Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn

20/09/2023 | Lượt xem: 962

TS.Vĩnh Gia Huyền Giác

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

LỜI TỰA

Nghe rằng: Tuệ môn rộng mở lý bặt mối manh sắc tướng, nẻo giác xa xăm một phen lên rồi thì chôn lấp danh ngôn biểu hiện. 

Buồn thay! Đấng Năng Nhân thị hiện ứng hóa khắp nơi, mở diệu điển nơi ba thừa, suốt chân thuyên trong tám bộ. Sở dĩ phát huy đến chỗ sâu xa treo cao trí tuệ, soi sáng nẻo tối tăm, xiển dương đại đạo, cưỡi sóng thiền trên sóng dục. Vì vậy kim quan trùm ánh sáng, ngọc hào thâu vẻ đẹp. Một mình như loài hoa chúa trên đỉnh Linh Sơn, riêng mang nghiệp thành lân chính là Đại sư vậy. 

 

Đại sư họ Đới, người ở Vĩnh Gia. Thuở nhỏ ngài chuyên tâm nơi tam tạng, lớn lên lão thông pháp Đại thừa, ba nghiệp siêng năng, riêng hoằng dương thiền quán. Cảnh trí đều tịch, định tuệ song dung khiến cho bụi lặng nơi nẻo tối tăm, sóng dừng nơi biển diệu. Tâm trong như ngọc, đạo chủng sáng ngời, thất tịnh chói nhau. Giới sạch như trăng, hoa từ tỏ rạng tam không trình chiếu. Lại thêm, chí thanh khiết như tùng điểm sương, tâm rỗng không như trăng đáy nước. 

Áo vải cơm rau quên thân vì đạo, xót thương hàm thức muốn chúng sanh đều được an vui. Quán niệm nối nhau tâm không gián đoạn, trước sau gìn giữ tiết tháo rắn chắc như đá vàng. Tâm yếu cạn sâu một lý dung thông như kết hoa không thẹn. Thần trí thấu triệt ngôn biểu, lý mầu khế hợp hoàn trung. Khiêm hạ mình, đề cao người. Thuận phàm, đồng thánh chẳng khởi diệt định mà giữ bốn oai nghi. Danh trọng đương thời hóa đạo cùng khắp. Người thạc học khắp Tam Ngô, đông đúc đến học thiền, bậc cao nhân ngoài tám hướng vào nhà lý mau như gió thổi. 

Ngụy Tĩnh tôi hầu hạ dưới chân ngài chỉ hận chưa hết tấm lòng, bỗng phải giã từ trở lại kinh kỳ. Từ đó đến nay u minh xa cách, vĩnh viễn thương tiếc, con mắt diệu huyền vừa gặp lương y chợt mất kim bài. Biển dục sóng to mà vị Thầy dẫn đường đã mất. Tác phẩm còn đây mà am thất đã quạnh hiu. 

Lúc Đại sư còn tại thế, những lời dạy được ghi gồm có mười thiên góp lại thành một quyển. Ước mong người học được ý quên lời để khế hợp với đạo của ngài vậy. 

Nay sơ lược ghi lại vài lời, nếu có điều chi lầm lạc xin bậc minh triết sửa lại giùm cho. 

Nhà Đường, thứ sử Khánh Châu

 Ngụy Tĩnh

 

Giảng: 

Đây là lời mở đầu của ngài Ngụy Tĩnh, thứ sử Khánh Châu, đệ tử ngài Huyền Giác. 

Cửa trí tuệ được mở rộng, tất cả lý phải bặt, không còn danh tướng, nên nói lý bặt mối manh sắc tướng. 

Nẻo giác xa xăm một phen lên rồi thì chôn lấp danh ngôn biểu hiện. Người tu thiền muốn giác ngộ đầy đủ phải bỏ hết danh ngôn biểu hiện. Chúng ta lâu nay có một lỗi quá lớn, đứng về hình thức thì chấp sắc tướng, đứng về lẽ hơn thiệt, phải quấy thì chấp lý, đây là phải kia là quấy v.v... Do chấp lý, chấp danh tướng nên không thấy được đạo. 

Năng Nhân là chỉ đức Phật, ứng hiện khắp nơi, mở diệu điểm nơi ba thừa. Kinh điển ngài nói ra có tam thừa là Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. Suốt chân thiên trong tám bộ, tức giáo lý của ngài trùm khắp trong tám bộ. Nhưng trong kinh nói mười hai bộ là: Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn sự, Bổn sanh, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Luận nghị. 

Sở dĩ phát huy đến chỗ sâu xa, treo cao trí tuệ soi sáng nẻo tối tăm, xiển dương đại đạo. Nếu thâm nhập kinh điển Phật, thấu suốt ba thừa giáo thì chúng ta đã treo cao ngọn đèn trí tuệ và xiển dương được đại đạo. 

