghiệp là sức mạnh lôi mình đi trong sanh tử. Phật thường dạy những người sắp chết phải luôn nhớ Phật hoặc nhớ những điều lành hay những bài kinh, đừng nhớ những người mình thương hay ghét. Bởi vì đó là lúc ra đi theo nghiệp dẫn, dẫn mình tới chỗ nào mà mình chú ý.
Hằng ngày khi ngồi lại tu, chúng ta thấy sao vọng tưởng mạnh quá, nó lôi mình chạy hoài. Có khi nào được nửa giờ mà không có vọng tưởng không? Chắc là chưa có. Nếu vọng tưởng hoài như vậy thì nhắm mắt sẽ đi đâu, và tu có tiến hay không?
Ngày nay vào thiền viện được quý thầy dạy chừa bỏ vọng tưởng, đừng chạy theo nó. Trước kia chưa học ngồi thiền thì không biết nó là vọng tưởng. Cứ nói mình nghĩ thế này, nghĩ thế kia không biết nó là vọng tưởng, vì không ai giản trạch cho hiểu cái nào là thật, cái nào là giả. Vọng tưởng là giả, còn tâm thật của mình là cái chân thật ở sáu căn. Ngồi tu cứ thấy vọng tưởng, không thấy cái thật. Nhưng đặt câu hỏi lại, ai biết được vọng tưởng?
Vọng tưởng không thể biết vọng tưởng, có cái biết được vọng tưởng, vọng tưởng dấy lên, vọng tưởng lặng xuống, trong đó thầm có cái biết. Vì vọng tưởng liên miên nên mình chỉ nhớ vọng tưởng, thật ra trong khi vọng tưởng dấy lên thấy là vọng tưởng nên bỏ. Thấy được vọng tưởng, bỏ được vọng tưởng thì có cái biết ngầm trong đó rồi. Nếu đó chỉ là một đám vọng tưởng với nhau thì không ai biết ai, nó cứ ào ào ra hoài. Đằng này mình thấy được nó, biết được nó, dù chặn chưa được, dẹp chưa hết nhưng vẫn có chủ nhân ở trong.
Việc tu của mình cao thượng, siêu thoát ngầm mà người thường không biết. Nếu chạy theo vọng tưởng thì suốt đời tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Bây giờ biết vọng tưởng không theo, chặn đứng nó lại thì có một lực ngoài vọng tưởng, đó là sức mạnh của tâm.
Chúng ta có một phần chạy theo vọng tưởng, một phần nhận chân ra cái sai lầm mà chừa bỏ. Nhưng bỏ hoài mà không hết thì có buồn không? Trong nhà thiền có câu “Bất phạ vọng khởi, duy khủng giác trì”, nghĩa là không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm. Khi nó dấy lên biết vọng không theo. Như vậy, một niệm vọng khởi là chúng sanh, biết được vọng khởi là Phật. Giác mới biết được nó, mê không biết được nó. Có một chúng sanh thì có một Phật, không có gì thiệt thòi. Một trăm lần vọng dấy lên, một trăm lần giác thì mình có tiến, còn để vọng tưởng lôi thì mình thua. Đây là mình đang chống cự, dẹp cái mê để cái giác hiện. Vọng dấy lên là mê, biết nó là vọng thì giác, chỉ sợ vọng kéo đi nửa giờ mà theo hoài không hay thì mới đáng buồn. Cho nên chỉ sợ giác chậm, không sợ vọng khởi, đó là khéo tu không chạy theo vọng tưởng điên đảo.
Vọng tưởng là tạo nghiệp, tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử. Tâm hằng biết, không khởi niệm phân biệt, đó là tâm chân thật không sanh diệt của mình. Nếu sống được trở về với tâm thật đó, khi nhắm mắt không bị nghiệp dẫn, thì giải thoát sanh tử, nhập Niết-bàn. Không phải nói mình tu cứ tu, tới đâu hay tới đó. Phải thấy rõ cái gì để mình theo, cái gì để mình dẹp bỏ. Bây giờ mình là một chiến sĩ đang chiến đấu với đám giặc đẩy mình đi luân hồi, để mình dừng lại. Thật ra nó chỉ là vọng tưởng không thật, biết không thật thì đâu cần phải chiến đấu gì, còn không biết thì thua nó. Biết rồi thì nó mất, vì vọng là hư dối.
