Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 4 )

25/09/2017 | Lượt xem: 3424

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

“Sao được vừa lên giới phẩm, liền nói ta đây Tỳ-kheo.”

Từ giới Sa-di thọ lên giới Tỳ-kheo là lên được một bực, tức lên được giới phẩm. Vừa thọ giới xong thì liền nói ta đây Tỳ-kheo, như vậy là sao? Xưng mình Tỳ-kheo thì có lỗi gì đâu? Vậy Ngài muốn nói gì? Đây Ngài ngăn ngừa tâm chạy theo danh tướng hay sanh cái ngã trong đó.

 

Chưa gì đã thấy mình là Tỳ-kheo, là bậc Thầy lớn để ăn trên ngồi trước, đó là không phải. Mới thọ giới chỉ được danh nhưng hạnh Tỳ-kheo thì chưa có, nên chưa xứng với danh nghĩa Tỳ-kheo. Ngài muốn răn nhắc người xuất gia còn phải tu tập nhiều nữa để xứng với hạnh của Tỳ-kheo.

Cho nên kinh Pháp Cú - phẩm Tỳ-kheo, Phật dạy:

Người chế ngự tay chân,

Chế ngự lời và đầu,

Vui thích nội thiền định,

Độc thân vừa biết đủ,

Thật xứng gọi Tỳ-kheo. 

Phật dạy Tỳ-kheo là người phải biết chế ngự, biết kiểm soát tay chân lời nói, những cử chỉ hành động của mình chứ không buông thả. Vui thích trong thiền định, sống độc thân vừa biết đủ thì đó mới xứng gọi Tỳ-kheo.

Tỳ-kheo chế ngự miệng,

Vừa lời, không cống cao,

Khi trình bày pháp nghĩa,

Lời lẽ dịu ngọt ngào.

Tức là biết chế ngự miệng, luôn kiểm soát lời nói không phải muốn nói gì cứ nói nên gọi là vừa lời, cũng không cống cao, ngã mạn. Khi trình bày những pháp nghĩa thì lời lẽ dịu dàng, ngọt ngào.

Hoàn toàn đối danh sắc,

Không chấp ta, của ta,

Không chấp, không sầu não,

Thật xứng danh Tỳ-kheo.

Tỳ-kheo là không chấp ngã, không sầu não, phải như vậy mới xứng là Tỳ-kheo. Nên Tỳ-kheo còn gọi là Phá ác, tức là phá những phiền não, như vậy ma mới sợ nên còn gọi là Bố ma.

Tức phải phá trừ phiền não không chấp vào cái ngã này, đối với danh sắc không chấp ta và của ta nên không có sầu não thì ma mới sợ, được vậy mới xứng danh Tỳ-kheo.

Ngài Luật sư Đại Trí Chiến, có bàn về danh hiệu Tỳ-kheo là:

- Tiếng Phạn là Tất-sô (hoặc dịch là Bật-sô, hay Bí-sô), tiếng Hoa dịch là Khất sĩ, nghĩa là trong xin pháp để sửa tính, ngoài xin ăn để nuôi thân. Cha mẹ là bậc chí thân của con người, vậy mà cắt bỏ tình nghĩa trước hết. Rồi râu tóc là thứ người thế gian coi trọng cũng đem cắt bỏ. Dầu thừa hưởng bảy thứ báu đều bỏ đi giống như quăng cỏ rác. Tôn quý đứng hàng đầu chẳng khác gì khói mây. Chán cảnh vô thường, muốn xét cho cùng gốc của vạn hữu, muốn làm cho chí cao thì ắt phải hạ mình thấp xuống. Cầm gậy tích trượng giống hệt cây găng khô. Mang bát người tu khác nào như đồ gốm vỡ. Vai khoác các hoại sắc, chính là áo rách. Khuỷu tay đeo túi đãy giống hệt cái bị cối. Kiệm ước tu thân tức dự trong hàng tứ y. Chín châu bốn biển đều là chỗ chơi; dưới cây, giữa mả đều là những nơi nương náu. Vin xe nhàn của Tam thừa, theo dấu xưa của chư Phật.

