Tại sao chúng ta phải phát Bồ Đề Tâm

05/06/2012 | Lượt xem: 6751

I.    Dẫn nhập.


Hôm nay, tại đạo tràng Hoa ưu đàm, chúng tôi xin được chia sẻ Phật pháp với quý Phật tử. Quý Phật tử tu theo Hòa thượng cũng đã lâu, thâm nhập được Phật pháp rất là nhiều. Trước khi đi vào đề tài chính, chúng tôi muốn giảng về cái nhân để đời đời kiếp kiếp chúng ta được gặp Chánh pháp. Tôi thấy một số Phật tử tu thiền, hay tu các pháp môn khác, nhiều khi chúng ta hơi lầm. Lầm ở chỗ có khi thấy ai có chút thần thông, chúng ta ca tụng, thần tượng.


Đức Phật có nói: Những người theo học Pháp với Phật giống như lông của con bò, những người hiểu pháp của Phật để tu giống như sừng con bò. Quý vị thấy lông con bò nhiều hay sừng con bò nhiều? Tức là những người theo học Phật thì nhiều nhưng những người hiểu pháp của Phật để tu thì ít. Cho nên ngày hôm nay, nhân mùa Phật đản, tại ngay đạo tràng Hoa ưu đàm (tên này rất có ý nghĩa vì một khi hoa ưu đàm nở là một vị Phật ra đời. Trong Kinh diễn tả hoa ưu đàm một ngàn năm mới nở. Còn theo tinh thần nhà thiền, chỉ cần một niệm chúng ta tỉnh, chúng ta giác thì tức khắc trong giờ phút thực tại này có một vị Phật ra đời, mà một niệm chúng ta mê, bất giác thì tức là Phật nhập Niết Bàn), chúng tôi muốn điểm lại những vấn đề chính để quý vị hiểu thêm. Đây tôi muốn hỏi quý vị một số câu:
Câu thứ 1: Tại sao Đức Phật thị hiện trong cuộc đời này?
Câu thứ 2: Tại sao quý Phật tử quy y Tam Bảo, nghe pháp, tu tập theo con đường thiền, kết duyên sâu với Hòa thượng Trúc Lâm?
Thường thường, mình hiểu Phật thị hiện trong cuộc đời này là do thấy chúng sanh khổ. Nhưng sâu hơn, sở dĩ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong cuộc đời đầy đau khổ này là do nhớ lại lời đại nguyện của mình trong vô lượng kiếp khi còn hành Bồ Tát đạo, hay nói cách khác là Bồ đề tâm. Chúng ta ai cũng nhớ, nhưng nếu không phát Bồ đề tâm rộng lớn, không phát đại nguyện lớn thì sau chúng ta cũng quên hết. Cũng như thế, quý vị thấy mình có túc duyên sâu với Hòa thượng nhưng sở dĩ chúng ta quy y Tam Bảo, đến học pháp thiền là do từ vô lượng kiếp, chúng ta đã gieo hạt giống Bồ đề tâm, chính hạt giống Bồ đề tâm đã thúc đẩy quý vị đến đây.
Cho nên, hôm nay tôi muốn chia sẻ với quý Phật tử đề tài: “Tại sao chúng ta phải phát Bồ đề tâm?”

