Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 7: Chương VII: Cấp Bậc Lần Lượt Của Ba Thừa
14/02/2024 | Lượt xem: 968
TS.Vĩnh Gia Huyền Giác
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
CHƯƠNG VII
CẤP BẬC LẦN LƯỢT CỦA BA THỪA
Phàm đại đạo mầu nhiệm thì vi tế sâu xa, lý bặt sự biểu hiện của danh tướng. Chí chân rỗng rang vắng lặng, lượng vượt ra ngoài các số, mà có thể khởi lòng từ vô duyên tùy cơ cảm ứng. Chỉ thú bất nhị tùy theo căn tánh để phân chia. Thuận vật quên mình nên làm mà không làm, suốt ngày dạy bảo mà chẳng khác gì không nói, lập giáo nhiều đường mà chẳng trái một đạo. Vì vậy, Đại thánh từ bi ứng cơ lợi vật, gom về chỗ sâu kín thì muôn kinh chẳng khác. Hàng trung hạ quán Tứ đế, Thập nhị nhân duyên mà tự thành tiểu, bậc cao thượng tu Lục độ mà thành đại.
Giáo lý của Phật cứu cánh không hai, nhưng tùy theo trình độ căn cơ mà lập ra có ba thừa sai biệt.
Phàm đại đạo mầu nhiệm thì vi tế sâu xa, lý bặt sự biểu hiện của danh tướng. Đạo thâm sâu vi diệu thì không thể dùng danh tướng để diễn tả được, vì vậy nên bặt sự biểu hiện của danh tướng.
Chí chân rỗng rang vắng lặng, lượng vượt ra ngoài các số, mà có thể khởi lòng từ vô duyên tùy cơ cảm ứng. Chỗ chân thật cứu cánh thì rỗng rang vắng lặng, không có số lượng, không nói là một, là ba, cũng không nói là nhiều. Không có số lượng, nhưng vì khởi lòng từ bi không có duyên cớ, tùy theo sự cảm ứng của chúng sanh mà các ngài có khi nói là ba là một hoặc có khi nói là sáu là năm, tùy duyên chứ không cố định.
Chỉ thú bất nhị tùy theo căn tánh để phân chia. Về chỗ thú hướng cuối cùng không có hai, nhưng tùy theo căn tánh của chúng sanh mà phân chia thấy có nhiều pháp. Như pháp môn của Phật, nếu chia chi tiết thì có bao nhiêu? Tám muôn bốn ngàn pháp môn. Như vậy pháp môn có vô lượng là tùy theo căn cơ. Thí dụ một trăm thứ bệnh thì thầy thuốc phải có một trăm thứ thuốc. Nếu một trăm thứ bệnh mà chỉ có một thứ thuốc thì không thể nào trị được, vì vậy mà theo bệnh cho thuốc, bệnh nhiều thì thuốc cũng nhiều. Nhưng trọng tâm của thuốc là để trị lành bệnh, lành bệnh là gốc, còn bài thuốc là phương tiện để làm sao cho bệnh được lành. Cũng thế, pháp của Phật là giải quyết vấn đề đau khổ của con người, pháp nào Phật dạy cũng đưa con người tới chỗ hết khổ được vui. Tùy theo cái khổ riêng của cá nhân mà Phật có nhiều pháp để chỉ dạy. Tuy pháp có nhiều nhưng trọng tâm chỉ có một là hết bệnh. Nên nói “tùy theo căn tánh để phân chia”.
Thuận vật quên mình nên làm mà không làm, suốt ngày dạy bảo mà chẳng khác gì không nói, lập giáo nhiều đường mà chẳng trái một đạo. Tùy theo người mà làm lợi ích cho họ, không nghĩ tới việc riêng của mình. Nên làm mà không làm, suốt ngày dạy bảo mà chẳng khác gì không nói. Tại sao làm mà không làm, nói mà không nói? Vì làm tất cả mà không nhớ không thấy mình làm, thì như làm mà không làm. Sở dĩ chúng ta làm việc mà cảm thấy nhọc nhằn mệt mỏi là tại sao? Tại đến sở bị bắt buộc ngồi làm cho tới mười hai giờ mới ra, cho nên làm một hồi nhìn đồng hồ cảm thấy mỏi mệt. Còn khi nào làm việc đúng sở thích của mình thì có thấy dài, có thấy khó không? Chăm chú làm nên không nhớ giờ, cũng không thấy mệt mỏi. Như vậy với tâm mệt mỏi nhàm chán mà làm thì thấy khổ sở, còn với tâm hăng hái vui thích mà làm thì không thấy mệt mỏi, không thấy khổ sở. Vì vui thích cho nên làm mà không thấy mình làm, làm rồi vẫn khỏe vẫn nhàn hạ. Đó là đặc biệt của người tu, nên nói làm mà không thấy mình làm.
Suốt ngày dạy bảo mà chẳng khác gì không nói. Trong kinh Lăng-già, Phật nói: “Ta nói pháp bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một lời.” Như vậy Phật có chối bỏ những gì ngài chỉ dạy không? Sự thật không phải vậy. Tất cả giáo lý của Phật là phương thuốc trị bệnh cho chúng sanh, khi bệnh lành rồi thì tất cả thuốc đều bỏ không dùng nữa. Vậy trọng tâm là Phật dạy chúng ta nhận ra cái chân thật, khi nhận ra được rồi thì tất cả phương tiện đều vô nghĩa, cho nên nói mà không nói một câu, không nói một lời. Phật nói là để lợi ích cho chúng sanh, đó là tùy bệnh cho thuốc, nên không có một pháp thật, nói mà không nói là chỗ đó.
Vì thế Lập giáo nhiều đường mà chẳng trái một đạo. Giáo pháp đặt ra có nhiều thứ, thí dụ như trong kinh nói ngũ thừa Phật giáo là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa, lập ra nhiều như vậy, nhưng cứu cánh kinh Pháp Hoa nói chỉ có một thừa, nếu còn hai còn ba là chưa đúng. Lập ra nhiều thứ là vì phương tiện chứ cuối cùng chỉ một pháp thôi.
Vì vậy Đại thánh từ bi ứng cơ lợi vật, gom về chỗ sâu kín thì muôn kinh chẳng khác. Đại thánh là chỉ cho đức Phật. Đức Phật vì lòng từ bi ứng hợp với căn cơ của chúng sanh mà làm lợi ích cho họ. Song đến chỗ cuối cùng thì tất cả kinh đều chỉ thẳng chỗ chân thật đó thôi, chứ không có hai, không có khác.
Hàng trung hạ quán Tứ đế, Thập nhị nhân duyên mà tự thành tiểu. Hàng trung căn và hạ căn quán pháp Tứ đế, quán Thập nhị nhân duyên được thành tựu thì chứng quả Thanh văn, Duyên giác, gọi đó là Tiểu thừa.
Bậc cao thượng tu Lục độ mà thành đại. Các bậc Bồ-tát tu pháp Lục độ chứng quả nên gọi là Đại thừa.
Như vậy Tứ đế, Thập nhị nhân duyên hay Lục độ cũng là pháp Phật. Là Phật nói thì không có hai, nhưng tại sao lại chia ra Tiểu thừa Đại thừa? Chẳng qua vì căn cơ thấp thì quán pháp thấp, căn cơ cao thì ứng dụng pháp cao, vì vậy mà thấy có sai biệt. Thế nên pháp của Phật không có cố định cao thấp, cao thấp là tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người tu mà kết quả khác nhau.
Do đó, hạng ngu mê không thể tự hiểu, hoặc nhân nghe nói mà ngộ giải nên hiệu là Thanh văn, nguyên vì chỗ tu lấy Tứ đế làm bản hạnh. Quán vô thường mà sanh sợ, nghĩ không tịch để cầu an, sợ luân hồi trong lục đạo, ghét sanh tử của tam giới. Thấy khổ thường ôm lòng chán lìa, dứt tập hằng sợ nó sanh, chứng diệt riêng khế hợp với vô vi, tu đạo chỉ luận đến tự độ. Tâm đại thệ chưa khắp, đạo nhiếp hóa không thực hành. Lục hòa kính(2) rỗng không, lòng thương ba cõi chẳng vận dụng, nhân trái vạn hạnh, quả thiếu viên thường, lục độ chưa tu, chẳng phải Tiểu thừa thì là gì? Đó là đạo Thanh văn vậy.
Tại sao gọi là Thanh văn? Vì những vị tu hành tự mình không liễu ngộ, phải nhờ lời giảng, sau đó mới nhận ra được. Thanh là tiếng, văn là nghe, từ nghe tiếng mà ngộ đạo thì gọi là Thanh văn.
Tại sao hàng Thanh văn gọi là Tiểu thừa? Chúng ta cứ nghĩ Tiểu thừa là cỗ xe nhỏ, Đại thừa là cỗ xe lớn. Xe nào chở được đông người gọi là Đại thừa, xe nào chở ít người gọi là Tiểu thừa. Hiểu như vậy thì lầm lẫn lớn.
Tại sao? Thí dụ, có người nói tu theo Đại thừa mà cả đời không giảng kinh thuyết pháp gì hết, không giáo hóa được bao nhiêu thì người đó là xe lớn hay xe nhỏ? Còn người tu theo Tiểu thừa, thí dụ như đại đức Narada ở Tích Lan ngày xưa qua Xá Lợi giảng, người nghe rất là đông, như vậy gọi ngài là Đại thừa hay Tiểu thừa? Giáo lý Nguyên thủy là Tiểu thừa mà giáo hóa đông người như vậy gọi là xe nhỏ được không? Nếu hiểu theo nghĩa đen, chữ thừa là cỗ xe thì chúng ta mắc kẹt. Bởi vậy nên nghe kỹ rồi sẽ thấy ý nghĩa Đại thừa, Tiểu thừa như thế nào.
Quán vô thường mà sanh sợ, nghĩ không tịch để cầu an. Đó là tinh thần Tiểu thừa, nghĩa là thấy cuộc đời vô thường rồi sanh sợ, sống không bao lâu, thôi ráng tu cho ra khỏi sanh tử. Nghĩ Niết-bàn là chỗ không tịch lặng yên nên muốn cầu được về đó. Sợ sanh tử, cầu Niết-bàn, đó là một tâm niệm cầu an.
