Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 9 )

21/11/2017 | Lượt xem: 3362

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

“Chẳng thể dễ dàng qua ngày, lơ mơ hết buổi, thời giờ đáng tiếc, chẳng cầu tiến lên. Thật uổng tiêu của tín thí mười phương, cũng cô phụ cả bốn ân!”

Nghĩa là sống thong thả qua ngày, lơ mơ hết buổi không làm gì hết, để cho thời giờ qua suông thật là đáng tiếc, không cầu tiến lên thì lấy gì để tiêu của thí chủ?

Đây Tổ Quy Sơn lại ân cần khuyên nhắc thêm lần nữa là lo tinh tiến tu hành, quý tiếc thời gian chớ để qua suông. Chúng ta thấy tấm lòng của Tổ Quy Sơn, kiểm lại từ đầu đến đây Ngài nhắc về chuyện này mấy lần rồi?

Lần thứ nhất: “Niệm niệm chóng mau trong khoảng sát-na, chuyển hơi thở liền thành đời sau. Sao đành bình thản để qua suông?” Tức là lấy thân vô thường nhanh chóng để nhắc chúng ta lo tu.

Lần thứ hai: “Ngày qua tháng lại, thoáng chốc đã bạc đầu”. Tức là lấy ngày tháng qua mau để khuyên nhắc người xuất gia chớ có lo mê ăn, mê ngủ phải lo tu học.

Lần thứ ba: “Đáng tiếc một đời luống qua, sau ăn năn khó kịp!”. Là khuyên phải tận dụng thời gian hiện tại để lo tu, chớ để sau rồi ăn năn không kịp.

Lần thứ tư: “Sao đành khoanh tay chẳng quý tấc bóng!”. Là khoanh tay, không làm gì hết, để thời gian qua suông mà không biết quý tiếc thời gian. Đó là nhắc phải biết quý trọng duyên lành đã có của mình, chớ để nó qua rồi khó tìm lại.

Lần thứ năm: “Chớ để dễ dàng qua ngày, lơ mơ hết buổi”. Cứ thong thả qua ngày, lơ mơ hết buổi, như vậy không biết sống để làm gì? Hay là sống để chờ chết. Đó gọi là hiện tướng của lười biếng, không lo tu học, lỏng nhỏng qua ngày, để cho thân này nhàn nhã, sợ nó nhọc. Nhưng đâu biết là cưng chìu nó như vậy để rồi phải chịu đọa lạc, khổ sở về sau.

Lại than thở: “Thời giờ đáng tiếc, chẳng cầu tiến lên”. Đáng tiếc cho thời giờ qua suông vô ích mà không cầu tiến lên. Tức là kéo lê cái xác này qua ngày tháng, không cầu tu tiến. Mà không cầu tiến lên tức là để rớt xuống. Vậy mà không lo!

Cuối cùng kiểm điểm lại làm sao tiêu được của tín thí, rồi lấy gì để mà đền đáp bốn ân? Không lo tu học, lỏng nhỏng qua ngày, kéo lê cái xác cho nó qua ngày để mà chờ chết, như vậy không được gì hết thì đó là kẻ phụ bạc bốn ơn lớn, là khó tiêu của tín thí. Thấy xấu hổ hay không?!

Mà nếu không tiêu được của tín thí mười phương thì con đường phải đến là chịu đọa lạc để mà đền nợ. Nghĩ đến đó thì mới thấy lo. Bởi đâu thể giựt nợ người ta được, thọ ơn đó thì đâu thể giựt nợ được.

Phải thấy như vậy mà nhắc nhở, sách tấn chính mình để lo tu. Cho nên ai là người có tâm thì hãy tự xét lại kỹ xem, mình có thể sống được như vậy hay sao? Nghĩa là sống mà dễ dàng thong thả qua ngày, lơ mơ hết buổi để không được gì hết, cuối cùng rồi thì phải chịu đền nợ. Đó là những điều mà Tổ Quy Sơn hết sức ân cần, thiết tha nhắc nhở chúng ta phải hết sức lo tu.

 

“Chất chứa càng nặng, tâm trần dễ lấp kín, chỗ chỗ đều vướng ngại, đều bị người coi khinh”.

Tu không lo tu nhưng lại lo chất chứa, thu gom để thêm lớn tâm tham. Tức là càng chìm sâu trong tham dục thì càng chất càng nặng, mà càng nặng thì càng rơi xuống. Nhẹ thì lên mà nặng thì xuống thôi. Đây là hiện tướng của tham dục nặng nề, càng ngày sẽ càng lún bùn, bị tâm ô nhiễm, bụi bặm lấp kín. Mà tâm ô nhiễm, bụi bặm lấp kín tức là không có chỗ ló đầu. Phải nhớ điều đó!

Tức là toàn sống trong phiền não. Xoay qua xoay lại đều là đụng trần cấu bị nó lấp kín, rồi càng ngày nó càng đóng bụi dầy thêm. Như vậy thì càng chìm sâu thêm nữa, thấy đáng sợ! Gọi đó là sống trái xa với chánh pháp. Chánh pháp Phật không dạy Tỳ-kheo như vậy.

Đây là những lời ngay, lời thẳng của Tổ Quy Sơn, nói thật mà không vuốt ve. Tức nói thẳng lẽ thật để chúng ta biết mà tránh. Là hàng đệ tử Như Lai mà lại sống trái xa với chánh pháp, để bụi trần lấp đầy, ô nhiễm che tâm thì phải nói sao đây? Chúng ta có muốn rơi vào trong hạng người đó không? Đây là một roi răn nhắc của Tổ Quy Sơn. Cảnh Sách là như vậy đó, lâu lâu quất một roi cho tỉnh.

Nếu cứ sống như thế thì sẽ ra sao? Mở mắt ra xoay qua xoay lại đều dính hết thì có chỗ nào thông được? Nên gọi là chỗ chỗ đều vướng ngại. Mà như vậy thì hậu quả cuối cùng là bị người coi khinh thì mới thấy đau! Đáng lẽ mình là bậc vượt lên, là bậc thầy của Trời người; phước điền cho Trời người, mà trái lại bị người coi khinh thì thật là đau!

Thiền sư Huyền Giác cũng có lời răn đồ chúng rằng:

Các ông đã xuất gia thì giống như kẻ tù được ra khỏi ngục, phải ít muốn, biết đủ, chớ có tham nhiễm theo sự vinh hoa, phú quý hư dối của thế gian. Phải chịu đói, chịu khát, để chí nơi vô vi. Được ở trong Phật pháp, dù gặp lúc chín phần chết, một phần sống cũng chớ có ném bỏ.

Phải nhớ kỹ vậy đó. Mình là người xuất gia, giống như kẻ tù mà được ra khỏi ngục. Được ở trong Phật pháp là quá quý rồi. Thì dù cho gặp lúc gọi là thập tử nhất sanh, chín phần chết một phần sống cũng chớ có ném bỏ.

Chúng ta lấy những lời chân thành răn nhắc của các Ngài để luôn tự cảnh tỉnh mình, để sống làm sao không cô phụ chí xuất trần của mình, cũng không để mang tiếng là kẻ phụ bạc mười phương tín thí, phụ bạc cả bốn ân thì mặt mũi nào ngó cha mẹ, Thầy bạn nữa!

Chúng ta phải làm sao để một phen đi ra là đi thẳng luôn, chớ không để ra rồi mang gông trở lại. Phải dám chịu đói, chịu khát, để chí nơi vô vi. Như vậy mới cảm được, mới thấy được những lợi ích chân thật của người xuất gia. Còn không thì thành kẻ cô phụ chí xuất trần của mình, như vậy lợi ích của người xuất gia là ở đâu?

Ngài Châu Hoằng có lời cảnh tỉnh nói về lợi ích người xuất gia:

“Chư Đại đức xưa nay có nói rằng: “Người thuộc hàng đệ nhất đẳng đó là người xuất gia”. Dân gian cũng có một câu lưu truyền mãi là một người xuất gia thì cha mẹ chín đời được giải thoát. Những lời này đều tán thán xuất gia nhưng không nói rõ ràng những lợi ích của xuất gia. Vậy thì thực sự xuất gia lợi ích chỗ nào? Chẳng lẽ nói là không cần cày ruộng, dệt vải cũng có cơm ăn, áo mặc chính là lợi ích của người xuất gia hay sao? Hoặc là nói không cần mua nhà, thuê phòng cũng có chỗ ở chính là lợi ích của xuất gia phải vậy không? Hoặc là nói rằng vua quan, đại thần ủng hộ, Phật tử cung kính cúng dường. Trên không bị quan lại sai sử, dưới thì phiền nhiễu vì dân, rong chơi tự tại chính là lợi ích của người xuất gia hay sao?

