Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 1)
21/08/2017 | Lượt xem: 3836
TT.Thích Thông Phương dịch và thuyết giảng
LƯỢC DẪN
Lâu nay, người học thường nghe nói Quy Sơn Cảnh Sách là dành để dạy cho hàng Sa-di mới vào chùa. Nhưng không phải vậy! Mà cả các vị Tỳ-kheo, Sa-di cũ hay mới đều cần phải học. Bởi Tổ Quy Sơn là một vị Tổ của Thiền tông, thuộc tông Quy Ngưỡng, là một tông lớn trong năm tông của Thiền. Cho nên, tác phẩm của Sư viết ra đâu phải chỉ để chỉ dạy cho hàng Sa-di.
Cảnh Sách là sao? Chữ Sách là cây roi. Cây roi này dùng để răn nhắc Tăng chúng tu hành cho xứng đáng là bậc xuất gia cầu giải thoát. Nên Sư soạn cảnh sách này là chung cho tất cả Tăng chúng chứ không phải dành riêng cho hàng Sa-di. Lâu nay, bộ Cảnh Sách này thường ghép chung trong bốn bộ Luật tụng của Sa-di nên thường bị hiểu lầm Quy Sơn Cảnh Sách là để dạy cho hàng Sa-di.
Sự thật khi học Văn Cảnh Sách này rồi chúng ta mới thấy trong lòng phát sanh những cảm kích lớn. Chính tôi, mỗi lần đọc Quy Sơn Cảnh Sách, vẫn thấy có một độ cảm rất mạnh, không phải thường. Nhưng nếu chỉ đọc suông hay là đọc để chấm điểm thì sẽ thấy thường. Còn học mà đọc từ trong tâm đọc ra thì mới thấy được những ý sâu mà Sư muốn nhắc, muốn dạy.
Ở đây, muốn nhắc để tất cả Tăng chúng có ý thức và học kỹ, nhờ vậy sẽ có lợi ích lớn lao trên đường tu của mỗi người.
LƯỢC SỬ TỔ QUY SƠN
Trước nói qua về lịch sử của Tổ Quy Sơn. Tổ Quy Sơn hay Thiền sư Linh Hựu, hiệu là Đại Viên. Chữ “Đại Viên” là hiệu của vua ban sau khi Sư tịch. Còn chữ “Quy Sơn” là vì Sư ở tại núi Quy. Vì người tôn kính nên gọi Sư là Hòa thượng Quy Sơn, hay Tổ Quy Sơn.
Sư họ Triệu, quê ở huyện Trường Khê, Phước Châu. Chữ Châu là tên hành chánh của một địa phương, nói Phước Châu là đọc quen theo từ Hán Việt, đúng ra phải nói là Châu Phước.
Năm 15 tuổi, Sư từ giã cha mẹ xuất gia theo Luật sư Pháp Thường ở chùa Kiến Thiện tại quận nhà. Sau thọ giới ở chùa Long Hưng-Hàn Châu. Như vậy, Sư xuất gia từ bé, là bậc đồng chơn nhập đạo.
Có sách ghi kỹ là ban đầu Sư theo hầu Luật sư Pháp Thường, sau mới học Tỳ Ni với Luật sư Nghĩa Tân ở Tiền Đường. Buổi đầu, Sư vào tu trong ngôi chùa giới luật tinh nghiêm nên học luật rất kỹ và thấy được ý nghĩa của Luật học. Sư học thông cả kinh luật Tiểu thừa, Đại thừa, tức thông về Giáo môn.
Năm 23 tuổi, một hôm Sư tự than: “Tột đến chỗ luận bàn của chư Phật tuy là diệu lý sâu xa, nhưng rốt ráo chưa phải là chỗ ta nhắm đến”, vì vậy Sư mới đi tìm học thêm Phật pháp.
Sư không hài lòng về sự học trên giáo lý mà muốn tiến sâu hơn, nên nghĩ còn có một cái gì sâu xa chứ không phải chỉ ở trên những nghĩa giải đó, phải sáng được cái gì nữa kìa. Để thấy chủng tử Bồ-đề sâu dày hay chủng tử Thiền tông đã thúc đẩy Sư.
Rồi, Sư đến Thiên Thai lễ di tích của Đại sư Trí Khải, Tổ của tông Pháp Hoa hay tông Thiên Thai, cùng đi theo có mấy vị tăng. Khi đến Đường Hưng thì gặp một ẩn sĩ đến cầm tay Sư cười lớn rồi nói: “Đời khác có duyên, già mà càng sáng rỡ, gặp Đàm thì dừng, gặp Quy thì ở”.
Đây giống như lời huyền ký. Ẩn sĩ này chính là Hàn Sơn Tử, là hóa thân của Bồ-tát Văn-thù. Có sách ghi là Tổ Quy Sơn trên đường gặp Ngài Hàn Sơn làm giống như tiếng cọp rống, và nói: “Ông cùng với ta ở nơi hội Linh Sơn, ông năm đời làm Quốc vương, quên rồi hay sao?”. Tức là Ngài Quy Sơn cùng với Ngài Hàn Sơn từng dự trong hội Linh Sơn. Cho nên, nhiều khi chúng ta thấy những vị hiện tướng bên ngoài bình thường, nhưng đâu biết là những bậc Hiền thánh tái lai.
Khi Sư đến chùa Quốc Thanh thì gặp Ngài Thập Đắc. Trong chùa, Ngài Thập Đắc không trọng ai hết, nhưng khi gặp Ngài Quy Sơn thì lại trọng riêng với Sư.
Vị tăng chủ trong chùa mới trách Ngài Thập Đắc là có tâm thiên lệch. Tại sao trong đây bao nhiêu vị tăng không trọng mà lại trọng ông tăng này?
Ngài Thập Đắc bảo: “Đây là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, chẳng đồng với người thường”. Lúc đó, Sư chỉ là vị tăng bình thường, chưa biểu lộ hiện tướng gì hết, mà các vị này biết trước nhân duyên của Sư.
Sau đó, Sư đi Giang Tây lễ Tổ Bá Trượng, rồi dừng ở đây tham học. Tức là khế hợp nhân duyên nơi Tổ Bá Trượng nên dừng lại.
Một hôm, Sư đứng hầu Bá Trượng.
Bá Trượng hỏi:
- Ai?
Sư thưa:
- Con, Linh Hựu.
Bá Trượng bảo:
- Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?
Sư vạch ra rồi thưa:
- Không có lửa.
Ngài Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được một chút lửa, đưa lên chỉ cho Sư, nói:
- Ngươi bảo là không, vậy cái này là cái gì?
Sư nhân đó phát ngộ lễ tạ, trình bày chỗ giải ngộ của mình.
