Tốt hơn cho mình ( Phần 1)
01/03/2016 | Lượt xem: 4936
Cảnh vật xung quanh, nhờ vào con mắt mà chúng ta nhận thấy, nhưng con mắt chỉ có thể nhìn thấy vạn vật mà không thể tự thấy nó. Mọi thứ bên ngoài đều từ trí tuệ và năng lực của mỗi con người mà có ra, nhưng con người chúng ta thường bám theo tìm hiểu những thứ bên ngoài mà ít có ai hiểu biết về mình một cách trọn vẹn. Nếu đến tham quan một vùng trời mây nước bao la vào những lúc gió lên thì chúng ta chỉ thấy được những sóng gợn lăn tăn mà không bao giờ biết được mặt nước yên ắng, phẳng lặng như thế nào. Trước một thời đại mọi thứ cạnh tranh đua nhau phát triển đến choáng ngợp.
Mở mắt ra, con người chúng ta chỉ kịp thấy những gì đang hối hả, cuốn lôi chứ không còn thời gian hay chỗ trống tâm hồn để cảm nhận những gì sâu xa hơn trong cuộc sống. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết, và đời sống của mỗi người sẽ còn đó vô vàn những bí ẩn mà chúng ta chưa đủ điều kiện để nhận biết, khám phá ra.
“Tốt hơn cho mình”, những cảm nhận đơn giản, trẻ trung, chúng tôi ứng dụng thấy có tốt hơn cho mình nên mạo muội viết ra để sẻ chia cùng quý vị nào có duyên. Lời lẽ thô sơ, nhưng bằng cả tấm lòng nhiệt huyết từ núi rừng, mong rằng sẽ mang lại một vài điều lợi lạc cho quý vị.
Ngôn ngữ trần gian có giới hạn, khó diễn đạt hết những gì sâu xa muốn nói. Đây chỉ là những gợi ý, còn điều bí ẩn kỳ diệu tuyệt vời kia nằm sẵn nơi mỗi người. Quý vị hữu duyên để tâm chiêm nghiệm, thực hành thử, hy vọng sẽ tốt hơn cho mình.
TỐT HƠN CHO MÌNH
Anh A ra đường không may bị nạn bất tỉnh được một người đi đường tốt bụng đưa vào bệnh viện. Sau khi được bác sĩ chữa trị tỉnh lại, A không biết mình đang ở đâu và vì sao lại đến nơi này. Nếu không cố chữa trị cho tỉnh hẳn thì sẽ không bao giờ biết về sự có mặt của mình nữa. Cũng thế, hầu hết con người chúng ta chỉ biết cuộc đời mình bắt đầu bằng những đứa trẻ chào đời với tiếng khóc, rồi lớn lên và có mặt tại cõi đời chứ không biết vì sao mình có mặt, từ đâu lại? Con thuyền đời trôi về muôn lối, dòng đời nhiều cạm bẫy khó lường, con người ta đã sinh ra và lớn lên trong khoảng mênh mang vô tận ấy. Lẩn quẩn trong vòng nghiệp báo, bị sự câu thúc đẩy đưa của nghiệp, không hề có được chút sức giác tỉnh nên phần đông chúng ta không biết gì thêm ngoài những thứ mình đang nhìn thấy.
Là một doanh nhân kiếm tiền để phục vụ cuộc sống. Một bác sĩ chữa bệnh để phục vụ sự sống. Một kỹ sư nghiên cứu để phục vụ đời sống. Một thầy giáo dạy học để xây dựng đời sống văn hóa. Một con người muốn hoàn thiện mình cũng chỉ để được sống, vươn lên… Làm bất cứ điều gì tổn thương đến sự sống, trái với cuộc sống thì đều bị con người lên án, không chấp nhận. Và như thế, tất cả chúng ta sanh ra trên cõi đời này chỉ để được sống. Nhưng sống như thế nào? Sống buồn tẻ, chán chường, mịt mờ, thất bại, tan thương hay sống lạc quan, phấn khởi, sáng suốt, thành đạt, vui tươi? Có lẽ ai cũng thích sống được vui tươi, thành đạt. Muốn thế, chúng ta phải có định hướng, phải biết rõ quy chuẩn nào đưa đến một cuộc sống lạc quan, thành đạt, kế đến phấn đấu vận dụng thực hành thì mới mong đạt đến được.
I/ PHƯỚC VÀ TRÍ.
Nhìn lại giữa cuộc đời, có người học lực trung bình khá, không giỏi lắm, thi rớt đại học, nhưng có điều kiện và có một trình độ nhất định nên quý vị mở công ty, làm giám đốc, tương đối thành đạt. Song song đó cũng có một ít người khác học cùng khóa thi đỗ điểm rất cao, sau đại học ra trường chỉ đi làm thư ký cho người giám đốc bạn mình để có lương chừng mực. Cũng có một số người của cải nhiều mà không lo học hành, không có trình độ để nắm giữ và phát triển công ty cha mẹ mình được, phải nhờ người khác làm. Cha mẹ qua đời, con lên làm chủ không có trình độ phát triển nên một đống tài sản thoáng chốc tiêu tan. Qua đó cho chúng ta thấy, nếu có năng lực, có trình độ mà không có vốn liếng, không có sự may mắn thì cũng không thành đạt được. Nếu có của cải đầy nhà, nhưng không có trình độ và năng lực thì cũng không đưa đến thành công. Muốn đưa đến thành công, chúng ta cần có đủ hai nhóm yếu tố chính, đó là trình độ, năng lực và sự may mắn, vốn làm ăn. Trình độ, năng lực là nhóm yếu tố thuộc về trí. Của cải, sự may mắn là nhóm yếu tố thuộc về phước. Muốn đời sống của mình được thành đạt, an vui thì phải có đầy đủ hai yếu tố chính, đó là phước đức và trí tuệ.
1.TRÍ TUỆ.
Những kiến thức được đào tạo ở thầy cô giáo, cha mẹ, những kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè, cuộc đời… đó là trí tuệ hữu sư, trí tuệ do học hỏi mà có được. Nếu chỉ có thế thì đã trọn đủ để đưa chúng ta đi đến thành công chưa? Trong đời, có những người rất lanh lợi, khôn ngoan, nhưng khi quyết định một vấn đề gì, sau đó về nhà yên lắng lại thì cũng phát hiện ra còn có những điểm lỡ lầm, thiếu sót. Có những việc chúng ta làm vội, nói vội hăng hái lắm, nhưng khi về nhà yên tĩnh một mình nghĩ lại thì thấy hổ thẹn, hối tiếc, ăn năn… Như vậy, nếu chỉ dùng trí tuệ do học hỏi thôi thì vẫn còn nhầm lẫn, lỡ lầm nên chưa trọn đủ. Khi tâm ta động, hoàn cảnh động thì xử lý bị nhầm lẫn, lỗi lầm mà không hề hay biết, cho đến khi yên tĩnh rồi mới phát hiện ra. Như vậy lắng lại, yên tĩnh, thì trí tuệ phát huy đúng mức, sáng suốt, phát hiện ra, lúc đó có ai chỉ dạy cho mình không? Một mình mình, đâu có ai lúc đó? Mới thấy, ngoài trí học hỏi kia ra, vẫn còn một cội nguồn trí tuệ chân thật nơi chính mình, chỉ khi tâm mình lắng lại thì nó mới hiển hiện, suốt thông. Vì vốn sẵn có, không do ai cho cả nên quý ngài xưa thường gọi đó là trí tuệ vô sư, là trí tuệ vốn sẵn nơi mỗi người.
Khi thầy giáo giảng bài, chúng ta hiểu, nhưng cây cột, cái bàn nó có hiểu không? Chúng ta thì hiểu mà những vật vô tri thì nó không thể hiểu. Vì sao? Vì nó là vô tri, không có khả năng hiểu. Còn chúng ta là hữu tri, có khả năng hiểu cho nên mới hiểu bài giảng. Như vậy, trước khi muốn hiểu những lời giảng này thì chúng ta đã có một khả năng tự hiểu trước, nhưng con người chỉ biết bám hiểu theo những lời giảng bên ngoài mà không nhận ra khả năng tự hiểu nơi chính mình, đó là chỗ còn thiếu sót của mỗi con người chúng ta cho nên trí sáng của mình chưa được đầy đủ trọn vẹn. Đây là cội nguồn trí tuệ, là trí gốc, trí này lặng sáng không động, thênh thang trùm khắp, nó có năng lực làm chủ mọi thứ. Muốn được giác ngộ, an vui, tự tại giải thoát, không gì hơn là chúng ta phải khéo tu tập để nhận lại và sống trọn vẹn bằng cội nguồn trí tuệ chân thật này.
