Sự tương quan giữa Bát nhã và Thiền tông

01/06/2015 | Lượt xem: 4125

HT.Thích Thanh Từ giảng tại Hoa Kỳ 2002

Hôm nay chúng tôi giảng về Sự tương quan giữa Bát-nhã và Thiền tông. Đề tài này hơi cao, quí vị chịu khó lắng nghe kỹ mới thấy giá trị của đạo Phật.


Các Thiền viện của chúng tôi trước khi sám hối phải tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Sau khi xả thiền cũng tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Nhiều người hỏi tại sao không tụng kinh khác mà lại tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bởi vì Bát-nhã Tâm Kinh là một bài kinh rất thiết yếu cho người tu Phật, chẳng những tu Thiền mà tu Tịnh, tu Mật đều quí cả.

Bát-nhã là trí tuệ. Đạo Phật là đạo giác ngộ, muốn giác ngộ mà không có trí tuệ thì không bao giờ giác ngộ được. Phật tử thuộc lòng Bát-nhã Tâm Kinh, nhưng ứng dụng được là điều khác. Có người hiểu ứng dụng, có người chưa hiểu gì chỉ tụng để tụng vậy thôi. Tụng Bát-nhã như vậy sẽ không thấy được giá trị và lợi ích lớn lao của kinh.

Người tu thiền nhất là Thiền tông, nếu không có Trí tuệ Bát-nhã chẳng khác nào người vào rừng tìm trầm hương mà đi tay không, không có rựa bén. Vào rừng cây cối dây nhợ chằng chịt, nếu không có rựa bén cầm trong tay làm sao khỏi vướng mắc. Đã vướng mắc thì không thể đi được xa và tìm được trầm. Vì vậy muốn vào rừng tìm trầm hương chúng ta phải có rựa bén trong tay. Cũng vậy, muốn tu được giác ngộ giải thoát sanh tử chúng ta phải có Trí tuệ Bát-nhã. Bởi vì con đường sanh tử rất nhiều trở ngại, nếu không có Trí tuệ Bát-nhã ruồng phá thì trên đường tu, khó đi đến nơi đến chốn được. Trí tuệ Bát-nhã là cây kiếm bén để chặt phá những sợi dây trói buộc mình.

Vậy giữa Bát-nhã và Thiền tông có quan hệ như thế nào? Tôi dẫn câu nói của Thiền sư Duy Tín đời Tống: “Trước khi gặp thiện hữu tri thức, ta thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Ngày nay, sau ba mươi năm, ta lại thấy núi sông là núi sông.” Dễ hiểu không? Trước ba mươi năm, không gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, lúc ấy chưa biết đạo lý nên thấy núi sông là núi sông thật. Phật tử bây giờ cũng thế, thấy núi là núi thật, sông là sông thật. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông. Vì với Trí tuệ Bát-nhã thấy triệt để lẽ thật muôn đời, không phải thấy theo con mắt phàm tình của thế gian.

Thường chúng ta có cái nhìn lẫn lộn, những người học nhiều, hiểu nhiều, lanh lợi, gặp vấn đề gì giải quyết nhanh gọi là người trí thức. Hoặc những vị đọc nhiều sách vở của các triết gia thì gọi là bác học. Bác học là học rộng, học thuyết này, học thuyết kia đủ hết. Hoặc thường hơn một chút người ta gọi là học giả.

Trong nhà Phật dạy, trí tuệ có hai thứ. Thứ nhất, danh từ chuyên môn chữ Hán là Tam tuệ tức Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ. Nghe lời Phật dạy, chúng ta hiểu được đạo lý, có trí tuệ gọi là Văn tuệ. Nghe Phật dạy không phải bắt buộc chúng ta nghe đâu tin đó, nên suy tư, gẫm xét kỹ càng, nếu thấy đúng mới vâng theo, đó là Tư tuệ. Suy xét thấy đúng rồi, chúng ta không dừng ở đó, mà phải thực hành lời Phật dạy, đó là Tu tuệ. Như vậy, muốn có trí tuệ phải học hiểu lời Phật dạy cho rõ, nhà Phật gọi trí tuệ đó là trí tuệ hữu lậu. Hữu lậu là còn rơi rớt. Trí tuệ hữu lậu còn bị sanh tử trong tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tại sao? Vì trí tuệ đó còn nằm trong dụng công suy gẫm, học hỏi, chưa phải trí tuệ giải thoát.