Chúng ta chỉ cần nội tâm thường tỉnh, thường giác. Vọng tưởng dấy lên không theo là đủ rồi. Vọng tưởng giả dối mà hay rủ mình đi, mình nhẹ dạ nên rủ là chạy theo. Như khi đang ngồi sực nhớ chuyện nhà, nó rủ chạy về nhà; nhớ tới huynh đệ nó cứ rủ mình đi tìm để thăm, không cho mình dừng. Không dừng là không yên, không yên thì tâm chân thật không hiển lộ. Như vậy nơi mình có cả hai, một bên là tạo nghiệp hư dối, một bên hằng biết chân thật, giải thoát sanh tử. Không biết điều này thì tu uổng công.
Nghiệp do vọng tưởng dẫn rất mạnh. Nó gợi lại những gì mình thương ghét, buồn giận, liên miên trong tâm, không được yên. Vì vậy phải cương quyết la rầy, đừng cho nó dẫn mình đi thì mới chiến thắng được nó. Hai bên sanh diệt và không sanh diệt đã rõ, nhưng cái không sanh diệt bị cái sanh diệt lấn. Cho nên nói, mình có viên ngọc quý trong túi mà bỏ quên không xài, phải đi ăn mày là vậy.
Người tu Phật hiểu được lý thiền rồi là mình đang làm một việc phi thường. Thế gian thường sống theo vọng tưởng, bây giờ ngược lại, dẹp tan vọng tưởng để trở về cái thật của mình. Cái đó người thế gian không ai biết, không ai hiểu mà mình biết, mình làm, không phải việc phi thường là gì? Nhưng người ta thấy mấy thầy ngồi im lìm, có khi ngủ gật nữa, liền đặt câu hỏi: Tội gì phải ngồi?
Việc phi thường mà mình xem thường, nên cái ngủ làm chủ mình. Cho nên, khi bắt đầu ngồi thiền phải cả quyết rằng mình đang làm việc phi thường, đang là chiến sĩ ra trận, không thể lôi thôi được. Còn không, để êm êm một hồi là ngủ tuốt. Hãy mạnh dạn, can đảm mới qua được cơn ngủ. Không vọng tưởng thì hôn trầm ngủ gục, đó là hai bệnh của người tu thiền. Muốn cho vọng tưởng giảm, hôn trầm mất thì phải cương quyết. Đây là cuộc chiến đấu oanh liệt, chứ không phải thường.
Tu mà biết mới thấy quan trọng, còn không biết thì thấy như bị bắt buộc ngồi, không biết ngồi để làm gì. Cứ như vậy mà thả trôi cho nó ngủ lên, ngủ xuống. Thời giờ ngồi tu của mình là thời giờ vàng ngọc, mà mình đem chôn vùi đi, không có giá trị gì hết.
Khi tới giờ đánh kiểng ngồi thiền, thì mình hăm hở vào ngồi, coi như bắt đầu một cuộc chiến đấu oanh liệt, khả dĩ thắng được hôn trầm, vọng tưởng. Còn không, hai chú đó quay mình riết thì tu một năm, hai ba năm lừ đừ không ra gì hết. Cho nên phải hiểu, phải thấy cho tường tận việc tu của mình.
Nhiều khi tôi cố gắng nói cho tất cả biết những điều quan trọng, nhưng khi tôi nói qua rồi quý vị cũng quên, trở lại thói cũ, vẫn ngồi lim dim, một lúc rồi gục. Cứ như vậy hoài nên mệt mỏi, hơi chán, không có tâm cương quyết làm việc phi thường. Cho nên, người tu là một chiến sĩ oanh liệt, đâu phải vô đây để thả hồn theo mây theo gió. Nếu cứ thả trôi như vậy uổng đi thời gian quý báu. Đó là điều cần phải nhắc, cần phải biết.
Tu để giải thoát, nhưng đặt câu hỏi giải thoát cái gì thì mình lúng túng không biết. Bây giờ chỉ rõ rằng, chúng ta có khả năng giải thoát sanh tử, cái đó sẵn nơi mình, chỉ cần dẹp vọng tưởng thì nó hiển bày. Khi nhắm mắt xuôi tay thì nó làm chủ để ra khỏi vòng sanh tử. Rõ ràng như vậy, chính mình là người cứu mình, chứ không ai cứu mình được. Chúng ta phải tự biết, rồi điều chỉnh lại làm sao cho tiến hơn, đừng có lôi thôi.