Với một bài giáo án vẫn thường giảng dạy mỗi ngày. Nếu thức dậy với một buổi sáng nhọc nhằn, bực bội không vui thì lên lớp chúng ta sẽ nói vấp váp, không trôi chảy, nhầm trước lộn sau. Nhưng với một buổi sáng thanh thản, yên ắng, tràn đầy nhựa sống, thì chúng ta lên lớp nói năng lưu loát, sống động, phát minh nhiều điều mới mẻ hơn những gì đã chuẩn bị trước. Như vậy, khi tâm loạn động, không ổn định thì đầu óc sẽ yếu mỏi, không sáng. Khi tâm mình an tịnh thì trí tuệ phát huy đúng mức. Cho nên, muốn nhận chân trí tuệ một cách tuyệt đối trọn vẹn thì phải tu tập cho tâm mình lóng lặng lại.
2.PHƯỚC ĐỨC.
Thế gian thường nói: Học tài thi phận. Có những người có tài, rất giỏi, nhưng muốn thành đạt cũng cần đến sự may mắn. Những điều tốt lành bất chợt đến mà mình không thấy biết trước thì chúng ta gọi nôm na là sự may mắn. Nhưng nếu thấy ra thì nó chính là phúc lành do mình đã tạo nên mà không biết. Hôm nay mình giúp một cậu học trò vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học hành. Thời gian xa cách quá lâu không biết cậu ta ở đâu, làm gì, bẳng đi không còn nhớ mặt mũi nữa. Một hôm đi xa, mình bị lạc đường, gặp nạn mưa bão không còn kế sống… tình cờ gặp một người nhiệt tình giúp đỡ, ai cũng nói là mình may mắn. Sau đó nhận ra, mới biết là cậu học trò ngày xưa mình đã từng quan tâm giúp đỡ. Do trước kia mình hết lòng nên bây giờ cậu cũng hết dạ với mình. Khi chưa nhận ra thì cho đó là một sự may mắn. Nhưng khi nhận ra đó là người mình từng giúp đỡ, hôm nay người ta có cơ hội giúp lại mình thì đó là phước đức của mình. Cho thấy, những cơ may mình không thấy được nên cho đó là sự may mắn. Nếu thấy rõ được căn nguyên của nó thì mới biết tất cả đều là phúc lành do mình đã tu tạo từ nhiều kiếp về trước, hôm nay mới đủ duyên thừa hưởng được.
Như vậy, ngoài trí tuệ ra, nhóm yếu tố giúp cho chúng ta thành công là phước đức. Những gì thấy được gọi là lộc đang có. Những gì không thấy gọi là sự may mắn. Nhưng chung quy lại đều là phước đức do mình đã tạo mà có ra.
II.VÀI ỨNG DỤNG CẦN THIẾT TRONG CUỘC SỐNG.
1.CẦN BIẾT CÁCH HỌC, CÁCH SỐNG.
Một trái xoài có ngon đến đâu, chúng ta cũng chỉ được ăn phần cơm của nó mà phải bỏ đi phần vỏ và hạt. Cuộc sống muôn màu, kiến thức mênh mông, triết lý uyên áo, sâu rộng, tư tưởng cũng phức tạp vô vàn. Bởi vậy khi nhìn một nhân vật hay một mệnh đề gì, chúng ta nên bình tâm trở lại, không bồng bột nóng vội để mình không bị phân tâm đồng hóa bởi nó, sau đó mới có được quyết định đúng đắn, nên học lấy điều gì và rút ra kinh nghiệm từ những điều nào chưa được hoàn chỉnh. Được như vậy mới có đầy đủ trí tuệ để nhìn nhận một vấn đề không bị sai lầm. Một ca sĩ có giọng hát hay, nhưng chưa hẳn đã có một nhận thức về triết lý sống hoàn hảo. Một nghệ sĩ tài ba, nhưng không phải là nhà tâm lý giỏi để tư vấn trọn cuộc đời mình. Một thầy giáo âm nhạc chỉ giỏi nhận định chất giọng, thanh âm, tiềm năng về âm nhạc, nhưng không hẳn sẽ có những câu từ chuẩn xác và khúc chiết như một nhà văn… Con người không ai một mình có thể làm nên tất cả mọi chuyện, mỗi người chỉ giỏi về một lĩnh vực chuyên môn của mình mà thôi. Trước một người phù hợp với sở thích của mình, chúng ta hâm mộ và họ trở thành thần tượng trong lòng mình. Nhưng đó chỉ là hợp với sở thích riêng của mình chứ họ không thể là chân lý đại diện cho tất cả. Chúng ta biết chọn để học lấy cái hay, rút tỉa kinh nghiệm những điều chưa tốt chứ không phải bắt chước nguyên vẹn một trăm phần trăm. Không phải thấy người kia hát hay, hợp với sở thích, mình hâm mộ họ, sau đó họ mặc sao thì mình cũng phải mặc như vậy, họ suy nghĩ như thế nào mình cũng bắt chước suy nghĩ quan niệm y hệt giống như vậy. Đó là người không biết ăn xoài, nghe xoài ngon quá rồi đi nuốt chửng, ăn luôn cả hạt lẫn vỏ xoài. Chúng ta thường đuổi theo bắt lấy mà ít khi chịu tỉnh sáng lại để nhận định một vấn đề cho được rõ ràng. Thấy cái gì thì đua đòi theo cái ấy, đánh mất đi sự nhận thức sáng suốt chính mình, dẫn đến lối sống sai lầm, sa đọa, chịu lấy hậu quả khổ đau xơ xác thật đáng thương.
Có người phụ nữ nọ tuổi ngoài 50, rất thành đạt trong cuộc sống. Nhưng cô ta lại nói với quý thầy rằng: “Thưa thầy, bây giờ con đi tìm trại dưỡng lão cho mình là vừa rồi.” Quý thầy hỏi: “Cô có tài sản nhiều vô kể, chồng con đầy đủ, tại sao phải vào trại dưỡng lão làm gì?” Cô bảo: “Tại lâu nay con sống đua đòi theo bên ngoài, không quan tâm đến cảm xúc của chồng con. Do làm ra tiền nên không ai làm gì con được. Con đã bất chấp những quan tâm của người khác, đặt họ ra ngoài cuộc đời mình. Quá trình qua mình không cảm thông mọi người, bây giờ già rồi làm sao dám nhận sự quan tâm của gia đình?” Lúc còn mạnh khỏe, không hề bình tâm suy xét, chỉ biết đua đòi, chà đạp trên mọi cảm xúc người khác. Cho đến gần già, tuy gia đình sẵn lòng vui vẻ tha thứ, quan tâm chăm sóc mình, nhưng do lầm lỗi đã tạo nên lương tâm cắn rứt, không chịu nổi khi nhận lòng tốt của gia đình. Tuy có nhiều tiền, nhưng chính những đồng tiền ấy lại làm cho mình lầm, cứ thế sống sai, cho đến khi già mới biết, mọi việc trễ tràng, thế là tìm nơi để chôn đời mình vào chốn cô đơn, bất lực, cuộc sống phải nương nhờ vào người khác chăm sóc. Khổ không?
Anh có thể viết một cuốn sách rất hay về một nhân vật nổi tiếng, nhưng những điều hay kia cũng chỉ là của người đó, còn mình thì sao? Có người suốt đời lo đọc sách miệt mài, nhưng với cuộc sống gia đình thì đối xử rất tệ. Cô bạn đời đòi ly dị thì anh ta cầm cuốn sách đạo làm vợ và bảo cô ta đọc đi. Sách là sách, nhưng anh vẫn là anh. Những lịch sự vừa phải, những quan tâm cần thiết, những thông cảm tối thiểu với người gần mình nhất, anh không làm được. Hóa ra anh chỉ giỏi nói dùm cho người khác còn mình thì không dính dáng được chút nào. Có viết hay không thì người ta cũng đã nổi tiếng, đâu cần đến mình? Nhưng không tự sửa mình thì lại làm phiền đến những người liên hệ. Đây là do kiến thức đánh lừa nhận thức. Có người có thể lên đến tận cung trăng vũ trụ, nhưng không biết nhà sống bên cạnh mình là ai, có thể biết đến những chuyện vĩ đại của thế giới, nhưng quên gật đầu hoan hỷ khi người khác chào mình. Cho thấy con người ta dễ bị hấp dẫn bởi những thứ xa vời, còn tính thực tế và lòng nhân với nhau thì quá thiếu. Đó là lý do của không ít người sau khi cầm được tấm bằng học vị rất cao, nhưng khi ra thực tế thì thua những người từng trải nghiệm. Yếu đuối, thiếu tự tin, thích dễ dàng, thiếu khả năng vượt khó, đưa đến đời sống lừ đừ, tê liệt, sai lầm, khổ đau, đó là hệ quả của những người chỉ biết đi trên trời mà bỏ quên mặt đất này.
