Tín tâm minh giảng giải ( Phần 7)

04/10/2016 | Lượt xem: 4363

  HT.Thích Phước Tú dịch và giảng giải

                            Nhãn nhược bất thùy,

                             Chư mộng tự trừ.

                             Tâm nhược bất dị,

                             Vạn pháp nhất như.

                               Nếu mắt chẳng ngủ,    

                             Các mộng tự trừ.

                             Tâm nếu chẳng khác,

                             Muôn pháp nhất như.

Ngài nêu lên thí dụ “nếu mắt chẳng ngủ thì các mộng tự trừ”. Điều này chúng ta có thể làm được khi gặp ác mộng chỉ cần mở mắt ra là mộng tan hết, không có cách nào hay hơn. Nằm mộng là do mắt ngủ, mở mắt ra là mộng tan.

Cũng vậy, ngay trong tâm mình không khởi niệm, không khởi vọng thì các pháp không làm gì mình được, không khiến cho mình phải dính mắc lằng nhằng gì hết.

                             Tâm nếu chẳng khác

                             Muôn pháp nhất như.

Tất cả các pháp đều nhất như, lặng yên, bất động. Đơn giản như vậy, chúng ta không phải làm gì hết.

Đối với tất cả các pháp ở giữa này mắt thấy mà không khởi niệm, tai nghe mà không khởi ý, mũi ngửi mà không dấy niệm, miệng nếm cũng không dấy niệm, thân xúc chạm mà không dấy niệm, ý hay biết mà không dấy niệm thì tất cả muôn pháp không làm gì mình được.

Tất cả muôn pháp vốn bất động nhất như như, mình không khởi ý dính mắc các pháp thì ngay đó là giải thoát mà không phải làm gì cả. Không phải niệm kinh, trì chú, niệm Phật cũng không phải tham thiền.

Không phải làm gì hết chỉ cần: “Tâm nếu chẳng khác” thôi. Vậy là đủ rồi.

Một điều rất đơn giản nhưng ít có người chịu sống như vậy. Chúng ta hay thích làm cái gì đó. Tự nó vốn là yên rồi. Có khi do mình tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tham Thiền nó lại mất cái yên, trở nên dấy động hơn.

Điều này rõ ràng khi chúng ta ngồi thiền. Khi ngồi thiền chúng ta cứ ngồi một cách thư giãn yên ắng, đừng khởi niệm, đừng khởi vọng gì hết. Ngồi hít thở ra vào, giống như ngồi chơi vậy đó thì không có gì nhưng chúng ta niệm Phật hay trì chú, niệm kinh một hồi thì thấy lăng xăng hơn, có những niệm khác nổi lên, có vọng tình, có vọng tưởng.

Và khi vọng tưởng nổi lên rồi chúng ta lại càng niệm nhiều hơn nữa để trấn áp nó, để diệt nó thì nó càng nổi thêm nữa. Đó là tự mình quậy mình.

Vì khi mình niệm tức là mình làm cho chân khí bị dao động, nhộn nhạo làm mất đi cái bình thường, mất đi sự lưu loát. Chính cái chân khí dao động, nhộn nhạo làm nổi lên niệm tưởng. Mình giằng co với niệm tưởng thì chân khí của mình lại dao động tiếp tục nên những niệm tưởng lại nổi dậy.

Đó là điều chúng ta không hiểu. Thay vì lúc đó chúng ta cứ hít thở đều đặn. Nếu cần thì hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Khi thở như vậy chúng ta khai thông được những ứ nghẹn ở chân khí.

Chân khí khai thông sẽ không làm cho bốc bụi niệm nữa. Điều đó chúng ta có thể hiểu như khi gió xoáy, xoáy sẽ là bốc bụi lên mịt mù. Bây giờ làm sao cho bụi đó tan? Phải bằng ngọn gió rong ngọn thổi thẳng thì bụi sẽ cuốn mất hết trả lại cho không gian trở nên trong trẻo. Chúng ta sẽ nghe người khỏe lại khi không bị bụi nó quấn mình.

Đó là hình ảnh cụ thể để chúng ta khái niệm được về vấn đề chân khí bốc bụi niệm. Gió quật mạng (gọi là trốt) nó hốt chẳng những bụi là mà cả xe hơi nữa. Những chiếc xe tải năng vẫn bị hốt bay lên trời giống như hốt một cái lá cây bay từ chỗ này đến chỗ kia và khi rớt xuống rồi là tan xác.

Việt Nam thì chưa có những cơn trốt như vậy nhưng ở Mỹ, hay có những cơn trốt như vậy cho nên khi cất nhà người ta phải làm ụ đất đắp lên cái nhà để bảo vệ. Dài theo đường, nhà nước phải làm những cái hố để trú. Đang đi mà có còi báo động trốt nổi lên là nhào xuống những cái hố ven đường mới tránh được.

Tôi nói như vậy để các vị biết ra rằng khi gió không thông ngọn trở thành trốt thì rất nguy hiểm. Cái chân khí của mình bị quật không lưu thông thì nó sẽ hốt bụi niệm lên. Có những bụi niệm trở nên thô bạo hơn làm cho mình phải hộc máu, thổ huyết là do chân khí của mình không lưu thông.

Giống như Chân Du là tướng của Tôn Ngô bị Khổng Minh nói khích một câu. Từ trên giường bệnh Châu Du hộc máu nhào xuống đất và chết luôn sau đó. Khi bệnh chân khí đã bị tản mác yếu đi mà lại nổi sự lôi đình giận dữ nên Châu Du trào máu mà chết.

Giống như những sản phụ đang sanh trên giường bịnh mà có người chọc tức làm cho máu sản phụ chặn cổ nghẹt họng mà chết. Đó là do nơi chân khí yếu đi mà lại khởi niệm sân hận một cách thái quá thì nó làm vỡ mạch máu, tức là chân khí bị nhộn nhạo làm nên như thế.

Có những niệm khởi lên là do từ nơi ý nghĩ nhưng cũng có những niệm khởi lên từ nơi chân khí nhộn nhạo của mình. Trong một cái búng tay là có 960 lần chuyển niệm, nếu không biết tu thì chúng ta thấy chừng như không có.

Như trong phòng học này bụi mịt mù nhưng chúng ta không hay. Nếu có một đường ánh sáng mạnh dọi trong không gian này chúng ta sẽ thấy bụi bay có bầy. Giống như nhà lá bị dột lủng trên mái thì ánh nắng xuyên qua lỗ đó trở thành đường ánh sáng in xuống nền. Trên đường ánh sáng chúng ta thấy lăn tăn, lăn tăn những hạt bụi. Bụi đó có phải do ánh sáng bình thường chúng ta không thấy mà phải có ánh sáng mạnh chúng ta mới thấy ra.

Hình ảnh đó để cho thấy trong lòng của mình cũng có bụi niệm sẵn như vậy mà chúng ta không tu nên không biết. Tuy không biết nhưng nó có, nên cứ làm cho chúng ta phải nghĩ ngợi thế này, nghĩ ngợi thế kia không kiểm soát được. Rồi mình lại niệm cái gì đó làm cho chân khí bị dao động thêm. Mình càng giằng co thì càng dấy niệm.

Giống như mình vật lộn ở trên bãi cát thì bốc bụi lên. Khi mình có một pháp tu nào đó với tính cách diệt niệm thì sẽ gây nên tình trạng đó. Khi niệm, mình không biết cách niệm, mà niệm một cách tới tấp thì dấy bụi càng nhiều. Chúng ta phải có một cách khéo hơn, nếu biết cách niệm, chúng ta có thể niệm chậm thôi, niệm nào là chắc niệm đó, thì giới hạn việc bốc bụi niệm.

Chúng ta nên biết chỗ này, tâm đang yên cứ để cho nó yên, đừng động đậy gì tới hết thì tâm không có gì khác nên muôn pháp được nhất như. Tu nhẹ nhàng như vậy thôi, không có pháp gì hết. Không có pháp tu gì khác mà chỉ biết như vậy, rõ ra như vậy, sống y như vậy thì thôi không có chuyện gì.

Biết ra TÂM rồi sống thẳng bằng cái TÂM gọi là tu, không pháp khác.

