Thể nghiệm về cái chết - Phần 6: Cõi tịnh độ của Chư Phật và Bồ tát

29/09/2016 | Lượt xem: 4304

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney - Úc

Chúng tôi soạn phần này sau khi chúng tôi nhập thất, vì chúng tôi thấy rất quan trọng cho người tu thiền. Quý Phật tử có biết tại sao Sư Ông Trúc Lâm bắt chúng tôi ngồi thiền một ngày tới sáu tiếng đồng hồ? Tại sao khi ăn, uống, ngủ nghỉ chúng ta phải theo dõi sát từng tâm niệm?

 Sở dĩ từ bữa đến giờ Thầy dạy chúng ta phải đi từng bước như thế nào và an trú như thế nào, vì chỉ cần lơi lỏng một chút xíu thôi, khi cái chết đến chúng ta không làm chủ được, chúng ta đi qua những cõi xấu. Điều này rất quan trọng chớ không phải chuyện thường. Khi chúng ta còn sống thì mình tưởng rằng giống như trò chơi, nhưng khi bỏ thân xác này rồi thì lúc này mình mới thấy những ngày tu tập của chúng ta là có giá trị. Tôi xin hỏi quý Phật tử hai câu:

Câu hỏi thứ nhất: Buổi sáng khi thức dậy việc đầu tiên quý Phật tử nhớ gì?

Nhớ xuống thiền đường hay nhớ đến nhà bếp? Phần đông chúng ta trong những ngày không tu tập chúng ta dễ đánh mất mình. Chẳng hạn như buổi sáng mình nhớ đến công việc làm của mình, hoặc mình ăn gì, uống gì. Rồi buổi trưa, buổi chiều cũng vậy. Nhưng có những lúc quý Phật tử nhịn đói bảy ngày không chết, nhịn khát ba ngày cũng không chết, mà nhịn thở chừng một giây, một phút thì chết.

Tinh thần của Khổng Tử cũng rất hay. Một hôm, đứng trước dòng sông Dịch Thủy, thấy dòng nước cuồn cuộn chảy, ông buột miệng thốt lên với Nhan Hồi như thế này:

Thệ giả như tư phù,

Bất xả trú dạ.

Tức là:

Chảy mãi chảy mãi ư,

Ngày đêm không dừng nghỉ.

Với cặp mắt của Khổng Tử, ông thấy các pháp vô thường nhanh chóng, nhưng không nhanh bằng cặp mắt tuệ giác của Đức Phật thấy “mạng người sống trong hơi thở”.

Chúng tôi kinh nghiệm tự thân, buổi sáng khi thức dậy, tôi không vội tung mền rời khỏi giường liền mà phải xoa bóp. Khi quý Phật tử thức dậy đừng nên vội nhảy xuống giường liền, dễ bị đột quỵ, việc đầu tiên là hãy hít thật sâu và thở ra thật nhẹ. Khi hít thật sâu, thở thật nhẹ, mình biết rằng mình vẫn còn có mặt trong cuộc đời này và cám ơn cuộc đời cho mình sống thêm một ngày nữa. Trong suốt một ngày đó mình làm những gì lợi mình, lợi người cả hai cùng lợi.

Ngài Sopha Rinpoche nói: “Khi lên giường buổi tối, tôi nghĩ không biết sáng mai tôi có còn tiếp tục mang đôi dép này không?” Cho nên Ngài sắp xếp đồ đạc trong phòng của Ngài thật ngăn nắp. Vị thị giả hỏi: “Tại sao Hòa thượng phải sắp xếp như thế?” Ngài nói: “Mình phải sắp xếp cẩn thận để người khác có thể sử dụng ngay.”

Cảnh sát giao thông bên Việt Nam thống kê, một ngày trên toàn nước Việt Nam, trong số người đi ra đường thì có hai mươi người không trở về nhà do bị tai nạn giao thông. Cho nên chúng tôi khẳng định một lần nữa, buổi sáng chúng ta thức dậy, hít thật sâu thở thật nhẹ để cám ơn và trân trọng cuộc đời, để biết rằng mình may mắn hơn những người khác vì còn có mặt trong cuộc đời này. Quý Phật tử đến các thiền viện sẽ thấy quý thầy rất trân quý cuộc đời, trân quý thời gian.

