Tại sao chúng ta phải ngồi thiền
13/02/2020 | Lượt xem: 2577
Đề tài hôm nay tôi nói chuyện là: “Tại sao chúng ta phải ngồi Thiền?” Nhiều người thấy Tăng Ni trong các Thiền viện mỗi ngày đêm ngồi sáu giờ, im lìm bất động trên Thiền đường thì tiếc, nếu để sáu giờ đó làm công tác này nọ, lợi ích biết bao nhiêu, còn ngồi im lìm như vậy thật là vô ích. Như vậy ngồi thiền có gì thiết yếu, có gì quan trọng mà chúng ta phải bỏ nhiều thời giờ vào đó? Nếu không nắm vững vấn đề này, chúng ta sẽ đâm ra ngờ vực, việc làm của mình dường như quá tiêu cực, ích kỷ. Do đó chúng ta phải hiểu rõ tinh thần ngồi thiền và tinh thần Thiền tông mà Thiền sư Thần Hội đã kế thừa nơi Lục tổ Huệ Năng. Có hiểu thấu đáo như thế mới thấy giá trị của người tu Thiền.
Tất cả chúng ta đang sống trong vô minh. Vô minh là mờ tối, mù mịt, không biết đến sự thật, mà còn nhìn đảo ngược lại. Nếu người thấy tờ giấy trắng mà nói đen hoặc tờ giấy đen mà nói trắng, chúng ta gọi người đó điên đảo. Chỉ ai thấy trắng là trắng, đen là đen người đó mới thấy đúng như thật.
Hiện giờ tất cả chúng ta đều nhìn nhận thân hiện hữu của mình là thật, không ai dám nói giả. Do đó mọi người đều quí trọng, cưng dưỡng nó. Nếu là người thế gian thì như vậy là đúng lẽ thật. Nhưng với con mắt của đức Phật, Ngài thấy thân này tạm bợ. Sự có mặt của nó là tướng duyên hợp trong một thời gian tạm thôi, khi hết duyên nó sẽ tan rã. Cái có một thời gian rồi bại hoại thì gọi là thật được không? Không được. Phàm cái gì thật thì phải thường còn bất hoại. Nếu sống hoài không chết mới gọi là sống thật. Còn chúng ta sống từ trẻ lần lần lớn lên rồi già chết, sanh diệt liên tục. Sự sanh diệt đó đưa con người từ sanh đến tử. Như vậy thân này rõ ràng là giả, chớ không thật được.
Thí dụ chúng ta cầm một cây nhang đang cháy, quay tròn thật nhanh sẽ thấy có một vòng lửa tròn. Có người đặt câu hỏi vòng lửa thật không? Nếu không thật, tại sao thấy có một vòng tròn. Qua đó để thấy rằng sự biến chuyển nhanh của một cây nhang đang cháy thành một vòng lửa tròn, rõ ràng vòng lửa tròn ấy không có thật.
Cũng vậy, thân chúng ta là một vòng sanh diệt liên miên tương tục. Nói theo khoa học là bao nhiêu tỉ tế bào sanh sanh, diệt diệt liên tục không dừng. Một hiện tượng liên tục biến chuyển không dừng tạo nên thân, giống như cây nhang đang cháy quay nhanh, nó đổi thay từng phút từng giây. Tế bào này sanh tế bào kia diệt, liên tục như vậy nhưng chúng ta không thấy nên tưởng nó là thật. Bởi tưởng thật nên quí trọng nó, muốn làm sao thỏa mãn những nhu cầu của nó.
Chúng ta cố bảo vệ thân mình từ trẻ đến già, cố làm sao cho nó thỏa mãn, nhưng cuối cùng kết thúc chỉ là một thây thối. Như vậy cả một cuộc đời mấy mươi năm, chúng ta cố giữ cố lo lắng một cái không thể giữ được. Bao nhiêu tâm lực dồn vào đó rốt cuộc chỉ hoài công, không bảo vệ được. Phật gọi cái không thật mà tưởng thật là điên đảo. Điên đảo là vô minh.
