Về Đến Nhà
24/04/2023 | Lượt xem: 1080
HT.Thích Thanh Từ
Trong quá trình tu hành, khi phát minh được điều gì mới, tôi luôn muốn chia sẻ cùng Tăng Ni và Phật tử. Tuy nhiên chỗ thấy của tôi không thể giải thích bằng lời, tôi chỉ có thể kể cho quý vị biết mình đã thấy như thế nào và cái nghi được vỡ lẽ ra làm sao. Người sáng suốt ngang đây sẽ thầm nhận được chỗ vào.
Như thường lệ, tối ngày 22 tôi cũng ngồi thiền. Đầu hôm bình an không có gì lạ nhưng tới khoảng 3, 4 giờ khuya bỗng dưng tôi cảm nhận khác. Trước đây thấy tâm mình tròn đầy trong sáng, vừa dấy niệm là hai, bây giờ nhận ra tâm cảnh bất nhị, tức là tâm mình và ngoại cảnh không hai. Đó là chỗ đặc biệt.
Khi biết khởi niệm là hai, bặt niệm là tâm tròn sáng thanh tịnh, tôi tin tâm tròn sáng thanh tịnh ở hẳn nơi mình. Đến thời điểm này tôi thấy tâm trùm khắp chứ không còn giới hạn nữa. Điều này chuyển hết tất cả sự tu của tôi, ôn lại những điểm còn nghi trước kia đều được vỡ lẽ, một niềm an vui tràn ngập trong tâm.
Thiền sử kể, một hôm vua Lý Thái Tông đến thăm thiền sư Thiền Lão, nhà vua hỏi:
- Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?
Thiền sư đáp:
- Chỉ biết ngày tháng này,
Ai rành xuân thu trước.
Đãn tri kim nhật nguyệt,
Thùy thức cựu xuân thu.
Vua hỏi:
- Hằng ngày Hòa thượng làm gì?
Ngài đáp:
- Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
Ngày trước tôi rất nghi chỗ này, tại sao trăng trong mây bạc lại hiện toàn chân, cái “chân” này nơi mình chứ đâu ở trên trời trên mây? Bất thần đêm đó tôi giải nghi được và không còn ngờ vực nữa. Rõ ràng trăng trong mây bạc hiện toàn chân, tôi nhận mình bà con với ngài. Tuy nhiên tôi vẫn thua câu đầu, bởi vì tôi còn “thức cựu xuân thu” nên chưa được “đãn tri kim nhật nguyệt”.
Cái nghi thứ hai trong đoạn đối đáp giữa ngài Tuệ Trung thượng sĩ và học tăng. Học tăng hỏi:
- Bạch Thượng sĩ, lời xưa nói: “Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân”, có đúng chăng?
Ngài đáp:
- Sa-di ăn măng rừng bữa trước,
Đâu như Pháp thân ngươi hôm nay.
Tăng lại hỏi:
- Còn câu nói: “Rậm rậm hoa vàng đều là Bát-nhã” là ý nói gì?
Ngài đáp:
- Hoa đào đâu phải cây bồ-đề,
Sao lại Linh Vân nhập được đạo.
Trước đây tôi nghi câu nói của chú Sa-di nếu “xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân”, thì ăn măng tre là ăn Pháp thân rồi, cổ đức nói không lẽ sai? Sau khi giải nghi được rồi, tôi nói “ngoài tâm không một vật, mà vật chẳng phải tâm”. Ăn măng tre không phải ăn Pháp thân vì măng tre là vật, không phải tâm. Đó là lý do người xưa thường nói “tâm hay sanh muôn vật”. Khi chưa hiểu chỗ này, tôi cho rằng thiền có tính cách duy tâm cực đoan, cái gì cũng tâm sanh hết. Nhưng bây giờ tôi thấy ngoài tâm không một vật, tâm trùm hết và vật không phải tâm. Cũng vậy, ngoài hư không không một vật và vật không phải hư không.
Chỗ này gần với câu “Bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ và hai câu thơ của thiền sư Minh Chánh “Chẳng biết bản lai vô nhất vật, công phu luống uổng một đời ai. Thật hay tuyệt! Lục Tổ thấy thể tánh rỗng lặng, không phải vật tượng có hình tướng nên ngài xứng đáng vào được cửa. Khi nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ngài triệt ngộ thốt lên rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.
