Tâm bình thường

06/12/2012 | Lượt xem: 3337

ĐĐ.Thích Tâm Hạnh

Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt hôm nay, quý Thầy xin kể một câu chuyện thế này: Thuở xưa, tại vương quốc nọ, có ông vua trị vì một đất nước rất giàu có và xinh đẹp, nhưng có lẽ đẹp nhất là ba bà hoàng hậu của vua. Ba người này có tài sắc ngang nhau nên rất được vua sủng ái. Cuộc sống cứ thế yên bình cho đến một hôm, bất thần ông vua nảy ra ý định muốn tìm ra một người đẹp nhất trong ba bà hoàng hậu. Khi hỏi tất cả các cung phi thì ai cũng nói ba bà đẹp ngang nhau.

Cuối cùng, vua mang chuyện này ra hỏi triều đình thì ai cũng bảo như thế, không ai hơn ai. Lúc bấy giờ, có vị quan tể tướng khuyên vua nên dừng việc này lại, vì không lợi ích gì, nếu tiếp tục, e sẽ xảy ra những chuyện không lường trước được. Vua không những không nghe mà còn nổi giận, yêu cầu vị tể tướng này phải làm cho ra ai là người đẹp nhất. Vị tể tướng suy nghĩ một lúc rồi nói, việc đánh giá phân biệt đẹp xấu không phải là việc của người làm quan mà để cho mấy ông thầy bói. Một vị thầy bói nổi tiếng nhất thành được mời vào để xem dung nhan của ba bà. Xong, ông thầy bói cũng im lặng, xin về xem lại tài liệu rồi trả lời sau. Vị tể tướng nói nhỏ với vua rằng, việc nhận xét đẹp xấu tùy theo nhận định của mỗi người, nhưng vì sợ ý của các bà nên không ai dám nói ra, có thể ông thầy bói cũng như vậy, không dám nói ai đẹp hơn. Vị quan bèn gợi ý vua viết ba bức thư giả mạo của ba bà, hẹn tới ba nơi khác nhau, nếu ông thầy bói đến chỗ hẹn của bà nào thì bà đó là người đẹp nhất. Vua làm đúng theo lời tể tướng. Quả nhiên, hôm sau, ông thầy bói tới chỗ một bà. Vua biết được bà đó đẹp nhất, từ đó sủng ái bà này mà lơ là hai bà kia. Vì bị bỏ rơi nên hai bà tức giận và ghen ghét, tìm cách bỏ thuốc độc cho bà đẹp nhất chết. Sau khi bà này qua đời, mọi chuyện cũng bị bại lộ, ông vua tức giận chém luôn hai bà còn lại.

Qua câu chuyện, quý vị thấy ông vua này sống bình thường hay không bình thường? Ban đầu mọi chuyện đang bình thường, nhưng không chịu, lại kiếm chuyện bất bình thường để rồi bị xáo trộn, rối loạn cả lên và mất tất cả, một mình chuốc lấy sự khổ đau.

Câu chuyện nghe qua giống như một giả thuyết, nhưng thử hỏi con người chúng ta có lúc nào giống như ông vua đó không? Cụ thể hơn, hiện tại chúng ta đang sống, đang ứng xử, đang làm việc bằng tâm ổn định, bình thường của một buổi sáng mai mới thức dậy với tâm thái bình an, tỉnh táo, hay khi thì tâm ta bồng bềnh phiêu bạt vô bờ bến, khi lại tỏ vẻ hiêu hiêu tự đắc, có khi rối bời, không định hướng được, có lúc choáng ngợp, khi thì cháy rực lên, lúc lại nguội lạnh không muốn làm gì hết? Tất cả những thứ tâm đó đều biểu hiện cho một tâm thái chưa được bình thường, ổn định. Nếu chúng ta bằng vào tâm thái như vậy để sống, để ứng xử, để làm việc và quyết định thì dễ bị hỏng, dễ ân hận, mất cân bằng và gây đau khổ cho chính mình và những người liên hệ. Như vậy, muốn có một cuộc sống ổn định, cân bằng, không sai lầm rồi bị ăn năn ân hận về sau, đem lại sự an ổn cho mình và mọi người chung quanh thì chúng ta cần phải sống bằng Tâm Bình Thường.

1. Nghĩa Bình thường.


Ý nghĩa hai chữ “bình thường” rất sâu và rộng, bởi nó là đạo lý sống chân thật chứ không phải là một định nghĩa thông thường như mọi người thường hiểu. Chỉ có quý Ngài đạt đạo, sống trọn vẹn bằng tâm chân thật không mê lầm và bất biến thì mới thật sự bình thường, còn chúng ta chưa sống được bằng đạo lý chân thật mà cố làm cho bình thường thì lại càng trở nên bất bình thường hơn. Nếu nói như vậy thì để tự nhiên là bình thường hay bất bình thường? Đang bất bình thường mà để cho tự nhiên là bất bình thường luôn. Cố làm cho bình thường cũng bất bình thường, để cho tự nhiên cũng bất bình thường. Chúng ta thường ở trong trạng thái bất bình thường cho nên có những bất ổn trong nội tâm của mình. Như vậy không lẽ chúng ta không thể áp dụng để sống được phần nào bằng tâm bình thường mà phải chấp nhận sống trong tâm bất bình thường để chịu khổ mãi hay sao? Đó là lý do chúng ta cần nên tìm hiểu về tâm bình thường ở một mức độ nào đó, để có thể ứng dụng vào đời sống của mình cho được ổn định và có lợi ích. Tuy chưa rốt ráo, nhưng nó có tính chất đi thẳng vào đời sống thực tế ở mức độ như chúng ta đang sống và đang còn trên đường tu tập, lấy đó làm căn bản để tiến lên sống trọn vẹn bằng tâm bình thường tuyệt đối.

2. Con người chúng ta có thực sự ổn định và bình thường chưa?


Xét lại trên thực tế, con người chúng ta đã thực sự ổn định và bình thường hay chưa? Thân mình thì khi nóng, khi lạnh, khi bệnh, khi lành... Còn tâm này thì khi vui, khi buồn, khi mừng, khi giận… Như vậy, thân và tâm mình đều vô thường, thay đổi một cách liên tục, có khi thay đổi tới độ mà mình không kịp biết, không kiểm soát nó được nữa. Như vậy, chúng ta đang bình thường hay không được bình thường? Không được bình thường.

Có một đôi vợ chồng nọ, ông chồng rất hiền lành, nhưng không hiểu sao cô vợ thì ngược lại. Ngày nào không kiếm chuyện để chửi mắng chồng mình thì ăn không ngon, ngủ không yên. Cô vợ có chửi mắng thế nào ông chồng vẫn làm thinh, không nói gì cả. Thấy vậy cô ta càng tức giận, nói ông chồng không biết xấu hổ, bị chửi như vậy mà làm thinh, không biết nói lại, yếu hèn... Thấy bà vợ không chịu kiểu làm thinh, ông chồng bèn đổi qua cười. Mỗi lần bị chửi là mỗi lần ông cứ cười nhẹ và vẫn không nói năng gì. Bà vợ càng tức hơn, nói ông là người không biết hổ thẹn, đã bị chửi như vậy mà còn ngồi đó cười được. Ông chồng thấy cười cũng không xong liền đổi qua khóc, mỗi lần bị chửi thì ông khóc. Bà vợ càng tức tối hơn nữa, nói đàn ông gì mà nhu nhược, có gì thì cứ nói chứ sao lại ngồi đó mà khóc. Thấy làm kiểu gì bà vợ cũng không vừa lòng, suy nghĩ một hồi, ông đi mua một cái hòm đem về để trong nhà. Hôm sau bà vợ chửi, ông ôm cái hòm mà khóc tha thiết như là một người vợ đang khóc cho chồng mình bị chết vậy. Cô vợ nhìn thấy thế liền sực tỉnh, nghĩ rằng bây giờ mình giận chồng và chửi mắng một cách hung dữ như vậy, nhỡ sau này chồng chết và phải ân hận mà khóc thì mắc cỡ lắm. Bây giờ nên thương yêu ông, mai kia nhỡ ông có chết mình khóc chồng thì thấy dễ coi hơn.

Cô vợ này cảm thấy hai hoàn cảnh khi chửi và lúc chết, thời gian cách nhau khá xa, nên cô ta không biết được và chửi chồng mình thỏa mái. Đến khi thấy có người khóc chồng trước cái hòm thì mới sực tỉnh ra nhiều điều, mới biết trước đó là do mình sai lầm nên đã ứng xử một cách bất bình thường và sửa lại. Với chúng ta là những người đã học đạo, mình cũng đã biết khoảng thời gian ấy không phải là dài, nhưng vì chưa giác tỉnh đúng mức do đó có đôi khi vẫn thấy có một khoảng giữa thời gian hơi dài thật nên làm cho chúng ta mờ nhạt, quên đi đạo lý, vì vậy mình cứ sống theo tâm buồn vui, mừng giận một cách không ổn định, không thấy được cái bất bình thường của mình. Nếu khoảng thời gian đó nó sát gần nhau một chút thì chúng ta sẽ thấy mình rất mắc cười với chính cái bất bình thường của mình. Có lẽ quý vị cũng có lần bắt gặp ở thế gian, có nhiều lúc cô vợ hiểu lầm điều gì đó nên hừng hực tức giận chồng mình đến độ run cả tay chân, bỗng dưng ông chồng biết cách giải thích đúng chỗ cô ta hài lòng một cách khôi hài thì cô vợ lại tủm tỉm cười bẻn lẻn. Cười bẻn lẻn, hổ thẹn, đó là cười cho cái bất bình thường của mình trước đó. Trong câu chuyện trên cũng tương tự. Cái chửi trước đó của cô vợ là không bình thường, sau sực tỉnh lại, không chửi nữa là bình thường trở lại. Mới thấy, khi tâm chúng ta còn đổi thay, chưa được ổn định thì mình đang là bất bình thường, chưa được bình thường một cách tuyệt đối. Nếu chúng ta bằng vào tâm bất bình thường đó để sống, ứng xử và làm việc thì con người mình lúc nào cũng cảm thấy bất ổn, không được thoải mái, không được toàn vẹn, không được đầy đủ, chuốc lấy ân hận về sau. Bất an và khổ đau có ra từ đó. Cho nên bất bình thường là cái khổ của mỗi người.