Đến tâm, ai cũng cho những suy nghĩ phân biệt, tốt xấu, hơn thua, phải quấy là tâm thật của mình. Bên ngoài thì chấp thân thật, bên trong thì chấp tâm thật. Bởi thế, khi ta nghĩ một điều gì và cho là đúng, nếu ai nói sai thì đỏ mặt liền. Nhưng thử hỏi lại cái suy nghĩ buồn thương giận ghét đó có thật không, có phải là tâm mình không? Đây là vấn đề thứ hai hết sức quan trọng.
Các nhà khoa học hoặc các nhà y học giải thích về thân, chúng ta dễ chấp nhận nó là giả. Nhưng về tâm, có ai biết nó giả đâu? Cứ cho tất cả những gì mình suy gẫm, xét nét, phân biệt là tâm ta, rồi buồn thương giận ghét cũng tâm mình.
Như vậy chúng ta tự vấn mình xem từ khi cha mẹ sanh ra cho tới ngày nhắm mắt, mình là một hay nhiều? Nếu cho buồn thương giận ghét, cái nào cũng tâm mình hết, thì ta có bao nhiêu tâm? Mấy ngàn cái tâm. Theo Duy thức học chia ra nào tâm vương, tâm sở, tâm thiện, tâm ác… Nếu thương là mình thì giận ghét là ai? Khi thấy người hay vật dễ thương thì nói tôi thương, vậy cái thương là tôi. Khi thấy người hay vật dễ ghét thì nói tôi ghét, vậy cái ghét là tôi. Khi vui khi giận cũng thế, như vậy buồn là tôi, thương là tôi, giận là tôi, ghét là tôi. Thế thì tôi là cái nào hay tất cả đều là tôi?
Chúng ta thấy tâm trạng con người luôn đổi thay, chẳng hạn ta đang buồn, bất thần có một người thân lâu quá không gặp, hôm nay bỗng họ đến, đang buồn ta đổi thành vui liền. Như vậy cái buồn có thật đâu? Nhưng đang vui, bất thần một người xưa nay mình không ưa bước vào nhà, lúc đó ta đổi nét mặt liền. Như vậy cái vui có thật đâu? Tất cả buồn thương giận ghét đều tùy duyên, duyên thuận thì vui, duyên nghịch thì buồn, chớ không có gì cố định. Cái thay đổi tùy duyên mà cho là mình được không?
Thêm một ví dụ nữa, như ngón chân mình bị thương, lúc đó có ai hỏi “sao nhăn mặt vậy”, ta nói “chân tôi đau quá”. Cái đau ở chân là cái đau từng phần trên thân thể chớ không phải tôi, nhưng chúng ta đồng hóa nó là mình nên rên rỉ, lăn lóc. Bây giờ chân đau ta xem nó đau làm sao, giựt từng cơn hay nhức thế nào? Thấy thân đau rõ ràng thì mình hết đau.
Lâu nay ta thường lầm một chỗ đau là mình đau. Vì vậy lệ thuộc vào thân, lệ thuộc vào tâm. Những tâm niệm đó làm cho chúng ta chuyển biến theo duyên không dừng. Cứ thế thành thói quen, nên không bao giờ chúng ta ngồi yên. Trong đầu hết suy nghĩ chuyện này lại nhớ chuyện nọ hay phiền giận v.v… Cũng như cuốn phim đang chiếu, hết hình này qua hình khác liên tục. Qua đó đủ thấy tất cả những tâm niệm buồn thương giận ghét đã chi phối hết cuộc đời của mình.
Chẳng những người thế gian mà kể cả người tu nữa, đều kẹt nơi hai thứ chấp thân và tâm này. Như ta vừa nghĩ một điều gì hay, liền đem trình bày với huynh đệ. Một người nào đó phản ứng lại, cho đó là sai. Nếu ta biết suy nghĩ của mình là hư giả, người ta nói sai chỉ cười, thì đâu có chuyện gì xảy ra. Nhưng có ai cười như thế đâu, vừa bị người ta chỉ lỗi liền đỏ mặt lớn tiếng với nhau rồi.
Vì bảo vệ thân nên những gì thuộc về nhu cầu của thân chúng ta muốn cho được, ai ngăn chận lại liền nổi sân. Vì bảo vệ tâm sanh diệt, phân biệt của mình, ai phản đối liền nổi sân. Cả thế gian khổ đau với nhau đều do tranh giành phần phải về mình, trong khi không có gì thật. Cho nên càng bảo vệ thì càng tạo nghiệp nặng, càng tạo nghiệp nặng thì càng trầm luân sâu. Do đó vòng trầm luân triền miên không dứt.