Đức Phật muốn chỉ cho ngài A-nan thấy nơi mắt, nơi tai có cái hằng biết, không sanh tử, không lúc nào thiếu mà người đời kể cả người tu đều quên. Nhìn thấy cái gì thì chúng ta đi theo cái đó mà thông nhớ lại cái mình hay thấy. Do cái nguy hiểm này mà hiện nay người tu sẽ đi xuống địa ngục không ít. Đây là chỗ tôi xúc cảm.
Tôi muốn nhắc lại, Phật chỉ tánh thấy nơi mắt, tánh nghe nơi tai cho ngài A-nan, ngài A-nan liền đặt câu hỏi: Bạch Thế Tôn, như vậy cái gì là cội nguồn của giải thoát Niết-bàn, cái gì là cội nguồn của trầm luân sanh tử? Khi đó đức Phật im lặng không trả lời, mà mười phương chư Phật đồng thanh nói rằng: Này A-nan! Sáu căn của ông là gốc luân hồi sanh tử, sáu căn của ông là gốc giải thoát sanh tử.
Tại sao ngài A-nan hỏi mà đức Phật không trả lời, lại mười phương chư Phật đồng thời trả lời? Điều này để chứng minh rằng, không phải riêng đức Phật Thích Ca chỉ sáu căn là gốc luân hồi sanh tử, sáu căn là gốc giải thoát Niết-bàn, mà mười phương chư Phật đồng chỉ như vậy. Tu được thành Phật từ nơi sáu căn, không có đường nào khác, cho nên mười phương chư Phật đồng thời trả lời, còn đức Thích Ca im lặng.
Đoạn trên của kinh chỉ nói hai căn mắt và tai, không nói các căn kia là mũi, lưỡi, thân và ý. Vì mắt, tai là cái nổi nhất, dễ thấy nhất, các căn kia hơi thầm lặng nên khó thấy.
Bây giờ đặt câu hỏi, ở mũi có cái biết thường xuyên không? Có mùi thơm thì biết thơm, có mùi hôi thì biết hôi, còn không có mùi gì thì biết không có mùi. Lâu nay khi không có mùi thì chúng ta nói không biết mùi. Lúc không nghe mùi là lúc đó không có mùi chứ không phải không biết.
Ở lưỡi cũng vậy, có vị ngon biết có vị ngon, có vị dở biết có vị dở, không ăn uống không có vị thì biết không có vị. Cũng biết thường xuyên, nhưng vì nó sâu kín bên trong, khó chỉ, còn tai với mắt thì dễ chỉ hơn.
Thân cũng vậy, có xúc chạm biết xúc chạm, không xúc chạm biết không xúc chạm, lúc nào mà không biết. Còn ý duyên với các căn kia, khi nào cần chú ý tâm thì nó dấy lên đi theo phụ, phụ rồi đem bóng dáng các cảnh về nhốt ở trong thành pháp trần. Khi ngồi thiền không thấy ai, không có chuyện gì xảy ra thì nhớ lại những hình bóng, đó là pháp trần, là những bụi bặm lượm lặt từ sáng đến chiều.
Chúng ta ai cũng có đủ sáu căn, thể của sáu căn là một. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”. Chỉ có một cái trong sáng mà sanh ra sáu hòa hợp. Tâm thể đó vốn là một tình minh trong sáng, chia ra sáu hòa hợp ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tâm thể đó còn gọi là chân tâm hay Phật tánh tỏa ra ở sáu chi nhánh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi chết thì tánh biết ở sáu chi nhánh không bị hoại, cùng hòa về một là chân tâm Phật tánh, thoát ly sanh tử luân hồi.
Như vậy, sự tu hành của mình phải biết gốc từ sáu căn, từ sáu căn mà tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử, từ sáu căn biết quay trở về thì sẽ thoát ly sanh tử. Ai cũng có sáu căn, tức là có sáu lối trở về cái chân thật. Khi sáu căn hoại, cái chân thật đó tức Phật tánh hay chân tâm, không hoại. Trên đường tu, luân hồi sanh tử rõ ràng mà giải thoát sanh tử cũng rõ ràng, ở nơi mình chứ không ở nơi ai. Thế nên không phải một đức Phật mà mười phương chư Phật đồng thời nói lên như vậy. Trong kinh Viên Giác, Phật cũng nói sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử, sáu căn là gốc giải thoát sanh tử.