3. Tại sao chúng ta chưa được bình thường?

Đến đây, mỗi vị tự kiểm lại coi mình có được bình thường tuyệt đối chưa? Chưa. Vậy tại sao chúng ta chưa được bình thường? Trước tiên là vì tâm mình chưa được an định, chưa được bình tĩnh nên tự mình bất bình thường. Từ đó chuyển sang cấp độ thứ hai là đối xử với công việc không được bình thường, không được sáng suốt. Sau đó ăn năn, hối hận, khó chịu, dẫn đến tiếp tục bị bất bình thường. Tự mình không bình thường, kéo theo ứng xử với công việc không được bình thường, sau đó đưa đến tâm thái không được bình thường, nên cái bất bình thường càng trầm trọng hơn. Đó là lý do khiến chúng ta chưa được bình thường. Ngược lại, khi một việc nào đó xảy đến, nếu quý vị bình tĩnh, sáng suốt, thấy một cách rất rõ ràng thì mình sẽ ứng xử, giải quyết với một thái độ bình thường và cuộc sống của chúng ta sẽ được ổn định, bình thường.

4. Bất bình thường thì có tai hại gì?

Nhưng quý vị thấy, bình thường cũng sống, bất bình thường cũng sống, như vậy, tâm bất bình thường có tai hại gì?

4.a. Bất bình thường thì nguy hiểm.

Cái tai hại đầu tiên là nguy hiểm. Quý vị để ý, một con gà mái bình thường một ngày sinh một trứng, nếu bất thần hôm nào đó nó sinh bốn trứng trong một ngày thì sẽ chết. Tinh thần của một người đang bình thường mà đi xe thì ổn, nhưng nếu hôm nào đó đang bực bội ai, hoặc trong lòng có việc buồn bần thần chưa thông thì dễ dẫn đến tai nạn. Đó là do tình trạng đột biến, bất bình thường. Những trường hợp đột biến như vậy xảy đến trong cuộc sống của chúng ta không phải là ít. Qua đó, quý vị chiêm nghiệm lại để thấy rõ, cái bình thường là tốt hay bất bình thường là tốt?

4.b Không bình thường thì chúng ta không làm chủ được mình.


Cái tai hại thứ hai là không làm chủ được mình, đó là nguồn gốc kéo theo những tai hại khác mà mình không thể lường trước được.

Bàng Nguyên và Tôn Tẫn kết bạn thân và cùng nhau đi học đạo Tiên với Qủy Cốc Tiên Sinh. Đến nơi mà vị Thầy không mở cửa. Có người mách bảo hai người phải đứng bên ngoài thành tâm lạy mãi thì may ra mới được. Tôn Tẫn hết lòng lễ lạy. Bàng Nguyên nghĩ có bạn mình thành tâm thì thế nào cửa cũng mở, cho nên mình lạy dối dối cũng được. Đến lúc vị thầy mở cửa hang đá nhìn Bàng Nguyên thì biết là Tiểu Nhân, nếu dạy Đạo cho thì chỉ giúp Y làm việc không tốt nên đuổi về, chỉ nhận Tôn Tẫn ở lại học đạo. Tôn Tẫn thưa:

- Hai con kết nghĩa cùng đi học đạo. Nếu Thầy đuổi Bàng Nguyên thì con không nỡ bỏ cho anh ấy ra về mà con ở lại đây một mình. Xin thầy từ bi cho anh ấy cùng học Đạo.
Quỷ Cốc Tiên Sinh hứa nhận.
Trước khi dạy Đạo, ông Thầy thử trí hai người. Ông ngồi trong hang động và bảo, các con có cách gì để có thể dời ta ra khỏi động này được. Bàng Nguyên thưa:
- Sư phụ ra đây xem hai con rồng đang vờn lượn giữa trời rất tuyệt!
Ông Thầy bảo:
- Ông nói gạt ta chứ tháng này làm gì có rồng múa!
Bàng Nguyên nói tiếp:
- Sư phụ xem kìa, có Tiên sinh A, bạn thân của Sư phụ đang tới thăm Sư phụ.
Ông Thầy bảo:
- Ông nói gạt, ông ấy mới từ giả ta ra về thì làm gì đến nữa?
Thua kế, Bàng Nguyên nói:
- Bây giờ Sư Phụ không ra thì con chất củi đốt cháy động.
Ông Thầy nói:
- Ừ, ngươi đốt cháy động thì ta phải chạy ra thôi. Nhưng mà ác quá. Ngươi về sau sẽ làm việc bất nhân.

Xong phần Bàng Nguyên, đến phiên Tôn Tẫn.

Vừa lúc đó có người mang thau thịt chó lại bốc mùi thơm phức, Tôn Tẩn nói:
- Đây là thịt con chó của Sư Phụ.
Ông Thầy vốn rất yêu thích con chó này và đã được nhốt kỹ bên ngoài, cho nên ông định ngồi dậy chạy ra coi thật hư thế nào. Vừa nhớm định đứng lên thì con chó từ xa chạy lại. Ông liền ngừng lại vui vẻ nói: "Ta nhốt ngươi rất kỹ mà cũng đến đây được à!" Thế là ông vẫn chưa ra khỏi động. Tôn Tẩn nói:
- Con vốn ngu dốt, làm sao có thể dời Sư phụ ra khỏi động được. Chỉ có điều là, nếu mà Sư Phụ ra ngoài này thì chẳng những Sư Phụ, mà Sư Thúc, Sư Bá con cũng đánh cho chạy tuốt vào hang động trở lại gấp!
Ông Thầy tức giận đứng bật dậy bước đến trước nó coi nó làm được gì mà láo giọng. Ông vừa bước ra khỏi Động, tiến đến trước Tôn Tẩn thì Tôn Tẩn liền sụp xuống lạy và thưa:
- Con đã dời Sư Phụ ra khỏi hang động rồi!
Ông rất thán phục Tôn Tẫn.

Khi nghe Tôn Tẫn nói: “…nếu mà Sư Phụ ra ngoài này thì chẳng những Sư Phụ, mà Sư Thúc, Sư Bá con cũng đánh cho chạy tuốt vào hang động trở lại gấp!” thì bực quá, chạy ra liền coi nó làm được gì. Chỉ một lời nói gió thoảng qua tai mà có thể điều khiển được cái thân mấy chục ký chạy vù vù. Cũng một lời đó, vẫn nghe rõ ràng, biết rõ ràng mà không sanh khởi, không động thì người đệ tử có thể dời mình ra khỏi động được không? Tâm bất động thì không ai có thể đổi dời người ấy được. Nếu người đã thấy đạo, hằng ngày sống trọn vẹn bằng đạo lý chân thật, tâm người này thực sự là bình thường tuyệt đối. Chư Tổ nói, người khắp thiên hạ không thể dời nỗi con người này. Qua đó quý vị mới thấy được sự lợi hại của tâm bình thường là như thế nào.

Tất cả con người chúng ta ban đầu ai cũng đang ở tâm thái bình thường, nhưng khi gặp cảnh thì lao theo cảnh, lúc có tiếng thì thường nghe theo tiếng, mà lao theo cảnh thì phân biệt đẹp xấu, nghe theo tiếng thì phân biệt đúng sai, từ đó phát sinh hai bên, có đẹp xấu, đúng sai, phải trái, thương ghét,... và tâm mình bắt đầu biến thái, không được bình thường như ban đầu nữa. Nếu chúng ta khéo tu, luôn ở trạng thái tâm bình thường trên tất cả trường hợp thì sẽ dễ gần với đạo lý chân thật. Quý vị từng nghe Mã Tổ nói: “Nếu muốn biết đạo ấy, thì tâm bình thường là đạo”. Tâm bình thường là tâm không tạo tác, không thị phi, không phải quấy, không hai bên. Khi mình vừa khởi có hai bên thì tâm không còn ở trạng thái bình thường ban đầu nữa. Chính vì không bình thường nên mình thiếu tự chủ, bị người dời đi. Nếu người không dời thì cảnh bên ngoài nó cũng dời mình đi được. Điểm cốt lõi là, chỉ với một tâm thực sự bình thường thì chúng ta mới có thể làm chủ được mình một cách trọn vẹn. Nếu chúng ta không bình thường thì mình sẽ thiếu tự chủ. Con người thiếu tự chủ thì bao nhiêu sự nguy hiểm từ đó có ra. Đó là cái tai hại thứ hai.

4.c. Sống, làm việc, ứng xử bằng tâm bất bình thường, không được ổn định thì tự mình sẽ ăn năn, hối hận về sau và phải trả giá.


Ví dụ trong gia đình mình có hai người con. Một đứa thì sống bình thường, hiếu thuận, biết vâng lời. Đứa kia thì ngỗ nghịch, làm việc gì cũng trái ý cha mẹ, khiến cho cha mẹ khổ sở rất nhiều. Bất thần cha mẹ qua đời, người con nào khóc nhiều nhất? Chính đứa con ngỗ nghịch sẽ ân hận và khóc nhiều hơn. Hàng ngày, mình sống càng ngỗ nghịch, càng trái lòng cha mẹ bao nhiêu thì tới khi cha mẹ qua đời, mình càng ăn năn, hối hận, đau khổ và khóc nhiều bấy nhiêu. Vì trước đó, mình đã sống ngỗ nghịch, sống trong trạng thái bất bình thường. Còn bên ta thì chúng ta hay xem thường mà không nhận ra giá trị của nó, đến khi mọi thứ vuột khỏi tầm tay mới hay ra thì đã muộn màng, hối hận, ăn năn chỉ là vô ích. Người con ngỗ nghịch này đợi cho đến khi đứng trước một sự mất mác lớn lao thì mới sực tỉnh ra, từ đáy lòng mình ăn năn và tự mình muốn sống làm sao để bù đắp lại cái bất bình thường ngày xưa mình đã hành động. Đó là nhân quả từ nội tâm, là hậu quả do tâm bất bình thường của mình gây ra và tự mình muốn phải đền bù chứ không ai bắt buộc cả.

