Ứng dụng lý nhân quả vào cuộc sống

06/12/2016 | Lượt xem: 4189

TT.Thích Thông Phương

I- XÁC ĐỊNH NIỀM TIN CHÂN THẬT

Nhân quả là một chân lý hiện thực của thế gian, không do đặt ra, không thuộc riêng một cái gì. Lâu nay người học Phật thường có hiểu lầm, cho đây là giáo lý phổ thông để dạy người sơ cơ mới vào đạo, người tu lâu không quan tâm. Sự thật thì ngược lại, lý nhân quả không phải tầm thường, người hiểu tột lý nhân quả không phải dễ dàng. Nghĩa là phải thấu tột bằng chính trí tuệ của mình, không phải chỉ hiểu qua loa trên chữ nghĩa. Điều quan trọng là, hiểu rõ và ứng dụng sống được chăng, đó mới là ý nghĩa thiết thực.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, mỗi người phải hiểu nhân quả có đúng là một chân lý để chúng ta tin hay không ? Và làm sao biết là chân lý ?

Đúng ý nghĩa, chân lý là suốt cả không gian và thời gian không thay đổi, không phải đúng ở chỗ này không đúng ở chỗ kia, hoặc đúng ở lúc này không đúng ở lúc khác.

Chúng ta hãy xét xem, nhân quả có tự bao giờ ? Không thể chỉ ra thời gian mà có thế gian, có chúng sanh là có nhân quả, từ xưa tới nay mọi vật trong thế gian đều không thoát ngoài nó. Từ cây cam, cây bưởi, con bò, con trâu, con trùng, con kiến, con muỗi đều có nhân mới thành quả, không ngẫu nhiên mà có. Tức nhân cha mẹ, nhân hạt giống… Ngay quả địa cầu tưởng chừng như có sẵn từ bao giờ, song theo các nhà khoa học phát minh, nó cũng từ những đám bụi ban đầu quay nhanh, kết dần mà thành.

Ở đây chủ yếu nhắm vào con người, vì đó là trọng tâm của cuộc sống. Mọi khổ vui, được mất trên đời là ngẫu nhiên hay đều có nhân ? Đồng là người tại sao có ngu có trí, có sang có hèn, có đẹo có xấu… sai khác nhau ? Ngay cùng cha mẹ sinh ra, cùng một huyết thống cũng có khác, có đứa con thông minh cũng có đứa con ngu độn, có đứa đẹp có đứa xấu… Cái gì tạo nên như thế ? Rồi trên trái hàng tỉ người, không gương mặt ai giống ai hoàn toàn ? Đó là vì sao ? Cái gì lý giải được những điều đó ? Quả là chỉ có nhân quả mới giải quyết thông suốt như trong phần “Nghiệp báo sai biệt” đã giải thích.

Đã xét đúng như thật rồi, từ đó chúng ta mới xác định niềm tin của mình không lay chuyển, vì đây là niềm tin đã được chọn lọc, đã suy xét kỹ, từ trí tuệ mà khởi. Phật cũng không áp đặt bắt buộc phải nhắm mắt tin. Do đó, đi vào thực tế, muốn biết chữ phải đi học, muốn có phước phải tạo nhân lành, không cầu quyển sách ước, cây gậy thần, không đổ lỗi cho may rủi, hên sui. Không phải đem nải chuối cúng Phật rồi cầu đủ thứ, không được thì bảo Phật không linh. Phật từng bảo, Ta không phải vị thần ban phước giáng họa. Ngài là người giác ngộ trước, và từ ánh sáng giác ngộ đó, Ngài chỉ bày nhân quả rõ ràng cho người, vạch ra cho thấy đâu là nhân đau khổ, đâu là nhân an vui, muốn được an vui phải tránh tạo nhân xấu ác mà tạo nhân tốt lành thì sẽ được an vui, được phúc lạc, còn cứ làm điều dữ, điều xấu không chừa mà cầu Phật ban phước, Phật làm sao ban ?

Vậy thì phải ứng dụng nhân quả vào cuộc sống như thế nào ?

II- XÉT QUẢ NGỪA NHÂN

Biết rõ quả hẳn từ nhân mà có, không có chuyện ngẫu nhiên. Hiện tại khổ hay vui đều nhân quá khứ đã tạo, muốn không khổ, muốn được an vui, phải tránh nhân xấu, đó là chân lý thiết thực. Kinh dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ tát có trí tuệ thấy rõ quả vốn từ nhân mà sanh, nên cẩn thận từ cái nhân, không muốn có cái quả đó thì trước phải tránh cái nhân đó. Trái lại, chúng sanh vì thiếu trí tuệ, cái nhân ác cứ tạo rồi khi quả đến thì than van oán trách, chạy trốn hoặc tự tử… Song trốn làm sao khỏi, khi quả đã chín tới ? Mình chửi người, mà muốn người đừng chửi lại, đừng oán hờn mình sao được ?  Nếu mình có quyền thế, họ không dám chửi lại ngay lúc đó, nhưng họ cũng hận trong lòng, gặp dịp mình thất thế họ sẽ trả lại cho mình.

