Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 2 - Minh chung ( Thỉnh chuông)
21/06/2015 | Lượt xem: 6355
Bài 2
MINH CHUNG
(Thỉnh chuông)
Bài này nói về sự vi diệu của tiếng chuông, mà sự vi diệu này là do tác động của hành giả. Khi một người có chánh niệm trong lúc thỉnh chuông thì mới có hiệu lực đưa chúng sanh từ bờ mê sang bờ giác bằng âm hưởng tiếng chuông.
Nên câu chuyện Thiền Thoại ghi:
“Tại Nhật bản có một tu viện lớn. Người đứng đầu trong viện là một bậc tông tượng trong thiền môn, tên của Ngài là: “Dịch Thượng”. Thông thường sáng sớm trong tu viện thường có một chú tiểu thỉnh chuông. Song sáng hôm nay lại khác hẳn vì tiếng chuông trầm bổng, âm hưởng lạ lùng. Sáng mai Hòa thượng đàn đầu cho mời chú tiểu nào thỉnh chuông đầu đêm. Vị thầy Quản chúng cho mời chú tiểu Xâm Điền Ngộ Do lên gặp Hòa thượng. Hòa thượng hỏi:
- Trong lúc con đánh chuông con thực tập thế nào?
Ngài nói: - Con nghĩ chuông là pháp khí của Phật, là hạnh nguyện chư Như Lai, nên lúc thỉnh chuông con để hết tâm tư thành kính hiến mình cho mười phương chư Phật…
Nghe xong Hòa Thượng dạy: - Con cứ thực hành phương pháp này trong lúc thỉnh chuông.
Về sau quả nhiên Ngài Xâm Điền Ngộ Do trở thành bậc Cao tăng thạc đức kế truyền tông phong của dòng thiền Lâm Tế tại thiền viện này”.
Như vậy, muốn được tiếng chuông phát ra âm thanh vi diệu, thức tỉnh mọi người, thì hành giả trong lúc thỉnh chuông phải có bi nguyện và hạnh nguyện lớn. Do đó người xưa làm việc gì đều chánh niệm tỉnh thức trong giờ phút thực tại, quán niệm về hạnh nguyện độ tha của chư Phật và Bồ Tát, nên âm hưởng của tiếng chuông mới có năng lực thức tỉnh người sống cũng như người đã quá quãng. Thật vậy! Có những người kể lại họ chuẩn bị nghĩ điều ác, thân chuẩn bị tạo ác, khi nghe tiếng chuông tâm họ tự lắng lại. Và trong giờ phút thực tại này, nếu người duyên quá khứ đã tích tụ hạt giống thiện pháp, thì do nhân duyên nghe tiếng chuông mà bừng tỉnh.
Như Hòa thượng Trúc Lâm kể:
“Năm 9 tuổi lên Long Xuyên để tang người bác chợt nghe tiếng chuông, Ngài bừng tỉnh và làm kệ:
Non đảnh là vui thú lắm ai!
Đó cảnh nhàn du của khách tài
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc
Chuông hồi văng vẳng tiếng bi ai”.
Nên sách Hành Sự Sao cũng dạy:
“Lễ Tam Bảo xong nên đến chỗ chuông, đầy đủ oai nghi đứng niệm:
Con thỉnh tiếng chuông này
Triệu tập Tăng mười phương
Khi có người nghe được
Tất cả vân tập đến.
Cùng thừa hưởng lợi chung
Lại có các chúng sanh
Đang đi vào đường ác
Khiến họ dừng lại được”.
Thanh Quy Tổ Bá Trượng nói:
“Chuông lớn là pháp khí làm hiệu lệnh của Tùng lâm. Buổi sáng đánh thì phá tan đêm dài, cảnh giác ngủ nghỉ, buổi chiều đánh thì tỉnh thức đường mê, khai thông hôn muội”.
Song hành giả trước tiên thỉnh chuông, phải chí tâm thẩm tưởng bài kệ, phải chánh niệm tưởng Phật và chư Bồ Tát hiện tiền, có cảm ắt có ứng, công đức này làm sao có thể nghĩ bàn?
Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.
Nghĩa:
Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới
Thiết vi u ám thảy đều nghe
Căn trần thanh tịnh chứng viên thông
Tất cả chúng sanh thành chánh giác.
Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ hai nói về năng lực của tiếng chuông. Bài này nói lên sự tác động mầu nhiệm của tiếng chuông, khi một người hành giả trong lúc thỉnh chuông có bi nguyện và hạnh nguyện lớn, nên tiếng chuông mới có sự mầu nhiệm và uy vũ như thế!
Thật vậy! Khi chúng ta ném một viên sỏi vào dòng sông, thì gợn sóng nó lan mãi lan mãi khi đến bờ gợn sóng mới chịu dừng hẳn. Cũng vậy, một tiếng chuông hay một tiếng nói, hay một tiếng vang phát ra từ tiếng chuông đều có sức tác động lớn, vì quanh ta có một biển sóng năng lượng lớn.
Ví như điện từ xung quanh ta, mà mắt ta không nhìn thấy, song chúng ta bấm đúng số điện thoại thì đầu dây bên kia lập tức reo vang. Cũng như thế, có những người thỉnh chuông thì cõi dương và cõi âm đều thức tỉnh… Vì sao? Vì người này có tâm lực lớn, có bi nguyện lớn, có đại nguyện và hạnh nguyện lớn... Và vị này luôn luôn an trú trong sự chánh niệm và chánh giác.
Do đó, hành giả khi thỉnh chuông đều phải xá một xá trước đại hồng chung để chúng ta mời gọi sự chánh niệm có mặt, nên gọi là thỉnh chuông vậy.
Như trong sách Hành Sự Sao Tư Trì Ký nói:
“Luật sư Trí Hưng, lúc đầu theo hội giảng của Thủ Sư vào tháng 11 năm thứ Năm niên hiệu Đại Nghiệp, kế giữ chức Duy na, lúc đến chuông phụng hành công việc siêng năng gấp đôi. Vị tăng trong chùa có một người anh từ Đế Nam đến Giang Tô giữa đường bệnh chết. Lúc đầu không biết kiết hung, bỗng báo động cho vợ rằng: “ Tôi bất hạnh bệnh chết, sinh ở địa ngục, chịu khổ khổng thể nói! Mồng một tháng này nhờ Trí Hưng chùa Thiền Định thỉnh chuông, âm thanh vang đến địa ngục, những người đồng chịu khổ với tôi, được giải thoát cùng một lúc. Nay sanh chỗ an vui. Để báo ân, nên sắm đủ mười cây lụa phụng cúng và trình bày ý nghĩ của tôi”. Người vợ thức dậy, nói với người nhà, lúc đầu không ai tin, rồi lại mộng như trước. Sau một tuần, hung tin chợt đến vừa đồng với mộng; bèn đem lụa phụng cúng cho Ngài Trí Hưng đem phát đều cho đại chúng. Có người hỏi nguyên do, Hưng bảo: “Tôi không có thuật chi khác, nhân thấy công đức tiếng chuông trong sách phó pháp tạng truyện và Kinh A Hàm mà khổ cực hành trì kính tuân theo đó. Mỗi khi đến đêm mùa đông lên lầu, gió lạnh cắt thịt. Có vị Tăng cho ống tay áo bằng da, nhưng tôi tự ý cố gắng để lộ tay ra mà cầm dùi chuông trong tay máu ngưng chảy, vẫn không vì thế mà thối thất. Lại đầu tiên nguyện chư Hiền Thánh đồng nhập đạo tràng, kế nguyện những người ở trong đường ác đều lìa khổ não…” Chúng nghe rất phục lời ấy.
Như vậy chúng ta thấy rõ một người mà có bi nguyện lớn ấy, thì làm sao mà không thấu thoát pháp giới được! Ví như một người con chí hiếu đi xa, người mẹ ở nhà mong mỏi, bèn cắn đầu ngón tay, người con trong dạ liền cảm thấy nôn nao liền trở về. Đây là lẽ thật vậy!
Như trong Thiền Thoại ghi:
“Tướng quân Tào Hàn đời Tống dẫn quân đi qua chùa Viên Thông. Chúng Tăng trong chùa vốn biết quân đội của Tào Hàn kỷ luật không tốt, họ sợ hãi trốn khỏi chùa, chỉ có thiền sư Duy Đức trụ trì chùa ở lại một mình, thiền sư tĩnh tọa ở pháp đường.
Tào Hàn thấy vậy giận dữ nói:
- Sao ông chẳng thèm chào hỏi một tiếng? Lẽ nào ông không biết đứng trước mặt ông là một tướng quân giết người không chớp mắt sao?
