Thể nghiệm về cái chết: Phần 2 - Thân trung ấm và sự tái sinh

13/09/2016 | Lượt xem: 4402

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney - Úc

Trước khi học phần này, tôi xin hỏi quý Phật tử: “Đạo Phật lấy cái gì làm nền tảng để chúng ta đi vào chỗ công phu?” Nói chung tất cả các pháp môn của đạo Phật khi đi sâu vào chỗ công phu đều lấy tâm làm nền tảng. Trong kinh Đức Phật thường diễn tả “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tức là ba cõi mà chúng ta thấy, dục giới, sắc giới, và vô sắc giới cũng từ do tâm. Và vạn pháp trùng trùng duyên khởi đều do thức tâm biến hiện. Kể cả cõi Tịnh Độ mười phương chư Phật, Đức Phật khẳng định cũng do tâm mà biến hiện.

Cho nên chúng ta được một phúc duyên, may mắn là đi trên con đường tu tập để khám phá được nguồn tâm, năng lượng của mình.

Hồi sáng tôi ngồi thiền, tôi vọng tưởng hết hai mươi phút. Lúc chúng ta mới bắt đầu vào thời thiền, khoảng 5 giờ 5 phút, quý Phật tử có nghe gì không? Có một con chim lạ kỳ lắm, nó nói như thế này: “Các bạn ngồi thiền có đúng chưa? Đúng chưa?” Ngày mai quý Phật tử lắng nghe thử. Tôi nói thật đó! Bỗng tôi nghe con chim thứ hai nó nói tiếp: “Ngồi như thế là chết, ngồi như thế là chết”. Một lát sau tôi tác ý như thế này: “Chúng tôi ngồi thiền ở đây là dùng tâm chuyển pháp, chứ không phải dùng tướng chuyển pháp” thì có một con chim nó kêu khàn khàn: “khá…khá…khá”. Rồi tiếp theo có con chim nhỏ bay xào xào lên ngọn cây kêu, tôi dịch ra:“tốt…tốt…tốt”.

Tôi nêu lên cho đại chúng thấy tại sao tôi dám nói mình tu thiền là dùng tâm chuyển pháp. Đây tôi xin kể câu chuyện có thật. Năm 2011, tôi qua nước Úc giảng, một số Phật tử kể tôi nghe, có một vị hướng dẫn cho một nhóm người tu thiền nói rằng sở dĩ chúng ta không nhận ra được Phật tánh, bởi vì Phật tánh nằm sâu quá. Bây giờ muốn cho Phật tánh ra, thì sau khoảng 5 phút ngồi thiền, tất cả mọi người nói: “Ra…ra…ra.” Có một số người hỏi: “Tại sao ngồi thiền mà nói ‘ra’ chi vậy?” “Kêu Phật tánh cho nó chạy ra.”

Đây là dùng tướng chuyển pháp.

Ngày xưa ở Trúc Lâm Đà Lạt, có một thầy ngồi thiền trong phòng, vì thầy làm tri khố nên ở phòng riêng. Một bữa sáng nọ tôi đi trị nhật sớm, ba giờ tôi đã lên dọn dẹp. Dọn dẹp xong, tôi nấu một bình trà ngồi uống. Bỗng nhiên tôi nghe trong phòng có tiếng nói: “Đi…đi…đi”. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao. Khi thầy xả thiền xong, tôi hỏi: “Thưa thầy, khi thầy ngồi thiền, thầy nói “đi…đi…đi” là gì vậy?”Ông nói: “Vọng tưởng nhiều quá, tôi đuổi cho nó đi.”

Như vậy khi chúng ta gọi cho Phật tánh ra là chúng ta dùng tướng. Mà dầu cho Phật tánh có ra thật, thì là Phật tánh gì chứ không phải của mình. Rồi có những lúc chúng ta thấy vọng tưởng nhiều quá, chúng ta đuổi hoặc là đè nén gì đó, là chúng ta dùng tướng.

