Tinh Thần Giáo Ngoại Biệt Truyền
24/12/2024 | Lượt xem: 24
HT.Thích Thanh Từ giảng tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội.
Đề tài tôi nói hôm nay là Tinh thần Giáo Ngoại Biệt Truyền. Trước hết tôi dẫn bốn câu kệ của tổ Bồ-đềđạt-ma, được xem như châm ngôn trong nhà thiền:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Nếu quý vị có đọc sách thiền hoặc những mẩu chuyện thiền thì sẽ thấy bài kệ này rất mâu thuẫn. Câu mở đầu Bất lập văn tự tức đã là một mâu thuẫn. Bởi nói chẳng thành lập văn tự chữ nghĩa, mà khi nghiên cứu Đại tạng kinh chữ Hán trong phần Chư Tông bộ, chúng ta thấy phần ngữ lục và những tác phẩm của thiền tông nhiều nhất so với các tông khác.
Giáo ngoại biệt truyền, tức là truyền ngoài giáo lý của Phật, lại thêm một mâu thuẫn lớn. Thiền tông là gốc của đạo Phật, mà Tổ dám tuyên bố truyền ngoài giáo lý của Phật, điều này càng không thể chấp nhận được.
Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Nghĩa là chỉ thẳng tâm người, nhận ra bản tánh thì thành Phật. Rõ ràng không như lịch sử mà chúng ta được biết, đức Phật đi tu trải qua gian khó mới thành Phật. Tại sao Tổ sư lại nói như thế?
Bốn câu kệ này mới nghe qua chúng ta thấy dường như mâu thuẫn nhưng sự thật thì không phải thế, mà đây chính là nói lên tinh thần và chủ trương của thiền tông. Tôi sẽ tuần tự giải thích về những điều căn bản này, để quý vị có thể thấy rõ hơn.
Trước đây chúng tôi có nói, thiền tông là cốt tủy của đạo Phật. Tại sao? Bởi vì đức Thích-ca ngày xưa do thiền định mà được giác ngộ thành Phật. Sau khi thành Phật, ngài đem lý giác ngộ chỉ dạy lại cho hàng đệ tử, khiến cho mỗi người tu đều được giác ngộ. Vì thế Phật và Bồ-tát đều cùng chữ giác, nhưng Phật được gọi Toàn giác hay Viên giác, còn Bồ-tát thì chỉ là Phần giác. Nghĩa là giác ngộ không hạn cuộc riêng nơi một người nào, mà bất cứ ai ai cũng có thể giác ngộ thành Phật.
Như vậy trọng tâm căn bản của đạo Phật chính là giác ngộ chứ không phải chỉ có lòng tin, do đó thiền tông cũng lấy giác ngộ làm nền tảng để tiến tu. Muốn giác ngộ thì không thể thiếu thiền định, hay nói cách khác: không thiền định thì không giác ngộ, mà không giác ngộ thì không đủ tư cách để truyền bá thiền tông.
Phần giác ngộ trong nhà thiền có chia ra tiểu ngộ, đại ngộ và triệt ngộ. Tại sao cũng là ngộ mà lại phân chia tới ba lớp như thế? Thí dụ chúng ta đọc lời Phật nói trong kinh cảm thấy hay nhưng không hiểu gì hết, một hôm ngồi yên bỗng nhiên sáng tỏ câu kinh ấy là ngộ, nhưng chỉ hiểu thông được một phần trong toàn bộ nên gọi tiểu ngộ. Tiểu ngộ này đối với người quyết tu thì dễ thấy dễ có, nên nói tiểu ngộ trăm lần còn đại ngộ chỉ đôi ba phen, đến khi triệt ngộ mới gọi là thấu suốt rốt ráo.
Thiền tông lấy giác ngộ làm chuẩn để tu, vì đó là gốc của đạo Phật. Muốn truyền bá thì phải có giáo lý văn tự, không văn tự thì làm sao mà truyền, vậy tại sao lại bảo truyền ngoài giáo lý, có phải là một mâu thuẫn lớn không? Bây giờ tôi sẽ thứ tự giải thích về những điều đó.
Thiền tông truyền thừa đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, sách vở ngữ lục của thiền tông vẫn còn lưu lại trong Đại tạng. Chỉ nói phần thiền sử thôi, riêng bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục đã có tới mấy chục quyển, ngoài ra còn bao nhiêu thứ sách vở khác nữa. Nói không lập văn tự mà trên thực tế thì thấy văn tự rất nhiều, phải chăng nhà thiền nói một đàng làm một ngả? Đó là nghi vấn thứ nhất.