Đó là đệ tử chân chánh của Phật, gặp duyên thế tục chẳng đổi thay. Đó là bậc đại Trượng phu thật sự có thể đánh lui quân ma, xé toang lưới trần, nhận lễ cúng hậu tới ngàn vàng, quả thực cũng đều tiêu được. Họ là ruộng phúc của chúng sanh, thực chẳng uổng công ký thác. Danh nghĩa của Khất sĩ tức là như vậy chăng!”.

Khất sĩ là xin ăn. Bên trong xin pháp Phật để sửa đổi tâm tính của mình, bên ngoài xin ăn để nuôi thân này. Cắt đứt tình thân đối với cha mẹ, râu tóc cũng cắt bỏ. Còn những người giàu có đi xuất gia rồi, thì bỏ của cải giống như quăng cỏ rác. Hoặc những người ở địa vị sang quý hàng đầu, được người kính trọng, cũng xem vương vị không khác gì khói mây. Giống như vua Trần Nhân Tông, Ngài xuất gia rồi xem địa vị quyền thế không quan trọng.

“Muốn làm cho chí cao thì ắt phải hạ mình thấp xuống”, đó là tỷ lệ nghịch. Mang bát coi như đồ gốm vỡ không tham đắm; mặc y hoại sắc coi như áo rách.

“Tứ y” đây thuộc về Nhân Tứ y chứ không phải là pháp. Nhân Tứ y tức là bốn hạng người được chúng sanh tin cậy và xứng đáng y chỉ. Thứ nhất: bậc xuất thế phàm phu, tức phàm phu trong hàng xuất thế như bậc tam hiền, bậc tứ thiện căn: noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất. Thứ hai: bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, bậc A-na-hàm, bậc A-la-hán. Đó là những bậc Nhân Tứ y đáng cho người nương tựa.

“Tỳ-kheo ở nơi gò mả, dưới gốc cây làm chỗ nương náu”, không quan trọng về chỗ ở. Xưa, các Ngài tu hạnh đầu-đà ở dưới gốc cây, nơi gò mả, trong hang núi. Nên ở thì ở, cần đi thì phủi áo đi, không luyến tiếc, không quan trọng.

“Vin theo xe nhàn của bậc Tam thừa để tiến theo dấu xưa của chư Phật”, tức là con đường giải thoát. Gặp những duyên thế tục không đổi thay.

Danh nghĩa Khất sĩ hay Tỳ-kheo là như vậy. Ở đây, Ngài răn là người mới thọ giới chưa gì xưng ta đây Tỳ-kheo, phải được sắp lên ngồi trên. Như vậy là chưa xứng.

Đây Tổ Quy Sơn răn nhắc người tu phải biết khiêm tốn, chớ vội sanh tâm cao ngạo thì sẽ mất lợi.

 

“Tiêu dùng của tín thí, ăn xài vật thường trụ, chẳng biết xét nghĩ từ đâu đem đến, còn bảo rằng ‘lý tự nhiên phải nên cúng’”.

Nói ta đây Tỳ-kheo rồi tiêu dùng của tín thí mà còn bảo rằng lý tự nhiên phải nên cúng, vì mình là Tỳ-kheo nên họ phải cúng thôi! Đó là biểu lộ tâm kiêu ngạo, không xét kỹ nguyên nhân từ đâu mà có những vật này.

Tổ Quy Sơn răn nhắc tâm kiêu ngạo của chúng ta chưa gì đã lộ ra sanh tâm thọ dụng của đàn-na thí chủ và vật của thường trụ rồi. Đâu biết thí chủ có lòng kính tin Tam Bảo, tin nơi chư Tăng, nên họ mới nhín ăn nhín mặc đem đến cúng dường cho ta. Bởi họ nghĩ chúng ta là ruộng phước để họ gieo trồng, chứ không phải là cái gì của họ, bắt buộc họ phải đem cúng. Nếu đức của chúng ta chưa đủ thì có dễ tiêu của tín thí hay không? Đâu phải dễ dàng.

Cho nên khi thí chủ cúng dường chúng ta, thì mình giống như viên đá mài dao; họ đến mài, tức cầu phước. Càng mài thì cây dao của họ càng bén, nhưng cục đá của chúng ta càng mòn, tức phước của mình tiêu bớt, rất đáng sợ chứ không phải nghiễm nhiên, đâu nên mừng rồi sanh tâm thọ hưởng tự nhiên như vậy.

