Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 3)
25/08/2017 | Lượt xem: 3981
TT.Thích Thông Phương dịch và thuyết giảng
“Vô thường, già, bệnh chẳng hẹn với người. Sớm còn tối mất, sát-na đã qua đời khác”.
Đây chỉ cho lẽ thật về sự ngắn ngủi của thân này, nó không có bền chắc, không lâu dài để phá trừ cái chấp thường điên đảo. Tức là thân này không phải thường mà cho là thường, vì cho thân thường còn nên mới vì thân mà tạo nghiệp. Nếu thấy rõ lẽ thật của thân là rất mỏng manh, ngắn ngủi thì có đáng gì đâu để mà tham luyến rồi vì nó tạo thành nghiệp. Vì điên đảo chấp nó là thường, là bền chắc sống lâu dài, nên mới vì nó tạo nghiệp để vun bồi cho nó nên chịu khổ là chỗ đó.
Còn khi quán kỹ rồi liền trừ cái lầm chấp thường điên đảo. Thấy rõ sự vô thường luôn luôn biến đổi, đi theo một bên. Nó cứ đến mà không cần phải hẹn với ai, cũng không cho người hẹn. Sớm còn tối mất, chỉ một sát-na là chuyển qua đời khác rồi. Mới trẻ đó liền già đó, mới khỏe đó rồi bệnh đó. Mới thấy đó là đã mất đó. Có khi sáng còn gặp nhau, chiều lại đi điếu rồi. Chỉ một sát-na là qua đời khác thì còn cái gì gọi là ta để mà buồn vui, giận ghét, hơn thua với nhau?
Quán kỹ như vậy, thì có gì đáng để chúng ta chấp trong đó, để tạo nghiệp, để chịu khổ?
Nếu nhìn theo cặp mắt của các vị Trời cũng sẽ thấy là cuộc đời con người rất mỏng manh. Các vị Trời sống hàng trăm ngàn năm, nên một ngày, một đêm của các Ngài bằng dưới thế gian cả mấy trăm năm. Chưa nói đến các tầng trời cao thì tuổi thọ càng nhiều hơn nữa. Như vậy nếu nhìn bằng cặp mắt của các vị Trời thì mới sáng các vị nhìn xuống đây thấy người đó vừa sanh ra khóc oa oa, nhưng trưa nhìn lại thì đã chết mất rồi. Nên cuộc sống con người so với cõi trời thì nhanh như chớp vậy.
Cũng giống như chúng ta nhìn mấy con trùng, con kiến, bươm bướm... Mới thấy nó sanh hôm qua, thì hôm nay đã thấy chết rồi. Đời sống ngắn ngủi. Hoặc con gà, con vịt mới thấy nó đó, chừng vài tháng thì thấy chết rồi. Đời sống con người đối với các vị Trời cũng ngắn ngủi vậy thôi, nhờ thấy vậy chúng ta sẽ bớt chấp.
Đây Ngài chỉ ra lẽ thật vô thường, khổ, vô ngã của thân này rõ ràng. Chính vô thường, mỏng manh cho nên khổ, tức là không được như ý. Nó muốn già thì nó già, rồi nó muốn bệnh thì nó bệnh; đang hòa hợp, nó muốn chia ly thì nó chia ly. Tức là nó đi theo chiều của nó, con đường của nó chứ không đi theo sự chỉ đạo của mình, không theo ý mình muốn.
Mà không như ý tức là nó vô ngã, không thật có ngã, không thuộc vào cái ngã nào hết, không thuộc về mình. Quán kỹ thấu suốt được lẽ thật này, không còn chấp về thân nữa, bảo đảm là chúng ta đi sâu vào con đường chánh pháp. Các vị tu bên Nguyên thủy quán kỹ lẽ thật này rồi là tu đến chứng A-la-hán chứ không phải thường. Như vậy quán sâu về chỗ này thì không còn gì để chúng ta tham luyến cái thân nữa. Cuối cùng thì sao? Chỉ là cái thây thối, chứ có gì đâu!
Bây giờ thân còn tạm thở đây, còn tạm tồn tại trên các duyên đầy đủ này thì nó còn hoạt động tới lui chút chút. Khi hết duyên rồi tắt thở thì chỉ còn là tro bụi thôi! Vậy mà chúng ta lại để tâm lo lắng, chăm sóc, nuôi dưỡng cho cái thây thúi này quá. Lâu nay chúng ta bị nó gạt quá nhiều. Cứ lo bồi bổ, chăm sóc, lo cho cái thây thúi này đủ thứ. Nhiều khi cũng vì nó phải tạo nghiệp nữa.
