Tham vấn đạo lý: Chủ đề Nhẫn Nhục

21/10/2014 | Lượt xem: 3896

ĐĐ.Thích Trung Huệ giảng tại TVTL Yên Tử

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy, từ khi con quy y Tam Bảo, học đạo, con biết mình phải tu nhẫn nhục, nhưng không hiểu sao, càng nhẫn thì trong con lại chất chứa càng nhiều phiền não không sao giải tỏa nổi. Có khi con muốn la lên hay hành động để thỏa mãn lòng uất ức nhưng nhớ lời Phật dạy là người đệ tử Phật phải nhẫn, rồi lại chất chứa khổ đau. Rất mong Thầy từ bi chỉ dạy để con có được niềm an lạc khi phải nhẫn nhục.

 

Trả lời:

Tâm sự này không riêng của Phật tử mà là của tất cả chúng ta. Trước khi trả lời, quý Thầy xin kể quý Phật tử nghe một câu chuyện. Có một anh đánh xe lừa, khi chở nặng quá, con lừa đứng một chỗ không đi nữa. Anh đánh xe lừa mới tìm ra một cách là cột cái bó cỏ trước gọng xe ngay trước mõm của con lừa. Con lừa thấy bó cỏ mới bước tới, vô tình kéo theo luôn chiếc xe, còn anh đánh xe lừa an nhiên đi. Ở đây, con lừa đi không phải là để kéo cỗ xe mà là mong muốn ăn được bó cỏ, nhưng càng bước tới thì bó cỏ vẫn ở phía trước, kết cục là một lúc nào đó nó có thể sẽ kiệt sức và không thể đi được nữa. Quý vị có thấy con lừa đó có ngu dại không? Chúng ta tuy không phải con lừa nhưng có khi học đạo cũng na ná giống con lừa đó. Đạo Phật là “hiện tại lạc trú”, có nghĩa là khi đến với đạo Phật, mình có một niềm vui ngay đây và bây giờ chứ không có hứa hẹn ngày mai, nhưng mình lại tu cho ngày mai, toàn làm cho ngày mai, còn hiện tại thì không dùng được, không ứng dụng được những điều Phật dạy trong đời sống.

 

Cổ đức có câu: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật xuất hiên, tam niên Phật thăng thiên”, tức là năm đầu Phật ở trước mắt, năm thứ hai Phật ra ngoài cửa và năm thứ ba Phật thăng thiên, có nghĩa là chúng ta mới đầu tu thì hăng hái lắm, nhưng tu riết thì phiền não lại càng tăng, mới tu thì ngã ít mà càng tu thì ngã càng nhiều. Mà đạo Phật dạy chúng ta có niềm vui ngay trong hiện tại, có nghĩa là mình phải ứng dụng những điều Phật dạy vào trong đời sống của mình. Đến Thiền viện nghe quý Thầy giảng thì như giải thoát đến nơi, nhưng khi về nhà thì đâu lại hoàn đó. Phật tử nghe nói nhẫn nhục, nhưng nhẫn thì khổ, mà không nhẫn cũng khổ, mà nhẫn nhiều thì chất chứa nhiều, khổ nhiều, giống như một trái bom, chất nổ chứa càng nhiều thì nổ càng lớn. Cho nên cổ đức nói: “Hôm nay anh không chửi tôi, coi chừng một ngày nào đó anh sẽ đánh tôi, anh không chửi, không đánh thì có ngày anh sẽ đâm tôi”, gọi là “tức nước vỡ bờ”, cho nên vấn đề này cũng rất thực tiễn trong đời sống tu hành, không những của riêng Phật tử mà của tất cả chúng ta. Sở dĩ chúng ta không hóa giải được những nỗi khổ niềm đau trong khi thực hành nhẫn nhục là sao? Vì chúng ta không biết được nhẫn nhục là gì, ý nghĩa của nó ra sao, đặc tính của nhẫn nhục như thế nào. Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu:

 

THẾ NÀO LÀ NHẪN NHỤC?

 

Trong Kinh Giải thâm mật có nói về nhẫn nhục như thế này:

 

Một là Nại quán hại nhẫn, là người khác đem đến những điều bất như ý đến cho mình mà mình vui vẻ chấp nhận, có nơi gọi là Sanh nhẫn. Sanh nhẫn bao gồm cả nại quán hại nhẫn và kể cả người ta có đem những điều lành đến cho mình, mình cũng phải nhẫn. Tại sao vậy? Người ta đem những điều không hay tới, mình nhẫn đã đành rồi, nhưng tại sao đem điều lành tới thì đáng lẽ phải vui chứ sao lại nhẫn? Quý Phật tử nên nhớ, mật ngọt thì chết ruồi. Có khi người ta không chết trong làn tên mũi đạn nhưng lại chết trong nệm ấm chăn êm, trong cảnh thuận nhiều khi lại chết. Đức Phật dạy năm món ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy như năm giọt mật nằm trên một lưỡi dao bén. Mật thì ngọt nhưng nếm vào thì đứt lưỡi. Cho nên nhẫn ở đây không những là nhẫn những chuyện trái ý nghịch lòng, mà cũng nhẫn luôn cả những việc thuận.

