Thực tại sáng ngời muôn thưở
25/05/2022 | Lượt xem: 3840
TT.Thích Thông Phương
I. THỰC TẠI THẾ NÀO?
Lâu nay bao người cứ bàn về thực tại, nói về thực tại, luận về thực tại và cãi về thực tại rất nhiều, song thế nào là thực tại? Thực tại có hay không? Ở đâu? Dường như câu hỏi vẫn còn đang…! Bởi lẽ, thực tại tức là cái luôn luôn hằng hữu chưa từng thiếu vắng mà luận về nó, bàn về nó thì sao? Có thực tại chưa? Chính đây là điểm lầm lẫn mà người không hay biết. Khi chúng ta nói về nó, tức đã gián tiếp với nó rồi
. Thí dụ có người hỏi ta về anh A, ta trả lời: “Anh A cao lớn, mắt to, da trắng, tiếng nói sang sảng v.v…” thì lúc đó có mặt anh A ở đó chăng? Nếu lúc đó đang có mặt anh A thì ta chỉ cần trỏ ngay anh, bảo: “Đây này!” là xong, khỏi diễn tả dài dòng.
Kinh Lăng Nghiêm, đoạn nói về TÁNH THẤY lìa nghĩa TỨC PHẢI và CHẲNG PHẢI, Phật bảo Bồ-tát Văn-thù:
- Như ông chính là Văn-thù, vậy còn có Văn-thù nào TỨC PHẢI Văn-thù hay không Văn-thù nữa chăng?
- Bạch Thế Tôn! Đúng như thế! Con chính là Văn-thù rồi, không còn có cái gì TỨC PHẢI Văn-thù nữa. Tại sao? Nếu có cái TỨC PHẢI thì thành ra có hai Văn-thù rồi, song ngay đây con không phải là không Văn-thù. Trong đó, quả thật không có hai tướng: TỨC PHẢI hay CHẲNG PHẢI TỨC PHẢI.
Đến chỗ thực tại rốt ráo này mà còn nói TỨC, nói PHẢI, là có cái bóng thứ hai rồi. Chẳng hạn nói TỨC TÂM TỨC PHẬT, đó cũng là phương tiện nói, chưa phải là tột lý. Nếu người tỏ ngộ mà còn chưa quên chữ “TỨC” là cũng còn chưa hết mê. Nghĩa là còn thấy có “Tâm”, có “Phật” để “TỨC”, là còn ngăn cách, còn một chút khái niệm trong đó chưa quên. Đây là chỗ đặc biệt của Thiền, không thể bắt chước hay học lóm.
Cũng chuyện Ngài Văn-thù, một hôm Phong Can sắp đi núi Ngũ Đài bèn nói với Hàn Sơn và Thập Đắc:
- Các ông cùng ta đi viếng Ngũ Đài tức là cùng bọn với ta, nếu chẳng đi tức chẳng phải cùng bọn với ta.
Hàn Sơn hỏi:
- Ông đi Ngũ Đài làm gì?
Phong Can đáp:
- Lễ Văn-thù.
Hàn Sơn bảo:
- Ông chẳng phải cùng bọn với ta.
Phong Can bèn đi một mình đến Ngũ Đài, gặp ông già liền hỏi:
- Có phải là Văn-thù chăng?
Ông già đáp:
- Há có hai Văn-thù sao?
Phong Can liền lễ bái, chưa kịp đứng dậy thì ông già bỗng nhiên biến mất.
Hàn Sơn chính là Văn-thù rồi, còn rủ đi lễ Văn-thù, là một lần Phong Can lầm qua. Ông già ở Ngũ Đài cũng chính là Văn-thù hiện, Phong Can đang đối diện Văn-thù lại còn hỏi “phải Văn-thù chăng?”, tức là hai lần lầm qua, nên hết thấy Văn-thù. Thực tại cũng vậy, hỏi về thực tại là không biết thực tại. Huống nữa, trong đó còn tranh cãi nhau về thực tại thì quả tang là còn cách xa thực tại, chứng minh cả hai chưa biết gì thực tại, chỉ là tưởng về thực tại thôi. Nói rõ hơn là, cùng SỐNG TRONG KHÁI NIỆM.