Cưỡi sóng thiền trên sóng dục. Thiền là chỉ tâm, đối với cảnh mà không xao động, không bị khuất lấp. Dục là chỉ ngũ dục sắc, thanh, hương, vị, xúc. Như vậy, người tu thiền tâm không dính năm trần, đó là cưỡi sóng thiền trên sóng dục. 

Vì vậy kim quan trùm ánh sáng, khi Phật Niết-bàn, nhục thân ngài gọi là kim thân, để vào quan tài báu gọi là kim quan, có ánh sáng trùm khắp. 

Ngọc hào thâu vẻ đẹp, ngọc hào là bạch hào, là lông trắng giữa chặng mày của Phật, hiện lên tất cả vẻ đẹp. 

Một mình như loài hoa chúa trên đỉnh Linh Sơn. 

Phật như một đóa hoa quý nhất ở núi Linh Sơn. 

Riêng mang nghiệp thành lân, chính là Đại sư vậy. Nghiệp thành lân là từ phàm chuyển thành thánh. Con lân là quý, từ sói hổ chuyển thành lân, từ người phàm chuyển thành thánh, là đại sư Huyền Giác vậy. Đây là lời tán thán ngài Vĩnh Gia Huyền Giác. 

Ngài là người Vĩnh Gia, thuở nhỏ chuyên tu về kinh nên làu thông tam tạng, lớn lên thông pháp Đại thừa, do ngài trì kinh Duy-ma-cật mà ngộ đạo. 

Ba nghiệp siêng năng, riêng hoằng dương thiền quán. Ngài tu ba nghiệp cần mẫn siêng năng, nhưng chuyên về thiền quán.


LỜI TỰA

Cảnh trí đều tịch, định tuệ song dung. Ngoại cảnh và nội tâm cả hai đều lặng, định và tuệ dung nhiếp lẫn nhau. 

Khiến cho bụi lặng nơi nẻo tối tăm, sóng dừng nơi biển diệu. Bụi bặm là chỉ cho phiền não, phiền não lặng, những dấy động ở nội tâm cũng lặng, tâm thể hoàn toàn trong sạch. 

Tâm trong như ngọc, đạo chủng sáng ngời, thất tịnh chói nhau. Thất tịnh là giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, độ nghi tịnh, phân biệt đạo tịnh, hạnh đoạn tri kiến tịnh, Niết-bàn tịnh. Tâm ngài trong như ngọc, đạo chủng sáng ngời nơi thất tịnh.  

Giới sạch như trăng, hoa từ tỏ rạng, tam không trình chiếu. Giới luật của ngài trong sạch như trăng sáng, lòng từ tỏ rạng nơi lý tam không: không, vô tướng và vô nguyện.  

Lại thêm, chí thanh khiết như tùng điểm sương, tâm rỗng không như trăng đáy nước. Ý chí ngài thanh khiết như tùng xanh điểm hạt sương, hạt tuyết, tâm ngài rỗng không như ánh trăng hiện đáy nước. Lời tán thán rất văn hoa nhưng sự tích quá cổ kính nên khó hiểu.  

Mặc áo vải, ăn cơm rau, quên thân vì đạo, ngài chỉ biết đạo mà không nghĩ tới thân. 

Xót thương hàm thức muốn chúng sanh đều được an vui. Quán niệm nối nhau tâm không gián đoạn, trước sau gìn giữ tiết tháo rắn chắc như đá vàng. Tâm ngài luôn sống trong quán niệm, trong chánh pháp, không bao giờ gián đoạn. Tiết tháo cứng cỏi, vững chắc như đá vàng.

Tâm yếu cạn sâu một lý dung thông như kết hoa không thẹn. Chỗ tâm yếu hoặc cạn hoặc sâu, một lý ngài đều dung thông giống như kết hoa thành chùm, không hổ thẹn. 

Thần trí thấu triệt ngôn biểu. Ngôn biểu là ý tứ hiện bày trong ngôn ngữ, khi muốn nói điều gì, thần trí ngài phát ra ngôn ngữ khiến người nghe đều thấu triệt. 

Lý mầu khế hợp hoàn trung. Hoàn trung là khắp tất cả trong thiên hạ. Lý mầu ngài giảng dạy thì khắp cả thiên hạ đều biết.  

Khiêm hạ mình, đề cao người, tự hạ thấp mình mà kính cẩn với người. 

Thuận phàm đồng thánh, tuy thuận phàm nhưng tâm đồng với thánh. 

Không khởi diệt định mà giữ bốn oai nghi. Diệt định là Diệt tận định, nhập Diệt tận định thì ngồi một chỗ nhập định, những gì xúc chạm đều không hay không biết, như cây như gỗ. Còn tâm ngài cũng ở trong định giống như Diệt tận định mà vẫn giữ bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Định Nguyên thủy tu từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, rồi qua Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, gọi là tứ thiền bát định. Định này còn thuộc về phàm phu và ngoại đạo. Đến định thứ chín là Diệt thọ tưởng định mới chứng quả A-la-hán. Khi nhập định này thì không còn cảm giác, không còn tâm tưởng.  

