Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 3- Văn chung ( Nghe chuông )
20/06/2015 | Lượt xem: 6349
Bài 3
VĂN CHUNG
(Nghe chuông)
Văn chung thinh, phiền não khinh
Trí huệ trưởng, Bồ đề sinh
Lìa địa ngục, xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.
Án Già ra đế da sa ha (Tam biến)
Nghĩa:
Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí huệ lớn, Bồ đề sanh
Lìa địa ngục, thoát vô minh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.
Chú thích:
Đây là bài kệ thứ ba trong phần Tỳ Ni, ở đây Tổ dạy chúng ta lắng tâm để nghe tiếng chuông cho phiền não vơi bớt, và trí huệ tăng trưởng. Theo truyền thống, ở các tự viện Việt Nam buổi chiều khoảng 6 giờ chúng ta thường dùng tiếng chuông để nhắc nhở mọi người trở về với giây phút thực tại. Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang, chúng ta muốn nhẹ bớt những cái ưu tư khắc khoải trong cuộc sống giữa đời thường này, chúng ta phải tập cách lắng nghe, lắng nghe với nỗi niềm thao thức trong giờ phút thực tại, thì ta mới khám phá ra được ta là cái gì? Sở dĩ chúng ta luôn luôn phiền não những chuyện lặt vặt trong gia đình và xã hội vì ta chưa tập phương pháp lắng nghe!
Có những người tâm sự rằng: Ở thành phố có những nơi không có tiếng chuông chùa thì nghe cái gì? Từ khi chúng tôi đi sang Canada làm Phật sự, ở đây ít khi nghe được tiếng chuông chùa, mà chỉ có nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Khi đó, chúng ta đừng phân biệt đây không phải là tiếng chuông tỉnh thức. Vì vậy khi chúng ta nghe tiếng chuông reo của chiếc đồng hồ, gia đình chúng ta phải thực tập lắng nghe. Giả như trong lúc chúng ta đang giận nhau, đang cãi nhau ta cũng phải cố gắng buông xả để thực tập tiếng chuông tỉnh thức ấy!
Bởi vậy, phương pháp lắng nghe là một bí yếu để chúng ta nhập đạo, nó có khả năng chuyển hóa từ tham, sân, si thành giới, định, tuệ. Nếu chúng ta biết thực tập phương pháp lắng nghe, thì ta có thể hiểu và thương những người xung quanh ta. Bồ tát Quan Thế Âm là vị Bồ tát luôn luôn lắng nghe: nghe đến cái chung cùng sâu thẳm nỗi khổ của chúng sanh để mà tầm thanh cứu khổ. Học phương pháp lắng nghe là chúng ta đang đi trên con đường, hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, mà họ không chịu học phương pháp lắng nghe của Ngài, nên khổ vẫn hoàn khổ, đau thương vẫn là đau thương.
Phương pháp thực tập lắng nghe, chính là nghe lại nỗi niềm thao thức của tâm hồn chúng ta vậy! Một người mà hiểu được mình, chính là người đó thông cảm được với người khác. Do đó chúng ta phải thực tập hạnh lắng nghe của Ngài để làm vơi bớt những nỗi khổ của người khác. Chỉ cần lắng ghe thôi thì chúng ta đã cứu khổ rất nhiều người. Từ khi sang phương Tây làm Phật sự, chúng tôi mới thật sự thấy rõ, phương pháp lắng nghe là tối hệ trọng. Có những người, họ khổ vì chồng, vì con, xã hội… họ định quyên sinh cuộc đời của họ, song họ tìm đến mình tâm sự hết những nỗi khổ buồn vui trong cuộc đời, thì họ lại vui lên và tìm ra con đường của chân hạnh phúc.
Như vậy, con đường của sự lắng nghe này, là con đường để thể nhập chân lý giác ngộ. Nương nơi lắng nghe trở về tự tánh là yếu chỉ của Kinh Lăng Nghiêm, đồng thời cũng là con đường cực tắt để siêu việt quả Vô thượng Bồ đề. Chơn tánh là thể của tâm, vốn không sanh không diệt, cũng ngay tại đây cái nghe và cái bị nghe đều tiêu dung trong tự tánh Bát nhã. Chính trong cái khoảnh khắc thực tại này, phiền não tức khắc rơi rụng, tuệ giác hiện bày, thực tại liền hiển lộ.