Sợ luân hồi trong lục đạo, ghét sanh tử trong tam giới. Còn luân hồi trong lục đạo là còn đau khổ, còn sanh tử trong tam giới là còn trói buộc, cho nên các ngài muốn tu một đời này nhập Niết-bàn cho xong. Cái tâm mong một đời này nhập Niết-bàn thì tâm đó là Đại thừa hay Tiểu thừa? Thế mà có nhiều Phật tử nói ráng niệm Phật để nhắm mắt Phật đón về Cực lạc ở bên đó sung sướng. Cư sĩ tại gia thì không nói, còn giới xuất gia như chúng tôi sống nhờ của đàn-na thí chủ, cất được chùa, nuôi được chúng là nhờ Phật tử, tôi lãnh của Phật tử để làm Phật sự. Nếu tu rút rồi nhập Niết-bàn không trở lại nữa thì Phật tử có vui không?
Thầy mang nợ rồi trốn đi mất, không trở lại để đệ tử bơ vơ thì có được không? Thế là vô tình mình làm một việc hết sức tiêu cực.
Các thiền sư như ngài Từ Minh có nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.” Sanh ra như đắp chăn ấm mùa đông, còn chết như được cởi áo mùa hè; sống cũng vui, chết cũng vui, miễn làm hết nợ mới thôi. Trả hết nợ chúng sanh chừng đó nhập Niết-bàn mới yên. Nếu chúng ta cứ nghĩ tu một đời cho xong, nhưng có những lẽ thật nếu chúng ta không nói thì làm sao giải nổi. Thí dụ thân nhân của mình tu, nếu vị nào tu Tịnh độ niệm Phật, nhắm mắt được vãng sanh về bên kia, khỏe quá, thì chịu khó trở về đây nói cho con cháu biết là đã qua Cực lạc rồi, để những người còn ở lại không bán tín bán nghi. Có người nói qua Cực lạc sạch sẽ thanh tịnh, còn cõi Ta-bà ô uế nhơ nhớp, nên không muốn trở lại đây. Thế là ích kỷ. Bồ-tát còn chịu xuống địa ngục cứu người, huống nữa là dơ một chút mà không trở lại sao? Như ở bên đó sáng các ngài đi dạo mười phương thế giới lượm hoa trở về cúng dường Phật, thời gian chỉ trong một bữa ăn, nhanh như vậy mà không chịu khó ghé qua cõi Ta-bà một chút cho con cháu biết, thì chắc bên này rất nhiều người phát tâm tu.
Thật ra pháp môn Tịnh độ rất hay, nếu chúng ta niệm Phật từ nhất niệm đến vô niệm, vô niệm thì nhắm mắt thấy Phật, mà Phật đó là Phật Di-đà pháp thân, cũng ngay nơi đây chứ không phải đâu xa. Nếu phải tránh cõi này vì cõi này đau khổ, nhưng người ở đây đều là thân nhân của mình, có ai xa lạ mà tại sao mình tránh?
Cho nên chúng ta phải phát tâm rộng lớn để cứu độ. Dù cho trở đi trở lại là khổ nhọc, nhưng không ngán sợ, vì tâm từ bi không cho phép chỉ nghĩ riêng cho mình thôi.
Thấy khổ thường ôm lòng chán lìa, dứt tập hằng sợ nó sanh, chứng diệt riêng khế hợp với vô vi, tu đạo chỉ luận đến tự độ. Các vị tu về Tiểu thừa hay Thanh văn thừa thì thấy cõi đời là đau khổ, các ngài ôm lòng chán ngán muốn xa lìa, không trở lại đây, rồi dứt hết những tập nhân không cho sanh trở lại. Chứng được diệt đế, khế hợp với vô vi tức là khế hợp với Niết-bàn. Tu đạo chỉ luận đến tự độ, chỉ nghĩ nhập Niết-bàn an ổn thôi chứ không nghĩ gì khác.
Tâm đại thệ chưa khắp, đạo nhiếp hóa không thực hành. Lục hòa kính rỗng không, lòng thương ba cõi chẳng vận dụng, nhân trái vạn hạnh, quả thiếu viên thường, lục độ chưa tu, chẳng phải Tiểu thừa thì là gì? Tâm đại thệ chưa có, đạo nhiếp hóa chúng sanh không thực hành, pháp lục hòa kính không đầy đủ, tâm thương chúng sanh luân hồi trong tam giới chưa vận dụng, quả đối với muôn hạnh chưa tu. Sở dĩ nói Tiểu thừa là vì thế.
Tóm lại nói Tiểu thừa, Đại thừa hay nói Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo phát triển, khác nhau chỉ ở chỗ tâm niệm nghĩ sợ sanh tử, muốn một đời vào Niết-bàn cho an ổn, đó gọi là tâm Thanh văn hay Tiểu thừa.
Người tu mà nguyện độ hết chúng sanh mới nhập Niết-bàn như ngài A-nan thệ nguyện: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn”
(Nếu một chúng sanh chưa thành Phật thì tôi cũng không vào Niết-bàn), đó gọi là tâm Đại thừa. Vậy chữ đại với chữ tiểu khác nhau không phải chở ít chở nhiều, mà là tâm thệ nguyện độ sanh, chứ không nghĩ riêng mình được an lạc. Thế mà tu thích được về Cực lạc cho vui, bỏ mặc bà con ở lại thì tâm đó có rộng hay không? Nhưng thôi, thay vì ở đây làm tội lỗi, thì niệm Phật cầu về Cực lạc cho thảnh thơi cũng tốt. Nếu phát tâm rộng rãi cao xa được thì càng quý, nếu không làm được thì ít ra mình cũng được an ổn, chẳng lẽ không cứu được ai, cũng không cứu được cả mình nữa sao! Chúng ta xét thấy pháp nào thích hợp thì làm, không bắt buộc phải tu thế này hay tu thế kia.
Hoặc có người chẳng nhân người khác nói mà tự ngộ vô thường, ngẫu nhiên duyên tán mà thể hội được chân lý nên gọi đó là Duyên giác. Nguyên chỗ tu tập của các ngài lấy thập nhị nhân duyên làm bản hạnh. Quán vô minh mà tức không, đạt các hành mà vô tác. Hai nhân(3) đã chẳng phải nghiệp thì năm quả(4) đâu còn báo. Ái thủ hữu không còn tỳ vết thì lão tử cũng đâu còn ràng buộc, nên có thể tức thì một mình giải thoát.
Duyên giác là quán nhân duyên mà được giác ngộ. Không gặp thầy, không có bạn, tự mình thấy duyên vô thường rồi ngẫu nhiên hiểu được đạo, gọi là Duyên giác.
(3) Hai nhân: vô minh và hành.
(4) Năm quả: thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Thí dụ có người chưa từng biết Phật pháp, bất thần một hôm thấy người hàng xóm chết bất đắc kỳ tử, giật mình thấy lẽ vô thường, mới khi nãy còn đó bây giờ đã mất, vậy cuộc sống quá mong manh! Thấy như vậy, hiểu như vậy liền tỉnh ngộ, đó là quán nhân duyên mà được thức tỉnh, gọi là Duyên giác.
Nguyên chỗ tu tập của các ngài lấy Thập nhị nhân duyên làm bản hạnh. Các ngài y theo pháp Mười hai nhân duyên để tu nên gọi là Duyên giác.
Quán vô minh mà tức không, đạt các hành mà vô tác. Mười hai nhân duyên là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v... Cái gì là vô minh? Tìm đáo để thì vô minh cũng không thật, cho nên có mà tức không. Khi chúng ta không hiểu đạo thì những cái giả tưởng là thật, những cái sai lầm tưởng là đúng, đó là vô minh, là không sáng. Như cái nhà ban đêm không đèn gọi là tối, vừa mở đèn tối tan mất gọi là sáng. Ngày trước chúng ta mê lầm cho cái giả là thật, rồi bất thần do một duyên cớ nào biết cái giả là giả, vậy mê và tỉnh cách nhau bao xa? Mê gọi là vô minh, tỉnh gọi là minh. Như cái nhà không đèn thì tối, mở đèn thì sáng, tối và sáng cách nhau bao xa? Chỉ trong chớp mắt. Cũng thế, khi mê chúng ta thấy thân mình là thật, khi cơn vô thường xảy đến với người thân thì chừng đó mới giật mình. À! Thân này tạm bợ giả dối. Biết thân tạm bợ và chấp nó thật thì hai cái đó cách bao xa? Không xa. Như vậy chấp thân này thật gọi là vô minh, rồi biết thân này giả gọi là minh. Vô minh nếu thật thì không bao giờ có minh được. Khi không đèn thì tối, vừa bật đèn liền sáng, cái tối mất liền, vậy cái tối có thật không? Vô minh và minh cũng thế, khi còn mê là vô minh, vừa tỉnh là minh, nên nói quán vô minh mà tức không.
Nếu vô minh không thì “đạt các hành mà vô tác”. Vì vô minh không thật thì hành cũng không thật nên là vô tác. Trong mười hai nhân duyên, vô minh và hành là quan trọng, vì vô minh không thật nên hành cũng không thật.
Hai nhân đã chẳng phải nghiệp thì năm quả đâu còn báo. Hai nhân là vô minh và hành không phải là nghiệp thật, thì năm quả là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ làm sao thật? Hai cái đầu không thật thì năm cái kế cũng không thật luôn.
Ái thủ hữu không còn tỳ vết thì lão tử cũng đâu còn ràng buộc, nên có thể tức thì một mình giải thoát. Nếu không có xúc, thọ thì đâu có ái, thủ, hữu. Ái, thủ, hữu không thì lão tử đâu còn ràng buộc. Thế thì dòng sanh tử ngang đây liền dứt, tức là tự mình đã giải thoát.
Như vậy từ quán vô minh không thật, đến hành không thật, năm quả không thật, rồi một chuỗi dài cho đến lão tử cũng không thật, thì giải thoát được sanh tử.