Trong kinh A-hàm có câu chuyện: Một Tỳ-kheo ngồi trong rừng nhập Diệt thọ tưởng định. Một hôm, có ông tiều phu đi ngang thấy ngài ngồi không nhúc nhích, mũi không thở, nghĩ là thầy đã chết, nên lấy củi khô chất lên thiêu, khi củi cháy rồi bỏ đi. Hôm sau ông thấy một vị thầy đi khất thực mà áo ngoài bị cháy nám, mới hỏi: 

- Thầy ở đâu mà đi khất thực đây? 

Vị thầy trả lời:

- Tôi ở trong rừng mới ra. 

Ông hỏi:

- Sao áo Thầy cháy vậy? 

-  Tôi ngồi thiền trong rừng, không biết ai đốt hồi nào mà nó cháy vậy đó. 

Nghe vậy ông tiều phu giật mình: “À! Hôm qua mình tưởng Thầy chết nên thiêu giùm, ai ngờ chỉ cháy áo mà không cháy người.” Đó là vì thầy nhập Diệt tận định, ngồi yên không cựa động, không còn hơi thở, chỉ còn hơi ấm, tâm tưởng và cảm giác đều lặng, nên bị đốt mà không nghe nóng. 

Như vậy ở đây tán thán ngài Huyền Giác cũng được như người nhập Diệt tận định, tức là không còn tâm tưởng, nhưng khác là vẫn đi, đứng, nằm, ngồi. Định này Lục Tổ gọi là đại định. Nếu nhập định mà có nhập có xuất thì dầu như Diệt tận định cũng chưa phải đại định. Lục Tổ chủ trương làm sao đi, đứng, nằm, ngồi mà tâm tưởng đều lặng, đó mới là đại định. Ngài Huyền Giác là đệ tử Lục Tổ nên lời tán thán này rất thích hợp.

Danh trọng đương thời, hóa đạo cùng khắp. Ngài nổi danh ngay lúc còn sống và hóa đạo khắp nơi. 

Người thạc học khắp Tam Ngô. Tam Ngô thời đó chỉ cho Đông Ngô, Trung Ngô và Tây Ngô. Đông Ngô là Tô Châu, Trung Ngô là Nhuận Châu, Tây Ngô là Hồ Châu. Tất cả những người học thiền thời đó đều quý kính ngài và đến để học.  

Bậc cao nhân ngoài tám hướng vào nhà lý mau như gió thổi. Những người có tâm siêu thoát đến gặp ngài thì đạt được lý mau như gió thổi. 

Đây là lời than của Ngụy Tĩnh, gặp được thầy hiền, thầy giỏi mà không được ở gần. Vì ông làm thứ sử ở đây một thời gian thì vua triệu về kinh đô, ông không hầu thầy được nên lời than rất cảm động.

Ngụy Tĩnh tôi hầu hạ dưới chân ngài chỉ hận chưa hết tấm lòng, bỗng phải giã từ trở lại kinh kỳ. Từ đó đến nay u minh xa cách, vĩnh viễn thương tiếc. Ông buồn vì chưa hầu hạ thầy hết tấm lòng mà thầy đã mất. Con mắt diệu huyền vừa gặp lương y chợt mất kim bài. Kim bài là cái thẻ gỗ sơn đỏ, ngày xưa khi đem chiếu của vua đi thỉnh người phải có kim bài mới thỉnh được. Như muốn được gần gũi học hỏi vị thầy quý kính mà không được, giống như người đi rước lương y nhưng kim bài đã mất nên không rước được. Đó là chỉ sự thất vọng muốn mà không được.  

Biển dục sóng to mà vị Thầy dẫn đường đã mất. “Ái hà thiên xích lãng”, sông ái có ngàn lượn sóng to,nếu lặn hụp trong đó thì dễ chết chìm. Chúng ta đang sống trong biển ái dục mà vị thầy cứu vớt mình đã mất, chắc phải chết chìm, khó ra khỏi được. 

Tác phẩm còn đây mà am thất đã quạnh hiu. Tác phẩm của thầy hiện còn mà nơi am thất đã vắng bóng thầy. Ngài Huyền Giác chỉ sống bốn mươi chín tuổi thì viên tịch, tuổi thọ rất ngắn ngủi! 

Lúc Đại sư còn tại thế, những lời dạy được ghi gồm có mười thiên góp lại thành một quyển. Ước mong người học được ý quên lời để khế hợp với đạo của ngài vậy. 

Nay sơ lược ghi lại vài lời, nếu có điều chi lầm lạc xin bậc minh triết sửa lại giùm cho. 

Nhà Đường, thứ sử Khánh Châu 

Ngụy Tĩnh 

Đây là lời tựa của người đệ tử tán thán thầy.