Chính chỗ này là chỗ sâu xa trong nhà Thiền. Trước kia, có lần tôi đọc một tư liệu của những học giả nghiên cứu về Thiền. Đến những đoạn này thì họ bình là bởi vì trước đó Sư vạch chưa sâu, đến lượt Tổ Bá Trượng vạch sâu vào nên thấy được lửa. Vì vậy, người muốn ngộ là phải vạch sâu vào trong đó. Đây đúng là tính cách học giả nghiên cứu, còn người hành giả nhà thiền thì khác. Sư ngộ đâu phải ở chỗ nghiên cứu sâu hoặc vạch sâu tìm kiếm?
Đây cần phải thấy được ý nghĩa chính yếu ở chỗ “đưa cái đóm lửa lên”. Khi Tổ Bá Trượng đưa đóm lửa lên hỏi: “Ông bảo không, vậy cái này là cái gì?”. Chỗ đó mới là chỗ quan trọng, chứ không phải chỗ vạch sâu, vạch cạn. Chỗ vạch sâu đã qua mất rồi. Chỗ này mới là thực tế. Đưa ngay trước mặt ông, ông nhìn thấy rõ ràng đây nè! Phải thấy được chỗ đó. Sư ngộ chính chỗ đó. Về sau khi ra giáo hóa, Sư thường đưa cây phất tử lên khai thị cho người. Cũng như trước kia Mã Tổ chỉ bầy le le bay trên trời khai thị cho Tổ Bá Trượng. Thì ở đây Tổ Bá Trượng lại đưa đóm lửa lên truyền đạt lại cho Sư. Học rồi chúng ta thấy chư Tổ có sự liên hệ với nhau, Tổ Bá Trượng thì đưa đóm lửa, còn Sư đưa phất tử lên.
Khi đó Tổ Bá Trượng bảo:
- Đây là con đường rẽ tạm thời. Trong kinh nói: muốn thấy Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến thì như mê chợt ngộ, như quên chợt nhớ, mới tỉnh vật của chính mình không từ bên ngoài mà được.
Ngộ như là nhớ trở lại vật của mình từ xưa đã quên, nên không phải là từ bên ngoài mà được. Cái sẵn nơi mình mà quên nay nhớ trở lại vậy thôi. Ngộ là vậy, chứ không phải ngộ là được cái gì khác.
Tổ nói thêm:
- Cho nên Tổ Sư bảo “ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”, chỉ là không tâm hư vọng, phàm thánh v.v… Xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy tự khéo giữ gìn.
Tổ bảo ngộ rồi nhưng phải khéo giữ gìn, chứ không phải ngay đó là xong rồi tự mãn. Chúng ta thấy người xưa dạy rất kỹ, không phải nghe nói kiến tánh thành Phật, ngay cái thấy đó thì đủ rồi. Mà còn phải bảo dưỡng tức là giữ gìn để sống cho được trọn vẹn trong đó. Nên đây mới là con đường rẽ tạm thời giữa mê và ngộ chứ chưa phải là rốt ráo. Tức là cần phải sống trở lại cho được trọn vẹn nữa.
Có lần Sư theo Ngài Bá Trượng đi làm việc trong núi, Bá Trượng mới hỏi:
- Đem được lửa đến chăng?
Sư thưa:
- Đem được.
Bá Trượng hỏi:
- Ở chỗ nào?
Sư cầm một cành cây thổi vài cái đem trao cho Tổ Bá Trượng. Bá Trượng bảo:
- Như trùng đục cây.
Chúng ta thấy thầy trò tuy làm việc, nhưng chính những lúc làm việc cũng không để tâm phân tán mà luôn luôn tham Thiền, luôn lấy đạo lý để khai thị cho nhau.
Vậy thì lửa ở chỗ nào? Cái gì biết thổi vào đó? Đây nhắc lại cho tất cả thấy lẽ thật nơi chính mình, chứ không phải ở nơi cành cây. Ý của Tổ Bá Trượng cũng không phải muốn được lửa, mà muốn nhắc chỗ thấy của chính mình.
Ngài Tư Mã Đầu Đà, người Hồ Nam giỏi về địa lý, đến yết kiến Tổ Bá Trượng, thưa:
- Quy Sơn là thắng cảnh nên lập đạo tràng kết tập bạn pháp.
Tổ Bá Trượng hỏi:
- Vậy lão Tăng muốn đến Quy Sơn có nên chăng?
Tư Mã Đầu Đà nói:
- Quy Sơn kỳ tuyệt có thể họp 1.500 chúng, nhưng chẳng phải chỗ ở của Hòa thượng.
Tổ Bá Trượng hỏi:
- Sao vậy?
Ngài Tư Mã Đầu Đà nói:
- Hòa thượng là người xương, còn núi kia là núi thịt, dù có ở đồ đệ chẳng đầy một ngàn.
Tổ Bá Trượng hỏi:
- Vậy trong chúng có người nào được chăng?
Tư Mã Đầu Đà nói:
- Phải đợi xem qua mới biết.
Bá Trượng sai thị giả gọi ông Đệ nhất tòa tức Thiền sư Hoa Lâm đến, hỏi:
- Vậy người này thế nào?
Đầu Đà bảo Ngài Hoa Lâm tằng hắng một tiếng, đi vài bước xong, mới thưa:
- Người này không được.
Bá Trượng sai thị giả gọi Điển tọa tức Thiền sư Linh Hựu đến, Đầu Đà thưa:
- Đây chính là chủ Quy Sơn.
Tối đến, Bá Trượng gọi Sư vào thất dặn dò:
- Ta hóa duyên tại đây, ngươi sẽ ở thắng cảnh Quy Sơn để nối tiếp Tông môn của ta và rộng độ kẻ hậu học.
Chúng ta thấy mỗi người có một nhân duyên, chứ không phải muốn mà được. Tổ Bá Trượng hỏi Tư Mã Đầu Đà: “Tôi lên ở đó được không?”. Ngài Tư Mã nói Hòa thượng là người xương, là cái gốc là cốt cán, còn núi kia chỉ núi thịt không thích hợp với Ngài. Rồi Ngài Hoa Lâm là đệ nhất tòa, là bậc trên trước trong chúng nhưng không được cử đi. Còn Ngài Linh Hựu chỉ là Điển tọa, là bậc sau nhưng được cử đi.
Cho nên học sử người xưa để chúng ta thấy rằng mình không nên sanh tâm muốn này muốn kia, thấy mình là chúng lớn mà không cử đi, lại cử người sau đi làm Phật sự rồi sanh tâm ganh tị là không tốt.
Bởi vì các bậc Thầy sáng suốt đều thấy được nhân duyên khế hợp của mỗi người. Người khế hợp ở đây thì ở đây, người khế hợp ở kia thì ở kia. Hoặc là người có duyên để làm trách nhiệm này, người có duyên làm trách nhiệm kia, mỗi người có đều nhân duyên. Quan trọng là ở vị trí nào đều làm tròn trách nhiệm đó, là thành công. Còn muốn theo ý muốn của mình nhiều khi trái với chỗ nhân duyên của mình thì lại không thành công, mà thêm sanh Cái Ngã trong đó!