Ở yên chỗ vắng vẻ yên lặng quán vạn vật biến hóa mà ngộ lý vô thường, thấy thu tàn mà vào chân đạo. Bốn oai nghi nghiêm nghị, nhiếp tâm lự để an vui, tánh thích ở một mình, ưa nghĩ ngơi nơi rừng vắng. Chẳng ưa thuyết pháp, chỉ hiện sức thần thông để hóa độ người. Vào lúc không có Phật xuất thế, các ngài làm ngọn lửa tiếp nối Phật đăng.
Vạn vật vô thường, thời gian chuyển biến, thấy như vậy mà ngộ đạo. Các hàng Duyên giác hay Độc giác luôn luôn giữ giới nghiêm chỉnh, thích ở rừng núi một mình. Các ngài không thích thuyết pháp, chỉ dùng thần thông để giáo hóa người. Trong thời không có Phật ra đời, các ngài Độc giác làm ngọn lửa tiếp nối ngọn đèn của Phật.
Thân chỉ ưa vắng lặng, ý thích trong sạch rỗng rang, ở một mình trên đỉnh núi hoang liêu quán các duyên tan mất. Chẳng làm lợi ích khắp cho mọi người, tự lợi cũng chưa viên mãn. Đối với bậc hạ thì có phần hơn, còn so với bậc thượng thì chưa đủ, cả hai đều chẳng phải phẩm loại của các ngài, mà địa vị ở Trung thừa, đấy là đạo Bích-chi Phật vậy.
Hàng Độc giác còn gọi là Bích-chi Phật, cao hơn Thanh văn vì hàng Thanh văn không thể tự ngộ, phải nhờ nghe thuyết pháp giảng dạy, ngộ được lý Tứ đế rồi ứng dụng tu, cầu một đời hết nghiệp vào Niết-bàn. Hàng Độc giác không phải do nghe sự hướng dẫn của thầy bạn, mà do quán nhân duyên, tự mình ngộ đạo, sức trí tuệ mạnh hơn Thanh văn. Độc giác còn gọi là Duyên giác, do các ngài ngộ từ lý Nhân duyên, thích ở rừng núi hoang vắng, không thích chỗ đông người, lo cho mình nhiều hơn lo cho chúng sanh. Các ngài thuộc hàng Trung thừa, trí tuệ tự giác cao.
Như người căn tánh vốn sáng, công đức chứa nhóm nhiều đời, học chẳng bác thiệp mà vẫn tự sanh được sự hiểu biết. Tâm không duyên bất cứ chỗ nào mà hay lợi vật; từ bi rất lớn, chẳng bị ái kiến câu thúc, suốt ngày cứu độ chúng sanh chẳng thấy có chúng sanh được độ. Nhất và dị đều đồng diệu chỉ, giải và hoặc đồng nguồn, nhân và pháp đều không, cho nên gọi là Bồ-tát.
Bồ-tát là những người ra đời căn tánh vốn sáng, công đức chứa nhóm nhiều đời, học chẳng phải rộng mà vẫn tự hiểu biết. Tâm không dính một cái gì mà hay làm lợi ích cho chúng sanh.
Từ bi rất lớn, chẳng bị ái kiến câu thúc. Thế nào là từ bi? Thế nào là ái kiến? Từ bi là tình thương không bị cột trói, không bị giới hạn. Ái kiến cũng là tình thương, mà tình thương bị cột trói, bị giới hạn. Như bà con chủng tộc mình thì mình thương, không phải bà con chủng tộc thì mình không thương v.v... tình thương đó bị hạn cuộc gọi là ái kiến. Như vậy kiểm lại mình chắc nặng về ái kiến hơn từ bi.
Khi nghe người thân vừa mất mình mất ăn mất ngủ, còn nghe người láng giềng mất mình tỉnh bơ. Vậy mất ăn mất ngủ là từ bi hay ái kiến? Người thương lo cho gia đình quyến thuộc, có phải là từ bi không? Chưa chắc phải. Tinh thần từ bi là đối xử với mọi người như người thân. Hiểu vậy thì chúng ta xử sự mới hợp với đạo lý, nếu không hiểu thì chúng ta nói từ bi nhưng rốt cuộc là ái kiến. Bồ-tát chỉ có tâm từ bi rộng lớn, chứ không có tâm ái kiến bị câu thúc trói buộc.
Suốt ngày cứu độ chúng sanh mà chẳng thấy có chúng sanh được độ. Tại sao? Có Phật tử thắc mắc hỏi tôi:
Sao trong lá phái quy y không ghi địa chỉ người quy y để khi cần thì gọi cho dễ. Thật ra, làm lễ quy y là để Phật tử tu, chứ không phải thành đệ tử nhà, có việc gì gọi lại nhờ vả. Như vậy làm mà không cột trong việc làm của mình, độ mà không nghĩ mình có bao nhiêu đệ tử. Hiểu thế mới thấy tại sao độ tất cả mà không thấy mình là người hay độ, chúng sanh là người được độ.
Nhất và dị đều đồng diệu chỉ, giải và hoặc đồng nguồn, nhân và pháp đều không, cho nên gọi là Bồ-tát. Một và khác cũng ở trong một diệu chỉ thôi, tỉnh và mê đồng một nguồn, người và sự vật đều không, cho nên gọi là Bồ-tát. Bồ-tát độ chúng sanh thì không có chia ra kia là một, đây là hai, không còn pháp đối đãi, nên không có ngã không có pháp, gọi đó là Bồ-tát.
Giải và hoặc đồng nguồn, giải là sáng là minh, hoặc là mê là vô minh, minh và vô minh đồng nguồn. Cũng như cùng một cái nhà ban đêm chúng ta tắt đèn thì gọi là tối, khi mở đèn thì gọi là sáng. Sáng tối đuổi nhau, nhưng cái nhà chỉ là một, sáng tối đuổi nhau không có hai. Cũng thế hết mê thì gọi là ngộ. Chúng ta mê là vì lầm, hiểu không đúng, khi hiểu đúng rồi hết lầm, không phải là hai. Cho nên nói giải và hoặc đồng nguồn. Vì vậy các pháp tạm chia minh và vô minh, chứ sự thật không có hai.
Thí dụ khi chúng ta chưa đi học thì gọi là người dốt, rồi chịu khó đi học năm bảy năm đọc viết đàng hoàng, thì gọi là người biết chữ. Như vậy người dốt và người biết chữ là hai hay là một? Chỉ một thôi, nhưng khi trước là dốt, khi này là biết chữ, khác thời gian chứ con người không có hai. Mê với ngộ cũng vậy, ngày trước không hiểu là mê, bây giờ hiểu là ngộ, không có hai người, vì vậy mà nói đồng một nguồn. Hiểu vậy chúng ta mới thấy ý nghĩa của Phật pháp tuy thâm sâu, nhưng không phải không thể làm được.
Nguyên vì hạnh tu của các ngài lấy lục độ làm chánh nhân. Thực hành bố thí thì bỏ thân hết của; trì giới thì kiết-la (giới nhỏ) cũng không phạm; nhẫn nhục thì thấu rõ vô ngã, cắt thân nào hại gì, an nhẫn sự khen chê bát phong chẳng động; tinh tấn thì siêng năng cầu pháp chí đạo như cứu lửa cháy đầu, sự tu hành và giáo hóa người trong khoảng sát-na cũng không gián đoạn; thiền-na thì thân tâm yên lặng, an-ban(5) vi tế, ở trong tịch định để tự nuôi thân, dùng bốn oai nghi để lợi vật; trí tuệ thì rõ biết duyên khởi tự tánh vô sanh, muôn pháp đều Như, nguồn tâm vắng lặng.
Đây là pháp tu của Bồ-tát. Nguyên vì hạnh tu của các ngài lấy lục độ làm chánh nhân. Lục độ là: 1- Bố thí, 2- Trì giới, 3- Nhẫn nhục, 4- Tinh tấn, 5- Thiền định, 6- Trí tuệ.
Khi bố thí thì các ngài bỏ thân hết của, tức là quên thân mạng, hết của cải mà không hối tiếc. Khi trì giới thì giới trọng giữ mà giới khinh cũng không dám coi thường. Khi nhẫn nhục thì thấu rõ vô ngã,
(5) An-ban: Pháp sổ tức.
thấy thân này không có cái ta thật, dù cho cắt thân mình để giúp chúng sanh thì nào có hại gì. An nhẫn sự khen chê, bát phong chẳng động. Nhẫn nhục về nội tâm thì gặp cảnh vui buồn, thương ghét đều an nhẫn. Cho đến bát phong chẳng động, tức là tám gió thổi không động. Tám gió là: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Lợi là tài lợi.
Thí dụ như hôm nào Phật tử vì thương người có tật nên ráng mua vé số giúp họ. Nhưng bất thần trúng độc đắc, đêm đó hết ngủ, bị gió lợi làm rung rinh. Như vậy cái vui làm cho mình động, còn cái không vui thì sao? Đang làm ăn phát đạt, bỗng bị lỗ lã nặng mất gần phân nửa vốn liếng, khi đó ngủ yên không hay trăn trở hoài? Mới kể có hai gió mà qua chưa được, huống là còn sáu gió nữa! Thế nên tu khó ở chỗ đó. Nếu người nào tám gió thổi không động, thì nghe ngày mai tận thế, ngày nay họ vẫn cười. Việc tu quan trọng là phải khéo huân tập nhiều đời thì hạt giống mới mạnh. Tu một đời thì thắng không nổi, chưa làm chủ được mình.
Như vậy Bồ-tát tu thì tám gió thổi không động. Chúng ta muốn biết việc tu tiến nhiều hay ít phải hỏi tám gió. Tám gió thổi đến thì tự biết, tự nghiệm, khỏi phải hỏi ai. Có nhiều người ham tu lắm, mà cứ băn khoăn không biết mình tu tới đâu, băn khoăn làm gì, cứ gặp việc rồi biết. Có những thử thách nói là trở ngại, chứ đó là cơ hội để chứng nghiệm sự tu của mình đã thật được hay chưa. Nếu thật được thì qua những thử thách mình vui lên, còn nếu băn khoăn sợ hãi, đó là mình chưa tiến được.