Muốn giải thoát Phật dạy phải có Tam vô lậu học tức ba điều Giới, Định, Tuệ. Thứ nhất giữ giới cho trong sạch, là bước đầu của giải thoát. Bởi vì có giữ giới chúng ta mới không phạm lỗi lầm. Nếu có lỗi lầm phải sám hối để tiêu diệt nó, từ đó tâm yên. Tâm yên thì tu thiền định mới có kết quả. Thứ hai là định, ngồi thiền tâm lặng không nghĩ gì hết. Tâm yên lặng thanh tịnh rồi phát sáng, trí sáng đó gọi là tuệ. Tuệ này là trí tuệ giải thoát, không phải trí tuệ trong trầm luân. Tại sao? Phật dạy mỗi chúng ta đều có Trí vô sư hoặc gọi là trí tự nhiên, trí căn bản. Trí vô sư vốn có sẵn nhưng vì phiền não, niệm khởi che phủ. Khi lặng hết phiền não, niệm khởi thì Trí vô sư hiện ra. Trí vô sư hiện ra rồi mới thấy đúng như thật. Trí còn học hỏi là trí động, còn sanh diệt trong tam giới. Trí do định mà phát sáng là trí bất sanh bất diệt, trí này giải thoát sanh tử.

Đức Phật ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ-đề, lúc đó Ngài học với ai? Không học với ai hết, cũng không tìm hiểu gì cả. Cứ yên định cho tới khi định sâu rồi, trí sáng lên chứng được Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy v.v… thấy đúng như thật, nói đúng như thật. Những gì Phật nói muôn ngàn năm không thay đổi, vì đó là lẽ thật muôn đời.

Như vậy trí thật sáng hơn trí do nghiền ngẫm học hỏi. Trí nghiền ngẫm học hỏi thế gian và trí nghiền ngẫm học hỏi Phật pháp khác nhau. Trí nghiền ngẫm học hỏi ở thế gian có giới hạn, chừng mực. Còn trí nghiền ngẫm học hỏi Phật pháp do Phật thấy suốt, Ngài nói ra. Chúng ta học được lời Phật dạy, hiểu được điều sâu kín mà trước kia chưa hiểu, nên nó cũng thuộc trí tuệ. Nhưng trí này còn nằm trong cái hiểu cái học, vì vậy chưa giải thoát. Chỉ có trí do tự mình thiền định phát ra mới chân thật giải thoát.

Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài tuyên bố: “Ta học đạo không có thầy”, nghĩa là vào yên trong định, tự sáng lên, tự biết chớ không ai dạy. Ngày nay, chúng ta nhìn lại các nhà khoa học, các nhà bác học, họ muốn tìm một điều gì mới mà thế gian chưa biết, họ phải làm sao? Phải giam mình trong phòng kín, nghiền ngẫm mãi cho đến ngày sáng lên gọi là phát minh. Việc đó do ai dạy? Do giam mình một chỗ, dồn hết tâm lực vào một việc, ngày nào đó yên định, tự nó sáng lên gọi là phát minh. Song các vị ấy chỉ nghiên cứu một vấn đề ở thế gian, nên phát minh được một phần trong muôn phần của vũ trụ vạn hữu. Còn đức Phật ôm ấp ba điều trước khi đi tu là: “Con người từ đâu đến? Chết rồi sẽ đi về đâu? Nếu muốn tiêu diệt mầm sanh tử đó phải làm sao?” Đó là ba vấn đề trọng đại nhất của con người. Bởi vậy nên chỗ Ngài thấy, thấu suốt tột cùng lẽ thật của con người, chớ không phải tìm hiểu từng phần ở bên ngoài.

