Tín tâm minh giảng giải (Phần 3)

14/09/2016 | Lượt xem: 3535

HT.Thích Phước Tú dịch và giảng giải

Tu mà không hiểu được yếu quyết thì dễ sinh ra những chuyện không hay như vậy, gọi là: “chẳng hiểu huyền chỉ”.

Huyền chỉ tức là chỉ yếu sâu mầu, có thể nói đó là đời sống Vô Niệm. Do không hiểu được đời sống Vô Niệm mới là chỗ tu hành tốt nhất, rồi cứ để đầu dấy Niệm lung tung. Đó là chúng ta không hiểu về huyền chỉ cho nên “nhọc nhằn niệm tịnh”. Nhọc nhằn lo giữ gìn chỗ tịnh vắng thì ích gì?

          Chúng ta cứ lo đuổi dẹp sự tán loạn của mình để giữ chỗ tịnh vắng thì đó là điều hết sức mất công mà không được gì cả. Là chỗ Lục Tổ Huệ Năng rầy, đó là biên kiến, là chỗ chỉ thấy một bên, chỉ thấy một chiều, thấy một góc cạnh mà thôi chớ không thấy được tròn vẹn cái Tâm của mình.

          Tu không phải là đuổi cái này, dẹp cái kia để được cái nọ. Nhiều người vướng cái này tạo thành một sự ăn thua trong tâm của mình. Diệt Niệm, diệt Vọng gọi đó là tu. Diệt niệm Ác để còn lại niệm Thiện gọi đó là tu. Tất cả những lối tu như thế chỉ thêm nhọc nhằn mà thôi.

          Tu vậy rất dễ căng thần kinh. Nếu ngồi Thiền mà làm chuyện đó hồi lâu sẽ làm cần cổ ran lên, chứng tỏ thần kinh căng thẳng, nếu dụng công tiếp tục thì coi chừng bị chứng tâm thần kinh. Nhưng rất tiếc có những vị dạy tu, nói rằng càng nhức đầu thì càng tốt như khi quán thoại đầu căng thần kinh làm nhức đầu.

          Đó là sự nguy hại mà không hay. Tu để nhức đầu sao? Từ chỗ không bệnh tu để rồi bệnh là tốt sao? Đó là chỗ sai lầm.

          Có người dạy tu, dạy ngồi Thiền, khi người ngồi Thiền thấy người bồng lên, lớn ra. Hỏi sư phụ tình trạng đó. Sư phụ trả lời: Tốt.

          Các vị biết tu rồi thấy có tốt không? Do hơi thở thô phù, mất ổn định, cộng với tâm mình cũng mất ổn định nên thấy như thế thôi đâu có gì tốt. Đó là tình trạng xấu cần phải điều chỉnh. Không hiểu được chỉ yếu tu hành nên người ta cứ nói đại vậy thôi. Rất tội nghiệp.

          Có những người chưa học hành gì hết tưởng tu là phải diệt Niệm, diệt tạp loạn để giữ sự yên lặng ở nơi mình gọi đó là tu. Hiểu một cách đơn giản như vậy, rồi cứ thế mà làm, cứ thế mà ngồi, gọi là ngồi Thiền, ngồi tu. Chưa phải vậy.

          Phải hiểu rõ chỉ yếu của chuyện tu hành rồi chúng ta hãy thực hiện. Như vậy mới tốt.

          Tu không phải để cho tâm yên là thành công. Điều đơn giản nhất, chúng ta tu là phải ngộ Đạo. Chưa ngộ Đạo thì chưa nói đến chuyện tu Đạo được, mà muốn ngộ Đạo thì phải hiểu Đạo.

          Trên phần lý thuyết chúng ta phải hiểu biết cho rõ ràng, biết rõ ràng gọi là ngộ giải tức ngộ về lý Đạo. Ngộ về lý Đạo mới tiến tới chỗ ngộ Đạo, nhận ra được Đạo.

          Giống như từ chỗ hiều về vàng, tiến đến chỗ chúng ta nhận ra được cục vàng. Nếu không hiểu gì về vàng thì đụng vàng chúng ta không biết, tưởng là đá sỏi, đụng đá sỏi tưởng là vàng. Về lý thuyết không biết thì xem như chúng ta không hiểu vàng cũng không hiểu đá luôn. Như vậy được vàng không biết, được đá không hay, nhiều khi cầm vàng mà liệng bỏ.

          Nên trước hết phải có phần lý thuyết để hiểu vàng là thế nào, rồi sau đó đụng được vàng, lượm được vàng mình mới xác định đây là vàng. Khi hiểu vàng, đó xem như ngộ giải. Nhận ra được vàng cầm trong tay đó là ngộ Đạo. Từ vàng mà đem dùng xài, tức là từ Đạo đó dùng xài gọi là chứng Đạo.

          Có những giai đoạn như vậy mà chúng ta không hiểu gì hết thì làm sao hành Đạo được? Chưa học Đạo, làm sao hiểu Đạo. Chưa ngộ Đạo làm sao hành Đạo. Chữ Đạo rất đơn giản nhưng được bao nhiêu người hiểu Đạo? Bao nhiêu người giải ngộ? Bao nhiêu người ngộ Đạo? Bao nhiêu người chứng Đạo?

          Chuyện học Đạo và hành Đạo không đơn giản. Đây là chỗ cần phải rõ ràng rồi mới tu.

          Nhiều người đến với Đạo lâu rồi nhưng không biết Đạo là gì hết. Vì không biết Đạo mà hành Đạo nên cứ nổi quạu hoài.

          Đạo không có quạu. Ở chùa không biết hành Đạo, chỉ biết ăn gạo thôi. Ăn gạo cho đó là Đạo. Đó là một tình trạng rất bi đát.