Do đó trên từ chư Phật, dưới đến các hàng Tông Sư đều khen ngợi công đức huân tu của Bồ tát Quan Thế Âm vậy! Tự tánh mê tức là chúng sanh, tự tánh giác tức là Phật, từ bi tức là Quan Thế Âm, hỷ xả gọi là Đại Thế Chí, hay tịnh tức đức Thích Ca, bình trực tức Phật Di Đà. Nhân ngã ấy Tu di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại rồng dữ, hư vọng là quỷ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh. Này Thiện tri thức! thường làm mười điều lành thì thiên đường liền đến, trừ nhân ngã thì núi Tu di ngã, dẹp được tham dục thì biển nước độc khô, phiền não không thì sóng mòi mất, độc hại trừ thì rồng cá đều dứt.
Ở trên tâm địa mình là giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh hay phá sáu cõi trời Dục, tự tánh trong chiếu ba độc tức liền trừ địa ngục v.v… các tội một lúc đều tiêu diệt, trong ngoài sáng tột, chẳng khác với cõi Tây phương, không chịu tu như thế này làm sao đến cõi kia?
Chánh văn:
Lìa địa ngục thoát hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sanh.
Chú thích:
Tiếng Phạn: Niraya. Tiếng Hán: địa ngục, bất lạc, khả yểm, khổ cụ, khổ thí, vô hữu.
Nơi thọ khổ của chúng sanh tạo ác nghiệp như ngũ nghịch thập ác. Tùy theo các ác nghiệp của chúng sanh mà địa ngục có tên gọi khác nhau như Bát Đại địa ngục, Bát Hàn địa ngục, Bát Nhiệt địa ngục, Vô Gián địa ngục.
Theo phẩm Địa Động trong Luận Lập Thế A Tỳ Đàm:
“Địa ngục ở ngoài núi Thiết Vi, chỗ hẹp nhất là 8 vạn do tuần, chỗ rộng nhất là 16 vạn do tuần”.
Song theo tinh thần của nhà thiền địa ngục còn gọi là Bất như ý xứ, nghĩa là chỗ không vừa ý.
Như trong Thiền Thoại có ghi câu chuyện:
“Một sáng nọ, có vị thí chủ hỏi ba người con trai của mình:
- Tối qua ngủ có ngon không?
Người con trai đầu đáp:
- Rất ngon, con nằm thấy một giấc mơ đẹp, nằm thấy đến thiên đường chơi.
Người cha mỉm cười hỏi:
- Vậy con có cảm giác như thế nào đối với thiên đường?
Người con trai đầu đáp:
- Rất tốt, giống như nhà chúng ta vậy.
Người cha nghe như vậy cười vui vẻ.
Người con trai thứ hai đáp:
- Rất tốt, con nằm mộng thấy đến thiên đường!
Người cha cười hỏi;
- Vậy con có cảm giác ra sao đối với thiên đường?
Người con thứ hai đáp:
- Rất tốt giống như nhà chúng ta vậy.
Người cha càng cười nhiều hơn.
Người con trai thứ ba lại bĩu môi nói:
- Con đêm qua nằm thấy một cơn ác mộng, nằm mộng thấy đến địa ngục.
Người cha nghe vậy cười nhạt nói:
- Cũng không có gì kỳ lạ, vậy địa ngục ấy như thế nào?
Người con thứ ba đáp:
- Quá tồi tệ giống như nhà chúng ta vậy…”.
Thiền ngữ có nói: “Nhất thủy tứ kiến”. Nước đối với con người nó là nước; đối với cá thì nó là nhà ở của cá; đối với quỷ đạo chúng sanh thì nó là ngọn lửa rừng rực; đối với thiên thần nó là thủy tinh óng ánh.
