Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo

28/09/2023 | Lượt xem: 760

TS.Vĩnh Gia Huyền Giác

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

Trước tiên phải quán ba cõi để sanh tâm nhàm lìa. Kế gần bạn lành cầu đường giải thoát. Đối với Sư trưởng, sớm thăm tối viếng luôn gìn lễ độ. Xét kỹ trái thuận thế nào để biết hầu hạ dưỡng nuôi. Hỏi điều phải làm để biết phụng sự. Chiêm ngưỡng không lười vì sanh lòng ân cần kính trọng.

 

 

Luôn luôn lấy sự quyết liễu tâm yếu làm việc chánh tu. Theo sự hiểu biết trình bày để rõ tà chánh. Nghiệm theo khí lực để biết sống chín. Thấy bệnh sanh nghi phải dùng thuốc hay điều trị. Suy nghĩ tột cùng vì cầu chân lý. Ngày đêm chuyên cần, sợ duyên sai sử. Chuyên tâm một hạnh để thành đạo nghiệp. Vì pháp quên thân là do lòng biết ân. Như lòng tin của mình còn yếu kém, ý chí không chuyên, hạnh thô hiểu cạn, phóng túng theo cơ, chạm việc thì nhân việc sanh tâm, duyên không thì y theo không mà dứt niệm.

Đã chẳng phải bình đẳng quán về động tịnh thì thuận theo sự đắc thất của có không. Nhưng đạo không có cấp bậc, tùy theo công phu mà có vị thứ. 

Người tu dù tại gia hay xuất gia đều phải lập chí mộ đạo, ý chí vững rồi thì trên đường tu mới có thể tiến đến chỗ cao cả được. 

Trước tiên phải quán ba cõi để sanh tâm nhàm lìa. Kinh Phật dạy ba cõi đều là tướng hữu vi sanh diệt, tạm bợ, không lâu bền, không chân thật. Xét kỹ như vậy thì chúng ta không đắm nhiễm mới sanh tâm nhàm lìa. Ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Ngay ở Dục giới chúng ta có nhàm chán nó chưa? Nếu còn yêu thích thì không thể xa lìa nó được. Trong kinh Kim Cang Phật dạy: 

Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng huyễn bào ảnh, 

Như lộ diệc như điện, 

Ưng tác như thị quán. 

Phải luôn luôn quán các pháp hữu vi có sanh có diệt, như mộng huyễn, như sương mù, như điện chớp, không chắc thật, không lâu bền, dù cõi Dục, hay cõi Sắc, cõi Vô sắc cũng là tướng sanh diệt vô thường. Nhớ kỹ như vậy chúng ta mới không đắm nhiễm, mới có thể tu hành đến nơi cao siêu hơn. 

Chúng ta phát tâm tu cầu giải thoát sanh tử, bước đầu phải rõ ba cõi là vô thường. Nói ba cõi còn xa quá, chỉ ngay nơi cõi dục này, ngay thân này là vô thường tạm bợ, sự có mặt của chúng ta dài lắm chỉ bảy tám mươi năm, không có gì bảo đảm. Nhớ như vậy nên chúng ta phát tâm tu cầu giải thoát sanh tử. 

Kế gần bạn lành cầu đường giải thoát. Bước đầu là thấy rõ thế gian vô thường, bước thứ hai là gần thiện hữu tri thức chỉ dạy đạo lý để tiến tu trên đường giải thoát.

Đối với Sư trưởng, sớm thăm tối viếng luôn gìn lễ độ. Đối với bậc thầy luôn luôn thăm viếng, gìn giữ tư cách một đệ tử biết tôn kính thầy. 

Xét kỹ trái thuận thế nào để biết hầu hạ dưỡng nuôi. Biết rõ lúc thời tiết trái dễ sanh bệnh hoạn, lúc thời tiết thuận lợi an ổn thì hầu hạ nuôi dưỡng thầy mới tốt. 

Hỏi điều phải làm để biết phụng sự. Hỏi thầy cần làm điều gì để mình làm cho đúng thì sự hầu thầy mới được đầy đủ. 

Chiêm ngưỡng không lười vì sanh lòng ân cần kính trọng. Vì lòng cung kính, luôn luôn hầu thầy không lười mỏi. Người tại gia đối với những vị thiện tri thức thì quý kính, những vị xuất gia hầu hạ bên cạnh thầy già phải chiêm ngưỡng không mỏi mệt. 

Luôn luôn lấy sự quyết liễu tâm yếu làm việc chánh tu. Người tu đến với thầy, với thiện hữu tri thức cốt làm sao quyết định rõ ràng được tâm yếu của mình để tu chân chánh. Dù mình ăn chay, tụng kinh, làm những điều thiện nhưng trọng tâm là sáng được tâm mình, thấy được tánh mình. “Quyết liễu tâm yếu” là phải thấu suốt được tâm chân thật của mình, đó là việc tu chân chính.

Theo sự hiểu biết trình bày để rõ tà chánh. Trong khi tu thấy điều gì hay, điều gì dở phải trình lên thầy hay thiện tri thức để biết là đúng hay sai, tà hay chánh, nhờ thầy giản trạch để chúng ta không bị lầm lẫn. 

