Thầy Hiện Trong Con
25/01/2023 | Lượt xem: 1291
Cung kính bạch Thầy,
Hôm nay ngày mùng 08 tháng Chạp năm Nhâm Dần - 2022, là ngày truyền thống của Thiền phái Trúc Lâm, cũng là ngày Thầy tròn đầy tuổi thọ bách tuế, viên mãn phúc tuệ và công đức của một thiền sư nước Việt. Giờ này, trong niềm đại hoan hỷ, toàn thể chúng đệ tử thành kính đảnh lễ dâng lên tấc dạ chí thành, thượng chúc bách tuế Ân sư, bậc Thầy tôn quý của tất cả chúng con.
Tăng ni Phật tử Thiền phái Trúc Lâm hết sức vui mừng khi Thầy trụ thế dài lâu, làm bậc tùng lâm thạch trụ cho Tăng-già thêm vững mạnh. Thầy là hiện thân của sự tiếp nối mạch nguồn Tổ tông, khiến cho dòng thiền nước Việt tuôn chảy mãi không ngừng, là bậc tông sư mô phạm cho Tăng ni tứ chúng theo về, siêng năng tu học.
Kính bạch Thầy,
Một thế kỷ có mặt trên cuộc đời của Thầy, chỉ như khoảnh khắc khảy móng tay của một tuổi thọ vô lượng không năm tháng. Thế nhưng, với ngần ấy thời gian ở cõi tạm, cũng đủ để Thầy lưu lại trên trang sử Phật giáo Việt Nam một nét son đáng trân quý, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh truyền đăng tục diệm của người con Phật, đánh thức giấc phù sinh, khai mở mắt tuệ cho chúng con và chúng sanh, đem lại ánh sáng đạo cho đời.
Thầy xuất thế năm Giáp Tý 1924 tại miền sông nước Hậu Giang mát ngọt phù sa. Ngày Thầy rời ngôi nhà nhỏ bé nơi dòng sông quê, cũng là ngày Thầy mở ra cho đời mình một dòng chảy mới, dòng chảy mang tính lịch sử ảnh hưởng đến cả dòng thiền nước Việt sau này. Thật là một đại sự nhân duyên!
Chủng duyên sâu dày đối với Phật pháp, đã được thể hiện nơi Thầy từ thuở bắt đầu giong thuyền đại nguyện: Là những đêm chong đèn đọc kinh Lăng Nghiêm với những xúc cảm mãnh liệt tại Phật học đường Phật Quang xứ Bang Chang Trà Ôn. Là đời tăng lữ với những đoạn đường tân khổ, vượt qua nội chướng lẫn ngoại duyên. Là những nỗ lực không ngừng trên hành trình tu tập và phụng sự đạo pháp. Là trái tim bi mẫn đều nhịp vì lợi ích của tha nhân.
Vâng theo chỉ giáo của Ân sư, Thầy bắt đầu thời kỳ thừa hành các Phật sự, sau khi tốt nghiệp Phật học tại Phật học đường Nam Việt và tốt nghiệp Đại học Phật giáo. Ấn Quang, Phước Hòa, Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh… là những trung tâm giáo dục Phật giáo lớn, mà ở đó bầu nhiệt huyết và công đức hoằng hóa của Thầy, cùng chư tôn đức được thể hiện trọn vẹn nhất. Bước chân hoằng pháp của quý Ngài đến đâu là ánh sáng Phật pháp tỏ rạng đến đó. Tinh thần học Phật tại miền Nam bấy giờ ngày càng khởi sắc, ngọn đèn chánh pháp được thắp lên tận những miền quê xa xôi hẻo lánh.
Thầy trở thành bậc Thầy mẫu mực của Tăng ni từ những ngày ấy, thổi vào nền giáo dục Phật giáo một luồng sinh khí mới về tinh thần tu học, vừa nghiêm túc vừa cởi mở, để lại cho anh em chúng con những hình ảnh không thể nào quên. Nhớ lần đó, Thầy có giờ văn học Bát-nhã tại Học viện Huệ Nghiêm với chúng lớn. Đáng lẽ đúng 1 giờ anh em phải có mặt đầy đủ, nhưng toàn lớp đến trễ. Vừa bước vào thấy Thầy đã ngồi đợi, anh em sợ không biết đi cửa nào. Mấy thầy lớn ngồi dãy bàn đầu khép nép lúng túng, còn đám nhỏ chúng con cứ lủi đại ra sau. Thầy nghiêm mặt.