Xưa kia ở phía bắc Tây Trúc có Ngài Vô Trước xiển dương giáo nghĩa Đại thừa. Còn người em của ngài là Thiên Thân (có chỗ ghi là Thế Thân) xiển dương giáo nghĩa Tiểu thừa, tạo được 500 bộ luận, nhưng vì không hiểu nên ra sức công kích, bài xích và chê bai Đại thừa. Trải qua một thời gian dài, Ngài Vô Trước thấy em mình căn duyên sắp thuần thục nên Ngài giả bệnh để gọi em tới. Khi gần đến nơi, Ngài sai một đệ tử đi đón người em mình. Trong lúc dừng lại tại một quán trọ, người đệ tử tụng một bài kệ:

Nhược nhơn dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật.
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo.

Nghĩa là:

Nếu người muốn rõ biết,
Ba đời tất cả Phật.
Nên quán tánh pháp giới,
Tất cả do tâm tạo.

Do tâm đã chín muồi nên khi nghe bài kệ này, Ngài Thiên Thân hoát nhiên khai ngộ, ăn năn hối hận cho lỗi lầm của mình ngày xưa đã dùng cái lưỡi này chê bai, công kích Đại thừa nên định lấy dao bén cắt đứt lưỡi mình. Ngài Vô Trước là một vị Bồ tát nên biết được, duỗi cánh tay dài tới ngăn lại và nói: “Em ngộ Đại thừa là vì thời tiết nhân duyên chín muồi. Ngày xưa dùng lưỡi để hủy báng thì hôm nay nên dùng lưỡi để tán thán Đại thừa. Nếu cắt lưỡi đi thì có ích lợi gì?”. Ngài Thiên Thân nghe vậy, tỉnh ra nên không cắt lưỡi nữa, cảm kích và tiếp tục ra đi trong đêm. Khi đến chỗ Ngài Vô Trước, lắng nghe lời chỉ dạy, sau đó Ngài Thiên Thân tạo thêm 500 bộ luận nữa để xiển dương Đại thừa. Do đó người đời gọi Ngài là Luận sư ngàn bộ.

Chưa hiểu nên chưa thông cảm, đó là chuyện thường. Nhưng nếu có tâm bài xích thì sẽ khiến cho tâm mình ăn năn hối hận về sau. Đó là sự diễn biến một cách tự nhiên và công bằng của nội tâm tất cả con người chúng ta. Sau khi khai ngộ, Ngài Thiên Thân thấy ra đầy đủ hơn nên sanh lòng ăn năn hối hận về sự bất ổn nên đã bài xích Đại thừa của mình ngày xưa, vì vậy mà định cắt lưỡi để chuộc tội. Nhưng nhờ có người anh là một vị Bồ tát khai thị, ngày xưa dùng lưỡi để hủy báng, ngày nay hối lỗi thì nên dùng chính cái lưỡi đó để tán thán thì mới là hối lỗi một cách thiết thực.

Có những sự việc còn cảm động hơn. Một vị Tăng vào đời nhà Đường tại Ấn Châu khi được giao nhiệm vụ trị nhật (nấu cơm cho chúng tăng) đã cắt trộm một ít khiến cho phần ăn của chúng tăng bị thiếu hụt. Khi trở về liêu thì trong lòng cảm thấy ăn năn, khó chịu. Trải qua một tháng, vị tăng đó không ra khỏi phòng, không đi ăn cơm. Chúng tăng theo dõi thì thấy đến giờ ăn là vị ấy đến nhà vệ sinh xúc phân mà ăn. Khi được hỏi rõ nguyên do thì vị Tăng đó nói là do cắt trộm phần ăn của chúng tăng, vì ăn năn quá nên làm như vậy. Mọi người khuyên nên đến trước đại chúng sám hối. Vị Tăng vâng lời, đối trước đại chúng phát lồ sám hối xong thì được trở lại bình thường.

Điều đó cho chúng ta thấy, khi mình làm một điều gì bất ổn, thì sau đó tâm mình sẽ cảm thấy ăn năn, khó chịu, trong lòng muốn làm một điều gì đó để bù đắp lại. Đó là do hành xử, làm việc bằng tâm bất bình thường mà gây nên. Nhưng những câu chuyện trên vẫn còn là hiện tượng bên ngoài dễ thấy.

Quý vị thấy ở thế gian, có những người nói: Tôi ghét nhất là những người lùn, mà một thời gian sau lại thấy họ sống chung với những người còn thấp hơn cả những người lùn mà họ đã từng ghét. Chúng ta vẫn thường nghe “Ghét của nào, trời trao của ấy”. Nhưng có ông trời nào trao cho mình không? Tại tâm bất bình thường của mình tạo nên thôi. Khi mình ghét thì hỏi lại trong lòng mình, tại sao lại ghét người ấy? Không thể nào khi khổng khi không mà mình ghét người ta cả. Có lẽ trong đời đã có lúc những người đó vô tình gây ác cảm với mình về điều gì đó nên mình ghét luôn cả nhóm người đó mà thốt lên như vậy. Nhưng vì tâm ác cảm, bực tức mà thốt lên thì đó là tâm bình thường hay bất bình thường? Chính vì cái tâm bất bình thường cho nên phát ra câu đó. Sau một thời gian bình thường trở lại thì thấy xuyến xao, một cách tự nhiên, trong lòng mình nó sẽ âm thầm muốn bù đắp lại, do đó cảm thấy có cảm tình với hạng người mà mình đã ghét.

Lúc trước trong phút chốc tự ái vội ghét hạng người ấy, bây giờ đột nhiên phát hiện họ tốt rồi cũng vội thương họ, và biết đâu, do tâm dễ đột biến như thế cho nên sau này lại quay trở lại ghét cay ghét đắng người ta hồi nào không hay biết. Do tâm đột biến bất thường cho nên nhận định không chuẩn, kết luận vội vàng khiến cuộc sống trở nên xáo trộn, bấp bênh, khổ đau và thiếu tin tưởng từ chính mình lẫn người khác. Đó là căn nguyên dẫn đến bao nhiêu thành quả không tốt trên nhiều phương diện giữa cuộc đời này. Biết vậy rồi thì khi nói hay quyết định hành động bất cứ điều gì, cần phải xem lại coi tâm mình lúc đó có được bình thường không. Nếu tâm không được bình thường thì đừng nên nói, đừng nên quyết định một vấn đề gì cả. Để tìm hiểu một điều gì đó thì chúng ta có thể nghe ngóng từ nhiều người, nhưng để đi đến quyết định một vấn đề thì phải từ trí tuệ suy xét của mình rồi quyết định. Mà muốn có một trí tuệ sáng suốt, nhìn nhận đúng đắn thì cần phải định tĩnh, bình thường. Có như thế cuộc sống chúng ta sẽ không bị lầm lỗi để đưa đến khổ đau cho mình và mọi người chung quanh.

Có nhiều gia đình con cái rất ngoan hiền và hiếu thảo, không có lỗi lầm gì với cha mẹ. Nhưng không biết vì sao cha mẹ lại hờ hững với những người con mình mà muốn đi chăm lo cho con của một người khác không hề quen biết. Con mình nói gì cũng thấy sai, không muốn nghe, không muốn gặp mặt, coi con ngoan như của kẻ nợ làm chướng ngại cuộc sống của mình... Ngược lại, con người ngoài đó thì làm gì trong mắt mình cũng thấy cao thượng, là đúng, thích gần gũi. Không cần biết sự nghiệp mình ngày mai thành hay bại, tiền mình còn hay hết, chỉ biết chi ra ào ạc để phục vụ mà không cần tính toán, bất chấp mọi người chung quanh có nói gì không cần thiết, chỉ biết nghe theo con người ta là thấy vui… Vì sao lại có hiện tượng lạ đến vậy? Khéo nhìn một chút chúng ta sẽ thấy nguyên nhân của nó không ra ngoài luật nhân quả mình đã gây tạo. Người cha mẹ này từ quá khứ đã quen cách sống xem thường người gần mình nhất mà thích quan tâm người ngoài nên kiếp này lại tiếp tục sống theo lối cũ. Hơn nữa, trong một kiếp quá khứ, vì con ruột có lần lỡ làm điều gì đó gây ác cảm cho mình, trong phút chốc tức giận và mình đã bỏ rơi nó mà đi quan tâm con người hàng xóm để tìm lấy niềm an ủi. Đến lúc già nằm trên giường bệnh mới nhận ra mọi lẽ đúng sai, mới thấy rõ chỉ có con ruột của mình mới thường ở bên cạnh trực tiếp lo lắng bưng đồ dơ, hốt đồ bẩn của mình một cách tận tụy hết lòng không hề cảm thấy chán mỏi hay nhờm gớm, mới hối hận cho một quảng đời mình đã lỡ lầm vô tình hờ hững với người con ngoan sống rất gần mình, sẵn sàng sống chết cùng mình. Ôm tâm niệm ân hận chất chứa tràn đầy trong lòng để tái sanh sang một kiếp khác nên kiếp sau gặp lại người con mà mình đã lỗi lầm với nó thì muốn dâng hết cuộc đời để bù đắp liền. Người con hàng xóm mà mình muốn lo cho nó, kiếp trước là con ruột mà mình đã bỏ rơi, hờ hững. Nó nói gì mình cũng thấy hay, thấy đúng là do tâm ân hận từ quá khứ nó bắt mình thần tượng người ta. Ngược lại, với những người con trong kiếp hiện tại đang sống thì mình lại tiếp tục hờ hững, rồi khi sắp lâm chung mình lại hối hận, ăn năn. Ôm lòng ân hận đó để thọ sanh cho nên kiếp sau lại đi lo cho người con hiện nay mình hờ hững tuy nó đã được tái sanh sang nhà một người khác. Và trong kiếp lai sanh đó, người con hàng xóm đời trước mình đã từng lo lắng hết lòng nên nó đang tái sanh làm con ruột trong nhà mình rồi cũng bị mình bỏ rơi không màng tới. Cứ thế diễn tiến xoay vần trả nợ, kiếp nào sanh ra cũng lo cho người ngoài và bỏ rơi con ruột bên mình, dẫn đến cuộc sống đảo lộn, xáo trộn, chính mình không an ổn, gieo rắc khổ đau cho những người chung quanh. Và cứ như thế, lúc nào chúng ta cũng sống trong sự trả nợ, bất ổn, hoang mang, mất định hướng, không có niềm vui trong hiện tại và dẫn đến khổ đau. Đó là do mê lầm, do có một lần vì lý do gì đó khiến tâm mình bất bình thường, đi lo cho người ngoài một cách thái quá, gieo hận cho những người con ruột đang sống bên mình, rồi lại đi làm một việc bù lại tâm ân hận đó, biến cuộc sống của mình thành một sự trả vay nợ nần chứ không có chút gì an ổn, vui tươi. Bây giờ biết rồi chúng ta nên định tĩnh lập lại trật tự bình thường của nó, biết sắp xếp mọi việc cho hợp lý để về sau không còn bị ân hận, chấm dứt đời sống trả vay, hết nợ thì chúng ta mới được thỏa mái, tự do và an vui được.