“Ăn xài vật thường trụ”, vật thường trụ tức là vật chung của chúng Tăng, chứ không phải là của riêng mà chúng ta mặc tình ăn xài.

Thường trụ có bốn loại:

1- Thường trụ thường trụ: Nhà bếp, nhà kho, tự xá v.v… không được đem đi, vì thuộc về của chung.

2- Thập phương thường trụ: Thức ăn hàng ngày cung cấp cho chúng Tăng.

Hai loại này thuộc về tứ phương Tăng, chư Tăng các nơi đến thì cũng có phần trong đó, không phải là riêng của chùa mình. Cho nên biết rồi thì chư Tăng các nơi đến, họ cũng được dự phần, phải tiếp đãi đàng hoàng chứ không được không cho.

3- Hiện tiền hiện tiền: Vật của chư Tăng hiện tiền, tức là ở tại chùa.

4- Thập phương hiện tiền: Các vật do vị tăng qua đời để lại, cũng thuộc về của hiện tiền Tăng. Như vậy hiện tiền Tăng cũng của chung chứ không phải là của riêng ai, cho nên cũng không thể mặc tình lấy dùng. Thế nên, xài của thường trụ là phải hết sức cẩn thận, không khéo thì nhân quả không lường được.

Như câu chuyện Thiền sư Tự Bảo bị bệnh, sai thị giả xuống nhà bếp xin chút gừng để làm thuốc dùng. Nhưng thị giả xuống xin ông giữ kho không cho, bảo phải đem tiền mua đền lại của chúng Tăng mới được, chứ không cho lấy tự do. Ngài biết, nên sai đem tiền tới mua, đó là cũng giữ đúng luật.

Nếu là chúng ta liền tự ái, còn đây Thiền sư làm đúng luật. Không ỷ lại mình là người trên muốn xuống bếp lấy gì thì lấy. Người trên còn vậy đó, huống nữa là những chúng thường thường, muốn vào lấy gì cứ lấy thì đó là càng không phải phép nữa.

Như có những vị lâu lâu muốn ăn mì liền vô kho lấy đem về phòng để dành ăn, đó lấy trộm của chúng Tăng. Việc làm nhỏ này cũng có nhân quả không tốt, nên phải biết ngăn ngừa. Khi học hiểu rồi chúng ta nhận biết được những phép tắc để sống cho đúng, nếu không hiểu phép luật, phép tắc cứ làm thoải mái, nhiều khi bị ngăn rồi sanh phiền não.

Ngày xưa, có câu chuyện nhân quả:

Có vị tăng xuống kho bếp lấy chút củi để nấu thuốc nhuộm áo, nhưng không xin nên cũng giống như lấy trộm. Sau chết bị mắc quả báo trong địa ngục bị lửa đốt chân, đốt da.

Một huynh đệ của người đó lúc đi trong khoảng đồng trống, sao chợt thấy giống như ngôi chùa, thấy có vị tăng trong đó đang bị đốt. Khi hỏi thì vị tăng này nói: “Đây là địa ngục, hồi xưa tôi có lỗi đó mà nay bị tội thế này. Nếu huynh thương thì về hóa duyên rồi đền bù lại dùm cho tôi phần củi đã lấy.”

Đó là những chuyện nhân quả.

Cho nên đối với vật của chúng Tăng, của thường trụ khi xài phải hết sức cẩn thận, chứ không phải xài thoải mái tự nhiên vì là của chung. Luật chế mỗi bữa ăn người xuất gia phải thực hành năm pháp quán là để cho thấy được sự nặng nề của vật cúng dường mà chúng ta đang thọ phải hết sức dè dặt. Nhân đó lo tu để đền ơn của thí chủ, chứ không phải tiêu xài thoải mái, cho bổn phận họ là phải đem đến cúng dường. Không phải vậy!

Cuối đời Tùy ở Trung Hoa, khi ấy có vị tăng ở Tân La (Triều Tiên) là người tu hành đức hạnh. Phần nhiều vị này riêng thọ sự cúng dường đều đặn của một nhà đàn-việt thân thiết trong khoảng 10 năm. Nhờ có phước nên gia nghiệp của gia đình này càng ngày lại càng phong phú, giàu có thêm và sớm chiều hết lòng dâng tứ sự cúng dường không hề lui sụt. Đến khi Thiền sư này tuổi già qua đời thì gia đình này cũng y theo pháp mà chôn cất.