Trong kinh Niết-bàn có câu chuyện về đám người mù rờ voi: Một hôm, ông vua muốn thử chỗ nhận biết của những người mù, bèn cho đem con voi ra trước sân, đồng thời gọi một số người mù đến, bảo mỗi người hãy diễn tả con voi xem thế nào? Trong đám người mù đó lăng xăng đến rờ con voi, người rờ trúng lỗ tai voi nói: con voi giống cái quạt. Người rờ trúng bụng voi, nói: con voi giống cái lu. Người rờ trúng chân voi, nói: con voi giống cột cái. Người rờ trúng đuôi voi, nói: con voi giống cây chổi v.v… Mỗi người nói mỗi khác, tranh cãi nhau inh ỏi. Trong khi đó, ông vua nhìn thấy chỉ cười thôi.
Câu chuyện thật ý vị! Mỗi người mù đều rờ trúng con voi thật sự, nhưng vì chỉ rờ trúng một bộ phận, không thấy được toàn thể con voi nên có tranh cãi nhau, ai cũng cho mình đúng hơn hết. Ngay lúc đó, ông vua thấy rõ toàn thân con voi thì chỉ cười. Nếu ông vua cũng nhảy vào cãi với đám người mù kia thì sao? Tức cũng mù luôn! Cho thấy, còn tranh cãi là còn thấy trong khía cạnh, thấy một bên, chưa phải chân lý trọn vẹn. Bởi vậy, Thiền ít trọng lý luận, cốt đưa người thẳng vào.
Chính bài CHỨNG ĐẠO CA của Thiền sư Huyền Giác mở đầu bằng câu: “Anh thấy chăng?” Người học thường bỏ qua chỗ này, nhưng chính đây là cốt tủy của toàn bài ca. Chưa nói gì, mà bảo: “Thấy chăng?” là thấy cái gì? Bởi đây là chỗ chứng Đạo, chỗ đó đã sẵn vậy rồi, trước khi nói năng đã có, đâu đợi mở miệng? Tức Thiền sư Huyền Giác muốn nói, với người đã chứng đạo thì ngay đó tự cảm thông rồi, bao nhiêu ngôn ngữ về sau cũng chỉ giải thích chỗ ấy, song cũng làm sao giải thích đến được? Người có Mắt Thiền, ngay đó liền Thấy xong!
II. THỰC TẠI CÓ HAY KHÔNG?
Khi người đặt câu hỏi này, chính là đang quay lưng với thực tại. Câu hỏi tự nó đã sai rồi, nếu chúng ta không khéo thấy, lại theo đó giải thích thì càng trái xa thực tại.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất có đoạn: “Khi ấy vô số các Bồ-tát từ lòng đất vọt lên đến chỗ Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca lễ bái, đi quanh, tán thán, cúng dường… Lúc đó Phật Thích Ca im lặng ngồi yên, hàng tứ chúng cũng im lặng trải qua 50 tiểu kiếp; do thần lực của Phật khiến hàng tứ chúng cho là như nửa ngày”.
Hãy xem, các Bồ-tát từ lòng đất vọt lên, đi quanh, tán thán, cúng dường Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca, thời gian trải qua 50 tiểu kiếp mà do thần lực Phật, tứ chúng cảm thấy như “nửa ngày”. Như vậy, từ khi Phật nói kinh đến nay mới hơn hai ngàn năm, vậy là cảnh đó có còn chăng? Tức pháp hội Linh Sơn vẫn đang hiện hữu đâu thiếu! Đặc biệt, chúng hội tưởng như nửa ngày. Bởi khi tâm định thì quên thời gian, trong ấy đã bặt ý niệm về thời gian, thì ba đời ngay trong một niệm thôi. Kinh nghiệm thực tế, khi chúng ta ngồi thiền, tâm an định thì cảm thấy ba, bốn tiếng đồng hồ như chừng chốc lát. Người đứng ngoài nghe nói thật khó tin. Vậy làm sao nói có hay không? Họ không hay biết chút gì, làm sao nói “có” với họ? Chính mình chứng nghiệm rõ đây, thì làm sao nói “không”? Cho nên, chỗ này không phải là chỗ để lý luận có không, cần nhất là người có “thể nghiệm” được chưa?
Trong nhà Thiền có một Thiền sư bảo với chúng: “Này các thầy! Hãy xem kìa! Ánh sáng rực rỡ đang tỏa khắp cả đại thiên thế giới, cùng lúc hiển hiện mọi xứ sở, hiển hiện tất cả núi Tu-di, những mặt trời, mặt trăng, những bầu trời, cõi đất v.v... nhiều đến trăm ngàn ức số. Này các thầy! Các thầy có thấy ánh sáng ấy chăng?”.