4.d. Nếu tâm không bình thường kịp thời, sẽ gây khổ đau cho mình và người khác.


Ngồi đây mà nói thì thấy giống như giả thuyết, không thấy có gì quan trọng. Nhưng nếu quý vị nào lâm vào tình trạng bất ổn rồi thì mới thấy rõ, vượt qua được cái bất ổn do hành động bất bình thường của mình gây ra không đơn giản chút nào. Biết như vậy thì nên khéo chỉnh tâm cho bình thường trở lại, để sau này không phải ăn năn, hối hận, sống trong cảnh vay trả khổ đau. Đằng nào cũng phải điều chỉnh, thay vì sau khi ân hận rồi mới điều chỉnh thì ngay từ bây giờ điều chỉnh tâm mình bình thường trước cho kịp thời thì sẽ ngăn chặn được những sai lầm, những ray rứt, những vất vả và đau khổ sau này.

Cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, quý vị tự chiêm nghiệm lại, nhìn cho thật kỹ để thấy rõ từng trường hợp xảy đến. Khi sự việc xảy ra, nếu sáng suốt để ứng xử, để giải quyết trong một tâm thái bình thường thì sau đó tâm mình cảm thấy hợp lý, yên ổn. Còn nếu thiếu sự tỉnh sáng thì chúng ta dễ giải quyết sự việc trong tình trạng bất bình thường mà có khi phải lâu sau đó mới nhận ra, để rồi cảm thấy ăn năn, hối tiếc, không an. Trong khoảng thời gian lỡ lầm đó, chúng ta đã làm cho biết bao nhiêu con người khác phải đau khổ theo vì cái tâm bất bình thường của mình. Mình đã gây tạo cái nhân không tốt như vậy thì sẽ phải gánh chịu hậu quả. Quả báo đó lấy gì để bù lại cho được? Mới thấy, ứng xử, hành động thiếu sự cân nhắc, không những đem lại hậu quả không tốt cho chính mình, mà còn làm ảnh hưởng đến những người chung quanh. Biết vậy để mình điều chỉnh cuộc sống cho thật bình thường, không gây hại cho mình và người, sống thật tốt, không làm ảnh hưởng đến người khác.

Tuy nhiên, trong thế gian, có những việc nhẹ mình còn có thể bình thường được, nhưng khi những sự việc xảy đến quá sức chịu đựng thì tâm mình liền bất ổn, bất bình thường. Trong tâm sẽ tự dấy lên nhiều suy nghĩ chồng chất, sôi sục khiến mình không tỉnh táo. Đứng trước trường hợp này chúng ta nên ứng xử như thế nào? Trước tiên, chúng ta khoan quyết định một điều gì cả. Tâm đang sôi sục mà quyết định thì rất là nguy hiểm, có khi phạm đến thân mạng của người khác hoặc có khi khiến mình phải mất mạng. Lúc ấy, tâm có sôi sục, có thôi thúc làm gì chúng ta cũng đừng quyết định hay thực thi một vấn đề gì cả. Phải đợi đến khi tâm thái thật sự bình thường, không vì thương ghét, mừng giận hay hại ai rồi mới bắt đầu quyết định. Có thế mới không bị nhầm lẫn, không trái đạo đức, không đưa đến ăn năn hối hận và gây đau khổ cho mình và người về sau. Nhưng khi nó đang trổi dậy thì quý vị phải làm sao để không quyết định theo nó? Nếu không thắng được nó, không cho nó dừng lại ngay thì có một cách là mình cứ mặc kệ cho nó tự suy nghĩ thỏa mái mà đừng theo, giống như ngồi cười nhìn xem chơi, mặc cho đứa bé thơ ngây nhà mình lên phương án một cách thỏa mái, nhưng chúng ta không cho nó cơ sở để thi hành. Nó không chịu dừng mà còn sôi sục giận dữ quá hay buồn lịm bất an thì cứ nằm đó bất động, buông thư, không thèm nghĩ gì cả, cứ để cho tự nó muốn nghĩ gì thì nghĩ mà mình không nhúc nhích, không thi hành. Một hồi sau nó suy nghĩ đã nư rồi thì tự nhiên nó không còn giá trị. Chúng ta đứng dậy với một sự tỉnh táo và tức cười cho những nghĩ suy vớ vẩn trước đó và mình được bình thường trở lại. Đây là một kinh nghiệm cá nhân. Khi nào quý vị thấy bất ổn nhiều quá thì cứ vô phòng riêng đóng cửa lại, buông hết, nó lên phương án phải làm thế này thế nọ, kệ nó, cho lên thoải mái mà mình cứ bất động, buông thỏng hết thân tâm, không thèm thi hành theo nó thì nó chịu thua. Mình phải kinh nghiệm như vậy để không nên quyết định hay giải quyết bất cứ vấn đề gì trong khi tâm mình bất ổn, để về sau không có gì ăn năn, hối tiếc cho việc làm của mình.

5.Làm sao để ổn định, để được bình thường?

Bây giờ quý vị đã biết rõ sự lợi hại của tâm bình thường và bất bình thường rồi, nhưng phải làm sao để tâm mình được ổn định và bình thường?

5.a. Phải có sự tu tập.

Phương pháp đầu tiên là phải có sự tu tập, đó là cái cần thiết trên hết. Trong Kinh, đức Phật ví dụ tâm mình như dòng nước chảy rất mạnh, gọi là cuồng lưu. Dòng cuồng lưu chính là nguyên nhân gây ra bao nhiêu tội lỗi. Cũng dòng nước dữ dội đó, nếu quý vị khéo đắp đê điều, dẫn nước chảy thành dòng theo sự điều khiển của mình thì có thể sử dụng để tưới ruộng được. Cũng vậy, một tâm cuồng lưu cuộn trào đó, nếu mình biết sử dụng thì nó lại trở thành lợi ích. Hoặc quý ngài ví dụ tâm mình giống như con rắn, nếu thả cho tự do thì nó bò ngoằn ngoèo, loạn xạ, nhưng nếu cho vào ống tre thì tự động nó phải bò thẳng. Tâm mình đang bất bình thường, loạn xạ, phải nhờ vào hàng rào giới luật để giữ gìn, phải có thời khóa tu tập sinh hoạt cho mình thật là ổn định. Tùy thuận hòa mình vào được một khuôn phép chung như vậy thì cái tự ngã riêng tư nó được hòa tan, quý vị mới chế ngự được cái bất ổn, cái bất bình thường ngông cuồng thơ dại của mình. Đó là nhờ vào sự tu tập thực sự và cụ thể để điều hòa cho tâm được bình thường.

5.b. Phải có tính quyết định, dứt khoát.

Thứ hai là phải có tính quyết định, dứt khoát. Chúng ta cần rà soát kiểm tra lại, tại sao hàng ngày mình bị tâm lao xao làm cho dao động, bất ổn, không bình thường? Vì còn có gì đó lờ mờ, không rõ ràng, không dứt khoát dẫn đến tâm thái mình không ổn, chưa giải quyết xong. Bây giờ mình phải biết để điều chỉnh. Nhìn lại, tất cả sự thể xảy ra trên cuộc đời này, dù lớn hay nhỏ, nhìn cho tận cùng, nó đều có một kết quả nhất định ở một mức độ nào đó của nó. Tại vì lâu nay mình chưa nhìn thấy rõ để chấp nhận một kết quả tương đối của nó nên cứ phân vân chưa quyết định. Bây giờ, đối với tất cả sự việc xảy đến, chúng ta đều có sự sáng suốt trong trạng thái tỉnh táo, bình thường để nhìn nó, nhận định kết quả cuối cùng của nó là thế nào, sự việc như vậy thì nó sẽ đi đến đâu để đưa ra hướng quyết định chấp nhận mạnh mẽ. Đừng có thái độ hàng hai, phân vân, đòi hỏi thái quá mà không rõ ràng, dẫn đến tâm mình không ổn, cuộc sống bấp bênh, hiệu quả không có, đôi khi còn tồi tệ hơn. Bằng với tâm như vậy để giải quyết thì trong lòng không còn lao xao hay phân vân nữa. Có vậy đời sống của chúng ta mới có thể ổn định và bình yên. Nếu không có thái độ dứt khoát, cứ để nó phân vân, tâm mình bị lao xao, mênh mang vô định đưa đến bất ổn, không được bình thường, cuộc sống rất là chán ngán, khổ sầu.

5.c. Phải luôn tỉnh giác, giữ tâm an tĩnh.