Nhờ có học đạo, quán kỹ mới thấy người đời đúng là đáng thương. Vì cái thây thúi này mà cứ đâm chém, giết hại nhau rồi tạo thành nghiệp không lường trước được, rốt cuộc rồi cũng đưa cái thây thúi này ra nghĩa địa thôi. Vậy thì chỉ vì cái thây thúi này mà làm khổ cho nhau, tạo nghiệp để cùng chịu khổ, đúng là lầm lẫn, điên đảo.
Thử nghĩ, mới sanh ra chưa có cái tên nào hết, lớn lên dán cho nó một chút danh từ A, B, C gì đó… rồi bám vào đó phân biệt với nhau chấp làm thật mình. Cái tên chỉ là cái nhãn hiệu tạm dán giống như món đồ, mới sản xuất ra chưa có nhãn hiệu giờ dán cho nó cái nhãn hiệu. Nhờ nhãn hiệu này để phân biệt với nhãn hiệu kia để dễ bán thôi.
Thì cái thân này cũng vậy, mới sản xuất ra nó cũng chưa có nhãn hiệu, rồi dán cho nó cái nhãn hiệu Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B… để biết mà phân biệt khi tiếp xúc với nhau. Người tu cũng vậy, dán nhãn hiệu khác để mà dễ phân biệt, không khéo lại bám chấp vào những cái nhãn hiệu đó để tạo thành sự ngăn cách với nhau. Không phải điên đảo là gì? Chỉ là những nhãn hiệu mà chúng ta đành làm tổn thương cho nhau, làm khổ cho nhau.
Đặt câu hỏi lại thì theo lời Phật dạy, con người thuộc ngu hay là trí? Phải nhận định đúng vị trí của mình. Khi sáng suốt, nhớ chánh pháp thì đúng là có trí. Nhưng khi đụng chuyện trở lại mê lầm chấp vào nó thì ngu như là chúng sanh. Cho nên các Ngài muốn chỉ rõ cho chúng ta thức tỉnh thấy suốt những lẽ thật này mà chuyển hóa thành trí.
Ở đây chúng ta học là học chỗ này, học thẳng vào lẽ thật chớ không phải học phân tích trên chữ nghĩa. Học để quán chiếu, để cởi mở những tình chấp.
Chừng ấy đủ cho chúng ta tỉnh chưa hay là vẫn còn mê ngủ? Ngay phần mở đầu thì Tổ Quy Sơn đã lột thẳng cái mặt nạ của cái ta này ra cho chúng ta thấy rõ. Để rồi khi xuất gia thì không còn phải luyến tiếc, hay là ngoái đầu ngó lại gì nữa hết, mà chỉ một con đường đi thẳng tới.
“Sớm còn tối mất, sát-na qua đời khác”.
Sát-na tức là thời gian thoáng qua, hiểu đơn giản là một tíc tắc. Đúng nghĩa chữ sát-na còn ngắn hơn cái tíc tắc nữa.
Đây nói về sự vô thường, ngắn ngủi của thân. Về tâm thì sự sanh diệt còn vi tế hơn nữa. Các luận xưa kể, trong một đại niệm có tới 81.000 sát-na, rồi trong một sát-na có 900 lần sanh diệt. Mới thấy sự sanh diệt rất vi tế, nếu tính lại thì mỗi một đại niệm có tới 72.900.000 lần sanh diệt rất là ghê sợ. Chỗ này chỉ có người nhập định sâu mới thấy, còn chúng ta không thấy nổi chỗ đó.
Như vậy tất cả chúng ta sống ở đây là sống trên cái chập chờn, chợt có chợt không nhưng không thấy được chỗ này. Bởi con mắt của con người bị giới hạn.
Thí dụ như lấy cây nhang, mình quơ thành một vòng tròn, chỉ thấy một cái vòng lửa, nhưng sự thật đâu phải vòng lửa. Đó là từng điểm lửa ráp lại. Thì tâm niệm của mình cũng vậy, từng điểm sanh diệt ráp lại thành niệm. Chúng ta chỉ thấy một niệm thôi, thấy một niệm là khá rồi, chớ đúng ra trong từng một niệm đó là biết bao nhiêu sát-na sanh diệt nữa.
