Vu Lan Mùa Báo Hiếu

02/08/2024 | Lượt xem: 214

HT.Thích Thanh Từ

Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, quý Phật tử gần xa tụ hội về chùa dự lễ Vu-lan. Sau buổi tụng kinh, chúng tôi thường có một thời pháp nói về ý nghĩa của ngày này. Vu-lan còn có các tên gọi khác là Tự tứ, Phật hoan hỷ nhật, Cứu độ vong nhân và Mùa Báo hiếu. Năm nay tôi chú trọng nhiều hơn về chữ Hiếu, cho nên đề tài buổi giảng này mang tên Vu-lan mùa Báo hiếu.

Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lẽ ra hiếu thảo chỉ dành cho người thế tục, còn người xuất gia phải lo việc cao siêu hơn là độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân sanh tử. Thế nhưng, ngài Mục-kiền-liên tuy đã chứng quả A-la-hán vẫn nhớ đến người mẹ ngày xưa chưa biết đạo đức, muốn cứu mẹ thoát khỏi cảnh thống khổ. Bởi vậy ngài được nhân gian xưng tán là Đại hiếu Mục-kiền-liên, một gương hạnh tu hành đầy đủ công đức và thâm đạt đạo lý siêu thoát.

Vu-lan là ngày tưởng nhớ đức Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy làm lễ cứu độ vong linh mẹ thoát kiếp ngạ quỷ khổ đau. Chúng ta là con Phật cũng noi gương ấy, cố gắng siêng năng tu tập, hướng nguyện công đức về cho song thân đã quá cố hay còn hiện đời được nhiều lợi lạc. Trong nhà Phật đặt nặng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đây cũng là ý nghĩa vô cùng cao quý của mùa báo hiếu.

Tình thương của con đối với cha mẹ hoặc cha mẹ đối với con không phải bổn phận bắt buộc. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó từ thuở nào, không thể dùng lời diễn tả hoặc dùng hình ảnh tầm thường phô diễn được. Trong kinh Phật dạy, giả sử có người vai trái cõng cha vai phải cõng mẹ trải qua một thời gian rất dài, dù cha mẹ đại tiểu tiện trên lưng cũng chưa đủ đền đáp công ơn trời biển. Tại sao? Hình hài chúng ta có được từ máu huyết, tế bào của cha mẹ. Nó là của cha mẹ tạo nên, dùng nó để đền đáp lại công ơn cha mẹ chẳng biết bao nhiêu mới đủ.

Cha mẹ sanh ra chúng ta, thân này là của phụ mẫu, cho nên cha mẹ có quyền sử dụng. Huống nữa cha mẹ còn phải nuôi dưỡng, lo lắng cho ta từ thuở nằm nôi đến ngày lớn khôn. Bao nhiêu công lao cực khổ nhọc nhằn cha mẹ đều dồn hết cho con. Song thân vừa lo làm lụng để có cơm áo gạo tiền, vừa lo đối xử với xã hội để gia đình được bình an hạnh phúc, vậy mà không bao giờ cha mẹ than phiền hay trách móc. Đi đâu làm gì đều trông ngóng về con, thấy con mạnh khỏe là mừng, thấy con chạy chơi là vui. Nếu về nhà thấy con nằm bệnh hoặc buồn, cha mẹ xót xa đau nhói trong lòng. Ơn đức đó thật thâm sâu, khó có thể báo đền!

Nhiều lúc vì quá thương con mà cha mẹ quên đi sự hôi hám, nhọc nhằn. Dù con có đại tiểu tiện trên mình cũng không thấy nhờm gớm, chấp nhận hết mọi khó khổ để con được bình an mạnh khỏe. Cha mẹ giữ gìn con bằng cách nào thì phận làm con cũng phải đối lại với cha mẹ sao cho xứng hợp. Nghĩ đến sự hy sinh tột cùng của cha mẹ mà không dám lơ đễnh. Dù người xuất gia hay tại gia phải luôn khắc cốt ghi tâm điều này.