Các nhà học giả học nhiều, lượm lặt nơi những triết gia. Các triết gia lại là người phàm tục, chưa đạt đạo nên hiểu biết của họ về vũ trụ vạn hữu có giới hạn, không thể xuyên suốt cả trước sau. Như chúng ta thấy, triết gia trước đề ra một lý thuyết, thời gian sau có người khác đề lên lý thuyết mới hơn, như vậy là lý thuyết trước lỗi thời. Thế nên con người học hoài không hết, càng học càng thấy không cùng.

Còn lời Phật dạy có lỗi thời không? Từ hơn hai ngàn năm tới giờ, những lời Phật dạy đều là chân lý, là lẽ thật. Ví dụ Phật dạy các pháp do nhân duyên sanh, ngày nay có ai bác được lý này không? Mọi sự thành công thất bại đều do nhân và quả. Nhân tốt sẽ được quả tốt là thành công, nhân xấu bị quả xấu là thất bại. Đó là lẽ thật không chối cãi được. Có một điều đa số Phật tử còn hoang mang, đó là thuyết luân hồi. Nhiều người không tin thuyết này.

Thuyết luân hồi nói con người chết đi sanh trở lại làm người hoặc làm loài này, loài nọ v.v… nhiều người khó tin. Nhưng sự thật không phải khó tin. Vì chúng ta không kiểm điểm lại mình, chớ chính nơi mình đã chứng minh được thuyết luân hồi. Như trong một gia đình, cha mẹ sanh ra ba bốn đứa con, dĩ nhiên con cái đều chịu ảnh hưởng gen tốt xấu của cha mẹ. Nhưng ba bốn đứa con đó giống hệt nhau không? Thể xác không giống hệt, tâm hồn cũng vậy. Tại sao? Nhà Phật nói luân hồi là những gì quá khứ chúng ta đã tạo, đã làm thuần thục, đời này sanh ra những thói quen đó sống trở lại. Cho nên có nhiều vị thần đồng, bảy tám tuổi thông suốt về kỷ hà học, toán học hay nhạc học. Những cái đó đời này chưa kịp học đã có, tức là mang lại từ đời quá khứ. Nhưng vì lý luân hồi quá tầm suy nghĩ của con người thành ra khó tin, chớ không phải không có.

Trở lại Trí hữu sư và Trí vô sư. Trí hữu sư là trí có thầy chỉ dạy, còn Trí vô sư là trí sẵn có của mình, không do ai chỉ dạy hết. Trí hữu sư của thế gian gọi là trí thức. Trí hữu sư của người tu là Văn, Tư, Tu, tức y cứ lời Phật dạy, nghiền ngẫm tu hành mà biết, trí này còn sanh tử. Nếu ai an định tâm tới chỗ rất lặng lẽ, không còn một niệm dấy động, phút giây nào đó sẽ thấy Trí vô sư hiện ra. Đó là lẽ thật, không phải suy nghĩ tưởng tượng mà được. Chư Phật, chư Tổ đều đi đến tột chỗ này. Trí vô sư là trí giải thoát sanh tử, không còn trầm luân nữa.

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Dịch:

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như sương cũng như điện,
Nên như thế mà quán.

Xem xét rõ các pháp thế gian giống như mộng, như huyễn thuật, như điện chớp, như bong bóng nước v.v… chúng ta kiểm lại xem tất cả sự vật và con người ở thế gian có còn mãi không? Trẻ con năm mười tuổi thì thấy đời sống dài, tới bảy tám mươi tuổi như tôi chẳng hạn, nhớ lại thời quá khứ của mình giống hệt giấc mộng. Chúng ta có mặt đây thì tưởng như thật, ngày nào nhắm mắt thì tất cả những gì của thế gian trả lại cho thế gian hết, mình không có chi.

