Thể nghiệm về cái chết - Phần 9: Hào quang các cõi tịnh và uế

25/10/2016 | Lượt xem: 4411

ĐĐ.Thích Khế Định thuyết giảng tại Sydney-Úc

Đây là phần quan trọng nhất. Lúc trước học tôi có soạn kỹ điểm này nhưng chưa nhận ra nhiều, tôi cám ơn khóa tu này vì từ hôm dự khóa tu đến giờ tự tôi khám phá rất nhiều vấn đề đến với mình.


1- Ánh sáng Bình Đẳng Tánh Trí màu vàng sáng chói, đến cõi Tịnh Độ phương Nam nước Phật Shinat được giải thoát trở thành Phật.

Chúng ta tu tập chuyển thức mạt-na thành Bình Đẳng Tánh Trí. Đó là ánh sáng màu vàng sáng chói đến từ cõi Phật phương Nam. Thức mạt-na còn gọi là thức chấp ngã hay truyền tống thức, tức là phải cũng đưa vào, trái cũng đưa vào, cái gì cũng đưa vào hết, nó tiêu biểu cho Sa Tăng, cái gì cũng đưa vào cho Đường Tăng. Chúng ta bớt chấp ngã chừng nào, tâm chúng ta thanh thản khi chúng ta còn sống, thì vừa chết tức khắc mình gặp ánh sáng màu vàng chói.

Ở đây tôi nói thẳng rồi tôi xin sám hối, những người lớn tuổi nói hay cách mấy cũng có nhiều tập khí, chính điểm này nó cản trở mình. Những người tu từ nhỏ đến lớn thì tôi không dám bàn, chẳng hạn như anh Chánh Huệ năm nay 60 tuổi, nhưng anh đã biết Sư Ông từ những năm 1980. Ý tôi nói những người lớn tuổi mới bước chân vào con đường đạo thì rất khó, cho nên quý Phật tử phải cố gắng, chuyện gì bớt được thì ráng bớt. Những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống giữa đời thường mình ráng buông, ráng xả. Mình xả bớt chừng nào thì tâm mình thanh thản chừng nấy. Tâm thanh thản thì chết mới được giải thoát.

2- Ánh sáng trí huệ Diệu Quan Sát Trí với màu đỏ rực rỡ sáng chói được chiếu rọi trong tâm Đức Phật A Di Đà.

Diệu Quan Sát Trí chuyển từ ý thức, là thức thứ sáu, ví như là Tôn Hành Giả. Chuyển thức này tức là mình không mống niệm chạy theo những chuyện lặt vặt hằng ngày. Khi quý Phật tử vừa tắt thở thì tự nhiên pháp tính chân thật hiện tiền, mình thể nhập.

3- Ánh sáng Thành Sở Tác Trí màu xanh lục sáng chói.

Chuyển các thức thuộc ngũ tiền thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).

4. Ánh sáng trí tuệ Đại Viên Cảnh Trí chiếu rọi từ tâm của đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, soi sáng trong tâm của thần thức. Luồng ánh sáng này tựa như cái bát tròn màu xanh.

Tức là chuyển A-lại-da thức thành Không Như Lai Tạng. Không Như Lai Tạng có nghĩa là kho tàng mình trống không, không chứa gì hết. Cho nên các vị thiền sư ngắt một cái là đi luôn, bởi vì trong Không Như Lai Tạng các ngài không chứa thứ gì. Mình tu tập, mình phải bớt từ từ. Cái này rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian, có một giai đoạn nào đó tự nhiên mình không còn ham muốn, không còn khát ái, kế là những chuyện lặt vặt hằng ngày mình buông xả nhẹ, thì đòi hỏi phải dụng công. Đó là những ánh sáng khi thần thức chúng ta ra được gặp cõi tịnh độ của mười phương chư Phật.

Bây giờ qua phần ánh sáng của nghiệp ác, chúng ta cũng học qua cho biết.

1- Ánh sáng cõi trời màu trắng dịu nhẹ.

Với cặp mắt giác ngộ của Đức Phật thì cõi trời cũng thuộc ác nghiệp, vì vẫn còn luân hồi trong ba cõi. Thường mình không thích cái gì chói, ánh sáng chói chiếu đến mình rất là sợ hãi. Ngược lại những ánh sáng mờ mờ dịu nhẹ mình thích nương vào. Nương vào ánh sáng màu trắng dịu nhẹ tức là mình tái sanh lên các cõi trời.

2- Ánh sáng cõi A-tu-la màu đỏ dịu nhẹ.