Môi trường và điều kiện sinh trưởng của ba người con trai hoàn toàn giống nhau, nhưng người con trai đầu và người con thứ nhì cảm thấy trong nhà giống như thiên đường, còn người con trai thứ ba cảm thấy trong nhà giống như địa ngục, ấy cũng giống như đạo lý “Nhất thủy tứ kiến”. Người con trai đầu và người con thứ hai cõi lòng rộng mở, nên cảm thấy trong nhà giống như thiên đường; còn người con thứ ba lòng khép chặt, nên cảm thấy trong nhà giống như địa ngục.
Như vậy niềm vui và khổ đau, hạnh phúc và hận thù, thiên đường và địa ngục đều nơi tự tâm ta lưu xuất. Nên Kinh nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.
Nên có câu chuyện thiền ghi:
“Có vị tướng quân đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn: - Có thiên đường và địa ngục không?
Ngài nói: - Ông là ai?
Tướng quân nói: - Là tướng quân.
Ngài nói: - Sao giống đồ tể quá vậy!
Tướng quân liền rút kiếm ra.
Ngài nói: - Đây là địa ngục.
Tướng quân nghe nói liền tra gươm và vỏ, quỳ xuống xin sám hối!
Ngài nói: - Đây là thiên đường.”
Như vậy, một niệm sân vừa dấy khởi, ta chạy theo, ta mắc mưu ngay đó chính là địa ngục. Còn ngay đây ta chánh niệm tỉnh thức, biết xoay lại nhìn rõ từng tâm niệm của mình, để kịp thời chuyển hóa thì ngay đó chính là thiên đường.
Song người hành giả ít khi nào nhận ra điểm này, ta cứ nghĩ học đạo là phải ngộ đạo, là phải chứng nhập vào những cảnh giới cao siêu nào đó! Nhưng ta chỉ cần một niệm biết xoay lại, một niệm biết tỉnh thức, đó chính là ta đang công phu đắc lực nhất. Ví như trên một dòng sông rác rưởi trôi rất nhiều, ta không cần đếm từng cọng rác, mà ta chỉ cần nhận diện từng cọng rác. Cũng vậy một niệm sân vừa dấy khởi, ta không cần xua đuổi, cũng không cần đè bẹp chúng, mà chỉ cần nhận diện chúng và tìm cách chuyển hóa từng tâm niệm này.
Nên Thiền sư Khuê Phong dạy:
“Chạy theo vọng tưởng dính mắc các cảnh là phàm phu”.
Đối cảnh mà tâm không động là Thánh nhân. Đối các cảnh tâm liền sanh tâm động niệm, mà biết cách chuyển hóa, đó là bậc tu đạo chân chánh.
Có những người vì một chút hư danh, mà họ sẵn sàng làm bất cứ việc ác nào, miễn sao họ thỏa mãn với những nhục dục danh vị đó. Đây chính là:
Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo
Địa ngục vô môn hữu khách tầm.
Nghĩa:
Thiên đường có cửa không người đến
Địa ngục không cửa có người vào.
Như vậy, chúng ta thấy rõ là bậc xuất trần Thượng sĩ, nếu chúng ta không theo hai chữ “Nhân quả” học. Tu suốt cả cuộc đời, chưa chắc gì thâm nhập, bởi vậy người xưa rất dè dặt về điểm này. Các Ngài công phu chưa được vuông tròn, ít có ai dám ra làm Phật sự. Vì sao? Vì nếu làm mà thiếu tu, thì đây chính là “Ma sự” chứ chẳng phải là “Phật sự”. Nếu không khéo ta làm thì chỉ thêm tăng trưởng ma nghiệp, còn con đường Phật đạo thì cách xa ta lắm!
Nên trong Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi:
“Tướng Công Vu Đích đến Thiền sư Đạo Thông hỏi:
- Thế nào là hắc phong xuy kỳ, thuyền phưởng phiêu đoạ la sát quỷ quốc?
Đạo Thông đáp: - Kẻ khách Vu Địch hỏi việc ấy làm gì?
Vu Địch đỏ mặt.
Sư chỉ nói: - Cái đó chính là phiêu đọa la sát quỷ quốc.
Vu Địch lại hỏi: - Thế nào là Phật?
Sư gọi: - Tướng Công!
Tướng Công: - Dạ!
Sư bảo: - Lại nhớ tìm gì khác”.