Tinh tấn thì siêng năng cầu pháp chí đạo như cứu lửa cháy đầu. Siêng năng cố gắng tu hành để đạt đạo giống như cứu lửa cháy đầu. Một đốm lửa rơi trên đầu thì phải phủi ngay, không để từ từ thủng thẳng. Sự tu cũng vậy, phải làm sao không có một phút giây lơi lỏng, lúc nào cũng tu, lúc nào cũng cố gắng, không phải đợi khuyến khích mới tu, không phải đợi gặp khó khăn mới cố gắng. Phải gắng tu như cứu lửa cháy đầu.
Sự tu hành và giáo hóa người trong khoảng sát-na cũng không gián đoạn. Tu cho bản thân và giáo hóa cho người không lúc nào nghỉ ngơi. Đức Phật Thích-ca khi sắp nhập Niết-bàn mỏi mệt nhọc nhằn, có ông già tám mươi tuổi tới hỏi đạo, ngài A-nan không cho vô. Ông năn nỉ quá, Phật nghe liền bảo ngài A-nan cho vô, Phật thuyết pháp cho ông nghe ông ngộ đạo, sau đó Phật mới viên tịch, đó là người đệ tử cuối cùng của Phật. Như vậy Phật bố thí pháp tới hơi thở cuối cùng. Còn tôi hẹn “ba năm nữa tôi nghỉ giảng dạy”, thì tôi có xứng đáng là đệ tử Phật không? Nghỉ giảng dạy không phải để thảnh thơi mà vì tôi phải nhập thất.
Thiền-na thì thân tâm yên lặng, an-ban vi tế, ở trong tịch định để tự nuôi thân, dùng bốn oai nghi để lợi vật. Tu thiền lúc nào cũng để tâm yên lặng, hơi thở nhẹ nhàng vi tế. Ở chỗ yên định, lấy đó để nuôi thân, trong bốn oai nghi hành động nào cũng đều lợi ích cho người, đó là thiền.
Trí tuệ thì rõ biết duyên khởi tự tánh vô sanh, muôn pháp đều Như, nguồn tâm vắng lặng. Nếu tu trí tuệ thì rõ biết duyên khởi tự tánh vô sanh, các pháp do nhân duyên mà thành, bản thể của nó là vô sanh. Nhìn muôn vật hiện có trước mắt, có cái nào không phải duyên khởi không? Con người đủ duyên mới có, nhà cửa đủ duyên mới thành, cây cối đủ duyên mới mọc v.v... cái gì cũng là duyên. Là duyên thì không có cái gì tự sẵn có nguyên vẹn, nên nói không tự tánh. Đợi duyên mới có, mà duyên tụ thì duyên tan. Tụ thì có, tan thành không, không có thể nguyên vẹn thì đâu có thật. Đó là hư giả. Nếu duyên hợp mà thấy nó thật là vô minh; thấy nó giả, tự tánh không, đó là trí tuệ. Vậy có trí tuệ đâu có khó, biết rõ sự thật như vậy là thành trí tuệ rồi. Vì thế đêm nào chúng ta cũng tụng kinh Bát-nhã để mở sáng trí tuệ. Trước hết phải thấy thân này là giả, vì mê nên chấp nó là số một, rồi tới chấp cảnh. Phá chấp thân trước, cho nên “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, năm uẩn này không tự tánh, không có sẵn thể chân thật, đợi duyên hợp mới có. Chữ Không ở đây không phải không ngơ mà là không tự tánh. Nếu chúng ta nói cái bàn này là có, chỗ rỗng là không, đó là có - không đối đãi. Còn cái bàn đợi duyên hợp mới có, nên không thật thể, gọi là không tự tánh, duyên hợp giả có.
Nếu thấy thân này là giả có thì tất cả khổ ách đều qua. Chúng ta thuộc làu Bát-nhã mà khổ ách vẫn qua không nổi, vì chúng ta thuộc chữ nghĩa Bát-nhã mà không thâm nhập được lý chân thật của Bát-nhã. Lý chân thật Bát-nhã là y cứ theo duyên khởi, do duyên hợp nên các pháp tự tánh là không, không có pháp thật, chỉ là tạm bợ hư giả. Thân không thật thì lời chửi mắng đâu có thật, cái gì cũng không thật, đến cái chết cũng không thật, cho nên “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” là vậy. Chỉ cần thâm nhập được câu này thì chúng ta sẽ an lành tự tại. Thí dụ chúng ta đeo bên tay này một chiếc cà rá vàng thật, bên kia một chiếc giả, lỡ ai lấy chiếc giả mất thì có tiếc không? Đồ giả mất cũng không sao, nhưng nếu lấy chiếc thật thì tiếc. Như vậy biết là giả thì không quan trọng, còn cho là thật thì quan trọng, khi mất thì đau khổ. Thế nên Bồ-tát không khổ mà chúng ta cứ khổ là vì chúng ta không có trí tuệ. Vậy trí tuệ và vô minh cách nhau bao xa? Chỉ cần đổi một cái nhìn.
Tu là chuyển mê thành giác, chuyển ngu si thành trí tuệ, thành trí tuệ là hết khổ, còn si mê lầm lẫn là đau khổ miên viễn, dù Phật, Bồ-tát có thương cũng không cứu nổi. Cứu khổ chúng sanh không phải chỉ lo làm từ thiện vì nếu họ còn mê thì giúp bao nhiêu tiền của cũng không hết khổ, nên cần giảng dạy cho họ, chỉ khi nào tỉnh ngộ thì mọi khổ đều tan. Vì vậy Phật tử đến chùa, quý thầy không có gì để ban mà chỉ giảng Phật pháp, quý vị hiểu rồi ứng dụng trong cuộc sống thì mọi đau khổ sẽ hết. Cứu khổ như vậy không ai thấy, không lấy gì cân đo được. Hiểu thế quý Phật tử mới không lấy làm lạ tại sao quý thầy cứ chuyên giảng mà không lo làm những việc từ thiện.
Trí tuệ thì rõ ràng biết duyên khởi tự tánh vô sanh. Muôn pháp đều Như, nguồn tâm vắng lặng. Lý vô sanh này không có hình tướng nên không sanh, không diệt, không nhơ, không nhiễm gì hết. Tất cả pháp đều là duyên khởi nên tự tánh là không, các pháp đều là Như nên nguồn tâm được vắng lặng.
Tuy biết phiền não không thể xả bỏ, Bồ-đề không thể nắm lấy mà có thể chẳng chứng vô vi, độ chúng sanh trong nhiều kiếp, rộng tu vạn hạnh, bình đẳng quan sát các loài, dưới đến Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, trên gồm cả pháp Bất cộng. Tâm đại thệ trùm khắp, đạo Tứ nhiếp gồm thâu, lấy ba cõi làm nhà, bốn loài sanh làm con. Vận dụng hai thứ bi trí, hai thứ phước tuệ trang nghiêm siêu việt Nhị thừa, riêng ở bậc thượng, đó là đạo Đại thừa vậy.
Ở đây chúng ta thấy rõ tinh thần Đại thừa. Biết phiền não không thật, Bồ-đề cũng không thật, nên các Bồ-tát không dính mắc, được Niết-bàn nhưng các ngài không nhập Niết-bàn, chẳng chứng vô vi.
Độ chúng sanh trong nhiều kiếp, rộng tu vạn hạnh, bình đẳng quan sát các loài, dưới đến Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, trên gồm cả các pháp Bất cộng. Chư Bồ-tát đều thấu suốt các pháp Phật dạy, không bỏ sót một pháp nào.
Tâm đại thệ nguyện trùm khắp, đạo Tứ nhiếp gồm thâu. Tứ nhiếp có bốn pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Lấy ba cõi làm nhà, vào ra trong tam giới như dạo chơi, không có gì sợ hết.
Bốn loài sanh làm con, là thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh, coi như con mình cần phải độ.
Vận dụng hai thứ bi và trí, hai thứ phước và tuệ trang nghiêm, siêu việt Nhị thừa, riêng ở bậc thượng,
đó là đạo Đại thừa vậy. Bồ-tát lấy bi làm phước, trí làm tuệ để trang nghiêm. Cho nên siêu việt hơn Nhị thừa, vì thế mà gọi là đạo Đại thừa vậy.
Vì vậy, lý nhất chân theo căn tánh mà có thứ bậc sai khác, được sự lợi ích tùy cơ nên nói đủ cả ba thừa. Nhưng mà chí lý hư huyền cùng tận đến chỗ vi diệu thì một còn chẳng có, huống là nói đến ba. Ba mà chẳng ba nên nói là ba, một mà chẳng một nên nói là một. Chẳng phải ba mà một, ba còn chẳng ba thì một mà ba, một cũng đâu có một. Một chẳng một tự chẳng phải ba, ba chẳng ba tự chẳng phải một. Chẳng phải một, một chẳng phải thì ba không còn. Chẳng phải ba, ba chẳng phải thì một chẳng lập. Một chẳng lập vốn chẳng phải ba, ba không còn vốn không có một. Một ba vốn không, cái không này cũng không, cái không không đó không có gốc nên diệu tuyệt. Như vậy thì một đâu bị phân, ba đâu được hợp, hợp phân là từ nơi người vậy, lý nào có khác với lời ư! Ví như có ba con thú qua sông, con sông vốn một, đâu có vì ba con thú mà hợp. Lại đâu riêng gì con sông chẳng phải vì thú mà hợp, mà thú cũng chẳng phải do sông mà phân. Sông còn chẳng thành ba con sông, đâu được lấy sông để hợp ba con thú. Thú còn chẳng thành một con thú, há được lấy thú mà thành sông. Sông chẳng phải thú nên đâu thể ba, thú chẳng phải sông nên đâu thể một. Chỉ một con sông bao cả ba con thú mà sông chưa từng ba, ba con thú qua một con sông mà thú chưa từng một. Thú chẳng phải một con để biết chân của chúng có ngắn dài, sông chẳng phải ba để rõ nước kia không có sâu cạn. Nước không có sâu cạn ví như pháp không có sai khác, chân có dài ngắn là dụ cho trí của mỗi bậc có sáng tối khác nhau. Như vậy pháp vốn không có ba mà người tự có ba hạng vậy.