Nếu thấy tất cả con người, muôn vật đều hư giả, tạm bợ thì không còn tham sân nữa. Mình không thật, có ai chửi mình cũng không giận. Cái tôi không thật, lời chửi thật được sao, nên ta chỉ cười thôi. Ngày nay tại sao quí vị dễ nổi nóng? Tại thấy mình thật nên động tới phát la lên. Cho nên lý Bát-nhã rất uyên thâm, nói mà không kẹt hai bên. Như mộng, như huyễn là có hay không? Nhiều người bảo không. Nói thế đâu được vì khi mộng là có, hết mộng mới không. Có trong mộng nên không phải thật. Chúng ta hiện giờ đòi hỏi cái gì cũng thật hết. Hỏi có hay không, phải xác định hoặc thật có hoặc thật không. Nhưng sự vật trên thế gian không thật có, cũng không thật không.

Có không rồi phải quấy nữa. Chúng ta thử hỏi trên thế gian này cái gì phải, cái gì quấy? Như năm rồi tôi qua đây, có Phật tử kể chuyện nói ở Việt Nam dọn mâm cơm đàng hoàng, trước mời cha mẹ, rồi mới tới con cháu. Hoa Kỳ thì ngược lại, dọn cơm xong mấy đứa nhỏ ngồi trước. Như vậy cái nào phải? Lấy con mắt Việt Nam qua đây nhìn sẽ không bằng lòng. Lấy con mắt Hoa Kỳ nhìn Việt Nam thấy sao giai cấp quá. Như vậy phải quấy lấy đâu làm chuẩn! Không có chuẩn. Tôi đơn cử một thí dụ thôi, còn bao nhiêu thứ khác cũng vậy. Phải quấy tùy địa phương, tùy cái nhìn của mỗi dân tộc, chớ không có cái phải thật, quấy thật. Chúng ta nói chuyện là cứ cãi nhau về phải quấy, mà phải quấy có thật đâu.

Con người sống không có lẽ thật, cứ trái ý thì la. Ý mình chưa chắc là lẽ thật, là chân lý mà bắt người ta nghe theo, như vậy có độc tài không? Đại độc tài. Mình thấy chưa chắc là đúng, mà bắt người này theo, người kia theo, chừng thất bại rồi ai chịu. Người này thấy khác, người kia thấy khác, việc đó chưa làm mà cãi nhau ầm ĩ, có khờ khạo không? Vì vậy nhà Phật nói không phải, không quấy. Nói thế người ta bảo “ba phải”, cái gì cũng được hết. Sự thật không có lẽ thật bên phải, cũng không có lẽ thật bên quấy. Mới thấy như là quấy nhưng nhiều khi trở thành phải, hoặc thấy như là phải cuối cùng trở thành quấy.

Tôi nói ví dụ nữa, như Phật tử biết tu chút chút, ra đường bị người chửi mắng, quí vị nhẫn nhịn không chửi mắng lại. Anh em đi theo thấy tức, chê quí vị ngu. Phật tử về kể lại cho thầy nghe, thầy khen “được đó, tu giỏi”. Vậy lẽ thật ở chỗ nào? Không có lẽ thật, tùy theo cái nhìn. Con người tốn bao nhiêu đờm dãi để cãi lẫy chuyện đó, rồi tốn bao nhiêu buồn giận trong chuyện cãi lẫy. Thật đáng thương! Phật tử nên biết phải quấy không là chân lý, đừng vội cãi nhau.

Phật dạy, nếu người biết tôn trọng chân lý, khi đề ra ý nghĩ gì nên nói “đây là ý nghĩ của tôi”, dừng ngang đó thì biết tôn trọng chân lý. Còn nói ý nghĩ của tôi đúng là chưa biết tôn trọng chân lý. Hai ý đúng gặp nhau sẽ đập nhau, không bao giờ chịu thỏa hiệp với nhau. Nếu biết tôn trọng nhau thì tôi có quyền nghĩ thế ấy, anh có quyền nghĩ thế kia, ai cũng có quyền nghĩ hết. Đó là tôn trọng lẽ thật. Bắt người ta phải theo cái đúng của mình, nhiều khi thực hiện công việc tới cuối cùng thành sai thì sao? Ai cứu?