Trong nhà Thiền có câu chuyện về một Thủ tọa ngộ đạo. Khi đó, thầy của Thủ tọa dặn: “Nhân duyên và phước của ông hơi mỏng nên phải lo ẩn tu bồi dưỡng, đừng ra trụ trì, giáo hóa”.
Vị này vâng lời, nhưng thời gian sau có người đến tha thiết thỉnh cầu Sư trụ trì ngôi chùa địa phương nọ. Sư không từ chối được. Không lâu sau, ngôi chùa bị hỏa hoạn cháy. Sư thức tỉnh không dám trái lời thầy dạy, chỉ lo tu.
Cũng như Thanh Tố ở với Ngài Từ Minh, được ngộ đạo. Nhưng Ngài Từ Minh dặn: “Thôi, ông hãy ở ẩn đừng ra độ người”. Khi gặp Ngài Chân Tịnh, lúc ăn trái vải, Sư vì khai thị cho Ngài Chân Tịnh. Khai thị rồi lại nói: “Thôi, tôi thấy ông có duyên thì trợ giúp, nhưng tôi không làm thầy ông”.
Các Ngài là vậy đó, còn chúng ta nhiều khi ham làm thầy thì lại trái với nhân duyên của mình. Cho nên chúng ta cần phải học hạnh người xưa để rút kinh nghiệm.
Ở đây cũng vậy, Ngài Hoa Lâm là Đệ nhất tòa nhưng không được cử đi, còn Ngài Quy Sơn chỉ là Điển tọa, Điển tọa như tri khố coi kho nhà bếp, nhưng mà được cử đi.
Khi đó, Ngài Hoa Lâm hay biết nên không vui, đến thưa:
- Con là thượng thủ, sao Linh Hựu lại được trụ trì?
Tổ Bá Trượng bảo:
- Nếu vậy, ai ở trong chúng này nói được một câu xuất cách thì ta sẽ cho đi trụ trì.
Tổ mới chỉ cái tịnh bình hỏi:
- Chẳng được gọi là tịnh bình, thì gọi là cái gì?
Cái tịnh bình mà không cho gọi là tịnh bình, vậy gọi là cái gì?
Ngài Hoa Lâm nói:
- Không thể kêu là khúc cây lủng.
Ngày xưa, người ta lấy khúc gỗ đục thành tịnh bình đựng nước. Nên Ngài Hoa Lâm nói không thể gọi là khúc cây lủng.
Tổ Bá Trượng lại hỏi Ngài Linh Hựu, Sư tới đạp nhào cái tịnh bình rồi đi, không nói gì hết.
Tổ Bá Trượng cười bảo:
- Vậy thì Đệ nhất tòa thối lui núi này rồi.
Mới thấy căn cơ của Ngài Linh Hựu bén nhạy. Nên Tổ Bá Trượng mới sai Ngài Linh Hựu đến Quy Sơn. Nhưng đến Quy Sơn đâu phải là sẵn có chùa rồi lên đó trụ trì.
Non Quy cao vót không có bóng người lai vãng, là hang ổ của cọp sói. Sư đến đây cất một am tranh, hàng ngày lượm trái lật, trái dẻ làm thức ăn nuôi sống.
Vậy buổi đầu, Sư đến núi Quy rất là cực khổ, không phải đến là liền có chùa ở, dần về sau mới khai hoang lập thành chùa. Khi đó vì còn hoang sơ không người biết nên đâu có ai đem vật phẩm lên cúng. Mỗi ngày, đều phải lượm trái lật, trái dẻ ăn, như vậy trải qua bảy năm. Mới thấy ý chí người xưa kiên nhẫn đáng nể phục.
Một hôm, Sư tự nghĩ: “Đạo là cốt tiếp vật lợi sanh, ở một mình chẳng phải”. Sư bèn đi lần xuống núi thì thấy cọp, sói, Sư mới bảo: “Nếu ta có duyên với núi này thì các ngươi nên tránh đi chỗ khác; còn nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt ta”. Nói xong thì các loài thú dữ đều đi tứ tán hết, Sư trở về am ở yên như trước.
Đúng là các bậc vô úy. Đi xuống núi gặp cọp sói, Sư cũng không sợ, bảo thẳng: “Nếu ta có duyên ở núi này thì các ngươi nên tránh đi! Còn nếu không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt!”. Tinh thần vô úy của Sư là như vậy.
Không bao lâu, dân chúng dưới chân núi dần hay biết nên rủ nhau kéo lên cất chùa cho Sư. Đến khi ấy mới bắt đầu có chùa. Về sau, Liên soái Lý Cảnh Nhượng tâu vua xin ban hiệu chùa, vua ban hiệu là Đồng Khánh. Kế đến có thượng tọa Đại An và một số chúng từ Bá Trượng đến phụ tá cho Sư.
Đại An nói:
- Tôi sẽ làm Điển tọa cho Hòa thượng.
Từ đó, số chúng lần lên đến cả ngàn. Tướng quốc Bùi Hưu cũng thường tới lui thưa hỏi chỗ huyền áo.
Trên đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm gì? Người tu sáng cái thật bên trong rồi thì khi đủ duyên người ta sẽ tự tìm đến. Đừng sợ người ta không biết mình. Mình có cái thật bên trong thì cứ sống với cái thật bên trong, khi đủ duyên người ta biết người ta tìm đến. Có những trường hợp mình không muốn ra thì Long thần, Hộ pháp cũng đẩy mình ra, khỏi cần lo. Còn chưa có gì mà cứ lo nhào ra cho có danh, nhiều khi không được hay. Cho nên tu chưa được gì thì cứ tiếp tục tu khi duyên đến thì sẽ đến. Nhà Nho có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương” giống như vậy.
Cũng như Ngài Đức Sơn, khi tu ngộ rồi đâu phải ra giáo hóa liền. Sư cũng ẩn trong núi, đến khi có người thỉnh, Sư còn không ra. Lúc đó, ông Thái thú bày kế cho người đem muối bỏ trong chỗ Sư ở, rồi phao lên là Sư trộm bán muối lậu. Lúc đó quan quân đến dẫn về, buộc lòng phải bị mời ra. Đúng là Long thần, Hộ pháp đẩy ra, tới duyên rồi phải đẩy ra thôi.
Đó là những kinh nghiệm trên đường tu học, chúng ta không phải vội vàng ham danh, chưa gì thích ra làm trụ trì, hoặc là ra làm việc này việc kia cho có tiếng. Nhưng vì chưa đủ duyên của mình thì sẽ đưa đến những cái không hay, mất một phần lợi ích lớn cho mình, cũng như cho người. Ở đây, chúng ta rút kinh nghiệm để thấy rõ là phải cố gắng tu cho vững, khi nhân duyên đầy đủ thì người ta sẽ đến mời.
Một hôm, Sư thượng đường dạy chúng: “Phàm tâm của người học đạo phải ngay thẳng, chân thật không dối gạt, không tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh. Trong tất cả giờ thấy nghe bình thường, không có chìu uốn. Cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được”.