 

Hai là An thọ nhẫn, là vui vẻ chấp nhận những cái nhân duyên thời tiết bên ngoài đến với mình và cả những trạng thái tâm lý bên trong, chẳng hạn như lúc vui, lúc buồn, lúc sướng, lúc khổ. Cái đó mình cũng phải an nhẫn một cách vui vẻ.

 

Ba là Đế sát pháp nhẫn, nghĩa là thấy vấn đề đúng bản chất thật của nó rồi nhẫn. Nếu như mình thấy vấn đề không đúng như bản chất thật của nó mà nhẫn thì mình sẽ chất chứa. Tức là nhập sự, nhẫn sự nhưng lại sinh sự, thay vì không sinh sự. Chất chứa ở đây tức là sinh sự. Ví dụ người đời nhẫn là vì tiền mà nhẫn, sở dĩ tôi làm thuê, phải nhẫn chịu là vì tiền mà nhẫn, không có tiền thì đâu có nhẫn. Cho nên có nhiều khi mình tưởng người ta nhẫn nhưng không phải, Nhập sự, nhẫn sự nhưng lại sinh sự, chất chứa để rồi một ngày nào đó người ta sẽ báo thù bằng một hành động nguy hiểm hơn. Còn đối với nhà Phật thì nhập sự, nhẫn sự nhưng không sinh sự, không sinh sự thì tự nhiên vô sự. Bây giờ muốn không sinh sự thì chúng ta phải Đế sát pháp nhẫn, tức là thấy đúng bản chất thật của vấn đề thì chúng ta mới có thể vui vẻ chấp nhận được.

 

ĐẶC TÍNH CỦA NHẪN NHỤC

 

Trong Du già sư địa luận, quyển 51 có nói về đặc tính của nhẫn như thế này.

 

- Nhẫn thì không có nổi sân.

- Nhẫn thì không có oán hận.

- Nhẫn thì không có ác ý.

 

Khi chúng ta gặp những điều trái ý nghịch lòng đến với mình, mình không có oán hận thì đó mới gọi là nhẫn. Còn nhẫn mà trong lòng chất chứa đầy thì có một ngày nào đó sẽ bùng nổ, chứa ít thì bùng nổ ít mà chứa nhiều thì bùng nổ nhiều. Chứa thì đã khổ, mà bùng nổ thì càng nguy. Cho nên thế gian thường không có nhẫn mà chỉ chất chứa, cho nên có khi người càng hiền thì lại càng dữ, vì hiền thì chất chứa nhiều, chất chứa nhiều thì bùng nổ càng lớn. Cho nên nếu căn cứ vào định nghĩa và tính chất của nhẫn thì rõ ràng mình chưa thực sự thực hiện đúng về nhẫn nhục.

 

Quý vị thường nghe câu chuyện Đức Phật trong thời kỳ còn tu nhân là vị tiên Nhẫn Nhục. Vua Ca Lợi đi vào rừng săn bắn dẫn theo nhiều cung phi mỹ nữ, đến khi mệt thì ngủ quên. Cung phi mỹ nữ thấy vua ngủ mới đi xung quanh thì gặp vị Tiên Nhẫn Nhục, nghe vị tiên thuyết pháp, mấy cô thích quá ngồi nghe mê mải. Vua tỉnh dậy thấy không có ai bên cạnh mới đi tìm, gặp các cung phi đang quây quần bên một vị tu hành nên nổi sân, nói với vị tiên:

 

- Tại sao ngươi lại dám dụ dỗ cung phi mỹ nữ của ta?.

 

Vị tiên nói: Tôi tu hành, đã từ bỏ dục lạc thế gian, đâu có tâm quyến rũ mấy cung phi của Ngài.

 

Vua hỏi: Ông đã chứng A la hán chưa?

 

Vị tiên trả lời: Chưa.

 

Vua nói: Nếu chưa chứng A la hán thì lậu hoặc chưa sạch, không có lý nào thấy mấy cung phi mỹ nữ mà không ham. Những vị tiên tu chỉ hít thở không khí, ăn trái cây mà lòng dục vẫn còn, hà huống chi ông chưa chứng quả A la hán. Ta không thể tin được. Ông tu pháp môn gì?.

 

Vị tiên nói: Tôi tu Nhẫn nhục, người đoạn lòng tham dục không phải ở chỗ hít không khí hay ăn trái cây, mà là do quán vô thường và bất tịnh.

 

Vua Ca Lợi nghe nói càng tức, dùng gươm cắt lỗ tai của Ngài. Các cung phi mỹ nữ liền khuyên nhưng càng khuyên thì vua càng tức, nên cắt luôn cả tay chân của Ngài. Khi cắt thân thể Ngài như vậy thì máu tuôn ra ướt đẫm, các vị Trời hộ pháp Tứ thiên vương động lòng, nổi mưa bão. Nhà vua thấy vậy biết là mình đã sai lầm mới thành tâm sám hối. Khi vua sám hối, tiên Nhẫn Nhục nói:

 

Ta không có chút giận hờn nào với nhà vua cả.