Bây giờ, tôi hỏi thật quý Phật tử, năm nay quý Phật tử bao nhiêu tuổi? Tôi không nói tuổi đời, ở đây tôi nói tuổi đạo. Dầu cho quý Phật tử một trăm tuổi, mà mới biết đạo, thì cũng là mới sanh ra đời. Cho nên khi mới bước chân vào đạo, chúng ta thường hỏi: “Tu là làm gì?” Tu là tập. Tập ăn, tập uống, tập nói. Cuối cùng, quan trọng nhất là tập thở. Quý Phật tử từ bữa giờ có tập thở chưa? Quý Phật tử phải hiểu như thế này, thể nghiệm về cái chết là chúng ta trân quý cuộc đời, và chúng ta sống như thế nào đó để đừng gây phiền não, hiềm hận giữa mình và người, vì nó ảnh hưởng cho ngày chúng ta ra đi. Rất là quan trọng!

Người tu thiền không chỉ lên bồ đoàn mới tu mà phải tu từng phút, từng giây, từng sát-na. Tôi kể câu chuyện trong Sư Tử Tuyết Bờm Xanh:

Đại sư Ben được một vị thí chủ rất quý kính và mời đến nhà. Vị thí chủ này có một đại lý chuyên buôn bán trà. Khi dẫn ngài vào trong kho để giới thiệu, bà thí chủ đi trước ngài đi sau, tình cờ ngài thấy một bao trà bung ra, mùi trà thơm ngát, tiện tay ngài hốt một nắm trà định để đem về uống, nghĩ rằng chắc bà không biết. Nhưng khi nắm trà trong tay, bỗng nhiên ngài la lên:

- Ăn trộm! Ăn trộm!

Bà thí chủ hoảng hốt hỏi:

- Ăn trộm đâu Thầy?

- Đây! Ăn trộm đây!

Quý Phật tử thấy tu như vậy có gắt không?

Rồi khi bà thí chủ mời ngài ngọ trai, do bà cũng có thỉnh nhiều vị tăng khác, nên trong lúc bà rót sữa cho quý thầy thì ngài khởi niệm: “Chắc đến phiên mình thì bình sữa hết!”Khi bà rót sữa vào ly ngài thì ngài không uống. Bà thí chủ hỏi:

- Thưa Thầy, sao Thầy không uống sữa?

Ngài trả lời:

- Hồi nãy tôi uống rồi.

- Thầy uống hồi nào?

Ngài đáp:

- Hồi nãy tôi khởi niệm, chắc bình sữa đến phiên mình là hết, cho nên lòng tham của tôi uống mất rồi.

Lúc mãn hạ thiền sư Động Sơn khai thị: “Sau khi mãn hạ, các ông hoặc là đi Đông, hoặc là đi Tây, hoặc là đi Nam, hoặc là đi Bắc, đi đâu thì đi chớ dẫm lên cỏ.”

Chỉ nói vậy thôi! Mà quý Phật tử biết rồi, tinh thần nhà thiền quan trọng nhất là câu chuyển ngữ. Dù cho đứng tịch, ngồi tịch mà chuyển ngữ không xong thì cũng chưa phải là thiền sư thứ thiệt. Chuyển ngữ rất quan trọng. Một ngàn chúng mà không ai chuyển ngữ được hết.

Khi đồ chúng giải tán hết rồi, có một vị tăng đi đến vùng Lưu Dương. Ông đến đảnh lễ thiền sư Thạch Sương, thiền sư Thạch Sương hỏi:

- Khi mãn hạ, Hòa thượng có ngữ cú gì chăng?

Vị tăng này thuật lại câu nói của thiền sư Động Sơn. Thiền sư Thạch Sương hỏi:

- Khi Hòa thượng nói như thế, có ai chuyển ngữ được chăng?

