Thể nghiệm về cái chết : Phần 1 - Dẫn nhập

12/09/2016 | Lượt xem: 4817

ĐĐ.Thích Khế Định thuyết giảng

Đức Phật thị hiện trong cõi ta bà này, nhằm chỉ dạy cho tất cả chúng sanh giải quyết về bốn vấn đề trọng đại đó là: sanh, già, bệnh, chết. Vì vậy, đối với người Phật tử thì khẳng định rằng dù là thánh hay phàm, ai rồi cũng phải ra đi. Đức Phật đã từng nhắc nhở cho chúng ta luôn nhớ: “Mạng người sống trong hơi thở”.

Trong sự nhân duyên tương phùng của kiếp phận làm người, tôi có đủ nhân duyên là hành giả tu tập. Hôm nay, chúng tôi chia sẻ một số suy nghĩ về cái chết với bất cứ ai quan tâm tìm hiểu về cái chết, dù là Phật tử hay không phải là Phật tử.

 

Thể nghiệm về cái chết để chúng ta can đảm và thanh thản khi chúng ta sống và đối diện cái chết đến. Là một tu sĩ, tôi thường quán chiếu hàng ngày về cái chết, khi đi máy bay, xe ô-tô, tàu thủy,…Về việc này nhắc nhở chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, không uổng phí một kiếp người khi chúng ta hiện hữu giữa cuộc đời này.

Đức Phật thường dạy bảo các đệ tử tại gia hay xuất gia thường xuyên thể nghiệm về cái chết hàng ngày bất cứ lúc nào. Nó sẽ khơi dậy trong chúng ta về sự tỉnh thức nhằm loại bỏ những tâm ô nhiễm và chấp ngã mang lại. Có người nói, Thầy rất thích nói về sự chết. Đúng vậy, vì tôi xém chết mấy lần rồi! Nên tôi hay nói về cái chết. Song chúng ta chiêm nghiệm kỹ cái chết là một quy luật tự nhiên của cuộc sống. Nếu ai thể nghiệm về cái chết thường xuyên thì sẽ nhận ra con đường sống vĩnh hằng trong tiến trình bước ngang qua cửa tử.

Hôm nay, rảnh chút nhân duyên, chúng tôi mạo muội ghi vài lời phi lộ gửi đến các bạn cùng chung một chí hướng, hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát.

Dẫn Nhập

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Khi trở về từ chuyến đi mở khóa tu ở Châu Âu, chúng tôi có nhân duyên được Thầy chúng tôi chỉ dạy, cắt cử tôi và Thầy Thông Không qua Úc Châu theo lời thỉnh cầu của quý Phật tử.

Khi đi, chúng tôi và Thầy Thông Không đã bàn rất kỹ, buổi sáng Thầy chuyên dạy thiền cho quí Phật tử, nếu buổi chiều tôi cũng dạy về thiền thì quí Phật tử nghe sẽ rất căng thẳng. Thường tôi đi giảng dạy các nơi, chẳng hạn như mở khóa tu cùng với Thầy Trụ trì Trúc Lâm, Thầy chuyên dạy về thiền, còn chúng tôi dạy về những vấn đề phổ thông một chút. Cho nên buổi chiều chúng tôi sẽ giảng những nội dung giống như là trợ duyên, kích thích cho quý Phật tử tu thêm.

Khi đi mở khóa tu các nơi, đa phần tôi thấy quý Phật tử đã nghe pháp của Sư Ông Trúc Lâm rất nhiều. Nếu tôi giảng giống hệt thì sẽ trùng lặp, ngoài ra nếu giảng như thế thì tôi nghĩ quý Phật tử về mở đĩa nghe nhiều khi hay hơn nghe tôi. Ở đây tôi chỉ nêu lên những vấn đề trong kinh nghiệm tu tập của chúng tôi khi ở trong chúng hoặc khi đi ra hoằng pháp.

Có một nhân duyên rất đặc biệt, do nhân duyên này mà hôm qua chúng ta có một buổi cầu siêu. Ngày xưa chúng tôi ở Trúc Lâm, Ni trưởng còn làm quản chúng bên Ni, chúng tôi và Ni trưởng có sự thâm tình. Hơn nữa là gần đây Ni trưởng gởi một người cháu ruột xuống chỗ chúng tôi xuất gia tu tập. Vì nhân duyên đó, chúng tôi xin phép quý Phật tử chúng ta mặc niệm khoảng năm phút, rồi quý Phật Tử tác ý hồi hướng công đức lành trong suốt thời gian chúng ta nghe pháp đến cố Ni trưởng.

Quý Phật tử cũng biết Sư Ông Trúc Lâm lúc này đã lớn tuổi. Vừa rồi quý Phật tử có thỉnh mời Sư phụ của chúng tôi qua đây để hướng dẫn khóa tu này, nhưng Thầy có nói là cha già không thể đi xa được. Tôi nhớ lại một đoạn nhân duyên trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy cho các thầy Tỳ-kheo bài kinh rất hay: Người Biết Sống Một Mình.

Ðừng tìm về quá khứ,

Ðừng tưởng tới tương lai.

Quá khứ đã không còn,

Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu sự sống,

Trong giờ phút hiện tại.

Kẻ thức giả an trú,

Vững chãi và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp.

Cái chết đến bất ngờ,

Không thể nào mặc cả.

Chẳng hạn như có người đến rủ mình đi đâu, mình hẹn mai, hẹn mốt, hay bữa kia mình đi cũng được, nhưng khi thần chết đến rủ thì mình không thể hẹn. Hoặc khi có nhân duyên mở khóa tu này, mình hẹn kỳ sau Thầy Trụ trì Trúc Lâm qua thì sẽ tu. Nhưng tôi khẳng định, chưa chắc sang năm những người hẹn đó có mặt ở đây để ngồi yên mà tu.

Cũng như cố Ni trưởng Thích Nữ Như Tâm, vì Thầy mình lớn tuổi rồi, nên Ni trưởng không dám đi xa mà cũng không vội ra đi. Nhưng chuyến đi này của Ni trưởng không phải là chuyến đi xa nữa, mà là chuyến đi mãi mãi.