Đoạn này nghe rất khó hiểu, cần nói rõ để quý vị nhận thấy ý của nó. Phật pháp không có ba, Phật pháp là Phật pháp chứ không có một có ba gì hết. Nhưng vì trình độ căn cơ của chúng sanh không đồng cho nên đối trong Phật pháp có người hiểu sâu, có người hiểu trung bình, có người hiểu cạn thành ra ba. Cái ba đó là tại cái hiểu của mình chứ không phải tại Phật pháp có sâu có cạn.
Như vậy, cũng một pháp của Phật dạy nhưng do trình độ sai biệt của con người thành ra có nhiều cái thấy khác nhau. Trong kinh thí dụ như một con sông, có ba con thú lội qua là con thỏ, con nai, con voi. Ba con lội qua sông thì con thỏ chỉ bơi trên mặt nước thôi, con nai bơi được giữa chừng mặt nước, còn con voi thì chân lội đạp tới đất. Như vậy con sông là một mà chân của thú thì có dài, có vừa chừng và có ngắn khác nhau. Con thỏ nói sông thật là sâu, vì chân nó bơi đâu có đụng đất, con nai nói sông cũng vừa phải không sâu lắm, còn con voi thì đi tận đáy nên nói sông cạn. Như thế tại sông có sâu, vừa, cạn hay tại ba con thú? Sông chỉ có một mà thú thì tới ba. Ba con thú cùng lội qua sông mà nhận định của chúng sai biệt không giống nhau. Sông không có ba nhưng vì con thú nhìn nhận cạn sâu thành ra như ba, ba mà không phải ba. Vì vậy mà đây nói ba không phải ba, mà một cũng không phải một v.v... Đó là để nói
sự sai biệt của trình độ chúng sanh đối với Phật pháp. Phật pháp thì không có sâu, không có trung bình, không có cạn. Phật pháp là Phật pháp, cũng như con sông là con sông, nhưng vì trình độ sai biệt của chúng sanh rồi thấy chỗ cạn, chỗ trung bình, chỗ sâu. Thấy dường như có phân chia giáo pháp của Phật thành Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa, chứ hiểu đúng tường tận tột cùng thì không có ba. Vì Phật dạy không bao giờ ra ngoài lý là thấy các pháp đúng như thật, đó là trí tuệ, rồi có lòng thương tất cả chúng sanh để giúp cho họ hết khổ, đó là từ bi. Trí tuệ, từ bi là nguồn gốc của đạo Phật, nhưng có người hiểu sâu, có người hiểu cạn.
Như cũng một pháp Phật dạy, quán các pháp do nhân duyên sanh không có thật thể. Có người quán như vậy rồi họ chán đời, nói cuộc đời giả dối lo làm chi cho mệt, thì họ muốn làm lợi ích cho chúng sanh, muốn cứu khổ chúng sanh hay không? Khổ đâu có thật thì cứu cái gì, vui không thật thì làm cái gì, rồi ngơ ngơ ngáo ngáo không muốn làm gì hết. Quán nhân duyên mà sanh ra chán đời yếm thế, thì quan niệm đó hiểu thấu đạo Phật chưa? Cũng hiểu mà hiểu một chặng thôi.
Còn người hiểu rõ các pháp nhân duyên sanh, do duyên tụ hợp mà thành, có hợp rồi tìm phương tiện giải cho người hết cơn mê, tức là cứu người hết khổ. Vậy có chán đời không? Không có chán.
Như thế cũng từ lý nhân duyên, mà một bên hiểu thì chán nản không muốn làm gì hết, còn một bên hiểu rồi thì hăng hái xông pha làm tất cả. Hiểu mà chán nản không làm gì hết, đó là hàng Thanh văn, muốn vô núi tu một mình. Còn hiểu rồi hăng hái xông pha để cứu giúp người hết khổ, đó là Bồ-tát. Thế thì lý nhân duyên là hai, là ba, hay là một? Tùy theo người nhìn, tùy theo người thấy mà có sự sai biệt. Tại sao? Tại trình độ con người. Có người tu Phật một thời gian muốn lên non lên núi ẩn tu một mình, không muốn làm gì hết. Có người cũng tu Phật mà khi hiểu đạo rồi làm quên ngày quên đêm lo cho tất cả mọi người. Cũng là tu Phật mà tại sao có thái độ sai biệt như vậy? Đó là vì sự nhận định khác nhau, từ giáo pháp chung mà mỗi người có cái nhận định riêng nên có xử sự khác nhau, biến Phật giáo thành Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. Thế nên mới nói thí dụ ba con thú qua sông. Sông chỉ có một mà thú thì có to, có trung bình, có nhỏ khác nhau, vì vậy mà có nhận định khác nhau.
Tóm lại, đây nói một nói ba mà cái nào cũng không đúng hết, là tại sao? Đứng về sông là một, đứng về thú là ba. Như vậy ba cũng được, một cũng được; mà ba không được, một cũng không được, vì ba đâu có thật, một cũng không thật. Nên hiểu cho thấu đáo rồi thì chúng ta thấy Phật dạy rất chí lý. Đúng ra giáo lý Phật dạy chúng ta tu để thành Phật thôi, chứ không thành gì khác hơn. Nhưng vì trình độ khác nhau của chúng sanh, thành ra có thứ bậc khác nhau. Người đủ Thập thiện được sanh lên cõi trời, người thấu lý Tứ đế được thành Thanh văn, người hiểu được nhân duyên thành Duyên giác, người tu Lục độ thành Bồ-tát. Trong kinh Pháp Hoa Phật nói nếu đem pháp thấp để dạy cho chúng sanh mà không nói thẳng Phật thừa thì sẽ bị lỗi bỏn sẻn. Không đem hết những gì mình thấy biết để dạy người là bỏn sẻn. Phật không có giấu chúng ta cái gì hết, Phật dạy cho tu để thành Phật như ngài, nhưng vì trình độ theo chưa kịp, nên chúng ta tu chưa tới.
Nay đây điểm khởi đầu của ba thừa thì Tứ đế được nêu lên trước hết. Pháp vốn đã không có sai khác, thì Tứ đế cũng đâu chẳng phải Đại, mà nói rằng hàng Thanh văn quán nó địa vị lại ở bậc Tiểu. Thế mới biết Tứ đế tợ như sông, người ví như thú. Hàng Thanh văn kém nhất dụ như thỏ tuy lội qua sông mà chân không đến đáy, nên chưa có thể biết được chỗ sâu tột, địa vị các ngài còn ở bậc thấp, đâu phải tất cả những người quán Tứ đế đều thành Tiểu. Như người trí chiếu cao minh, lượng bằng voi lớn thì có thể đến cùng nguồn tận mé, hiển nhiên thành Đại. Cho nên biết kẻ hạ trí quán thì được quả Thanh văn, người trung trí quán thì được quả Duyên giác, bậc thượng trí quán thì được quả Bồ-tát. Biết tông rõ ràng há cho toan tính ư!
Đây dẫn trong kinh, buổi đầu sau khi ngộ đạo, Phật nói về pháp Tứ đế. Hàng Thanh văn quán pháp Tứ đế chứng quả Thanh văn, Duyên giác quán Tứ đế chứng quả Duyên giác, Bồ-tát quán Tứ đế chứng quả Bồ-tát.
Tại sao cũng một pháp mà mỗi vị tu chứng lại khác nhau? Trong pháp Tứ đế, đầu tiên là Khổ đế rồi đến Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Về Khổ đế, đức Phật chỉ cõi đời là đau khổ, con người là đau khổ, cái khổ là lẽ thật không ai tránh được, cho nên hàng Thanh văn nếu quán Tứ đế rồi cố gắng tu được nhập Niết-bàn, hết sanh tử là hết khổ.
Bồ-tát quán Tứ đế, thấy cuộc đời là khổ, con người là khổ mà chúng sanh mê muội nên bị lăn đi lộn lại trong cõi trầm luân này chịu không biết bao nhiêu điều khổ, cho nên các ngài phải ra tay cứu vớt, tìm cách chỉ cho họ thấy rõ nguyên nhân nào đưa đến khổ để họ tiêu diệt, nguyên nhân nào sẽ được an vui để họ thực hành. Khi chúng sanh hết khổ thì lòng các ngài mới an, đó là tâm Bồ-tát.
Cũng là quán khổ mà một bên quán khổ rồi lo tu nhập Niết-bàn, một bên thấy khổ phải làm sao cho mọi người thức tỉnh, được hết khổ thì mới yên. Thế nên pháp Tứ đế nhất định là của Thanh văn hay của Bồ-tát? Không có nhất định, tùy theo cái nhìn của mỗi vị. Điều này rất quan trọng đối với sự tu hành.
Khi đọc kinh Pháp Hoa, đức Phật nói hội chúng trong hội Pháp Hoa bao nhiêu muôn ức người hoặc là Bồ-tát, hoặc Thanh văn, hoặc Duyên giác, hoặc người thường nhưng đều là do đức Phật thuở xưa giáo hóa. Họ từ người thường, rồi khi Phật tiến lên Bồ-tát, họ tiến lên những Phật tử thuần thành; Phật tiến lên thành Phật, thì họ bây giờ là Bồ-tát, là Thanh văn đến dự hội, như vậy thầy trò có thủy có chung vui quá. Thầy tu trước thành Phật, trò tu sau thành Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác cùng dự một hội, có tình có nghĩa rõ ràng. Tôi thích như vậy. Thế nên cũng một pháp tu, cũng lời Phật dạy mà mỗi quan niệm mỗi khác. Các Bồ-tát không phải ở trên trời trên mây gì tới, mà ngay trong cõi đời này ai phát tâm rộng lớn thương người, lo cho chúng sanh thì đó gọi là Bồ-tát. Còn ai chỉ chăm chú lo giải quyết cho mình được thảnh thơi thì đó gọi là Thanh văn. Cho nên cùng quán pháp Tứ đế mà một bên thành Thanh văn, một bên thành Bồ-tát, không phải đợi những pháp thật cao siêu mới phải của Bồ-tát, còn những pháp thường thì không phải, chỉ là tùy trình độ mà trở thành cao thấp khác nhau.
Vì thế Thanh văn thấy khổ mà dứt tập, Duyên giác ngộ tập tan rã mà quán ly, Bồ-tát thấu rõ nguồn chân biết tập vốn không hòa hợp. Ba người cùng quán Tứ đế nhưng chứng quả có khác nhau, bởi do quán có cạn sâu, đối chiếu hẳn có cao thấp.