Mấy ngày sau, trong vườn nhà của gia đình này có một cây khô bỗng nhiên mọc lên loại nấm ngon đặc biệt. Người nhà thấy vậy hái vào nấu canh thì vị của nấm giống như thịt nên cả nhà ai cũng đều thích ăn. Và cứ vậy, mỗi ngày ra canh hái đem vào dùng. Đặc biệt là nó mọc đều đặn đủ cung cấp cho gia đình này.

Thời gian sau những người hàng xóm lân cận biết được, rồi có một người ở xóm phía Tây, ban đêm trèo tường lén vào hái trộm. Mới đưa dao định cắt bỗng nghe nơi cây phát ra tiếng người bảo:

- Ai cắt thịt tôi đó? Tôi chẳng thiếu nợ anh.

Người này giựt mình sợ, nhưng cũng bình tĩnh hỏi:

- Ông là ai vậy?

Có tiếng đáp:

- Tôi là vị tăng lúc trước thọ nhận cúng dường của gia đình này, vì đạo hạnh kém mỏng, mà thí chủ là chủ nhân nhà này có tâm kính trọng cúng dường nên nghiệp không thể tiêu, bây giờ đến đây để đền nợ. Anh có thể vì tôi đi xin vật để đền trả lại cho chủ nhân thì tôi sẽ được giải thoát.

Người ấy nghe liền nhớ lại trước kia cũng từng thấy vị tăng này qua lại nơi đây, anh lấy làm lạ rồi than thở. Anh mới báo cho chủ nhà biết sự việc. Chủ nhà nghe được liền gào khóc, té xỉu. Sau đó, gia chủ đối trước cây nấm sám hối tạ lỗi và thưa là miễn hết không phải đền trả gì cả. Riêng người hàng xóm kia sau đó đi xin được một trăm thạch gạo đem đến cho vị chủ nhà, từ đó trong vườn không còn mọc cây nấm nữa.

Câu chuyện này được thuật lại trong quyển Thích Môn Tự Cảnh Lục. Tác giả thuật lại nói rằng: Vị tăng này pháp danh Đạt Nghĩa, tuổi gần 80, đến trú tạm núi tôi đang ở. Vì kính đức của vị này nên tôi cũng thường cung cấp y phục thuốc men cho vị tăng Đạt Nghĩa. Vị tăng này cảm sự cúng dường cung cấp ấy nên đối trước tôi buồn khóc rồi thuật lại chuyện này và nói: “Đời khác chắc là cắt thịt để đền cho thầy”.

Câu chuyện nhắc chúng ta suy gẫm để tự kiểm lại mình, tin hay không tin thì tùy mỗi người. Nhưng cần phải biết cẩn thận, dè dặt, đừng quá xem thường nhân quả. Bởi vì không thể lý luận biện hộ được tội lỗi của mình khi nhân quả đến. Cho nên hễ tiêu dùng của thường trụ, của đàn-na thí chủ thì chúng ta phải hết sức thận trọng, chớ có hời hợt thọ dụng mà không lo tu.

Đó là điều mà ở đây muốn nhắc, người tu chưa có gì mà vội sanh tâm tiêu dùng của tín thí, ăn xài của thường trụ tự nhiên thoải mái, còn bảo mình là Tỳ-kheo rồi nên họ có bổn phận phải đem đến cúng dường, không được có những tư tưởng đó!

 

“Ăn rồi tụm đầu bàn tán lăng xăng, chỉ nói toàn chuyện thế gian tạp nhạp”.

Thử hỏi một thầy Tỳ-kheo, ăn rồi nhóm năm nhóm ba bàn nói những chuyện đâu đâu hoặc chuyện thế tục, nhiều khi bàn chuyện thị phi hoặc là chuyện ngũ dục vui chơi ngoài thế gian, không dính dáng gì đến chuyện tu hành thì làm sao tiêu của thí chủ! Rồi bàn tới bàn lui, nói qua nói lại một hồi cãi nhau, sanh phiền não; hoặc là bàn chuyện thị phi người kia phải, người nọ quấy, người kia đáng ghét, rồi lỡ người nghe đi thuật lại người kia thì sanh chuyện phiền não. Đó thuộc về khẩu nghiệp, không khéo là mang quả báo khẩu nghiệp lại tổn đức của mình. Như mình nói xấu người kia thì không lâu sẽ mắc quả báo người khác nói xấu lại mình, gọi là nhân quả.

