Quy y Tam Bảo

10/03/2019 | Lượt xem: 4856

HT.Thích Phước Tú giảng theo bài giảng của Tổ Khánh Anh

QUY Y TAM BẢO
Quy y Tam Bảo là một việc ban đầu mà người Phật tử phải làm. Lễ quy y giờ đây trong Đạo Phật chúng ta đã được phổ biến, rất nhiều người đã biết qua.Nhưng đây là một việc quan trọng mà Tổ Khánh Anh đã từng nhắc dạy rằng: chúng ta đem cả thân mạng, Tâm Tánh trở về nương náu với ngôi Tam bảo. Vì đối với đạo lực, phước lực, chúng ta là hạng cực kỳ hèn mạt, thiếu thốn nên phải quy y Tam bảo – là bậc đủ uy thần, phúc trí để đảm bảo cho chúng ta thì mới mong khỏi phần đọa lạc nơi phàm phu, bởi cái lẽ “chuyển mê thành ngộ, phản vọng hồi chân”.


 

 

Tam quy y gồm có:

1. Quy y Phật

2. Quy y Pháp

3. Quy y Tăng

 

Quy y có nghĩa là nương náu hay nương tựa, tức là nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng – đó là nương tựa 3 ngôi quý báu nhất trần gian.Chúng ta quy y Phật là trở về nương tựa với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để mong Ngài giải trừ khổ đau cho mình.Chúng ta quy y Pháp là chúng ta trở về nương tựa lời dạy của Đức Phật, đó là những phương tiện giải khổ – những Pháp này giống như là thuốc để giải trừ bệnh khổ.Chúng ta quy y Tăng vì Tăng thay mặt Phật và Pháp để truyền rộng, truyền khắp phương pháp cứu khổ. Tăng là từ 4 vị Tỳ kheo trở lên, sống đời hòa hợp trong giáo pháp Phật đà. Đó là hàng Thầy dạy đạo cho chúng ta.

Tổ dạy: “không thầy đố mầy làm nên”, thế nên phải quy y Tăng.Tổ lại dạy quy y Phật hẳn là phải quy y với Đức Thích Ca, là chính nơi gốc, thấu nơi nguồn - vì Phật là giáo Tổ ở thế giới ta bà này – mà cũng phải quy y luôn tất cả các Đức Phật hiện ở thập phương thế giới và Tam thế Chư Phật. Lại nữa, Phật nào cũng có tam thân là: Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân. Chúng ta cũng quy y cả “tam thân Phật” ấy nữa, thế mới đủ nghĩa “quy y Phật”/

Quy y Pháp là trở về nương tựa với tất cả pháp của Phật đã dạy ra, gồm cả: Kinh bảo, Luật bảo, Luận bảo – là 3 tạng Pháp Bảo của Phật, vậy mới đầy đủ ý nghĩa quy y Pháp.“Quy y Tăng” là phải nương tựa với nhiều Thầy chứ không phải chỉ nương tựa với Thầy của mình quy y mà thôi. Thầy mình quy y được gọi là Bổn sư. Nhưng chữ Tăng-già (Sangha) có nghĩa là “hòa hợp chúng”, tức là từ 4 Tỳ kheo trở lên sống hòa hợp được trong giáo pháp của Như Lai mới gọi là Tăng. Như vậy, Tăng là tiếng chỉ cho tập thể chứ không phải chỉ cho cá nhân. Thế nên khi đã quy y Tăng thì phải nên quý kính hiện tiền các bậc đại đức Tăng chúng, mới được nhiều phước, kêu là: “chúng đức như hải”. Thế nên chớ phân biệt là thầy tổ nọ, tông phái kia làm mất cái chính nghĩa của “hòa hợp chúng” là Tăng bửu.