Đây là Tướng Công Vu Địch đem một đoạn trong Kinh Phổ Môn ra thưa hỏi. Kinh nói: chúng sanh vì cầu kim ngân, lưu ly… giả sử gặp gió đen thổi, ghe thuyền trôi dạt vào nước La sát… Trong ấy có người niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, thì mọi người đều khỏi nạn La sát v.v… Đoạn văn Kinh này tiêu biểu cho tâm thức của hành giả khi tu tập. Vì tìm kim ngân, lưu ly là tham, gió đen thổi thuyền trôi dạt là sân, cõi nước La sát là nguy hiểm tai họa, niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là tinh thần “Phản văn văn tự tánh” thì tai họa được hòa giải. Vì thế Tướng công Vu Địch vừa đỏ mặt, sư chỉ đó là: “Rơi vào trong cõi nước la sát”. Khi lửa sân vừa nổi lên, ta liền chuyển hóa tâm niệm này, tức là ta sống ngay trong tánh giác của mình, liền tỉnh thức không còn tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì ngay trong giờ phút thực tại này đó chính là con đường trở về Niết Bàn vậy!
Nên nói: “Lìa địa ngục thoát hầm lửa”. Ta đừng nghĩ rằng: có một hầm lửa cho chúng ta nhảy ra… mà Phật Tổ muốn chỉ cho chúng ta lửa đó là lửa: Tham dục, sân hận, si mê và ảo vọng. Lửa này nó vô hình không có tướng mạo, mà nó có một năng lực rất lớn, người nào gặp phải lửa này thiêu đốt đều thân bại danh liệt. Vì sao? Vì tuy là mang thân người mà không khác loài cầm thú.
Nên Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo, tất cả vạn pháp đều đang bốc cháy. Cái gì đang cháy? Sáu loại đối tượng của giác quan là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đang bốc cháy. Sáu loại đối tượng của giác quan là : sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp đang bốc cháy. Sáu loại nhận thức này là cái thấy… bốc cháy bằng thứ lửa nào? Bốc cháy bằng thứ lửa tham dục, lửa hận thù, lửa si mê và lửa ảo vọng. Tất cả đang bốc cháy theo với những cái khổ của sanh, già, bệnh, chết…”
Này các thầy, các thầy đừng để tự bốc cháy theo ngọn lửa của tham dục, của hận thù và của ảo vọng. Các vị phải thấy được tính cách vô thường và duyên sinh của mọi pháp, đừng làm nô lệ cho dòng sinh diệt của giác quan, đối tượng và cảm thọ.
Như vậy, theo tinh thần của Kinh Phật Bổn Hạnh Tập thì thứ lửa mà Đức Phật muốn khai thị cho các thầy Tỳ kheo, đó là thứ lửa của tham dục, hận thù, si mê và ảo vọng. Thứ lửa này nó thiêu đốt không chừa một ai, dù chúng ta có học thức, có tri kiến về Phật học, nếu chúng ta không dụng công tu tập về thiền quán, để chuyển hóa nội tâm thì cũng bị thứ lửa quái ác này thiêu đốt. Thiêu đốt ở đâu? Ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Nên trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy:
Người thuận theo dòng dục để mong được danh tiếng, khi danh tiếng vừa nổi, thì thân đã mất rồi. Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương khi người ta ngửi được mùi hương thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Cái lửa hại thân theo liền cái danh tiếng.
Đọc qua đoạn văn kinh này, chúng ta chỉ thấy rõ Đức Phật chỉ thẳng cho chúng ta về sự tác hại của danh vị rất là nguy hiểm. Thật vậy, có những người suốt đời bôn ba vì danh vị, mà không lo trau dồi về đức hạnh, đến khi thanh danh hiển lộ thì thân đã muốn bại hoại rồi.
Do đó người xưa học đạo, các Ngài rất dè dặt về điểm này, các Ngài thấy danh, nghe danh giống như bụi dính vào trong con mắt, còn mình thì lại đắm nhiễm về danh, đeo đuổi về danh, nếu có được danh vị mà lỡ mất đi, thì tìm đủ mọi cách để chiếm lại, dù trả giá rất đắt, hoặc dùng thủ đoạn tàn khốc nhất… Miễn sao danh vị lại đến với mình, người này tuy mang hình thức là tu đạo song đâu khác gì là kẻ phàm thân!
