Thiền Tông Là Gì

12/10/2024 | Lượt xem: 282

HT.Thích Thanh Từ

Quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX vừa mới in xong, sắp phổ biến, nên hôm nay có buổi nói chuyện bất thường này, để quý vị thấy rõ tầm vóc quan trọng của quyển sách đối với các Thiền viện. Đây tôi nói về tầm quan trọng của quyển sách. Tựa sách đề tên là Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX sẽ gây cho nhiều người thắc mắc: “Ai là người hướng dẫn và nhóm nào tu theo đường lối này?” Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX chỉ cho đời sống các Thiền viện; trước hết là Chơn Không, rồi tới Thường Chiếu và các Chiếu hiện nay.

Sở dĩ tôi nói quyển sách này quan trọng là vì những năm 1970, 1971, 1972, tôi có viết bài đăng trên báo Hoằng Pháp, trong đó tôi nói về Thiền tông Việt Nam, chủ yếu là làm sao cho Thiền tông Việt Nam sống lại trên đất nước Việt Nam và trong Phật giáo Việt Nam. Ước nguyện đó chúng tôi mãi nuôi dưỡng cho tới ngày nay, quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời, là chúng tôi được mãn nguyện. Tại sao vậy?

Vì Thiền tông Việt Nam bị mai một ngót cả trăm năm, chẳng ai biết Thiền tông là gì. Ở các chùa, quý Hòa thượng lớn vẫn là người tu Tịnh độ, ít khi nói tới Thiền. Nếu có người tu Thiền thì đa số tu theo Thiền ngoại đạo, phát cuồng loạn, rồi mang tiếng tu Thiền điên, làm cho đa số tăng ni Phật tử sợ tu thiền. Hơn nữa, khi đề cập tới Thiền tông thì đa số quý Hòa thượng đều nói thiền dành riêng cho người căn cơ bậc thượng, người căn cơ bậc trung bậc hạ khó mà ứng dụng tu được. Nên nói tới Thiền tông thì ai cũng nghĩ mình không có phần. Chúng tôi khôi phục Thiền tông, mà Thiền tông lại là cái mà đa số người sợ tu theo điên và đa số người nghĩ rằng mình căn cơ thấp không tu theo được, vậy thì ai tu? Do đó sự khôi phục Thiền tông là một việc làm rất cay đắng không phải dễ dàng. Nhưng hôm nay quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời, coi như sự khôi phục đã thành công trên mặt danh nghĩa. Vì được Giáo hội chấp nhận cho in và nhà nước cấp giấy phép. Như vậy, hiện tại Thiền tông Việt Nam đã có mặt trong Phật giáo và trên đất nước Việt Nam. Đó là danh nghĩa đã được công khai thừa nhận.

Còn phần thực hành tu tỉnh, thì qua bao nhiêu năm, số thiền sinh có mặt trong các Thiền viện từ khóa I ở Chơn Không là mười thiền sinh và một số người dự thính. Rồi dần dần mấy mươi người ở khóa II, tới bây giờ số thiền sinh ở các Thiền viện tất cả khoảng mấy trăm người. Như vậy số người tu theo Thiền tông cũng đáng kể. Kế đó là hàng cư sĩ có tâm ủng hộ, không những ở trong nước mà cả ngoài nước. Những Phật tử này ngoài việc ủng hộ cho tăng ni tu, chính các vị ấy cũng tu tập theo đường lối của Thiền tông. Như vậy hai mặt danh nghĩa (lý thuyết) và thực hành tạm gọi là thành tựu. Hôm nay quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời là nói lên bổn nguyện khôi phục Thiền tông, mà tôi ôm ấp từ bấy lâu nay đã thành tựu.

Tầm vóc quan trọng kế nữa là quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời, coi như công khai hóa đường lối tu hành của các Thiền viện, chứ không còn mơ hồ như những năm về trước. Cái mơ hồ thứ nhất là đường lối tu. Vì đa số tăng ni ở trong Thiền viện vẫn chưa biết mình đang tu theo tông phái nào và đang tu theo pháp thiền nào. Chính mình đang tu mà không biết rành rõ về tông phái và đường lối, nên nói đường lối tu dường như mơ hồ. Cái mơ hồ thứ hai là tăng ni tu như thế nào, chỉ ở trong Thiền viện biết thôi, còn người ngoài nhìn vào chỉ biết đây là Thiền viện tu Thiền, chứ không biết tu Thiền như thế nào, đường lối ra sao? Quyển sách này ra đời là công khai nói lên đường lối tu của các Thiền viện. Đường lối tu này đã có từ năm 1970, mãi đến bây giờ mới nêu lên rõ ràng qua quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX. Như vậy, quyển sách này có tầm vóc quan trọng đối với các thiền sinh trong các Thiền viện. Nếu thiền sinh không hiểu không nắm vững đường lối tu của mình, làm sao ứng dụng để tu? Nếu có người hỏi cũng không biết để trả lời. Đó là cái lỗi rất lớn.

Vậy, hôm nay quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX ra đời, tôi yêu cầu quý vị học và hiểu cho thật rõ đường lối tu của chính mình, chứ không thể chần chừ. Quyển sách này ra đời có cái lợi lớn, mà cũng là cái khó cho tất cả tăng ni trong các Thiền viện. Vì từ đây về sau không còn mơ hồ nữa, bởi đường lối tu đã xác định rõ ràng. Sở dĩ từ lâu nay đường lối tu có vẻ như mơ hồ, là vì tôi chủ trương hơi lạ một chút: Khi lập Thiền viện cốt là hướng dẫn tăng ni tu theo Thiền tông. Nhưng vì hai điều mà tôi đã nêu ở trước là tu thiền điên và Thiền tông quá cao, dành cho người căn cơ bậc thượng tu. Nếu tôi nói quý vị tu theo Thiền tông, quý vị sẽ nghĩ: con thuộc hạng hạ cơ hạ căn làm sao tu nổi? Ai cũng thối lui hết! Nên tôi không nói dứt khoát là chúng ta tu theo Thiền tông, mà tôi đem kinh, luận, sử ra giảng cho quý vị nghe, nghe rồi hiểu, hiểu rồi tự tin, thầm nhận từ từ. Bây giờ tôi thấy quý vị đã đủ lòng tin rồi, nên công khai nói lên đường lối tu của mình. Ngang đây quý vị không còn lạ gì về đường lối tu, không còn sợ tu thiền điên và không còn nghĩ Thiền tông chỉ dành cho người bậc thượng, hàng trung căn hạ căn không tu được. Vì vậy mà trong quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX trang 55, đoạn viết về Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, tôi nói như thế này: “Nói đến Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX là nói đường hướng tu Thiền của Tu viện Chơn Không (1970-1986) ngày trước, hay của Thiền viện Thường Chiếu… hiện nay (1974-1991…) do chúng tôi chủ trương hướng dẫn.” Như vậy, quyển sách này là quyển sách nêu lên chủ trương đường lối tu thiền rõ ràng, chứ không còn mơ hồ nữa. Đó là tầm quan trọng thứ nhất của quyển sách.

