Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ ( Phần 01)
10/02/2025 | Lượt xem: 57
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
LỜI ĐẦU SÁCH
Quyển Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ của thiền sư Thiên Cơ. Ngài tên Thạch Thành Kim, hiệu Thiên Cơ đời Minh, là môn đệ trong dòng Lâm Tế. Quyển này là những lời chỉ dạy thiết thực để chúng ta học hiểu đường lối tu thiền cho vững. Thiền Tông Trực Chỉ là chỉ thẳng đường lối tu thiền, tư cách ý chí của người dụng tâm tu như thế nào cho có kết quả tốt. Chúng tôi không chủ trương tu thiền khán thoại đầu, nhưng mượn lời nhắc nhở thiết thực của ngài Thiên Cơ để thấy dù tu phương pháp nào cũng phải có đường lối, có ý chí quyết tâm thì mới thành công.
TRUYỀN GIA BẢO THIỀN TÔNG TRỰC CHỈ GIẢNG GIẢI
A. MẬT TRUYỀN THAM THIỀN YẾU PHÁP
Hạ thủ công phu tu thiền, điều cốt yếu thứ nhất phải lập chí vững chắc. Bởi vì chí là vị nguyên soái của khí lực. Nếu người lập chí vững chắc, như thống lãnh trăm vạn quân, uy thế dậy trời, còn việc gì chẳng thành. Người hay sợ khó là tại lập chí không vững. Người chạy theo cảnh cũng tại lập chí không vững. Người nghe chê khen bèn dời đổi, giữa đường tự lùi, trước siêng sau lười, đều là chí không vững. Tôi thường tuyển đọc sách Tâm Pháp, mở đầu sách đã thấy nói: “Lập chí nếu vững đổi khó thành dễ.” Nay đối với công phu tu thiền cũng như thế.
Mật truyền tham thiền yếu pháp, tức là thầm truyền pháp thiết yếu để chỉ dạy người tu thiền.
Tu thiền phải lập chí cho vững. Chí vững thì đổi khó thành dễ, không vững thì từ dễ thành khó. Bước đầu trên đường tu trước phải phát nguyện lập chí cho thật vững.
Nhiều vị tu hành càng ngày càng tiến càng có kết quả tốt đẹp, cũng có nhiều vị tu một lúc rồi thối Bồ-đề tâm, là tại sao? Tại pháp tu lôi thôi hay tại mình lập chí không vững? Tại lập chí không vững. Vậy phải khẳng khái quyết định đi trên con đường tu cho tới cùng. Phải nhận định thấu đáo, hiểu biết tường tận rồi phát tâm, lập chí mới không bị trở ngại.
Chí vững thì sự ắt thành, tôi mượn việc đời để bàn điều này, ví như vua Việt phục thù vua Ngô, Trương Lương trả hận nước Hàn, Địch Nhân Kiệt tái hưng nhà Đường, thảy đều do chí quyết định mà việc được thành công đúng sở nguyện. Phật pháp cũng như thế.
Đây dùng tích xưa Trung Hoa để nhắc nhở người có chí làm gì cũng thành công.
Ngạn ngữ nói: “Người nam không chí như sắt lụt không cứng, người nữ không chí như cỏ thối không tươi.” Công phu tu thiền, chí này rất là tối yếu.
Người nam, người nữ không lập chí thì không làm gì được. Trên đường tu dù nam hay nữ đều lập chí cho vững, là điều tối yếu.
Đại sư Trung Phong ca rằng:
Cũng không khó cũng không dễ,
Chỉ quý nam nhi có thật chí,
Thật chí sức đạo mới vững mạnh,
Sức mạnh tiến đạo như trò chơi.
Đây là phương pháp ứng nghiệm vậy.
Thiền sư Trung Phong có làm kệ: Cũng không khó, cũng không dễ; Chỉ quý nam nhi có thật chí. Người có thật chí thì không làm việc gì mà không thành, khó dễ là tùy người. Đừng than pháp tu khó, chỉ trách mình không có chí quyết định. Công phu tu thiền bước đầu phải cố gắng lập chí.
Hạ thủ công phu tu thiền hoàn toàn ở chỗ giác ngộ. Cần biết, phàm phu một niệm giác, tức một niệm là Phật. Phật một niệm chẳng giác, tức một niệm là phàm phu. Bởi vì giác tức là Phật, Phật tức là giác. Phật với phàm phu chỉ tại giác cùng chẳng giác mà thôi.