Người xưa có một bài kệ:

Một hạt cơm tín thí,

Nặng hơn núi Tu-di.

Nếu vẫn chưa liễu đạo,

Sau làm trâu ngựa đì!”

Nếu cho rằng chúng ta không cần làm việc cày cấy, không cần dệt vải mà cũng có đủ cơm ăn, áo mặc thì đó là lợi ích xuất gia. Vậy chẳng lẽ chúng ta vì cơm ăn, áo mặc hay vì không có nhà ở mà xuất gia sao? Đâu phải vậy.

Người xuất gia nên nhớ là một hạt cơm của đàn-na thí chủ nặng hơn núi Tu-di, nếu tu hành mà chưa liễu được đạo thì sẽ phải làm trâu, làm ngựa để đền lại.

Đó là câu kệ của Cổ đức nhắc cho người tu phải hết sức cẩn thận, vì hạt cơm của tín thí nặng lắm chớ không phải thường. Đừng thấy có sẵn cơm ăn rồi xem thường là mang họa.

Có câu chuyện là ông thầy bảo đệ tử giặt y. Ông đệ tử bỏ y vào thau giặt, nhưng sao cái y cứ nổi lên, đè hoài không xuống. Ông lấy chân đạp cũng không xuống.

Bất chợt, ông thầy đi ra thấy vậy hỏi:

- Làm gì vậy?

Đệ tử nói:

- Cái y này bữa nay sao kỳ quá cứ nổi lên hoài, con lấy đá dằn xuống mà cũng không xuống.

Ông thầy nói:

 - Thôi thì con vào lấy ít hạt cơm buộc vào đó thì y sẽ chìm xuống.

Đệ tử nghe lời làm theo thì cái y liền chìm xuống.

Vị thầy nhân đó nhắc:

- Con thấy không? Hạt cơm của tín thí nặng như vậy đó.

Cho nên chúng ta ăn hạt cơm của tín thí thì phải thấy rất nặng như thế, ăn làm sao cho tiêu?

“Lại nói rằng:

Ngày sau lão Diêm Vương,

Đòi ông tiền cơm gạo,

Nếu không chịu tu hành,

Coi ông trả làm sao?”

Người tu phải nhớ kỹ, không khéo ngày sau gặp lão Diêm Vương sẽ đòi tiền cơm gạo. Nếu không chịu lo tu hành thì xem ông làm sao trả? Lúc đó mới biết khổ thì đã muộn!

Đây là những lời chân thành, tha thiết của các Ngài nhắc người tu chúng ta phải biết khéo lo tu. Không khéo thì không biết lấy gì để đền trả lại.

Cho nên, Ngài Châu Hoằng nói tiếp: “Từ đó có thể thấy, nếu xuất gia ngược lại là thầm mang một tai họa lớn, còn nói gì đến lợi ích”. Người xuất gia mà như thế là mang họa, chớ đúng ra là lợi ích của người xuất gia tu hành chân chánh thì rất lớn.

“Lợi ích của xuất gia chính là phá phiền não, đoạn vô minh, chứng vô sanh pháp nhẫn, liễu thoát sanh tử. Đây mới là việc thiên thượng nhân gian tối tôn nhất, đồng thời cha mẹ dòng họ mới có thể được che mát bằng đức hạnh, ân trạch của mình. Nếu không thì cho dù giàu có tiền rương, bạc vựa, được làm Quốc sư vinh quý đến bảy đời vua cũng chẳng có lợi ích nào đáng nói. Tôi quả thật rất lo sợ, e mắc cái đại họa này, đồng thời báo cho chư vị để cảnh giác lẫn nhau.”

Đó là Ngài Châu Hoằng ân cần nhắc nhở. Ngài nói tôi nghĩ đến điều này lo cho cái họa đó mà ân cần nhắc các vị để cảnh giác lẫn nhau lo tu tiến, đừng để xuất gia rồi trở thành tai họa.

Chúng ta phải nhớ những điều này để tự răn nhắc mình lo tiến tu cho kỹ, không thể để xuất gia rồi rơi vào những tai họa thì không biết nói sao!

 

“‘Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy’, chẳng nên tự khinh mình mà đành lui sụt. Nếu chẳng như thế, luống ở trong cửa đạo, thấm thoát qua một đời, thật không có ích”.

Trên Tổ Quy Sơn răn, giống như quất cho một roi mạnh thật đau. Đây Ngài vuốt ve trở lại. Cốt là để người tu chúng ta thức tỉnh lo tu, cùng vượt ra khỏi trần lao mà từ lâu đã chôn lấp mình nên mới nói ra những điều như trên. Không phải nói như vậy là để hạ thấp người xuất gia, hoặc là để làm nhục cái chí của mình, mà nói là để răn nhắc chúng ta không rơi vào trong hạng người như đã nói trên. Tâm của Ngài là như vậy!

Ý là muốn chúng ta nhẫn những cái khó để vươn lên, vượt qua khó khăn mà tiến tới, để ý chí càng kiên cường thêm chứ không phải cứ nói lời nuông chiều khiến chúng ta thành nhu nhược, hư tệ.

Như câu ca dao:

Thương cho roi cho vọt,

Ghét cho ngọt cho bùi.

Học rồi chúng ta mới thấy được tấm lòng chân thành vì người hậu học của Tổ Quy Sơn, thật là đáng kính!

Ở trước có nhiều đoạn Ngài nói rất mạnh, giống như quất roi cho thật là đau. Thấy vậy tưởng đâu Ngài chê trách. Nhưng không nên hiểu như thế rồi thành ra lui sụt, thành ra nhục chí là hiểu lầm!

Đến đây Tổ Quy Sơn bảo rõ: “Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy. Không thể tự khinh mình mà thành lui sụt”.

Ngài nói những bậc đi trước tu hành, đã đạt được đạo quả trên đường giác ngộ thì ta đây cũng vậy, cũng có thể tu hành, có thể đạt đến những đạo quả như thế, đâu phải là kém phần. Đây là khích lệ trở lại, chứ không phải để cho mình lui sụt. Bởi vì những bậc đi trước đó đã có tâm thì ta đây cũng vậy. Các vị có Phật tánh thì ta cũng có Phật tánh. Như vậy về cái thể chân thật thì đâu có gì khác, đâu có gì hơn kém. Đó là chỗ cần phải tin để mạnh mẽ vươn lên. Phải có lòng tự tin xác quyết như vậy.

Như Lục Tổ lúc đầu đến gặp Ngũ Tổ. Lúc đó, Lục Tổ còn là anh chàng tiều phu mới hai mươi mấy tuổi, quê vùng biên địa xa xôi, xưa là vùng Tân Châu - Lãnh Nam, là nơi lưu đày những vị quan bị tội.

Một anh tiều phu nhà quê, ở vùng sâu vùng xa, không biết chữ mà lại gặp một vị đại Hòa thượng Tổ sư cao vòi vọi như vậy mà Ngài vẫn không rụt rè nhút nhát, lại rất mạnh dạn đầy dũng khí. Ngài thưa với Ngũ Tổ: “Người có Nam Bắc, còn Phật tánh của con với Hòa thượng thì không khác”. Ngài có đầy đủ lòng tự tin chắc chắn như vậy. Quả đúng với câu “Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy”. Chúng ta cũng phải có niềm tin vững như vậy để tiến lên.

Ngài Lâm Tế cũng từng nhắc người học: “Người học hiện nay chẳng nhận được là bệnh ở chỗ nào? Bệnh ở chỗ là chẳng tự tin. Nếu các ông tự tin chẳng kịp thì liền lăng xăng theo tất cả cảnh chuyển, bị muôn cảnh khác chi phối, chẳng được tự do”. Ngài nói người tu mà thiếu lòng tự tin nên không nhận được lẽ thật, rồi theo cảnh, bị cảnh chuyển.

“Này các bậc Thiền đức! Chớ có lầm! Ngay đây chẳng gặp thì muôn kiếp ngàn đời luân hồi trong ba cõi, theo cảnh tốt lôi đi, sanh trong bụng trâu, bụng lừa.” Tức là ngay đây mà không sáng được lẽ thật này, không lo tu thì muôn kiếp ngàn đời cứ luân hồi trong ba cõi; có khi theo cảnh tốt lôi đi, có lúc sanh trong bụng trâu, bụng lừa thì thật là đáng tiếc!