Chỉ có đức Phật sau khi ngộ đạo rồi, Ngài thấy rõ thân và tâm này đều là tướng hư ảo không thật, nên Ngài nói thuyết Vô ngã. Người chấp ngã là chấp ta ở thân, hoặc chấp ta ở tâm, nhưng cả hai đều không thật hết. Nghe nói vô ngã nhiều người không chấp nhận, mình đứng sờ sờ đây mà nói vô ngã. Đó là do vô minh, không thấy được lẽ thật nên cố chấp cố giữ như thế.
Mê lầm chấp thân thật, đó là vô minh. Mê lầm chấp tâm sanh diệt là tâm thật, đó là vô minh. Ngược lại với vô minh là giác ngộ. Ngay nơi thân này biết nó không thật, ngay tâm sanh diệt biết rõ không thật, đó là giác. Tìm cái giác ở đâu nữa? Khi biết thân duyên hợp không thật, nó còn cũng không quá mừng, nó mất cũng không quá buồn. Đã là không thật, ai xúc chạm cũng không quan trọng, có thiệt thòi chút ít phần vật chất cũng không buồn phiền. Như vậy thành Thánh chưa? Giác ngộ thì thành Thánh.
Sở dĩ chúng ta đau khổ là vì lầm nhận thân thật, tâm thật. Như oán tắng hội khổ là ghét mà cứ gặp gỡ hoài nên khổ, chớ không phải thiếu ăn thiếu mặc mà khổ. Từ nội tâm không ưng thuận, không hòa hợp với nhau, sanh ra phiền não. Nếu chúng ta biết tâm không thật, giả sử đang lý luận việc gì, có người nói mình quấy, ta cười chấp nhận. Sự việc này đều là suy luận, không thật, vô thường nên anh phải hay tôi phải cũng được, không có gì quan trọng, bỏ qua hết. Người ta nói sai mình không buồn, chê dở không giận, như vậy có thành Thánh chưa? Tu dễ chớ có gì khó đâu. Vậy mà có người nói tôi giận mười năm không quên. Hay quá! Thật là hay, hay của trầm luân sanh tử, lặn hụp sâu trong địa ngục, chớ không phải cái hay của Thánh Hiền.
Cho nên thành Thánh ngay chỗ thấy được lẽ thật căn bản nơi thân tâm mình. Mọi việc không dính không chấp, thì tu có khổ, có khó không? Chỉ cần chuyển một cái nhìn, từ chấp giả cho là thật sang thấy giả là giả, thật là thật, nhanh như trở bàn tay. Như vậy tại sao không chuyển đổi? Cứ thấy theo lối chấp cũ hoài, rồi than tu khó quá. Nhiều người cho rằng tu phải bị khảo đảo đủ thứ như thế. Nếu tu mà thấy bị khảo đảo là giác hay mê? Bởi thấy thân thật, cái nghĩ của mình thật nên bị khảo đảo. Nếu thấy thân giả, tâm nghĩ suy cũng giả thì có gì đâu khảo đảo, có gì làm cho ta phải khổ sở thối tâm.
Thế nên trong nhà Phật nói, đến chỗ tột cùng tu hành nhanh như trở bàn tay, vì vậy mà gọi là Đốn giáo. Đã thấy đúng như thật về tâm rồi, thì mọi phiền não không thể xâm nhập được. Còn thấy thân thật, tâm sanh diệt thật thì phiền não tràn trề, gỡ không ra, gọt không sạch, dù một ngày ngồi thiền tám tiếng cũng không hết nổi. Bởi khi ngồi thiền thì làm thinh, nhưng xả ra rồi ai nói động tới là cãi lại ngay. Nên nhớ tu là phải thấy cho tột lẽ thật, từ mê chuyển thành giác. Được vậy mới hết phiền não.