Cho nên Đức Thế Tôn khẳng định, khi cái chết đến, chúng ta không thể nào mặc cả. Rồi Thế Tôn dạy tiếp:

Luôn luôn phải an trú,

Đêm ngày trong chánh niệm.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm,

Thì Mâu Ni gọi là

Người Biết Sống Một Mình.

Hôm nay hội đủ túc duyên, chúng ta cùng đến một hòn đảo rất là yên tĩnh. Chúng ta có túc duyên cùng hít thở chung bầu không khí nơi đây, cùng ăn, cùng uống, cùng kinh hành. Nếu không có duyên sâu đời trước thì chưa chắc chúng ta ngồi đây được yên ổn để tu tập.

Tuy rằng chúng tôi tu nhưng tôi cũng tin có một thế giới tâm linh. Trước khi đi mở những khóa tu ở xa, tôi thường thực hiện một cuộc phóng sanh lớn, và mở một cuộc đại thí thực để hồi hướng công đức lành này cho chuyến hoằng pháp, hoặc là khóa tu của chúng ta được an ổn, được thanh tịnh. Đại chúng thấy, chẳng hạn ở đây có năm mươi mốt người tu, nếu như có ai bị trục trặc bệnh hoạn, hay bị gì đó, thì việc tu hành của chúng ta sẽ bị trở duyên, bị chướng nạn. Quý Phật tử phải tin điểm này.

Hôm nay hội đủ nhân duyên lành, chúng tôi chia sẻ cho quý Phật tử đề tài: Thể Nghiệm Về Cái Chết.

Thể nghiệm về cái chết không phải là chúng ta bi quan, yếm thế rồi chán chường cuộc sống. Nghe giảng về cái chết rồi, hết tuần lễ này về, chồng mình nói: “Sao giờ này bà chưa nấu cơm?” Mình trả lời, “Hồi bữa tôi dự khóa tu, Thầy Khế Định giảng về cái chết nên không còn muốn làm gì nữa”. Đó là quý Phật tử đánh mất tinh thần Đạo Phật, hay nói khác hơn là đánh mất tinh thần thiền của Sơ Tổ Trúc Lâm. Học thể nghiệm về cái chết để cho quý Phật tử có một lối sống, một cái nhìn khác khi đối nhân xử thế với gia đình, xã hội, bạn bè.

Sáng nay tôi gặp một cô Phật tử ở Sydney, năm 2012 cô tìm về Thiền viện Thường Chiếu để gặp chúng tôi, vì cô nghe bốn bộ luật sa-di tôi giảng mà chưa biết mặt tôi. Cô nói cô nghe rất nhiều băng giảng của Sư Ông, của quý thầy lớn, Thầy Trụ trì Trúc Lâm, Sư phụ Thường Chiếu, Cô Hạnh Chiếu và chúng tôi nữa. Cô nghe Sư Ông và quý Thầy dạy rằng khi có ai nói nặng lời với mình thì mình buông xả nhưng cô không thể nào buông được. Tuy nhiên nhờ nghe như thế nên những hạt giống ghi trong tàng thức cô, và cách đây hai ngày cô chứng kiến một sự kiện làm cho cô buông được tức khắc, nhà thiền gọi là tiểu ngộ.

Cô kể, mẹ cô bệnh nặng nên phải đưa vào bệnh viện dưỡng lão. Khi đến bệnh viện, đi ngang qua một căn phòng đang đóng cửa, cô nghe một tiếng rên như từ cõi nào vọng đến. Mở hé cửa nhìn vào, cô thấy một người phụ nữ khoảng 64 tuổi bị cụt hai chân. Lúc đó cô chưa xúc động bao nhiêu,nhưng khi lắng tai nghe tiếng kêu rên tha thiết: “Vinh ơi! Hãy cứu mẹ với” thì cô giựt mình. Cô thấy mình có hai tay, hai chân, có đầy đủ tất cả, lại còn được túc duyên quy y với Sư Ông Trúc Lâm, có pháp danh Từ Mỹ. Trong giờ phút đó, bao nhiêu phiền não, bực dọc về chồng con rơi rớt sạch.

Cô cũng biết đạo tràng Phúc Đức, nhưng ngày xưa cô nghĩ rằng mình quy y, tu ở nhà là được rồi. Bây giờ chứng kiến cảnh tượng này, cô hiểu rằng cần phải có những người bạn cùng tu, cùng chí hướng với mình. Cô nói kỳ này về cô phải gia nhập đạo tràng để tu. Và cô phát nguyện, nếu có chúng sanh nào chửi hoặc mắng cô, cô không bao giờ có tâm hiềm hận. Bởi vì cô thấy cô đầy đủ quá. Cô lại được duyên may là biết pháp thiền để tu. Còn người phụ nữ này, cũng là một con người nhưng nằm đó, đi không được, tuy có một người thân nhưng người thân này không thể thường xuyên thăm viếng.

Tôi nêu lên câu chuyện này để chúng ta thể nghiệm về cái chết, chứ không phải để chúng ta buồn khổ, mà để chúng tacó một cái nhìn, một cách sống khác với ngày xưa. Đức Phật thường nói về cái chết để nhấn mạnh với các đệ tử là phải sống như thế nào. Nếu hiểu cái chết luôn sẵn sàng đến với mình, thì chúng ta sẽ dễ dàng buông được những chuyện phiền não, hiềm hận mà chúng ta ôm ấp.

Trong kinh, Đức Phật nói rất nhiều câu chuyện về cái chết, nhưng ở đây chúng tôi chia sẻ cho quý Phật tử một đoạn nhân duyên ngắn về vua A Dục.

Vua A Dục khi chưa biết Phật pháp, lúc lên làm vua ông giết hết anh em của ông, chỉ để lại hoàng đệ Vita cùng cha khác mẹ. Khi thức tỉnh trở về con đường đạo Phật, thì ông rất cung kính các Sa-môn. Một hôm người em nói:

Anh cung kính các bậc Sa-môn cũng đúng, nhưng em nghĩ các vị Sa-môn này chưa dứt được tâm ái, cũng thèm khát về dục, cũng mong muốn điều này điều nọ.