Phật dạy người Phật tử phải biết giữ gìn năm giới cấm, chính là ngừa cái nhân dữ, giúp người sống được an vui đúng pháp. Kinh Pháp Cú có câu:

Người ngu làm điều ác

Không tự biết lỗi lầm

Khi tội thành, họa đến

Tự thiêu đốt thân tâm.

Người học Phật chân chính phải nắm vững lẽ thật này để  sống khế hợp với Phật pháp.

Hơn nữa người hiểu đạo, biết rõ quả vốn từ nhân mà có, nên dù gặp quả khổ đến vẫn cứ bình tĩnh trả, không oán trách than thở. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy về Hạnh Báo Oán như sau:

”Người tu hành khi gặp phải cảnh khổ, phải tự nghĩ nhớ rằng: Ta từ trong vô số kiếp lâu xa, đã bỏ quên gốc chạy theo ngọn, đành bị trôi nổi lang thang trong các cõi. Ở trong đó phần nhiều dấy tạo không biết bao nhiêu điều trái nghịch, oán ghét, hận thù. Nay đây, tuy không có phạm phải, nhưng đó là họa ương đời trước của mình, cái quả của nghiệp dữ đã chín muồi, chớ chẳng phải trời, chẳng phải người hay ai đem đến cho mình, sẵn lòng mà nhận chịu thôi, đều không sanh tâm oán trách. Kinh nói: “Gặp khổ chẳng lo buồn. Tại sao ? Vì biết thấu suốt duyên cớ”.

Tức là người biết tu, khi gặp cảnh khổ đến, tự xét rõ, đây là do nhân quá khứ của mình đã tạo, không phải ngẫu nhiên ai đem đến cho mình. Dù đời này mình không có tạo nhiều nghiệp ác, song trong quá khứ lâu xa của dòng luân hồi, mình đã tạo biết bao thứ nghiệp đâu thể nhớ biết, nay quả đã chín tới thì phải chịu, như có nợ trả xong thì nhẹ nhàng. Còn nhân lành hiện nay mình đã làm, nó sẽ kết thành quả về sau không mất đi đâu. Do quán xét như thế nên bình tĩnh trước cảnh khổ, yến tâm tu hành. Trái lại, người đời không rõ lẽ nhân quả sâu xa ấy khi gặp cảnh khổ tới thì oán trời trách đất, tưởng như trời đất bất công, sao cứ đem cảnh khổ đến cho mình. Không ngờ đó là quả mình đã tạo từ trước, oán hận, nguyền rủa, càng tạo thêm ni mới, khổ chồng thêm khổ, không thể hết.

Kinh Pháp Cú có câu chuyện:

Thuở xưa có anh chàng mồ côi cha, sống nuôi mẹ rất hiếu thảo. Đến tuổi trưởng thành nhưng chàng không chịu lấy vợ. Thấy con làm việc nhọc nhằn, bà mẹ khuyên chàng nên lấy vợ để giúp bớt việc nhà. Lần đầu chàng từ chối, nhưng bà bẹ nói nhiều lần, chàng đành chịu, và bà tìm cưới cho chàng một cô gái trong xóm. Không may cô dâu này không sinh đẻ, bà mẹ thì nóng lòng muốn có cháu, nên bà lại bàn với con trai cưới thêm vợ lẽ. Chàng trai nhất định không chịu. Bà mẹ cứ khuyên nhiều lần khiến cô vợ nghe được. Cô nghĩ, nếu để bà đi cưới vợ lẽ cho chồng thì cô sẽ bị xem thường, chi bằng tự cô đi cưới vợ lẽ cho chồng. Cô tìm được một cô gái trẻ trong xóm cưới về cho chồng. Nhưng rồi co cũng không an tâm. Cô dặn người vợ lẽ này khi nào có thai thì cho cô hay để cô mừng. Cô vợ sau thật thà, khi biết mình có thai bèn báo cho cô vợ cả. Cô này bèn tìm cách bỏ thuốc phá thai, kết quả cô vợ sau bị sẩy thai. Lần thứ hai cũng thế. Các chị em hàng xóm thấy vậy tò mò hỏi thăm và biết là do cô vợ cả hại, bèn bảo cô này không nên thật thà báo cho cô ấy biết nữa.