Tình thương cha mẹ dành cho con đâu phải vì bổn phận, nó xuất phát từ đáy lòng chân thật, vượt lên trên tất cả. Một Phật tử kể, hồi nhỏ cha cô mất sớm chỉ còn mẹ. Mẹ lúc nào cũng cưng chiều, thương yêu chăm sóc cô. Cô thích ăn cơm nạc, không ưa ăn cơm cháy, mẹ thấy vậy nói “mẹ thích ăn cơm cháy”. Vì nhường cho con mà nói khác đi, chứ sự thật đâu phải mẹ ưa cơm cháy. Tấm lòng cha mẹ đối với con thật vô bờ bến, sự hy sinh này không sao tính kể được.

Bởi lẽ đó, lòng kính thương cha mẹ của con không thể bắt buộc theo bổn phận, luân lý, mà nhuận thấm trong tim gan máu thịt. Từng tế bào, từng giọt máu của chúng ta đều từ cha mẹ mà ra, nên tình thương đó là huyết thống chứ không phải bình thường. Đằng sau sự trưởng thành của con có biết bao hy sinh khổ nhọc, quên ăn bỏ ngủ của cha mẹ. Nhiều khi con bệnh, cha mẹ phải chạy bán nhà bán ruộng, quên cả thân mình vì lo cho con. Thật không ngôn từ nào có thể phô diễn hết. Người làm con phải khắc ghi và đền đáp sao cho xứng đáng với hai chữ hiếu thảo.

Ngài Mục-kiền-liên sau khi đắc đạo, dùng thiên nhãn thấy mẹ sinh trong kiếp quỷ đói nên đem cơm đến dâng cho mẹ. Vì nghiệp nhân của bà quá nặng nên cơm vừa để vào miệng liền biến thành than đỏ. Trước cảnh ngộ đó ngài rất đau lòng, trở về tinh xá bạch Phật cầu chỉ dạy. Người đã đắc đạo còn thương mẹ thiết tha như thế, huống nữa chúng ta đang sống chung với song thân lại dám bỏ bê sao?

Đức Phật dạy ngài Mục-kiền-liên, đến ngày rằm tháng bảy cũng là ngày Tự tứ của chư vị thánh chúng nên thiết lễ cúng dường trai tăng. Nhờ sức chú nguyện và lực gia trì của chư vị thánh chúng giúp mẹ ngài chuyển đổi tâm ác, thoát kiếp ngạ quỷ. Vâng lời Phật dạy, ngài Mục-kiền-liên đã dùng hết khả năng và tâm thành hiếu thảo của mình thiết lễ cúng dường. Kết quả mẹ ngài được sanh lên cõi trời, nên ngày này được gọi là ngày xá tội vong nhân. Phật tử học hạnh hiếu thảo phải bắt chước gương hạnh ngài Mục-kiền-liên, ngõ hầu đền đáp phần nào công ơn cha mẹ. Nếu song thân đã quá cố được sanh về cõi lành, còn hiện đời được nhiều phúc lạc, tăng trưởng tuổi thọ và thiện căn.

Ngày nay với lòng kính tin Tam bảo và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, năm nào đến mùa Vu-lan Phật tử cũng sắm đủ phẩm vật cúng dường. Nhờ sức gia trì của Tam bảo và sức chú nguyện của tăng ni mong cứu thoát tội khổ cho cha mẹ. Sự thực ngày xưa ngài Mục-kiền-liên làm lễ có các bậc thánh tăng chứng dự gia hộ. Ngày nay người thọ lãnh chỉ là phàm tăng, như vậy sự hiệu nghiệm và kết quả e rằng không được viên mãn như sở cầu của quý vị. Lẽ ra chúng tôi không nên khuyến khích Phật tử đến chùa cúng lễ vào ngày rằm tháng bảy mà tại sao chúng tôi vẫn làm? Việc cầu mong tuy chưa hẳn được như ý nguyện, nhưng một ngày một giờ người con biết hồi tâm nhớ đến cha mẹ là đang sống với tâm chân thành, lương thiện và hiếu thảo.

Trong kinh Phật dạy, không tội lỗi nào lớn bằng tội bất hiếu, không phước đức nào lớn hơn phước hiếu thảo. Dù chỉ một giờ chúng ta tưởng nhớ cha mẹ là một giờ có phước đức. Hàng năm chúng tôi đều nhắc tới nhắc lui ơn đức của cha mẹ trong ngày lễ Vu-lan để gợi lại lòng hiếu thảo cho quý Phật tử. Trong cuộc đời này, cha mẹ là người có công lớn nhất đối với chúng ta. Nếu chúng ta bội bạc thì không còn ai để mình đối xử tốt hơn được. Người có đạo đức phải bắt đầu từ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Biết báo đáp công người đã hy sinh cho mình, từ đó mới có tâm từ thương xót mọi người xung quanh, dần dần lan rộng ra tới cộng đồng, xã hội.