Lúc trước ngài thấy thể của tâm không một vật, nếu có vật tức thuộc về hoại diệt. Nghĩa là ngài mới thấy được cái thể chứ chưa thấy tột sự bao trùm của tâm chân thật. Đến đây ngài thấy thật thể của bản tâm hay sanh muôn pháp, bao trùm tất cả. Nói sanh là một phương tiện chứ không phải như cha mẹ sanh con, cây này chết sanh cây kia. Trong nhà Phật dùng danh từ Pháp thân, chân tâm, Phật tánh để chỉ cho tâm chân thật không hai, trùm khắp pháp giới. Như vậy đối với câu ngài Tuệ Trung thượng sĩ bẻ, tôi đã thấy rõ không còn nghi ngờ.
Trong thiền sử kể về câu chuyện gia đình ông Bàng Uẩn thật thú vị. Một hôm đang ngồi trong am, ông chợt nói:
- Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt.
Bàng bà đáp:
- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư.
Linh Chiếu tiếp:
- Cũng chẳng khó cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò.
Tôi không nghi lời ông Bàng Uẩn và cô Linh Chiếu nói, chỉ nghi lời của bà thôi. Xưa nay học trong kinh sách mình chỉ thấy ý Tổ sư là chỗ không khởi niệm, vô tâm chứ chưa thấy ý Tổ sư đầy trên đầu trăm có bao giờ. Nhưng bây giờ tôi đã giải nghi đối với bà Bàng Uẩn và có thể nói khác đi một chút: “Vạn vật thượng đầu Tổ sư ý”. Nghĩa là không chỉ trăm cỏ mà tất cả các loại cây khác như dừa, mít, ổi... đều có ý Tổ sư.
Kế đến là đoạn đối đáp giữa thiền sư Nham Đầu và thiền sư Tuyết Phong. Trên đường đi hành cước, hai ngài gặp tuyết xuống quá nhiều nên tìm chỗ dừng lại ngủ. Ngài Nham Đầu ngày ngày lo ngủ, còn ngài Tuyết Phong một bề ngồi thiền. Một hôm, ngài Tuyết Phong gọi:
- Sư huynh! Sư huynh! Hãy dậy.
Ngài Nham Đầu hỏi:
- Dậy làm gì?
Ngài nói:
- Đời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thúy đi hành khước đến nơi chốn, bị y chê cười, từ ngày đến đây sao chỉ lo ngủ?
Ngài Nham Đầu nạt:
- Ngủ đi! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa, ngày sau bọn ma quỷ nam nữ vẫn còn.
Ngài chỉ trong ngực nói:
- Tôi trong ấy còn chưa ổn, không dám tự dối.
Thiền sư Nham Đầu bảo chỗ nào thấy chứ ổn cứ nói ra ngài giải nghi cho. Khi ấy ngài Tuyết Phong kể đầu đuôi gốc ngọn chuyện ngộ đạo của mình. Chặng đầu ở chỗ thiền sư Diêm Quan ngộ lý sắc không tức lý Bát-nhã. Chặng thứ hai ở chỗ thiền sư Động Sơn ngộ bài kệ qua cầu. Chặng thứ ba ở chỗ thiền sư Đức Sơn ngộ được thùng thông lủng đáy, không một pháp cho người. Đến đây ngài Nham Đầu nạt:
- Ông chẳng nghe nói “từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà”?
Ngài Tuyết Phong hỏi lại:
- Về sau làm thế nào mới phải?
- Về sau, nều muốn xiển dương đại giáo, mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi.
Từ hông ngực lưu xuất thì tôi chấp nhận nhưng che trời che đất tôi còn nghi, làm sao có thể che được? Thật khó hiểu! Tới đây tôi phá được cái nghi này, không có gì ngoài tâm chân thật, nghĩa là che trời che đất rồi. Lời người xưa nói chân thật không rỗng, chỉ vì chúng ta chưa tu tới đó nên không hiểu đâm ra nghi ngờ.