Vua A Dục tự hỏi tại sao em mình lại có ý nghĩ như thế,nhưng ông chưa biết cách nào để chỉ dạy. Một hôm ông bày ra một kế, khi vào nhà tắm ông để vương miện và áo cẩm bào bên ngoài. Một quan đại thần nói với Vita:

Nếu hoàng đệ đội vương miện này lên, trông hoàng đệ sẽ rất đẹp và hùng dũng.

Ông quan năn nỉ mãi hoàng đệ Vita mới thử đội vương miện lên. Vừa đội thì cánh cửa của phòng tắm bật mở, vua A Dục xuất hiện. Ông nói:

Tội em rất lớn, anh vẫn còn đây mà em đã có tâm soán nghịch, em phải bị xử chém.

Khi đưa ra pháp trường chuẩn bị chém, quan đại thần tha thiết xin vua tha cho Vita. Vua A Dục hỏi Vita:

Em có thích làm vua không?

Dạ rất thích.

Vua A Dục nói:

Thôi được, anh sẽ cho em làm vua trong bảy ngày. Hết bảy ngày sẽ đem em đi chém. Mỗi ngày trôi qua, anh sẽ cho đao phủ đến nói với em rằng: “Ngày nay đã qua rồi.”

Từ sáng đến giờ Thầy cũng hay nhắc nhở chúng ta “Ngày nay đã qua” để mình kiểm soát tâm hành của mình. Tôi thú thật một điều, sở dĩ tôi thích đi mở những khóa tu ở xa vì chúng tôi tu được, chứ ở nhà Phật sự nhiều quá, nhiều lúc tôi không ngồi được hai thời một ngày, sám hối thì chỉ được hai lần mỗi tháng vào ngày rằm và ngày 29. Còn ở đây tôi được ngồi một ngày ba thời, đi kinh hành, rồi sám hối được hai thời nữa. Cho nên ở Châu Âu mời tôi mở khóa tu là tôi đi liền, bận cách mấy cũng sắp xếp đi. Những dịp này cũng giống như chúng tôi nhập thất, bởi vì không ai liên lạc với chúng tôi được hết.

Hết kỳ hạn bảy ngày, vua A Dục hỏi Vita:

Trong suốt bảy ngày làm vua, em có thấy sung sướng không?

Em chỉ thấy khổ!

Tại sao khổ?

Vì cái chết gần kề, nên em không ham muốn gì hết, ăn không được, uống cũng không được, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết.

Vua A Dục nói:

Đệ tử của Đức Thế Tôn cũng như thế, luôn luôn nghĩ về ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt, không những thiêu đốt từng ngày từng giờ, mà thiêu đốt từng sát-na.

Nghe xong, Vita thức tỉnh, phát tâm đi xuất gia.

Cho nên thể nghiệm về cái chết là để cho chúng ta thấy mạng sống mình mỏng manh, vô thường. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Không phải ông bỏ thân xác này là ông chết, mà trong một sát-na thôi ông có chín mươi ngàn niệm sanh tử”. Người tu thiền đặc biệt là phải tìm trong dòng sinh mệnh sanh tử đó cái gì là của mình. Cho nên người xưa có câu:

Ta thấy người khác chết,

Tâm ta nóng như lửa,

Chẳng phải nóng vì người,

Vì đến lượt ta chết.

Mình dán câu này lên đầu giường thì cũng thức tỉnh được chút ít. Chẳng hạn ngày mai mình chết, thì hôm nay dầu ai nói gì mình cũng cười, vì ngày mai mình chết rồi, còn gì để mà cãi nữa. Một vị Thiền sư Miến Điện nói: “Nếu bạn phiền não, nếu bạn đau khổ, bạn chỉ cần đọc câu thần chú, tất cả rồi ai cũng phải chết, thì chắc chắn bạn không còn phiền não, không còn khổ đau nữa”.

Trong cuộc sống tu tập, có lúc quý Phật tử dùng chỉ, nhưng có những lúc chúng ta không dùng chỉ mà dùng quán. Khi ngồi thiền có những lúc chúng ta dùng chỉ để chận đứng vọng niệm. Mình tạm nói là chận chứ thật ra là dừng, là không chạy theo vọng tưởng. Nhưng có những lúc chúng ta dùng sự quán chiếu trong cuộc sống. Dùng sự quán chiếu thì khi ngồi thiền rất dễ vào định. Định được rồi thì tuệ bắt đầu phát sanh. Quán như thế nào? Đây tôi kể những câu chuyện đời thường tôi hay áp dụng để quý Phật tử có thêm chút ít kinh nghiệm.

Trước kia tôi xuống miền Tây giảng pháp, có một số quý thầy đến chia sẻ với chúng tôi: “Thưa thầy lúc trước còn đời sống cư sĩ, con tưởng vào chùa sống thì thuận lợi cho việc tu, nhưng vào đây rồi mới thấy phiền não, lo toan đủ thứ.” Tại sao ở nhà mình ít thấy phiền não? Bởi vì khi ở nhà, người thân của mình dù gì cũng là vợ mình, chồng mình, con mình,có những lúc họ nhịn mình được. Nhưng khi vào chùa sẽ có những người không nhịn mình. Mỗi chúng sanh sinh ra trong cuộc đời này đều mang theo một cái nghiệp, ví dụ ở đây có năm mươi mốt người thì có năm mươi mốt cái nghiệp. Đất nước Việt Nam có khoảng chín mươi triệu dân thì có khoảng chín mươi triệu nghiệp tập. Đã có nghiệp thì chắc chắn mang theo một cái tật, nói khác hơn là cái bệnh.

Hồi xưa đọc qua điểm này tôi không tin, nhưng khi Sư Ông cắt chúng tôi ra xây dựng Thiền viện, rồi phải nhận chúng, thì mai này nếu có ai hỏi tôi ở đâu, tôi sẽ thưa rằng, tôi ở Bệnh Viện Trúc Lâm Chánh Thiện. Tôi thú thật, là bệnh viện chứ không phải Thiền viện. Những người có bệnh mới vào bệnh viện này. Bệnh gì? Bệnh tâm. Quý Phật tử nghiệm xem, khi quả bóng được bơm thì chỗ nào mỏng tất phải xì lỗ mọt. Tất cả mọi người sống với nhau ai cũng có những cái tật, tôi có tật, anh cũng có. Cho nên khi có ai đem phiền não đến cho mình, chỉ cần chắp tay niệm “A Di Đà Phật, mỗi người mỗi tật” thì hết buồn.