- Dạ không có ai chuyển ngữ được hết.

- Ông về nói như thế này: “Vừa ra cửa liền là cỏ.”

Vị tăng về thuật lại, thiền sư Động Sơn nói:

- Không ngờ ở Lưu Dương có Cổ Phật ra đời.

Quý Phật tử thấy không? Một câu đó thôi mà Cổ Phật ra đời. Vậy quý Phật tử biết “vừa ra cửa liền là cỏ” là gì không? Cửa là cửa gì? Sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mình nhích một chút là phạm cỏ. Mà các ngài tu đến mức độ vừa ra cửa là biết có thể dẫm phải cỏ. Còn chúng ta không những dẫm lên cỏ, mà ngủ trên cỏ luôn bởi vì nó êm ấm quá. Cho nên các ngài tu rất là kỹ.

Đó là câu thứ nhất mà chúng tôi chia sẻ tại sao các ngài bắt mình phải tu như thế. Lần lần chúng tôi sẽ chia sẻ chỗ công phu tu để cho quý Phật tử có một niềm tin, có một sự kích thích trực giác để mình tu từ đây trở đi không còn sợ chết nữa, như các ngài nói: Chết đến càng mừng. Mừng vì sao? Vì được giải thoát. Sướng vậy đó!

Câu hỏi thứ hai: Hỏi thật quý Phật tử, tu khổ hay là vui?

Vui đối với người đã tu từ mười đến hai mươi năm thì tôi tin. Còn người mới bước vào tu thì chưa có vui. Ở nhà quý Phật tử thức mấy giờ? Sáu, bảy giờ. Còn ở đây, bốn giờ mình đã thức rồi. Chúng tôi ở các thiền viện thì ba giờ. Tôi hỏi thẳng một điều, mình ở nhà mình ngồi thiền mấy tiếng? Những người tu lâu thì tôi không dám bàn, còn người mới tu thì được mười lăm đến ba mươi phút là nhiều rồi. Khi cái đau nhức nó rút vô ống quyển của mình, hoặc là trên thân đau nhức đủ chỗ thì khổ hay là vui? Khổ!

Ngày xưa tôi biết một thầy là võ sư rất giỏi, khi chúng tôi đưa lên Trúc Lâm Đà Lạt tu ba tháng hạ, đến tháng thứ hai, ông nói: “Ước gì ngày mai Hòa thượng sai đi lấy củi trong rừng, bị trợt té gãy chân khỏi ngồi thiền. Ngồi thiền nhức quá chịu không nổi”. Vị này tu gần ba chục năm rồi nhưng tu ở pháp môn khác sau đó chuyển qua tu thiền. Như vậy cho thấy khi chúng ta mới bước chân vào con đường này thì khổ. Như bây giờ hỏi thật quý Phật tử tu đã lâu, vui hay là khổ? Vui! Đúng là tu lâu càng vui. Cho nên Cổ Đức nói:

Vui trong tham dục vui rồi khổ,

Khổ để tu hành khổ hóa vui.

Nếu muốn có vui là có khổ,

Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.

Mong sao trong tánh đừng vui khổ,

Mới thoát ra ngoài cảnh khổ vui.

Như vậy chúng ta tu, bước đầu cái khổ, cái đau nhức nó đến. Tu một thời gian bắt đầu niềm vui đến.

Trước khi xuất gia, Thiền sư Nham Đầu thuộc dòng dõi tướng, cuộc sống sung sướng. Khi giác ngộ rồi, ngài từ bỏ hết tất cả vào núi tu. Một hôm có hai vị quan đồng liêu đến, thấy cảnh ngài cơ cực nên nói: “Bộ ông điên rồi sao vậy? Ông có điên không?” Ngài nói: “Tôi điên, nhưng mà tôi tỉnh. Còn mấy ông tỉnh, chính là mấy ông điên”.

