Tâm Kinh Bát Nhã

28/04/2020 | Lượt xem: 3095

ĐĐ.Thích Đạt Ma Khế Định

Tâm Kinh Bát Nhã, hay còn có tựa đề là Tâm Kinh Trí Tuệ Cứu Cánh Rộng Lớn. Quý Phật tử dầu tu pháp môn nào của Đức Phật chỉ dạy, chắc chắn ai cũng thuộc bài Kinh này. Có người thuộc phần âm, có người thuộc phần nghĩa.

Đức Phật chia ra năm thời thuyết pháp, thời Hoa Nghiêm hai mươi mốt ngày, thời A Hàm mười hai năm, nhưng đặc biệt thời Bát-nhã tới hai mươi hai năm. Ý nghĩa tinh thần, năng lực của Bát-nhã rất vi diệu, ba đời Chư Phật cũng từ Bát-nhã mà ra, hay nói khác hơn Bát-nhã là mẹ của mười phương Chư Phật.

Bây giờ học phần sự trước, sau qua phần lý. Trong quyển kinh Tam Bảo Cảm Ứng của Hòa Thượng Thiền Tâm dịch có câu chuyện:

Đời nhà Tấn có một vị Sa-môn, Ngài tên là Thích Đạo Tuấn, chuyên tu Tịnh Độ. Một hôm Ngài có người bạn thân đến thăm, vị này là pháp sư chuyên tụng Bát-nhã, nói với Ngài:

- Bát-Nhã rất vi diệu mà tại sao thầy không tụng?

Sa-môn Thích Đạo Tuấn nói:

- Tôi chỉ cần sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật là đủ rồi. Tôi không cần Bát-nhã, mà cũng không tin Bát-nhã.

Đêm đó Sa-môn Thích Đạo Tuấn dụng công tu học xong Ngài mới ngủ. Khoảng một giờ đêm Ngài nằm mộng thấy đi qua một cái biển rất lớn, sóng biển nổi cuồn cuộn. Tâm thức Ngài rất hoang mang sợ hãi, bởi vì biển quá lớn mà không có thuyền bè nào hết. Trong lúc đứng trên bờ biển, bỗng nhiên có một chiếc thuyền rất lớn, trên thuyền có ba vị đồng tử với cờ, phướn, lọng.. Ngài vẫy tay gọi, xin quá giang. Vị đồng tử lớn nhất trên thuyền đứng lên nói:

- Ông không có tin thuyền thì làm sao ông quá giang thuyền được. Mà dẫu cho ông lên chiếc thuyền này, thuyền cũng sẽ chìm.

Sa-môn Thích Đạo Tuấn hỏi:

- Thuyền là gì?

Vị đồng tử nói:

- Thuyền chính là Bát-nhã, ông không tin Bát-nhã, ông cũng không trì tụng Bát-nhã thì làm sao ông lên thuyền để trở về phương Tây được.

Nói xong thuyền và biển biến mất. Ngài giật mình dậy thấy đang nằm trên giường, người ướt đẫm mồ hôi, biết là nằm mộng. Từ đó về sau người ta thấy Ngài chuyên trì tụng kinh Bát-nhã. Với tâm lành và sự tu học chuyên cần, cuối đời Ngài ra đi an ổn.

Câu chuyện thứ hai:

Một thầy Tỳ-kheo ở Tây Vức sang Trung Hoa, do có chút ít năng lực nên khi tụng kinh Bát-nhã Ngài thấy chư thiên rất đông. Ngài hỏi:

- Tại sao các ông không ở cõi Trời Đao Lợi nghe kinh mà phải xuống đây nghe?

Vị Thiên Tử nói:

- Khi Đức Phật ra đời truyền dạy giáo pháp nói về Bát-nhã thì trên đó cũng có, hiện giờ cũng có một cuốn Kinh Bát-nhã nằm ở Thiện Pháp Đường, nhưng trên đó không ai tụng hết. Chỉ có ở cõi ta-bà này các Tỳ-kheo mới tụng kinh Bát-nhã, cho nên nghe chỗ nào có tụng Bát-nhã, chúng con đều xuống hầu để nghe kinh. Vị Sa-môn hỏi:

- Khi xuống nghe kinh, các ông xuống khoảng bao nhiêu người?

Vị Thiên tử này nói:

- Khi nơi nào có tụng Bát-nhã thì khoảng tám mươi bốn ngàn thiên tử xuống hầu để mà nghe kinh.

Đó là năng lực của Bát-nhã.

Câu chuyện thứ ba:

Có bà cụ suốt đời không nghe kinh nghe pháp gì hết, tuy nhiên bà cũng có một chút duyên lành là con gái bà tin tưởng theo đạo Phật. Một hôm có con trâu chạy vô nhà bà mà không có dây vàm, cũng không có chủ, bà nghĩ trâu này chắc là trâu rừng nên rượt theo để bắt. Con trâu bị rượt chạy vô chùa, bà cũng chạy theo. Nghe tiếng tụng kinh trong chùa bà bịt hai lỗ tai lại không chịu nghe nhưng vẫn cứ rượt theo con trâu. Khi ngang qua chánh điện, chuẩn bị chụp con trâu, bà phải buông tay ra không bịt lỗ tai nữa để chụp nó. Ngay trong giờ phút bà chụp được con trâu thì tiếng kinh của các thầy Tỳ-kheo tụng Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật rớt trong tàng thức của bà. Về sau nhờ năng lực Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật này, khi rớt xuống cõi xấu bỗng bà nghe được tiếng Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, tức khắc bà được sanh lên cõi Trời.

Tôi kể ba câu chuyện này để quý Phật tử thấy năng lực của Bát-nhã rất lớn. Từ sáu trăm quyển rút lại còn một quyển là kinh Kim Cang Bát-nhã. Rồi các Ngài lại rút tỉa còn lại hai trăm sáu mươi mấy chữ cho ngắn gọn để chúng ta tụng đọc cho dễ, gọi là Tâm Kinh. Tâm Kinh là kinh gì? Các vị Hòa Thượng thường nói Tâm Kinh là kinh ruột của mình.

Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-Nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều Không, liền qua hết khổ nạn.

Quý Phật tử biết Bồ-tát Quán Tự Tại là Bồ-tát nào không? Chúng ta thường nói Bồ-tát Quán Tự Tại tức là Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhưng ở đây tôi chia sẻ cho quý Phật tử với cặp mắt của nhà thiền, Bồ-tát Quán Tự Tại chính là mỗi con người chúng ta. Ngay trong giờ phút thực tại này, quý Phật tử đừng nghĩ đông, đừng nghĩ tây, đừng có những niệm vọng tưởng chen vào thì ngay trong giờ phút đó quý Phật tử là Bồ-tát Quán Tự Tại. Trong tinh thần nhà thiền, sở dĩ chúng ta khổ là vì thấy năm uẩn này nó có. Còn ngay trong giờ phút thực tại này quý Phật tử chiếu kiến mà thấy nó Không thì tự nhiên mình hết khổ. Thấy từng niệm không có thực thể, không có tự tánh thì đó là chúng ta học Bát-nhã. Ngay trong giờ phút này mình đang hiện diện, đang có mặt thì quý Phật tử không khổ nữa. Nếu quán không được thì cái khổ nó đến.