Có một vị lớn tuổi xuất gia với chúng tôi, năm nay bảy mươi mốt tuổi. Một hôm tôi ra làm kiểng, tôi nói với ông, mình phải sắp những chậu kiểng này thành một hàng dài trên bờ đá để mưa xuống nó khỏi sụp. Nhưng ông nói: “Con không sắp! Con sắp ở đây, Thầy muốn làm sao?” Tôi bình thản, nhưng ngay trong lúc bình thản tôi đã niệm rồi! Mấy ông thầy đứng với tôi nói: “Sao Thầy nhịn hay vậy? Thầy trụ trì cái Thiền viện này, ông thầy đó nói vậy sao Thầy nghe mà Thầy còn cười vui dữ vậy?” Tôi nói lúc đó tôi niệm chứ không phải hay gì. Quý Phật tử biết niệm sao không? “Bồ Tát Đại Thế Chí, mỗi người mỗi ý”. Vậy thôi! Mỗi người mỗi ý!Ông đó có ý cũng hay, mình có ý cũng hay, hai cái ý gặp nhau không khéo chúng ta phiền não! Áp dụng như vậy cho nên tâm tôi thư thả, an ổn lắm.

Có người khi vào thiền viện, phát nguyện xin ở suốt ba năm không đi đâu hết, nhưng ở mới nửa năm hoặc một năm họ xin về nhà. Nếu mình không khéo thì họ phiền não họ đi luôn. Lúc đó mình niệm gì để không phiền não mà lại vui?“Bồ Tát Quán Thế Âm, mỗi người mỗi tâm”. Hết phiền não!

Như vậy chúng ta thấy rằng, khi quán chiếu thật sâu, thật kỹ, và thể nghiệm trong cuộc sống rồi thì mình tu dễ lắm. Pháp của Sư Ông đưa ra tu rất dễ. Nếu bảo mình muốn tu được pháp này thì phải lấp con sông chỗ mình đang ở hay dời hòn đảo này về Sydney thì mình làm không được, nhưng pháp tu này ngay nơi tự thân quý Phật tử quán chiếu hàng ngày, hàng giờ, hàng sát-na. Khi ngồi yên là tôi đã quán chiếu. Khi mình quán chiếu, mình thể nghiệm về cái chết rồi thì giờ nào quý Phật tử cũng tu được.

Tôi kể câu chuyện bản thân tôi, nhưng quý Phật tử đừng bắt chước. Thường khi đi máy bay, tôi ít gài dây an toàn mà tôi lấy cái mền che bụng và chân lại, vì gài dây an toàn tôi thấy khó chịu lắm. Tôi thường ra Hà Nội giảng pháp, quý thầy ở các thiền viện hay mời ra mở khóa tu, tôi đi liên tục nên mấy cô tiếp viên hàng không nhớ mặt tôi. Một lần có một cô đến nói với tôi:

- Thưa Thầy, con để ý thấy Thầy ít khi đeo dây an toàn, và hình như Thầy sợ tụi con nói nên lúc nào Thầy cũng lấy mền che lại.

Tôi nói với cô:

- Cô nhìn xuống cửa sổ xem, con người cao mét sáu, mét bảy, có người thì mét tám, mét chín, nhưng từ máy bay nhìn xuống thấy ai cũng nhỏ như con kiến. Vừa rồi tôi được biếtchiếc máy bay MH17 bị rơi, trên chuyến bay đó ai cũng đeo dây an toàn, nhưng đùng một cái không còn người nào.

Sẵn dịp tôi giảng một bài pháp cho cô nghe:

- Khi máy bay trục trặc, dầu cho đeo mười cái dây này thì cũng chết, nên tôi không đeo. Tôi xin thưa cho cô biết mộtđiều, tuy tôi không đeo dây này nhưng ngày nào tôi cũng đeo dây an toàn hết, mà đeo trong từng sát-na.

Cô hỏi:

- Dây an toàn của Thầy là dây gì?

- Dây an toàn thứ nhất của tôi là dây chánh niệm, dây thứ hai là tôi thấu được nhân, tột được quả. Tức là tôi gieo cái nhân đem lại niềm vui cho người khác, và tôi giúp tất cả mọi người hiểu pháp để tu tập.

Khi bước chân lên máy bay, tôi nghĩ là tôi không còn có mặt trong cuộc đời này nữa, tôi chết! Trên chuyến bay qua đây, tôi nghĩ chưa chắc mình có cơ hội đến dự khóa tu bảy ngày, nhưng mà may mình còn sống. Tất cả mọi người chúng ta khi quán chiếu về cái chết thì mình có một sức định.

Vừa rồi chúng tôi đi một chuyến hành hương với Thầy Trụ trì Trúc Lâm qua Tích Lan. Tháp tùng với quý thầy trong chuyến đó toàn là những người tu tập năm năm, mười năm ở các tịnh xá, các chùa, các thiền viện. Đoàn đi chiếc máy bay nhỏ xíu, khi lên máy bay, tôi thấy nó lắc lư như muốn rớt, mà ông cư sĩ kế bên còn kể hồi hôm nằm mộng thấy máy bay rớt xuống hồ nước! Khi ông vừa nói câu “rớt xuống hồ nước”, thì chúng tôi nhìn xuống thấy một hồ nước lớn, cho nên ai cũng sợ. Lúc đó các Phật tử nhốn nháo, Thầy Trụ trì Trúc Lâm nói: “Nếu lỡ chết mà mất chánh niệm, loạn động, thì chúng ta đi bậy, đi không đúng chỗ. Cho nên quý Phật tử ngồi yên, nhiếp tâm lại.”

Khi bước lên xe ô tô, xe máy hai bánh, hoặc máy bay, tôi biết rằng khi nào về đến nhà có nghĩa là mình còn sống. Tôi quán niệm liên tục về cái chết nên tôi có một sức định, lỡ bị tai nạn gì đó thì mình cũng có được sức định tự chủ. Cho nên thể nghiệm về cái chết là để chúng ta quán chiếu hằng ngày. Khi cái chết đến bất ngờ, quý Phật tử đừng sợ rằng mình đi chỗ này chỗ kia.