II. Tại sao chúng ta phải phát Bồ đề tâm
Nếu quý Phật tử bố thí, cúng dường, tạo các thiện pháp, tu tập mà chưa phát Bồ đề tâm thì Phật nói người này tạo nghiệp của ma. Bởi vì quý vị bố thí, cúng dường thì có phước, mai này sanh vào gia đình giàu có, sung sướng, đầy đủ, mà không phát Bồ đề tâm thì mình hưởng thụ, hưởng thụ rồi đi xuống. Hoặc quý vị thấy có những người cuộc sống rất đầy đủ, tự nhiên bỏ hết tất cả, dấn thân vào con đường này, chính là nhờ hạt giống Bồ đề tâm thúc đẩy. Vậy, muốn phát Bồ đề tâm phải như thế nào?
Trong Thiền thoại có kể: Có ông cư sĩ xem Khuyến phát Bồ đề tâm, đến câu “Kim Cang chưa phải là cứng, chỉ có nguyện lực phát Bồ đề tâm mới là cứng, mới là chắc”.
Quý vị thấy kim cương rất cứng, nhưng cũng bị vô thường chi phối. Nhưng nguyện lực của Bồ đề tâm, dù cho bị sóng thần, lũ lụt hay những biến thiên của cuộc đời tác động thì cũng không mất.
Ông nghe như thế nên đến hỏi Thiền sư Vô Tướng: “Trên đường học Phật giác ngộ, khó tránh khỏi những nghiệp ma, cơ duyên lười biếng của con người”. Nghiệp ma là nghiệp gì? Quý vị thấy một ly nước bẩn có uống được không. Cũng thế, từ nhiều đời quá khứ, chúng ta đã vay nợ rất là nhiều, bây giờ chúng ta tu mà không muốn có những nghịch duyên đến với mình là chúng ta muốn trốn nợ. Chúng ta muốn thành tựu con đường đến bậc hiền, bậc thánh thì trên bước đường công phu, chúng ta sẽ gặp. Chúng ta đi tu là đi con đường ngược dòng, chỉ cần khéo một chút thôi. Chẳng hạn như, có một người thứ nhất muốn đi ra biển, họ chỉ cần nổ máy là chiếc thuyền liền đi ra biển, còn mình cũng lên thuyền, cũng nổ máy mà chiếc thuyền không đi thẳng, cứ chạy vòng vòng quanh bờ. Nếu là người có thông minh, có trí tuệ thì biết là phía dưới bánh lái bị cỏ, rong rêu bám vào, phải gỡ cho hết thì chiếc thuyền mới chạy. Trên đường học Phật giác ngộ, chúng ta gặp rất nhiều nghiệp chướng. Ai phát tâm đi tu cũng đều mong muốn tu cho đến ngày thành Phật, nhưng tại sao có những người giữa đường ra, không muốn tu nữa, đó là bị nghiệp ma khảo. Chúng ta thấy mỗi người có một nghiệp riêng, có người không thèm ăn nhưng thèm ngủ, có người không thèm ngủ nhưng thèm coi phim, có người thích danh, thích lợi, có những người gặp sắc thì dính. Giống như khi chúng ta bơm một quả bong bóng, khi bong bóng căng thì có những lỗ mọt làm xì ra. Chúng ta lúc dồn sức công phu tu thì những tập khí mà chúng ta huân tập từ nhiều đời xì ra. Nếu chúng ta khéo mà chuyển thì thành tựu, còn không khéo, không chuyển được thì bị chạy theo nghiệp. Nghiệp ma chính là tâm mình. Đáng ra, vào ngày này, giờ này, mình phải trả một nghiệp rất xấu mà mình đã tạo trong quá khứ, nhưng vào lúc đó nếu đang ngồi thiền, nghe pháp thì có phải trả nghiệp không? Có, nhưng nhờ chúng ta tu nên chuyển được