Tín tâm minh giảng giải ( Phần 2)

07/09/2016 | Lượt xem: 3760

HT.Thích Phước Tú dịch và giảng giải

 Tín Tâm Minh là một tác phẩm của Tổ Tăng Xán.

* Cơ duyên ngộ đạo:

          Lúc vào tuổi 40, Ngài mắc chứng bệnh ghẻ lác đầy mình, trị thầy không khỏi. Một hôm, Ngài gặp Tổ Huệ Khả mới thưa rằng:

          - Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình xin Thầy từ bi vì đệ tử sám hối.

         

Tổ bảo:

-Đem tội ra ta sẽ vì ngươi sám hối.

Vị cư sĩ này đứng sững giây lâu thưa:

-Đệ tử tìm tội không thể được.

          Nhị Tổ nói:

          - Ta đã vì ngươi sám hối rồi, nhưng ngươi nên nương tựa Phật – Pháp – Tăng.

          Vị cư sĩ nói:

          - Hiện giờ đệ tử thấy Thầy, đã biết được Tăng, không biết thế nào là Phật và Pháp?

          Tổ dạy:

          - Tâm ấy là Phật, Tâm ấy là Pháp. Phật Pháp không hai, ngươi có biết có chẳng?

          Vị cư sĩ trả lời:

          - Nay đệ tử mới biết Tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa. Như tội, Tâm cũng vậy. Thật Phật Pháp không hai.

          Sư nghe nói rất hoan hỷ cho cạo tóc xuất gia, bảo:

          - Ngươi là Phật Pháp của ta nên đặt tên là Tăng Xán.

          Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Thiên Bình năm thứu hai (536 TL) Tăng Xán được thọ giới cụ túc tại chùa Quang Phước. Từ đó, bệnh của ông lần lần thuyên giảm.

          Ông theo hầu Thầy được hai năm. Một hôm, Sư Huệ Khả gọi ông đến bảo:

          - Tổ Bồ Đề Đạt Ma chẳng ngại xa xôi từ Ấn Độ sang, đem Chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát, ngươi khéo giữ gìn chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

                                      Bổn lai duyên hữu địa

                                      Nhơn địa chủng hoa sanh

                                      Bổn lai vô hữu chủng

                                      Hoa diệc bất tằng sanh.

Có nghĩa là:

                                      Xưa nay nhơn có đất

                                      Bởi đất giống hoa sanh

                                      Xưa nay không có giống

                                      Hoa cũng chẳng từng sanh.

          Đọc kệ xong, Sư lại tiếp:

          - Ngươi phải tìm nơi núi sâu ở ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn.

          Tăng Xán thưa:

          - Thầy đã biết trước mọi việc, cúi xin từ bi dạy con rành rẽ.

          - Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát Nhã Đa La do Tổ Đạt Ma thuật lại cho ta nghe. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, phải một trăm năm mươi năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ này:

                   Tâm Trung tuy kiết ngoại đầu hung

                   Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung

                   Vị ngộ độc long sanh võ tử

                   Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.

          Dịch:

                   Trong tâm tuy kiết ngoài đầu hung  

                   Đất xuyên phòng tăng tên chẳng trúng

                   Vì gặp độc long sanh con võ

                   Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.

          Xét về liên số nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ, ta cũng có cái nợ ngày trước nay cần phải trả. Tới đây, Nhị Tổ và Sư chia tay nhau.

          * Hoàng hóa:

          Tâm Tổ Tăng Xán sau khi được y bát, Ngài đến ở ẩn nơi núi Hoàn Công thuộc Thư Châu.

          Đời Châu Võ Đế ra lệnh diệt Phật Pháp, năm 561 TL Sư sang ở núi Tư Không huyện Thái Hồ, Sư thường đổi dời ít khi ở lâu một chỗ nên hơn mười năm mà không ai biết tông tích.

          Thời gian Sư ở núi Tư Không có một vị Sư ở Ấn tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Trung Hoa cầu pháp. Gặp Sư, Lưu Chi hết lòng kính mộ xin làm đệ tử. Sư truyền tâm ấn cho và khuyên qua phương Nam tiếp độ chúng sanh.

          Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi theo lời dạy đã sang Việt Nam để làm Tổ thứ nhất.

          Đời nhà Tùy khoảng niên hiệu Khai Hoàng có sa di Đạo Tín được 14 tuổi đến lễ Sư:

          - Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

          Chúng ta thấy ông sa di này mới 14 tuổi thôi, vậy mà biết đặt một câu hỏi rất hay. Không hỏi pháp thường mà hỏi pháp môn giải thoát.

          Tổ hỏi:

          - Ai trói buộc ngươi?

          Chú sa di nói rằng:

          - Không ai trói buộc.

          Một câu trả lời rất con nít mà cũng rất hay. Nhìn lại là mình không bị ai trói buộc hết.

          Tổ mới dạy rằng:

          - Đã không trói buộc thì đâu cần cầu giải thoát.

          Đạo Tín nghe xong liền đại ngộ.

          Cái cảm giác bị trói buộc là khi chúng ta có vọng tưởng, có vọng tình, có Niệm khởi.

          Như khi mình thấy ham tiền thì bị tiền bạc trói buộc. Chính khi ham danh vọng, ham tình ái thì mình bị danh vọng, tính ái trói buộc. Chỉ vì mình sanh tâm thành ra cảm thấy bị trói buộc thôi.