Đây là điều mọi người dễ bị mắc phải, vì rảnh ngồi một mình buồn, nên tìm hai ba người ngồi nói chuyện chơi. Đúng ra ngồi một mình thì lấy kinh ra xem để huân tập thêm chủng tử trí tuệ, hoặc là ngồi chiêm nghiệm lại công phu của mình, xét lại tâm niệm tu hành thì hay hơn. Cho nên thay vì nói một câu chuyện thế tục thì tốt hơn chúng ta ít nói một câu hoặc nói thêm một câu về Phật pháp. Nếu như không có thêm câu gì về Phật pháp thì chúng ta ít nói bớt lại thì sẽ có rảnh thời gian xem kinh, tọa thiền nên có ích lợi hơn.

Chẳng hạn ban đầu có nói chuyện đạo lý cũng hay hay, nhưng nói một lúc hết chuyện rồi thì phải bắt qua chuyện khác. Bảo đảm với mọi người là khi ngồi nói chuyện một hồi mà không rơi vào nói chuyện thế gian, nói chuyện thị phi thì đúng là đáng kính, đáng lạy đó! Cho nên ở đây Tổ Quy Sơn dùng roi quất cho một cây. Cảnh sách mà! Chữ sách là cây roi, lâu lâu quất cho một roi mới thấy đau!

Thiền sư Toàn Bá, lúc Ngài sanh ra không giống người khác. Mọi người khi sanh ra đều khóc oa oa, còn Ngài ra đời đặc biệt không có tiếng khóc, lớn lên không nói năng gì hết, nên người trong xóm gọi là “thằng câm”. Một hôm, người nhà dẫn Ngài đi đến chùa, khi nhìn thấy tượng Phật thì Ngài mới lên tiếng nói.

Cha mẹ thấy vậy vui mừng hỏi:

- Ủa! Con nói được rồi à! Sao mấy năm qua im lặng không nói gì hết?

Ngài đáp:

- Con nghe lời bàn bạc đối đáp hàng ngày, phần nhiều là những việc thế tục tầm thường, nên con chẳng nói.

Mới còn bé mà đã biết nói câu đó, còn chúng ta nhiều khi đầu muốn bạc nhưng chưa chắc nói được câu đó. Những vị như vậy đúng là đáng kính lễ, chúng ta lạy đâu có tiếc.

Đó là những tấm gương khi học rồi chúng ta tự kiểm lại mình, để có sự sửa đổi răn nhắc bản thân.

Người thật sự có tâm cầu tiến thì càng học càng sáng tỏ nhiều vấn đề, càng học càng có thêm nhiều lợi ích chứ không phí. Đừng nghĩ rằng những điều tôi học qua rồi giờ không cần học nữa, không phải vậy! Tuy có những điều chúng ta đã học rồi nhưng khi học lại thì thấy có nhiều điều mới hơn, có sự nhắc nhở sách tấn thêm và đều có lợi ích.

Tóm lại người muốn sách tấn mình, thì nên bớt tụm ba tụm bảy, nói bàn chuyện lăng xăng tạp nhạp phí thời gian vô ích, đôi khi lại mang khẩu nghiệp, tổn đức của mình.

Như Thiền sư An ở chùa Quang Hiếu. Sư vốn họ Ông quê ở Vĩnh Gia, lúc còn bé cũng đã có tư cách nghiêm chỉnh, không thích nơi ồn náo (tức là chủng tử Bồ-đề có sẵn từ bé). Người cha thấy vậy cho là lạ nên mới cho đi xuất gia.

Sau khi xuất gia, Sư qua ngọn Vân Phong ở Thai Châu kết am tranh ở tu, sống đạm bạc, thường ngồi chẳng nằm, ngày ăn một bữa, chẳng mặc đồ lụa là, quanh năm chỉ mặc một chiếc áo nạp.