Tu như vậy thì muôn duyên đều bặt, đều tự nhất như, không có chuyện gì rắc rối với mình. Không biết chỗ này thì mình đổ thừa tại ngoại cảnh thế này thế kia đủ thứ, mà không biết lỗi tự nơi Tâm có máy động, không phải lỗi ở các pháp.

Tâm không máy động thì “Muôn pháp nhất như”.

Đó là cái đơn giản, dễ làm nhất nhưng ít có người thực hiện được như vậy. Phải làm cái này, làm cái kia chúng ta mới chịu. Không làm gì hết chúng ta lại không chịu.

                             Nhất như thể huyền,

                             Ngột nhĩ vong duyên.

                             Vạn pháp tề quán,

                             Quy phục tự nhiên.

Dịch:

                             Nhất như thể mầu,

                             Lơ là quên “duyên”.

                             Muôn thứ đồng quán,

                             Trở lại tự nhiên.

Ngài dạy mình sống một cách đơn giản như vậy “Nhất như thể mầu”. Khi các pháp được nhất như rồi thì không còn niềm đau nỗi khổ gì hết nên mầu diệu vô cũng.

                             Lơ là quên “duyên”.

Duyên tức là cái này, cái kia, cái nọ. Từ con người cho tới con vật, cho tới sự vật, tất cả đều được gọi là duyên. Chỉ cần lơ là quên duyên, duyên đến thì đến, mình lơ là tiếp nó.

Các duyên khi đến với mình cũng mang tính chất hững hờ nhưng vì mình không hờ hững tiếp nó, mình lại nhiệt tình, sốt sắng quá, tình cảm quá nên cái duyên đó trở nên dính mắc với mình. Khi duyên dính mắc với mình thì có sự kết duyên.

Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, khởi đầu cuộc sống gia đình để rồi có những phiền toái sau đó là do từ chỗ kết duyên. Kết duyên thì nam nữ dính líu với nhau trở nên yêu đương, trở nên vợ chồng, trở nên gia đình, có nhiều chuyện phiền phức, lăng nhăng sau đó.

Nếu không kết duyên thì sẽ không có chuyện gì. Những người không vợ, không chồng người ta gọi là đồ “vô duyên”. Người ở xã hội mà bị gọi là đồ “vô duyên” thì người ta buồn dữ lắm nhưng mình biết tu rổi thì đồ “vô duyên” là đồ tốt. Sống được “vô duyên” không ai thèm dính đến mình, mà mình cũng chẳng thèm dính đến ai thì rất khỏe.

Bây giờ mình biết tu rồi thì bằng cách lơ là với duyên, không nên khắn khít với duyên, không nên sống kết duyên nữa. Trong cuộc sống này người là duyên, con vật là duyên và đồ vật là duyên. Những sự kiện giữa này đều là duyên, chúng ta lơ là với duyên, không khít khao với duyên. ĐÓ là chúng ta tu tốt.

Vua Trần Nhân Tông có câu rất hay:

                             Khách lai bất đáo nhân gian sự,

                             Chỉ bạn lan can khán thúy vi.

Nghĩa là khách tới chẳng hỏi chuyện thiên hạ, chuyện nhân gian. Khách tới thì khách tới chỉ tựa lan can ngắm núi chơi. Đó là cách hành xử của Ngài trong cuộc sống tu hành. Đúng là lơ là với duyên.

Không phải như mình hay lăng xăng với duyên. Ở chùa buồn, thấy có khách tới mừng rôm rả lên, hỏi lăng xăng chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ. Như vậy là tự mình dấn vào duyên. Khi khách ra về mình lại quyến luyến khách, tiễn khách ra tới ngoài cổng, ngoài ngõ, núm níu cho thời gian lê thê thêm chút nữa.

Đời là vô thường, có hợp phải có tan. Người về, mình ở lại nghe quyến luyến, nghe buồn, chán ăn, chán ngủ, chán tụng kinh. Đó là do mình dính duyên quá khăn khít. Người tu không nên như vậy. Phải lơ là với duyên.

Khi tu mình phải đón khách, tiếp khách chuyện gần như là Phật sự, đừng coi đó là một vấn đề để tranh thủ về tình cảm. Không để cho mình quyến luyến khách mà cũng chẳng để khách quyến luyến mình. Coi như mình bắt tay nhau ở trong găng tya, không dính gì nhau.

Có khi mình cũng mang tiếng là lơ là đối với khách nhưng như vậy mình gần với chuyện tu hành hơn. Khéo tu là phải vậy đó. Mình hững hờ với duyên nên duyên cũng hững hờ không có ý gì hết. Giống như tiền bạc đến với mình không có ý gì, thì mình cứ vô ý mà tiếp. Nó hững hờ tới, mình hững hờ tiếp. Nó đến với mình thì mình bỏ vô túi. Vậy thôi. Không nghĩ gì, không cho nó là nhiều, là ít. Nếu mình cho là nhiều, là ít, mình mừng lên hay buồn xo. Như vậy là mình dính rồi. Phải theo dõi mình từng chút vậy đó.

Những quà trai tăng của Phật tử đem cho mình thì mình đón nhận. Đó là một Phật sự. Không mừng vui gì trên gói quà, không nói nhiều, ít, không mân mê, xuýt xoa tới lui, hay trề nhún gì đối với gói quà. Những việc nho nhỏ như vậy nhưng đó là việc tu của mình. Đối với các duyên chúng ta nên như thế. Đối với người, đối với vật chúng ta cũng đều vậy hết.

Một con chó, con mèo xuất hiện thì đó là duyên. Chúng ta tu thì có Tâm bình đẳng, người hay vật gì mình cũng không ghét bỏ nhưng thương thì không thương.

Không ghét không thương nên chẳng ôm nó vào lòng vuốt ve mơn trớn. Nếu chúng ta ôm con chó, con mèo vào lòng vuốt ve mơn trớn thì chúng ta sẽ bị dính duyên.

Mà dính duyên đó chưa hẳn là tốt. Bởi vậy vì sao ở Giác Thiên không nuôi con gì cả. Mình phải tránh tối đa các duyên, tránh được chừng nào thì tốt chừng đó. Không hơi đâu mà dính líu với những con vật thế này, thế kia để vướng những cái duyên không cần thiết.

Chúng ta biết rằng đời sống của mình, đời sống của người và đời sống  này đều là hư huyễn. Không có đời sống nào là thật, nên không cần có một sự giao tiếp gắn bó khắn khít làm gì.

Như ban đầu hai người kết duyên với nhau nguyện sống với đầu bạc răng long. Sống hoài với nhau được không? Rồi cũng phải người dương gian, kẻ âm phủ. Không thể sống luôn được nên cũng là huyễn mộng mà thôi, không có gì để chúng ta dính líu. Dù dính líu cho tới kiếp sau đi chăng nữa cũng là chuyện mộng mị mà thôi.

Lơ là quên “duyên”. ĐÓ là điều cần thiết trong đời sống tu hành của mình. Mình muốn giải thoát thì phải: “Lơ là quên “duyên””.

                             Muôn thứ đồng quán

                             Trở lại tự nhiên.

Cùng lúc đều quan sát như vậy tức là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm v.v… đều là hông duyên. Tất cả những nơi đó đều không dính cái duyên nào cả thì Tâm trở lại tự nhiên, bình thường thôi.

Người xưa nói rằng: “Tâm bình thường là Đạo”. Khi sống được Tâm bình thường, Tâm không dính duyên đó là Đạo rồi chớ không phải ở đâu xa xôi. Đây là chỗ dạy đơn giản nhưng thật là hay.

Những bậc chân tu đắc Đạo, các vị sống như vậy thôi, không có gì cầu kỳ, kiểu cách. Đơn giản như vậy mà lại giải thoát

                             Dân kỳ sở dĩ,

                             Bất khả phương tỷ.

                             Chỉ động vô động,

                             Động chỉ vô chỉ.

Dịch:          

                             Sạch lý do kia,

                             Chẳng thể so sánh.      

                             Dừng động hông động,

                             Động dừng hông dừng.

“Sạch lý do kia” tức là không dính tất cả duyên, không có niệm trên duyên. Đây là chỗ định huệ tròn sáng không thể so sánh được. Khi tiếp duyên xúc cảnh thì chớ sanh niệm.

Đó là chỗ cần yếu mà Ngài Dược Sơn Duy Nghiễm dạy khi thấy chúng trồng rau:

- Trồng thì không ngăn ngươi trồng nhưng chớ để cho nó mọc rễ.