Ở đây, Tổ Quy Sơn nói gần gũi hơn là nếu chẳng như thế thì luống ở trong cửa đạo thấm thoát qua một đời, thật không có ích gì.

Đây là lần thứ sáu Tổ Quy Sơn răn nhắc là chớ để thời giờ qua suông vô ích. Nhờ có học lời dạy của chư Tổ chúng ta lấy đó để tự răn nhắc mình lo tinh tiến tu. Muốn vậy, mỗi người cần phải có đầy đủ lòng tự tin nơi chính mình, để vượt lên những tâm niệm trần tục. Tức là ngay mình có lẽ thật cao quý như vậy thì đâu thể chôn vùi trong những tâm niệm trần tục thế gian này, những tâm niệm yếu hèn như vậy.

Ngài Huyền Sa - Sư Bị, lúc còn ở trong hội của Ngài Tuyết Phong, một hôm Ngài Tuyết Phong vừa gạn cũng vừa dạy:

- Đầu-đà Bị, vì sao chẳng đi tham vấn các nơi?

Huyền Sa thưa:

- Đạt-ma chẳng đến Đông Độ, Nhị Tổ chẳng sang Tây Thiên.

Tức Tổ Đạt-ma không có đến Trung Hoa, còn Nhị Tổ không có sang Ấn Độ. Đây là lời xác quyết, đầy đủ lòng tự tin nơi mình có việc lớn sẵn rồi, không phải đi tìm ở đâu hết. Đạt -ma không đến đây để truyền cái gì khác, Nhị Tổ cũng không có đi qua kia để cầu. Tự tin nơi mình có đủ việc đó.

Hiểu rồi chúng ta mới thấy nơi mỗi người có đủ việc lớn, nó siêu xuất thế gian không gì sánh kịp, thì tại sao chúng ta không chịu tin nhận để tiến tu? Lại đành chịu khuất phục theo con đường bụi bặm, chôn vùi tánh linh sao? Chúng ta cần soi trở lại mình, có lòng tự tin xác quyết vươn lên, để là những bậc pháp khí trong đạo, không thể cô phụ ân sâu của Phật, Tổ. Đó là điều chúng ta phải thấy trở lại.

 

“Kính mong phát khởi chí quyết liệt, mở cõi lòng rộng suốt”.

Tổ Quy Sơn ân cần khuyến khích mọi người phải phát khởi chí quyết liệt, mạnh mẽ chứ không thể do dự yếu đuối nữa. Phải quyết chí tiến lên thềm bậc giác ngộ giải thoát, không chịu thua vô minh, phiền não. Nghĩa là phải tu cho đến nơi, phải tột con đường xuất thế của mình.

Rồi lại phải mở cõi lòng rộng suốt, tức là phải sáng tỏ bản tâm của mình, sạch hết những mê mờ, buông sạch những vướng ngại nên nói mở cõi lòng rộng suốt. Nếu để cho những thứ này đóng kín cửa lòng của mình thì dù cho đạo có đến gõ cửa cũng vô ích. Còn cõi lòng sẵn sàng mở rộng, thì chỉ cần gõ nhẹ một cái là sáng lên.

Nhà thiền có câu “Đất tâm nếu không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu”. Đất tâm của mình được rỗng suốt thì mặt trời trí tuệ tự chiếu soi, khỏi cần phải tìm đâu hết. Làm sao cho tâm mình nó được trống, được rỗng suốt thì trí tuệ tự sáng. Cho nên người tu hành cần phải nắm rõ yếu chỉ này để tu tập cho đúng, chớ để cõi lòng bít lấp mà thành ngăn ngại.

 

“Hành động phải nhìn đến bậc trên, chớ theo hạng tầm thường. Đời nay phải nên dứt khoát, lo tính chẳng do ai khác”.

Nghe những lời này chúng ta càng thấy thấm thía. Ngài dạy phải biết cách so sánh để tiến lên. Nhìn là phải nhìn đến bậc trên để thấy hạnh cao quý của các Ngài mà học theo, để tiến tới. Đó là cách biết học, biết nhìn. Phải nhớ.

Thấy huynh đệ kia sao họ tu hành tinh tiến, mà ham. Còn mình sao mà giải đãi, thật là xấu hổ; hoặc là nhìn lên thấy các cụ già lớn tuổi như vậy mà còn siêng năng tu hành, thời khóa đều đặn; còn mình tuổi trẻ sao lại kiếm cớ để nghỉ hoài. Nên nhìn là phải nhìn ở bậc trên, nhìn lên người trên để sách tấn mình.

Trái lại người có tâm giải đãi, cứ nhìn theo những người giải đãi rồi tự an ủi mình. Nếu nhìn theo kiểu đó là đi xuống, đâu có tiến được. Cho nên Ngài nhắc chớ có bắt chước theo hạng tầm thường để rồi đi xuống.

Như Ngài Triệu Châu, khi xuất gia tu ở chùa quê rồi đi tham học. Có lần về lại chùa quê thăm Bổn sư. Bà con thân thuộc nghe Ngài về bàn tính với nhau mai sẽ đến thăm Ngài. Nghe bà con tính toán như vậy, sáng sớm hôm sau Ngài quảy gói đi trước, không để cho tình cảm thế gian làm vướng bận. Đây là những bậc trên mà chúng ta cần phải nhìn để tiến theo. Đừng so sánh là anh kia cứ về thăm nhà hoài thì mình cũng về thăm. So sánh như thế là cái nhìn đi xuống, nhìn theo kiểu tầm thường.

Rồi Thiền sư Đạo Nguyên là vị Tổ tông Tào Động - Nhật Bản. Sang Trung Hoa tham học một thời gian thì sáng tỏ việc lớn, Ngài về lại Nhật trụ ở chùa Vĩnh Bình, lúc đó Ngài khoảng 48 tuổi.

Một hôm, có vị đệ tử hân hoan đến thưa là có vị tướng quân phát tâm sắp dâng cúng một mảnh đất lớn cho Thiền viện.

Không ngờ, khi vừa nghe xong thì Thiền sư Đạo Nguyên không những sai người lột y của vị này mà còn đuổi ra khỏi Thiền viện luôn. Nhưng vẫn chưa xong, Ngài lại còn sai người đào sâu xuống đất chỗ sàn ván mà vị ấy thường tọa thiền hàng ngày, quăng bỏ hết đất đó ra ngoài. Quả là nghiêm khắc.

Rồi Ngài bảo chúng rằng: “Dính mắc vào danh lợi còn xấu xa hơn phạm giới. Phạm giới (tức là phạm việc gì trong giới luật cấm đoán) thì chỉ khổ trong chốc lát, còn dính mắc vào danh lợi là bệnh khổ cả đời”.

Quả thật Ngài quá nghiêm khắc, nhưng cũng là để răn nhắc trong chúng. Đó là những tấm gương cần phải nhìn lên để học. Để người có tâm dính vào danh lợi thấy những gương như vậy thì không dám mống tâm.

Rồi đời nay phải dứt khoát tu tập, không hẹn hò lần lựa đời này đời kia. Phải tu cho sáng được đạo lý, phải có được công phu tương đối cũng được an tâm, cũng phải có phần giải thoát. Phải dứt khoát như thế, chứ không phải tu từ từ gieo phước, làm lành để đời sau tu tiếp. Đó là gọi là tu kiểu hẹn hò.

Bởi vì giải thoát hay không giải thoát là do chính mình chứ không ai giải thoát thay cho mình được, không ai tu thay cho mình được. Vậy còn chờ ai nữa mà lại lo chần chừ? Phải có tâm hồn dứt khoát mạnh mẽ như vậy để lo tiến tu.

 

“Dừng ý quên duyên, chẳng cùng các trần đối tiếp. Tâm không cảnh lặng, chỉ vì vướng lâu chẳng suốt”.

Tức là buông sạch tâm ý để không phóng theo duyên thành mất mình, bị nô lệ nơi cảnh. Phải làm chủ trở lại để các trần nó tự đến rồi nó tự đi, đừng có nhiệt tình hiếu khách. Nó vừa đến liền mời, chưa đến cũng mời, đó là bị khách trần dẫn đi xa.

