Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 41. Tổ thứ 41 DIÊN CHIỂU - PHONG HUYỆT THIỀN SƯ (896 – 973)
12/10/2018 | Lượt xem: 2852
HT.Thích Phước Tú sưu tầm và soạn dịch
Sư họ Lưu, quê ở Dư Hàn, thuở nhỏ đã tỏ ra lỗi lạc có chí khí anh tài. Các sách vở đời, Sư đều xem qua, mà không có ý kinh bang tế thế. Cha và anh cố ép Sư đi thi làm quan. Đi đến kinh đô, Sư sang chùa Khai Nguyên xin xuất gia với Luật sư Trí Cung. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư dạo qua các nơi giảng kinh luận, chuyên nghiền ngẫm bộ kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa, tập tu chỉ quán định huệ. Sư phát chí du phương hành khước.
Trước đến Việt Châu yết kiến Thiền sư Cảnh Thanh.
Cảnh Thanh hỏi: - Vừa rời nơi nào?
Sư thưa: - Từ Chiết Đông đến.
Cảnh Thanh hỏi: - Có qua sông nhỏ chăng?
Sư thưa: - Thuyền to riêng bay bổng, sông bé chở được nào?
Cảnh Thanh bảo: - Nước cảnh núi Thái chim bay chẳng qua, ngươi chớ nói lời nghe lóm.
Sư thưa: - Biển cả còn kinh sức thuyền chiến, vượt Hán buồm bay khỏi Ngũ hồ.
Cảnh Thanh dựng đứng phất tử hỏi:
- Cái này là sao?
Sư thưa: - Cái này là cái gì?
Cảnh Thanh bảo: - Quả nhiên chẳng biết.
Sư thưa:
- Ra vào cuộn duỗi cùng Thầy đồng dụng.
Cảnh Thanh bảo: - Chiếc muỗng nghe tiếng rỗng, ngủ say mặc nói xàm.
Sư thưa: - Đầm rộng chứa núi, lý hay dẹp cọp.
Cảnh Thanh bảo: - Tha tội bỏ lỗi hãy mau đi ra.
Sư thưa: - Ra đi tức mất.
Sư ra đến pháp đường, liền nghĩ:
- Phàm người hành khước nhân duyên chưa tột chỗ cứu kính, không thể bèn thôi đi.
Sư liền trở lại thưa:
- Con vừa rồi trình bày chỗ cạn hẹp có xúc chạm đến Thầy, mong Thầy từ bi tha thứ cho.
Cảnh Thanh bảo: - Vừa rồi ông nói từ Đông đến, đâu không phải từ Thúy Nham đến?
Sư thưa: - Tuyết Đậu tạm dừng đông Bảo cái.
Cảnh Thanh bảo:
- Chẳng theo dê mất cuồng giải hết, trở lại trong ấy nhớ Chương thiên.
Sư thưa: - Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ.
Cảnh Thanh bảo:
- Thơ nên cất, tạm mượn kiếm xem?
Sư thưa: - Cúi đầu người sành mang gươm đi.
Cảnh Thanh bảo: - Chẳng những chạm phong hóa cũng tự bày lầm lẫn.
Sư thưa: - Nếu chẳng chạm phong hóa đâu thấy được Tâm cổ Phật?
Sư thưa: - Lại hứa thật với Thầy, nay có gì?
Cảnh Thanh bảo: - Nạp tử (Thiền sinh) phương Đông đến chẳng rành đậu bắp, chỉ nghe chẳng thôi mà thôi, đâu được hay thôi mà thôi.
Sư thưa: - Sóng to vọt ngàn tầm, nước trong đâu rời biển.
Cảnh Thanh bảo: - Một câu bặt dòng muôn cơ nghĩ sạch. Sư liền lễ bái.
Cảnh Thanh bảo: - Nạp Tử trổi thay!
*
Sư đến Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm bảo:
- Ta có làm bài ca chăn trâu, mời Xà-lê hòa.