3- Ánh sáng cõi người màu xanh lam dịu nhẹ.

4- Ánh sáng cõi súc sanh màu xanh lá dịu nhẹ.

5- Ánh sáng cõi quỷ đói màu vàng dịu nhẹ.

6- Ánh sáng cõi địa ngục màu khói mờ dịu nhẹ.

Tất cả những ánh sáng dịu nhẹ, mỏng giống như sương như khói là mình đi trong sáu cõi luân hồi. Quý Phật tử xem những bộ phim ma, sương khói mờ mờ nhẹ nhẹ là đi vô cõi đó. Còn cõi chư Phật ánh sáng rực rỡ, hào quang sáng chói. Người tu thiền dễ bắt gặp những luồng năng lượng này khi chúng ta tu tập thiền định. Cho nên tại sao tôi nói quý Phật tử ngồi thiền phải bắt cái ấn của Phật Tỳ-lô-giá-na, Phật quá khứ. Chúng ta để bàn tay gọi là âm dương hợp nhất hoặc là động tĩnh nhất như, bắt ấn hàng ma giống như mặt hồ mùa thu tĩnh lặng. Tôi không phải hay gì, mà tôi thuật lại lời của Thiền sư Đạo Nguyên, ngài giải rất kỹ trong phần Chánh Pháp Nhãn Tạng.

Như vậy quý Phật tử thấy việc tu hành của mình không phải là chuyện bỏ không như bỏ muối xuống biển, mà để cho ngày cuối cùng chúng ta ra đi. Giống như hồi sáng Thầy nói, bao nhiêu công khó khổ của mình, bảy ngày hoặc là suốt cả cuộc đời cũng là để dành cho chuyến cuối cùng chúng ta tạm biệt cõi nhân gian này. Lần lần quý Phật tử sẽ thấy những vi diệu khi tọa thiền.

Tổ Qui Sơn dạy: “Giống như lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp, nặng đâu thì sa đó”. Lưới thủng chim bay là gì? Thân ngũ uẩn của mình giống như là lưới thủng, chim bay là thần thức bay ra, mà nặng đâu thì sa đó. “Ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu thì sa đó”. Hễ nặng đâu thì rớt đó. Cho nên tinh thần của nhà thiền, hay nói khác hơn tinh thần Phật dạy là gì?

Tự mình làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình làm thanh tịnh,

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.

Như vậy tinh thần của nhà Phật là trả hết tự do, trả hết quyền quyết định cho quý Phật tử, sanh hoặc là ở đâu, tái tạo hình hài cuối cùng này hay không là do quý Phật tử hết. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Dòng sinh mệnh tương tục của các ông, các ông phải nhận ra điểm đó”. Mà người tu thiền mình đã gặp rồi.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ kể, vào thời Đức Phật, có ông Bà-la-môn Tịnh Thủy Hành, hằng ngày ông xuống sông Hằng tắm. Một hôm gặp ông Đức Phật hỏi: “Tại sao ông hay xuống sông Hằng tắm?” Ông trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, tối con làm những điều ác thì sáng con xuống tắm cho nó hết.Chiều con làm việc ác thì buổi tối con xuống tắm cho nó hết.”Đức Phật không nói hết hay không hết, mà ngài nói một bài kệ:

Chánh pháp là ao hồ,

Giới là bến nước tắm,

Trừ cấu uế trong tâm,

Được người lành tán thán,

Đời này và đời sau.

Nghĩa là Đức Phật nói ông phải bơi lội, học hỏi trong chánh pháp. Nếu chứng nghiệm trong chánh pháp thì ông mới hết những lỗi này. Từ thứ bảy đến giờ là quý Phật tử bơi lội trong, lặn ngụp trong chánh pháp để uống tận đầu nguồn trong chánh pháp.

Có ông nhà văn người Pháp nói: “Cuộc đời của tôi, ước gì tôi vo tròn giống như một tờ giấy ném vào người tôi yêu thương nhất.” Nói như vậy mà gọi bất hủ. Là người học Phật, chúng ta chuyển lại câu nói này, chúng ta phát nguyện: “Cuộc đời của con từ đây cho đến ngày thành Phật, con sẽ giống như một tờ giấy vo tròn được tung vào biển giáo pháp của Đức Thế Tôn.” Ngay trong giờ phút đó bao nhiêu nghiệp chướng, nghiệp tập của mình rơi rụng hết. Điều này cần nhất là khi chúng ta chuẩn bị ngắt hơi thở cuối cùng.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23572
  • Online: 20