Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 17. Tổ thứ 17 TĂNG GIÀ NAN ĐỀ TÔN GIẢ (Giữa thế kỷ VII sau Phật Niết Bàn)

24/12/2017 | Lượt xem: 3980

 HT.Thích Phước Tú sưu tầm và soạn dịch

Ngài là hoàng-tử con vua Bảo-Trang-Nghiêm ở thành Thất-La-Phiệt. Ngài sanh chưa bao lâu đã biết nói, mà thường nói việc Phật pháp. Năm bảy tuổi, Ngài chán thú vui ở đời, cầu xin xuất gia.

 

 

 

 

Ngài nói kệ xin cha mẹ :

Khể thủ đại từ phụ,

Hòa nam cốt huyết mẫu,

Ngã kim dục xuât gia,

Hạnh nguyện ai mẫn cố .

Dịch :

Cúi đầu lễ cha lành,

Nép mình lạy mẹ hiền,

Nay con muốn xuất gia,

Xin thương xót nhận cho.

Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài phải nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Đối cùng cha mẹ thấy chí Ngài quá mạnh không sao ngăn nổi, nên cho xuất gia với điều kiện ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa về dạy Phật pháp cho Ngài. Từ đây Ngài được pháp danh là Tăng-Già Nan-Đề. Ngài ở trong hoàng cung chín năm tu hành, mới được thọ giới cụ túc.

Một hôm, Ngài tự cảnh tỉnh :

- Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục nầy sao?

Chợt một buổi chiều trời quang mây tạnh, Ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia lố dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Ngài đi đến dưới núi mà trời chưa tối. Tự Ngài tìm được thất đá rồi ngồi thiền nơi ấy. Năm ấy Ngài 26 tuổi.

Sáng hôm sau, vua nghe mất Thái-tử cho người tìm kiếm khắp nơi không được. Bực mình, vua đuổi Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa ra khỏi thành. Ngài tu thiền ở đây ngót mười năm, mới có cơ duyên gặp Tổ La-Hầu-La-Đa được truyền chánh pháp. Sau khi đắc pháp, Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi làm lợi lạc quần sanh. Một hôm, Ngài bảo đồ chúng:

-Thầy ta La-Hầu-La-Đa thường nói nước Ma-Đề sẽ ra đời một vị thánh tên Già-Da-Xá-Đa nối ta truyền pháp. Nay ta và các ngươi sang nước ấy tìm. Ngài liền dẫn đồ chúng du hóa nước Ma-Đề. Đang đi trong nước nầy, bỗng có một luồng gió mát lành từ phương tây thổi đến làm mát khỏe toàn chúng.

Ngài bảo chúng:

- Đây là đạo đức phong, ba ngàn dặm về phía tây ắt gặp thánh nhơn.

Thầy trò đi đến một hòn núi nhìn lên đảnh có áng mây năm sắc.

Ngài bảo chúng : - Trên đảnh núi có mây tía như cái lọng ắt là chỗ thánh nhơn ở.

Lên đến đảnh, quả nhiên thấy một mái nhà tranh nằm bên cạnh núi. Một đứa bé cầm gương tròn, đến trước bái Ngài.

Ngài hỏi: - Ngươi bao nhiêu tuổi ?

Đứa bé thưa : - Trăm tuổi.

- Ngươi còn bé mà sao trăm tuổi?

- Tôi chẳng hiểu sao, chính tôi một trăm tuổi.

- Ngươi có căn cơ lành chăng?

- Phật đâu không nói kệ : “Nếu người sanh trăm tuổi không hội được cơ duyên chư Phật, chẳng bằng sanh một ngày, mà được hiểu rành rõ”.

- Ngươi cầm gương tròn ý muốn làm gì?

Đứa bé nói kệ :

Chư Phật đại viên giám,

Nội ngoại vô hà ế,

Lưỡng nhơn đồng đắc kiến,

Tâm nhãn giai tương tợ.

Dịch :

Chư Phật gương tròn lớn,

Trong ngoài không vết che,

Hai người đồng được thấy,

Tâm mắt đều giống nhau .

Cha mẹ thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế, đồng ý cho Ngài làm thị giả, Ngài nhận đứa bé dẫn về tịnh-xá cạo tóc thọ giới, cho hiệu là Già-Da-Xá-Đa.

Một hôm, gió thổi cái linh treo trên điện Phật khua động, Ngài hỏi Xá-Đa: - Linh kêu hay gió kêu?

Xá-Đa thưa: - Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu.

- Tâm ngươi là cái gì ?

- Đều lặng lẽ.

- Hay thay! Ngươi khéo hội lý Phật, nên nói pháp yếu, nối đạo cho ta, chẳng phải ngươi còn ai?

Ngài liền nói kệ:

Tâm địa bổn vô sanh,

Nhơn địa tùng duyên khởi,

Duyên chủng bất tương phòng,

Hoa quả diệc phục nhi .

Dịch :

Đất TÂM vốn không sanh,

Nhơn đất từ duyên khởi,

Duyên giống chẳng ngại nhau,

Hoa trái cũng như thế .

Nói kệ xong, Ngài nắm cành cây mà hóa. Đồ chúng bàn nhau: “Thầy ta diệt độ ở dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau”. Liền làm lễ hỏa táng tại đây.

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05537
  • Online: 21