Đạo đức phát nguồn từ lòng hiếu thảo, người không hiếu thảo khó có đạo đức. Phật tử tuy cúng dường chư tăng ni còn phàm tục, chưa đáp ứng đủ tâm nguyện như sở cầu, nhưng với lòng hiếu thảo phát tâm làm việc lành, thiện nghiệp của quý vị đã tăng trưởng. Điều đáng quý nhất là đối với cha mẹ hiện đời, quý vị biết thương nhớ và đem hết tâm chân thành cung kính báo đáp. Nếu cha mẹ đã quá cố, cũng đem lòng thành làm những việc thiện lành hồi hướng cho họ được siêu thoát. Đó là ý nghĩa thiết thực của mùa báo hiếu.

Trong sử kể lại rằng, thái tử Tất-đạt-đa vượt thành xuất gia vì muốn cứu cha mẹ và chúng sanh, chứ không phải lảng tránh bổn phận đối với vua cha. Cho nên sau khi đắc đạo, ngài trở về thăm hoàng cung, khuyên Tịnh Phạn vương quy y Tam bảo thọ trì Ngũ giới. Đến lúc vua cha lâm bệnh nặng, ngài khuyến tấn cha hướng tâm về con đường Phật đạo. Đức Phật thuyết lý vô thường của vạn pháp cùng bốn đức thường lạc ngã tịnh của Niết-bàn, Tịnh Phạn vương cởi mở tâm thức, thân tâm an lạc, chứng quả A-la-hán trước khi mạng chung.

Đối với thân mẫu là hoàng hậu Ma-da, sau khi sanh thái tử Tất-đạt-đa được bảy ngày, bà thác sanh về cung trời Đao-lợi. Vào mùa an cư thứ bảy, đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết Vi Diệu Pháp và kinh Địa Tạng Bồ-tát Bản Nguyện cho mẹ và thiên chúng nghe trong suốt ba tháng. Ngài đã làm tròn bổn phận của người con, độ được cha mẹ hiện đời và quá cố. Đệ tử của Phật là ngài Mục-kiền-liên chứng A-la-hán cũng cứu được mẹ. Ngày nay tăng ni đi tu đâu phải vì trốn tránh bổn phận đối với cha mẹ. Nhiều khi nghĩ cha mẹ ai cũng phải già chết, lúc còn sống chúng ta lo săn sóc nhưng chỉ giới hạn phần nào. Đến khi cha mẹ sắp qua đời, phải lo làm sao mới là điều thiết yếu.

Người xuất gia luôn mong mỏi đời này cha mẹ an ổn, những đời sau được tự tại thanh nhàn. Cho nên ai cũng ráng tu để độ mình độ cha mẹ và tất cả chúng sanh. Vì thế đi tu là lý tưởng siêu thoát vượt ngoài thường tình. Lòng hiếu thảo của người xuất gia phát xuất từ đạo đức chân thành, lòng dũng cảm và sự hy sinh cao đẹp. Trong kinh sách từ xưa đến nay có rất nhiều chuyện nói về gương hiếu hạnh của chư vị Phật, Bồ-tát, thánh tăng cũng như các bậc tôn đức trong tùng lâm để chúng ta noi theo.

Tôi có đến chùa Hồng Phúc tức chùa Hòe Nhai ở Hà Nội thăm Sư cụ trụ trì. Trước đó tôi đã được nghe câu chuyện về gương hiếu hạnh của thiền sư Tông Diễn, vị tổ truyền thừa dòng thiền Tào Động, dân gian miền Bắc quen gọi là Hòa thượng Cáy, miền Nam gọi là Hòa thượng Cua. Gặp Sư cụ, tôi thỉnh ngài kể lại hành trạng của thiền sư Tông Diễn và được ngài chấp thuận.

