Sống trở lại gốc

02/08/2016 | Lượt xem: 4225

Nhân kỷ niệm Đức Tổ sư, chúng ta cùng nhắc lại một trọng điểm trong đời sống tiến tu của mình, đó là “Sống Trở Lại Gốc”. Chúng ta hãy kiểm lại xem mình đang sống như thế nào, có gốc hay mất gốc, tại sao mình lại đành để mất gốc? Gốc của sự sống là gì? Là bản giác hay bản tâm của chính mình. Ai cũng đều có bản tâm nhưng ít ai nhận biết được. Bản tâm mình mà mình không biết là do mình lo biết nhiều thứ khác, biết phải quấy, biết hơn thua, biết yêu ghét…, biết đủ chuyện thiên hạ, còn chuyện nhà mình thì quên! Chúng ta phải kiểm lại để sống sao cho thật đúng ý nghĩa, tức sống trở lại gốc.

Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện cùng tử bỏ cha đi lang thang, ăn xin qua ngày, bữa đói, bữa no, được chút ít cho là đủ. Trong khi cha của cùng tử là một trưởng giả giàu có. Cùng tử có lúc ăn xin trở về nhà mình, gặp mặt cha cũng không dám nhận. Chúng ta cũng như cùng tử kia, có kho báu vô giá nơi chính mình lại không chịu nhận. Đó là điều đáng buồn. Bởi vậy trong nhà thiền thường nhắc chúng ta phải sống trở lại gốc.

Có lần Ngài Vân Cái đến hỏi thiền sư Thạch Sương:

Muôn cửa đều đóng tức chẳng hỏi, khi muôn cửa đều mở thì thế nào?

Sư đáp:

Trong nhà làm việc gì?

Cái thưa:

Không người tiếp được y.

Sư bảo:

Nói đến tột chỗ nói chỉ nói được tám chín phần.

Cái hỏi:

Chẳng biết Hòa thượng nói thế nào?

Sư đáp:

Không người biết được y.

“Khi muôn cửa đều mở” thì “trong nhà làm việc gì”. Việc trong nhà mình còn đi hỏi ai? Ai trả lời thế cho mình được? Ai trả lời cho mình chính xác hơn là chính mình? Việc nhà mình mình phải tự biết, còn đi hỏi người khác là quên mất gốc.

Tất cả chúng ta ở đây các cửa đều đang mở toang, tức là thấy, nghe, hiểu, biết rõ ràng, nhưng mấy ai biết được việc trong nhà mình. Như vậy có đáng buồn không, đáng thương không? Thế mà ai cũng cho mình sống có tự chủ!

  Công án này nhắc chúng ta sống phải biết gốc. Gốc đó ở ngay chính mình, ở trong chính mình và đó chính là bản tâm mình. Chúng ta đang ngồi ở đây là ngồi tại gốc hay đã đi ra xa? Phải khéo tìm lại để sống đúng.

Trong mười bức tranh chăn trâu của Thiền Tông, bức thứ nhất là Tìm trâu, tìm trâu tức là tìm tâm. Bức tranh này vẽ hình chú mục đồng ngơ ngơ ngác ngác, ngó quanh tìm kiếm bóng dáng con trâu mà không thấy đâu, mù mịt giữa núi rừng sâu thẳm, cô độc giữa nơi rừng vắng, chỉ có tiếng ve vang lên trên cành phong.

Kệ rằng:

Bôn ba vạch cỏ chạy kiếm tìm

Nước rộng non sâu lối xa thêm

Thần nhọc sức cùng không chỗ kiếm

Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm.

Chạy bôn ba tìm kiếm mà càng tìm kiếm càng thấy xa thêm, nhọc sức mà kiếm không ra, chỉ nghe một chút tiếng ve ngâm trên cây phong chiều.

Cũng vậy, mình đang mất trâu, mất tâm nên phải đi tìm. Nhưng bản tâm mình ngay đây thì tìm ở đâu? Càng tìm càng xa thêm, chỉ có tiếng ve ngâm vang trên cây Phong chiều để đánh thức mình trở lại. Trong đây có ai nghe được tiếng ve không? Và có ai không nghe không? Ai cũng nghe, ai cũng có gốc, mà bỏ quên chạy theo trần, nên càng chạy càng xa, xa dần xa dần…

Vua Trần Thái Tông có bài kệ Núi Thứ Nhất nói về cái sanh:

Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm

Liền trái không sanh nhận có sanh.