Vừa rồi tôi giảng ở Sài Gòn, có một cô Phật tử đứng lên thưa, “Thưa Thầy, chiếc máy bay MH17 bị rớt, trong đó có hơn một trăm người, những người này đi về đâu? Khi tai nạn đột ngột đến, trước tuy mình có làm từ thiện, tu tập, nhưng nhiều khi hoảng hốt quá nên sợ đi bậy.”

Tôi không nói đi về đâu mà tôi đưa một thí dụ. Theo nho giáo, mỗi con người đều có số mệnh, hoặc là định mệnh. Dép còn có số, đúng không? Có những đôi dép, khi rớt người ta không thèm lượm, nhưng có những đôi dép rớt ra, người ta lượm đưa vào viện bảo tàng trưng bày. Ví dụ như, hôm nào đó Tổng thống Obama qua đây, ông rớt đôi giày có người lượm liền, đúng không? Tại sao đôi giày của mình không ai thèm lượm mà đôi giày ông Tổng thống Obama người ta lượm? Thì cũng vậy, khi quý Phật tử làm các điều thiện, có sự tu tập nữa, nhưng nghiệp quá khứ của quý Phật tử còn sót lại chút xíu, nên bị tai nạn, hoặc bị chết đột ngột thì mình đừng sợ, cũng giống như đôi giày của ông Obama. Hiểu được điều này rồi, thì chúng ta không sợ gì hết.

Trong thiền thoại có kể câu chuyện:

Có một ông bá hộ đầu năm đến gặp Thiền sư Tiên Nhai:

- Bạch Hòa thượng, đầu năm xin Hòa thượng ghi cho con một chữ Phúc để con treo lên cửa nhà con cho suốt nămđược phúc đức.

Thiền sư Tiên Nhai ghi: Cha chết, con chết, cháu chết.

Ông bá hộ hỏi:

- Hòa thượng có nhầm không? Con xin Hòa thượng ghi chữ Phúc, tại sao Hòa thượng lại ghi như thế?

Thiền sư Tiên Nhai nói:

- Ví như cháu ông chết trước ông, ông có buồn không?

- Rất buồn.

- Rồi con ông chết trước ông, ông có buồn không?

- Rất buồn.

- Vậy thì ông muốn chữ phúc được suôn sẻ không những đầu năm mà mãi mãi, thì ông một trăm tuổi chết, con ông một trăm tuổi chết, và cháu ông cũng một trăm tuổi chết, đó chẳng phải là cái phúc hay sao?

Nghe như thế ông hiểu. Ở đây Thiền sư nhấn mạnh, tất cả chúng ta rồi ai cũng phải từ giã cuộc đời này.

Khi Tổ mẫu của vua Ba Tư Nặc mất, ông đến gặp Đức Thế Tôn:

- Bạch Đức Thế Tôn, người con yêu kính nhất là Tổ mẫu của con. Giả như đổi hết quốc độ này cho Tổ mẫu con sống lại, con cũng đổi.

Đức Phật nói:

- Trên đời này có bốn thứ không thể nào đổi được: 1- Thân trung ấm phải tái sanh. 2- Sanh ra phải già. 3- Già phải bệnh. 4- Bệnh rồi phải chết.

Rồi Thế Tôn nói một bài kệ:

Tất cả chúng sanh đều phải chết,

Đều kết thúc trong sự chết,

Đều không vượt qua sự chết,

Ví như đồ gốm đều phải bể,

Như những bong bóng nước.

Tất cả rồi cũng bị bể, bị nát, bị vụn hết. Thế Tôn nói một bài kệ nữa:

Mọi chúng sanh sẽ chết,

Mạng sống sẽ kết thúc,

Tùy nghiệp họ sẽ đi

Nhận lãnh quả thiện ác.

Đức Phật khẳng định mọi chúng sanh sẽ chết, mạng sống sẽ kết thúc, mà không biết là bao nhiêu năm. Có người năm mươi năm, bảy mươi năm, có người một trăm năm rồi cũng phải đi.

Quý Phật tử nghiệm kỹ một điểm, chúng ta có mặt trong cuộc đời này giống như chúng ta đến một vùng nào đó ở trọ, chẳng hạn như mình đến đây trọ bảy ngày rồi sẽ đi. Mình đến nhân gian này cũng là ở trọ, đâu có ai ở mãi được. Khi đến một nơi nào đó ở trọ, chúng ta phải làm như thế nào? Cho nên Phật nói, người không biết tu, khi cái chết đến thì giống như khúc gỗ mục. Còn người biết tu, dù chỉ một ngày một đêm biết đạo, còn hơn người sống một trăm năm mà không biết tu.

Trong bài kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

Ai sống một trăm năm,

Ác giới không thiền định.

Đâu hơn sống một ngày,

Trì giới tu thiền định.

Ai sống một trăm năm,

Ác tuệ không thiền định,

Đâu hơn sống một ngày,

Có tuệ tu thiền định.

Như vậy phải nói là chúng ta may mắn có được phước duyên, một túc duyên tốt là chúng ta hiểu pháp, hiểu đạo, hiểu con đường chánh để đi. Đức Phật nói, nếu không có hạt giống, không có chủng tử này thì không bao giờ mình biết được pháp và tu pháp. Quý Phật tử thử cầm viên sỏi ném xuống dòng sông này, nó chìm hay nổi? Chìm. Tại sao chìm? Nặng nó chìm. Nhưng quý Phật tử có tin rằng tôi đem một hòn núi lớn liệng xuống sông hoặc xuống biển mà nó không chìm? Tại vì tôi có một chiếc hạm lớn nâng được hòn núi đi qua biển. Phật nói cũng như thế, có những chúng sanh tạo một chút xíu nghiệp thôi, nhưng họ không biết pháp nên chìm xuống biển khổ. Còn người biết pháp thì giống như được chiếc hạm, chiếc thuyền nó nâng đỡ.

Rồi Phật đưa ra một ví dụ, có anh nông dân nuôi một bầy dê, một hôm có người đến trộm dê, bị người ta bắt đánh rồi bỏ tù. Hôm khác có một người lính của vua đi ngang qua xin một con dê, người chủ cho năm con. Rồi một hôm vua đi ngang qua nhìn đàn dê, vua khen đàn dê này béo tốt quá. Chỉ khen vậy thôi mà ông chủ đem tặng hai mươi con. Tại sao vậy? Phật nói những người tu tập có pháp, nếu lỡ đã tạo nghiệp ở quá khứ và hiện tại, nhưng nhờ pháp mà hiện tại và tương lai đều được thoát khổ.