Tại sao ở Thiền viện phải tụng Bát-nhã? Vì trong Bát-nhã Phật dạy chiếu kiến ngũ uẩn giai không, tức soi thấy thân năm uẩn không thật. Khi ấy mọi thứ chấp về thân và tâm không còn, nên vượt qua tất cả mọi khổ ách dễ như trở bàn tay. Đêm nào chúng ta cũng tụng thuộc lòng, mà khổ ách cứ còn hoài, thỉnh thoảng cũng khóc, cũng phiền, tại vì mình không thấm được lẽ thật Phật dạy.
Nếu thấy thân này rõ ràng do duyên hợp không thật, đủ duyên nó còn, thiếu duyên nó tan hoại, tùy hoàn cảnh chúng ta sống chớ không đòi hỏi, không tranh giành với ai. Biết tâm hơn thua phải quấy không thật, người ta nói tốt xấu gì mình cũng cười, không chấp không giận ai. Người biết được như thế gọi là người có Trí tuệ Bát-nhã.
Chúng ta kiểm lại xem, một ngày mình tu với vô minh bao nhiêu giờ, tu với Bát-nhã bao nhiêu giờ? Nếu tu với Bát-nhã thì ai có nói nặng nói nhẹ gì mình cũng cười. Nếu tu với vô minh, dù ngồi trên chánh điện, thấy ai cựa quậy mình cũng nổi phiền não. Sống theo vô minh thì dù trước Phật ta vẫn cự nhau, còn sống theo trí Bát-nhã dù ở chỗ đông đảo, bị người nhục mạ mình cũng vui vẻ, không thấy gì hết. Cho nên nhận chân được lẽ thật thì việc tu rất đơn giản. Đó là tôi nói về thân và tâm.
Trong nhà Phật, tâm được tạm chia làm hai loại. Một là tâm hư dối, hai là Tâm chân thật. Lâu nay chúng ta quen sống với tâm hư dối, cho nên tất cả suy nghĩ buồn thương giận ghét, mình cho là tâm, rồi hài lòng thỏa mãn với tâm đó. Từ bé đến già cho tới trăm tuổi đi theo tâm đó luôn, không biết tâm đó là chủ tạo nghiệp. Như thấy người khổ ta thương giúp đỡ, đó là tạo nghiệp lành; thấy người trái ý ta chửi bới, đó là tạo nghiệp dữ. Tất cả đều từ tâm thương ghét giận hờn mà ra. Như vậy mọi nghiệp thương ghét trên thế gian đều do tâm sanh diệt tạm bợ chi phối.
Người biết tu, vâng theo lời Phật dạy tánh nghiệp vốn không, do tâm tạo. Nghiệp thiện, nghiệp ác vốn là không, đều do tâm tạo ra. Tâm đó là tâm giả dối, hư vọng nên nghiệp từ tâm này tạo cũng không thật. Nhưng khi mê chạy theo nên thấy nó thật, đời này kiếp khác cứ như vậy. Mất thân này tìm thân khác, trầm luân muôn kiếp, không bao giờ ra khỏi. Đạo Phật là đạo giải thoát sanh tử, nên chúng ta tu để ra khỏi tam giới, vì vậy không thể chấp thân tâm thật được.
Đến cái thứ hai là Tâm chân thật. Tâm này là cái biết chân thật, không sanh không diệt, không bị tất cả nghiệp làm quấy động, hằng như như bất động. Tâm này sẵn có nơi mọi người chúng ta nhưng không ai dám nhận. Có cái thật mà không biết, chỉ biết cái sanh diệt thôi. Bởi không nhận ra nên nghe Phật nói chúng sanh có sẵn Phật tánh, Chân tâm, nghe thì nghe chớ không bao giờ tin. Đó là chỗ hết sức mê muội của chúng ta.
Bây giờ muốn nhận được tâm đó phải làm sao? Có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, tâm biết do suy gẫm là sanh diệt. Trường hợp thứ hai, tâm biết mà hằng nhiên không suy gẫm là tâm không sanh diệt, Tâm chân thật. Cụ thể như khi chúng ta nhìn dĩa hoa, thấy hoa hồng, hoa trắng rất rõ. Nếu chỉ thấy chừng đó thôi, không khen đẹp hay chê xấu, đó là dùng Tâm chân thật để thấy để biết. Nếu nhìn hoa hồng phân tích hoa hồng màu này, màu nọ, hình dáng thế này thế kia v.v… có đẹp có xấu, đó là dùng tâm sanh diệt phân biệt để thấy. Như vậy chỉ cần nhìn bình hoa, ta biết mình có hai tâm rõ rệt: tâm ban đầu thấy biết mà không có niệm phân biệt so sánh, tâm thứ hai là tâm phân biệt so sánh.
