Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 4: Chương IV: Bài Tụng Về Xa-ma-tha (Chỉ)
06/11/2023 | Lượt xem: 930
TS.Vĩnh Gia Huyền Giác
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
CHƯƠNG IV
BÀI TỤNG VỀ XA-MA-THA (CHỈ)
Đây là thiền Đốn ngộ tức một phương pháp tu nhanh chóng để đạt được đạo quả. Chúng ta phải nhận hiểu một cách tinh vi mới thấy được cái hay của đạo, còn hời hợt thì khó mà hiểu. Phải để hết tâm tư lắng nghe cho thật kỹ, vì lời dạy của ngài Huyền Giác chỉ thẳng chỗ thâm sâu cứu cánh của người tu, nên nghe thật là khó, nhưng nếu cố đem hết tinh thần lắng nghe rồi cũng thấy, cũng hiểu được.
Xa-ma-tha là tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa dịch là chỉ. Chỉ tức là đình chỉ, dừng lặng.
Khéo khéo lúc dụng tâm,
Khéo khéo không tâm dụng,
Không tâm khéo khéo dụng,
Thường dụng khéo khéo không.
Người tu phải dụng tâm cho khéo, tuy dụng tâm mà không có tâm dụng mới là chỗ hợp với đạo lý giải thoát. Nếu dụng tâm mà còn kìm giữ tâm dụng thì khó mà giải thoát. Trong mười bức tranh chăn trâu, ban đầu có trâu có người chăn, nhưng đến sau trâu không còn chỉ còn người chăn, đến cuối thì người chăn cũng không. Như vậy, tu đến mức độ cao rồi thì tất cả những dụng tâm công phu của mình lần lần lặng mất. Nếu còn dụng tâm mãi thì còn trâu còn chăn hoài, suốt đời không thể đi tới chỗ hoàn toàn sáng suốt giải thoát. Cho nên khéo khéo không tâm dụng là dụng tâm mà không có tâm dụng. Như khi chúng ta tu sổ tức quán, đếm hơi thở, thở vô, thở ra, mình đều theo dõi và đếm số một, số hai, đó là có dụng tâm và có tâm dụng. Còn ở đây khi dụng tâm, không thấy có tâm để ứng dụng. Đó mới là tuyệt đỉnh.
Không tâm khéo khéo dụng, thường dụng khéo khéo không. Có tâm thì mới dụng được, bây giờ không tâm thì làm sao mà dụng? Tuy dụng tâm mà không dính chấp tâm, cho nên dụng mà không.
Thí dụ khi thấy cái hoa biết là hoa, nhưng thêm đẹp xấu, đó là tâm mình duyên theo cảnh khởi phân biệt. Nếu thấy hoa mà giữ tâm không dấy niệm phân biệt đẹp xấu, như vậy mình có dụng tâm không? Không có cái gì để dụng nhưng có ngăn ngừa, có tu trong đó, nếu mình thả lỏng thì khởi phân biệt. Thấy rõ hoa mà không dấy niệm phân biệt đẹp xấu, đó là khéo dụng tâm mà không có tâm để mình dụng. Đây là chỗ thâm thúy, có thể gọi bài pháp này là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.
Đọc kỹ bốn câu này mới thấy chỗ chân thật của người tu.
Khéo khéo lúc dụng tâm là lúc nào chúng ta cũng làm chủ hẳn hoi. Tuy làm chủ mà không có tướng mạo kìm chế gì trong đó, là khéo khéo không tâm dụng.
Không tâm khéo khéo dụng, tuy không có vận dụng cái nghĩ, cái quán mà luôn luôn biết giữ tâm không khởi niệm, không chạy theo cảnh.
Thường dụng khéo khéo không là thường thấy nghe hiểu biết, qua lại tới lui mà không có một niệm nào đuổi theo cảnh. Thường dụng mà vẫn là không, không còn năng sở.
Phàm niệm chẳng quên thì trần chẳng dứt, trần chẳng dứt thì niệm chẳng quên. Trần quên là do dứt niệm mà quên, niệm dứt là do quên trần mà dứt. Quên trần mà dứt nên dứt mà không có cái hay dứt (năng tức), dứt niệm mà quên nên quên mà không có cái bị quên (sở vong).
Phàm niệm chẳng quên thì trần chẳng dứt. Dấy nghĩ liên tục là có bóng dáng của sáu trần. Nghĩ về người, về vật, về cảnh v.v... là có hiện tượng bên ngoài để mình duyên theo, cho nên khởi nghĩ thì chưa quên trần. Khởi nghĩ là có cái gì để nghĩ, hoặc nhớ người, nhớ cảnh, nhớ vật. Cho nên đây nói “phàm niệm chẳng quên thì trần chẳng dứt”.
Trần chẳng dứt thì niệm chẳng quên. Còn bóng dáng sáu trần bên ngoài thì không dứt được niệm.
Cho nên niệm và trần dính liền nhau, có niệm là có trần, có trần là có niệm, không riêng ra được.
Trần quên là do dứt niệm mà quên. Không có bóng dáng sáu trần là do chúng ta không khởi niệm.
Niệm dứt là do quên trần mà dứt. Không khởi niệm là do không nhớ cảnh, nhớ người. Không nhớ trần thì niệm lặng. Kiểm lại nội tâm chúng ta luôn luôn dấy niệm chạy theo trần cảnh, theo người, theo vật v.v...chứ không bao giờ nghĩ mà không có cái gì. Như vậy bóng và niệm liên kết với nhau, dừng được niệm, không khởi nghĩ thì không có bóng nào che mờ nội tâm mình, cho nên dứt niệm là không có trần.
Quên trần mà dứt, nên dứt mà không có cái hay dứt (năng tức), dứt niệm mà quên nên quên mà không có cái bị quên (sở vong). Cho nên nói “Năng tức sở vong”. Nếu khi dứt niệm thì năng là cái nghĩ không có, nghĩ đã không thì bóng để mình nghĩ cũng không. Thế thì cả năng sở đều lặng. Vì vậy quên trần mà dứt niệm nên dứt mà không có cái hay dứt. Quên trần thì niệm không khởi, niệm không khởi thì lấy gì dứt. Dứt niệm thì không nhớ trần, nên đâu có cái gì để quên. Tóm lại một là quên trần, hai là dứt niệm.
Các thiền sư luôn luôn nói các pháp ở ngoài là hư giả không thật. Vì hư giả không thật nên quên mới dễ, nếu thấy thật thì rất khó quên. Thí dụ về thanh trần, như nghe ai nói một câu nặng về mình, nói mình là người xấu, nếu nghĩ câu nói đó là thật thì có quên được không? Còn biết lời nói qua rồi mất, giả dối không thật, mình bỏ, bỏ rồi quên luôn. Đó là gốc của sự tu.
Lâu nay chúng ta hay than rằng khó tu, là tại sao? Tại cái gì cũng cho là thật, khen là thật nên tâm xao động, chê là thật nên tâm bực bội. Cả ngày cứ nghe khen nghe chê. Ở đời này có ai mà khỏi bị khen chê! Làm vừa ý người được khen cũng xao động, làm không vừa ý người bị chê cũng xao động, cho khen chê là thật thì chừng nào tâm mình hết xao động? Chắc không bao giờ hết. Thế nên tu mà không tiến là vì mình chấp thật. Nếu biết khen chê chỉ là những lời nói như âm vang, qua rồi mất, không có gì thật, cứ cho nó qua không nhớ nữa thì tâm hết xao động, tự nhiên không dính với ngoại trần. Âm thanh là trần, chúng ta không dính mắc thì niệm không khởi. Nếu hiểu đúng như vậy thì tu không có gì khó, nếu hiểu không đúng thì tu thật là gian nan. Tu khó là tại pháp tu hay tại cái chấp thật của mình? Tại mình chấp thật cho nên tu mới khó, thật ra nếu biết là giả thì tu không có gì khó cả.
Quên mà không có cái bị quên nên trần bị khiển trừ chẳng phải là đối tượng bị biết, dứt mà không có cái hay dứt nên niệm diệt chẳng phải là chủ thể hay biết.
Quên mà không có cái bị quên, nếu mình thấy trần là thật, khi nghe người ta nói nặng mình ráng quên, mà cứ nhớ câu nói đó là thật thì có cảnh bị quên. Còn biết câu nói đó là hư giả, bỏ qua thì quên nó, vậy đâu có cái bị quên thật. Vì thế dẹp mà không có cái bị khiển trừ, nên trần bị khiển trừ chẳng phải là đối tượng bị biết, vì trần là giả nên không phải là đối tượng bị biết.
Dứt mà không có cái hay dứt nên niệm diệt chẳng phải là chủ thể hay diệt. Vì niệm dấy lên mình biết là vọng tưởng giả dối, trần cảnh bên ngoài biết là duyên hợp hư giả, cả hai giả dối cho nên cái kia không phải là thật để mình dẹp, cái này không phải là thật để mình trừ. Trong, ngoài không thấy cái thật cho nên không thấy trần bị khiển, cũng không có tâm để diệt. Vì vậy niệm diệt mà chủ thể hay biết không diệt.
Cái biết diệt mất, cái đối tượng cũng bị khiển trừ thì một bề vắng lặng.
Cái biết này là niệm khởi, niệm khởi mất và bóng dáng ngoại cảnh đã dẹp rồi thì tâm mình một bề vắng lặng.