Ngày xưa khi nhập thất ở Trúc Lâm, tôi thắc mắc tại sao Sư Ông dạy tu Pháp Biết Vọng. Tôi phân tích, cái biết vọng này chưa phải là tánh biết mà là cái dụng của trí thôi. Một hôm vào buổi sáng sớm, tôi ngồi trên ghế nhìn qua thất kế bên, thấy sương bám đầy trên những tấm kính, thầy ở bên thất đó đang cầm giẻ lau kính. Khi thầy lau xong rồi, bất chợt tôi nhìn lại tấm kính bên thất của tôi, lúc đó mặt trời đã lên cao, tôi thấy sương trên kính tự động tan, khoảng năm phút sau là tan hết.

Phương tiện ban đầu Sư Ông dùng cái biết như là miếng giẻsương tiêu biểu cho vọng. Mình biết vọng, mình lau. Nhưng khi quý Phật tử tu một thời gian có sức định sâu, tánh biết sâu, tuệ giác mạnh rồi thì không cần lấy giẻ chùi kiếng mà tự động sương tan. Khi chúng ta công phu một thời gian lâu, vọng tưởng nó lên tự nó lặng. Quý Phật tử tu lần lần sẽ thấy. Nhưng sở dĩ chúng ta thấy vọng tưởng kéo dài lê thê, vì cái giác, cái biết của mình hơi yếu, hơi chậm.

Trong Chỉ Nguyệt Lục, bà Yêm-ma-la-nữ hỏi Bồ-tát Văn Thù:

- Tất cả mọi chúng sanh biết sanh tử là khổ, tại sao còn đi vào con đường này?

Bồ Tát Văn Thù trả lời:

- Biết, nhưng còn quá yếu.

Cho nên hôm nay chúng ta tu từ một ngày đến bảy ngày để năng lượng cái biết mạnh thì chắc chắn khi cận tử nghiệp đến chúng ta giải thoát. Hồi nãy sở dĩ tôi kể câu chuyện con chim nói: “Bạn ngồi thiền có đúng chưa?” để quý Phật tử nhớ rằng, ngồi chỉ là phương tiện chứ chưa phải là cứu cánh. Mà để cứu cánh được rốt ráo thì từng bước đi, từng hơi thở chúng ta phải bám sát vào công phu chúng ta tu.

Trong thiền thoại có kể một câu chuyện:

Trong một khu rừng có hai huynh đệ tu chung với nhau. Ông sư huynh suốt ngày ngủ, không ngồi thiền. Ngược lại ông sư đệ thì suốt ngày ngồi thiền. Ông sư đệ ngồi thiền mà thấy người sư huynh nằm ngủ thì cũng khó chịu. Cho nên một buổi tối nọ, ông ghi một bài kệ trên vách như sau:

Suốt ngày nằm mãi,

Không chịu tu hành,

Kiếp sau thành rắn,

Buồn ơi là buồn.

Sáng sớm, ông sư huynh thức dậy đi xuống nhà bếp thấy bài kệ, ông cười lên và ghi bài kệ kế bên:

Suốt ngày ngồi mãi,

Không chịu nằm ngủ,

Kiếp sau thành cóc,

Rầu ơi là rầu.

Khi ông sư đệ xả thiền xong, nhìn lên thấy bài kệ, liền phát minh được tâm địa.

Quý Phật tử thấy con cóc nó ngồi hay nằm? Nó chỉ ngồi! Vậy tại sao nó không thành Phật? Cho nên vấn đề của chúng ta là phải tu tập như thế nào để chuyển hóa cái tâm. Mục đích quan trọng nhất là khi cận tử nghiệp đến, thân trung ấm đến, mang thân trung ấm gá vào bào thai, thì chúng ta lúc đó phải tỉnh. Lúc đó, đừng nói ngồi hay không ngồi gì nữa.

Trong Tỳ-Nại-Da Tập Sự Đức Phật nói: “Chúng sanh sau khi mạng chung bỏ thân trước chưa thọ thân sau, thì ở giai đoạn cảm thân trung ấm.” Tôi phân tích kỹ, dẫn chứng từng đoạn nhân duyên mà Đức Phật nói chớ không phải tự tôi ức thuyết. Tỳ-Nại-Da Tập Sự là trong bốn bộ A-Hàm nêu lên chớ không phải kinh đại thừa.