Đến nghi vấn thứ hai, tất cả kinh giáo là những lời chỉ thẳng lẽ thật, do đức Phật sau khi giác ngộ nói ra, được gọi là chân lý. Chân lý là lẽ thật thì làm sao loại bỏ được, mà nhà thiền lại nói giáo ngoại biệt truyền? Truyền pháp ngoài giáo lý, điều này càng không thể chấp nhận. Đến như tổ Bồ-đề-đạt-ma khi truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả, cũng truyền luôn bốn quyển kinh Lăng-già. Lăng-già là giáo mà giáo là văn tự, sao truyền tâm ấn rồi còn truyền văn tự để làm gì? Tổ thứ năm của Thiền tông Trung Hoa là ngài Hoằng Nhẫn, cũng thường giảng kinh Kim Cang cho đệ tử nghe. Kinh Kim Cang là giáo, vậy truyền thiền có ảnh hưởng gì tới giáo mà Ngũ tổ giảng kinh Kim Cang? Rồi ngài Huệ Năng cũng nhờ nghe kinh Kim Cang mà ngộ được lý thiền trở thành Tổ thứ sáu, vậy có mâu thuẫn không? Tôi kể sơ qua vài điểm, còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Nếu quý vị đọc trong thiền sử, sẽ thấy có những điều mâu thuẫn đến lạ lùng.
Từ trước đến đây tôi chỉ nêu lên nghi vấn mà không giải thích, bây giờ tôi sẽ trích dẫn những câu chuyện thiền, để làm sáng tỏ ý nghĩa trên. Những mẩu chuyện thiền nhỏ này, cũng sẽ giúp cho quý vị thấy rõ hơn về tinh thần kỳ đặc của thiền tông. Tinh thần kỳ đặc ấy, không phải vì mầu nhiệm huyền bí mà bởi việc này quá chân thật, quá gần gũi nhưng không thể nói thẳng, buộc lòng các thiền sư phải nói quanh co, do đó trở thành kỳ lạ, bí mật.
Như có một thiền khách đến hỏi ngài Động Sơn Thủ Sơ: “Thế nào là Phật?” Ngài đáp: “Ba cân gai.” Đáp ba cân gai có dính gì với câu hỏi thế nào là Phật không? Thiền sư nói ở đây mà ý ở kia, nhân việc này để vì việc khác, chúng ta cần nhìn ngược lại mới thấy được ý trả lời. Nếu cứ ở trên câu nói đó mà tìm hiểu nghĩa Phật thì muôn kiếp cũng không thể thấy. Nhà thiền gọi những câu nói này là hoạt ngữ, tức là câu nói sống. Tôi dẫn một thí dụ để làm sáng tỏ thêm.
Trong Tiểu Diễm Thi của Trung Hoa kể câu chuyện: Có một cô tiểu thư rất đẹp, con của vị quan lớn trong vùng, cô và chàng trai láng giềng cùng có tình ý với nhau. Một hôm trời vừa tối, chàng trai lảng vảng ngoài hàng rào nhìn vô nhà cố tìm tiểu thư. Từ tầng lầu cao nhìn xuống thấy chàng trai có ý muốn tìm, tiểu thư bèn đứng trước cửa phòng mình kêu: “Tiểu Ngọc, đem cái bình lại đây cho cô.” Nghe tiếng tiểu thư gọi thể nữ, chàng trai liền biết chỗ ở để vào. Nhân đó có câu: “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự, chỉ hứa đàn lang nhận đắc thanh.” Tiểu thư kêu thể nữ đem bình lại là cô cần cái bình hay là vì cái gì? Thâm ý của cô chính là cốt để cho chàng trai biết mình đang ở chỗ nào, chứ không phải vì cần cái bình.
Nếu quý vị hiểu được ý sâu kín của câu chuyện này thì mới hiểu được tinh thần thiền tông. Như vậy khi đọc sách thiền mới không thắc mắc, sao các ngài nói không có ý nghĩa gì hết. Đó là tôi giải thích sơ về nghi vấn trong câu nói bất lập văn tự, đến đây tôi nhắc lại một câu chuyện thiền, để làm sáng tỏ ý nghĩa câu nói giáo ngoại biệt truyền.
Thiền sư Vân Môn sống vào khoảng thế kỷ thứ X ở Trung Hoa, một hôm ở giữa chúng ngài cầm cây gậy đưa lên bảo: “Phàm phu gọi nó là thật. Nhị thừa phân tích gọi nó là không. Viên giác gọi nó là huyễn có. Bồ-tát thì đương thể tức không. Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.”
Chỉ một cây gậy đưa lên mà ngài Vân Môn đã giản trạch cho thấy tùy theo từng cái nhìn, từng trình độ mà có sai biệt. Phàm phu gọi nó là thật, người thế gian thấy cây gậy là thật có. Nhị thừa phân tích gọi nó là không, hàng Nhị thừa tức chỉ Thanh văn Duyên giác, thì nói cây gậy là không. Tại sao? Bởi vì Thanh văn nhìn sự vật theo lý vô thường sanh diệt, muôn sự muôn vật cho tới con người chúng ta, đều có mặt trong một thời gian nhất định rồi phải hoại. Như đóa hoa này, ngày nay nở nhưng mai kia sẽ tàn. Hoa nở là có, hoa tàn là không. Từ có mà trở thành không, đó là nhìn theo luật vô thường.