Nghiệm theo khí lực để biết sống chín. Người hầu thầy phải nghiệm theo khí lực của thầy hay của bậc thiện tri thức là già hoặc trẻ, là mạnh hoặc yếu, nghiệm cho kỹ để biết “sống chín” là để biết cái gì hợp, cái gì không hợp. Thí dụ thầy già bao tử yếu không ăn đồ sống được, thị giả phải cử kiêng cho thầy, nếu thầy còn trẻ, thức ăn sống cũng không ngại. Cho nên thị giả hầu thầy phải hiểu rõ.

Thấy bệnh sanh nghi phải dùng thuốc hay điều trị. Thầy bệnh hoặc bậc thiện tri thức bệnh mình phải lo, phải nghĩ nên dùng thuốc nào thích hợp để điều trị cho bệnh mau lành. 

Suy nghĩ tột cùng vì cầu chân lý. Thầy hoặc bậc thiện tri thức dạy mình điều gì, nghe rồi phải suy nghĩ cho cùng tột, thấy cho được lý thật của lời dạy.

Ngày đêm chuyên cần, sợ duyên sai sử. Ngày đêm siêng năng tu hành sợ các duyên ngoài sai sử. Thí dụ người Phật tử tại gia thọ năm giới rồi nhưng tu chưa lâu, như giới thứ năm nguyện không uống rượu, nếu bạn bè mời uống thì sao? Đó là duyên, nếu không có lập trường vững, ý chí mạnh thì từ chối không nổi. Nay phương tiện uống được, thì mai mốt cũng phương tiện uống luôn, dùng phương tiện mãi rồi chẳng giữ giới được. “Sợ duyên sai sử”, duyên đó khiến cho mình phải bị kẹt trong những điều dở mà mình đã tránh. 

Chuyên tâm một hạnh để thành đạo nghiệp. Chuyên tâm tu hành một hạnh để thành đạt đạo nghiệp của mình đã quyết.

Vì pháp quên thân là do lòng biết ân. Người xuất gia rất quý trọng những vị thầy dạy Phật pháp cho mình nên vì lòng biết ân, phụng thờ thầy không kể thân mạng. Người tại gia biết chánh pháp là của báu nên tôn trọng và biết ân người hướng dẫn chỉ dạy. 

Như lòng tin của mình còn yếu kém, ý chí không chuyên, hạnh thô hiểu cạn, phóng túng theo cơ, chạm việc thì nhân việc sanh tâm, duyên không thì y theo không mà dứt niệm. Nếu người lòng tin còn yếu kém, ý chí không chuyên cần, hạnh còn thô thiển, hiểu biết thì cạn cợt rồi phóng tâm chạy theo những việc bên ngoài. “Chạm việc thì nhân việc sanh tâm”, gặp việc gì vui thì vui theo, việc gì buồn thì buồn theo, việc gì giận tức thì cũng giận tức theo, đó gọi là chạm việc sanh tâm. “Duyên không thì y theo không mà dứt niệm”, nếu chỉ duyên theo các pháp tự tánh là không thì mọi niệm chạy theo liền bặt dứt. 

Đã chẳng phải bình đẳng quán về động tịnh thì thuận theo sự đắc thất của có không. Nếu không có pháp quán bình đẳng thì mình sẽ thuận theo sự được mất của có không. Các pháp ở thế gian sai biệt có đẹp xấu, hơn kém, nhưng người biết tu thì quán các pháp là bình đẳng. Tại sao? Vì tất cả pháp do nhân duyên hợp lại mà thành. Duyên hợp thành thì không pháp nào có tự thể chân thật, chỉ là tạm bợ, huyễn hóa như nhau. Nếu không quán bình đẳng, thấy các pháp tốt xấu, được mất v.v... thì tâm mình bị cảnh lôi. 

Nhưng đạo không có cấp bậc, tùy theo công phu mà có vị thứ. Đạo không có cấp bậc cao thấp nhưng tùy theo công phu của mình thuần thục khác nhau mà thấy đạo dường như có khác. Thí dụ trong chùa có người được tôn xưng là Hòa thượng, có người được tôn xưng là Thượng tọa, có người được gọi là Đại đức v.v... có cấp bậc khác nhau. Đạo là bình đẳng mà lại có cấp bậc là căn cứ vào đâu? Vì do công phu khác nhau, người tu lâu, người mới tu, nên có khác biệt. Đó là đứng về sự tướng, còn về lý tánh thì khác.

Người tu theo Phật muốn được thành công, được kết quả phải “lập chí mộ đạo”, tức là khao khát đạt đạo, đó là then chốt ban đầu của người vào đạo. Phải thấy rõ bản thân mình không phải lâu dài mà tạm bợ không bền, rồi quyết cầu sao thoát ra khỏi cái tạm bợ hư giả đó. Theo thầy học đạo, quyết chí tu hành, đối với người trên trước luôn luôn cung kính. Phải nhận biết trình độ mình tu tới đâu, cái gì hiểu đúng, cái gì hiểu sai đều trình lên để thầy giản trạch cho mình thấy rõ đạo lý. Chấp vào những niệm được mất, có không là sai lầm

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23314
  • Online: 19