Đang sống trong cái vô niệm lại chợt quên đi, vọng khởi có niệm, từ cái có niệm đó rồi bỏ cái không sanh nhận lấy cái có sanh, để rồi:

Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,

Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.

Lang thang làm khách phong trần mãi,

Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Là cứ chạy theo sáu trần, càng đi càng xa. Trong chỗ thanh tịnh vô niệm, vô sanh mà chợt quên, tức là động niệm thành ra có sanh, rồi theo sáu trần. Mắt mê sắc, tai theo tiếng, mũi đắm hương, lưỡi tham vị… lang thang trong sáu trần,  mỗi ngày một cách xa quê nhà. Cho nên để được vô sanh, chúng ta phải nhớ sống trở về.

Thiền sư Minh Chánh, một Thiền sư Việt Nam, có bài kệ “Vỗ Trống Tâm” rất hay. Các huynh đệ trong Thiền Viện cũng thường ngâm nga. Bài kệ này nhắc chúng ta hằng nhớ sống trở về đây:

Nâng đứng trống cơm đối tri âm

Duỗi tay không làm vỗ trống tâm

Tập tập tầm tâm tâm tấp tập

Tầm tâm, tâm tập, tập tầm tâm.

Tiếng trống hợp vận tiếng tùng ngâm

Tịch chiếu tâm tông tức tập tâm

Gió mát trăng trong hằng tự tại

Tầm tâm chẳng được, vứt tầm tâm.

Thôi thôi tâm ta chẳng thể tầm

Tầm tâm dẫu được chẳng là tâm

Đem đèn tìm lửa ấy điên đảo

Chẳng bằng trước song một khúc ngâm

Đây là bài kệ sáng tạo của Thiền sư Minh Chánh. Tuy nói việc vỗ trống cơm mà nêu lên ý nghĩa vỗ trống tâm.

“Nâng đứng trống cơm đối tri âm’’. Ai là tri âm? Có tri âm mới vỗ được trống tâm. Một người vỗ, một người hòa lại, hòa làm sao không trật nhịp mới hay, mới là “Duỗi tay không làm vỗ trống tâm”.

“Tập tập tầm tâm, tâm tấp tập; Tầm tâm tâm tập, tập tầm tâm”. Dùng tiếng trống tập tập để nói việc tầm tâm, nhắc người trở lại gốc, chớ mê theo tiếng trống mà thành trái.

Tiếng trống hợp vận tiếng tùng ngâm”. Tiếng trống hợp vận với tiếng tùng mới thành ngâm, thành họa, thành ăn khớp với nhau, thì ngay tiếng tùng đó liền trở về.

“Tịch chiếu tâm tông tức tập tầm”. Phải thấu được tâm tông mới có thể tập tầm. Tâm tông vừa lặng (tịch) mà vừa biết (chiếu), biết mà hay lặng nên không theo duyên. Như vậy mới hợp với trống tâm, mới hòa nhịp được. Còn theo duyên là trật nhịp, là sai, bị lệch ra ngoài, là mất đi cái nhịp tập tầm, tức hết tìm được.

“Gió mát trăng trong hằng tự tại”. Tâm hằng hiển lộ không ngăn ngại, còn tìm đâu nữa.

“Tầm tâm chẳng được, vứt tầm tâm”. Đã là tâm mình còn tìm ở đâu? Tìm chẳng được thì vứt đi! Và chính ngay chỗ “vứt tìm” là “chỗ được”. Chúng ta phải hiểu được việc làm của mình: Đã là đang vỗ trống tâm, tại sao còn tìm tâm? Tìm chỗ nào? Còn tìm là còn mê, nên phải vứt tìm, vứt tìm mới được tâm, mới hòa nhịp được với trống tâm, còn tìm là trật nhịp.

“Thôi thôi, tâm ta chẳng thể tầm”. Tâm mình thì làm sao hướng ra ngoài mà tìm cho được?

