Tâm Phật tâm ma
22/10/2019 | Lượt xem: 4984
ĐĐ.Thích Khế Định
Đầu tiên, tôi xin kể một câu chuyện trong kinh Bách Dụ:
Tại một vùng nọ, có anh họa sĩ vẽ rất đẹp và rất giống hình mẫu hoặc người mẫu. Bởi vì khi anh nhìn vào cái hình nào đó rồi thì đi, đứng, nằm, ngồi anh đều liên tưởng và tác ý đến, cho nên bức hình anh vẽ rất sống động.
Một hôm có người nhờ anh vẽ hình quỷ dạ xoa. Quỷ dạ xoa thì hình thù rất xấu, hình tướng xấu thì tâm nó cũng xấu luôn. Hằng ngày anh đều liên tưởng đến con quỷ dạ xoa. Một thời gian anh có người bạn đến thăm, vừa gặp anh người bạn giựt mình vì thấy khuôn mặt anh rất giống quỷ. Quý Phật tử biết tại sao anh giống quỷ không? Tại vì hằng ngày niệm cái tướng ác. Nhớ nghĩ tướng ác nên nó hiện ra tướng ác. Bởi vì khi anh tác ý là một hạt giống ác rớt xuống.
Cho nên nhìn sắc mặt quý Phật tử tôi biết có tu hay không tu. Mình đến với các Thiền sư, vừa đến chưa cần trình là các Ngài biết. Những người có công phu tu họ đi, đứng, nằm, ngồi mình nhìn mình thấy khác. Ngài Mã Thắng đi khất thực, tôn giả Xá-lợi-phất thấy biết đây là người chứng đạo. Tôn giả nói không ngờ trên thế gian này có một vị A-la-hán ra đời. Bởi vì từ thân tướng, từ lời ăn tiếng nói, từ cung cách của ngài nó toát ra hết. Cho nên người mới bước chân vào đạo mình nhìn mình biết.
Một thời gian sau có người đến nhờ anh họa bức hình của Bồ-tát Quán Thế Âm, nên hằng ngày anh liên tưởng, tác ý đến hình ảnh của Bồ-tát. Một hôm người bạn thân cũng đến thăm anh, giựt mình thấy khuôn mặt anh bây giờ tướng quỷ mất mà tướng Phật hiện lên.
Trong kinh Thập Thiện, Đức Phật nói với vua rồng Ta-kiệt-la biển long cung:
- Này Long Vương, ngươi thấy thân tướng của Như Lai trăm ngàn ánh sáng của Phạm Thiên cộng lại cũng không bằng, vì vô lượng kiếp Như Lai tu tập về thiện pháp cho nên bây giờ mới được thân tướng này. Ông thấy các vị Bồ-tát hay không? Trăm ngàn muôn kiếp các vị này cũng trang nghiêm tướng hảo bằng thiện pháp. Này Long Vương, ông thấy Thiên Long Bát Bộ hình tướng oai nghiêm, hào quang sáng chói là cũng nhờ vô lượng kiếp tu thiện pháp. Còn ông, thân tướng của ông là do ông tạo ác pháp.
Mình thường nghe quý thầy nói thiện pháp, vậy thiện pháp là gì? Thiện pháp có phải là cúng dường không? Thiện pháp ở đây là thân làm điều lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành, chứ không phải bố thí cúng dường là đủ. Mình bố thí cúng dường mà mình nóng giận chửi bới, thì đời sau mình giàu có nhưng sanh ra xấu xí.
Bà Mạt Lợi phu nhân hỏi Đức Thế Tôn:
- Bạch Đức thế Tôn, tại sao có một số phụ nữ dung sắc xấu xí nhưng rất giàu có.
Phật nói:
- Do đời quá khứ biết bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà La Môn nhưng hay nóng giận, bực tức, hay chửi bới, đánh đập người. Ai đụng chạm một chút là chịu đựng không được. Do niệm ác, do hành động, lời nói như thế nên bây giờ sanh ra tướng đó. Nhưng nhờ bố thí cúng dường nên được giàu có.
Bà hỏi thêm:
- Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì mà có một số phụ nữ hình sắc rất là đẹp nhưng nghèo khổ, tiền bạc không có?
Phật nói:
- Do đời trước có lòng kham nhẫn nhưng không biết bố thí, không biết cúng dường.
- Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì do duyên gì có một số phụ nữ vừa xấu mà vừa nghèo.
- Do sân hận bực tức lại không biết bố thí cúng dường.
- Bạch Đức Thế Tôn, do nhân gì do duyên gì mà có một số phụ nữ vừa đẹp, mà vừa giàu có.
- Do bố thí cúng dường lại có tâm kham nhẫn.
Trong bốn hạng phụ nữ kể trên, quý Phật tử thích là hạng phụ nữ thứ mấy? Nếu thích hạng thứ tư thì chúng ta phải tu tập hạnh kham nhẫn, kế nữa chúng ta biết bố thí cúng dường, tức là chúng ta gieo hạt giống Phật. Gieo hạt giống Phật thì tâm Phật hiện ra.
Bồ-tát Văn Thù có bài kệ:
Trên mặt không sân đồ cúng dường.
Mình không sân, mặt mình vui cười là cúng dường Tam Bảo. Làm lợi ích cho mọi người có phải là cúng dường đâu, mà trên khuôn mặt mình đừng có sân hận bực tức, lúc nào cũng vui cười tức là mình cúng dường. Mình đi chùa ở đây thì mình tươi cười, về nhà mặt mình bực tức là mình không phải người tu. Mình đến chùa thì mình cung kính quý thầy, nhưng về nhà đối với chồng, đối với người thân, mình giống như bà chằn, tức là quý Phật tử ở đây gieo tâm Phật mà về nhà gieo tâm ma. Ma, Phật lẫn lộn. Cho nên các vị Bồ-tát, Chư Phật chỉ rất là kỹ.
Trong miệng không sân xuất diệu hương.
Nếu quý Phật tử đừng nói bậy, đừng nói lời ác khẩu thì miệng mình lúc nào cũng thơm.
Trong tâm không sân là trân bảo.
Nhiều khi mặt mình không sân, miệng mình không nói lời bậy, nhưng trong tâm thì sôi sùng sục. Trong tâm đừng có sân, là trân bảo.
Không nhơ, không nhiễm là chơn thường.