          Chữ Đạo cũng rất lợi hại, nếu mình hiểu đúng Đạo thì thật tuyệt với, nhưng hiểu không đúng thì Đạo còn có nghĩa là cơm gạo, đạo là ăn trộm, là trộm cắp nữa. Nếu không được nghĩa tốt đẹp thì trở thành nghĩa xấu xa. Nên phải cẩn thận về cái nghĩa Đạo này và phải học đàng hoàng.

                                      Viên đồng thái hư,

                                      Vô khiếm vô dư.

                                      Lương do thủ xả,

                                      Sở dĩ bất như.

Dịch:

                                      Tròn đồng thái hư,

                                      Không thiếu không dư.

                                      Bởi do buông nắm,

                                      Thế nên chẳng Như.

          Ở đây Ngài nói Thể Đạo tròn đồng thái hư, tròn đồng khắp giáp như hư không, không thiếu không dư, đầy ắp. Chúng ta không hiểu chuyện này bởi do buông và nắm. Đó là kiểu tu, kiểu dụng công của mình, bằng cái buông hay bằng cái nắm đều rất đáng tiếc. Chúng ta buông cũng không được, nắm cũng không được.

          Không phải tu là buông hết tất cả. Cái đó chỉ là một nghĩa mà thôi. Nếu nói buông để được Đạo thì chưa đúng. Vì chính Thể Đạo là một năng lực để cho mình có thể buông được. Nếu không có Thể Đạo thì không buông được. Cho rằng buông đó là Đạo là sai. Như vậy buông là mất chớ không phải được. Vì ngày cái buông đó đã là Đạo rồi vì Đạo trùm giáp hết.

          Giống như mình buông hư không, thì hư không bị mình làm vi phạm, vì chỗ nào cũng là hư không. Cho nên nói buông hư không là làm vi phạm hư không. Mà có buông được không? Đó là một sự sai lầm của mình. Vì vậy cái buông cũng không thành mà cái nắm cũng không thành.

          Đạo vốn là như vậy. Mình động tới không được. Đó là chỗ khó cho mình. Nó không thiếu không dư nên buông thì coi chừng thiếu, mà thiếu thì không phải; nắm thì dư, cũng không được. Vậy phải làm sao? Không buông, không nắm gì hết.

          Đạo coi vậy mà khó, thấy sờ sờ đó nhưng vừa nhúc nhích là lỗi, vừa nhúc nhích là mất. Đi lên sao Hỏa, sao Mộc còn dễ hơn đi vào Đạo vì nó còn có đường bay, còn có điểm tới. Còn Đạo này không có đường bay, không có điểm tới vì tròn đồng thái hư, đầy ắp làm sao có khoảng cách mà tạo nên đường, nó không thiếu không dư, rồi làm sao đây? Đó là điều khó cho chúng ta.

          Đạo vốn là “như như”, bất động mà do vì mình buông, mình nắm nên nó chẳng “Như”.

          Giống như một giấc ngủ bình an, giấc ngủ trọn vẹn là thế nhưng khi mình nói: “Tôi ngủ đây” hay: “Tôi thức đây” thì giấc ngủ không còn.

          Cái Đạo cũng giống như vậy. Làm sao hiểu được cái Đạo này đây? Trong khi Đạo là sự thật nhất ở nơi mình mà mình nói không được gì về nó hết. Giống như ở trong sống nước mà mình muốn mở miệng nói: “Nước đây” thì có nói được không? Ở trong nước mà không nói nước được. Vì vừa mở miệng nước đã tràn vô thì làm sao nói?

Cũng vậy. Chúng ta ở trong Đạo chớ không phải Đạo ở trong ta. Giống như ở trong nước mà không thể nói nước được, thì đối với Đạo mình cũng không nói gì về cái Đạo được hết.

Chúng ta chỉ có thể tạm nói Đạo là sức sống chân thật nhất. Không thể chỉ rõ Đạo giống như là cái gì đó ở trong ta, không thể nói được. Điều này tự mình biết thôi.

Nên Đạo Minh (hay Huệ Minh) khi được Lục Tổ khai mở cho rồi thì Huệ Minh nói:

- Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.

                             Mạc trục hữu duyên,

                             Vật trụ không nhẫn.

                             Nhứt chủng bình hoài,

                             Dẫn nhiên tự tận.

Dịch:

                             Chớ chạy theo duyên,

                             Chớ trụ không nhẫn.

                             Một lòng phẳng bằng,

                             Lặng yên tự sạch.

Những lời dạy của Tổ là những lời rất ngắn gọn, những lời dạy nào xứng đáng lời dạy nấy.

Ngài dạy mình chớ để lòng chạy theo duyên tức là chớ có dấy Niệm và dính Niệm. Duyên có duyên trong, duyên ngoài. Duyên trong là những Niệm, những ý khởi của mình, duyên ngoài là cảnh vật. Muốn dụng công tốt thì chớ có chạy theo duyên.

Những người chạy theo duyên, dính duyên trong, duyên ngoài thì rõ ràng là những người rất lăng xăng, gây phiền phức đủ mặt. Trong lòng không yên, cứ dính mắc lằng nhằng về những niệm khởi của mình. Còn bên ngoài thì dính theo cảnh duyên, lăng xăng.

Đó là những điều hết sức bất lợi cho sự dụng công. Người tu thật sự là người bên trong chớ chạy theo niệm, bên ngoài chớ dính ở trên cảnh sắc, “ngoại dứt chư duyên, trong bặt nghĩ tưởng, tâm như tường vách, khả dĩ nhập Đạo”. Ở bên ngoài phải dứt các duyên, trong lòng bặt nghĩ tưởng, tâm phải như tường vách, không có một chút kẻ hở như vậy mới khả dĩ nhập Đạo. Dụng công như thế mới là người tu kỹ.