Tôi xin nhắc một chút về tinh thần đới nghiệp vãng sanh. Có người giảng rằng, đới nghiệp vãng sanh tức là vẫn còn nghiệp mà chúng ta vãng sanh về đó. Nhưng theo cặp mắt của tôi thì không phải. Đới nghiệp vãng sanh là đồng với sự đốn ngộ. Đốn ngộ là đốn ngộ trực chỉ tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, tức là phá tan tất cả nghiệp. Như trong nhà quý Phật tử chất đầy củi do tích chứa từ nhiều năm, nhưng chỉ cần một đốm lửa nhỏ thì không tới một ngày đống củi đó cháy tiêu hết. Một đốm lửa trí huệ, một tinh thần đốn ngộ, đốn chiếu vào tự thể, mà tự thể thì không có nghiệp nào đeo bám được, tức khắc quý Phật tử giải thoát.

Mình tu tập thiền cũng như thế, lần lần quý Phật tử thấy tu thiền vi diệu lắm. Ngày xưa đọc đến đoạn này tôi không tin, nhưng khi công phu, tôi chứng nghiệm chút xíu thôi, tôi tin điểm đó. Cho nên Thiền sư Huyền Giác nói: “Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu thì phải đền nợ trước”. Khi liễu rồi thì nghiệp chướng nó không đeo bám mình, bao nhiêu hiềm hận, bực tức rớt xuống cái một, nhà thiền nói giống như là bức tường sắt, điều này mình phải công phu đến.

Ở đây tôi chia sẻ cho Phật tử điều mà tôi trải nghiệm, nếu không quý Phật tử nói là tôi chỉ dựa trên kinh sách chứ không có bằng chứng gì hết. Khi tôi làm nhà khách được hai năm, Sư Ông nói: “Chú làm hai năm mệt mỏi rồi, thôi bây giờ vào thất bốn tháng.” Khi vào thất, tôi rất tha thiết về sự công phu của mình, cho nên dồn sức công phu. Một ngày chúng tôi ngồi thiền bốn thời, mỗi thời hai tiếng, và hai thời sám hối buổi sáng và buổi chiều.

Một tháng trôi qua, một hôm, tôi còn nhớ khoảng chín giờ đêm, đang ngồi thiền chúng tôi rớt vào một trạng thái gọi là định tĩnh. Xung quanh tôi có tiếng mèo, tiếng chó, tất cả những thứ tiếng bắt đầu rớt trong trạng thái bình yên.

Cho nên quý Phật tử thấy là tại sao ngồi thiền chúng ta bắt ấn hàng ma, tôi nói ngoài lề chút xíu. Quý Phật tử biết ấn hàng ma không? Cái ấn đó là của ai biết không? Của Phật nào? Phật Tỳ-Lô-Giá-Na. Sở dĩ chúng ta bắt hai ngón trỏ khép vào là tiêu biểu cho mặt nước hồ thu bình ổn, bình lặng, và trên thì âm mà dưới thì dương, âm dương hỗ tương, khí chất hòa hợp. Ngồi thiền phải có phương pháp rõ ràng, cho nên tại sao chúng ta ngồi thiền phải ngồi bán già hoặc là kiết già, phải bắt ấn như thế nào cho đúng.

Khi chúng tôi ngồi thiền đúng pháp rồi thì bắt đầu vô trạng thái định tĩnh. Bất thình lình một trái thông rớt trên mái nhà, ngay lúc đó toàn thế giới tan biến, lúc này đúng là mình chứng nghiệm vào đó. Quý Phật tử ráng tu đi, có một lúc nào đó quý Phật tử sẽ bắt gặp vị chúa tể. Khi bắt gặp vị chúa tể rồi thì ai nói gì mình cũng cười, và mình phát nguyện đời này chưa xong, đời đời khi nào thành Phật mới vừa lòng con. Lúc đó mình có một niềm tin kiên cố.

Cho nên người xưa nói phải có một lần nào đó ông à lên một tiếng ông mới tin cái pháp này. Quả tình chúng tôi được may mắn, khi trái thông rớt xuống là toàn bộ thế giới tan biến, kể cả thân tâm mình nó không dính dáng gì hết. Lúc đó mới phát hiện ra rằng đúng là trong giờ phút này không còn một cái nghiệp nào nó đeo bám mình hết. Bao nhiêu tơ tưởng, bao nhiêu hiềm hận, phiền não rớt xuống cái một.

Nhưng mà được bao nhiêu? Mình không phải như người xưa, mình được chừng một phút, một giây, hay một sát-na thôi. Cũng như bà Ni Tổng Trì, khi đến trình kiến giải với Tổ Đạt Ma, bà nói: “Giống như Tôn giả A Nan nhờ thần lực của Đức Phật thấy cõi nước A Súc, cõi nước bất động, thấy rồi mất” thì Tổ Đạt Ma nói ngươi được phần thịt của ta. Đúng như thế. Tôi chứng kiến được cái đó rồi thì khi xả thiền nó còn vương vấn lại chút xíu, cho nên tôi làm một bài kệ:

Một thoáng quên mình ngộ sắc không,

Bao đời nghiệp chướng thảy hoàn không.

Ngộ nhập Như Lai minh kiến tính,

Mới hay không pháp cũng không nhân.

Một thoáng quên mình, tức là quên cái ngã. Khi quý Phật tử quên ngã thì mới ngộ nhập được. Nếu chúng tôi có điều kiện thực tập ba năm, mười năm, hai chục năm gì đó, gọi là trưởng dưỡng thì sẽ được. Nhưng mà được bao nhiêu? Bốn tháng! Sau bốn tháng chúng tôi trở lại con đường trần lao, tiếp tục làm, tiếp tục đi giảng, vậy thôi. Thì như vậy tôi minh chứng được rằng những bài pháp của Sư Ông Trúc Lâm dạy, những lời chư Phật, chư Tổ dạy đúng chứ không sai mà chúng ta tu chưa có đến.