Mà không dính với trần tức là không có sanh tâm trên cảnh, trên trần thì tự nhiên tâm không cảnh lặng. Tức là trần nó đến thì đến, đi thì đi, không có dính gì hết thì tâm trống không. Chớ không phải tâm không là phá bỏ gì đó cho nó thành không, mà tâm không là không có dính gì hết thì nó liền tự rỗng lặng. Ngay đó thành giải thoát.

Còn trái lại, người tu hành mà cứ buông lung tâm ý chạy theo duyên, theo trần không chịu dừng thì phải nô lệ cho các trần, rồi chìm sâu trong sanh tử. Đó là sống nô lệ, mà sống như vậy thì sẽ vướng bận cho nên bị ngăn ngại, không thông suốt. Vậy là tự mình làm ngại mình chứ không ai khác làm ngại mình. Cho nên đừng trách người này, người kia sao cứ gây chướng cho mình hoài, mà phải thành thật soi trở lại, thấy rõ lẽ thật rồi tự trách mình mà cầu tiến lên.

Tổ Bá Trượng có lời kệ:

Tâm tánh không nhiễm,

Vốn tự viên thành.

Chỉ lìa vọng duyên,

Tức như như Phật.

Nếu tâm tánh chúng ta không nhiễm thì sẽ thấy rõ là vốn tự viên thành, sẵn đầy đủ không thiếu. Nó tự thanh tịnh rồi nên chỉ cần lìa vọng duyên thì tức là như như Phật. Lìa vọng duyên tức là không có theo trần thì tâm không cảnh lặng. Đó là chỗ sống chân thật của mình.

Nên phải khéo hiểu rõ, nhận định kỹ như vậy để tiến tu. Tâm mạnh mẽ, dứt khoát quyết giải thoát ngay đời này, chứ không hẹn hò lần lựa. Như vậy thì trên đường tu, chúng ta sẽ có được những bước tiến tốt, nếm được phần nào mùi vị giải thoát, giác ngộ. Vậy thì đời xuất gia của mỗi người mới có ý nghĩa.

 

 Hãy xem kỹ văn này, hằng luôn răn nhắc. Phải mạnh mẽ làm chủ lại, chớ thuận theo nhân tình”.

Đến đây Tổ Quy Sơn khuyên chúng ta hãy học kỹ văn Cảnh Sách này, rồi ứng dụng cảnh tỉnh lấy mình, cốt là phải sáng suốt để nhận rõ lẽ thật hư. Tức là biết rõ cái thật, cái giả rồi mạnh mẽ làm chủ trở lại, chớ thuận theo nhân tình mà thành mất mình.

Đây là chỗ chúng ta phải hết sức cẩn thận, vì không khéo thiếu sức tự chủ là bị nhân tình lôi đi. Xét lại ban đầu chúng ta đã cắt đứt tình ân ái để đi tu, chẳng lẽ bây giờ lại để cho nhân tình xỏ mũi dẫn đi, là sao? Đó là chỗ chúng ta phải luôn nhớ, răn nhắc lại mình để sáng suốt làm chủ trở lại.

Như Thiền sư Văn Chuẩn, lúc vừa 8 tuổi thì gặp Ngài Hư Phổ đến nhà khất thực. Gợi lại duyên lành đời trước như đã từng đi xuất gia, nên Sư xin cha mẹ đi theo Ngài Hư Phổ về chùa luôn.

Về chùa, nhưng phải công quả chuẩn bị chứ chưa được xuất gia. Một hôm, có ông Phạm Công là quan Kinh lược của đất Thiểm Tây đến chùa thăm Ngài Hư Phổ. Lúc này, Ngài Hư Phổ vì lớn tuổi ít nói chuyện nên chỉ ứng đối lơ là. Khi đó, Văn Chuẩn đứng hầu bên cạnh mới thay thầy giải thích đâu đó rõ ràng, tới lui có quy củ.

Ông Phạm Công thấy vậy cảm mến, muốn dẫn Sư về Thiểm Tây giúp cho tiến thân. Ngài Văn Chuẩn từ chối, nói: “Lên núi là để cầu ngọc, còn vào biển là để tìm châu, mỗi người có cái chí của mình. Người học đạo có bổn hạnh, thì việc đẹp ở đời không phải là chỗ tâm thích”. Sư từ chối.

Đó để thấy Thiền sư Văn Chuẩn lúc còn nhỏ mà đã có chí khí làm chủ lấy mình, chứ không thuận theo nhân tình để bị lôi đi.

Ngày nay, nhìn trở lại thì có khi chúng ta là những người ở chùa nhiều năm mà sức làm chủ thật sự chưa có, cũng thường thuận theo nhân tình để bị nó lôi đi. Đó thật là xấu hổ. Do vậy, chúng ta phải hằng nhớ để ngăn ngừa!

 

“Đến lúc nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh. Tiếng hòa thì vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay. Nhân quả rành rõ há không lo sợ?”.

Tổ Quy Sơn lại ân cần nhắc nhở chúng ta phải hết sức cẩn thận về nhân quả. Nhân quả không phải là chuyện chơi, giống như bóng theo hình, không trốn tránh đâu khỏi. Bởi vậy người tu thiền chúng ta cần phải học kỹ, phải tin sâu nhân quả mới không nguy hiểm. Nếu ai tạm hiểu lý đốn ngộ rồi mà không tin nhân quả thì đó là đọa không hay.

Cho nên, Hòa thượng Hư Vân chỉ dạy rõ ràng cho người muốn tu Thiền thì điều kiện tiên quyết là phải tin sâu nhân quả. Ngài bảo rằng: “Không luận là người nào, nếu muốn dụng công tu tập thì trước cần phải tin sâu nhân quả. Nếu không tin nhân quả mà thực hành càn bướng thì không những tu hành chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh”.

Đó là lời Ngài khuyên răn mà cũng là chỗ cảnh tỉnh của các bậc Tiên đức. Các Ngài thấy rõ những tai hại nên mới chỉ dạy lại chúng ta, cần phải biết để giữ gìn cẩn thận. Nghĩa là phải xét, cái nhân của người mãi thuận theo nhân tình thì cái quả là bị nhân tình nhận chìm. Nhân quả theo nhau. Còn cái nhân mà không lo tu thì cái quả là sanh tử nhận chìm. Hiện tại lo chạy theo danh lợi thì cái quả là tội khổ buộc ràng. Nhân quả rõ ràng, há không lo sợ sao! Đó là lời các Ngài ân cần nhắc nhở!

 

Giả sử trăm nghìn kiếp,

Nghiệp đã tạo chẳng mất.

Khi nhân duyên gặp gỡ,

Quả báo lại tự nhận.

Đó là bài kệ trong kinh Nhân Quả. Kinh nói nhân quả theo nhau như bóng theo hình, chớ có xem thường.

Có câu chuyện xưa ở xứ Kosmir có một vị tu sĩ theo Phật giáo, Ngài tu tập thiền định khá lâu nên cũng có được một số năng lực đặc biệt như là thần thông...Vị này biết được ý nghĩ của người khác, nhớ được những đời trước, đoán biết được vị lai, tức là túc mạng thông, tha tâm thông đều biết hết.

Một ngày nọ, vị này đang nhóm lửa để nấu nước nhuộm y. Ngay lúc đó, bỗng có một đám nông dân đi qua, họ bị mất con bò nên cùng nhau chạy đi tìm. Có một vị đi vào thì thấy thầy đang nấu nồi nước có màu đỏ đỏ, nhìn vào trong nồi không thấy rõ liền la lên:

- Mọi người hãy lại xem đây, nhanh đi! Cái tên già này bắt con bò của mình, đang nấu nồi súp đây nè!

Các vị kia nghe xong liền chạy lại, cũng không xem kỹ liền chụp đầu vị tu sĩ này định bắt đi.

Khi ấy, vị tu sĩ vẫn im lặng không nói gì. Những người nông dân kia thấy vậy nghĩ chắc là đúng rồi nên không cãi. Cho nên họ cùng lôi thầy về làng, rồi trình cho vị niên trưởng ở trong làng.

Vị này cũng không hỏi đầu đuôi gì hết, liền tin ngay. Đêm đó họ kết tội, xiềng chân thầy rồi cho nhốt vào hầm tối.

Học trò của vị tu sĩ này cố kêu oan, nhưng vị tu sĩ vẫn im lặng không nói lời gì để minh oan cho mình hết. Vì vậy, mọi người đinh ninh là thầy nhận tội rồi.