Tất cả việc làm của người xưa đều muốn đem lòng chân thật chỉ bày cho người sau. Có những chỗ chúng ta chưa hiểu nên dễ sanh hoài nghi. Cái nghi này không do đề khởi, nếu tiếp tục công phu đến thuần thục, phút giây nào đó cái nghi tan biến, thấy được lẽ thật.
Trước đây khi giảng đến chỗ tâm trùm hết là tôi suy lý theo lời Phật tổ dạy. Phàm cái gì có hình tướng đều giới hạn, dù lớn như quả núi cũng vậy, còn cái gì không hình tướng như hư không thì không có giới hạn. Tâm chân thật giống hư không không hình tướng nên nó trùm khắp. Đây là suy lý chứ thật sự tôi không thấy cái trùm khắp thật của nó. Đến giai đoạn này tôi đã thật thấy một cách rõ ràng tường tận không nghi ngờ. Điểm trọng yếu này đòi hỏi người tu Phật phải nhận thấu được, tôi chỉ kể cho quý vị nghe thôi, chứ không giải thích tại sao nó trùm khắp. Mỗi người ráng tu tới đây sẽ tự hiểu.
Sau khi giải hết nghi ngờ, sự tu hành của tôi cũng theo đó chuyển sang một hướng mới. Trước thấy tâm thể lặng lẽ tròn sáng, nếu dấy niệm tâm sẽ mờ tối nên cần phải bỏ hết niệm. Bây giờ tôi thấy tất cả các pháp không ngoài tâm mình. Thân này giống như bọt nước ngoài biển, vọng tưởng là những gợn sóng lăn tăn trên mặt biển và tâm thể của mình là biển cả bao la. Tôi đặt câu hỏi: “Phải loại bọt và gợn sóng lăn tăn đi đâu”, rồi tự trả lời: “Hết chỗ loại”.
Ngày xưa tôi ứng dụng lối tu thiền bằng hai cách loại ra và thu vào, tới đây hết loại được vì không còn gì để loại và không có chỗ để loại. Vọng tưởng là những gợn sóng lăn tăn nằm trong biển tâm trùm khắp. Chỉ cần vọng tưởng lặng xuống, biển tâm hiển hiện tròn đủ cho nên vọng tưởng cũng thuộc về tâm, chứ không phải cái bên ngoài.
Đến đây sự tu của tôi nhàn hơn một chút. Chỗ này quý vị cẩn thận đừng hiểu lầm rồi bắt chước làm sai. Nghe nói tu nhàn nhàn, ngồi chơi nhiều ngồi thiền ít, coi bộ dễ quá. Không phải! Muốn được nhàn như tôi phải đợi chừng nào thấy và sống với chỗ trùm khắp kia, chưa thấy mà làm theo là sai.
Thời tiết trên Đà Lạt rất lạnh nên tôi không thường xuyên ra ngoài chơi và nằm rất ít. Tôi thích ngồi thiền nhiều cho ấm, do ngồi thường xuyên nên tôi gọi mình là ông đạo ngồi. Nhưng khi về Thường Chiếu, tôi gọi mình là ông đạo nằm. Bởi vì ngồi một hồi mồ hôi ướt hết áo, thành ra tôi hay nằm võng hơn. Tùy theo trình độ sai biệt mà sự tu có những ứng dụng thích hợp. Nếu tâm xao xuyến nhiều mà hay đi ra ngoài thì càng xao xuyến hơn. Khi thấy tất cả các pháp không ngoài tâm mình, không có gì phải loại ra hay trừ bỏ thì đứng đâu cũng là chỗ tu. Hiện giờ thân này và vọng tưởng không còn giá trị gì đối với chỗ thấy của tôi. Nhẹ nhàng, thảnh thơi.
Có thể nói ngày trước tôi chưa xong việc nhưng vẫn dám dạy quý vị tu. Tôi từng nói, người tu giống kẻ đi lạc đường, nhất là lúc bị lạc trong rừng, lẩn quẩn tìm không ra lối thoát. Trong khi mình đang lo lắng khổ sở, một người bạn xuất hiện chỉ lối mở đường cho mình thoát nạn. Bấy nhiêu đó thôi cũng xứng đáng cái ân quá lớn rồi. Chư Tổ trong nhà thiền từng nói, người giải ngộ có thể làm thiện tri thức hướng dẫn người khác tu. Giải ngộ tức là thấy và nhận được tâm mình cho nên tôi rất thật thà, thấy sao nói vậy.