Không hiểu trong thời quá khứ tôi tu pháp gì mà đặc biệt tôi có trực giác là khi đến hội chúng nào mà tôi thấy tâm tôi yên, không xáo trộn là tôi biết hội chúng tu được. Tôi rất mừng là thường khi ngồi ở dưới tôi cảm thấy có một trạng thái bình ổn, một thế giới phẳng lặng. Quý Phật tử tu tốt đó. Hồi sáng tôi chia sẻ với quý Phật tử, sau khi tu bảy ngày trở về nhà, mình đến siêu thị mua một chút khinh an, dù cho bạc triệu, bạc tỉ mua cũng không có. Không có ai bán. Mà khi tôi ngồi ở dưới tôi cảm thấy một thế giới bình ổn, khinh an, không còn hiềm hận và uất hận, một thế giới trở về trạng thái tĩnh lặng giống như mặt nước hồ thu, đây là quý Phật tử có một sức định khinh an. Nhưng nói thẳng một điều là tuệ chưa phát. Ngồi ở dưới tôi cảm được, tôi minh chứng được.

Nhân duyên ngày hôm nay tôi bảo đảm không mất.Chính cái nhân cái duyên này là nền tảng, là sự thúc đẩy, để một lúc nào đó, quý Phật tử nghe một bài kệ, một câu kinh,thì nhân duyên này sẽ giúp quý Phật tử, sẽ trợ duyên, sẽ thúc đẩy quý Phật tử.

Cho nên tôi nói thẳng một điều, sau này đủ nhân duyên mở khóa tu, khỏi mời tôi, tôi đóng tiền tôi tu cũng được. Thật mà! Tôi đóng năm trăm đô-la, mua vé bay qua tu. Tôi chia sẻ với Thầy Thông Không, đạo tràng này tu rất tốt. Quý Phật tử phải cảm ơn người nào thuê chỗ này, tôi không nêu tên ra. Tôi đã mở khóa tu nhiều chỗ mà bị hỗn tạp về âm thanh và sắc tướng. Mình đừng nói theo kiểu Tổ sư thiền, mình còn yếu mình phải mượn duyên, mượn sức bật mình tu. Chính môi trường thanh tịnh như thế này là sức bật cho quý Phật tử.

Khi thể nghiệm về cái chết từng ngày, từng phút, từng giây, quý Phật tử có sức bật. Đức Phật nói tùy nghiệp họ sẽ đi. Tùy nghiệp mình đi nhưng nghiệp quý Phật tử nói chung là tốt. Khi sanh ra đời ai cũng muốn được giàu sang sung sướng, đẹp đẽ, đầy đủ, nhưng khi thọ sanh mình có lựa chọn được không? Sao mà lựa chọn được, biết đâu mà lựa chọn? Do hạt giống khi chúng ta tu, chúng ta tạo các thiện pháp, thiện duyên, bắt đầu nó đưa mình đến.

Đức Phật nói nghiệp của chúng sanh giống như những trận mưa, có bao nhiêu giọt, giọt nào rơi ở đâu, trên lá hay trên biển… Phật đều biết hết. Nghiệp chúng sanh cũng như thế, nhanh như hạt mưa rơi xuống.

Ác nghiệp đọa địa ngục,

Thiện nghiệp sanh cõi trời.

Do vậy hãy làm lành,

Tích lũy cho đời sau,

Công đức cho đời sau,

Làm hậu cứ cho người.

Cận tử nghiệp quan trọng lắm, nhưng tích lũy nghiệp cũng rất quan trọng. Tích lũy nghiệp là tích lũy nghiệp mình tu. Kinh Pháp Cú kể câu chuyện:

Khi Mạt-Lợi phu nhân chết, vua Ba-Tư-Nặc đến hỏi Phật:

- Hậu của Trẫm hàng ngày tu tập Bát quan trai với Đức Thế Tôn, cúng dường Đức Thế Tôn và Tăng chúng không biết bao nhiêu mà kể, như vậy hậu của Trẫm chết, Thế Tôn có biết đi về đâu?

Đức Phật biết trong giờ phút này bà Mạt-Lợi phu nhân rớt xuống địa ngục, nhưng nếu nói ra thì chắc chắn vua Ba Tư Nặc không những phỉ báng Tam Bảo mà ông sẽ phá chùa, đốt và đuổi Tăng chúng đi. Đức Phật cũng biết rằng trong bảy ngày bà sẽ được tái sanh lên cung trời Đao-Lợi, nhờ tích lũy nghiệp của bà tốt. Cho nên Đức Phật nói:

- Thôi Đại vương cứ về đi, khoảng sáu, bảy ngày nữa Đại vương đến thì Thế Tôn sẽ nói.

Quả tình, sau khi bà thọ nghiệp địa ngục bảy ngày, qua ngày thứ tám bà được tái sanh lên cung trời Đao-Lợi do tích lũy nghiệp bà tốt.

Do cận tử nghiệp xấu nên bà bị đọa địa ngục. Xấu ở chỗ nào? Trong kinh diễn tả khi vào nhà tắm bà bồng theo con chó mà hàng ngày bà rất thương và hay bồng ẵm nó. Bà có cảm thọ với nó trong nhà tắm. Vua Ba-Tư-Nặc từ trên lầu nhìn xuống thấy nên hỏi tại sao bà làm như thế. Bà nói ai vào phòng tắm này cũng đều thấy ba người. Khi vua Ba Tư Nặc vào phòng tắm, bà hỏi ông tại sao lại lấy con dê cái. Vì phòng tắm này không ai được vào, chỉ có bà và vua Ba Tư Nặc vào thôi nên đó là bà nói dối. Thế nên khi gần từ giã cõi đời, cận tử nghiệp của bà luôn trạo cử, hối hận. Bà mang hai cái nghiệp: Một là nghiệp tà dâm, hai là nghiệp nói dối, do đó khi chết bà xuống địa ngục liền. Nhờ tích lũy nghiệp bà quá tốt nên bà chịu khổ ngắn hạn thôi.

Cho nên chúng ta tu tập là chúng ta tích lũy những hạt giống, Đức Phật nói là làm hậu cứ cho người mai sau.