Trong kinh Tương Ưng Bộ, một hôm vua Ba Tư Nặc đến thăm Đức Thế Tôn. Vua bạch với Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, con có một thắc mắc mà con nghi vấn mãi, bình thường con ăn một ngày bốn bữa, trong khi các thầy Tỳ-kheo ăn ngày có một bữa mà sao sắc mặt rất là vui tươi. Ông nói bài kệ:

Khất sĩ trong rừng sâu,

Mỗi ngày ăn một bữa,

Sao sắc mặt vui tươi.

Quý Phật tử ăn ngày mấy bữa? Mình ăn nhiều mà mình có những nỗi buồn, sắc mặt mình cũng không vui. Hôm nào quý Phật tử ăn ít thôi mà sắc mặt vui tươi tức là mình không phiền não, không buồn, không giận, không khổ.

Lúc trước tôi có tổ chức một chuyến hành hương Trung Quốc trong ba tuần lễ. Những người cùng đi chưa biết tôi nhiều, nên thường khi đến chỗ dùng cơm trưa đã là một giờ rưỡi chiều. Liên tiếp năm sáu ngày như vậy, tôi chỉ được ăn buổi sáng, buổi trưa đến quán ăn thì đã quá ngọ nên tôi không ăn, chỉ uống một ly nước lạnh là xong. Bởi vì ngày xưa tôi có dạy bốn bộ luật, trước khi dạy tôi phát nguyện nếu quá giờ ngọ mà ăn thì tôi sẽ không dạy hết trọn bốn bộ. Vì đã hứa trước Tam Bảo nên tôi phải giữ. Bốn bộ luật này không phải là khó dạy, nhưng khi đề xướng dạy thì đủ thứ chuyện trục trặc xảy đến, cho nên ít người nào dạy tròn bốn bộ. Nhiều người không hiểu nói tôi làm Phật sự nhiều, có chút đó mà chấp chặt.

Đến ngày thứ bảy, anh hướng dẫn viên người Trung Quốc đến quỳ lạy tôi, hỏi sư phụ có pháp trường sanh không thì chỉ dạy cho anh. Tôi hỏi pháp trường sanh là pháp gì. Anh nói anh ăn ngày bốn bữa mà đi theo tôi leo núi anh leo không nổi. Trong khi tôi chỉ ăn buổi sáng, buổi trưa tôi uống nước lạnh mà tại sao tôi leo núi rất là khỏe, sắc mặt tôi không buồn, không khổ, lúc nào cũng vui tươi. Anh ngạc nhiên lắm, nói chắc tôi có bí quyết gì.

Tôi nói tôi chỉ dạy cho anh phương pháp này với điều kiện là anh phải nói thật tôi biết về tài sản, sự nghiệp của anh. Anh nói anh làm hướng dẫn viên du lịch, tài sản anh có là mười hai cái khách sạn rất lớn. Mở khách sạn ở đâu thì anh cưới một người vợ ở đó và giao cho vợ trông coi khách sạn.

Tôi nói vậy thì đúng rồi, anh đi với tôi mà đầu óc anh nghĩ không biết vợ có trung thành không, có lấy cắp tiền bạc của mình không. Có một vợ thì anh còn tin tưởng, nhiều vợ đôi khi lại không tin. Anh giật mình tưởng tôi có thần thông, mà tôi đâu có, chỉ là tâm lý thôi. Vì anh luôn nghĩ đến gia đình, nhà cửa sự nghiệp nên bị hao mòn năng lượng rất nhiều, vì vậy phải ăn nhiều để đắp thêm vô. Còn tôi không nhà không cửa, cái gì cũng không. Mà tất cả đã không rồi nghĩa là cái có không cần nữa, cho nên tôi rất là khỏe, đi đến đâu cũng nhẹ nhàng hết.

Chiếu kiến năm uẩn là Không thì quý Phật tử qua khổ nạn liền, mà chiếu kiến là có thì mình sẽ khổ. Cho nên vua Ba Tư Nặc rất ngạc nhiên là tại sao khất sĩ trong rừng sâu ăn ngày một bữa mà sắc mặt rất vui. Phật trả lời:

Không sầu luyến quá khứ,

Không ước vọng tương lai,

An trú trong hiện tại,

Đoạn dục để giữ mình,

Sáu tình đều nhẹ nhõm,

Nên nét mặt vui tươi.

Người lớn tuổi hay nhớ về quá khứ, quá khứ thì có buồn vui, có sướng khổ. Mà khi buồn vui, sướng khổ đến thì trên nét mặt mình hỉ, nộ, ái, ố đi theo. Mấy bà cụ bên Bỉ, bên Pháp, Canada tôi qua thăm thấy tội lắm, chiều cứ ra cửa sổ khóc, nói là nhớ quê hương, mà chỉ toàn nhớ những nỗi buồn. Chúng ta duyên theo về quá khứ rồi chúng ta chết chìm trên quá khứ, Đức Phật nói mình bị những ngọn sóng quá khứ đánh chìm, mà luôn luôn đánh mất mình trong hiện tại. Phật dạy không ước vọng tương lai, mà mình thì luôn luôn ước vọng đến tương lai.

Các Thầy Tỳ-kheo luôn an trú trong hiện tại, đoạn dục để giữ mình, sáu tình đều nhẹ nhõm, nên nét mặt vui tươi. Còn người phàm thì Phật nói:

Quá khứ luôn truy tìm,

Tương lai luôn ước vọng,

Như cây khô lìa cành,

Kẻ ngu thường như vậy,

Nên nét mặt khô héo,

Cũng dường như thế thôi.

Ở một thôn làng nọ có cô gái tên Nguyễn Thị Bông, nhà cô nuôi ong rất nhiều. Một buổi sớm, mẹ cô bảo cô đem hũ mật ong lớn ra chợ bán, tiền bán mật tùy ý cô muốn mua gì cũng được. Đến nơi thì chợ chưa mở cửa, trong lúc đứng đợi cô suy nghĩ, bán được mật ong cô sẽ mua bầy gà về nuôi. Bầy gà lớn cô sẽ bán lấy tiền mua bầy bò. Bò lớn cô bán bò mua bầy ngựa. Sau khi bán ngựa cô cất biệt thự. Cất biệt thự rồi tiền vẫn còn, cô đi thẩm mỹ viện sửa sắc đẹp. Từ khi sửa sắc đẹp, rất nhiều người đến cầu hôn. Một hôm có một anh chàng tướng mạo kgôi ngô tuấn tú đến cầu hôn cô. Cô mắc cỡ ẹo người làm duyên, hũ mật ong rớt bể! Là nãy giờ cô làm gì? Vọng tưởng! Vọng tưởng gì? Vọng tưởng tương lai mình mua bầy gà, bầy bò, bầy ngựa, rồi cất biệt thự, sửa sắc đẹp! Cho nên có người đọc đến chỗ này họ làm bài thơ:

Loi ngoi đã nửa kiếp người,

Xuân thu trên nửa nụ cười xanh xao.

Rõ ràng mở mắt chiêm bao,

Biết như mộng huyễn cũng đau xé lòng.

Ngửa tay có được gì không?

Họa chăng những hạt bụi hồng li ti.

Không có gì hết! Lúc ra đi mình ngửa tay bụi hồng, đúng không? Tinh thần của nhà Phật không phải để cho mình bi quan yếm thế, mà để cho mình thấy bản chất cuộc đời là như thế, để chúng ta chiếu kiến năm uẩn không có thật. Khi quý Phật tử chiếu kiến năm uẩn không thật thì quý Phật tử không còn khổ, không còn buồn gì nữa.