Trong lớp thi toán, mười bạn làm bài có đáp số đúng giống nhau, nhưng cách giải thì có khác. Nếu phải chọn ra một bài ưu hơn hết, tất nhiên phải chọn người có cách giải bài toán ngắn gọn, chính xác, đưa đến kết quả nhanh nhất, còn những bài giải lòng vòng lê thê thì tầm thường hơn. Cũng thế, người khéo giáo dục là đưa ra những bài học, giả thiết ngắn gọn, vừa đủ để kích hoạt trí thông minh cho học sinh. Đâu có đề toán nào giải xong mà còn dư thừa giả thiết? Giáo dục là cách kích hoạt để con người phát triển trí thông minh chứ không có nghĩa một mực rập khuôn nô lệ kiến thức. Bởi nếu phải học nhớ cho nhiều và cho là giỏi thì chúng ta ăn rồi ở không cả đời để đọc sách cũng không thể đọc hết sách trên đời này được. Lý thuyết là một màu xám, cây đời thì mãi xanh tươi. Chúng ta có đọc hết sách của cuộc đời này chăng thì cũng chỉ là đi theo những gì người khác đã bỏ, đã lạc hậu và mình cũng bị tuột hậu, dùng được vào đâu? Nếu chúng ta chỉ có rập khuôn, nhồi nhét vào thì có khác nào anh chàng mọt sách kia đã từng lầm lỗi. Khi ta ném một hòn đá, nếu là con chó thì nó chỉ biết lù đù chạy theo hòn đá kia, nhưng nếu là chú sư tử oai hùng thì sẽ quay chộp trở lại ngay bàn tay người ném. Phải tìm ra cội nguồn phát xuất ra viên đá thì mới là sư tử oai hùng. Nếu chạy theo viên đá thì chỉ là những chú chó ngoan ngoãn yếu đuối kia thôi. Nếu người thông minh thì phải tìm lại xem, cái gì là cha đẻ của những thứ văn minh trên đời đang có? Đâu có một triết lý nào từ trên trời rơi xuống? Chỉ tại trí tuệ con người. Trí tuệ là cha đẻ của mọi thứ văn minh triết lý trên cuộc đời này. Tất cả các phương pháp học và thực hành cũng nhắm đến khai triển trí tuệ. Khi trí tuệ đã sáng, chúng ta sẽ kế thừa những gì đã có để phát huy cho tốt hơn, gọi là tái tạo. Những gì chưa có thì chúng ta sáng tạo mới. Tái tạo và sáng tạo là trí tuệ sống động, làm mới tốt hơn chứ không phải rập khuôn nô lệ kiến thức. Trên nền tảng đó, con người chúng ta mới có đầy đủ nghị lực, tự tin và đưa đến thành đạt.
2.TÍNH TỰ CHỦ - THÍCH NGHI.
Khi bố mẹ bảo gì con cái nghe theo đấy, đó là một người con ngoan. Nhưng nếu bố mẹ không biết cách dạy một người con có tính tự lập, tự chủ, luôn ra điều lệnh bảo nó nhất nhất phải tuân thủ theo sự sắp đặt của mình, lâu ngày như thế nó sẽ quen nghe theo, nương tựa bố mẹ, thụ động, dẫn đến thiếu tự tin vào bản thân cho nên rất yếu đuối, sợ sệt khi bước ra trường đời. Một chú chim con được chim bố mẹ tập bay rất kỹ cho nên khi rời tổ ấm để tự kiếm sống chú rất vững vàng. Con hổ con hay chó con đều được bố mẹ nó tập dợt những đòn rất căn bản nên khi lìa đàn tự sống, chúng oai hùng, mạnh mẽ vô song. Thông thường khi mới bước ra trường đời, bố mẹ thường lo sợ con cái mình yếu đuối, thiếu nghị lực, không thích nghi kịp với môi trường trong khi chúng ta lại quen dạy chúng điều đó. Nuôi dạy một đứa trẻ, nếu không trông xa nhìn rộng, chúng ta chỉ thấy có mình và gia đình mình, uốn nắn nó phải rập khuôn theo sở thích và tư duy của mình thì nó sẽ bị đóng khung trong tổ ấm đó, khi ra ngoài nó phải yếu đuối thất bại thôi. Ngược lại, nếu biết nhìn vào chân trời cao rộng, tập cho nó những điều căn bản để tự nó có khả năng vươn cao và xa hơn. Không nên ra điều và rập khuôn trước, nên khéo khơi dậy tính tò mò sáng tạo của trẻ. Nếu để cái ly, đặt chậu hoa, làm một việc gì đó không sai thì đừng có sửa. Nếu cứ lên kiểu người lớn sửa đổi mãi thì con sẽ thấy nó không có giá trị, chỉ biết ngoan ngoãn nghe theo, ỷ lại và nương tựa vào người khác, nó sẽ trở nên thụ động, yếu đuối, thiếu tự tin, thất bại. Bất kể là trai hay gái, vừa mới biết đi thì tập quét nhà, lớn một chút thì giúp việc dọn nhà, phụ bếp, trưởng thành hơn thì nên tập đi chợ lo bữa cơm cho gia đình. Không phải bắt làm nhiều quá bóc lột sức lao động của con trẻ ảnh hưởng đến trí thông minh, chỉ là khéo léo tập tính thích nghi. Không có ai lương thiện bằng người lao động chơn chính. Sản phẩm chính tự tay mình làm ra, tâm hồn không đen tối nên tinh thần rất vững vàng, mạnh mẽ. Chính lao động chân chính sẽ khiến chúng ta có tính nhân từ, đưa con người gần lại với nhau hơn. Rèn luyện như vậy lâu ngày, tinh thần trở nên mạnh mẽ, vững vàng nên nó sẽ tự lập, tự tin, không lệ thuộc vào bất cứ điều gì cho nên luôn luôn mạnh mẽ, thành đạt. Đồng thời, từ trong rèn luyện lao động, tính hy sinh nghĩ cho người khác, lòng nhân từ sẽ được hình thành cho nên ra đời con trẻ rất siêng năng, biết quan tâm đến người khác, lúc nào cũng làm được việc tốt trong tầm tay. Vào nhà người khác, thấy chủ nhà pha nước thì liền đỡ tay pha giúp, thấy người khác khuân đồ nặng thì ra tay đỡ dùm, thấy nhà dơ thì liền giúp một tay quét dọn, ra đường thấy người yếu đuối thì nhường chỗ ngồi tốt, đỡ nâng. Một con người như thế ai thấy cũng có thiện cảm. Như thế, xã hội này sẽ nuôi nó chứ không phải chỉ một mình cha mẹ nuôi nó. Khi đã lớn khôn, tập cho con khéo thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Hoàn cảnh thuận hay nghịch, trái ý hay vừa lòng gì cũng cảm thấy bình thường. Trời nóng quá thì có quyền tìm quạt cho mát, nhưng không có quyền có tâm khó chịu, bực bội, nôn nóng mà phải lặng tĩnh, bình thường. Thấy người đó làm trái ý nghịch lòng, cũng bình thường, tâm không cảm thấy khó chịu gì cả. Cứ ngay chỗ khó chịu đó mà rèn luyện, tu tập cho được bình thản thì sau này mới có đủ nghị lực, tính thích nghi tốt và thành đạt được. Như một trái sầu riêng còn nhiều gai, mỗi ngày gọt bớt một ít, lâu ngày sẽ được trơn láng, tròn vìn. Cảnh nghịch có tung hoành đến đâu, chúng ta cũng không thèm vội phán xét mà nên lóng lặng an tĩnh nội tâm trước, chỉ nhớ tìm lấy sự trong lặng trên nó, tâm mình bình thường, an nhiên. Cứ như thế, mỗi ngày một chút, tập lâu thành quen, tâm mình trở nên thuần thục, không biết ngán sợ hoàn cảnh nào cả, chỉ là bình thường, an nhiên, sự thành đạt từ đó mà có được. Đang sống ở xã hội hiện đại, nếu phải đến làm việc ở một môi trường sống bằng tình cảm, ít hiện đại hơn, chúng ta cũng thích nghi, làm việc bình thường. Đang sống tại một hoàn cảnh lạc hậu, có duyên phải đến làm việc ở một nơi văn minh hiện đại, do sẵn có trí tuệ và năng lực, chúng ta cũng kịp thích nghi và thành đạt bình thường. Chỉ cần bình thường, không có tâm khó chịu, cộng với trí tuệ và năng lực thì môi trường nào chúng ta cũng theo kịp, dễ dàng thích nghi, cuộc sống từ đó mà được thành đạt.