          Nên khi được Tổ nhắc:  

          - Đã không ai trói buộc thì đâu cần cầu giải thoát.

          TÂM thể vốn thênh thang không có ai trói buộc.

          Chỉ vì mình buộc ràng mình bằng những khởi niệm, khởi ý. Như buộc mình phải học cho thành tài đỗ đạt, học cho thật giỏi. Vì muốn học đỗ đạt cho nên mình phải ràng buộc mình như vậy.

          Người ở xã hội hầu như đều có một sợi dây nào đó ràng buộc, cột trói. Sự cột trói chặt chẽ nhất đó là đời sống gia đình, đời sống lứa đôi, đời sống vợ chồng.

          Thử hỏi đời sống vợ chồng ai trói ai buộc mình? Thật ra cũng chỉ mình thôi. Tự mình trói mình vào trong cái vòng, tự buộc, tự ràng rồi mắc kẹt giãy giụa trong đó, có ra khổ đau cũng là do mình.

Tâm sinh diệt, tâm hiện tượng của mình như bị ràng, bị trói nhưng TÂM bản thể vẫn thênh thang. Cái TÂM đó không gì có thể trói được, nó luôn luôn tụ do tự tại.

Như Đạo Tín ở đây không thấy không biết về cái thể TÂM của mình vốn là tự do, cởi mở. Có điều Đạo Tín tuổi còn trẻ chưa vướng vào những cái vòng kìm kẹp của chính mình và của ai hết. Cho nên Đạo Tín dễ dàng nhận ra về cái Thể Tánh tự do tự tại của mình. Rất nhanh ngộ ra. Đó là điều thật hay ở nơi Đạo Tín.

Nên dạy Đạo là nhằm mở trói cho người, để chỉ cho người “cái tự do tuyệt đối” ở nơi họ, chứ không phải ràng buộc họ điều này, điều kia. Không ràng buộc người ta vào trong vòng ảnh hưởng của mình.

Chúng ta thấy chuyện làm Thầy của Tổ Tăng Xán ở đây hết sức tuyệt vời, không đè đầu bắt người ta phải làm đệ tử mình mà cởi mở cho người, giúp người chóng giác ngộ đời sống tự do giải thoát nơi chính họ. Đó mới gọi là dạy Đạo.

Làm cho người nhận ra cái Đạo tức thời để họ sống được bằng đời sống Đạo ở nơi chính họ. Như vậy là giúp họ có một đời sống tự do, giải thoát, chứ không trói buộc họ bằng sợi dây đạo lý này hay bằng tính cách đạo đức kia. Phải có tinh thần dạy Đạo như vậy.

Không ai ràng buộc ai cả, mà chỉ là giúp cho người có được giải thoát thực sự.

Đạo Tín đã ngộ ra được chỗ đó ở tuổi 14. Một cái tuổi rất con nít mà đã hay ra đời sống giải thoát như vậy. Nên điều này không phải ở tuổi nhỏ hay tuổi lớn. Có nhiều người già mà chẳng hiều gì về chuyện này hết.

Tuy Đạo Tín rõ ra đời sống giải thoát ở nơi chính mình nhưng từ đây Đạo Tín theo hầu hạ Sư suốt chín năm. Sống ở bên Tổ để học hỏi thêm nhiều điều nữa, chứ không phải chừng đó là xong. Phải có thời gian.

Không phải hiểu qua là rồi. Hiểu rồi phải sống với Thầy, gần gũi Thầy để học thêm những điều khác nữa. Cái đại khái thì chỉ trong giây lát nhưng còn những chi tiết, tiểu tiết là cần phải có thời gian.

Không phải Ngộ rồi là xong, còn tất nhiều chuyện. Cho nên thời gian sống với Thầy là chuyện rất cần thiết, càng ngày chúng ta sẽ thấm hơn, sẽ học được nhiều điều hay hơn.

Sau Đạo Tín đến Kiết Châu thọ giới rồi trở lại hầu Thầy rất cần mẫn. Sư dùng lý huyền diệu gạn hỏi, biết cơ duyên đã thuần thục bèn truyền y bát cho ông. Sư bảo:

- Đại pháp nhãn tạng của Như Lai nay ta trao lại cho ngươi cùng y bát, ngươi gắng gìn giữ. Nghe ta nói kệ:

                        Hoa chủng tùy nhơn địa

                        Tùng địa chủng hoa sanh

                        Nhược vô nhơn hạ chủng

                        Hoa địa tận vô sanh

Dịch:

                        Giống hoa tùy nhơn đất

                   Từ đất giống hoa sanh

                   Nếu không người gieo giống

                   Hoa đất trọn không sanh.

 

Đó là bài kệ truyền pháp của Tam Tổ cho Đạo Tín và Đạo Tín trở thành Tổ thứ tư.

Giống hoa  tùy nhơn đất. Hoa có được, nở được là do nơi đất. Từ đất giống hoa mới sanh ra, nhưng nếu không có người gieo giống thì hoa đất trọn không sanh.

Giống hoa Trí huệ là từ nơi Tâm Linh. Từ Tâm linh mà nẩy hoa trí huệ nhưng phải nhờ người reo giống. Không có người gieo giống thì hoa Trí huệ không sanh. Mặc dầu có đất tâm linh nhưng không có người gieo giống thì đất Tâm linh không hiện và hoa Trí huệ không thành.