Hàng Duyên giác thì quán các pháp đều do nhân duyên sinh, như cây gậy không tự có mà do duyên hợp mới có. Đủ các duyên hợp lại thành cây gậy, như vậy cây gậy chỉ là một giả tướng do duyên hợp chứ nó không có thật nên cũng là Không. Như chúng ta thấy hoa hường đẹp mình thích, nhưng nếu đem phân tích từng cánh ra thì không có cái hoa hường. Nhìn thấy biết nó không thật nên không đắm nhiễm, do vậy lòng yêu thích cũng theo đó mà hết.
Nói cây gậy duyên hợp chắc hơi khó nhận, tôi tạm dùng thí dụ gần hơn để quý vị dễ hiểu. Như bây giờ tôi co năm ngón tay lại thì gọi đây là nắm tay. Nắm tay này vốn không tự có, do từ năm ngón co lại mà thành. Nếu chúng ta phân chia rời rạc ra, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út, thì nắm tay có không? Không có. Như vậy năm ngón là duyên, năm ngón co lại tạm hợp gọi là nắm tay. Nắm tay đã là duyên hợp, tức nó không có thật. Đủ duyên là có, hết duyên là không. Vậy thì trên phương diện nhân duyên hòa hợp, nắm tay không thật có nắm tay, cây gậy cũng không thật là cây gậy. Thấy như thế là theo cái nhìn trí tuệ của hàng Nhị thừa, còn cái thấy của hàng Viên giác thì thế nào?
Viên giác gọi nó là huyễn có. Trong kinh Viên Giác đức Phật dạy: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác.” Biết các pháp như huyễn thì không bị trói buộc, mà không trói buộc tức là rời xa, không dính mắc vào các pháp đó là giác ngộ. Tinh thần của kinh Viên Giác là dạy chúng ta quán các pháp duyên hợp huyễn hóa. Cây gậy cũng là duyên hợp, nên tuy có mà huyễn hóa không thật. Chỗ này quý vị cần nắm rõ. Nói huyễn là vì các pháp đều do duyên hợp huyễn hóa không thật, tuy có đó nhưng không thật thể nên nói nó là huyễn, chứ không phải nói huyễn có nghĩa là không ngơ. Hàng Viên giác nhìn các pháp không cần qua phân tích mà vẫn biết rõ là huyễn có, nên dẹp trừ được tham sân si.
Bồ-tát thì đương thể tức không. Nghĩa là hàng Bồ-tát nhìn ngay cây gậy đang có đó thấy nó là không. Như nắm tay tôi hiện đang ở đây, ngay trước mắt quý vị mà nói là không. Quý vị tin nổi không? Tới đây tôi đi xa hơn một chút cho quý vị thấy rõ. Như trong kinh Kim Cang có câu: “Thế giới phi thế giới thị danh thế giới. Vi trần phi vi trần thị danh vi trần…” Thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Vi trần không phải vi trần, ấy gọi là vi trần… Những câu như thế làm sao chúng ta hiểu nổi. Trở lại thí dụ nắm tay, nếu chúng ta dùng trí tuệ để nhận hiểu thì rõ ràng nắm tay này không có thật thể. Phàm cái gì đợi duyên hợp mới có thì cái đó chỉ là giả tướng không có thật thể, nên nói nó là huyễn hóa, là không. Tôi nhắc lại, không là không có thật thể nắm tay chứ chẳng phải không có giả tướng nắm tay. Từ nắm tay mà suy rộng ra sẽ hiểu ý kinh Kim Cang nói. Thế giới phi thế giới, thị danh thế giới. Nói thế giới không phải thế giới là chỉ cho không có thật thể thế giới, nhưng vì duyên hợp thành thế giới nên gọi là thế giới. Vi trần cũng vậy.
Cái nhìn của Bồ-tát không đợi phân tích mới biết các pháp duyên hợp, mà nhìn thẳng vào thật thể nên nói đương thể tức không. Nghĩa là ngay tướng không cần phân tích mà biết nó không có tự tánh, cho nên hệ Bát-nhã nói cái gì cũng không. Đó là cái nhìn theo tinh thần Bồ-tát. Do nhìn sự vật như thế nên Bồ-tát tự tại, không dính mắc. Vì thế gọi các ngài là Phần giác, tức đã giác ngộ được từng phần.
Tóm lại, nhìn theo dòng thời gian thấy các pháp là vô thường, phân tích trên tướng biết các pháp duyên hợp không thật, hay rõ biết các pháp đang hiện có đều không tự tánh, thể nó là không v.v… Tất cả cái nhìn này đều y theo giáo lý kinh điển Phật dạy. Thế nhưng Phật dạy chúng ta phải nhìn như vậy để làm gì? Đó là trọng tâm của vấn đề.
Phật dạy như vậy là để chúng ta nhìn bằng trí tuệ thấy đúng lẽ thật. Bởi luôn luôn thường nhớ như thế, nên khi thấy một vật dù đẹp cách mấy cũng không tham luyến. Sở dĩ con người tham lam, giành giật nhau là vì tưởng các pháp lâu dài. Nếu biết duyên hợp tan hoại thì lòng tham đắm không còn, sân giận si mê cũng theo đó mà hết. Tham sân si hết là phá được ba độc. Bốn cách nhìn này chính là cái thấy của trí tuệ, nương vào lời Phật dạy trong kinh mà quán chiếu.