Lời dạy rất đơn giản như vậy nhưng thật là hay “chớ để cho nó mọc rễ”. Tiếp duyên thì tiếp duyên nhưng chớ sanh niệm, chớ khởi niệm. Chúng ta phải khéo hiểu như vậy để mà tu. Khi hông có niệm trên duyên thì “chẳng thể so sánh”. Ngay đó vừa được Định, vừa được Huệ cho nên Định Huệ tròn sáng.

Chỗ Định Huệ tròn sáng đó không thể so sánh được, năng lực của nó rất mầu nhiệm. Khi Định Huệ tròn sáng chúng ta sẽ linh hoạt hơn, sẽ ăn hay, nói giỏi, có những ứng xử nhịp nhàng với duyên.

Chúng ta tiếp duyên mà hông niệm thì giống như tấm kiếng không có bóng và trở nên trong veo. Khi tấm kiếng của mình trong thì ở trước tấm kiếng của người có hình ảnh trong đó nó sẽ hiện qua tấm kiếng của mình và sẽ phản trả lại đúng y nên rất linh hoạt. Như người mặc áo màu vàng sẽ trả lại bóng vàng, người mặc áo màu lam sẽ trả lại bóng màu lam, rất chính xác.

Ở trong tình trạng vô niệm, mình sẽ ứng xử linh hoạt đối với tình huống, hoàn cảnh trong lúc đó. Rất hay đến độ ứng trả đúng với tâm trạng của người, đúng với những ý của người, chừng như mình có Tha Tâm Thông vậy. Thực ra mình không có Tha Tâm Thông gì hết, mà do vì Tâm mình trong sáng nên ghi nhận được tâm ý của người một cách bén nhạy hơn và nó trả lại những lời nói hay hành động một cách chính xác hơn. Đó là một sự mầu nhiệm nên gọi là “chẳng thể so sánh”.

Mình ứng xử đúng với tình trạng, đúng với đề tài với câu chuyện của người nhưng mình lại không vướng mắc gì hết.

Nhớ rằng đây không phải là thủ thuật tâm lý. Thủ thuật tâm lý là một sự gian xảo của tâm hồn. Mình muốn lợi dụng cái gì đó cho nên mình mới đánh tâm lý người, sử dụng nghệ thuật tâm lý biết bụng dạ của người để thực hiện ý đồ của mình.

Thủ thuật tâm lý có khi đúng, có khi trật, vì mình đã có bóng trong gương rồi nên khi nhận bóng của người nó bị nhòa đi không chính xác, bị nhiễu sóng. Còn chúng ta ứng xử ở trong vô niệm thì có một sự cảm nhận sâu sắc nên ứng hợp, phù hợp với tâm trạng của người. Nói bằng cảm ứng không phải nói bằng sự khởi niệm nên nó hay như vậy đó.

Phải nhớ người tu mà dùng thủ thuật tâm lý là không tốt, là mất đạo đức.

                             Dừng động hông động.

                             Động dừng hông dừng.

Động tuy dừng nhưng không thực là dừng. Cái động ở trong lòng của mình nói rằng nó dừng nhưng nó luôn luôn chuyển cho nên động dừng vẫn chưa gọi là dừng vì cái dòng hành ấm vẫn chuyển động một cách lan man không dừng. Giống như cây kim luôn luôn xoay, luôn luôn chuyển không dừng.

                             Lưỡng ký bất thành,

                             Nhứt là hữu nhĩ.

                             Cứu cánh cùng cực,              

                             Bất tồn quỹ tắc.

Dịch:

                             Hai đã chẳng thành,

                             Một làm gì có.

                             Rốt ráo tột cùng,

                             Chẳng còn quy tắc.

Đối với cái động và cái dừng, hai cái đó không thành rồi, không vướng vào cái nào hết. Hai đã chẳng thành, nó tan đi hết rồi thì một làm gì có nữa, một cũng tiêu thôi. Trong lòng của mình hoàn toàn rỗng rang, không trống.

Chúng ta tưởng rằng để đến chỗ rốt ráo cùng tột đó phải như thế này, phải như thế kia nhưng thực sự đến đó thì chẳng còn quy tắc. Chẳng có pháp tu này, pháp tu nọ, không còn phải như thế này hay phải như thế kia gì cả.

Những người nói phải tu thế này, tu thế kia, thế nọ thì đó là chưa rốt ráo, nên còn phải nhờ vào phương tiện.

Như lên núi thì chúng ta phải làm đường, phải bắc thang để đi lên đỉnh núi là chỗ cao nhất. Nhưng từ đỉnh núi để vào hư không thì phải đi như thế nào? Chỗ đó là chỗ không còn có quy tắc nào nữa.

Chúng ta lên đỉnh núi rồi thì phải bước thêm một bước nữa, phải thoát được những dính mắc ở trên núi chúng ta mới vào được trong không gian mênh mông.

Giống như phi thuyền muốn ra khỏi vũ trụ, muốn qua được vòng khí quyển, vệ tinh phải đốt một mớ nhiên liệu để tống phi thuyền vọt qua. Khi vọt qua vòng khí quyển đó rồi nó bay thẳng vào vũ trụ, còn không thì chỉ bay lòng vòng trong trái đất mà thôi.

Chỗ cao tột này cũng như lối vào vũ trụ vậy. Với Tâm thể của mình khi tới những chặng đường này chúng ta phải quên hết thân mạng, phải không còn dính một chút xíu nào về thân tâm. Đó là chỗ mình phải tự biết.

Đó là chỗ không có đường lối, không còn pháp tu nữa. Ngã pháp phải đều tiêu mất. Ngã tức là mình, pháp tức là pháp tu. Ngã pháp tiêu mất chúng ta mới thể nhập thực sự vào chỗ rốt ráo cùng cực này. Đó là chỗ rất khó, nhưng Thể Tánh của mình chính là sức sống nhưng vậy nên cũng nhẹ nhàng cho mình.

Vì vậy trong khi tu chúng ta phải có khuynh hướng xả chấp thân tâm để tạo sức sống cho mình vọt vào trong giai đoạn đó. Nếu khởi tu mà mình chấp dính thân tâm thì vô phương, không bao giờ chúng ta vọt lên được chỗ rốt ráo cao siêu đó.

Nên cái nhân tu ban đầu của chúng ta rất quan trọng, phải từ chỗ xả chấp về thân tâm, cảnh giới. Có vậy mới tạo thành sức sống để chúng ta vượt lên chỗ rốt ráo tột cùng. Bình thường chúng ta vì thân tâm và cảnh giới mà tu thì tới lúc đó chúng ta chựng lại không bao giờ vọt được. Giống như máy bay chỉ bay vòng vòng trái đất, bay hết xăng rồi thì rơi, phải như phi thuyền mời vào được vũ trụ.

Chúng ta phải lục soát kỹ cái nhân tu ban đầu của mình là chớ vì thân, chớ vì tâm, chớ vì cảnh giới mà phát Tâm Bồ Đề. Phải tạo lực tống cho mình tới giai đoạn quan trọng đó.

Khởi nhân tu là phải xả chấp. Đừng vì thân, vì tâm, vì cảnh giới. Phải đặc biệt quan tâm về điều này. Lòng vòng là chúng ta bị vướng vào cái chấp thân, tâm và cảnh giới nên mình tu không tới chỗ rốt ráo được.

Mình tu thì cũng lâu đó nhưng coi kỹ lại thì những dây mơ rễ má vẫn còn vướng. Dù tu tới Hòa thường rồi nhưng chưa bảo đảm là không còn vướng. Nếu còn vướng thì đó chưa thực sự là cao siêu cho nên phiền não vẫn còn. Đó là một sự thật mà chúng ta phải dám thấy ra ở chính mình thì mới tiến bộ được. Mình thấy ra điều đó thì chúng ta tu pháp môn gì cũng bị vướng hết vì nó có trước khi có pháp môn.

Trông cậy vào pháp môn để giải quyết thì khó lắm. Nếu mình đã ca ngợi về pháp môn, tuyên dương về pháp môn tưởng mình đã tốt lắm nhưng không ngờ chúng ta đang chấp nặng về thân tâm và cảnh giới.

Cho pháp môn mình là cao siêu nhất như vậy cái Ngã còn không, cái pháp còn không, cảnh giới còn không? Tất cả đều còn.