Diệu tánh thiên nhiên lặng yên không nương gá, như lửa đốt hư không thì lửa tự tắt. Hư không dụ cho diệu tánh chẳng phải tướng, lửa tắt dụ cho vọng niệm chẳng sanh.
Lửa là dụ cho niệm mà hư không là dụ tánh chân thật của mình. Lửa tự đốt tự tắt trong hư không, nhưng không ảnh hưởng gì đến hư không. Như thế niệm khởi là cái bóng không thật, mà chúng ta theo niệm thì sẽ thế nào? Thí dụ người ta nói một câu nặng mà mình biết câu nói đó không thật thì mọi việc đều yên, nếu cho câu nói đó là thật, là nhục mạ mình thì bắt đầu khởi sự. Cãi bằng miệng mà chưa thắng thì đấu bằng tay. Thế nên từ cái không thật ban đầu mà theo nó nên biến thành thật rồi tạo nghiệp đi tới khổ. Mê lầm chấp cái không thật là thật, gọi là hoặc. Từ hoặc đó thân, miệng, ý tạo nghiệp, kết thúc là khổ. Vậy chúng ta muốn không còn khổ thì phải dừng hoặc, tức là đừng mê lầm. Khi biết trần cảnh bên ngoài là hư giả, niệm khởi bên trong là vọng tưởng, hai cái không có giá trị gì thì mình quên. Quên ở ngoài, lặng ở trong thì tâm thể chân thật hiện tiền, không có khổ.
Khi không khởi nghĩ thì buồn hay vui? Không khởi nghĩ thì không vui cười mà vẫn tươi, vẫn sáng chứ không có buồn. Hiểu được vậy chúng ta sẽ đến chỗ chân thật hết sức dễ dàng. Sở dĩ tu mà phải trải qua nhiều khó khăn là vì chúng ta ngỡ rằng niệm khởi là tâm thật của mình, ngoại cảnh cũng thật. Thấy như vậy là mê, từ mê tạo nghiệp rồi đi tới khổ. Chỉ cần dứt mê, không tạo nghiệp thì hết khổ, thật đơn giản vô cùng! Cho nên nói đốn ngộ là như vậy, tức chỉ thẳng gốc tu cho mình, chứ không có quanh co.
Thí dụ như sân hận là gốc đau khổ cho nên quán từ bi để dẹp sân hận, tức là có năng quán sở quán. Còn đốn ngộ là không có năng quán, sở quán mà đi sâu tận cội nguồn biết từ đâu phát ra nghiệp, từ đâu thọ khổ. Từ gốc mê chấp ngoại trần là thật, chấp nội tâm vọng niệm là thật nên tạo nghiệp thọ khổ. Vì vậy trong nhà Phật thường hay vẽ một vòng tròn hoặc - nghiệp - khổ, cứ quay như vậy hoài. Nghĩa là còn hoặc - nghiệp - khổ là còn trong trầm luân. Muốn thoát khỏi vòng trầm luân thì chúng ta phải dứt ngay hoặc, tức là dứt vô minh. Vô minh dứt thì vòng mười hai nhân duyên theo đó dứt.
Thế nên nếu trần hết không có năng sở, rồi niệm cũng hết không có dẹp trừ, đó là trở về diệu tánh của chúng ta. Diệu tánh ví như hư không, niệm khởi giống như lửa, lửa trong hư không tắt chứ hư không không mất bao giờ. Niệm lặng chứ diệu tánh không bao giờ mất. Có khi nào chúng ta không suy nghĩ, lặng hết tất cả niệm mà không biết gì hết không? Tuy niệm lặng không nghĩ nhưng thấy hoa vẫn biết là hoa, thấy đồng hồ vẫn biết là đồng hồ. Thế thì tánh biết trùm hết, hiện tiền chứ đâu phải đợi có niệm mới có nó. Lâu nay chúng ta sợ không nghĩ một là thành ngu, hai là sẽ không biết gì hết, nhưng không phải vậy. Không nghĩ thì thành ngu đối với người thế gian, nhưng có trí tuệ trong Phật pháp. Có nghĩ thì có bao nhiêu lo buồn sợ sệt, không nghĩ thì mọi lo sợ không còn. Sống mà không lo, không sợ, không buồn thì thảnh thơi vô cùng, không phải đợi tới thành Phật mới tự tại, giải thoát. Đi đúng đường, hiểu đúng pháp, ứng dụng tu thì chúng ta tự tại. Đó là chỗ chí yếu.
Có lời rằng:
Quên duyên rồi thì lặng lặng
Tánh linh tri hiện rõ ràng
Vô ký mê mờ tỏ rõ
Hợp chân vốn không rành rành.
Khi chúng ta quên duyên không còn dính kẹt bên ngoài thì tâm vắng lặng, tánh linh tri hiện rõ ràng, không phải mất, không phải hết. Khi vô ký không được tỉnh sáng thì mê mờ hiện ra đầy đủ. Nếu sống hợp với chân tánh linh tri của mình thì thấy tất cả pháp vốn không có gì thật, nên không dính mắc, đó là không.
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai.
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải. Chúng ta ngồi thiền, đi thiền hoặc ngồi chơi ngoài vườn mà tỉnh tỉnh lặng lặng, đó là phải, là đang sống với tánh linh tri của mình. Lặng là lặng niệm, tỉnh là sáng tỏ, cho nên tỉnh tỉnh là tuệ mà lặng lặng là định. Tỉnh lặng là định tuệ đồng thời. Vì vậy Lục Tổ nói pháp tu của ngài là định tuệ đồng thời, chứ không phải trước định rồi sau mới tuệ. Ngồi tu mà tỉnh lặng hiện tiền đó là đúng, đang sống với tánh linh tri.
Vô ký lặng lặng sai. Nếu ngồi thiền không nhớ gì hết, lặng lặng mờ mờ đó là sai. Lặng phải có tỉnh, chứ lặng lặng không thì trở thành vô ký, đó là không đúng.
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải. Hoặc tỉnh tỉnh lặng lặng, hoặc lặng lặng tỉnh tỉnh. Tỉnh tỉnh là tuệ, lặng lặng là định. Hai cái đồng thời.
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai. Ngồi một giờ mà nghĩ đủ thứ chuyện, tuy không ngủ gục nhưng thuộc về loạn tưởng. Như vậy là sai. Thế nên tỉnh mà loạn tưởng thì tỉnh đó sai, còn lặng mà vô ký hôn trầm, lặng đó cũng trật. Chúng ta khéo tu thì phải biết hai điều này.
Tỉnh tỉnh lặng lặng đây là trí tuệ của tánh linh tri, chứ không phải trí tuệ do học hỏi, do quán chiếu. Chúng ta thường hay lầm, nói tu thiền sao yên quá, chỉ tỉnh sáng thôi chứ không có cái trí gì lạ lùng đặc biệt. Muốn biết về vũ trụ, nhân sanh thì cần có trí suy nghĩ hay không? Suy nghĩ muốn biết cái lạ lùng, đặc biệt, đó không phải là thể chân thật bất sanh bất diệt mà là động. Khi tỉnh lặng thuần rồi bất chợt vừa dấy nghĩ một điều gì thì mình biết một cách đúng đắn, đó là dụng chứ không phải tỉnh lặng rồi trở thành mờ mịt tối tăm.
Ngược lại lặng lặng tỉnh tỉnh, lặng mà tỉnh cũng rất thích hợp với tánh linh tri của mình.
Tỉnh mà lặng hay lặng mà tỉnh là đúng. Còn tỉnh mà loạn tưởng hay lặng mà hôn trầm là sai. Khi ngồi thiền chúng ta tự kiểm điểm mình đang đúng hay sai, nếu sai thì sửa liền đừng để nó dẫn mình đi lâu.
Nếu lấy biết, biết lặng,
Chẳng phải biết không duyên,
Như tay cầm như ý,
Chẳng phải tay không vật.
Nếu lấy tự biết biết,
Chẳng phải biết không duyên,
Như tay tự làm nắm,
Chẳng phải tay không nắm.
Cũng chẳng tự biết biết,
Không thể là không biết,
Vì tánh rõ ràng vậy.
Chẳng đồng như gỗ đá,
Như tay chẳng cầm vật,
Cũng chẳng tự làm nắm,
Không thể là không tay.
Bởi tay an nhiên vậy,
Chẳng đồng với sừng thỏ.
Có nhiều Phật tử thắc mắc, tu tới tỉnh tỉnh lặng lặng thôi chứ có gì lạ đâu. Tu tới khi yên lặng tỉnh táo thì còn gì nữa, chỉ ngang đó rồi dừng sao? Hẳn còn muốn tiến thêm một hai bước nữa, muốn có cái gì lạ hơn cái tỉnh tỉnh lặng lặng này.
Nếu lấy biết, biết lặng,
Chẳng phải biết không duyên,
Như tay cầm như ý,
Chẳng phải tay không vật.
Nếu lấy cái biết dùng để biết lặng thì đây chẳng phải là cái biết không duyên, như tay cầm cây như ý, chẳng phải là trên tay không có cây như ý. Khi ngồi thiền niệm không khởi nhưng nhìn chăm chăm chỗ niệm không khởi, có đúng chưa? Tuy chỗ niệm không khởi là không có cái gì, nhưng mình nhìn chăm chăm thì nó thành có.
Khi niệm lặng, nhưng chúng ta cứ nhìn chăm chăm chỗ lặng thì vô tình có một cảnh để nhìn, “đây chẳng phải là cái biết không duyên”. Cái biết là cái nhìn, cái lặng là cái bị nhìn, là có duyên rồi, chứ không phải không duyên.