Thấy rõ sự sanh diệt vi tế như vậy, thì hết còn muốn tham luyến về thân sanh diệt này. Ngài chỉ ra lẽ thật của thân mong manh, ngắn ngủi cho chúng ta tỉnh giác.
“Ví như sương mùa xuân, móc buổi sớm, thoạt đó liền không; cây bờ thẳm, dây giếng cạn nào có lâu dài”.
Mùa xuân sáng ra thấy sương, móc mờ mờ khi nắng lên liền tan. Hoặc là sáng ra thấy những hạt móc nó đọng trên đầu ngọn cỏ, trên lá cây, một lát sau nắng lên liền tan. Cái thân này sống mỏng manh, ngắn ngủi cũng như vậy, mới thấy đó là mất đó chứ không có gì bền.
Vậy ai là người trí sáng suốt ngay khi nó tạm còn đang đọng lại trên đầu ngọn cỏ, lá cây thì phải biết sống tốt với nhau một chút cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ngược lại chỉ tạo những điều làm Tổn thương cho nhau, rồi nó cũng tan, cuối cùng phải ân hận. Khi quán kỹ như vậy để mỗi người có cuộc sống trí tuệ hơn, không giống như người mê điên đảo.
Rồi “cây bờ thẳm, dây giếng cạn nào có lâu dài” cũng là thí dụ. Trong kinh nói có cái cây đứng gần sát bờ vực thẳm, sắp lở. Chỉ cần cơn gió mạnh thổi là nó nghiêng đổ dễ dàng.
Thân mình cũng vậy, đang đứng trên bờ vực thẳm, nên có thể chết bất cứ lúc nào. Một cơn gió độc thổi qua cũng có thể làm chết người. Nghe kể, có người tối ngủ trúng gió đi luôn. Rồi ăn trúng thực cũng có thể chết. Trượt té cũng có thể chết. Tức là con người có thể chết bất cứ lúc nào, mạng sống rất là mỏng manh, thì tại sao chúng ta lại phải cứ chấp thủ vào nó. Đó là các Ngài muốn nhắc nhở để chúng ta bớt tham luyến thân này mà quyết chí tiến tu, vì không khéo là tu không kịp.
Đừng nghĩ là thời gian còn dài, còn nhiều để làm việc nọ việc kia, rồi tu sau không muộn. Đó là cái nghĩ điên đảo. Có nhiều vị cứ nghĩ mình còn khỏe nên hôm nay còn lo làm việc này, việc kia dự định, hoạch tính khi xong những việc đó rồi thì mình quyết chí tu. Nhưng có khi chưa hết việc dự tính là nó đã đi trước rồi, cho nên tính cũng không kịp.
Ngày trước khi tôi còn trẻ khoảng 18, 19 tuổi, hạ thủ công phu tu. Khi quán kỹ, cảm nhận sâu về lý vô thường này, lúc nào tôi cũng hồi hộp sợ mình tu không kịp. Cảm nhận sự vô thường luôn theo sát bên mình vậy đó. Lúc đó, tôi tu quyết liệt vì sợ không kịp nên không còn nghĩ chuyện gì khác, chỉ tu thôi. Mong sao có được sự an ổn trên đường tu mới được. Cho nên lúc đó gặp khách hay bà con đến là cũng ngó lơ, phớt lờ đi không cần phải chào, cũng không sợ ai bắt lỗi, không còn nghĩ lỗi phải gì hết.
Chỉ một ý nghĩa vô thường này thôi, nếu chúng ta cảm sâu thì đã thấy được những lợi ích cho đường tu rất lớn, nói chi tới pháp tối thượng thừa. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ tới những pháp tối thượng thừa cao siêu, mà bỏ qua những nền tảng căn bản, không khéo mình đi không có chân.
Trong Hàn Sơn Thi có bài nhắc nhở mọi người về ý nghĩa này:
Vừa thấy cây bờ sông,
Suy tàn không thể bàn.
Vài ba búp hoa thừa,
Ngàn vạn vết dao búa.
Sương bóc lá vàng héo,
Sóng bủa rễ khô mục.
Chỗ sống chính như thế,
Cần chi oán trời đất.