Sư dạy người học đạo là phải ngay thẳng, chân thật, không dối gạt, không có hai lòng. Trước mặt thì nói khác, sau lưng thì nói khác, đó gọi là tâm hạnh sau lưng trước mặt. Phải giữ tâm ngay thẳng, chân thật làm căn bản, đừng để mất sự chân thật.
Thời này, con người dễ đánh mất sự chân thật. Ngay cả người tu trong nhà chùa, nhiều khi cũng xem thường sự chân thật. Nên đây Sư dặn kỹ như vậy.
Chúng ta tu hành học đạo là bỏ giả về thật, để đạt và ngộ được chân tâm. Nếu tâm mình không thật thì làm sao sáng chân tâm được? Không thể đem cái tâm hư dối mà sáng được cái tâm chân thật.
Muốn sáng được tâm chân thật thì tâm mình phải chân thật. Còn tâm mình không thật làm sao sáng được tâm thật? Cho nên cần phải hiểu kỹ, nếu không khéo thì người tu hành thời nay dễ bỏ mất sự chân thật. Đó là kinh nghiệm.
Đây nhắc trong tất cả thời thấy nghe bình thường, không có chìu uốn. Chìu uốn tức là cong queo. Cũng chẳng phải bịt mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng theo vật là được. Tâm phải giữ vững đừng chạy theo vật, để bị vật cuốn lôi. Phải giữ vững tâm của mình.
“- Từ trước chư Thánh chỉ nói bên nhơ bợn là lỗi lầm. Nếu không như thế thì lòng nhiều nghĩ ác là việc tình kiến tưởng lập.” Thường nghĩ đến điều ác, điều xấu đó là thuộc về việc tình kiến tưởng lập, là sống theo tình tưởng.
“- Ví như nước mùa thu lắng đứng trong trẻo lặng lẽ, không động, không ngại, gọi người này là đạo nhân, cũng gọi là người vô sự.” Khéo giữ lòng không chạy theo vật. Đây là yếu chỉ để sống. Nhất là trong thời đại văn minh, vật chất như hôm nay, vật dục bên ngoài lôi kéo làm chóa mắt, nếu tâm mình không vững là bị nó chuyển, nên yếu chỉ này cần phải thực hiện cho chín chắn. Chúng ta cần phải giữ lòng không chạy theo vật, dù cho văn minh vật chất cách mấy đi nữa, vẫn sống giữ mình, giữ đạo.
Khi ấy có vị tăng hỏi:
- Người được đốn ngộ có tu chăng?
Sư bảo:
- Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết. Tu cùng không tu là lời nói hai đầu.
Người thật ngộ được gốc vững vàng, tâm đã sáng tỏ thì tự biết. Người còn tập khí thì phải tu thêm để gạn lọc tập khí. Còn đã sạch hết rồi thì tự biết.
- Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thủy chưa thể chóng sạch, nên dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy.
Nghĩa là người mới có một niệm đốn ngộ, tuy là có chút sáng nhưng tập khí từ nhiều đời nhiều kiếp chưa hết được, thì phải dạy tiếp tục tu để gạn lọc những dòng nghiệp thức đó, tức là tu cho sạch hết tập khí, chứ không phải tu là được cái gì mới.
- Không nói có một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe nhập được lý, nghe và lý sâu mầu, tâm tự tròn sáng, không ở chỗ mê lầm. Hiện thời, dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo, tự biết tạo kế sống. Nói tóm lại, chỗ lý chân thật thì không nhận một mảy bụi, còn trong cửa muôn hạnh thì chẳng bỏ một pháp. Nếu được như vậy là một mình cầm đao thẳng vào, lòng phàm Thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như.
Người tu nếu còn tập khí thì khéo bảo nhậm, gạn lọc những tập khí đó thì cuối cùng hợp được lý tròn sáng, không bị che mờ nữa. Nói tu mà thực không có tu gì hết, tức không có gì để tu, chỉ gạn lọc những tập khí hư dối, khi nó sạch hết thì tự mình sống trở lại cái tròn sáng nơi mình, chớ không phải có thêm cái gì khác.
Hiểu được vậy là có cái nhìn, có chỗ sống vững vàng thì dù cho “trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo”. Tức là người này dù cho có ai đến nói những nghĩa lý sâu xa, hay đẹp cách mấy đi nữa cũng không làm y lay động. Còn người chưa vững thì lâu lâu nghe có ai nói phát minh lý gì hay là chạy đến, đó là lay động bị chuyển theo. Nghe lý này lý kia hay rồi cứ chạy hoài, rốt cuộc không đến đâu hết. Còn người đã nắm vững được cái gốc này thì ai nói gì tâm cũng không nghi mà thành thay đổi. Đó là người vững vàng.
Sư dạy căn bản về chỗ lý chân thật là không nhận một mảy bụi, còn trong cửa muôn hạnh thì không bỏ một pháp. Phải nắm vững điều này gọi là lý sự viên dung. Tức là về lý thì vốn tự thanh tịnh, không có cái để tu, không nhận một cái gì thêm vào trong đó. Lý thật là như vậy. Nhưng về sự thì phải tu đủ muôn hạnh, không cho thiếu phương tiện. Nhờ vậy không bị nghiêng lệch một bên.
Còn người không khéo, mới buổi sáng tu được cái gì đó rồi thì liền bỏ không ngồi thiền, tụng kinh gì hết, cho là bấy nhiêu đó đủ rồi. Đó là chỉ nghiêng về bên lý. Còn người chạy theo hình thức bên ngoài, theo những sự tướng thế này thế kia đủ hết mà bỏ quên lý thật thì cũng bị nó che mờ, cũng nghiêng lệch một bên. Đây phải nắm vững lý này thì không rơi một bên, mới tròn được chỗ đến của mình.
Một hôm, Thiền sư Huệ Tịch (tức Ngài Ngưỡng Sơn) hỏi:
- Trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến thì phải làm sao?
Đây là hỏi về chỗ sống. Tức khi trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến một lượt thì phải làm sao? Nếu đến từng cảnh một thì còn dễ đối phó, bây giờ đến một lượt thì phải làm sao?
Sư đáp:
- Xanh chẳng phải vàng, dài chẳng phải ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ gì đến việc của ta.
Chỉ là như thế. Xanh là xanh, vàng là vàng, cái nào là ở địa vị của nó, không can hệ đến việc của ta, thì đâu có gì khó. Dù cho trăm ngàn vạn cảnh đến thì cũng vậy, cái nào cứ để ở địa vị của nó. Tức là cảnh tự là cảnh, mình chớ sanh tâm trên đó là xong. Còn mình sanh tâm xen vào trong đó mới là sanh chuyện, không sanh tâm vào trong đó thì cái nào ra cái đó đâu có dính dáng gì! Cho nên trăm ngàn muôn cảnh đến mà cũng vẫn an nhiên.