Bát-nhã chia ra ba phần, một là văn tự Bát-nhã, hai là quán chiếu Bát-nhã, ba là thật tướng Bát-nhã. Hằng ngày quý Phật tử đọc tụng gọi là văn tự. Mình đọc không cũng chưa được mà phải quán chiếu để trở về cái thật tướng.

Này Xá-lợi-phất, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc.

Tại sao không nói cho Ngài Mục-kiền-liên, không nói cho Ngài Đại-Ca-diếp hay Ngài La-hầu-la, mà nói cho trưởng lão Xá-lợi-phất? Bởi vì trưởng lão Xá-lợi-phất là tiêu biểu cho trí tuệ đệ nhất, là nguyên soái, là thượng thủ của chánh pháp. Nghĩa là muốn học Bát-nhã mình phải trang bị trí tuệ để thấy rõ bản chất không thật của các pháp. Cái thân của mình là sắc, không phải đợi nó hoại diệt mới là Không. Ngay trong cái sắc đó thấy được nó không có thực thể tức là Không. Mà ngay cái Không đó, đủ nhân đủ duyên nó hợp lại thành sắc. Đó là tinh thần của Bát-nhã.

Bây giờ chúng ta qua phần công phu. Chẳng hạn mình đang ngồi thiền, không có manh động một vọng tưởng nào hết, không có duyên theo sự kiện, không có mống niệm nào hết, đó là Không. Bỗng nhiên mình khởi lên đủ thứ chuyện tức là sắc. Thêm một ví dụ: Có một ông Tăng đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn:

- Thế nào sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc?

Ngài không giải thích mà nói một câu:

- Ô hô, một bát canh ngon có hai cục cứt chuột.

Quý Phật tử hiểu chỗ đó không? Chẳng hạn người ta đem cho mình một tô cơm, ngay trong giờ phút đó mình không thấy gì là gớm hết, đó là Không. Bỗng nhiên mình thấy hai cục cứt chuột, tự nhiên mình không dám ăn nữa. Mình gớm, ngay chỗ đó là sắc. Sắc tức là Không, ngay chỗ Không tức là sắc. Ngay chỗ đó mà mình không dấy niệm, mình cũng bình thường, mình lấy hai cục cứt chuột bỏ ra một bên thì sắc tức là Không. Ngay chỗ không niệm đó mà mình khởi tưởng lên mình duyên theo một dọc, con chuột nó vô tô cơm nó đi vệ sinh… thì Không tức là sắc. Muốn được cái Không thì đừng có dấy niệm gì hết. Việc này rất là khó, phải thực tập.

Quốc sư Đại Đăng ở Nhật Bản khi làm Quốc sư Ngài nghĩ sống sung sướng quá nên đạo chưa đến, Ngài quyết định xuống dưới gầm cầu Tokyo ở hai chục năm, các đệ tử đến Ngài đuổi về hết. Có một ông trưởng tử nhất quyết đòi ở với Thầy. Đêm đầu tiên người ăn mày kế bên chết, ông phải phụ Thầy khiêng xác đi chôn. Chôn xác người ăn mày xong, trưa hôm sau ông nhắc Thầy đi khất thực, Quốc sư Đại Đăng nói bát cơm của người ăn mày xin hôm qua còn dư nên không cần đi khất thực. Ngài sớt một nửa bát cơm cho đệ tử, đệ tử ói không ăn được trong khi Ngài ăn bình thường. Lúc này Quốc sư nói cảnh giới này là cảnh giới Bát-nhã, chỉ có bậc thượng nhân mới ở được. Đó là tinh thần Bát-nhã: sắc tức là Không, Không tức là sắc.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Tức là năm uẩn. Khi đã chiếu soi sắc là Không thì cảm thọ của mình cũng không có thật. Tưởng, Hành, Thức cũng không có thật.

Này Xá-lợi-phất, tướng Không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong tướng Không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Cái gì cũng không hết.

Thiền sử có câu chuyện:

Thiền sư Động Sơn năm mười hai tuổi Ngài làm chú tiểu, đọc đến chỗ không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, Ngài đắp y lên thưa với thầy trụ trì:

- Thưa thầy, trong kinh Bát-nhã nói không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, con có đủ hết tại sao nói không?

Quý Phật tử thấy các vị Tổ tái lai khác hơn người thường. Thầy trụ trì nói:

- Vậy là ông có duyên với Thiền Tông rồi, thôi để tôi gửi đến chỗ Ngài Nham Đầu. Tôi giải thích không được, nhà Thiền mới giải thích được.

Từ đó Ngài học thiền, mới mười hai tuổi thôi. Ban đầu Ngài học về giáo, khi tụng đọc đến phần này thì Ngài thắc mắc, còn mình tụng thì cứ tụng thôi, chớ mình không thắc mắc tại sao Phật nói như thế. Người có căn cơ bậc thượng đọc đến đâu người ta thắc mắc đến đó. Đừng có nói căn cơ gì, ngày xưa chúng tôi vào học pháp với Hòa Thượng, Ngài dạy về pháp Tri Vọng, tôi cũng ôm ấp: tại sao là Tri vọng, lấy cái gì để mà Tri? Nhờ mình thắc mắc như thế khi vào thất mình mới khám phá được sự kỳ diệu của pháp Tri Vọng. Còn như kêu mình niệm Phật thì mình cứ niệm thôi, mình không có ôm ấp là tại sao mình phải niệm Phật, tại sao Phật nói về thế giới đó. Mình tìm tòi, có một lúc bùng vỡ lên gọi là ngộ.

Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt Ma:

- Trẫm cất chùa độ tăng, làm tất cả các việc công đức, như vậy có công đức hay không, công đức này lớn hay nhỏ?

Tổ Đạt Ma khẳng định:

- Không có công đức.

Bởi vì trong tướng Không không có những cái đó, tướng đó là tướng hữu vi, tướng sanh diệt như hình với bóng. Vua Lương Võ Đế hỏi:

- Thế nào là công đức chân thật?

Tổ Đạt Ma nói:

- Trí thanh tịnh thể vắng lặng, công đức này từ bên trong mà được chứ không phải bên ngoài.

Vua hỏi tiếp:

- Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?

Tổ Đạt Ma nói:

- Rỗng rang, không có Thánh.

Ngay trong bản thể nhất như đó không có Thánh, không có phàm, không có năng, không có sở, không có chủ, không có khách.

Tướng Không của Bát-nhã là quét sạch hết. Học Bát-nhã là để phá tất cả các tướng. Nhưng đến tinh thần của Kinh Niết-bàn thì Phật dựng lại tất cả tướng, để chỉ ra pháp tánh, chỉ ra Niết-bàn. Cho nên học Bát-Nhã là phá hết, không có dính mắc tướng. Không dính mắc tướng không phải là vướng cái không, mà phá cái không và cái có, đi theo con đường trung đạo đế, đệ nhất nghĩa đế. Đừng nói học Bát-nhã cái gì cũng chấp không, không phải!

Có vị tăng tên là Thiết Chu, một hôm đến chùa Tướng Quốc thưa với Thiền sư Độc Viên:

- Thưa Hòa Thượng, con thấy cái nhà này không, Hòa Thượng không, con cũng không, tất cả vạn pháp đều không. Chủ không, khách cũng không; ta không, người cũng không.

Khi ông nói không như vậy, sẵn cái dùi chuông, Thiền sư Độc Viên gõ lên đầu ông cái bốp sưng một cục. Ông nổi sân:

- Tại sao Hòa Thượng đánh con?

