Sách Tấn Mùa An Cư

22/05/2024 | Lượt xem: 2132

HT.Thích Thanh Từ

Vâng lời Phật dạy, mỗi năm vào ba tháng mùa hạ, tất cả chư Tăng Ni đều cấm túc an cư. Thời gian đó, chúng ta tụ hội lại một chỗ để học hỏi giáo lý và sách tấn nhau tu hành ngày càng tinh tấn. Đây là điều rất đáng quý. Trong suốt những năm tháng còn ở chùa, Phật học viện và thiền viện, tôi thường xuyên làm công tác giảng dạy. Ngày nay gặp gỡ quý vị, tôi cũng sẵn sàng nhắc lại những điểm cần yếu trên đường tu. Mong tất cả lãnh hội và ứng dụng tốt trong mùa an cư này và mãi về sau.

Người xuất gia tu để cầu giải thoát sanh tử. Nghiệp là đầu mối then chốt lôi dẫn chúng sanh lưu chuyển trong lục đạo luân hồi. Nghiệp phát xuất từ thân, miệng và ý. Đây là điều căn bản tối quan trọng, khi tu chúng ta phải chuyển nghiệp hoặc dứt nghiệp mới có thể giải thoát. Người tu nếu chưa thật sự giải thoát, ít nhất cũng chuyển được nghiệp. Từ nghiệp ác dẫn đọa vào ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chuyển thành nghiệp thiện sanh trong ba cõi lành: người, a-tu-la và cõi trời. Tóm lại, muốn giải thoát sanh tử phải dứt nghiệp. Đó là những vấn đề cần yếu người tu Phật phải thực hành.

Trong ba nghiệp thân khẩu ý, trọng tâm là nằm ở ý. Ý nghĩ lành, miệng nói lành thân làm lành. Ý nghĩ dữ, miệng nói dữ thân làm dữ. Ý nghiệp là gốc căn bản làm nhân cho hai nghiệp kia tạo tác tốt hoặc xấu. Vì vậy muốn dứt sanh tử phải dừng ý nghiệp. Trong kinh Di Đà đức Phật dạy, người niệm Phật hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, khi lâm chung đức Phật và chư vị thánh chúng hiện trước mặt. Nhất tâm là ý nghiệp thanh tịnh, kết quả được sanh về cõi Tây phương Cực Lạc tiếp tục tu tập cho đến viên mãn.

Trong kinh A Hàm đức Phật dạy, người tu thiền Nguyên thủy quán Tứ niệm xứ. Từ một ngày cho tới bảy ngày trụ tâm nơi Tứ niệm xứ không dời đổi, nhất định nhập Niết-bàn hoặc chứng A-la-hán. Từ một ngày đến sáu ngày trụ tâm nơi Tứ niệm xứ chứng từ quả A-na-hàm trở xuống. Tóm lại dù tu Tịnh độ hay tu thiền, trọng tâm phải dừng lặng ý nghiệp mới giải thoát sanh tử.

Phật giáo Việt Nam có từ thế kỷ thứ 3, do ngài Khương Tăng Hội khởi phát. Trải dài đến thế kỷ 19, Phật giáo Việt Nam luôn là Phật giáo thiền, có rất nhiều thiền sư đắc đạo. Các tác phẩm Phật học của ngài Khương Tăng Hội mang đậm tinh thần thiền học. Trong đó có hai tác phẩm đặc biệt là Kinh An Ban Thủ Ý và Lục Độ Tập Kinh. Kinh An Ban Thủ Ý do ngài chú sớ và đề tựa. Tuy là một bản kinh thuộc Tiểu thừa Phật giáo nhưng được giải thích theo tinh thần Đại thừa.

Lời bài tựa viết: “An Ban tức là Đại thừa của chư Phật, để tế độ chúng sanh đang phiêu trầm sanh tử”. An Ban Thủ Ý là dùng hơi thở để điều phục tâm, tức là phương pháp thiền quán theo Lục Diệu Pháp Môn: sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn và tịnh. Trong tác phẩm Lục Độ Tập Kinh do ngài biên tập, cả thảy tám quyển nói về sáu độ: bố thí trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ, nội dung nói rõ tinh thần thiền học của Phật giáo. 