 

Vua hỏi: Lấy cái gì để tin là Ngài không giận?

 

Lúc đó vị tiên phát thệ nguyện: Nếu như trong tâm tôi không nổi giận thì cho thân thể tôi được lành lại.

 

Sau khi phát nguyện xong thì thân thể của Ngài lành trở lại. Lúc bấy giờ, vua mới nguyện là sẽ đi theo Ngài học đạo. Vị tiên cũng phát nguyện: “Nếu sau này ta thành đạo thì ta sẽ độ ông trước”. Đức Phật kể câu chuyện tiền thân xong, mới nói: “Vua Ca Lợi chính là tiền thân của ông Kiều Trần Như, còn vị tiên Nhẫn Nhục đó chính là tiền thân của ta”.

 

Quý vị thấy chịu cảnh người ta cắt tay, cắt chân như vậy mà trong tâm không có sân, đó mới gọi là nhẫn. Bây giờ mình có được như vậy không? Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao chúng ta có thể hóa giải được những nỗi khổ khi gặp phải những điều bất như ý. Đây là vấn đề chúng ta cần mổ xẻ và tìm hiểu.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ỨNG DỤNG ĐỂ THỰC HÀNH NHẪN NHỤC

 

Vậy chúng ta phải làm gì để hóa giải những nỗi khổ niềm đau khi gặp những điều bất như ý?

 

Một trong những điều cần lưu ý khi thực hành phương pháp tu tập, ứng dụng những điều Phật dạy, hiểu biết đúng bản chất của vấn đề thì một là chúng ta tin vấn đề đó thì chúng ta cũng bớt dần. Mình không đòi hỏi cái tâm của mình là hoàn toàn trong sạch, nhưng mỗi khi trong lòng mình uất ức điều gì, mình tin tưởng những điều Phật dạy, thấy rõ đúng bản chất của vấn đề thì chúng ta cũng có thể hóa giải từ từ. Đó là cái thứ nhất. Thứ hai là quán chiếu những điều Phật dạy, khi mình quán chiếu, lặp đi lặp lại nhiều lần thì những nỗi khổ niềm đau sẽ vơi bớt đi. Thứ ba, những bậc đã chứng ngộ thì được sự an nhẫn đó, còn chúng ta thì phải đi theo hai phương pháp. Một là chúng ta tin và hiểu vấn đề đúng như bản chất của nó, và khi tin hiểu rồi mà chưa có hết thì chúng ta phải quán chiếu nó thì nó sẽ hết. Như vậy thì một trong những pháp đó chúng ta cần biết để ứng dụng trong đời sống.

 

Trong nhiều kinh, luận cũng nói về nhẫn, nhẫn thì có nhị nhẫn, tam nhẫn, tứ nhẫn…cho đến thập nhẫn. Có nhiều cách nhẫn, nhưng tóm lại chỉ bao gồm quanh các vấn đề sau:

 

1.Thấy được lợi ích của Nhẫn nhục

 

Để có thể an nhẫn mà lòng không sân hận thì chúng ta phải thấy được lợi ích của nó. Cái gì thấy có lợi thì đương nhiên mình làm.

 

- Cái lợi thứ nhất là trừ được lòng sân hận của mình. Nếu mà sân thì không nhẫn, mà nhẫn thì không sân, mà tai họa của sân hận bao nhiêu thì công đức của nhẫn nhục bấy nhiêu. Sân hận là một trong ba cái nghiệp lớn nhất của chúng ta, là nhân đưa chúng ta đọa vào trong các đường ác đạo, nó làm tổn hại chúng sanh, gây oan trái rất nhiều đời. Để thỏa mãn lòng sân thì mình không từ bất cứ một hành động nào. Rồi nó làm tổn hại phước báo của chúng ta, làm tổn hại tâm từ bi của chúng ta, làm hại đức tính nhẫn nhục ba la mật của một vị bồ tát, rồi kế nữa nó làm ngăn cản con đường giáo hóa chúng sanh. Và mỗi khi nhất niệm sân tâm khởi thì bách vạn chướng môn khai, có nghĩa là một niệm sân nổi lên thì muôn duyên làm chướng ngại mình. Trong khi đó thì nhẫn nhục sẽ trừ được lòng sân hận, sân hận tai hại bao nhiêu thì nhẫn nhục sẽ có lợi bấy nhiêu. Mỗi khi nhẫn thì tâm bình trí sáng, lùi một bước thì đường rộng thênh thang. Thấy được lợi ích của nhẫn thì chúng ta sẽ vui vẻ khi gặp những điều bất như ý.