Về nguyên tắc tu như thế này, chúng ta nhìn lại thấy mình rất yếu. bên trong khởi Niệm lăng xăng, bên ngoài chân cẳng không yên, cứ chạy tới chạy lui, đi xuôi đi ngược. Chẳng khác nào những người vì sinh kế mà phải mua tần bán tảo vậy. Phải xuôi ngược trên đường đời thật là vất vả.

Xuất gia ở chùa là tránh bớt duyên, bớt cảnh để tu cho tốt. Đằng này xuất gia rồi mà cũng lăng xăng xuôi ngược mãi, thì rất uổng phí cho đời tu của mình. Ở trong chùa đứng ngồi không yên, đầu óc cứ rong chạy như con khỉ. Nhưng điều này, nếu mình đã phát tâm tu thì phải tự biết sắp xếp gói gọn lại duyên trong, duyên ngoài, đừng để cho nó dẫn dắt, lôi kéo. Đó là những điều rất phiền phức cho mình.

Chúng ta phải biết quý thời gian, đừng để mình dính mắc các duyên lằng nhằng trong cuộc sống, rất là vô ích. Loay hoay rồi già tới nơi, đổ bệnh, đổ hoạn, chuyện tu coi như không có gì hết. Phải hiểu điều này, không nên chạy theo duyên.

Ngồi Thiền là một cách để dừng chạy theo duyên rất tốt, dừng một lượt hai thứ duyên. Ngồi xếp tréo chân là để cho chân cẳng không chạy lang thang đầu này, đầu nọ và bằng pháp tu không để cho Niệm lằng nhằng, dây dưa, kéo níu mình.

Đó là một cách rất hay nhưng có khi chúng ta lại lơ là, không quan tâm lắm về chuyện ngồi Thiền, có khi lại có cảm giác bị bắt buộc phải ngồi chứ thực ra cũng không thích, không muốn. Đó là điều cần thiết trong khi chúng ta tu.

Có người cũng biết vậy nhưng mượn danh làm Phật sự rồi cũng đi Đông, đi Tây, nghĩ ngợi linh tinh và cho đó là Phật sự phải làm. Phật sự là một sự lăng xăng vậy sao? Phật sự là một sự dính duyên, dính cảnh vậy sao?

Phật sự là việc Phật, là việc không có lăng xăng. Nhiều khi chúng ta đã hiểu lầm về Phật sự, làm việc tào lao đâu đó cũng cho là làm Phật sự. Chịu không nổi với niềm cô đơn, trống vắng của mình, rồi kiếm chuyện làm, gọi đó là Phật sự.

Những Phật sự kiểu đó là trốn chạy sự tịnh vắng ở nơi mình, đó là ma sự, không phải Phật sự. Phật sự chính đáng là phải ngồi yên mà tu, phải thu xếp các duyên, không chạy theo các duyên.

Thầy nhớ lúc ở Chơn Không, lúc đó Thầy tu rất tốt, ngày cũng như đêm yên ắng, rất ổn định. Nhưng khi xuống núi để mở mang Thiền viện Thường Chiếu, dính vào miếng đất 50 mẫu thì công phu coi như tan biết hết. Tìm lại một ngày như trên núi không được.

Đó là chạy theo duyên. Một kinh nghiệm hết sức đáng giá. Mặc dầu lúc đó đã có học, biết qua cái này rồi. Nhưng không khéo để chạy theo duyên, công phu của mình mất mát hết và biến mình trở thành một con người khác đi, dính hết chuyện này đến chuyện kia, tham sân si nổi dậy một cách mãnh liệt, không còn là mình nữa.

Ở Thường Chiếu, Thầy thâu mấy chú đạo chớp, rồi cũng nổi sân, nổi giận, đánh đá các chú. Với bên ngoài thì giật nhà, giật cửa khi người ta lấn chiếm đát đai của mình, trở thành một người như xã hội đen vậy, không còn là một người tu đạo vị giống như trên núi nữa, nó tệ hại đến độ như vậy. ĐÓ là cái lỗi chạy theo duyên.

Mình tưởng đâu rằng đó là Phật sự lớn, là gây dựng Thiền viện nhưng thật ra không có gì cho mình hết. Chạy theo duyên là điều rất bất lợi cho chuyện tu hành của mình. Ở trên núi rất ổn định, mặc dầu có hơi gò bó về chân cẳng nhưng Thầy có cảm nhận rất thanh thoát, nhẹ nhàng:

                             Tôi ở Chơn Không mấy độ rồi

                             Lòng tôi như thưở ở trong nôi

                             Âm thầm ngày tháng trôi trôi mãi

                             Hớp lấy không gian ngắm cuộc đời.

Đó là những ngày tháng thầy ở núi. Còn khi xuống núi, và vấp vào cuộc sống, dính vướng vào duyên thì không còn giữ được mình gì cả. Sống trong vùng như tứ chiếng giang hồ, mình cũng trở thành kẻ giang hồ luôn.

Cũng may là giai đoạn đó ngắn, chỉ một năm, hai năm thôi, nên hồn xác cũng còn tái sinh được, nhưng nếu kéo dài nữa thì không biết sao mà nói. Nghĩ lại giựt mình, hết hồn. Lúc đó mình cũng thấy rằng mình hay, mình giỏi lắm. Mới 24, 25 tuổi mà cai quản một khu đất 50 mẫu. Tự cạp đất mà ăn, mà sống.

Sẵn đây, Thầy cũng nói thêm một chút cho biết. Khi Thầy ở Chơn Không, mỗi khi đi lên, xuống núi như là đi về nhà, đi về Trà ôn rồi trở ra Chơn Không. Mỗi lần như vậy là phải đi ngang qua vùng đất Thường Chiếu đó. Và mỗi lần đi ngang thấy những cây khoai mì mọc lủn củn, Thầy mới nói trong bụng rằng: “Người nào bị đày, bị đọa mới về đây mà ở”, vì Thầy thấy đất đai cho những cây mì mọc không nổi, tức là khô cằn dữ lắm.