Chuyện kể rằng, thiền sư Tông Diễn mồ côi cha từ thuở nhỏ, sống với mẹ trong căn nhà lá đơn sơ, cách chợ chừng ba cây số. Mẹ ngài tần tảo bắt cá mò cua, buôn gánh bán bưng để nuôi con, ngài ở nhà lo cơm nước. Năm đó ngài khoảng mười hai tuổi, một hôm trước khi gánh hàng ra chợ bán, bà dặn: “Sáng nay mẹ bắt được mấy con cáy đang đựng trong giỏ treo nơi góc bếp. Con ở nhà giã cáy nấu canh, trưa mẹ về hai mẹ con cùng ăn.” Ngài vâng lời, khoảng giữa buổi ra vườn hái rau đay rồi vào bếp lấy giỏ cua xuống. Lúc đổ chúng ra chậu định làm thịt, thấy bọt sùi lên rất nhiều, ngài nghĩ cua đang khóc. Thương quá không nỡ giết nên ngài đem cua trút hết xuống ao cạnh nhà.

Tới trưa mẹ từ chợ về vừa mệt vừa đói, giở mâm cơm ra không thấy canh, bà hỏi:

-  Sao mẹ dặn nấu canh cáy mà con không nấu?

Ngài ngập ngừng thưa:

-  Thưa mẹ, hồi sáng định làm thịt cáy nấu canh, nhưng thấy chúng nó khóc quá, con tội nghiệp thả hết rồi!

Đang trong cơn mệt, bà bực tức lấy đòn gánh đánh con. Ngài sợ quá chạy một mạch không quay lại. Mẹ gục mặt xuống bàn, vừa tức tối vừa đau lòng. Tới chừng tỉnh lại gọi con thì không thấy đâu hết, vội nháo nhác đi tìm nhưng không thể được nữa.

Bấy giờ ngài lưu lạc đến một ngôi chùa và được cưu mang cho tu học. Sau này lớn lên ngài theo đại sư Thông Giác, ngày ngày sở học càng uyên thâm, công đức tu hành càng tăng tiến. Trải qua hơn bốn mươi năm, ngài đã trở thành Hòa thượng trụ trì một ngôi chùa, tâm luôn nhớ đến mẹ, muốn cầu báo hiếu. Nhiều lần trở về quê tìm thăm mẹ nhưng chẳng thấy tin tức. Cho tới một hôm ngài gặp một cụ bà đầu tóc bạc phơ, sống hiu quạnh nơi quán nước ven đường. Ngài hỏi chuyện:

-  Cụ lớn tuổi mà còn bán trà, sao không ở nhà con cháu nuôi?

Bà than:

- Thưa thật với Thầy, con chẳng còn ai cả. Trước đây con có đứa con trai, vì chút hiểu lầm nó sợ hãi bỏ con đi luôn. Bây giờ không biết ở đâu?

Nghe bà cụ kể lại chuyện cũ, biết chắc đây chính là mẹ mình nhưng ngài không nói ra, nhẹ nhàng ôn tồn hỏi:

-  Bà cụ muốn theo tôi về chùa không?

Bà mừng rỡ thưa:

-  Được thế thì còn gì bằng. Nhưng con già yếu rồi, không làm được gì, lại phải tốn hao cơm gạo của chùa, e sợ phải tội.

Ngài an ủi:

-  Không sao, bà cụ đừng lo. Người khỏe có việc của người khỏe, người già có việc cho người già. Quý thầy sẽ sắp công việc phù hợp với sức khỏe của cụ, không làm được gì, niệm Phật thôi cũng tốt mà.

Nghe thế bà cụ bằng lòng. Ngài nói tiếp:

-  Để tôi về bàn lại với chúng tăng trong chùa, nếu quý thầy bằng lòng, tôi sẽ tới rước cụ.

Về tới chùa, ngài họp tăng chúng hỏi ý kiến, mọi người đều hoan hỷ chấp thuận. Sau đó ngài cho cất một am tranh cạnh chùa rồi rước bà cụ về ở. Mỗi sáng, ngài ra trước đám cỏ khoanh một vòng, chỉ vào đó bảo: “Bữa nay cụ làm cỏ trong vòng này, vừa làm cỏ vừa niệm Phật nghe.” Ngày này qua ngày khác, cả bà lẫn chư tăng đều không biết quan hệ giữa bà với Hòa thượng trụ trì. Ít năm sau bà cụ già yếu dần, hồi xưa vẽ vòng lớn bây giờ Hòa thượng vẽ vòng nhỏ. Lâu dần bà cụ đau yếu không thể làm công quả.