Lần thứ ba có thai, cô này im lặng không cho cô vợ cả biết. Nhưng cô ấy thấy bụng cô vợ sau to dần thì hỏi đến. Biết được rồi, cô không chịu thua, cũng tìm lúc cô vợ sau sơ hở, bèn bỏ thuốc phá thai như trước. Nhưng cái thai đã lớn thành hình nên khiến cho cả mẹ lẫn con đều chết. Trước khi nhắm mắt, cô vợ sau uất hận thề phải trả thù trong kiếp sau. Sau khi chết cô ta sanh làm con mèo trong nhà ấy. Ông chồng biết sự việc, bèn đánh đập người vợ cả, khiến người này cũng bệnh chết và tái sanh làm con gà mái ở trong nhà. Mỗi khi con gà mái đẻ trứng thì con mèo đều đến ăn sạch. Lần thứ ba thì nó bắt ăn luôn gà mái mẹ.

Gà mái chết sanh làm con beo cái. Con mèo sau đó không lâu cũng chết sanh làm con nai cái. Mỗi khi nai cái sanh con đều bị beo đến bắt ăn luôn nai cái.

Nai cái chết lại sanh làm quỷ Dạ xoa cái và bao cái chết thì sanh làm một con gái trong một gia đình tôn quý ở Xá Vệ. Khi lớn lên cô gái lập gia đình. Một thời gian sau, cô sanh đứa con đầu lòng, quỷ Dạ xoa bèn biến thành người bạn thân của cô đến thăm. Người nhà không biết, bèn chỉ cho Dạ xoa vào phòng con gái. Dạ xoa đi vào phòng và nhanh tay chộp lấy đứa bé nhai nuốt gọn. Lần thứ hai cũng thế. Đến lần thứ ba cô vợ bàn với chồng, ở đây có quỷ Dạ xoa đã ăn thịt hai đứa con trước, lần này định phải trở về nhà cha mẹ để sinh nở.

Nói về quỷ Dạ xoa, lúc ấy tới phiên phải đi lấy nước cho vị chúa tể cai quản mình, mấy tháng sau mới hết hạn trở về. Quỷ Dạ xoa vội vàng tìm đến gặp người vợ trẻ này. Đến nơi thì được biết cô này đã đi về nhà cha mẹ, nó liền chạy vào thành tìm.

Lúc này đã đến ngày đặt tên, bà mẹ tắm rửa và đặt tên cho đứa con xong, bàn với chồng trở về nhà.

Trên đường về, đi ngang qua Tinh xá, đến hồ nước của Tinh xá, cô giao con cho chồng và xuống hồ tắm. Tắm xong, cô lên ẵm con cho chồng tắm. Ngay lúc ấy, Dạ xoa chạy tới, cô vợ hoảng hốt, vội ẵm con chạy thẳng vào Tinh xá. Gặp lúc Thế Tôn đang thuyết pháp giữa chúng hội, cô đặt đứa bé dưới chân Thế Tôn và thưa: “Con xin cúng dường Ngài đứa bé này, xin Ngài cứu lấy nó!”.

Quỷ rượt tới cổng Tinh xá bị thần giữ cổng ngưng lại. Thế Tôn biết, bèn bảo Tôn giả A-nan gọi vào. Thế Tôn dạy: “Sao ngươi làm như vậy ? Nếu không gặp một vị Phật như ta, ngươi sẽ ôm ấp mối hận này đến ngàn đời không khác gì con rắn và con cáo hay quạ và cú. Sao ngươi lấy oán trả oán ? Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Thế Tôn liề nói kệ:

Đời này hận rửa hận,

Muôn thuở chẳng sạch thù.

Từ bi rửa sạch hận,

Là định luật ngàn thu.

Dứt bài kệ Dạ xoa đắt quả Tu-đà-hoàn, và giải tỏa được mối oan trái hận thù từ nhiều kiếp.

Quả thực nếu không hiểu Phật pháp, rõ thấu lý nhân quả, cứ đem hận thù kết chặt với hận thù, tạo thành cái khổ truyền kiếp, cần cởi mở thì nhẹ nhàng và an vui cả hai. Oán hận nên cởi không nên cột, là điều cần phải nhớ!

Chuyện thứ hai là Ngài Giới Hiền ở chùa Na-lan-đà sống một trăm hai mươi tuổi, gặp pháp sư Huyền Trang từ Trung Hoa qua. Ngài hỏi thăm lai lịch xong, bèn xúc động mời ngồi và bảo để tử là Giác Hiền lúc đó cũng trên bảy mươi tuổi, thuật lại nhân duyên của Ngài cho chúng cùng nghe.