Chúng tôi nêu lên phần này cho quý Phật tử biết để khi còn sống, chúng ta phải trang bị tư lương, trang bị hành trang, như Thiền sư Chân Nguyên nói:

Hãy buông bỏ quyến thuộc,

Tiền của trả lại người.

Nên gìn giữ căn lành,

Đường hiểm lương thực đầy.

Ngày ba mươi của mình là đường hiểm, mà trong túi mình không có một đồng, không có tư lương nào hết thì chúng ta sẽ rất khổ. Lúc đó chúng ta hối hận thì đã muộn. Như Tổ Qui Sơn nói: “Đợi khát nước mới đào giếng thì quá muộn.”

Bây giờ chúng ta đi vào phần chính: Cõi Tịnh Độ Của Chư Phật và Bồ Tát.

“Các thần thức chưa giải thoát khỏi thân trung ấm, khi lâm chung bước qua trung ấm pháp tính.”

Tức là lúc ý thức rời khỏi thân xác trở thành một thể ý thức độc lập và bắt đầu chặng đường bảy lần bảy là bốn mươi chín ngày. Đặc biệt đối với người không tu tập, thì pháp tính của chân tâm cũng hiện hữu nhưng chỉ một sát-na rồi mất. Còn đối với người có tu tập về con đường thiền thì nó kéo dài trong suốt mười bốn ngày. Pháp tính này quý Phật tử biết ở đâu có không? Chính là hằng ngày quý Phật tử tu tập, có những lúc mình đối diện nó rồi. Trước Tam Bảo tôi nói thật chứ không dám hư vọng, từ bữa đến giờ, ngồi thiền liên tục ba ngày tôi đã đối diện nhiều lần. Hai, ba ngày nay tôi đối diện liên tục, giấc trưa và giấc sáng. Đúng là chỗ này rất yên tĩnh, nếu tu tập có nhân duyên tốt quý Phật tử sẽ bắt gặp pháp tính chân tâm.

Trong những bộ kinh, Đức Phật nói khi chúng ta tu tập thiền định là chúng ta đã đối diện với pháp tính, với tâm thể. Khi quý Phật tử bỏ thân xác này thì pháp tính chân thật nó hiện hữu trong suốt thời gian rất dài. Sở dĩ hằng ngày chúng ta tu tập như thế là để gạn lọc tâm dơ, tâm xấu ác. Phần này rất quan trọng đối với người tu thiền. Cho nên người xưa nói:“Phá từng phần vô minh để chứng từng phần pháp thân.”Mỗi ngày mình thêm một chút, như người xưa nói mình ăn một muỗng cơm không no, phải ăn một muỗng, hai muỗng, rồi một chén, hai chén, ba chén. Bước đầu tu tập chưa thấy gì mình đừng có nản, bởi vì mình mới sơ cơ mình đến.

Cũng giống như tôi hay ví dụ, có người lên chiếc ca-nô mở máy, chiếc ca-nô chạy liền. Còn mình mở máy thì nó chạy vòng vòng, đứng một chỗ. Rồi khi phát hiện chân vịt của chiếc ca-nô đóng rong đóng rêu, đóng rác, mình phải gỡ từng bước, gỡ từ từ thì ca nô mới chạy được. Lục Tổ Huệ Năng khi nghe một câu kinh ngài đốn nhập về pháp tính chân như luôn, cho nên ngài biết sanh tử đi như thế nào, chết sống như thế nào.

Bên Tây Tạng trong thiền viện có một khu đất lớn, từ một đến hai trăm mẫu, những người lớn tuổi khi bị bệnh thì không được đi bệnh viện mà bắt buộc phải tu tập liên tục để dứt bỏ thân xác này. Khi mình ngồi yên lỡ mà mất thì ra đi được tự tại.

Có những lúc mình ngồi yên, vọng tưởng không còn. Vọng tưởng không còn nhưng mà mình rõ suốt hết tất cả các pháp. Đây là tôi chứng nghiệm luôn chứ không phải tôi nói ức thuyết.