Sư thưa: - Nhịp trống huơ roi trâu cọp chạy, xa dồn cây biển mỏm thành nhà.
Dừng lại Hoa Nghiêm, Sư làm Duy-na. Nhân có thị giả Khoách từ Nam Viện đến, Sư nhận được những đặc điểm nên kết làm bạn và thầm ngộ được chỉ yếu tam huyền. Sư than: - Chỗ dùng của Lâm Tế như thế ư?
Thị giả Khoách bảo Sư đến yết kiến Nam Viện.
*
Đến Nam Viện vừa gặp, Sư không lễ bái.
Nam Viện bảo: - Vào cửa phải rành chủ.
Sư thưa: - Quả nhiên thỉnh Thầy phân.
Nam Viện lấy tay vỗ gối trái một cái. Sư liền hét. Nam Viện vỗ gối mặt một cái. Sư lại hét.
Nam Viện bảo:
- Vỗ bên trái gác lại, vỗ bên mặt là sao?
Sư thưa: - Mù. Nam Viện liền nắm gậy.
Sư thưa: - Chớ gông mù gậy tối. Giựt gậy đập Hòa thượng, chớ bảo chẳng nói.
Nam Viện ném gậy, nói: - Ba mươi năm làm trụ trì, hôm nay bị gã Chiết mặt vàng vào cửa hãm lại.
Sư thưa: - Hòa thượng in tuồng ôm bát chẳng được, nói gạt là chẳng đói.
Nam Viện hỏi: - Xà-lê từng đến Nam Viện lúc nào?
Sư thưa: - Là lời nói gì?
Nam Viện bảo: - Lão tăng hỏi ông rõ ràng.
Sư thưa: - Cũng chẳng được bỏ qua.
Nam Viện bảo: - Hãy ngồi uống trà.
Sư xuống nhà tăng xong, trở lên đảnh lễ tạ lỗi.
Nam Viện hỏi:
- Xà-lê đã từng gặp người nào rồi đến đây?
Sư thưa: - Ở Nhượng Châu chùa Hoa Nghiêm cùng nhập hạ với Thị giả Khoách.
Nam Viện bảo: -Gần kẻ tác gia.
Nam Viện lại hỏi:
- Phương Nam một gậy thương lượng thế nào?
Sư thưa: - Thương lượng rất kỳ đặc.
Sư lại hỏi: - Hòa thượng ở đây một gậy thương lượng thế nào?
Nam Viện cầm gậy lên bảo: - Dưới gậy vô sanh nhẫn, gặp cơ chẳng thấy Thầy.
Ngay câu nói này Sư triệt ngộ, Sư ở lại đây sáu năm.
*
Một hôm, Nam Viện gọi Sư bảo:
- Ngươi nương nguyện lực đến gánh vác đại pháp, chẳng phải ngẫu nhiên.
Lại hỏi:
- Ngươi nghe Lâm Tế khi sắp tịch nói chăng?
Sư thưa: - Nghe.
Nam Viện bảo: - Lâm Tế nói “Ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù diệt”. Lại, Ngài lúc bình sanh như con sư tử thấy liền giết người, đến khi sắp tịch cớ sao lại bó gối xuôi đuôi như vậy?
Sư thưa: - Mật phó sắp tịch, toàn chủ tức mật.
Nam Việt lại hỏi: - Tại sao Tam Thánh Huệ Nhiên cũng không nói?
Sư thưa: - Con thật đã gần gũi nhận lãnh vào thất, chẳng đồng với người đi ngoài cửa.
Nam Viện gật đầu, lại hỏi:
- Ngươi nói bốn thứ liệu giản là liệu giản pháp gì?
Sư thưa: - Phàm nói ra chẳng kẹt nơi phàm tình liền rơi vào thánh giải, là bệnh lớn của học giả. Bậc thánh trước vì thương xót mở bày phương tiện như lấy chốt tháo chốt.
Sư hỏi: - Thế nào là đọat nhân chẳng đoạt cảnh?