Không biết sao mỗi lần đi ngang Thầy lại có ý niệm như vậy. Sau đó, không ngờ nhân duyên đưa đảy Thầy về đúng y miếng đất đó. Nên rồi Thầy tự than thầm: “Bụng làm dạ chịu, chớ có than vãn”. Đúng là “Ghét của nào, trời trao của nấy”.

Ở Thường Chiếu cho Thầy kinh nghiệm về hai chuyện “Thương và Ghét”. Ghét miếng đất đó cho nên phải về đó mà chịu cực, chịu khổ, phải ăn độn, lúc đó miền Nam chưa có ai ăn độn, dù là chiến tranh nhưng Thầy lại ăn độn. Vì Hòa Thượng dạy: “Chú ở đây cạp đất mà ăn” nên nghe lời dạy và lo cạp đất mà ăn. Đất đó, bây giờ các vị còn thấy, nó cứng chan chát sao mà cạp nổi, cho nên ăn độn.

Rồi một lần về Thủ Đức với Hòa Thượng, vô trong chùa ở gần chùa Vạn Đức thấy có mấy chú tiểu ra chào. Trước kia, cũng có thời gian làm thầy giáo, dạy mấy đứa học trò lóc nhóc, nên thấy mấy chú tiểu ra chào, Thầy thấy mấy đứa dễ thương quá. Nhưng lúc đó cũng biết tu rồi nên khi vừa mới khởi ý dễ thương là cúp liền, tốp liền.

Vậy mà khi Thầy về Thường Chiếu mới mấy tháng thôi, Hòa thượng Đắc Pháp lúc đó ở Linh Quang – Vũng Tàu đến thăm, nói:

Cho gởi mấy đứa nhỏ.

Thầy nói:

- Không được. Một mình còn lo không xong, đâu dám nhận ai nữa.

Hòa thượng nói:

- Tôi cũng không biết mấy đứa đó, nhưng do mấy sư cô ở Thủ Đức gởi, nên nói lại vậy thôi. Rồi mới nói mấy đứa nhỏ ở ngôi chùa đó.

Thầy mới vỗ bàn. ĐÚng là bụng làm dạ chịu, Thầy nhận nuôi. Những đứa đó là những đứa mình đã lỡ khởi niệm thương nó mấy tháng trước, bây giờ dính vô mình.

Đó là sự trải nghiệm của Thầy về thương và ghét. Mà trong đây Tổ đã dạy không nên thương ghét. “Chỉ chớ yêu ghét”. Lời dạy rất chính xác. Yêu ghét là vương nghiệp, yêu ghét là dính mắc. Chạy theo duyên là cực trần thân, đó là kinh nghiệm, là sự thật, sự trải nghiệm trong đời Thầy.

Khi nào có yêu ghét thì nhất định là mất Đạo.

Có chạy theo duyên thì nhất định có rắc rối. Nhưng điều đó chúng ta phải hết sức quan tâm, đừng coi thường. Đây là kinh nghiệm xương máu, chớ chạy theo duyên.

Chạy theo duyên là đời mình tan nát như hoa trôi trên sóng nước, sẽ bị vùi dập tan xác. Có điều kiện ở yên sống ổnđược để hành Đạo thì phải giữ gìn, đừng để mất cơ hội đó. Chạy theo duyên rất là phiền phức.

Chớ trụ không nhẫn.

Chớ có trụ chấp vào cái không do diệt Niệm. Cái “không nhẫn” là cái không do diệt Niệm mà có ra, tức là chấp vào chỗ không trống sau khi diệt Niệm. Không chạy theo Niệm, không dính theo Niệm, cũng không chấp vào chỗ “không nhẫn”

Nhiều người không hiểu chuyên, tu hay vướng vào chỗ “không nhẫn” này lắm. Cho rằng tu là phải diệt Niệm để có được cái “không nhẫn” và an trụ ở trong đó. Cái không do diệt Niệm là cái không nguy hiểm, hông phải là cái không an toàn.

Để rõ về điều này, tôi thí dụ như đi tắm biển. Người chưa biết gì về thủy tánh, chưa biết về biển, thấy chỗ nào có sóng thì sợ lắm, không dám xuống, lựa chỗ nào láng, không có sóng. Trên bãi biển không phải chỗ nào cũng có sóng, có chỗ nó láng như mặt hồ thu. Tính rằng đó là chỗ an toàn nên xuống tắm, nhưng không ngờ đó là chỗ nguy hiểm. Tại sao chỗ đó không sóng mà những chỗ kia có sóng?

Nhưng chỗ sóng là do gió lùa nước và nước vào bãi bị cản đất làm nên sóng. Những chỗ gió lùa mà ở dưới chân nó không có đất, không có sự cản để thành sóng, vì chỗ đó sâu, nó là cái hố. Cho nên những người càng sợ sóng chừng nào, muốn yên, vô mấy cái hố đó thì càng nguy hiểm vì ở nơi đó nước lạnh và đất sâu, có những luồng nước rút, sóng ngầm. Sóng lùa vô cuốn chân mình kéo đi trở ra biển nên rất dễ bị tai nạn.

Nói như vậy để thấy rằng, chỗ phẳng không sóng hông phải là chỗ an toàn mà đó là chỗ chết. Chỗ lặng lẽ, đó là chỗ lặng lẽ chết.

Nói như thời chiến tranh, khi người ta hành quân mà nghe bắn “chóc chình” “chóc chình”, nghe có tiếng súng vậy mà họ đi an toàn hơn, họ đi mà không có lo sợ. Còn đi vô những vùng nguy hiểm coi chừng lọt vô ổ phục kích. Không nghe tiếng súng, thấy lặng trang êm lắm nhưng khi nổ súng một cái thì trở tay không kịp.