Tu là để giác ngộ. Một niệm giác là Phật, một niệm mê là phàm phu.
Thấy thân năm uẩn duyên hợp tạm bợ hư dối là giác, thấy năm uẩn là thật, lâu dài, dễ thương v.v... là mê. Vì mê cho thân là thật nên khi chết phải bỏ thân thì không vui, lúc nào cũng thầm nghĩ mình sống lâu dài, cố giữ những gì thuộc về sở hữu của mình và quý những gì bảo vệ được thân này. Nếu thấy thân giả dối tạm bợ, thì việc được mất không còn quan trọng.
Tâm người có giác tức là có Phật. Giác hay mở cửa lục độ, hay vượt qua kiếp hải ba a-tăng-kỳ, khắp làm lợi ích như cát bụi, khuếch trương phước tuệ, được sáu thứ thần thông, tròn đầy quả Phật trong một đời. Cảnh khổ trong địa ngục, nào vạc dầu sôi, sông băng, nghe đến giác liền biến thành hương lâm (rừng hương); uống nước đồng sôi, nuốt hoàn sắt nóng, nghe đến giác thảy đều sanh Tịnh độ.
Giác là gốc làm tan hết mọi khổ đau, khổ đau nhất là xuống địa ngục uống nước đồng sôi v.v... Nếu quá tin tưởng thân này tốt đẹp, cao quý mà bị người khinh thường chế giễu thì chúng ta đau khổ, mất ăn mất ngủ. Nếu thấy thân tạm bợ hư dối không quan trọng, dù bị khinh khi chê bai chúng ta chỉ cười thôi. Thế nên có trí tuệ thì không khổ, mê lầm thì chúng ta sẽ khổ dài dài.
Từ mê lầm về thân tới mê lầm những vật sở hữu, như nhà cửa xe cộ cũng cho là thật, mất đi hoặc bị phá hoại thì đau khổ. Nếu biết chúng là giả chỉ cười thôi.
Người hiểu đạo sống với tinh thần giác ngộ thì các khổ đau đều bị tiêu trừ. Kinh Bát-nhã nói: “Soi thấy năm uẩn đều không, liền qua tất cả khổ ách.”
Hạ thủ công phu tu thiền, tôi có một câu diệu quyết, chỉ bốn chữ “Kiên Trì Chánh Giác”.
Tu thiền có bốn chữ thiết yếu là “Kiên Trì Chánh Giác”. Kiên là vững chắc, trì là giữ. Ứng dụng pháp tu vững chắc không gì lay chuyển, là kiên trì. Kiên trì đúng tinh thần giác ngộ chân chánh là đúng với đạo, còn kiên trì không đúng chánh giác là đi lạc về tà. Vậy kiên trì chánh giác là giữ vững giác chân chánh không sai, không lệch.
Cốt biết tín lực là Kiên, nghĩa là kiên cố không biến đổi. Niệm lực là Trì, nghĩa là nắm giữ lâu mấy cũng không chán.
Kiên là có lòng tin rất mạnh, kiên cố không biến đổi. Trì là trì chí thực hành, dù tu hai năm, ba năm không thấy tiến, chúng ta vẫn không thối chí chán nản. Lòng tin không biến đổi và sức tu không chán nản, gọi là kiên trì.
Chánh giác là tròn sáng soi khắp, không lệch chẳng thiếu. Người hay phát Chánh giác thì bản tánh tự nhiên hiển lộ, tất cả vọng tâm chẳng đợi đuổi dẹp mà tự hàng phục. Ví như ánh sáng mặt trời vừa soi thì tối tăm hết sạch. Đây tuy bốn chữ, kỳ thật chỉ một chữ Giác. Một chữ Giác này đều do Định Tuệ mà được.
Chánh giác là tròn đầy sáng soi trùm khắp, không lệch không thiếu, đó là giác thật. Còn giác mà thiên lệch bên này bên kia thì giác đó không tròn. Giác tròn đầy ví như mặt trời soi cùng khắp, không thiếu chỗ nào. Chúng ta tu là bỏ vọng về chân, bỏ dối về thật, là có hai bên rõ ràng, đó là giác thiên lệch. Khi vọng hết, tìm cái chân thật ở đâu? Biết cái giác ở sẵn trong mê, vọng niệm là mê, hết vọng niệm là giác chứ không có cái thật ở đâu. Thí dụ khi sóng nổi dậy ầm ầm dưới biển, sóng với nước là một hay hai? Thực chất không hai, sóng nào không phải là nước. Chính nơi sóng biết là nước, là thấy tột lẽ thật. Khi vọng lặng, tâm hằng tri hằng giác là tâm chân. Tìm cái chân riêng ở chỗ nào khác là còn thiên lệch, không đến được chân lý.