 

TIỂU DẪN 

Quyển này nhan đề Thiền Tông Vĩnh Gia Tập, còn được gọi là Vĩnh Gia Tập do thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, đệ tử nối pháp của Lục tổ Huệ Năng trước tác. Nội dung toàn tập được chia làm mười chương: 

1.    Nghi thức lập chí mộ đạo

2.    Răn ý kiêu sa

3.    Tịnh tu ba nghiệp

4.    Bài tụng về Xa-ma-tha (chỉ)

5.    Bài tụng về Tỳ-bà-xá-na (quán)

6.    Bài tụng về Ưu-tất-xoa (thiền)

7.    Cấp bậc lần lược của ba thừa

8.    Sự lý không hai

9.    Thư khuyên bạn hữu

 10.    Văn phát nguyện


Trong đây, ba chương đầu là phần tự, năm chương kế là phần chánh tông, hai chương cuối là phần lưu thông.

Tập này trình bày về dụng ý thiền định, lịch trình tu tâm, còn nhắc nhở người tu thiền phải cẩn thận giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý cho thanh tịnh. 

Tác giả húy là Huyền Giác (665 - 713), họ Đới, người đời Đường ở đất Vĩnh Gia (nay là huyện Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang). Ngài xuất gia từ tấm bé, tinh thông tam tạng, sở trường về môn Chỉ Quán thiên thai của tông Thiên Thai. Về sau, nhân được thiền sư Tá Khê Huyền Lãng khích lệ, ngài cùng với thiền sư Đông Dương Huyền Sách đến tham bái Lục tổ Huệ Năng, chỉ một đêm ngài được ấn khả nên người đời gọi là Nhất túc giác. Sáng hôm sau ngài xuống núi trở về Ôn Giang tuyên dương ý Tổ, kẻ đến học rất đông đảo, tông phong hưng thịnh, hiệu là Chân Giác đại sư. 

Ngày 17 tháng 10 năm thứ hai niên hiệu Tiên Thiên (713 TL) đời vua Đường Huyền Tông, ngài an tọa thị tịch. Ngày 13 tháng 11 an táng tại hướng nam Tây Sơn, tháp hiệu Tịnh Quang, thụy phong Vô Tướng đại sư, người đời thường gọi ngài là Vĩnh Gia đại sư. Ngài trước tác tập này cùng một thiên Chứng Đạo Ca đều được lưu truyền trong đời. 

Đây lược nói về lịch sử của ngài. Khi chưa gặp tổ Huệ Năng, ngài tu pháp Tam quán của tông Thiên Thai. Tam quán là chỉ, quán và thiền, hay là không, giả, trung.

Ngài tu rất đắc lực, nhưng sau này, nhân đọc kinh Duy -ma-cật, ngài ngộ được bản tâm. Nhân nói chuyện đạo lý, ngài Huyền Lãng, Huyền Sách nên khuyến khích tới Lục Tổ để xin ấn chứng. Chỉ qua một cuộc đối đáp, Lục Tổ thấy rõ ngài đã ngộ đạo, nên ấn chứng cho. Ngài chỉ ở lại nghỉ một đêm, sáng trở về nên người đời gọi là Nhất túc giác. 

Tác phẩm của ngài gồm có Vĩnh Gia Tập và Chứng Đạo Ca. Quyển Chứng Đạo Ca hết sức có giá trị, những người tu Thiền ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam đều phải học thuộc. Đường lối chỉ dạy của ngài rất kỹ và rất rõ ràng. Ở Việt Nam có Trúc Thiên dịch quyển này. 

Tập này được chia làm mười chương:

1.Nghi thức lập chí mộ đạo: Phàm muốn tu đạo trước tiên phải lập chí và học nghi tắc hầu Thầy. Do đó chương đầu tiên nói về nghi thức mộ đạo. 

Phàm người xuất gia trước tiên phải lập chí mộ đạo và học nghi tắc hầu thầy, còn người tu tại gia chỉ cần lập chí. Vì người tu phải chuẩn bị đi trên con đường muôn dặm, nên trước phải có ý chí mãnh liệt khẳng định đi tới nơi tới chốn mới đạt được kết quả viên mãn. Trong nhà thiền gọi là lập chí kiên quyết, lập tâm trường viễn, dù xa mấy cũng không ngán.

2. Răn ý kiêu sa: Ban đầu dù đã lập chí tu đạo khéo biết nghi quỹ. Nếu ba nghiệp kiêu sa thì vọng tâm khuấy động làm sao được định. Do đó chương thứ hai nói về răn ý kiêu sa.

Ý kiêu sa là ý buông lung, nghĩ việc này việc kia lăng xăng không dừng, làm trở ngại sự tu, nên phải ráng kìm chế.

3.  Tịnh tu ba nghiệp: Trước đã lược nêu cương yếu về việc răn cấm kiêu sa. Nay kiểm điểm kỹ lưỡng lại khiến cho lỗi chẳng sanh. Do đó chương thứ ba nói về tịnh tu ba nghiệp.