Như vậy khởi đầu nhìn thấy và nghe tiếng, không có niệm so sánh đối chiếu thì cái biết ban đầu đó là tâm thật của mình. Qua cái biết thứ hai so sánh, phân biệt rồi sanh thương ghét là tâm sanh diệt. Người đời vừa thấy cành hoa liền phân tích đẹp xấu, vừa nghe tiếng liền khen chê hay dở, rồi các ý niệm thương ghét trỗi dậy.
Các Thiền sư thường nói thấy như mù nghe như điếc. Thấy như mù tức là thấy mà như không thấy, nghe như điếc tức là nghe mà như không nghe. Người ta nói thấy như mù rồi nghĩ không thấy gì hết, đó là hiểu lầm. Thấy như mù là thấy mà không có chặng thứ hai suy gẫm so sánh. Nghe như điếc là nghe mà không có chặng thứ hai đối chiếu khen chê. Như vậy Thiền sư cũng thấy, cũng nghe mà không có niệm thứ hai. Còn người đời thấy nghe đều có niệm thứ hai, nên quên mất cái thấy nghe ban đầu. Ai cũng sẵn có cái thấy nghe ban đầu hết, nhưng lại chạy theo cái thấy nghe phân biệt thứ hai, không dừng được ở chỗ đang thấy đang nghe. Vì vậy không sống được với cái chân thật của chính mình. Đó là khi đối cảnh bên ngoài.
Đến công phu sâu bên trong, như chúng ta ngồi thiền để làm gì? Ai cũng nói ngồi thiền để được định, nhưng hỏi định cái gì thì không biết. Người tu thiền khi ngồi lặng lẽ vừa nghĩ nhớ chuyện hôm qua, hôm kia liền bỏ không theo thì vọng tưởng lắng xuống. Có người bảo ngồi thiền thấy vọng tưởng lên hoài, không bao giờ yên, chán chết. Tu như vậy thường quá, không có gì phấn khởi.
Chúng ta muốn sống lại với Tâm chân thật của mình, mà quên tâm đó không có niệm nghĩ tưởng phân biệt, không sanh diệt. Nó chỉ hằng tri hằng giác, thấy biết nhưng không phân biệt, nên luôn trong sáng lặng lẽ. Khi ngồi yên vừa thấy niệm khởi, cái thấy đó thế nào? Bình thường lúc chưa có niệm khởi mình thấy không? - Vẫn thấy, thấy yên tĩnh không có niệm khởi. Cái thấy đó có động không? - Không động. Nhưng khi vừa dấy niệm, buộc lòng chúng ta phải dùng phương tiện quở rầy cho nó lặng, vọng lặng rồi ta trở về vị trí ban đầu là thường thấy vậy thôi. Một lát vọng khác lên, mình rầy nó, xong lại trở về vị trí của mình. Đó là ta đang sống với Ông chủ thật, nên khách tới là đuổi, khách tới là đuổi. Ông chủ ngồi trong nhà, khách vô không muốn tiếp thì đuổi ra. Lúc đó khách và chủ hơi lăng xăng một chút, khi khách ra hết rồi thì Ông chủ ngồi yên.
Vậy tôi xin hỏi, khách đã đi hết rồi chủ có còn không? Nếu không có chủ ai đuổi khách, như vậy mà mình chỉ nhớ khách quên chủ, nhận khách mà không nhận chủ. Thế nên biết khách ra hết rồi tất nhiên Ông chủ hiện tiền, lúc đó ta sống với Ông chủ của mình, có thiệt thòi gì đâu! Một trăm khách, một ngàn khách cứ đuổi hoài, tuy hơi mệt nhưng Ông chủ không mất. Còn ngồi mà thiu thiu gục lên gục xuống, thì quên Ông chủ luôn. Nên trong nhà thiền vừa thiu thiu là đập cho tỉnh lại, nhớ Ông chủ của mình, còn thiu thiu là đi vô hang quỉ rất nguy hiểm. Hiểu như vậy mới thấy ý nghĩa trong lúc tu thiền.