Nếu còn thân tâm, cảnh giới là vẫn còn cái chấp phàm phu. Cái chấp phàm phu còn thì phiền não còn. Nên ai nói khác mình, ai tu khác mình là mình không chịu. Đó là mắc mưu sâu thẳm của mình.

Với những người cùng môn, cùng phái thì mình hoan hỉ, mình trở nên một nhà đạo đức lắm nhưng với người khác môn phái, khác tôn giáo thì mình lại khác đi rồi, mình không còn nhìn bằng con mắt xanh nữa mà là con mắt trắng.

Chúng ta phải vượt qua tầng khí quyển của người đời, của phàm phu để vào vũ trụ tức là nhập pháp giới. Nếu không, đến tận cùng của khí quyển là chúng ta phải trở lại trái đất tức là chúng ta bị luân hồi, không ra khỏi luân hồi. Có điều chúng ta luân hồi trong điều kiện, hoàn cảnh tốt hơn. Nó thay đổi quả báo chớ không làm cho chúng ta vượt lên khỏi quả báo.

Chúng ta không lạ gì rất nhiều người tu nhưng người được giải thoát thì không có mấy người là do vậy. Hạng nhất cũng nhiều nhưng loại siêu đẳng thì không có mấy người.

Đó là chuyện đường tu của mình nên trước hết là chúng ta phải gieo nhân cho chính xác.

Gieo nhân phải từ nơi chỗ vô trụ. Là chỗ không mình, không người, không nhân, không ngã, không chúng sanh, không thọ giả. Phải làm sao gieo được cái nhân như vậy chúng ta mới có được năng lực vượt thoát.

Những nghiệp thức chủng tử của mình nó ghê lắm. Cái tu của mình chỉ mới có vài kiếp đây thôi nhưng nghiệp thức chủng tử của mình có từ vô lượng kiếp cho nên rất nguy hiểm không thể coi thường được.

Ai biết sợ thì tu mới tốt được. Còn chúng ta nhởn nhơ không biết sợ gì hết là chúng ta ở trong mê hồn trận mà tu nên không thoát khỏi mê hồn trận. Loay hoay trong đó người tiên sẽ hóa tục như lọt vào “ Phủ cúc quần hà” của Thông thiên giáo chủ trong truyện Phong Thần.

Nghiệp thức chủng tử của chúng ta rất kinh khủng. Phải khéo biết và không thể coi thường được. Tu thường thường chúng ta không thấy nghiệp thức chủng tử. Giống như không có kính hiển vi chúng ta không thấy được vi trùng. Dù trong ta vi trùng đầy hết nhưng nhìn bằng con mắt thường thì vô phương thấy.

Nghiệp thức chủng từ chuyển vận lan man mà chúng ta đâu có hay. Trong một búng tay có 960 lần chuyển niệm mà chúng ta không biết. Phải hiểu biết để dừng xem thường chuyện tu. Chẳng thà mình biết là khó để mình học hỏi, tiến tu còn hơn mình không biết, cứ tưởng dễ là không bao giờ có thể vượt thoát nổi. Các vị cứ quan sát, nhìn lại trong giới tu hành của chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Nên nhớ cái căn bản là chớ có tu vì thân, vì tâm, vì cảnh giới. Tu vì thân, vì tâm, vì cảnh giới đó là chướng ngại đầu tiên mà cũng là chướng ngại sau cùng. Mong rằng các vị sáng suốt về chuyện này để giúp chúng ta tiến bộ xa hơn trên con đường Đạo.        

                             Khế tâm bình đẳng,

                             Sở tác câu tức.

                             Hồ nghi tận tịnh,

                             Chánh tín điều trực.

Dịch:

                             Hợp TÂM bình đẳng,

                             Chỗ làm đều dứt.

                             Hết sạch nghi ngờ,

                             Tin đúng thẳng ngay.

Khi hợp được cõi TÂM chân thật rồi thì lòng bình đẳng thôi. Vì cái TÂM chân thật này không kia, không đây, không niệm này, niệm nọ cho nên gọi là bình đẳng.

Không phải có niệm này, niệm kia rồi mình thấy nó bình đẳng. Không phải có niệm giàu, niệm nghèo rồi mình có quan điểm là nghèo và giàu cũng bình đẳng thôi. Không phải có niệm nam và nữ rồi cho rằng nam nữ cũng bình đẳng. Đó là cái thấy theo quan điểm, quan niệm. Quan niệm bình đẳng thì bình đẳng, còn quan niệm không bình đẳng thì thấy không bình đẳng.

Nhớ rằng bình đẳng ở đây không phải là bình đẳng trên quan niệm, trên cái suy tư mà bình đảng vì nó Vô Niệm.

Xã hội nói về bình đẳng, chủ trương về bình đẳng nhưng chủ trương về bình đẳng đó là chủ trương của quan điểm tức là có khởi vọng niệm là bình đẳng, rồi chấp vào đó để thực hiện cái bình đẳng ở trong xã hội.

Như chấp vào chỗ nam nữ bình quyền rồi chủ trương, vận động, bảo vệ cái bình đẳng đó. Cho nên khi có một thế lực nào khác họ chống lại chuyện nam nữ bình quyền thì sẽ có sự đụng độ giữa cái bình quyền và cái bất bình quyền, sẽ đánh nhau và tiêu diệt nhau để bảo vệ cái bình đẳng là nam nữ bình quyền cho nên cái bình đẳng như vậy không phải là cái bình đẳng tốt mà bình đẳng để gây nên cái bất bình trong cuộc sống.

Vì vậy trong cuộc cách mạng 1789 của Pháp chủ trương xã hội phải bình đẳng nhưng cho tới bây giờ cái điều bình đẳng đó vẫn chưa được thực hiện dù là bình đẳng ở trên luật pháp cũng vẫn chưa thực hiện dù là bình đẳng ở trên luật pháp cũng vẫn chưa thực hiện một cách trọn vẹn huống nữa là bình đẳng trong cuộc sống. Vì nó là thứ bình đẳng trên quan điểm mà thôi.

Còn cái bình đẳng ở đay là vì không niệm, không vọng tưởng, không vọng tình. Thể Tánh vốn đã là bình đẳng, chớ không phải có sự suy nghĩ về bình đẳng. Đây là một thứ bình đẳng siêu việt cao cấp.

Nhà Phật chủ trương bình đẳng là bình đẳng này đây. Từ cái TÂM không khởi niệm mà nhìn tất cả các pháp đều là bình đẳng hết.

Vì không khởi niệm nên không thấy nam và nữ khác nhau. Không thấy nghèo và giàu khác nhau, không thấy cao và thấp khác nhau, không thấy có các cặp đối đãi này nọ cho nên gọi là bình đẳng. Đó là chỗ thực sự bình đẳng.

Trong xã hội cùng một giai cấp mới có sự bình đẳng thì cái bình đẳng đó không trọn vẹn. Giống như thời của Phật trong xã hội chia ra làm bốn giai cấp. Trong cùng giai cấp mới bình đẳng, còn giai cấp thứ nhất với giai cấp thứ hai, thứ ba, thứ tư làm sao mà bình đẳng được? Một người ở giai cấp thứ tư nói chuyện với người ở giai cấp thứ nhì không được nhìn mặt mà nói. Và nếu lỡ nhìn mặt thì sẽ bị móc mắt, chặt giò thì như vậy đâu có chuyện bình đẳng.

Và điều bất bình đẳng đó hiện nay ở Ấn Độ vẫn còn. Một người tài xế lái xe không được ngồi chung bàn với khách ở bàn ăn mà phải ngồi riêng. Người tài xế và phụ xế chỉ được ở phòng máy. Dù xe đó có máy lạnh nhưng tài xế và phụ xế không được xài máy lạnh, chỉ có khách mới xài máy lạnh. Nó có một khoảng cách như vậy, không được bình đẳng.

Cho nên đức Phật ra đời là thực hiện nếp sống bình đẳng thực sự ngay từ tâm hồn. Từ một cái nhìn không có khởi động, khởi niệm. Một tâm hồn bằng bặc vắng tất cả các cặp đối đãi để nhìn thì tất cả các thành phần trong xã hội đều như nhau. Giai cấp thứ nhất và giai cấp thứ tư cũng vậy thôi. Bình đẳng ngay trong tâm hồn đó mới là bình đẳng thực sự và chỉ có đạo Phật mới có sự bình đẳng như thế.