Như vậy, qua bài pháp “Thể Nghiệm Về Cái Chết”, chúng tôi dẫn nhập phần đầu cho quý Phật tử có một cái thấy để nắm bắt, để chuẩn bị hướng đi khi chúng ta không còn có mặt trong cuộc đời này nữa, hoặc để chúng ta nhớ khi sắp từ giã cuộc đời. Và chúng ta biết phải làm gì, nên làm gì cho người thân để ngày cuối cùng người đó ra đi được thư thả, tự tại, được an ổn, hạnh phúc lâu dài trong chánh pháp.

Hỏi: Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Kính bạch thầy và kính thưa đại chúng! Con quy y từ năm 1957 và con theo Tịnh độ đã khá lâu, từ năm 2002 cho tới nay là 13 năm con tu theo Thiền phái Trúc Lâm. Bạch thầy! Như thế khi chết con đi về đâu?

Đáp: Trước khi trả lời, tôi xin kể một mẫu chuyện:

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, Thừa tướng Vương Thường Thị đến Pháp hội của Thiền sư Lâm Tế, ông hỏi:

- Trong Pháp hội của Hòa thượng có bao nhiêu người?

Thiền sư Lâm Tế đáp:

- Có bảy trăm người.

Ông hỏi tiếp:

- Hòa thượng có dạy họ xem kinh chăng?

- Không!

- Hòa thượng có dạy họ tụng kinh không?

- Không!

- Hòa thượng có dạy họ ngồi thiền không?

- Không!

- Bảy trăm chúng ở đây không cho xem kinh, không cho tụng kinh, không cho ngồi thiền, như vậy dạy họ làm gì?

Tổ Lâm Tế nói một câu:

- Chỉ dạy họ làm Phật thôi!

Thì ở đây cũng như thế, có ai hỏi tu thiền chết đi về đâu, quý Phật tử nói: “Chúng tôi tu thiền chỉ để làm Phật thôi chứ không đi về đâu hết.” Câu này là công án cho quý Phật tử. Chúng ta tu thiền, trải dài trong con đường này hoặc là lên hoặc là xuống, thì chúng ta cũng phát một cái nguyện. Hồi sáng, khi nghe câu nói của người phụ nữ cụt hai chân thì tôi phát nguyện luôn, kể cả quý Phật tử cũng phải phát nguyện, đời đời kiếp kiếp đi vào trong chốn sanh tử để không có một chúng sanh nào kêu cứu: “Con ơi, cứu mẹ!” nữa.

Quý Phật tử phải phát nguyện hành Bồ-tát đạo để cho hành trình kéo dài trong sanh tử, mà trong cái sanh tử, trong cái biển khổ này, chúng ta giống như một đóa sen mọc từ bùn nhơ, ở trong cái khối lửa nhơ nhớp của các loài chúng sanh mà chúng ta vươn lên để dìu dắt họ. Mục đích của người tu thiền là ra vào trong ba cõi, sáu đường để giúp những người, trong đó có những người thân của mình, có cha mình, mẹ mình, thân thuộc của mình. Như vậy phải phát nguyện là:

Chúng sanh độ tận,

Phương chứng Bồ-Đề,

Địa ngục vị không,

Thệ bất thành Phật.

Hạnh của người tu thiền hay nói khác hơn là thệ nguyện của người tu thiền chúng ta không dò được.

Một ông cư sĩ đến hỏi Thiền sư Vô Tướng:

- Bạch Hòa thượng! Hôm qua con đọc bài Khuyến Phát Tâm Bồ-Đề, trong đó có câu: “Kim cương dẫu cứng nhưng không cứng bằng tâm Bồ-Đề.” Vậy tâm Bồ-Đề là gì? Tại sao người tu phải phát tâm Bồ-Đề?

Thiền sư Vô Tướng nói:

- Khi bước vào con đường tu, nếu ông không phát thệ nguyện tâm Bồ-Đề thì khi những nghịch cảnh hoặc duyên xấu đến, ông sẽ buông xuôi. Còn khi phát tâm Bồ-Đề, thệ nguyện sâu rộng rồi thì ông vượt qua được những nghịch cảnh khốn cùng, vượt qua được những cơn sóng lũ cuồn cuộn đổ dồn về ông.

Ông cư sĩ hiểu ra và nói:

- Thưa thầy! Như vậy tâm Bồ-Đề của thầy là gì?

Thiền sư Vô Tướng nói:

- Tâm Bồ-Đề của ta thì ta biết, nếu ông muốn biết thì ông phát tâm Bồ-Đề đi!

Cho nên mình hỏi người tu thiền chết đi về đâu thì các ngài trả lời tùy mỗi cách.

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên:

Có một ông quan đến hỏi Thiền sư Triệu Châu:

- Bạch Hòa thượng! Khi Hòa thượng chết Hòa thượng đi về đâu?

Ngài nói:

- Làm lừa, làm ngựa.

- Làm lừa, làm ngựa xong rồi Hòa thượng chết đi về đâu?

- Ta xuống địa ngục.

- Hòa thượng là bậc thiện hữu tri thức, tại sao xuống địa ngục?

- Ta không xuống địa ngục, ai cứu ông?

Quý Phật tử có tâm và có thệ nguyện tu thiền là quý Phật tử gieo duyên sâu lắm. Thiền sư Pháp Nhãn nói, người tu thiền giống như là sư tử tu vậy. Người tu thiền trí tuệ cao vút, thệ nguyện thì sâu như biển, chúng ta dò không được và tính không đến. Chúng ta có phúc duyên tu tập về con đường thiền này nghĩa là căn duyên của chúng ta đã gieo đời đời kiếp kiếp rồi. Cho nên mình phải phát nguyện giống như Thiền sư Lai Quả, đời này không ngộ, phát nguyện đời sau tu tiếp, đời sau không ngộ phát nguyện đời sau tu tiếp nữa, chừng nào nắm được cái lỗ mũi nhéo thật mạnh à lên một tiếng thì mới thôi.

Đó là tinh thần của người tu thiền đối với vấn đề chết đi về đâu. Tôi không giải đáp theo giáo, chẳng hạn như nói giữ năm giới được làm người, giữ thập thiện thì chết về cõi trờimà tôi giảng cái cốt lõi cho người tu thiền nắm bắt và có niềm tin.

 

 

 

 

 

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 46090
  • Online: 10