Ông chủ hiện tiền của mình, không nghĩ không tưởng, nhưng nghĩ tưởng vừa dấy lên liền biết, bỏ đi; rõ ràng chủ khách phân minh. Chúng ta trở lại sống với cái chân thật của mình, tuy chưa trọn vẹn, nhưng lúc nào nó cũng hiện tiền.
Thấy vọng bỏ không theo, xem như ồn như động, nhưng Ông chủ vẫn hiện tiền, còn ngủ thì Ông chủ lặng mất luôn. Khách có A, B, C đủ thứ nhưng chủ có nhiều không? - Không. Khách có một hai, nhưng chủ là chủ không nói một, hai gì hết. Cho nên khi dấy niệm phân biệt sự việc đối đãi hai bên là khách chớ không phải chủ. Có không, khách chủ, phải quấy đều là khách, Ông chủ thì không đối đãi. Hiểu như vậy mới thấy trong nhà thiền không cho dính hai bên, vừa có hai bên thì không phải là thật.
Chúng ta tu thiền cốt để dứt mê lầm chạy theo cái hư giả, sống với cái chân thật. Vì Ông chủ không có niệm sanh diệt nên không có thương ghét, buồn giận. Không có những thứ đó thì đâu có tạo nghiệp. Khi không tạo nghiệp thân này hoại, Ông chủ sẽ đi đâu? Nghiệp chủ động dẫn chúng sanh trầm luân trong lục đạo, người không tạo nghiệp thì còn gì lôi đi nữa? Không có gì lôi đi là giải thoát sanh tử. Như vậy tu Phật để đi tới chỗ giải thoát sanh tử, sống được với Ông chủ thật của chính mình. Còn sống với niệm hơn thua phải quấy sanh diệt là còn tạo nghiệp, còn tạo nghiệp thì còn đi trong sanh tử.
Chúng ta tu ai cũng muốn giải thoát sanh tử thì đừng tạo nghiệp, sống lại với Ông chủ. Tu thiền là đi đúng tinh thần của đức Phật chủ trương. Muốn được giải thoát thì trước phải giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ thân, giác ngộ tâm, những gì hư dối mình biết rõ ràng, không bị dính kẹt, mới bước qua giai đoạn thứ hai, là sống thật với Ông chủ.
Ông chủ đó nhà thiền gọi là Bản lai diện mục, tức mặt thật muôn đời của chính mình. Thế nhưng chúng ta lại bỏ cái thật, sống với cái tạm bợ, lao theo nó từ đời này sang đời khác, liên miên trong đó, có đáng thương không? Bởi vậy Phật thương chúng sanh tha thiết. Thương nhưng nói không nghe, biết làm sao hơn!
Việc tu hành phải thâm trầm, mới thấy đặc điểm cao quí của sự tu, nếu không sẽ thấy rất tầm thường. Giả sử ta ngồi thiền, nếu ai cười chê mình tiêu cực, ích kỷ quí vị có buồn không? Việc làm này là việc phi phàm, người phàm tục chỉ nghĩ tới thân tâm sanh diệt, không biết được Bản tâm chân thật. Chúng ta tu hành là vượt hơn tầm hiểu biết thường tình nên chuyện chê khen là trò chơi, có dính gì với mình. Người ta nói một giờ làm bao nhiêu tiền, còn ngồi gục lên gục xuống có lợi ích gì, ta liền phiền não thối Bồ-đề tâm, đó là không biết gốc của sự tu.
Chúng ta biết được cái chân thật rồi, mới thấy giờ tu việc tu của mình là siêu phàm. Bởi vậy nên nói Phật pháp là pháp xuất thế gian. Khi nói tới cái chân thật, thì không luận đến chân vọng thật giả gì cả. Nên nhớ còn chân vọng, còn thật giả là còn khách chớ không phải chủ. Khi nghe nói không thật không giả ta đâm ra chới với, không hiểu. Bởi vì với đối tượng ở ngoài thì có hai, nhưng với cái chân thật thì không hai, không hai nói gì một! Vì vậy chỗ này không còn văn tự để nói, không còn lời lẽ để diễn tả được. Đó là chỗ hết sức quan trọng.