 Người quyết tâm tu phải giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, gọi là tịnh tu ba nghiệp.

4.  Bài tụng về Xa-ma-tha (Chỉ): Trước đã kiểm trách thân và miệng khiến lỗi thô không sanh. Kế đến phải vào cửa tu đạo, theo thứ tự thì chẳng ra ngoài định tuệ, năm loại móng tâm, sáu khoa liệu giản. Do đó chương thứ tư là bài tụng về Xa-ma-tha.

 Xa-ma-tha là tu chỉ, nghĩa là giữ ba nghiệp thanh tịnh rồi phải dừng ý không cho xao động. Như khi ngồi thiền chỉ chú tâm vào chót mũi, không nghĩ gì khác, đó là tu chỉ.

5.Bài tụng về Tỳ-bà-xá-na (Quán): Chẳng phải giới thì không thiền, chẳng phải thiền thì không tuệ. Trên đã tu định, định lâu thì tuệ sáng. Do đó chương thứ năm là bài tụng về Tỳ-bà-xá-na.

Tỳ-bà-xá-na là tuệ, tức là quán. Nếu khi ngồi thiền quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán thọ là khổ v.v... đó là tu quán. Quán là dùng trí tuệ chiếu soi để phá vô minh lầm lẫn của mình.

Như vậy có chỉ rồi mới có quán. Thường nói có định rồi mới có tuệ. Ba môn học là tam vô lậu học giới, định và tuệ. Giới thuộc phần răn ý kiêu sa và tịnh tu ba nghiệp, rồi tới định (xa-ma-tha), mới tới tuệ (tỳ-bà-xá-na). Tại sao có định rồi mới có tuệ? Trong nhà Phật có tam tuệ học là văn, tư, tu. Tuệ do học, do nghe, suy nghĩ rồi ứng dụng tu mà được, gọi là tuệ hữu sư, còn tuệ do định mà phát là tuệ vô sư. 

Như Phật ngồi thiền dưới cội bồ-đề bốn mươi chín ngày đêm, lúc đó ngài học với ai? Nhờ tâm định rồi phát sáng ra, thấy rõ tất cả những gì trước kia ngài muốn biết, muốn thấy, đó gọi là tuệ vô sư, do định phát sanh, không phải do học mà được. Tuệ hữu sư thuộc về sanh diệt, nên không giải thoát sanh tử, còn tuệ vô sư là tuệ giác ngộ giải thoát sanh tử. Thế nên người tu thiền phải biết rõ tuệ vô sư. 

Như khi chúng ta ngồi thiền, có những lúc tâm yên lặng, nhớ lại câu kinh đã học mà không hiểu, bỗng dưng hiểu ra thì do ai dạy? Do định nên sáng, hiểu liền. Cũng như Phật khi ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm, bỗng dưng ngài thấy suốt hết bao nhiêu kiếp về trước, như vậy tuệ đó từ định mà ra, trí sáng đó là trí vô sư. Người học Phật bước đầu nhờ trí hữu sư, bước thứ hai phải thực hiện cho được trí vô sư mới cứu được mình. Nếu chưa được trí vô sư thì nhờ quán mà thấy mà hiểu. Vì vậy ở trước nói chỉ là định rồi sau mới nói quán là tuệ.

 6. Bài tụng về Ưu-tất-xoa (Xả): Tu riêng môn định, định lâu bị chìm; học riêng môn tuệ, tuệ nhiều tâm động. Do đó chương thứ sáu là bài tụng về Ưu-tất-xoa, định tuệ cân bằng khiến không chìm không động, định tuệ quân bình buông xả nhị biên.

7.  Cấp bậc lần lượt của ba thừa: Định tuệ đã quân bình thì tịch mà thường chiếu, tam quán nhất tâm thì nghi nào chẳng trừ, trí chiếu nào không viên mãn. Tự mình dù đã hiểu rõ ràng nhưng thương người chưa ngộ, ngộ có cạn sâu. Do đó chương thứ bảy nói về cấp bậc lần lượt của ba thừa.

8.  Sự lý không hai: Ba thừa ngộ lý, không lý nào chẳng cùng. Tột lý ở nơi sự, rõ sự tức lý. Do đó chương thứ tám nói sự lý không hai, tức sự là chân dùng để trừ kiến chấp điên đảo.

9.  Thư khuyên bạn hữu: Sự lý đã dung, nội tâm tự sáng, lại thương người học đạo đời sau luống uổng tấc bóng. Do đó chương thứ chín là thư khuyên bạn hữu.

10. Văn phát nguyện: Khuyên bạn tuy là thương người nhưng còn để ý chú trọng đến một người, tâm chưa cùng khắp. Do đó chương thứ mười nói về văn phát nguyện thệ độ tất cả vậy. 