Với người chưa chứng ngộ nghe nói thế, có tin được chăng? Hẳn sẽ cho là Thiền sư đang nói với ai đó, ở một cõi xa lạ ngoài cõi Ta-bà này. Nhưng chính Thiền sư nói là đang nói ở thế gian này. Tại sao Ngài thấy còn Ta không thấy? Ta không thấy có thể bảo là nó hoàn toàn không có được chăng?
Quả thật, THỰC TẠI SÁNG NGỜI đang hiện hữu khắp nơi. Chỉ người chịu MỞ mắt tuệ liền thấy rõ, không chút nghi ngờ. Cứ nhắm mắt mà lo cãi thì cãi bao giờ đến?
Nơi Thiền sư Duy Chánh, có vị tăng hỏi:
- Thầy mang danh là Thiền sư sao không nói Thiền?
Sư bảo:
- Ngày đêm nhờ vạn tượng diễn bày mà thôi, ngôn ngữ có gián đoạn mà pháp này vô tận, nên gọi “Tạo Hóa Vô Tận Tạng”.
“Pháp này” mà Thiền sư Duy Chánh nói là kho Tạo Hóa Vô Tận, đó là pháp gì? Chính ngay đây, THẤY NGHE tất cả mà chẳng mê thì có chỗ nào thiếu vắng ánh sáng ấy? Lời nói ra thì có lúc nói, lúc im, còn cái Biết đang hiện hữu đây, Biết hết mọi thứ mà không lẫn lộn với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì có bao giờ gián đoạn? Có chỗ nào không diễn bày ánh sáng đó? Cái sờ sờ muôn thuở là đây!
Chính Lục Tổ khi đại ngộ trong thất Ngũ Tổ liền la lên:
“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”
Tức tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh hiện tiền chưa bao giờ mất, nhưng chúng ta đành bỏ quên không nhớ tới. Giờ chợt nhận ra, thật không ngờ! Lời “đâu ngờ” là nói lên một cái thấy vượt ngoài suy tưởng. Nói theo đây là: THỰC TẠI ĐÂU NGỜ!
III. THỰC TẠI Ở ĐÂU?
Đây là một điểm nữa cần thấu triệt để không lầm ngôn ngữ. Tâm người quen sống có CHỖ đã lâu, không chỗ thì chới với nên luôn hỏi chỗ. Với thực tại mà hỏi ở đâu, tức xa thực tại rồi, đâu còn là thực tại! Có ở đâu là bị chỗ đó CHUYỂN, là đi vào luân hồi. Còn đợi câu trả lời để hiểu nữa là càng đi xa quá xa.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Tự Mãn:
- Chẳng rơi vào xưa nay, xin thầy nói thẳng!
Sư bảo:
- Đã biết ông lờ mờ rồi!
Vị tăng muốn hỏi thêm, Sư liền bảo:
- Sẽ cho là Lão tăng rơi vào xưa nay.
Ông tăng hỏi thẳng mà Sư bảo lờ mờ, ai thấy ông tăng lờ mờ ở chỗ nào? Hãy chín chắn lại xem: Đã chẳng rơi vào xưa nay mà còn đợi nói ra thì sao? Có nói ra tức rơi vào xưa nay rồi. Ngay chính câu hỏi đã kẹt “RƠI - CHẲNG RƠI”, là trái thực tại mà không hay. Nếu thực chẳng rơi XƯA NAY, sao còn đợi chỉ? Người kẹt chữ nghĩa dễ lầm chỗ này!
Còn đây, Thiền sư Huệ Minh cất am trên núi Đại Mai, có hai thiền khách đến am, Sư hỏi:
- Thượng tọa ở đâu đến?
Thiền khách đáp:
- Ở đô thành đến.
Sư bảo:
- Thượng tọa rời đô thành đến núi này thì ở đô thành thiếu Thượng tọa, ở núi này dư Thượng tọa. Dư thì ở ngoài tâm có pháp, thiếu thì tâm pháp chẳng khắp. Nói được đạo lý thì ở, chẳng hội nên đi.
Cả hai không đáp được.
Thiền sư Huệ Minh khéo đem THIẾU DƯ để gạn hai Thượng tọa kia. Đúng ngay hai ông còn kẹt “đây kia”, “chỗ nơi”, quên mất thực tại hằng hữu nơi mình nên bị ngôn ngữ lừa. Chính cái đang đối diện hỏi đáp đó, có đây kia gì đâu? Thấy đây, thấy kia là kẹt trên thân tướng giả hợp này. Y cứ trên thân tướng này thì có chỗ nơi, nên có ở đây thì vắng ở kia. Đã kẹt chỗ nơi, đây kia nên cũng vướng mắc thiếu dư thành bị ngại.