Nói vậy để thấy rằng chỗ “không nhẫn” cũng nguy hiểm vậy đó. Đừng tưởng rằng yên ở chỗ “không nhẫn” là tốt, vì nó do diệt Niệm mà sanh ra. Đó là cái không giả tạo  là hầm hố ngụy trang ổ phục kích. Cho nên phải cẩn thận, đừng để mình lâm vấp vào tình trạng đó mà theo thuật ngữ chuyên môn gọi là “hang ma, động quỷ”.

Tu không đơn giản. Chúng ta không được sự hướng dẫn thì không biết, vướng vô đây, trụ vào “không nhẫn”, tưởng rằng mình tu được thanh tịnh lắm hay chạy theo duyên, tưởng mình làm Phật sự tốt lắm nhưng cả hai đều là đất chết của mình. Vì vậy phải hiểu rồi tu mới được.

Để tu cho tốt thì chỉ cần một lòng bằng phẳng tức là một đời sống vô niệm.

Không chạy theo duyên mà cũng không diệt Niệm. Làm sao được như vậy thì mới thực sự là lặng yên tự sạch. Lòng lặng yên mà tự sạch Niệm.

Vì thế Đạo vốn “Vô Niệm” nên không có Niệm, chứ không phải là trừ Niệm hay diệt Niệm. Phải biết như vậy.

Đạo Thiền đã được khôi phục chấn hưng nên cũng có nhiều người hiểu biết. Thiền được chính thức được chấn hưng vào năm 1970-1971. Đến nay, có môt số người tu cũng được lắm. Nhưng cái số nhầm lẫn cũng không phải ít.

Chạy theo duyên để tạo Phật sự này nọ, cất chùa, lập Thiền viện lăng xăng, làm nhiều chuyện ngỡ rằng Phật sự lớn, là sự phát triển của Thiền tông. Còn một số trụ vào đời sống diệt Niệm, cho đó là công phu.

Có người phát tâm tu, không ra thất suốt mười lăm năm, ở trong đó quần thảo với Niệm, để diệt Niệm. Nhưng rất tiếc cũng không tới đau. Vì ngày bước đầu đã sai lầm, không đúng với tông chỉ của đạo Thiền. Phải giở lại những bài học như thế này để sống theo Thiền.

Thiền đấy đơn giản nhưng không dễ vào. Dễ sai lầm, lệch lạc khi cái cơ bản chưa nắm được. Mấy mươi năm qua, không thiếu gì những người lệch lạc trên con đường hành Thiền, có khi tự do rằng mình đã ngộ Thiền và sống được đời sống Thiền nhưng thực sự đối với tôn chỉ Thiền chưa xứng, bị lệch lạc và lệch lạc nhiều nữa là khác. Nên phải dè dặt và cẩn thận.

Đoạn này thật hay. Giống như đèn xanh, đèn đỏ của giao thông. Có đèn xanh, vàng, đỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng. Chớ chạy theo duyên (đèn đỏ) là dừng lại đừng rong chạy, chạy là bị phạt, bị lỗi. Chớ trụ “không nhẫn” (đèn xanh bật lên) là phải chạy, đứng yên đó cũng bị phạt luôn. Hãy sáng suốt rõ ràng một lòng bằng phẳng, không đòi hỏi, không vọng động, không trụ mắc, sống đời “vô niệm” thực sự thì lặng yên tự sạch thôi. Giao thông sẽ ổn định.

                             Chỉ động quy tịnh,

                             Chỉ cánh di động,

                             Duy trệ lưỡng biên,

                             Ninh tri nhứt chủng.

Dịch:

                             Dừng động về tịnh,

                             Dừng thôi lại động.

                             Chỉ kẹt hai bên,

                             Nào biết một loại.

Khi tu chúng ta hay chán động, có khuynh hướng về tịnh. Không chỉ riêng về đạo Phật thôi mà các tôn giáo khác, những người tu khác cũng hay có khuynh hướng này. Cho rằng động không tốt, tịnh mới tốt nên dừng cái động, về cái tịnh.

Bình thường chúng ta đều thấy rằng tu là ngăn động về tịnh. Bỏ những cái động như là công chuyện xã hội, công chuyện làm ăn để vào rừng sâu núi thẳm mà sống, mà tu tức là ở trong hoàn cảnh tịnh, chỉ muốn yên tịnh mà thôi. Đó là nói về cảnh giới.

Động thuộc về cảnh giới ồn ào về mặt xã hội và khi tu hướng về tâm mình cũng lại chọn tâm tịnh bỏ tâm động. Chán động về tịnh. Đó là khuynh hướng chung.

Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, chán cõi Ta bà là chán cõi động. Cầu về cõi Cực lạc là cõi tịnh. Nhưng có khi thực hiện cái tu thì um sùm Bát nhã, niệm Phạt, chuông trống hành lễ nhoi trời, đó là động.

Cho nên về cái động và tịnh này cần phải thấy cho rõ. Có những người tu rất thích động và có những người tu rất thích tịnh, nghe cái động chịu không nổi, họ chỉ muốn yên tịnh mà thôi. Có những khuynh hướng rõ rệt như vậy. Nhưng trong việc dụng tâm chúng ta phải hiểu rất rõ ràng giữa cái động và cái tịnh này.

Ở đây Tổ nói: “Dừng động về tịnh, hết dừng nó lại động”. Như mình chán cái chuyện ồn ào ngoài phố chợ, mình về thất ở. Về thất là tịnh rồi. Nhưng về thất có phải là yên chưa? Ở trong thất mình nghe tiếng thằn lằn chắt lưỡi, nghe tiếng kẽo kẹt của con đưa võng, mình chịu cũng hết nổi luôn.