Khi chúng ta có một sự dụng tâm bình đẳng rồi thì chúng ta đối xử với tất cả mọi người đều bằng cái bình đẳng này. Bình đẳng một cách thực sự đối với mọi người, cho đến chuyện thầy trò cũng là một sự bình đẳng. Nếu chúng ta thấy thầy khác hơn trò, trò phải qụy lụy thầy. Thầy phải ăn trên ngồi trước thế này thế nọ. Như vậy là chúng ta chưa có sự bình đẳng.

Trong nhà Phật bình đẳng là một điều gần như là hơi thở của người hành đạo. Cho nên vì lý do nào đó mà tạo nên sự bất bình đẳng trong cuộc sống tu hành của mình thì đó là điều đáng tiếc. Và những ai để đời sống bình đẳng này mất đi thì người đó xem như mất đạo đức ở trong nhà Phật và cũng là mất đạo đưc trong xã hội.

Người đạo Phật phải thể hiện được tính bình đẳng này mới phù hợp với Đạo thể. Nên chúng ta sống phải ráng thực hiện đời sống bình đẳng giữa nhau. Nếu chúng ta thể hội Phật pháp, thể hội Đạo thì nhất định chúng ta có một đời sống bình đẳng tốt đẹp. Vì thực ra tâm Bản Thể vốn là bình đẳng rồi, sống đúng với Tâm Bản Thể thì chúng ta có đời sống bình đẳng thôi.

                             Hợp TÂM bình đẳng,

                             Chỗ làm đều dứt.

Đây là đúng với Thể Tánh và sống như vậy là hợp đạo mà cũng hợp đời nhưng là một đời sống tiến bộ. Chúng ta sống mà không bình đẳng thì xem như chúng ta không phù hợp với xã hội tiến bộ.

Ngày đây chỗ tu hành đều dứt bặt, hết tu, hết chứng. Còn tu thế này, còn chứng thế kia tức là còn bất bình đẳng, còn thấy cao, thấy thấp là bất bình đẳng. Hợp TÂM rồi đều còn thấy cao, thấy thấp là bất bình đẳng. Hợp TÂM rồi đều dứt hết về những chuyện phải tu như thế này, phải tu như thế kia, phải chứng như thế nọ. Việc tu chứng đều dứt cả. Đó là chỗ thật là sạch sẽ, an tịnh.

Tu mà thể nhập rồi sẽ dứt bặt hết mọi thứ. Sức sống này là một sức sống rất cao độ, trong lòng sạch hết mọi nghi ngờ. Không còn nghi ngờ Phật, không còn nghi ngờ Tổ cũng không còn nghi ngờ người. Không nghi ngờ gì nữa hết vì TÂM đã bằng phẳng, không khởi niệm, không khởi ý nên mợi nghi ngờ đều dứt sạch.

Chúng ta còn khởi ý, khởi niệm thì chúng ta còn nghi ngờ. Một nghi mười ngờ, một ngờ mười tội. Như vậy chúng ta có nhiều nghi ngờ thì chúng ta có nhiều tội lỗi mà sự nghi ngờ là do tâm mình vọng động. Còn khi tâm bình đẳng rồi thì mọi nghi ngờ đều dứt bặt.

                             Hết sạch nghi ngờ,

                             Tin đúng thẳng ngay.

Đó mới thật là có được niềm tin đúng đắn thẳng ngay. Lúc đó mới gọi là có niềm tin TÂM thực sự.

Nếu chúng ta chưa được như thế này thì cái tâm của mình chớ nên tin. Vì mình chỉ sống bằng tâm sinh diệt lăng xăng mới khởi. Tâm lăng xăng, tâm niệm khởi có tham sân si, có đủ mười tập nhân cho nên tin cái tâm đó thì mình sẽ bán lúa giống. Nhớ rằng tâm ý cho nên rất nhiều vọng động.

Người xưa nói rằng muốn tin tâm mình thì phải là A là hán hay là Bồ Tát Bát địa thì mới khả dĩ tin tâm mình. Vì A la hán là vô sanh không còn sống bằng tâm sinh diệt nữa. Còn Bồ Tát bất động địa là đệ bát địa cũng không còn sống bằng những cái tâm vọng tưởng, vọng tình nữa thì các vị đó mới gọi là tin được Tâm mình.

Tâm đó đã trở thành bất động, không có dao động, không có đao động, không có tham, sân, si. Được vậy thì mới có thể tin Tâm mình, còn không thì chớ tin Tâm mình.

Các vị nhớ điều đó. Khi mình chưa biết cái Tâm chơn thật là gì thì chớ vội tin những cái lăng xăng trong đầu, chớ nghe lời cái tâm đó. Tin cái tâm đó giống như Đường Tăng tin Bát Giới vậy. Tin đâu đổ nợ đó. Tam đó còn tham, sân, si đủ thứ cho nên không nên tin.

Ở đây hợp TÂM bình đẳng rồi thì TÂM này là Tâm Bản Thể, trong đó “Chỗ làm đều dứt. Hết sạch nghi ngờ. Tin đúng thẳng ngay”. Khi đó mới gọi là tin TÂM mình. Cái TÂM lúc bấy giờ trở nên bất động và sáng suốt, có Trí huệ thực sự thì sức sống đó mới đáng tin.

 Nhứt thiết bất lưu,

Vô khả ký ức.

Hư minh tự chiếu,

Bất lao tâm lực.

          Dịch:

Tất cả chẳng lưu,

Không nên ghi nhớ.

Rỗng rang tự chiếu,

Chẳng nhọc tâm lực.

Tất cả thế gian và xuất thế gian đều chẳng lưu giữ. Đây không phải chỉ Ngài nói thôi mà kinh Bát Nhã đã nói như vậy trong đoạn chữ “vô”: Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý… vô vô minh, diệc vô minh tận v.v… Đoạn chữ “vô” đó là đoạn dạy mình ở trong Tánh Không hông có các pháp thế gian và cũng không có các pháp xuất thế gian.

Thế nên phải là một Tâm rỗng lặng thênh thang, vì thực chất Tâm này vốn là “vô nhất vật”, “xưa nay không một vật” như lời của Đức Lục Tổ Huệ Năng nói. Cái Tâm chân thật của mình thực sự là “Xưa nay không một vật”. Vì vậy chúng ta không nên lưu giữ cái gì hết. Thiền sư hiểu điều này rồi nên mới nói rằng:       

                             Nhạn quá trường không,

                             Ảnh trầm hàn thủy.

                             Nhạn vô di tích chi ý,

                             Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Giống như chim nhạn bay trên trời không, nó không tạo một dấu vết gì ở trong hư không hết. Cái bóng của nó được nước ghi bóng nhưng thực ra nước vẫn lặng lẽ không để dính một hình ảnh nào của con chim nhạn dù rằng khi bay có hiện bóng trong nước. Đó là thể hiện chỗ sống mà chẳng lưu giữ bóng hình, không có gì là thật ở giữa này hết.

Các pháp thế gian và xuất thế gian cũng đều là hư huyễn. Không một pháp có thể được thì lưu giữ cái gì chứ? Nói cụ thể như kinh Kim Cang là: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”. Tâm ba thời đều không thể được vì hiện tại không dừng trụ, quá khứ đã qua, vị lai chưa tới. Không cái nào thực sự là có cho nên không nên lưu lại dấu vết làm gì.

Chúng ta sở dĩ có khổ đau là vì chúng ta có lưu lại dấu vết của quá khứ, hiện tại hay tương lai. Dấu vết chỗ này, dấu vết chỗ kia tức là chúng ta mắc kẹt ở thời gian và không gian. Chúng ta vướng thời gian và không gian tức là chúng ta có lưu dấu vết.

Và những dấu vết đó trở thành bóng ảnh ở trong tâm và khi sống bằng những bóng ảnh đó thì chúng ta có khổ thôi, vì không có bóng ảnh nào là thật hết.

Lòng của mình vốn trong suốt giống như gương, trong đó không có một bóng hình nào. Tuy có hiện bóng nhưng xem kỹ lại thì tất cả đều là không hết. Cho nên chẳng lưu tất cả, không nên ghi nhớ.