Chúng ta đang có tánh giác tròn khắp, vọng chỉ là trò chơi, không quan trọng không theo nó, khỏi phải đuổi dẹp gì cả. Biết tất cả suy nghĩ đều mê lầm, không thật, vừa nghĩ liền buông xả nhẹ nhàng, giống như ánh sáng mặt trời soi tới đâu thì mây mù tan tới đó. Giác này đều do định tuệ mà được.
Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Niệm khởi liền giác, giác nó liền không. Diệu pháp tu hành chỉ tại nơi đó. Ví như biết là giấc mộng thì không còn mê.
Tổ nói Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Niệm khởi liền giác, giác nó liền không. Giác là biết niệm khởi hư dối, không giác thì thấy niệm khởi tưởng là thật.
Có người than tu hai ba năm mà lại thấy vọng hoài không hết, đâm ra chán, nghĩ mình tu không kết quả. Nếu tu thấy vọng dấy lên biết là vọng, tuy không hết mà có tiến. Ngày trước niệm khởi chúng ta chạy theo nó, đó là mê. Bây giờ biết nó là vọng, bỏ không theo, một lúc nó lặng, đó là giác.
Một lần niệm khởi mà không theo là một lần giác, một trăm lần niệm khởi là một trăm lần giác. Nếu một niệm khởi mà theo là một lần mê, một trăm lần niệm khởi là một trăm lần mê, suốt buổi ngồi thiền đều mê hết.
Khi niệm khởi là chúng sanh, liền giác biết nó hư dối, đó là Phật. Lúc đầu chúng ta chỉ mới biết niệm khởi là vọng, chúng ta đã có tiến bộ rồi, lâu dần nó tự giảm. Đến lúc nào ngồi lại chỉ sáng suốt tỉnh giác không có niệm nào, đó là Phật hoàn toàn.
Tu như vậy có hai bước tiến: Thứ nhất, có niệm khởi là có chúng sanh hiện, thì có Phật độ. Thứ hai, sau một thời gian ngồi thiền vọng tưởng giảm dần. Tiến bộ đó chỉ riêng mình biết, đừng mong được thầy ấn chứng, tự mình biết tiến tới đâu.
Niệm khởi không theo là giác, pháp mầu tu luyện chính tại chỗ này, không dùng thần thông, không dùng bùa chú gì cả.
Như khi ngủ nằm mộng đang mừng hoặc đang sợ mà biết đây là mộng thì bớt sợ bớt mừng, đó là thức tỉnh. Cũng vậy, khi niệm khởi biết nó là vọng không theo, đó là chúng ta tỉnh. Việc tu thực tế vô cùng, đừng tưởng tượng sự mầu nhiệm ở đâu đâu.
Người biết được cái giác này, cần yếu chấn khởi tinh thần như vị tướng quân đang ở trong trận, như vị quan tòa tại pháp đình, không được dính một mảy hôn trầm.
Ngồi thiền như ông tướng ra trận phải nhìn tường tận khắp chỗ, như quan tòa đang xử án phải nhớ từng lời khai trong bản án, chứ không được lơ mơ hôn trầm.
Chỗ thiết yếu là phải giác phải tỉnh, còn mơ mơ hôn trầm là đi vào mê. Ngồi thiền mà cứ gục lên gục xuống, gọi là đi trong hang quỷ, tối mờ tối mịt. Còn vừa hơi thiu thiu, tỉnh lại liền, mở mắt sáng, chấn chỉnh tinh thần, nhìn thẳng một hồi cho tỉnh. Ngồi thiền mà nhắm mắt có lợi cũng có hại. Lợi là con mắt ít cay, hại là dễ buồn ngủ. Người mới tu phải mở mắt nhìn rõ ràng, người tu lâu không bị gục có thể nhắm mắt được. Ngồi thiền cảnh tối dễ mơ, cảnh sáng thì ít buồn ngủ, vì vậy nên mở đèn hơi sáng, không mờ quá.
Tóm lại, ngồi thiền là tỉnh là sáng, không phải mơ mơ, cần phải chấn chỉnh tinh thần, không cho hôn trầm.