Thân trung ấm này được kết tập những vi tế tập nghiệp của chúng sanh. Trừ những chúng sanh tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác thì không qua thân trung ấm, chẳng hạn trường hợp ông Cấp Cô Độc, trong kinh Pháp Cú có kể:

Khi ông Cấp Cô Độc bệnh nặng, Đức Phật dạy một số Tỳ-kheo đến khai thị cho ông. Trong khi các thầy Tỳ-kheo khai thị, tụng kinh, ông ngước nhìn lên thì thấy sáu cõi trời hiện ra. Tất cả cõi trời, Quan Âm Thiên, Đao Lợi Thiên, Tứ Thiên Vương, Đâu Suất Đà Thiên… đều mời ông lên, nên ông nói: “Dừng, dừng, dừng”. Các thầy Tỳ-kheo lúc đó đang tụng kinh khai thị cho ông nghĩ rằng ông không muốn nghe kinh nữa, nên bỏ về hết. Các con ông nói:

- Thưa cha, bình thường cha rất thích xem kinh, nghe kinh, tại sao hôm nay các thầy Tỳ-kheo đến tụng cho cha bài kinh Đại Niệm Xứ rất hay, rất vi diệu, cha lại không thích nghe?

Ông Cấp Cô Độc kể trong lúc nghe kinh, ông thấy sáu cõi trời đến, cõi trời nào cũng đều mời ông về. Rồi ông hỏi các con:

- Trong sáu cõi trời hiện diện, cõi trời nào có Phật pháp?

Các con ông nói:

- Chỉ có cõi trời Đâu Suất là có Phật pháp thôi.

Ông sai con gái út lấy vòng hoa. Khi sáu cõi trời hiện lên cùng một lúc, ông liệng vòng hoa lên, phát nguyện lên cung trời Đâu Suất. Ngay trong giờ phút đó ông tắt thở qua đời.

Khi chúng ta làm việc cực thiện mà mất thì trong bốn loài, noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, chúng ta thuộc cảnh giới hóa sanh, biến hóa lên. Cũng giống như thầy Tỳ-kheo, trong kinh A Hàm kể, khi đang ngồi thiền hít vào mà không thở ra, ông chết. Vừa tắt thở ông mở mắt ra thấy mình làm vua trời Đế Thích, ông khóc lóc thảm thiết: “Tại sao mình tu mà để được cái quả này?” Ông Cấp Cô Độc cũng như thế, các thầy Tỳ-kheo ngạc nhiên đến trình với Đức Phật, trong cuộc sống giữa đời thường ông Cấp Cô Độc sống rất an ổn, hạnh phúc, khi vừa mất ông được nhân duyên tái sanh tức khắc liền. Bấy giờ Đức Phật nói một bài kệ:

Nay sướng đời sau sướng,

Làm phước hai đời sướng,

Nó thấy nó làm phước,

Sanh cõi lành sướng hơn.

Tức là không mang thân trung ấm mà tái sanh tức khắc.

Nếu quý Phật tử làm các việc cực ác thì rớt vào địa ngục tức khắc giống như ông Cun-Đa năm mươi năm làm nghề đồ tể giết heo. Nhà ông rất gần tịnh xá, mà ông chưa bao giờ cúng dường Đức Thế Tôn một muỗng cơm hoặc là đến nghe Đức Thế Tôn nói một bài pháp. Cuộc sống ông thường ngày rất khổ chứ không có sung sướng gì. Cho nên Đức Thế Tôn nói một bài kệ:

Nay sầu đời sau sầu,

Làm ác hai đời sầu,

Nó sầu nó u não,

Sanh cõi ác sầu hơn.

Nếu chúng ta làm việc vừa thiện vừa ác, gọi là lơ lửng, thì chắc chắn rằng chúng ta rớt trong thân trung ấm. Còn nếu làm việc cực thiện giống như ông Cấp Cô Độc, và có tu tập, thì gọi là thừa tự mà tái sanh, tái sanh là do sự mong muốn của quý Phật tử.