Cái đầu của mình hãy để rỗng rang, ngay cả những chuyện chúng ta học trong mùa an cư này, chúng ta học qua rồi thôi không nên bận lòng làm gì, mai kia mốt nọ trở về trú xứ của mình thì cũng chẳng nên mang cái gì ở tỏng đầu mà về, chỉ ra đi bằng cái đầu không trống. Vậy là tốt. Đừng lưu lại hình ảnh, những ký ức nào trong mùa an cư, dù là những bài học Phật pháp như thế nào đó cũng chẳng phải nhớ làm gì. Chúng ta chỉ giữ một cái đầu rỗng trống thế thôi.

Chúng ta học để quên chứ không phải học để nhớ. Học đạo là để xóa đi những cái chúng ta đã lưu dấu vết. Như vậy cái đầu của mình mới nhẹ hơn, mới khỏe ra. Còn chúng ta cố nhồi nhét, cố nhớ thêm thì chỉ là phiền phức mà thôi.

Hãy nhớ là “Vô tam cập đệ quy”. Lòng vô tâm, vô ý, không còn có cái gì trong đầu nữa thì đó mới gọi là thi đậu về. Vua nhà Lý của chúng ta đã nói như thế.

Không nên ghi nhớ bất cứ thứ gì dù là pháp Phật.

Bây giờ các vị học, thấy lời kinh lời kệ hay, rồi để lòng mà nhớ. Khi ngồi thiền các vị nhả nó ra để nhớ nó hay thế này, thế nọ thì thời ngồi thiền đó có gọi là an định không? Dù là lời của Phật nói cũng không nên nhớ như vậy chúng ta mới lắng sâu vào thiền định được.

Như các Phật tử học trong lớp này nghe những lời dạy rất hay, tới chừng ra về đi ngoài đường mà trong đầu của mình vẫn còn mang máng những lời kinh lời kệ, đó là sự nguy hiểm. Khi cái đầu của mình vương víu những bài học nào đó thì đầu mình mất trong sáng và sự cảm nhận của mình về phía trước trên đường đi sẽ không còn chính xác và tai nạn sẽ xảy ra. Các vị nhớ:

                             Tất cả chẳng lưu,

                             Không nên ghi nhớ.

                             Rỗng rang tự chiếu,

                             Chẳng nhọc tâm lực.

Chỉ là rỗng rang, tự chiếu sáng thôi. Giống như xe chạy đêm luôn có đèn sáng thì sẽ chạy được nhanh lẹ, an toàn. Chỉ giữ đèn sáng mà không lưu lại một dấu vết nào ngoài đèn sáng hết. Đó là cách dụng tâm cụ thể trong khi đi đứng ngồi nằm, nói nín.

Cái tu của mình mà được như vậy ở trong mọi hoàn cảnh, thì sẽ rất tốt. Từ những công việc lặt vặt cho tới những công việc quan trọng chúng ta đều dụng tâm như vậy thì sẽ được an toàn trong một ngày sống. Nhặt rau, xắt sả, xắt ớt mà mình bằng một cái tâm trong sáng để thấy rõ từng ngọn rau, từng lát sả thì việc làm của mình thật là hay. Như vậy là mình có thiền định ngay trong công việc làm.

Bây giờ các vị ngồi học cũng bằng sự trong sáng đó mà nghe. Không để ý về thầy, về huynh đệ cũng không nhớ chuyện gia đình gì hết thì chúng ta sẽ nghe một cách tốt hơn, thâm nhập lúc nào không hay. Đó là điều rất rõ ràng.

Có một sự rỗng rang tự chiếu thì sẽ có một năng lực phi thường ở trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Và khi phải chết mà chúng ta vẫn rỗng rang tự chiếu. Thấy rõ ràng cái chết bò lần lên người của mình và giữ sự rõ ràng không lay động như thế thì hỏi mình có sợ chết không? Mình sẽ bình an trong cái chết.

Giống như Hòa thượng Hoàn Chỉnh trụ trì chùa Phước Hậu ở Trà Ôn trước thời của Hòa thượng Tổ Khánh Anh. Trước khi tịch Ngài hỏi người nuôi rằng:

- Hãy rờ thử người ta thế nào?

Người nuôi rờ dưới chân và thưa rằng:

- Chân của Hòa thượng đã lạnh lắm rồi.

Hòa thượng nói:

-Được. Tốt.

Hòa thượng nghe cái lạnh, cái chết nó bò lên từ chân. Hòa thượng nằm xuôi trên chiếc phản và bảo đệ tử hãy lấy hai cặp đèn ở nhà Tổ xuống đặt lên giường cho Ngài. Đệ tử còn chần chờ thì Ngài nói lấy đốt lên cho sáng. Đệ tử không thể cãi được cho nên bưng hai cặp đèn để trên đầu nằm một cặp, để dưới chân một cặp và Ngài bảo đốt đèn lên đi. Đệ tử nghe lời đốt đèn lên và Ngài mới nói rằng:

- Sáng mà không muốn, lại muốn tối.

Lời khai thị sau cùng của Ngài thật là hay. Phải thắp sáng lên. Không phải thắp sáng ngọn đèn trên đầu dưới chân thôi mà thắp sáng Trí huệ của chính mình.

Rất tiếc lúc đó không ai ngộ ra lời dạy sau cùng của Ngài. Nói xong lời đó rồi Ngài nhắm mắt lại từ giã cõi đời đi vào cõi chết.

Hòa thượng Hoàn Chỉnh đã chết một cách an lành như vậy. Cái chết của Ngài đã được tiên liệu mấy ngày trước đó. Buổi chiều trời mưa lâm râm vào tháng sáu thì Ngài bảo rằng:

- Cây dương trước chùa ngã.

Đại chúng chạy ra ngoài coi và trở vô báo rằng:

- Thưa Hòa thượng đâu có cây dương nào ngã đâu. Vẫn còn nguyên. Hòa thượng nói:

-   Không. Ta nói cây dương lớn nhất trước chùa ngã mà.

Chúng tưởng đâu Ngài già rồi nói chuyện lẩm cẩm.

Từ đó, Ngày nhuốm bệnh từ ngày 20 đến ngày 24 thì Ngài tịch.

Cây dương lớn nhất trước chùa ngã đó là Ngài, là Hòa thượng trụ trì ngôi chùa Phước Hậu. Rất tiếc là đệ tử lúc bấy giờ không đủ đề tài để hiểu những gì Hòa thượng khai thị.

Với người biết tu và sống được bằng cái rỗng rang tự chiếu, cái Trí huệ tự soi đó thì “Chẳng nhọc tâm lực”. Không có gì phải vất vả, cực khổ cả.

Nếu chúng ta khéo biết chỉ cần rỗng rang tự chiếu thôi thì đâu có nhọc tâm lực.

Phi tư lượng xứ,

Thức tình nan trắc.

Chơn như pháp giới,

Vô tha vô tự.

Dịch:

Chẳng phải chỗ suy,

Tình thức khó dò.

Pháp giới chân như,

Hông kia, hông đây.

Đây chẳng phải là chỗ có thể suy lường. Khi có niệm nghĩ mới có suy, có lường. Còn chỗ vắng bặt không một niệm thì làm gì chúng ta suy lượng cho được.

Bằng tình thức thì khó mà dò, mà hiểu cho ra. Cho nên chỗ phóng quang hiện cảnh giới của đức Phật ở trong hội kinh Pháp Hoa, đại chúng đều ngơ ngác. Ngài A Dật Đa là Bồ Tát Di Lặc cũng ngơ ngác, không hiểu chuyện gì mới hỏi Ngài Văn Thù Bồ tát hãy giải thích điều mà đức Phật phóng quang hiện cảnh giới, nhập vào định “Vô lượng nghĩa xứ”. Định “Vô lượng nghĩa xứ” là định không lời mà có vô lượng nghĩa.

Ngài Bồ tát Di Lặc là người tu quán duy thức nên bằng tình thức Ngài không đo lường được cái chỗ không tình, không thức cho nên phải hỏi Bồ Tát Văn Thù là con người tượng trưng cho Căn bản Trí.

Chỗ này chỉ có Căn bản Trí mới có thể thông cảm được, còn bằng tình thức khôn dại của mình không làm sao mà hiểu được. Gọi là “Tình thức khó dò”.