Tầm quan trọng thứ hai là phần khó mà quý vị sẽ phải đối diện, vì sách đề tựa là Thiền tông Việt Nam, giả sử có người hỏi: Thế nào là Thiền tông? Quý vị sẽ trả lời sao? Nếu trả lời không được thì người sẽ nghĩ thế nào về việc tu hành của mình? Ở trong sách tôi đã nói, song e quý vị không thấy rõ, nên ở đây tôi phải nhấn mạnh lần nữa. Trong bài Cội Nguồn Thiền Tông trang 18-22, tôi viết đoạn:


Đối trước một cảnh thấy được các pháp tu.

Cùng một cảnh mà nhìn thấy khác nhau tùy theo pháp tu. Chủ yếu phá vô minh dẹp ái thủ, đức Phật dạy mỗi trình độ có lối quán sát khác nhau. Như một hôm thiền sư Vân Môn thượng đường, đưa cây gậy lên bảo chúng: “Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.”

Phàm phu thấy cây gậy cho là thật nên khởi tâm phân biệt đẹp xấu, đẹp thì ái (yêu), xấu là tắng (ghét). Nếu ái thì muốn được về mình, là thủ; có ái có thủ là nhân sinh ra hữu và sanh lão tử của đời vị lai. Hẳn đây là gốc mầm của sanh già bệnh chết. Để dứt cái ái thủ này, đức Phật dạy hàng Nhị thừa phải dùng trí quán sát thấy cây gậy là vô thường, ngày nay nó như thế, mai kia nó sẽ cũ, sẽ mục, rồi trở thành không, biết rõ như vậy thì lòng tham ái cây gậy sẽ dứt. Đây là dùng trí quán sát sự vật trôi theo dòng thời gian biến hoại để dứt ái thủ.

Cũng mục đích phá dẹp ái thủ, đức Phật dạy hàng Duyên giác quán sát cây gậy do nhân duyên sanh. Do đất nước gió lửa chung hợp sanh ra cây gậy, cây gậy đợi duyên hợp mới có, tức cái có này không thật, như huyễn như hóa. Hàng Duyên giác thấy cây gậy như huyễn hóa thì đâu còn tâm tham ái. Thế là ái thủ dứt, dòng sanh tử cũng dừng ngang đây. Bồ-tát đã thấy tột lý nhân duyên không cần quán sát nữa, thấy cây gậy biết rõ không thật tánh, nên nói đương thể tức không. Bởi thấy không thật tánh nên Bồ-tát đâu còn tâm luyến ái cây gậy, do đó dòng sanh tử dứt.

Đến Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Tại sao? Bởi vì người thấu đạt lý thiền, tâm không còn chạy theo cảnh, đối cảnh tâm như như, nên nói cây gậy là cây gậy.

Hơn nữa, thấy cây gậy chạy xuôi theo dòng thời thời gian quán sát từ có biến hoại đến không, là khái niệm khuôn theo lời Phật vạch sẵn. Nhìn theo khái niệm định sẵn của mình, chối bỏ sự hiện hữu của cây gậy. Chính khái niệm lệ thuộc theo thời gian khiến hàng Nhị thừa dễ bi quan. Tuy đó cũng là trí thấy xa, song nó vượt hẳn thực tế. Đến Duyên giác thấy cây gậy do duyên sanh, tuy có mà không thật, như huyễn hóa. Đây cũng là lối nhìn theo khuôn cũ lối mòn Phật định sẵn. Khái niệm này nhìn theo sự tập hợp của nhân duyên trong không gian. Đã tập hợp thì không có chủ, không chủ thì làm sao có thật. Thế cũng phủ nhận sự hiện hữu của cây gậy. Khái niệm nhân duyên là do huân tập lời Phật dạy, cũng là tướng sanh diệt. Bồ-tát không cần quán sát, vì tâm đã thuần thục, thấy cây gậy liền biết tức không. Song, đây cũng là khuôn đúc đã thành hình, ráp từ những lời Phật dạy.

Thiền gia không thế, nhìn cây gậy là cây gậy, không bị khái niệm nào chen vào, không bị khuôn cũ lối mòn nào định sẵn. Nhìn thẳng sự hiện hữu của cây gậy bằng tâm như như của mình. Cảnh và tâm, tâm và cảnh không có gì gián cách. Tâm không khởi niệm, làm gì có thấy thật thấy giả; đã không thật giả còn gì tham ái hay chán ghét. Nếu không ái thì đâu có thủ, đây là giải thoát sanh già bệnh chết chứ gì. Chủ yếu của Thiền gia là trực diện đối cảnh, cốt tâm không khởi niệm. Cho nên câu chót bài kệ Cư Trần Lạc Đạo của Sơ tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền). Quả là định nghĩa thiền một cách cụ thể. Cái cao siêu tuyệt vời của thiền là trút sạch khái niệm, dù khái niệm đúng như lời Phật dạy, lột hết mọi kiến giải đã huân tập, nhìn sự vật như sự vật, không vì một lý do gì mà thêm bớt vào. Đây là một con người tự do tự tại không bị kiến thức nào trói buộc. Bởi vậy nên nói: Sanh không thích thiên đường, tử không sợ địa ngục. Buông tay đi ngang ngoài tam giới, mặc tình vươn bổng nào buộc ràng (Thiền sư Đạo Giai).”

Qua đoạn này quý vị thấy định nghĩa thiền rõ ràng chưa? Tất cả người tu chúng ta ai cũng trung thành với đức Phật, vì trung thành với Phật nên mượn pháp của Phật để làm cái khuôn ứng dụng tu hành. Điều này rất tốt vì thực hành đúng như lời Phật dạy. Song, đây tôi nhắc cho quý vị nhớ: Khi Phật mới thành đạo, ngài ngần ngại không ra giáo hóa liền. Trong kinh A-hàm hoặc kinh Hoa Nghiêm có ghi rõ. Về điểm này lúc bấy giờ tôi có chút nghi vấn: Phật đại từ đại bi mong tu hành sau cứu độ chúng sanh, tại sao thành đạo rồi không chịu đi giáo hóa? Song khi đọc kỹ lại thấy Phật nói: “Những điều ta thấy biết nói ra chúng sanh không thể hiểu, không thể tin”, nên ngài do dự không nói.

Khi Phạm thiên thỉnh ngài đôi ba phen ngài mới quán xét căn cơ chúng sanh, và phương tiện giáo hóa. Cũng như chư Phật đời quá khứ cũng phương tiện giáo hóa, nên Phật dùng phương tiện giáo hóa.