Chúng ta thường nghe nói: “Đáo xứ tùy duyên quân tử chí, nhập thiền phương tiện trượng phu tâm.” Tức là đi đến bất cứ nơi nào, chúng ta đều có khả năng tùy thuận được trên tất cả các cảnh duyên ở đó, không có mảy may thích thú hay bực bội khó chịu, đó là chí của người quân tử. Vào cửa thiền, chúng ta có được nội tại bất biến tùy duyên, khéo léo phương tiện uyển chuyển, tùy duyên thích nghi, không bị một pháp nào làm ngăn ngại, đó là tâm của bậc trượng phu. Muốn được như thế, quý vị phải luôn luôn khéo léo vận dụng công phu tu tập trên mọi cảnh duyên. Nếu có một điều gì khiến lòng mình còn cảm thấy khó chịu, chưa bình thường được, chưa vượt qua nổi thì chúng ta chưa phải là một con người xứng đáng trong cuộc đời này. Phải nổ lực dốc sức công phu tu tập nhiều hơn để bình thường được trên nó thì mới có được tâm của bậc trượng phu, chí của người quân tử, mới xứng đáng làm người sống trên cõi đời. Trong từng tâm niệm, từng hoàn cảnh, từng sự cố, từng con người, chúng ta nên rèn cho tâm mình bình thường. Được như vậy thì khi ra cuộc đời làm ăn, quý vị sẽ dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thuận và nghịch, thành và bại, sẽ có đủ năng lực bình tĩnh mọi lúc mọi nơi, trí tuệ sẽ sáng suốt, mọi quyết định chính xác không nhầm, đưa đến thành công, an ổn trong cuộc sống.
3. KHÔNG NGÔN NGỮ.
Thông thường con người chúng ta tiếp xúc với nhau, biểu đạt với nhau qua hai loại hình ngôn ngữ, lời nói (nói cho nhau nghe) và cơ thể (diễn tả bằng hành động). Nếu chỉ có thế thì chưa đủ điều kiện để đưa đến kết quả mỹ mãn. Anh chiến thắng được vui thì tôi thua và phải tủi buồn hay oán hận. Vì có thế lực hơn cho nên tôi ra lệnh anh phải nghe chứ không phải anh sẵn sàng mở lòng để đón nhận lời tôi. Nếu chỉ có thế, chỉ sử dụng hai loại hình ngôn ngữ này thôi thì chúng ta mới chỉ dùng được phần sanh diệt, phần động của cuộc đời, nó chỉ chinh phục nhau chứ chưa có giá trị thần phục, tôn trọng khâm phục, cảm hóa lẫn nhau. Hầu hết con người chúng ta thường chỉ mới dùng đến loại hình có ngôn ngữ, có hình tướng của ngôn ngữ mà không biết rằng, không ngôn ngữ cũng là một loại ngôn ngữ. Nếu biết dùng thêm loại hình ngôn ngữ vô ngôn này nữa thì tính hiệu quả sẽ được thay đổi đi rất nhiều.
Lên một buổi họp, nếu chúng ta nóng lòng quá với những gì mình đắc ý chuẩn bị nói ra thì nét mặt mình sẽ mất thần sắc, tính thần phục bị hạ xuống, kết quả căng thẳng, không được tối ưu. Cũng một buổi họp, những gì cần thiết thì nên chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Bước lên bàn họp với dáng vẻ bình dị, vui nhẹ, khoan thai, trong đầu không nghĩ ngợi gì cả. Có hào hứng đắc ý điều gì đó cũng bỏ qua, có bực bội ai đó cũng bỏ qua, có cảm thấy quan trọng ai đó cũng bỏ qua, cứ thế bỏ qua tất cả, tâm lặng sáng ngời, nở nụ cười nhẹ chan hòa, thân mật. Từ tinh thần đó, dung nhan toát lên thần sắc rất đặc biệt khiến mọi người bị cuốn theo vào mình giống như dòng nước bị cuộn vào một cái phễu, trông chờ, sẵn sàng nghe mình nói. Khi ấy, chúng ta chỉ cần nói nhẹ thì mọi người rất muốn nghe theo, kết quả tốt hơn rất nhiều. Mới thấy, không nói gì cũng là một cách nói và đó là một cách nói rất hữu hiệu, không thể thiếu trong cuộc sống. Thường ngày chúng ta hăng hái quá, đua theo tốc độ quá mà quên lưu tâm đến tính hiệu quả cho nên chỉ biết dùng loại hình ngôn ngữ có tướng sanh diệt, vì thế dễ làm tổn thương nhau, đưa đến kết quả không nhiều. Nếu ai khéo vận dụng sự thanh tu, dùng thêm loại hình ngôn ngữ không lời này nữa thì mới thấy hết tiềm năng, giá trị tuyệt vời nơi chính mình. Tương tự, có lúc không làm gì hết cũng là một cách làm, có những sự việc chỉ cần nghe rồi thôi, không giải quyết gì hết cũng là một cách giải quyết ưu việt, quý vị khéo léo vận dụng đúng lúc sẽ cảm nhận được tính hiệu quả, lý thú. Bằng cách này mọi người thuận theo mình một cách tự nguyện, không bị tổn thương.
4.CHO ĐIỀU NGƯỜI KHÁC CẦN.
Một Bác sĩ gốc người Việt nam nhưng sang Mỹ từ bé. Cô này phát tâm làm nhiều việc thiện nguyện tại quê nhà Việt nam mình. Cùng làm việc tại Việt nam, có một Bác sĩ là bạn tại Sài Gòn hỗ trợ, tư vấn tổ chức. Tâm lý sinh viên Việt nam thấy Bác sĩ nước ngoài về thì muốn tò mò học hỏi khiến vị Bác sĩ ở Sài Gòn thường bị bỏ rơi. Trong một lần đến thăm Thiền viện, cô Bác sĩ ở Mỹ thưa với quý thầy: “Thưa thầy, con muốn làm những việc thiện nguyện ở Việt nam thì không thể thiếu sự giúp đỡ của vị Bác sĩ bạn con ở Sài Gòn, nhưng không hiểu vì sao cô bạn thường tỏ ra khó chịu với con, từ đó các ý kiến thường xảy ra trái chiều, rất khó chịu. Con phải làm sao?” Quý thầy nói, cô nên cất giấu đi những gì cô cho là hay giỏi, tâm đắc và chỉ cho ra đúng thời điểm, đúng nơi chốn, đúng đối tượng đang cần. Với người bạn mình, cô nên có tâm học lấy một điều gì đó ở họ dù điều đó mình đã biết, cô bạn ấy sẽ rất vui, sẽ cộng tác cùng làm nên công việc tốt cho nhiều người. Nghe nói xong, cô ta chiêm nghiệm, gật gù, thấy đúng. Con người thường thích lên giọng thầy đời, ưa dạy người khác hơn là tranh thủ học lấy một điều gì đó mình cần. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết cho nên việc học sẽ không bao giờ là tận cùng. Những người luôn luôn khéo học hỏi ở mọi lĩnh vực, người ấy luôn tự chủ và thành đạt. Đặc biệt hơn, có khi không phải là điều mình cần hay chưa biết, nhưng vì muốn tiện việc giúp ích cho nhiều người, để cho người muốn dạy được vui, chúng ta cũng sẵn sàng học hỏi để cho người khác được dạy. Họ cần dạy thì mình cho họ điều kiện để được dạy, cho họ vui. Thế thôi. Không quan trọng mình, người khác cần gì nếu mang đến lợi lạc chính đáng cho họ, chúng ta sẵn sàng cho ra.