Khi chúng ta gá vào thân trung ấm, đặc biệt nhất là thân trung ấm đi qua hết tất cả các bức tường, chẳng hạn vừa nghĩ đến nước Pháp là quý Phật tử có mặt bên Pháp, nghĩ ở đâu là có mặt ở đó. Thân trung ấm xuyên suốt hết tất cả các cảnh giới, tường vách, sông hồ, núi non, nhưng có hai thứ thân trung ấm không xuyên suốt qua được, một là bào thai mẹ, hai là tòa Kim Cang của Phật. Nếu quý Phật tử tạo việc ác thì thân trung ấm có hình sắc rất xấu, nếu tạo việc thiện, tức là ác ít, thiện nhiều thì thân trung ấm rất đẹp.

Trong kinh Đức Phật dạy, thân trung ấm của người tạo nghiệp thiện có sắc trắng như đêm sáng, còn thân trung ấm của người tạo nghiệp ác thì có sắc đen xám như bóng tối. Khi vận hành đi đến các cõi, thân trung ấm tạo nghiệp thiện thì đầu ngước lên, còn thân trung ấm tạo nghiệp ác thì úp mặt xuống mà bay đi.

Điều kiện để thân trung ấm tái sanh là cha mẹ phải có nhân duyên với họ. Từ xa họ nhìn thấy cha mẹ tương lai, khi đến gần, nếu họ khởi niệm thích người nam và sân hận bực tức với người nữ thì họ vào thai tái sanh làm người nữ. Còn khởi niệm thương người nữ và sanh tâm bực tức sân hận với người nam thì tái sanh làm thân người nam. Nếu gá vào thai lừa, thai ngựa hay bất cứ thai gì, thì từ xa họ cũng nhìn thấy một thứ ánh sáng làm họ cảm thấy thích thú, đó gọi là khát ái tìm thân.

Trong Luận Du-Già có nói:

Trung ấm thân chỉ trụ được bảy ngày bảy đêm, nếu trong thời gian đó không có chỗ tái sanh thì chết rồi sống lại.

Cho nên khi cha mẹ hoặc người thân mình mất thì trong suốt bảy ngày đó, chúng nên ta bố thí, cúng dường trai tăng, làm các việc thiện pháp để hồi hướng. Nếu người thân họ cảm được, thì tự nhiên tâm họ không còn bám víu vào đời sống thường tục nữa, tức khắc họ giải thoát. Còn nếu tâm họ còn bám víu vào cuộc sống giữa đời thường này thì chắc chắn họ tìm chỗ để tái sanh. Họ có thể tái sanh bất cứ chỗ nào.

Một vị bên Tây Tạng kể, khi đến một ngôi chùa, họ thấy có một thần thức đi xung quanh chùa. Sau đó họ biết được thần thức này là của vị thầy trụ trì, ngày xưa ông ở ngôi chùa rất nhỏ, rồi ông quyên góp, cất được ngôi chùa lớn, vừa cất xong thì ông chết. Do tâm quyến luyến ngôi chùa này, nên ông giải thoát không được. Tức là bám víu vào cuộc sống thường nhật.

Nhiều người không hiểu, khi cha mẹ mất, thấy cha mẹ thích ăn món gì nhất, thì làm món ăn đó để cúng, mời cha mẹ về ăn. Đó là mình không mong người thân mình được siêu thoát mà trở lại với cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, bảy lần bảy là bốn mươi chín ngày bắt buộc phải đi tái sanh chứ không có luẩn quẩn trong cuộc đời này nữa. Mình phải biết điều này.

Cho nên mình cúng kiến này nọ, phần lớn là làm cho mình. Đức Phật nói trong sáu đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a-tu-la, trời, đặc biệt chỉ có cõi ngạ quỷ mới được hưởng, còn năm cõi khác không được hưởng. Do đó, mình cúng dường trai Tăng, bố thí, hay cúng dường gì đó là để tác ý hồi hướng cầu siêu cho quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp thì đúng. Còn cha mẹ hiện đời nếu đã sanh vào cõi trời, hoặc sanh về tịnh độ mười phương Phật thì chắc chắn không hưởng gì hết.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89145
  • Online: 38