Biển ái mênh mông, sóng to bủa khắp làm chúng ta chìm đắm. Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh do ái là gốc sanh tử.” Vậy ái cái gì? Chúng ta thường nói là ái ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc, hoặc là tài, sắc, danh, thực, thùy. Những ái đó là ngọn thôi, còn căn bản là ái thân. Ái thân là gốc, rồi ái cảnh, ái mọi người. 

Nếu không ái thân thì không ái cảnh, không ái những người bên ngoài. Có ai nói tôi không thương thân tôi không? Thân dù đẹp, dù xấu mình cũng vẫn thương, không nỡ bỏ. Vì thương thân nên khi chết thân tan hoại, mình tìm thân khác liền. Như ở đời người nào thích xe Honda, nếu xe này hư phải ráng tìm mua xe khác ngay. Nếu nghèo thì mua xe xấu hơn, nếu khá thì mua xe đẹp hơn, phải không? Còn con người vì ái thân nên nhất định phải trở lại trong sanh tử không nghi. 

Thế nên theo giáo pháp Nguyên thủy, Phật dạy Tứ diệu đế trong đó có Đạo đế chỉ các pháp tu như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc v.v... và Bát chánh đạo. Tứ niệm xứ là bốn chỗ quán niệm hết sức quan trọng: 

Thứ nhất là quán thân bất tịnh, thân này nhơ nhớp mà chúng ta cứ tưởng nó tốt đẹp nên quý nên thương. Thật ra khi dùng trí quán đúng như thật, chúng ta sẽ thấy thân nhơ nhớp một trăm phần trăm. Khi còn sống đã nhớp rồi, khi chết càng nhớp hơn, càng ghê tởm hơn. Thế mà, vì ái thân nên muốn được ăn ngon mặc đẹp, muốn được nhà sang xe tốt v.v..., tất cả đều là phục vụ cho thân. Nếu thấy thân không ra gì thì những mong muốn kia cũng giảm bớt, không bị các ngoại cảnh lôi cuốn.

Thứ hai quán thọ là khổ. Thọ là những cảm nhận của sáu căn, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi mùi, thân xúc chạm. Tất cả các cảm thọ, nếu ưa thích thì vui, ghét thì khổ, không ưa không ghét thì không vui không khổ. Thí dụ đang khát nước, uống một ly nước cam thì vui, uống một ly nước muối thì khổ, uống một ly nước lã thì không khổ không vui. Tuy có khổ, có vui, có không khổ không vui, nhưng Phật dạy tất cả cảm thọ đều là khổ. Vì sao? Vì tất cả cảm thọ đều vô thường, có rồi mất, có rồi không, không phải thật, nên nói là khổ. 

Thứ ba là quán tâm vô thường. Tâm vô thường là tâm phân biệt hơn thua, phải quấy, tốt xấu, vui buồn v.v... tất cả tâm đó đều vô thường, mà chúng ta lại chấp nó thường, rồi thương nó. Khi chúng ta suy nghĩ, nhận định thế nào thì cố bảo vệ tới cùng. Khi nghĩ thế này là phải, là tốt, ai nói quấy xấu, chúng ta liền nổi giận. Bảo vệ ý nghĩ của mình, đó là bảo vệ tâm. Hoặc thấy việc vừa ý, hoặc có người đem tin vui đến thì nói hôm nay tôi vui quá, nếu có việc buồn thì nói hôm nay tôi buồn quá, nếu ai làm trái ý nổi sân thì nói tôi giận quá. Như vậy vui, buồn, sân giận... đều bị đồng hóa là tôi. Những thay đổi vô thường mà ngỡ là mình, mà nhận là tôi! 

Thứ tư là quán pháp vô ngã. Quán pháp là quán tâm sở hữu pháp và quán các pháp bên ngoài. Tâm sở hữu pháp là tâm buồn, thương, giận, ghét... của mình, nó không có chủ, không phải là tôi mà tưởng là tôi. Nếu nói tôi buồn thì khi hết buồn tôi cũng hết luôn, nhưng hết buồn cái tôi đâu có hết, hết giận cái tôi đâu có hết, hết vui cái tôi đâu có hết. Như vậy cái tôi không phải là buồn, thương, giận, ghét, vì cái tôi không thể đủ thứ như vậy. Vậy buồn, thương, giận, ghét là ai? Chỉ là vọng tâm duyên theo ngoại cảnh dấy khởi, chứ không phải thật tôi. Trong nhà Phật gọi đó là tâm sở, mà lâu nay chúng ta đồng hóa nó là tôi. 

Theo kinh Viên Giác, Phật giải thích: Vô minh là thấy thân tứ đại ngũ uẩn giả hợp này là thật thân mình, thấy tâm vô thường duyên theo bóng dáng sáu trần là thật tâm mình, chấp thân, chấp tâm như vậy là vô minh. Chúng ta tu thiền là phải soi sáng lại mình, gọi là phản quan tự kỷ. Nhìn lại mình thấy tường tận thân tứ đại không phải là mình, đó là đã mở được một phần mắt trí tuệ. Kế đó quán kỹ thấy tâm vô thường sanh diệt, tạm bợ, như bóng không thật. Đó là chúng ta thấy được thân giả, tâm giả, khi ấy mới nhận chân được cái thật nơi mình. 