 

-Lợi ích thứ hai khi nhẫn nhục là có sức mạnh. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, có một vị Tăng hỏi Đức Phật là: “Cái gì mạnh nhất?”, Đức Phật trả lời: “Nhẫn nhục mạnh nhất”. Người ta nói: Nhẫn là nhục, là hèn nhưng thật sự nhẫn là một sự dũng khí. Nếu mình không có sức mạnh thì làm sao mình có thể nhẫn được, nếu không có sức mạnh thì làm sao có thể chịu đựng nổi những điều khổ sở, trái ý nghịch lòng từ môi trường, hoàn cảnh đến với chúng ta. Người mà la lên tưởng là hay nhưng thực ra là vì không chịu nổi nên người ta la lên thôi, ví dụ như con cháu có làm gì trái ý, mình la lên tưởng là thị uy nhưng thực ra là vì chịu không nổi. Đó là yếu hèn chứ người mạnh là người điềm tĩnh chịu đựng. Trong Kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Đức tính nhẫn nhục, bố thí, trì giới, khổ hạnh không thể sánh bằng”. Tức là công đức của bố thí, trì giới, khổ hạnh không bằng công đức của nhẫn nhục. Khi chúng ta thực hành nhẫn nhục mới được mệnh danh là thượng nhân có sức mạnh bậc nhất.

 

Rồi Đức Phật cũng dạy: “Kẻ nào không nhận sự độc hại một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ thì người đó không thể gọi là bậc thượng nhân nhập đạo có trí”, có nghĩa là khi chúng ta thực hành nhẫn nhục thì có công đức lớn hơn cả bố thí, trì giới và khổ hạnh và là người có sức mạnh. Kế nữa, người nhập đạo (đạo Phật là đạo có trí tuệ) mà vui vẻ chấp nhận sự độc hại đến một cách hoan hỷ  như uống nước cam lồ (chứ không phải chấp nhận một cách khổ đau), đấy mới được mệnh danh là người nhập đạo có trí. Nếu mà mình nhập đạo thì cũng phải lấy sự nhẫn nhục làm đầu.

 

-  Lợi ích thứ ba là giúp bào mòn bản ngã của chúng ta. Vấn đề gì mình khổ đau đều do chấp ngã. Cái khổ là do tôi khổ mà thôi. Khi người ta cự nự mình hoặc đem những điều trái ý nghịch lòng đến mình tức là người ta đem công đức đến cho mình, rồi góp phần giúp đập chết cái bản ngã của mình. Cái ngã của mình là thành trì bản ngã, mình chấp ngã nhiều đời lắm, không ngã thô thì cũng ngã vi tế, nó ẩn núp nhiều chỗ tinh vi, tế nhị, khó thấy, khó hiểu. Cho nên người tu tiến bộ là thấy được cái ngã của mình nó ẩn ở cái chỗ mà ngày xưa mình không thấy. Như vậy người ta đem sự độc hại đến cũng là giúp cho chúng ta hiểu được mình như thế nào. Có nhiều người tưởng hiền nhưng chưa hẳn đã là hiền vì cái ngã ngủ ngầm trong đó, tại vì chưa có ai động tới nên cứ bình yên. Bình yên trong cảnh sóng gió mới thực sự là bình yên, còn bình yên trong cảnh bình yên thì chưa hẳn là bình yên. Mình sống mà lánh người này, lánh người kia, không dám va chạm, không ai đụng chạm tới mình cho nó yên, cho nó vui thì mình đang nuôi dưỡng cái ngã của mình. Nhờ mình sống trong cảnh trái ý nghịch lòng nên tâm mình khởi lên, mình đau khổ, lúc đó mới biết à, mình còn vấn đề này.

 

Bây giờ Thầy kể cho quý vị nghe câu chuyện trong tác phẩm Chữ hiếu, trích một bài thánh kinh, kể lại một câu chuyện của một cô Cali ở đợ cho một bà chủ. Bà chủ này nổi danh là một người hiền từ, nhân đức, nhưng cô Cali nói rằng: sống với bà chủ, lúc nào tôi cũng lo tươm tất hết, thức khuya dậy sớm, mọi việc đều lo đàng hoàng. Sở dĩ bà chủ không có phiền não, giận hờn là do tôi. Nếu muốn biết bà chủ có thực sự nhân đức, hiền từ thì phải thử. Một hôm, cô cố ý ngủ trễ, bà chủ mới hỏi: Mọi lần con thức dậy sớm, sao hôm nay con có bệnh gì không mà lại ngủ trễ vậy? Cô Cali trả lời: Con chẳng có bệnh gì hết, con chỉ thích như vậy thôi. Ngày thứ hai, cô này còn ngủ trễ hơn cả ngày hôm qua, bà chủ hỏi: tại sao hôm nay cô không thức dậy sớm? Cô trả lời: Thức như thế thì có sao đâu. Bà chủ nghe vậy liền mắng nhiếc thậm tệ. Qua ngày thứ ba, cô còn ngủ trễ hơn nữa, bà chủ chịu không nổi bèn la mắng và dùng gậy đánh cô. Cô đi ra ngoài mới nói rằng: Bà chủ tôi ngày xưa nổi tiếng là nhân từ, đức hạnh, nhưng bây giờ thì đánh tôi như thế đó.