Thiền sư Độc Viên nói:

- Ông nói cái gì cũng không mà tôi gõ lên đầu ông là thành có rồi.

Mình phải hiểu Không là không thực thể. Tinh thần của Bát-nhã là chơn không mà diệu hữu. Phải có cái nhìn xuyên suốt giữa cái không và cái có.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh có bài kệ:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Có không, bóng nguyệt lòng sông,

Ai hay không có, có không là gì!

Ai hay được chỗ có và không? Có và không giống như hình bóng mặt trăng in xuống lòng sông vậy, nó không có thật. Tinh thần của Bát-nhã là như thế.

Một hôm có vị cư sĩ đến gặp Thiền sư Trí Tạng Tây Đường hỏi:

- Bạch Hòa Thượng, có nhân quả không?

Thiền sư Trí Tạng:

- Có.

- Có địa ngục không?

- Có.

- Có thiên đường không?

- Có.

- Có tội không?

- Có.

- Có phước không?

- Có.

- Hòa thượng có nói lầm không?

- Hồi nãy đi đến đây ông gặp ai?

- Hồi nãy trước khi đến gặp Hòa thượng thì con gặp Ngài Trường Sa Cảnh Sầm.

- Ông gặp Ngài Trường Sa Cảnh Sầm ông hỏi cái gì?

- Ngài Trường Sa Canh Sầm nói với con là không có nhân, không có quả; không có tội, không có phước; không có thiên đường, không có địa ngục. Cái gì con hỏi Ngài cũng nói không hết, mà tại sao Hòa thượng nói có.

Thiền sư Trí Tạng hỏi:

- Ông có nhà không?

- Dạ có.

- Ông có xe không?

- Dạ có.

- Ông có vợ không?

- Dạ có.

- Ông có con không?

- Dạ có.

- Còn Ngài Trường Sa Canh Sầm có vợ không?

- Dạ không.

- Có con không?

- Không.

- Thì Ngài nói không là đúng. Còn ông, cái gì cũng có là phải có.

Quý Phật tử hiểu không? Trên tinh thần bản thể là không, các Ngài không còn duyên theo tất cả có không nữa thì các Ngài có quyền nói không. Còn mình có, là có tự mảy may, nếu không thì cả thế gian này cũng không. Nhớ kỹ một điều, có không chỉ là cái bóng thôi. Khi chúng ta ngủ nằm mơ thấy cọp rượt, thấy bị người đánh đập, tỉnh rồi thì tự nhiên cái mơ đó mất. Người mà ngộ đạo thể nhập tánh không rồi cũng như thế. Những cảnh tượng chúng ta thấy đều tan biến hết. Đó là tinh thần của Bát-nhã.

Không có nhãn giới, không có ý thức giới.

Tức là sáu căn, sáu trần, sáu thức.

Không có vô minh, cũng không có hết vô minh. Không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.

Căn bản của nhà Phật là Tứ Diệu Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Nhưng mà ở đây nói không có Khổ, không có Tập, không có Diệt, không có Đạo.

Khổ đế là gì? Sanh, già, bệnh, chết; Oán tắng hội khổ; Ái biệt ly khổ; Cầu bất đắc khổ; Ngũ ấm xí thạnh khổ; Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Tức là có những cái khổ luôn đi theo mình. Phật nói sở dĩ có Khổ là do Tập. Khổ là quả mà Tập là nhân. Chúng ta khổ là do chúng ta gieo nhân tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, nghi. Mười tập nhân đó tạo nên cái khổ. Muốn hết khổ chúng ta phải học Phật pháp.

Đạo, tức là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Trong ba mươi bảy phẩm Trợ đạo có Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo, Ngũ căn ngũ lực, Thất giác chi. Trong ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đó chúng ta đã học chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi học Phật pháp thì cái khổ này hết, vì Tập mình không gieo nữa, thì con đường Niết-bàn có mặt tức là Diệt đế. Trong tinh thần Bát-nhã là không có khổ, không có tập, không có diệt, không có đạo, đó là các Ngài chỉ thẳng bản thể. Bởi vì bản thể, thật tướng không có những cái này, nhưng phương tiện thì chúng ta phải học. Học từng bước, từng bước chúng ta đi lên.

Tôi đưa ví dụ cho dễ hiểu. Có hai người đồng ra biển, người thứ nhất vừa nổ máy ca nô liền chạy ra biển. Còn người thứ hai cũng nổ máy nhưng chiếc ca nô không chạy ra biển mà chạy vòng vòng. Người có trí tuệ biết rằng sở dĩ chiếc ca nô không chạy được vì nó bị dính rác, dính rong. Muốn cho bánh lái nó chạy được, phải xuống gỡ từ từ. Ca nô thứ nhất tiêu biểu cho các bậc thượng căn, giống như Lục Tổ Huệ Năng, nghe là ngộ liền. Còn mình nghe thì nghe chứ không ngộ gì hết, vì mình bị cỏ rác nó bám mình, bây giờ mình phải gỡ từ từ. Nên mình phải học từ từ, phải đi từng bước.

Vì không có chỗ chứng đắc, Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú.

Nếu quý Phật tử muốn không sợ khổ hãi nữa thì phải nương theo Bát-nhã tu học. Ở đây nói ba đời Chư Phật cũng từ Bát-nhã mà ra. Có người hỏi tôi: “Bạch thầy, trong các bài chú, chú nào lớn nhất?” Tôi nói “chú Bát-nhã”. Tại sao tôi dám nói chú Bát-nhã? Ở đây nói Đại thần chú, Đại minh chú, Vô thượng chú, Vô đẳng đẳng chú. Vô đẳng đẳng nghĩa là không có chú nào lớn hơn nữa.

Hay trừ được hết thảy khổ, chân thật không dối.

Lời này là chân thật không có hư dối, Phật nói không có hư dối được. Sở dĩ quý Phật tử tụng tất cả các bài chú mà khổ là vì chấp mình có nên phiền não. Tụng bài chú này mình chiếu kiến năm uẩn đều Không thì hết khổ được an vui, như vậy thật chú này là lớn rồi. Bài Tâm kinh rất là ngắn gọn đơn giản nhưng hằng ngày chúng ta cứ thực tập chiếu soi, một lúc nào đó năm uẩn mình rỗng thênh, bể vụn, thì ngay trong giờ phút đó chúng ta hết khổ, đó là chúng ta hiểu được ý nghĩa về Tâm Kinh.

Mỗi khi tụng đọc kinh điển Đại Thừa xong thì chúng ta đều tụng đọc bài Tâm Kinh Bát-nhã; điều đó để thấy rằng, dầu cho học bất cứ bài kinh nào mà chúng ta không trang bị trí tuệ thì Phật nói chúng ta giống như một con vẹt, nó nghe người ta nói Mô Phật nó cũng Mô Phật mà không biết Mô Phật là gì! Mình học kinh điển là để mình biết ý nghĩa Phật nói gì, tiếp theo mình phải trang bị Bát-nhã, là phải dùng trí tuệ Bát-nhã để chiếu kiến năm uẩn đều Không thì tức khắc mình qua hết khổ nạn.