Chúng ta luôn luôn phải gieo những niệm lực, nguyện lực của Chư Phật, Bồ-tát. Một niệm ác dấy lên là mình gieo hạt giống ma. Một niệm thiện dấy lên là mình gieo tâm Phật. Muốn thành Phật hay thành ma là do quý Phật tử.
Phật Phật, ma ma chính lòng ta,
Ma, Phật hay không là chánh tà.
Thiền sư Bàng Am nói:
Một niệm tâm thanh tịnh,
Phật ở điện Ma Vương.
Một niệm tâm ác sanh,
Ma Vương trong điện Phật.
Một niệm tâm thanh tịnh dấy lên tức là Phật ở trong cái điện ngũ uẩn của mình. Một niệm tâm ác mình dấy lên tức là ma ở trong thân ngũ uẩn. Cho nên muốn làm ma hay làm Phật là tùy quý Phật tử. Nếu hằng ngày kết gieo những hạt giống xấu ác, thì như một mảnh vườn không trồng hoa, không trồng cây kiểng, mà toàn là cỏ dại.
Có những người đến chùa gieo toàn những hạt giống xấu ác là hạt giống ma, Ngài Nam Sơn nói: “Các ông đến chùa không chịu lượm châu báu mà lượm toàn là phân.” Các ngài nói mạnh lắm. Mình đến chùa phải gặt hái những điều phước thiện, tức là thân làm lành, miệng nói lời lành, và ý nghĩ điều lành. Chúng ta hoàn bị phương hướng mà chúng ta đi, tức là phải gieo những niệm lực và nguyện lực trong hạt giống của mình.
Vô lượng kiếp Đức Phật luôn luôn gieo những hạt giống thiện pháp trong tàng thức, cho nên thân tướng của Ngài hào quang sáng chói, trăm ngàn vị Phạm Thiên cộng lại ánh sáng cũng không bằng.
Khi quý Phật tử nhận được tâm Phật của mình thì nhìn đâu mình cũng thấy Phật, mình không bao giờ dám coi thường một người nào hết. Mình cũng không cống cao, không ngã mạn, bởi vì ai cũng là Phật. Vạn pháp đều là Phật, hiển bày trên ngọn cỏ, cành cây, hiển bày lên tất cả cảnh giới thực tại. Các Ngài thấu suốt như vậy, đến mức độ các Ngài khẳng định cảnh giới ta bà khổ đau này cũng là cảnh giới tịnh thổ của Đức Phật A Di Đà.
Khi mình gieo tâm Phật thì chắc chắn khi chết mình trở về với Bổn Nguyện Phật Di Đà. Còn mình gieo tâm ma mà đòi lên cõi Phật thì chuyện đó không có. Cho nên các ngài nói mình tu là tu nhân chứ không phải tu quả. Nhân tức là mình hoàn bị tâm Phật của mình thì chắc chắn mình chết mình trở về cõi Phật. Khi thể nhập được tâm Phật thì mình nhìn tất cả mọi người, tất cả vạn pháp đâu đâu cũng có Phật hết, chứ không gặp ma nữa.
Một hôm Tô Đông Pha với Thiền sư Phật Ấn cùng ngồi thiền. Sau khi xả thiền, lúc ngồi uống trà, Thiền sư Phật Ấn hỏi:
- Hồi nãy tôi thấy ông nhìn tôi cười mà không biết ông cười cái gì.
Tô Đông Pha nói:
- Hòa thượng ngồi thiền nhìn giống như một đống phân bò nên con cười.
Tô Đông Pha hỏi:
- Hòa thượng cũng nhìn con cười. Hòa thượng thấy gì mà cười?
Thiền sư Phật Ấn:
- Tôi thấy ông ngồi thiền đẹp quá, trang nghiêm như Phật.
Tô Đông Pha đi đâu cũng kể xưa giờ ông thua Thiền sư Phật Ấn, nhưng hôm nay ông thắng lớn rồi. Về đến nhà ông kể câu chuyện này cho cô Tô Tiểu Muội. Cô Tô Tiểu Muội nói:
- Anh thua rồi. Thiền sư Phật Ấn thấy anh ngồi giống như Phật vì tâm của Ngài đã thể nhập vào tâm Phật, cho nên nhìn tất cả mọi người đều là Phật. Còn tâm anh xấu dơ, ô nhiễm, cho nên anh nhìn người nào cũng thấy là đống phân bò.
Câu chuyện trong Nghệ thuật sống:
Có một ông mất cây búa, ông nghi đứa bé hàng xóm lấy. Nhìn nó đi, đứng, nằm, ngồi ông đều thấy tướng ăn trộm của nó hiện ra. Nhưng một hôm ông thấy cây búa ở trong đống rơm, ông nhìn đứa bé không còn thấy tướng ăn trộm nữa. Là do tâm của mình!
Qua phần này tôi nêu lên cho quý Phật tử thấy, mình muốn thành Phật hay muốn thành ma là do trong đời sống hằng ngày của mình. Đời sống mình quá ô nhiễm, đời sống mình tật đố, tham sân, ích kỷ, đụng đâu cũng phiền não, bực tức sân hận thì khi chết năng lực nghiệp này nó đẩy mình. Tổ Quy Sơn nói: “Giống như lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp, nặng đâu thì sa đó.” Hằng ngày mình gieo hạt giống ma thì chắc chắn chết mình về cõi ma. Hằng ngày gieo tâm Phật thì chắc chắn rằng chết mình trở về cõi Phật, rất là đơn giản.
Tại thành Cẩm Châu ở Trung Quốc có hai ngôi chùa gần nhau. Ngôi chùa thứ nhất là Xuất Thủy Tự, ngôi chùa thứ hai là Hương Tích Tự. Chùa Hương Tích Tự có ba vị Hòa thượng tu hành rất tinh tấn nhưng ít ai để ý. Ngược lại chùa Xuất Thủy Tự thì ai cũng tìm đến. Chùa Xuất Thủy Tự có tên như thế, là do ở đó có cái giếng, ai bệnh uống nước giếng này đều hết bệnh.
