Sao mai đêm ấy, nẻo về ngày nay

11/01/2019 | Lượt xem: 3305

Thái tử Tất-đạt-đa sinh ra ở xứ Ấn, vương quốc của những triết thuyết tâm linh. Cho nên ngay từ nhỏ đã được hấp thụ tư tưởng Vệ-đà và nền tảng giáo dục vững chắc của một ông hoàng tương lai trị vì đất nước, nhưng Ngài lại có tư duy vượt tầm tri thức của bậc quân vương. Hữu duyên đến, ngày Thái tử rời khỏi hoàng cung đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến quy luật sinh lão bệnh tử.

Nhận ra rằng tất cả điều kiện để thỏa mãn ngũ dục thế gian cũng chỉ là giới hạn. Bởi chính Ngài sống trong nhung lụa nhưng đâu thoát được những trần cấu trong tâm. Điều đó đã xác quyết quan điểm của Thái tử về sự khổ đau nhân sinh. Chẳng có pháp trần nào tồn tại mãi mãi, cho nên tất cả được gói gọn trong hai chữ vô thường. Chân lý nào giúp chúng sanh thoát được sự ràng buộc của thân và tâm? Làm sao ngay trong vô thường vượt thoát khỏi vô thường? Hay thay, hình ảnh thong dong tự tại của một vị Sa-môn đã đánh động tâm thức bậc trí cả. Hé mở cho Ngài con đường giải thoát và hun đúc ý chí xuất trần.

Rồi một đêm ấy, Thái tử quyết định xả bỏ tất cả sự giàu sang vương giả, cung phi mỹ nữ. Vượt thành du phương tầm cầu chân lý. Tầm sư học đạo 5 năm, thấu triệt hết giáo lý của các bậc đạo sư. Ngài chứng Phi …phi tưởng xứ, tầng thiền cao nhất trong tam giới, hoàn toàn chế ngự và làm chủ tâm mình. Nhưng Ngài cũng nhận ra, đó chưa phải là chìa khóa mở cánh cửa giải thoát sinh tử. Khi xuất định, nó chưa giúp Ngài siêu thoát khỏi vòng phiền não trầm luân, và tận diệt mọi hình thức ái dục trong tâm.

Ngài dừng sự tìm cầu giúp đỡ bên ngoài, lên đường đến Khổ hạnh lâm, xoay lại đào xới chìa khóa giải thoát từ tâm. Sau 6 năm dụng công, tự thấy rằng khổ hạnh chỉ làm suy giảm tri thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền từ bỏ lối tu ấy và chọn con đường trung đạo. Dưới cội Bồ-đề, Ngài dùng trí tuệ quán chiếu lại nội tâm, đến đêm 49 khi sao mai vừa lên, ngài tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp. Kể từ ngày ấy dòng chân lý bất diệt, vượt thoát vô thường, dẫn chúng sanh ra khỏi vòng tục lụy bắt đầu tuôn chảy. Và ngày nay toàn bộ kinh điển là hoa trái mà Như Lai để lại. Bất cứ ai cũng được hân hưởng, đó là sự công bằng vi diệu nhất.

Trong kinh điển của Phật có bản kinh An Ban Thủ Ý dạy rõ pháp theo dõi hơi thở để điều thân. Vì thân có an thì tâm mới lạc, như thế mới hành thâm được giáo pháp. Để phá vỡ các ngã chấp, trong bản kinh Kim Cang, Thế Tôn đã dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Trong kinh Lăng-nghiêm, đức Phật cũng dạy ngài A-nan rằng, cái gốc của câu sanh vô minh khiến chúng sanh luân hồi sanh tử, chính là sáu căn khi phan duyên với sáu trần. Muốn chấm dứt cội gốc minh thì phải làm chủ được tâm mình, làm chủ được sáu cửa thần quang chiếu dụng này. Tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật cốt yếu đều quy tụ tại điểm này.  

Đạo Phật được truyền vào Việt nam từ thế kỷ thứ III. Văn hóa Phật giáo hòa quyện với nền văn hóa dân tộc và đồng hưng thịnh theo từng triều đại phát triển của đất nước. Vua Trần Thái Tông là vị quân vương đời Trần đầu tiên. Khi chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Sự nghiệp đế vương hưng phế bất thường. Ngài thấm đậm những éo le của vòng xoáy vô thường. Cơ cảm với chân lý tối thượng của Phật. Ngài bỏ ngai vàng, trèo núi hiểm, vượt suối sâu Yên Tử tìm gặp Quốc sư Phù Vân mong cầu vượt thoát cấu trần. Nhưng thế sự chưa buông tha Ngài. Quay trở về với sự nghiệp đế vương, dù bận trăm công nghìn việc Ngài vẫn không lười mỏi học kinh điển. Một hôm đọc kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” Trong khoảnh khắc buông kinh xuống ngài hoát nhiên tự ngộ. Thâm chỉ ý kinh, ngộ được lý thiền. Ngài phỏng theo sáu căn, phân theo sáu thời, chế nghi văn sám hối, mỗi thời lễ sám một căn. Sám hối để nhớ, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần không dính mắc, không dính mắc là vô trụ, vô trụ thì tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phát sanh.