Hạ thủ công phu tu thiền cần phải lập chí cho vững, lại cần “thường hằng”. Nếu không thường hằng phần nhiều đến giữa đường bỏ cuộc, hoặc được chút ít rồi tự dừng, đều là tự bỏ. Thật đáng tiếc!
Chúng ta phải tu một cách thường hằng, luôn luôn tinh tấn tiến tới không dừng. Nếu dừng thì uổng công phu từ trước, đó là đáng buồn vì mình tự bỏ dở nửa chừng. Tu phải thường hằng, chừng nào giác ngộ như Phật mới thôi.
Hạ thủ công phu tu thiền rất sợ gián đoạn. Nếu siêng tu một tháng đã lên bậc Thượng thừa, chỉ có gián đoạn năm, mười ngày thì bậc Thượng thừa kia chẳng biết ở đâu? Lại chẳng được vịn vào sự siêng năng của tháng trước mà sanh ỷ lại.
Chúng ta tu đừng gián đoạn, nếu gián đoạn chỉ năm mười ngày thì dù đã lên bậc Thượng thừa cũng mất luôn. Đừng lấy cớ tháng trước tôi tinh tấn tu nhiều, tháng này cho tôi dừng nghỉ một chút cho đỡ mệt.
Như người đi đường xa, chạy gấp thì mệt, thả rề thì không tiến, phải đều đều bước đi vừa chừng. Tu cũng vậy, phải luôn luôn tinh tấn trong nhẹ nhàng, nếu lùi lại thì không tốt. Có tiến rồi thì phải tiến mãi không dừng, không gián đoạn.
Hạ thủ công phu tu thiền rất sợ hôn trầm tán loạn. Cái hôn trầm tán loạn đều do chính mình lập chí không vững, lòng tin đạo không thiết tha mà đến như thế. Thật là đáng tiếc!
Tu thiền sợ nhất là tán loạn và hôn trầm. Hết tán loạn tới hôn trầm, hết hôn trầm trở về tán loạn, cứ như thế mà đổi thay liên miên. Đó là hai bệnh mà người tu thiền rất ngại.
Tại sao có hai bệnh đó? Bởi hai lý do: Một là do lập chí không vững. Hai là không tha thiết tin vào pháp tu. Cho nên người biết tu phải lập chí cho vững, tin chắc đường lối tu của mình là đúng, tán loạn hôn trầm sẽ giảm từ từ.
Hạ thủ công phu tu thiền hoàn toàn tại “tự tham tự ngộ”. Dù cho thân thiết như cha con thầy bạn đều không thể thay thế được, cũng không phải như kỹ nghệ ở thế gian có thể truyền trao cho được. Ví như người khác ăn cơm thì chỉ người ấy bụng được no, chứ bụng mình vẫn đói. Đại sư Huệ Tư nói: “Nguồn đạo chẳng xa, tánh biển chẳng cách, chỉ chính mình cầu, chớ từ nơi người mà tìm, tìm cũng chẳng được, dù được cũng chẳng chân.” Đây có thể gọi là cầu người chẳng bằng cầu nơi mình vậy.
Người tu thiền tự tu tự ngộ, không ai thay thế cho mình, dù thân thiết như cha con thầy bạn cũng không thế được. Không phải như nghề nghiệp thế gian, thầy trao cho trò, cha trao cho con. Việc tu phải mỗi người tự làm rồi kết quả tự nhận. Ví như ăn cơm, người ăn thì no, người không ăn không thể no được.
Đại sư Huệ Tư, thầy ngài Trí Khải có nói: Nguồn đạo chẳng xa, tánh biển chẳng cách, chỉ chính mình cầu chớ từ nơi người mà tìm, tìm cũng chẳng được, dù được cũng chẳng chân.
Tu là công lực của chính mình, không phải sức bên ngoài đem đến. Càng tu trí tuệ càng sáng, tâm càng thanh tịnh, người ngoài không làm cho chúng ta sáng suốt thanh tịnh được.
Hạ thủ công phu tu thiền ngày đêm hai mươi bốn giờ đều là giờ dụng công phu. Nếu canh năm ngủ thức dậy, hoặc gần sáng dậy sớm, áp dụng công phu, thì công phu này kết quả gia bội. Cần biết, lúc trời rựng sáng là khí trời đất thanh sảng, cần phải nắm lấy, không nên thả trôi qua ngày.