Hỏi:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Sư chỉ cái lồng đèn bảo:
- Lồng đèn rất tốt.
Ngưỡng Sơn nói:
- Đâu chỉ cái ấy là phải sao?
Sư hỏi lại:
- Cái ấy là cái gì?
Nói:
- Lồng đèn rất tốt.
Sư bảo:
- Hẳn là chẳng thấy.
Hỏi ý Tổ sư, chỉ cái lồng đèn. Vậy ý Tổ sư là cái lồng đèn hay là cái gì? Chẳng lẽ ý Tổ sư ở cái lồng đèn hay sao? Đó là chỗ chúng ta phải thấy lại, không khéo là bị cái lồng đèn, cái ngón tay chỉ lừa gạt. Người có mắt sáng là phải thấy vượt qua tất cả, vượt qua cái lồng đèn và cái ngón tay chỉ, phải thấy trở lại chính nơi mình. Đó mới là ý chỉ của các Ngài.
***
Một hôm, Sư cùng với chúng đi hái trà, Sư bảo:
- Huệ Tịch trọn ngày hái trà, chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, bây giờ hãy hiện bổn hình cho ta xem!
Sư nói Huệ Tịch cả ngày đi hái trà với Sư mà chỉ nghe tiếng nhưng không thấy hình, vậy lúc đó Ngài Huệ Tịch ở đâu? Huệ Tịch liền lấy cây trà đập vào cây trà.
Sư bảo:
- Con chỉ được cái dụng mà chẳng được cái thể của nó.
Huệ Tịch thưa:
- Chưa biết Hòa thượng thế nào?
Sư im lặng. Huệ Tịch nói:
- Hòa thượng chỉ được cái thể mà không được cái dụng của nó.
Sư bảo:
- Tha cho con hai chục gậy.
Vậy tức là sao? Bảo hiện hình thì liền đập cây trà. Vậy là có hiện hình chưa? Ngài Quy Sơn bảo như vậy chỉ được cái dụng mà không được cái thể, có thật vậy không?
Chúng ta học thiền là phải sáng mắt, đừng để các Ngài gạt. Nghe Sư bảo là “Con chỉ được cái dụng của nó, không được cái thể của nó”, rồi chúng ta cũng theo đó lý luận là chỉ được cái dụng, không có cái thể thì đó là bị ngôn ngữ gạt. Nếu không có thể thì làm sao hiện ra cái dụng đập cây trà. Cho nên nếu không khéo là bị ngôn ngữ lừa gạt. Vì cái dụng hiện ra thì bảo đảm là có cái thể rồi. Có thể mới hiện ra dụng, không có thể làm sao có cái dụng, mà bảo rằng được cái dụng không được cái thể.
Rồi khi Sư im lặng thì Huệ Tịch nói “Hòa thượng chỉ được cái thể mà không được cái dụng”, cũng phải thấy thấu qua lời này.
Được cái thể mà không được cái dụng, có thật như vậy không? Nếu không có dụng thì sao biết thể, sao biết im lặng? Cho nên không khéo là bị ngôn ngữ gạt. Đây chính các Ngài khéo léo để chúng ta bổ túc vào chỗ đó. Chỗ đó là chỗ mỗi người cần bổ túc, là chỗ thấy của mình. Đó là chỗ quan trọng. Người khéo thấy được chỗ này là thấy được các Ngài, còn không khéo là bị ngôn ngữ lừa.
***
Sư ngồi xuống thì Ngài Huệ Tịch đi vào, Sư bảo: “Tịch con, hãy nói mau! Chớ vào ấm giới”. Ấm, giới tức là năm ấm, 18 giới, vừa rơi vào trong đó là rơi vào trong cái suy nghĩ, cái sanh diệt.
Huệ Tịch thưa: “Huệ Tịch tin cũng chẳng lập”. Đúng là lanh lợi, tin cũng chẳng lập nữa thì rơi vào cái gì?
Sư bảo:
- Con tin rồi chẳng lập, hay là chẳng tin mà chẳng lập?
Huệ Tịch thưa:
- Chỉ là Huệ Tịch thì lại tin cái gì?
Sư bảo:
- Nếu thế thì chỉ là định tánh Thanh Văn.
Huệ Tịch thưa:
- Huệ Tịch thì Phật cũng chẳng lập nữa.
Chỗ này coi chừng! Khi Ngài Huệ Tịch nói là “Tin cũng chẳng lập” thì Tổ Quy Sơn mới gạn lại “Con tin rồi chẳng lập hay là chẳng tin mà chẳng lập?” Đó là gài bẫy.
Tin rồi chẳng lập hay là chẳng tin mà chẳng lập đó là hai bên. Nếu người chưa sáng mắt thì đáp bên này bên kia, dính bên này bên kia là bị ló đuôi. Cho nên Ngài Huệ Tịch khéo léo đáp: “Chỉ là Huệ Tịch thôi, còn cái gì nữa nói là tin chẳng tin?” Là vượt qua được bẫy.
Rồi Tổ Quy Sơn gạn thêm: “Nếu như vậy thì chỉ là định tánh Thanh Văn”, tức còn nghiêng một bên. Ngài Huệ Tịch nói “Huệ Tịch thì Phật cũng chẳng lập nữa”. Cũng vượt qua cái bẫy hai bên Thanh Văn, Phật luôn. Đúng là chỗ thấy vượt thoát thường tình.
***
Rồi có lần Tổ Quy Sơn ngủ vừa thức giấc thì Ngài Huệ Tịch đến thăm, Sư liền xoay mặt vào vách không nói gì.
Huệ Tịch thưa:
- Hòa thượng đâu được như vậy.
Sư trổi dậy bảo:
- Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, giờ con thử vì ta đem lại xem.
Chiêm bao mà bảo đem lại? Ngày xưa các Ngài thử nhau để thấy chỗ tâm ngộ của học trò sáng tới đâu. Lúc đó, Ngài Huệ Tịch đi múc một thau nước đem lại cho Sư rửa mặt. Rửa mặt xong, giây lát thì Ngài Hương Nghiêm - Trí Nhàn đến thăm, Sư bảo:
- Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, Huệ Tịch vì ta đem lại xong rồi. Bây giờ tới ngươi lại đem cho ta xem!
Trí Nhàn liền đi rót chung trà đem đến.
Sư bảo:
- Hai con thấy hiểu còn hơn Xá-lợi-phất.
Chúng ta thấy các Ngài rất khéo léo. Thức dậy thì có nước rửa mặt, có trà uống xong rồi, nếu còn nhớ tới nữa là chiêm bao chứ gì. Đúng là hai Ngài Huệ Tịch, Trí Nhàn lanh lợi, khéo léo.
***
Sư hỏi Ngài Vân Nham - Đàm Thạnh:
- Nghe huynh ở Dược Sơn lâu lắm phải chăng?
Vân Nham đáp:
- Phải.
Sư hỏi:
- Tướng Dược Sơn đại nhân thế nào?