Theo cái nhìn của thiền sư thì sao? Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Nói như vậy thì các thiền sư có tu không? Bốn cách nhìn trước có đường lối tu rõ ràng, còn thiền sư thì thấy cây gậy là cây gậy, nghe dường như không có tu hành gì hết. Nhưng đây chính là điểm đặc biệt của nhà thiền. Thiền tông chủ trương “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Thế nên thiền sư nhìn sự vật là sự vật, thấy là thấy, không dấy niệm dính mắc vào sự vật.
Đối với sáu trần mà không dính mắc, đó là thiền. Lục tổ Huệ Năng nghe kinh Kim Cang đến câu “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ. Bốn câu kệ kết thúc bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giúp chúng ta thấy rõ hơn về điều này.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, ở giữa dòng bụi trần mà vui với đạo là phải khéo tùy duyên. Tùy duyên thế nào? Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên, khi đói thì ăn, lúc mệt thì ngủ, đó là tùy duyên. Sao dễ như vậy? Bởi vì gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, ở trong nhà mình có sẵn của báu rồi, đừng tìm kiếm ở đâu nữa. Chỉ cần đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền, khi đối cảnh mà không khởi niệm, không dính mắc thì đâu cần phải hỏi thiền làm chi nữa, vì đó chính là thiền rồi.
Đối cảnh không dấy niệm, không khởi dính mắc thì không có tham sân si. Không phải quán vô thường, quán nhân duyên hay quán các pháp là không thật thể, mà chỉ cần nhìn tất cả sự vật không để niệm dấy lên chạy theo dính mắc, đó là thiền. Cho nên cây gậy là cây gậy, không thêm một niệm nào hết, ý nghĩa giáo ngoại biệt truyền chính là vậy. Không cột ở trong giáo lý nhưng trọng tâm rốt ráo không hai, không khác. Có thể thấy, thiền tuy không nói giáo lý mà gốc từ giáo lý, đi thẳng vào trọng tâm của giáo lý. Hiểu được điều đó thì chúng ta mới thấy được lối tu của thiền.
Khi tổ Đạt-ma mới sang Trung Hoa, ngài Thần Quang tìm đến cầu học. Tổ không đoái hoài, ngài Thần Quang đứng ngoài tuyết lạnh chịu đựng khổ nhọc, cho đến chặt tay để nói lên ý chí cầu đạo của mình. Cuối cùng cũng được tổ Đạt-ma chấp nhận cho làm đệ tử. Thần Quang thưa:
- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Điều này rất cấp thiết, bởi tất cả người học đạo đều muốn có một pháp để an tâm. Tổ bảo:
- Đem tâm ra ta an cho.
Câu đáp rất lạ lùng. Thần Quang ngay đó ngẫm coi cái tâm bất an đang ở đâu nhưng tìm hoài không thấy.
Ngài thưa:
- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngay đó ngài ngộ được lý an tâm, cho nên Tổ đổi hiệu Thần Quang thành Huệ Khả.
Qua đối đáp của Tổ, quý vị thấy có dẫn lời kinh câu kệ nào của Phật ra để dạy không? Chỉ là khi đối tượng thắc mắc, các ngài khéo nương nơi thắc mắc đó mà chỉ thẳng cho họ thấy cái thật. Đó là truyền dạy thiền, nên nói giáo ngoại biệt truyền là vậy.
Câu chuyện của ngài Huệ Khả ngộ đạo quý vị thấy có lạ lùng không? Đây gọi là trực chỉ nhân tâm. Bởi vì tất cả chúng ta ai cũng thừa nhận, cái hay suy nghĩ phân biệt tính toán là tâm mình, nên khi ngồi yên lại thì suy nghĩ đủ thứ chuyện, hết cái này tới cái kia, kể cả giờ niệm Phật hay lúc tọa thiền cũng cứ chạy lung tung. Do suy nghĩ đủ thứ mà lòng luôn luôn bất an, thế nên khi ngài Huệ Khả được gặp Tổ thì lời đầu tiên là cầu xin phương pháp tu hành để an tâm.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma có ban cho ngài pháp gì không? Không có pháp gì cả, mà Tổ chỉ bảo đem tâm ra ta an cho. Câu nói dường như không có lý lẽ, nhưng đã là một vị Tổ thì không thể tự dưng nói chơi, cho nên ngài Thần Quang phải tìm coi cái tâm lâu nay bất an đó ra sao, ở đâu? Tìm, tìm mãi, càng tìm càng không thấy tăm dạng của nó, nên thưa con tìm tâm không được. Khi xoay lại tìm tức lúc đó tâm không còn lăng xăng, niệm bất an đã lặng. Bấy giờ Tổ chỉ nói, ta đã an tâm cho ngươi rồi. Không một thần chú linh thiêng cũng không có bài kệ hay một câu triết lý gì, mà ngay đó rõ ràng tâm đã an. Đơn giản vô cùng.