Lâm Tế cũng từng thể hiện ý này rất tế nhị. Sư từ giã Hoàng Bá đi, Hoàng Bá hỏi:
- Ông đi về đâu?
Sư đáp:
- Chẳng về Hà Nam liền về Hà Bắc.
Chỉ một câu đáp nhẹ nhàng nhưng biểu hiện sức sống thực tại luôn hiện hữu nơi Sư. Nghĩa là, với Sư thì sức sống chân thật đó luôn luôn hiện hữu nơi mình không lúc nào vắng mặt, không dừng ở một chỗ nào, không thuộc ở Hà Nam cũng không thuộc ở Hà Bắc. Chính Sư luôn sống trong ấy mới trả lời được như thế. Nếu người còn nhớ chỗ kia, chỗ này, hoặc ở Hà Nam hoặc ở Hà Bắc, tức còn kẹt trên cái TA này, đó là chưa thật thấy TÁNH, chưa SỐNG NGAY THỰC TẠI ĐANG LÀ!
Chính vua Lý Thái Tông vì muốn biết chỗ sống của Thiền sư Thiền Lão, nên một hôm vua vào núi hỏi Sư:
- Hằng ngày Hòa thượng làm gì?
Sư đáp:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc lộ toàn chân.
Hỏi hằng ngày làm gì, tức hỏi chỗ sống của Thiền sư. Với Thiền Lão thì tất cả trước mặt đều hiện bày ánh sáng chân thật ấy không chỗ nào thiếu vắng, không có thêm cái gì khác nữa để làm. Vì vậy, trăng trong, mây bạc, trúc biếc, hoa vàng đều lộ bày toàn thể tánh chân, Sư thấy cái gì cũng sáng ngời không mê. Đó là thực tại luôn hiện hữu, còn phải tìm đâu nữa?
Cũng như có ông tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:
- Khi tiên nhân Tỳ Mục cầm tay đồng tử Thiện Tài, liền thấy vi trần Phật thì thế nào?
Triệu Châu liền cầm tay ông tăng bảo:
- Ông thấy cái gì?
Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới nói, khi đồng tử Thiện Tài đến tham học với tiên nhân Tỳ Mục, được tiên nhân cầm tay thì liền đó thấy vô số Đức Phật nhiều như bụi nhỏ. Ở đây ông tăng thắc mắc, trong cái cầm tay có gì đặc biệt mà thấy vi trần Phật như thế? Không ngờ Triệu Châu là bậc mắt sáng, Sư đâu theo cái khuôn chữ nghĩa để giải thích, mà trực tiếp đưa ông tăng vào chỗ thực tại đó! Chính ngay khi Sư cầm tay, ông Tăng liền cảm nhận chưa trôi vào niệm thứ hai, trong ấy thiếu cái gì? Phật Phật vô lượng, vô số có ngoài ánh sáng ấy đâu? Nghe nói tiên nhân Tỳ Mục, lo nhớ đến ở thuở nào, về mấy ngàn năm trước, là đánh mất ÁNH SÁNG THỰC TẠI ĐÂY RỒI!
IV. THIỀN SƯ ĐÁNH THỨC THỰC TẠI
Đến đây, chúng ta hãy lắng lòng xem Thiền sư đánh thức thực tại cho người.
* Hòa thượng Nam Tuyền, một hôm Sư đi qua nhà tắm thấy vị Trưởng phòng tắm đang đốt lửa nấu nước, bèn hỏi:
- Ông làm gì?
Trưởng phòng tắm thưa:
- Nấu nước tắm.
Sư bảo:
- Nhớ gọi con trâu đực đi tắm với!
Trưởng phòng tắm đáp: - Dạ!
Đến chiều, Trưởng phòng tắm vào phương trượng, Sư hỏi:
- Làm gì?
Trưởng phòng tắm thưa:
- Mời con trâu đực đi tắm.
Sư bảo:
- Đem được dây thừng đến chăng?
Trưởng phòng tắm không đáp được.
Sau đó, Triệu Châu đến thăm hỏi, Nam Tuyền thuật lại việc trên, Triệu Châu thưa:
- Con có lời.
Nam Tuyền bảo:
- Đem được dây thừng đến chăng?
Triệu Châu liền đến gần trước chợt nhéo mũi Nam Tuyền. Nam Tuyền bảo:
- Phải thì phải, mà thô quá!