Trong kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, đức Phật nói rõ sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử. Cho đến Thiền tông, Ngũ Tổ ở Hoàng Mai dạy chư Tăng tu thiền, cũng khuyên Phật tử tại gia tụng kinh Kim Cang. Có nhiều người thắc mắc, tại sao ngài lại dạy tụng kinh? Vì ngài tâm đắc ở kinh Kim Cang. Khi Lục Tổ được cho vào thất, ngài đem kinh Kim Cang ra giảng, tới đoạn Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục tâm?”. Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Không nên sanh tâm dính mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là chỗ an trụ của tâm Phật, tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe tới đây Lục tổ liền thấy mình có sẵn tâm đó, cho nên nói:
Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động,
Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.
Ngay đây Ngũ Tổ biết đã thấy lẽ thật nên trao y bát. Như vậy, trong kinh Phật dạy, cho đến các vị Tổ dạy thiền, căn bản không khác. Người tu thiền thực hiện những gì Phật dạy trong kinh, không phải bỗng dưng đặt ra một lối tu riêng. Nhưng người thế gian không biết, họ cho rằng tu là phải tụng kinh. Nhưng ở thiền viện ít tụng kinh, chỉ tụng một bài Bát Nhã ngắn thôi.
Từ kinh Kim Cang, Viên Giác, Lăng Nghiêm... Phật đều nhắm thẳng vào sáu căn để chỉ dạy. Tới Lục Tổ thấy rõ nếu sáu căn không vướng mắc sáu trần, là gốc để thành Phật. Cho nên sau này ngài dạy lại các đồ đệ. Đường lối của Thiền tông rõ ràng như vậy.
Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch ở Trung Hoa là Tổ tông Quy Ngưỡng, tới hỏi đạo hòa thượng Trung Ấp. Ngài Trung Ấp ngồi trên giường thiền, ngài Ngưỡng Sơn đảnh lễ xong thưa: “Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật tánh?”. Ngài Trung Ấp nói: “Tôi sẽ vì ông nói một thí dụ. Có cái lồng sáu cửa, trong đó nuôi một con khỉ. Ở ngoài có con khỉ khác tới kêu chéo chéo, con khỉ ở trong cũng đứng dậy kêu chéo chéo. Tới mỗi cửa kêu, ngoài kêu thì trong ứng, đều đều như vậy”. Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Bạch Hòa thượng nếu con khỉ ở trong ngủ thì sao?”. Ngài Trung Ấp từ giường thiền bước xuống tới vỗ vai ngài Ngưỡng Sơn nói: “Chúng ta thấy nhau rồi!”.
Con khỉ bên trong ngủ, thì bên ngoài có kêu cũng không dính dáng gì. Đó là để chỉ cho Phật tánh. Phật tánh hiện khi nào ý thức không chạy theo hòa hợp sáu căn. Khi tiếp xúc với ngoại cảnh mà không chạy theo thì Phật tánh hiện tiền. Khi nói khỉ ngủ rồi là ngài biết “thứ thiệt” nên vỗ vai nói “chúng ta thấy nhau rồi”. Như vậy nhà thiền nói không khác kinh điển để chỉ cho chúng ta thấy cái tu gốc từ sáu căn.
Có nhiều người thắc mắc, sáu căn nhiễm sáu trần, làm sao gỡ đây? Luôn luôn mắt thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu, tai nghe tiếng liền phân biệt hay dở. Mắt thấy, tai nghe, lưỡi nếm, mũi ngửi mùi... liền có phân biệt. Cái dễ thấy nhất là con mắt. Như người nam nhìn thấy một người nữ xinh đẹp, vừa nhìn đã phân biệt đẹp như thế này, đẹp như thế kia. Cái phân biệt đó đưa mình tới chỗ dính mắc. Nếu thấy cô đó như cô đó thôi, có sao thì mặc kệ không phân biệt gì nữa thì không dính mắc, còn thấy mà phân biệt đẹp thì dính cứng. Như vậy vướng mắc là từ phân biệt.