Quy y Phật, Pháp, Tăng như trên tức là quy y “Sự tướng Tam Bảo” hay là “Thế gian trụ trì Tam Bảo”.Giờ đây nói đến “Lý Tam Bảo” hay “Đồng Thể Tam Bảo” hoặc “Tự Tánh Tam Bảo”. Với nghĩa này thì rất là cao sâu, ở ngay trong TÂM - trong TÁNH của mình nên thật là khó thấy, khó hiểu. Nhưng quy y được như thế này mới là sâu xa, áo diệu. Tổ Khánh Anh dạy:Nói “Quy y Phật” đó là chúng ta tự quy y lấy “Tự Tánh Phật” của chúng ta. Trước đã giải rằng: quy y là trở về nương náu – nhưng bấy nay đi đâu? Làm gì? Nương náu với ai? Mà giờ đây lại bảo trở về nương với “Tự Tánh Phật của chúng ta” ? Nguyên Tự Tánh vẫn là “chân-giác không mê”. Chân tức là Chân như. Giác tức là Giác ngộ. Chân thì không giả dối. Như thì không biến đổi, Giác ngộ thì không si mê - nghĩa là CHÂN TÂM chúng ta giữ còn nguyên vẹn, chưa đổi dời.

Trái lại, chúng ta hằng ngày, hằng giờ, hằng phút bỏ lửng cái tâm chân thật, theo náu nương với tâm giả dối; bỏ cái tâm như thường (TÂM), theo náu nương với cái tâm biến đổi (tâm); bỏ cái tâm giác ngộ (TÂM), theo náu nương với tâm si mê (tâm). Thế nên kêu là “mê chơn trục vọng, bội giác hiệp trần”. Nay chúng ta hồi đầu quy y Phật là: bỏ cái tâm si mê (tâm) mà trở về với cái tâm giác ngộ (TÂM) nên nói là “trở về náu nương”, tức là bỏ cái lòng giả dối của chúng sanh để trở về náu nương với cái lòng Chân Như của Chư Phật.Nên “Quy y Phật” là trở về nương náu với Tự Tánh Phật cũng như Tự Tánh Giác của chúng ta. Tức là “Tự Tánh chân-giác không mê gọi là Phật bửu”.Vậy chúng ta quy y Phật là quy y “Tự Tánh Phật” của chúng ta, nên gọi “Tự quy y Phật”, nghĩa là mình tự quy y ngay nơi tự Tâm của mình; hễ “tự Phật” đã quy y rồi thì “cũng như tự đã hồi đầu giác ngộ”, lẽ tất nhiên đồng quy y với “tha Phật” vì Phật kia tức TÂM đây, TÂM này tức Phật nọ. Nên nói “Phật tức TÂM – TÂM tức Phật” vì tự Phật, tha Phật gì cũng là đồng “một giác ngộ” như nhau, chớ không phải hai, cũng chẳng phải khác. Nói “Quy y Pháp” đó là chúng ta tự quy y lấy “Chánh Pháp” của chúng ta (nên gọi là tự quy y Pháp), tự mình quy y ngay nơi Chánh Pháp của tự TÂM mình. Bởi “Tâm sở hữu pháp” của chúng ta vẫn có nhiều pháp rất quý báu, như là: sáu pháp vô vi… tức là “tự TÁNH chân chánh (không là tư loạn tưởng) gọi là Pháp Bửu”. TÂM là kho tàng pháp bảo. Vậy chúng ta quy y pháp là cốt để thực hành chánh pháp, là “Pháp Bảo” của tự TÂM ta. Ta hành cái nhân Chánh pháp tất sẽ chứng cái quả Chánh giác.Nói “quy y Tăng” đó là chúng ta tự quy y lấy “TỰ TÁNH TĂNG” của chúng ta, nên nói “tự quy y Tăng”. Vì tự TÁNH chân thuận không nghịch, gọi là “Tăng Bửu”. Bởi “Tăng-già” nghĩa là “hòa hợp chúng”. Trong tự TÂM điều thuận, không sân nộ, xung đột. Trong TÂM, ngoài cảnh vẫn thanh tịnh, nhu hòa không phân biệt thân sơ bỉ thử mới đúng nghĩa lý quý báu của “TỰ TÁNH TĂNG”.



KẾT LUẬN

Ở trên chúng ta thấy Tổ đã hết lòng giảng dạy để cho người Phật tử thấy rõ giá trị của Phật, của Pháp, của Tăng. Đó là thấy rõ giá trị Đạo Phật.Mong rằng chúng ta suốt đời, suốt kiếp hãy biết trân trọng Đạo Phật mà đủ lòng Chánh tín đi theo Đạo Phật. Mà chớ có mê tín, dị đoan, hoang đường để thực sự mình là một Phật tử đúng nghĩa, có trí huệ.

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 24431
  • Online: 28