Đó là Tam Tổ chỉ dậy cho Ngài Đạo Tín về cái TÂM và cái Trí. Phải biết như vậy mà ứng dụng để khai hóa cho chúng sanh,

Con người ta ai cũng có cái TÂM chân thật nhưng không có sự khai hóa, chỉ điểm thì không hay ra được cái TÂM ở mình. Không hay ra được BẢN TÂM thì Trí tuệ không thành. Đó là chỗ chúng ta cần phải hiểu.

          Sư dạy tiếp:

          - Xin Tổ Huệ Khả trao pháp cho ta rồi, Ngài đến xứ Nghiệp Đô hoàng hóa hơn ba mươi năm mới thị tịch. Nay đã có người thừa kế cho ta thì việc của ta đã xong, còn ở đây làm gì.

          Sư đến núi La Phù ngao du hai năm. Sư lại trở về Châu Thu ngụ tại chùa Sơn Cốc, dân chúng ở đây nghe Sư đến đều vui mừng tấp nập kéo đến thừa sự cúng dường.

          Sư thăng tòa thuyết pháp cho tứ chúng nghe. Thuyết xong, Sư đứng thẳng dưới cây đại thọ chắp tay thị tịch nhằm ngày rằm tháng mười, năm Bính Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ hai (năm 602 TL) nhà Tùy.

          Sư có trước bài TÍN TÂM MINH là một tác phẩm trọng yếu của Thiền tông hiện còn lưu hành. Vua Huyền Tông đời Đường truy hiệu là Giám Trí Thiền Sư.

          TÍN TÂM MINH là một bài văn Tin TÂM mình, mà Tổ Tăng Xán đã truyền lại, lời văn của bài rất ngắn gọn, mỗi câu chỉ bốn chữ, rất súc tích nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu xa.

          Đây là những kinh nghiệm tâm linh rất quý giá. Những lời này thốt ra từ sức sống rất thật ở Tam Tổ.

          Thế nên để thông cảm được những lời ngắn gọn, xác thật này người học cũng cần phải có rất nhiều công phu về tu TÂM. Nó ngắn mà khó. Càng ngắn thì càng dón gọn và càng khó nhưng chính chỗ ngắn gọn này lại cô đọng, xác quyết hơn.

          Chúng ta sáng ra được những lời chỉ dạy này thì đường tu sẽ rút ngắn thời gian và công sức.

          Giống như Tổ vậy, chỉ nghe sự khai thị của Nhị Tổ là giải quyết được vấn đề và cái bệnh nghiệp cũng được tiêu giải.

          Làm sao chúng ta đón nhận những lời dạy ngắn gọn này một cách trọn vẹn, để chúng ta sớm được giác ngộ, hay ra sự thật ở nơi chính mình.

          Tổ không dông dài, không nói việc ngoài mình mà chỉ thẳng TÂM mình, cho nên mình phải xoay lại Tâm mình mà đón nhận.

          Giống nhưu các Ngài chỉ vật trong túi của mình, thì mình phải nhìn lại túi của mình để mà biết chứ không phải nhìn qua túi người khác.

          Ở đây gọi là chỉ thẳng TÂM TÁNH.

          Bài minh tức là bài văn và bài văn này nới về tin TÂM mình, làm sao để mình thấy ra được TÂM của mình mà mình tin. Tin nhận được Bản TÂM hay là tin được cái TÂM Phật ở nơi mình.

          Bản văn này được viết bằng chữ Hán. Dưới phần dịch câu chữ Việt thì có thêm một dòng chữ để giải thích ý của câu văn.

          Đây là bài văn ngắn, bốn chữ một câu nên mình có thể học thuộc lòng được.

                                      Chí đạo vô nan,

                                      Duy hiềm giản trạch.

                                      Đản mạc tắng ái,

                                      Đỗng nhiên minh bạch.

          Dịch:

                                      Đạo lớn không khó,

                                      Hiềm vì lựa chọn.

                                      Chỉ chớ yêu ghét,

                                      Bỗng nhiên rõ ràng.

          Nếu chúng ta khéo, đọc đến đâu hieru đến đó thì không cần phải giải thích. Vì Ngài nói là diễn ý cũng trọn vẹn đầy đủ rồi.

          Để biết được cái Đạo lớn, Đạo cả không phải là chuyện dễ. Vì chúng ta đã quen với nếp sống đời. Bây giờ muốn tìm vào đời sống Đạo thì quả là một chuyện khó.

          Nhưng với Ngài thì cái Đạo này không khó. Đúng ra thì nó dễ, nó đơn giản nhưng tại vì mình hay lựa chọn. Người đi tìm, đi cầu Đạo hay lựa chon, hay giản trạch quá. Phân tích, vạch vẽ đủ điều thì lại không hiểu gì hết nên Ngài nói hiềm vì lựa chọn.

          Học Đạo càng đơn giản chừng nào chúng ta càng gần với Đạo chừng ấy. Tâm hồn càng đơn giản thì càng gần với Đạo.

          Đơn giản giống như chú sa di Đạo Tín vậy. Không có lựa chọn, không suy tới nghĩ lui.