“Tìm tâm dẫu được chẳng là tâm”. Nếu có tìm được là của ai khác, chẳng phải của mình rồi. Nên nhớ kỹ!

“Đem đèn tìm lửa ấy điên đảo”. Đèn có sẵn lửa, còn cầm đèn đi tìm lửa là điên đảo. Như người xưa nói: “ Cỡi trâu tìm trâu” vậy.

“Chẳng bằng trước song một khúc ngâm”. Trước song là trước cửa sổ. Quý vị có biết cửa sổ nào không? Đó là sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngay cái thấy nghe hiểu biết này chỉ giữ một khúc ngâm, không mê theo duyên không mất gốc. Được như vậy thì thiên hạ thái bình. Đó là khéo vỗ trống tâm. Còn ngay sáu cửa mà quên mình, mất gốc, chạy theo duyên là trái nhịp, không vỗ được trống tâm.

Bài kệ này rất hay, rất có ý nghĩa, nhắc mình sống trở lại gốc. Cúng giỗ Tổ cũng mang ý nghĩa nhắc mình đừng quên gốc. Như ngài Nam Tuyền nhân ngày giỗ Mã Tổ nhắc chúng, thử chúng:

Ngài hỏi: “Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay không?”.

Cả chúng đều không đáp được.

Động Sơn – Lương Giới bước ra thưa: “Đợi có bạn liền đến”.

Mã Tổ bằng xương bằng thịt đã tịch rồi, đã thiêu mất rồi, làm sao đến? Còn Mã Tổ thật thì sao lại có chết! Như cố Hòa thượng đây, cái thân mấy chục ký bằng xương bằng thịt của Ngài đã thiêu mất rồi, nếu thấy thân đó là thân thật của Tổ là thấy mất gốc, quên bản tâm. Cho nên ngài Nam Tuyền nhắc mình phải thấy Mã Tổ thật, tức là sống trở lại với bản tâm mình. Cái ấy đâu có hình tướng gì mà nói đến đi, nhưng có ai khế hợp liền thấy.

Và có một Thiền sư hỏi chúng: “Hai người đi trong mưa mà một người chẳng ướt là vì sao?”

Một vị thưa: “Vì một người mặc áo mưa, một người không mặc áo mưa”. (Người mặc áo mưa không ướt, người không mặc áo mưa thì ướt).

Một vị khác nói: “Vì một người đi dưới mái hiên, một người đi ngoài trời”. (người đi dưới mái hiên nên không ướt)

Thiền sư kết luận: “Các ông đều kẹt trong lý luận. Đây nói cả hai người đi trong mưa mà có một người chẳng ướt thì chẳng phải cả hai đều ướt hết hay sao?”

Thấy như cách của các vị đệ tử này thì hai người đều bị ướt. Thân này đi trong mưa đương nhiên bị ướt. Còn người không ướt là người nào? Chính là con người chân thật nơi mình, là pháp thân vô tướng làm sao ướt được? Thấy được như vậy là sống trở lại gốc, là thấy được Tổ thật. Còn Tổ bằng thân thịt là còn bị ướt, bị vô thường thiêu hoại.

Thiền sư Mãn Giác khi sắp tịch có bài kệ:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Nếu nói theo chiều thuận thì phải nói xuân đến trước xuân đi sau. Nhưng ở đây ngài nói ngược lại “xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa nở”. Ý nghĩa này ít người để ý. Vì bài kệ này Ngài làm trước khi tịch để nhắc nhở chúng đừng buồn. Ngài tịch thân mất như xuân đi hoa rụng, nhưng mà xuân đến thì hoa lại nở. Hoa có nở có tàn như thân có đến có đi, đều thuộc về vô thường, không có gì đáng buồn, đáng khóc.

“Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi”.

Việc đời cứ trôi qua không dừng lại, cái già đã đến trên đầu. Vô thường là vậy đó.

Thế nhưng:

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai”.

Trong cái vô thường có cái chân thường, xuân tàn hoa rụng vẫn còn một cành mai y nguyên. Trong cái thân vô thường có đến có đi này, còn có một cái gốc chân thật vô tướng hằng còn không mất, đợi thời tiết nhân duyên đến nó lại hiện ra.