Vân Nham đáp:
- Sau khi Niết-bàn mới có được.
Sư hỏi:
- Sau khi Niết-bàn có thế nào?
Vân Nham đáp:
- Nước rưới chẳng dính.
Chỗ đó nước rưới vào cũng chẳng dính mới gọi là tướng Dược Sơn đại nhân. Làm sao thấy được chỗ đó mới đúng là thấy Ngài Dược Sơn, chứ không phải thấy Ngài Dược Sơn là thấy hình tướng ông Hòa thượng chống gậy đi, không phải cái đó.
Cho nên Vân Nham mới nói là “sau khi Niết-bàn mới thấy được”, còn cái hình tướng này thì ngay đây thấy được rồi. Nhưng thấy được rồi thì sao? Ít hôm là sẽ nhập Niết-bàn thì đưa vào thiêu hoặc là nhập tháp. Tướng này là như vậy, còn tướng Dược Sơn đại nhân là phải thấy được cái kia! Tướng đó thì nước rưới cũng chẳng dính, tức không ướt, phải thấy được tướng đó mới là tướng thật.
***
Vân Nham lại hỏi Sư:
- Bá Trượng đại nhân tướng thế nào?
Sư đáp:
- Chững chạc vòi vọi, sáng suốt rực rỡ, trước tiếng chẳng phải tiếng, sau sắc chẳng phải sắc, con muỗi đậu trên trâu sắt không có chỗ cho huynh cắm mỏ.
Hai Ngài đều là bậc sáng mắt cho nên đối đáp có chỗ vượt ngoài hiểu biết thường tình. Tức là ngay sắc mà thấy thấu qua sắc, ngay tiếng mà thấu qua tiếng, chứ không có dừng ở trên thanh sắc, không có chỗ cho ông cắm mỏ để sanh hiểu, thì đó mới là tướng thật.
***
Một hôm, Sư thấy Trí Nhàn, Huệ Tịch làm bánh liền bảo:
- Bá Trượng Tiên sư đương thời thân được đạo lý này.
Ngài Huệ Tịch, Trí Nhàn mới nhìn nhau nói:
- Người nào đáp được lời này?
Để thấy các Thiền viện ngày xưa thực hiện theo tinh thần của Tổ Bá Trượng là tu trong lao động, cho nên ở đây cũng có làm bánh… Vậy thì ngay khi làm bánh đó cũng là đang tu, cũng tham thiền sống thiền, chứ không phải là làm bánh chỉ lo nghĩ đến bánh, đến ăn thôi. Như vậy chúng ta mỗi ngày làm bếp cũng phải tham thiền sống thiền, chứ không phải làm bếp chỉ lo nghĩ đến rau, đến gạo, đến ăn… hoặc nghĩ lăng xăng thì càng không hay nữa.
Sư nói:
- Có một người đáp được.
Huệ Tịch thưa:
- Là người nào?
Sư mới chỉ con trâu bảo:
- Nói! Nói!
Ngài Huệ Tịch liền chạy đi lấy bó cỏ đem lại, còn Ngài Trí Nhàn thì lấy thùng múc nước đem lại để trước con trâu. Con trâu ngay đó có cỏ ăn, có nước uống thoải mái.
Sư bảo:
- Cho gì, cho gì? Chẳng cho gì, chẳng cho gì?
Huệ Tịch, Trí Nhàn ngay đó đồng lễ bái Sư.
Sư bảo:
- Hoặc khi sáng, hoặc khi tối.
Để thấy các Ngài ngay trong công việc hàng ngày cũng khơi dậy lẽ thật nơi chính mình, chứ không để qua mất. Chúng ta cần nhớ kỹ điều này. Trong công việc nhưng không để mất mình, ngay đó vẫn sáng tỏ được tự tâm.
Hai Ngài Huệ Tịch, Trí Nhàn nghe nói vậy cũng khéo biết được ý của Sư, liền lấy bó cỏ đem lại cho trâu ăn, múc thùng nước đem lại cho trâu uống. Có cỏ, có nước ngay trước mặt mà chưa chịu ăn, còn đợi gì nữa? Đó là nói lên chỗ sống, chỗ tu của người tu thiền chứ không phải lo nghĩ đến làm bánh thôi.
Như vậy để nhắc nhở tất cả mọi người, đạo lý thiền luôn hiển hiện ngay trong việc làm hàng ngày của mình, chưa từng mất. Nên phải khéo ngay trong mọi lúc đó để mà thấy trở lại.
***
Một hôm, Sư thúc trong chúng trình ngữ:
- Ngoài thanh sắc cho ta cùng thấy.
Làm sao mà thấy?
Ông Thượng tọa Giám Huyền mới trình ngữ:
- Chẳng từ đây ra, người ấy không mắt.
Sư chẳng nhận. Nói vậy thì cũng chưa được sáng tỏ lắm nên Sư chưa chịu nhận. Ngài Huệ Tịch ba phen trình ngữ.
Lần đầu:
- Thấy lấy, chẳng thấy lấy.
Sư bảo:
- Nhỏ như chót lông, lạnh tựa sương tuyết.
Sư cũng chưa chịu.
Lần thứ hai:
- Ngoài thanh sắc thì còn ai cầu thấy!
Tức là ngoài thanh sắc rồi thì ai cầu thấy nhau nữa?
Sư bảo:
- Chỉ kẹt Thanh Văn, bên ngoài giường hẹp.
Sư chưa chịu vì còn kẹt một bên.
Lần thứ ba mới trình:
- Như hai gương chiếu nhau, ở trong không hình tượng.
Tức là hai gương cùng chiếu nhau, bên trong không hình tượng gì hết. Cũng là khéo! Giống như là tâm tâm soi thấu với nhau, tâm thầy, tâm con soi thấu nhau mà bên trong không có hình tượng gì hết, tức là vượt ngoài thanh sắc thì đúng là khéo léo!
Sư mới bảo:
- Ngữ này chính, ta phải ngươi chẳng phải, sớm lập hình tượng rồi vậy.
Tức là khen khéo léo nhưng cũng còn có đây kia, có ta có người thì cũng là có lập rồi. Tuy nói không lập hình tượng nhưng mà cũng có lập hình tượng. Cho nên Sư mới nói “Ở đây ta phải nhưng ngươi không phải”.
Huệ Tịch hỏi lại:
- Tinh thần con tối tăm, hỏi đáp vụng về, chẳng biết Hòa thượng hồi còn ở chỗ Sư ông Bá Trượng thì trình ngữ thế nào?
Sư bảo:
- Ta hồi ở với Bá Trượng Tiên sư trình ngữ như vầy: “Như trăm ngàn gương sáng, soi sáng hình bóng, chiếu nhau cõi cõi, bụi bụi, mỗi mỗi chẳng lầm lẫn”.
Hụê Tịch liền lễ bái.