Xem đó, Trưởng phòng tắm biết mời trâu mà không nắm mũi được. Có đầu mà không đuôi, trước như lanh lợi, sau bị ló đuôi. Triệu Châu khéo léo, ngay cái nhéo mũi, trâu bị dẫn tới rồi, hết chạy đâu khỏi! THỰC TẠI ĐÃ HIỆN RA ĐÓ!
* Thạch Củng nhéo mũi Trí Tạng. Một hôm, Sư cùng Trí Tạng đi dạo chơi, Sư hỏi Trí Tạng:
- Sư đệ biết bắt hư không chăng?
Trí Tạng đáp:
- Biết bắt.
Sư hỏi:
- Làm sao bắt được?
Trí Tạng lấy tay chụp hư không. Sư bảo:
- Làm thế ấy đâu bắt được hư không!
Trí Tạng hỏi lại:
- Sư huynh làm sao bắt?
Sư liền nắm mũi Trí Tạng vặn mạnh. Trí Tạng đau quá la lên:
- Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!
Sư bảo:
- Phải làm như thế mới bắt được hư không.
Trí Tạng về đến khuya mới nhận ra ý chỉ ấy.
Trong đây, Trí Tạng lấy tay chụp hư không, rất dễ làm lầm người. Chụp cái gì trong đó?
Thạch Củng nhéo mũi, Trí Tạng đau la lên, người cứ tưởng trong ấy trống rỗng không có gì, vậy cái gì “la lên” đó? Quả tang là đang hiện tiền bị tóm lấy rồi! Chính đó là cái KHÔNG VI DIỆU, là THỰC TẠI KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN. Tuy nhiên kỵ nhất sanh tâm động niệm. Ngay đây vừa động niệm là rơi vào ba thời, tức mờ đi thực tại rồi!
* Tăng hỏi Quy Tỉnh về cây bách của Triệu Châu. Có ông tăng đến hỏi Sư về cây bách của Triệu Châu, Sư bảo:
- Ta chẳng tiếc nói với ông, mà ông có tin chăng?
Tăng thưa:
- Lời của Hòa thượng quý trọng, con đâu dám chẳng tin.
Sư bảo:
- Ông có nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?
Tăng hoát nhiên đại ngộ, thốt:
- Chao!
Sư hỏi:
- Ông thấy đạo lý gì?
Tăng làm tụng:
Thiềm đầu thủy đích
Phân minh lịch lịch
Đả phá càn khôn
Đương hạ tâm tức.
Nghĩa:
Giọt mưa trước thềm
Rành rẽ rõ ràng
Đập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt.
Như vậy ông tăng ngộ cái gì? Từng giọt, từng giọt mưa, nghe rõ ràng rành rẽ không sót một giọt, không để lọt một giọt ra ngoài ánh sáng ấy. Thì không phải là vẫn hằng hữu luôn luôn đó sao? Nếu có gián đoạn thì đâu rành rõ từng giọt, trái lại là đã có giọt bị mê mất rồi. Cốt là ngay đó: “Đập nát càn khôn, liền đó tâm dứt”, nghĩa là bặt mọi chỗ hiểu biết, không tướng để duyên, thì chính đó ánh sáng thực tại sờ sờ hết còn chạy trốn đâu được. Vậy còn gì mà nói “có không, thế nào, ở đâu”?
Quả thật, chúng ta đang sống trong thực tại nhưng lại đi tìm thực tại. Thiền sư đã cảm nhận được điều đó nên các Ngài luôn dùng mọi cách hay khéo để đánh thức cho mỗi người chúng ta tỉnh lại chỗ này. Nói “sáng tâm”, nói “tỏ tánh”, không ngoài sáng tỏ được việc này. Vậy thì có ai dám can đảm, ngay đây buông xuống hết mọi khái niệm hiểu biết nào tâm tánh, nào thực tại, nào bản lai diện mục v.v... buông và buông sạch, xem lại chính đấy là gì?
Xưa nay trước mắt sờ sờ,
Có gì thiếu thốn mà quơ thêm vào.
Khiến cho đã sáng từ lâu,
Trở thành mờ tối, còn đâu thuở nào!
Các bài mới
- Ý nghĩa điên đảo - 28/04/2020
- Tỉnh mộng - 17/10/2019
- Tâm sanh các pháp sanh - 07/10/2019
- Phật là gì - 16/05/2019
- Hãy ngu đi - 24/03/2019
Các bài đã đăng
- Cửa thiền hé mở - 14/03/2019
- Bài học giác ngộ - 12/01/2019
- Yếu chỉ minh tâm - 02/01/2019
- Tự thắng mình là trên hết - 26/10/2018
- Tam Vô của Lục Tổ - 14/08/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 99350
- Online: 12