Thứ ba là phải luôn tỉnh giác và giữ cho tâm được an tĩnh. Một lúc nào đó mình ngồi thiền, thấy có một khoảng tâm rất yên lắng, thân thể thoải mái, nhẹ nhàng, lúc xả thiền ra đi lại thì thân tâm vẫn thơi thới, nhẹ nhàng, vui vẻ. Khi ấy, bằng cái tâm khinh an đó để nhìn lại tâm thái trước khi chưa tọa thiền, mới thấy mình lúc nào mình cũng lao xao, động đậy, lăng xăng, lộn xộn, vội vội vàng vàng, chộp cái này, bắt cái kia, giống như một đứa trẻ con máy động không khác, không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ. Quý vị nào đã từng ngồi thiền, có những phút giây yên định mới thấy cái tâm bất bình thường của mình một cách đầy đủ, mới thấy mình sống rất là uổng, rất là lảng phí một cách đáng tiếc. Còn lúc đang động thì mình đang sống bằng cái tâm bất bình thường nên khó thấy được nó là trẻ con, quê mùa, ấu trĩ, thô tháo, ngông nghênh…, làm trò cười cho hàng thức giả. Thấy được như vậy mới sực tỉnh và tự khéo quân bình lại tâm của mình, để lúc nào mình cũng sống bằng tâm bình thường giống như lúc chúng ta đang tọa thiền an ổn.

Thông thường khi gặp việc gì đó, mình thường phản ứng liền, phản ứng nhanh quá không kịp sáng suốt chính chắn, sau đó lại ăn năn. Giờ gặp việc, khoan phản ứng quá nhanh mà phải giữ tâm an tĩnh để nhìn nó một cách lặng lẽ. Phải quyết tâm khéo léo tìm lấy cho được cái lặng trong, sáng ngần trên cảnh nghịch đó. Cứ tự hỏi ngay trên nghịch cảnh đây, Phật pháp chân thật đang ở chỗ nào? Khi tha thiết cần nhận lại sự trong trẽo, cần nhận lại Phật pháp chân thật chứ không cần nhận những thứ nghịch duyên kia, bỗng dưng tâm ta trở nên yên lắng, tỉnh táo trên nó. Chính sự tỉnh táo, sáng suốt, nhìn tường tận sự việc để giải quyết nên mang lại hiệu quả cao hơn, không bị lỗi lầm khiến về sau phải ăn năn, hối hận.

Ví dụ, ai đó làm trái ý mình, xúc phạm mình, phản ứng đầu tiên là muốn trả lại bằng tất cả những gì mình có, bao nhiêu ngôn từ hoa mỹ dẹp sang một bên hết, và tranh thủ gom những từ nào độc hại, hiểm hóc nhất để dội vào nhau cho thỏa cái tâm sân. Khi đang đấu tranh thì hăng hái lắm, nhưng khi làm xong rồi, bình tĩnh nhìn lại, thấy hậu quả của nó thì lại ăn năn: phải chi chịu nhịn một chút, chịu thiệt một chút cho người ta không đau khổ thì bây giờ thấy mình cao thượng biết mấy? cuộc sống sẽ có ý nghĩa hay ho biết mấy? và tâm mình sẽ yên ắng, thanh cao biết dường nào! Đằng này chỉ vì thiếu tỉnh táo không nhận ra, vì một chút tự ngã sân hận tham đấu đá để thắng người ta, giờ nhìn lại chiến thắng đó không dùng được vào đâu cả mà còn thấy mình là thấp hèn, bàng hoàng, lo sợ… Phản ứng liền là hành động bất bình thường, sẽ đưa đến tai hại, không đúng. Chúng ta cứ bình tâm để suy gẫm, nếu mình trả thù, họ thua, họ đau khổ, thì lòng mình cũng cảm thấy bất ổn. Ngược lại, nếu mình chịu thiệt một chút thì cũng không mất mác gì mà sau đó mình lại cảm thấy yên lòng, xứng đáng là một con người cao thượng hơn là đi cãi vả, đánh đập người ta. Nhìn thấy và cảm nhận được cái khổ của người khác sau khi bị hại thì mình sẽ chịu thiệt và nhường cho họ được. Nếu như mình cảm nhận được người khác khổ cũng như mình đang khổ, ngay đó là chúng ta đã tỉnh táo, đã bình thường, không nỡ làm cho người khác khổ đau. Việc làm không gây đau khổ cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai, đó là việc làm trong tình trạng bình thường, đưa đến hậu quả tốt, thánh thiện, an vui.

Biết rõ như vậy rồi, khi nhỡ gặp chuyện gì xích mích trong cuộc sống hoặc trong gia đình có sự cãi vã giận hờn nhau thì liền biết là bất bình thường, ngay đó nên buông xuống, bỏ qua, đừng cố phân đúng sai, phải trái nữa là được yên. Không có một cái đúng nào tồn tại trong khi tâm bất bình thường. Khi ra đường, nhỡ có ai chửi mình thì đó là hành động bất bình thường, biết được người ta bất bình thường là mình đang tỉnh táo và sáng suốt, thì chúng ta phải tiếp tục xứng đáng là một con người tỉnh táo, bình thường. Nếu không buông bỏ được mà chửi lại họ thì đó là mình đã tình nguyện trở thành một thành viên sáp nhập vào nhóm bất bình thường. Trong mọi lúc mọi nơi mình đều biết như vậy thì không có việc đáng tiếc xảy ra cho mình và người khác. Đó là trong cuộc sống đời thường.

6. Tâm bình thường trong công phu tu tập.

Bây giờ sang phần tâm bình thường trong công phu tu tập.

6.a. Không vì bên ngoài mà dụng công tu tập.

Khi chúng ta vì một cái gì bên ngoài để tinh tấn tu hành thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bất bình thường mà tu. Công phu như vậy sẽ đưa đến kết quả không như ý muốn, nếu không muốn nói là đi vòng ngoài, chưa thẳng vào trọng tâm đạo lý chân thật.

Một hôm nào đó, chúng ta thấy tình cảnh cuộc đời xấu xa không như ý mình, nên suy nghĩ phải phát tâm tu hành cho mạnh mới được. Như vậy là vì cái bên ngoài mà tu hay vì mình mà tu? Vì cái bên ngoài. Hoặc có khi vì gia đình mình như thế nào đó, bực bội không chịu được nên phát tâm tu hành cho mạnh. Như vậy, quý vị vì mình mà tu hay vì gia đình mà tu? Hay trong chùa thấy mấy huynh đệ giải đãi, mình liền hăng máu, muốn tu hành cho dữ dội, mạnh mẽ hơn mọi người… Tất cả đều có cái vì và đang vì bên ngoài mà tu chứ chưa phải dụng tâm thẳng đến bản tánh chân thật chính mình.

Ban đầu thấy cảnh vô thường đánh thức giác ngộ tu tập thì tốt. Nhưng khi bắt tay vào dụng công thì phải dụng đến chỗ vô sanh mới thành quả vị vô sanh được. Nếu bằng vào tâm vì bất kỳ một cái gì bên ngoài mà tu thì đều là công phu tu hành trong cái sanh diệt, dễ dẫn đến tình trạng đột biến bất bình thường về sau, cho nên nó không được ổn định và bền bỉ lâu dài được. Thoạt đầu thì thấy công phu có vẻ mạnh mẽ, dữ dội, tu tập hơn mọi người chung quanh, ngồi thiền yên ắng lắm. Nhưng được một thời gian thì dễ sanh bệnh, không tồn tại lâu dài mà chỉ trong thời gian rất ngắn rồi sẽ bù lại bằng một sự mệt mỏi, chán chường, buông lung và giải đãi, thả trôi trở lại. Trong chúng có thời khóa ổn định bình thường, hôm nào đó có ai đột biến phát nguyện tu bất bình thường là vị thầy phải khuyên dạy người đó liền. Đây là kinh nghiệm thực tế mà quý Thầy đã trải qua. Tại sao lại như vậy?

Khi chúng ta vì một động lực gì đó bên ngoài để tu, là có tâm mà tu hay không tâm mà tu? Là có tâm. Mà tâm có là có hình tướng, có giới hạn, rơi vào sanh diệt. Dùng cái sanh diệt để tu là sống trong nhân sanh diệt thì làm sao trở thành quả vị vô sanh được? Gần hơn nữa, chính vì dùng tâm có giới hạn, sanh diệt nên tâm đó không đủ lớn, không đủ sức bất động để bền bĩ tồn tại lâu dài. Muốn tiến tu một cách đúng mức, ổn định và tiến mãi thì chúng ta không nên vì bất cứ một động lực hay một cái gì bên ngoài, mà phải từ một tâm bình thường, phẳng lặng để tu thì mình dễ an định, dễ khế hợp với đạo lý chân thật không sanh không diệt.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, có nghĩa là “Không nên trụ trên sắc mà sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Cụ thể là: Nên không có chỗ trụ mà phát tâm vô thượng bồ đề. Không dừng trụ trên các trần cảnh, ngay đó tâm ta rỗng lặng, sáng rỡ, thênh thang. Bằng vào tâm đó là tâm bình thường, sống thẳng đó là khéo tu hành, đó là dụng tâm thẳng đến chỗ chân thật, công phu không bị sai lạc rơi vào sanh diệt, dễ an định, sẽ an ổn và bền bĩ lâu dài, không bị lui sụt. Còn nếu vì một cái gì đó bên ngoài, tức là trụ vào sáu trần mà tu thì có phải là đã trái lại với lời Phật dạy ở đây không?

