Thể nghiệm về cái chết: Phần 5 - Tâm ta chính là tịnh độ

28/09/2016 | Lượt xem: 4158

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney- Úc

Tùy theo trạng thái của tâm trong giờ phút lâm chung mà tâm sẽ tương ưng với một trong các cõi sau:

1- Nếu tâm chúng ta sân hận thì cõi la-sát hiện khởi. Tức là mình bực tức một vấn đề nào đó, ví dụ khi chúng ta hấp hối, người mình không thích lại đến, lúc đó chúng ta không làm chủ được nên bực tức, sân hận, tức khắc cõi la-sát hiện khởi.

2- Nếu tâm chúng ta còn khát ái thì cõi quỷ đói hiện khởi.

3- Nếu tâm chúng ta còn oán hận và đố kỵ thì cõi a-tu-la xuất hiện.

4- Nếu tâm chúng ta rũ bỏ những oán hận phiền não thì sẽ thấy mười phương tịnh độ chư Phật hiện tiền cùng một lúc. Tất cả đều do tâm mình biến hiện mà ra.

Như vậy chúng ta phải biết rằng tu tập theo đường hướng của nhà Phật là lấy tâm làm chủ. Ba cõi đều do tâm, mà muôn pháp từ thức biến hiện ra. Những cõi chúng ta thấy tưởng ở đâu, chứ thật ra từ nơi tâm mình hết. Do đó, hằng ngày quý Phật tử thấy có những hạt giống gì dấy khởi, chúng ta phải cố gắng buông xả, đừng kết tập trong tàng thức của mình, và đừng tưới tẩm. Quý Phật tử hay tưới tẩm lắm. Tưới tẩm như thế nào? Tức là mình thêm chứ mình không có bớt.

Hỏi: Con làm trong bệnh viện. Bệnh nhân bị tai nạn hoặc là bệnh tâm thần thì con gặp hàng ngày. Con làm việc lãnh lương chứ không phải làm từ thiện, như vậy con không biết có tạo được chút ít công đức gì hay không?

Đáp: Quý Phật tử thấy trong công việc mình làm có dính líu gì tới Phật pháp không? Dính líu chỗ nào? Con đường Bát Chánh Đạo của Đức Phật gồm có: 1. Chánh kiến; 2. Chánh tư duy; 3. Chánh ngữ; 4. Chánh nghiệp; 5. Chánh mạng; 6. Chánh tinh tấn; 7. Chánh niệm; 8. Chánh định. Trong đó chánh nghiệp là nghề nghiệp chân chánh. Và con đường chúng ta đi là con đường chân chánh. Tuy rằng chúng ta làm việc hưởng lương, nhưng với tinh thần của người Phật tử, chúng ta không lấy đồng tiền để cân, đo, đong, đếm mà lấy cái tâm để cân, đo, đong, đếm. Chúng ta không vì đồng tiền, mà chúng ta làm hết cái tâm của mình, giống như một người mẹ hiền, hoặc sâu hơn chút nữa giống như một vị Bồ-tát xoa dịu những nỗi khổ của chúng sanh đang đau khổ, thì đó là cái phước làm tăng trưởng thêm cho chúng ta trên bước đường tu học. Đó là một việc tốt, chúng ta may mắn có một nghề nghiệp chân chánh chứ không phải là tà mạng, tà nghiệp.

Một lần nữa chúng tôi chúc phúc cho quý Phật tử phát một nguyện lực chúng ta làm vì tâm chứ không phải vì đồng tiền. Tuy rằng đồng tiền nó nuôi sống mình, nhưng đó là chuyện phụ. Chuyện chính là chúng ta đem hết cái tâm của mình vào.

Có những người nói tôi làm việc hay dùng xảo thuật. Thật ra không phải, tôi không dùng xảo thuật. Tôi đã từng gặp một bác sĩ nổi tiếng, ông này giỏi lắm, hai mươi ba tuổi đậu thủ khoa bên Mỹ, ông nói: “Nói thật với quý Thầy, bệnh thì thuốc men chỉ là phần phụ, cái chính là tư tưởng của người bệnh.”

Như hôm qua thầy Thông Ánh nói với tôi: “Thưa thầy, sao tôi bị bệnh cảm, uống thuốc của Úc, Pháp, uống đủ hết mà không bớt?” Tôi đưa viên thuốc, thầy uống rồi nói, “Trời! Thuốc thầy đưa giống như thuốc tiên vậy. Uống vào tự nhiên tôi tắm được, hết bệnh.” Sáng nay thầy khỏe hẳn luôn.