Ngài Giác Hiền cũng cảm động rơi nước mắt thuật lại rằng: “Hòa thượng vốn có bệnh phong thấp nặng, thường bị đau nhức như trăm ngàn mũi dao đâm vào. Ngài chịu đựng mấy mươi năm. Cách đây ba năm, chịu hết nổi, Ngài định nhịn ăn cho chết. Đêm đó, Hòa thượng bổng mơ màng thấy ba vị Bồ tát Quan Âm, Di Lặc và Văn Thù hiện đến bảo Ngài: “Phật dạy chán thân này nhưng không bảo hủy hoại thân. Ông do đời trước làm vị quốc vương đem binh đánh giết nhiều người, nay do công phu tu hành, tội kia đáng lý bị đọa nhưng chuyển lại thành bệnh hiện đời. Ông hãy nhẫn chịu, đợi ba năm sau có vị tăng từ Đông độ đến học pháp, ông chỉ dạy pháp Đại thừa cho vị ấy để truyền bá rộng thêm, bệnh ông cũng sẽ hết”. Nay Hòa thượng gặp Ngài Huyền Trang đây là đúng duyên đó, nên Hòa thượng xúc động”. Quả nhiên, từ đó bệnh của Ngài Giới Hiền cũng hết.

Ban đầu, Ngài Giới Hiền chưa biết rõ nguyên nhân bệnh khổ nên buồn chán, định nhịn đói cho chết. Khi được biết rõ nhân quả xưa nay rồi, Ngài có thêm sưa mạnh nhẫn chịu và làm lợi ích cho Phật pháp nhiều hơn. Hiểu rõ nhân quả càng giúp ích cho cuộc sống, đó là một lẽ thật.

III- BIẾT NHÂN KHÔNG MÊ QUẢ:

Trên là chiều nghịch, đây là chiều thuận. Nếu hiện tại mình được quả tốt, phước báo sung sướng nhưng không mê mờ trong đó mà tự kiêu căng khinh người, biết rõ thảy do nhân lành đời trước mình đã tạo, không phải tự nhiên mình có. Nếu không biết vun bồi tiếp, sẽ có lúc tiêu hết. Tổ Bồ-đề-đạt-ma dạy trong Hạnh Tùy Duyên như sau:

“Chúng sanh vốn không có ngã, thảy do nghiệp chuyển thành, đồng nhận cả khổ vui đều do duyên sanh. Nếu người được quả báo thù thắng giàu sang, có tiếng tăm…, đó là do cái nhân trước kia ở đời quá khứ đã tạo mà cảm nên, nay mới có được, khi duyên hết cũng trả về không, có gì vui mừng ? Hoặc được, hoặc mất cũng chỉ tùy duyên, tâm không thêm bớt, gió mừng chẳng làm động, thần thuận với đạo”.

Đây Tổ dạy, người tu hành phải xét như thế để trừ lòng kiêu căng, tự hào, quên tạo duyên lành tiếp xúc để dùng về sau. Câu chuyện sau đây sẽ làm sáng tỏ thêm ý nghĩa này:

Bà Tỳ-xá-khư một nữ thí chủ quan trọng trong thời Đức Phật. Lúc còn trẻ, bà được gả về làm dâu cho một gia đình vị chưởng khố giàu sang có tiếng. Hôm ấy, bà đứng quạt hầu cho ông cha chồng đang ngồi trên một chiếc ghế sang trọng, ăn món cháo thượng vị với mật đựng trong đĩa vàng. Lúc đó có một vị Tỳ kheo vào nhà khất thực. Tỳ-xá-khư vội đứng qua một bên cho ông cha chồng nhìn thấy Trưởng lão, nhưng ông tuy thấy vẫn giả như không thấy, cứ cuối xuống ăn. Tỳ-xá-khư liền thưa với Trưởng lão: “Xin cứ đi vì cha chồng tôi đang ăn thức ăn thiu!” Ông này nghe con dâu mới về dàm nói như thế, bèn nổi giận bảo dẹp mâm cháo và ra lệnh đuổi Tỳ-xá-khư ra khỏi nhà. Vì gia nhân và tỳ nữ đều thuộc người của cô nên không ai dám hé môi, cô liền thưa với cha chồng:

- Thưa cha, lý do đó không đáng để con bị đuổi đi. Con không phải là cô gái tầm thường ngoài đường, ở một chỗ tắm nào đó bên bờ sông được cha lượm về. Con gái nhà gia giáo, có cha mẹ đàng hoàng, không thể rời nhà chồng bởi lý do đó. Ngoài ra, cha con có giao cho con tám gia chủ bảo hộ, và khi có lỗi họ có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề. Xin cha cho mời tám gia chủ đến phân xử.