Thiền sư Duyên Đức nghe vậy mở mắt nhìn, chậm rãi đáp:
- Một quân nhân đứng trước Phật gào thét hống hách, vô lễ như vậy, lẽ nào người không sợ nhân duyên báo ứng sao?
Tào Hàn càng lớn tiếng:
- Cái gì mà nhân duyên báo ứng với không báo ứng, lẽ nào ông không sợ chết sao?
Thiền sư Duyên Đức cũng cất cao giọng:
- Lẽ nào ngươi không biết ngồi trước mặt người là một Thiền tăng không sợ chết?
Tào Hàn kinh ngạc trước sự can đảm của thiền sư, hỏi:
- Ngôi chùa lớn như thế mà chỉ còn lại một mình ông, những người khác đâu?
Thiền sư Duyên Đức đáp:
- Chỉ cần đánh chuông một tiếng, họ sẽ nghe và trở về.
Tào Hàn ra sức đánh chuông, đánh một hồi lâu vẫn không thấy ai xuất hiện, ông nói:
- Đã đánh chuông rồi, sao không thấy ai trở về?
Thiền sư Duyên Đức đáp:
- Vì khi ngươi đánh chuông, sát khí quá nặng, xin hãy độc câu “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” sau đó hãy đánh chuông.
Tào Hàn làm theo, niệm Phật đánh chuông, đánh chuông niệm Phật, không lâu sau Tăng chúng đều trở về đầy đủ”.
Như vậy, khi thỉnh chuông ta phải có chánh niệm tỉnh giác, thì mới ứng tác ra cơ cảm trùm pháp giới, do đó người hành giả khi đi, đứng… đều thấu thoát tiếng chuông để hòa nhập vào cảnh giới:
Căn trần thanh tịnh chứng viên thông
Tất cả chúng sanh thành chánh giác
Trong Kinh, Đức Phật dạy:
“Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí huệ Như Lai không khác. Song họ không bao giờ nhận chân ra được cái vĩnh cửu vô giá ấy! Vì sao? Vì khi căn tiếp xúc với trần họ sanh ra đủ thứ nào là: thương ghét, tật đố, ích kỷ, hơn thua… nên không bao giờ nhận ra được cái phi thời gian ấy. Do đó cổ Đức nới: “Trọn ngày Viên Giác mà chưa từng Viên Giác đó là phàm phu…” Như vậy, ai ai cũng có tánh Phật mà không sống được với tánh Phật, nên Phật mới nói thật là đáng thương! Vậy thì thế nào để chúng ta sống trong cuộc đời này, mà sống được từng phần trong tế bào tri kiến Phật? Có phương pháp nào không?
Ta hãy nghe Quốc Sư Huệ Trung dạy:
Tăng hỏi: - Thế nào là giải thoát?
Sư đáp: - Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát!
- Làm sao đoạn được?
- Đã nói với ông các pháp không đến nhau đoạn cái gì?
Căn cứ tiếp xúc với trần mà thấu thoát được thì ngay đây chính là giải thoát, là Niết bàn, là Phật địa… Ở đây Quốc sư dạy rất rõ các pháp không đến nhau ngay đây là giải thoát, bởi vì ta hay dùng thức tâm xen vào phân biệt nên sanh ra đủ thứ tưởng tượng. Song nhìn cho thật kỹ, những vọng niệm này chúng không có thực thể, nên ngài nói đoạn cái gì? Đây là chỗ bí yếu công phu biết vọng vậy!
Như vậy, chúng ta thấy khổ là do ai đem đến? Không do một đấng thần linh nào cả mà đều do tự thân của ta tưởng tượng mà sanh khởi. Song là người tu Phật, ta phải biết rõ đầu mối nơi nào phát xuất ra nguồn cội đau thương đó! Như chúng ta thấy rõ niềm vui hay nỗi buồn đều do lỗ tai đem đến, chẳng hạn như ta hay tin người khác chê mình, chỉ nghe thôi, chưa thấy tận mắt, mà đã có nỗi buồn xâm chiếm… Song hay một điều: “Chỉ khen một câu từ em bé cho đến cụ già, đều có niềm vui như nhau, chê một câu từ em bé cho đến cụ già đều có nỗi buồn như nhau”. Song bản chất của vọng niệm này là chợt sanh, chợt diệt mà tánh nghe thì luôn luôn hằng hữu,,có tiếng không tiếng đều do thinh trần, còn tánh nghe thì bất diệt. Nên nói: Căn trần thanh tịnh chứng viên thông.