Giờ nào cũng là giờ tu, nhưng cần yếu nhất từ ba giờ khuya tới năm sáu giờ sáng. Ở chùa thì ba giờ thức dậy tọa thiền tới rạng sáng, còn cư sĩ từ bốn giờ hoặc năm giờ tọa thiền tới sáng, là giờ tốt nhất.
Ấn Độ là một xứ khí hậu khắc nghiệt, mà đức Phật thành đạo vào mùa đông mát mẻ, lúc sao mai vừa mọc. Đó là lúc khí hậu thanh khiết, con người trong sáng tỉnh táo.
Nếu chúng ta bận rộn cả ngày, thà tối ngủ rồi khuya thức dậy tu. Tu buổi khuya tốt nhất, vừa mát mẻ vừa yên tĩnh. Cho nên cần biết lúc trời rựng sáng là khí trời đất thanh sảng, cần phải nắm lấy, không nên thả trôi qua ngày.
Hạ thủ công phu tu thiền chẳng cần canh năm ngủ, canh ba dậy, chỉ sợ một ngày nóng mà mười ngày lạnh thôi.
Tu thiền chẳng cần thức suốt từ canh ba (12 giờ khuya) đến canh năm (3 giờ sáng) mới ngủ, quan trọng là tu cho đều, đừng một ngày nóng mười ngày lạnh, rồi lạnh luôn không còn nóng nữa.
Hạ thủ công phu tu thiền cần biết, ở trần thế có rất nhiều cảnh ác, như sanh già bệnh chết, lo buồn khốn khổ, vàm danh khóa lợi, gió sợ sóng hoảng, dù có chút ít vui vẻ cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không chẳng thật, tạm thời không lâu. Cốt phải khán cho thấu triệt, mới biết Phật pháp là việc cứu ta ra khỏi biển khổ, mới là mừng rỡ vui vẻ.
Người tu thiền phải nhìn cuộc đời cho tường tận thấu đáo. Ở thế gian nhiều cảnh ác làm cho mình đau khổ như sanh già bệnh chết. Có người nào sanh ra lớn lên mà khỏi già bệnh chết đâu! Hiện nay tuy mình đang trẻ, đang khỏe mà già, bệnh, chết đã chực sẵn. Chúng ta là tên tử tội bị bản án treo trước mắt mà không sợ sao? Cho nên phải tỉnh, phải sáng, phải cố gắng tu. Nhưng người đời ít ai nhớ già bệnh chết đến với mình, cứ lo buồn thương giận ghét, lo sự làm ăn thành công hay thất bại.
Còn thêm vàm danh khóa lợi. Danh là dây vàm cột mũi mình như cột mũi trâu dẫn đi đâu cũng phải đi. Lợi lộc như ống khóa, khóa chặt mình lại tung ra không nổi. Thí dụ người năm sáu mươi tuổi phát công làm ăn lập một xí nghiệp, làm một được hai, làm hai được ba. Năm nào làm ăn cũng được, thì có thể gỡ ách đó mà chạy thoát được không? Hay phải làm tới chừng nào hết nổi mới ngừng, đó là cái lợi khóa cứng mình không gỡ ra được.
Rồi gió sợ, sóng hoảng, sợ hãi như gió lớn thổi mạnh, hoảng hốt như sóng to kéo tới. Thí dụ người làm ăn có xí nghiệp, nghe thanh tra đến kiểm thì hoảng hốt lo sợ. Nếu làm ăn phát tài, được vui vẻ chút ít, cũng chỉ như hoa đốm giữa hư không, đâu có bền, đâu có thật.
Phải biết Phật pháp là việc cứu ta ra khỏi biển khổ, tu đến nơi đến chốn mới thật mừng vui.
Các bài mới
- Đạt Ma Tổ sư luận giảng lục- Phần 1: Huyết mạch luận - 06/11/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 9: Chương IX: Thư Khuyên Bạn Hữu; Chương X: Văn Phát Nguyện - 18/03/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 8: Chương VIII: Sự Lý Không Hai - 15/03/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 7: Chương VII: Cấp Bậc Lần Lượt Của Ba Thừa - 14/02/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 6: Chương VI: Bài Tụng Về Ưu-tất-xoa (Thiền) - 09/12/2023
Các bài đã đăng
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 5: Chương V: Bài Tụng Về Tỳ-Bà-Xá_Na ( Quán) - 14/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 4: Chương IV: Bài Tụng Về Xa-ma-tha (Chỉ) - 06/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp - 23/10/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo - 28/09/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn - 20/09/2023
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 39558
- Online: 15