Như vậy, tất cả pháp Phật nói đều là phương tiện, chứ không phải chỗ Phật thấy, chỗ Phật chứng. Nhiều khi chúng ta học thấy đó là chân lý là cứu cánh rồi kẹt trong đó. Trong các kinh thường nói: “Giáo pháp Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng.” Muốn thấy được mặt trăng phải thoát khỏi ngón tay chứ không kẹt ở ngón tay. Vậy chỗ Phật ngần ngại không muốn nói là chỗ nào? Có phải chỗ Thiền gia thấy hay không? Thiền sư Vân Môn dạy tu bằng cách đưa cây gậy lên bảo chúng: Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức không, Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đều được giải thoát sanh tử do quán theo lời Phật dạy bằng những phương tiện được ghi ở kinh luật. Thiền gia thì thấy cây gậy là cây gậy. Nếu thấy cây gậy mà còn khởi niệm quán sát quán chiếu, đều là theo sự hướng dẫn của Phật hoặc của Bồ-tát, hay của vị thầy nào đó, chứ chính mình không nhìn thẳng vào thật thể của cây gậy. Bây giờ nhìn cây gậy là cây gậy, không dấy tâm động niệm, không có kiến giải nào phụ theo cái nhìn, đó mới là cái nhìn thẳng vào thật thể của cây gậy. Nếu nhìn trên kiến giải quán chiếu thì kiến giải là của thầy, của vị giáo chủ (Phật) dạy mình, chứ không phải của mình. Thiền gia bắt mình sống thật với mình, trở về “con người chân thật” của mình. Chính con người chân thật trong nhà thiền thường gọi là “Tịnh khỏa khỏa” rồi “Xích sái sái”. Nói theo tiếng nôm na là trần trụi không có cái gì che kín hết, hoàn toàn lột trần sự vật. Tâm không có một khái niệm nào cả, nhìn sự vật với sự vật thôi.

Điểm đặc biệt của Thiền gia là chỗ không lệ thuộc. Nếu còn một khái niệm hay một kiến giải là còn lệ thuộc, hoặc lệ thuộc Phật hay lệ thuộc người khác. Hễ còn lệ thuộc thì chưa phải thật là mình, mà chưa thật là mình thì không thể giải thoát được, nếu có giải thoát thì cũng chỉ giải thoát trong cái khuôn cố định. Vì vậy mà Thiền tông dẹp hết mọi kiến giải (kiến thức, tư kiến, định kiến, thành kiến, tà kiến…). Tất cả mọi tri kiến sẵn có đều loại bỏ hết, không còn mảy may dính dáng với mình, chỉ là con người chân thật của mình thôi. Ví dụ như chúng ta nhìn cây bách tán, thấy cây bách tán là cây bách tán, không có một ý niệm nào khác. Còn nếu chúng ta có kiến thức về thuốc thì nhìn cây bách tán, nghĩ cây bách tán có những vị thuốc trị bệnh này bệnh kia… Nếu chúng ta biết chơi cây kiểng, thì thấy cây bách tán có hình dáng đẹp xấu như thế nào đó. Nếu chúng ta là thợ mộc, thấy cây bách tán thẳng cứng sẽ làm được vật này vật kia… Chúng ta nhìn cây bách tán theo kiến thức huân tập của mình. Nếu không huân tập thì thấy cây bách tán là cây bách tán không có gì quan hệ với nó để rồi biến nó thành cái này thành cái kia. Thế nên Thiền tông lột hết mọi kiến giải huân tập. Vì kiến giải là do huân tập từ bên ngoài vào, không phải là cái của mình.

Cái mà mình sẵn có, nó ở đâu? Như hồi nãy tôi nói, chúng ta nhìn cây bách tán bằng mắt, ngay nơi mắt thấy rõ ràng cây bách tán là cây bách tán.

Từ lâu chúng ta cho rằng cái biết là cái suy nghĩ. Như ngài Văn Hỷ đến động Kim Cang viếng Bồ-tát

Văn-thù, gặp Bồ-tát Văn-thù mà không biết đó là Văn-thù, đàm đạo một lúc Bồ-tát Văn-thù mới mời ngài Văn Hỷ uống trà. Bồ-tát Văn-thù cầm chung trà đưa lên hỏi ngài Văn Hỷ:  Phương Nam có cái này không? Ngài Văn Hỷ trả lời:  Không. Bồ-tát Văn-thù hỏi:  Nếu không thì lấy cái gì uống nước?

Nghe qua ai cũng tưởng không là không có cái chung quý để uống trà. Nhưng chúng ta không ngờ Bồ-tát Văn-thù đưa cái chung hỏi “có cái này không?”, là ngài muốn chỉ cái thấy. Thấy tức là biết, biết là tâm. Khi nghe hỏi có cái này không, tức ngài Văn Hỷ cứ nghĩ là hỏi cái chung, nên trả lời không. Nếu không có biết mà có cái chung cũng không làm sao uống được, phải có biết mới uống được. Chúng ta thường có cái quên lớn là khi ăn không nhớ cái miệng cái lưỡi, hai hàm răng, chỉ nhớ thức ăn ngon và ngồi nói chuyện đông chuyện tây… không nhớ mình đang ăn, biết ăn.

Thiền tông chỉ tâm (biết) đang hiện ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở toàn thân chúng ta; nó luôn hiện hữu ở sáu căn nhưng vì kiến thức, phong tục tập quán chúng ta đã huân tập ở gia đình, học đường, xã hội… nó trồi dậy che khuất cái chân thật của mình. Tu là dẹp sạch những kiến thức ấy, vì nó không phải là mình, cái thật là cái biết thì lại quên đi. Thế nên Thiền tông chỉ cho chúng ta nhận và sống với con người thật của chính mình, không chấp nhận những kiến giải bên ngoài, dù kiến giải đó của Phật hay của Tổ. Đã là kiến giải thì không phải là mình. Đó là điểm kỳ đặc của Thiền tông, được gọi là Tối thượng thừa, người căn cơ bén nhạy mới nhận ra. Thông thường người tu chúng ta căn cứ theo lời Phật để quán, để tư duy chứ không dám bỏ lời Phật. Theo cái thấy của Thiền tông dù là lời Phật dạy, nếu chúng ta lấy đó làm khuôn sáo làm mẫu mực thì chúng ta vẫn còn lệ thuộc. Lệ thuộc là không tự do, vì còn có kiến giải che khuất bản tâm. Do đó mà Thiền tông không chấp nhận bất cứ cái gì che khuất bản tâm chân thật của mình. Như vậy tâm như cảnh như; thấy cái gì là cái nấy, thấy cây gậy là cây gậy, không thêm một niệm nào hết. Nếu còn quán cây gậy là vô thường, là duyên hợp, là tánh không v.v… đó là còn quán tưởng, chưa thấy đến chỗ cứu cánh. Thiền tông dạy người thấy đúng như thật, vật như thế nào thấy như thế ấy, không thêm một niệm nào.