Mấy ngày sau, mọi người tìm được con bò đi lạc ở đâu đó. Bấy giờ, cả đám đông mới hoảng sợ, kéo đến nhà vị tiên trưởng xin thả vị tu sĩ ra. Nhưng vị tiên trưởng này lại muốn né tránh trách nhiệm, mới chỉ qua cấp dưới. Thì vị cấp dưới này cho là không phải trách nhiệm của mình, cũng chỉ qua cho người thứ ba, thứ tư v.v..., cuối cùng là không ai giải quyết.

Trải qua sáu tháng, những học trò của vị tu sĩ này mới tìm cách về đến kinh đô xin gặp được nhà vua, và trình bày sự việc như vậy lên đức vua. Vị vua này là người tin luật nhân quả, nghe qua câu chuyện đó rất là sợ, nghĩ đến hậu quả của những người liên quan sẽ phải chịu quả báo không lường. Nên ra lệnh thả ngay vị tu sĩ đó và đưa về kinh đô gặp vua.

Vị tu sĩ này được thả rồi về kinh đô. Vua mời ngồi và hỏi xem nhốt oan một vị tu hành có đức hạnh như vậy thì vua phải chuộc tội làm sao? Rồi phải xử những người có liên quan đến việc này như thế nào?

Vị tu sĩ nói: “Không cần phải trừng phạt ai cả. Đây cũng là cái khổ do nghiệp tôi đã tạo nên giờ phải gánh lấy kết quả như vậy”.

Vua hỏi lý do? Vị tu sĩ mới giải thích là vào một kiếp xa xưa của thầy, một lần thầy làm người bắt trộm con bò của người khác thì bị dân làng đuổi theo. Ông mới chạy vào trong sân nhà của một ông già, bỏ con bò đó lại rồi chạy trốn. Dân làng kết tội ông già này trộm bò, nhân đó khiến ông già bị tội oan. Ông già bị giam bỏ đói sáu ngày, nên giờ thầy mới bị quả báo là giam đến sáu tháng.

Từ đó đến nay trải qua vô số kiếp, nhân duyên đó hội ngộ đầy đủ để thầy trả món nợ này. Thế là vị tu sĩ trả xong nghiệp ác của mình đã tạo, và có lòng biết ơn những người liên quan kia giúp thầy trả xong món nợ được nhẹ nhàng. Vậy làm sao thầy có niệm thù hận ai được!

Chúng ta thấy người thấu rõ được nhân quả rồi, liền giải tỏa được tâm mình rất nhiều. Nếu là người không biết gì đến nhân quả thì lúc đó sẽ oán hận mọi người đã hợp tác làm hại mình. Mà càng hận thì càng kết oán, oan trái tiếp tục kết lại đời sau. Ở đây, nhờ biết rõ nhân quả cho nên thầy không thù hận ai hết, ngay đó là cởi mở thôi!

Nói xong, vị tu sĩ chào mọi người rồi trở về lại khu rừng thuở trước. Không lâu sau, vị ấy chứng A-la-hán.

Để thấy là nhân quả rõ ràng, theo lời Phật dạy là như bóng theo hình. Trước đã làm cho ông già kia phải bị tù oan 6 ngày nên bây giờ phải chịu oan lại nhưng đến 6 tháng, thời gian có sai biệt.

Cho nên, ai là người hiểu nhân quả thì phải lấy đó làm kinh nghiệm để hết sức cẩn thận, chớ có xem thường nhân quả, đừng có sanh lờn, sau ăn năn không kịp. Tức là chúng ta đã học nhiều về nhân quả, hiểu rồi sanh lờn hay là chai lì thành ra hết sợ nhân quả, đó là rất nguy hiểm!

Mỗi người cần hết sức cẩn thận về nhân quả, khi gặp những cảnh hoặc tốt, hoặc xấu, thuận hay nghịch đến với mình thì cũng bình tĩnh sáng suốt, lấy nhân quả để nhìn cho thấu đáo, nhờ vậy tâm mình sẽ được cởi mở rất nhiều.

Khi có cảnh thuận đến chúng ta cũng lấy nhân quả nhìn biết đây do nhân tốt của mình đã tạo, chứ cũng phải hay gì, nên tâm không sanh kiêu ngạo. Nhờ vậy, cái tốt đến cũng không làm cho mình thêm chướng; rồi gặp cảnh nghịch đến cũng vậy, phải xét theo nhân quả.

Thí dụ như chúng ta không cư xử xấu với ai mà sao người ta cứ cư xử tệ với mình, thì cũng phải lấy nhân quả để nhìn cho thấu đáo. Chắc là cũng có cái nhân xấu mình tạo trước kia nên giờ nó đáp trả lại. Biết vậy thì mình khéo tu tập thêm để chuyển hóa, chứ không thì lấy đó thành oán hận rồi kết oan trái thêm nữa.

Nhờ vậy, tâm cũng được nhẹ nhàng, bởi vì nhân quả rất công bình, không tình cảm, không thiên vị ai cả. Con người có tình cảm nên có thiên vị, chứ còn nhân quả thì đâu có thiên vị. Cho nên, đối với nhân quả không thể lý luận để bao che hay là trốn tránh được.

Nghĩa là đối với nhân quả thì không có lý luận điều này tôi không có lỗi…, mà là dùng tâm chân thật để nhìn, biết rõ. Có lỗi thì mình phải khéo biết nhận để chuyển hóa, không được trốn tránh trách nhiệm. Nên đây Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta phải khéo biết nhân quả rõ ràng để mà cẩn thận!

 

Nên biết hình phạt trong ba cõi quấn chặt, giết chết người. Phải gắng sức, siêng tu hành chớ để ngày giờ trôi qua suông”.

Nhân quả trong ba cõi không tha ai đâu! Còn ở trong ba cõi này là còn chịu cái khổ đau sanh tử luân hồi, nên gọi là hình phạt trong ba cõi quấn chặt, giết chết người. Bởi vì ba cõi cũng gọi là ngục tù tam giới, còn ở trong đây là còn phải chịu hình phạt trong ngục tù sanh tử này. Cho nên, trong kinh nói rõ: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn bể cả”, hay là “Máu chúng sanh đổ ra cũng nhiều hơn nước biển”, để thấy sống trong đây là chịu những hình phạt khổ đau sanh tử chớ có vui gì! Vì thế người hiểu đạo là phải lo giải quyết việc lớn, là việc lớn sanh tử này chớ không có chần chờ.

Đây Tổ Quy Sơn lại khuyên thêm một lần nữa là phải lo siêng tu hành, chớ để ngày giờ trôi qua suông. Từ đầu tới đây Ngài nhắc sáu bảy lần rồi; cứ nhắc là chớ có để ngày giờ trôi qua suông, sống vô ích. Tức là phải lo siêng năng tu hành, sống mà không có công phu gì để cứ tạo thành tội lỗi thì phí biết bao nhiêu thời giờ quý báu của mình, rồi lại đành mang lấy những nhân quả khổ đau nữa. Đó là điều đáng tiếc, thật đáng tiếc!!!

Nếu vậy thì người tu hành giải thoát, nhưng không thấy giải thoát đâu mà lại thấy khổ đau, thấy phiền não nhận chìm trong tội lỗi. Đến lúc đó thì trách ai đây? Nên đây Tổ Quy Sơn nhắc phải lo siêng tu.

 

“Đã biết sâu tội lỗi, mới khuyên nhắc hành trì. Nguyện trăm kiếp ngàn đời, nơi nơi đồng làm bạn pháp”.

Tổ Quy Sơn hết tình nhắc chúng ta, vì Ngài thấy rõ những tội lỗi đó nên mới ân cần khuyên nhắc người tu hành ngừa tránh, không đạp vào con đường nguy hiểm đó.

Đây là vì lợi ích cho người học, cho chúng ta chớ không phải vì Ngài. Không biết là có ai thấy được lòng từ của Ngài không? Học rồi chúng ta nghiệm sâu mới cảm được những lời chân thành của Tổ Quy Sơn.

Rồi Ngài lại còn nguyện trăm kiếp ngàn đời, nơi nơi đồng làm bạn pháp với mọi người. Tức là dù trải qua thời gian lâu xa thế nào cũng không bỏ chúng ta, luôn nguyện cùng nhau làm bạn pháp. Nghe những lời này chúng ta không có một chút động lòng hay sao? Những lời nhắc nhở hết sức thiết tha, chân thành của Ngài!

Trên là phần văn xuôi, đến đây là bài minh văn vần, nhằm rút gọn ý nghĩa nhắc nhở dễ nhớ.

 

Thân huyễn nhà mộng,

Trong không vật sắc.