Ngày xưa tôi đọc đến đoạn:

Một hôm, Tổ Ngưỡng Sơn đến hỏi Tổ Qui Sơn:

- Bạch Hòa thượng, trăm ngàn muôn pháp đến cùng một lúc thì như thế nào?

Tổ Qui Sơn nói:

- Xanh thì ra xanh, vàng thì ra vàng, trắng thì ra trắng, dài thì ra dài, ngắn thì ra ngắn.

Tôi thắc mắc suốt bốn năm. Đến năm thứ năm tôi lên gặp Sư Ông tại Trúc Lâm tôi trình bày, Sư Ông nói: “Cái đó tôi không giải thích, chú cứ tu đi”. Hai năm sau, khi tôi vào thất, một hôm ngồi thiền buổi trưa, bỗng nhiên tôi nghe tiếng xe hơi, tiếng chó sủa, tiếng ve kêu, tiếng chim kêu…tất cả muôn pháp đến cùng một lúc, pháp nào ở trong địa vị của pháp ấy không can hệ gì tới tánh biết. Tánh biết vẫn hiện hữu có một thôi mà trăm ngàn muôn pháp đến cùng một lúc.

Khi chúng ta chứng nghiệm được như thế rồi thì mình biết rằng tâm mình chính là Phật. Như hôm qua Thầy nói chỉ cần mình tin chắc như thế là mình bước vào hữu tình giác. Khi mình biết, mình có điều kiện chia sẻ chỉ dạy cho người khác gọi là giác hữu tình. Cho nên có một vị tăng đến hỏi một vị thiền sư: “Tại sao chưa kiến tánh mà làm thiện hữu tri thức?” Ngài nói: “Chỉ người này có niềm tin là đủ”.Huống chi có những lúc quý Phật tử kinh nghiệm, bơi lội trong giáo pháp, có đủ điều kiện hướng dẫn chia sẻ cho người khác.

Chúng ta tu học như thế nào đó để chúng ta chứng nghiệm và uống tận đầu nguồn của giáo pháp. Quý Phật tử nào có thể một buổi sáng uống một trăm con sông được không? Quý Phật tử có tin rằng một buổi sáng tôi uống một trăm con sông không? Đơn giản thôi, tôi uống một ngụm nước biển là uống được một trăm con sông, phải không?

Bởi vì một trăm con sông chảy về biển. Thì như vậy, tám mươi bốn ngàn pháp môn của Đức Phật chảy về biển. Biển gì? Biển đại giác. Biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Đức Phật cũng có một vị, là vị giải thoát. Như vậy chúng ta tu pháp nào không biết mà chúng ta giải thoát hết những tâm hành của mình, những tâm tật đố, tâm ích kỷ, tâm xan tham, tâm cau có… Bây giờ chúng ta biết rồi, chúng ta buông xả, vì nó không lợi ích gì cho mình. Muốn ngày ra đi được yên ổn thanh tịnh thì chúng ta phải thực tập.

Thiền thoại Nhật Bản có câu chuyện Tướng Cướp Và Con Nhện:

Có một anh thanh niên lúc nhỏ thường giết hại sinh vật, trên đường đi gặp con gì anh cũng giết. Lớn lên anh trở thành tướng cướp rất hung ác. Một hôm trên đường đi cướp, thấy con nhện anh định đạp lên, nhưng anh dừng lại vì con nhện này đang mang thai. Anh xúc động nghĩ rằng từ nhỏ đến giờ, lần đầu tiên anh không giết, anh tha mạng cho một sinh vật nhỏ nhoi là con nhện.