 

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng sở dĩ bà chủ này được coi là nhân từ, đức hạnh là bởi vì không ai chọc đến bà hết, nếu có người chọc đến thì sao? Có trường hợp có người rất thương và chăm lo cho con chó nhưng lại thờ ơ với những người chung quanh. Như vậy gọi là ái kiến, nhiều khi mình thương con chó hơn những người xung quanh mình là vì những người xung quanh mình hay làm mình bất như ý, còn con chó không làm mình bất như ý nên mình thương nó hơn. Nhiều khi an em sống với nhau, nói những điều trái ý nghịch lòng, nhớ tới là giận rồi, nhưng về gặp con chó nó ngoe nguẩy cái đuôi là bắt đầu thấy thương liền. Tại sao? Tại con chó nó không động tới mình nên mình thương nó. Cho nên khi gặp phải những cảnh trái ý nghịch lòng mới biết lòng mình ra sao, chứ đừng thấy mình thương con chó là tưởng mình từ bi. Nếu nó làm gì động tới mình thì mình còn thương nó không hay là đánh nó liền? Cho nên đây là vấn đề rất tế nhị mà quý vị cần hiểu rõ. Nhưng nhờ cảnh trái ý nghịch lòng mình mới biết là mình có thanh tịnh hay không thanh tịnh, mình hiền hay không hiền, mình dữ hay không dữ, cho nên đây cũng là một cái lợi.

 

-  Kế nữa, muốn thành tựu sự nghiệp đều phải có đức tính nhẫn nhục. Không chỉ ở trong đạo mà ở ngoài đời, muốn làm một việc gì cũng phải có nhẫn hết. Một em học sinh muốn thành đạt phải chịu khổ học hành. Ông Phu Tử trước khi người đệ tử đi tham học nơi khác thì ông có dạy người đệ tử: “Ở trên đời này, không có hạnh nào hơn hạnh nhẫn nhục. Nếu nhà vua không nhẫn thì nước sẽ bị hại, chư hầu mà không nhẫn thì mất mạng, quan lại mà không nhẫn thì có bữa ngồi tù, còn trong gia đình anh em chồng vợ mà không nhẫn thì chia ly, bạn bè mà không nhẫn thì mất đi danh vị, còn bản thân mà không nhẫn thì tai họa khó lường”. Đó là nói chuyện ngoài đời. Còn trong đạo thì sao? Không có Thích Ca tự nhiên và cũng không có Di Lặc trời sanh. Đức Phật cũng từ một chúng sanh tu nhiều đời nhiều kiếp, và chư tăng, các bậc thánh nhân đi trước cũng đều để lại những gương hạnh tu hành khổ sở chứ không phải tự nhiên mà được thành đạt. Muốn có cơm ăn thì phải đi nấu chứ không phải tự nhiên mà có cơm ăn. Khi chúng ta hiểu rõ được vấn đề này thì khi những cảnh trái ý nghịch lòng đến với mình, mình có thể vui vẻ và hóa giải được một phần nào đó, còn đòi hỏi sạch hết thì phải từ từ, tại vì mình đang trên bước đường tu chứ không phải là một bậc thánh. Nhờ hiểu biết lợi ích của nhẫn nhục cho nên chúng ta hóa giải được những nỗi khổ niềm đau, sống trong cuộc đời bất hạnh.

 

2.Thứ hai là khi chúng ta thực hành nhẫn nhục, chúng ta phải thấy được trong cuộc đời này bao giờ cũng tồn tại các mặt đối lập, bên cạnh cái đúng cũng có cái sai, cái hay có cái dở.

Do đó, Ngài Quy Sơn nói, cái thân này do bốn đại hợp lại nhưng thường hay chống trái lẫn nhau. Như cái chánh điện này, quý vị thấy cái cột có khuynh hướng chống đỡ, nhưng cái mái có khuynh hướng đè xuống. nếu không có cái cột thì cái mái rơi liền, nhưng giờ chỉ có cột thì có thành chánh điện không? Cái mái không có làm thành chánh điện không? Không. Cho nên gọi là tương khắc mà tương sinh, nó trái nhau nhưng nó làm thành cho nhau, chẳng hạn như nước và lửa trái nhau nhưng làm cho cơm chín. Nước nhiều thì cơm nhão mà lửa nhiều thì cơm khê. Nhưng khổ nỗi trong đời sống, chúng ta thường chỉ muốn loại cái dở mà lấy cái hay, không ngờ cái điều dở cũng làm thành cho mình mà điều hay cũng làm thành cho mình. Mình loại trừ không được vì có cái này mới có cái kia, có cái kia mới có cái này. Có tốt mới có xấu, mà không có tốt thì cũng chẳng có xấu. thế mà mình chỉ muốn bỏ cái xấu lấy cái tốt. Một khi trong tâm ta có hai thì cảnh duyên còn tốt xấu, cho nên chúng ta phải thấy rằng việc bất như ý là một lẽ đương nhiên trong đời sống này và nó hình thành trong thế giới nhị nguyên này, Cho nên Hòa thượng Tinh Vân có câu rằng: Tất cả là lẽ đương nhiên. Cái tốt đến với mình, đó là lẽ đương nhiên, mà cái xấu đến với mình, đó cũng là lẽ đương nhiên. Hiểu được như thế thì khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, lòng ta vẫn được thanh thản, bình yên.