Người tu Phật khác hơn các tôn giáo khác ở chỗ bớt đi chứ không có thêm lên. Thông thường người ta cứ nghĩ phải thêm cái này thêm cái kia, nhưng đạo Phật thì ngược lại bảo phải bớt. Thí dụ, có người làm đủ thứ việc xấu, nào là trộm cắp, uống rượu, hút thuốc v.v… Bây giờ muốn chuyển kẻ ấy trở thành người tốt, chúng ta phải khuyên dạy họ bỏ những tật xấu đó đi. Nếu chỉ bảo bố thí, tụng kinh… mà không khuyên dạy gì thì họ có thành người tốt được chưa? Thực tế hơn hết là khuyên họ bỏ những tật xấu đi, chừng nào bỏ được rồi thì tự nhiên lúc đó họ là người tốt, khỏi cần phải dạy họ làm người tốt. Ý nghĩa tu theo Phật là thế.
Phật tử bây giờ có bệnh tham, tu mà muốn thêm chứ không chịu bớt. Thêm cái này, thêm cái kia… cứ thêm hoài nên rốt cuộc tu không tới đâu. Tu Phật là buông bỏ, là giảm bớt. Thiền sư Hoàng Bá nói: “Trong hội của Mã Tổ có trên tám chục vị thiện tri thức, duy chỉ có Quy Tông là ỉa chảy đầy đất.” Câu nói nghe rất thô mà thật là một lời phê bình khéo. Xổ sạch. Người ỉa chảy đầy đất là người xổ sạch hết không còn gì. Như chúng ta ở đây có xổ không? Xổ nhưng mà sợ lắm, xổ chút chút thôi chứ không dám xổ sạch. Bởi còn tích lũy nên cái tốt còn giới hạn chứ chưa thật tốt.
Thí dụ trước đây ai đó xử sự tệ với mình, bây giờ biết chút đạo lý nên dặn lòng thôi đừng giận. Nói đừng giận là bỏ cái giận thô, giận oán thù muốn giết hại, nhưng cái hờn thấy mặt họ mình không muốn ngó thì vẫn còn hoài, như vậy xổ được chừng bao nhiêu? Đó là bệnh chung của con người. Cho nên chúng ta chưa hoàn toàn tốt là vì chưa xổ hết, chừng nào buông bỏ hết thì chừng đó mình mới thật là người tốt. Theo cái nhìn của đạo Phật, không phải chúng ta tu để thành một ông Phật nào xa lạ, mà tu là buông xả hết những xấu xa phiền não để tánh giác hiện ra. Tánh giác đó chính là Phật của mình, đây mới là Phật thật. Phật là tâm mình cho nên “tức tâm tức Phật” là vậy.
Tu thiền không cần chạy tìm Phật đâu đâu, mà phải bỏ phiền não tham sân nơi mình. Buông bỏ phiền não thì Phật sẽ hiện, còn chạy tìm Phật mà phiền não không chịu bỏ chỉ là uổng công, không bao giờ thấy được Phật. Đã nói tức tâm tức Phật, vậy cái gì không phải tâm Phật phải loại bỏ hết đi. Bỏ hết cái giả rồi thì tâm Phật hiện tiền, không cần tìm kiếm ở đâu. Chủ trương chính mình là Phật chứ không phải tìm Phật ở bên ngoài, đó là điểm đặc biệt của nhà thiền.
Chỉ thẳng cho mình biết bỏ hết những tâm loạn tưởng lăng xăng để thấy Phật, đó gọi là trực chỉ, tức chỉ thẳng không có quanh co. Mà chỉ thẳng cái gì? Chỉ thẳng ngay nơi tâm mình, nhận ra tâm chân thật rồi thì tâm đó tức là Phật, nên nói trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Chữ “kiến” ở đây có nghĩa là nhận ra, chứ không phải cái hiểu biết theo suy luận thường tình của chúng ta. Suy luận tưởng tượng không bao giờ đúng lẽ thật. Phàm cái gì mắt chúng ta thấy được rõ ràng thì cái đó không còn ngờ vực nữa. Cũng vậy, nếu một ngày nào đó nhận ra được ngay nơi mình tánh Phật hiện tiền, chừng đó mới không còn nghi ngờ.
Tánh Phật đó tất cả mọi người đều có. Phật có chúng ta cũng có. Nhưng đức Phật đã khéo loại bỏ phiền não nên ngài thành Phật, còn chúng ta chưa chịu bỏ nên chưa thành Phật. Như vậy tu thiền tức là dừng tâm lăng xăng lộn xộn, những ý niệm đó là nhân của phiền não tham sân si, chừng nào lặng được chúng rồi thì chừng đó sẽ thấy đức Phật ngay nơi chúng ta.