Một hôm vua bệnh rất nặng, vua sai người đến múc nước giếng đem về uống cũng hết bệnh. Vua xuất ra một số tiền rất lớn, xây lại chùa như cung điện nguy nga. Chùa ngày nào cũng tấp nập, khắp nơi người ta kéo đến uống nước giếng chữa bệnh. Tiền cúng dường rất là nhiều, Tăng chúng về tu tổng cộng một ngàn vị. Người ta cúng dường nhiều quá cho nên quý thầy ở đó tu hành cũng hơi giải đãi, không còn tinh tấn như ngày xưa nữa.
Một hôm có mười tám vị ăn mày áo quần rách rưới, hôi hám đến xin một bữa cơm. Thầy tri khách nhất quyết không cho vào mà còn xua đuổi:
- Chỗ này là chỗ thanh tịnh trang nghiêm, các ông là ăn mày, ăn xin tại sao lại vào đây.
Bị xua đuổi, mười tám vị ăn mày đồng hát lên:
Hồn nhiên mà đi chừ tùy duyên mà độ người.
Tức là hồn nhiên đến cũng hồn nhiên đi chớ không buồn không giận gì hết. Đủ duyên thì đến để độ người, mà ở đây họ không có duyên, thì thôi đi nơi khác.
Từ bi để lòng chừ bổn phận thầy Tăng.
Tức là ông Tăng phải có lòng từ bi. Tăng không có lòng từ bi là không đúng. Vừa rồi ở Sóc Trăng, chùa của người Khơ Me, có hai chú tiểu phạm lỗi gì đó mà Sư trụ trì bắt phạt bằng cách nhúng hai bàn tay vào chảo nước sôi. Đây gọi là gieo hạt giống ma chứ không phải hạt giống Phật. Tôi cũng nuôi chú tiểu, mười hai chú. Mấy chú làm gì sai thì mình dạy bảo ráng cố gắng tu học. Chứ phạt như thế là không thể hiện đức tính từ bi của người tu Phật. Khi gieo hạt giống nghiệp ma chắc chắn chúng ta chết đi vào con đường ma. Tu mà không có từ bi thì không phải là tu.
Công danh lợi dưỡng chừ vốn thuộc nghiệp ma.
Công danh lợi dưỡng mình đắm đuối đó là nghiệp của ma, là gieo hạt giống ma.
Nhân quả rõ ràng chừ Phật tại tâm.
Phật tại tâm. Phật không có ở trong núi. Vua Trần Thái Tông vào trong núi thì quốc sư Phù Vân hỏi:
- Bệ hạ vào trong núi tìm cái gì?
Vua Trần Thái Tông nói:
- Trẫm vào trong núi mục đích là để tìm Phật.
Quốc sư Phù Vân nói:
- Phật không ở trong núi, Phật chính ngay nơi tâm của Bệ hạ. Tâm lặng mà rõ biết, chính là tâm Phật của Bệ hạ.
Phật không có ở trong núi, không ở trên rừng, mà chính ngay nơi tâm mình. Hiểu sâu về con đường Phật pháp mình mới thấy giá trị của Phật pháp. Phật ngay nơi tâm, nhưng không phải tâm vọng tưởng, tâm vọng tưởng là tâm ma.Tâm lặng mà rõ biết, đó là tâm Phật. Mình ngồi suy nghĩ lung tung là tâm ma. Còn tâm mình lặng mà mình nghe tiếng chim kêu, dế gáy, gió thổi mà không trụ trên tướng sanh tâm, đó là tâm Phật của mình.
Mười tám vị ăn mày ghi lên cổng chùa:
Xuất thủy chẳng xuất Tăng. Chỉ lưu một ông Tăng đốt nhang đèn.
Tức là chùa này chỉ ra nước chứ không phải ra Tăng, không đào tạo được Tăng. Khi phát giác câu kệ này, các vị Tăng báo với Hòa thượng trụ trì, ông sai Tăng chúng ở đó lấy nước rửa. Càng rửa, chữ càng nổi lên. Sợ quá ông bắt đập bức tường, xây bức tường mới. Trên bức tường mới, chữ càng hiện lên rõ ràng, càng đậm hơn nữa.
Rồi nước giếng uống vào người ta bị thổ tả, bị ói mửa, giếng nước thì bốc mùi hôi thối. Trong chùa bắt đầu án mạng xảy ra liên tục. Người ta bắt được một tên cướp, nó khai số người trà trộn xuất gia lẫn lộn trong Tăng chúng rất nhiều. Vua quyết định tịch thu hết tài sản của chùa. Không có cơm ăn, không có vật dụng cho nên Tăng chúng bỏ đi hết, chỉ còn lưu lại một ông Tăng tám chục tuổi đốt nhang đèn. Y như câu mà mười tám vị ăn mày ghi trên cổng chùa: “Xuất thủy chẳng xuất Tăng. Chỉ lưu một ông Tăng đốt nhang đèn”.
Ngược lại, tại chùa Hương Tích, ba vị Hòa thượng tu hành rất trang nghiêm. Mười tám vị ăn mày đến xin bữa cơm, gặp mùa đông tuyết đổ ngập đường. Ba vị Hòa thượng lo xong bữa ăn đạm bạc cho mười tám vị ăn mày rồi, mới bắt đầu đi vào thành để xin mười tám cái mền.
Tối hôm đó ông quan giám sát nằm mộng thấy một vị Hộ pháp nói: “Làm lành ham bố thí thì có phước về sau.” Ông tỉnh giấc thì gia nhân báo có ba vị Hòa thượng đến xin một số mền. Ông hỏi cần bao nhiêu, gia nhân báo cần mười tám cái mền bông. Khoảng một, hai giờ đêm ông quan này nằm mộng một lần nữa. Ông nghe nói đời trước ông không tạo nhân lành, không gieo thiện pháp nhiều nên đời này ông không có con. Nhưng bây giờ do cái phước ông khởi tâm cúng dường cho những vị Hòa thượng mười tám cái mền bông, chắc chắn ông sẽ sanh được một đứa con trai, sau này không những nó nối dõi tông đường, mà tổ tông rạng rỡ cũng vì nó. Và khuyên ông ráng cố gắng hộ pháp chùa Hương Tích Tự.
Khi mười tám vị ăn mày ngủ đêm trong phòng thì ba vị Hòa thượng bàn nhau tìm cách gì đó để mai vào thành xin thức ăn cho các vị này ăn sáng. Khi ba vị Hòa thượng chuẩn bị đi, mười tám vị ăn mày nói khỏi cần, chúng tôi đi rồi. Ba vị Hòa thượng giựt mình, nhìn trên mặt tuyết không thấy có dấu chân. Vào chỗ mười tám vị ăn mày nằm ngủ thì thấy mười tám vị A-la-hán rực rỡ, hào quang sáng chiếu.