Trong cái tịnh đó lại là động nữa. Khi dừng động để nghiêng về tịnh, cái dừng đó thôi đi, thì cái động lại tiếp, nó động bằng một cách khác. Cho nên chỉ là kẹt hai bên thôi. Động và tịnh là hai mặt của một vấn đề, tránh chỗ này thì mắc vào chỗ kia. Trong khi cái tâm ngăn cái động, thì cái ngăn đó đã là cái động.

Như các vị ồn quá, tôi lấy thước gõ cho các vị đừng ồn. Khi tôi gõ như vậy là động hay là tịnh? Là động. Chúng ta quên chỗ đó. Khi mình ngăn cái động thì chẳng phải cái đó là tịnh đâu, mà chính chỗ đó là cái động. Hoặc ngăn bằng một cách êm nhẹ hơn. Các vị đang ồn ào nói chuyện, để ngăn các vị tôi không vỗ bàn, không nhịp thước mà tôi để ngón tay lên miệng, tức là ra dấu im. Khi để tay ra dấu là động hay tịnh? Nó vẫn là dộng. Dùng động chế động, chưa phải là tịnh.

Khi mình dừng rồi, tạm thời không động nhưng rồi cũng lại động. Như ngăn học trò không nên ồn ào thì nó nín rồi nhưng lại xì xào. Cái xì xào này là động hay không động? Là động nhưng mà động ngầm. Cũng là động thôi.

Có Niệm thì gọi là động. Khi chúng ta dừng Niệm thì thực sự là tỉnh chưa? Chưa. Nó cũng nhoi nhoi lên. Khi ấy là động hay tịnh? Là động nữa. Cho nên cái điều đó chưa thực sự gọi là tịnh. Nó cũng là một thứ động.

Vì cái hành động của minh ngăn động vốn là động rồi. Như tôi bảo im thì tiếng im đó đã là động rồi, hay ra dấu tay cũng là động. Dùng động chế động nên chưa hết động. Vì vậy cái động vẫn còn, vì cái chuyện mình làm nên động mà mình không hay. Có những vị thầy giáo kêu: Im…Im. Cũng nghe lào xào. Kêu: Im. Cũng còn lào xào. Kêu: Im. Thì lúc đó cái lớp có im không?

Nó vẫn là động thôi. Diệt Niệm tưởng yên nhưng mà đâu đã yên. Vì diệt là cái động mà. Đưa tay đè đầu người ta xuống. Người ta chịu thụp đầu xuống thì tạm thời có cái yên. Cái đầu ngoi lên thì lại phải đè nó xuống nữa, nên cũng là động.

Bằng cía động mà giải quyết cái động làm sao mà không động được. Động dừng thì lại động nữa. Cho nên cái gọi là dừng, là tịnh chỉ tạm thời, không phải cái thật. Bằng cách đối phó như vậy chưa phải là tốt.

                             Dừng động về tịnh,

                             Dừng thôi lại động.

Cái dừng ngưng rồi lại động tiếp. Cái ý dừng thì cái động lại dấy lên, chỉ là kẹt hai bên thôi. Mà nào biết rằng cái động và cái tịnh đều là một loại.

Giống như mặt nước có sóng, lượn sóng có đỉnh sóng và đáy sóng. Trên đầu lượn sóng là đỉnh. Từ đỉnh hụp xuống thành đáy sóng. Thấy như là hai nhưng đỉnh và đáy đểu là nước. Chỉ là một mà thôi không có hai. Đỉnh sóng hay đáy sóng tánh chúng cũng chỉ là nước thôi. Mà nuowics là chất ướt, vốn không có sóng. Sóng là do từ gió làm thành sóng.

Như vậy, muốn cho mặt nước trở nên phẳng lặng mình lại hớt sóng đổ đi thì có đúng không? Múc lượn sóng đỏ thì mặt nước trở nên có sóng khác rồi.

Diệt niệm cũng như hớt sóng, nó sẽ sanh ra một thứ sóng khác. Cho nên diệt cái động lại sanh ra cái động chớ không phải hết động. Tánh của sóng vốn là chất ướt. Mà chất ướt nguyên không có sóng nào hết.

Nói như vậy có nghĩa là có Niệm là động, không Niệm là tịnh. Mà Tánh của Niệm vốn là không động, không tịnh. Có Niệm hay không Niệm vẫn là Tánh Tự Tâm mà Tánh Tự Tâm vốn không có Niệm, không có động, không có tịnh gì hết. Cũng như chất ướt vốn là không sóng. Nên cần phải biết ra về cái Tánh Tự Tâm, tức phải rõ ra về cái Tánh Niệm, rõ ra được cái Tánh của động và tịnh.

Tánh Tự Tâm vốn không có Niệm. Nhận ra được chỗ đó thì cái động, cái tịnh không còn là vấn đề nữa. Tu không phải là diệt động, ngăn động để về tịnh. Đó là sai với tự thế của chính nó, là chúng ta đã giải quyết sai lầm.

Chỗ này là chỗ khó. Nếu thấy ngọn sóng và đáy sóng, thấy cái động và cái tịnh thì dễ thấy, còn ở ngay trong cái động cái tịnh mà thấy được Tánh của nó thì thật khó.

Như có người khát đi tìm nước, thấy dòng sông đầy sóng thì lại không chịu uống, cho đó không phải nước. Vì họ cho rằng nước là cái phẳng lặng, còn nhấp nhô thì làm sao là nước, đành chết khát ở bên dòng sông.

Phải tìm chỗ nào không có sóng mới chịu cho đó là nước. Không biết rằng ngay sóng đó là nước. Nước không có hình thức mà nước là ướt. Tại sao ngay đó không thuộc tay xuống xem có ướt không. Nếu thấy ướt thì đó chính là nước, đâu đến nỗi phải chết khát.