Ví dụ trong Thiền viện mình đang có thời khóa tu tập đều đặn hàng ngày, huynh đệ nào cũng hòa vào trong đó và tu tập tiến bộ, sống đời an lạc giải thoát. Bỗng dưng một hôm nào đó mình muốn làm nổi hơn người khác, muốn công phu nhiều hơn bình thường thì nên tự hỏi lại mình, tại sao, động lực nào khiến mình muốn làm như vậy? Nếu thành thật nhìn lại đáp án thì chúng ta sẽ thấy có một cái vì gì đó. Mà có vì một cái gì đó để tu tức là trụ vào sáu trần mà công phu rồi. Đức Phật dạy không nên trụ sáu trần để dụng công tu tập mà chúng ta lại trụ vào sáu trần mà dụng công tu thì có đúng với lời đức Phật đã chỉ dạy chưa? Hơn nữa, trụ trên sáu trần tức là có tâm mà tu, là bất bình thường mà tu, công phu như vậy ban đầu thì thấy rất mạnh, nhưng sau rồi sẽ tụt xuống trở lại. Nhìn cho kỹ thì mới nhận ra và trị được bệnh của mình. Khi bị đột biến thì tâm nó mạnh lắm, không ai ngăn cản được cả, chỉ có chính mình phải tự nhận ra thì mời dừng lại được, nếu không thì rất khó dừng lại cho bình thường và phải chịu lấy hậu quả về sau. Việc này đã có không ít những vị tu hành cũng đã từng trải qua những trường hợp tương tự như vậy. Qua đó cho thấy, dụng công tu hành phải bằng vào một tâm thực sự bình thường thì mới có thể tu tiến và không bị sai lệch. Còn nếu muốn làm cái gì đó kỳ đặc thì phải nhớ rằng, những cái kỳ đặc chẳng qua là dấu vết của những thứ bên ngoài thôi, không đáng để mình theo. Biết được như vậy để mình khéo chỉnh cho cân bằng, tu hành cho bình thường để đưa đến kết quả không bị sai lệch.

6.b. Lìa hai cực đoan.

Khi hạ thủ công phu tu hành, thường mình hay bị rơi vào hai cực đoan. Hoặc là buông lung, xao lãng, hay quên. Hoặc là kềm kẹp, đè nén, chăm bẵm. Nếu không khéo dụng công thì, không rơi vào cực đoan này cũng rơi vào cực đoan khác. Như vậy tức là từ bất bình thường mà tu nên không tiến bộ được.

Có một học Tăng đến pháp đường thưa với Thiền sư rằng:
- Thưa Thiền sư! Con thường thường ngồi thiền, luôn luôn niệm kinh, dậy sớm thức khuya, tâm không tạp niệm, tự xét dưới tòa của Thầy không có ai dụng công hơn con, tại sao không cách gì có thể khai ngộ được?
Thiền sư cầm một hồ lô và nắm muối hột đưa cho vị học Tăng, nói:
- Con đem hồ lô này đựng đầy nước rồi bỏ muối vào cho nó hòa tan, lập tức con sẽ khai ngộ.
Học Tăng vâng theo lời mà làm, không bao lâu, chạy vào thưa:
- Miệng hồ lô quá nhỏ và nước đã được đựng đầy, con đem bụm muối bỏ vào, hòa tan không xong, lấy cây khuấy cũng chẳng động, con lại chẳng có cách nào khai ngộ được.
Thiền sư cầm hồ lô đổ bớt ra một ít nước, chỉ lắc nhẹ vài cái, khối muối liền tan hết. Thiền sư từ tốn nói:
- Một ngày từ sáng đến tối dụng công, nếu chẳng để lại một chút tâm bình thường thì cũng như hồ hô đựng đầy nước, lắc không động, khuấy không được, thì làm sao tan muối, làm sao khai ngộ được?
Học tăng hỏi tiếp:
- Nếu vậy, chẳng lẽ không dụng công mà có thể khai ngộ được sao?

Ban đầu ông tăng này dụng công căng thẳng quá nên đã rơi vào cực đoan chăm bẵm, đè nén. Giờ nghe Thiền sư nói dụng công căng quá là không khai ngộ được, thì ông tăng liền rơi vào cực đoan thứ hai là không dụng công, xao lãng, buông lung. Rõ ràng tâm chúng ta rất dễ rơi vào hai bên cực đoan, không dễ dụng công đúng nghĩa trung đạo, bình thường. Thiền sư nói:

- Tu hành cũng giống như đánh đàn, nếu dây căng quá thì đứt, còn dây chùn quá thì khảy không thành tiếng. Tâm phải bình thường trung đạo, mới là gốc của căn bản ngộ đạo.

Dây đàn căng là ví cho công phu quá kềm kẹp, đè nén; dây đàn chùn là ví cho tâm ta xao lãng, buông lung. Rời hai cực đoan này thì tâm mới bình thường, hợp với trung đạo. Dụng tâm như thế mới khế hợp đạo lý, mới có cơ hội ngộ đạo.

Nếu một ngày chúng ta dụng công rất dữ dội, đè nén từ sáng tới tối liên tục căng thẳng, không có một chút buông thư thì giống như hồ lô đựng đầy nước, lắc không động, khuấy không được, bằng tâm đó để dụng công thì làm sao ngộ đạo được. Nhưng nếu chúng ta không tu gì hết thì trả lại nguyên hình phàm phu vọng động, rơi vào buông lung, thì cũng là sai. Thực tế khi công phu, chúng ta dụng tâm vẫn phải mạnh mẽ, miên mật, nhưng không phải kềm quá mà cần có một chút thoáng để tự mình buông thõng, lơi ra một chút thời gian để chính mình chuyển thân, trả lại trạng thái thực sự bình thường, không gấp quá, không khẩn quá, cũng không phải buông lung quá. Khi quý vị khéo dụng công, khéo sống, khéo tu tập như vậy thì sẽ có lúc, quý vị tự dưng cảm nhận bất chợt rơi vào một chân trời mà mình không ngờ trước được, rất tuyệt vời. Cứ thực sự bắt tay vào công phu tu tập rồi quý vị sẽ thấy.

Do đó, Thiền sư Duy Khoan có nói: “Phàm phu thì vô minh, nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu không được chăm chú, không được quên lãng. Chăm chú thì gần với chấp trước, quên lãng liền rơi vào vô minh. Đây là tâm yếu vậy”.

Phàm phu thì vô minh, mờ mịt, không biết; hàng nhị thừa thì chấp trước, thấy có công phu, có chỗ chứng đắc nên giữ, tức là rơi vào kềm giữ rồi. Lìa hai bệnh này để dụng công tu hành mới thực sự đúng với trung đạo, mới bình thường, mới đạt đến được đạo lý chân thật, rốt ráo. Đây là chỗ tâm yếu quan trọng. Tu hành cần có thời khóa rõ ràng và cần tuân thủ một cách nghiêm túc, đầy đủ để nhốt cái tâm khỉ vượn vọng động của mình cho nó không còn chỗ sanh khởi. Đó là trừ được bệnh giãi đãi, giúp cho mình không rơi vào quên lãng, buông lung. Nhưng nếu vì quá khích, tự mình đưa ra một thời khóa riêng tư căng thẳng hơn thời khóa bình thường đại chúng đang dụng công, rồi bắt đầu quá quan trọng, cố chấp vào một thời khóa biểu riêng căng thẳng đó, mình phải như vậy, như vậy, lúc nào cũng phải lật đật tranh thủ cho kịp. Đó là rơi vào giới cấm thủ, rơi vào cực đoan thứ hai là chăm bẵm, đè nén rồi sanh bệnh. Chính cái tâm tranh thủ, lật đật đã làm cho mình rộn lên, lao xao, loạn động, lúc nào cũng cảm thấy căng căng. Từ đó tâm thái không còn phẳng lặng bình thường, dẫn đến công phu tu hành không tiến bộ và sanh bệnh.

Hoặc trên cùng một thời khóa biểu hợp lý, nếu chúng ta lơ là, giãi đãi, không chấp hành đúng một cách nghiêm túc thì đó là rơi vào buông lung, xao lãng, vô minh. Nếu lúc nào cũng cố chấp, bám chặt, khăng khăng, khiến mình căng thẳng, dễ bực bội với mọi người, đó là rơi vào chấp trước, kềm kẹp, bị thời khóa biểu nó câu thúc, trói buột mình. Nếu người khéo dụng công, cũng cùng trên một thời khóa hợp lý đó, chúng ta cứ phẳng lặng, bình thường, thỏa mái, thong dong, áp dụng một cách nghiêm mật nhưng không sanh tâm, như thế sẽ hợp với nghĩa trung đạo, công phu mau thăng tiến.

Ví dụ khi quý thầy đang nói đây thì có thể tỉnh sáng, bình thường mà nói. Nhưng khi vừa bưng ly nước để uống thì ngay cái khoảng chuyển động đó, nếu không khéo dụng công là cái mê nó nhảy vọt vô liền. Hoặc là quý vị đang ngồi đây nghe pháp thì ai cũng đang sáng suốt, nhưng khi vừa đặt chân xuống để bước ra khỏi phòng thì trong khoảng đặt chân xuống đó, chúng ta hay xem thường nên cái bất giác, cái mê mờ, vọng động nó nhảy vào nhanh lắm. Thường là khi bắt đầu chuyển từ động thái này sang động thái khác, từ công việc này chuyển sang công việc khác, từ thời khóa này chuyển sang thời khóa khác, chúng ta hay xem thường, sơ hở, bất giác và bị mê lầm. Muốn tu hành cho sít sao, miên mật thì phải khắc tâm, tỉnh giác ngay chỗ chúng ta hay xem thường, sơ hở cho cái bất giác nó nhảy vào đó. Đang nói mà muốn uống nước thì tỉnh lại rồi uống. Ngồi đây mà chuẩn bị đi ra ngoài thì tỉnh lại rồi bước chân đi. Trên bất cứ một hành động nào chúng ta cũng cứ như thế thì công phu mau thăng tiến lắm.

7. Đạt được tâm bình thường tuyệt đối là đạt đến đạo lý chân thật.

Bây giờ có kinh nghiệm rồi, chúng ta cũng áp dụng thời khóa một cách đầy đủ, trọn vẹn, nhưng trong tư thế buông thõng, rất là bình thường, thoải mái, đừng tranh thủ, cứ bình thường mà chuyển động, phải khắc tâm ngay khoảng hở đó, đừng để sơ hở cho cái mê nhảy vô. Quý vị thử công phu liên tục như vậy một thời gian sẽ thấy rằng, mình không biến đổi tâm trên việc, từ việc này qua việc kia tâm mình vẫn bình thường không đổi. Như vậy là không sanh khởi, lúc nào cũng là lúc bình thường đang tu và cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, an lạc. Ban đầu hơi khó, nhưng một thời gian sau sẽ thuần. Khi thuần rồi quý vị sẽ thấy mình đang ở trên cái toàn thể sáng biết mà làm tất cả mọi việc, làm việc nào tâm mình vẫn vậy, không đổi. Như vậy đang làm mà mình vẫn đang công phu tu tập rất có hiệu nghiệm, ứng dụng cho đến khi thuần thục thì quý vị sẽ có năng lực sống vô biên. Có lực sống vô biên rồi thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, dù khó nhẫn hay dễ nhẫn, tâm mình vẫn bình thường, không thêm không bớt. Được như vậy thì có phải là người đạt đạo chưa? Nếu nói đạt đạo thì có thể quý vị chưa dám quả quyết, bởi tự mình chưa sống trải qua. Quý Thầy sẽ dẫn một giai thoại của Thiền sư Bạch Ẩn để quý vị thấy rõ hơn.