Từ ngài Khương Tăng Hội trở về sau có rất nhiều các vị thiền sư Trung Hoa và Ấn Độ sang Việt Nam truyền bá. Như thiền sư Liễu Quán thế kỷ 19 ở Huế nối tiếng là vị tu hành đắc đạo, lập ra hệ phái Liễu Quán. Hệ phái Lâm Tế rất phổ biến trong miền Nam. Dòng thiền này được truyền bá sâu rộng qua nhiều thế hệ kế thừa. Tuy nhiên từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là Tịnh độ tông. Thành thử khi được hỏi về tông chỉ phái Lâm Tế tu hành ra sao, nhiều người không trả lời được. Tự nhận mình kế thừa chư tổ mà không biết quý ngài tu gì, truyền dạy ra sao… Ðó là điều thiếu sót do không nắm vững nguồn gốc, cội rễ đường lối tu.

Lúc còn học trong Phật Học đường, tôi luôn băn khoăn tại sao chỉ một vài bộ kinh Di Đà, Quán vô Lượng Thọ nói về Tịnh độ, còn hầu hết bốn bộ A Hàm phần nhiều đều nói về thiền. Các tổ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đều tu thiền mà ngày nay chúng ta không biết gì hết. Thậm chí khi nghe nói đến thiền, nhiều người cho rằng “coi chừng tu thiền điên”. Thật ngạc nhiên! Vì vậy tôi thao thức phải tìm cho ra nguyên nhân tại sao người ta quan niệm như vậy. Cuối cùng tôi rút ra bài học: Không phải tu thiền điên, chỉ không biết tu thiền mới điên. Bởi không học không hiểu nên tu đại tu bướng, nghe ai chỉ đâu liền bắt chước theo thành ra điên. Đây là điều nguy hại cho Phật pháp.

Ai chẳng biết đức Phật tu thiền thành đạo dưới cội bồ-đề. Dưới Phật là ngài Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất cho đến 1.250 vị đệ tử cũng theo Phật tu thiền và chứng quả A-la-hán. Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng 500 vị Tỳ-kheo-ni khác nghe tin Phật sắp Niết-bàn, quý bà rủ tới xin Phật cho chúng con nhập Niết-bàn trước, Phật đồng ý. Quý ngài nhờ tu thiền chứng được đạo quả, sanh tử tự tại.

Sau này chư vị tổ sư truyền thừa từ thủy tổ Đại Ca-diếp đến vị thứ 28 là tổ Bồ-đề-đạt-ma. Ngài sang Trung Hoa làm Sơ tổ và tiếp tục truyền thừa đến vị thứ sáu là tổ Huệ Năng. Ngày nay các chùa đều thờ chư tổ vậy mà đa số không biết tu thiền, vô tình đánh mất gốc gác tổ tiên. Thật đau lòng!

Khi nghiên cứu kinh điển, tôi đọc hết hơn 200 quyển kinh A Hàm chừng ba lượt. Qua hệ Pali của hòa thượng Minh Châu dịch, tôi cũng đọc hết. Khi khảo sát kỹ và đối chiếu so sánh, tôi biết được hệ A Hàm Phật dạy đường lối tu theo thiền Nguyên thủy. Sang các kinh Đại thừa như Viên Giác, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm… Phật đều dạy tu thiền. Nếu chúng ta không biết tu thiền thì không thể lãnh hội được yếu chỉ trong những bộ kinh đó.