Nghe làm sao mà để căn và trần dung nhiếp với nhau? Nghe và không nghe tự sanh diệt. Tánh nghe luôn luôn hằng hữu.
Nên Bồ Tát Quán Âm nói:
“Thử phương chân giáo thể thanh tịnh tại âm thanh” là vậy!
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi:
“Thiền sư Vô Trụ ở chùa Bảo Đường Ích Châu, sư chuyên ngồi lặng lẽ. Tướng quốc Đỗ Hồng Niệm thường cùng sư luận đạo. Một hôm, con quạ đậu trên cây trước sân kêu. Tướng Công hỏi: - Thầy có nghe chăng?
Sư đáp: - Nghe!
Quạ bay đi, Công lại hỏi: -Thầy có nghe chăng?
Sư cũng đáp: - Nghe!
Tướng Công hỏi: - Quạ bay đi không tiếng tại sao thầy nói nghe?
Sư gọi đại chúng bảo: - Phật ra đời khó gặp, chánh pháp khó nghe, các ông lắng nghe cho kỹ! Có tiếng chẳng liên hệ đến tánh nghe. Tánh nghe xưa nay chẳng sanh, đâu từng có diệt! Khi có tiếng thinh trần tự sanh, khi không tiếng thinh trần tự diệt, nhưng tánh nghe này chẳng nhân nơi tiếng mà có sanh, có diệt. Ngộ tánh nghe này liền khởi, thinh trần chi phối, phải biết, tánh nghe vốn không sanh diệt đến đi”.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Từ nghe rồi suy nghĩ và tu mà được vào chánh định. Khi mới nghe không chạy theo tiếng nghe mà vào dòng chơn tánh, vì chỗ vào đã yên lặng, nên hai tướng động tịnh hẳn nhiên không sinh. Như thế dần dần tăng tiến đến cái nghe và chỗ bị nghe đều hết, cũng không trụ ở chỗ hết nghe. Cái biết và chỗ bị biết cũng không còn; biết và bị biết đều không, đến chỗ cùng tột viên mãn. Song hãy còn cái không, nên không và bị không đều diệt hết. Khi sanh và diệt đã diệt thì chơn tâm tịch diệt hiện tiền, hốt nhiên ra khỏi thế gian và xuất thế gian, chơn tâm sáng suốt thanh tịnh khắp cả muôn phương và được hai điều thù thắng.
1. Hiệp với đức “Từ độ sanh” của chư Phật
2. Hiệp với lòng “Bi ngưỡng mộ”của tất cả chúng sanh. Và được các môn diệu dụng hiện ra 32 ứng thân để hóa độ tất cả chúng sanh.
Nói chung bài kệ Tỳ Ni này nói về tánh nghe… Một khi hành giả lắng tâm nghe tiếng chuông, mà trong tâm mình vắng lặng yên ổn, thì lúc ấy tâm ta là gì? Bởi vậy trong hội Kinh Lăng Nghiêm, Phật cốt chỉ bày cho hội chúng biết mọi người đều có tánh tri kiến như thật. Tánh tri kiến như thật này phát ra nơi sáu căn, nên nói: “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”.
Song chúng sanh bỏ mất tánh tri kiến như thật này, mà đuổi theo sáu căn, phân biệt sáu trần, nên mãi trầm luân trong biển khổ sanh tử. Muốn nhận chân ra được tánh tri kiến này, phải nương cái sáng từ sáu căn phát ra mà trở về nguồn cội. Đây là tinh yếu, là con mắt của hằng hà sa số chư Phật vậy!
Do đó chư Phật ở mười phương, nhiều như số vi trần khác miệng đồng lời, bảo tôn giả A Nan! Ông muốn biết câu sanh vô minh, cái gốc khiến ông luân hồi sanh tử chỉ là sáu căn của ông, không có gì khác. Ông muốn biết Vô thượng Bồ đề, khiến ông chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng chính là sáu căn, không có vật gì khác. Sáu căn là cội gốc luân hồi, sáu căn cũng là cội gốc an lạc giải thoát. Nguyên nhân nào mà đưa chúng sanh trầm luân, và nguyên nhân nào đưa chúng sanh đến: “Căn trần thanh tịnh chứng viên thông?”
Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy:
“Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết Bàn”. (Trong cái thấy biết chạy theo phân biệt là gốc vô minh, trong cái thấy biết không phân biệt là Niết Bàn). Đây là con đường trở về tánh giác. Tuy là sáu căn đều quy về chỗ Phật địa, song ở đây đặt nặng tánh nghe nhiều hơn. Cho nên trong 25 vị Thánh tu chứng, Phật bảo Ngài Văn Thù chọn lựa: “Đại chúng và A Nan! Dạy các ông xoay cơ quan nghe, trở lại nghe cái tánh nghe, là thành đạo Vô thượng. Viên thông thật như thế đây là con đường vào cửa Niết Bàn, là lối tắt trải qua hằng hà sa kiếp sanh tử… Chư Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng từ này mà thành tựu. Chư Bồ tát, chư Tổ sư, các Ngài cũng đều từ cửa này mà vào”.
Ta hãy nghe sự dạy bảo của các Thiền sư:
“Có vị Tăng đến hỏi thiền sư Quy Tĩnh, nhờ giải nghi về việc: vị Tăng hỏi Ngài Triệu Châu “Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn độ sang?”, Triệu Châu đáp: “Cây bá trước sân”.
Thiền sư Quy Tĩnh bảo: - Tôi nói với ông, ông có tin chăng?
Thiền khách thưa: - Lời của Hòa thượng là quý trọng, con đây dám chẳng tin.
Quy Tĩnh nói: - Ông nghe giọt mưa rơi dưới thềm nhà chăng?
Thiền khách bỗng nhiên khai ngộ, bất giác la: - Chao!
Quy Tĩnh hỏi: - Ông thấy đạo lý gì?
Thiền khách nói kệ:
Thềm đầu thủy đích
Phân minh lịch lịch
Đả phá càn khôn
Đương hạ tâm tức.
Nghĩa:
Giọt mưa mé thèm
Rõ ràng từng giọt
Đập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt”.
Nói chung lối tu “Phản văn văn tự tánh”, đa phần có những người hiểu sai lầm, tu hành không tăng tiến, lại có lúc thành bệnh nói nhảm. Vì sao? Vì ta cứ ngỡ rằng xoay cái nghe trở lại tánh nghe của mình, rồi họ ngồi yên nghe trở lại trong lỗ tai, lâu ngày giống như có người nói chuyện với mình. Đây là ma cảnh chứ không phải là Phật, Bồ tát nói chuyện! Là người tu Phật chân chánh hãy chiêm nghiệm kỹ về điểm này. Còn chữ “phản” ở đây có nghĩa là xoay ngược lại, thay vì từ trẻ tới lớn, chúng ta buông xuôi theo dục tình chạy theo âm thanh sắc tướng, có tiếng cho là có nghe, quên mất tánh nghe thường còn của mình. Ngay đây, mỗi khi nghe âm thanh nào là: chim kêu, dế gáy, gió thổi, chuông vang… ta rõ biết mình có tánh nghe, bao nhiêu âm thanh liên tục bên tai, ta không chạy theo âm thanh ấy, chỉ nhớ mình có tánh nghe, nghe tất cả. Nhớ tánh nghe thì quên thinh trần, tánh nghe thì thường hằng bất diệt, còn thinh trần vì động tịnh nên đến đi sanh diệt. Hằng sống với tánh nghe là sống với tánh giác của mình, nên gọi là con đường vào cửa Niết Bàn vậy!
Nên nói:
Chuông ngân giữa trời không
Tiếng sáo tre gợi nhớ
Đưa hồn về nguyên sơ.
(Nhà thơ Nhật Bản)
Các bài mới
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 3- Văn chung ( Nghe chuông ) - 20/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 5 - Hạ đơn ( Xuống đơn) - 18/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 4 - Trước y (Mặc áo) - 18/06/2015
- BÀI 7: XUẤT ĐƯỜNG - Ra khỏi đường - 17/06/2015
- Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ) - 17/06/2015
Các bài đã đăng
- Bài 8: ĐĂNG XÍ - Vào nhà vệ sinh - 15/06/2015
- Bài 9: TẨY TỊNH - Rửa sạch - 13/06/2015
- Bài 10:KHỬ UẾ - Khử dơ - 12/06/2015
- Bài 11: TẨY THỦ (Rửa tay) - 10/06/2015
- Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt) - 09/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 13675
- Online: 34