Thanh văn thấy khổ mà dứt tập, vì biết khổ sanh già bệnh chết là quả, quả này từ tập đế tham, sân, si, mạn, nghi v.v... mà sanh ra thân chịu khổ này. Vậy muốn đời sau hết thân chịu khổ thì phải dứt tập đế tham sân si v.v... Cho nên Thanh văn thấy khổ mà dứt tập, hết nhân để thọ sanh thì nhập Niết-bàn.
Duyên giác ngộ tập tan rã mà quán ly. Tập tan rã tức là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... từng phần hợp lại, không có thật, không cố định, nếu không gom lại thì nó tan rã, tự nó lìa.
Thường người ta hay nói từ si mê nên khởi tham, từ tham không được nên khởi sân, vậy si, tham, sân liên hệ với nhau, đó là một chuỗi thật hay rời rạc? Thí dụ có người định tặng cho mình món đồ quý đẹp, mình vừa mới khởi mừng chợt có người lại can không cho tặng, lúc đó mình nhất định là giận. Vậy là từ tham mà sanh sân, tham và sân liên kết nhau hay là rời rạc với nhau? Thật ra thấy như liên kết, từ lòng tham muốn được mà bị người ngăn cản không cho mình được thì nổi giận. Nhưng nhìn kỹ lại giận với tham là một hay hai? Khi giận thì la lối om sòm, còn khi tham đâu có la lối, hai cái rời nhau, mỗi cái riêng biệt chứ đâu phải một, tham khác, sân khác, si khác. Nếu không phải là một thì mình tách ra từng cái để dẹp, gọi là quán ly. Vì thế biết tâp là tan rã mà quán ly, cho nên các ngài ngộ đạo chứng quả Duyên giác.
Bồ-tát thấu rõ nguồn chân biết tập vốn không hòa hợp. Bồ-tát thấu tột được nguồn chân, biết tập rỗng, vốn không hòa hợp, không thật. Thí dụ nắm tay do năm ngón hợp lại mà thành, người trí biết rõ thể nắm tay là rỗng, không thật. Tập đế tham sân si v.v... cũng vậy, là không thật. Tập đế không thật thì khổ đế cũng không thật. Thế thì không sợ cái khổ, cũng không gấp lìa cái tập, mà phải lợi dụng cái tập đi trong đường khổ để độ chúng sanh, đó là tâm niệm của Bồ-tát.
Ba người cùng quán Tứ đế nhưng chứng quả có khác nhau, bởi do quán có cạn sâu, đối chiếu hẳn có cao thấp. Từ quán cạn, quán sâu mà thứ bậc các ngài có cao có thấp.
Vì vậy, Hạ thừa tu bậc hạ, chưa tu điều của bậc trung và thượng, Thượng thừa tu bậc thượng mà gồm tu cả trung hạ. Bậc Trung tu trung hạ, chẳng tu được bậc thượng. Thượng trung hạ do người, chẳng phải Tứ đế khiến người có Đại, Tiểu.
Các thừa có ba bậc: Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. Tiểu thừa chỉ tu được bậc tiểu của mình thôi, Trung thừa thì tu được bậc tiểu với bậc trung, còn Đại thừa thì tu cả ba bậc tiểu, trung, đại. Thí dụ cái thang có chín nấc, mình leo được ba nấc thì được một bậc. Người leo ba nấc chỉ biết nấc một, nấc hai, nấc ba thôi, họ không biết được nấc thứ tư thứ năm... Người leo được sáu nấc thì đã qua ba nấc dưới một, hai, ba rồi lên các nấc trên bốn, năm, sáu. Còn người lên chót cây thang là đến nấc chín thì họ đã đi từ nấc một, qua hết các nấc kế tiếp cho tới nấc thứ chín là qua đủ hết. Vì thế mà nói Tiểu thừa thì tu bậc hạ, Trung thừa thì tu bậc hạ bậc trung, Đại thừa thì tu cả ba bậc hạ, trung và thượng. Hiểu như vậy mới biết pháp của Phật không có phân chia, nhưng vì trình độ chúng ta có sai khác mà biến thành có chỗ phân chia.
Nhưng ba thừa dù khác mà cùng đồng một điểm trọng yếu là thoát khổ.
Dù tu Thanh văn, tu Duyên giác, hay tu Bồ-tát cũng là thoát khổ, nhưng mà thoát khổ thế nào? Thanh văn muốn thoát khổ cho mình. Duyên giác cũng thoát khổ cho mình và khá hơn một chút là giúp cho ít người thân cận gần gũi. Còn Bồ-tát muốn mình hết khổ thì trước hết phải làm cho người hết khổ.
Trọng tâm là thoát khổ, mà chỉ có cái nhìn riêng, nhìn hơi chung, nhìn toàn thể là khác nhau mà có sai biệt.
Thanh văn tuy Tiểu, hoặc ái kiến đã trừ nên đối với ba cõi không còn lo âu, thân phần đoạn diệt vậy.
Hàng Thanh văn tuy nói là Tiểu thừa nhưng thật tình cái mê lầm về ái kiến đã trừ hết rồi, cho nên không còn bị tái sanh trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. “Thân phần đoạn diệt”, là không còn bị sanh ra thân từng phần từng đoạn nữa, tức là nhập Niết-bàn miên viễn.
Ba minh(6) chiếu sáng tỏ tường nên việc trong tám vạn kiếp hiện tiền, sáu thông(7) mặc ý vô vi nên có thể đi xuyên qua vách núi. Có lúc đi đứng trên không hoặc an nhiên ngồi nằm, đi trên nước nhẹ như lông hồng, bước trên đất như đi trên nước, công năng cửu định đầy đủ, mười tám thứ biến hóa tùy tâm.
Đây nói về diệu dụng của hàng Thanh văn. Có nhiều người nghĩ rằng Tiểu thừa dở quá, thấp quá, nhưng công dụng Thanh văn như thế nào? Về Tam minh tức là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh thì các ngài chiếu sáng tỏ tường không còn nghi. Việc trong tám vạn kiếp hiện tiền, nghĩa là sự việc trong tám vạn kiếp nhớ như việc trước mắt không có nghi.
(6) Ba minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh.
(7)Sáu thông: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông.
Sáu thông mặc ý vô vi, nghĩa là trong lục thông Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông v.v... các ngài được vô vi tự tại. Vì vậy nên có thể đi xuyên qua vách núi, có lúc đi đứng trên không, hoặc an nhiên ngồi nằm, đi trên nước nhẹ như lông hồng, bước trên đất như đi trên nước, công năng cửu định đầy đủ, mười tám thứ biến hóa tùy tâm. Như vậy các ngài đầy đủ các thứ thần thông diệu dụng.
Trong đời hiện tại, người tu chứng được bậc Thanh văn có dễ không? Chắc thắp đuốc đi tìm một người cũng không ra. Vì thế chúng ta đừng coi thường, tưởng rằng quý vị đó là thấp kém. Các ngài được Lục thông tự tại, Mười tám thứ biến hóa tùy tâm:
1.Hông trái ra nước.
2.Hông phải ra nước.
3.Hông phải ra lửa.
4.Hông trái ra lửa.
5.Trên thân ra nước.
6.Dưới thân ra lửa.
7.Dưới thân ra nước.
8.Trên thân ra lửa.
9.Đi trên nước như đi trên đất bằng.
10.Đi trên đất như trên nước.
11.Giấu hư không vào trong đất.
12.Giấu đất trong hư không.
13.Đi trong hư không.
14.Ở trong hư không.
15.Ngồi trong hư không.
16.Nằm trong hư không.
17.Hiện thân đầy hư không. Hiệ
18.Hiện lớn thành nhỏ.
Đây gọi là mười tám thứ biến hóa, là công dụng của hàng Thanh văn chứng quả A-la-hán.
Nhưng trong ba tạng nói Phật là nhìn trên địa vị sáu căn thanh tịnh, nên có bằng có kém, chỗ bằng là cùng trừ tứ trụ(8), nếu hàng phục vô minh, ba tạng là kém, Phật còn là kém, Nhị thừa khá biết.
Trong ba tạng kinh nói, đứng về hàng phục vô minh, đức Phật cũng có chỗ chưa được trọn, huống nữa là hàng Nhị thừa. Vô minh là mờ là tối, Phật là giác là sáng, nếu còn một tí cái tối chưa hàng phục được thì chưa hoàn toàn thành Phật. Vì vậy về mặt hàng phục vô minh, khi quả Phật vẫn còn kém chưa tròn thì Nhị thừa rất là xa vậy.
Nhìn lên đoạn và phục tuy khác, ở dưới có sự cách biệt ngộ và mê. Như vậy, Nhị thừa có lỗi gì mà chẳng muốn tu!
Đứng về mặt vô minh là đoạn sạch vô minh hay làm nép phục vô minh? Đức Phật thì đoạn sạch vô minh, còn Nhị thừa thì làm nép phục vô minh, là làm cho nó nép ẩn xuống chứ chưa thật hết. Cho nên nói “đoạn và phục tuy khác”, tại sao? Vô minh là mờ tối, là gốc từ chấp ngã mà ra. Hàng Nhị thừa chấp ngã đã hết, nhưng hết bằng cách nép phục chứ không phải dứt sạch. Vì còn thấy sanh tử đáng sợ, Niết-bàn là vui, sợ cái khổ thích cái vui thì cũng còn cái ta ngầm ngầm ở trong. Tuy thấy vô ngã, cái ta không thật nhưng vẫn còn sợ cái này, ưa cái kia thì còn cái ta ngầm, vậy mới nép phục vô minh chứ chưa phải đoạn. Còn Phật thì không sợ sanh tử, không cầu Niết-bàn, chúng sanh còn mê thì Phật còn độ, chứ không nghĩ tránh cái khổ này, hưởng cái vui kia. Vậy Phật còn ngã không? Vì chúng sanh mà giáo hóa, vì chúng sanh mà tu hành chứ không phải vì mình, thì cái ngã không còn, vì vậy mà hai bên có khác nhau.