Trong cách dụng tâm cũng phải biết như vậy. Đừng đợi cho Tâm không có gì hết mới gọi là Tâm. Chính chỗ đang khởi Niệm, đang có động, chính Tánh đó là TÂM.

Mã Tổ đã khai thị cho Huệ Hải, khi Huệ Hải hỏi:

- Cái gì là kho báu của Huệ Hải?

Mã Tổ dạy rằng:

- Chính cái ngươi hỏi ta đó.

Hỏi là động. Nhưng chính cái biết hỏi đó là Tự Tánh, là Bổn Tâm.

Không TÂM không biết hỏi. Cái biết hỏi đó tức là Bổn Tánh. Cái biết hỏi đó không động. Chỗ đó chúng ta cần phải rõ.

Chưa rõ được Tánh mà bày chuyện tu thì chúng ta hay ngăn động để về tịnh, đó là cái tu sai lầm, là một thứu chết khát ở bên bờ sông.

Nên thấy Tánh là chuyện rất quan trọng và tối cần thiết. Phải thấy TÁNH rồi tu, mới không kẹt bên đây, không kẹt bên kia. Kẹt bên đay, kẹt bên kia trong “Tứ đế” gọi là “biên kiến”. “Biên kiến” là một nguyên nhân của khổ.

Phải thấy Tánh rồi khởi tu. Và cần nhất là phải rõ ràng Tánh Niệm vốn là vô Niệm.

Rõ ra được cái vô Niệm rồi từ đó mà sống thì không mắc vào cái động, không mắc vào cái tịnh. TÂM tự yên tĩnh, phù hợp với Tự Tánh, khi đó không trừ mà tự yên.

                             Dừng động về tịnh,

                             Dừng thôi lại động.

                             Chỉ kẹt hai bên,

                             Nào biết một loại.

Những lời chỉ dạy này là những lời chỉ dạy hết sứ rõ ràng. Đừng chấp động, đùng chấp tịnh gì cả và hãy biết rằng động tịnh đều là một Tánh.

Nhận ra Tánh rồi thì động, không động, không còn là vấn đề và sống được bằng Tánh thì cái động do Niệm sanh không khởi nữa, không trừ mà tự tiêu. ĐÓ là điều rất mầu nhiệm.

Vì sống được bằng cái thật ròi thì cái giả phải tiêu thôi. Khi có được cái thật trong tay thì cái giả phải biến, không có gì gọi là trừ cả. Chính chỗ này cũng là điều rất khó hiểu. Tại sao không trừ mà lại tiêu? Chúng ta không hiểu nổi về chỗ đó.

Giống như bóng quạt hiện trên nền, thì cái bóng quạt đó là thạt hay là giả? Để trừ bóng quạt đó, lấy chổi quét bóng quạt đó có tan không? Chúng ta chỉ cần biết cái quạt vốn không bóng thì cái bóng kia không ảnh hưởng gì. Và nếu chúng ta biết thêm một điều nữa, quạt có bóng trên nên là do ánh sáng không đủ. Bây giờ chúng ta tăng cường ánh sáng thì bóng quạt sẽ mất, khỏi cần lấy chổi quét nó.

Cũng vậy, khi biết rõ Tánh Niệm thì lúc đó Tâm mình sáng ra, bóng tối Niệm kia tự tan thôi, không trừ gì hết. Vì có độ sáng rồi thì bóng tối tự tan. Tu vi diệu là chỗ đó. Nhưng nói tới nói lui, đó cũng là chỗ khó cho chúng ta. Vì bây giờ nói tới cái này, chúng ta ngẩn ngơ, dù đó là sự thật với mình.

Giống như bây giờ nói da của mình là nước do trắng mình không tin. Tại vì mình dang nắng quá nên bị nắng ăn, phủ cả lớp làm sao thấy được cái trắng rồi mình không tin, nhưng thực sự là chúng ta có làn da trắng. Nếu bây giờ chúng ta chịu ở trong mát, một thời gian sau tẩy được cái đen thì trắng là sự thực.

Một vấn đề đơn giản mà chúng ta mất rất nhiều thời gian để biết được sự thật. Giống như tôi, lúc 20 tuổi đã nghe nói tới dừa sáp, là một loại dừa ruột đặc, không có nuowics mà đặc sền sệt như sáp. Tôi để tâm tìm kiếm thật lâu mà vẫn không biết. Đến lúc xuống Trà Vinh thấy người ta đăng bangg bán “dừa sáp” định bụng ràng khi trở về sẽ ghé lại mua ăn cho biết. Nhưng tới chừng về lại quên, rồi cũng không biết dừa sáp là gì.

Hôm rồi Festivan dừa của Bến Tre, tôi qua dự và thấy có dừa sáp, định mua về cho đại chúng ăn cho biết. Đi vòng vòng, đi ra hồi nào không hay, lại quên mua. Thời may đi đến cầu Bến Tre thấy dừa sáp, thực sự đưa nó vào trong miệng thì phải đến 65 tuổi. Một chuyện đơn giản như vậy mà phải mất hơn 40 năm.

Chuyện cái Tánh và Tâm, là cái bị mình vùi dập từ nhiều đời nhiều kiếp thì trong mấy năm học tập làm sao hiểu ra được. Đó là chuyện tốn nhiều thời gian và ý chí, phải để tâm cố gắng rất nhiều. Mong rằng các vị cố gắng nhiều hơn nữa. Phải Minh Tâm Kiến Tánh mới không uổng công là người học Đạo và hành Đạo.

                             Nhứt chủng bất thông,

                             Lưỡng xứ thất công.

                             Khiển hữu một hữu,

                             Tùng không bối không.

Dịch:

                             Chẳng rõ một loại,

                             Thấy hai, mắc công.

                             Đuổi có chìm có,

                             Theo không phụ không.