Tu như vậy thì mau được thành tựu. Vì ở am tranh đơn giản thì tâm đâu bận rộn mong cầu gì nhiều. Thường ngồi chẳng nằm tức là thường ngồi thiền, không mặc đồ tốt chỉ mặc chiếc áo nạp quanh năm nên không phải lo lắng gì. Còn chúng ta hiện giờ có nhiều nhu cầu, muốn cái gì cũng phải tiện nghi, thiếu chút là chịu không được, thành ra gợi tập khí tham mà không hay.

Sau, Sư đến gặp Quốc sư Đức Thiều. Quốc sư hỏi:

- Ba cõi không pháp, chỗ nào tìm tâm? Bốn đại vốn không, Phật nương đâu mà trụ? Vậy ông nhằm chỗ nào để thấy được lão Tăng?

Sư đáp:

- Ngày nay bắt được Hòa thượng thua rồi.

Quốc sư bảo:

- Là cái gì?

Sư mới lật ngã đài hương đi ra thì ngay đó Quốc sư thầm nhận.

Một hôm, Sư xem kinh Hoa Nghiêm đến đoạn: “Nơi thân không chỗ thủ, nơi tu không chỗ dính mắc, nơi pháp không có chỗ trụ. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại rỗng lặng”. Ngay đó Sư liền hoát nhiên nhập định.

Chúng ta thấy người xưa tu rất miên mật, lúc nào cũng tu cũng giữ tâm niệm nên khi đang đọc kinh mà tâm luôn chuyên nhất. Sư nhập định trải hơn 10 ngày.

 Sau 10 ngày Sư xuất định, thấy thân tâm trong sáng nhẹ nhàng, liền sáng tỏ được chỗ sâu mầu.

Trung Ý Vương nghe đạo đức của Sư sanh lòng ngưỡng mộ, thỉnh về trụ chùa Thanh Thái ở Việt Châu. Nhưng Sư không thích theo công việc, chỉ thường ngồi yên nơi trượng thất như là nhập đại định vậy.

Một hôm, ở trong định Sư thấy hai vị tăng đứng dựa lan can nơi chánh điện nói chuyện, thì có vị thiên thần hộ vệ, đứng lắng tai nghe có vẻ cung kính. Một lát sau, thấy có con ác quỷ tới mắng nhiếc, phủi quét dấu chân như khinh rẻ.

Sau khi xuất định, Sư mới đến hỏi thăm hai vị tăng lúc đó nói chuyện gì mà có các tình trạng như vậy xảy ra. Hai vị mới thật tình nói cho biết là ban đầu hai người bàn luận về Phật pháp, nhưng sau đó hết chuyện Phật pháp rồi mới bàn sang chuyện thế tục, vì vậy mà quỷ mới tới khạc nhổ, phủi quét dấu chân có vẻ khinh rẻ.

Đó là kinh nghiệm mà chúng ta học của người xưa rồi nhớ kiểm lại mình mà cẩn thận. Bởi vì chúng ta đâu biết được chung quanh, nhất là ở những đạo tràng thì có hộ pháp thiện thần hoặc những thần hộ giới cho người tu. Nếu tâm hạnh chúng ta đúng pháp, đúng luật thì các vị thiện thần cung kính hộ vệ rất tốt. Ngược lại, sanh tâm lăng xăng thế tục những vị thần này bỏ đi thì quỷ sẽ đến, mà quỷ đến thì gây chuyện không tốt cho chúng ta. Cho nên, đừng nghĩ rằng chúng ta làm nhưng không ai biết.

Khi nghe biết chuyện rồi Sư mới nói:

- Bàn suông những chuyện không đâu còn như vậy, huống nữa là bậc chủ pháp đánh trống thăng đường mà nói việc vô ích ư?

Từ đó, trọn đời của Sư chưa từng bàn đến chuyện thế tục.

Khi Sư tịch, trà-tỳ xong, cái lưỡi vẫn còn mềm mại, màu như hoa sen đỏ chớ không có hư hoại.

Đây là bài học nhắc cho chúng ta phải rất cẩn thận cái miệng, nên bớt nói chuyện khào, bớt nói chuyện tạp nhạp.

Ở đây, Tổ Quy Sơn nhắc người xuất gia tránh tụm đầu nói chuyện thế tục, khiến cho loạn tâm vô ích, lại tổn đức của mình, khiến quỷ thần khinh chê. Đồng thời cũng là nhân sanh phiền não, đều là không tốt.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07377
  • Online: 22