Sau khi nằm mộng, quan giám sát đến Huơng Tích Tự, đề nghị khắc mười tám tượng bằng vàng để thờ trong chùa. Và ông bỏ ra một số tiền rất lớn xây chánh điện, nhà tổ, thiền đường, nhà ăn. Từ đó ông xin đổi tên chùa thành La Hán Tự, bây giờ bên Trung Quốc vẫn còn.
Người ta đến La Hán Tự hành hương, tu tập nhiều bao nhiêu, thì ngược lại chùa Xuất Thủy Tự cỏ hoang mọc đầy không có ai đến. Khoảng ba năm sau, một vị Hòa thượng chống gậy đến gặp Hòa thượng trụ trì La Hán Tự nói:
- Thưa Ngài, tôi nghe nói vùng này có chùa La Hán mà tôi không tin. Bởi vì ngày xưa tôi nhớ chùa này gọi là Hương Tích Tự mà không hiểu tại sao bây giờ đổi thành La Hán Tự. Tôi hỏi nhiều người, người ta kể ra câu chuyện này. Mà Hòa thượng biết tôi là ai không? Tôi chính là vị trụ trì ngày xưa ở Xuất Thủy Tự. Lúc đó chùa tôi giàu có, tiền bạc không biết chỗ nào mà để. Tôi xây mười cái Hương Tích Tự cũng được nhưng mà tôi chỉ ngó. Tôi nghĩ mấy người này không có phước, rồi thôi mặc kệ.
Ngày hôm nay tôi mới giựt mình, tôi biết công đức Hòa thượng tu hành rất lớn. Mà khi đó, tôi để cái tâm của tôi trong công danh lợi dưỡng, tức là tôi gieo nghiệp ma, nó động đến mười tám vị La Hán. Các ngài xuống để dạy tôi mà tôi không biết. Phước lực tôi quá dồi dào, đến mức độ cái giếng nó phun ra toàn là thuốc, người ta uống hết bệnh. Tôi nghĩ trên đời này không ai bằng tôi, tôi không màng đến mười tám vị ăn mày, cho nên tôi xua đuổi, tôi không ngó ngàng đến. Mà dẫu người ta đến nói đây là mười tám vị La Hán hiện thân tôi cũng không tin. Bây giờ tôi mới biết công đức của Ngài đúng là Phật sống.
Vị trụ trì La Hán Tự nói:
- Tôi không dám nghĩ tôi là Phật sống, mà tôi cố gắng tu tập để tâm mình giống như một đám mây lưu lộ trong không gian và thời gian này, để trở về tâm Phật, bước đi trên con đường của Như Lai Phật Tổ chớ tôi không nghĩ mình là Phật sống.
Vị Hòa thượng chùa Xuất Thủy Tự khóc nói:
- Ngày xưa người ta đến cúng dường rất nhiều, mới đầu tôi tưởng là tôi không bị dính mắc. Cuối cùng chỉ có tâm tiền, mất đi tâm Phật. Mỗi ngày đốt hương lễ Phật tụng niệm kinh điển cho đến thời khóa công phu, toàn là gieo nghiệp ma mà không gieo hạt giống Phật. Do nhân duyên đó nên động đến mười tám vị La Hán. Các Ngài đến cứu tôi mà tôi không bước ra khỏi vũng bùn. Ngày hôm nay tôi xin một điều là cho tôi làm ông tăng bình thường, ở đây tôi quét lá đa, tôi làm công tác Phật sự giống như một chú sa di. Xin ngài giúp dùm tôi.
Hòa thượng trụ trì La Hán Tự nói:
- Xưa tôi với thầy cũng là bạn đạo thâm giao, thầy bây giờ cũng lớn tuổi rồi, thôi bây giờ thầy ở sát bên tôi tu tập.
Hay một điều là cuối cùng hai vị Hòa thượng cùng đắc đạo thành chánh quả trong một ngày. Tâm ma mình buông xuống, tâm Phật hiển lộ lên, thì tức khắc chứng nhập vào con đường Niết-bàn, rất là đơn giản. Chúng ta tu học để gạn lọc hết tâm ma của mình. Đó là mục đích của tu học, dù mình tu bất cứ pháp môn nào. Thân tâm ngũ uẩn của mỗi con người chúng ta, Đức Phật nói tâm Phật ít lắm, tâm ma thì nhiều hơn.
Cho nên tôn giả Tịch Thiên nói, một khi quý Phật tử làm thiện pháp, không phải tự nhiên mình khởi tâm mà do vô lượng mười phương chư Phật tác ý vào trong tâm thức của mình, để cho tâm thức mình sống dậy phát khởi thiện tâm. Mà khi vừa nghĩ làm chuyện gì đó, bắt đầu tâm ác nó khởi lên. Duy thức học nói trong tàng thức của mình có năm mươi hai hạt giống, mà có mười hạt giống thiện thôi, còn bốn mươi hai hạt giống ác. Như vậy cái ác nhiều hơn cái thiện.
Chẳng hạn như hôm nào đó mình đến một ngôi chùa đang xây dựng, mình khởi niệm cúng dường mười bao xi măng, mà mình không cúng liền, mình nói đi vệ sinh xong rồi lên cúng. Khi mình lên mình lại nghĩ thôi để đợt sau. Vậy là mất, không cúng, không làm. Ý tôi nói là vừa khởi lên hạt giống thiện pháp mình làm liền, chớ mình suy nghĩ là bắt đầu hạt giống ác nó đến. Điều này chúng tôi đã từng kinh nghiệm qua.
Tôi có người bạn đồng tu, hồi xưa ở trên Trúc Lâm với chúng tôi, sau này về Buôn Mê Thuột. Thầy nhận một ngôi chùa, một ngôi cổ tự xưa mà tôi thấy cũng còn đẹp lắm. Bữa nọ ông điện đến nói với tôi:
- Sư huynh, có một người họ phát tâm cúng dường tôi bốn mươi ba tỷ, tôi định phá cái chùa này ra xây chùa mới, ông thấy sao?
Tôi nói:
- Bây giờ ông nhận tiền chưa?