THAM VẤN

Hỏi: Bạch Thầy, bình thường ba giờ sáng con dậy để ngồi thiền, nếu hôm nào mệt con không dậy đúng giờ thì có người như bắt con dậy. Con khấn thầm cho con thức lại giờ khác, tức là bốn năm giờ con mới dậy ngồi thiền thì mới thôi. Nếu đến giờ hẹn đó mà không dậy, lại như có người bắt phải dậy. Thỉnh thoảng trong khi đang thiền, con nhìn thấy đầu lâu, hoặc có khi rất nhiều bộ xương. Bạch Thầy, con tu thiền và con tu cả Mật Tông, niệm chú và bắt ấn, con tự học ở trên mạng. Xin Thầy chỉ dạy những điều trên.

Đáp: 1- Nói về tâm sinh lý, nếu chúng ta có tâm tu học mà ba giờ chúng ta không dậy thì chúng ta cũng trằn trọc không ngủ được. Nói về thế giới siêu hình, nếu chúng ta tu mà giới đức được thanh tịnh, hoặc mình có túc duyên với cõi siêu hình thì được Chư Thiên hoặc là Long Thần Hộ Pháp họ báo cho mình biết giờ giấc để chúng ta tu học. Nhưng chúng ta đừng có chấp, nếu chấp thì thành bệnh. Bởi vì chấp thì cái ngã của mình nó lớn, mình thấy rằng mình được Chư Thiên, được Hộ Pháp báo mộng còn mấy ông Thầy không được. Cái ngã nó chen vào thì trở thành bệnh. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà. Bất khởi thánh tâm, tức thiện cảnh giới”. Tức là nếu cho mình chứng thánh, mình hơn người ta thì mình rớt trong đường tà, năm mươi ngũ ấm ma. Còn nếu mình cho đây là bình thường thì đó là cảnh giới thiện do mình dụng công nó có. Hiểu ý nghĩa đó là chúng ta không có sợ hãi.

2- Quý Phật tử trước khi vào cổng Thiền viện Ba Ốc bên Miến Điện sẽ thấy một bộ xương, là bộ xương cô hoa hậu nổi tiếng nhứt Miến Điện. Trước khi chết cô để lại di chúc là gia đình đừng chôn cô mà đem để ngoài rừng cho quạ, chim ăn. Khi quạ chim ăn hết chỉ còn bộ xương, người ta đem về lấy rượu rửa thật sạch rồi để trong tủ kiếng, dưới ghi câu: “Sắc đẹp mỹ miều ngày xưa nay còn đâu!” Để cho quý Thầy và tất cả những người có tu học đến quán chiếu.

Ngồi thiền thỉnh thoảng thấy đầu lâu hoặc những bộ xương là túc duyên đời trước có tu về quán bất tịnh. Trong giờ phút đó đừng sợ hãi thì bình thường thôi. Còn nếu mình sợ thì chắc chắn sẽ sanh nhiều duyên khác.

Thiền thoại kể lại, Thiền sư Ngung có một đặc điểm là Ngài nhìn thấy thế giới siêu hình. Một hôm đang ngồi thiền có một con quỷ không có đầu đến nhát Ngài. Gặp mình mình sợ không? Ngài nói với quỷ: “Nói thật với ông, trên đời này ông là sướng nhất, vì ông không có cái đầu. Sở dĩ tôi khổ là vì tôi có cái đầu, nó suy nghĩ lung tung hết.” Nghe vậy con quỷ biến mất. Lát sau con quỷ thứ hai không có tay đến, Ngài nói: “Nói thật với ông, trên đời này ông là sướng nhứt, vì ông không có tay. Sở dĩ tôi phạm vào giới trộm cướp là vì tôi có tay, hay lượm cái này hay bỏ cái khác.” Con quỷ cũng biến mất. Rồi nó biến hiện đủ cảnh giới hết, biến hiện đến đâu Ngài quán đến đó, gọi là chiếu kiến năm uẩn không có thật, cuối cùng quỷ biến mất.

Khi chúng ta thấy hiện tượng rồi chúng ta quán chiếu, cái gì thấy được hiện tượng đó? Trở về chỗ tánh biết thì hiện tượng đó mất. Có những lúc chúng tôi nhập thất, đang ngồi yên, bỗng nhiên có tiếng lảnh lót kêu tên mình, vừa nghe là tôi xả thiền rồi mở cửa ra, thấy trời tối đen không có gì hết. Vô ngồi nó kêu lại lần nữa, kêu đúng tên mình. Thì mình biết rằng những hiện tượng này là do mình có túc duyên với những cõi đó, nên nó đến quấy rầy trong lúc mình ngồi thiền. Ngay trong giờ phút đó nếu mình sợ rồi xả thiền, lên trùm mền ngủ thì mất công phu của mình. Nó làm cho mình sợ để mình lỡ mất công phu mà. Ngay trong giờ phút đó mà mình chánh tâm, chánh niệm, trở về chỗ thật tướng thì những hiện tượng đó biến mất không còn gì nữa. Nhớ kỹ là những hiện tượng đó giống như là cái bóng vậy thôi chứ không có thật.

3- Quý Phật tử này tu thiền kiêm tu Mật. Ở đây mình không bàn sai hay đúng, nhưng quý Phật tử nhớ, bất cứ tu pháp nào cũng phải có một vị Thầy chỉ dạy chứ mình đừng coi trên mạng. Ngày xưa trước khi tôi biết Hòa thượng Trúc Lâm, tôi cũng đã học qua những pháp này. Có những cái ấn nếu mình học thì bắt buộc mình phải không được cái này không được cái kia. Chẳng hạn bắt buộc không được có gia đình, cái ấn đó để hàng chư tăng người ta học. Mà phải là cấp độ mấy, phải tu học bao nhiêu năm thì mới được Thầy truyền ấn pháp. Có thứ ấn mà khi bắt thì phải quán chiếu ở trên đỉnh đầu một chữ gì đó về Mật pháp. Trong lúc quán chiếu, nó là màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím gì, mình phải đi vào trung tâm đó như thế nào thì phải có thầy hướng dẫn. Hoặc học pháp ấn đó thì phải ở trong thất bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng theo quy định. Nếu vậy mình phải một là qua Tây Tạng, hai là đến chỗ Ngài Lạt Ma 14. Nếu quý Phật tử học phải có thầy để các Ngài hướng dẫn cho mình cặn kẽ.

Hỏi: Thưa thầy, trong lục thông, thì có lậu tận thông, xin thầy giải thích cho chúng con rõ như thế nào là lậu, như thế nào là tận?

Đáp: Theo tinh thần Thiền tông tôi giải thích từng lớp cho quý Phật tử hiểu. Lục Thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông, lậu tận thông. Lậu tận là hết sự rỉ chảy, mình tu thì không còn rỉ chảy những tập khí nữa. Những tập khí đời thường của mình có những cái mình bỏ rồi, mà tự nhiên mình cũng thèm chút chút, chẳng hạn thèm thuốc, thèm rượu, thèm bia… Mình không muốn mà tại sao có những hiện tượng này? Đó là những tập khí của mình. Các Ngài tu làm thế nào để sạch hết những tập khí này. Những sự rỉ chảy không còn sót nữa, đó là các Ngài chứng vào quả vô sanh, tức là chứng quả A-la-hán. Còn nếu chúng ta chứng đến ngũ thông rồi, thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông mà không chứng vào chỗ lậu tận thông, thì có một lúc nào đó chúng ta bị đứt thần thông.