Tình thức được xây dựng từ cái học tập, học có bằng cấp này, bằng cấp kia. Bằng cấp là sản phẩm của tình thức. Đừng tưởng có bằng cấp cao là có thể hiểu được tất cả. Đối với chỗ này bằng cấp cử nhân Phật học hay Tiến sĩ Phật học trở thành vô nghĩa. Không làm sao hiểu được vì ngay đây là một Tâm rỗng lặng.

Cho nên những vị chân tu họ ít nói, ít bày biện, thấy họ giống như nhà quê vậy. Những người có học thức không bao giờ để ý đến họ, không nhìn ra họ, không đến được với họ nhưng thật sự họ là những người có sức sống cao siêu mãnh liệt.

Giống như Hòa thượng Hoàn Chỉnh, Ngài chỉ là một nông dân, làm ruộng để cất Chùa, chân tật nguyền không ra vẻ một Hòa thượng đạo cao đức trọng gì cả nhưng Ngài có một sức sống phi thường. Người đương thời có học thức không ai nhìn ra Ngài.

Tình thức chỉ giới hạn trong một chừng mực nào đó, không thấy sâu được chỗ vô tình, vô thức. Vì vậy chúng ta học đạo chớ nên xây dựng ở trên tình thức.

Tình thức là con mắt cỡ Sa Tăng, Bát Giới thôi. Thấy không tới đâu, yêu tinh sờ sờ trước mắt đó mà vẫn không hay biết lại tưởng lầm là Bồ Tát, là Phật. Con mắt của tình thức chỉ là như vậy.

Pháp giới chân như,

Hông kia, hông đây.

Pháp giới chân như là cõi bắt động trọn vẹn, không kia, không đây. Cõi này lặng trong và trong lặng hoàn toàn. Đó là cõi mà Bát Nhã nói rằng: “Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”. Tất cả các cặp đối đãi đều không trong chân trời này.

Chúng ta muốn vào Đạo thì phải thật sự “hông kia, hông đây”. Phải có cái nhìn đó ngay từ ban đầu.

Khi chúng ta xuất gia, được cạo sạch tóc trên đầu. Không tóc ngắn, không tóc dài là hông nam, không nữ. Bằng tâm đó đi vào Đạo may ra chúng ta đi mới lọt. Nếu còn nặng nam, nặng nữ là chúng ta đi không lọt.

Cửa Đạo bắt đầu từ ngay cái đầu tròn của mình. Đó là một cái đầu “hông kia, hông đây”. Tâm của mình phải thật sự là “hông kia, hông đây”. Không tất cả các cặp đối đãi.

Chúng ta tụng Bát Nhã hàng ngày thì phải hiểu cho ra về chỗ này. Tại sao Kinh nói: “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”. Và còn biết bao nhiêu là những cặp bất nữa chúng ta phải điền vào. Đó chỉ là ba cái mẫu mà thôi. Có biết diền vào như vậy thì đường tu của mình mới thực sự tiến bộ và không còn chấp các pháp thế cho tới các pháp xuất thế gian.

                               Yếu cấp tương ưng,

                               Duy ngôn bất nhị.

                               Bất nhị giai đồng,

                               Vô bất bao dung.

Dịch:

                               Phải gấp tương ưng,

                               Chỉ lời “hông hai”.

                               “Hông hai” đều đồng,

                               Hông gì chẳng dung.

Hãy màu sống phù hợp cùng Thể Tánh này. Đó là Thể Tánh KHÔNG. Thể Tánh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Phải gấp mà tương ưng với Thể Tánh đó. Chỉ riêng có lời hãy: “hông hai” đi. Đây là lối vào Đạo.

Trong Bát Nhã là pháp “không hai”. Các Thiền sư khai hóa cho người cũng nhằm diễn lên pháp “không hai” và đặt người vào thế ngộ pháp “không hai”. Nếu chúng ta đi vào Đạo mà sống bằng pháp “có hai”, chấp vào những đối đãi mà sống theo kiểu thế gian thì thật ra chỉ là một thứ thế gian đầu trọc mà thôi.

Người xuất gia thực sự phải có hạnh “không hai”. Sống bằng “không hai” thì thảy đều đồng đẳng hết. Chúng ta sống đời “không hai” thì lòng luôn lặng lẽ. Không dính bên này, không nhiễm bên kia, danh lợi tình đều không mắc, không vướng. Không vì bổn đạo, không vì chùa chiền, không vì cái chi hết.

Vì đã “không hai” chúng ta không còn nhớ đến chuyện gia đình, chuyện Phật tử, chuyện chùa chiền gì hết. Xuất gia rồi là phải sống đời “không hai”, không dính mắc bên này, không dính mắc bên nọ.

Như chiếc xuồng trên dòng sống nó trôi mà không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia không vướng cồn, vướng bãi thì chiếc xuồng đó nhất định trôi ra được biển, vào được đại dương mênh mông.

Đạo lý “không hai” là một đạo lý rất cụ thể. Ở mặt nào chúng ta cũng nên sống bằng đời “không hai”. Pháp Phật là pháp “không hai”. Pháp “không hai” là chánh pháp. Chúng ta nhớ như vậy và phải làm sao thoát ly khỏi cái “có hai” ở trong lòng mình. Vì “có hai” thì nhất định tạo ra mâu thuẫn mà có mâu thuẫn thì sẽ có đủ thứ chuyện trên cõi đời này.

                               “Hông hai” đều đồng,

                               Hông gì chẳng dung.

 Sống bằng “hông hai” thì thảy đều đồng đẳng, bao gồm hết, không gì chẳng dung Như hư không là một sức sống “hông hai” cho nên nó có thể chứa đựng cái tốt và cái xấu, cái nhơ và cái sạch. Gọi là bao dung, không chừa một thứ gì hết.

Cho nên người sống đời “không hai” trở nên thênh thang hơn, rộng mở hơn. Đó là sức sống của một bậc chân tu.

Đức Phật có một đời sống bình đẳng “hông hai” cho nên Ngài độ hết những người thiện và những người ác. Đó là cái đặc biệt ở trong cửa Phật, thực sự không gì là chẳng dung. Người rõ được điều này có thể sống được với bất cứ người nào, bất cứ tình huống, bất cứ hoàn cảnh nào.

                               Thập phương trí giả,

                               Giai nhập thử tông.

                               Tông phi xúc diên,

                               Nhứt niệm vạn niên.

Dịch:

                               Kẻ trí mười phương,

                               Đều vào tông này.

                               Tông chẳng ngắn dài,

                               Một niệm muôn năm.

Kẻ trí ở mười phương, những người có hiểu biết Phật pháp chân chính, hiểu về đạo lý này đều vào tông này, đều tu như vậy. Tông này chẳng ngắn, chẳng dài, chẳng sâu, chẳng cạn. Tông này chính là Phật tông hay là Phật Tâm tông.

Tông Phật là tông gốc nhưng vì không hiểu được Tâm Phật nên tự phân hóa ra đủ thứ tông. Như ở Trung Hoa có mười tông, ở Nhật Bản mười mấy thứ tông, còn ở Việt Nam may mắn chỉ có khoảng ba tông thôi. Bắt đầu từ Thiền tông rồi tiếp tới Tịnh độ tông và Mật tông.

Đừng tưởng rằng nhiều tông là tốt. Nhiều tông thì xa gốc, lu bu thêm, nó sẽ phân chia giành giựt thế này, thế nọ, từ tông này mới “tông” cái tông kia nên cũng chẳng phải là cái tốt.

Tại sao chúng ta không tu giống như Phật? Phật tu thế nào thì mình tu như thế nấy, đó là chân lý rồi. Chúng ta phải hiểu lại điều này để tu giống như Phật. Muốn làm Phật thì hãy tu như Phật vậy. Nên:

                               Kẻ trí mười phương,

                               Đều vào tông này.

                               Tông chẳng ngắn dài,

                               Một niệm muôn năm.

Đó chỉ là một niệm muôn năm thôi. Chỉ tu một chốc mà lợi ích muôn năm. Đơn giản mà rất có giá trị.

                               Vô tại bất tại,

                               Thập phương mục tiền.

                               Cực tiểu đồng đại,

                               Vong tuyệt cảnh giới.

Dịch:

                               Hông tại, chẳng tại,

                               Mười phương trước mắt.