Trong một ngôi làng Thiền sư Bạch Ẩn đang ở, có một cô gái bất ngờ mang thai, cha cô rất nghiêm khắc và bắt buột cô gái phải khai tên người cha của đứa bé trong bụng. Cô gái bị ép quá mới nghĩ ra cách để khai mà không bị phạt, bèn vu oan cho Thiền sư Bạch Ẩn là cha đứa bé. Người cha tức giận, chờ ngày đứa bé ra đời mang đến trao cho Ngài và chửi mắng, nhục mạ hết sức thậm tệ. Khi ấy, Thiền sư Bạch Ẩn chỉ nói: “Ồ, thế à!”, rồi ẵm đứa bé lên tay và nuôi đứa bé. Có những ngày mưa gió, bão bùng Ngài vẫn phải đi xin sữa để nuôi. Trước đó Ngài rất được tôn kính, được xem như một vị Phật sống, giờ mất hết uy tín. Môn đệ nhiều người trước đây kéo đến học đạo, tôn thờ Ngài, bây giờ quay lại chống đối. Trải qua nhiều ngày, mẹ đứa bé thấy vậy không chịu đựng nổi việc xa con mình và việc đã vu oan cho một vị Thiền sư nên đã thú nhận lại với cha mình về cha thật của đứa bé. Người cha nghe xong sửng sốt và sợ hãi, chạy đến Thiền sư Bạch Ẩn van xin tha lỗi, khẩn cầu sám hối. Thiền sư Bạch Ẩn nghe xong cũng chỉ nói: “Thế à!”, rồi gửi lại đứa bé một cách nhẹ nhàng. Khi sự thật đã được bày ra thì danh tiếng của Thiền sư càng tăng hơn so với trước kia.

Hay trường hợp của Đức Phật bị ngoại đạo mắng chửi xối xả, đến mức Ngài A Nan chịu không nổi, xin Phật đi nơi khác, nhưng Đức Phật vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Nếu như không có một năng lực sống đạo mạnh mẽ bên trong, thì chúng ta có thể điềm nhiên mà “Thế à!” trước hoàn cảnh cắc cớ như vậy được không? Không phải dễ. Điềm nhiên và “Thế à” như vậy thì có phải là đã đạt được tâm bình thường một cách tuyệt đối chưa? Từ đó mới thấy rằng, đạt được tâm bình thường tuyệt đối là đạt đạo. Đạo lý chân thật là trả lại một cuộc sống thực sự bình thường.

8. Đạo vốn là cuộc sống thực sự bình thường.

Thường khi vào đầu các bộ kinh Đại thừa, Đức Phật phóng quang ngay giữa chặng mày, nếu ai ngay thấy liền nhận thì Phật không phải nói thêm, ngay đó nhảy vào thì cùng Phật Tổ làm thầy, đó là ngay câu thứ nhất liền nhận được. Còn chưa nhận được thì Phật phải nói ra nghĩa lý, chúng ta nương theo đó tu hành, thể nhận được ý Phật, đó là ngay câu thứ hai mà thể nhận được, cũng có thể cùng Trời người làm thầy. Tới khi nói ra nghĩa lý mà vẫn chưa nhận được ý chỉ tu hành thì Phật phải dạy cho các phương tiện như là lập đàn tràng, đọc thần chú… để nhiếp tâm, đó là đợi đến câu thứ ba mới tiến được. Ngài Lâm Tế nói: “Đợi đến câu thứ ba mới vào được thì tự cứu mình cũng không xong”. Nhưng riêng Kinh Kim Cang, khi vào đầu kinh đức Phật không phóng quang, không làm cho mặt đất bị chấn động theo sáu cách, chỉ là đến giờ ăn, Ngài đắp y, mang bát, đi vào thành Xá Vệ theo thứ lớp khất thực, khất thực xong trở về chỗ của mình thọ thực, thọ thực xong thu xếp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi… Quý vị thấy Phật không làm một cái gì kỳ đặc cả, chỉ là cuộc sống sinh hoạt rất bình thường, nhưng Phật cũng là Phật chứ không lẽ trong cuộc sống bình thường Phật lại trở thành con người khác. Cho nên ngay trong cuộc sống sinh hoạt rất bình thường ấy vẫn tràn đầy ánh sáng giác ngộ. Cụ thể khi đức Phật đi khất thực…, trong cái bình thường đó, chúng ta dùng tâm nào để thấy Phật? Nếu quên mình mà nhìn theo tướng thì đó là mê, là không thấy Phật thật được rồi. Nếu bằng tâm bình thường, lóng lặng, sáng biết để thấy, không thấy theo cảnh bên ngoài, thì dù là tướng sáng hào quang hay tướng đi lại bình thường của đức Phật cũng đâu có gì phân biệt sai khác? Ngay đó cái sáng biết thênh thang trùm khắp không động đang hiện ra đó. Đó là chúng ta đã khéo ngay câu thứ nhất mà tiến vào rồi. Đó mới thật sự là không kẹt trên âm thanh sắc tướng mà nhìn Phật, mới được thấy Phật thật. Nhìn được như vậy thì cái thấy chúng ta mới không đổi trên các tướng, mới đạt đến tâm bình thường tuyệt đối, mới thấy đạo. Và mới thấy được đức Phật đã khai thị cho chúng ta thấy rõ rằng, đạo lý chân thật rốt ráo cuối cùng là trở về ngay trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, phải ngay nơi cuộc sống bình thường ấy mà thể nhận. Cái bình thường đó khác với cái tầm thường của chúng sanh còn mê lầm ở thế gian. Nếu như chúng ta không thấu rõ, chỉ nhận trên cái tướng bình thường bên ngoài thì rất dễ bị lầm.

Ngài Linh Huấn ở dưới hội của Hòa thượng Quy Tông một thời gian, một hôm Ngài đến từ giã ra đi. Ngài Quy Tông hỏi:
- Ông tính đi về đâu?
Ngài Linh Huấn thưa:
- Đi về Lãnh Trung.
Ngài Quy Tông nói:
- Ông ở đây đã nhiều năm, về sửa soạn hành lý xong, hãy đến đây, ta sẽ nói cho một câu Phật pháp cao tột.
Ngài Linh Huấn về sắp xếp hành lý xong, đến trước Ngài Quy Tông. Ngài Quy Tông bảo:
- Hãy đến gần đây.
Ngài Linh Huấn tiến đến gần, Ngài Quy Tông bảo:
- Trời lạnh, đi đường hãy bảo trọng!
Nghe lời này, ngài Linh Huấn liền quên hết chỗ hiểu trước. Tức là bao nhiêu kiến giải trong đầu trước đó, ngay đây liền sạch.

Nghe nói là sẽ có một câu Phật pháp rốt sau cao tột, thì trong lòng rất hy vọng sẽ được nghe một câu gì đó cao siêu, kỳ đặc lắm. Nào ngờ khi tới thì chỉ nghe một câu rất bình thường, giản dị, không có vẻ gì là Phật pháp cả. Nhưng khi nghe câu rất bình thường đó thì cái tâm "mong mỏi hy vọng nghe được một câu cao siêu, kỳ đặc" kia liền mất, bao nhiêu chỗ hiểu trước đó cũng tan theo, trả lại cái thể tâm nguyên vẹn từ thuở nào không một vật. Mới hay ra, cái cao tột, cái đạo lý rốt ráo vốn là cuộc sống hết sức bình thường. Đi thì đến chào, chào thì dặn dò, chúc tụng, rồi thì vui vẻ ra đi, vậy thôi. Chỉ là trên các hành động đó không một vết mê, đang sáng rỡ là được.

Cho nên Mã Tổ Đạo Nhất nói: “Nếu muốn hội thẳng đạo này thì tâm bình thường là đạo. Sao gọi là tâm bình thường? Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh.” Không lấy thì phải bỏ, nhưng Ngài lại dạy không lấy cũng không bỏ. Không phải phàm thì phải là thánh, nhưng Ngài lại nói không phàm cũng không thánh. Chúng ta làm sao hiểu? Ngay khi không có chỗ để hiểu là tình thức ngưng bặt, thẳng đó nhận lấy thì đạo cả hiển hiện sáng ngời, còn tìm hiểu làm gì nữa! Ngay khi không kẹt hai bên là đang sống bằng tâm bình thường, là đạo đang hiện tiền ra đó.

Hay là như Ngài Triệu Châu đến hỏi Ngài Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?”. Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo”. Hoặc có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Viên Chiếu, Việt Nam: “Trúc biếc xanh xanh trọn là chân như, vậy thế nào là dụng của chân như?” Thiền sư Viên Chiếu nói:

Tặng anh đi đường xa,
Cười trao một ấm trà.

Dụng của chân như nằm tại chỗ nào? Khi anh chuẩn bị lên đường đi xa, mình cũng tặng ấm trà và người ta cũng tặng như thế. Vậy dụng ở chỗ nào? Khi đi liền cười nhẹ trao ấm trà, ngay trao liền biết nhận, thẳng đó chưa sanh khởi thì có phải là chỉ có trao nhận ấm trà không thôi, hay đang trao nhận cái gì nữa? Nếu khi trao và nhận ấm trà mà còn tình thức vọng động thì chưa thể lìa tướng, có cố lìa cũng chỉ là sự đèn nén nhất thời và không lìa được, thì vẫn chưa khỏi nhằm trên tướng mà nhận, là nhận tướng trao nhận chén trà thôi, chưa phải là đạo. Nếu quý vị nào khéo nhận thì ngay trên hành động đó, đạo vốn sáng ngời, tràn trề không thiếu vắng.