 

3. Ba là khi chúng ta thực hành nhẫn nhục, thì chúng ta phải có lòng từ bi.

Nhờ có lòng từ bi mà chúng ta mới thực hành nhẫn nhục được. Nếu không có từ bi thì không thể nhẫn nhục được. Do đó chúng ta phải phát khởi lòng từ của mình. Có một câu chuyện như thế này: Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, có một vị Tỳ kheo đi khất thực đến gia đình của một anh thợ bạc đang xỏ những hạt ngọc để thành một xâu chuỗi. Khi đến khất thực thì anh thợ bạc bỏ xâu chuỗi xuống dưới đất, chạy vào trong nhà để lấy đồ ra cúng dường cho vị Tỳ kheo. Vô tình khi anh chạy vào thì có hai con ngỗng đến nuốt mấy hạt ngọc, anh thợ bạc chạy ra thì thấy thiếu mấy hạt ngọc, hỏi: “Bạch Thầy, nãy giờ Thầy có thấy ai không?”. Vị Tỳ kheo lắc đầu, nói không thấy có ai. Anh thợ bạc cho rằng nếu không có ai thì chỉ có thầy Tỳ kheo lấy, cho nên đổ thừa, chửi và đánh ông thầy tỳ kheo. Ông Thầy Tỳ kheo thấy nếu nói thì anh này sẽ giết chết hai con ngỗng, còn không nói thì mình phải chịu đòn. Như vậy quý vị thấy, một là phải có lòng từ bi, hai là phải có sức chịu đựng. Vị Thầy Tỳ kheo bị đánh đến chảy máu, hai con ngỗng thấy máu chạy vào đớp, liền bị anh thợ bạc đang cáu đánh chết luôn. Vị Tỳ kheo thấy con ngỗng chết rồi, lúc ấy mới nói với anh thợ bạc là con ngỗng đã nuốt hạt ngọc. Anh này mổ bụng ngỗng ra, thấy có hạt ngọc thì hoảng sợ, quỳ xuống sám hối vị Thầy Tỳ kheo, và hỏi: Tại sao Ngài lại không nói sớm, để con phải đánh Ngài như thế? Vị Tỳ kheo nói: Nếu ta nói thì mấy con ngỗng chết, thà ta bị đau còn hơn để nó chết. Giờ nó chết rồi ta mới nói.

 

Quý vị thấy giả sử mình sống với chồng, con trong gia đình, nếu không có tình thương làm sao mình nhẫn được, rồi mình phải biết nhớ ơn mối quan hệ nhân duyên với nhau, hoặc vô tình hay cố tình làm những điều trái ý nghịch lòng cũng đâu đến nỗi đánh đập, cắt tai mình, tại sao mình lại không chịu nổi. So sánh như vậy thì tự nhiên giận nhiều thành giận ít, buồn nhiều thành buồn ít và nó sẽ hết đi. Đó là vấn đề thứ ba.

 

4.Bốn là khi chúng ta thực hành nhẫn nhục, chúng ta phải có một niềm tin nhân quả tuyệt đối.

 Nếu chúng ta không tin nhân quả thì không thể thực hành nhẫn nhục được. Vì ngày nào chúng ta còn đổ thừa cho “tại”, hay “bị” thì sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Sở dĩ quý Phật tử ngồi đây nghe Thầy nói chuyện không phải tự nhiên mà có, mà có nhân duyên nhiều đời. có nhiều nhân duyên trong đó, có nhân chính và nhân phụ, gọi là nhân-duyên-quả. Hoàn cảnh mà mình đang ở trong ngôi chánh điện này hay sống ở nhà với người bạn đời trong môi trường đất nước này đều do chính chúng ta tạo ra. Quý vị để ý, có khi từ sáng đến chiều mình hiền như ông Phật, có khi mình dữ như La sát, có khi mình tốt với người này nhưng lại xấu với người kia. Có khi mình đúng, có lúc mình sai, có những lúc hạnh phúc, có những khi khổ đau, nên cuộc đời này gọi là tổng báo. Đã do chính mình tạo ra thì gặp những cảnh trái ý nghịch lòng mình đổ thừa cho ai? Mình làm mình chịu chứ.

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

 