Phân tích thân tứ đại giả hợp là không thật, tâm suy nghĩ lăng xăng cũng không thật, vậy cái gì là thật? Nhiều người cứ nói tâm là hiểu biết, phân biệt, nhưng khi hiểu biết phân biệt lặng rồi thì ta còn hay hết? Thí dụ như khi chúng ta gặp cảnh vui, cảnh buồn thì nói tôi vui, tôi buồn; một lúc khác ngồi dưới cội cây trong vườn một mình lặng lẽ, không suy nghĩ, không phân biệt, không có những niệm phải quấy, hơn thua, lúc đó có tôi không? Tôi vẫn ngồi đây. Nếu không có tôi tức là vô tri như gỗ, như đá, nhưng tôi có biết tức là có tri giác, có tâm mình ngay đó rồi. Tâm đó bàng bạc, không dấy động nên không thấy, chứ không phải không có. Dấy niệm thì thấy niệm này niệm kia, khi yên tĩnh, không nghĩ suy thì nó bàng bạc. Phật nói cái gì có sanh có diệt thì vô thường, cái gì không sanh không diệt thì không vô thường. Vậy tâm nghĩ suy là sanh diệt, là vô thường, thân này biến động luôn là vô thường, còn cái biết không nghĩ suy thì đâu có động mà hằng biết. Như thế chúng ta có một cái biết bàng bạc không hình tướng, không bóng dáng mà chúng ta quên. Muốn thấy được cái thật của mình phải thấy thân này là hư ảo, giả dối, thấy tâm sanh diệt buồn thương giận ghét không thật, không theo nó, để nó yên lặng. Tâm sanh diệt lặng rồi gọi đó là định, là trở về tâm chân thật của mình. Trở về được với tâm này thì bảo đảm không còn sanh diệt, không còn luân hồi, đó là giải thoát sanh tử. Vậy chính chúng ta mới đủ khả năng giải thoát sanh tử cho mình. Nếu cứ bám chặt vào cái sanh diệt giả dối thì lăn lộn mãi trong sanh tử không có ngày cùng. 

Mục đích tu thiền là để phá chấp thân giả hợp, phá chấp tâm sanh diệt, để cho cái biết bàng bạc cùng khắp, nhà Phật gọi là chân tâm, nhà thiền gọi là bản lai diện mục, ai ai cũng có mà quên, nên Phật tổ chỉ dạy nhắc nhở chúng ta đừng có lầm mê. Ai cũng cho mình tỉnh sáng, khôn ngoan, nói ngu là giận lắm. Đâu biết còn chấp thân chấp tâm này thật là còn si mê. Nếu biết mình còn si mê thì phải tỉnh, phải dừng cái lăng xăng, để tâm lặng, trí sáng là trở lại được tâm thể thanh tịnh lặng lẽ. 

Thí dụ chúng ta lấy nước dưới ao hồ đổ vào đầy khạp, lúc đầu nước đục nhìn vào khạp không thấy bóng trời mây hiện. Từ từ cặn bã lắng xuống, nước trong, nhìn vào thấy mọi sự vật hiện rõ ràng. Trong tức là sáng, khi tâm chúng ta định thì trí tuệ hiện, không cần tìm kiếm đâu hết. Cho nên nói định rồi mới có tuệ. Sáng là sáng sẵn từ bên trong nên gọi là vô sư trí. Còn sáng do học là sáng động, thuộc về sanh diệt, không phải là vô sư trí. 

Chúng ta tu thiền mục đích là phải làm sao tâm lặng trí sáng. Đi đứng nằm ngồi tâm đều lặng là đúng. Tâm lặng rồi thì trí tự sáng, suy nghĩ càng nhiều thì càng tối. Nếu tâm cứ lăng xăng hoài thì những chuyện đáng nhớ sẽ quên, chỉ khi tâm lặng rồi thì chuyện gì cần sẽ nhớ. Thế nên đức Phật bốn mươi chín ngày đêm tọa thiền, tâm thanh tịnh lặng lẽ, nhớ tất cả những gì của quá khứ như việc mới xảy ra hôm qua, đó là ngài chứng Túc mạng minh. Muốn biết chúng sanh khi chết đi đâu, ngài thấy nghiệp dẫn chúng sanh đi trong luân hồi, thấy rõ không nghi, đó là ngài chứng Thiên nhãn minh hay Sanh tử trí. Do tâm định trí sáng, thấy đúng như thật gọi là thần thông, còn học phù phép để luyện thần thông là thần thông ma, chứ không phải thật.