Ngài Sùng Tín theo hầu Ngài Đạo Ngộ đã lâu mà chưa tỏ tâm yếu. Một hôm, ngài Sùng Tín thưa:
- Từ ngày con vào đây đến giờ chưa được Thầy chỉ dạy tâm yếu.
Ngài Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, chưa có lúc nào ta không chỉ dạy ngươi tâm yếu.
Ngài Sùng Tín ngạc nhiên, hỏi:
- Thầy dạy con ở chỗ nào?
Ngài Đạo Ngộ nói:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui thì ta gật đầu, chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu.
Ngài Sùng Tín cúi đầu lặng thinh giây lâu vẫn chưa nhận ra. Ngài Đạo Ngộ nói tiếp:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngài Sùng Tín ngay đó liền khai ngộ.

Có lần Ngài Kỉnh Huyền hỏi Thiền sư Duyên Quán:

- Thế nào là đạo tràng vô tướng?
Ngài Duyên Quán chỉ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở đằng trước và nói:
- Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.
Ngô Xử Sĩ là một tay vẽ tuyệt vời hồi xưa. Kỉnh Huyền nghe nói như vậy liền suy nghĩ định thưa, Ngài Duyên Quán nhanh nhẹn nói thêm:
- Cái này có tướng, cái kia không tướng.
Ngay đó, Sư liền tỉnh ngộ.

Vừa trầm ngâm suy nghĩ là có tướng sanh trong đầu liền. Ngài Duyên Quán nhanh nhẹn chỉ, Ngài Kỉnh Huyền liền nhận ra, ngay trước khi chưa khởi nghĩ là đạo tràng vô tướng sẵn đủ nơi tâm mỗi người chúng ta.

Cũng vậy, “ngươi dâng trà, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận, xá lui thì gật đầu”, trong đó có suy nghĩ không?

Ngay khi đưa liền biết và nhận mà không kịp suy nghĩ, thì cái khoảng chưa kịp suy nghĩ đó, quý vị có biết hay không? Nếu không biết thì làm sao mình nhận? Tại vì mình không khéo nhận lại mà bị bỏ qua thôi. Ai đang biết và không động đó mà không chịu nhận thẳng đi. Cho nên Ngài Đạo Ngộ nói: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai”. Chúng ta chỉ nhận trên tướng động mà quên cái biết chân thật không động đó. Bây giờ quý vị không cần quan tâm trên tướng động nữa mà khi đưa liền biết, ngay biết liền nhận, đừng thêm nữa thì chỗ nào mà không phải là chỗ chỉ tâm yếu? Cho nên ngay đó Ngài Sùng Tín liền tỉnh ngộ, biết chỗ vào liền.

Quý vị thấy dâng trà, bưng cơm, xá chào, gật đầu là sinh hoạt bình thường hàng ngày mà chúng ta vẫn làm, nhưng nếu khéo công phu và thể nhận thì ngay trên ấy đã tràn đầy đạo lý chân thật. Ngay cái biết dâng trà, biết bưng cơm, biết xá chào, biết gật đầu, ngay đó đạo đã hiển hiện đầy đủ rồi. Cho nên đạo không phải là một cái gì đó bên ngoài xa vời huyễn hoặc cho chúng ta phải đi tìm cầu, mà nó vốn rất là bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chỉ là khéo nhận lại liền xong.

9. Rõ ràng, bình thường, sống đạo.

Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là đệ tử của Ngài Quy Sơn Linh Hựu. Một hôm Ngài Ngưỡng Sơn hỏi Thầy:

- Khi trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến thì phải làm sao?

Có nghĩa là bao nhiêu việc dồn dập, trăm ngàn muôn cảnh cùng đến một lúc thì phải làm thế nào? Nếu như bỏ bản vị chánh định chính mình mà đi ra tìm đáp cho hiểu thì rối rắm liền. Nhưng nghe vẫn bình thường mà nghe thì quý vị đang ở vai trò chủ thể, không những trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến mà dù nhiều cách mấy cũng vẫn không ra ngoài chân trời tự tánh chánh định chính mình, không động, sáng tỏ, rõ ràng, không trụ, không sót một cảnh nào. Nếu không một vết mê mờ thì có cảnh nào chi phối mình được? Cho nên Ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ gì đến việc của ta.

Trước trăm ngàn muôn cảnh cùng đến, quý vị quên mình mà phân biệt theo cảnh thì bị kẹt trên cảnh, bị cảnh chuyển, đó là mê. Bây giờ, trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến mà mình vẫn bình thường, đang lặng sáng, đang ở chủ vị, đang ở bản tâm toàn thể biết khắp thì trăm ngàn muôn cảnh không rời chân trời tự tánh chánh định chính mình, không một vết mê. Như vậy, xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn, đang giác sáng, bất động nhưng thấy biết rõ ràng vượt trên tất cả. Vậy thì mỗi pháp, mỗi pháp tự trả lại vị trí nguyên bản của nó, dính dáng gì đến ta đâu! Cho nên trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: “Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ”, có nghĩa là “Pháp ấy trụ ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ”, cũng chính là chỗ Ngài Vân Môn nói: “Cây gậy là cây gậy…”.

Có một vị Thiền sư đọc Kinh Pháp Hoa đến câu “Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”, tức là “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng”. Vị này khởi nghi: “Tánh vắng lặng thì mới phải, chứ sao tướng đang động, đang vô thường, đang biến diệt mà lại tự vắng lặng được?”. Một thời gian sau công phu chín muồi, khi mùa xuân về, nhìn thấy hoa đào nở, có chim hoàng oanh đang đậu và hót trên cành, bất chợt sáng tỏ, "À" lên một tiếng và nói tiếp hai câu thơ sau: “Xuân đáo bách hoa khai, Hoàng oanh đề liễu thượng”, thành nên một bài kệ:

Chư pháp tùng bản lai,   
Thường tự tịch diệt tướng.                   
Xuân đáo bách hoa khai,                   
Hoàng oanh đề liễu thượng.

Nghĩa là:

Các pháp từ xưa nay,
Tướng thường tự vắng lặng.
Xuân về trăm hoa nở,
Hoàng oanh hót trên cành.

Không thêm mà rõ biết, bất động mà sáng ngời, thì các pháp trả lại bản vị ban đầu, có can hệ gì đến nhau. Mới hay ra, các pháp từ xưa đến nay thường tự vắng lặng. Nó động là do mình động chứ nó đâu có động bao giờ. Cho nên mình đã vắng lặng thì nó vốn tự vắng lặng. Ở cái toàn thể, cái chủ vị, tất cả các pháp mình không nhầm lẫn, không một vết mê mờ thì trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến đều không can hệ, có ảnh hưởng gì đến mình? Trăm ngàn công việc đến, chúng ta vẫn bằng vào một tâm rất bình thường như thế mà rõ suốt tất cả thì sẽ không động, an ổn. Tính chất sáng biết này vốn nó tự không động, chứ không phải sự an định như ta thường nghĩ là làm cho được an định. Không động nhưng tỏ suốt, trùm khắp, không một chỗ lầm, không một vết mê mờ thì tâm mình đang là bình thường, an nhiên, ngay đó không phải là mình đang sống đạo hay sao? Quý vị sống miên mật như vậy, không một kẽ hở, không một vết mê là chúng ta đang sống trọn vẹn bằng đạo chân thật, đang sống trọn vẹn bằng một tâm thực sự bình thường.

Khi đạt đạo, sống bằng đạo lý thì tâm vốn tự là bình thường (chứ không phải là làm cho bình thường), tự khế hợp với đạo lý chân thật. Đây là một điều rất là đáng quý. Người đến trong đó rồi thì tự biết mà không cần phải bàn nói nhiều. Còn chúng ta là người đang còn trên đường tu tập. Trong khi đang còn công phu, không phải là mình vô phần với đạo lý chân thật này, mà thỉnh thoảng có những phút giây mình cũng cảm nhận và sống được với cái tâm bình thường tuyệt đối đó chứ không phải là không. Lý do mình chưa sống được mạnh, chưa sống được liên tục, chưa sống được trọn vẹn như quý Ngài xưa kia là vì đâu? Là vì sức huân tu của mình chưa được tròn đủ, sức giác của mình còn yếu, chưa mạnh. Chính vì vậy nên hay quên, có khi chúng ta sống, ứng xử và làm việc còn bị thiếu bình thường.

Việc sáng đạo, tâm vốn tự bình thường, đó là nói đến cái rốt ráo, cái cùng tột, cái lâu dài mà chúng ta phải làm từ kiếp này sang kiếp khác, đó là bổn phận mà hễ ai phát tâm tu tập thì phải tự phấn đấu thực hành. Còn ở đây là nhắm thẳng đến cái cần thiết hiện tại, nhắm thẳng đến những người đang còn trên đường tu tập như chúng ta, có khi bình thường, có khi không ổn. Đó là chúng ta phải luôn tỉnh giác, lặng sáng để cân bằng được cái tâm bất bình thường sanh khởi của mình. Khi quý vị tỉnh giác được, cân bằng được thì quý vị sẽ sống được bằng tâm ổn định, bình thường. Được như vậy thì cuộc sống của chúng ta mới được an ổn, mới gần được với đạo lý chân thật và không làm ảnh hưởng đến ai. Ngay khi chúng ta đang sống, đang dụng công tu tập cho chính mình, cũng chính là đang làm lợi ích cho người khác, đã có lợi cho những người chung quanh rồi. Đó chính là tinh thần ngay trong tự lợi đã có lợi tha, chứ không phải đợi làm gì cho ai mới có lợi. Khi quý vị ứng dụng công phu tu hành càng tương ứng thì quý vị càng cảm nhận được giá trị vô biên của nó, cho đến khi viên mãn Phật đạo thì quý vị sẽ cảm nhận được trọn vẹn giá trị của tâm bình thường.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Tags: Tâm bình thường

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84468
  • Online: 29