Tôi từng tuyên bố mình là kẻ biết đường về chứ chưa tới được nhà. Bởi biết đường về nên mới hướng dẫn lại cho quý vị. Tôi đi trước, quý vị theo sau, chúng ta cùng trở về nhà. Trải qua 20 năm kẻ đi trước nắm níu người theo sau, quý vị đi chậm tôi cũng không mau lẹ gì. Năm nay tôi quyết định gỡ tay, giao quý vị tự đi vì thế tôi được nhẹ nhàng thảnh thơi, bước đi một cách nhanh chóng. Cuối cùng tôi đã về đến nhà. Tuy nhiên tới được nhà chưa phải vô nhà ngồi tréo chân uống trà. Bởi cái nhà bỏ hoang lâu ngày, nào là nhện giăng bụi phủ, đủ thứ dơ tạp cho nên phải quét dọn lau chùi. Xong xuôi sạch sẽ rồi, mới dám lên bộ ngựa giữa uống trà.
Tới đây chúng ta mới thông cảm ngài A-nan. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, sau khi nghe đức Phật chỉ cho thấy rõ tất cả năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới cho đến bảy đại đều từ Như Lai tạng lưu xuất, ngài A-nan liền đại ngộ. Nhưng khi đức Phi nói đến nhân duyên và tự nhiên, ngài cũng lại như trước nghi nó là thật. Bởi vậy, đức Phật phải một lần nữa giải thích cho ngài A-nan thấy nhân duyên và tự nhiên đều không thật. Lúc này ngài mới tin chắc mình có cái chân thật quý báu, tuy nhiên vẫn không biết làm sao để vào. Giống kẻ nghèo cùng lang thang chợt được nhà vua tặng cho ngôi nhà đẹp mà chưa biết vào bằng cửa nào, xin Phật chỉ bày phương tiện. Do đó, về tới nhà chưa phải xong việc mà còn ra sức dọn đẹp mới được thảnh thơi. Đó là những điều thiết yếu trên con đường tu hành.
Gần một tháng trời tôi đắn đo không muốn nói ra những điều này vì e sợ một số người hiểu lầm, mình tu còn khoe khoang. Nhưng kẹt một điều, giả sử trong hàng môn nhân bất thần có người đến được chỗ tâm cảnh không hai, nhớ lại lời tôi dạy tâm thể tròn sáng dấy niệm là hai, họ sẽ sanh tâm ngã mạn thấy thầy thua mình một bậc. Nghĩ như vậy là tổn phước nên buộc lòng tôi phải nói ra. Hoặc sau này nếu có những thiền khách đến được chỗ tâm cảnh không hai, họ sẽ phê phán tôi khiến quý vị dễ thối tâm. Bởi hai lý do đó nên bất đắc dĩ tôi phải chia sẻ những điều mình thấy hiểu chứ không thể làm thinh. Đó là ý nghĩa buổi nói chuyện hôm nay.
Hôm trước tôi hứng thú làm một bài thơ mang tên Tặng Bạn, nội dung như sau:
Bạn biết chăng cuộc đời đầy đau khổ?
Bởi con người mãi gieo rắc hận thù.
Gây đau thương, gây tang tóc, ngục tù,
Rốt cuộc chỉ còn là cơn ác mộng.
Nào lợi danh, nào tài sắc,
Từ xa nhìn chúng óng ánh lung linh.
Bọn mình đua nhau tranh giành đuổi bắt,
Nắm được rồi, nhìn lại chỉ tay không.
Chúng vốn là những chùm bọt trên sông,
Còn chi đâu, chỉ toi công nhọc sức.
Trời trong, mây trắng, gió mát, trăng thanh
Vườn cây xanh rờn, khóm hoa cười mỉm.
Nhạc dế nhẹ nhàng, giọng chim thánh thót,
Chính nơi này đã hiện rõ chân nhân.