Người mà thấy được như thế thì sao? Ngài Đạo Giai đã nói: Sanh không thích thiên đường, tử không sợ địa ngục. Thấy có thiên đường có địa ngục là do chúng ta có huân chủng tử đó… Nếu tất cả mọi chủng tử, mọi kiến thức sạch hết không còn, thì nghiệp thức cũng hết thì đâu có bị nghiệp thức dẫn, như vậy thì địa ngục thiên đường đối với mình không có quan hệ gì. Nên ngài nói: Buông tay đi ngang ngoài tam giới. Nghĩa là thảnh thơi không có gì trói buộc, mặc tình vươn bổng nào buộc ràng. Tất cả mọi kiến giải vọng tưởng đã sạch rồi, chỉ còn là con người chân thật tịnh sáng hiển hiện qua sáu căn, không lúc nào thiếu vắng.

Khi Thiền tông chỉ thẳng con người chân thật cho chúng ta nhận, thì chúng ta thấy hơi huyền bí khó hiểu. Cho nên lối dạy tu của Thiền tông khác hơn các pháp tu khác. Ví dụ nhìn cái nhà, quán cái nhà mai mốt nó sẽ cũ, cũ rồi nó sẽ mục, mục rồi nó sẽ hoại thành không. Hoặc quán cái nhà này do các duyên như gạch, ngói, cát, ciment, công thợ… hợp lại mà thành, nên cái nhà không thật. Tu như thế có đề mục để suy gẫm quán xét. Bây giờ thấy cái nhà là cái nhà không quán xét không vọng tưởng, nên khó. Vì vậy nói người căn cơ bậc thượng mới tu được. Đó là cái khó của người tu thiền. Tuy nhiên, ai cũng tu được, khéo biết thì không lựa người bậc thượng hay bậc hạ. Đức Phật thành đạo tức là cái chân thật của ngài đã hiển hiện tròn sáng. Bây giờ ngài muốn nói thẳng chỉ thẳng cái chân thật đó, e người không hiểu không tin, nên buộc lòng ngài phải dùng ngôn ngữ, để giải thích những lẽ thường của thế gian cho người thấy, rồi dạy người quán xét để gỡ những ái nhiễm buộc ràng. Đó là chỗ phương tiện độ sanh của Phật, còn cái chân thật là cứu cánh không thể dùng ngôn ngữ mà có thể nói đến. Chỗ này, có Thiền sư nhắc lời bà Võ Tắc Thiên người mà thiên hạ chê nhiều, nói rằng: “Muốn biết con người thật của mình là khi vào trong nhà tắm.” Bà nói nghe có vẻ phàm tục, nhưng nói lên được sự thật, vì con người tô vẽ, che kín bởi nhiều lớp y phục, mũ nón, giày vớ… chỉ khi nào vào nhà tắm gỡ hết ra mới thấy rõ con người thật của mình. Cũng vậy, Thiền gia gỡ hết mọi kiến giải, con người thật mới hiển hiện, còn kiến giải là còn lệ thuộc, không tự do chưa giải thoát. Vì vậy mà Thiền gia tôn trọng chỗ cứu cánh đó, trong khi chúng ta lại dùng nhiều từ ngữ để đặt tên. Như Lục Tổ hỏi trong chúng:

-  Ta có một vật không đầu không đuôi không tên không họ. Vậy các ngươi nói nó là vật gì?

Sa-di Thần Hội nhanh nhảu thưa:

-  Bạch Hòa thượng, đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Lục Tổ nói:

-  Ta đã nói không tên không họ mà ông còn gọi là bản nguyên là Phật tánh, ông đã lấy tranh che đầu rồi.

Gọi là bản nguyên là Phật tánh là còn khái niệm, còn bị che khuất, chưa thấy được cái chân thật. Chủ yếu của Thiền gia là lột hết mọi khái niệm để nhận ra cái chân thật. Nếu còn khái niệm là có đẹp có xấu, có tâm ái thủ nhiễm ô, không thấy được lẽ thật. Đó là điều quan trọng trong Thiền gia. Tôi trích một đoạn nữa trong bài Cội Nguồn Thiền Tông:

“Một ví dụ nữa, đóa hoa hường ở trước mặt, phàm phu nhìn thấy liền khởi niệm so sánh đẹp xấu, so sánh là lôi cái hoa hường ở hiện tại đối chiếu với bóng dáng những hoa hường ở quá khứ còn ghi trong ký ức, xem cái nào đẹp hơn. Nên hoa hường hiện tại thua bóng dáng hoa hường quá khứ liền cho nó là xấu, hơn bóng dáng quá khứ liền cho nó là đẹp. Làm việc so sánh này luôn luôn phải chạy lùi về quá khứ, lục lạo moi móc trong ký ức những bóng hình để đem ra đối chiếu. Nếu kết luận là đẹp thì tâm yêu thích dấy lên đuổi theo, nếu là xấu thì tâm chán ghét xua đi. Yêu thích là Ái, do yêu thích muốn mình được là Thủ. Đây là nhân sanh già bệnh chết ở đời sau. Thấy hoa hường là Xúc, nhận đẹp xấu là Thọ, yêu thích muốn được là Ái, Thủ.

Để dẹp tan ái thủ, Phật dạy hàng Nhị thừa khi thấy hoa hường (xúc) liền quan sát theo thời gian, ngày nay nó nở tròn, ngày mai nó héo dần, ngày mốt nó rơi rụng lả tả, ngày kia trụi cành. Thế là từ có, theo thời gian biến hoại thành không, có gì đâu là thật mà nói đẹp xấu (thọ). Không đẹp xấu thì làm gì có yêu ghét (ái). Đã không yêu ghét thì chấp giữ làm gì (thủ). Đây nhờ quán vô thường dứt được ái thủ, cũng là dứt được manh mối sanh tử đời sau.

Hàng Duyên giác thấy hoa hường (xúc) cũng theo Phật dạy đứng về không gian phân tích. Hoa hường đang nở tròn không có thật, từng cánh hoa ráp lại, nhiều chấm nhụy điểm thành, không có chủ thể hoa hường, do nhiều nguyên nhân hòa hợp. Đã do duyên hòa hợp mà có, nên không thật như huyễn như hóa. Bởi thấy hoa hường không có thật nên không phân biệt đẹp xấu (thọ), không đẹp xấu làm gì có yêu ghét (ái), không yêu thì chấp giữ làm gì (thủ). Nhờ quán nhân duyên hòa hợp mà có, nên dứt tâm yêu mến (ái), không yêu mến nên không chấp giữ (thủ), nhân sanh tử đời sau ngang đây cắt đứt.

Bồ-tát quán pháp nhân duyên đã thành thục, một phen nhìn thấy hoa hường (xúc) liền biết không tự tánh, đương xứ tức không; đã không tự tánh thì cái gì làm chủ mà có đẹp xấu (thọ), không đẹp xấu nên không yêu thích (ái), không yêu thích thì không chấp giữ (thủ), cũng dứt ngang được dòng sanh tử.