Chúng ta biết cái gốc là do niệm dấy lên phân biệt đó gọi là vọng tưởng, vọng thức. Từ những niệm đó có thương, có ghét, có buồn, có giận... Giả sử thấy một người nữ, dấy niệm phân biệt, người đó đẹp thấy dễ thương là đã vướng mắc. Muốn gỡ cái vướng mắc đó thì phải làm sao? Phải học ở đức Phật, khi các thiếu nữ do Ma vương hóa hiện thật đẹp tới dụ dỗ Ngài, Ngài nói: “Đãy da hôi thúi. Đi, ta không dùng”. Thấy người đó bên ngoài thì đẹp nhưng chỉ là đãy da chứa toàn đồ nhơ nhớp. Thấy tột được lẽ thật đó thì nó hết dụ mình. Đó là gỡ cái vướng mắc.
Tất cả bệnh của chúng ta Phật đều dạy cách trị, nhưng vì chúng ta không ứng dụng. Nếu thấy một người đẹp ở trước mặt nhớ lời Phật dạy đó là đãy da hôi thúi, mà sự thật là như vậy. Bên ngoài chỉ bọc lớp da, bên trong toàn chứa những thứ gớm ghiếc. Người có đẹp mấy mà khạc ra hoặc hỉ mũi cũng thấy gớm, vì biết đó là một đãy da hôi thúi, không có gì quý trọng. Thấy đúng lẽ thật thì vọng tưởng hết, nếu cứ tưởng theo cái điên đảo của chúng sanh thì vọng tưởng không bao giờ hết. Đó là gỡ mắt thấy.
Thấy hoa đó đẹp quá nhưng mai mốt rồi cũng tàn, không có gì là thật là thường còn, tạm qua rồi mất. Nhờ trí tuệ thấy các pháp đúng như thật nên không nhiễm, không dính. Đó là ở mắt. Ở tai, nghe âm thanh êm dịu thì thấy thích, thích nghe những bài ca tiếng hát. Những âm thanh đó là vô thường qua rồi mất, đừng để ý nó thì thôi, không bị dính mắc. Đến mùi thơm, mùi hôi qua mũi mình cũng vậy. Mùi thơm qua rồi một chút cũng mất. Tất cả đều là vô thường không có gì quan trọng. Từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mình đều biết rõ, những pháp trần đó đều không thật chỉ là tạm bợ.
Ngày xưa, Phật dạy các thầy Tỳ-kheo, thấy những người nữ dễ thương, tâm bất an thì phải quán bất tịnh. Quán bất tịnh có hai cách. Bên Ấn Độ có Thi Lâm là chỗ để thây người chết không chôn. Tới đó quán để thấy thân con người nhơ nhóp để mình chán gớm. Nếu không ở gần Thi Lâm thì quán thân mình nhơ nhớp từ đầu đến cuối. Đó là để gỡ những cái vướng mắc do sáu căn gây ra.
Thiền sư thường dùng câu “thấy như mù, nghe như điếc”. Thấy mà không vướng mắc không chú tâm, thấy như không thấy cho nên nói thấy như mù, nghe mà không quan tâm nên nói nghe như điếc. Như vậy có quyền thấy nghe đủ hết, sáu căn có quyền biết hết, nhưng không vướng mắc vì không tâm, không để ý. Nghe qua rồi bỏ, thấy qua rồi bỏ, đó là tình thần của nhà thiền.
Tu quán là tinh thần của kinh điển, dạy cho mình gỡ lần. Nếu tu theo Thiền tông, ai cứng cỏi thì “thấy như mù, nghe như điếc”. Thấy nghe tất cả nhưng không vướng mắc. Chúng ta tu là phải biết đường lối mình tu như thế nào để được giải thoát, nếu làm lệch đi thì phải trầm luân.
Tu là phải cương quyết làm cho được những gì mình biết. Người xuất gia phải là một chiến sĩ oanh liệt. Người xưa có câu “Xuất gia giả, phi tướng tướng chi sở năng vi”, người xuất gia không phải tướng văn tướng võ có thể làm được, mà là người cương quyết phi thường, thế gian không bỏ được nhưng mình bỏ được. Vì vậy hãy nêu ý chí mãnh liệt, lúc nào cũng quyết thắng không chịu thua thì khả dĩ mới thành công. Đừng nghĩ đời mạt pháp tu sơ sơ được rồi. Mình quyết tu thì có ngày thành công ít nhiều cũng thành công.