Ví dụ “như tay cầm cây như ý”. Cây như ý là cây gãi lưng. Cây như ý là dụ chỗ mình nhìn, bàn tay là dụ cái hay nhìn của mình. Vậy là còn có năng, có sở.
Nếu lấy tự biết biết,
Chẳng phải biết không duyên,
Như tay tự làm nắm,
Chẳng phải tay không nắm.
Nếu lấy cái tự biết để biết, cũng chẳng phải là cái biết không duyên, như bàn tay nắm lại, chẳng phải là không có nắm tay. Khi ngồi thiền nếu yên quá thì sợ lạc về vô ký cho nên phải giữ cái biết lại. Nghĩa là lúc nào mình cũng thường biết, nhớ giữ cái biết còn luôn luôn, không có đối tượng, chỉ biết giữ cái biết thôi, giống như bàn tay nắm lại thành một nắm tay, tức là có kìm giữ. Tuy không có đối tượng nhưng mình tự giữ, tự bảo vệ cái biết của mình thì cũng còn kìm chế.
Cũng chẳng biết biết lặng,
Cũng chẳng tự biết biết,
Không thể là không biết,
Vì tánh rõ ràng vậy.
Chẳng đồng như gỗ đá,
Cũng chẳng biết cái biết lặng, cũng chẳng tự biết cái biết, thì không thể nói là không biết. Không giữ cái biết lặng, không giữ cái biết thường biết, như vậy không phải là mình không biết. Tự tánh hiển nhiên cho nên nói chẳng đồng gỗ đá.
Như tay chẳng cầm vật,
Cũng chẳng tự làm nắm,
Không thể là không tay,
Bởi tay an nhiên vậy,
Chẳng đồng với sừng thỏ.
Như tay chẳng cầm cây như ý, cũng chẳng nắm lại thành cái nắm tay, nhưng không thể nói là không có tay. Khi tay không cầm một vật, cũng không nắm lại thì tay đó vẫn còn, rất là thong dong, chứ đâu có mất. Không nắm vật, không có bàn tay nắm lại, nhưng đâu phải không có cái tay, mà đó mới là tay thong dong.
Những điều này hết sức vi tế trong sự tu. Nếu chăm chăm nhìn vào chỗ lặng đó là còn đối đãi, năng sở. Nếu cố giữ cái biết vì sợ quên, cũng là còn cái kìm chế của cái biết. Chỉ để nó tự tại thong dong, không giữ và không nhìn ở đâu mà luôn luôn linh động, nên gọi là tánh linh tri. Không phải tay không cầm vật, tay không nắm lại mà không có tay, cái tay vẫn thong dong, tự tại. Vì rõ ràng có tay nên chẳng đồng với sừng thỏ, tay hiện tiền làm sao nói không?
Chúng tôi khuyên Phật tử tu thiền nên nhìn lại niệm khởi, biết là vọng tưởng đừng theo, vậy là có vọng tưởng và có cái hay biết vọng tưởng, tức là có năng có sở, có năng có sở thì làm sao đến chỗ cứu cánh được? Tu mà chưa tới cứu cánh thì chưa phải chân thật. Nhân đây tôi cũng muốn nói luôn cho quý vị biết tường tận ý nghĩa tu thiền do chúng tôi hướng dẫn.
Khi Phật tử ngồi lại, niệm khởi lên biết vọng tưởng đừng theo, cứ như vậy thôi. Khi vọng tưởng lặng hết rồi nhưng chúng ta mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, hằng tri hằng giác. Phương tiện đầu và chỗ cứu cánh phải có đường hướng thì chúng ta ứng dụng tu mới có kết quả. Trong kinh Lăng-nghiêm đức Phật nói cho ngài A -nan hiểu rằng tất cả những ý nghĩ là cái bóng không thật mà người đời chấp cho là thật nên cuồng loạn. Phật dùng thí dụ chàng Diễn -nhã -đạt-đa một sớm nhìn vào gương soi mặt, thấy đầu mặt trong gương rất là rõ ràng, cứ ngỡ đầu mặt mình trong gương là thật, nên khi úp gương lại, thấy đầu mặt mất, lúc đó liền ôm đầu chạy la lên tôi mất đầu rồi. Diễn-nhã-đạt-đa chấp bóng trong gương là thật, quên mất cái thật mà thành điên. Biết Diễn-nhã -đạt-đa là điên rồi, nhớ lại sao mình cũng giống quá. Mình nghĩ cái gì hay hay cho đó là đúng, tưởng là thật rồi đem ra trình bày mà người ta nói cái nghĩ đó không đúng, thì nổi sân lên rồi gây chuyện với nhau. Như vậy có phải mình là anh em với Diễn- nhã-đạt-đa hay không? Như vậy nhìn lại cả nhân loại chúng ta đều ở trong tình trạng đó, chứ không phải một hai người.
Trong giai đoạn thứ nhất, chúng ta muốn đừng thành điên thì phải làm sao? Phải biết bóng là bóng, thấy đúng như vậy. Nếu Diễn-nhã-đạt-đa thấy đầu mặt trong gương biết là bóng thì có điên không? Như vậy chúng ta biết rõ những ý niệm vọng tưởng giả dối không thật, không theo thì không còn điên như Diễn-nhã-đạt-đa nữa, đó là tiến bộ quá nhiều rồi.
Chỉ cần biết niệm khởi là vọng tưởng, vọng tưởng khởi liên miên, khởi tới đâu mình biết tới đó. Biết vọng tưởng thì tỉnh chứ đâu có mê. Dù cho một trăm thứ vọng tưởng mà mình biết rõ thì đó là mình đang tỉnh. Cho nên Lục Tổ nói: “Niệm khởi tức giác, giác tức Bồ-đề.” Niệm khởi là mê, mình biết là vọng tức giác, mà giác tức Bồ-đề. Thế thì một trăm niệm khởi là một trăm chúng sanh, đó là mê, nhưng một trăm vọng tưởng dấy lên, một trăm lần biết là vọng tưởng thì có một trăm ông Phật rồi, đó là tỉnh. Một trăm lần mê thì có một trăm lần tỉnh, chưa phải là thiệt thòi.
Như khi chúng ta đang bình tĩnh ngồi trong nhà, vừa chợt nhớ người đã nói câu xúc phạm tới mình liền nổi tức lên muốn đi trả thù. Như vậy từ niệm khởi là vọng mà tưởng thật, theo nó thì tạo nghiệp. Nếu niệm vừa dấy lên biết là vọng tưởng không theo thì nó lặng, không đi trả thù thì không tạo nghiệp.
Tóm lại, một là không lầm tưởng là thật, hai là không theo để tạo nghiệp, chỉ chừng đó là quá tốt rồi. Chúng ta cứ ngỡ mình phải làm cái gì mới là tu hay, chứ còn biết vọng tưởng không theo coi bộ thường quá, yên lặng, tiêu cực quá! Không ngờ chính đó là nhân dừng tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không thọ khổ. Chúng ta mới đi vào giai đoạn đầu đã thấy có lợi ích lớn rồi.
Qua giai đoạn thứ hai, như trong mười mục chăn trâu, những bức tranh một, hai, ba, chú mục đồng rất mệt, con trâu hoang mà phải tìm cách xỏ mũi cho được, rồi nắm mũi lôi đi theo ý của mình là dễ hay khó? Hết sức là khó, nhọc nhằn vô cùng. Cũng vậy, chúng ta biết niệm khởi là vọng tưởng trồi lên lặn xuống hoài, nó thúc đẩy mình ngồi yên không được, nhưng chúng ta phải gan dạ đừng theo, giằng co với nó một thời gian rồi lần lần thế của nó yếu, sức của mình mạnh. Khi đạo lực mạnh thì chú mục đồng thắng, xỏ mũi trâu dẫn nó đi. Đây là hình ảnh chú mục đồng có dây mũi, có cây roi để đánh con trâu hoang ngỗ nghịch.
Cũng vậy từ xưa đến giờ niệm của mình chạy hoang quen rồi, bây giờ muốn nó dừng lại thì phải rầy phải mắng. Ngồi mà thấy vọng tưởng nhiều quá liền rầy nó “bộ mày muốn xuống địa ngục sao?” thì nó dừng. Khi nhập thất ngồi tu mà cứ nghĩ lăng xăng chuyện này chuyện kia, nên nói: “Muốn làm con heo, ăn uống rồi ngủ không chịu tu hành gì hết.” Quở mắng mạnh như vậy đó là dùng roi. Lâu rồi thì nó lặng từ từ, cho tới khi nó thuần rồi thì mình cầm dây mũi dẫn đi, mình đi trước nó đi sau, khi nó thuần hơn nữa không còn cầm dây mũi, mình lên lưng nó ngồi thổi sáo thảnh thơi.
Như vậy từ mục thứ nhất, thứ hai, cho tới thứ năm, thứ sáu, cũng còn chăn còn trâu, từ nhọc nhằn buổi đầu chuyển lần qua nhẹ nhàng thảnh thơi, nhưng chưa phải là cứu cánh.
Đến mục thứ bảy còn người chăn mà không còn trâu để chăn, tự biết không còn trâu để chăn, nhưng người chăn vẫn còn lom lom nhìn vì việc chưa rồi. Còn giữ cái biết của mình sợ nó mất, đó là còn chú mục đồng ngồi một mình dưới gốc cây, chưa giải tỏa được.