Qua bốn cái nhìn trên (phàm phu, Nhị thừa, Duyên giác, Bồ-tát) đều không thấy được bản chất thực tại của hoa hường. Hoặc thấy theo ảo tưởng quá khứ mà phân định là phàm phu, hoặc thấy phóng theo thời gian vị lai mà phân định là Nhị thừa, hoặc thấy bằng cách phân tích chia chẻ từng mảnh vụn trong không gian mà phân định là Duyên giác, hoặc nhìn theo thói quen đặt sẵn mà phân định là Bồ-tát. Tất cả cái nhìn sự vật theo lối này, tuy mê giác có khác, song không thoát khỏi khuôn cũ lối mòn đã định sẵn, làm mất đi bản chất thực hữu của sự vật.

Đến cái nhìn của Thiền gia không phải thế, thấy hoa hường là hoa hường, không khởi tâm so sánh, quán sát chi cả. Hiện thân hoa hường thế nào, thấy đúng thế ấy. Không khởi niệm so sánh thì đâu có đẹp xấu (thọ), không đẹp xấu thì làm gì có yêu ghét (ái), không yêu ghét thì đâu có lấy bỏ (thủ), dòng sanh tử do đâu lôi cuốn được. Thấy có đẹp xấu là thấy hai, yêu ghét là hai, thủ xả là hai; còn có hai bên là nguồn gốc sanh tử. Thiền gia khi nhìn sự vật không dấy tâm khởi niệm, nên thấy mọi vật đều chân. Như khi vua Lý Thái Tông đến viếng Thiền Lão thiền sư, vua hỏi:

-  Hòa thượng trụ núi này được bao lâu?


Sư đáp:Đản tri kim nhật nguyệt              

Thùy thức cựu xuân thu.


Chỉ biết ngày tháng này

Ai rành xuân thu trước.

Vua lại hỏi:

-    Hàng ngày Hòa thượng làm gì?

Sư đáp:

 Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

 Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.


Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Đẹp đẽ thay nếu chúng ta thấy sự vật đúng với bản chất của nó. Nhìn sự vật với tâm lặng lẽ thanh tịnh, mọi phàm tình không có chỗ xen vào, còn gì là thật giả, đẹp xấu, khó dễ…, đến đây không còn gì để nói. Cho nên cô Linh Chiếu đúc kết quan niệm của ông bà Bàng Uẩn bằng hai câu: “Cũng không dễ cũng không khó, đói đến thì ăn mệt ngủ khò.” Hằng sống với tâm như như thanh tịnh, khi gặp cảnh thì hành xử tùy duyên, không so sánh không phân chia, không áp đặt bất cứ một khái niệm nào, nên nói đói ăn mệt ngủ. Cái nhìn đúng thực tại này, gọi là Như thị tri, như thị kiến.

Đó là ví dụ thứ hai. Quý vị thấy cái nhìn của Thiền gia khác hơn cái nhìn của các vị tu theo Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, thuộc tam thừa Phật giáo. Thiền gia không thấy sự vật là vô thường, sự vật do duyên sanh hay đương xứ tức không, vậy Thiền tông thuộc thừa nào? Cái nhìn của Thiền gia vượt ngoài phương tiện quán chiếu mà Phật thường dạy, gỡ hết mọi kiến giải để tâm giải thoát hoàn toàn; chẳng những không lệ thuộc vào người khác mà Phật cũng không lệ thuộc nữa. Thiền sư Quảng Nghiêm nói:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ nghĩa là lìa tịch diệt mới nói tịch diệt. Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh tức là sanh ở chỗ vô sanh mới nói đến vô sanh. Khi còn chìm trong đó thì khoan nói tới. Như vậy, người tu cần phải vượt qua chỗ thực hành của mình chừng đó nói lại không sai. Khi còn đang ở trong phạm vi thực hành mà nói, e không đúng, vì ngày nay như vầy ngày mai sẽ khác đi.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí, hưu hướng Như Lai hành xứ hành tức là chí xông thấu trời của người con trai (nữ nhi đừng mặc cảm, nam nữ gì cũng có chí xung thiên) thì chớ có giẫm theo lối mòn của Như Lai đã đi. Lối mòn đó là những pháp tu, những pháp quán mà Phật đã dạy từ xưa, nếu còn khép mình trong cái khuôn cũ ấy là chưa thoát khỏi kiến giải. Vậy, không lệ thuộc theo lối mòn của Phật thì theo lối nào? Như tôi đã nói Thiền tông gỡ hết mọi kiến giải, để con người chân thật hiện tiền. Nhìn thẳng sự vật không qua lăng kính của bất cứ ai, dù của Phật. Đó là thiền! Điều mà tôi muốn nói ở đây. Câu cuối của bài Cư Trần Lạc Đạo, Trúc Lâm Đầu-đà nói về thiền rất rõ: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Đối cảnh mà không khởi niệm phân biệt đó là thiền, chớ hỏi thiền là gì?

Tại sao thiền không định nghĩa được? Nếu dùng danh từ để đặt tên tức là “lấy tranh che đầu” bị Lục Tổ quở. Vì có từ ngữ là có khái niệm, có khái niệm là bị che khuất. Thế nên chư tổ khai ngộ cho đệ tử, dùng cách này hoặc thuật kia chỉ thẳng, chứ không dùng ngôn ngữ định nghĩa. Bây giờ chúng ta giảng dạy định nghĩa lung tung là trật rồi. Đó là chỗ cao siêu của thiền. Như vậy, thiền cao quá làm sao tu? Quý vị có tu thiền chưa? Nếu quý vị nói chưa tu thiền là quý vị bị tôi gạt rồi. Bao nhiêu năm nay tôi dạy quý vị tu thiền mà quý vị không biết. “Vọng tưởng dấy khởi, biết đó là vọng tưởng không theo” có phải tu theo Thiền tông không? Đây là chỗ cần phải nhận định cho thấu đáo.

Tôi đã nói trong quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, theo dòng lịch sử truyền bá Thiền tông từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam, tôi y cứ vào ba vị tổ: Huệ Khả, Lục tổ Huệ Năng và Trúc Lâm Đầu-đà làm trọng tâm cho đường lối tu thiền của thiền viện Chơn Không. Tuy nói ba chứ thực tế thì tổ Huệ Khả là chính, vì tôi y cứ vào giai đoạn ngài đang thực hành công phu. Còn Lục tổ Huệ Năng và Trúc Lâm Đầu-đà là phụ, vì công phu tu hành của hai ngài gần như đã rồi. Khi nói chuyện đã rồi tôi nhắc lại câu chuyện:

Ngài Ngưỡng Sơn đến thiền sư Trung Ấp hỏi: Bạch Hòa thượng, thế nào là nghĩa Phật tánh?