Như Ngài Nam Tuyền hỏi: “Mã Tổ có đến hay không? Động Sơn đáp: “Đợi có bạn liền đến”. Có bạn là đủ duyên. Thân có mất có hoại, chớ pháp thân chân thật không mất. Tuy không mất nhưng nó không hình tướng thì làm gì có đến có đi. Chỉ khi đủ duyên, nghĩa là ai tu hành dụng công đúng mức, khế hợp được thì liền cảm nhận, tức nó hiện ra. Như thế gọi là tỏ ngộ, là nhận ra, là thời tiết nhân duyên đến.

Thấy được vậy, hiểu được vậy là sống trở lại gốc, không mắc kẹt trên tướng đến đi của vô thường, không vì cảnh duyên bên ngoài mà buồn khổ.

Ngài Phó Đại sĩ có bài kệ:

Có vật trước trời đất

Không hình vốn lặng yên

Hay làm chủ muôn vật

Chẳng theo bốn mùa tàn.

Ai cũng có một vật có trước cả trời đất, không hình không tướng, vốn lặng yên mà hay làm chủ muôn vật. Không theo bốn mùa xuân hạ thu đông mà có nở có tàn.

Chúng ta phải khéo nhận ra vật ấy, tức sống trở lại gốc. Đừng chạy theo sự úa tanfcuar thời tiết rồi buồn lo. Thân mình sanh ra, lớn lên rồi già chết, đó là úa tàn theo thời tiết. Chúng ta phải khai thác được, phải sống trở lại được với người không bị ướt giữa trời mưa, người không bị úa tàn theo thời tiết.

Chúng ta ngày nay được gặp chánh pháp, được theo thầy sáng hướng dẫn tu hành đúng đường. Đó là duyên lành khó gặp, không dễ gì có được lần hai. Cho nên chúng ta phải đủ niềm tin, phải khai thác cho được cội gốc của chính mình. Nếu buông xuôi đời này, đời sau biết có được duyên lành như bây giờ không. Đừng để luống qua, hãy sống tỉnh giác, quay trở lại mình.

Có một câu chuyện trong phật giáo Tây Tạng rất hay. Một vị A-la-hán có duyên thầy trò tiền kiếp với một vương tử. Một hôm vua cha của vương tử này mời Ngài vào cung thuyết pháp. Vương tử cảm ngộ duyên xưa xin theo Ngài xuất gia học đạo. Vua và Hoàng hậu là người mộ đạo nên cũng hoan hỉ cho vương tử được thế phát làm Tăng. Vị tăng trẻ này theo thầy du hành sang nước kế cận. Nhân một lần vị tu sĩ trẻ một mình đi khất thực lạc vào vườn vua, được các cung nữ cúng dường và thỉnh thuyết pháp. Vị tăng đọc vài bài kệ giảng giải những điều đạo lý, khuyên các cung nữ bớt say mê dục lạc vì cuộc đời vô thường, phù phiếm, mỏng manh. Vua nghe người hầu báo lại bèn đến rình xem, thấy các cung nữ đang chăm chú nghe vị tu sĩ thuyết pháp. Vua nổi giận ra lệnh đánh tu sĩ hai mươi hèo, vì cho rằng làm tăng mà ngồi quay quần với đàn bà con gái là hư hỏng, phải đánh cho tỉnh ngộ. Tu sĩ bị đánh máu me thấm ướt cả y , trong lòng tức giận, ôm hận không thôi vì ông còn mang cái kiêu khí của một vương tử. Khi trở về, tăng sĩ trẻ xin trả lại y bát cho thầy, hoàn tục về nước trả thù. Vị thầy A-la-hán đọc kệ khuyên đệ tử:

Vui mừng hay đau khổ

Mất mát hay thành công

Tủi nhục hay vinh quang

Hãy nhận tất cả với lòng bình thản

Không tham cầu, cũng không ghét bỏ.

Đó là con đường thoát khỏi vương quốc của ảo giác.