Đến mục thứ tám, khi không còn giữ cái biết nữa mà vẫn sống thong dong tự tại hằng tri hằng giác, lúc đó chỉ còn một vòng tròn, một vầng trăng sáng.
Như vậy sự tu đi từ thứ tự để tiến lên, chứ lúc mới bắt đầu không trâu không chăn làm sao mà tu? Phải vất vả cực khổ, qua năm ba mục rồi lần lần thảnh thơi, tới mất trâu mất chăn, từ từ đi tới chỗ hoàn toàn một vòng tròn.
Bài kệ ở đây nói tới mục cuối cùng. Ban đầu còn hơi hám con trâu, trâu tuy lặng mà còn nhìn chỗ lặng của nó, tức còn năng sở. Bỏ sở nhưng còn năng, tức còn giữ cái biết. Đừng giữ cái năng biết nữa thì lúc đó mới là hoàn toàn không trâu, không chăn, chỉ một vầng trăng sáng giữa bầu trời. Đó là chỗ siêu thoát.
Chúng ta tu để mong được phước này, phước kia đời sau hưởng, đó là suy nghĩ cạn cợt. Giáo lý của Phật cao siêu vô cùng, phải tu tới chỗ không còn năng sở, tới chỗ hoàn toàn viên mãn tròn đầy, đó là viên giác.
Không còn năng sở thì lấy gì trầm luân sanh tử, lấy gì dẫn mình đi nơi này nơi kia, tới đó gọi là hoàn toàn giác ngộ, giải thoát. Điều này rất khó hiểu, nhưng thật là thiết yếu.
Lại nữa, thứ tự tu tâm là hễ dùng cái biết để biết vật thì vật còn, cái biết cũng còn. Nếu dùng cái biết để biết cái biết, biết được cái biết thì lìa được vật, vật tuy lìa được nhưng cái biết hãy còn. Khởi lên cái biết để biết cái biết, lúc cái biết sau sanh thì cái biết trước đã diệt. Cả hai cái biết chẳng cùng một lượt, hễ lúc cái biết trước diệt thì cái chỗ diệt ấy là cảnh của cái biết, nên năng sở đều chẳng phải chân. Cái biết trước diệt, cái diệt ấy dẫn theo cái biết sau, cái biết sau ấy lại tiếp tục diệt, sanh diệt nối nhau tự đó là nẻo luân hồi.
Đoạn này cho chúng ta thấy rõ thêm đoạn trước. Nếu chúng ta tu mà còn dùng cái biết để biết vật tức là còn năng còn sở rõ ràng. Còn dùng cái biết để biết cái biết, biết được cái biết thì lìa được vật, tuy lìa vật nhưng vẫn còn cái biết. Tức là khởi nghĩ giữ cái biết thì cái khởi nghĩ đó là niệm khởi. Niệm khởi là sanh diệt, còn sanh diệt thì còn đi trong sanh tử. Cho nên còn khởi niệm giữ là còn sanh tử, đừng nghĩ rằng mình giữ cái biết không có lỗi. Vì cái biết trước vừa lặng, mình khởi nghĩ biết nữa thì cái biết sau sanh. Cái trước lặng, cái sau sanh, cứ giữ hoài như vậy thì đó là sanh diệt tiếp tục, vì thế mà luân hồi.
Nay nói biết đó, là chẳng cần biết cái biết, chỉ cần biết mà thôi, thì cái biết trước chẳng tiếp tục diệt, cái biết sau chẳng dẫn khởi, trước sau đứt đoạn, khoảng giữa tự bị cô lập. Đương thể chẳng nhớ đến, đúng lúc liền tiêu diệt, biết thể đã diệt rồi thì rỗng rang như nắm bắt hư không, phút chốc vắng lặng chỉ có cái giác vô sở đắc tức là không giác mà giác, giác mà không giác, khác hẳn gỗ đá. Đây là chỗ bắt đầu dụng tâm cần phải dứt bặt tư lự, chợt đồng như người chết, năng sở liền quên, mảy may đều sạch. Vắng lặng tợ không biết mà biết, tánh của cái không biết ấy khác với gỗ đá. Đây là chỗ người sơ tâm khó lãnh hội được.
Đoạn trước nói nếu còn giữ cái biết tức là còn niệm, còn niệm là còn luân hồi.
Nay nói biết đó, là chẳng cần biết cái biết, chỉ cần biết mà thôi. Hiện tại mình không khởi nghĩ giữ cái biết mà chỉ biết, thấy thì thấy, nghe thì nghe, ngửi thì cứ ngửi. Tất cả chung quanh cái gì đến chúng ta cũng biết hết, biết mà không giữ không đè nén gì hết. Sáu căn đối với sáu trần chúng ta luôn luôn sáng suốt, vật đến thì biết, làm việc gì chỉ biết việc đó thôi, không có suy nghĩ, không có gìn giữ thì cái biết đó mới là cái biết thật, cái biết cứu cánh.
Đương thể chẳng nhớ đến, đúng lúc liền tiêu diệt. Khi đối duyên đối cảnh thấy thì cứ thấy, nghe thì cứ nghe, qua rồi thì thôi chứ không cần phải suy gẫm, không cần phải giữ nhớ gì hết.
Biết thể đã diệt rồi thì rỗng rang như nắm bắt hư không. Cảnh đến mình biết, cảnh đi thì thôi, vẫn rỗng rang vắng lặng, chỉ có cái giác vô sở đắc. Cái giác không năng không sở nên gọi là vô sở đắc. Không giác mà giác, tức là dường như không biết mà biết, như ngồi một mình thấy nghe rõ ràng tất cả nhưng không có gì để chú ý, không có gì nghe mà lưu tâm, thì tự nhiên thấy nghe mà không biết gì hết, không biết mà biết, đó gọi là không giác mà giác, không phải như gỗ đá không biết gì, mà đây biết nhưng không có niệm dấy khởi để phân biệt.
Đây là chỗ bắt đầu dụng tâm cần phải vắng bặt tư lự, chợt đồng như người chết, năng sở liền quên mảy may đều sạch. Mọi tư lự vắng bặt giống như người chết, nghĩa là không năng sở gì nữa hết.
Vắng lặng tợ không biết mà biết, tánh của cái không biết ấy khác với gỗ đá. Không biết mà biết cho nên không phải là gỗ đá. Người mới học đạo rất khó lãnh hội, nhưng chính chỗ này mới là đặc biệt.
Phần Chỉ của thiền Đốn ngộ tức là dừng, không còn tâm năng sở, không còn niệm đuổi theo ngoại cảnh. Dừng để sống với cái linh tri hằng giác của mình.
Người mới phát tâm chẳng nên có ba thứ:
1. Ác, nghĩa là nghĩ tưởng đến các nhân duyên như ngũ dục thế gian v.v...
Nếu chúng ta còn nhớ tài, sắc, danh, thực, thùy là chúng ta còn nghĩ theo ngũ dục thế gian. Đó là nghĩ ác.
2. Thiện, nghĩa là nghĩ tưởng đến các việc tạp thiện thế gian v.v...
Nghĩ đến các việc tạp thiện tức là các việc thiện nhỏ, việc thiện lẫn lộn không thuần túy.
3. Vô ký, nghĩa là chẳng nghĩ đến thiện ác, lại rơi vào hôn trầm.
Chúng ta đừng nghĩ ba việc ác, thiện, vô ký, tức là không có hai bên thiện ác và cũng không rơi vào vô ký. Đó là ba điều cần nên giữ.
Trong Giới cần phải đủ ba thứ:
1. Nhiếp luật nghi giới, nghĩa là dứt tất cả các điều ác.
Tất cả các điều xấu đều không làm.
2. Nhiếp thiện pháp giới, nghĩa là tu tất cả các điều thiện.
Tất cả các điều lành, những việc thuần túy đạo đức đều làm hết không bỏ không chừa.
3. Nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là thệ độ tất cả chúng sanh.
Luôn luôn thệ độ tất cả chúng sanh, tất cả những người chung quanh, lúc nào mình cũng nhớ nguyện độ họ.
Cho nên giới Đại thừa nếu nói tổng quát chỉ đơn giản có ba thôi.
1. Nhiếp luật nghi, tức là tất cả việc ác đừng làm.2.
2.Nhiếp thiện, tức là tất cả việc lành đều làm.
3. Nhiêu ích hữu tình, tức là người nào cần giúp, người nào cần học cần tu mình đều giúp cho họ tu học.
Trong Định cần phải phân biệt ba thứ:
1. An trụ định, nghĩa là diệu tánh thiên nhiên vốn chẳng phải động.
Có ba thứ định nên biết rõ để không lầm lỗi.
An trụ là nhớ biết diệu tánh thiên nhiên của mình vốn không phải động, cho nên vừa động là sai, không đúng với diệu tánh.
2. Dẫn khởi định, nghĩa là lóng lòng dứt vọng trí tuệ phát sáng.
Những niệm mình khởi, những ý mình nghĩ phải lóng sạch xuống để trí tuệ phát sáng.
3. Biện sự định, nghĩa là nước định lóng trong soi tỏ muôn tượng.
Khi được định rồi thì từ định mà sáng, cho nên trong kinh Phật thường dụ định với tuệ không rời nhau, như nước đục thì mọi cảnh bên ngoài không hiện, nước trong thì mọi cảnh đều hiện. Như vậy nước trong là sáng, nước đục là tối. Chúng ta nhờ tâm định mà tất cả hiện tượng bên ngoài đều thấu suốt. Đó gọi là biện sự định.