- Chưa, nhưng bà thí chủ gặp tôi rồi.
- Chừng nào cầm tiền trong tay rồi mới tính. Ông nghe lời tôi đi, ông đập ra mà người ta không cúng là chết luôn.
- Thầy cứ nghi vậy không hà.
Bắt đầu ông đập, ông nghĩ sẽ có bốn mươi ba tỷ, cho nên ông vay ngân hàng một tỷ mấy, làm lễ đặt đá lớn lắm. Sau đó ông điện thoại mười lần, lần nào cũng chỉ nghe tiếng nói: “thuê bao quý khách vừa gọi hiện thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.” Người đó người ta hứa thật, nhưng khi về nhà gác tay lên trán, bắt đầu ác pháp nó lấn.
Kinh Pháp Cú kể câu chuyện:
Có ông đại phú rất giàu, gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Một hôm ông đi vào khu rừng, thấy một cây cổ thụ, ông nghĩ cây cổ thụ này chắc có thần ở, ông đến đảnh lễ cây cổ thụ nói rằng: “Nếu thần cho tôi có con thì tôi sẽ bảo hộ cây này, không ai được chặt phá, và hằng tháng tôi đều đến cúng cho ông ăn.” Khoảng một tháng sau, vợ ông báo tin có thai. Sanh được con trai đầu lòng, ông đặt tên là Mahapala tức là Bảo trợ anh. Một thời gian vợ ông mang thai, sanh tiếp một đứa con trai nữa, ông đặt tên là Cullapala, tức là Bảo trợ em. Hai anh em lớn lên, cha mẹ mất để lại gia tài rất lớn.
Một hôm trên đường đi công việc về, người anh thấy từng đoàn người nam nữ, già trẻ, tay cầm hương hoa dầu đèn cùng đi chung một đường. Ông ngạc nhiên hỏi, những người này nói là hôm nay có Đức Phật Thích-ca-mâu-ni ngự ở vùng này thuyết pháp cho nên chúng tôi đến nghe pháp và cúng dường. Nghe vậy ông tò mò đi theo.
Thời pháp hôm ấy, Đức Thế Tôn nói về bố thí sanh thiên, tạo các việc thiện pháp, tu tập. Ông thức tỉnh, phát tâm xuất gia. Phật hỏi:
- Ông còn cha mẹ, vợ con, anh em gì không?
- Chỉ còn một người em ruột, bạch Đức Thế Tôn.
- Ông về báo cho em ông biết, nếu em ông đồng ý thì Như Lai sẽ xuất gia cho ông.
Xuất gia rồi, ở tinh xá Kỳ Viên một thời gian, Tỳ-kheo Mahapala đến xin Đức Thế Tôn đề mục Thiền quán, và rủ thêm sáu mươi thầy Tỳ-kheo vào rừng tu. Tỳ-kheo Mahapala suốt ngày đêm ngồi thiền không ngủ, không đặt lưng xuống chiếu. Thức nhiều quá nên con mắt bị sưng, Đức Thế Tôn cho một y sĩ đến chữa mắt cho ông. Vị y sĩ nói nếu không ngủ chắc chắn con mắt ông sẽ bị hư và bị mù. Ông nói vô số kiếp ông đã từng bị mù mắt nên kiếp này ông không sợ, và ông vẫn ngồi thiền suốt đêm không ngủ.
Một đêm bỗng nhiên ông đạt đến sự giác ngộ, tức là chứng quả vị A-la-hán, đồng thời con mắt ông mù luôn. Khi trở về tinh Xá Kỳ Viên, tôn giả A-nan rất ngạc nhiên hỏi Phật:
- Tỳ-kheo Mahapala sanh ra trong một gia đình phú hộ, đó là phước thứ nhất. Phước thứ hai là ông ra đời gặp Phật. Phước thứ ba là ông được xuất gia. Nhưng con thắc mắc quá, không hiểu nguyên nhân tại sao ông lại bị mù mắt.
Cho nên khi nghịch cảnh đến gia đình mình, mình nói tại sao mình làm thiện, tại sao mình như thế này, mà lại gặp cái hoàn cảnh như vầy.
Đức Thế Tôn kể:
- Thời quá khứ lâu xa Tỳ-kheo Mahapala là một vị thầy thuốc chuyên chữa bệnh mắt rất giỏi, bệnh nặng cách mấy ông cũng chữa khỏi. Một hôm có một bà già mắt sưng húp, nhức nhối chịu không nổi, đến gặp ông nói:
- Thưa thầy, thầy chữa giúp bệnh cho tôi đi. Nếu thầy chữa tôi hết bệnh, tôi sẽ đến ở đợ cho thầy suốt đời. Mà không chỉ tôi, hai đứa con tôi, một trai một gái cũng sẽ tình nguyện làm nô lệ cho thầy.
Vị thầy thuốc bào chế cho bà một loại thuốc nước nhỏ mắt. Về nhà, bà nhỏ thuốc vào mắt thì mắt không còn đau nhức nữa, ngày thứ hai thì mắt bớt sưng, ngày thứ ba mắt bà thấy rõ ràng, còn sáng hơn ngày xưa. Bà mừng quá. Khi tâm mừng vừa khởi lên, thì cái tâm gì nó kế bên quý Phật tử biết không? Bà khởi tâm: “Sao mình ngu quá, mình đến hầu hạ, mình làm nô lệ cho ông thì còn được đi, hai đứa con mình tội tình gì mà phải đến hầu hạ ông ấy. Thôi, bây giờ mình đã có cách.”
Bà đến gặp ông thầy thuốc: “Trời ơi tôi tưởng là thuốc ông hay lắm, tôi nhỏ vào nó nhức hơn nữa. Vậy mà ông nói thuốc ông hay!” Ông thầy thuốc nói trong bụng: “Bà xạo với tôi. Được rồi, bà xạo tôi cho bà chết! Bà nói mắt bà không thấy đường phải không, tôi cho bà không thấy đường luôn!”
Ông suy nghĩ như thế bà đâu có biết. Ông nói với bà: “Thuốc đó chưa hay đâu, thuốc này còn đặc biệt hơn, bà nhỏ vào không những canh ngày bà thấy, mà canh đêm bà cũng thấy luôn.” Bà tin quá, bởi vì thuốc đợt trước mới nhỏ ba ngày mà bà đã sáng mắt rồi. Bà đem lọ thuốc về nhà, nhỏ vào mắt bà mù luôn.