Cho nên Phật đối với vô minh lúc nào cũng thấy mình chưa tròn. Tại sao chưa tròn? Ngài đã hết vô minh nhưng chúng sanh còn khổ, còn mê thì ngài cũng còn lăn lộn trong đó để độ họ, nên đối với vô minh ngài thấy cũng còn chưa xong. Vì chúng sanh chưa giác ngộ như ngài thì bổn phận ngài phải lo độ họ. Còn hàng Nhị thừa thì thôi chúng sanh cứ ở đó hết mê rồi đi sau, tôi đi trước. Đó là hai quan niệm có khác. Sợ khổ, tránh khổ thì có ngầm cái ngã ở trong, cho nên vẫn còn ngầm cái vô minh.
Đức Như Lai vì đối với hàng đại căn muốn dẫn họ về bảo sở, khiến tu chủng trí đồng khế hợp với chữ y (...) viên mãn, đương thời hoặc có khen hay chê, đề cao hay hạ thấp.
Nhị thừa kém là còn nép phục vô minh chứ chưa thật hết, nhưng các ngài hết sanh tử và đầy đủ thần thông diệu dụng v.v... thì cũng quá hay quá cao chứ không phải là thường. Nhưng trong kinh Phật quở là vì Phật muốn dẫn họ đến chỗ Phật quả mới thôi, cho viên mãn tròn đầy giống chữ y (...) của Ấn độ. Vì vậy có khi Phật khen hoặc chê, có khi Phật đề cao hoặc hạ thấp, đó là tùy theo duyên. Nhưng đối với phàm phu chúng ta, nhìn quả A-la-hán thì chúng ta khen nức nở, làm còn chưa nổi, chứ đâu dám nói là thường. Chúng ta nghe Phật chê cũng bắt chước chê theo, đó là bắt chước chê chứ không phải chê thật. Giả như quý vị đang nghe pháp trong giảng đường rồi có một vị A-la-hán thăng thiên ngồi xếp bằng trên hoa sen giữa hư không, thì lúc đó chúng ta có chạy ùa ra đảnh lễ ngài hay không? Thanh văn có thần thông thì chúng ta cũng phục, cũng phải kính lạy như thường, vì chúng ta còn là phàm chưa được gì hết. Thế nên tuy Phật chê hàng Thanh văn mới nép phục vô minh chứ chưa có sạch, nhưng đối với chúng ta các ngài quá là hay, cách xa chúng ta cả ngàn dặm rồi.
Hạng phàm phu chẳng biết, rồi lại sợ bị quở, nhưng họ đâu biết mình ái kiến hãy còn nên còn cách hàng Nhị thừa xa lắm.
Chúng ta còn phàm phu nhưng đọc kinh Đại thừa thấy Phật quở hàng Thanh văn rồi cũng bắt chước chê theo. Đối với Phật thì Phật quở là phải, nhưng đối với chúng ta ái kiến còn đầy, còn các ngài sạch hết mà mình chê thì chê sao được. Các ngài vượt xa mình muôn ngàn dặm mà chê các ngài ắt là có tội.
Tuy cũng nói đến tu đạo nhưng các hoặc sử chưa bỏ, chẳng những thân và miệng chưa đoan chánh cũng là do tâm siểm khúc. Kiến sanh từ nơi ý nên giải trái với chân thuyên, chẳng y theo Thánh giáo, chưa từng học hỏi bậc minh sư.
Ngài Huyền Giác trách phàm phu chúng ta chê các bậc thánh Nhị thừa. Chúng ta ngày nay cũng nói là tu nhưng các hoặc sử, tức thập triền, thập sử hay các hoặc tham sân si chưa bỏ được bao nhiêu. Về tham sân si, nếu bỏ được chừng mười phần trăm thì cũng kha khá rồi, chứ có người tu năm mười năm mà tham sân si sao cũng y nguyên, đó mới đáng buồn!
Có nhiều vị than ngày xưa ít đi chùa thì thấy dường như ít phiền não, bây giờ đi chùa nhiều sao phiền não quá. Như vậy đi chùa là thêm phiền não, tức là thêm tham sân si rồi, vậy càng tu càng thêm sao? Chúng ta phải kiểm điểm lại, tu là để giảm bớt phiền não, nếu phiền não không giảm thì sự tu có đúng chưa? Tu năm mười năm mà phiền não không giảm là tu không kết quả, thì phải hổ thẹn mà cố gắng. Nếu tu năm mười năm mà phiền não còn tăng nữa thì thôi lạy Phật cho con trở về giữ nhà còn có phước hơn, chứ càng đi chùa thì phiền não càng lắm, không biết ngày sau nhắm mắt rồi sẽ đi đâu? Vì vậy phải sáng suốt nhận biết mình cái dở còn nhiều ít, cái hay được bao nhiêu, tự xét tự biết chứ đừng đi hỏi thầy này thầy kia làm gì. Khi chưa biết tu ở nhà ai động tới thì nổi giận đùng đùng la ỏm tỏi, bây giờ đi chùa biết tu rồi có người động tới cũng nổi giận nhưng không dám la, chỉ nghe hơi bực bội thôi,vậy là có tiến được một chút rồi. Còn nói tu hết sạch nóng giận liền là không có, giảm từ từ, từ thô lần lần tế, lần lần thật là vi tế, như vậy mới gọi là có lợi ích.
Người ta cứ nghĩ quý thầy quý cô chắc không còn nóng giận chút nào nữa đâu? Vẫn còn, nhưng khác với người đời, vì trong chùa có câu “tăng hận bất cách túc”, nghĩa là quý thầy giận không quá một đêm. Buổi chiều người ta nói trái ý bực một chút, ngủ qua đêm đến sáng không nhớ nữa, đó là tu khá rồi. Còn Phật tử giận thì sao? Có người nói cả đời không nhìn mặt người đó, không phải là thời gian ngắn mà là cả đời! Có người còn nói đời sau sanh ra không đội trời chung với người này nữa, chẳng những giận đời này mà còn mang đến đời sau, cho nên người phàm khác với người tu là vậy. Người tu giận bữa nay rồi ngày mai bỏ, gặp nhau cũng xuề xòa không bực tức, đó là tiến, chứ chưa dám nói hết sạch. Biết vậy chúng ta tập tu, cái gì trái ý giận một chút rồi bỏ. Nếu giận liền la thì có hai nghiệp là nghiệp của ý và nghiệp của khẩu. Nhưng nghiệp của miệng thì khiến người nghe nhớ hoài, còn nghiệp của ý chưa nói lời nào thì họ không nhớ.
Khi nổi giận thì hiện ra ba điều: mặt đỏ lên, miệng nói nặng lời, tay chân đấm đá. Vậy để dẹp giận, trước không quơ tay múa chân, kế đó không mở miệng nói, chịu đựng lặng thinh một lúc cho qua, giận chút thôi rồi bỏ. Tập từ từ chừng nào người ta chửi mà mình thản nhiên như đức Phật thì thảnh thơi vô hạn. Người ta chửi mà mình không giận có dễ hay không? Thật ra không khó. Khó là tại cái ngã của mình to. Thí dụ có ai nói mình ngu mà mình chửi lại họ thì mình ngu thật. Mình chỉ nói: “Phải, người xưa nói càng học càng dốt, không ngu sao được!” Vì trong thế gian, dù mình có biết được nhiều đi nữa, còn bao nhiêu điều mình chưa biết là vẫn còn ngu. Giải hòa như vậy là yên ổn nhất, là cách xử sự của người trí.
Tóm lại không có gì đáng giận, nhưng vì chúng ta cứ tưởng tượng đó là xấu là nhục, khiến cho cái chấp của mình tăng, rồi sanh ra giận hờn tức tối, chứ thật ra không có lẽ thật, chỉ cười thôi. Cả hai người chửi mắng với nhau thì không ai khôn hết. Tu là bình tĩnh sáng suốt, đối duyên xúc cảnh mình làm chủ, không quan trọng những lời nói sai lầm của người khác. Người tu muốn dứt phiền não, bỏ tham sân si không phải là chuyện khó, chỉ cần sáng suốt nhận định chín chắn, không bị lời nói của người làm cho mình mất bình tỉnh. Như vậy là dẹp được những manh mối khổ đau cho mình và cho người.
Tuy cũng nói đến tu đạo nhưng hoặc sử chưa bỏ chẳng những thân và miệng chưa đoan chánh cũng là do tâm siểm khúc. Tâm cong vạy, không ngay thẳng nên mới sanh ra những chuyện sân giận phiền não như vậy.
Kiến sanh từ nơi ý nên giải trái với chân thuyên. Chẳng y theo Thánh giáo, chưa từng học hỏi bậc minh sư. Tà kiến sanh từ ý sai lầm khiến cho mình hiểu trái lời Phật, không y theo kinh điển, cũng không vâng theo lời dạy của các bậc minh sư.
Căn duyên chẳng phải chỉ huân tập từ đời trước, kiến giải chưa dự vào hàng sanh tri, mà có khả năng thế trí biện thông đàm luận suốt ngày, có lúc lấy lời trong kinh bẻ cong theo cái hiểu của mình, luông tuồng nói bậy để dối kẻ ngu, bài bác nhân quả tội phước. Thuận tình thỏa thích sanh yêu, nghịch ý bực bội ôm giận, hình trạng của ba thọ còn nguyên mà tự xưng địa vị đồng hàng Bồ-tát. Các lỗi đã trình bày ở chương đầu chưa dứt thì chúng hãy còn trói buộc người. Pháp Đại thừa chưa tu mà dám chê bậc Tiểu học, nói cho sướng mồm một lúc, cái họa chê bai đành rành, ba đường khổ luân chịu báo nhiều kiếp. Ôi! Thật đáng thương thay! Nói đến lòng thêm chua xót.
Ngài quở trách chúng ta tu chưa được bao nhiêu mà dám chê hàng Tiểu thừa, chê bậc chân tu. Đối với tội phước chúng ta chưa nắm vững, nhưng được cái duyên thông minh hiểu biết, rồi đem lý nhân quả của Phật ra bài bác v.v... Những người như thế tuy nói thông minh chứ thật ra đang chuốc tội, đang đi vào con đường đau khổ mà không tự biết, còn xưng là đồng hàng với Bồ-tát. Thế nên chúng ta tu phải biết mình ở vị trí nào đừng có lạm xưng, nói mình tu theo Đại thừa, tu Bồ-tát hạnh rồi chê Nhị thừa, Tiểu thừa v.v... đó là điều không tốt.