          Chúng ta không nhận ra Đạo vì hay lựa chon, hay khởi tâm yêu và ghét tức là tâm có hai. Khi tâm có hai đó là cái chướng ngại không cho mình đến với Đạo.

          Đạo là thênh thang mà tự mình dựng lên có hai, tức là có rào cản nên tự mình xa cách Đạo, chứ thực ra Đạo không xa cách mình.

Đạo là chính mình, nó luôn ôm trọn mình nhưng vì mình có hai. Và cái có hai tệ hại nhất là có tâm yêu và ghét, thích và chán. Chúng ta ưa và chán, yêu ghét những cái có ở trong cuộc sống đời thường.

          Rồi khi vào Đạo chúng ta cũng ưa và chán. Chúng ta ưa cõi Cực lạc, ghét cõi Ta bà. Bằng cái tâm yêu và ghét như vậy vô tình làm nghẽn cái Đạo của chúng ta.

          Để có Cực lạc là phải phải sống được bằng Thể Đạo mà khi có yêu và ghét thì cái Đạo biến mất rồi. Giống như tấm gương trong mà chúng ta viết chữ yêu và ghét thì cái gương còn trong được không?  Đó là điều để chúng ta thấy rõ.

          Mặt phẳng Tâm là mặt phẳng trong suốt, là mặt phẳng không hai mà chúng ta để cho cái có hai dấy động, đó là điều tối kỵ. Thành ra ở đây không phải nói chuyện yêu và ghét mà là nói chuyện có hai. Các vị nhớ yêu và ghét chỉ là tiêu biểu thôi chứ không phải chỉ việc yêu và ghét, mà muốn nói cái chỗ không hai.

          Muốn đạt được Đạo thì tâm chớ có hai.

          Ở đây tiêu biều là yêu và ghét. Trong khi ở kinh Bát Nhã tiêu biều là ba cặp: bất cấu – bất tịnh; bất tăng – bất giảm; bất sinh – bất diệt. Để đi vào Đạo mình phải dụng tâm bằng cách không hai. Để cho cái đầu, cái tâm của mình thực sự vắng bặt. Không có cặp đối đãi nào cả.

          Một cái đầu không đối đãi tức là một cái đầu không Niệm, không Niệm thì ngay đó bỗng nhiên rõ ràng, tức là ngay đó cái Đạo trở nên sờ sờ. Cho nên Ngài nói rằng Đạo lớn không khó.

          Ngài đã cho chúng ta bí quyết để vào Đạo là phải không hai mà chúng ta cứ mãi quen cái có hai.

          Sống với thế gian là sống theo cái có hai. Từ nhỏ cha mẹ đã dạy mình về đời sống có hai. Xã hội cũng dạy mình đời sống có hai. Vô chùa không khéo thầy cô cũng dạy mình sống theo kiểu có hai nữa. Mặc dầu khi xuất gia là phải bỏ tóc dài tóc ngắn, là phủi bỏ tướng có hai. Nhưng gặp các thầy, các cô không hiểu đạo lý thì cũng vẫn tiếp tục dạy mình theo lối có hai nữa.

          Vì thế để sống một đời sống không hai tuy đơn giản nhưng không dễ vì nó thâm căn cố đế, từ tiền kiếp chúng ta cũng đã tích lũy bằng đời sống có hai, nên kiếp này không ai dạy mình đời sống có hai, mình vẫn sống đời có hai như thường.

          Sống đời nam nữ đó là chuyện có hai. Cái giống có hai này ở đâu? Không phải cha mẹ, thầy cô dạy mà nó ở tiền kiếp, đội mồ lên, nhập vào thân mình hôm nay để thực hiện đời sống có hai giữa mình và người khác phái.

          Đó là nghiệp thức chủng tử ngoi lên dạy mình sống theo đời sống có hai. Khi chúng ta sống đời có hai nam và nữ thì bao nhiêu thứ có hai khác đổ xô về buộc chúng ta phải sống có hai. Cho nên những người quen sống có hai như vậy rồi đến với Đạo thật không dễ chút nào.

          Như Đạo Tín không bị đời sống có hai ràng buộc, sớm đến với Đạo vì vậy Đạo Tín rất dễ thực hiện đời sống không hai và rất dễ ngộ Đạo.

          Nên có một vị Thiền sư ở núi, vị này muốn dạy đệ tử một cách nhanh chóng cho nên đã kiếm sư đồ là chú tiểu còn tấm bé mang về núi nuôi và để chú phát triển một cách tự nhiên. Giống như trồng một cây kiểng mà không uốn nắn, tỉa lá, cắt cành gì cả mà để chúng lớn một cách tự nhiên với núi rừng.

          Một hôm có ông Thầy bạn của Thiền sư từ dưới thành phố lên chơi mới gặp chú tiều. Chú tiểu trố mặt mà ngó. Ông mới hởi:

          - Thầy chú không dạy chú gì hết hả?

          Chú tiểu mới nói:

          - Dạy là gì?

          Ông Thầy ra vẻ sư phụ mới nói:

          - Dạy tức là khi thấy khách tới phải chăp tay chào xá rồi mời khách ngồi, lấy nước khách uống. Thầy chú không dạy chú mấy cái đó hả?

          - Hông. Thầy tui không có dạy gì hết.