Luôn nhớ kỹ, thân này là thân huyễn hóa, không có gì là thật, là ta cả; chớ có điên đảo lầm mê chấp lấy nó. Còn thế gian hay ba cõi này, giống như căn nhà mộng cũng không thật, tỉnh ra thì có được gì đâu? Nếu ai còn nhận nó là ta, là của ta thì gọi đó là người gì? Phải thành thật để tự hỏi lại mình.

Rồi “trong không vật sắc”, tức là những vật sắc hiện trong hư không thì bám vào đâu được? Cũng nói lên nó là không có thật. Đối với thân này, cảnh này cũng vậy không thể bám vào đâu được hết. Thấy thì như có, mà nắm lấy liền tay không, vuột mất hết! Cho nên ai mà cố nắm bắt là tự chuốc lấy đau khổ, bởi vì cái không thể nắm mà cứ cố nắm thì phải thất vọng thôi. Đây gọi là trừ cái chấp thủ về thân cũng như cái chỗ mà thân nương tựa.

 Hai câu này giống ý nghĩa của lời dạy đầu Ngài cũng nhắc rõ: “Xét bởi nghiệp trói buộc mà thọ lấy thân, tránh sao khỏi khổ lụy về hình hài”. Đi tu là phải xả cái chấp này để mà vượt ra.

Mé trước không cùng,

Mé sau chẳng quyết.

Xét cho thấu thì không thấy đâu là chỗ bắt đầu gọi là mé trước, rồi cũng không thấy đâu là chỗ cuối cùng, tức là muốn nói dòng luân hồi này bất định, không có gốc thật. Chính vì nó bất định nên chúng ta mới có thể tu và giải thoát.

Khi tu mà sạch hết những phiền não thì ngay đó là điểm cuối nên nói bất định. Còn nếu người không biết tu thì cứ như thế mà xoay vần mãi không biết đâu là ngày cùng.

Nhằm nói lên rằng, chúng ta sống ở đây là sống trong cái vô minh, sống trong cái lờ mờ cả thân phận của mình, không biết đâu là gốc nguồn. Vậy mà không lo tu để được sáng tỏ! Đó là chỗ Tổ Quy Sơn muốn nhắc.

Ra đây vào kia,

Xuống lên quá nhọc.

Đây là nói cảnh lẩn quẩn ở trong vòng luân hồi cứ ra vào rồi lên xuống nhọc nhằn, đâu có vui sướng gì mà ham ở trong đó. Có khi chúng ta ở cõi người rồi vào cõi quỷ, ra đây vào kia mà! Hoặc có khi ra cõi người, vào cõi súc sanh, vào cõi địa ngục. Hoặc có khi ra cõi địa ngục vào cõi súc sanh; có khi được tốt hơn thì ra cõi người này vào cõi người kia…, lẩn quẩn không biết đâu là cùng tận. Cho nên nói ra đây vào kia, xuống lên quá nhọc. Nhưng không biết có ai thấy nhọc hay chưa? Xét vậy thì mới thấy chẳng lẽ giờ mình cứ sống trong cái cảnh xoay vần ra vào lên xuống vậy mãi hay sao?

Đó là ý Tổ Quy Sơn muốn nhắc người tu phải luôn quán kỹ như vậy để mà lo tinh tấn tu hành, vượt lên con đường giải thoát, giải quyết sanh tử luân hồi.

Chưa khỏi tam luân,

Bao giờ thôi dứt?

Tam luân tức là xoay vần trong ba cõi, chưa ra khỏi vòng này thì đành phải chịu bỏ thân này rồi thọ thân khác, ra vào xuống lên, lẩn quẩn trong đó không bao giờ thôi dứt. Đó gọi là cái khổ lớn của sanh tử. Còn cái khổ đói khát, lạnh rét so với cái khổ này cũng nhẹ, nhỏ thôi.

Chúng ta thấy là ngày nay mình có cơ duyên gặp được Phật pháp, được nghe những lời Phật dạy về những lẽ thật của kiếp luân hồi, nhờ vậy mới xuất gia tu hành để giải quyết cái khổ lớn này. Nhưng vào chùa rồi thì không chịu lo tu lại làm cái gì? Không lẽ là cứ muốn kéo dài cái khổ này mãi sao? Ngài nhắc chúng ta phải có ý thức để quán xét cho kỹ rồi lo tu.

Tham luyến thế gian,

Ấm duyên thành chất.

Do tâm tham luyến thế gian này mà phải sanh trở lại thế gian. Đây là cái gì? Tức là lấy năm ấm hòa hợp mà thành thân tâm. Nên thân này gọi là thân năm ấm, hay năm uẩn.

Chữ ấm tức là che, che mờ con người chân thật của mình; còn uẩn tức là tích tụ, tức là tích tụ các duyên, các phiền não mà thành chứ không có cái thật ngã. Rõ ràng nó không có bản chất thật, không có cái ngã thể thật mà chỉ do vọng chấp tạm có, tức là năm thứ đó hòa hợp tạm thành vậy thôi. Thấu rõ như vậy thì còn cái gì mà tham luyến! Đó là ý của Tổ Quy Sơn muốn nhắc chúng ta.

Từ sanh đến già,

Toàn không chút được.

Tức là vô sở đắc. Thân này đã là năm ấm duyên hợp tạm thành. Tức nó là một tổ hợp của năm ấm, chớ không có thật thể. Vậy thì xét tột từ sanh cho đến già hoàn toàn không có một cái gì thật, không có cái gì để được hết.

Nhìn bằng trí tuệ giác ngộ mới thấy con người toàn sống trong vọng tưởng. Bởi vậy những bậc giác ngộ thấy rõ trong đây thật sự là không có thật ngã, nên sẵn sàng buông nó không chút luyến tiếc. Còn chúng ta vì sống trong vô minh, vọng tưởng nên thấy là thật rồi tham luyến thành khổ.

Đây là điều mà từ Phật cho đến chư Tổ đều luôn nhắc cho người là không có ai trong đó cả. Không có ai sanh, không có ai tử, không có ai vui, không có ai buồn, không có ai được, không ai mất gì hết. Chỉ là các nhân duyên kết hợp lại thôi. Nhân duyên tụ hợp tạm gọi là được, nhân duyên tan gọi là mất chứ không có ai được ai mất gì hết.

Sanh cũng vậy, nhân duyên đầy đủ gọi là sanh, nhân duyên tan rã gọi là tử, chứ không có ai sanh ai tử. Chính vì vô minh, điên đảo nên mình mới thấy nó là ta, rồi mới thấy ta sanh, thấy có ta tử cho nên thành khổ. Trên lẽ thật thì không có ai sanh ai tử gì hết, mà chỉ là một tổ hợp năm ấm.

Thấy được vậy thì chúng ta giải tỏa khổ đau về sanh tử. Nếu nói theo tinh thần Bát-nhã thì rốt ráo nó chỉ là tánh không thôi. Mà tánh không thì chấp thủ vào đâu, bám vào đâu? Người thật tu cầu giải thoát cần phải thấy thấu đến chỗ này, để cởi mở tình chấp của mình, buông hết mọi chấp thủ, đặt gánh nặng này xuống. Đó là giải thoát.

Cội gốc vô minh,

Nhân đây mê hoặc.

Vốn từ cội gốc vô minh, tức là chấp ngã che mờ không thấy được lẽ thật, nên Ngài nói nhân đây mê hoặc. Như vậy, gốc đã không thật thì cả cuộc sống chúng ta đây cũng là trong cái không thật, tức vọng tưởng điên đảo thôi.

Thí dụ khi mở ti-vi lên thì thấy những cảnh chiếu trong đó, gốc của nó là gì? Là không thật thì bao nhiêu cảnh đó cũng đều không thật. Đây cũng vậy, cái gốc của mình cũng là không thật, thì cả một dọc dài trong cuộc sống đây cũng vậy thôi đều là không thật. Thấy được chỗ đó rồi thì mới thấy được lẽ thật điên đảo của mình, mới hết lầm mê.

Ở đây nói vô minh nhưng vô minh thì lại không có gốc, tức do bất giác mà vọng khởi. Bởi vì nếu nó có gốc thì nó thành thật rồi, chính vì nó không có gốc nên gọi nó là vô minh, là vọng khởi.