Vừa thấy tức là nói hôm qua, mới hôm qua thấy một cái cây bên bờ sông nó bị suy tàn rất nhiều. Nó chỉ còn dư lại vài búp hoa thừa mà bị cả ngàn, cả vạn vết dao búa đầy trên cây. Rồi sương đọng làm cho lá vàng càng ngày càng héo nhiều thêm, phía dưới sóng bủa vào trong những cái rễ khô bị mục vì cây nằm bên bờ sông sắp lở. Chỗ sống thật của tất cả mọi loài mọi vật là như vậy nên đâu cần phải oán trời oán đất làm chi!
Trong kinh Niết-bàn nói:
Có người đi ở đồng trống bị con voi cuồng rượt đuổi, chạy gấp. Lại gặp một cái cây nằm bên bờ giếng cạn, phía dưới có dây giăng thòng. Anh liền bám lần lần vào sợi dây đó. Thì ở giữa giếng, lại có ba con rồng và bốn con rắn độc nó đang ngẩng đầu nhìn lên, nếu rớt xuống thì rơi ngay vào miệng chúng thôi! Rồi hai bên bờ giếng có hai con chuột, một trắng, một đen đang cắn gặm dần dần đầu dây, còn chút nữa là đứt dây. Trên đầu lại có bầy ong bao phủ, nó làm rớt mấy giọt mật xuống. Khi nếm phải năm giọt mật đó, anh quên hết sự nguy hiểm chung quanh.
Đồng trống chỉ cho ba cõi tức tam giới. Còn cây dụ cho thân này, dây là dụ cho mạng căn mỏng manh. Hai bên bờ hai con chuột đang cắn dần mạng căn là ngày tháng thời gian. Con voi cuồng chỉ cho vô thường đang rượt đuổi. Còn cái giếng là chỉ cho huỳnh tuyền, là chỗ chết. Ba con rồng độc là chỉ cho tam độc tham sân si. Bốn con rắn độc chỉ cho bốn đại. Mấy giọt mật là chỉ cho ngũ dục. Tất cả nguy hiểm đang chực sẵn bên mình, nhưng người ta vì vô minh điên đảo, nếm được mấy giọt mật đó là quên hết bao nhiêu sự nguy hiểm.
Cũng như người đời vì đắm trong chút vui ngũ dục mà quên mất những sự nguy hiểm trong sanh tử luân hồi, trong khổ đau. Vì thế, các Ngài muốn nhắc nhở chúng ta là thân người mỏng manh, ngắn ngủi như vậy. Bao nhiêu nguy hiểm đang chờ một bên, chớ không có an ổn, vui sướng gì!
Chúng ta là người tu, tức là người xuất gia học đạo, biết được chánh pháp thì phải quán để sáng suốt nhìn theo cái nhìn của người trí, theo lời Phật dạy mà không tham luyến vào nó. Đó mới là con đường của mình đi.
“Niệm niệm chóng mau, trong khoảng sát-na, chuyển hơi thở liền thành đời sau, sao đành bình thản để qua suông?”.
Trên là thí dụ, đến đây Ngài mới hợp pháp lại để chỉ ra lẽ thật vô thường ngắn ngủi của thân này. Tức là mạng sống của mình được đếm qua từng hơi thở, chớ không phải là từng tháng từng năm. Ở ngoài đời thì đếm từng năm, còn người già, người bệnh mà sắp chết thì đếm từng tháng. Vậy cũng còn hơi dài. Đúng lẽ thật thì mạng sống đếm trong từng hơi thở. Ngắn ngủi, mong manh như vậy đó.
Hơi thở ra mà không hít vào là qua đời khác rồi, chớ không cần phải năm dài tháng rộng. Thấy được mạng sống đếm trong từng hơi thở, mới biết xưa nay điên đảo lầm chấp thân là thường, thấy nó lâu bền rồi vì nó mà tạo nghiệp, thật quá mê!
Quán thấu chỗ này thì hết còn bám chấp vào thân, chỉ quyết chí lo tu cầu giải thoát, không việc gì khác cũng không có đường nào khác nữa.
Người quán kỹ về phép tùy tức thì sẽ cảm nhận được sự vô thường ngắn ngủi này. Cứ theo hơi thở vô ra vô ra thì mới thấy mạng sống của mình nương theo hơi thở. Khi quán như vậy mà tâm yên rồi thì thấy hơi thở lại càng nhuyễn nữa, mỏng giống như sợi tơ, có thể đứt bất cứ lúc nào. Cảm nhận được điều này thì còn tâm nào để mình buông lung, để lo tính chuyện lăng xăng nữa?