Tám vị ấy được mời đến. Ông cha chồng bảo:

- Ngày đại lễ như thế, địa vị của tôi như vầy mà cô ta lại bảo tôi ăn cháo thiu. Các ông hãy buộc tội cô ta và đuổi khỏi nhà này.

Các gia chủ kia hỏi:

- Có phải thế không, thưa cô ?

Tỳ-xá-khư đáp:

- Lời tôi nói không đúng hẳn như thế. Số là có một vị Tỳ kheo đi khất thực dừng hân trước cửa nhà. Cha chông tôi đang dùng cháo ngon với mật, hoàn toàn không nhìn đến trưởng lão. Tôi thiết nghĩ ông không có tạo được phước đức mới hiện đời, chỉ hưởng phước đức cũ của đời trước. Do đó tôi nói với vị Tỳ kheo là ông đang ăn đồ cũ. Vậy tôi có lỗi gì ?

Các gia chủ đều đồng ý là Tỳ-xá-khư nói đúng.

Rõ ràng, hiện nay tuy có phước mà có lo hưởng không tạo thêm nhân mới, giống như ăn cháo thiu ngày hôm qua chứ gì! Phước đó nó cũng vô thường, không còn mãi, hưởng hết họa sẽ tới. Ngàn xưa có câu: “Có phước không nên hưởng tận”. Trong hiện tạo có biết bao người đang sống giàu sang, quyền thế, bỗng dưng tai nạn đến tiêu tan sự nghiệp, bị tù tội… đây là một sự thật rất nên nghiệp xét kỹ!

Người học đạo sáng suốt khéo lấy đó tư cảnh tỉnh m. Gặp khổ đau không buồn trách, gặp vui sướng không kiêu căng, mà luôn luôn nuôi dưỡng tâm lành, tạo nghiệp lành, trồng nhân tốt để lo xa về sau. Đốn cây to phải lo trồng cây nhỏ, đó là sống có hậu.

IV- TRẢ LẠI QUYỀN TỰ CHỦ CHO CON NGƯỜI:

Đã rõ khổ vui là do chính mình tạo, rồi mình nhận lấy, không ai đem đến, không đổ trách nhiệm cho ai, không ỷ lại, cầu mong một chiều từ bên ngoài.

Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Tự mình làm điều ác,

Tự mình sanh ô nhiễm.

Tự mình không làm ác,

Tự mình thanh tịnh mình.

Thanh tịnh, không thanh tịnh,

Đều do tự chính mình.

Ai thanh tịnh cho ai ?

Tự mình làm ác, là mình tạo nhiễm ô, nhơ xấu cho mình, không ai làm mình nhiễm ô. Cũng vậy, tự mình không gây tạo điều ác, là tự mình làm cho mình thanh tịnh, lẽ thật là như vậy, đâu ai khác làm cho mình thanh tịnh, nếu mình không muốn sống thanh tịnh, tức tránh điều ác! Đây là trả quyền tự chủ cho tất cả người thế gian. Chính mình có quyền làm cho mình thanh tịnh, hay làm cho mình nhiễm ô, tự mình định đoạt lối đi cho mình, không ai chen vào. Mà có đúng vậy chăng ? Nếu tâm mình cứ tham đắm nhiễm ô thì ai có thể làm cho mình thanh tịnh ? Mình không chịu tu, ai có thể tu thay cho mình, làm cho mình giác ?

Tring kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A-nan sau khi bị nạn Ma-đăng-già làm mê hoặc, trở về gặp Phật liền thưa:

Con tưởng xuất gia theo Phật, ỷ lại vào oai thần Phật mà nghĩ, mình không phải nhọc nhằn tu tập, Như Lai sẽ ban cho con Chánh định. Nay mới biết, tuy học rộng nghe nhiều mà chẳng tu tập thì cùng người chưa nghe không khác. Như nói ăn trọn chẳng nghiệp bụng.

Ngài A-nan ban đầu ỷ lại, trông cậy vào Phật, vì Ngài là em Phật. Sau mới biết, việc tu hành phải chính mình tự tu mới có khả năng giải thoát cho mình. Câu: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, là câu Phật thường nhắc nhở hàng đệ tử.

Có câu chuyện thiền: có một tín đồ đang đứng dưới thềm nhà tránh mưa, thấy một vị thiền sư cầm dù đi qua liền gọi to:

- Thiền sư! Hãy độ khắp chúng sanh một phen đi! Đem con đi một quảng đường thế nào ?