          Ông Thầy thành phố cười ông Thầy trên núi và đem văn hóa thành phố dạy cho chú tiểu. Chú tiểu chưa từng được dạy nên học rất lẹ. Dạy tới đâu chú học thuộc tới đó.

          Chừng Sư phụ về, chú liền chạy ra để mừng, xá chào Sư phụ rồi xách cặp, xách nón, xách dù cho Sư phụ. Chú dẫn Sư phụ vô, thỉnh Sư phụ ngồi, lấy khăn, lấy nước cho Sư phụ lau. Ông Thầy lấy làm lạ và khi rõ chuyện, ông bực mình nhìn trừng ông Thầy bạn ở thành phố nói:

          - Ông hả? Ai mượn ông tài khôn làm hư đệ tử của tôi. Đi về.

          Chúng ta thấy vị Thiền sư huấn luyện chú tiểu thế nào? Không dạy đệ tử gì hết, để cho đệ tử phát triển một cách tự nhiên. Dạy tức là tập bước vào đời sống có hai. Bưới vào đời sống có hai thì không còn trong sáng hồn nhiên, tự nhiên như trước đó.

          Đạo lý không hai là đạo lý đơn giản nhưng muốn thực hiện thì thật trần ai vì mình đã lỡ quen rồi nếp sống có hai, nên đâu có dễ gì một sớm một chiều mà bỏ được.

          Ở đây, tôi không đến nỗi như vị Thiền sư trên núi đó, nhưng cũng có nhiều huynh đệ phàn nàn tôi không có dạy đệ tử. Mấy chú tiểu để nghênh ngang, không biết thưa hỏi ai hết.

          Khi các vị hiểu ra đạo lý này mới thấy rằng dạy người không phải là chuyện dễ, có đúng dạy người không hay dạy là hại người ta. Cho nên các Phật tử tới lui lâu nay có thấy tôi dạy các vị về oai nghi, cách sống, lễ phép gì không? Không phải là tôi không biết dạy mà là tôi không muốn dạy.

          Người ta đang hồn nhiên trong sáng hãy để người ta hồn nhiên trong sáng. Dạy người ta cái này, cái kia, cái nọ, muốn người ta làm phóng ảnh của mình thì người ta có dễ chịu đối với mình không? Muốn người ta đi giống như tướng đi của mình, nói giống như tướng nói của mình, ăn giống như tướng ăn của minh, ngủ giống như tướng ngủ của minh. Cái đó là dạy Đạo sao? Đó là một sự đầu độc, nhồi sợ người ta chứ không phải dạy Đạo.

          Ở đây là đạo lý không hai. Đạo lý bất nhị. Mới vào Ngài đã dạy chúng ta một cách rõ ràng:

                                      Đạo lớn không khó,

                                      Hiềm vì lựa chọn.

                                      Chỉ chớ yêu ghét,

                                      Bỗng nhiên rõ ràng.

          Chớ sống có hai thì Đạo lớn thênh thang, không cầu mà tự hiện.

          Các vị ngẫm nghĩ cho kỹ về điều này để thấy rằng chúng ta đã sai lầm rất nhiều trên việc học Đạo, sống Đạo.

Mình đã bày biện nhiều quá làm mất cái Đạo mà đi tìm Đạo. Buông Đạo lại đi tìm Đạo thành ra cả đời chỉ lăng xăng không thấy được Đạo.

          Các vị học thuộc đoạn văn ngày và chiêm nghiệm lại những lần mình đâu khổ cũng là tại đời sống có hai này thôi, chứ không phải tại cái gì hết.

          Hãy chiêm nghiệm về điều đó và hỏi mình có nên sống bằng đời sống có hai nữa không?

                                      Hào ly hữu sia,

                                      Thiên địa huyền cách.

                                      Dục đắc hiện tiền,

                                      Mạc tồn thuận nghịch.

Dịch:

                                      Sai đi chút xíu,

                                      Cách xa đất trời.

                                      Muốn được trước mắt,

                                      Chớ chấp ngược xuôi.

          Chúng ta hay bị sai lầm, cứ để Niệm dấy khởi mà mong có Đạo thì đó là chuyện xa xôi không thể có được.

          Muốn cái Đạo rỡ ràng ở ngay đây thì chớ chấp ngược xuôi, thuận nghịch. Trong lòng chúng ta lặng lẽ không có gì để chấp thì lúc đó Đạo hiện tiền.

          Cái gì làm thành cái chấp? Đó chính là Niệm. Nên tu chớ để Niệm dấy khởi. Có Niệm dấy khởi là có chấp.

          Thông thường chúng ta ít thấy được Niệm, phải là người có công phu khá, thấy được sự khởi Niệm mới không chấp, không dính. Còn người chưa có công phu, chưa hiểu gì để TÂM, chưa biết tu TÂM thì hết chấp cái này đến chấp cái kia.

          Có người chưa tu thì ít chấp nhưng đến chừng biết tu thì đó là điều hết sức tội nghiệp.

          Chấp cái Thiện, cái lành để cho thấy mình là con người có đạo đức. Chấp cái sai, cái trái để cho thấy mình là người tốt, cũng là người có đạo đức. Cho nên ai làm Thiện, lành thì mình chịu lắm. Người nào làm không phải mình thấy không ưa, mình ghét, khó chịu đối với người ta. Như vậy có gì là tốt không? Những người bày đặt tu thì hay chấp kiểu đó.