Một hôm bà bệnh nặng, ngài và chúng tăng tận tình chăm sóc. Biết bà không thể qua khỏi nhưng vì có Phật sự phải đi vắng nên ngài dặn tăng chúng: “Nếu bà cụ có mệnh hệ gì, quý vị để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về hãy đậy sau.” Quả đúng như dự đoán, vài hôm sau bà cụ mất, chúng tăng trong chùa làm lễ tẩn liệm rồi đặt bà vào áo quan mà không đậy nắp. Ngày đêm mọi người thay phiên nhau tụng kinh niệm Phật.

Hai hôm sau, thiền sư Tông Diễn về tới, ngài chậm rãi bước quanh quan tài ba vòng, mọi người ai nấy đều ngạc nhiên trước cử chỉ hành động thành kính đó. Bỗng nhiên ngài cất tiếng nói:

-   Đức Phật từng dạy: “Một người tu hành ngộ đạo, cha mẹ sanh thiên.” Nếu lời ấy không sai thì xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh.

Nói xong, ngài cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, áp sát mái tranh rồi hạ xuống. Lúc đó mọi người mới biết bà cụ chính là mẹ của ngài. Ai nấy đều kính ngưỡng bậc chân tu đắc đạo với tâm hiếu hạnh vẹn toàn. Từ đó dân gian gọi ngài với cái tên thân thuộc gần gũi là Hòa thượng Cáy (Cua).

Câu chuyện là bài học quý báu cho tất cả chúng ta. Tuy rằng ngài đi tu nhưng đâu phải quên hẳn cha mẹ. Chỉ vì lúc đầu quá sợ hãi nên mới phải chạy trốn. Vô chùa cắm đầu lo tu, do lòng thành kính tu hành mà sau này độ được mẹ. Trong kinh thường nói, một người con tu hành đắc đạo cha mẹ sanh cõi trời. Nhắc lại sự tích này, tôi muốn củng cố thêm niềm tin vào sự tu hành cho tất cả quý vị. Hồi xưa đức Phật đi tu không quên cha mẹ, kế đến ngài Mục-kiền-liên đệ tử lớn gần với đức Phật cũng thế. Sau này cách chúng ta mấy trăm năm lại có thiền sư tu hành đắc đạo cũng không quên công ơn cha mẹ. Đó là những dẫn chứng cụ thể để chúng ta nương theo học tập và thực hành.

Ngược lại những tấm gương hiếu hạnh đáng quý kính, còn rất nhiều trường hợp bạc bẽo với cha mẹ, đây là điều chúng ta cần phải tránh. Thời Phật còn tại thế, ở nước Ma-kiệt-đà có thái tử A-xà-thế là con vua Tần-bà-sa-la (Bình-sa vương) và mẹ là hoàng hậu Vi-đề-hy. Vua cha và hoàng hậu đều mộ đạo và là đệ tử thân tín của đức Phật, chỉ riêng thái tử A-xà-thế chưa quy y Tam bảo, lại bị Đề-bà-đạt-đa xúi giục âm mưu ám hại đức Phật, giết vua cha để đoạt ngôi.

Hôm nọ vào lúc đêm khuya, Thái tử giấu thanh gươm trong mình lẻn vào phòng cha định ám sát nhưng bị phát hiện. Vua cha xét hỏi, Thái tử nói rằng vì muốn làm vua nên được Đề-bà-đạt-đa sắp đặt mưu kế. Với tấm lòng từ bi của một người con Phật, vua Tần-bà-sa-la tha tội cho con và trao ngai vàng. Với ý đồ xấu, Đề-bà-đạt-đa kể cho A-xà-thế biết khi Thái tử ra đời được tiên đoán là kẻ sẽ giết cha. Điều này làm cho A-xà-thế càng thêm bực tức. Tuy đã nắm được ngai vàng nhưng Thái tử không yên tâm. Vì thế ông ra lệnh hạ ngục và bỏ đói vua cha cho đến chết, chỉ một mình Hoàng hậu được phép vào thăm.