Thiền sư bảo:

- Tôi ở trong mưa, ông ở dưới mái hiên không có mưa, ông chẳng cần đến tôi độ.

Tín đồ liền chạy ra khỏi mái hiên, đứng trong mưa nói:

- Hiện tại con đang ở trong mưa, xin độ con đi!

Thiền sư bảo:

- Tôi ở trong mưa, ông cũng ở trong mưa, tôi chẳng bị mưa ướt, nhân vì có dù; ông bị mưa ướt, bởi do không có dù. Do đó chẳng phải tôi độ ông, mà là dù độ tôi, ông muốn được độ, mời hãy tự kiếm dù!

Nói xong Thiền sư liền đi!

(Tinh Vân Thiền Thoại)

Câu chuyện thâm ý nhắc nhở người không thể hoàn toàn ỷ lại vào bên ngoài. Nhờ dù người, người không cho mình đành chịu ướt, sao bằng tự mình kiếm cây dù cho mình thì tự do đi trong mưa. Cũng vậy, tự mình phải tạo một sức công phu tu hành, để tự có khả năng thắng phục phiền não, vượt thoát khổ đau. Có ăn mới tự nghiệp bụng, cần nên nhớ!

V- ĐƯA CON NGUỜI ĐẾN VĂN MINH TIẾN BỘ:

Nếu ai cũng chấp nhận theo định luật an bai, sắp đặt sẵn thì hẳn không có phát minh. Các nhà khoa học không chấp nhận như thế, mà luôn thắc mắc, nghiên cứu, suy tìm cho ra nguyên nhân của mọi sự vật. Cái chưa tìm ra, khi bất ngờ tìm ra, gọi là phát minh. Như bệnh chó dại, bệnh lao, do ông Pasteur ông Kock chuyên tâm nghiên cứu quyết tìm ra nguyên nhân của nó, nên cuối cùng tìm ra vi trùng gây bệnh chó dại, vi trùng lao rồi mới dẫn đến chế thuốc để ngừa, để trị. Tức nó phải có nguyên nhân gây bệnh, tìm ra nguyên nhân thì sẽ có cách ngăn ngừa hoặc điều trị. Rồi vật chất, do các nhà khoa học tìm sâu cái nhân kết thành, mới phát minh ra nguyên tử, điện tử…

Chính Đức Phật ngày xưa đi dạo các cửa thành, thấy cảnh người già lụm cụm, người bệnh oằn oại đau đớn, người chết nằm trơ…, nếu Ngài an phận như mọi người thì đâu có giác ngộ. Mọi người cho đó là chuyện dĩ nhiên, định luật đã an bài, từ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình có sinh ra thì phải chết, mình cũng vậy thôi, chỉ đành cuối đầu chấp nhận. Riêng đối với Đức Phật, Ngài không chịu như thế, không thể là chuyện dĩ nhiên, nó phải có nguyên nhân của nó, nếu tìm được nguyên nhân thì sẽ có cách giải quyết. Do đó Ngài thắc mắc, quyết tìm nguyên nhân tại sao ai sinh ra rồi cũng già, cũng chết, không có cách gì giải quyết vấn đề sanh tử này sao ? Ngài bèn vượt thành xuất gia tìm đạo. Sau khi tìm học với các vị tiên thời đó, có vị dạy Ngài tu chứng đến định phi tưởng phi phi tưởng, một thứ định cao nhất của thế gian, nhưng Ngài cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn, vì vẫn còn trong sanh tử. Cuối cùng, Ngài từ giả hết, đến cội cây Tất-bát-la ngồi thiền định bốn mươi chín ngày đêm, phăng tìm nguyên nhân sanh tử của kiếp người.

Đến đêm bốn chín, khi sao mai mọc, Ngài bừng sáng lên, giác ngộ thành đạo, thấy rõ chính vô minh ái ngã là gốc sanh tử luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Chặt đứt vô minh ái ngã là giải thoát sanh tử. Từ đây sanh tử đã có cách giải quyết, không phải cúi đầu, bó tay đành chịu.

Bài pháp đầu Phật thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như tại Vườn Nai là giáo lý Tứ Đế, vốn nói rõ nhân quả thế gian và xuất thế gian.

1- Tập Đế là nhân, đưa đến Khổ Đế là quả, tức con đường đưa vào sanh tử luân hồi. Cái khổ của kiếp người có nhân của nó là Tập, tức những phiền não tham, sân, mạn, nghi, ác kiến…, chừng ào cái nhân ấy còn, là con người còn phải nhận lấy quả khổ trong đường sanh tử, đó là chân lý muôn đời, gọi là Đế.