“Chẳng rõ một loại”. Tức là chẳng rõ cái động và tịnh cùng mọt nền Tánh. Ở trong tâm khi có động, tức là khi có Niệm dấy hay không có Niệm dấy thì cũng chỉ là một Tánh thôi, không có hai thứ.

Nếu thấy có hai thứ khác nhau, rồi diệt động mong về tịnh thì đó chỉ là mắc công mà thôi. Đây là điều mà nhiều nguời trong chúng ta vướng kẹt. Muốn cho tâm được lặng lẽ, tam yên mới gọi là Thiền vì vậy hay diệt Niệm. Đó là điều rất sai lầm, không biết rằng cái Niệm (động) và cái không Niệm (lặng), nó chỉ là một Tánh thể mà thôi.

Như vậy chúng ta tu là cứ để cho Niệm khởi một cách tự nhiên phải không? Nếu để cho Niệm cứ khởi, diệt một cách tự nhiên, thì đó không gọi là tu mà là phàm phu.

Ở đây nói rằng không diệt Niệm, nhưng không có nghĩa là chấp nhận và sống bằng Niệm khởi. Rất tiếc có người hiều sai cho rằng, Niệm khởi thì cứ để Niệm khởi, đừng nghĩ về Niệm thôi. Đó là hiểu sai lầm. Không hiểu rằng chúng ta không diệt Niệm là vì rõ được Tánh Niệm và sống bằng cái Tánh đó. Sống bằng Tánh đó nên Niệm không dậy khởi vì Tánh Niệm vốn là hông Niệm.

          Diệt Niệm để hông Niệm thì không phù hợp Tự Tánh. Còn không diệt Niệm mà để Niệm khởi dậy một cách tự do, cái đó cũng là lỗi, không phù hợp với Tự Tánh. Ở đây vì an trú ngay trên Tánh mà Niệm không dấy khởi, không trừ mà Niệm không dấy khởi. Đó mới là chỗ tu tốt, phù hợp với Tự Tánh.

          Chỗ này đòi hỏi mình phải thấy ra cái nền Niệm vốn là hông Niệm. Từ cái hông Niệm đó mà sống thì Niệm không khởi.

          Cần hiểu cho rõ, đừng hiểu động và tịnh cùng một Tánh rồi để cho Niệm tự nhiên nổi dậy. Vẫn Tham Sân Si như một người Bình thường thì không còn là chuyện tu hành gì nữa. Phải cẩn thận.

          Tánh của mình vốn là hông Niệm, nên khi ngồi không, nhìn vào hư không thì cái nhìn đó không có Niệm. Nhưng khi có người trờ tới lọt vào trong ánh nhìn của mình và mình liền khởi Niệm. Có cái khởi Niệm xảy ra, như vậy là đã đánh mất đi cái chơn Tánh của mình rồi.

Nếu chúng ta biết tu, khi ngồi để nhìn vào hư không, có người trờ tới, có cảnh hiện ra chúng ta vẫn không khởi Niệm. Không khởi Niệm mà vẫn rõ ràng có người đến, có cảnh hiện ra. Đó là chỗ chúng ta phải cẩn thận.

Không khởi Niệm mà biết thì cái biết đó là trong sáng, cái biết từ Tự Tánh, khác hơn cái biết từ khởi Niệm. Cái biết không khởi Niệm là cái biết không bị động bởi người và cảnh hiện đến. Còn cái biết có khởi niệm là cái biết bị động.

Giống như có người ngồi nói chuyện với mình thì mình biết người đó nói chuyện với mình và người đó chửi mắng, nặng nhẹ mình. Mình nghe mình biết nhưng mình không khởi giận, không nổi nóng, vẫn bình thường giống như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy chúng ta không khởi Niệm mà biết. Nhưng khi người nói nặng mình, mình nổi nóng, mặt mày đổi sắc và lớn tiếng cự nự lại với họ thì đó là cái biết phàm phu. Có sự khởi Niệm là cái biết phàm phu.

Có những người ngoài xã hội khi bị người chửi mắng, họ tỉnh bơ về điều đó nhưng đợi khi qua chuyện rồi biết tay. Cái đó không phải. Không có sự dặn dò nào trước. Có thể họ chửi mình một cách đột ngột, mình không tưởng họ sẽ chửi mình, không ngờ họ nặng nhẹ mình. Trong khi đột ngột, không có dự trù nào hết mà mình vẫn nghe một cách thản nhiên thì mới có giá trị. Không phải là một sự sắp xếp, định tâm định ý trước. Muốn biết điều này chúng ta phải hiểu như vậy.

Ở nơi mình có hai cái biết. Một cái biết do khởi Niệm mà biết. Một cái biết không do khởi niệm mà vẫn Biết.

Cái Biết đó là cái Biết đặc biệt được chư Tổ dạy là: “liễu liễu thường tri” nghĩa là “rõ ràng luôn biết”. Đó là cái Biết bằng Tự Tánh, không phải bằng sự khởi Niệm.

Khi hiểu ra mới biết cái động và cái tịnh không hai, chỉ là một nền Tánh mà thôi. Nếu mình hiểu ra được điều này thì chuyện tu của mình rất nhẹ nhàng, không phải kiềm cọng, cố gắng gì hết, rất là tự nhiên, thản nhiên.

                                      Đuổi có chìm có,

                                      Theo không phụ không.

          Không biết như vậy nên đuổi theo có thì lại chẳng được không chi cả. Có một sự dao động về ý niệm rồi, cho nên cái tâm đuổi có hay cái tâm theo không đều trái với Tự Tánh, trái với Tánh Thể.

          Như vậy chẳng mắc cái có và cái không vì có không này là có không trong đối đãi.

Tags: Tín tâm minh, HT.Thích Phước Tú

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 19565
  • Online: 13