Cứ thử một lần thảnh thơi ngồi an nhiên, lặng lẽ, không tư duy suy nghĩ gì cả, chúng ta sẽ thấy được một lẽ thật, tột cùng những thứ trong đời chỉ là một giấc mộng. Khi ngủ thì mơ thấy đủ thứ, tỉnh dậy rồi, mọi thứ trong mộng không còn giá trị gì. Khi mê, quên giác thì chúng ta như người ngủ say, tranh giành lắm chuyện. Khi lắng lại, giác sáng mạnh rồi mới sực tỉnh ra, năng lực lặng sáng lạc an không động ngay đây mới còn mãi, mọi thứ chỉ là trò đùa. Học hay dạy chỉ là một trò chơi của trẻ con trong đời, là người lớn có đủ năng lực thì nên ban cho họ chứ không nên tranh giành ở họ. Tự tại, hoan hỷ ban ra, được vậy thì cuộc sống sẽ thuận lợi và vui hơn nhiều.
Có lần quý thầy được quý phật tử mời đi giảng ở một vùng miền khá xa, mọi người ở đây chưa hiểu và thông cảm mình. Có phật tử báo: “Bạch thầy, có người chưa thông cảm, muốn làm khó thầy nên cho người theo dõi để về nói xấu chê bai thầy đó.” Quý thầy nói: “Không sao, quý thầy sẽ biết nên làm gì.” Khi người ta muốn chê bai, phỉ báng, mình cứ làm một điều gì đó vụng về để cho họ có cơ hội chê bai là xong. Khi được chê thỏa mãn thì họ không làm gì nữa cả, sau đó mình nói những điều lợi ích cần thiết cho những người khác cần nghe. Thế thôi. Vì chưa giác sáng, còn trong mê lầm, quan trọng mọi thứ nên họ muốn khen chê. Nếu khen chê mà người ta được vui thì mình cũng nên tôn trọng niềm vui của họ. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, chúng ta nên tôn trọng sở thích của mỗi người để họ có cơ hội được làm kẻo không còn kịp. Thấy đủ duyên thì giúp cho họ giác tỉnh, còn chưa đủ duyên thì thôi. Không nên dại dột tham lam cho mình là đúng rồi muốn cả nhân loại phải tin theo mình, đó là cố chấp, chưa biết quán xét thời tiết nhân duyên, sẽ đưa đến phiền não, thất bại, khổ đau. Nếu người đã giác tỉnh thì sẽ thấy rõ, khen cũng giả mà chê cũng không quan trọng gì. Họ cần gì thì mình cho cái đó. Người muốn chê bai thì tạo điều kiện cho họ chê bai, rồi thôi. Người muốn nghe pháp để tu sửa thì nói pháp, thế thôi. Nhìn nhận và khéo sống tùy duyên như thế thì cuộc sống an lạc vô cùng.
Nếu khéo tu tập, nhận ra và sống bằng trí tuệ chân thật rồi thì sẽ có sự an định, giác sáng, ngập tràn niềm vui. Mọi thứ khen chê đúng sai phải trái hơn thua tự nó mất giá trị, không còn đủ sức chi phối chúng ta nữa. Như một người đã được ăn uống đồ ngon no nê thì không còn màn đến tách nước lã. Lúc này đã có vốn, ai cần gì mình sẵn sàng ban cho họ. Nếu họ cần phần thắng thì nhường, cần chỉ trích phỉ báng thì tạo điều kiện cho người ta chê bai phỉ báng, cần làm thầy dạy đời thì tạo điều kiện cho họ dạy dỗ, ai cần một điều gì đó mà chúng ta chưa đủ duyên giúp thêm ý kiến tốt hơn thì chỉ nên tôn trọng cho người ta làm. Trả lại mọi thứ cho đời, cho người, mình vẫn là mình, rỗng rang, thênh thang, như đã từng lạc an từ muôn thuở.
5. NÊN KHAI THÁC CHẤT NGƯỜI.
Một ly cà-phê có cả đường lẫn vị đắng của hạt cà-phê. Nếu người nào không khuấy đều lên cho đường hòa tan mà uống thì sẽ than cà-phê đắng quá. Cho đến khi uống hết phần đắng của cà-phê rồi, đến phần đường còn đọng dưới đáy ly thì than cà-phê sao mà ngọt như mật. Cuộc sống mỗi một con người cũng tương tự, nhân vô thập toàn. Ai cũng có điều hay và ai cũng còn tồn tại những điều chưa được tốt. Nếu cứ chăm bẳm nhìn vào lỗi lầm của người ta mà không nhìn nhận mặt tốt của họ thì thấy người đó sao mà xấu tính, cứ làm mình bực bội hoài. Đó là quên khuấy đường lên mà đi than phiền ly cà-phê sao mà đắng quá. Rồi người ta ngoan ngoãn nghe theo mình một cách thái quá đến nổi thụ động, không linh hoạt thì mình cũng chán chường, than con người sao mà nhu nhược, khờ khạo quá. Đó là chỉ uống đường mà không pha đủ cà-phê nên cũng than sao mà ngọt quá, ngán quá. Người uống cà-phê sành điệu tất nhiên phải khuấy đường hòa vào vừa đúng với lượng cà-phê, sẽ có một ly cà-phê đặc biệt. Tức là biết nhìn vào những mặt tích cực, mặt tốt của người khác; biết học lấy kinh nghiệm từ những điều chưa tốt; biết xây dựng nhau đúng nơi, đúng lúc, khi đủ duyên; biết tôn trọng, bỏ qua những tồn tại mà khả năng người đó chưa thể vượt qua được. Như thế, nhìn ai cũng dễ thân thiện, cuộc sống sẽ được vui và cảm thấy có ý nghĩa hơn.
Hơn nữa, chín người mười ý. Tâm ý con người thay đổi phức tạp, biểu hiện thất thường, nhưng khi nghĩ lại, lắng lại rồi thì ai cũng biết sửa sai, hướng đến chất người vốn hiền hiện. Cũng như dọn một bàn cà-phê với nhiều loại ly tách khác nhau. Nếu người chỉ chuộng hình thức ly tách bên ngoài thì biết rằng, người ấy chưa biết thưởng thức cà-phê. Nếu người sành điệu thì chỉ chọn ly cà-phê nào có hương vị hảo hạng. Cũng thế, chúng ta nên uống cà-phê chứ đừng uống ly tách, phải nhìn vào bản chất hiền thiện vốn sẵn của mỗi người để thông cảm và sống với nhau chứ đừng cố chấp nhìn vào những sai sót nhất thời bên ngoài rồi khinh thường, chia rẻ, khiến cho cuộc sống trở nên phức tạp, đau khổ.