Thí dụ như nằm chiêm bao, thì cái chiêm bao đó đâu có gốc. Do nằm ngủ mê nên chiêm bao thấy thôi, tìm không có gốc thật. Chính vì không có gốc nên tỉnh rồi thì nó hết. Vô minh cũng vậy, do bất giác vọng khởi; khi giác ngộ thì nó hết, chớ không chắc chắn, không có cố định. Chính vì vậy mà chúng ta có đủ lòng tin để tu hành giải thoát, chớ không cúi đầu chấp nhận đầu hàng nó.

Đáng tiếc thời giờ,

Sát-na khó biết.

Thời giờ trôi qua nhanh chóng, sự sanh diệt trong từng sát-na vi tế thì với tâm phàm này thật là khó thấy biết hết được, cũng là khó lường thấu.

Vì lẽ thật của nó rất là vi tế nên phàm phu không thấy, không lường biết được rồi tưởng nó là thật, nó là thường; thành có cái thấy điên đảo, mới chấp trước, mới có tham ái trong đó thành có khổ đau. Còn các bậc chứng đạt thiền định sâu thì các Ngài thấy rõ là trong một sát-na chớp nhoáng đã có bao nhiêu lần sanh diệt rồi. Mới thấy cuộc sống này quả thật là hết sức mong manh, không có chút gì gọi là chắc chắn hết. Nó có thể chết lúc nào cũng được, không thể lường trước.

Như đang ngồi đây, vừa đi ra ngoài gặp làn gió độc thổi đến, trúng làn gió độc là có thể bệnh rồi chết; gặp duyên gì đó cũng có thể chết được. Nghĩa là cái chết nó không có lường trước ở mức nào. Vậy còn có gì để chúng ta tham luyến?

Phải quán kỹ như vậy thì trừ được tâm tham luyến. Nhưng với người mê thì thật khó nói. Vì mê cứ thấy thật nên khó nói vì họ không tin. Đây chính là những hồi chuông cảnh tỉnh lớn lao cho những ai còn ở trong mộng, phải mau thức tỉnh chớ có lo đắm chìm trong vô minh, hư dối thì cuộc sống không có nghĩa gì hết.

Chúng ta phải từ trong đó tỉnh lại để thấy được con người chân thật rồi sống trở về con người chân thật của mình, đó mới là cuộc sống có ý nghĩa. Còn sống trong cái hư dối, toàn là bản chất hư dối thì có ý nghĩa gì. Đó là chỗ mà Ngài muốn nhắc.

Đời nay luống qua,

Đời sau bít lấp.

Đời nay không chịu thức tỉnh tu hành để cho nó luống qua trong sự mê mờ thì đời sau nó lại che mờ bít lấp thêm nữa. Rồi không lẽ chúng ta cứ lo kéo dài sự tối tăm mãi như vậy hay sao?

Ý Tổ Quy Sơn muốn cảnh tỉnh chúng ta phải khéo thức tỉnh vươn lên, chớ để chôn vùi trong sự bít lấp đó nữa.

Từ mê đến mê,

Đều do sáu giặc.

Từ cái mê này đến cái mê kia, vậy là toàn ở trong mê. Do đâu? Do sáu giặc. Sáu giặc tức là sáu trần. Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu giặc này lấy sáu căn làm môi giới để đột nhập vào nhà rồi cướp đi những của báu công đức. Và nếu sáu căn này không làm môi giới thì sáu trần cũng không vào được.

Nên lỗi không phải ở sáu trần hay là sáu căn mà lỗi là ở tại nơi tâm sanh, tức là tâm duyên theo. Vì tâm mê mất tự tánh rồi phóng theo duyên nên bỏ hở cửa thành mới có giặc vào được. Còn nếu tâm sáng suốt không lầm theo thì trần đâu có vào được nên đâu có chuyện gì.

Thực tế chỗ chúng ta tu là ngay nơi sáu căn hiện tiền của mình, tức là thấy nghe, hiểu biết đối với sáu trần tâm phải sáng suốt rõ ràng để không mê lầm theo duyên. Cho nên vua Trần Thái Tông làm bài sám hối sáu căn rất có ý nghĩa, đó là nhằm ngay sáu căn lúc nào cũng thường tỉnh trở lại không mê. Đó là chỗ tu thực tế.

Sáu đường qua lại,

Ba cõi bò lết.

Sáu đường tức là lục đạo luân hồi. Nghĩa là khi đã mê rồi thì cứ mãi tạo nghiệp. Tạo nghiệp rồi đi qua lại lẩn quẩn trong sáu đường, mà sáu đường thì không ngoài ba cõi. Nói theo chiều ngang thì sáu đường theo đó mà qua lại, còn nếu theo chiều dọc thì tức là ba cõi bò lên lết xuống. Tức là từ cõi địa ngục, rồi bò lên cõi người, có khi bò lên cõi trời, rồi lết trở lại xuống cõi người hoặc là lết trở lại xuống cõi ngạ quỷ, súc sanh gọi là bò lên lết xuống.

Còn nói theo chiều ngang là cứ qua lại trong sáu đường, cứ qua lại qua lại, xoay vần như bánh xe nên gọi là vô thủy luân hồi vì không biết đâu là đầu mối. Đó là cái khổ lớn sanh tử.

Vậy mà vẫn không thấy được mấy người chán! Tuy đã biết tu cũng hiểu được về lẽ thật qua lời Phật, lời Tổ dạy, nhưng nhiều người cũng còn chưa thấy chán, nếu chán thì chắc là ngay đây dứt khoát, quyết tu giải thoát rồi, ngược lại cũng còn muốn kéo dài sự bò lên lết xuống! Mới thấy việc làm của chúng ta có thật sáng suốt không? Mỗi người cần kiểm lại chính mình!

Sớm hỏi minh sư,

Gần người cao đức.

Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta khi hiểu rõ rồi thì không thể nhắm mắt sống như vậy mãi, mà phải lo tìm bậc minh sư để thưa hỏi để biết đường ra.

 Rồi gần người cao đức, tức là những bậc có kinh nghiệm tu hành để học hỏi, lần bước đi lên con đường giải thoát. Chúng ta là người đi sau, chưa có kinh nghiệm nên phải lo tìm những bậc sáng suốt, có kinh nghiệm đi trước để thưa hỏi, để biết đường ra, chớ không thể chấp nhận chôn vùi trong đó mãi.

Giải tỏa thân tâm,

Trừ sạch gai góc.

Nhờ gần những bậc như vậy, rồi thưa hỏi, tu hành, sáng tỏ được lẽ thật của thân tâm và giải tỏa không còn vướng mắc mê lầm thân tâm này nữa. Rồi cũng thấu rõ những gai góc chất chứa lâu nay mà lo trừ sạch, Phật dạy đó là bậc trí.

Còn những điều mê lầm, những gai góc chất chứa từ lâu trong tâm mà không lo trừ sạch, lại cứ thâu vào, rồi chất chứa thì làm sao gọi là bậc trí sáng suốt được?

Gai góc là gì? Là những phiền não, chấp trước, ô nhiễm... Ai mà chứa gai góc càng nhiều thì sao? Chứa gai góc nhiều thì sẽ bị đâm, bị xước, đụng tới là có chuyện. Rồi đất vườn mà cứ chứa gai góc thì bước chân đi là đạp gai góc, thì chính chủ nhà cũng khổ, mà người khác cũng khổ lây, tức luôn sống trong phiền não, khổ đau. Vậy mỗi người hãy tự kiểm lại xem mình còn chứa gai góc nhiều ít, để biết mà lo tiến tu.

Đời tự dối hư,

Các duyên đâu bức.

Cõi đời này đều từ cái nhân bất giác vọng khởi không thật. Mà bản chất cái nhân đã là hư dối không thật thì có cái gì bức ngặt được mình?

Như các hình ảnh trong ti-vi, mở lên có, tắt rồi đâu còn thì làm sao nó bứt ngặt được mình? Chính vì con người mê lầm điên đảo tưởng nó là thật, thành ra bị nó bứt ngặt, nó chi phối. Thí dụ như ti-vi chiếu cảnh lâm li thì cũng buồn, rớt nước mắt, còn thấy những cảnh vui thì cũng cười theo. Đó là bị nó chuyển, là bị mất tự chủ.

Nếu xét lại chúng ta đối với cuộc đời này thì cũng vậy, không khác gì hết. Cả cuộc đời này giống cảnh ở trong ti-vi, mà chúng ta cũng vì những cảnh đó bị nó bứt ngặt, chi phối. Do lầm mê thôi.