Nếu mọi người nghĩ việc gì cũng đúng trăm phần trăm, thì trên thế gian này không có ai nghèo? Vì nghĩ đúng thì làm ăn đúng, ai cũng nghĩ đúng hết nên có ai thất bại đâu. Nhưng trên thực tế ta nghĩ mười điều, đúng giỏi lắm là năm điều thôi. Phân nửa phần còn lại là sai, vậy mà đòi người ta phải theo mình, có độc tài chưa? Thiên hạ cứ ghét người độc tài, trong khi chính mình mới là độc tài chúa.

Đạo Phật có lối nhìn thông thoáng, không hạn chế như thế gian. Người tu có trí tuệ rồi, cách xử sự rất nhẹ nhàng, không làm người đau khổ. Thấy thấu suốt được như vậy, việc tu không còn khó nữa. Không chấp mình đúng, người ta mắng không giận, tu khó hay dễ? Dĩ nhiên là dễ rồi. Phật dạy nghe khen chê như tiếng vang trong hang sâu vậy. Trong hang sâu khi có tiếng nói, ta nghe như nó trả lời lại, nói xấu nó trả lời xấu, nói tốt nó trả lời tốt, mà không dính gì trong đó cả. Có tiếng nào nó phản ứng ra đúng như thật, nhưng không hề vướng mắc. Chúng ta ngược lại, vừa nghe liền dính vô tâm. Lời nào thích thì dính sâu, lời không thích cũng dính sâu. Bởi vậy ngồi thiền nó tuôn ra, rồi nói khó tu. Bây giờ nghe như gió qua tai, không có gì quan trọng thì dễ tu ngay.

Cho nên bước đầu Phật dạy chúng ta phải dùng Trí tuệ Bát-nhã, soi thấy lẽ thật của cuộc đời để không còn lầm lẫn nữa. Nếu cứ cố chấp theo phàm tình thì cuộc đời đau khổ tràn trề. Ai cũng chấp, trong gia đình vợ cãi chồng, con cãi cha mẹ, chị em cãi nhau, không ai vừa ý ai. Nếu chúng ta biết những ngôn ngữ, hành động là giả, không thật, qua rồi mất, chúng ta sống rất khỏe. Để thấy rằng Trí tuệ Bát-nhã phá chấp cố định hoặc chấp có không, phải quấy. Người tu Phật phải thấy rõ các pháp trên thế gian là tạm bợ giả dối, như mặt trăng ở đáy giếng, nói không không được, nói có cũng không được, chỉ là bóng giả tạm. Vì vậy Phật nói như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, thấy có nhưng đụng tới nó mất.

Chúng ta chưa vận dụng trí Bát-nhã nhìn tường tận các pháp thì cố chấp đeo bên mình hoài, hết sức trở ngại cho đường tu. Khi nào vận dụng Trí tuệ Bát-nhã thấu đáo, chúng ta rất thảnh thơi, tự tại. Vì nghe chửi không buồn không giận, nghe khen cũng không mừng không kiêu. Hiểu vậy rồi trong cuộc sống quí vị cười hoài, không có gì quan trọng. Còn người mê nghe một lời trái tai nổi giận đùng đùng rồi sanh sự. Từ sanh sự than cuộc đời khổ quá. Đời có khổ không? Đời là cái gì mà khổ? Tại mình ngu mê, chấp bậy nên khổ, chớ đời vốn không nói khổ vui. Vì vậy phải vận dụng Trí tuệ Bát-nhã thấy rõ cuộc đời chúng ta mới tỉnh được. Tỉnh rồi mới thương những người thân, những người đồng loại đang mê lầm. Thương như vậy mới là thương thật, còn thương trong mê muội chưa phải thương thật. Ví dụ thấy láng giềng có người mắc nạn, Phật tử đến lo lắng sắp đặt mọi chuyện, không ngại nhọc nhằn. Khi họ qua cơn khổ rồi, không cám ơn câu nào, quí vị có buồn không? Chắc giận kẻ kia không biết điều. Thương như vậy Phật gọi chưa phải thật thương, thương thì cứ làm. Làm xong rồi thôi, không đòi hỏi gì cả. Đó mới thật tốt.