Tại một vùng đất vừa mới chuyển đến ở, mọi người xung quanh chưa hiểu và thông cảm cho nên có người thường làm khó quý thầy. Có những điều mình đúng, nhưng người ta vẫn cứ la rầy ép mình. Trong mọi tình huống đúng hay sai, quý thầy đều ngoan ngoãn xin lỗi. Đôi khi quý thầy mang quà đến biếu chỉ để được xin lỗi rồi thôi, không có điều kiện gì cả. Nhiều lần như thế, không ai chịu nổi cách hành xử của quý thầy. Mọi người cho rằng làm như thế thì người khác họ cho là nhu nhược nên lấn hiếp mình mãi. Quý thầy chỉ cười mà không nói gì. Cho đến bây giờ, chính những người đó là người thông cảm, thân mật và hết lòng hỗ trợ quý thầy. Vì sao? Nếu chúng ta quan trọng quá mọi thứ và hành xử theo sự đúng sai bên ngoài thì chỉ là cãi vã, trừng phạt lẫn nhau, không có ý nghĩa gì cả. Nhưng quý thầy xem nhẹ mọi thứ kia mà nhìn vào lòng người đang bị ngủ quên sâu thẳm bên trong để khơi gợi cho nó thức giấc, sống dậy. Mỗi một lần xin lỗi là một lần làm cho lòng người chùn lại, nhiều lần xin lỗi sẽ khiến lòng con người ta nghĩ lại. Là con người thì khi nghĩ lại, ai cũng cảm thấy xốn xang, ngay đó lòng nhân, chất của con người được khơi dậy. Khi chất người đủ lớn thì tự nhiên con người ta ngoan hiền, dễ thương thôi. Đức Khổng tử nói: “Phi trắc ẩn chi tâm, phi nhơn giả.” Không có lòng trắc ẩn thì không phải là người. Là con người thì ai cũng có lòng trắc ẩn. Một người dù ác đến đâu, nhưng cũng có lúc nghĩ lại rồi cảm thấy khó chịu trong lòng, đó là chất người. Có người ban ngày không kịp tỉnh táo suy xét, lỡ làm những điều không nên, đêm về gẫm lại cảm thấy xốn xang, đó là chất người. Chúng ta nên khai thác tính người thì được sống với nhau an lành, tốt đẹp. Nếu cứ chọc cho người khác bực tức, căm hận… đó là khai thác tính thú trỗi dậy thì đừng trách người ta sao mà quá ác. Bởi chúng ta khai thác thú tính thì phải hứng chịu sự phản ứng của thú thôi. Hằng ngày quý vị phải tiếp xúc với rất nhiều tình huống khác nhau, nếu quý vị thử lắng tâm mình lại, đừng vội vàng hấp tấp quá, đừng phán đoán nhanh quá, nên tôn trọng sự thanh thản và sáng suốt ở tâm hồn, xem nhẹ mọi thứ đúng sai, hơn thua, phải trái bên ngoài, không nhìn thiển cận quá, nên trông xa nhìn rộng, khéo hành xử nhẹ nhàng, nhắm đến hiệu quả chắc thật lâu bền hơn, chúng ta sẽ khơi gợi được tính nhân nơi mọi người. Có vậy, cuộc đời này sẽ được mát mẻ, nhẹ nhàng, thanh thoát lạ thường lắm.
Có người nói, mình làm như thế nhỡ người kia không biết mà họ cứ làm tới hoài thì phải làm sao? Quý thầy nói, đó là quý vị còn quan trọng mọi thứ đúng sai, phải trái, hơn thua bên ngoài quá nên mới trông chờ người ta hiểu mình. Thử nghĩ khi già yếu nằm trên giường bệnh, những thứ kia có sử dụng vào đâu được không? Có còn giá trị gì không? Người ta có hiểu hay không hiểu mình thì họ cũng không gánh bớt phần nào sự đau đớn nhọc nhằn cho mình. Nhưng nếu hằng ngày quý vị nhường nhịn được thì tâm hồn mình dễ trở nên thanh thản, nhẹ an. Chính tâm đó mới cứu được mình lúc này. Biết vậy, chúng ta không cần những thứ bên ngoài đó nữa thì mong người ta hiểu mình làm gì. Hơn nữa, là con người thì ai rồi cũng có lúc nghĩ lại cho nên sẽ có lúc người ta nhận ra thôi. Nếu chưa nhận ra thì cho họ một thời gian nữa chứ đừng ép người ta phải hiểu mình sớm quá sẽ mất hết ý nghĩa. Có những điều bị oan, nếu chúng ta minh oan liền thì họ chỉ xin lỗi rồi thôi. Nhưng nếu quý vị cứ vui vẻ bình thường như vậy, không cần minh oan, không cần người ta hiểu mình. Một thời gian khá dài, tình cờ họ phát hiện ra là đã hiểu lầm mình, lúc ấy sẽ ân hận, cảm phục và họ muốn sống tốt để bù đắp lại cho mình thật nhiều mà cũng không thấy xứng ý. Như vậy không có giá trị hơn sao? Trong khoảng thời gian bị oan đó là chúng ta đang cho họ vay giá trị. Khi phát hiện ra thì chúng ta được lời rất nhiều. Vậy thì hôm nay người ta chưa hiểu, ngày mai họ sẽ hiểu. Ngày mai chưa hiểu thì tháng sau sẽ hiểu. Tháng sau chưa hiểu thì năm sau sẽ hiểu. Năm sau không hiểu thì đời sau sẽ hiểu. Đời sau không hiểu nữa thì đến khi thành Phật rồi họ cũng sẽ nhận ra thôi, không có vị Phật nào mà không nhận ra tất cả mọi điều cả. Cho vay càng lâu thì giá trị càng lớn, là người có nghị lực và trí tuệ, biết sống, biết nhường nhịn và thông cảm cho mọi người thì có gì phải giành phần thắng về mình? Không cần người ta phải hiểu mình làm gì nữa.
6.CHIẾN THẮNG ĐÍCH THỰC.
Thế gian ai cũng thích giành phần thắng về mình. Khi được chiến thắng thì huênh hoang, phấn khởi, khi thất bại thì chán nản, ê chề. Cũng vì giành chiến thắng theo kiểu cương mà không biết nhu này cho nên dễ có sự không vui với nhau, ngày càng đánh mất lòng nhân trong tâm hồn hồi nào không rõ. Lòng nhân mất thì tâm hồn cũng mất. Sống không tâm hồn, chỉ là một cuộc sống thực vật, không có lẽ sống.
Hằng ngày anh giành chiến thắng, tôi sẵn sàng nhường cho anh, tôi chỉ lặng thầm làm việc có ý nghĩa cho mình và người, có ích cho xã hội, không so sánh thắng bại với ai cả. Được chiến thắng, anh ta hiêu hiêu tự đắc, vênh váo nghênh ngang, tỏ ra anh hùng cái thế, mạnh mẽ vô song. Đến khi gặp chuyện không may và phải thất trận, anh ta chán nản yếu xìu như cọng bún thiu, không còn sống nổi. Nếu thật sự là mạnh mẽ anh hùng, sao lúc này không dám anh hùng mà đánh mất hết hào khí của mình đi đâu hết? Như thế có thực sự là anh hùng chưa hay chỉ là anh hùng rơm, chỉ bùng cháy nhất thời rồi vụt tắt, trống phộc không có gì chắc thật? Họ chỉ sống được trong hoàn cảnh thuận lợi, thành công mà không sống nổi khi công không thành, danh không toại. Nhưng cuộc đời đâu phải bao giờ cũng trải nhung thảm để đón mọi người?
Chúng ta thường nghe nói: “Cạn sòng mới biết rô trê”. Khi mặt nước đầy, hồ trở nên trong trẻo mát mẻ. Chú cá nào cũng tranh nhau táp mống, tự đắc, anh hùng. Gặp trời khô hạn, nước hồ cạn kiệt, đó đây còn vài vũng nước chân trâu. Lúc này những chú đắc thắng lòng tong kia phơi thây chết sạch. Loài còn lại chỉ là những chú cá rô, cá trê vốn sống lặng thầm dưới bùn. Trên đời này có không ít người bao giờ cũng chỉ biết nghĩ về mình, không biết đến người khác nên luôn tranh giành, tự cao, đắc thắng. Kết quả là họ chỉ sống được trên hoàn cảnh thuận lợi được thắng. Khi bị nghịch cảnh thì họ buồn khổ ê chề, không còn sức sống, không muốn sống nữa. Đó chỉ là loài lòng tong chỉ đắc thắng được khi nước mát, đến khi nước cạn chúng phải bị chết phơi thây. Có những người sống rất bình dị, nhẹ nhàng, nhu nhuyến, biết quan tâm người, biết nhường nhịn người khác, tự tâm lặng thầm nuôi chí phấn đấu theo lý tưởng mình đã chọn. Khi thuận duyên họ cũng thắng lợi bình thường như bao nhiêu người khác. Khi gặp cảnh nghịch thì họ lại hào hùng hơn bao giờ cả. Người như vậy mới làm được vị tướng trên cả trận thắng lẫn cả trận bại. Chúng ta thường chỉ làm được vị tướng trên trận thắng mà ít có ai làm được một vị tướng khi bại trận. Là một vị tướng hào hùng thật sự thì dù có thắng trận hay bại trận gì, chí khí hào hùng của họ vẫn không đổi, đó mới đích thực là chí khí của một vị tướng. Đằng này khi thuận thì anh hùng cái thế, lấn lướt mọi người, khi nghịch thì chán mỏi ê chề, không chút nhuệ khí, đó chỉ là anh hùng rơm, xứng đáng cho chúng ta bắt chước theo sao?
Cô con gái hay than thở với cha, sao bất hạnh này vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống. Cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần nghe con gái than thở, ông dẫn xuống bếp, bắt ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng rồi lại để chúng tiếp tục sôi, lặng lẽ không nói một lời. Người con gái sốt ruột không biết cha mình định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên, nhẹ nhàng đun nấu.
Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau. Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ!”, cô gái đáp. Sau đó ông bảo con bóc trứng và dùng thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là gì vậy cha? – Cô gái hỏi.
- Ba loại thức ăn này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau là nước sôi 100 độ C. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác. Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luột sôi chúng trở nên rất mềm. Còn trứng lúc chưa luột rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn. Hạt cà phê thì thật kỳ lạ, sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái:
- Còn con? Con sẽ là loại nào khi gặp phải nghịch cảnh? Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp, nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực? Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ sẽ chín chắn và cứng cáp hơn? Hay là một tách cà-phê, nước càng sôi thì vị nó càng đậm đặc.
Cuộc sống không thiếu những người họ cảm thấy cuộc đời này lý thú và ý vị hơn khi vượt qua cảnh nghịch, biết đứng dậy sau khi bị trượt ngã. Con người chúng ta ai cũng tham sống sợ chết. Nhưng khi một người đòi tự tử thì biết đang gặp những trắc trở quá sức chịu đựng của họ rồi. Lúc này đầu óc đang căng thẳng và không còn chỗ trống để nghe triết lý gì khúc chiết cao siêu hơn. Nếu người cha nghe con nói vậy liền nóng lòng gọi lại xổ ra một lô triết lý mà không hiểu được cảm giác của con lúc đó là gì thì có phải là làm cho con mình căng thẳng và trầm trọng hơn không? Thật may mắn cho cô gái này đã có một người cha khá đặc biệt. Khi nghe con nói, ông không quan tâm, xem như chưa nghe thấy gì, chỉ là lặng lẽ gọi con vào bếp làm một công việc hết sức bình thường với một phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, gần gũi. Chính phong thái đó đã tạo khoảng không để cho con trông chờ, đã xoa dịu tâm hồn người con. Trước phong thái nhẹ nhàng và khoảng không lặng lẽ kia, cô gái đã lặng người lại, những căng thẳng tự dưng rơi rớt. Ngay đó, nhựa sống, sinh khí bắt đầu nhen nhúm trở lại, người cha chỉ cần khéo léo khơi gợi, cô ta liền tỉnh mộng, phấn phát tinh thần vươn lên khỏi những trắc trở kia ngay. Hằng ngày anh hùng, thành đạt được thì bây giờ cũng phải là quả trứng hay hạt cà-phê chứ không lẽ lại là củ cà-rốt thì yếu hèn quá. Bỏ qua mọi thứ, sống tốt vươn lên. Biết bằng lòng và vươn lên bằng những gì trong tầm mình có được, cuộc sống sẽ trở nên sinh động, lạc quan, yêu đời vô cùng.
7. MỌI THỨ TỪ NHÂN DUYÊN, DO DUYÊN MÀ CÓ.
Tất cả chúng ta có mặt với nhau ở đây không phải tự nhiên mà do có nhân duyên với nhau nhiều đời nên nay mới gặp. Có người mình chưa bao giờ biết, nhưng vừa gặp thì thấy thân thiện, quen quen, như đã gặp ở đâu rồi. Có người vừa mới gặp là đã thấy ghét. Đó là dấu hiệu cho thấy mình đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước, bây giờ mới gặp lại đây. Người mình từng mang ơn thì vừa trông thấy liền cảm mến. Người đã tạo oán thì trông thấy liền bực mình. Con người chúng ta do tạo các nhân duyên thiện ác lẫn lộn nên sanh ra ở cõi ta bà phải kham nhẫn này. Từ duyên mà lại, cũng từ duyên mà tan. Đủ duyên thì còn, hết duyên thì hết. Khi nhân duyên còn thì có phá phách cỡ nào cũng không hỏng được, khi duyên hết rồi thì có níu kéo kiểu nào cũng bị rã tan.
Chúng ta vẫn thường thấy có nhiều gia đình có con rất ngoan và giỏi, nhưng sống với mình chưa được bao nhiêu thì chia tay cõi đời, bố mẹ buồn khóc mãi khó nguôi dứt. Nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy người ra đi không phải là xấu số. Như người có điều kiện túng thiếu thì phải sống ở vùng nông thôn, người nào có điều kiện hơn thì sống ở thành thị. Nhưng không phải cố định người sống ở nông thôn là phải sống ở đấy suốt đời. Nếu người ấy làm ăn khá giả, đầy đủ trình độ năng lực thì người ta sẽ phải rời nông thôn để lên thành thị tiến thân. Cũng thế, thông thường chúng ta do tạo tác các nghiệp thiện ác lẫn lộn nên mới sanh ra ở cõi người. Nếu phước đức nhiều hơn thì sẽ từ giã cõi người và đi sang một thế giới khác tương ứng với phước nghiệp của mình. Người con kia khi mới sinh ra đã ngoan giỏi hơn người khác rồi, đó là do phước lành vị đó hơn những người bình thường khác, nhưng do một chút duyên thừa nên phải ghé tạm qua cõi người làm con trong gia đình mình một thời gian ngắn thôi. Khi hết nghiệp cõi này, phước của vị đó cao hơn thì cõi người không phải là nơi vị đó dừng ở nữa nên phải chia tay gia đình mình để đi sang một thế giới khác thích hợp hơn. Như vậy, vị ấy có duyên và chỉ ghé qua với mình trong một thời gian ngắn rồi phải đi chứ đâu phải là cái gì của mình và phải ở mãi với mình được. Vậy mà chúng ta lại sanh tình chấp cho đó là con mình thật, là sở hữu của mình nên khi nó chia tay thì áo não âu sầu. Nó đang đi sang một thế giới thích hợp với phước của nó lớn hơn, sung sướng hơn, còn mình ở đây phước đức không bằng nó mà lại khóc cho nó, như vậy có nghịch lý không? Nó đi đến một nơi sung sướng hơn thì lẽ ra nó phải cảm thương mình mới phải. Mình khổ hơn nó thì chính mình mới là người đáng thương. Vậy mà không biết thương để lo cho mình, trở ngược lại đi thương hại cho một người sung sướng hơn, gẫm lại mới thấy vô lý, chưa chắc vị đó đã còn duyên cần tình thương của mình nữa. Như gia đình nọ mới làm thẻ ATM (thẻ tín dụng ngân hàng), không biết từ đâu bỗng dưng trong tài khoản mình có được năm tỷ. Vui mừng hớn hở, chuẩn bị đãi tiệc ăn mừng thì ngân hàng đến xin lại số tiền đó, vì có người ghi lộn số tài khoản chuyển nhầm vào tài khoản của mình. Thế là chúng ta iu xìu buồn bã, vô lý không? Số tiền năm tỷ đó nó chỉ là một sự chuyển nhầm, nó chỉ có duyên với mình trong một thời gian ngắn rồi phải đi đến đúng nơi của nó, vậy mà mình lại chấp cho là của mình rồi buồn. Người con kia cũng thế, nó chỉ có duyên với mình trong một khoảng ngắn rồi nó phải đi theo đường của nó thôi, đâu phải thật của mình? Vậy mà khi mới vào nhà mình một thời gian thì chấp cho là con của tôi cho nên khi nó ra đi thì tôi đau khổ. Đó là do chấp mà phải chịu khổ một cách đáng thương. Tất cả những duyên khác cũng vậy, vợ chồng, bè bạn, người thân, của cải vật chất, nhà cửa… tất cả đều từ nhân duyên mà có. Đủ duyên thì còn, hết duyên thì nó chia tay. Nó là duyên trần chứ không phải thật của mình, mình không bỏ nó thì có ngày nó cũng bỏ mình. Mình không tập bớt dính mắc, lìa dần nó, cho đến khi nó bỏ ra đi thì chúng ta phải khổ thôi. Nên thấy rõ mọi thứ do duyên để bớt dính mắc, không sở hữu, không sai lầm và không có những nỗi khổ đáng thương cho mình nữa. Xin trích dẫn một đoạn văn sưu tầm mà không rõ tác giả để quý vị thấy thêm:
“Sau cơn mưa vào ngày xuân hôm ấy, bạn tôi ngỏ lời từ giã. Tôi kiên quyết đòi tiễn đưa bạn ra đến trạm xe. Bạn đã ngăn tôi lại:
- Dù có tiễn đưa người khác đi cả ngàn dặm, nhưng cuối cùng rồi cũng phải cách biệt, chia tay. Dù thế nào đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể đưa tôi đi chỉ một đoạn đường. Thôi thì chỉ đưa tôi đến cửa là ngừng bước nhé!