Thân đã mỏng manh, ngắn ngủi thì sao lại đành bình thản để qua suông! Sao không chịu nỗ lực, tinh tiến tu hành để mà chóng cầu giải thoát. Đó là điều Ngài muốn nhắc. Bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta phát tâm Bồ-đề tiến tu.
Thiền sư Đạo Nguyên từng dạy:
- Nếu người khéo quán về vô thường là đủ phát tâm Bồ-đề rồi. Khi quán vô thường thì tâm ta chẳng sanh, niệm danh lợi chẳng khởi. Lo sợ thời gian qua nhanh chóng, do đó gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu, nhìn lại thân mạng không bền chắc mà tinh tấn quên cả mỏi mệt. Dù nghe tiếng thần Khẩn-na-la hay chim Ca-lăng-tần-già cũng như gió chiều thổi qua tai. Dẫu thấy mặt Vương Tường, Tây Thi cũng như sương sớm che mắt vậy. Đã lìa sự trói buộc của thanh sắc thì tự hợp đạo lý quá rồi!
Nhiều người nghĩ lý vô thường là pháp quán của Tiểu thừa, còn cạn. Nhưng không ngờ chỗ dụng là tùy tâm mỗi người. Khéo thì tâm tiểu thành đại, còn không khéo thì đại cũng thành tiểu. Cho nên Ngài Đạo Nguyên dạy người quán vô thường, khéo thì ngay đó chính là phát tâm Bồ-đề rồi.
Khi quán về vô thường, thì tâm không phát sanh, niệm danh lợi cũng không khởi. Vì thấy sự vô thường mỏng manh.
Quán thấy sự vô thường như vậy nên gấp rút tu hành. Chính lo gấp rút tu hành nên nhìn lại thân mạng này nó không có gì bền chắc. Do đó mà tinh tấn tu không thấy mỏi mệt, vì không nhớ tới thân thì đâu thấy mỏi mệt. Đâu còn tâm nào mà để ý tiếng hay, tiếng tốt; đâu phải đi ngang nghe tiếng nhạc liền đứng lại lóng tai nghe nữa, đâu có thời gian. Lúc đó không còn tâm nào để nghĩ mấy chuyện như vậy, chỉ lo tu sao để không kịp vô thường này thôi. Và khi đối với thanh sắc không còn vướng mắc trói buộc thì ngay đó hợp đạo lý rồi, chính là phát tâm Bồ-đề chứ gì nữa?
Cho nên, nếu người quán sâu về sự vô thường ngắn ngủi của thân này là đủ tỉnh ngộ, thì đó chính là phát tâm Bồ-đề.
Vậy có ai tỉnh chưa? Bấy nhiêu đó đủ thấy Tổ Quy Sơn dạy cho hàng Sa-di hay dạy cho cả hàng Tỳ-kheo lâu năm chúng ta nữa? Lâu năm cũng chưa chắc quán thấu, đừng nói là Sa-di. Đâu có thể xem thường được!
Càng học kỹ càng thấy thấm thía những lời của chư Tổ dạy, còn nếu chỉ học phân tích chữ nghĩa, đọc tới đọc lui thì thấy cũng chán. Thì chán dó là do ai, hãy tự kiểm lại xem!
“Cha mẹ chẳng dâng món ngon vật lạ, sáu hàng quyến thuộc cố quyết xa lìa. Chẳng ra giúp nước giữ yên, bỏ ngay nối dõi nghiệp nhà. Tránh xa làng xóm, cạo tóc theo thầy”.
Khi đi tu là từ giã hết những việc thế gian nên bỏ hết những bổn phận ngoài đời. Như là không còn phụng dưỡng cha mẹ để trả hiếu; cũng chẳng dâng món ngon vật lạ; rồi đối với làng xóm quyến thuộc thì cũng từ giã luôn. Sáu hàng quyến thuộc tức là cha mẹ, anh em, vợ con coi như từ giã hết.
Trong bài kệ xuất gia có câu “Cắt ái từ sở thân”, tức là cắt đứt tình ân ái ở thế gian, từ giã hết những người thân thiết với mình, chỉ còn một ý chí mạnh mẽ là cương quyết lo tu. Người mới xuất gia ai cũng có ý chí mạnh đó, nhưng dần dần về sau còn mạnh hay không là tùy mỗi người.