Hận ngàn năm đều tan nát trong mơ,
Đâu còn nữa những khổ đau buổi trước.
Muốn thấy nó bạn đừng theo vọng tưởng,
Niệm lăng xăng chìm lắng biển thanh bình.
Đến đây rồi, hạnh phúc khó thưa trình,
Chỉ xem thấy, nụ cười luôn hé nở.
Tựa đề bài thơ mang ý nghĩa tặng bạn đồng hành trên con đường tu tập, chứ không phải bạn thường ngoài thế gian.
Đoạn thứ nhất gồm bốn câu đầu. Sở dĩ cuộc đời tràn trề đau khổ vì con người không ngừng gieo rắc hận thù, hết gây đau thương lại gây tang tóc ngục tù, cuối cùng nhìn lại chỉ là cơn ác mộng. Tất cả khổ vui trên cõi đời này đều là mộng ảo không thật. Chẳng ai muốn mình mơ phải ác mộng, dù biết mộng không thật nhưng vẫn muốn mơ thấy mộng lành. Làm sao giật mình thức dậy còn cười được chứ đừng nước mắt giàn giụa. Người học đạo chân chánh phải biết tường tận mộng lành mộng dữ đều là mộng, đau khổ của cuộc đời không ngẫu nhiên có và mọi sự chỉ là cơn mộng ảo.
Đoạn thứ hai gồm sáu câu tiếp theo. Đứng từ xa nhìn lợi danh, tài sắc óng ánh, lung linh tuyệt đẹp nên thích thú đua nhau tranh giành đuổi bắt. Tuy nhiên, hạnh phúc nắm được cũng trở thành không, giống y như người vỡ mộng. Lợi danh tài sắc tuy đẹp nhưng không thật có, chúng chẳng khác nào những chùm bọt nổi trên sông nước. Trời nắng sáng, nhìn xuống mặt sông thấy chùm bọt óng ánh dễ thương, nhưng khi lấy tay vớt nó liền tan biến. Lợi danh tài sắc cũng như vậy, mải mê đuổi theo nắm bắt rốt cuộc chỉ uổng công nhọc sức mà thôi.
Đoạn thứ ba gồm sáu câu tiếp theo. Đây chính là chỗ tôi trình kiến giải: Trời trong, mây trắng, gió mát, trăng thanh,
Vườn cây xanh rờn, khóm hoa cười mỉm.
Nhạc dế nhẹ nhàng, giọng chim thánh thót
Chính nơi này, đã hiện rõ chân nhân.
Hận ngàn năm đều tan nát trong mơ,
Đâu còn nữa những khổ đau buổi trước.
Mọi thứ xung quanh chúng ta đều là con người chân thật của chính mình, hiện hữu đầy đủ, không vắng thiếu. Đến đây, những hận thù khổ đau trong muôn năm cũng tan biến như giấc mộng đêm qua.
Đoạn thứ tư gồm bốn câu kết. Muốn đến được chỗ chân thật, trước tiên phải đừng theo vọng tưởng. Tất cả niệm lăng xăng giờ đây lắng đọng trong biển tâm phẳng lặng trong trẻo. Chỗ này không thể dùng lời nói diễn tả, chỉ riêng mình nhận được chứ người khác khó có thể hiểu nổi. Niềm vui đó thầm thầm nhưng vô cùng an lạc.
Mong tất cả quý vị nghe hiểu và lãnh hội những điều tôi chia sẻ. Chúng ta cùng cố gắng tiến tu lợi mình lợi người, xứng đáng bổn nguyện người xuất gia tu hành cầu giác ngộ giải thoát và cứu độ chúng sanh.
Các bài mới
- Pháp Yếu Tu Thiền - 30/03/2023
- Quên mình theo vật - 22/03/2023
- Tu Thiền Là Cội Gốc của Đạo Phật - 15/03/2023
- Tổ Sư Thiền - 28/02/2023
- Mục đích của tôi - 19/01/2023
Các bài đã đăng
- Tin tâm - 18/01/2023
- Chỉ một chữ "Biết" - 26/12/2022
- Giác Ngộ và Giải Thoát - 22/09/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 08) - 29/07/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 07) - 12/07/2022
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89186
- Online: 38