Ngay cả ý niệm tu hành muốn thành Phật cũng không được. Tu là để sống lại với Tâm chân thật hiện tiền của mình, nó trung thành nhất với chúng ta. Niệm sanh diệt đổi thay, khi vầy khi khác chớ cái chân thật đó bao giờ cũng hiện tiền. Mắt đang thấy, tai đang nghe, tất cả mọi xúc chạm hiện tiền, mà không phân biệt để buồn thương giận ghét. Cái hiện tiền đó mới giải thoát sanh tử nhưng chúng ta không chịu nhớ, cứ chạy theo những niệm tạo nghiệp trong sanh tử, làm sao giải thoát được.
Thế nên người tu thiền trước tiên phải giác ngộ nơi chính mình có ba phần. Phần thứ nhất, thể xác là tướng duyên hợp tạm bợ, không thật. Phần thứ hai, tâm nghĩ phải quấy hơn thua theo thế gian là bóng dáng hư giả. Phần thứ ba, chúng ta có một cái chân thật thường hiện hữu không sanh không diệt. Nên người biết tu, biết tìm lẽ thật thì phải buông hết những pháp đối đãi tạm bợ, để trở về với tánh hằng giác hằng tri của chính mình, đó mới là chân thật. Nó hiện tiền ngay trong thân này và khi thân này hoại, nó vẫn hiện tiền không mất. Sống được với cái chân thật, chúng ta khỏi bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi, chấm dứt đau khổ sanh tử.
Cho nên chúng ta ngồi thiền đuổi hết mấy chú vọng tưởng để được định. Định là dừng hết tâm sanh diệt, tâm sanh diệt dừng thì tâm vô sanh hiện tiền. Kể cả pháp niệm Phật cũng vậy. Niệm Phật để được nhất tâm bất loạn. Khi nhất tâm rồi đâu còn chú nào lộn xộn để tạo nghiệp nữa. Hết nghiệp thì nhắm mắt thấy Phật A-di-đà, rõ ràng như vậy.
Trọng tâm của đạo Phật là dạy chúng ta ra khỏi sanh tử, muốn ra khỏi sanh tử thì đừng tạo nghiệp. Ông chủ đang hiện diện không thiếu vắng lúc nào hết, tại chúng ta không chịu nhìn lại mình, cứ đuổi theo bên ngoài nên không sống được với Ông chủ. Tu thiền không phải là chuyện xa vời, viển vông mà ngược lại rất thực tế. Trong nhà Phật thường dụ chúng ta có hòn ngọc quí mà bỏ quên. Cái không sanh không diệt đối với thân sanh diệt và tâm sanh diệt này, giống như hòn ngọc quí. Lâu nay chúng ta không chịu nhận hòn ngọc quí, lại chạy theo cái hư giả rác rưởi. Thật đáng thương!
Ngay đây tất cả đều biết mình có hòn ngọc quí chưa? Quí vị ngồi ở dưới nhìn lên thấy tôi là đã có hòn ngọc quí rồi, có ai thiếu đâu. Vậy mà không giữ, chạy theo các thứ lăng xăng lộn xộn, cả đời sống vô nghĩa vô lý, rất đáng thương. Cho nên Phật thương chúng sanh là thương chỗ đó, chớ không phải thương người này nghèo hơn người kia. Bây giờ muốn độ họ thoát khỏi sanh tử, buộc lòng Phật phải tạo phương tiện.
Chúng ta vì không thường thấy được niệm sanh diệt của mình, nên khi ngồi lại yên tĩnh thấy rõ, liền buông xả nó. Đó là chúng ta gỡ lần cho các niệm thưa lặng, bao giờ hết thì tốt. Công phu đã vững rồi, làm mọi việc tới lui qua lại, ta đều thấy đều biết, bấy giờ không phải chỉ ngồi thiền mới là thiền, mà đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền. Đó là điều tối thiết yếu người tu thiền cần phải biết.
Các bài mới
- Trí thức và trí tuệ - 03/02/2020
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo - 26/12/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt4) - 19/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt3) - 11/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt2) - 04/09/2019
Các bài đã đăng
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt1) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P2: Chân lý tương đối - 29/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P1: Chân lý phổ biến - 25/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 1: Phật là gì - 18/08/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23641
- Online: 23