Trong Tuệ cũng cần phải phân biệt ba thứ:
1. Nhân không tuệ, nghĩa là rõ năm ấm chẳng phải ngã, tức là trong mỗi ấm không có ngã như lông rùa sừng thỏ.
2. Pháp không tuệ, nghĩa là rõ các pháp như ấm v.v... duyên giả chẳng phải thật, như bóng trong gương như trăng đáy nước.
3. Không không tuệ, nghĩa là rõ cảnh và trí đều không, cái không ấy cũng không.
Trí tuệ của người tu thiền chia làm ba phần:
1.Nhân không tuệ, tức là nhìn vào thân năm ấm biết rõ rằng không thật, nên trong kinh Bát-nhã nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, ngũ uẩn không thật thì ngã không thật, ngã không thật thì không có gì để chấp. Đó là phá được cái chấp ngã ở mình, gọi là Nhân không tuệ.
2.Pháp không tuệ, nghĩa là rõ các pháp như ấm v.v... duyên giả chẳng phải thật. Thân mình do năm ấm duyên hợp cũng hư ảo không thật, các pháp bên ngoài do duyên hợp cũng không thật. Tất cả pháp như bóng trong gương, như trăng đáy nước, không có gì là thật hết, thấy được như vậy gọi là Pháp không tuệ.
3.Không không tuệ, nghĩa là rõ cảnh và trí đều không. Cái không ấy cũng không. Trí là ngã, cảnh là pháp bên ngoài, cả hai đều không thật. Rõ được ngã và pháp không thật đó là Không không tuệ. Cái không ấy cũng không.
Trong Kiến cần phải biết ba thứ:
1. Không kiến, nghĩa là thấy không mà cái thấy chẳng phải không.
2. Bất không kiến, nghĩa là thấy chẳng không mà cái thấy chẳng phải chẳng không.
3. Tánh không kiến, nghĩa là thấy tự tánh mà cái thấy chẳng phải tánh.
Chữ kiến này là thấy bằng trí tuệ.
1.Không kiến nghĩa là thấy không mà cái thấy chẳng phải không. Thấy thân năm uẩn không thật, thấy các pháp không thật, nhưng cái thấy thân năm uẩn không thật, các pháp không thật, cái thấy đó không phải là không, đó là Không kiến.
2. Bất không kiến, nghĩa là thấy chẳng không mà cái thấy chẳng phải chẳng không. Thấy chẳng không tức là cái thấy không phải là hoàn toàn không. Sự vật là không, cái thấy là có, nhưng nếu chấp cái thấy là có thì đối đãi lại với cái không, cho nên tới cái thứ hai là Bất không kiến. Nghĩa là thấy chẳng không mà cái thấy chẳng phải chẳng không.
3.Tánh không kiến, nghĩa là thấy tự tánh mà cái thấy chẳng phải tánh, nghĩa là nhận ra tự tánh mình, mà cái nhận ra đó không phải là tự tánh.
Trong Thiên cần phải lựa ra ba thứ:
1. Có pháp thân, không có Bát-nhã và giải thoát.
2. Có Bát-nhã, không có giải thoát và pháp thân.
3. Có giải thoát, không có pháp thân và Bát-nhã.
Có một thiếu hai là chẳng viên, chẳng viên nên chẳng phải tánh.
Trong viên cần ba thứ công đức là: pháp thân, Bát-nhã và giải thoát. Người tu muốn đến chỗ viên mãn phải đủ ba thứ, có một thiếu hai thuộc về thiên.
Lại nữa trong Thiên cần phải lựa ra ba thứ:
1.Có pháp thân và Bát-nhã, không có giải thoát.
2.Có Bát-nhã và giải thoát, không có pháp thân.
3.Có giải thoát và pháp thân, không có Bát-nhã.
Có hai thiếu một là chẳng viên, chẳng viên nên chẳng phải tánh.
Ở phần này có hai thiếu một cũng chưa viên.
Trong Viên cần phải có đủ ba thứ:
1.Pháp thân chẳng si tức Bát-nhã. Bát-nhã không chấp tức giải thoát. Giải thoát tịch diệt tức pháp thân.
Chúng ta lâu nay hay nói về Bát-nhã, nói về giải thoát, nói về pháp thân, nhưng chưa nắm rõ cái gì là pháp thân, cái gì là Bát-nhã, cái gì là giải thoát?
Pháp thân là tịch diệt, là chỗ lặng lẽ thanh tịnh. Giải thoát là không chấp không dính. Bát-nhã là không si, là trí tuệ.
Ngày nay chúng ta tu đòi giải thoát mà cứ chấp, cứ dính. Có nhiều Phật tử muốn tu lắm nhưng các con còn nhỏ, chờ nó lớn có gia đình, có đôi bạn rồi sẽ đi tu. Con có gia đình rồi sanh cháu không ai chăn giữ, thôi ráng nuôi các cháu cho lớn. Như vậy chấp con cháu của mình không nỡ bỏ, rồi đến chắt cũng giữ luôn. Chấp như vậy thì giải thoát sao nổi! Cho nên chấp là khổ, chấp là không giải thoát.
Bây giờ rảnh rang, con cháu đã lớn khôn khỏi lo nữa, nhưng còn nhà còn đất chưa giải quyết xong, chờ giải quyết cho xong rồi mới đi tu. Cứ như vậy mà gần nhắm mắt cũng chưa tu được.
Phật dạy muốn phá chấp chỉ có cách nghĩ mình như người chết là hay nhất. Chết thì không còn gì quan trọng, có cái gì của mình nữa đâu. Như vậy buông mới dễ.
Thế nên không chấp không dính là giải thoát, đơn giản vậy. Tu đâu có gì rắc rối, chỉ biết đúng như thật là giải thoát.
Bát-nhã là không si, là trí tuệ, giải thoát là không chấp, pháp thân là tịch diệt. Như vậy cả ba không rời nhau. Khi tu tâm lặng lẽ thanh tịnh không có một niệm gì, đó là đang sống với pháp thân. Lặng lẽ thanh tịnh nhưng hằng giác hằng tri thì pháp thân có đủ Bát-nhã. Hằng giác hằng tri mà không nhiễm, không dính một chút gì bên ngoài đó là giải thoát. Ai sống đạt được ba điều đó thì hiện tại và nhắm mắt đều là Niết-bàn.
2. Bát-nhã không chấp tức giải thoát. Giải thoát tịch diệt tức pháp thân. Pháp thân chẳng si tức Bát-nhã.
3.Giải thoát tịch diệt tức pháp thân. Pháp thân chẳng si tức Bát-nhã. Bát-nhã không chấp tức giải thoát.
Nêu lên một, tức đủ cả ba; nói ba thể tức là một. Đây là ba đức trong nhân chẳng phải ba đức trên quả. Muốn biết ba đức trên quả: Pháp thân có đoạn đức, do vì dứt hoặc để bày đức, nên gọi là đoạn đức. Tự thọ dụng thân có trí đức, vì đầy đủ công đức chân thật của bốn trí. Tha thọ dụng thân và hóa thân có đại ân đức, vì tha thọ dụng thân ban ân đức cho hàng Thập địa Bồ-tát, vì ba thứ hóa thân đối với các hàng Bồ-tát, Nhị thừa và loài dị sanh có ân đức.
Pháp thân, Bát-nhã, giải thoát là phần nhân, ai tu cũng có đủ ba phần đó. Tâm lặng lẽ thanh tịnh đó là pháp thân. Tâm hằng tri hằng giác đó là Bát-nhã. Tâm không nhiễm không dính đó là giải thoát. Như vậy chúng ta có đủ ba nhân của pháp thân. Khi ba nhân đó được vuông tròn viên mãn thì sẽ được ba đức là ba quả.
Ba quả là đoạn đức, trí đức và ân đức. Đoạn đức là tất cả vô minh phiền não đều dứt sạch. Trí đức là ngay nơi tự thọ dụng thân có đầy đủ tứ trí là Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí. Ân đức là chỉ cho tha thọ dụng thân. Phật có ba thân: pháp thân, báo thân, hóa thân. Báo thân gọi là tự thọ dụng, hóa thân gọi là tha thọ dụng. Phật hiện nơi này, nơi kia giáo hóa những vị Bồ-tát, A-la-hán và chúng sanh, thân đó gọi là hóa thân, là tha thọ dụng. Vì vậy gọi là ân đức.
Quả của pháp thân có ba đức: đoạn đức, trí đức và ân đức. Nhân của pháp thân có ba đức: Bát-nhã, giải thoát và pháp thân. Như vậy chúng ta tu từ nhân đến được quả chứ không phải bỗng dưng có. Thế nên tất cả những người tu ai ai cũng phải cố gắng tiến lên. Đây là những chỗ siêu thoát phi thường, không thể tu sơ sài mà đạt được.
Ba đế, bốn trí, ngoại trừ Thành sở tác trí duyên tục đế. Nhưng pháp không có cạn sâu mà chiếu thì có sáng tối, tâm không phải nhơ sạch mà giải thì có mê ngộ... Kẻ sơ tâm mê đâu chẳng phải cạn, cuối cùng khế ngộ viên lý, đạt mới biết đâu chẳng phải sâu. Mê thì mất lý mà tự sai, ngộ thì hết sai mà tức lý. Mê ngộ thì đồng lý ấy, cho nên mới có danh từ tiệm thứ.