Rồi anh già, bệnh, chết. Do các ác nghiệp đã tạo, anh rớt vào địa ngục chịu khổ, ngày đêm kêu cứu. Một hôm, Đức Thế Tôn đi ngang qua thấy thế, ngài dùng tuệ giác Bát-nhã xem thử trong số người này, có ai từng làm chút ít việc thiện nào không. Chỉ anh tướng cướp này đã từng làm chút xíu việc thiện, đó là tha mạng cho con nhện. Đức Thế Tôn dùng năng lực Phật trí, thả sợi dây nhện từ trên Niết-bàn xuống. Trong lúc đang đau khổ, nhìn lên thấy sợi dây nhện đang thòng xuống, anh bám sợi dây đu lên. Những chúng sanh đang chịu đau khổ như anh cũng đu theo lên. Gần lên đến đỉnh Niết-bàn, bỗng anh dấy lên một niệm: “Nếu nhiều người cùng đu thì dây sẽ đứt.” Nghĩ thế, anh khởi niệm rút dao ra để chặt đứt sợi dây nhện, nhưng khi vừa khởi niệm thì sợi dây đứt luôn, tất cả rớt trở lại địa ngục. Giờ phút đó Phật lắc đầu:“Ta cứu cũng không được.”

Tôi nêu lên câu chuyện trong nhà thiền để chúng ta tập làm việc gì cũng cho người khác. Vì người tức là chúng ta đem lại những an ổn, hạnh phúc, lợi lộc cho người. Nghĩa là chúng ta phải tập cái tâm của mình.

Một câu chuyện nữa trong Nghệ Thuật Sống:

Một hôm, trời Đế Thích đãi bữa tiệc cho ngạ quỷ và chư thiên, nhưng với một điều kiện là khi ăn không được co tay lại. Không co tay lại làm sao ăn được nên ngạ quỷ bực tức, đập bàn, đập ghế, la hét. Nhưng chư thiên họ vẫn ăn được ngon lành, bởi vì người này gắp thức ăn đút cho người kia, người kia đút cho người nọ.

Tinh thần của nhà thiền nằm chỗ đó. Như vậy, muốn được trung ấm pháp tính kéo dài trong suốt mười bốn hoặc mười lăm ngày thì chúng ta phải thực tập. Trong cuộc sống giữa đời thường, tâm chúng ta phải nhu nhuyến, phải thanh tịnh. Tôi nói bữa giờ mình tu ở đây, nếu lỡ có chết còn sướng hơn về nhà. Như vừa rồi, bên Việt Nam có một số người nghe nói năm 2012 tận thế nên sợ. Tôi nói sợ gì, mình tập trung hết ở thiền đường ngồi thiền, có tận thế mình đi luôn.

Có những vị nói “Thiền Tịnh song tu”, vậy Thiền Tịnh song tu là gì? Thường thường người ta nói Thiền Tịnh song tu là chúng ta ngồi thiền niệm Phật, đúng vậy không? Theo cái thấy của tôi, Thiền Tịnh song tu ở đây nghĩa là người tu thiền nhưng phát đại nguyện, bi nguyện, thệ nguyện cư trú vào mảnh đất tịnh độ mười phương chư Phật. Chẳng hạn như Hòa thượng Hư Vân, ngài phát nguyện khi từ bỏ thân này ngài trở về cung trời Đâu Suất. Ngài Trần Huyền Trang phát nguyện khi chết trở về cung trời Đâu Suất. Rồi ngài Thế Thân, ngài Vô Trước, ngài Sư Tử Giác và Thái Hư Đại Sư, các ngài tu thiền nhưng phát nguyện về tịnh thổ. Đó gọi là Thiền Tịnh.

Các bậc Tông sư lớn, các Ngài chỉ dạy pháp Thiền Tịnh song tu, nhưng các Ngài chỉ rõ ràng, tu rạch ròi. Quý Phật tử phải hiểu điểm đó.

“Trong năm ngày đầu, trước mặt hương linh sẽ lần lượt xuất hiện các vị Phật.”

Nếu tâm quý Phật tử tịnh thì mười phương tịnh thổ hiện tiền. Do bổn nguyện, quý Phật tử sẽ tái sinh vào miền tịnh thổ mà quý Phật tử đã phát nguyện.

Những vị Bồ-tát lớn không phát nguyện về các tịnh thổ,mà các Ngài phát một bi nguyện tu tập, gọi là khởi ý sanh thân. Chẳng hạn như Ngài Lạt Ma thứ 14, ngài cũng khởi ý sanh thân, vừa mất là Ngài tái sinh về vùng đó. Như vừa rồi Sư Ông giảng, Sư Ông nói: “Đời sau tôi có thể qua phương Tây đó.” Đó gọi là khởi ý sinh thân.