nghiệp. Chẳng hạn, anh này vào ngày này, tháng này, không có tạo những nghiệp đó nên nghe pháp tới đâu là thấm tới đó, nghe tới đâu là tuệ giác khai mở đến đó. Còn ngày này, tháng này chúng ta đến đây nghe pháp mà tâm bồn chồn, bứt rứt như ngồi trên đống lửa thì đó là trả nghiệp, nhưng chuyển từ nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Khi nghiệp chướng đến, đáng ra chúng ta phải bị khảo, có khi khảo cho đến chết nhưng nhờ sám hối, ngồi thiền, thấy được từng tâm niệm của mình nên chúng ta chuyển. Như vậy là nhờ hạt giống Bồ đề đã gieo từ vô lượng kiếp mà giữ chúng ta sống còn trong con đường giác ngộ.
Trong mười hai nhân duyên, sợ nhất là ái, ái cha, ái mẹ, ái sắc, ái đủ thứ hết, khi nào ngồi yên lặng, nhất là nhập thất thấy rõ nghiệp trổ ra. Lúc đó, phải thành tâm sám hối, chuyên đi sâu vào con đường thiền định. Nếu như lúc đó ở ngoài, có cảnh thì quý vị sẽ dễ phạm. Sở dĩ chúng ta có duyên nhập thất, đó là phúc duyên mình tốt, thù thắng, được gần Thầy lành, bạn tốt. Cho nên chúng ta phải phát nguyện gặp được Thầy sáng, dạy đúng con đường Chánh pháp thì cái nợ này chúng ta mới gỡ ra được. Tu tức là chuyển nghiệp.
Ngài dạy tiếp: “Có khi thối thất tâm Bồ đề, phải nhờ nguyện lực chống đỡ, thúc giục. Cho nên các bậc cao tăng nhiều đời, đạo nghiệp của các Ngài thành tựu là nhờ thệ nguyện không thối chuyển”.
Có những lúc bị thối thất tâm Bồ đề, không muốn tu nữa. Lúc đó mà bỏ ra thất là thua liền. Chẳng hạn như mình đang ngồi đây mà tâm mình rạo rực, trạo cử, bất an, chỉ cần quý vị bỏ đi không nghe pháp, không ngồi thiền nữa thì ra ngoài có khi gặp chuyện. Cho nên phải phát nguyện dũng mãnh: Dầu cho bất cứ giá nào mình cũng phải đi hết con đường này, chứ không có niệm thứ hai.
Bồ Tát Sĩ Đạt Đa thành tựu cũng nhờ nguyện lực: Nếu không thành tựu đạo giác ngộ thì dù thịt nát xương tan cũng không rời khỏi cội bồ đề.
Ngay cả chúng tôi, giờ này vẫn còn mặc được áo  cà sa này đều nhờ nguyện lực. Nếu trên bước đường công phu, nếu chúng ta không phát nguyện lực thì tu một thời gian gặp chuyện này chuyện nọ là mình bỏ. Còn nhờ phát nguyện, tâm Bồ đề giữ mình lại, giúp mình vượt qua cái khổ. Rồi nương đại nguyện đó để tu thì mới không bị rớt, vì bây giờ cảnh rất là nhiều, ra đường liền gặp cảnh.
Ngài dạy tiếp: “Như mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, mười hai đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, bốn mươi tám đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, bi nguyện địa ngục chưa trống thề không thành Phật của Bồ Tát Địa Tạng, không một vị nào không phải là tấm gương cho người học Phật”.