Ví dụ chúng ta đang là người dốt đặc không có chữ nào mà nghe anh đó học đến tiểu học, anh kia học đến trung học, anh nọ học đến đại học, rồi nghe anh đại học chê mấy người tiểu học, trung học còn thấp, thì mình cũng bắt chước chê anh tiểu học còn thấp lắm, trung học hơi khá thôi, nhưng chừng hỏi lại mình chưa biết chữ, thì sao? Cũng vậy chúng ta tu còn là phàm phu chưa ngang bậc với Tiểu thừa, mà nghe nói Tiểu thừa thì chê người ta ích kỷ tiêu cực đủ thứ, nhưng còn mình thì chưa có bước nào trên đường đạo. Cho nên ngài mới than rằng: Ôi, thật đáng thương thay! Nói đến lòng thêm chua xót. Những người lầm lẫn như vậy thật đáng thương, đáng tội nghiệp!
Nhưng mà người đạt tánh đối cảnh càng thêm soi chiếu, bậc quên tâm cùng với điều thiện chẳng có bận lòng, huống chi lỗi lầm sái quấy của ba nghiệp đâu để trong tâm một điểm trần.
Nếu người thấu suốt được bản tánh rồi thì đối cảnh càng thêm thấy rõ chứ không mơ màng, còn bậc quên tâm thì không có niệm thiện ác, tốt xấu, cùng với điều thiện chẳng có bận lòng, là không ham làm điều gì cho hay cho tốt để được người khen.
Huống chi lỗi lầm sái quấy của ba nghiệp đâu để trong tâm một điểm trần. Khi mình đã quên những điều tốt xấu, hay dở, khen chê thì giả sử có ai thân miệng làm bậy nói bậy, mình có bận tâm không, có hờn buồn không? Đã không thấy tốt xấu, không nghĩ tới khen chê thì tất cả chuyện gì của thiên hạ làm đâu có dính với mình. Cho nên không bận trong lòng chút nào.
Vì vậy bậc đã soi thấy đạo huyền thì ba thọ đã sạch ở nguồn tâm, hàng tẩy uế đã tảo trừ bảy chi của thân miệng.
Những bậc đạt tánh quên tâm thì trong lòng không dính mảy may những gì do ba nghiệp người khác gây ra. Vì vậy các ngài hằng thấu suốt đạo nhiệm mầu của Phật thì ba thọ đã sạch ở nguồn tâm. Ba thọ là: Khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, đều không dính trong lòng. Khi ba thọ đã sạch thì họ đã tẩy uế, tảo trừ hết bảy chi là ba phần ở thân, bốn phần ở miệng. Thân có ba là: sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Miệng có bốn là: nói dối, nói thêu dệt, nói lời ly gián, nói lời hung dữ. Nếu ai tu hành mà tẩy rửa trong lòng được trong sạch thì thân miệng không còn lỗi lầm.
Đối với loại vô tình thì không phạm hạt bụi chiếc lá, đối với loài hữu thức thì không phiền đến bọ đến sâu, khe sâu chưa đủ trong để sánh với các ngài, tuyết bay chẳng đủ sạch để so với các bậc ấy.
Nếu người được tâm ý và thân thanh tịnh rồi thì đối với loại vô tình như chiếc lá, hạt bụi của người mình cũng không lấy, đối với loài có thức như con sâu, con bọ mình cũng không phạm đến. Thế thì khe sâu chưa đủ trong để sánh với các ngài, tất cả điều tốt đẹp cũng không bì được, như tuyết sạch cũng không so được với các bậc ấy.
Mến đức như chim tung cánh muốn bay cao tột đến trăng sao, bỏ ác như cá sợ câu lặn sâu tận đáy sông đáy biển.
Ai có đạo cao đức trọng, các ngài cung kính quý mến như thấy chim bay trên trời cao, cũng mơ ước cùng được bay lên đến tận trăng sao. Các ngài sợ tội lỗi không dám phạm như cá sợ câu, thấy lưỡi câu biết là nguy hiểm thì trốn lặn sâu tận đáy nước.
Ánh sáng huyền diệu của mặt trời cũng hổ với sự chiếu xa của trí, thượng giới thẹn cùng ba cõi duyên tiêu.
Dù ánh sáng mặt trời là huyền diệu cũng hổ thẹn với trí tuệ chiếu xa sáng suốt của các ngài. Các cõi trời trên thượng giới cũng hổ thẹn vì còn kẹt trong Dục giới Sắc giới, còn các ngài các duyên đều tiêu sạch.
Cảnh trí hợp để rỗng không tròn đầy, định tuệ quân bình để ngang nhau một cách mầu nhiệm.
Cảnh trí hợp để rỗng không tròn đầy. Chúng ta thường dính mắc, thấy cảnh đẹp thì tâm dính với cảnh đẹp, thấy cảnh xấu thì tâm bực với cảnh xấu, nên cảnh và trí không hợp nhau. Còn những bậc tu hành cảnh và trí hợp nhau, rỗng không tròn đầy. Trong nhà thiền thường nói “tâm như thì cảnh như, tâm tròn sáng thì cảnh tròn sáng”. Vì thế: “Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây bạc lộ toàn chân.” Cảnh nào cũng do tâm hiện ra chứ không có gì lạ.
Định tuệ quân bình để ngang nhau một cách mầu nhiệm. Thường thường khi tu có người nghiêng về định, có người nặng về tuệ. Nghiêng về định là tu “chỉ”, muốn làm sao cho tâm được định, định sâu chừng nào cho là tu cao chừng ấy. Người nặng về tuệ là dùng trí, quán các pháp như huyễn như hóa, quán hoài thì trí sáng nhưng dao động chứ không yên tịnh. Cho nên định và tuệ quân bình là cái khéo của người tu. Định tuệ quân bình thì được những mầu nhiệm không thể lường nổi.
Ruộng dâu dầu đổi nhưng tâm vẫn không dời, núi biển có dời nhưng chí vẫn không đổi, mà có thể ở chỗ huyên náo ngưng thần soi chiếu, nguồn tâm sáng sạch tuệ giải vô cùng.
Tâm người tu được quân bình định tuệ rồi thì dù cho ruộng dâu thay đổi mà tâm các ngài vẫn không thay đổi, dù cho núi dời biển đổi mà chí các ngài vẫn không dời đổi.
Có thể ở chỗ huyên náo ngưng thần soi chiếu, nguồn tâm sáng sạch tuệ giải vô cùng, ở chỗ ồn náo mà tâm lúc nào cũng yên định chiếu soi, trí tuệ hiểu biết không ngằn mé.
Quán pháp tánh để được chân như, xem lời Phật để y theo liễu nghĩa. Như vậy, trong nhất niệm pháp môn nào chẳng đủ.
Quán lại pháp tánh của tự tâm mà nhận được chân như. Xem lời Phật dạy mà thấu suốt được liễu nghĩa, chỗ nào tròn đủ ý nghĩa chân thật và chỗ nào chưa tròn. Được như vậy thì chỉ trong một niệm, pháp môn nào cũng đủ.
Bằng như người diệu tuệ chưa bày, tâm không chuẩn đích, giải chẳng hợp lý, hạnh thiếu siêu trần, trái pháp tánh mà thuận phàm tình, bỏ viên thuyên mà chấp quyền thuyết. Thế nên theo thứ lớp tùy cơ, đối căn mà lập giáo.
Người mà diệu tuệ chưa sáng, tâm không vững chắc, hiểu không hợp lý, hạnh không đủ tính cách siêu trần thì những người đó trái với pháp tánh mà thuận phàm tình. Kiểm lại thấy chúng ta có giống không? Thí dụ có người nói tôi khi chưa học đạo đối với người thân anh em, cha mẹ có gì buồn tôi buồn, bây giờ học đạo rồi họ có buồn tôi dửng dưng không buồn, thì như vậy là sao? Nếu thấy rõ thân này không thật, các pháp duyên hợp hư giả, thì đúng theo pháp tánh mà không buồn không khổ thì được. Còn nếu chưa thấy pháp tánh, khi người thân buồn thì mình buồn dã dượi, còn người ngoài thì khổ kệ họ, như vậy đúng chưa? Đó là tình chứ không phải trí. Trí là thấy người thân người sơ như nhau, còn tình thì chỉ thấy người thân không thấy kẻ sơ. Như vậy chúng ta đang sống theo tình hay theo trí? Người mình thương gặp hoạn nạn mình khóc theo, người mình ghét gặp hoạn nạn thì mình cười. Theo trí thì được an, thảnh thơi giải thoát, theo tình thì bị chìm đắm, không giải quyết được việc gì. Thế nên chúng ta phải khéo theo chánh pháp Phật dạy, đừng dính mắc chuyện hơn thua phải quấy ở đời.
Chương này chỉ nói đến giềng mối, còn những chi tiết khác bỏ qua chưa bàn đến. Đường lối tông môn có cạn có sâu, nay chỉ nói sơ lược về chỉ thú của nó, cái học của ba thừa có ảnh hưởng là cho biết được phần vị của nó vậy.
Học để cho biết rõ ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, chứ không phải học để chê Tiểu thừa Trung thừa dở, chỉ có Đại thừa mới hay, mà mình chưa có Đại thừa chút nào. Cái hay là của Bồ- tát chứ không phải của mình, mà chê là không tốt. Vì vậy chúng ta học để hiểu để biết người nào tu tới đâu sẽ an ổn tới đó, chứ không phải mình đã qua hết các phần vị rồi.
Các bài mới
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 6: Chương VI: Bài Tụng Về Ưu-tất-xoa (Thiền) - 09/12/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 5: Chương V: Bài Tụng Về Tỳ-Bà-Xá_Na ( Quán) - 14/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 4: Chương IV: Bài Tụng Về Xa-ma-tha (Chỉ) - 06/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp - 23/10/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo - 28/09/2023
Các bài đã đăng
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn - 20/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 08) - 07/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 07) - 25/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 06) - 18/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 05) - 12/07/2023
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88973
- Online: 32