Ba đế là chân đế, tục đế và đệ nhất nghĩa đế. Bốn trí, ngoại trừ Thành sở tác trí thì duyên theo tục đế.
Nhưng pháp không có cạn sâu mà chiếu thì có sáng tối. Pháp thì không có cái nào cạn, cái nào sâu, nhưng chiếu soi thì thấy có chỗ sáng chỗ tối.
Tâm không phải nhơ sạch mà giải thì có mê ngộ. Tâm thể đâu có nhơ có sạch, nhưng hiểu thì có mê có ngộ.
Kẻ sơ tâm mê đâu chẳng phải cạn, cuối cùng khế ngộ viên lý mới biết đâu chẳng phải sâu. Người sơ tâm còn mê thì gọi là cạn, người ngộ thì gọi là sâu.
Mê thì mất lý mà tự sai, ngộ thì hết sai mà tức lý. Người mê không đạt được lý nên sai lầm, người ngộ không còn sai lầm nhận ra được lẽ thật, đó là lý.
Mê ngộ thì đồng lý ấy, cho nên mới có danh từ tiệm thứ. Người mê người ngộ cũng đồng một lý. Cho nên mới có tiệm thứ, là có cạn có sâu, có cao có thấp.
Lại nữa người mới tu tâm sau khi nhập môn cần phải biết năm niệm:
1/ Cố khởi.
2/ Quán tập.
3/ Tiếp tục.
4/ Biệt sanh.
5/ Tức tịnh.
1. Niệm cố khởi, nghĩa là khởi tâm nghĩ đến ngũ dục thế gian và các việc tạp thiện.
Niệm cố khởi nghĩa là chúng ta cố nghĩ, rồi nghĩ những chuyện tạp hoặc ác hoặc thiện ở thế gian.
2. Niệm quán tập, nghĩa là vô tâm cố nhớ, chợt nghĩ, nghĩ đến các việc thiện ác v.v...
Niệm quán tập này là do sự huân tập lâu xa của chúng ta, cho nên bỗng nhớ chuyện này chuyện kia, hoặc thiện hoặc ác v.v...
3. Niệm tiếp tục, nghĩa là tập quán chợt khởi, biết tâm giong ruổi tán loạn mà chẳng chế ngự cho nó dừng lại, trái lại còn tiếp tục nghĩ tưởng theo niệm trước.
Lý đáng chúng ta khởi nghĩ khởi phân biệt việc này việc kia là phải dừng mà không thể dừng được, cứ nghĩ tiếp tục liên miên, cho nên gọi là niệm tiếp tục.
4. Niệm biệt sanh, nghĩa là biết niệm trước là tán loạn liền sanh tâm hổ thẹn cải hối.
Chúng ta vừa nhớ lại khi trước đã nghĩ sai, nghĩ quấy liền khởi tâm hổ thẹn để mà sám hối, như thế gọi là niệm biệt sanh.
5. Niệm tức tịnh, nghĩa là lúc mới ngồi chẳng nghĩ đến các việc thiện ác, vô ký thế gian. Dụng công ngay chỗ này nên nói là tức tịnh.
Tức tịnh, tức là nhờ mình dứt niệm mà tâm yên tịnh. Khi chúng ta bắt đầu ngồi thiền, vừa nghĩ tới việc thiện, việc ác, việc vô ký ở thế gian đều bỏ hết, buông sạch, không cho tiếp tục. Dụng công ngay chỗ này nên nói là tức tịnh. Đây là lối tu chúng ta đang ứng dụng, đang tu tập hằng ngày.
Người sơ tâm phần nhiều có một niệm quán tập. Người giải đãi có hai niệm tiếp tục và cố khởi. Người hay hổ thẹn phần nhiều có một niệm biệt sanh. Người tinh tấn thường có một niệm tức tịnh.
Người sơ tâm là người mới bắt đầu tu thì có niệm quán tập. Quán tập tức là tâm mình không có duyên cớ mà chợt khởi nghĩ cái này, cái kia, nghĩ thiện nghĩ ác đủ thứ. Còn người tu hơi khá một chút mà còn có bệnh lười biếng giải đãi thì có hai niệm là niệm tiếp tục và niệm cố khởi. Cố khởi là còn nghĩ đến ngũ dục thế gian và các tạp niệm. Khi khởi niệm mà không dừng được để tâm chạy tán loạn dẫn mình đi, đó gọi là niệm tiếp tục.
Người tu mà có những ý nghĩ xấu, ý nghĩ quấy, tâm liền hổ thẹn, nghĩ tu như vậy là không xứng đáng, đó là niệm biệt sanh.
Người tu thiền tinh tấn vừa thấy tâm dấy nghĩ lăng xăng liền dứt sạch không để nó lôi kéo, luôn luôn đưa về chỗ yên lặng. Đó gọi là niệm tức tịnh.
Bốn niệm quán tập, tiếp tục, cố khởi và biệt sanh là bệnh. Một niệm tức tịnh là thuốc. Tuy thuốc và bệnh có khác nhưng đều gọi chung là niệm.
Trong lúc tu, niệm khởi thế nào gọi là bệnh, tu hành cách nào gọi là thuốc? Chúng ta phải biết thật rõ đừng lầm lẫn. Vì thế người tu thiền tinh tấn luôn giữ niệm tức tịnh làm căn bản.
Lúc năm niệm này ngừng dứt gọi là nhất niệm tương ưng. Nhất niệm nghĩa là tự tánh linh tri. Nhưng năm niệm ấy là chi nhánh của nhất niệm, nhất niệm là căn bản của năm niệm.
Chỗ này mới nghe hơi khó hiểu, nhưng sự thật rất là rõ ràng. Dù có chia ra năm niệm: cố khởi, quán tập, tiếp tục, biệt sanh, tức tịnh, nhưng năm niệm đó gốc từ đâu mà ra? Là từ nhất niệm. Nhất niệm là tự tánh linh tri của mình dấy khởi, năm niệm này mà dừng thì trở về tánh linh tri, chứ không có gì khác. Thế nên chúng ta tu là không cho những niệm khởi sanh tiếp tục mà phải dừng lặng để trở về với tự tánh linh tri chân thật, bất sanh bất diệt của mình. Đó gọi là chỗ nhất niệm chân thật, không hai, không khác.
Khi tọa thiền, ai cũng có niệm khởi nhưng khi niệm khởi chúng ta liền biết để dừng, để dứt, đó là khéo tu. Còn nuôi dưỡng nó là chưa khéo tu. Như vậy người biết tu và người không biết tu khác ở chỗ là nuôi dưỡng niệm khởi và dứt sạch niệm khởi. Dứt sạch niệm khởi không có nghĩa là tới đó chúng ta không biết gì, mà là trở về nhất niệm linh tri chân thật của mình.
Lại nữa, nếu lúc nhất niệm tương ưng, cần phải biết sáu khoa liệu giản:
1/ Biết bệnh.
2/ Biết thuốc.
3/ Biết đối trị.
4/ Biết lỗi sanh.
5/ Biết thị phi.
6/ Biết chánh trợ.
Liệu giản tức là giản trạch rành rẽ những hiện tượng trong lúc tu. Khi tu chúng ta phải biết rõ sáu khoa này mới khỏi lầm lẫn.
1.Bệnh có hai thứ: Một là duyên lự, hai là vô ký. Duyên lự là hai niệm thiện ác, tuy khác nhau nhưng đều chẳng phải giải thoát nên đều gọi chung là duyên lự. Vô ký là tuy chẳng duyên các việc thiện ác v.v... nhưng cũng chẳng phải chân tâm chỉ là hôn trầm. Hai thứ này đều là bệnh.
Một là duyên lự, hai là vô ký. Duyên lự là nghĩ lăng xăng lo toan, suy gẫm hết chuyện này đến chuyện kia, nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ qua nghĩ lại không dừng, theo cảnh theo duyên. Hai là vô ký, tức là không nhớ không tỉnh, mơ mơ màng màng đi tới hôn trầm ngủ gật.
Duyên lự là hai niệm thiện ác, tuy khác nhau nhưng đều chẳng phải giải thoát nên đều gọi chung là duyên lự.
Niệm ác thì xấu, niệm thiện thì tốt, lý đáng chúng ta tu là phải bỏ niệm ác, nuôi dưỡng niệm thiện. Niệm ác sanh trưởng tiếp tục thì khi chết đọa ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nuôi dưỡng niệm thiện thì được đi đến cõi tốt là cõi người, a-tu-la và cõi trời. Như vậy đi trong cõi lành cõi dữ là do niệm. Niệm là nhân của tạo nghiệp. Nghĩ ác cho nên miệng nói ác, thân làm ác, đó là nghiệp ác đi trong tam đồ. Nghĩ thiện miệng nói lành, thân làm lành thì được phước sanh cõi người, cõi trời. Vậy còn niệm tức là còn sanh, sanh cõi lành hoặc sanh cõi dữ tùy theo niệm mình nuôi dưỡng. Nhưng người tu thiền muốn dứt hết mầm sanh tử mà còn nuôi niệm thì vẫn còn sanh tử. Vì thế chúng ta mới thấm câu của Lục Tổ nói với ngài Huệ Minh “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Muốn thấy được mặt thật ngàn đời của mình thì phải dừng nghĩ thiện, dừng nghĩ ác. Thấy cái thật đó mới giải thoát sanh tử, còn thấy điều lành, điều dữ thì còn đi trong lục đạo luân hồi, có xấu có tốt tùy mình chọn. Thế nên người tu chúng ta muốn đời sau sanh ra được nhiều phước hơn đời này thì nuôi niệm thiện, bỏ niệm ác. Còn ai tu muốn giải thoát sanh tử thì cả hai niệm đều phải dừng. Đó là dừng nghiệp, nghiệp dừng là giải thoát sanh tử. Chúng ta học Phật cho kỹ mới thấy hiện giờ mình tu đang tiến trên đường nào, đang đi ra khỏi sanh tử hay đang tiếp tục sanh tử? Nhưng sanh tử có chọn lựa, sanh tử chỗ lành chứ không phải chỗ xấu, đó cũng là cái hay.