Quý Phật tử biết tại sao không? Tôi khám phá ra, buổi chiều tất cả chúng tôi, người một ly sữa, nếu thầy ăn cháo thấy cũng kỳ nên thầy cũng uống một ly sữa với chúng tôi. Thầy lớn tuổi, uống sữa lạnh làm cho cảm. Tôi nói với người ở cùng phòng lấy một tô cháo thật nóng đem cho thầy Thông Ánh, và tôi đưa thêm một viên thuốc màu xanh. Tôi nói với thầy, thuốc này từ bên Mỹ, làm bằng hai mươi loại cây rất là tinh khiết. Do đánh trúng tư tưởng nên uống vào hết bệnh.

Tức là nhờ vào cái tâm của mình, làm thế nào để người ta bớt bệnh bớt khổ là mục đích của người tu đạo. Cho nên Bồ-tát thị hiện ra đời là phải tìm đủ mọi cách để xoa dịu những nỗi khổ của chúng sanh. Cũng vậy, quý Phật tử làm việc bằng tất cả tâm của mình tác ý đến. Khi tâm mình tác ý đến như người mẹ hiền, thì họ sẽ cảm được.

Tôi đã từng hướng dẫn cho một Phật tử bên Mỹ, cô này chuyên chăm sóc cho những người khi sanh ra đã bị khuyết tật, công việc rất là cực. Tôi chia sẻ từng chút là phải làm sao, và cô đã ứng dụng.

Vừa rồi bên Mỹ bãi chế một số người. Cô hồi hộp nên điện cho tôi: “Thầy ơi! Con sợ thất nghiệp quá”. Tôi nói:“Bảo đảm cô không thất nghiệp.” “Sao Thầy biết?” Tôi nói:“Bởi vì tôi đã chỉ cho cô phương pháp dùng tâm để làm việc.”Quả tình không những cô không bị đuổi việc mà còn được tăng lương thêm ba trăm đô-la nữa. Tôi đã chỉ cho cô phải dùng cái tâm mà làm, chứ không làm vì đồng tiền, thì chắc chắn nhìn vào người ta biết, cuối cùng cô đã thành công. Như vậy cho thấy khi quý Phật tử làm bằng cái tâm thì đừng có sợ, đừng có ngại. Đó là con đường chân chánh của mình đi.

Hỏi: Con có một người chị làm ở bệnh viện tâm thần. Lâu lâu gặp chị, chị kể, có nhiều bệnh nhân chị phải la hét với họ bởi vì họ khùng quá! Như vậy trong trường hợp đó, chị ấy mất phước hay có phước?

Đáp: Chuyện này quý Phật tử phải mổ xẻ thêm. Ở đây tôi nói có hai phần.

Quý Phật tử thấy rằng nếu trong một lớp học ồn quá, thì thầy hoặc cô giáo phải gõ bàn cho học sinh im lặng. Ông gõ bàn không phải vì ông mà vì học sinh. Ngày xưa khi chưa ra làm Phật sự, chúng tôi thấy thầy Trúc Lâm sao mà khó quá. Thầy khó vì ai? Vì người đệ tử đến tu học mà không chịu tu, còn giỡn còn cười. Tinh thần của nhà Phật gọi là “nộ”, tức là sân vì Đạo. Cũng vậy, ở đây quý Phật tử làm với cái tâm bình thường thì không có lỗi.

Còn nếu với cái tâm bị chen vào bởi sự bực tức, sân hận thì đó là tâm mình bị cảnh chi phối. Giống như tôi từng nói, bàn tay quý Phật tử không bị vết thương làm mủ thì quý Phật tử cầm thuốc độc không bị gì hết. Tay mình bị mủ, bị lở mà cầm thuốc độc chắc chắn sẽ chết. Nói chung do cái tâm quý Phật tử thôi. Nếu mình tu đến một giai đoạn sâu hơn nữa, dùng cái tâm mình cảm hóa, phải không? Còn bây giờ mình cứ nạt nộ, bực tức, một thời gian rồi mình thấy gì?

Ở đây tôi kể câu chuyện vui. Có bà bên Mỹ điện cho tôi. Bà nói: “Thưa Thầy, Thầy giúp giùm con, không hiểu sao con càng tụng kinh càng sân?” Tôi nói: “Vậy là có vấn đề rồi. Bà kể thật với tôi đi.” Bà kể, sau lễ Phật Đản đến mùa an cư kiết hạ, các vị Thầy khuyên bà, muốn hết nghiệp thì phải tụng kinh Địa Tạng, chắc chắn hết nghiệp và yên ổn. Bà về tụng, bảy ngày đầu rất yên. Đến ngày thứ tám, con bà nghỉ hè đem gửi hai đứa cháu nhỏ. Khi bà đang ngồi tụng, các cháu nhỏ đến kéo cuốn kinh, ngày đầu bà không thấy gì, ngày thứ hai các cháu cũng làm như thế, đến ngày thứ ba, chịu hết nổi, bà để cây roi kế bên, bà đang tụng, nó kéo cuốn kinh, bà cầm roi đánh, đánh một hồi bà sân luôn.