Thí dụ, kinh Pháp Hoa phẩm Tùng Địa Dũng Xuất nói, chư Bồ-tát phương khác phát nguyện xin Phật cho thọ trì, truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi này nhưng Phật không đồng ý. Bỗng dưng quả đất rúng động, từ trong lòng đất nứt vọt ra vô số Bồ-tát đi nhiễu quanh Phật xin Ngài cho phép thọ trì truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi này, Phật đồng ý. Đọc tới đây tôi ngơ ngẩn, lạ quá! Tại sao từ đất Bồ-tát vọt lên nhiều như vậy? Lâu nay mình chỉ nghe nói dưới lòng đất là địa ngục, chẳng lẽ Bồ-tát dưới địa ngục lên? Phật có thiên vị không mà Bồ-tát ở đây xin thì cho, Bồ-tát nơi khác xin không cho? Đó là những điều tôi băn khoăn không hiểu. Tới chừng nghiên cứu và lãnh hội được yếu chỉ thiền, tôi bật cười. Thật là chúng ta bị lừa! 

Kinh Pháp Hoa hầu hết là ẩn dụ mà mình cứ tưởng thật. Bồ-tát dịch là hữu tình giác, một chúng sanh giác ngộ. Bồ-tát từ phương xa đến muốn duy trì kinh Pháp Hoa nhưng Phật không bằng lòng. Điều này hàm ý cái giác bên ngoài đến chỉ cho Hữu sư trí, không phải trí chân thật. Yếu chỉ toàn bộ kinh Pháp Hoa cốt khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Bồ-tát dưới lòng đất vọt lên hàm ý trong thân tứ đại này luôn có sẵn tánh giác lưu xuất, tức là trí vô sư bất sanh bất diệt. Trí tuệ này mới bảo hộ được tri kiến Phật của chính mình.

Thế nào là hữu sư trí và vô sư trí? Thí dụ người mới vào đạo phải học Tam tuệ học: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Văn là học với các bậc thầy giảng dạy, mở mang được trí tuệ. Tư là tư duy, nhờ học lời Phật tổ từ đó suy ngẫm chín chắn, xét nét kỹ càng. Đem sự hiểu biết, kiểm nghiệm này ứng dụng gọi là tu tuệ. Cho nên Tam tuệ học thuộc về hữu sư trí. Còn Tam giải thoát môn tức là ba môn giải thoát: giới, định, tuệ trong đó tuệ chỉ cho vô sư trí. Nhân giữ giới được đức hạnh, đức hạnh là nhân tố tốt để tu thiền định. Thiền định tâm tư lóng lặng thanh tịnh nên trí tuệ phát sanh. Vì vậy muốn được trí tuệ vô sư phải khéo tu thiền định. 

Ngày xưa tôi nghĩ kinh Đại thừa chỉ để trên trang thờ chứ không làm gì được. Sau này càng tu càng hiểu mới thấy những lời Phật dạy trong kinh hay đáo để, giúp cho mình thấu suốt đường lối tu hành. Các bộ A Hàm định nghĩa vô minh là thấy biết sai lầm, không đúng như thật. Ngược lại, thấy biết sự vật, con người và tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đúng như thật gọi là minh. Phật nói thân ô uế, bất tịnh còn chúng ta luôn thấy nó sạch sẽ, tốt đẹp, nếu bị chê liền buồn giận cự lại. Từ thấy biết sai lầm sanh ra mê lầm chấp ngã. Đó là cội gốc của vô minh.

Trong kinh Viên Giác, Phật dạy vô minh là vọng nhận tướng tứ đại làm thân mình, chấp cái duyên theo bóng dáng sáu trần làm tâm mình. Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Tất cả những gì có hình tướng đều hư dối, duyên hợp, không thật. Thấy đúng như thật các tướng chẳng phải tướng và không chấp thật là giác.

Ai cũng biết thân giả do nhân duyên hội hợp, đủ duyên tụ thiếu duyên tán. Chúng ta ngồi đây thấy như chơi mà thật ra các bộ phận trong thân đều đang làm việc. Nội tứ đại luôn luôn nhờ ngoại tứ đại phụ trợ, thân mới hoạt động và tồn tại. Lỗ mũi mượn không khí bên ngoài đem vào rồi trả ra liên tục. Chỉ cần thở ra không hít lại là chết ngay. Một lát mượn tách nước, lát sau mượn chén cơm, xong lại trả ra. Mượn trả êm xuôi không có gì trục trặc, đi đứng tự tại là hạnh phúc. Thật đơn giản! Cho nên giá trị thật cuộc sống hiện giờ của chúng ta quả rất tầm thường.