Nên Trang Tử nói:
“Làm theo danh mà bỏ mất mình thì không phải là kẻ sĩ”.
Trong Kinh Trung A Hàm, bài Kinh Anlentra, Phật cũng có dạy một số ví dụ vị ngọt và sự tác hại của lòng tham dục:
1. Khúc xương: Chỉ còn một ít thịt dính vào xương, con chó gặm rất vất vả. Dục cũng như vậy.
2. Miếng thịt: Con quạ có miếng mồi ngon là miếng thịt, những con quạ khác tranh nhau cắn mổ để giành miếng thịt. Dục cũng như thế.
3. Rắn độc: Cầm nắm đầu rắn độc không vững sẽ bị rắn cắn chết. Dục cũng như thế.
4. Như giấc mộng: Như người nằm mộng thấy nhiều cái đẹp nhưng tỉnh giấc mộng không có gì cả, như giấc mộng Nam Kha, mộng Hoàng Lương… Dục cũng như thế.
5. Như đồ vay mượn: Đồ vật mượn của kẻ khác thì phải trả, không phải của mình. Dục cũng như thế.
6. Như gậy nhọn: Người cầm cây gậy nhọn nếu không cẩn thận vấp té sẽ tự đâm hại bản thân mình. Dục cũng như thế.
- Như bó đuốc cỏ khô: Cây đuốc cháy hết sẽ bị nạn cháy tay. Dục cũng như thế
8. Dục như hầm lửa: Người bị bệnh phong đến bên hầm lửa hơ rất thích thú, nhưng sau đó thì bị nóng rát. Dục cũng như thế.
9. Như trái cây: Cây có trái ngon nhiều người đến hái. Dục cũng như thế.
10. Như có thịt: Là chỗ giết thú lấy thịt, nơi đầy máu và nước mắt. Dục cũng như thế.
Như vậy, bài kệ Nghe Chuông cho chúng ta một bài học thiết thực trong cuộc sóng giữa đời thường. Do đó, hành giả trong lúc nghe chuông, hoặc nghe tiếng chim kêu, dế gáy… Nếu trong giờ phút thực tại này, tâm ta luôn luôn an trú trong chánh niệm hiện tiền, thì tâm cuồng liền dứt, bao nhiêu thứ vọng tưởng tội cấu trong vô lượng kiếp ngay trong khoảng sát na hằng đoạn diệt. Vì rõ tánh tội vốn không, thấu tột muôn pháp như bọt bóng, như huyễn, như hóa, như làn điện… Dùng trí Bát nhã quét sạch căn cội vô minh trong nhiều kiếp. Và nghĩ đến cảnh khổ của địa ngục nào là: dầu sôi lửa bỏng, rừng gươm núi kiếm… mà phát tâm tu đạo Bồ đề, vượt qua sông mê ngàn kiếp, siêu thoát hầm lửa dục trần, thệ nguyện thành Bậc chánh giác, để độ thoát cho tất cả hằng hà sa số chúng sanh!
Nên Tổ Quy Sơn nói:
“Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục ma quân, hòng đền trả bốn ơn, cứu giúp ba cõi”.
Các bài mới
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 5 - Hạ đơn ( Xuống đơn) - 18/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 4 - Trước y (Mặc áo) - 18/06/2015
- BÀI 7: XUẤT ĐƯỜNG - Ra khỏi đường - 17/06/2015
- Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ) - 17/06/2015
- Bài 8: ĐĂNG XÍ - Vào nhà vệ sinh - 15/06/2015
Các bài đã đăng
- Bài 9: TẨY TỊNH - Rửa sạch - 13/06/2015
- Bài 10:KHỬ UẾ - Khử dơ - 12/06/2015
- Bài 11: TẨY THỦ (Rửa tay) - 10/06/2015
- Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt) - 09/06/2015
- Bài 13: ẨM THỦY (Uống nước) - 06/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 06106
- Online: 14