Hiểu như vậy rồi, tất cả chúng ta tu trong trí tuệ. Thấy đúng, biết đúng thì không sợ cái xấu, cái tầm thường quấy nhiễu mình. Đó là dụng của trí Bát-nhã. Nhờ trí Bát-nhã chúng ta thấy đúng lẽ thật, nên vượt qua mọi khổ ải. Chúng ta bây giờ không ứng dụng được trí Bát-nhã nên thấy sai lẽ thật. Từ thấy sai lẽ thật rồi sanh ra đủ thứ chuyện lôi thôi với nhau, sống trên đời toàn là đau khổ.

Bây giờ muốn hết đau khổ, chúng ta phải khéo sử dụng trí Bát-nhã. Thiền sư sử dụng trí Bát-nhã ròng rã ba chục năm, nên đối với cảnh không vướng, không mắc, không có gì trói buộc được các ngài. Cuối cùng Ngài nói “sau ba mươi năm ta thấy núi sông là núi sông”. Tại sao thấy núi sông là núi sông? Bởi vì ngày trước thấy theo mê, cho núi sông là thật. Sau khi vận dụng trí Bát-nhã quán chiếu thấy nó không thật nên nói núi sông không phải là núi sông. Từ thấy không thật, tâm hết vướng mắc, được lặng yên như như. Bấy giờ nhìn cái gì ra cái đó mà không chấp thật, chấp giả nữa, nên nói núi sông là núi sông. Cho nên nhà thiền luôn luôn nhắc chúng ta phải quán xét tất cả cảnh đúng như thật bằng Trí tuệ Bát-nhã, không nên nhìn theo cái mê lầm của mình.

Tối nào Phật tử cũng tụng Bát-nhã, chỉ câu đầu thôi: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu Trí tuệ Bát-nhã rồi, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết khổ nạn. Phật tử tụng bao nhiêu biến rồi, đã qua hết khổ nạn chưa? - Chưa. Như vậy Phật nói gạt sao? Phật không nói gạt, nhưng vì quí vị tụng kinh mà không chịu chiếu kiến, tức là không soi thấy năm uẩn đều không nên chưa qua hết khổ nạn. Sở dĩ Thiền sư Duy Tín thấy núi sông không phải là núi sông vì Ngài chiếu kiến, thấy rõ như vậy nên Ngài mới ngộ đạo. Còn chúng ta đọc thuộc lòng, mà không quán chiếu gì hết nên khổ vẫn hoàn khổ.

Trở lại kinh Bát-nhã liên hệ với Thiền tông thế nào? Ngày xưa tôi nghiên cứu trong sử Thiền tông thấy ghi, sau khi ngài Huệ Khả ngộ đạo, Tổ Bồ-đề-đạt-ma đem bốn quyển kinh Lăng-già truyền lại cho ngài Huệ Khả gọi là truyền tâm ấn. Đến khi nghiên cứu kinh Lăng-già, tôi lại không hiểu tại sao kinh Lăng-già nặng về Duy thức, chia chẻ nhiều, trong khi thiền thì đơn giản, thế nhưng Tổ Đạt-ma lại lấy bộ kinh dày như vậy, làm chỗ tâm ấn của Thiền tông?