Mỗi lần vào thăm, bà Vi-đề-hy đều giấu thức ăn trong người, cho vua ăn. Giấu trong túi áo bị phát hiện, bà giấu trong búi tóc v.v… cách nào cũng bại lộ. Cuối cùng bà tắm rửa sạch sẽ rồi bôi lên mình một lớp thức ăn được làm bằng đường, sữa và mật ong. Lần này vua A-xà-thế biết nên cấm luôn không cho mẹ vào thăm cha. Tuy nhiên, với sự thực tập thiền quán học được nơi đức Phật, vua Tần-bà-sa-la vẫn duy trì sự sống một cách an ổn. Thấy cha chưa chết, vua A-xà-thế sai thợ cạo vào ngục, lấy dao bén gọt gót chân cha, xát dầu và muối rồi hơ lên lửa nóng cho đến chết mới thôi.

Song song với thời gian ấy, vợ A-xà-thế hạ sanh một đứa con trai. Quá sung sướng, ông thương con đáo để, xem như ngọc như vàng, quý báu vô cùng. Chừng đó A-xà-thế mới nghĩ không biết hồi xưa cha có thương mình như vậy không, liền chạy vào lãnh cung tìm Thái hậu hỏi:

-  Thưa mẹ, khi xưa lúc con ra đời, cha có thương con không?

Thái hậu Vi-đề-hy đáp:

-  Sao con hỏi lạ vậy? Cha làm sao mà không thương con.

-  Bằng chứng nào mà mẹ nói cha thương con?

Thái hậu kể lại năm bảy chuyện, trong đó có một điều khiến A-xà-thế sửng sốt. Bà nói:

-  Một hôm con bị mụt nhọt ở đầu ngón tay, nó hành đau đớn khiến con khóc nức nở. Cha đã lấy miệng hút mủ trong mụt nhọt ra, rồi nuốt luôn chứ không nhổ, vì sợ lấy tay ra con sẽ đau.

Nghe xong vua sững người, không ngờ cha thương mình như vậy mà mình lại hại cha. Ôm lòng hối hận, A-xà-thế hoảng hốt vừa chạy về khám đường vừa la lớn:

-   Thả cha ta ra, thả cha ta ra!

Tới nơi mở cửa ngục, vua cha đã chết. A-xà-thế đau đớn thống thiết vì không còn cách nào cứu được cha. Lúc đó ông mới biết mình đã phạm tội bất hiếu, nhất định phải đọa địa ngục. Ông tìm tới Phật than thở:

-   Con là kẻ giết cha, chỉ có cái chết mới đền được tội của con.

Đức Phật nói:

-   Dù chết vẫn bị đọa địa ngục, vì tội này thuộc trọng tội đại nghịch, phải nên phục thiện làm các việc lành mới mong chuyển nghiệp.

A-xà-thế nghe thế liền phát tâm quy y Tam bảo, thọ trì năm giới. Từ đó ông ăn chay, sám hối và khuyên tất cả quần thần quy y Tam bảo, dạy dân chúng làm mười điều lành v.v… Đó là bài học lớn có giá trị đối với tất cả chúng ta. Muốn bù đắp tội lỗi, chính mình phải chuyển nghiệp xấu và tu dưỡng nghiệp lành. Nếu hối hận mà tự tử là càng thêm tội, vẫn phải đọa địa ngục. Gương hạnh chuyển hóa của vua A-xà-thế thật đáng trân quý.

Những năm tôi ở thiền viện Chơn Không, gần đó có một vị dáng người vạm vỡ tuổi gần sáu mươi nhưng bị mù. Nhà ông có đứa con trai và một đám cháu nội. Tuy ông mù nhưng ngày nào con trai cũng bắt ra giếng gánh hai chục đôi nước về nhà mới cho ăn cơm, bữa nào không gánh thì không được ăn. Nghe những điều đó tôi thấy thật bất nhẫn. Nhiều khi thiếu gạo, ông lên núi xin mỳ, thấy hoàn cảnh thương tâm nên tôi cũng cho. Tôi không biết lý do tại sao, chỉ nghe người ta kể ông bị xử sự tàn nhẫn như thế. Sau này một người hàng xóm lên thiền viện chơi kể lại tường tận, tôi mới biết rõ nguyên nhân. Họ nói khi xưa lúc ông còn tráng kiện sống với người mẹ già bị mù. Mỗi lần bà mẹ nói điều gì trái ý, ông cầm roi quất mẹ, cho nên bây giờ bị con trai và cháu nội đối xử tệ bạc. Đây thực là những chuyện nhân quả trước mắt không đâu xa.