Tinh thần của nhà thiền gọi là “đoạt xá”. Xá nghĩa là nhà. Họ không vào trong bào thai của người mẹ, khi bào thai vừa sinh ra thì họ dùng năng lực ép thần thức người kia dạt ra rồi họ nhập vào. Những vị có năng lực lớn mới làm được như vậy, giống như Ngài Từ Đạo Hạnh. Đây gọi là mượn hình hài.

Còn bi nguyện độ sanh thì họ không vào như thế, mà họ thấy cha mẹ nào có nhân duyên họ vào. Khi họ ra, họ tu tập và họ không có ái luyến về cha mẹ nhiều, chỉ là mượn cửa để ra.

Tôi đố quý Phật tử, Bồ-tát Sĩ Đạt Đa có vào thai mẹ không? Bồ Tát Sĩ Đạt Đa khi còn ở cung trời Đâu Suất, Ngài là Hộ Minh Bồ-tát. Trước khi xuống cõi này, ngài vào pháp đường nhập định rồi xuống, giống như bóng trăng trên trời in xuống. Đó là năng lực của đại Bồ-tát. Cho nên có một ông tăng, pháp hiệu Đức Thành đến hỏi vua Trần Thái Tông:“Thế Tôn chưa rời cung trời Đâu Suất đã vào trong bụng mẹ, chưa ra khỏi bào thai mẹ đã độ người khắp thiên hạ như thế nào?” Lúc này vua Trần Thái Tông nói một câu kệ:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,

Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Khi nhập vào đại định phấn tấn tam muội là ngài thác sanh xuống. Trong bào thai mẹ, bà Mada phu nhân, giống như biệt điện cung trời Đế Thích, và tất cả chư đại Bồ-tát vân tập lại thính pháp, nghe Bồ-tát Sĩ Đạt Đa nói pháp vi diệu. Cho nên chưa ra khỏi bào thai mẹ mà độ người đã xong.

Như vậy, qua phần này tôi nêu cho đại chúng thấy, mình phải có một niềm tin khi tu tập. Nó có lợi lạc khi chúng ta từ bỏ thân xác này. Tinh thần của nhà thiền không phải chúng ta đợi chết mới giải thoát mà giải thoát từng niệm, từng niệm.

“Ngày đầu là Đại Nhật Như Lai đến từ vũ trụ.”

Đại là lớn, Nhật là mặt trời. Tức là tâm quý Phật tử phải rỗng suốt, thanh tịnh.

“Ngày thứ hai là A Súc Như Lai đến từ phương Đông vũ trụ, đây là cõi Phật bất động.”

Ngày xưa, ông Bàng Long Uẩn đọc đến đoạn này, ông mong muốn tu tập như thế nào đó để về cõi Phật bất động. Nhưng khi ngộ ra được lý thiền, ông làm bài kệ:

Thường nghe cõi A Súc,

Nghĩ đến phương Đông cầu.

Hôm nay xét nét kỹ,

Bất động tự nhiên đến.

Tâm mình bất động thì tự nhiên cõi đó ứng hiện ra. Chẳng hạn như vừa rồi tôi đi qua Pháp, chứ không định đi Tiệp Khắc, Áo, Bỉ, Đức. Nhưng khi tôi đi qua Pháp, một số Phật tử đến nghe tôi giảng, sau đó họ mời tôi qua Tiệp Khắc, Áo, Bỉ, Đức. Tại sao tôi đi được? Bởi vì tôi sẵn có hộ chiếu,visa, nước nào tôi cũng đi được hết. Khi tâm quý Phật tử tịnh thì mười phương thế giới hiện tiền. Quý Phật tử sẵn có nhân, sẵn có duyên với bổn nguyện thì mình an trú vào cõi đó tiếp tục hành trình của mình.