Phật nói do nhân duyên đó mà ông rớt xuống địa ngục chịu vô lượng khổ, khi tái sanh vào loài ngạ quỷ, hoặc súc sanh, kiếp nào cũng bị mù mắt hết. Và đến đời này sanh lên làm người, gặp Phật, tu chứng quả, cái nghiệp nó vẫn còn đeo đuổi mãi.
Khi bà già đến gặp ông thầy thuốc, ngay trong giờ phút đó bà dùng tâm gì? Dùng tâm Phật, dùng tâm tha thiết, dùng niệm lành mà nói. Khi bà dùng tâm Phật, dùng niệm lành thì tâm Phật của ông thầy thuốc cũng sống dậy nên nó mới tương ưng. Nhưng khi mà bà bớt bệnh rồi thì bà dùng tâm ma bà nói. Tâm lường gạt là tâm ma rồi. Khi tâm ma vừa dấy khởi thì ông cũng dùng tâm ma luôn.
Nhưng quý Phật tử phải chú ý chỗ này, điều đặc biệt nhất trong tinh thần của nhà Phật là, người ta dùng tâm ma làm hại mình, mình dùng tâm ma mình đối đãi là mình chịu nhân quả. Nếu mà ngày xưa ông biết Phật pháp thì ông nói: “Bà lường gạt mình, thôi kệ, miễn sao bà hết bệnh là được.” Nhưng ngay trong giờ phút đó ông mê lầm cho nên ông gây ra nghiệp, tức là chịu khổ.
Ví dụ có người chửi mắng mình, mình nói: “Ông chửi tôi phải không, tôi mướn xã hội đen xử ông” thì ngay trong giờ phút đó là mình gieo nghiệp ma, nghiệp này ai gánh? Mình gánh, mình khổ. Tinh thần nhà Phật là nhân quả rõ ràng, không có trốn chạy. Có những lúc mình thấy tại sao mình làm thiện, con mình làm thiện, mà sao lại gặp hoàn cảnh này. Là do đời trước chúng ta đã gieo những hạt giống bất thiện nhiều quá. Khi quả nghiệp nó trổ ra rồi thì không có trốn tránh được. Cho nên mình tu tập là hằng ngày mình phải gieo niệm lực và nguyện lực thiện pháp để bổ túc cho phương trình đi đến con đường giác ngộ giải thoát. Rất là cần, không phải chuyện thường thường đâu.
Mình tu tôi thấy hơi sơ sài, mình không nhìn kỹ, mình đến chùa, lạy lạy xá xá, mình tưởng vậy là xong, là hoàn thành trách nhiệm của người tu học. Không phải vậy đâu. Chúng ta có mặt trong cuộc đời này, chúng ta phải tu tập chuyển hóa, phải hóa giải như thế nào để thành tựu trên bước đường giác ngộ và giải thoát. Không phải mình đến mình niệm niệm hai ba câu là xong, Phải bổ túc trong từng sát-na niệm chứ không phải chuyện thường đâu. Niệm ác vừa dấy lên là chúng ta tìm cách chuyển hóa nó liền, không chạy theo dính mắc, đắm đuối mà gây nghiệp. Hiểu được như thế mình phải tu tập để thấy những cái niệm đó.
Cho nên Thiền sư Khuê Phong khai thị đồ chúng:
“Làm việc có nghĩa là tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa là tâm cuồng loạn. Cuồng loạn theo tình niệm, lâm chung bị nghiệp lôi. Tỉnh ngộ không theo tình, lâm chung hay chuyển nghiệp”.
Làm việc có nghĩa là tâm tỉnh ngộ. Tức là mình không chạy theo vọng tưởng điên đảo mà mình điều phục ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tâm tỉnh ngộ thì khi lâm chung mình chuyển được nghiệp. Làm việc vô nghĩa tức là mình chạy theo vọng tưởng điên đảo, tạo nghiệp thân, khẩu ý, lâm chung bị nghiệp dẫn lôi, không làm chủ được.
Câu chuyện trong Nghệ thuật sống:
Có hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Bà vợ rất giỏi, gia tài sự nghiệp là do bà làm ra. Một hôm bác sĩ phát hiện bà bị bệnh rất nặng không thể cứu được. Ông chồng thương bà quá, vào thời đó chưa có máy chụp hình, nên ông nhờ họa sĩ vẽ chân dung bà để hằng ngày ông ngắm nhìn cho đỡ nhớ.
Bà dặn họa sĩ, mũ áo của bà phải vẽ nhiều hạt kim cương đính vào. Ông họa sĩ ngạc nhiên:
- Trên nón trên áo bà không có hạt kim cương nào hết mà sao kêu tôi vẽ? Tôi sẵn sàng vẽ cho bà, nhưng bà phải giải thích cho tôi hiểu.
Bà nói:
- Tài sản này do tôi làm ra, tôi nghĩ tôi chết chừng một hai năm là chồng tôi lấy người khác. Người vợ thứ hai của chồng tôi thấy hình tôi mũ áo toàn là kim cương, bà ta tưởng của chồng cho tôi bà ta sẽ xin. Ông chồng tôi làm gì có kim cương mà cho, thì hai vợ chồng sẽ không có hạnh phúc. Tôi thích như vậy đó.
Quý Phật tử thấy giống mình không? Mình chưa vào hoàn cảnh đó, khi vào hoàn cảnh đó mình mới thấy trên cuộc đời này mình chẳng muốn ai được hạnh phúc khi họ sống với người thân của mình. Tâm thức của bà này ngay trong giờ phút đó gieo nghiệp bất thiện, không muốn ai hạnh phúc.
Cho nên tôi làm bài văn phát nguyện:
Hôm nay con phát nguyện,
Thấy người khác thành công,
Hoặc hạnh phúc gia đình,
Như chính con làm được.
Khi phát nguyện như vậy là mình đã gieo một hạt giống thiện pháp. Thấy người khác được thành công, được hạnh phúc cũng giống gia đình mình thành công, hạnh phúc. Nói như thế là quý Phật tử phải tu thôi, chứ không cách gì khác.
Cho nên tổ Đạt Ma khai thị:
“Trong tâm ba độc, đó là cõi nước nhơ nhớp. Trong tâm không có ba độc, đó là cõi nước thanh tịnh.”