Tôi đành tôn trọng ý kiến bạn.
Mỗi con người đều chỉ có thể giúp được một giai đoạn trong cuộc sống của người khác. Điều luôn luôn chắc chắn là chỉ có thể đi cùng với người khác để tiễn đưa một đoạn đường!
Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi. Nhưng trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ, thì họ cũng sẽ rời xa trước mặt bạn, bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình duy chỉ một đoạn đường mà thôi!
Bạn yêu thương con cái của mình ư? Từng giờ từng khắc bạn mong rằng mình có thể ngăn gió chắn mưa cho chúng. Vậy mà tuổi bạn đang lớn lên từng ngày. Rồi cũng có một ngày, trước mặt các con, bạn cũng phải bỏ chúng mà đi. Bạn chỉ có thể cùng đi với con cái chỉ có một đoạn đường!
Bạn có cô bạn đời tâm đầu ý hợp, nhưng hai mươi mấy năm trước cô ấy thuộc về cha mẹ cô, vài mươi năm sau cô ấy cũng bị con cái, vận mệnh mà chia cách. Và bạn cũng chỉ có thể đi cùng với cô chỉ một đoạn đường!
Bạn xem trọng tình nghĩa bạn bè, nhưng nếu không phải bạn bè lìa xa bạn, thì chính bạn cũng sẽ phải lìa xa bạn bè. Bạn chỉ có thể cùng đi với bằng hữu một đoạn đường thôi! Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn đường, nên bạn càng thêm trân trọng quí mến những gì mình đang có.
Lúc người ta cơ nhỡ đói rách, sự quan tâm của bạn nên trở thành một quả táo ngọt ngào. Lúc người ta giá rét, sự giúp đỡ của bạn nên biến thành một chiếc áo bông. Lúc người ta vui vẻ hạnh phúc, nụ cười của bạn đáng lẽ nên vui tươi, sáng lạn nhất. Lúc người ta gặp chuyện thương tâm, sự vỗ về an ủi của bạn đáng lẽ nên thật là chân thành thiết tha mới phải... Cuộc đời vốn dĩ lập đi lập lại những định luật. Ban đêm thì có thể vì việc thêm vào cái lồng lửa để có được ánh sáng. Việc đẩy lùi tuyết lạnh không vì sự tham dự của gió lạnh mà hóa thành ấm áp.
Bởi vì chỉ có thể cùng người ta đi chỉ một đoạn đường, nên bạn cũng cần học cách từ bỏ. Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành, nhưng không nên kỳ vọng cha mẹ là cây gậy vĩnh viễn để có thể chống đỡ toàn bộ cuộc đời bạn. Con cái cũng chỉ cùng liên quan huyết nhục với bạn chứ không phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn. Bạn cần phải biết tôn trọng sự lựa chọn cuộc đời của chúng. Vợ con vì bạn mà cung phụng, nhưng sinh mệnh của cô không phải là vật phẩm thế chấp, nên dành cho cô những khoảng không gian thoáng đãng cần thiết. Bằng hữu có thể cho bạn sự ấm áp, nhưng loại ấm nồng này là loại tình cảm mở, bạn không thể cưỡng hành độc chiếm tình hữu nghị của người khác...
Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người khác đi cũng chỉ một đoạn đường đời. Điều đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho được người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?”
Mười năm, hai mươi năm hay một trăm năm của một đời người, cũng chỉ là một đoạn đường. Chúng ta chỉ có thể có duyên cùng đi với nhau chỉ một đoạn nào đó thôi, đừng nhầm lẫn cố chấp, sở hữu. Khoảnh khắc hiếm hoi nào còn duyên, có được, chúng ta nên quan tâm, cho ra hơn là nghĩ người khác phải tuân thủ theo kiểu của mình. Như thế, sẽ không bị nhận hiểu sai lầm, biết tôn trọng và giúp đỡ người khác, đưa đến một cuộc sống tích cực, vui tươi, không làm khổ mình và người.
8. ĐỪNG GIẾT BỚT CUỘC ĐỜI MÌNH.
Cuộc sống của một đời người đa số phải đi làm việc hết tám giờ đồng hồ trong một ngày đêm. Khi phải đi làm kiếm sống, chúng ta thường có tâm niệm vì kế mưu sinh, vật lộn với cuộc sống, đi làm công tác để kiếm tiền nên coi việc làm như là một cực hình đè nặng lên đôi vai, không có gì sung sướng cả. Sáng đến công sở làm việc và trông chờ chiều hết giờ cho rồi để về nhà đoàn tụ gia đình, đi phố mua sắm… Thấy công việc là một điều bất đắc dĩ phải làm chứ không có gì thích thú, trông chờ hết giờ làm việc cho rồi, tức là chúng ta đã giết chết tám tiếng đồng hồ, chúng ta không được sống trong khoảng một phần ba thời gian của ngày đó. Cho đến cuối đời cộng lại thì quý vị đã đánh mất đi một phần ba sự sống, chỉ sống được hai phần ba của cuộc đời, có lãng phí không?
Có nôn nóng vội vàng hay không thì cũng phải hết thời gian làm việc mới được ra về. Có trông chờ cho hết thời gian hay không thì đồng hồ vẫn cứ trôi đều chứ nó không chạy nhanh hơn như ý mình được. Có khi vì sự trông chờ khiến chúng ta cảm thấy thời giờ trôi chậm và dài hơn. Thay vì trông chờ cho hết giờ thì quý vị thử tìm lấy niềm vui ngay chỗ đang làm việc. Là một Bác sĩ chỉ cần thấy rằng, là con người ai cũng sẽ có lúc phải bệnh. Mình được may mắn không bệnh, có khả năng, có điều kiện chữa trị cho người bệnh thì sung sướng hơn là phải nằm bệnh rồi. Biết rằng, người bệnh bao giờ cũng đau đớn, nhọc nhằn, khổ sở. Nếu mình bị bệnh thì cũng phải chịu những thứ đau đớn giống hệt như mọi người thôi… Chúng ta đặt mình vào trạng thái của người khác để cảm thông thì không những trị được căn bệnh cho họ mà còn trị luôn cả tâm lý bệnh cho mọi người, khiến họ yên tâm, không có cảm giác bệnh để điều trị, bệnh sẽ mau lành. Được như vậy là chúng ta đã làm việc với một tinh thần cởi mở, nhẹ nhàng, rất vui. Tương tự, công việc nào quý vị cũng biết tìm niềm vui như vậy thì chúng ta có được niềm vui ngay chỗ mình đang sống, đang làm. Mình vui, mọi người được vui, cuộc sống trở nên ý vị, thích thú biết mấy! Bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì mình cũng được vui, luôn luôn được vui. Vậy là một ngày mình được vui, được sống trọn vẹn. Cứ như thế suốt cuộc đời mình, quý vị đã sống có ý nghĩa trọn vẹn, không lúc nào bị giết chết cả.
Nếu thấy công việc là một cực hình, nôn nóng mong về để thoát ra khỏi công ty thì trong thời gian ở đó rất dễ bực bội. Hễ ai đụng tới là nẩy lửa liền. Nếu giận dữ hơn người khác thì bị người đó oán thù, mình cũng khó được yên. Nếu sân mà không hơn được người thì bực bội, chán nản. Sống không an ổn, lúc buồn bực, chán nản, sân si, khoảnh khắc ấy bị đốt cháy giết chết đời mình, đó là đang sống mà không được sống trọn vẹn, là tự mình giết chết chính mình một cách đáng thương. Nếu biết tìm niềm vui ngay trên công việc thì lòng đầy hoan hỷ, thích quan tâm giúp đỡ người khác, chan hòa, cởi mở, vui vẻ, ai cũng cảm mến. Phút giây an vui là phút giây được sống. Áp dụng sống được như vậy là chúng ta được sống trọn vẹn cả cuộc đời mình.
Các bài mới
- Đá biến thành ngọc - 25/02/2016
- Sức mạnh của tâm - 14/02/2016
- Bé cúng dường Phật - 15/10/2015
- Ý nghĩa một ngày mới - 20/06/2015
Các bài đã đăng
Thiền với tuổi trẻ
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 96176
- Online: 19