                               Nhỏ tíu đồng to,

                               Dứt mất cảnh giới.

Hông ở tại đây cũng chẳng ở tại đâu. Đó là tinh thần vô trụ không có mắc kẹt ở chỗ nào hết mà mười phương hiện ra trước mắt.

Giống như ở đây chúng ta không dính người nào, không chú ý ai cả thì chúng ta sẽ thấy hết tất cả mọi người trong lớp. Còn mình chú ý một người nào thì mình chỉ thấy người đó thôi, không thấy hết được những người trong lớp. Đó là chỗ:

                               Hông tại, chẳng tại,

                               Mười phương trước mắt.

Pháp tu này nhỏ tíu mà đồng to tức là rất mầu nhiệm vậy. Dứt bặt cảnh giới, không pháp có thể được. Pháp tu này độc đáo là thế. Từ một cái Tâm mà mình khéo tu thì sẽ trùm cả mười phương trước mắt. Như hư không ở trong lỗ kim rất là nhỏ nhưng cái hư không đó vẫn đồng với hư không bao la mênh mông này. Gọi là:

                               Nhỏ tíu đồng to,

                               Dứt mất cảnh giới.

Khi đó lòng mình bằng bặc, thanh tịnh. Không còn tam thiên đại thiên thế giới gì nữa.

                               Cực đại đồng tiểu,

                               Bất kiến biên biểu.

                               Hữu tức thị vô,

                               Vô tức thị hữu.

Dịch:

                               Rất to đồng nhỏ,

                               Chẳng thấy lằn ranh.

                               Có, ấy là không,

                               Không, ấy là có.

Như đã nói hư không trong lỗ kim bằng cả hư không ở giữa trời đất này. Người rõ rồi thì không thấy có một lằn ranh nào giữa cái to và cái nhỏ.

Khi hư không ở trong lỗ kim thì chúng ta thấy như có lằn ranh là cái vành của cây kim nhưng khi bẻ vành đít của cây kim rồi thì hư không lỗ kim và hư không to bự giữa này không có lằn ranh nào.

Cái tâm mình đang tu và cái Tâm Bản Thể của mình quả là không có một lằn ranh nào, nó thênh thang. Nên từ Tâm mình có thể giao cảm được Tâm Phật, Tâm Bồ tát hay Tâm Như Lai. Như khi chúng ta niệm Phật tới trình độ “nhất tâm bất loạn” thì lúc đó có một sự giao cảm hài hòa không thể tưởng tượng được.

Giữa mình và Phật không còn có một lằn ranh nào hết. Ở trên thân mình và thân Phật còn có lằn ranh thực sự nhưng ở trên Tâm Phật, giữa mình và Phật không có lằn ranh nào hết.

“Thân của con là thân dân lưu đày, dân mọi rợ cùng Hòa thượng có khác nhưng Phật Tánh ở con và Hòa thượng thì không sai, không khác”. Đó là lời khẳng định của Đức Lục Tổ Huệ Năng khi mới đến đạo tràng Hoàng Mai.

Dù đó là lời ngô nghê của một tên tiều phu đốn củi nhưng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có phủ nhận được không? Không thể nói khác được vì đúng là như vậy.

Như vậy thân mình và thân Phật có khác nhưng Tâm Phật không sai không khác gì cả. Chỗ này triệt tiêu cả chủ thể và đối tượng cho nên không có lằn ranh gì nữa. Ngã và pháp cũng triệt tiêu, ngã nhân đều không có gọi là không có lằn ranh.

                               Có, ấy là không,

                               Không, ấy là có.

Có, Không lẫn ở trong nhau, không phải ở ngoài nhau. Chỗ mình đang ngồi gọi là “có” nhưng khi mình đứng dậy đi thì đó chính là “không”. Ngay chỗ “không” mình lại ngồi thì chính chỗ đó là “có”. Thành ra “có” và “không” lẫn khuất trong nhau như vậy. Hiểu ra điều này rồi chúng ta sẽ sống một cuộc đời tốt hơn.

                               Nhược bất như thử,

                               Tất bất tu thủ.

                               Nhứt tức nhứt thiết,

                               Nhứt thiết tức nhứt.

Dịch:

                               Nếu chẳng như vậy,

                               Ắt chẳng nên giữ.

                               Một là tất cả,

                               Tất cả là một.

Nếu chúng ta không thấy đúng như vậy, chúng ta thấy riêng biệt, thấy khác nhau thì chẳng nên giữ. Đó là cái thấy sai lầm. Đừng giữ làm chi.

Từ Thể Tánh mà thấy biết thì:

                               Một là tất cả,

Tất cả là một.

          Ngay khi mình “hông niệm” thì “Một là tất cả” và khi mình đã “hông niệm” rồi thì mình rõ biết hết tất cả. Chỉ là một TÂM cho nên gọi “Tất cả là một”. Không có gì khác ngoài Bản Tâm của chúng ta.

                                      Đản năng như thị,

                                      Hà lự bất tất.

                                      Tín tâm bất nhị,

                                      Bất nhị tín tâm.

          Dịch:          

                                      Chỉ hay như vậy,

                                      Lo gì chẳng xong.

                                      Tin TÂM “chẳng hai”,

                                      “Không hai” tin TÂM.

          Chỉ biết sống “Một” là tất cả, “Tất cả” là một không gì ngoài TÂM hết. Nhớ đây là Tâm Bản Thể chứ không phải là cái tâm ý lăng xăng của mình. Tất cả đều từ Tâm Bản Thể mà lưu xuất. Khi mình biết như vậy mà sống thì “lo gì chẳng xong”.

 Tin TÂM “chẳng hai”,

“Không hai” tin TÂM.

 

Tin được TÂM rồi thì rõ ràng là “chẳng hai”. TÂM vốn “không hai” mà chúng ta thấy “có hai” là TÂM bị xẻ ra làm hai, nó sẽ bị đứt và rỉ máu. Nên khi nào “có hai” thì nhất định có đau khổ, cũng như thân này bị chẻ ra làm hai thì nhất định chúng ta có khổ.

Năng lực sống của chúng ta là một năng lực bất sinh, bất diệt mà bị chẻ ra làm hai cho nên nhất định có khổ.

Khi chúng ta tin TÂM “chẳng hai” thì đó là chúng ta đã sống một thể thuần nhất không bị rỉ máu nữa, nên không còn gì gọi là đau khổ. Đó là một đời sống rất cần thiết cho chúng ta.

Muốn tin TÂM cho được thì chúng ta phải dẹp đi những điều “có hai”. Chúng ta phải hiểu, phải nhận trên tinh thần “không hai”. Từ chỗ sống “không hai” gọi là tin TÂM. Pháp “không hai” và Pháp TÂM không ngoài nhau.

                             Ngôn ngữ đạo đoạn,

                             Phi cổ lai kim.

Dịch:

                             Đường ngôn ngữ bặt,

                             Chẳng xưa, chẳng nay.

Đây là kết thúc của bài Tín Tâm Minh. Khi chúng ta tin TÂM được rồi coi như không còn gì để nói nữa.

TÂM là bất nhị. Bất nhị là tin TÂM.

Tới đây thì đường ngôn ngữ bặt tức là lời này, lời nọ của mình đều bặt hết. Thật ra ngôn ngữ cũng có giới hạn của nó, có nói nhiều cũng không nói hết về cái TÂM. Nói nhiều thì vướng vào lỗi có hai trong khi không hai mới gọi là tin TÂM.

Nói nhiều quá, nghe nhiều quá nó lại phân tâm, mất TÂM đi nên không nói nữa.

                             Đường ngôn ngữ bặt,

                             Chẳng xưa, chẳng nay.

Người tin được TÂM và sống được bằng TÂM thì thời gian cũng là bất động không có nghĩa gì cả.

Thực sự thời gian là thời gian, nó không sáng, không trưa, không chiều, không tối gì hết. Không xưa không nay đó là sự thật. Sự thật vĩnh cửu đúng là không xưa không nay gì hết.

Đó là chỗ Ngài dẹp lời nói của chúng ta. Ngài dẹp lời nói của Ngài cũng là dẹp lời nói của mình, đừng dính vướng trên văn tự chữ nghĩa nữa mà hãy im cái mồm và im luôn cả cái đầu của mình nữa. Thế là đủ rồi.

 

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89487
  • Online: 19