Trong tâm mình không có ba độc tham sân si, đó là cõi nước thanh tịnh.
Kinh Duy Ma Cật nói:
“Muốn được Tịnh độ là phải tịnh tâm mình, tùy tâm mình tịnh, tức Phật độ tịnh.”
Quý Phật tử có thấy khi nào máy bay đổ xăng ở cây xăng này nó bay được không? Cõi Tây phương tịnh thổ mà Đức Phật diễn tả trong kinh Vô Lượng Thọ, cõi đó không đi bằng máy bay, không đi bằng phi thuyền mà đi bằng tâm, Phật dạy tâm phải tương ưng. Giống như chiếc máy bay, phải đổ xăng thích hợp thì nó mới cất cánh được. Tâm mình tịnh tức Phật độ tịnh. Muốn được Tịnh độ phải tịnh cái tâm mình trước.
“Giả sử cõi nước chẳng thanh tịnh, nhơ nhớp đầy dẫy mà Chư Phật Thế Tôn hiện ra thì không có việc này.”
Trong kinh Phật dạy rất là kỹ, nếu cõi nước chẳng thanh tịnh thì Chư Phật và Thế Tôn không có trong đó.
“Nhơ nhớp chẳng sạch đó là gốc của vô minh. Chư Phật Thế Tôn tức là tâm thanh tịnh. Tất cả nói năng, tất cả hành động chẳng có gì chẳng phải Phật pháp.”
Ngài Phó Đại Sĩ nói:
Đêm đêm ôm Phật ngủ,
Ngày ngày cùng Phật nằm.
Ngồi đứng hằng theo nhau,
Nói nín cùng chung ở.
Mảy mảy chẳng xa nhau,
Như hình cùng với bóng.
Muốn biết nơi Phật đi,
Chỉ chỗ nói năng đó.
Tối quý Phật tử ngủ có ôm Phật ngủ không? Là ông Phật của mình đó, gọi là đêm đêm ôm Phật ngủ, ngày ngày cùng Phật nằm. Đi đứng nằm ngồi đều có ông Phật kế bên. Các Ngài nói mình xuống địa ngục ông Phật này xuống luôn. Khi mình bị cái nghiệp địa ngục tra tấn hành hạ mình biết khổ, cái gì biết khổ tức là Phật rồi. Tánh biết là Phật, chỉ cần quý Phật tử trở về tánh biết, cái gì biết khổ, tức mình giải thoát.
Nhưng mà trở về không được, bởi hằng ngày mình sống với tâm ma mà không sống với tánh biết, không sống với tâm Phật nên mình không được giải thoát. Phật nói nếu chúng sanh ở cõi ta-bà này không có tâm Phật, thì Như Lai không bao giờ xuống cõi này. Không có tâm Phật thì cả đời mình cũng không chứng ngộ.
Bây giờ tôi đưa ra ví dụ đơn giản. Chẳng hạn như người ta cho quý Phật tử một hòn đá, đem về mình không biết làm gì, bởi vì mình thấy hòn đá là hòn đá, nó không có cái gì trong đó. Nhưng nhà điêu khắc tài ba thấy có ông Phật nằm trong đó. Bây giờ muốn Phật hiển lộ thì ông biết phải làm gì. Ông đẽo, gọt, mài, giũa một thời gian thì Phật hiện lên.
Ngay thân năm uẩn của mình Đức Phật biết là có tâm Phật, mà muốn cho ông Phật này hiển lộ thì quý Phật tử phải hoặc là ngồi thiền, hoặc là niệm Phật, hoặc là tụng kinh để cho tâm tham sân, tật đố, ích kỷ của mình nó rớt xuống. Gọi là đẽo gọt. Khi đến chùa quý Phật tử nghe pháp, tụng kinh cũng là đẽo gọt. Nhưng mình đẽo gọt mười ký về nhà mình đắp lại mười ký, có khi mình đắp hai chục ký, cho nên mình mãi là chúng sanh. Hoặc mình cũng đẽo gọt, cũng mài giũa, nhưng mà mài giũa chút xíu rồi bỏ, giống như củi chuẩn bị phựt lửa thì mình tắt, tắt rồi đốt lại. Cho nên mình tu cứ vậy mãi, không có phát huy được.
Giống như câu chuyện con chim và người thuơng nhân mà tôi đã kể, con chim muốn thoát ra khỏi cái lồng vàng thì nó phải chết. Đức Phật đã chỉ cho mình, muốn thoát ra khỏi cõi ta-bà đầy dẫy những cấu nhiễm, vô minh; muốn giải thoát cái thân tâm ngũ uẩn vô thường, mỏng manh tạm bợ của chúng ta để trở về đất Phật, trở về tâm địa của mỗi người, nhận ra tri kiến Phật và sống mãi, thì quý Phật tử phải chết. Chết những tâm niệm quá khứ, chết những tâm niệm xấu ác và sống lại trong ánh sáng vô niệm.
Tinh thần nhà thiền là “tuyệt hậu tái tô”, một niệm chết đi để ngàn năm sống lại. Có một lần nào đó mình ngồi thiền bặt hết vọng tưởng, rõ ràng thường biết, đó là mình chết. Chết những tâm niệm xấu ác, những hạt giống nghiệp ma của mình thì mình mới sống lại trong ánh quang minh của Đức Phật A Di Đà, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức. Mà mình không chịu chết! Chẳng hạn mình đi chùa, mình nghe chuyện gì đó của huynh đệ, chỉ là người ta hiểu lầm với nhau thôi, mình về nhà bấm điện thoại mình kể lung tung. Đó là mình không chịu chết.
Ở hội của Thiền sư Bạch Ẩn, một hôm ngài giảng bài pháp, ngài nói: “Tâm Phật của mười phương Chư Phật đều ở trong của tâm chúng sanh. Muốn trở về cõi Tịnh độ rất là đơn giản, chỉ cần các ông tỉnh thức, chỉ cần các ông chánh niệm thì dòng tương tục sinh mạng của ông chấm dứt, tức khắc Phật hiện tiền. Các ông chỉ cần chú tâm thì Phật hiện tại nơi tâm các ông tương ứng với mười phương Chư Phật, không có chuyện gì khó hết.”