Cho nên khi gặp những điều bất như ý, chúng ta nên hiểu rằng đây là nhân quả do chính mình đang tạo ra, mà do chính ta tạo ra thì chỉ có ta mới có thể chuyển hóa được. Chuyển hóa bằng cách nào? Bằng cách làm phước và tu tập thì nghiệp nặng sẽ thành nhẹ và nhẹ sẽ triệt tiêu hết. Chúng ta chấp nhận những điều bất như ý, những đau khổ đến với mình không có nghĩa là chúng ta ngồi khoanh tay mà chịu đựng, đạo Phật không phải tiêu cực như thế, mà chúng ta làm những gì tốt đẹp nhất có thể làm được, còn hậu quả đến như thế nào thì chúng ta vui vẻ như thế đó. Ví dụ như chúng ta đi làm ruộng, giống đã chọn rồi, phân, nước đã lo rồi, nói chung đã sắp xếp kỹ càng rồi thì đến lúc cuối như thế nào còn phụ thuộc vào nhân duyên thời tiết nữa, cái này mình đâu có thể làm gì được. Do đó, có nhân, có duyên, có quả mà nhân duyên quả đều do chính ta tạo ra, khi chúng ta đã làm tròn bổn phận của mình (một người cha, một người chồng, một người vợ, một người con, một người đệ tử Phật) thì bây giờ cảnh duyên có đến với chúng ta tốt cũng được mà không tốt thì cũng chẳng sao. Người đệ tử của Phật là vui vẻ trả nợ và khôn ngoan nhất là không gieo nợ mới, không gieo nhân xấu mới. Cho nên Phật dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh nhân tạo thì không sợ mà quả báo đến thì lại lo. Còn Bồ Tát thì quả báo đến vui vẻ chấp nhận mà rất sợ tạo nhân xấu. Do đó, khi chúng ta hiểu rõ được lý nhân quả rồi thì chúng ta sẽ vui vẻ chấp nhận những điều trái ý nghịch lòng, nhẫn chịu được mà không phải ôm ấp, chịu đựng những nỗi khổ trong lòng.

 

5.Năm là chúng ta quán nhân duyên. Tức là tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, vốn không phải là ta, cũng không phải là của ta.

Thân tứ đại này do đất, nước, gió, lửa hợp thành, không phải là ta. Khoa học đã phát hiện ra thân này là do các tế bào hợp lại, và tế bào cũng không phải là thành phần cuối cùng mà còn có màng nhân, nguyên sinh chất…, bây giờ cũng chưa tìm ra chất cơ bản cấu tạo nên vũ trụ, cho nên thân ta còn chẳng phải là ta hà huống chi cái của thân ta. Thân ta không phải là ta thì người ta động đến thân ta thì ta có thấy khổ không? Có chứ, nhưng rồi quán từ từ sẽ bớt khổ. Tuy rằng mình biết nó không phải là ta nhưng rồi bóng trúc quét thềm mà bụi vẫn còn dấy động, còn dấy động thì còn khổ, còn khổ nhưng cứ quán chiếu lặp đi lặp lại nhiều lần như thế thì sẽ bớt khổ và dần dần sẽ hết khổ.

 

6. Sáu là quán tất cả các pháp, tất cả các sự vật hiện tượng giống như ảnh tượng, không tự tánh mà do chính tâm biến hiện ra.

Ví dụ như khi dụi mắt thì thấy hoa đốm chớp chớp trong hư không, nhưng hoa đốm có thật không? Trong hư không có hoa đốm không? Sanh tử, tốt xấu, các hoàn cảnh xung quanh cũng giống như hoa đốm trong hư không. Sanh tử còn không thật, hoàn cảnh rồi cũng không có, mà có đây là do chúng ta mang thân này do bệnh mà có. Đó là bệnh tham, sân, si. Mang bệnh nghiệp làm người nên sanh ra cõi người, sanh ra ở cảnh giới này. Mình còn phiền não đầy dẫy cho nên chiêu cảm cảnh giới này. Như vậy đã không có thì không nói tốt hay xấu,

 

7. Bảy là ngộ được chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt nơi chính mình. Ngộ được chỗ đó gọi là vô sanh pháp nhẫn, có nghĩa là không thấy nhẫn mà cũng không thấy có pháp để nhẫn.

 

Ở đây gom lại mấy ý như thế, không có nghĩa là mình phải quán một lần hay lần lượt bao nhiêu ý đó, mà trong các ý đó, Phật tử thâm nhập được ý nào thì cũng có thể hóa giải được nỗi khổ của mình khi gặp những điều bất như ý.

 

8. Còn cái cuối cùng, bây giờ mình chưa được vô sanh pháp nhẫn, chưa thấy được tánh không của các pháp, nhưng giờ chúng ta đang tu, đang chịu nỗi khổ của kiếp người là sanh, già, bệnh, chết.

 Chúng ta tu là để liễu sanh thoát tử, tu pháp môn nào cũng là để thoát khỏi luân hồi sanh tử, còn nếu không thì cứ tu tà tà thôi, còn nếu muốn tu thoát khỏi luân hồi sanh tử thì phải dán chữ TỬ lên đầu. Khi mà lúc nào mình cũng dán chữ TỬ lên đầu, lúc nào mình cũng chăm chăm vào cái pháp mà mình đang tu thì rõ ràng mình có thể kham nhẫn được. Cái đó là sự thật.

 

Giờ Thầy kể cho quý Phật tử nghe câu chuyện của Thiền sư Cảnh Hưng. Ngài là người cao lớn, khi đi hành cước dẫn theo một đệ tử là Ngài Mãn Không. Ngài Mãn Không đi hành cước, lại mang rất nhiều đồ sau lưng, đi một lúc lại đòi nghỉ. Ngài Cảnh Hưng nói cố lên bao nhiêu thì Ngài Mãn Không lại muốn nghỉ bấy nhiêu. Khi đi ngang qua một ngôi nhà, có một cô gái đẹp bước ra, Ngài Cảnh Hưng liền tiến tới, nắm tay cô gái và định ôm. Cô gái la hoảng lên, người nhà chạy ra, hàng xóm ập tới cho rằng thầy chùa làm những điều xằng bậy nên đánh đuổi cả thầy và trò. Ngài Cảnh Hưng to lớn nên chạy rất nhanh, Ngài Mãn Không cũng cố gắng hết sức để chạy theo. Chạy một đoạn xa, thấy dân làng không còn đuổi nữa, Thiền sư mới đứng lại, tỏ vẻ ân cần, thương xót hỏi đệ tử: Lúc nãy chạy, con mang vác thế có nặng lắm không? Mãn Không trả lời: Lạ quá Sư phụ, lúc nãy chạy con không thấy nặng gì cả.