Quý vị tin mình có Phật không? Nếu có tin, chắc cũng chỉ tin sơ sơ thôi chứ chưa tin mạnh. Chúng ta có Phật nhưng vì quên nên mải chạy tìm kiếm. Trong kinh Lăng-nghiêm, đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh quên mình theo vật.” Quý vị thấy chúng ta có bỏ quên mình chạy theo bên ngoài không? Tôi tạm dùng một thí dụ nhỏ, quý vị thử trả lời một cách thật thà ngay khi tôi vừa hỏi, xem quý vị có quên mình không? Bây giờ tôi đưa tay lên, quý vị thấy không? Thấy. Tôi rút tay lại, quý vị thấy không? Không. Có tay nói thấy, không tay thì nói không thấy. Vậy là tất cả quý vị đã quên mình. Quên mình một cách đáng thương!
Tay là cảnh bị thấy, thấy là cái hay thấy của mình. Khi tôi đưa tay lên quý vị thấy có cái tay, lúc tôi rút tay lại quý vị cũng thấy, thấy chỗ này không tay. Có tay thì thấy có tay, không tay thấy không tay chứ đâu phải không thấy, nếu không thấy là mù. Đa phần chúng ta đều cho khi có cảnh là có thấy, không cảnh là không thấy, mà không biết rằng dù có cảnh hay không thì cái biết thấy có không đó vẫn rõ ràng. Cái thấy biết của mình hiện có mà nói không, có phải quên không? Thế nên Phật nói chúng sanh quên mình theo vật là vậy.
Đây là việc hết sức thực tế, trong giáo lý đạo Phật luôn luôn nhắc đi nhắc lại điều này.
Hiện nay khoa học tiến bộ rất xa, con người đã biết dùng phi thuyền để thám hiểm những hành tinh cách chúng ta cả trăm năm ánh sáng. Các nhà khoa học vì muốn cho cuộc sống của con người được sung túc, nên ra công tìm kiếm khám phá vũ trụ, trái lại mấy thầy tu cứ ngồi thiền mắt lim dim ngó xuống. Thử hỏi có lạc hậu không? Ngồi như thế để làm gì? Nhiều người không hiểu nghĩ rằng đạo Phật bi quan yếm thế, thiếu thực tế. Nhưng sự thật có thiếu thực tế không? Giả sử có người khi được hỏi chuyện bên Tây bên Tàu, nước nọ nước kia, việc tận đâu đâu cũng nói rành vanh vách. Nhưng bất chợt bị người hỏi: Thưa anh, nhà anh còn gạo hay hết? Liền đáp: Không biết. Quý vị nghĩ xem người đó thực tế hay thiếu thực tế? Nguồn sống hàng ngày của mình mà không biết, chỉ biết chuyện thiên hạ mà thôi, người này quả là thiếu thực tế.
Chúng ta có thể biết trăm ngàn hành tinh ở ngoài thế giới của mình mà lại không biết mình, vậy thì biết tất cả để làm gì? Con người hàng ngày cứ lo lắng, tính toán, sắp đặt cho mình mọi nhu cầu về miếng ăn chỗ ở v.v… đủ thứ, mà khi hỏi mình là cái gì thì ngẩn ngơ không biết. Thật đáng thương cho chúng ta, vì chỉ lo nhớ cảnh nhớ vật mà quên mất mình. Điều thiết yếu hơn hết phải biết mình là cái gì. Trước biết mình rồi sau biết tất cả mới hợp lý, còn không biết mình mà cứ lo biết tất cả thì cũng như trò chơi rỗng không. Vì vậy đạo Phật luôn bảo phải xoay lại mình, không cần tìm cái gì xa xôi.
Chúng ta lâu nay cứ để sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý phóng theo sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp mải miết. Bây giờ muốn chiếu soi trở vào bắt buộc phải dừng lại, mà dừng lại thì phải ngồi yên ngó xuống để tâm không chạy theo bên ngoài nữa. Tâm yên định rõ biết mình là cái gì, đó là trọng tâm của người tu thiền. Rõ biết được mình gọi là ngộ đạo, nếu không biết mình tức là chưa ngộ gì hết.
Nói thẳng thì đạo Phật truyền bá là cốt giải quyết vấn đề con người, khi hiểu được mình rồi sẽ hiểu được tất cả pháp bên ngoài, còn không hiểu mình mà muốn hiểu bên ngoài e không thực tế. Tất cả triết lý trên thế gian này, không ngoài giải quyết vấn đề con người và thiên nhiên vũ trụ, mà trong đó con người là thiết yếu hơn cả. Đạo Phật nhắm thẳng vào trọng tâm này, thế nên tất cả phương pháp tu của đạo Phật, đều là xoay lại mình. Nhà thiền có câu “phản quan tự kỷ”, tức là xoay lại chính mình. Xoay lại soi sáng mình là cội gốc thiết yếu của người tu thiền.
Đến đây tôi dẫn vài vị thiền sư Việt Nam, để quý vị thấy được cái nhìn của các ngài như thế nào. Thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý, ngài sinh năm 1122 tịch năm 1190, sắp tịch ngài để lại một bài kệ chữ Hán:
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt,
Được vô sanh, sau nói vô sanh.