Thế nên chúng ta phải hiểu cho rõ để có ai hỏi tại sao đạo Phật dạy mình phải tu thiện làm lành tránh dữ, mà bây giờ bỏ nghĩ lành nữa thì còn gì tu, lúc đó mình lúng túng không biết trả lời sao. Đạo Phật không phải bắt buộc ai cũng đều đi tới chỗ sạch hết tất cả niệm. Nhưng tùy nguyện tu của mình, ai nguyện đời sau sanh cõi lành không đọa vào đường dữ thì ráng giữ niệm lành, bỏ niệm ác, còn ai muốn giải thoát sanh tử thì dứt cả hai niệm.
Vô ký là tuy chẳng duyên các việc thiện ác v.v... nhưng cũng chẳng phải chân tâm chỉ là hôn trầm. Có nhiều người khi ngồi thiền, ngồi yên không nghĩ gì hết, một lát sao nghe khỏe quá vì ngủ mê mà không hay, cái khỏe đó không tốt. Tu thiền mà mê như vậy gọi là đi vào hang quỷ, nguy hiểm vì chỗ đó là tối tăm. Tu thiền là phải tỉnh, phải sáng chứ không cho tối. Khi hết loạn tưởng thì chúng ta phải giữ cho tỉnh, tỉnh tỉnh lặng lặng là phải. Nếu để mê ngủ là cái đưa mình tới chỗ mù mịt tối tăm, không tốt, nên gọi là đi vào hang quỷ, cần phải biết rõ.
Hai thứ này đều là bệnh. Chúng ta ngồi thiền ít nhất cũng vướng một trong hai bệnh, hoặc duyên lự hoặc vô ký. Hiểu vậy thì chúng ta phải giữ không suy nghĩ lăng xăng, cũng đừng để mơ mơ. Cả hai đều thuộc về bệnh, không tốt.
2. Thuốc cũng có hai: Một là lặng lặng, hai là tỉnh tỉnh. Lặng lặng là chẳng nghĩ đến các việc thiện ác v.v... của ngoại cảnh. Tỉnh tỉnh là chẳng sanh các tướng hôn trầm vô ký. Hai thứ này gọi là thuốc.
Chúng ta ngồi thiền đúng là dùng thuốc để trị bệnh, khi nào tâm lăng xăng thì phải giữ cho yên lặng, khi nào hơi mơ màng thì phải gắng giữ cho tỉnh táo. Tự mình biết để đối trị, còn đợi gục lên gục xuống, bị ăn gậy là chuyện muộn quá rồi, vừa hơi mơ màng thì phải tỉnh lên, đừng cho hôn trầm. Như vậy trong lúc tu chúng ta biết bệnh biết thuốc để trị thì tu rất tốt, không nhầm lẫn.
3. Đối trị, nghĩa là dùng lặng lặng trị duyên lự, dùng tỉnh tỉnh trừ hôn trầm. Dùng hai thứ thuốc này để trị hai chứng bệnh kia cho nên gọi là đối trị.
Nếu tâm duyên lự lăng xăng thì chúng ta phải dùng lặng lặng để trị, khi mơ mơ màng màng thì phải mở mắt tỉnh táo để trị bệnh hôn trầm.
Người tu biết bệnh, biết thuốc, biết cách đối trị thì tu rất khỏe, đủ điều kiện để tiến. Còn tu mà không biết bệnh, không biết thuốc, không biết đối trị thì tu hoài mà không thành công. Tại sao? Vì ngồi tu mà nghe yên yên rồi thấy khỏe, không nghĩ gì hết, thôi cho yên luôn, một lúc gục lên gục xuống, như vậy là tại không biết bệnh, không biết thuốc. Còn thấy yên yên mà mơ màng thì biết đây là bệnh hôn trầm, phải trị liền, tức là dùng cái tỉnh để trị cái mơ. Khi nào lăng xăng thì phải dùng cái lặng để trị, đó là biết bệnh, biết thuốc.
Vì vậy người tu thiền là một bác sĩ tâm lý, một kỹ sư tâm hồn, trị bệnh cho tâm mình, xây dựng cho chính mình, chứ không phải cho người nào khác. Chờ thành bệnh mới đi hỏi thầy thì lâu lắm, chính trong khi ngồi mà biết bệnh, biết thuốc để trị thì rất hay.
4. Lỗi sanh, nghĩa là lặng lặng lâu thì sanh hôn trầm, tỉnh tỉnh lâu thì sanh duyên lự, nhân vì thuốc mà sanh bệnh nên nói là lỗi sanh.
Khi tu tâm chúng ta cũng lăng xăng, sanh đủ thứ bệnh. Nếu ngồi để lặng yên, lặng yên một hồi rồi gục. Như vậy giữ lặng là tốt, nhưng lặng lâu muốn gục, đó là lỗi sanh. Vì thế phải dùng tỉnh tỉnh mà trị. Nếu giữ tỉnh tỉnh một hồi nhớ chuyện này chuyện kia, phải kìm chế cho yên lặng. Chúng ta luôn luôn theo dõi không một phút giây nào lơi lỏng, phải giữ đừng để tâm mình bị một bệnh nào trong hai bệnh hoặc duyên lự hoặc hôn trầm. Được như vậy thì chúng ta tu dễ tiến.
5. Biết thị phi, nghĩa là lặng lặng mà chẳng tỉnh tỉnh thì sẽ hôn trầm, tỉnh tỉnh mà chẳng lặng lặng thì sẽ duyên lự. Chẳng tỉnh tỉnh, chẳng lặng lặng thì chẳng những duyên lự mà còn hôn trầm. Vừa lặng lặng vừa tỉnh tỉnh, chẳng những sáng suốt mà còn yên lặng, đó là trở về nguồn diệu tánh vậy. Trong bốn câu này, ba câu trước là phi (sai), một câu chót là thị (phải), cho nên nói là biết thị phi.
Biết thị phi là biết cái nào là phải, cái nào là sai.
Lặng lặng mà chẳng tỉnh tỉnh sẽ hôn trầm, nếu lặng mà không tỉnh thì sẽ đi đến bệnh hôn trầm.
Tỉnh tỉnh mà chẳng lặng lặng thì sẽ duyên lự, nghĩ lăng xăng mà chẳng yên lặng thì sẽ duyên lự, đó là bệnh, là sai.
Chẳng tỉnh tỉnh, chẳng lặng lặng thì chẳng những duyên lự mà còn hôn trầm. Chẳng tỉnh tỉnh tức là hôn trầm, chẳng lặng lặng tức là duyên lự. Như vậy là hai bệnh cùng một lúc. Khi ngồi thiền tâm lăng xăng rồi ngủ gục, ngủ gục rồi lăng xăng, đó là nuôi dưỡng hai bệnh duyên lự và hôn trầm.
Vừa lặng lặng, vừa tỉnh tỉnh chẳng những sáng suốt mà còn yên lặng, đó là trở về nguồn diệu tánh vậy. Lặng lặng mà chẳng tỉnh tỉnh sẽ hôn trầm, đó là phi, là sai. Còn tỉnh tỉnh mà chẳng lặng lặng sẽ duyên lự, cũng là phi, là sai. Chẳng tỉnh tỉnh, chẳng lặng lặng thì chẳng những duyên lự mà còn hôn trầm, đó là sai. Ba trường hợp thứ nhất, thứ hai, thứ ba đều là phi, đều sai hết. Cái thứ tư vừa lặng lặng, vừa tỉnh tỉnh chẳng những sáng suốt mà còn yên lặng, đó là trở về nguồn diệu tánh vậy. Đó là thị, là phải, là đúng.
Chúng ta nhìn lại mình trong lúc tu để biết đang sai hay đang đúng. Vì nội tâm chúng ta rất vi tế, chuyển biến luôn luôn, nên phải dùng phương pháp theo dõi nó cho sát, không bao giờ được lơ là, thì việc tu của chúng ta có kết quả rất tốt.
6.Chánh trợ, nghĩa là dùng tỉnh tỉnh làm chánh, lặng lặng làm trợ. Hai việc này thể không rời nhau giống như người bệnh nhờ gậy mà đi được, lấy sự đi là chánh, lấy cây gậy làm trợ. Phàm người bệnh muốn đi, trước tiên cần phải cầm gậy rồi sau mới đi được. Người tu tâm cũng vậy, đầu tiên cần phải dứt duyên lự khiến tâm lặng lặng, kế đó phải tỉnh tỉnh chẳng để hôn trầm khiến tâm sáng suốt, sáng suốt mà vắng lặng, hai tên đồng thời một thể. Ví như người bệnh muốn đi, thiếu gậy không thể đi được, lúc đang đi nhờ gậy mới đi được. Người dụng công tu cũng vậy, sáng suốt và lặng lẽ chẳng được khác thời, tuy có hai tên mà thể của chúng không khác.