Uất-đầu-lam-phất chứng được ngũ thông mà lậu tận thông chưa chứng. Khi về cung vua ông thường được vua cúng dường. Một hôm vua có việc đi vắng nên dặn cô công chúa mười tám tuổi: “Sáng nay sẽ có một vị tiên nhân từ trên núi xuống, con nhớ cúng dường.” Sáng sớm Uất-đầu-lam-phất dùng thần thông bay từ trên núi xuống thành phố, vào cung vua. Cô công chúa ra cúng dường, để hai bàn tay dưới chân ông, đảnh lễ cung kính. Vị tiên nhân Uất-đầu-lam-phất dấy niệm, khi phi hành để bay lên thì đứt thần thông rớt xuống. Ông kêu quân sĩ thắng ngựa cho ông ngồi lên. Dân chúng hỏi tại sao Ngài không bay mà đi xe ngựa. Ông nói không muốn bay nữa.

Trở về ông ngồi thiền để luyện lại. Khi ngồi bên bờ suối, dưới thì cá lội ồn ào, chim trên trời kêu cũng ồn, ông nguyện đời sau sinh ra làm con chồn bay để dưới nước thì ăn cá, trên trời thì ăn chim. Sau này Phật thọ ký, hưởng hết cõi trời phi phi tưởng rồi thì ông rớt xuống làm chồn phi ly, tức là con chồn có cánh, muốn ăn chim thì nó bay lên trời ăn chim, muốn ăn cá thì nó lội xuống suối ăn cá. Ngày xưa đọc truyện này tôi tưởng là chuyện đời xưa, nhưng coi trong thế giới động vật mới thấy có một loài chồn có hai cánh, trên thì nó ăn chim, dưới ăn cá.

Tinh thần nhà Thiền nói cũng không hết ý mà chúng ta phải dụng công, phải tu học, phải kiến tánh. Kiến tánh rồi thì những rỉ chảy, những tập khí bắt đầu hao mòn và bớt từ từ. Muốn cho dứt hẳn, các Ngài nói mình phải vào ẩn sâu trong núi. Như Ngài quốc sư Huệ Trung, bốn mươi hai năm ở trong núi. Ngài Triệu Châu ở ba chục năm, Ngài Nam Tuyền, Ngài Đức Sơn. Ở đây nói rõ một điều là muốn đạt đến chỗ đó chúng ta phải gia công, phải dụng công, nhiều khi đời này chưa xong mà đời khác, nhiều đời tiếp tục nữa.

Có nhiều người tu pháp môn Tịnh Độ, tu cũng chưa xong, mà ở đây hoàn cảnh không thích hợp, cho nên các Ngài chỉ ra, ở Tây phương thế giới tịnh thổ có một cõi như thế, như thế. Tu với thánh chúng dễ, đơn giản hơn, thì mình lên đó mình tiếp tục tu. Cho nên mình phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp tu học mãi mãi, giống như hồi sáng chúng ta phát nguyện, để cho những tập khí rỉ chảy của mình nó hết, nó không còn nữa, thì lúc đó mình thành tựu.

Hỏi: Xin thầy giải thích cho con, khi con nghe giảng kinh, online hoặc nghe trực tiếp thì đều buồn ngủ. Thứ hai là xin thầy cắt nghĩa cho con biết khi nào thì dị đoan mê tín, khi nào là chánh pháp? Xin xăm có đúng hay không? Cầu cơ có đúng hay không?

Đáp: 1- Vào thời Đức Phật, tôn giả A-na-luật nghe Phật thuyết pháp Ngài cũng ngủ. Phật giảng mà còn ngủ nói chi là quý thầy. Khi tôn giả A-na-luật ngủ, Đức Phật quở, Đức Phật nói: “Trong luân hồi vô lượng kiếp, ông ngủ nhiều lắm.”

Bây giờ khoa học tính, mình có một trăm tuổi thọ, hết năm chục năm là ngủ, hai mươi lăm năm nói chuyện thị phi, chỉ có hai mươi lăm năm tu học thôi. Có nghĩa là sự tu học của mình rất ít, mà nói chuyện thị phi trên trời dưới biển, trên sông dưới nước hai mươi lăm năm, còn năm chục năm là ngủ!

Phật quở “Ông ngủ nhiều rồi! Ông đã từng làm con sâu, con bọ, con gián, con trùn, đủ thứ các loài chúng sanh ông trải qua hết rồi mà tại sao ông còn ngủ!” Nghe Phật dạy như thế, cuối cùng Ngài quyết định thức, hoàn toàn không ngủ cho nên Ngài bị mù mắt. Đức Phật dạy cho Ngài phương pháp gọi là Kim cang biến chiếu tam muội, để Ngài tu chứng được thiên nhãn thông.

Khi nghe kinh pháp mà mình ngủ là mình biết nghiệp mình nặng. Ngày xưa khi còn ở ngoài đời tôi nghe Hòa thượng giảng tự nhiên tôi khóc, tôi biết là tôi có duyên. Chẳng hạn như quý Phật tử đi ra chợ, bỗng nhiên ở trong đám đông mình thấy có một người thân là chị mình, em mình, cha mình, mẹ mình đã mất tích hai chục năm, bây giờ quý Phật tử khóc hay là cười? Khóc chứ! Thì cũng vậy, kinh điển này là do túc nghiệp đời trước mình có gieo, tự nhiên nghe mình xúc động mình khóc. Hoặc là mình có tâm hào hứng để mình nghe pháp, có một cái gì thúc giục mình. Còn mình nghe mình ngủ là biết rồi đó.

Trong kinh Bách Duyên có kể câu chuyện:

Vào thời Đức Phật có bốn đoàn thương nhân đến thỉnh Đức Phật nói một thời pháp. Khi thời pháp Đức Phật vừa dứt, tôn giả A-nan quỳ xuống thưa:

- Bạch Thế Tôn, thời pháp hôm nay Đức Thế Tôn giảng con chưa từng được nghe, bài pháp đặc sắc đến nỗi lông con dựng ngược. Mà sao nhìn xuống pháp hội con thấy tốp thứ nhứt thì ngủ, tốp thứ hai thì cứ gõ gõ, tốp thứ ba ngó lên trời. Chỉ có tốp thứ tư là chăm chú nghe Đức Thế Tôn giảng.

Thế Tôn nói:

- Tốp thứ nhất từ loài rắn, năm trăm năm mới đầu thai lên, cho nên bây giờ nghe kinh họ ngủ li bì. Tốp thứ hai nghe giảng mà cứ gõ gõ là loài gõ kiến mới đầu thai lên. Họ ở trong loài súc sanh này cũng năm trăm kiếp, bây giờ mới đầu thai lên làm người nên còn tập khí gõ. Tốp thứ ba chỉ nhìn lên trời, những vị này đời trước năm trăm kiếp làm chiêm tinh, tức là coi sao. Tốp thứ tư chăm chú nghe giảng là những người đời trước có học về các bài chú trong Phạm Thiên, cho nên bây giờ họ chú tâm nghe.

Bây giờ trong lúc nghe pháp mà mình ngủ, là biết từ cõi nào mình lên. Tôi nuôi chúng, khoảng một hoặc hai giờ đêm tôi hay thức dậy đi dạo một vòng, chú nào ngủ sấp, ngủ ngửa gì là mình biết ở cõi nào đến. Trong lúc mất bình thường, tức là lúc ngủ mê, nó biểu hiện ra hình tướng hết. Trong lúc nghe pháp mà mình ngủ, mình gật gật là phải về sám hối nhiều. Đó là nghiệp thức của mình.