Nghĩa là vui mừng, đau khổ, mất mát, thành công, tủi nhục, vinh quang…đều nhận với lòng bình thản, không tham cầu, cũng không ghét bỏ. Đó là con đường để vượt qua ảo giác.

Tuy thầy khuyên dạy nhưng tu sĩ trẻ đang nổi giận nên không còn muốn nghe đạo lý, quyết ý thưa rằng: “Con muốn bỏ lời nguyện xuất gia. Con phải về nước để trả thù, lũ côn đồ này phải trả giá cho sự kiêu mạn của chúng”

Thấy đệ tử cương quyết, vị A-la-hán cũng đồng ý, chỉ bảo ngủ lại một đêm, sáng mai hãy đi. Đêm đó vị A-la-hán dùng thần lực khiến đệ tử mơ thấy mình hoàn tục về nước. Sau khi vua cha chết lên kế vị, rồi xuất quân sang đánh nước láng giềng. Chẳng may binh bại bị bắt, bị đem ra pháp trường xử trảm. Sắp bị chém. Thì bỗng thấy hình ảnh sư phụ hiện ra, hiền từ thoát tục, vua trẻ vội kêu lên: “Xin sư phụ tha thứ cho con, hãy cứu con, cứu con”!. Ngay lúc đó, tu sĩ trẻ thức giấc, mới biết chỉ là chiêm bao, và vị thầy đang ngồi kế bên an ủi vỗ về: “Đừng sợ! Con đừng sợ bất cứ hình ảnh gì xuất hiện trong đời. Tất cả chỉ là một giấc mơ, còn con thì vẫn còn nguyên vẹn cả..”

Câu dạy của vị A-la-hán rất đặc biệt: “Con đừng sợ bất cứ hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ thôi, còn con vẫn nguyên vẹn”. Mọi thứ buồn vui, giận ghét, đố kỵ, ganh tỵ…chỉ là những hình ảnh trong giấc mơ thôi, đừng quan tâm đến chúng. Phải nhận ra và sống trở lại với mình lúc nào cũng nguyên vẹn, trong sáng, thanh tịnh như thủa ban đầu, chưa từng bị dính nhiễm.

Từ lúc chúng ta bắt đầu mê, bắt đầu bất giác trôi vào luân hồi cho tới bây giờ đã trải qua vô lượng vô số kiếp, vậy mà Ngài nói vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu. Sự thật nếu nó không nguyên vẹn, nếu nó bị dính nhiễm, bị chi phối bởi vô thường thì chúng ta đã sớm tan thành cát bụi trong chuỗi dài luân hồi từ lâu rồi. Chúng ta từng sanh trên cõi trời, a-tu-la, rồi xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…chết tới chết lui không biết bao nhiêu lần, vậy mà bây giờ vẫn còn an ổn ngồi đây. Rõ ràng trong cái thân vô thường có cái vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần tỉnh lại, sống trở lại với nó, đó là sống trở lại gốc.

Vị tu sĩ trẻ nghe lời nói của thầy ngay đó thức tỉnh, bỏ hết hận thù, tiếp tục sống đời sống giải thoát. Không lâu sau, Ngài đắc A-la-hán và là một trong mười sáu vị A-la-hán được Phật dạy trụ lại cõi Ta-bà hoằng truyền chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Câu chuyện này cảnh tỉnh chúng ta đừng sợ bất cứ thứ gì trên đời, chúng chỉ là giấc mơ mà thôi, mình vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban đầu, chỉ cần biết sống trở lại gốc.

Nhân ngày giỗ Tổ, Thông Phương có ít lời để cùng nhắc nhở chư Tôn đức Tăng Ni, chư huynh đệ, quý Phật tử, tất cả chúng ta ai cũng có một cái gốc, một chỗ sống vững vàng. Mọi thứ buồn vui, được mất trong đời chỉ là giấc mộng. “Còn chính mình vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu”. Chúng ta phải sống sao cho đầy đủ ý nghĩa, tràn đầy sức sống, bằng cách phát minh, khai thác để sống trở lại gốc. Đừng để mất cơ hội tốt. Đừng để mất gốc!

 

TT.Thích Thông Phương


Tags: TT.Thích Thông Phương

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89368
  • Online: 29