Cũng vậy, mình nói rằng mình nạt nộ mình không thấy gì, nhưng một thời gian tự nhiên mình chạy theo cảnh, rồi mình sân, bực tức lúc nào không hay, nhìn cái gì mình cũng cau có. Bà này cũng như thế. Tôi nói với bà: “Cô nghe lời tôi tạm ngưng tụng kinh đi. Phật nói, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Chừng nào con cô về dẫn hai đứa cháu đi, lúc đó cô tụng bao nhiêu thì tụng”.

Quả tình khi không có hai đứa cháu nữa bà tụng kinh rất yên.

Như vậy có những lúc chúng ta nói rằng làm việc này việc kia vì chúng sanh nhưng chúng ta bực tức sân hận hồi nào không hay. Cho nên Đại sư Trí Khải nói, nếu ngài không độ chúng, ngài lên bậc Kim Địa, mà do ngài độ chúng, ngài xuống Ngân Địa.

Cũng như câu chuyện của Thiền sư Động Sơn. Một hôm Ngài xuống nhà trù thấy chúng tăng làm đổ bún, đổ gạo nên Ngài la. Ngài vừa la, ông thổ địa hiện lên liền: “Bạch Hòa thượng! Hai mươi năm con tìm Hòa thượng mãi không gặp, hôm nay mới gặp.” Gặp là gì? Nổi lên thì thấy cái tâm, ghêkhông?

Cho nên chúng ta phải khéo. Chúng ta phải tu tập như thế nào đó để cho bớt lần, bớt lần. Nhiều khi bực tức mình chửi, cũng là mang cái khẩu nghiệp. Cho nên việc làm của mình giống như con dao hai lưỡi, một là chúng ta tốt, hai là chúng ta nhiễm lần, nhiễm lần. Riết mình về nhà thấy ai cũng khùng hết, vì mình cau có hàng ngày, thấy người nào mình cũng bực tức bởi do cái tâm mình đã bị nhiễm. Cho nên mình phải ráng cố gắng tu tập, dồn sức công phu thêm.

Hỏi: Lúc nãy thầy giảng, trong lúc ngồi thiền có những thế giới hiện ra, chẳng hạn mình nhớ ông bà cha mẹ người thân…cái đó con thường hay gặp nhưng khi ở nhà con thấy bình thường, vì mình ngồi một, hai tiếng đứng dậy đi ra thì gặp họ rồi. Nhưng khi ngồi thiền ở đây, con có cảm giác cô đơn tột cùng, con thấy thương nhớ họ giống như sắp sửa xa họ vậy. Vì không gặp được họ nên sanh ra vọng tưởng muốn về hoặc là tìm cớ gì đó để rời khỏi nơi này. Trước khi đi, con biết trường hợp này sẽ xảy ra, nhưng khi đã quyết định tham gia khóa tu bảy ngày thì con phải tìm cách vượt qua. Tuy nhiên, quý thầy có nhiều kinh nghiệm, kính xin quý thầy hướng dẫn cho chúng con.

Đáp: Quý Phật tử thấy việc này không phải là chuyện thường, phải không? Bởi vì Cổ Đức nói:

Ái hà thiên xích lãng,

Khổ hải vạn trùng ba,

Dục thoát luân hồi lộ,

Tảo cấp niệm Thích Ca.

Tức là sông ái sóng ngàn thước, biển khổ sóng muôn trùng. Muốn thoát cõi luân hồi này, chúng ta phải gấp niệm đức Phật từ phụ. Qua câu hỏi này, quý Phật tử thấy rằng khi chúng ta ở nhà tu tập, những vọng tưởng bóng dáng về người thân ít hiện khởi. Còn ở trong khóa tu này, khi chúng ta ngồi thiền bắt đầu nó hiện khởi ra rất nhiều. Quý Phật tử phải nhớ, chư Phật, chư Tổ dạy, không phải chỉ cha mẹ hiện đời là cha mẹ mình, mà cha mẹ mình trùng trùng duyên khởi. Mình phải quán chiếu thật kỹ là cha mẹ mình hiện bây giờ đang ở trong pháp hội với mình.