Đúng là chỗ thấy của Sư tròn sáng. Ngài Huệ Tịch chỉ trình như hai gương soi nhau, còn ở đây Sư nói là như trăm ngàn gương soi sáng hình bóng chiếu nhau. Trong đó, mỗi cõi mỗi cõi, một hạt bụi, không lầm lẫn cái gì hết.
Quả là tâm thật sáng mới thấy thấu được chỗ đó. Dù cho cõi cõi, bụi bụi nó hiện nhưng không một chút lầm lẫn, một điểm cũng không dối được.
Thấy đến chỗ đó mới gọi là thấy tột tâm. Còn chúng ta bây giờ quả núi to lớn cũng còn lầm thì nói gì hạt bụi, ở đây một hạt bụi cũng không lầm được. Mới thấy tâm các Ngài sáng tới đó, xét lại chúng ta thì còn phải tu nhiều, đừng có dễ duôi.
Trong tập Tổ Đường Tập có thêm phần Ngài Ngưỡng Sơn thưa hỏi Tổ Quy Sơn:
- Chỉ như Lục Tổ Hòa thượng sắp tịch, phó chúc cho các đệ tử là hãy lấy một miếng sắt mỏng nặng khoảng hai cân đặt trong cổ của ta, sau đó rồi sơn lại. Các đệ tử hỏi đặt sắt trong cổ là có ý gì?
Lục Tổ bảo:
- Hãy đem giấy bút lại đây ta huyền ký cho.
Sư nói kệ:
Trong năm sáu năm,
Trên đầu nuôi thân,
Trong miệng cần ăn,
Gặp phải nạn Mãn,
Dương Liễu làm quan.
Quy Sơn nói:
- Ông có hiểu ý huyền ký của Tổ sư chăng?
Ngưỡng Sơn thưa:
- Hiểu nhưng mà việc đó qua rồi.
Quy Sơn bảo:
- Việc ấy tuy qua rồi nhưng ông thử nói lại xem.
Ngưỡng Sơn thưa:
- Trong năm sáu năm tức là ba mươi năm.
Đó gọi là những lời ẩn mật. Lục Tổ nói ra giống như sấm ký, lúc đó không ai biết. Năm lần sáu ba mươi tức là ba mươi năm.
“Trên đầu nuôi thân” tức là gặp hiếu tử. “Trong miệng cần ăn” là thường thiết trai. “Gặp phải nạn Mãn” tức là Trương Tịnh Mãn ở Nhữ Châu bị vị tăng ở Tân La là Kim Đại Bi đem tiền mua chuộc mới đến cắt lấy đầu Lục Tổ và trộm y bát. “Dương Liễu làm quan” tức là Thích sử Thiều Châu họ Dương và Huyện lệnh Khúc Giang họ Liễu sau đó phát giác vụ trộm và bắt được trộm ở thành Giác Đài.
Ngài Ngưỡng Sơn giải thích bài kệ rõ ràng, rồi hỏi:
- Hòa thượng hiện nay có cái thấy này chăng?
Tức là Lục Tổ biết trước nên huyền ký như vậy, thì đúng 30 năm sau có việc đó xảy ra như lời huyền ký. Ngưỡng Sơn mới hỏi lại là Hòa thượng hiện nay có cái thấy như Lục Tổ chăng?
Tổ Quy Sơn bảo:
- Đây là Hành thông (cũng gọi Hạnh thông), là một pháp trong lục thông, ta cũng chưa được.
Ngưỡng Sơn thưa:
- Bạch Hòa thượng! Hòa thượng hiện nay thọ ký cho người có kiến giải thì được; nếu thọ ký cho người hành giải thì thuộc nhân tình, chẳng phải Phật pháp.
Quy Sơn vui vẻ nói:
- Tiên sư Bá Trượng thọ ký trong số mười người hiểu Phật pháp, hiểu Thiền, về sau trăm ngàn người vây quanh, kịp đến số tự trụ chăng?
Ngưỡng Sơn thưa:
- Sợ e như thế. Nhưng mà Thánh ý khó lường, hoặc nghịch hoặc thuận cũng chẳng phải là chỗ Huệ Tịch biết được.
Quy Sơn bảo:
- Ông về sau lại thọ ký cho người chăng?
Ngưỡng Sơn thưa:
- Nếu thọ ký, chỉ thọ ký kiến giải, chẳng thọ ký hành giải. Kiến giải thuộc khẩu mật, hành giải thuộc ý mật. Chưa ngang bằng với Tào Khê, chẳng dám thọ ký cho người.
Kiến giải là chỗ thấy. Chỗ đó thọ ký được. Còn chỗ hành giải là chỗ sống thực của người đó thì làm sao biết mà thọ ký. Cho nên Ngài nói chưa dám, phải ngang bằng với Tào Khê tức là Lục Tổ mới dám thọ ký.
Quy Sơn bảo:
- Ông cớ sao chẳng thọ ký?
Ngưỡng Sơn thưa:
- Việc trước Phật Nhiên Đăng, bên ấy thuộc chúng sanh, hành giải không dính dáng.
Tức là trước Phật Nhiên Đăng là thuộc về chúng sanh còn chưa sáng.
Quy Sơn bảo:
- Sau Nhiên Đăng thì ông lại thọ ký được cho y chăng?
Ngưỡng Sơn thưa:
- Sau Nhiên Đăng thì họ tự có người thọ ký rồi, cũng chẳng đợi đến Huệ Tịch thọ ký.
Ngài đáp rất khéo léo, chỗ này để dành phần cho mỗi người.
Rồi Ngưỡng Sơn lại hỏi Hòa thượng Quy Sơn:
- Thức như bọt nổi của Hòa thượng gần đây chẳng biết đã dừng hay chưa?
Nguyên văn là “Phù âu thức” hoặc có chỗ nói là “Thức lưu chú”, tức là cái thức sanh diệt tương tục. Ở đây, Ngài Ngưỡng Sơn hỏi Tổ Quy Sơn là cái thức sanh diệt tương tục của Hòa thượng gần đây chẳng biết đã dừng hay chưa?
Tổ Quy Sơn bảo:
- Ta không đến đã trải qua năm sáu năm.
Ngưỡng Sơn mới thưa:
- Nếu như thế, hiện nay trước thân Hòa thượng lẽ ra khắp siêu tam-muội đảnh rồi.
Tức vượt lên cả tam-muội đảnh.
Quy Sơn bảo:
- Chưa.
Ngưỡng Sơn thưa:
- Tánh địa bọt nổi còn dừng, thì trước thân Nhiên Đăng vì sao lại chưa?
Tức là cái sanh diệt trôi chảy đã dừng, thì trước thân Nhiên Đăng vì sao lại chưa?
Quy Sơn bảo:
- Tuy lý như thế, ta cũng chưa dám bảo nhậm.
Ngưỡng Sơn thưa:
- Chỗ nào là chỗ chưa dám bảo nhậm?