 

Qua câu chuyện này, quý Phật tử thấy lúc nãy Ngài Mãn Không mang nặng là tại sao? Là vì muốn hưởng thụ, mới tu nhưng mang một ít hành lý trên đường đã thấy cực khổ, đi một lúc là cảm thấy mệt nhọc, tại vì không ai động đến. Tới khi mà bị dân làng đuổi, sư phụ chạy thì phải chạy theo, không chạy thì chết, cho nên phải cố gắng chạy cho bằng được. mà ông thầy chạy tới đâu thì đệ tử phải chạy theo tới đó. Chạy kiểu chạy chết này thì có nhớ gì đến cái nặng nề không? Đến khi được sư phụ ân cần hỏi thì trả lời là không thấy nặng. không thấy nặng là tại sao? Là bởi vì sợ chết nên cảm thấy không nặng. Cũng vậy, khi mà chúng ta tu hành mà chúng ta cố gắng dán chữ TỬ lên đầu vì sự nghiệp lớn thì mình cảm thấy rất nhẹ. Thậm chí lúc đó có người chửi cũng không giận, chỉ lo chạy thôi.

 

TÓM KẾT

 

Tóm lại khi chúng ta thực hành nhẫn nhục, thực sự mà nói thì mình còn là phàm phu, mà đã là phàm phu thì phiền não mình còn không? Tất nhiên là còn, cho nên ai khen thì cảm thấy sướng lắm, mà ai chê thì khổ lắm. Cho nên mình phải kham nhẫn, sướng cũng kham nhẫn mà khổ cũng kham nhẫn nữa. Hòa thượng đã nói một người có biết tu tiến hay không phải căn cứ vào tám gió, lợi đến cũng thế mà suy đến cũng thế. Cái khổ đến mình chết đã đành rồi mà cái hay đến mình cũng chết, cho nên mình phải kham nhẫn cả cái tốt và kham nhẫn cả cái xấu nữa. Cho nên gọi là an thọ nhẫn và nại quán hại nhẫn, nhưng nhẫn như vậy thì phải có trí tuệ. Nếu nhẫn mà không có trí tuệ, không thấy được đúng bản chất của vấn đề thì mình chất chứa, mà chất chứa càng nhiều thì khổ càng lớn, chất chứa nhiều đến lúc nổ ra thì càng nguy. Cho nên phải thực hành cả đế sát pháp nhẫn, tức là phải hiểu rõ được bản chất của vấn đề, mà bản chất của vấn đề được giáo lý nhà Phật dạy rành qua các phương pháp. Một là chúng ta thấy được lợi ích của nó, thứ hai là quán vô thường, rồi quán nhân duyên, quán nhân quả, quán tánh không, quán thật tướng và khắc sâu cái pháp mà chúng ta đang tu, dán chữ TỬ lên đầu mà tu. Một trong những pháp này cũng có thể giúp chúng ta hóa giải được nhiều đau khổ. Ai có duyên với pháp nào thì có thể ứng dụng pháp đó. Hoặc là ứng dụng từ từ, pháp này không được thì ứng dụng pháp khác, pháp khác không được thì ứng dụng pháp khác nữa. Chúng ta đừng đòi hỏi mình hoàn toàn trong sạch mà hãy đòi hỏi mình có thể vận dụng được những điều Đức Phật dạy để hóa giải những đau khổ của mình. Mà vận dụng thì một là tin hiểu, hai là quán chiếu, ba là tu chứng nhưng còn là phàm phu, chưa chứng cho nên chủ yếu là tin. Những người nào nghe những lời quý Thầy nói đây mà tin thì cũng bớt, còn thâm nhập hơn nữa là quán chiếu. Hai con đường này có thể giúp chúng ta bớt khổ.

 

Còn câu hỏi Làm sao được an lạc khi phải nhẫn nhục, thì thật sự, khi chúng ta gặp những điều bất như ý thì là phàm phu? Đương nhiên chúng ta có khổ rồi, nhưng khi chúng ta được nghe và vận dụng những điều Phật dạy để ứng dụng vào đời sống của mình thì sau đó chúng ta sẽ được an lạc.

 

Đây là những nội dung chính quý Thầy chia sẻ với quý Phật tử trong ngày hôm nay. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý Phật tử từ nay về sau gặp những điều bất như ý thì chúng ta sẽ cứ nhẫn.

Tags: đạo lý, chủ đề nhẫn nhục

Các bài mới

Các bài đã đăng

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 15173
  • Online: 40