Như Ngài Ngưỡng Sơn khi bị cha mẹ bắt về hoàn tục liền chặt đứt hai ngón tay, Thánh Ghandi ở Ấn Độ bỏ hẳn viên than lửa vào lòng bàn tay thề không nói dối. Chúng ta thấy người đời còn làm được như vậy thì người tu còn phải hơn thế, kể cả Quý Phật tử. Chúng ta phải phát nguyện lớn: “Đời đời kiếp kiếp đi đúng theo con đường Chánh pháp của Phật, không có một niệm thứ hai”.
Cư sĩ nghe xong chưa hiểu nên hỏi: “Tại sao muốn thành Phật phải lập chí nguyện rộng phát Bồ đề tâm, kế là độ chúng sanh?”
Thiền sư Vô Tướng đáp: “Như một cội cây, chúng sanh giống như rễ của cây, Bồ Tát giống như hoa của cây, Phật là quả của cây. Nếu muốn cây nở hoa, kết quả thì phải siêng năng tưới nước gốc cây, chăm sóc chu đáo, nếu không gốc cây sẽ bị tổn hại. Cây khô héo thì làm sao nở hoa, trổ quả được”.
Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Muốn làm chư Phật, long tượng, trước phải làm trâu ngựa cho chúng sanh cưỡi”. Tức là phải nhẫn, phải chịu đựng, mà muốn làm được như thế phải có nguyện lực, phải có Bồ đề tâm.
Cư sĩ nghe xong, mới hiểu được nguyện lực là trọng yếu.
Ông hỏi tiếp: “Thưa Thầy, nguyện lực của Thầy là thế nào?”
Thiền sư Vô Tướng nói: “Nguyện lực của ta không thể nói cho ông, sao ông không phát nguyện lực của ông đi?”
Cư sĩ nghe xong, liền đại ngộ.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Muốn thấy tất cả chư Phật trong mười phương, muốn bố thí kho tàng công đức vô tận, trừ khổ não cho chúng sanh thì phải nhanh chóng phát Bồ đề tâm”. Trên bước đường tu, mình luôn luôn gặp những nghịch duyên, những hoàn cảnh trắc trở mà chỉ cần phát Bồ đề tâm, tự nhiên phiền não vơi bớt và hết. Bởi vì trong lúc phát Bồ đề tâm, cảnh giới này chỉ có Bồ Tát hàng Thập địa mới thấy được, mà trong mỗi con người chúng sanh đều có Phật tánh, trong lúc phát khởi đại nguyện Bồ đề tâm, hạt giống này rung động, đánh bạt bao nhiêu hạt giống phiền não. Bởi thệ nguyện quá sâu nên những khổ đau, phiền não đều có thể vượt qua hết. Nhờ Bồ đề tâm, chúng ta luôn thu thúc sáu căn, tỉnh giác trong mọi hành động.
Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ dạy: “Tâm Bồ Đề giống như hạt giống, có thể làm tăng trưởng pháp bạch tịnh cho chúng sanh. Tâm Bồ Đề giống như mặt đất vì có thể giữ gìn tất cả thế gian. Tâm Bồ Đề giống như nước trong vì có thể rửa sạch tất cả sự nhơ bẩn của phiền não. Tâm Bồ Đề giống như ngọn lửa lớn vì có thể tiêu đốt tất cả củi kiến chấp”.
Có người thấy người nào có chút thần thông liền tin tưởng, đi theo, nhưng đó là thần thông sanh diệt. Có những nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ rất giỏi, nhưng nếu trong cuộc đời chưa từng nhìn lại tâm mình mà chỉ đi tìm những tướng sanh diệt bên ngoài thì cũng uổng một kiếp người. Vậy thần thông của nhà Thiền là gì? Là vào sắc, thanh, hương, vị, … không dính mắc, vô nhiễm. Tu một thời gian, khi đã gạn lọc được những ô nhiễm, phiền não, tự khắc quý vị biết mình là ai.
 