2- Khi nào gọi là dị đoan mê tín, khi nào là chánh pháp? Tôi giải thích cho quý Phật tử hiểu một điều nhỏ trong đời sống. Chẳng hạn như ở Việt Nam có tục lệ khi cha mẹ mình mất, ba ngày sau đi mở cửa mả. Cái này không phải của đạo Phật mà đạo Lão, du nhập từ Trung Quốc. Mở cửa mả thì mình dắt theo con gà, đem cây mía, mớ ngũ cốc. Con gà tiêu biểu cho gà con mất mẹ, mình mất cha mất mẹ giống như con gà nó cô đơn, không chỗ nương tựa. Cây mía tiêu biểu cho cha mẹ mình bỏ công sức nuôi mình khôn lớn, bây giờ ốm tong ốm teo như cây mía. Còn rải ngũ cốc ở trên mồ mả, có ý nghĩa là khi sống khi chết đều nhờ vạn vật. Bây giờ có những người chết đem thiêu rồi mở cửa mả ở đâu? Cho nên chuyển theo tinh thần nhà Phật, là ba ngày mình cũng đến cửa mả mình chăm sóc sửa sang lại mồ mả, vì lúc chôn đạo tì họ cũng làm sơ sài thôi. Rồi mình đốt một đống lửa sưởi ấm cho cha mẹ mình, giống như có mặt mình. Rồi anh em, bà con cô bác ngồi kể lại những công ơn của cha mẹ. Đó gọi là tinh thần của Phật pháp, là chánh pháp.

3- Nói về xin xăm, cầu cơ đúng hay sai thì ở đây mình không bàn, bàn mất lòng thiên hạ. Cái này không phải đạo Phật, mà đạo Lão du nhập vào Việt Nam, là phương tiện thiện xảo của những người xưa. Các Ngài đến vùng đó, thấy người ta cần thì phương tiện. Khi xin xăm thì trong lá xăm nói là: “Ông bị nạn, ông muốn vượt khỏi cái nạn này ông phải bố thí cúng dường, phải hành thiện, tích đức thì mới vượt qua được.” Khi có nạn thiệt mình sợ, mình làm những việc thiện này thì tự nhiên phước mình tăng thì nạn hết, đơn giản vậy thôi.

Về tướng số cũng có chứ không phải không. Nếu không thì tại sao Đức Phật ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tướng lấy từ thời quá khứ cộng lại biểu hiện trên khuôn mặt mình.

Ma Y thần tướng vào kỹ viện được cô người hầu bưng cho một tách trà. Nhìn tướng cô ông giật mình, vì tướng cô này tệ lắm cũng làm đệ nhất hoàng hậu. Ông thắc mắc quá nên để ý coi ba ngày ba đêm mà vẫn không hiểu tại sao cô lại làm người hầu. Cuối cùng ông hỏi cô, cô nói cô bị tiểu són, phải thường xuyên vào nhà vệ sinh. Ông nói đúng rồi, cái tướng này nó phá các tướng khác. Muốn tướng thành trở lại thì người ta chỉ cho mình cách phá.

Có lần Ma Y thần tướng coi tướng một người, nói người này về sau phải đi ăn mày và chết đói. Nghe vậy người này buồn quá đi lang thang. Đến một vùng nọ, khi vào nhà vệ sinh ông thấy một bọc vàng bị bỏ quên, cả thảy một trăm thỏi. Cầm bọc vàng ông nghĩ Ma Y thần tướng hồi xưa giờ coi tướng không sai chạy, mình là ăn mày, cho dù lượm được bọc vàng thì cũng là ăn mày thôi. Nghĩ vậy ông ngồi gốc cây đợi. Quả nhiên có một cô gái chạy hớt hãi đến khóc, nói cha cô bị ở tù, cô phải bán hết tài sản và vay mượn thêm cho đủ một trăm thỏi vàng để cứu cha. Ông yêu cầu cô tả số vàng, rồi trả lại cho cô. Cô tặng ông ba thỏi vàng nhưng ông không nhận.

Trả vàng cho cô gái xong, trên đường đi lang thang ông đói bụng nên ngồi dựa gốc cây thở. Thình lình một con chuột chạy ngang, ông rượt theo tính bắt làm thịt ăn. Chuột chạy xuống hang, ông moi xuống thì gặp mười tám hủ vàng. Trở nên giàu có, ông rất ghét thầy tướng, sa-môn, thầy bói. Một hôm có một vị thiền sư tên là Tế Công đi ngang qua vùng đó, biết được tình hình, Ngài nói Ma y thần tướng coi tướng ông đúng chớ không sai, ông nghĩ lại coi ông có làm âm phúc gì không. Ông nhớ lại và kể câu chuyện cho thiền sư nghe.

Nói cho quý Phật tử hiểu, cầu cơ, xin xăm, bói tướng, xem tướng gì cũng như thế, không phải là không có nhưng không phải tinh thần của nhà Phật. Chủ đích của mình là tu học để chuyển hóa. Đó là mục đích mà tôi trả lời cho quý Phật tử.

Hỏi: Bạch Thầy, Ma Ba Tuần đã hiện ra Đức Bổn Sư cùng Thánh chúng cho Tổ Ưu-ba-cúc-đa xem, vậy Ma Vương có thể hiện thành Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng để phá chúng sanh hay không?

Đáp: Tổ Ưu-ba-cúc-đa là tổ thứ tư, đệ tử của Ngài Thương Na Hòa Tu. Tổ thứ nhứt là Tổ Ca Diếp. Tổ thứ hai là Tổ A Nan, Tổ thứ ba là Tổ Thương Na Hòa Tu, Tổ thứ bốn là tổ Ưu-ba-cúc-đa. Khi Tổ Ưu-ba-cúc-đa giảng pháp, ma vương xuống tặng Ngài một xâu chuỗi bằng hoa. Sa-môn nếu đeo hoa thơm khi giảng pháp là phạm giới luật của nhà Phật, cho nên Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa nói:

- Ông có tâm cúng ta một xâu chuỗi bằng hoa, thì ta cũng tặng lại ông một vòng hoa.

Ma Ba Tuần đeo vòng hoa vào cổ thì vòng hoa biến thành thây chó chết, thây người chết, thây rắn chết, gỡ cách mấy cũng không được. Ma Ba Tuần đi tất cả các cõi trời lục dục giới nhờ những vị chư thiên, chư thiên mở không được. Vị Thiên tử nói ông té ở đâu thì từ đó đứng lên.

Ma Ba Tuần năn nỉ Tổ Ưu-ba-cúc-đa mở cho ông. Ông nói:

- Nhờ công đức của Ngài mà con được thảnh thơi, bây giờ Ngài cần gì con xin trả ơn.

Tổ Ưu-ba-cúc-đa nói:

- Khi ta sanh ra đời thì Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhập Niết-bàn rồi, bây giờ ông có cách gì hiện ra thử.

Ma Ba Tuần nói:

- Con hiện cái gì cũng được hết, nhưng khi con hiện ra Đức Phật, Ngài đừng có lạy con, Ngài lạy là con tổn phước.

Tổ Ưu-ba-cúc-đa hứa không lạy. Nhưng khi Tổ thấy Đức Phật Thích-ca-mâu-ni cùng một ngàn hai trăm năm mươi thầy Tỳ-kheo, từ bìa rừng đi từng bước từng bước ra, Ngài sụp xuống lạy. Ma Ba Tuần trách Ngài:

- Con đã dặn Ngài đừng có lạy con mà tại sao Ngài cứ lạy.