Một bà già ngồi dưới pháp hội nghe vậy bà nói: “Trời ơi sao mà đơn giản quá, chỉ cần chú tâm thôi, vậy mà hồi xưa giờ mình tưởng tu khó.” Bà về nhà đi đứng nằm ngồi bà đều chú tâm. Một hôm bà đang rửa nồi, khi bà đặt cái nồi qua một bên thì bà phát minh được tâm địa. Bà thấy tất cả đều là Phật, chỗ nào cũng có Phật.
Bà lên trình Thiền sư Bạch Ẩn:
- Thưa Hòa thượng, bây giờ con thấy Phật rồi, con thấy ánh sáng của Phật trùm khắp, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức rõ ràng luôn.
- Bà thấy thật không?
- Dạ con thấy thật.
- Cái hầm phân của bà có Phật không?
Bà thoi Thiền sư Bạch Ẩn một cái:
- Ông già này chưa có ngộ.
Thiền sư Bạch Ẩn cười và ấn chứng cho bà. Bởi vì chỗ thanh tịnh có Phật mà chỗ nhơ nhớp không có Phật thì là Phật có ra có vào. Còn Phật tại tâm là khi mình nhận được rồi thì tất cả mọi nơi mọi chỗ, dầu là nhơ nhớp, cái gì cũng là Phật hết.
Thiền sư Pháp Nhãn ngài phát nguyện lễ lạy kinh Pháp Hoa, cứ một chữ ngài lạy một lạy, nhưng đến chữ phân ngài không dám lạy, bất giác ngài ngộ luôn. Khi ánh sáng tự tâm rọi vào, chết đi những vọng niệm điên đảo thì tất cả mọi nơi, mọi chỗ đều có Phật. Đó gọi là gieo tâm Phật thì nơi nào cũng có Phật.
THAM VẤN
Hỏi: Trong kinh Pháp Hoa có một đoạn nhân duyên, khi ông trưởng giả sai cùng tử hốt phân, thiền sư Pháp Nhãn thấy chữ phân không dám lạy. Như vậy mình có lạy không thầy?
Đáp: Có gì đâu mà không lạy. Nó là chữ, là văn tự, nó có dính gì đâu. Nhưng chính ý nghĩ phân biệt trong tâm niệm khởi lên “tại sao mình lạy cái đó”, tâm vừa khởi lên như thế tức là có tâm phân biệt. Chẳng hạn như cô gặp một người giàu sang, của cải đầy đủ thì mình nể, mình kính, còn người nghèo hèn mình không kính, tức là mình có tâm phân biệt giàu nghèo. Còn mình thấy với tâm Phật là bình đẳng. Người giàu tri thức cũng có tâm Phật, người nghèo khổ cũng có tâm Phật, thì tức khắc mình sống với tâm bình đẳng. Mà tâm bình đẳng tức là tâm Phật.
Hỏi: Thưa thầy, một người trước mặt thì khen, nhưng sau lưng thì nói xấu, thì tâm người đó như thế nào?
Đáp: Ở đây, tôi dẫn chứng trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy, miệng mình nói lời thiện, tâm mình nghĩ điều thiện tức là định huệ đồng đẳng. Còn nếu miệng mình nói lời thiện mà tâm mình nghĩ ác tức là định huệ không có. Chẳng hạn như nhà bạn mình hôm qua bị cháy rụi hết, mình đến chia buồn. Miệng mình nói tội nghiệp chị, thương chị quá. Đó là miệng mình thiện. Nhưng mà trong tâm mình nghĩ cho mày chết, hôm qua mày chửi tao, bây giờ mày gặp cái quả rồi đó. Như vậy tâm mình ác. Miệng mình nói điều thiện mà trong tâm mình thương, mình tìm cách giúp đỡ, tức là tâm và miệng tương ưng, tức là tâm Phật, tâm bình đẳng.
Hỏi: Mô Phật, thầy giảng cho chúng con rõ về câu “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong tứ hoằng thệ nguyện.
Đáp: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” là tứ hoằng thệ nguyện của hàng Bồ-tát. Như Bồ-tát Địa Tạng có một cái câu phát nguyện là: “Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật.”
Chúng sanh mà chưa độ hết thề không chứng Bồ-đề. Địa ngục chưa hết thì không bao giờ thành Phật. Đó là chúng sanh về cái tướng. Chúng sanh nơi tâm mình: tâm tham, tâm sân, tâm tật đố, tâm ích kỷ mà chưa độ hết thì Bồ-đề không chứng. Mà tâm địa ngục, tâm xấu ác, tâm vô minh không hết thì sao thành Phật được. Có bao nhiêu chúng sanh đều đưa vào vô dư y Niết-bàn, độ mà không thấy mình đang độ, đó gọi là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.”
Hỏi: Khi ngồi thiền hay tụng kinh thì tâm rơi vào hôn trầm hoặc vọng tưởng. Thầy chỉ con có cách nào đối phó chúng.
Đáp: Người tu sợ nhất hôn trầm và vọng tưởng. Trường hợp bị hôm trầm là do mình tu chỉ mà không tu quán, rồi tâm lâng lâng chìm vào trong sự mê mờ, nghĩa là có định mà không có tuệ. Lục Tổ dạy là định tuệ phải đồng đẳng, trong định phải có tuệ, trong tuệ phải có định thì lúc đó mới tỉnh giác. Trường hợp bị vọng tưởng là do mình tu quán nhiều quá dẫn đến sanh vọng, thì phải chuyển qua tu chỉ. Chỉ quán song tu thì không có hôn trầm mà cũng không có vọng tưởng.
Các bài mới
- Nhìn đời như bọt nước - 13/09/2019
- Thông điệp của Địa Tạng Vương - 26/08/2019
- Hiếu hạnh của Thiền sư - 01/08/2019
- Gương sáng muôn đời - 15/06/2019
- Mùa hạ trong rừng - 13/05/2019
Các bài đã đăng
- Thiền tập chánh niệm - 09/03/2019
- Cầu an - 19/02/2019
- Sao mai đêm ấy, nẻo về ngày nay - 11/01/2019
- Xác định tinh thần và lập trường tu hành ( Phần 2): Phước thiện đối với người tu thiền - 12/10/2018
- Thành kính tưởng niệm 01 năm ngày viên tịch cố HT.Thượng Thiện Hạ Trung trụ trì TV Đạo Huệ - 19/07/2018
Trang tin
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88932
- Online: 36