Thế nhưng khi bắt đầu niệm Phật cầu gia bị thì Thầy lại vui lên. Giảng một hồi Thầy cười. Khi hỏi lại bài, một số vị lớn tuổi không trả lời được, Thầy cũng cười. Hỏi đến đám trung trung, Thầy kêu là con đứng dậy liền, nói trúng nói trật gì cũng nói. Thầy cười, cả lớp giảm nhiệt tức khắc, anh em cùng vui. Sau này con mới nhận ra một điều, khi Thầy hỏi mình cứ nói, Thầy vui vì thấy mình chân thật, chứ không phải nói đúng nói sai, nói hay nói dở. Tinh thần học tập này đã khắc sâu trong lòng chúng con, học ra học, tu ra tu, không thể có thái độ lưng chừng bê trễ. Và cũng từ đó, đạo tình thầy trò huynh đệ được Thầy nuôi dưỡng ngày một thắm thiết, ăn sâu vào lòng của mỗi học tăng chúng con.
Chiều Huệ Nghiêm vào một ngày hạ năm thứ tư, Thầy nằm võng, thấy con rón rén gần đó, Thầy kêu lại hỏi:
- Năm này là năm cuối, chương trình sẽ học kinh Thủ-lăng-nghiêm. Chú có kinh chưa?
Con cúi đầu, thưa:
- Dạ, con chưa có. Thầy nói rất khẽ:
- Thầy mới đem mấy bộ Lăng-nghiêm xưa, từ Tổ đình Phước Hậu về đây.
Cho chú một bộ, giữ lấy mà học.
Hai tay con đón nhận bộ kinh, cảm động không nói nên lời. Không chỉ riêng con, mà hầu hết huynh đệ cùng lớp, ai ai cũng đều nhận được tấm lòng này của Thầy. Kể lại những kỷ niệm, những ân tình từ Thầy, chúng con ý thức được một điều, nếu không có Thầy sẽ không có chúng đệ tử ngày hôm nay.
Kính bạch Thầy,
Nhân duyên theo Thầy học đạo, con là đứa học trò kết duyên sâu dày với Thầy. Nhớ năm xưa khi chúng con còn dự học ở Phước Hòa Vĩnh Bình, Thầy về thăm. Trưa hôm ấy chúng con chịu trách nhiệm hầu cơm Thầy, sau đó anh em quây quần bên mâm cơm, bất thần Thầy xuống thăm. Nhìn con Thầy nói:
- Sau này Thầy mở trường, chú về học với Thầy.
Con cúi đầu nhận lời. Tuy nhiên không biết khi nào Thầy mở trường và trường gì, ở đâu? Thời gian sau, giáo hội có thông báo về việc mở lớp tại Học viện Huệ Nghiêm, Hòa thượng Vạn Đức ký đơn bảo lãnh và giao con tận tay Thầy, cho theo tu học. Con không quên lời Thầy nói với Hòa thượng năm đó: - “Chú ấy là học trò của con. Con đã chuẩn bị cho chú dự kỳ học này, lớp Cao Trung chuyên biệt”. Đây là tiền thân của trường Cao đẳng Phật học Việt Nam thuở ấy.
Sau kỳ thi tốt nghiệp ở trường này, một số anh em chúng con được Thầy chuẩn bị đưa vào Đại học Vạn Hạnh, đồng thời cho phép ở lại trường tham gia các công tác của giáo hội, dạy các lớp đàn em tại đây. Trong những lần chúng con hầu thăm Thầy, Thầy luôn nhắc nhở đời sống tu học và làm việc. Làm gì thì làm, cũng phải nhớ tu là gốc. Bởi vì tu như hơi thở, ngưng thở thì chết. Nhờ thế chúng con có được một định hướng đúng đắn trên bước đường tự lợi, lợi tha của một sứ giả Như Lai.