Hầu hết chúng ta đều cho suy nghĩ, phân biệt là tâm mình và chấp nó là tôi. Vậy thì khi ngồi chơi không nghĩ gì hết, cái tôi phải không còn. Đằng này nó vẫn nguyên vẹn không mất, cho nên suy nghĩ không thể là tôi được. Thấy rõ thân này tạm bợ vay mượn, chúng ta sẽ sống nhẹ nhàng thảnh thơi tự hơn. Biết tâm lăng xăng vọng tưởng hư ảo giả dối thì không còn cố chấp. Không chấp thân tứ đại giả hợp là thật, không chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật; đó là giác ngộ. Hết sức dễ dàng! Lâu nay chúng ta thường quan niệm giác ngộ là phóng hào quang sáng cả bầu trời. Không ngờ giác ngộ là thấy được lẽ thật nơi mình, nơi người và tất cả các pháp.

Thiền tông dạy yếu chỉ “Phản quan tự kỷ” cốt phá chấp về thân và tâm để tìm cho ra cái chân thật của chính mình. Trong sử kể lại rằng, thiền sư Huệ Khả được Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma người Ấn Độ truyền tâm ấn. Ngài là người Trung Hoa đầu tiên ngộ lý thiền và trở thành Nhị tổ. Một hôm ngài bạch với tổ Đạt-ma:

- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa hương dạy con pháp an tâm.

Tổ Đạt-ma bảo:

- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.

Nghe Tổ nói, ngài sững người liền quay lại tìm tâm. Tìm một hồi không thấy, ngài thưa:

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không thể được.

Tổ bảo: 

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Ngày trước tôi đọc câu này chừng trăm lần nhưng không hiểu gì hết. Sao kỳ lạ! An lúc nào? Cho cái gì để an? Tâm đâu có hình tướng mà bảo đem ra. Ngài Huệ Khả vâng lời Tổ xoay lại xem cái tâm lăng xăng như thế nào, nhìn lại tự nó mất vì đó là bóng dáng giả dối. Thật là pháp an tâm mà không có pháp. 

Pháp tu trong nhà thiền nhanh gọn và thẳng tắt. Khi không còn nghĩ suy vọng tưởng, tâm vẫn biết. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật chia ra vọng tâm và chân tâm. Vọng tâm là cái lăng xăng phân biệt hư dối. Chân tâm là cái biết hằng hữu không bao giờ vắng mặt nơi mỗi chúng sanh. Nhìn vật không khởi nghĩ, nghe tiếng không phân biệt mà vẫn biết. Tiếng người biết tiếng người, tiếng chuông trống biết tiếng chuông trống. Cái biết đó luôn hiện hữu, chỉ vì chúng ta quên rồi chạy theo vọng tâm cho đó là mình. Chừng nào tâm vọng lặng rồi, tâm chân thật sẽ hiện tiền, không cần tìm kiếm đâu xa.

Sau khi ngộ đạo, Lục Tổ được Ngũ Tổ truyền y bát và tiễn về phương Nam. Mấy ngày sau, vài trăm người đuổi theo muốn cướp y bát. Trong số đó có ngài Huệ Minh trước là tướng quân bậc tứ phẩm sau đi tu, chạy trước mọi người đuổi kịp Lục Tổ. Tổ để y bát trên bàn thạch nói: “Y này là biểu tín có thể dùng sức mà tranh sao!”, rồi vào lùm cỏ ẩn. Biểu tín là vật để người khác thấy mà tin, cho nên người ngộ đạo rồi được thầy tổ ấn chứng và trao y bát, làm chứng cho người ta không nghi ngờ.