Hôm qua tôi có nói: “Nhất nhơn hành đạo cửu huyền thăng”. Một người hành đạo chín dòng họ thăng. Mà chín dòng họ đang chìm trong những cái biển khổ. Khi chúng ta ngồi thiền, họ có nhân duyên, nhiều khi họ ngồi kế bên mình. Họ hấp thụ những năng lực, từ trường của mình, mình giúp họ giải thoát. Cho nên hồi xưa, Sư Ông chúng tôi dặn,“Mấy chú tụng kinh nhớ tụng kinh lớn lớn một chút, nhỏ quá”. Không những cõi người họ nghe, kể cả chư thiên, các loài ngạ quỷ họ nghe để họ siêu thoát. Như vậy mình tu không những mình cứu cha mẹ hiện đời mà còn cứu cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Quán sâu như thế thì tức khắc quý Phật tử vượt thoát cái ái thường tình. Người tu Phật nên quán chiếu sâu hơn nữa, người nam tức là cha của mình, mà người mẹ tức là người nữ trong thiên hạ chứ không phải riêng một đời này. Quán sâu như thế, quý Phật tử vượt thoát rất là dễ.

Quý Phật tử biết rằng trong cuộc sanh tử trùng phùng ngày hôm nay, chúng ta có nhân duyên gặp nhau, nhưng khi hết duyên, khi chúng ta không còn có mặt trong cuộc đời này, thì đường ai nấy bước. Quán sâu như thế. Hôm qua Thầy dạy rất kỹ là mình trôi nổi trong con đường sanh tử dài vô số kiếp đến mức độ đức Phật khẳng định rằng: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả, máu của chúng sanh đổ ra trong cuộc đời này nhiều hơn con sông Hằng cuồn cuộn chảy về xuôi, và sữa mẹ chúng ta uống trong vô lượng kiếp nhiều hơn biển cả.” Vậy mà chúng ta chảy mãi, chảy mãi nhưng chưa thức tỉnh.

Bảy ngày tu tập ở đây so với sinh tử vô lượng kiếp thì có nghĩa gì đâu. Biết đâu rằng chính bảy ngày mà chúng ta tu học là hạt giống kết tinh từ tâm giác ngộ để lúc nào đó chúng ta ngồi bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề cũng từ cái nhân địa ngày hôm nay chúng ta tu tập. Quán chiếu như thế, quý Phật tử vượt ngay không khó. Cho nên tinh thần của nhà thiền, không chỉ ngồi thiền chúng ta mới quán chiếu, mà trong từng bước đi, trong từng hơi thở, trong từng việc làm chúng ta đều quán chiếu. Quán chiếu như thế chúng ta có một sức định tĩnh, khi những vọng tưởng điên đảo hiện khởi chúng ta thấy bình thường. Tôi rất thông cảm với một số Phật tử trẻ đã có gia đình, khi đến đây tu bảy ngày, tâm nhớ người thân và gia đình thường hiện khởi. Sở dĩ tôi giảng đề tài này là để cho quý Phật tử cố gắng làm chủ những tâm thức đó trong lúc còn sống để mai kia nó không dẫn dắt mình đi trong ba đường sáu nẻo, tiếp tục luân hồi sinh tử. Đó là mục đích của buổi thuyết pháp ngày hôm nay.

Ở đây tôi thấy quý Phật tử rất hăng say về pháp. Thường thường chúng tôi giảng các khóa tu ở nước ngoài, Phật tử bên Việt Nam họ rất thích nghe lại. Họ nói Phật tử nước ngoài hỏi nhiều câu hỏi sâu sắc, có ý nghĩa. Cho nên chúng tôi mong mỏi quý Phật tử theo sát trong quá trình khi tu tập, khi nghe pháp.

Quý Phật tử đừng nghĩ mình nghe pháp không dính dáng gì. Trong kinh có câu chuyện Đức Phật diễn tả con cóc nghe pháp mà sanh thiên. Khi con cóc nghe pháp âm của Đức Thế Tôn, có ông già chống cây gậy trên đầu nó. Nó nghĩ rằng, nếu lặn xuống thì không nghe pháp được nên nó ráng. Ráng một lúc nó bị lún xuống bùn chết, liền sanh lên cung trời Đao Lợi.Khi sanh lên cung trời Đao Lợi, vị thiên tử nhìn biết mình từ đâu đến và phát hiện mình chính là con cóc, nhờ nghe pháp mà được sanh thiên.

Pháp rất vi diệu. Khi lời tôi nói pháp tác động đến quý Phật tử, có những hạt giống cù cặn trong tâm thức quý Phật tử được hóa giải do từ trường hoặc là năng lực của chúng tôi tu tập tác động đến làm vơi đi những nỗi khổ trong cuộc đời, nên nghe pháp rất là cần thiết.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23622
  • Online: 11