III. Nhân duyên phát Bồ đề tâm
Sở dĩ chúng ta tin vào Phật pháp, tin vào những đại nguyện mà chư Phật, chư Bồ Tát dạy là trong thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân vô sinh, cho nên ngày nay chúng ta gặt quả thường trụ.
Trong Nhập bồ đề hành luận có ghi: “Chúng ta may mắn làm thân người thì hãy tư duy những điều thiện pháp, trước hết cho bản thân mình đời này và đời sau”. Muốn được như vậy, phải phát bồ đề tâm, dọn sạch tâm mình, làm tất cả các thiện pháp mà không bị dính mắc
Nếu chúng ta không sanh làm người mà sinh vào cõi trời, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì chúng ta cũng không phát được bồ đề tâm. Ngay cả trong cõi người, nếu sung sướng và đầy đủ quá, cũng khó mà phát được bồ đề tâm.
Và nếu trong thời quá khứ, chúng ta không gieo trồng hạt giống Chánh pháp thì ngày nay, với cuộc sống như bây giờ, chúng ta khó có thể ngồi thiền được.
“Thỉnh thoảng, chỉ trong những khoảng sát na ngắn ngủi, chúng ta mới nghĩ đến điều thiện, là nhờ uy lực của chư Phật, như trong đêm tối có một chút ánh sáng lóe lên”.
Cho nên, khi vừa khởi một niệm thiện là phải làm luôn, nếu không kịp làm thì sẽ mất. Mà sở dĩ khởi được niệm thiện là do uy lực của mười phương chư Phật và những nhân lành chúng ta đã gieo trong vô lượng kiếp quá khứ.
Vì sức mạnh của thiện pháp rất yếu, mà sức mạnh của ác pháp thì thường xuyên và to lớn khủng khiếp, nếu không bằng tâm bồ đề tròn đủ thì không điều thiện nào có thể khắc phục. Bấy giờ các Đức Phật Mâu Ni Vương đã trải qua vô lượng kiếp tư duy thấy rõ lợi ích này, do vậy mà an lạc, tăng trưởng an lạc, tràn qua vô lượng dòng thác lũ của thế gian. Những ai muốn vượt qua trăm nghìn thống khổ của ba cõi, diệt trừ mọi bất hạnh cho chúng sanh, muốn hưởng thọ vô số trăm nghìn phước lạc, luôn luôn không rời bỏ tâm Bồ đề”. Do thiện pháp Bồ đề tâm đánh bạt được các ác pháp. Nếu phát tâm Bồ đề rộng lớn làm tất cả vì lợi ích chúng sanh, chịu mọi khổ não của chúng sanh, thì sẽ được an lạc. 
“Khốn khổ bị trói buộc, ngục tù trong ba cõi, nhưng chỉ một sát na phát Bồ đề tâm thì đã được gọi là con của Đức Phật”.
Phát Bồ đề tâm giống như mặc áo giáp, những viên đạn, cung tên phiền não có bắn vào cũng bị dội ra hết.
“Cũng như dung dịch đồng được chuyển thành công cụ cứng chắc, tâm Bồ đề cũng vậy, sau khi nhận hình tượng bất tịnh này, tác thành nó thành hình tượng trân bảo vô giá của một bậc tối thắng. Khi một chúng sinh gắn chặt được tâm vào mục đích cứu kính là đại bồ đề thì chúng sinh ấy có thể vượt qua vô lượng chướng ngại, vô lượng khổ đau, chinh phục được những pháp bất thiện cực kỳ mãnh liệt mà với tâm bình thường không thể nào khắc phục được”.
Mình phải biết rằng đi trên con đường này sẽ gặp nhiều những hoàn cảnh nghịch duyên, nhưng khi phát Bồ đề tâm là mình có hùng lực, đi vào cuộc đời vẫn vui, vẫn cười, không đau khổ, vượt qua được mọi chướng ngại.
Rồi chẳng hạn khi ngồi thiền có những ác pháp đến rất mạnh, rất nhiều, nếu trước đây có khi chịu không được, nhưng nhờ tâm bồ đề đánh bạt mọi phiền não, được an ổn.
Để tóm kết lại, con đường chúng ta chọn muốn đi đến đích không phải là đơn giản.
Ông Bàng Long Uẩn từng nói:
“Khó khó khó,
Mười tạ dầu mè trên cây búa”.

Bà vợ ông Bàng Long Uẩn:
“Dễ dễ dễ
Trên đầu ngọn cỏ ý Tổ sư”.

Cô Linh Chiếu:
“Cũng không dễ, cũng không khó
Đói ăn, khát uống, mệt ngủ khò”.

Như vậy, chúng ta muốn đến đích trên con đường thiền, thành Phật tác Tổ là phải phát Bồ đề tâm. Nhờ phát Bồ đề tâm mới có thể vượt qua tất cả chướng ngại. Mong quý Phật tử luôn gắn chặt Bồ đề tâm cho đến ngày thành Phật.

  ĐĐ.Thích Khế Định thuyết giảng tại Đạo tràng Hoa Ưu Đàm - Austraylia Theo truclamchanhthien.net 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23574
  • Online: 22