Ngài Huệ Minh chạy tới thấy y bát mừng quá, cúi xuống ôm lên nhưng không được. Biết chắc có điều gì siêu việt phi thường, ngay đó tâm giành giật của ngài bặt dứt, mới kêu rằng: “Cư sĩ, cư sĩ! Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì y mà đến”. Tổ bảo: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói”. Ngài Huệ Minh im lặng giây lâu, Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Ngay đó ngài Huệ Minh liền đại ngộ. Tâm nghĩ thiện ác, phải quấy làm khuất mất bản lai diện mục, chừng nào dừng được niệm tưởng thì bản lai diện mục hiện tiền, hết sức đơn giản! Tu thiền là quay lại phăng tìm cái chân thật chứ không phải tìm cái gì xa lạ bên ngoài.

Gần đây người Tây phương có khuynh hướng nghiên cứu đạo Phật, nhất là thiền. Năm 1994 tôi qua Nhật Bản, trên chuyến tàu cùng đi có mấy người nước ngoài, hỏi thăm mới biết họ sang đây học thiền. Sau này người ta qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan tìm hiểu thiền khá đông. Tự nhiên tôi có mặc cảm, tại sao Thiền tông ở Việt Nam đã có trước Nhật Bản 500 năm mà mãi tới thế kỷ 19 người ta vẫn không tìm học.

Đường lối tu thiền rất thực tế, có thể nói đây là một môn khoa học tâm linh chứ không phải chuyện xa vời. Tu Tịnh độ hướng về cõi Cực Lạc bên ngoài, tu thiền xoay lại bên trong. Phật dạy trong các kinh A Hàm, còn tham sân si biết còn tham sân si, hết tham sân si biết hết tham sân si, đó là thiền. Thiền tông dạy xoay lại để nhận chân nơi mình có cái chân thật gọi là bản lai diện mục, Phật tánh. Cho nên chúng ta phải có con mắt giản trạch, muốn biết cái thật trước hiểu rõ cái giả. Nếu chấp cái giả làm thật thì muôn đời không biết cái thật. Pháp tu biết vọng không theo chúng ta đang thực hành rất thực tế. Phương pháp này thích hợp với thời đại ngày nay, cụ thể, không mê tín, không tưởng tượng.

Đạo Phật tuy có nhiều pháp môn, nhưng cái nào thích hợp với hoàn cảnh đương thời thì chúng ta cố gắng khai thác tìm hiểu để truyền bá. Thế hệ mai sau sẽ tiến bộ và hiểu biết khoa học hơn ngày nay. Nếu cha mẹ dạy đi chùa cúng lạy cho có phước, nó không tin thì vô tình Phật giáo không còn thích hợp. Bởi vậy người xuất gia phải biết gầy dựng nền tảng đạo Phật vững chắc, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai, làm sao cho ngọn đèn Phật pháp sáng mãi trên đời.

Tôi mong thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa làm Phật sự được vuông tròn và tốt đẹp, đưa Phật giáo phát triển kịp với thời đại khoa học, đừng để bị suy thoái. Tôi luôn cố gắng nỗ lực hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử cũng như những người mộ đạo thấy đúng chân lý của Phật pháp. Mong sao Phật giáo Việt Nam phát triển rộng khắp, để các bạn bốn phương tìm về nghiên cứu những điểm hay của tổ tiên chúng ta, nhất là Phật giáo đời Lý - Trần, từng được cả thế giới quý trọng.

Vừa rồi một vị giáo sư dạy về tâm lý học đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ, đến thiền viện Trúc Lâm ở lại một tuần. Bà học hỏi đạo lý biết được Phật pháp cao siêu, nền tâm lý học Tây phương không bì nổi. Qua đó mới thấy Phật giáo Việt Nam có rất nhiều điều quý báu, cho nên thế hệ Tăng Ni trẻ ráng tu tập thấu đáo, để thật sự Phật đạo thật sự có ý nghĩa. 

Đời chúng tôi sắp mãn mà chưa làm được bao nhiêu, tất cả đều trông cậy vào quý vị. Mong rằng buổi nói chuyện hôm nay quý vị ghi nhớ và ứng dụng, làm sao cho Phật pháp được hưng thịnh lâu bền. Đó là chỗ mong mỏi của tôi.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23362
  • Online: 77