Sau này, đọc lại Ngữ lục của ngài Thần Hội tôi mới giựt mình. Ngài Thần Hội khẳng định rằng Tổ Đạt-ma truyền tâm ấn cho Tổ Huệ Khả, chỉ trao kinh Kim Cang. Mới nghe hơi lạ, nhưng nhìn lại lịch sử, rõ ràng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn dạy tất cả đồ đệ nên trì tụng kinh Kim Cang. Khi Lục tổ Huệ Năng được vào thất, Ngài cũng đem kinh Kim Cang giảng cho nghe. Vì vậy Tổ Huệ Năng ngộ đạo từ kinh Kim Cang. Như vậy truyền tâm ấn qua kinh Kim Cang hợp hơn.

Từ đó, chúng ta thấy có mối liên hệ rất cụ thể. Từ Thiền sư Duy Tín tới Lục tổ Huệ Năng, đều lấy Bát-nhã làm chỗ tựa để nhận ra lý thiền. Tổ Huệ Năng khi nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang, tới đoạn ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm?” Đó là hai câu hỏi then chốt của kinh Kim Cang. Phật dạy muốn hàng phục được tâm, không nên thấy có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nghĩa là không thấy ta thật, người thật, chúng sanh thật, mạng sống thật. Đó là hàng phục được tâm.

Bây giờ chúng ta thử không thấy mình thật, không thấy người thật, xem ngồi thiền có yên không? Rất yên. Ngược lại, ngồi thiền mà nhớ người này, nhớ việc kia, bữa nay mình hơi yếu, muốn nhuốm bệnh, đau chỗ này nhức chỗ kia… thế là đủ lý do xả thiền sớm một chút. Cứ nhớ chuyện mình rồi nhớ chuyện người, nhớ tứ tung như vậy làm sao hàng phục được tâm? Đó là trả lời câu thứ nhất.

Đến câu thứ hai, làm sao an trụ tâm? Trong kinh bảo: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là không nên trụ tâm nơi sắc, không nên trụ tâm nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp; nên không có chỗ trụ mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nghe tới đó ngài Huệ Năng bừng sáng, liền thốt lên: “Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình xưa nay vốn không sanh diệt…” Như vậy Lục tổ Huệ Năng ngộ ngay kinh Kim Cang. Mà kinh Kim Cang là kinh gì? Kim cang Bát-nhã ba-la-mật-đa là trí tuệ cứng như kim cương, không có gì phá nổi.

Chúng ta tu thiền muốn tâm an thì đừng vướng mắc với sáu trần. Tâm mình loạn là tại chạy theo sáu trần. Nghe tiếng hoặc thấy hình sắc cứ ôn đi, ôn lại thành ra loạn. Bây giờ, không vướng mắc với sáu trần thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tánh Phật. Thiền sư Ngưỡng Sơn đi đến chỗ Thiền sư Trung Ấp hỏi đạo:

- Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật tánh?

Ngài Trung Ấp đáp:

- Ta nói cho ông một ví dụ, nếu khéo ông sẽ nhận ra. Như có một con khỉ nhốt trong cái lồng sáu cửa, bên ngoài có con khỉ khác đứng kêu chéo, chéo. Con khỉ bên trong đáp lại chéo, chéo.

Ngài Ngưỡng Sơn liền thưa:

- Nếu con khỉ trong lồng ngủ thì sao?

Ngài Trung Ấp từ trên tòa bước xuống nắm vai Ngưỡng Sơn nói:

- Chúng ta thấy nhau rồi.