Năm 1966, sau khi ổn định công tác giáo hội, có được một số chư tăng kế thừa Phật sự tại các Phật học viện, Thầy thực hiện tâm nguyện duy nhất đời mình, lên núi tu thiền. Năm 1968, Thầy ngộ lý Sắc Không tại Pháp Lạc thất sau thời gian nhập thất. Đây là sự kiện trọng đại trong cuộc đời tu của Thầy, mở ra bước ngoặt lớn cho thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX. Thầy hoan hỷ mở cửa thất và thành lập thiền viện Chơn Không, tiếp nhận thiền sinh khóa đầu tiên. Anh em chúng con thuở ấy vỏn vẹn chỉ có 10 vị, nhưng dưới sự hướng dẫn tận tình chu đáo của Thầy, ai cũng vui tu, vững tin nơi chánh pháp, đặc biệt là thiền Đại thừa.
Nhận thấy số thiền sinh ban đầu có thể tu thiền được, lại thêm tăng ni và Phật tử quy hướng ngày một đông, Thầy mạnh dạn mở thêm các thiền viện. Thường Chiếu và các Chiếu lần lượt nối nhau ra đời. Ngày đưa chúng con về Thường Chiếu, Viên Chiếu, Thầy dạy cho Tăng ni biết thế nào là cạp đất mà sống mà tu. “Địa du cố mộc du kiên, gian nan giả phi khốn ngã dã, nhi trợ ngã giả dã”. Nghĩa là đất càng khô cây càng cứng, gian nan không làm ta khốn khổ, chỉ là trợ giúp cho ta đó thôi.
Ứng dụng thiền vào đời sống là một nghệ thuật siêu việt của thiền gia, mà từ ngàn xưa chư Tổ đã thể nghiệm qua. Giờ đây được Thầy thể hiện và hướng dẫn tăng ni hành trì khế thời khế lý. Nhờ thế Thường Chiếu ngày nay trở thành trung tâm giáo hóa thiền tông của Thầy, với một đội ngũ thiền tăng trẻ vui sống học tập và hành thiền an hòa, bình ổn. Các thiền viện lân cận cũng phát triển, chư tăng ni Phật tử quy hướng tu học ngày một đông. Con đường thiền tông bắt đầu mở rộng.
Năm 1993, thiền viện Trúc Lâm khai pháp. Nơi đây Thầy thực hiện lý tưởng tối hậu của đời mình, mong muốn tăng ni tu cho sáng đạo, để mạng mạch thiền tông được cửu trụ nơi đời, lợi lạc quần sanh. Thế là dòng thiền nước Việt sau 700 năm ngủ yên, đến đây bừng sống dậy trên đỉnh Phụng Hoàng. Khí vượng non Yên một thuở lẫm liệt uy quang, danh chấn phương ngoại, không ngờ lại hồi sinh nơi miền đất phương Nam, lan tỏa khắp muôn nơi và đọng lại trong tâm khảm tăng ni Phật tử hữu duyên theo Thầy tu thiền là sự thức tỉnh quay về, là ánh sáng tự tâm, là Phật ở trong lòng.
Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền chánh thống của người Việt Nam, do Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. Sơ tổ Trúc Lâm, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang là linh hồn của thiền phái Trúc Lâm. Nhìn lại dòng lịch sử thiền tông từ ngàn xưa cho đến hôm nay, dù trải qua bao nhiêu cuộc biến đổi vô thường, nhưng mạch sống Phật Tổ vẫn âm thầm luân lưu trong tâm tư dân tộc Việt, tăng ni Việt. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sự ra đời và chấn hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Thầy, càng khẳng định rõ mạch sống thiền tông nước Việt luôn được tiếp nối, mãi mãi tiếp nối, vĩnh cửu trong lòng tăng ni Phật tử và dân tộc Việt Nam.
Cương lĩnh của thiền phái Trúc Lâm được Thầy chỉ dạy thật vô cùng giản dị: Biết có chân tâm hay chân tâm vô niệm. “Biết” là đủ. Đây cũng chính là chân tinh thần của Sơ tổ Trúc Lâm “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Vô tâm trong nhà thiền không phải là thái độ sống hờ hững thiếu trách nhiệm. Vô tâm là cái tâm sáng suốt, không vướng mắc đối đãi, thương ghét buộc ràng. Người vô tâm đến đi trong cuộc đời ung dung tự tại, không đắm nhiễm hệ lụy, làm tất cả việc nhưng không vướng mắc bất cứ việc gì. Tâm Không là tâm Phật, tâm Phật thì luôn hiện hữu, không cần phải tìm cầu đâu xa.