Cho nên tôi nói thẳng, khi mình hiểu nhiều, tu tập nhiều, mình đừng vội ngã mạn. Bởi vì chư Phật thấy Bồ-tát cũng như trẻ thơ. Bồ-tát thấy A-la-hán là trẻ thơ. A-la-hán thấy những vị A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn là trẻ thơ. Những vị tu vào hàng nhất lai thấy chúng ta là trẻ thơ. Rồi bây giờ mình có tu chút xíu, mình nhìn xuống, chừng nào quý Phật tử tu thành Phật thì mới xong bổn nguyện. Còn chưa sạch các lậu hoặc, chưa được bổn nguyện thì chúng ta phải phát một thệ nguyện, nếu sanh ra trong cuộc đời này phải sanh trong dòng dõi cao quí mà biết kính tin Tam Bảo, lớn lên phát tâm xuất gia. Gọi là:

Sanh phùng trung quốc,

Trưởng ngộ minh sư,

Chánh tín xuất gia,

Đồng chơn nhập đạo.

Mình hiểu thiền chỉ là một phần, mình phải có nguyện lực. Nguyện lực, thệ nguyện giống như sợi dây dẫn mình đi khỏi bị lạc đường. Thấy đơn giản vậy nhưng rất khó. Khi mình sống mạnh khỏe mình thấy không có gì, nhưng khi cái chết đến mình sẽ thấy không phải là dễ đâu.

“Ngày thứ ba là Bảo Sanh Như Lai đến từ phương Nam vũ trụ.”

Phương Nam thuộc về cung Ly, Ly thuộc về hỏa, hỏa thuộc về tâm. Tâm mình thanh tịnh thì cõi Bảo Sanh Như Lai đến từ phương Nam vũ trụ.

“Ngày thứ tư là Phật A Di Đà đến từ phương Tây vũ trụ.”

“Ngày thứ năm là Bất Không Thành Tựu Như Lai đến từ phương Bắc vũ trụ.”

Năm vị Phật này sẽ hướng dẫn thần thức đi đến cõi tịnh độ mà họ đang cư trú. Nếu như hương linh được chứng ngộ trong giai đoạn này sẽ đi đến cõi tịnh độ của một trong năm vị Phật đó.

Mình sống hàng ngày như thế nào thì tự nhiên tâm mình tương ưng như thế. Cho nên Lục Tổ khẳng định: Từ bi là Quán Thế Âm, hỷ xả là Đại Thế Chí, hay tịnh là Đức Thích Ca, bình trực là Phật Di Đà. Lục Tổ dạy rất kỹ, tôi nương những điều này chia sẻ cho quý Phật tử, khi cái chết đến chúng ta ra đi sẽ gặp những trường hợp này.

Như vậy qua phần này tôi nêu lên để quý Phật tử biết rằng những cõi tịnh thổ của chư Phật và Bồ-tát hiện tiền là từ nơi tâm của quý Phật tử. Kinh Duy Ma Cật khẳng định, tâm tịnh tức Phật độ tịnh, muốn được tịnh độ trước phải tịnh cái tâm mình. Muốn tịnh độ mười phương chư Phật hiện tiền là mình phải tu tâm, chuyển hóa tâm. Tức là mình phân hủy những tạp niệm, những cù cặn trong tâm thức. Trong ba, bốn ngày ở đây, tôi thấy có những cơ hội mà chúng ta nhảy vào, chúng ta bắt gặp, trong nhà thiền gọi là bắt gặp vị chúa tể. Người tu thiền phải mạnh dạn. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi, mình đều phải theo dõi tâm niệm của mình.

Kế nữa, sống trong cuộc sống giữa đời thường này, quý Phật tử nhớ cái gì bỏ được thì mình bỏ, cái gì buông được thì mình buông để cho ngày cuối cùng mình ra đi được thảnh thơi, an ổn. Có những sự kiện đến với mình, bây giờ mình còn mạnh, còn năng lực mà mình buông không được thì khi cái chết đến mình rất khó buông.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89144
  • Online: 36