Làm trai có chí xông trời thẳm,
Chớ giẫm Như Lai vết đã qua.
Quý vị nghe đọc câu này chắc sẽ ngạc nhiên, bởi vì tất cả người tu theo Phật ai cũng nghĩ rằng phải đi theo con đường mà Phật đã đi, nếu lệch sang hướng khác là không trung thành với Phật. Tại sao thiền sư Quảng Nghiêm lại bảo chớ giẫm Như Lai lối đã qua? Đừng đi theo lối của Phật đi là tinh thần giáo ngoại biệt truyền, như phần trước tôi đã nói.
Căn cứ theo trình độ thông thường, Phật dạy muốn tu phải áp dụng pháp quán vô thường, quán nhân duyên hay quán các pháp như huyễn v.v… mới dứt trừ được tham sân si. Nhà thiền nói không giẫm lên lối Phật tức là không rập khuôn, vì vậy bảo ngay nơi tâm mình không để niệm khởi chạy theo cảnh, đó là ngăn dứt tham sân si rồi, tức đâu có giẫm lên lối cũ mà cốt lõi là làm sao để dứt trừ tham sân si, nên phải là ý chí xông trời thẳm mới được. Câu nói này đa số người dịch đều thấy ngại, sao thiền sư ăn nói ngang ngược quá. Nhưng sự thật đó chính là tinh thần giáo ngoại biệt truyền của thiền tông.
Đến một bài kệ của Tuệ Trung thượng sĩ, nói về lý sắc không:
Sắc tức thị không, không thị sắc,
Tam thế Như Lai phương tiện lực.
Không bản vô sắc, sắc vô không,
Thể tánh minh minh phi thất đắc.
Sắc tức là không, không tức sắc
Ba đời chư Phật quyền biến đặt
Không vốn không sắc, sắc không không
Thể tánh làu làu, chẳng được mất.
Sắc tức thị không, không thị sắc. Câu này dẫn trong kinh Kim Cang Bát-nhã. Kinh là lời Phật dạy nhưng sao ngài lại nói Tam thế Như Lai phương tiện lực? Vì đó chỉ là sức phương tiện của ba đời chư Phật chứ không phải chân lý. Quán chiếu sắc tức là không, không tức sắc như thế, cũng chỉ là sức phương tiện của Phật mà thôi. Còn lẽ thật của người tu thiền là thế nào? Không bản vô sắc, sắc vô không. Sắc là sắc, không là không. Như cây gậy là cây gậy, đừng thêm thắt cũng đừng phân tích so sánh. Nếu được như vậy thì thể tánh minh minh phi thất đắc. Thể tánh của mình sáng rỡ, không còn nói được mất gì nữa. Tinh thần giáo ngoại biệt truyền của thiền tông là như thế. Thiền tông cốt ngộ thẳng tâm thể bất sanh bất diệt của chính mình, đó là chủ yếu của giải thoát sanh tử.
Nói tới đạo Phật là nói tới giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là nhận chân nơi mình có tánh Phật không nghi ngờ. Nhận được tánh Phật rồi, buông xả hết những niệm khởi vọng tưởng tạo nghiệp thì ngay đó là giải thoát sanh tử. Tại sao như thế? Vì tánh Phật của mình không bị nghiệp dẫn, đã không sanh diệt thì còn gì mà có sanh tử. Sanh tử hay không sanh tử ở ngay nơi mình, đừng nghĩ rằng giải thoát sanh tử là về một cõi nào đó cao siêu tuyệt vời, mà phải biết chính nơi mình đã đầy đủ cái không sanh tử. Chúng ta hiện giờ đang chạy theo sanh tử, nếu dừng được nhân tạo nghiệp sanh tử thì sẽ tới quả giải thoát sanh tử.
Thưa quý vị, cái gì là nhân sanh tử? Nói theo đạo Phật là nghiệp, chính nghiệp dẫn mình đi trong sanh tử. Nghiệp có ba thứ: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Tuy nói ba mà là một, tại sao? Bởi thân làm lành dữ là do ý nghĩ lành dữ, miệng nói lành dữ cũng do ý nghĩ lành dữ. Như vậy ý nghĩ là nhân tạo nghiệp, cho nên nếu dừng ý nghĩ lại thì không còn gì để tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì lấy gì dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Nếu biết ngay nơi mình sẵn có cái chân thật không sanh diệt, không chạy theo nhân tạo nghiệp nữa thì sẽ thoát ly sanh tử, ngay đó là giải thoát. Tôi nói cái chân thật không sanh diệt sẵn có nơi mình, chắc quý vị khó hiểu, chỗ này tôi sẽ giải thích rộng hơn.