Nam Viện đáp: - Cung vàng vừa ra khỏi lò hồng, bắn bể Xà-lê da mặt sắt (tân xuất hồng lô kim đàn tử, sứu phá xà-lê thiết diện bì).
- Thế nào đọat cảnh chẳng đoạt nhân?
- Cắt cỏ chợt chia đầu sọ tét, mây dồn mới tụ bóng vẫn còn (sô thảo tạt phân đầu não liệt, loạn vân sơ trán ảnh du tồn).
- Thế nào nhân cảnh đều đoạt?
- Bước nhẹ tiến lên cần gấp gấp, nắm roi cầm cương chớ chậm chậm (niếp túc tiến tiền tu cấp cấp, tróc tiên đương ưởng mạc trì trì).
- Thế nào nhân cảnh đều chẳng đoạt?
- Thường nhớ Giang Nam trong tháng ba, vườn hoa thơm ngát chá cô hót (thường ức Giang Nam tam ngoạt lý, chá cô đề xứ bách hoa hương).
*
Đến niên hiệu Trường Hưng năm thứ hai (931) hậu Đường, Sư sang Nhữ Thủy ở chùa Phong Huyệt. Ngôi chùa này hiện đang hư hoại chỉ còn mấy tấm tranh che kèo cột. Sư dừng ở đây một mình ban ngày lượm trái rụng ăn, tối lại đốt dầu thông, suốt bảy năm tròn như thế. Sau này, đàn việt biết được, góp công chung sức cất thành ngôi chùa mới, liền trở thành ngôi đại tùng lâm. Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ hai (937) Ngụy Tấn, ngày rằm tháng giêng Sư khai pháp.
*
Sư thượng đường bảo chúng:
- Phàm con mắt người tham học gặp cơ liền phải đại dụng hiện tiền, chớ tự ràng buộc nơi tiết nhỏ. Giả sử lời nói trước tiến được, vẫn còn kẹt vỏ dính niệm, dù là dưới câu liền được tinh thông, chưa khỏi chạm đến lại là thấy cuồng. Xem thấy hết thảy các ông đều là nhằm đến nương người tìm hiểu, sáng tối hai lối vì các ông một lúc quét sạch, dạy thẳng mỗi người các ông như sư tử con gầm gừ rống lên một tiếng, đứng thẳng như vách cao ngàn nhẫn, ai dám để mắt nhìn đến, nhìn đến là mù mắt y.
*
Sư đến Dỉnh Châu ở trong Nha môn lên tòa dạy chúng:
- Tâm ấn của Phật Tổ in tuồng như máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, chỉ như chẳng đi chẳng đứng ấn tức là phải hay chẳng ấn tức là phải? Có người nói được chăng?
Khi ấy, có Trưởng lão Lô Pha bước ra hỏi:
- Học nhân có máy trâu sắt, thỉnh Thầy chẳng ấn vào?
Sư bảo:
- Quen câu kình nghê dầm trong rộng, lại than ếch nhảy ngựa lăn bùn (quán điếu kình nghê trừng thủy tẩm, khước nha oa bộ triển nê sa).
Lô Pha trầm ngâm, Sư hét rằng:
- Trưởng lão sao chẳng nói lên?
Lô Pha suy nghĩ. Sư đánh một phất tử, nói:
- Lại nhớ được thoại đầu chăng thử nêu lên xem?
Lô Pha vừa mở miệng, Sư lại đánh một phất tử.
Mục chủ nói: - Mới biết Phật pháp cùng Vương pháp một loại.
Sư hỏi: - Thấy đạo lý gì?
Mục chủ nói: - Đương cơ chẳng đoạn, lại chuốc loạn kia.
Sư xuống tòa.
*
Sư thượng đường.
Có vị Tăng hỏi: - Thầy xướng gia khúc tông phong ai? Nối pháp người nào?
Sư đáp: - Siêu nhiên vượt khỏi ngoài Oai Âm, kiễng chân luống nhọc khen đất cát.