Tổ nói:

- Tôi đâu có lạy ông, tôi lạy Đức Phật.

Cũng vậy, khi quý Phật tử đến lạy tôi, không phải là lạy tôi mà lạy cái y của Như Lai, y ở đây là y của ba đời Chư Phật.

Quý Phật tử cứ thực tập với chiều sâu công phu của mình. Nếu tâm mình có ma thì ma nó hiện ra. Còn nếu tâm mình có Phật thì Phật hiện ra. Mình cứ dụng công đi đừng có ngại. Khi chúng ta dụng công phu lúc chúng ta còn sống mà có những cái tướng, ảnh tượng nó hiện ra thì chúng ta trở về câu niệm Phật. Nhà Thiền nói là trở về chỗ tánh biết để chiếu vào những ảnh tượng đó coi thử nó là cái gì thì tức khắc quý Phật tử ra đáp số. Cho nên chúng ta đừng có nghi ngại.

Chẳng hạn có người dân nghèo bình thường họ giả dạng tổng thống, giả dạng thì bảo đảm là không có xe đưa rước hú còi gì hết. Cũng vậy, năng lực của Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng, khi mình vào được cảnh giới đó thì phải có biểu hiện ra là hoa mạn đà la thơm ngát hay hiện tượng gì đó, tự nhiên mình cảm được. Cho nên đừng có lo, mình cứ tu học đi.

Hỏi: Kính bạch thầy, nhà con có một bàn thờ Phật, Bồ-tát Đại Thế Chí, Đức Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, nhưng ba vị này thì cao lớn, còn vị Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni Phật thì bé tí, con phải sắp xếp và thờ phụng như thế nào cho đúng.

Đáp: Có những nơi người ta thờ tam Thánh, tức là ba vị. Phật A Di Đà đứng chính giữa, kế là Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng ta thờ như vậy cũng được, thường thì ba tượng đứng. Ở chính giữa chúng ta đặt tượng Phật Thích Ca cỡ nào cũng được, với một điều là chúng ta đừng có tâm niệm so sánh, là mình tu để vãng sanh về thế giới Tây phương thì phải thờ vị Phật nào cho lớn để mình về cho dễ, còn Phật Thích Ca Ngài là giáo chủ cõi ta bà thì mình thờ tượng nhỏ. Có tâm như thế là mình chết, tâm đó là tâm ngô ngã. Tất cả vạn pháp đều do tâm mình biến hiện ra. Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Có tâm tác ý như thế là mình bị lỗi. Nhờ Phật Thích-ca-mâu-ni mà mình biết được những cõi khác, công ơn Ngài rất lớn. Khi Đức Phật Thích Ca hiện trong cõi này, tất cả các cõi trời chư thiên, các cõi Tịnh Độ đều rúng động. Các Ngài nói đời mạt pháp không ai dám xuống cõi này, không ai hiện thân ở cõi ta-bà này để trở thành một vị Phật. Sở dĩ Thế Tôn xuống cõi này là Ngài tròn đủ một trăm pháp Ba La Mật. Năng lực và sự vi diệu của Ngài mình tính đếm không được, cho nên mình thờ. Nếu mình có tâm ngô ngã là mình có lỗi. Mình bình thường, mình có tượng gì mình thờ tượng đó, mình cung kính, mình sắp xếp cho gọn thì không có lỗi.

Hỏi: Nhà con có bức tượng lớn là tượng Phật bà, bức tượng nhỏ là Phật Thích Ca, xin hỏi Thầy con phải để hai bức tượng này thế nào? Thứ hai thờ ông bà cha mẹ cùng trên bàn thờ Phật, hình Phật chính giữa, hình cha mẹ hai bên có được không? Xin Thầy giảng dùm.

Đáp: Đức Phật Thích-ca-mâu-ni là một vị giáo chủ cõi ta bà. Còn Bồ-tát Quán Thế Âm Ngài cũng là cổ Phật, nhưng với tư tưởng của mình, với hình ảnh của mình thì Ngài cũng là một vị Bồ-tát trợ giáo cho Đức Phật Thích-ca-mâu-ni trong cõi ta bà này. Chúng ta không để hai tượng hai bên mà luôn luôn phải để tượng Phật Thích-ca-mâu-ni chính giữa. Dầu cho tượng Bồ-tát lớn cách mấy chúng ta cũng để một bên chứ không để ngược. Giống như thủ tướng không ngồi ngang hàng với tổng thống được, mà trên phải là tổng thống, dưới là thủ tướng.

Thờ cha mẹ chung bàn thờ Phật là không được, ngồi ngang hàng là không được, dù tượng Phật đặt ở chính giữa. Nhiều khi cha mẹ sanh lờn rồi giỡn cười. Giống như thủ tướng thì không ngồi ngang hàng với cấp phường, xã được. Như tôi chỉ là ông tăng bình thường thôi, nếu tôi nói tôi bình đẳng, tôi ngồi ăn cơm với quý Phật tử, một thời gian quý Phật tử gắp thức ăn cho tôi ăn luôn, rồi cười giỡn luôn. Trong nhà Phật gọi là tăng tục có phần. Tôi là chư tăng, không thể nào cười giỡn, ca hát hay nhảy múa. Nếu ở chung một thời gian, bảo đảm quý Phật tử gặp tôi vỗ vai luôn. Mình thờ phượng cũng vậy, cha mẹ mình phải ở dưới, còn Phật phải ở trên chứ không thờ chung được.

Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy giảng cho chúng con thế nào là hiểu Phật pháp, thế nào là hiểu đạo?

Đáp: Đạo và Phật pháp cũng là một. Hiểu Phật pháp là hiểu về những điều Đức Phật chỉ dạy, trong tinh thần nhà Phật là tu tập như thế nào để lòng tham, lòng sân, lòng tật đố mình giảm bớt. Muốn cho lòng sân lòng tham giảm bớt thì phải tu. Chẳng hạn như tu thiền, tu Tịnh, tu Mật, tụng kinh bái sám gì đó, gặp duyên gì mình buông xả, đừng có dính mắc tức là mình hiểu Phật pháp. Mình biết cách tu, mình thấu tột được chấp ngã là con đường đi xuống, làm khổ mình khổ người, mình bớt chấp ngã tức là mình hiểu đạo, đơn giản vậy thôi.

Hỏi: Thưa thầy, khi chúng con ngồi thiền, có một vị thầy cầm cái cây, đi qua đi lại, lâu lâu đánh cái bịch, điều đó có ý nghĩa gì?

Đáp: Khi quý Phật tử ngồi thiền, có một vị vác thiền bảng đi, nhà thiền gọi là người giám thiền. Khi mình ngồi thiền bị hôn trầm, vị thầy giám thiền dùng cây thiền bảng đập cho mình tỉnh ngủ. Bởi vì hôn trầm trong nhà thiền gọi là rớt trong hang quỷ, không phát sanh được trí tuệ, không có sáng suốt. Cho nên khi vị giám thiền đánh trên vai mình cái bốp là mình phải xá xuống một cái mình cám ơn, chớ mình trợn mắt nhìn lên là không đúng. Vị giám Thiền còn có trách nhiệm coi người ngồi thiền có ngay ngắn không, nghiêng hay ngả bên nào vị đó sửa, nếu có hôn trầm thì đánh.

 

 

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89993
  • Online: 32