Nhiều người hỏi ngồi thiền lặng lẽ thì được cái gì? Không được gì hết, vô sở đắc. Tu là mong được cái này, cái kia, mà kinh Phật lại nói không có chỗ được, vậy tu làm gì? Như lóng nước đục thành trong, ban đầu nước đục không thấy ngoại cảnh hiện, chỉ khi nước trong rồi thì tự nó có đủ ánh sáng cho vật hiện. Tâm chúng ta cũng thế, khi an định rồi thì trí tuệ tự phát sáng, trí đó là vô sở đắc, không chỗ được. Như kinh Bát-nhã nói “dĩ vô sở đắc cố”, do vì không sở đắc nên Phật Bồ-tát đầy đủ thần thông diệu dụng. Nhiều người muốn tu làm sao ba tháng, sáu tháng được cái gì mầu nhiệm, đó là nhân để lạc vào ngoại đạo, rơi vào tà giáo. Phật dạy mình phải lặng, lặng rồi tự sáng, sáng rồi không muốn được mà được, được mà không được. 

Chủ trương, đường lối tu của đạo Phật rất cụ thể, thế nên người thật tình ham tu phải thâm nhập lý đạo mới phá được hai cái chấp về thân về tâm. Kinh Phật vì muốn phá gốc ái ngã nên nói vô ngã. Nhiều người nghĩ mình tu Phật đến cuối cùng không có ngã, không có ta, thì tu làm gì? Sự thật không có cái ta do tứ đại năm uẩn giả hợp, mà có cái chân thật gọi là pháp thân, là Phật tánh, thênh thang trùm khắp, chứ không phải là không ngơ. Còn cái ta luân hồi sanh diệt liên tục thì có ích lợi gì, chỉ là khổ thôi. Khi không còn dính mắc cái giả nữa thì cái thật mới hiện ra. Niết-bàn là thể không sanh không diệt, muốn được thể đó phải từ nhân không sanh không diệt, nhân đó là khi không nghĩ về thân, không chấp về tâm, không nghĩ về cảnh, mà lặng lẽ hằng tri hằng giác. Nhân không sanh không diệt thì quả sẽ là Niết-bàn vô sanh. 

Theo pháp môn Tịnh độ, trong kinh Di- đà, Phật nói: Người muốn được về Cực lạc phải “nhất tâm bất loạn”, tức là tịnh, từ một ngày đến bảy ngày. Nhất tâm là không còn niệm thứ hai, thứ ba, chỉ một định hằng tri hằng giác mà không niệm khởi, đó là về Cực lạc. Như vậy Thiền và Tịnh đâu có khác.

Trong kinh A -hàm, Phật dạy người nào trú tâm nơi Tứ niệm xứ một ngày một đêm, không có niệm nào khác, thì chứng từ Tu-đà-hoàn trở lên, nếu được hai ngày, ba ngày đến bảy ngày thì chứng quả A-la-hán, tức là quả vị Niết-bàn vô sanh. 

Như vậy đường lối tu của đạo Phật dù pháp môn nào, tuy phương tiện có khác, nhưng đến chỗ cứu cánh cũng gặp nhau. 

Tóm lại, đường lối tu thiền là buông sạch những niệm tưởng lăng xăng, thấy rõ thân tâm vô thường tạm bợ, các cảm thọ khổ vui cũng hư dối không thật. Thấy được cái giả rồi chúng ta mới nhận ra cái thật. Lầm giả cho là thật, nhớp cho là quý thì chừng nào mới thấy được cái thật? 

Ở đời tất cả mọi người ai cũng nói tôi yêu chuộng sự thật, nhưng lại lầm mê yêu chuộng cái giả, bỏ quên cái thật, thật là đáng thương! Phật vì lòng từ bi thương chúng ta như người lớn thương đám trẻ khờ dại say mê điên đảo trong cái giả. Kinh Pháp Hoa có thí dụ ông trưởng giả thương đàn con đang ở trong nhà lửa mà cứ mải mê cười giỡn, không chịu ra, sao mà khờ dại quá! 

Ngày nay, chúng ta tu cũng phải thấy rõ cái gì là thật cái gì là giả thì sự tu mới có hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ tu phước, đời sau giàu có hơn, sung sướng hơn cũng là luân hồi sanh tử. Bám vào cái hư dối dù có được gì cũng là hư dối. Như người khéo tay cất nhà lầu đẹp bằng giấy, người vụng tay cất nhà lầu xấu cũng bằng giấy.

Khi biết nhà đẹp, nhà xấu đều bằng giấy, tạm bợ hư giả thì chúng ta không còn ham thích nữa. 

Thế nên Phật dạy người tu thiền phải thấy đúng như thật về thân, tâm và các cảm thọ của mình đều hư giả, không còn lầm mê thì tìm được cái thật. Khi ấy chúng ta mới tự tại giải thoát, không còn bị lôi kéo trong cảnh trầm luân sanh tử.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 48548
  • Online: 29