2- Đạo đến là nhân, đưa đến Diệt Đế là quả. Muốn dứt cái khổ truyền kiếp trên để chứng niết bàn an vui tuyệt đối là Diệt Đế thì phải tu Đạo đế, như bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nói rộng là 37 phẩm trợ đạo, đó là nhân quả của xuất thế gian. Người thấu suốt hai chiều nhân quả này, và ứng dụng đúng đắn, sẽ đưa đến giải thoát chân thật, mở sáng con mắt đạo mà từ vô lượng kiếp bị che mờ. Sao dám xem thường lý nhân quả ?

IV- KHÔNG LẦM NHÂN QUẢ TU HÀNH:

Do nắm vững lý nhân quả để tu hành nên không tu lầm lẫn. Làm dữ, hại người, hại vật mà cầu Phật ban phước lành, là chuyện không thể có.

Trong kinh A-hàm Phật có kể câu chuyện:

Có các vị Bà-là-môn đến hỏi Phật:

- Thưa Ngài Cồ Đàm! Đệ tử Ngài sau khi chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được jo ?

Phật không trả lời mà hỏi lại:

- Đệ tử các ông chết, các ông có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không ?

Các vị ấy đáp:

- Được.

Phật liền dùng thí dụ: như có cái giếng sâu, một người lăn cục đá lớn để trên miệng giếng, rồi mời vài chục thầy Bà-la-môn đến hỏi: tôi xô hòn đá này xuống giếng, xin các thầy cầu nguyện cho nó đừng chìm được chăng ?

Các thầy Bà-la-môn đáp:

- Không được.

Phật hỏi:

- Tại sao ?

Các thầy đáp:

Vì đá nặng phải chìm tận đáy giếng thôi, dù cho cả ngàn người cầu cũng không được.

Phật lại dùng thí dụ:

- Như có người đem dầu đổ xuống giếng, rồi yêu cầu các thầy tới cầu nguyện cho dầu kia chìm tận đáy giếng, các thầy làm được chăng ?

Các thầy Bà-la-môn đáp:

- Không được.

Phật hỏi:

- Tại sao ?

Các thầy đáp:

- Vì dầu nhẹ nên phải nổi, dù có bao nhiêu người cầu cho nó chìm nó cũng không chìm.

Phật bảo:

- Cũng vậy, nếu người làm lành, làm đi tốt dù cho ácc ông cố cầu cho họ đọa địa ngục, họ cũng không đọa. Còn người làm dữ, tạo quá nhiều tội ác, dù các ông cầu nguyện mấy, họ cũng không thể sanh cõi lành.

Đây là Phật dạy nhân quả rành rõ, người học Phật nắm vững tu hành không lầm lẫn thì được kết quả như ý nguyện. Sâu hợn, nếu người tu giải thoát mà lo luyện cho thân sống lâu bền chắc thì sao ? Là trái nhân quả, lấy cái vô thường mà muốn cho thường sao được ? Không khéo lại nuôi dưỡng niệm ái ngã trở lại, trái xa cái nhân giải thoát rồi. Hoặc tu Phật mà tưởng cầu thần thông, mong được điểm đạo, là trái với thể như như, rơi vào trong thức tưởng, có được có mất, cũng thuộc vô thường, không phải con đường chánh giác.

Trong sử thiền Trung Hoa có nói đến một nhân duyên của thiền sư Đạo Ưng. Sư cất am nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường thọ trai. Hòa thượng Động Sơn thấy lạ, gặp sư hỏi:

- Mấy ngày nay sao ông không đến thọ trai ?

Sư thưa:

- Mỗi ngày có thiên thần cúng dường rồi.

Động Sơn bảo:

- Ta bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải. Ông rảnh chiều hãy đến đây!

Chiều sư đến. Động Sơn gọi:

- Am chủ Ưng!

Sư đáp ứng:

- Dạ.

Động Sơn bảo:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì ?

Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Theo thông thường, tu được thiên thần cúng dường là mọi người lễ bái không chán. Song đối trong nhà thiền, đó là còn có tâm bị thấy, tức chưa được chấp nhận. Huống nữa, tự mình mong cầu được thế này, thế kia thì càng bị quở.

Nếu đi sâu hơn nữa, hành giả phải thấu tột đến chỗ vừa khởi niệm liền rơi vào nhân quả rồi! Vì khởi niệm là động, là sanh, phải có quả là diệt, đây là nhân quả quả sanh diệt vi tế, người công phu thật sâu mới thấu tột. Đã nhận rõ đến đây, tỳi công phu tỉnh giác ngay trong từng tâm niệm, không để lầm theo một niệm nào, dù rất nhỏ nhiệm. LÝ NHÂN QUẢ đến đây có thể bảo là phổ thông, là chỉ dạy cho người cơ sở mới vào đạo được chăng ?