Đó là lẽ thật tôi muốn chỉ cho quý vị thấy để biết mà tu. Nhiều khi chúng ta tu mà không biết, tên cứ tính ngày tính tháng tính năm. Năm nay tôi tu được 5 năm 7 năm, thọ Tỳ-kheo được hai ba tuổi rồi. Đó là tính với mình chứ tính với Phật thì không được. Phải cương quyết, nhất định phải tiến, không lôi thôi được.
Đó là tôi nói rõ từ kinh qua thiền, cho thấy gốc của thiền là ở kinh, nhưng đi sâu một chút thì thấy không có sự cách biệt. Vậy Thiền tông phát xuất từ đâu? Vị Tổ đầu tiên là ngài Ca-diếp, ngài ngộ cái mà làm tổ? Trong hội Linh Sơn, đức Phật muốn thử xem ai lãnh hội được điều Ngài muốn chỉ. Ngài đưa cành hoa sen lên nhìn từng người. Ai cũng ngơ ngác nhưng khi nhìn tới ngài Ca-diếp thì Ca-diếp mỉm cười, Phật liền ấn chứng cho.
Đưa cành hoa sen lên, đưa mắt nhìn, ngài Chân Nguyên gọi là “tứ mục tương cố”. Ca-diếp nhìn Phật cười có nghĩa là con hiểu thầy rồi, đức Phật liền thọ ký. Khi thọ ký Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, trao cho Ca-diếp”. Ngày xưa đọc câu đó tôi thấy như thần chú, không hiểu nổi, nhưng bây giờ hiểu rõ như ban ngày. Chánh pháp nhãn tạng là kho con mắt, thật tướng mà vô tướng là không có tướng mà không lúc nào vắng, nay trao cho Ca-diếp. Thật quá rõ ràng, từ cái nhìn của mắt mà Phật thọ ký cho làm tổ. Từ trước tới sau một mạch thủy chung. Còn không, nói Thiền tông sao quái gở quá, không nói gì hết chỉ đưa cành hoa lên nhìn cười rồi thọ ký.
Tới ngài A-nan, A-nan hỏi ngài Ca-diếp: “Thế Tôn ngoài truyền y bát cho sư huynh còn truyền cái gì nữa không?”. Ngài Ca-diếp gọi: “A-nan!”. A-nan: “Dạ”. “Cây phướn trước chùa ngã”. Tại sao “cây phướn trước chùa ngã”? Lâu nay mình không hiểu, nhưng kêu liền dạ, là cái đó đó, ứng thinh trả lời không suy nghĩ. Câu kia chỉ để đánh lừa thôi. Ngài A-nan liền ngộ. Như vậy rõ ràng truyền ở mắt, ở tai.
Chúng ta có đủ tai mắt nhưng không dám dùng, không dám nhận nó mà theo tam bành lục tặc dẫn chạy tới chạy lui cả ngày không rảnh. Thật ra chúng ta có đủ tất cả những cái hay, cái tốt, cái siêu thoát, không thiếu bao giờ. Cho nên đạo Phật thực tế không thể tưởng, không phải dạy mình đi tìm cái gì đâu xa mà khai thác cái sẵn nơi mình. Cái sẵn ở mình chịu khó khai thác là được mà không chịu, cứ đòi về Cực Lạc để gặp Phật, còn Phật của mình ở đây lại bỏ quên. Cho nên tất cả kinh đều nói, chúng ta có viên ngọc quý mà không biết dùng.
Như vậy, việc tu của mình mới nhìn thấy như mơ hồ, không cụ thể vì không làm lợi ích cho ai, nhưng đi sâu mới thấy việc làm phi thường. Giả sử bị ai cười, mình cũng cười thôi, vì biết họ không hiểu. Việc làm của mình không phải là việc trẻ con mà siêu thoát phi thường, người tầm thường không hiểu cũng phải thôi, không trách gì họ.