Thiền sư Trung Ấp nói một ví dụ: Một con khỉ được nhốt trong lồng có sáu cửa. Ở ngoài lồng có một con khỉ chạy quanh lồng tới cửa thứ nhất kêu “chéo chéo”, con khỉ trong lồng ứng ra “chéo chéo”. Khỉ ngoài lồng chạy lại cửa thứ hai kêu “chéo chéo”, khỉ trong lồng ứng ra “chéo chéo”. Cửa thứ ba thứ tư… cũng vậy.

Thiền sư Trung Ấp nói tới đó thì ngài Ngưỡng Sơn thưa: Bạch Hòa thượng, nếu con khỉ trong lồng ngủ thì sao?

Thiền sư Trung Ấp từ trên tòa bước xuống nắm tay Ngưỡng Sơn nói: Chúng ta đã thấy nhau rồi.

Các ngài thấy cái gì? Phật tánh của mỗi người ứng ra sáu căn. Khi mê, cảnh đến liền chạy theo cảnh. Khi ngộ, Phật tánh vẫn hiện ở sáu căn, nhưng không phân biệt chạy theo cảnh. Cũng giống như con khỉ khi ngủ, tuy nó không ứng theo tiếng khỉ ở ngoài, nhưng nó vẫn có đó không mất. Thiền sư ví tâm thanh tịnh như con khỉ ngủ, nên đối cảnh mới vô tâm. Vô tâm không phải là không có tâm, không có tri giác. Vô tâm là không chạy theo ngoại trần phân biệt. Để thấy rằng khi vọng niệm lóng lặng thì Phật hiện tiền. Thật ra các ý niệm nghĩ suy mà chúng ta gọi là vọng tưởng, nó là dụng của tâm dấy khởi. Như tôi thường dụ, sóng từ nước dấy khởi làm mặt biển động. Tuy nói là sóng như kỳ thật đó là nước. Nhớ, vọng tưởng lóng lặng, chứ không phải hết, vì vọng tưởng không ngoài tâm. Thế nên nói “diệt cho hết vọng tưởng” là sai.

Tới đây tôi nói về những tên mà người ta đặt cho Thiền tông. Tên thứ nhất là Tối thượng thừa. Sở dĩ có tên này là lối tu của Thiền tông không nằm trong ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát mà Phật đã dạy. Tên thứ hai là Phật tâm tông, tức là tông tu về tâm Phật như Lục Tổ nói: Phật tức tâm, tâm là Phật. Tên thứ ba là Như Lai tự tánh thanh tịnh thiền. Tức là thiền chỉ tự tánh mình thanh tịnh là Phật. Tên thứ tư là Thiền đốn ngộ, là thiền dạy người tu chứng ngộ, ngay trong thời này được giải thoát. Các thiền sư thuộc tông Tào Động hay nói là “điểu đạo”. Điểu đạo là đường chim, đường tắt. Thông thường chúng ta nương một pháp tu, tuần tự chuyển từ pháp thấp lần lên cao. Chẳng hạn chứng Sơ thiền rồi thì chuyển sang Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền… Thiền tông lột hết kiến giải phủ che thì Phật hiện tiền. Còn bị kiến giải che phủ thì gọi là chúng sanh, lột hết kiến giải là Phật. Vậy, Phật và chúng sanh khác nhau ở chỗ bị kiến giải che phủ hay không bị kiến giải che phủ. Tu như thế là tu tắt nên gọi là đường chim.

Bây giờ tôi đặt câu hỏi: Biết vọng không theo, có phải tu theo Thiền tông không? Đây là điều quan trọng của chúng ta. Thông thường pháp tu nào cũng có phương pháp để nương, tu tuần tự từ thấp lên cao, ở đây chúng ta Biết vọng không theo, thì không có một đề mục một pháp để nương. Ngài Thần Quang khi thưa với tổ Bồ-đề-đạt-ma: Tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm. Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho. Ngài nói: Con tìm tâm không được. Tổ bảo: Ta đã an tâm cho ngươi rồi. Như vậy, xưa ngài Thần Quang đã thấy pháp tu và ngày nay chúng ta cũng biết pháp tu. Tại sao ngài Thần Quang tìm tâm không được mà Tổ nói an tâm? Vì nếu niệm tưởng lăng xăng thật có thì tìm thấy. Khi nhìn lại tìm nó, không thấy tức nó hư dối, biết nó hư dối, không còn dấy động lăng xăng tức là an chứ gì. Tôi căn cứ chỗ vào của ngài Thần Quang mà hướng dẫn cho quý vị tu.

Ngài Huệ Khả ngang qua đây chưa ngộ được “bản lai diện mục”. Ngài ứng dụng tu từ đây, đến sau này ngài mới thưa: Con đã bặt hết các duyên. Tổ bảo: Coi chừng rơi vào không. Ngài nói: Rõ ràng thường biết, làm sao không được! Tổ hỏi: Tại sao không rơi vào không? Ngài trả lời: Rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Tổ nói: Đây là chỗ Phật tổ trao truyền, ông như thế, ta cũng như thế. Tổ nói như vậy là ấn chứng cho ngài Huệ Khả rồi. Chúng ta biết vọng tưởng là hư dối không theo, vọng tưởng lặng chỉ còn “cái rõ ràng thường biết” qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; chỗ nào cũng có. Chúng ta chỉ sống với cái rõ ràng thường biết tức là sống với ông Phật của mình.

Như vậy, lối tu Biết vọng không theo gốc từ Ấn Độ do tổ Bồ-đề-đạt-ma dạy cho tổ Huệ Khả ứng dụng, lâu nay tôi hướng dẫn cho quý vị tu. Tuy quý vị tu mà không biết mình tu theo thiền nào. Hôm nay tôi nói rõ là tôi hướng dẫn quý vị tu theo Thiền tông. Có vọng tưởng thì biết, không theo; không vọng tưởng cũng biết không vọng tưởng. Ngồi một giờ không vọng tưởng, đi đứng ngồi nằm, không vọng tưởng thấy biết rõ ràng không lầm không lộn, đó là Đối cảnh vô tâm. Tâm lặng lẽ nhìn sự vật là sự vật, không dấy niệm thủ xả; không phải Thiền tông là gì? Đó là lối tu của Thiền tông mà chúng ta đã ứng dụng bao nhiêu năm rồi, lâu nay tôi dè dặt không nói sớm cho quý vị biết, e quý vị hoang mang nghĩ rằng mình không phải người thượng căn không dám tu theo Thiền tông rồi thối tâm.

Bây giờ đối chiếu lối Biết vọng không theo với những pháp tu khác như thiền Nguyên thủy quán Tứ niệm xứ. Trước hết là quán thân bất tịnh. Hành giả quan sát thân tứ đại này gồm ba mươi sáu vật bất tịnh, khi còn sống đã bất tịnh, đến khi chết sình trướng, nứt da chảy nước, hôi thối… Quán tới quán lui như vậy, cho đến khi ghê tởm, không ái nhiễm thân nữa. Đó là Thiền quán. Tu như vậy có cái năng quán và cảnh để quán.