Cho nên ở đây chúng ta tu hành dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật để làm chủ trở lại, không bị lầm mê trong đó nữa. Khi ngộ thấu được lẽ thật rồi thì tâm tự giải thoát, đâu có trừ cái gì nữa? Nó là không thật mà!

Tội gì chúng ta lại để cho những cái hư dối nó bức lấy mình? Nói theo thông thường là “ngu gì mà để cho mấy cái hư dối đó dối mình” phải không? Nhưng rồi chúng ta lại cũng bị nó mê hoặc, mới thấy đó là cái lầm lâu đời lâu kiếp. Bởi vậy chúng ta cần xét sâu để thấy điều đó mà vươn lên.

Xét tột pháp lý,

Lấy ngộ làm mực.

Đây Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta tu hành là phải xét cho thấu tột nơi lý chân thật của pháp, đừng thấy theo tướng hư dối đó mà lầm mãi. Và tu là phải lấy tỏ ngộ làm chừng mực. Tức là cần phải đạt đến chỗ tỏ ngộ chân thật. Nghĩa là tự mình phải sáng tỏ lấy, chứ không phải dừng ở trên sự học hiểu kiến giải bên ngoài, hoặc là ở trên kiến thức, chữ nghĩa. Trong nhà thiền gọi là “được cá quên nôm” hay là “bắt thỏ mà bỏ bẫy”. Phải đạt đến như vậy, tức phải nắm được cái thật, chứ không phải kẹt trên phương tiện. Phải phát khởi được trí vô sư chân thật nơi mình. Phải tu đến như vậy.

Tâm cảnh đều quên,

Chớ ghi chớ khắc.

Tâm và cảnh đều quên tức là năng sở đều quên, vượt qua tâm đối đãi. Tức là buông sạch hết những dấu vết của cảnh duyên từ bên ngoài, không có dấu vết đối đãi. Không có cảnh duyên bên ngoài thì nó không đưa tin vào được nữa, vậy là hết chỗ để ghi, để khắc. Tức không lưu lại cái bóng dáng gì hết thì coi như đến đây là hết chỗ để so sánh, tâm cảnh đều quên rồi thì lấy gì để so sánh?

 Trong Chứng Đạo Ca nói: “Tâm pháp song vong, tánh tức chân”: tức là tâm và pháp cả hai đều quên thì ngay đó tánh tức chân. Phải tiến đến chỗ đó chớ không tìm gì khác nữa. Còn thấy có tâm có cảnh tức là có chia hai, thì có đối đãi là còn có dấu vết che mờ. Đây thì sạch hết những dấu vết nên không có gì để ghi để khắc, tức không lưu bóng dáng gì trong đây hết.

Sáu căn yên vui,

Đi đứng im bặt.

Đến đó thì sáu căn được yên vui, nước nhà thái bình. Đi đứng im bặt tức là hết còn sóng gió sanh khởi. Đến đây mới an ổn, thấy nghe đều thành giải thoát, hết một đời lang thang! Tu như vậy mới thực sự là niềm vui giải thoát, không có niềm vui gì ở thế gian có thể sánh kịp được. Vậy thì tu là ban đầu biết rõ cái khổ để dứt khổ được an vui thực sự, không phải là bi quan, tiêu cực.

Vào đầu thì Ngài nói thân này là giả dối, là nguồn gốc của tội lỗi, nên chúng ta thấy giống như toàn là khổ đau, là đáng chán. Bởi phải thấy đúng lẽ thật của nó để rồi chúng ta mới dứt khổ và đạt đến chỗ an vui chân thật. Đến đây đúng là đến chỗ an vui chân thật. Con đường chúng ta đi rõ ràng như vậy.

Một tâm chẳng sanh,

Muôn pháp đều dứt.

Nói nhiều, nhưng khi rút lại là “một tâm chẳng sanh” là xong, là thiên hạ thái bình, là muôn pháp tự dứt, tự an.

Một tâm chẳng sanh là pháp tự an rồi, thì chúng ta đâu cần phải trừ bỏ muôn pháp. Cho nên quan trọng là ở nơi tự tâm này, “tâm không sanh” thì pháp tự như, là tự an ổn.

Còn Tín Tâm Minh gọi là “Một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi”. Như vậy cho thấy cái lỗi là không phải ở nơi pháp mà chính là ở tại tâm. Cho nên một tâm chẳng sanh thì muôn pháp tự như. Đến đây gọi là núi sông trả về cho núi sông, không can hệ gì hết.

Yếu chỉ tu hành là ở đây. Quan trọng là ngay tự tâm của mỗi người, chúng ta phải nắm vững rõ ràng chỗ tu hành này.

Còn nói ngược lại một tâm đã sanh thì sao? Một tâm chẳng sanh thì muôn pháp đều dứt; còn nếu nói ngược lại, một tâm đã sanh thì xách gói chạy hoài, lang thang khắp đầu đường, cuối hẻm. Đơn giản vậy thôi! Lỗi là ở chỗ “tâm này”, đừng đổ thừa tại pháp, tại cảnh này cảnh kia; mà phải ngay chỗ anh chàng tâm này, chỉ ngay mặt thì nó hết dối được. Còn cứ đổ thừa này kia tức là bỏ hở cửa cho nó dối gạt thêm. Hãy điểm mặt ngay nó: “Chính mày đây chứ hổng phải ai hết!”, ngay đó mà xử. Thấy được lẽ thật đó thì thấy được chỗ yếu chỉ tu hành của mình. Cho nên Tổ Quy Sơn kết thúc lại: “Một tâm chẳng sanh, muôn pháp đều dứt”.

Tóm lại, học Quy Sơn Cảnh Sách để nhắc nhở chúng ta tiến tu. Thấy mình được xuất gia là một duyên lành hy hữu không phải dễ có. Nhờ đã từng gieo căn lành này từ đời trước cho nên nay mới được, do đó chớ có xem thường cho nó qua suông, thì thực là đáng tiếc! Phải nhớ rõ.

Chúng ta phải quán kỹ thân này là vô thường, mong manh, không bền chắc. Trong đây không có gì là ta, là của ta, không có ai trong đó hết, nó trống rỗng vậy thôi. Vì điên đảo chấp dính nên bị cái thây thúi này nó che mờ chân tánh xưa nay sáng suốt của mình, đó là thật đau! Quá đau!

Vậy thì mỗi người phải thật sự bước đi từng bước trên đường giải thoát. Điểm căn bản là cần phải thực tu, thực học nhờ đó sáng tỏ được tâm tánh của mình, vượt khỏi cái mê từ vô thủy kiếp mà giải quyết việc lớn sanh tử luân hồi để không uổng phí một đời tu của mình. Đó là điểm mà tất cả phải hết sức cảnh tỉnh, răn nhắc lấy mình!

Nên nhớ trong kiếp luân hồi lâu xa này thì mỗi người chúng ta ai cũng đã từng đi qua khắp hết các nẻo đường rồi, từ chỗ đau khổ cùng cực ở địa ngục cho đến chỗ nhiều vui sướng ở cõi trời, mỗi người chúng ta đã đi đủ, không thiếu gì hết.

Kiểm lại nội tâm của mình thì liền thấy rõ, có lúc thấy tâm rất vui, rất là cao thượng, giống như là người ở trên cõi trời hoặc là bậc hiền. Nhưng có lúc tâm mình cũng đen tối giống như súc sanh, địa ngục không khác, để thấy những chủng tử trong tâm mình chứa đủ hết. Những nẻo đường luân hồi đó chúng ta đã đi qua hết rồi thì còn tiếc gì nữa mà không dứt khoát để vượt ra? Ngay đây thấy chưa đủ hay sao? Không thấy chán hay sao? Mà còn muốn kéo dài, bò lên lết xuống!

Rồi cuối cùng là trở về một tâm chẳng sanh, muôn pháp đều dứt, khỏi phải thêm bớt gì hết. Đó là chỗ yếu chỉ để mình tiến tu. Cho nên mỗi vị luôn thường nhớ để nhắc nhở mình, chớ để thời giờ qua suông thì nhân quả khó tránh. Bởi nhân quả đâu đó rõ ràng, không có trốn tránh được. Làm sao khéo sống trở về với con người chân thật của mình, chớ chạy theo cái hư dối. Đó mới là người trí. Đường mình đi là như vậy nên phải sáng suốt.

Nói tóm gọn lại thì tất cả đều ở ngay nơi TÂM NÀY chứ không gì xa xôi hết. Đơn giản. Đó là điều muốn nhắc cho tất cả!

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89356
  • Online: 35