Tất cả chư Tăng phải có cái thấy thấu đáo, không nên tu một cách hững hờ, để hết ngày hết tháng rồi tính với Phật. Nhiều khi tôi thấy một mùa An cư không thấm vào đâu hết, cũng lật bật rồi qua, không có gì. Việc quan trọng là mình quyết tâm tu, tu cho được, tu cho đến nơi.
Chúng ta nhìn lại trong sử Phật, sử Thiền tông không khác chút nào. Như tướng quốc Bùi Hưu đến hỏi ngài Hoàng Bá: “Hình ở đây, cao tăng ở đâu?” Ngài Hoàng Bá gọi: “Bùi Hưu!”. Bùi Hưu: “Dạ”. Ngài hỏi: “Ở đâu?”. Ông liền ngộ.
Như vậy, cái thuật chỉ thẳng ở mắt ở tai, nhà thiền dùng rất nhiều. Ngài Quy Sơn, khi có ai tới hỏi đạo, ngài đưa phất tử lên. Không biết tại sao đưa phất tử? Hiểu được gốc ngọn của người tu thiền, từ kinh điển qua đức Phật tới chư tổ, cho tới ngày nay trọng tâm nhắm thẳng vô đó.
Tu thiền có thực tế bằng tụng kinh cầu nguyện cho người không? Tụng kinh cầu nguyện là tốt, nhưng không ai dám bảo đảm kết quả. Còn tu thiền là khơi lại cái chân thật đang bị khuất trong ta, gỡ những mối rối ràng buộc, để mai kia chúng ta có con đường đi, giải thoát sanh tử rõ ràng. Không phải tu chỉ để có hình thức tụng kinh ngồi thiền thôi, mà ngoài giờ ngồi thiền chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ ứng dụng. Được như vậy thì việc tu mới tới nơi chốn, còn chờ giờ ngồi thiền tụng kinh mới tu thì ít quá.
Trong 24 giờ mà ngồi thiền có sáu tiếng, tụng kinh khoảng một tiếng, còn những giờ khác để làm gì? Phải thật làm những gì mình đang nguyện làm. Nhiều khi mình dối mình nhiều lắm, ai tới khen thầy ở đây tu hành tinh tấn mình cũng vui, nhưng thật ra cũng có những giờ nói dóc, cũng có những giờ vọng tưởng. Nhiều khi ngồi ở đây mà tâm chạy ra ngoài Bắc trong Nam đủ chỗ.
Cho nên chúng ta phải khéo, luôn luôn điều chỉnh mình, vừa có ý niệm sai lầm, có ý nghĩ gì ngoài chuyện đạo đức thì chặn đứng lại. Tu như vậy khả dĩ ngày nào đó mình sẽ có những lợi ích lớn, còn không thì không có lợi ích. Nên nhớ tất cả chúng ta không ai có đầy đủ phước, muốn gì được nấy, muốn thành Phật liền thành Phật, muốn thành thánh lên thành thánh, mà phải dụng công tu hành cực khổ, phải hy sinh cả cuộc đời mới có thể làm được. Tôi nói để chư Tăng biết rõ trọng tâm của sự tu. Các huynh đệ bây giờ tu còn có người nhắc nhở, còn tôi tu mới khó, không ai nhắc nhở.
Tôi có cái bệnh là làm gì phải làm tới nơi, làm cho được, không chịu làm để mà có làm thôi. Cho tên khi thấm nhuần được lý thiền, từ buổi ban sơ cho tới lúc chuyên tu, tôi thấy lợi ích cụ thể rõ ràng đối với bản thân tôi, có những bước tiến không ngờ, nên tôi nghĩ huynh đệ ai tu cũng quyết tâm như tôi thì chắc rằng sẽ có sự tiến bộ. Vì những việc sẽ tới mình không biết trước, có thể cứ tu rồi bỗng dưng nó đến, nhất định quyết tâm thì được.
Từ con số không, không biết gì về thiền, tôi lần mò ra mà tu được. Tôi tìm trong kinh sách, gom lại để làm chứng cho mấy huynh đệ học biết, thật không phải là chuyện dễ. Việc làm của tôi, lúc mới đầu ít có người hưởng ứng, càng lâu thì được nhiều người ủng hộ. Như vậy mới thấy quyết tâm của mình, dù khó mấy cũng làm được. Nếu chưa ai thông cảm mà mình làm cho đúng, đừng tranh luận hơn thua, chỉ lo tu thôi, thì có một ngày người ta sẽ hiểu mình.