Tới thiền Đại thừa, theo pháp Tam quán của ngài Thiên Thai thì quán Không, quán Giả, quán Trung. Hành giả nhìn sự vật, quán sự vật này do duyên hợp nên không có tự tánh cố định (quán Không), vì do duyên hợp nên giả có (quán Giả). Không và Giả cũng không thật, buông xả luôn (quán Trung). Thiền Đại thừa cũng nương pháp Phật dạy quán chiếu lần lần, để rồi buông xả hết đến chỗ trung đạo. Còn thiền Biết vọng không theo thì không có cảnh để quán, chỉ dùng trí dụng để thấy vọng tưởng không thật, buông! Vọng tưởng gồm kiến thức thế gian và kiến giải về Phật pháp cũng buông luôn, chỉ còn tâm thể thanh tịnh sáng suốt.

Thiền Thoại đầu cũng của Thiền tông, thiền Biết vọng không theo cũng của Thiền tông. Vậy hai lối thiền này quan hệ nhau như thế nào? Thiền Biết vọng không theo là y cứ hướng tu của Thiền tông ở buổi đầu, tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa dạy cho tổ Huệ Khả. Còn thiền Thoại đầu mãi đến đời Tống mới xuất hiện từ tông Lâm Tế, cách tổ Huệ Khả hai ba trăm năm. Lối tu thiền Thoại đầu là phải đề khởi nghi tình, để đánh bạt hết những vọng niệm khác. Khi nghi tình thành một khối nó bùng vỡ thì ngộ đạo. Tu Thoại đầu được coi là lấy độc trừ độc. Vì nghi là một trong mười món phiền não. Bây giờ phải tạo thành một khối nghi lớn, để đánh bạt tất cả những vọng tưởng phiền não khác, không phải lấy độc trừ độc là gì? Như vậy tu Thoại đầu không giản dị mà lại còn nguy hiểm. Vì đề khởi nghi tình lâu ngày không bùng vỡ ngộ đạo, thì phát đau đầu, cả đời tu sống trong độn công phu. Hơn nữa tu thiền Thoại đầu dễ chuyển sang Tịnh độ, vì khán Thoại đầu lâu ngày không ngộ đau đầu quá, bèn chuyển sang niệm Thoại đầu hoặc niệm Phật cho dễ. Chẳng hạn đang khán câu “Niệm Phật là ai?” thì chuyển sang niệm Phật. Chính vì vậy mà các chùa tu Thiền chuyển sang tu Tịnh độ.

Còn tu Tịnh độ thì sao? Theo người xưa nói pháp tu Tịnh độ là “đạp gai lấy gai lể”. Những cây gai niệm tưởng làm đau nhức con người, bây giờ muốn nhổ những cây gai tà niệm ra, thì phải dùng câu niệm Phật làm chánh niệm, lấy chánh niệm dẹp tà niệm. Vì câu niệm Phật cũng là niệm nên được coi như cây gai sau lể những cây gai trước. Nhưng, nếu những cây gai trước đã nhổ rồi thì cây gai sau cũng bỏ luôn. Vì vậy niệm Phật phải niệm tới chỗ vô niệm. Vô niệm cũng giống như thiền không khác. Nhưng vì mọi người niệm Phật chưa tới chỗ nhất niệm, thì làm sao đến vô niệm được. Tuy nghe nói niệm Phật dễ tu, nhưng chỉ dễ ở lúc đầu, chứ tới nơi tới chốn thì không dễ. Pháp tu nào cuối cùng cũng gặp nhau ở chỗ vô niệm, nên không pháp nào dễ hết. Ở Nhật Bản có vị thiền sư hỏi một tu sĩ Tịnh độ: Năm nay anh bao nhiêu tuổi? Tu sĩ Tịnh độ đáp: Tuổi tôi bằng tuổi Phật A-di-đà. Thiền sư hỏi tiếp: Đức Phật A-di-đà bao nhiêu tuổi? Tu sĩ Tịnh độ đáp: Đức Phật A-di-đà bằng tuổi tôi. Thoạt nghe, chúng ta thấy tu sĩ Tịnh độ có vẻ phách lối.

Nhưng sự thật thì nếu tu tới chỗ vô niệm rồi thì “tức tâm là Phật”. Vì vậy mà nói: “tự tánh A-di-đà” - Di-đà tự tánh là tánh của mình, ngộ được tự tánh của mình thì Phật là mình chứ gì? Tại sao? Vì A-di-đà là vô lượng thọ, vô lượng quang. Vô lượng thọ là sống lâu vô lượng, sống lâu vô lượng là chỉ cho Phật tánh bất sanh bất diệt và Phật tánh thì hằng giác nên nói là vô lượng quang, Phật tánh ấy có sẵn nơi mình. Vậy tu Tịnh độ hay tu Thiền đến chỗ cứu cánh thì không khác.

Pháp tu nào chưa viên mãn còn ở giữa chừng cũng chưa giải thoát, nên Thiền gia thường nói: Mạt vàng tuy quý mà rơi vào con mắt cũng bị xốn. Dù cho câu niệm Phật cũng là niệm, mà còn niệm thì tâm chưa hoàn toàn tự tại. Cũng giống như con mắt sáng, nếu có chút mạt vàng rơi vào thì xốn, bệnh rồi. Vì vậy nên ở đây chúng ta ứng dụng lối tu Biết vọng không theo, không có một đề mục để nương hay để buộc tâm. Đó là căn cốt của Thiền tông, chứ không phải tự chúng ta đặt ra như một số người đã lầm tưởng.

Trọng tâm của Thiền tông là không để cho tâm bị vướng mắc hay che khuất bất cứ một pháp nào, mà phải được tự do tự tại. Có nhiều người hỏi: Thầy tu lâu, Thầy chứng được cái gì chưa? Quý vị có nghe tôi nói chứng cái gì không? Nhiều người trong đây chắc cũng hơi chán, sao tu lâu quá mà không chứng cái gì hết. Người tu theo thiền Nguyên thủy lâu lâu chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền chẳng hạn. Còn chúng ta tu theo Thiền tông chẳng nghe ai nói chứng cái gì cả. Không chứng tại sao dám dạy người tu? Quý vị trả lời sao? Đây tôi giải thích cho quý vị thấy rõ, lối tu Biết vọng không theo không có cấp bậc, không có sở chứng sở đắc. Tại sao? Vì người còn kiến giải che phủ là còn vô minh nên gọi là phàm phu, sạch hết kiến giải thì tánh giác thanh tịnh trong sáng hiển hiện đó là Phật. Nên gọi Phật tâm tông; tức tâm là Phật, là chỗ đó. Còn thứ bậc chứng đắc là còn phương tiện, đa số chúng ta thì hay kẹt trên thứ bậc phương tiện. Thí dụ ở thế gian người ta đi học cốt là để mở rộng kiến thức, khai sáng trí tuệ, có khả năng chuyên môn giỏi. Để khuyến khích cho trẻ em ham học, học giỏi, nên nhà giáo bày ra lớp một, lớp hai… rồi cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi cấp cử nhân, cao học, tiến sĩ. Kỳ thật nơi đầu óc con người không có chia cấp bậc nào cả, càng học càng mở rộng càng hiểu nhiều, chứ không có cấp bậc, chia cấp là phương tiện hình thức ở ngoài. Như vậy, những gì phương tiện giả lập đặt ra nó không thật. Nên Thiền tông không trọng cấp bậc giả lập.