Thầy còn dạy chúng con thường xuyên tu tập “phản quan tự kỷ” trong mỗi mỗi hoạt dụng thường nhật, bởi vì đó là việc bổn phận chính của mình. Có lần, thiền sư Hương Hải được vua Lê Dụ Tông mời vào cung, hỏi: “Trẫm nghe Lão sư học rộng nhớ nhiều, xin thuyết cho Trẫm được giác ngộ rành rõ”. Ngài không dài dòng, chỉ nói cho vua một bài kệ:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,
Thẩm sát tư duy tử tế khan,
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.
Nghĩa là:
Hằng ngày quán lại chính nơi mình,
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh,
Trong mộng tìm chi người tri thức,
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.
Muốn nhận ra mặt thật xưa nay, cần phải xoay lại khám phá nơi mình. Đây chính là đường lối tu của thiền tông Việt Nam “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, mà Tuệ Trung thượng sĩ đã trao cho Sơ tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông từ thuở trước.
Ngày nay, dưới sự gia trì của Tam bảo, công đức giáo hóa của Thầy, các thiền viện và đạo tràng Phật tử trực thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có mặt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, tăng ni Phật tử cùng nương tựa tu tập bên nhau. Niềm vui và niềm tin trong công phu, đã chuyển hóa tâm tư hành giả ngày càng rõ nét, đem lại ánh sáng trí tuệ và tình thương trong cuộc sống của mỗi người con Phật. Chân trời an vui giải thoát mở toang, mặc tình cho hành giả cất bước thênh thang. Điều này thể hiện sống động trong sinh hoạt tu tập của thiền sinh tại các thiền viện và đạo tràng thiền tông hiện nay.
Là đệ tử của Thầy, hậu duệ của thiền phái Trúc Lâm, chúng con ý thức mình không thể sơ suất bỏ quên di huấn của Tổ sư, suốt đời hành trì việc bổn phận, lấy giác ngộ làm mục đích tối hậu, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy hạnh nguyện độ sinh làm niềm vui bất thối chuyển. Đây chính là phương thức duy nhất để thể hiện tấm lòng biết ơn và đền ơn của hàng đệ tử môn hạ thiền phái Trúc Lâm.
Hôm nay, đối trước Thầy, toàn thể đệ tử chúng con xin dâng lên tấm lòng cảm bội thâm ân của Ân sư, bậc thầy đã suốt đời tận tụy hy sinh vì tác thành đạo nghiệp cho tăng ni tứ chúng. Môn hạ đệ tử chúng con nguyện hết lòng đi theo con đường thiền Thầy đã khai sáng, cho tới ngày thành tựu viên mãn mới thôi. Tất cả công đức có được xin dâng lên cúng dường ngày bách tuế của Thầy, nguyện Thầy sống lâu nơi đời, mãi mãi là con thuyền đại pháp, đưa chúng con và tất cả chúng sanh rời bờ mê quay về bến giác.
Hướng về thiền phái Trúc Lâm, lịch đại Tổ sư nước Việt, vâng theo di huấn của Thầy, chúng con nguyện nhận lãnh trọng trách mồi đèn tiếp lửa, thắp sáng ngọn tâm đăng Phật tổ, giữ gìn đạo mạch thiền tông nước Việt dài lâu. Nguyện Phật giáo Việt Nam cửu trụ nơi đời, ánh sáng đạo lan tỏa khắp muôn nơi, xua tan bóng tối vô minh, đem nguồn an vui hạnh phúc đến cho dân tộc và đất nước Việt Nam muôn đời.
HT.Thích Nhật Quang
Trích ""Kỷ Yếu Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư""
Các bài mới
- Chuyện Thường Ngày. - 05/01/2023
- Khánh Tuế - 09/08/2022
- Đặc trưng trong Phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm VN: Chương 2 - 16/07/2020
- Đặc trưng trong Phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm VN: Chương 1-Tri Vọng Thượng Thừa - 05/07/2020
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương III): Một số kỹ thuật cần lưu ý khi dụng công tu tập thiền - 17/06/2020
Các bài đã đăng
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương II): Thưa hỏi thêm - 06/05/2020
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương I) - 21/04/2020
- Hãy sống tốt ngày hôm nay - 28/10/2019
- Hãy cho đi - 20/03/2019
- Quy y Tam Bảo - 10/03/2019
Tu học
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89019
- Online: 38