Nhà thiền thường nói “tức tâm tức Phật”, vậy tâm nào là Phật, có phải tâm nghĩ thiện là Phật chăng? Trong kinh Pháp Bảo Đàn kể: Khi thượng tọa Huệ Minh đuổi theo ngài Huệ Năng đòi y bát, thấy y bát để trên tảng đá mà nhấc lên không nổi. Huệ Minh kêu lên: “Tôi đến đây không phải để cướp lại y bát mà là để cầu pháp.” Ngài Huệ Năng nói: “Nếu ngươi vì pháp mà đến thì hãy lặng yên chớ khởi một niệm, trầm tĩnh lại mà nghe ta hỏi.” Huệ Minh lặng yên giây lâu, Tổ bảo: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Ngay câu nói đó Huệ Minh liền ngộ. Muốn nhận ra bản lai diện mục, tức là mặt thật muôn đời của chính mình chưa bao giờ sanh diệt, thì phải không nghĩ thiện không nghĩ ác. Có người tưởng rằng nghĩ ác là phàm phu, nghĩ thiện là Phật. Không phải như vậy. Chừng nào cả hai thứ thiện ác đều lặng, chừng đó mới biết bản lai diện mục của chính mình.
Thế nên nói tới thiền là phải nói tới định. Định là niệm nghĩ thiện hay nghĩ ác đều phải dừng, tâm định rồi thì thể trong sáng mới hiện tiền. Nói theo kinh Lăng-nghiêm thì tâm mà các thiền sư nói “tức tâm tức Phật” là Chân tâm, còn tâm suy nghĩ thiện ác chợt sanh chợt diệt là Vọng tâm. Thưa quý vị, ngay bây giờ chúng ta đang sống với tâm nào? Nếu sống với vọng tâm là đi đường sanh tử, sống với chân tâm là đi đường giải thoát. Rõ ràng không nghi ngờ. Như vậy, nếu ai muốn sống với tâm tức Phật thì đừng đuổi theo tâm hư vọng nữa.
Tâm hư vọng không có thật, vừa nghĩ chuyện này liền nghĩ qua chuyện kia, rồi nghĩ sang chuyện nọ, thế mà chúng ta cứ theo nó không phút giây nào làm chủ được mình. Tới giờ muốn nằm nghỉ ngơi mà nó không chịu nghỉ, cứ nghĩ ngợi lung tung chừng nào mỏi mòn nó mới chịu yên. Cả ngày chúng ta để tâm hư vọng chỉ huy mình, những khi rỗi rảnh ngồi ngắm trời mây để cho đầu óc thanh thản mà nó cũng không chịu buông tha, cứ lảng vảng đủ thứ trong đầu. Cái suy nghĩ lung tung không làm chủ được mà cho nó là tâm mình, thử hỏi từ thủy chí chung mình có trăm thứ hay chỉ là một? Chắc không ai chịu trăm thứ, phải không? Từ nhỏ là tôi thì đến già cũng là tôi. Nhưng tâm suy nghĩ trăm thứ, nào là nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ hay nghĩ dở v.v… thì cái nào là tôi?
Hơn nữa tâm đó không thật, như khi ngài Huệ Khả xoay lại tìm tâm thì nó mất tăm mất dạng. Nếu nó mất tăm mất dạng thì cái mình cho là tâm đó đã biến mất, vậy có mình hay không? Lúc không suy nghĩ mình vẫn hiện tiền, thấy nghe hiểu biết rõ ràng. Thế nên nếu nói tâm suy nghĩ là mình tức đã lầm rồi! Chúng ta phải dè chừng, đừng để nó chỉ huy mình. Có thế khả dĩ mới tiến tu được, còn không khéo để bị nó lôi dẫn đi, tu hành không an ổn.
Trọng tâm của thiền tông trung thành với chủ trương của đức Phật, đó là dứt sạch vô minh phiền não, tham sân si. Muốn dứt sạch thì chủ yếu là phải xoay lại, tìm cho ra cái thật nơi mình, đừng chạy theo các thứ điên đảo vọng tưởng nữa. Thiền là quay lại mình, chứ không phải đi tìm kiếm ở bên ngoài. Thấy sự vật đúng như sự vật, không thêm không bớt, đó là thiền. Bởi thế nên chủ đích của thiền tông là Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Tinh thần giáo ngoại biệt truyền là vậy. Đến đây tôi có thể kết thúc đề tài hôm nay, quý vị thấy thế nào thì tùy thảo luận thêm cho được rõ ràng hơn.
Các bài mới
- Hai ông vua xem Ngai vàng như dép rách - 30/11/2024
- Đặc Điểm Của Thiền Tông Việt Nam - 19/11/2024
- Thiền Tông Là Gì - 12/10/2024
- Thiền Của Đạo Phật - 30/09/2024
- Lời Dạy Trong Ngày Tự Tứ - 26/08/2024
Các bài đã đăng
- Lời Dạy Mùa An Cư - 09/08/2024
- Nhắc Nhở Tăng Ni Trong Ngày Tự Tứ - 09/08/2024
- Ý nghĩa hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm - 23/07/2024
- Chấp Bóng Quên Đầu - 21/07/2024
- Những cánh hoa đàm (Phần 02) - 06/07/2024
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 07027
- Online: 20