Nhiều vị ban đầu cha mẹ, ông bà ngăn cản cách mấy cũng không được, sẵn sàng cắt đứt, bỏ hết quyết đi tu. Coi như một đao chặt đứt để vào chùa. Nhưng vào đây lâu rồi dao lụt dần cắt không đứt. Việc này cần phải kiểm lại để có lòng hổ thẹn.
Rồi bổn phận đối với nước nhà cũng thiếu sót luôn, đi tu rồi nên chẳng ra giúp nước, giữ yên bờ cõi. Còn việc nối dõi cũng bỏ luôn. Từ bỏ hết những sự nghiệp của thế gian, bước thẳng lên con đường thoát tục. Như vậy coi như chỉ còn con đường tu thôi mà tu không xứng đáng nữa thì sao?
Đang ở trong chỗ thân yêu, sum họp, vui vầy rồi bỗng phát tâm cắt đứt hết để vào chùa là có chí lớn cao cả. Nhưng vào chùa làm gì thì đó là chuyện kế tiếp, quan trọng cả một đời tu của mình. Chúng ta phải biết tiếp tục cho xứng đáng với ý chí ban đầu của mình.
Cho nên người xuất gia về thân này thì lìa tục, ra khỏi thế gian là cao thượng. Tiến lên bước nữa là phải ra khỏi trần lao, thành tựu tâm giải thoát.
“Bên trong gắng công thắng niệm, ngoài rộng đức kính hòa, vượt hẳn cõi trần, mong ngày thoát ra”.
Đó là con đường sắp tới của chúng ta, không phải chỉ có thân xuất gia vậy là đủ rồi.
Tức là vào chùa là phải gắng công tu hành để gạn lọc bụi trần trong tâm, phải lo ra sức công phu để thắng những vọng niệm, hư dối, điên đảo có từ lâu xa.
Bên trong gắng công thắng niệm, là khi tâm nghĩ nhớ vọng động theo duyên, theo trần mà lâu nay không làm chủ bị nó dẫn đi, giờ phải thắng được những niệm đó. Tu hành phải lo kiểm soát làm chủ lại nó, phải thắng cho được nó. Nếu mà cứ để cho nó thắng mình như xưa thì vào chùa có ích gì? Đây mới là chỗ quan trọng. Việc này mới là việc làm kỳ công. Đó mới xứng với chí nguyện cao cả ban đầu của chúng ta, còn không thì cũng tầm thường như người thế gian.
Cho nên hai chữ “thắng niệm” nếu mà đọc suông thì thấy không có gì đáng kể. Nhưng nếu thực hành rồi mới thấy đúng là hết sức cay đắng. Phải đổ mồ hôi, chảy nước mắt cả đời chưa hẳn là xong, chứ không phải thường.
Hiện tại có những vị cũng ở chùa nhiều năm nhưng đã thắng niệm được chưa? Hay là cũng thường thường, có khi thắng nó nhưng có khi nó cũng thắng mình, dẫn mình chạy ra rồi trở lại nữa!
Chúng ta cần học sâu vào nghĩa thiết thực để ứng dụng công phu. Phải gắng công thắng niệm, đó là chỗ tu hành. Không phải lo chất chứa cái này, cái kia, hoặc là địa vị danh vọng hay là chùa cao Phật lớn, không phải cái đó. Mà chính chỗ phải thắng niệm, mới là sự nghiệp của chúng ta.
Ngoài thì rộng đức kính hòa. Ngoài phải rộng tu hạnh đức hòa kính, tức sáu pháp hòa kính. Trong Thanh quy Thiền viện cũng chủ trương như vậy.
Sáu pháp Lục Hòa:
- Thân hòa đồng trụ: Tức là Thiền sinh phải sống hài hòa với nhau để cùng ở, cùng sống chung.
- Khẩu hòa vô tránh: Về phần miệng luôn luôn dùng lời hòa kính với nhau, không tranh cãi lớn tiếng, thô tháo giống như người thế tục.
- Ý hòa đồng duyệt: Tâm ý luôn luôn vui hòa, không có nghĩ thù nghịch, chống trái với nhau.
- Kiến hòa đồng giải: Theo chỗ hiểu biết cũng vui hòa, thông cảm với nhau chớ không chấp theo hiểu biết riêng tư, rồi tạo thành kiến với nhau.
- Giới hòa đồng tu: Cùng sống hài hòa trong giới luật, cùng tuân giữ nề nếp, quy cũ như nhau, chớ không tự làm theo ý riêng để trái quy luật chung, thành chướng cho mình.