Chúng ta thấy hành giả chứng Sơ thiền rồi bỏ Sơ thiền lên Nhị thiền, bỏ Nhị thiền lên Tam thiền, bỏ Tứ thiền quán Tứ đế, sạch hết vô minh lậu hoặc, trí tuệ sáng, Niết-bàn hiện. Hoặc tứ quả Thanh văn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hay Bồ-tát đạo cũng trải qua năm mươi mấy cấp bậc. Đó chẳng qua là từng bậc phương tiện để cho hành giả bước qua. Chứ chỗ cứu cánh là hoàn toàn thanh tịnh trong sáng không dính một vết tích kiến giải nào. Đó là Phật. Vì vậy Thiền tông nhắm thẳng đến chỗ cứu cánh, cốt làm sao thực hiện được cái chân thật cứu cánh, mà ngày xưa đức Phật đã thực hiện được, và bây giờ chúng ta tu cũng phải thực hiện được như ngài. Chúng ta tu không có chia ra cấp bậc, nên không có chỗ chứng đắc, chỉ biết khi mới tu vọng tưởng nhiều, nay vọng tưởng thưa bớt vậy thôi. Bao giờ vọng tưởng lắng sạch thì tánh giác tròn sáng hiển hiện, đó là Phật. Không tìm kiếm ở đâu khác, tánh giác có sẵn ở nơi mình, hiển hiện qua cái biết không phân biệt ở mắt, ở tai v.v… Nếu mắt thấy tai nghe… liền khởi phân biệt đẹp xấu thủ xả, đó là cái biết của thức. Cái biết chân thật ban đầu, biết rõ ràng đúng như thật không có vọng niệm dấy khởi.

Tới đây, tôi cũng nhắc, trong giới tu thiền của chúng ta, có nhiều Thiền sư giả hiệu, chỉ nói thiền ngoài miệng mà tâm chưa thật là thiền. Nói thì rất hay nhưng sống thì chưa được, tâm lăng xăng lộn xộn, đối duyên xúc cảnh vẫn dao động, phiền não như mọi người không hơn. Nếu là Thiền sư chính hiệu thì phong độ sống như Trúc Lâm Đầu-đà:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên là ở trong đời bụi bặm này, hằng vui với đạo thì hãy tùy duyên. Tùy duyên bằng cách nào? Đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Tùy theo nhu cầu của sự sống mà hành sự, không theo niệm phân biệt khen chê ngon dở hay nhớ chuyện quá khứ vị lai. Đói thì cứ ăn, mệt thì cứ ngủ. Đó là thái độ của vị thiền sư chánh thống đang ở trong cõi trần. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch. Nghĩa là trong nhà có của báu sẵn đó là tánh giác hằng hiện hữu nơi mình, chớ có đi tìm kiếm ở đâu xa, mà phải làm sao cho nó hiện ra. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền tức là đối duyên xúc cảnh tâm không động đó là thiền, là nhận được của báu trong nhà chứ gì? Nếu đối cảnh mà còn điên đảo thì chưa phải là thiền sư, rõ ràng như vậy.

Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi dẫn câu chuyện mà lúc trước ở Chơn Không, tôi nhập thất ra, Phước Hảo đại diện chúng hỏi: Thưa Thầy, Thầy ở trong thất ba tháng, có gì lạ xin kể cho chúng con nghe. Tôi kể câu chuyện:

Có một anh chàng nọ, để trong nhà hai cái lọ: một lọ phấn một lọ mực. Đi ra anh lấy mực quẹt bên mặt trái, đi vô anh lấy phấn quẹt bên mặt phải, anh cứ làm như vậy độ năm mười năm, thành ra mặt anh một bên đen một bên trắng. Bỗng một hôm anh gặp người bạn cũ, người bạn hỏi anh:

-    Mặt anh sao lạ vậy?

Anh trả lời:

-    Sao lạ?

-    Bên trắng bên đen.

Anh xác nhận:

-    Tôi bên trắng bên đen chứ sao?

-   Không phải, mặt không có trắng đen. Trắng đen đó là do anh mới phết vô. Bây giờ anh chịu khó tẩy hết lớp trắng đen, thì mặt thật của anh sẽ hiện.

Anh nghe lời bạn, lấy khăn nước rửa tẩy năm bảy tháng thì mặt anh sạch. Nhìn vô gương anh không còn thấy trắng đen nữa.

Vậy, trắng đen là lớp tô điểm ở bên ngoài; mặt thật thì không có trắng đen. Sau đây tôi dẫn lời Lục Tổ để kết thúc. Bài pháp đầu tiên ngài nói cho Huệ Minh là: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay khi đó cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Phấn trắng tôi dụ cho thiện, mực đen tôi dụ cho ác. Đen trắng chùi sạch thì mặt thật anh ấy hiện. Cũng vậy, thiện ác không còn, thì bản lai diện mục hiện tiền chứ gì? Vậy, mặt thật của con người là không có tô trét ở bên ngoài. Còn tô trét thì không phải là mặt thật. Tất cả mọi kiến giải tô phết bên ngoài quá đậm, nên rửa hơi cực và lâu. Chúng ta tu thiền là chùi rửa mọi kiến giải muôn đời cho sạch. Kiến giải sạch rồi thì bộ mặt thật có sẵn nơi mình hiện ra. Đường lối tu thiền là như vậy.

Quyển Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX đã ra đời, nên mới có buổi nói chuyện này để cho quý vị thấy rõ đường lối, vững chí tu và ai hỏi cũng trả lời được. Không còn ỡm ờ nửa tin nửa nghi: không biết mình tu theo pháp nào, tu như vậy sẽ tới đâu và ra sao? Hôm nay tôi nói thẳng nói thật, để cho quý vị rõ. Đây cũng là hoài bão mà tôi ôm ấp hơn hai mươi năm, nay chúng ta đã thực hiện được một phần rồi, phần còn lại mong tất cả chúng ta phải cố gắng thực hiện cho được trọn vẹn.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 99347
  • Online: 16