Hạt giống thiền của Trần Thái Tông chảy trong huyết quản vua Trần Nhân Tông, nên ngay khi còn trẻ Ngài đã có tâm hâm mộ thiền. Khi tham vấn với ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ về “Bổn phận tông chỉ” thiền. Thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Nghĩa là soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được. Ngài liền thông suốt được lối vào. Đồng vọng với tâm Phật, nối gót cha ông. Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi lại cho Thái tử, vào núi Yên Tử xuất gia tu hành lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà và là Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ngài lấy câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” làm kim chỉ nam cho phái thiền nước Việt. Chùa Hoa Yên, Long Động là nơi tu học của tăng sĩ thiền phái Trúc Lâm xưa. Bản văn Sám hối sáu căn được chư tăng thời đó sám hối mỗi ngày. Bởi khi đối duyên xúc cảnh, từ sáu cửa thần quang này mà trở về gốc, cũng từ sáu đường thần quang này phát diệu dụng ra bên ngoài, mê ngộ là đây.

Ngày ngày khi đối cảnh,

Cảnh cảnh từ tâm sanh.

Tâm cảnh xưa nay không,

Chốn chốn ba-la-mật.

(Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Đất Việt hơn 700 năm sau. Mặc dù không phải là con vua cháu chúa, nhưng khi nghiên cứu dòng lịch sử Phật giáo nước nhà. Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ nhận thấy, cốt tủy và tinh thần Thiền tông thời Trần khế hợp với giáo lý của đức Thế Tôn, thể hiện tinh thần ích nước lợi dân. Ôm ấp hạnh nguyện khôi phục lại dòng Thiền tông đượm sắc tộc Việt. Năm 1990, Hòa thượng đã hành trình trở về non Yên. Ngược dòng thời gian tìm lại những chốn tích xưa cũ. Vượt qua từng con suối nhỏ, bờ đá, lùm cây. Nơi những vách núi cheo leo còn in dấu các bậc thiền tăng. Còn đó, gió trúc rì rào khúc ru ca của những buổi thiền định, gốc thông già ẩn hiện bóng tổ sư, tháp Tổ uy nghi phủ màu thời gian thanh tịnh. Chùa Hoa Yên giản dị nét sơn khê, nhưng vẫn lưu dấu sức mạnh của Thiền tông đời Trần. Ngọa vân am mây vẫn phủ như ngày nào. Âm ba của hư không thênh thang chốn Tổ, đồng vọng với tâm thiền của Hòa thượng.

Xa xa đồng vọng ngàn thông vắng,

Bước bước giọt sương thắm giọt trăng.

(HT. Thích Nhật Quang)

Nương theo kinh điển của Phật, và đường lối của thiền phái Trúc Lâm xưa. Năm 1993, Hòa thượng xây dựng Thiền viện Trúc Lâm đầu tiên tại Đà Lạt. Và từ đó, hệ thống thiền phái Trúc Lâm lấy Bát-nhã tâm kinh làm pháp nghi chính. Cứ 6 giờ chiều toàn bộ hệ thống Trúc Lâm trong và ngoài nước ngân vang lời bản văn Sám hối sáu căn. Trong bộ Thanh Từ toàn tập, cuốn số 37 là toàn bộ khởi sự gầy dựng lại thiền phái Trúc Lâm, phẩm “Tiến Thẳng Vào Thiền Tông” chứa đựng tất cả tâm huyết, sở hành và cương lĩnh pháp tu thiền. Khi đối duyên xúc cảnh, luôn xoay lại chính mình, sáu căn tiếp xúc với sáu trần cụ thể: “Mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm, thân biết xúc chạm là chân tâm, mũi biết ngửi là chân tâm, lưỡi biết nếm là chân tâm, ý biết pháp trần là chân tâm.” Thấy nghe hiểu biết thường hằng, chiếu soi không ngăn ngại, căn trần không dính mắc. Để cốt là sống được, nhận ra cái thức tâm linh minh của mình. Tác phẩm này trở thành bảng chỉ đường thâm sâu và chi tiết cho những ai muốn phát khởi pháp tu thiền.

          Mạng mạch Thiền tông được khởi nguồn kể từ canh ba đêm ấy, trải dài cho đến ngày nay và cả mai sau nữa. Lời dạy của Phật tổ và các bậc đạo sư trưởng thượng là tấm bản đồ dẫn chúng ta trở về nẻo giác. Còn chần chừ gì nữa, hãy cùng nhau tự nỗ lực, tự thắp đuốc lên mà đi. Bởi vì âm ba luôn đồng vọng, chúng ta hãy hòa vào âm ba đồng vọng đó.

Mây ơi mây cho gửi lời của gió,

Rằng muôn phương cũng nẻo ấy ta về.

Hãy cùng nhau uống đậm giọt tào khê,

Và muôn nẻo rong chơi đồng tự tại.

An Tâm

Nguồn: Đặc san PGĐN


Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23331
  • Online: 20