Từ đầu ở Chơn Không không có gì mà gầy dựng tới bây giờ. Nói về hình thức, với số Tăng sĩ vượt bậc, nói về tâm của người Phật tử và những người không phải Phật tử, đối với đường lối tu của mình, từ không biết gì, từ chống đối, nhưng bây giờ biết thì họ thương. Đó không phải là chuyện dễ, ngồi gẫm lại thật là cay đắng, không phải thường.
Như qua bên Mỹ, nếu không bị mấy lần biểu tình thì chắc người ta cũng không biết tôi nhiều. Thiên hạ biết tôi nhiều là qua câu nói của tôi. Người ta hỏi: “Có những người chống đối Thầy, Thầy nghĩ sao về những người đó?”. Tôi trả lời: “Tôi từng nói, trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm thôi”. Qua câu nói này, mà nhiều người quý mến tôi. Chỉ vì người ta chưa thông cảm nên có chuyện, thông cảm rồi thì là anh em.
Phàm làm việc gì với tâm chỉ lo nghĩ cho đạo, không oán thù giận hờn, không phiền trách ai hết thì mọi việc đều tốt, từ dở biến thành hay. Cho nên quyết tâm là việc quan trọng, phải có lòng rộng rãi tha thứ cảm thông, đừng chấp nê. Đó là điều thực tế để huynh đệ thấy rằng, mình đừng thù oán với ai. Có bị người mắng chửi là vì họ chưa hiểu mình. Mình không ghét không thù mà họ chửi mình là lý do gì? Do họ hiểu lầm, từ từ họ sẽ thông cảm.
Người chân chánh tu hành, dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào, cũng ráng ẩn nhẫn bỏ qua, đừng quan trọng mình, để rồi sanh thù oán. Nhờ tâm đó mà tôi làm Phật sự được tới ngày nay. Những việc tôi làm được quá sức tưởng tượng, tôi không ngờ mình làm được như vậy. Cái không ngờ đó là do lâm, vì mình không cố chấp, không oán thù, không hại ai thì tâm từ từ thành rộng lớn.
Vì vậy tôi nhắc chư Tăng ráng tu, mai mốt làm Phật sự cũng phải có tâm như vậy. Đừng thấy người này là đối địch, nhóm kia là kẻ thù, ai sao mặc họ, mình cứ lo tu. Người ta chưa hiểu mình thong thả họ sẽ hiểu sau, không cần phải trả lời hơn thua gì cả. Việc mình mình cứ làm, không hổ thẹn con đường mình đã chọn, chỉ cố gắng đi cho tới nơi tới chốn.
Chúng ta tu mà nghe ai phê bình chỉ trích, bực bội chống cự lại thì rốt cuộc cũng không đi tới đâu. Điều quan trọng là làm sao sáu căn đừng nhiễm sáu trần, để giải thoát sanh tử, đó mới là việc lớn. Còn hơn thua phải quấy thế gian chỉ là trò chơi trẻ con, không có gì quan trọng. Tất cả chúng ta tu là cốt làm sao được giải thoát, không phải tu để giành hơn thua, tu để cho người ta khen.
Mục đích của tôi nói chuyện hôm nay, quý vị thấy dễ hiểu hay khó hiểu? Dễ tu hay khó tu? Thật ra, đừng mặc cảm người ta làm được mình làm không được. “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”, người ta trượng phu, mình cũng trượng phu. Đừng nói người có tài, còn mình bất tài, vì ai cũng làm được. Biết như vậy, nhớ như vậy, thì trên đường tu sẽ được kết quả tốt.
Các bài mới
- Tu Thiền Là Cội Gốc của Đạo Phật - 15/03/2023
- Tổ Sư Thiền - 28/02/2023
- Mục đích của tôi - 19/01/2023
- Tin tâm - 18/01/2023
- Chỉ một chữ "Biết" - 26/12/2022
Các bài đã đăng
- Giác Ngộ và Giải Thoát - 22/09/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 08) - 29/07/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 07) - 12/07/2022
- Những cánh hoa đàm (Phần 06) - 09/06/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 05) - 21/03/2022
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05422
- Online: 22