- Lợi hòa đồng quân: Có lợi thì cùng chia đều để sống vui hòa với nhau.
Thiền sinh luôn giữ tinh thần hòa kính với nhau để cùng sống, cùng tu cùng làm sáng cái đức của mình, ai nhìn vào cũng mến. Muốn vậy thì trong tâm, ngoài thân đều thể hiện đúng tinh thần của người xuất gia tu hạnh xuất thế. Đó mới là sự nghiệp của người tu. Phật dạy xuất gia như vậy mới có ý nghĩa. Vì Tăng nghĩa là chúng Hòa hợp thì điều căn bản là đời sống người xuất gia tu hành phải hòa hợp, thiếu hòa hợp thì đâu còn ý nghĩa Tăng.
Về ý nghĩa Lục Hòa cũng có nhân duyên.
Một lúc nọ, khi Đức Phật đi đến Lâm viên Đông Trúc, thuộc thành phố Karagama, nơi có ba vị A-nậu-lâu-đà, Kim-tỳ-la, Nan-đi-da cùng đang sống tu hành với nhau rất hòa hợp.
Khi Phật đến cổng thì bị người gác cửa vườn không biết ngăn lại: “Sa-môn, ông đừng đi vào trong e làm phiền các thầy đang thiền định”.
Lúc đó, Phật chưa nói gì thì Ngài A-nậu-lâu-đà từ bên trong đi ra thấy, Ngài vui mừng xá chào, nói với người gác vườn: “Đây là Thầy của chúng tôi, ông hãy để Ngài vào”.
Ngài A-nậu-lâu-đà đưa Phật vào bên trong, gặp Ngài Nan-đi-da và Ngài Kim-tỳ-la. Ba người, người thì nâng bát, người thì nâng áo tăng-già-lê, rồi thỉnh Phật đến ngồi gần cạnh bên khóm tre vàng, đem nước, đem khăn đến cho Ngài rửa mặt, rửa chân. Rồi cả ba chắp tay đảnh lễ Phật.
Phật hỏi:
- Các thầy ở đây có an tịnh, sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực và hoằng hóa có dễ dàng không?
Ngài A-nậu-lâu-đà đáp:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con ở đây rất là an ổn, cảnh trí thật an tịnh, việc khất thực và hoằng hóa cũng không có gì trở ngại. Nhờ vậy, chúng con đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học.
Phật hỏi:
- Các Thầy có thương mến và hòa hợp với nhau không?
Các vị bạch:
- Chúng con rất là thương mến nhau, cùng sống hòa hợp như nước với sữa. Mỗi khi có điều gì quan trọng, chúng con đều họp nhau lại để lấy quyết định chung. Khi học tập về giáo pháp, nếu có điều gì còn nghi ngờ, hoặc là không hiểu rõ thì chúng con cùng nhau thảo luận để tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Bạch Thế Tôn! Nhờ ba người ở chung hòa hợp nên chúng con thấy việc tu học của chúng con được dễ dàng và thuận lợi.
Phật bảo:
- Tốt lắm! Ở chung mà có sự hòa hợp với nhau là điều kiện thuận lợi nhất cho việc tu học.
Ba vị ở chung với nhau, hòa hợp, tu học tốt nên Phật khen ngợi.
Nhưng thường một người ở thì tốt, hai người thì bắt đầu có lục đục, rồi ba người thì mỗi người một ý. Nên sống một mình thì an ổn, sống hai ba người với nhau là có chuyện. Tâm con người rắc rối vậy đó.
Còn ở đây ba người ở chung với nhau nên được thuận lợi hơn. Cùng trợ duyên tu học, có bạn tu hành thì càng tốt. Đó là điều chúng ta phải tập sống theo các vị.
Khi đó, Phật khen và ở lại vườn Đông Trúc này một tháng để quan sát cách ăn ở và tu học của ba thầy, đồng thời chỉ dạy thêm về giáo lý và cách thực hành.
Trước khi từ giã, Đức Phật bảo các vị:
- Này các thầy! Nếu tất cả Khất sĩ trong giáo đoàn có thể đối xử với nhau như các thầy thì rất lợi lạc và dễ dàng cho việc tu học chung. Từ nay Như Lai đề nghị áp dụng phép Lục Hòa đối với các Khất sĩ. (tức sáu phép Lục Hòa vừa kể ra)
Đó là nhân duyên Phật dạy pháp Lục Hòa. Học rồi chúng ta cũng phải khéo ứng dụng để sống và tu tập.