Đó là nghĩa Phật tánh. Quí vị hiểu không? Con khỉ trong lồng là dụ cho tâm viên ý mã của mình. Tâm viên ý mã chạy theo sáu trần bên ngoài. Vì vậy con khỉ ở ngoài chạy tới kêu thì con khỉ bên trong phản ứng lại. Chạy tới cửa nào kêu nó cũng phản ứng lại. Như chúng ta đang ngồi thiền mà nghe tiếng la ở ngoài đường, lúc đó còn ngồi yên không? Vừa có tiếng là muốn đứng dậy rồi. Rõ ràng nó phản ứng liền liền, bên ngoài vừa có tiếng động, trong này phản ứng ngay. Bây giờ ngài Ngưỡng Sơn nói khi con khỉ trong chuồng ngủ thì sao? Nó ngủ rồi thì bên ngoài kêu nó không trả lời. Do đó ngài Trung Ấp bước xuống nắm vai nói “chúng ta thấy nhau rồi”. Nghĩa Phật tánh là khi con khỉ trong lồng ngủ, nó không chạy theo tiếng gọi của con khỉ bên ngoài sáu cửa, lúc đó là Phật tánh. Tâm chúng ta lặng không vướng mắc với sáu trần, đó là Phật tánh.

Quí vị muốn sống với Phật tánh khó hay dễ? Quí vị nói khó, nhưng tôi nói dễ. Cái gì ở đầu non góc biển bảo mình tìm mới khó, còn cái này có sẵn nơi mình, chỉ đừng cho tâm khỉ vượn chạy nhảy lung tung theo bên ngoài thì thấy liền. Quyền của ai làm việc đó? Có ngăn sông trở núi gì đâu. Chuyện dễ như trở tay mà mình làm không được mới thật kỳ!

Thật ra Phật tử tu thấy khó là vì cái nhìn sai lầm. Nếu chúng ta giác, biết rõ các pháp không thật đừng chạy theo, đừng chấp giữ nó nữa thì hết lầm. Lúc đó hết việc rối rắm, con khỉ ngủ rồi. Bây giờ thấy hình sắc đẹp nghe tiếng hay, chúng ta đuổi theo nên vướng mắc, hoặc những tiếng dữ dằn mình cũng đuổi theo, cứ đuổi theo thanh, hương, vị, xúc, pháp hoài, do đó tâm bất an. Bây giờ không vướng mắc cái nào hết thì tâm tự an.

Quí vị ngồi đè tâm nhưng thấy cái gì cũng thật hết thì đè nổi không? Càng đè nó càng trỗi dậy mãi. Bây giờ chỉ cần thấy tất cả các pháp không thật, ai kêu tên mình chửi cũng cười, ngồi thiền cứ ngồi. Nếu đang ngồi thiền mà nghe chửi liền nổi nóng lên, còn ngồi được không? Thấy thật là nó thúc đẩy, giục giã mình phải đứng dậy cự với người ta. Cho nên chúng ta không nên bận lòng, không nên cố giữ gì cả, buông xả hết thì tâm thanh tịnh.

Từ kinh Kim Cang tới kinh Bát-nhã đều chỉ một việc này. Chúng ta phải quán chiếu, phải thấy rõ thì việc tu mới có kết quả. Nhờ Trí tuệ Bát-nhã ruồng phá sáu trần không chấp nên ngồi tu an định. An định tức là trở về cái thật của mình. Từ đó Vô sư trí có cơ hội phát triển. Nếu chúng ta cứ dính với sáu trần, tâm chạy ngược chạy xuôi hoài làm sao yên. Không yên thì không bao giờ thấy được cái chân thật của mình. Người tu thiền luôn luôn phải hiểu, phải thấu đáo lý Bát-nhã để hằng quán chiếu, xem xét, như thế tu thiền mới dễ thành công. Ngược lại, quí vị cứ kềm thì càng tu càng khổ mà khó đạt được kết quả mong muốn.

Kinh Phật và các Thiền sư nói không khác nhau, đều chỉ một đường. Tuy nhiên điều này, đợi chúng ta tu đến đó mới thật sự thông cảm giữa kinh và thiền. Nếu chưa tu thì dù phân tích hay cách mấy, lý giải giỏi tới đâu cũng chỉ là nói rỗng, trọn chẳng có chút lợi ích gì. Đó là ý nghĩa tương quan giữa thiền và kinh.


Các bài mới

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84526
  • Online: 19