          Tu không chịu nhìn lại mình, mà hay nhìn hay thấy lỗi của người nên chấp đủ thứ hết. Phải làm như vầy mới là đúng, nói như vậy mới phải. Nếu người ta không làm theo thì mình bực, mình khó chịu.

          Người tu như vậy rất là phiền phức. Với những người đó không tu có lẽ tốt hơn. Bày chuyện tu là người ta mệt với họ và chính họ cũng mệt nữa mà họ không biết, không quan tâm để ý. Không hiểu đó là chướng ngại cho cái Đạo của mình.

          Giống như những người ở chùa, có được cái sốt sắng đối với chùa, làm được điều này, điều kia nhưng hay nhìn hay ngó để khen chê, chỉ trích thì đó là những điều rất đáng tiếc.

          Chúng ta nhớ, muốn Đạo hiện ra trước mắt thì “chớ có chấp ngược xuôi”. Tu thì phải bớt chấp, càng ngày phải càng bớt chấp.

Đừng chấp phải quấy, ngược xuôi. Như vậy càng tu mình càng trở nên người dễ chịu. Người khó chịu là người hay chấp.

Khi tu nhìn lại thấy mình khó chịu quá là biết mình đã tu sai, không biết tu. Tu là phải dễ chịu, phải xả chấp.

Tu không phải là chấp thêm, dù là chấp cái tốt, cái đạo đức cũng không nên. Mình biết chuyện đó là tốt, là phải nhưng không chấp. Đừng chấp thế này, thế kia phiền phức lắm, càng bớt chấp càng tốt. Khi mình không chấp gì hết thì lúc đó cái Đạo hiện tiền.

Người thực biết tu, biết hành Đạo thì rất nhẹ về cái chấp, cho đến không có gì để chấp hết. Những chuyện không đáng, chúng ta nên thông qua hết. Được vậy thì thật là tốt.

Nên nhớ không chấp mới là Đạo, chấp là mất Đạo.

Thí dụ có người mang giày, mang dép vô chùa. Mình chịu không nổi chạy theo rầy người ta. Như vậy có nên không? Đó là việc nhỏ nhưng chúng ta làm như vậy thật không tốt chút nào, làm cho lòng mình thêm chuyện.

Đừng bày đặt rầy rà người khác khi thấy mình có quyền rầy, có quyền nói. Cái tâm rầy rà người, chúng ta phải giảm bớt cho đến không còn nữa thì mới tốt.

Đừng bày đặt rày chỉnh người ta để cho mình có quyền, có lực. Đó là việc không hạp với chuyện tu. Đã tu thì không thể hiện quyền lực. Những cái lặt vặt như vậy làm chướng Đạo, làm việc tu không được thảnh thơi mà tu chỉ là ràng buộc, nặng nề thêm thôi.

Người biết tu thì càng tu càng dễ, càng thoải mái.

Xem người ta giống như mình, không thấy mình hơn người, không thấy người thua mình. Phải nên tập tánh như vậy, đừng bày những chuyện rắc rối anh chị cả người ta. Khi mình có chức năng, quyền hạn nào đó thì phải biết sử dụng chức năng và quyền hạn của mình sao cho êm đẹp, đừng theo kiểu quan liêu, hách dịch, anh hai chị cả. Chúng ta chỉ thay nhau làm việc mà thôi.

Nên mình phải trân trọng thân mến nhau để tránh đi tình trạng chấp ngược, chấp xuôi. Những cái đó chúng ta phải khéo biết.

Đã tu rồi thì phải xả chấp, đó là điều nhất định chúng ta phải thực hiện. Nếu không biết xả chấp thì không phải người tu.

Việc tu dễ như vậy nhưng không biết trở thành khó, trở thành rắc rối. Chấp là do khởi Niệm mà có Niệm là mất Đạo. Đơn giản vậy. Dù Niệm tốt, Niệm xấu gì cũng là mất Đạo. Vì Đạo không ở đâu khác mà Đạo ở nơi chính mình.

Đạo là cái TÂM thể không Niệm.

                             Vi thuận tương tranh,

                             Thị vi tâm bệnh.

                             Bất thức huyền chỉ,

                             Đồ lao niệm tịnh.

Dịch:

                             Tranh nhau thuận nghịch,

                             Ấy là tâm bệnh.

                             Chẳng rõ huyền chỉ,

                             Nhọc nhằn niệm tịnh.

Tranh nhau thuận nghịch tức là trong lòng mình dấy Niệm linh tinh. Đây không phải tranh nhau thuận nghịch với ai mà là tranh nhau thuận nghịch với chính mình.

Ngài Tu Bồ Đề được Vô Tránh Tam Muội tức là chánh định không tranh cãi. Không phải chỉ không tranh cãi với đại chúng, với người ngoài, với cảnh vật mà không tranh cãi với chính mình.

Thường chúng ta hay có sự tranh cãi với chính mình tạo thành sự rối loạn cho chính mình. Chúng ta nghĩ tới, nghĩ lui, nghĩ xuôi, nghĩ ngược nhất là trong chuyện tính toán làm ăn, sao có lợi, sao có hại. Chuyện lợi hại cứ đoanh vậy, chuyện tốt, chuyện xấu nổi dậy trong đầu của mình giống như bãi chiến trường.