VII- TÓM KẾT:

LÝ NHÂN QUẢ là nền tảng đi vào đạo, người tu Phật phải nắm vững, hiểu kỹ không thể hời hợt thông qua. Chính hiểu rõ nhân quả sẽ giúp cho người tu học đủ niềm tin chân chánh không lầm, bình tĩnh trước khổ vui, lấy lại niềm tự tin để vươn lên, chuyển xấu thành tốt, và không lầm lẫn thành chê bai chánh pháp. Người đạt đạo cao không phải bác bỏ nhân quả , mà thấu rõ tường tận nhân quả, tự tại trong nhân quả.

Ngày xưa trong pháp hội của Tổ Bá Trượng có một ông già thường theo chúng nghe pháp. Hôm nọ, chúng ra hết chỉ còn ông già không đi, Sư hỏi:

- Ông là người gì ?

Ông già thưa:

- Con chẳng phải người. Thời quá khứ, thuở Đức Phật Ca Diếp, con làm tăng ở núi này, nhân học trò hỏi:

- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng ?

Con đáp:

Không rơi vào nhân quả.

Do đó, đến năm trăm đời con bị đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con thoát khỏi thân chồn.

Sư bảo:

- Ông hỏi đi ?

Ông già hỏi:

- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả chăng ?

Sư đáp:

- Không lầm nhân quả.

Ngay câu nói ấy, ông già đại ngộ, làm lễ thưa:

- Con đã thoát thân chồn. Con ở sau núi, dám xin Hòa thượng lấy theo lễ tăng chết mà tống táng con.

Sư vào trong gọi thầy Duy na đánh kẻng bảo chúng ăn cơm xong đi đưa đám một vị tăng. Đại chúng nhóm nhau bàn tán: “Đại chúng đều mạnh, nhà dưỡng bệnh không có ai nằm, tại sao có việc này ?”.

Sau khi ăn cơm xong, sư dẫn chúng đến hang núi phía sau, lấy gậy khơi lên thấy xác một con chồn vừa chết, bèn làm lễ thiêu như vị tăng chết.

Trong đây cho thấy, người làm thầy phải hiểu cho chín chắn, trước chúng chỉ đáp sai một câu phải bị đọa nhiều kiếp. Đáp “không rơi vào nhân quả”, tức sống ngoài nhân quả, bỏ lại nhân quả, khiến người dễ bài bác nhân quả. Còn : “Không lầm nhân quả” tức người tu hành càng cao, càng thấy rõ nhân quả tường tận, rành rẻ không lầm lẫn, không lờ mờ nhân quả. Đó là một ý nghĩa thiết thực.

Xưa Đức Phật thành đạo, chứng Vô thượng bồ đề nhưng còn mang thân này thì cũng già, cũng bệnh, cũng hoại, song Ngài tự tại trong ấy, không vì nhân quả vô thường đó làm mờ đi ánh sáng Chánh giác của Ngài.

Các bậc A-la-hán chứng vô sanh nhưng còn mang thân này, thì cũng phải bỏ lại khi hết tuổi thọ, không phá bỏ nhân quả vô thường, song các Ngài ra đi tự tại, làm chủ sống chết, không đồng với người mê.

Tóm lại, một lý nhân quả này, nếu người thấu triệt rốt ráo, tức đã mở mắt trí tuệ, đâu phải tầm thường, không nên hời hợt cho là páap thấp, mình tu cao rồi không cần tới là sai lầm.

Với người Phật tử, đủ niềm tin nhân quả không thối chuyển, là bảo đảm đi trên đường chánh pháp, không rơi vào tà kiến. Người tu Phật nên chín chắn chớ xem thường!

Có bài thơ của Hàn Sơn:

            Chẳng hành đạo chân chánh,

            Theo tà hiệu Hạnh bà.

            Thần, Phật miệng dần ít,

            Tật đố chứa hằng sa.

            Sau lưng tham cá thịt,

            Trước người niệm Phật đà.

            Tu thân như thế đó,

            Gặp nạn tránh sao qua!

Nguyên văn:

            Bất hành chân chánh đạo,

            Tùy tà hiệu Hạnh bà.

            Khẩu tiệm Thần, Phật thiểu,

            Tâm hoài tật đố da.

            Bối hậu sàng ngư nhục.

            Nhân tiền niệm Phật Đà.

            Như thử tu thân xứ,

            Ứng nạn tỵ nại hà ?

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89363
  • Online: 29