- Hát xưa không âm vận, thế nào hòa được bằng?
- Gà gỗ gáy nửa đêm, chó rơm sủa hừng sáng.
*
Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?
Sư đáp: - Thế nào chẳng phải Phật?
- Chưa hiểu huyền ngôn, thỉnh Thầy chỉ thẳng?
- Nhà ở châu Hải Môn, Phù Tang (Nhật Bản) chiếu trước nhất.
*
Tăng hỏi: - Gương xưa khi chưa lau thì thế nào?
Sư đáp: - Thiên ma bể mật.
- Sau khi lau thì thế nào?
- Huỳnh đế không đạo?
*
Tăng hỏi: - Phàm có hỏi ra đều là niết quái, thỉnh Thầy chặt thẳng cội nguồn?
Sư đáp: - Ít gặp người tai phủng, thường thấy kẻ khắc thuyền.
- Chính khi ấy thì làm sao?
- Rùa mù gặp bộng (cây) tuy an ổn, cây khô trổ hoa vật ngoại xuân.
*
Tăng hỏi:
- Khi một niệm muôn năm thì thế nào?
Sư đáp: - Áo tiên lau đá rách.
- Hồng chung khi chưa đánh thì thế nào?
- Đầy dẫy đại thiên đều âm vận, diệu hợp thầm thông đâu hay phân.
- Sau khi đánh thì thế nào?
- Vách đá núi sông đâu chướng ngại, mù tiêu thông suốt mong thầm nghe.
*
Nhà Tống niên hiệu Khai Bảo năm thứ sáu (973) ngày mùng một tháng tám, Sư lên tòa nói kệ:
Đạo tại thừa thời tu tế vật
Viễn phương lai mộ tự đằng đằng
Tha niên hữu tẩu tình tương tợ
Nhật nhật hương yên dạ dạ đăng.
Dịch:
Phải thời truyền đạo lợi quần sanh
Chẳng quản phương xa tự vươn lên
Năm khác có người dòng giống đó
Ngày ngày hương khói đêm đêm đèn.
Đến ngày rằm, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ bảy mươi tám tuổi, năm mươi chín tuổi hạ. Trước đó một ngày, Sư viết thơ từ giã đàn việt.
TÓM TẮT LỜI DẠY CỦA TỔ:
Tổ dạy:
Phàm con mắt người tham học gặp cơ liền phải đại dụng hiện tiền, chớ tự ràng buộc nơi tiết nhỏ.
Các bài mới
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 40. Tổ thứ 40 NAM VIỆN - HUỆ NGUNG THIỀN SƯ (860 – 950) - 04/10/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 39. Tổ thứ 39 HƯNG HOÁ - TỒN TƯƠNG THIỀN SƯ (840 – 925) - 28/06/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 38. Tổ thứ 38 LÂM TẾ - NGHĨA HUYỀN THIỀN SƯ (787 – 867) - 05/06/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 37. Tổ thứ 37 HOÀNG BÁ - HY VẬN THIỀN SƯ (…? – 850) - 30/04/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 36. Tổ thứ 36 BÁCH TRƯỢNG - HOÀI HẢI THIỀN SƯ (720 – 814) - 10/04/2018
Các bài đã đăng
- Tổ sư Thiền và lời dạy của chư Tổ: 35. Tổ thứ 35 MÃ TỔ - ĐẠO NHẤT THIỀN SƯ (709 – 788) - 31/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 34. Tổ thứ 34 NAM NHẠC - HOÀI NHƯỢNG THIỀN SƯ (677 – 744) - 24/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 33. Tổ thứ 33 HUỆ NĂNG TỔ SƯ (638 – 713) - 17/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 32. Tổ thứ 32 HOẰNG NHẪN TÔN GIẢ (602 – 675) - 11/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 31. Tổ thứ 31 ĐẠO TÍN TÔN GIẢ (580 – 651) - 04/03/2018
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89366
- Online: 28