Từ ý niệm này đến ý niệm kia, thấy ý niệm này phải, ý niệm kia quấy. Thiện và ác tranh nhau làm cho tâm của mình mệt nhừ, ăn không ngon, ngủ không yên, làm cho đời sống tinh thần của mình xáo trên phiền phức. Đó là “tranh nhau thuận nghịch” mà chúng ta gọi là “tự vấn lương tâm”.

Người không hiểu chuyện tu, cho rằng tu là một cuộc đấu tranh tư tưởng. Không phải vậy. Tu không phải là một cuộc đấu tranh tư tưởng. Không phải để cho thiện ác hai bên đấu với nhau. Phải dẹp đi cái ác, thôi đi cái thiện. Không tạo chiến trường, chiến trận ở trong tâm của mình như thế.

Để sống được bằng đời sống Đạo thì việc tranh nhau thuận nghịch không hề có. Những thầm thì, rủ rỉ trong đầu của mình đều phải lắc đầu. Có như vậy chúng ta mới thực sự yên tĩnh. Ngồi trên nệm bồ đoàn là để giải trừ những tâm ý này. Ai mà lỡ có rồi thì phải tự mình ăn năn sám hối, phải giải trừ về những điều đó.

“Tranh nhau thuận nghich”. Điều này hay xảy ra với người mới biết tu, “tự vấn lương tâm”, tự trăn trở lấy mình có nên hay không nên, để biết cái nào tốt thì theo, cái nào không tốt thì bỏ qua. Như đạo Nho “Nhất nhật tam tĩnh kỳ tâm” nghĩa là “một ngày phải có ba lần tĩnh tâm”, xét tâm mình có đúng với lời dạy của thánh hiền không?

Các vị tưởng rằng lối tu đó cũng giống như đạo Phật, nhưng thực ra không giống chút nào. Cái đó theo thế tục cũng là chuyện hay, chuyện tốt. Nhưng đối với Đạo chưa phải là tốt, chỉ làm xáo trộn thêm thôi.

Tu TÂM của nhà Phật không phải là “tự vấn lương tâm”, không phải xét lại hành vi cử chỉ của mình ngày mấy lần. Điều quan trọng là thiện ác, tốt xấu phải phủi đi hết.

Không phải dẹp cái xấu để chừa cái tốt, dẹp cái ác để chừa cái thiện. Nhiều khi mình không chịu, bỏ cái ác thì phải nhưng bỏ cái thiện thì lấy gì tu? Như bỏ chuyện ăn cắp, ăn trộm thì được nhưng bỏ chuyện bố thí, cúng dường sao được?

Ở đây không phai nói trên hành động mà nói trong tư tưởng của mình nó giằng co. Mình muốn cho thì cứ cho nhưng đừng giằng co. nên cho hay không nên cho? Nên cho bao nhiêu và cho những ai? Đừng có những chuyện đó. Muốn cho thì cứ cho. Có cái gì để cho thì cứ cho đi, đừng tạo sự giằng co. Tránh tất cả những tình trạng giằng co ở trong tâm hồn. Khi có sự giằng co trong tâm hồn thì Đạo đã mất.

Đạo đức theo quan niệm xã hội thì hay bằng sự giằng co để thể hiện tính đạo đức của mình nhưng đối với Đạo thể thì không phải. Nên phân biệt giữa Đạo thể và đạo đức. Đạo đức là một hành vi tốt đẹp trong cuộc sống, còn Đạo thể là một năng lực sống thênh thang và trùm khắp.

Đạo đức trong xã hội rất hạn chế và đạo đức chỉ khoanh lại trong một hệ thống tư tưởng nào đó thôi. Cho nên có khi giết người là đạo đức. Như với một kẻ tàn ác, làm hại con người rất nhiều nên cần phải giết kẻ đó. Người nào làm được chuyện đó trừ hại cho dân thì gọi là đạo đức.

Đạo ở đây là Thể Đạo, là cái TÂM sâu thẳm nhất của con người. Ở trong đó không thiện không ác. Một cõi vắng lặng tuyệt đối của tâm hồn, không có quy định. Còn đạo đức của người đời là có quy định. Giúp người thì có đạo đức, không giúp người là không có đạo đức. Nó có quy định và quy định đó chưa hẳn là trọn vẹn tốt, đôi khi còn trở nên xấu nữa là khác, vì quy định đó là của một người hay của một nhóm người.

Ví dụ như trong đọa Khổng nói rằng “Vật dưỡng nhơn” nghĩa là những con vật sinh ra để nuôi con người, cho nên con người có thể ăn những con vật. Chuyện làm thịt những con vật để tế trời, làm một lễ nghi nào đó, là một chuyện đạo đức. Và chuyện đạo đức đó có thực sự là đạo đức không? Giết con vật để tế lễ là đạo đức sao? Cho nên đạo đức đó là đạo đức của một hệ thống tư tưởng, một khuynh hướng, một nhóm người nào đó. Nhưng đạo đức đó không bàn đến.

Đạo ở đây chúng ta phải hiểu chính là Đạo Phật, là cõi TÂM thanh tịnh tuyệt đối. Những người có khuynh hướng đạo đức khó đến, khó vào Đạo này. Những kiểu đạo đức như Khổng Tử vào trong Đạo này rất khó, vì bị những quy định ràng buộc.