Khi chúng ta làm một điều ác tội lỗi, không thể tránh khỏi quả khổ. Hiếu thì được phước rất lớn nhưng bất hiếu lại mang tội không nhỏ. Muốn trở thành người con đạo đức, chúng ta phải đặt hiếu thảo lên trên. Ai chẳng biết mình có mặt trên cõi đời này gốc từ cha mẹ.

Lo lắng săn sóc, thương yêu cha mẹ là việc đương nhiên, không đợi ai ép buộc. Hiếu thảo không phát xuất từ luân lý bắt buộc, cũng không vì trong kinh dạy chúng ta mới làm. Tình thương sâu đậm giữa cha mẹ và con đã ăn sâu trong lòng mỗi người và sẵn có từ thuở nào. Chúng ta không có quyền quên giá trị thiêng liêng cao đẹp đó và phải thể hiện bằng cách ráng tu hành để báo đền ơn đức cha mẹ.

Ý nghĩa chữ hiếu trong đạo Phật rất rộng và thâm trầm, làm sao giúp cha mẹ ngay trong đời này và đời sau đều được an lành mới xứng đáng. Nếu cha mẹ đòi làm những việc sai lầm thiếu đạo đức, người con phải tìm cách khuyên can. Thậm chí không được giận cũng không nên nói lời nặng nề mà phải khôn ngoan khéo léo, tránh đừng để cha mẹ bị tổn phước. Đó là ý nghĩa hiếu thảo cao đẹp.

Tinh thần hiếu thảo trong nhà Phật vừa thương cho đời này, vừa nghĩ cho đời sau. Dù dâng cha mẹ món ngon vật lạ đến bao nhiêu cũng chỉ trong chốc lát. Thân vô thường trước sau đều phải chết, khi chết rồi nghiệp ác đã tạo trong đời này chừng đó ai cứu? Lòng hiếu thảo không chỉ hạn cuộc ngắn ngủi tạm bợ trong thân vô thường mà còn mang ý nghĩa sâu xa ở tương lai. Hướng cha mẹ về con đường Phật đạo, tu tạo thiện nghiệp và phước đức để đời đời an lành thảnh thơi mới thật là báo hiếu.

Tình thương cha mẹ không do bên ngoài áp đặt mà sẵn trong tim gan xương tủy của mỗi người con. Không cần đợi luân lý đạo đức dạy phải thương cha mẹ chúng ta mới thương. Không cần đợi người xưa nhắc nhở hiếu thảo, chúng ta mới hiếu thảo. Bổn phận làm con thì phải giữ gìn và luôn trân quý giá trị thiêng liêng này. Cha mẹ còn hiện đời là phước lớn, con cái phải đem lòng chân thành hiếu kính thờ phụng. Biết hướng đến điều thiện và sự tu tập để gầy dựng phước đức ngày càng tăng trưởng, xứng đáng tư cách người Phật tử tu theo đạo Phật. Đối với cha mẹ đã quá vãng, người con phải một lòng thành kính hướng về Tam bảo phát tâm tu hành, làm nhiều việc phước thiện hồi hướng công đức về cho cha mẹ. Đó chính là tâm hiếu thảo của những người con Phật.

Hôm nay nhân ngày lễ Vu-lan báo hiếu, tôi mong tất cả quý Phật tử hướng tâm về cha mẹ, khắc cốt ghi tâm ơn đức cao vời của song thân. Tự mình trôi tròn bổn phận đối với cha mẹ, đồng thời tạo dựng cho con cái biết trân quý giá trị đạo đức cao đẹp này. Làm sao những điều tốt lành ăn sâu trong tâm trí chúng, khiến con cháu sống đạo đức đầy đủ trí tuệ và tình thương. Đây cũng chính là bổn phận của người Phật tử. Mong quý vị cố gắng tu tập, xứng đáng là người con hiếu theo gương hạnh của ngài Mục-kiền-liên.

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 48502
  • Online: 26