Khi tu phải tỉnh phải lặng, vậy cái nào là chánh, cái nào là trợ? Có người nói định là gốc rồi có tuệ thì định là chánh, tuệ là trợ, nhưng sự thật không phải. Tu theo đạo Phật trọng tâm là giác ngộ, mà giác ngộ thì không thể lấy định làm chủ được mà lấy tỉnh sáng làm chủ. Có trí tuệ sáng suốt mới có giác ngộ, nếu yên định mà không sáng suốt thì không giác ngộ, không giác ngộ là trái với đạo Phật. Cho nên tu thiền ở đây lấy tỉnh làm thể là chánh, lấy lặng làm dụng là trợ. Ngài ví dụ người bệnh muốn đi thì cần cây gậy. Gậy là trợ mà người đi là chánh. Vì cây gậy giúp cho người bệnh đi được, nếu nói gậy là chánh thì sai rồi.
Yên lặng ví như cây gậy, tỉnh sáng ví như con người. Khi chúng ta tu lúc lặng mà không tỉnh thì không tốt, nên khi bị hôn trầm gọi là đi vào hang quỷ, là mất gốc tỉnh giác của chúng ta, vậy là trái với đạo giác ngộ. Khi tu tưởng yên là tốt để yên hoài, có khi nhập định nhiều ngày mà không tỉnh cũng không tốt.
Như khi ngồi lâu đau chân, nhìn đồng hồ thấy chưa tới giờ thì ngán, ước gì mình quên hết, quên thân quên giờ chắc khỏe lắm. Nhưng sự thật không phải vậy, nếu quên thân, quên giờ, lúc đó là lặng mà không tỉnh, chỉ có trợ mà không có chánh, đó là sai. Khi ngồi thiền biết đau chân, nghe đồng hồ tích tắc, nghe tiếng động chung quanh, mà không nghĩ lăng xăng, lúc đó là đúng, là hợp lý. Không nghĩ tức là lặng, biết hết tức là tỉnh. Cho nên ngồi thiền không phải quên để khỏe, mà ngồi để thấy từng niệm thuận nghịch, đúng sai để đào luyện tâm mình. Nếu mơ mơ màng màng không hay biết gì thì còn chi mà đào luyện? Định nhiều mà thiếu tỉnh là không tốt. Thí dụ ngồi thiền chân đau quá cũng vui vẻ ngồi cho đến hết giờ, vẫn tỉnh sáng không hôn trầm. Dẹp được ý niệm, vượt khỏi cái đau, tự mình làm chủ, đó là thành công. Hiểu vậy mới thấy ý nghĩa của sự tu.
Lại nói: Loạn tưởng là bệnh, vô ký cũng là bệnh. Lặng lặng là thuốc, tỉnh tỉnh cũng là thuốc. Lặng lặng phá loạn tưởng, tỉnh tỉnh trị vô ký. Lặng lặng sanh vô ký, tỉnh tỉnh sanh loạn tưởng. Lặng lặng tuy có thể trị loạn tưởng mà lại sanh vô ký, tỉnh tỉnh tuy có thể trừ vô ký mà lại khởi loạn tưởng.
Lặng lặng và tỉnh tỉnh dùng lâu dễ sanh bệnh, nên người tu thiền phải thuộc lòng bốn câu kệ sau đây:
Do đó nói:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai;
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải. Vô ký lặng lặng sai. Tỉnh tỉnh lặng lặng đó là phải. Khi ngồi thấy tỉnh, tâm an không nghĩ gì hết, đó là đúng. Lặng lặng mà không biết gì, đó là vô ký, là sai.
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải, loạn tưởng tỉnh tỉnh sai. Ngồi thiền lặng mà hằng tỉnh, đó là đúng. Tỉnh tỉnh mà loạn tưởng, đó là sai.
Cho nên hai câu Tỉnh tỉnh lặng lặng phải và Lặng lặng tỉnh tỉnh phải đều đúng hết, chỉ đổi tỉnh trước lặng sau hoặc lặng trước tỉnh sau thôi. Còn lặng lặng mà vô ký hoặc tỉnh tỉnh mà loạn tưởng là sai.
Lặp đi lặp lại mãi hai câu này thì khi ngồi tu không lầm mà có thể trị được bệnh. Có nhiều người hỏi: Tu cứ lặng lặng tỉnh tỉnh hoài, không tính toán gì hết thành ngu sao? Như vậy tu riết thành ngu phải không? Đáp: Chỉ sợ không được lặng lặng tỉnh tỉnh thôi, chứ đừng sợ ngu. Tại sao? Vì lặng lặng tỉnh tỉnh là trở về nguồn linh tri của mình. Linh tri là cái biết sáng suốt chứ không phải là ngu. Cái biết sáng suốt đó không phải cái biết của loạn tưởng, cho nên nó thầm lặng mà hằng sáng. Cái hằng sáng đó công dụng bất khả tư nghì chứ không phải thường, vì chúng ta chưa thuần, chưa trọn vẹn nên chưa có công dụng, tưởng là không lợi ích, khi tới đó rồi mới thấy lợi ích không thể nghĩ bàn.
Lặng lặng là trợ, tỉnh tỉnh là chánh. Hãy suy nghĩ kỹ!
Lặng là trợ mà tỉnh là chánh. Khi ngồi mà muốn cho quên hết thời gian, quên đau thân, lúc đó là muốn cái trợ, đó là mình đi lạc rồi. Phải đừng sợ đau, đừng sợ mỏi, mà cứ tỉnh tỉnh lặng lặng, vậy là đúng, đừng có mong quên.
Lại nữa, sau khoa liệu giản cần phải biết rõ năm ấm trong nhất niệm. Nghĩa là dùng thức tương ưng phân biệt rõ ràng gọi là thức ấm, lãnh nạp tại tâm tức là thọ ấm, tâm duyên lý này tức là tưởng ấm, hành dụng lý này tức là hành ấm, ô uế chân tánh tức là sắc ấm.
Cần phải biết năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ở trong một niệm. Trong một niệm chân thật có đủ năm ấm. Tại sao? Vì dùng cái tỉnh nên tương ưng với cái sáng suốt phân biệt, gọi đó là thức ấm. Lãnh nạp tại tâm tức là thọ ấm, nhận cái đó là tâm mình, đó là thọ ấm. Tâm duyên lý này tức là tưởng ấm, tâm nhận ra tỉnh tỉnh lặng lặng là đúng, đó là tưởng ấm. Hành dụng lý này tức là hành ấm, ứng dụng lý này mà tu, đó là hành ấm. Ô uế chân tánh là sắc ấm, những niệm dấy lên làm mờ tối chân tánh, đó là sắc ấm. Như vậy chúng ta ngồi tu một niệm thấy đủ năm ấm hiện tiền.
Năm ấm này luận về thể tức là nhất niệm, nhất niệm này nói về thể thì toàn là năm ấm. Thấy rõ ràng trong nhất niệm này không có chủ tể tức là nhân không tuệ, thấy như huyễn như hóa tức là pháp không tuệ.
Chúng ta tu để phát sanh trí tuệ. Thấy rõ ràng trong nhất niệm này không có chủ tể, tức là nhân không tuệ, biết rõ thân năm ấm không có chủ tể, đó là trí tuệ thấy về nhân không.
Thấy như huyễn như hóa tức là pháp không tuệ. Thấy tất cả sự vật duyên hợp không thật, như huyễn như hóa, đó là trí tuệ thấy được pháp không.
Thấy nhân không pháp không là phá được chấp ngã và chấp pháp. Phá được hai chấp này thì sẽ vượt ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Thế nên cần phải biết năm niệm và sáu khoa liệu giản này xin chớ nghi ngờ. Như muốn lấy vàng thật phải biết rõ cái nào là gạch ngói và vàng giả, chỉ cần lựa bỏ riêng ra hết, dầu không biết vàng thạt, vàng thật cũng tự hiện ra, lo gì chẳng được.
Khi giản trạch được cái nào sai, cái nào quấy, thì chúng ta loại ra hết cái quấy cái sai, tự nhiên cái thật hiện tiền. Nhiều khi Phật tử tu thấy sao cả ngày mình cứ nói buông vọng tưởng hoài, buông vọng tưởng hoài mà không kiếm cái gì thật. Như biết vọng tưởng là giả, mình buông bỏ hết thì cái thật hiện ra. Chỉ vì chúng ta không phân biệt được giả và thật để nó lẫn lộn, nên không buông bỏ được. Buông cho sạch cái giả rồi thì cái thật hiện tiền, không tìm kiếm đâu xa.
Công phu tu của mình không phải là trèo non lội núi để tìm cái gì quý mà chỉ là gạn lọc nội tâm, biết giả dối đừng chấp nhận, thì cái thật hiện tiền.
Nói nghe như dễ mà là khó. Hiểu thì dường như dễ mà thực hành thì thật là khó. Vì chúng ta quen nhận giả làm thật rồi, muốn loại nó ra rất khó. Nhưng chúng ta sẽ làm được, vì cái giả lâu ngày phải rớt hết không còn.
Các bài mới
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp - 23/10/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo - 28/09/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn - 20/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 08) - 07/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 07) - 25/07/2023
Các bài đã đăng
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 06) - 18/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 05) - 12/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 04) - 19/06/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 03) - 15/05/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 02) - 04/05/2023
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05362
- Online: 48