Quy Sơn bảo:
- Ông chớ có miệng nói giải thoát. Ông chẳng nghe hai Thiền sư An và Tú được Võ Tắc Thiên một phen thử bằng cách cho cung nữ hầu tắm mới biết có người giỏi đến trong đây. Thật là Phật sắt cũng phải tháo mồ hôi. Ông phải tu hành, chớ trọn ngày miệng nói thao thao.
Tức là Ngưỡng Sơn hỏi Tổ Quy Sơn về “Thức trôi chảy sanh diệt của Hòa thượng gần đây đã dừng hay chưa?”. Thì Tổ nói: “Ta không đến cũng đã trải qua năm, sáu năm”. Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Nếu như vậy lẽ ra trước thân Hòa thượng đã vượt lên khỏi tam-muội đảnh rồi”, nhưng Tổ Quy Sơn nói là “Chưa”. Ngưỡng Sơn mới thưa: “Vì sao lại chưa vượt qua?”, Tổ Quy Sơn bảo: “Tuy trên lý như thế nhưng ta chưa dám bảo nhậm”.
Chúng ta thấy các Ngài rất cẩn thận.
Ngưỡng Sơn hỏi chỗ nào là chỗ chưa dám bảo nhậm? Đây Tổ Quy Sơn mới bảo rõ là “Ông chớ có miệng nói giải thoát, phải làm sao tu cho được giải thoát, phải tâm giải thoát mới được”. Còn nói giải thoát thì ai nói không được. Đó là điểm phải hết sức cẩn thận.
Tổ mới dẫn câu chuyện Thiền sư Lão An với Ngài Thần Tú được bà Võ Tắc Thiên cung kính như hai bậc Thầy. Một hôm, bà thỉnh hai vị vào cung rồi cho cung nữ hầu tắm, bà đứng ngoài rình. Chỉ có Thiền sư Lão An thì thần thái tự nhiên, nhưng Ngài Thần Tú chưa được. Mới thấy như lời Tổ Quy Sơn nói “Đến chỗ đó là Phật sắt cũng phải tháo mồ hôi”, chứ không phải thường nên đừng vội tự hào. Bình thường nói gì cũng được nhưng đến lúc đó mới biết được tâm mình thế nào. Khi gặp chuyện như vậy thì mới biết được tâm mình động hay không?
Vì vậy mà Tổ mới nhắc Ngài Ngưỡng Sơn là ông phải tu hành, chớ có trọn ngày miệng nói thao thao. Nhắc kỹ như vậy, phải lo tu mới là thật, chớ đừng miệng nói hay thì cũng chưa đến đâu.
Người xưa tu hành kỹ như vậy, còn chúng ta ngày nay thì thế nào? Chỗ sống của mình được đến đâu rồi? Có sánh được với người xưa chưa? Vậy mà không chịu lo công phu cho kỹ!!!
Đó là chỗ muốn nhắc chúng ta chưa gì mà lo tự hào, rồi bỏ quên công phu. Có khi học đạo được ít lâu thì coi như là đủ, rồi lơ là chuyện công phu. Hoặc có người sáng được một chút thì chấp vào đó, cũng xem thường công phu, điều này phải xét lại.
***
Sư thượng đường bảo chúng:
- Sau khi lão Tăng trăm tuổi, đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy gọi “Quy Sơn Tăng” hay gọi là “con trâu”? Gọi thế nào mới đúng?
Như vậy là sao? Tổ tu hành như thế mà nói là khi chết sẽ xuống núi làm con trâu. Rồi mới đặt câu hỏi “Lúc đó gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu?”.
Chỗ này đúng là chỗ của những bậc thật sự đạt đạo, sạch hết kiến giải phàm Thánh, không còn dấu vết; không thấy có được, có chứng, có đắc mới nói được như vậy. Điều này người tu hành thông thường thì chắc không ai dám nói, vì tâm còn phân biệt phàm Thánh.
Đây các Ngài sạch hết cái tình phàm Thánh, quên hết những sở đắc, tâm rất rỗng rang. Còn chúng ta nếu ngay đây mà ai nói mình là con trâu hoặc nói mình ngu thì sao? Thì sanh chuyện liền. Mới thấy đó là tâm phân biệt còn mạnh, còn cái ngã; đây thì quên ngã, mà quên ngã thì còn cái gì để nói?
***
Sư truyền bá Thiền Giáo hơn bốn mươi năm, người đạt được lý thú không kể hết. Đệ tử nhập thất được 41 người. Đời Đường, niên hiệu Đại Trung năm thứ bảy, ngày mùng 9 tháng giêng, Sư tắm gội xong, ngồi kiết-già vui vẻ thị tịch, thọ 83 tuổi, 64 tuổi hạ. Vua ban hiệu là Đại Viên Thiền Sư, tháp hiệu là Thanh Tịnh. Sư có trước tác tập “Quy Sơn Cảnh Sách” rất được lưu hành ở trong Thiền môn.
Sư là một vị Tổ của tông Quy Ngưỡng, tức là một trong năm tông của Thiền tông, và nhân duyên của Sư như vậy cho thấy Sư cũng là bậc Hiền thánh tái lai để độ sanh, chứ không phải thường. Và chỗ sống, chỗ đạt đạo của Sư cũng thực là sâu.
Chúng ta học đây cũng là học từ những lời của bậc mà tâm thật sáng tỏ, lời nói không đồng với những người còn kiến giải. Tức là lời Sư phát xuất từ tâm trong sáng, thực chứng mà nói ra, đó là những lời thiết thực có ngữ có nghĩa.
Học Quy Sơn Cảnh Sách chúng ta sẽ có sức cảm rất lớn, rất mạnh nếu khéo biết nghe và nhận kỹ. Như vậy những lời Cảnh Sách mà chúng ta sắp học đây sẽ sách tấn chúng ta rất nhiều. Đúng ra lời này Sư dạy cho cả những hàng Tỳ-kheo lâu năm, không phải Tỳ-kheo mới hay chỉ là Sa-di thôi.
Cho nên ở phần sau, có những đoạn như là người tu ở lâu trong chùa mà không lo tu học kỹ nên “bụng trống lòng không”, không có gì để dạy cho người sau, lỡ bị những người hậu học hỏi rồi đáp không được, liền bắt nạt trở lại nói là không được hỏi vậy! Để thấy rằng Sư cũng răn nhắc cho những bậc ở lâu trong chùa nữa. Người ở lâu trong chùa lợi dưỡng càng nhiều, thọ dụng càng đậm mà không lo tu thì Sư cũng răn nhắc.
Cho nên, mỗi người cần phải học kỹ để nghiền ngẫm sâu sẽ có sự sách tấn rất lớn trên đường tu của mình. Gọi Cảnh Sách là vậy.
Các bài mới
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 10) - 29/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9) - 25/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 8) - 20/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7) - 11/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 6) - 06/06/2017
Các bài đã đăng
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 5) - 30/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 4) - 29/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 3) - 21/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 2) - 19/04/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 1) - 15/04/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23824
- Online: 36