Ở đây phần “giới hòa đồng tu” thì có giới Thanh Văn, giới Bồ-tát.
Giới Thanh Văn thì tại gia có năm giới, tám giới, thập thiện giới.
Xuất gia thì có giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Nếu người thọ giới nào thì phải khéo giữ gìn.
Về Đại thừa thì có giới Bồ-tát, thông cả tại gia lẫn xuất gia.
Đây cũng nói qua về nghĩa Tỳ-kheo.
Tỳ-kheo có chỗ gọi là Tỷ-kheo, xưa dịch là Bí-sô, hoặc Bật-sô. Có ba nghĩa là Phá ác, Bố ma và Khất sĩ.
Phá ác tức là phá phiền não, tội ác thì ma phải sợ, phải kính nể; rồi Khất sĩ là xin ăn.
Cho nên Tỳ-kheo mà sống sang quá thì mất hết ý nghĩa Tỳ-kheo rồi. Tuy phải sống nghèo một chút thì cũng không có gì mắc cỡ, đừng sợ mình mặc áo cũ, áo vá người ta cười.
Hiểu rõ ý nghĩa này, thì phải ngăn ngừa tâm không cho chạy theo danh tướng để sanh cái ngã trong đó. Người Khất sĩ đi xin ăn tức nhiên phải khiêm tốn, nhẫn nhục. Tinh thần của người xuất gia là phải như thế, quyết tu hành để thoát khỏi cõi trần lao sanh tử này. Phải một lần đi là đi ra hẳn, không nhìn trở lại, không nuối tiếc nên gọi là vượt hẳn.
Bởi vì bao nhiêu kiếp chúng ta đã bị trói cột ở trong đây, chịu biết bao sự khổ trong luân hồi sanh tử này rồi, giờ gặp được duyên lành thoát ra thì phải thẳng tiến để thoát ra.
Ở trên là nói về thân thoát ra. Còn đây nói “mong ngày thoát ra” là thoát cái gì nữa? Chỗ này là chỗ phải hết sức để tâm.
Nghĩa là phải thật sự đạt được tâm giải thoát, để vượt hẳn trần lao thì đó mới là chỗ nhắm của con đường xuất gia.
Ai là bậc Thượng Sĩ Xuất Trần phải xét cho kỹ để có sự dứt khoát tu tập, bắt đầu vượt hẳn ra. Nên gọi là “vượt hẳn cõi trần, mong ngày thoát ra”, chớ không có dây dưa, không có ngó lại.
Xưa Đức Phật khi còn ở trong thời tu Bồ-tát hạnh, có lần Ngài làm vua và tỉnh ngộ đi tu. Ngài vào rừng xuất gia tu nhưng hoàng hậu cứ đi theo hoài.
Lúc đó vào rừng gặp một người nhắm con mắt lại để uốn tên cho thẳng, Ngài hỏi ông làm gì phải nhắm mắt vậy?
Người uốn tên nói là nếu mở cả hai con mắt thì mắt này tranh mắt kia, nhắm không thẳng được, nên phải nhắm bớt một con mắt.
Ngài mới nói với hoàng hậu là: “Uốn tên thôi mà còn phải làm như vậy, còn trẫm đi tu mà hoàng hậu đi theo mãi thì làm sao thẳng được”.
Cuối cùng, Ngài bẻ một nhành cây, nói với hoàng hậu: “Cây này bẻ rồi có thể gắn lại được không? Cũng vậy, ta quyết chí tu hành là cắt đứt không thể ráp lại rồi. Thôi, bà hãy về để cho ta yên tu!”. Dứt khoát như vậy.
Đó cũng là một ý nghĩa để nhắc chúng ta trên đường xuất gia tu học phải có sự dứt khoát, thẳng tiến.
Đây gọi là vượt khỏi cõi trần, chứ không có dây dưa, hoặc là đi rồi cứ ngoái lại hoài. Phải nhắm bớt con mắt lại thì mới thẳng được, mới vượt hẳn ra cõi trần, mong ngày thoát ra.
Các bài mới
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 2) - 24/08/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 1) - 21/08/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 10) - 29/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9) - 25/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 8) - 20/06/2017
Các bài đã đăng
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7) - 11/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 6) - 06/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 5) - 30/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 4) - 29/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 3) - 21/05/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05763
- Online: 22