Giống như Khổng Tử, nếu sách vở chép là đúng thì câu chuyện nói rằng Khổng Tử khi nghe nước mẹ của mình là nước Lỗ bị nước Tề sắp sửa tấn công. Để cứu nước mẹ của mình, Khổng Tử mới họp các đệ tử lại và hỏi ý kiến xem có cách gì để cứu nước Lỗ không? Đệ tử cho rằng phải du thuyết.

Tử Cống xin đi làm du thuyết, tức là đến gặp vua nước Tề hiến kế để cho nước Tề đánh qua nước khác, giải vây cho nước Lỗ. Khổng Tử đồng ý cho Tử Cống đi làm công việc thuyết khách để chuyển chiến tranh sang nước khác, cứu nước Lỗ. Việc làm như vậy có gọi là đạo đức không?

Và Khổng Tử khi ra làm quan, Ngài dâng kế sách chém 5 ông đại thần. Nếu chấp nhận yêu cầu đó Khổng Tử mới ra làm quan. Vì muốn dụng tài của Khổng Tử nên nhà vua cũng bằng lòng chém đầu các đại thần thì việc làm đó có đạo đức không?

Đó là những chuyện để chúng ta thấy rằng đạo đức của xã hội bị bạn chế lắm. Chính đời sống đạo đức đó làm người ta bị chựng lại không đi vào thể Đạo được. Chỗ này người nào chấp Thiện mạnh thì rất khó vô.

Giống như trước khi vô chánh điện thì có ông Thiện, ông Ác. Người nào mến ông Thiện cứ đứng ngắm hoài thì không vô chánh diện được. Mà dính ông Ác cũng không vô chánh diện được. Chánh điện thờ Phật, đó là Đạo. Cửa vào Đạo có cái Thiện và cái Ác. Chúng ta chấp Thiện hay chấp Ác, dính mắc vào Thiện hay Ác đều ở ngoài. Đó là hình ảnh rất cụ thể để hiểu về Đạo.

Tranh nhau thuận nghịch.

Ấy là tâm bệnh.

Nếu trong lòng mình có sự tranh nhau giữu thuận và nghịch, thiện và ác v.v… như đã nói thì đó chính là tâm bệnh. Bệnh ở trong lòng cần phải được giải tỏa.

Như trường hợp của Nhị Tổ Huệ Khả, xuất gia đã tám năm mà không yên, những tình trạng tranh nhau thuận nghịch này cứ xảy ra trong đầu khiến Ngài nhức đầu đến lồi sọ. Đến trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma mới thưa rằng:

- Tâm con không an. Thỉnh Ngài an tâm cho.

Chính sự thuận nghịch tranh nhau đã thành ra tâm bất an cho Huệ Khả.

Tổ Đạt Ma dạy:

- Đem tâm đây, ta an cho.

Huệ Khả loay hoay tìm tâm mấy lần, mấy lượt mà không thấy tâm đâu, thưa với Tổ:

- Con tìm tâm không thể thấy.

Đạt Ma nói:

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.

Bình thường khi chưa đặt lại vấn đề tìm tâm thì thấy lu bu trong đầu. Nhưng đặt lại vấn đề tìm tâm, trở về thế chủ động để mà nhìn, lúc đó lại không thấy đâu hết.

Giống như khi nằm chiêm bao thì thấy đủ thứ cảnh. Nhưng khi để nhìn lại chiêm bao xem ra làm sao thì lúc đó lại không thấy có gì hết. Tại vì khi gọi là nhìn lại giấc chiêm bao thì lúc đó đã thức, đã tỉnh rồi. Nên nhìn lại không thấy gì hết. Những cái tâm thuận nghịch tranh nhau trong đầu mình cũng vậy.

Huệ Khả ngộ ở chỗ không thấy những cái tâm thuận nghịch như thế nào nữa gọi là Huệ Khả đã ngộ Đạo. Không thấy có sự tranh hơn, tranh thua trong đầu nữa , không còn có những niệm lăng xăng phải quấy gì nữa thì đó là ngộ Đạo.

Cũng như Ngài Huệ Năng khai thị cho Đạo Minh:

- Khi không nghĩ Thiện, không nghĩ Ác thì cái gì là mặt mũi xưa nay của Thượng tọa Minh?

Khi không dính vào cái nghĩ Thiện, nghĩ Ác thì ngày đó Thượng tọa Minh đã ngộ ra liền và thốt lên lời rằng:

- Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.

Đó là Huệ Minh đã nhận ra Đạo.

Đạo là cái không có niệm Thiện, không có niệm Ác. Nếu mình bị những niệm Thiện Ác đoanh vây trong đầu thì đó là tâm bệnh.

Bệnh thật sự chứ không phải chỉ có nói mà thôi. Từ chỗ làm cho tâm bất an rồi mất ăn, mất ngủ sẽ đổ bệnh thật. Bệnh đủ thứ, yếu tạng nào sẽ bệnh cái tạng đó. Từ tâm bệnh làm thành thân bệnh, nên người có nhiều vấn đề trong đầu quá thì rất là phiền phức, rất là tội nghiệp.

 

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89482
  • Online: 31